Mùa đông, tháng một, trời rét buốt. Gió bấc hun hút thổi. Ngã ba Bạch Hạc chìm trong màn mưa. Ngọn cờ đen ở trước đồn quân Hán rã xuống như bộ lông quạ dúng nước. Bọn lính đồn co ro đi lại.
Gió bấc lạnh ngắt như luồn vào xương tủy và mưa như kim châm buốt thân thể trần truồng dầm nước của những người dân Giao Chỉ trên sông. Tóc bết trên gáy trên lưng, họ đứng trước mũi những chiếc thuyền nhỏ, dạng chân quay mình nửa vòng, vung tay, quăng lưới. Có những người trẻ tuổi, dáng khỏe mạnh, cầm lao nhảy xuống làn nước lạnh. Cá anh vũ vẩy xám màu thiếc, tròn lẳn như cá trắm, quẫy lộn trong lưới, cong mình trên những mũi lao nhỏ và dài. Xong mỗi mẻ lưới, thuyền cá bơi về bến, những tên lính Hán đứng nhận cá luôn miệng quát tháo, quất roi vun vút vào những người dân chài khốn khổ.
Gần đấy, một đám đông người đứng tụm lại với nhau, viên quan Hán khoa chân múa tay nói gì đó với họ. Đó là những chủ thuyền và những người thả mảng bị đồn Hán giữ lại để kiểm soát, thu thuế. Chắc hẳn có một người bất bình đã cãi lại, vì thấy tên quan Hán lồng lộn như con gấu bị nhốt, rồi mấy tên lính Hán túm lấy một người trong đám đông, roi gậy vụt túi bụi.
Tất cả cảnh tượng trên sông trên bến nước đồn quân Hán ấy đã được thu vào tầm mắt của hai người cưỡi ngựa trụ trên gò Mõ Phượng : một người đứng tuổi vạm vỡ, râu quai nón, mặc dù trời rét vẫn mở phanh ngực áo, và một cô gái nhỏ khoảng mười hai mười ba tuổi, gương mặt tròn trĩnh đỏ hồng không biết vì rét hay vì tức giận.
Cô gái nhỏ đặt tên, giương cung, nhưng người đứng tuổi vội nắm tay cô gái ngăn lại : " Chớ, chớ ! Nàng Nội à, lính Hán đánh đập người Giao Chỉ ta như thế là thường. Còn nhiều cảnh thảm khốc hơn kia. Thôi, ta đi thôi ! ".
Cô gái nhỏ tuổi giật mạnh cương con ngựa ô bờm dày tỏa bay như mây như khói, nói với người đứng tuổi : " Ông Thái à, em muốn đi tìm một con trĩ hay một chú vẹt sặc sỡ nào đem về chơi, đi nhé ! ". Hai con ngựa băm nước kiệu nhỏ, đi vào vùng rừng bên sông Lô. Người đứng tuổi nói : " Vẹt thì có, tôi biết có một khoảnh rừng có khá nhiều đấy, nhưng trĩ có mà lại hóa không. Trĩ, giặc Hán bắt phải nộp hết cho chúng. Trĩ và công của rừng Bạch Hạc này là của giặc Hán ". Cô gái nhỏ quất mạnh roi vào mông ngựa, không phải vì muốn giục ngựa phi nhanh hơn mà vì tức bực : " Nghe ông nói, cái gì cũng là của giặc Hán ! ". Người đứng tuổi im lặng một lúc rồi dằn giọng : " Ấy thế đấy, cái gì cũng là giặc Hán. Đất Bạch Hạc này tuy tướng công nhà là chủ trưởng nhưng cũng là đất của vua Hán. Không còn cái gì là của ta hết ! ".
Người con gái nhỏ không nói gì nữa, mặt đỏ bừng bừng như người say trầu. Đường hẹp, đá mấp mô, dây rừng cuộn như khúc rắn. Hai người xuống ngựa, buộc ngựa vào một cây kháo tàn rồi bắt đầu vào rừng.
* * *
Châu Bạch Hạc thời thuộc Hán chính là cố đô của nước Văn Lang xưa được mở rộng sang cả bên kia sông Lô. Chủ trưởng châu là Đặng Thi Huy một lạc tướng có danh vọng và quyền thế, em ruột Đặng Thi Sách huyện lệnh Chu Diên và anh ruột của lạc tướng Đặng Thi Bằng. Tuổi đã cao mới được một mụn con gái nên hai vợ chồng Đặng tướng công nâng niu quý mến Nàng Nội không xao kể xiết. Ở trong nhà, Nàng Nội được một nhũ mẫu cùng họ trông nom. Ra ngoài, Nàng Nội bao giờ cũng đi với một thủ hạ thân tín của Đặng tướng công họ Hàm tên Thái, một dũng sĩ mà các đô vật nổi tiếng trong châu đều tôn phục. Hàm Thái gan dạ và bình tĩnh nên rất được Đặng tướng công tin cậy.
Lên tám tuổi Nàng Nội học viết, lên mười tuổi Nàng Nội học cưỡi ngựa, mười hai tuổi bắn cung đã thạo, bắt đầu tập múa kiếm và được theo Hàm Thái ra ngoài đôi khi được theo Đặng tướng công mở những cuộc săn lưới. Nàng Nội thông minh và có sức khỏe, bàn tay nhỏ nhắn ấy cầm cương con ngựa ô cũng khéo như cầm cây bút lông nhỏ để đưa những hàng chữ mềm mại và sắc như lá lan.
Đặng Thi Huy tự hào về con gái cũng như tự hào " Bạch Hạc của ta " như ông thường nói. Và nếu ông yêu con gái với một lòng yêu đằm thắm thì ông cũng tha thiết gắn bó với rừng núi đất đai sông ngòi Bạch Hạc. Quả hồng không hạt và cá anh vũ châu Hạc là báu vật gầm trời không đâu có. Bên kia ngã ba sông là vựa lúa của châu, vùng ruộng đồng màu mỡ. Núi và rừng là kho của trời cho : bạt ngàn gỗ quý, rồi nào củ nâu, mây, móc, giang, nứa, cây cọ xòe lá, mỗi tán lá như một vầng mặt trời xanh biếc�Vườn nhà ai cũng hàng chục cây cau cao vút và những giàn trầu lá cuộn lớp lớp sóng dày�Chim : có trĩ, có công ; thú : có voi, có hổ, cá của ba sông nhiều như lá rừng, mật ong vàng trong, thơm mùi hoa rừng, mỗi vụ lấy hàng nghìn hũ�Đó, những của quý châu Bạch Hạc.
Nơi đây, ba dòng sông lớn Lô, Thao, Đà như ba con rồng uốn khúc về chầu, chụm đầu vào nhau phun nước phù sa tưới tắm đất đai cố đô của các Vua Hùng dựng nước. Đứng ở ngả ba sông mà nhìn, sau lưng là nơi mặt trời xế bóng, núi rừng chạy dài mãi tới biên giới xa xôi, trước mắt nơi vừng đông sớm sớm lên đường từ bể ca, mênh mông một dải đồng bằng. Non sông hùng vĩ, đất nước đẹp giàu nay đã thuộc về nhà Hán. Sông núi dất đai này không còn là của người Giao Chỉ nữa rồi !
Xưa kia, thuở Vua Hùng dựng nước, nơi Ngã ba sông bên gò Mỏ Phượng có một cây chiên đàn cao muôn trượng lá rợp một vùng, mây bay trên ngọn, chim hạc làm tổ hàng nghìn con tiếng kêu như tiếng đàn, tiếng sáo. Bến Hạc Trắng là cửa ngõ của châu thành, nơi bốn phương đổ về hội họp, người đông của nhiều, vượng khí muôn đời không dứt.
Đối với Đặng Thi Huy, Bạch Hạc không chỉ là một châu giàu có vào bậc nhất nhì của Giao Chỉ mà còn là một mảnh đất thiêng liêng. Tất cả các lạc hầu lạc tướng đều không quên những đền đài cung điện cũ rải từ Ngã ba Bạch Hạc về Thứu Lĩnh, những đền đài cung điện ấy tuy đã bị kẻ thù phá đi nhưng vẫn còn để lại nhiều dấu tích. Đó là dấu tích thần thánh của cố đô cũ, dấu tích của dòng họ Hùng, của các Vua Hùng mở nước Văn Lang và triều đại nhà Hùng.
Năm Nàng Nội mười ba tuổi cũng là năm Đặng Thi Huy họp cùng Thi Sách và một số lạc hầu lạc tướng mưu lật đổ Tô Định và nền đô hộ của nhà Hán. Đặng Thi Huy đem mọi công việc bàn với chính thất phu nhân Trương Thị Hàn, mẹ Nàng Nội, mà ông vẫn kính trọng vì học rộng biết nhiều và trí lự sâu xa. Đặng công được vợ giúp sức, ngầm tập hợp các lang, các trưởng trang, trùm động có nghĩa khí trong châu. Nàng Nội biết công việc của cha làm. Trong những ngày ra ngoài tập ngựa, đi săn, Nàng Nội mắt được thấy những cảnh sôi lòng cháy ruột, những nỗi khổ cực của dân chúng, lại được nghe nhũ mẫu, Hàm Thái và các cô hầu gái kể những câu chuyện về sự tàn ác của bọn quân lính Hán. Ngọn lửa căm hờn nhen nhóm trong lòng cô gái nhỏ.
Có lần Nàng Nội giương cung bắn rụng một quả hồng treo trên cành cao và nói với mẹ : " Con sẽ bắn rụng đầu Tô Định như bắn quả hồng này ". Mẹ bảo con : " Nếu con cứ nói như vậy, chính Tô Định sẽ bắn rụng đầu con đấy !". Bà cũng thường khuyên nhắc chồng phải cẩn thận kín đáo, vì biết ông vốn tính nóng nảy và xốc nổi.
Mưu đồ của Thi Sách và nhóm khởi nghĩa bị bại lộ. Tô Định lừa Thi Sách về Phủ thái thú và giết ngay trước tiệc. Những người dự mưu đều bị giết, bị bắt bớ tra tấn truy nã. Có lệnh triệu Đặng Thi Huy về Luy Lâu. Đặng công khi nhận được lệnh, chưa biết việc lớn đã lộ, vội sắm sửa lên đường. Khi ông vừa lên ngựa, chợt có đàn quạ bay đến lượn trên đầu ba vòng rồi sải cánh bay về phương Nam, tiếng kêu thảm thiết. Phu nhân cho là điềm gở, níu đầu ngựa mà giữ lại. Đặng công an ủi phu nhân và cử Hàm Thái theo mình cùng lên đường. Được ba ngày, Hàm Thái chợt về báo tin dữ, lập tức thu xếp đưa phu nhân cùng Nàng Nội trốn ngay đêm hôm đó.
Mờ sáng hôm sau, viên thừa sai của Phủ thái thú và viên huyện úy Mê Linh đem lính về vây kín châu sở, thi hành lệnh của Tô Định tịch thu toàn bộ sản nghiệp Đặng Thi Huy, bắt các gia nô và nữ tì sung công, các gia tướng và lại viên của Đặng công đều bị bắt. Lại có lệnh truy nã các người họ Đặng. Đàn ông trong châu bất cứ già trẻ lớn bé nếu mang họ Đặng đều bị giết. Tô Định không cho lệnh truy nã Đặng phu nhân và Nàng Nội vì nhà Hán trọng nam khinh nữ, coi đàn bà con gái như không. Một viên quan Hán được cử về làm chủ châu. Châu Bạch Hạc náo động. Dân chúng bị giặc Hán thừa dịp sách nhiễu, khảo của vơ vét. Người họ Đặng đi trốn đều phải thay tên đổi họ. Năm ấy, Nàng Nội đã mười tám tuổi.
Bên hữu ngạn sông Lộ có mười sáu động nhà sàn thuộc châu Bạch Hạc ở sâu trong vùng núi, mẹ con Nàng Nội nương náu ở đó. Mặc dầu giặc không có lệnh truy nã, nhưng nếu chúng bắt được hai mẹ con, chắc chắn cả hai đều sẽ bị đưa nộp Tô Định làm tì thiếp. Ẩn mình nơi rừng xa núi thẳm, Đặng phu nhân không nguôi nghĩ ngợi, uất ức mà sinh bệnh nặng, nằm liệt giường. Nàng Nội và nhũ mẫu cùng Hàm Thái ngày đêm trông nom, thuốc thang phụng dưỡng, nhưng bệnh của phu nhân là tâm bệnh, thuốc nào chữa nổi. Một năm sau phu nhân qua đời.
Chôn cất phu nhân xong, Nàng Nội nói với nhũ mẫu và Hàm Thái : " Cha mẹ ta đều chết vì giặc Hán. Thù cha mẹ không trả nổi còn sống làm gì. Ta phải đi tìm Tô Định ! ". Hàm Thái nói : " Một mình Nàng giết sao được Tô Định. Vả lại gánh lấy việc nghĩa cứu vớt dân Giao Chỉ ra khỏi vòng nước lửa, giành lại cơ nghiệp giang san của tổ tiên, làm cho vẹn chí lớn của cha mẹ, đó mới là cách xử sự của người con có hiếu ". Nhũ mẫu cũng khuyên giải Nàng Nội hồi lâu rồi ba người cùng nhau bàn việc. Sau đó, Hàm Thái chào Nàng Nội và nhũ mẫu, lên đường. Nàng Nội chia tay Hàm Thái, nói : " Tai mắt kẻ thù của chúng ta ở khắp nơi, tráng sĩ hãy giữ mình cẩn thận ".
Một đêm, Nàng Nội ngồi trên sàn thêu khăn cùng vài người con gái bản, nhìn ra ngoài, trăng suông rải khắp núi rừng, sương khói mờ mờ, lại nghe từ xa vọng về tiếng hưu giác và tiếng suối đổ, lòng thêm ngổn ngang trăm mối. Chợt nhũ mẫu và Hàm Thái bước lên sàn. Nàng Nội mừng rỡ têm trầu rót nước, cùng nói chuyện. Hàm Thái mời Nàng Nội cùng theo mình, những người con gái bản cũng đứng dậy, cùng đi. Trăng non như vành lược bạc gài trên mây, ngôi sao Vượt sáng long lanh đứng chếch ở phía dưới, chùm sao Gấu lớn nằm ngang trên ngọn núi. Qua một khe nước thấy có ánh lửa, Nàng Nội bước tới. Có hơn mười người ngồi quanh đống lửa đều đứng dậy vòng tay chào, con gái thì chắp tay. Nàng Nội nhìn quanh một lượt, nhận ra là một vài người trong họ, các gia tướng và nữ tì của nhà, lòng cảm động, ôm lấy nhũ mẫu bật khóc, mọi người đều cất lời an ủi.
Hàm Thái nói : " Nữ chủ chúng ta tuy còn ít tuổi nhưng là người có học nhiều, có khí phách dũng lược, có thể thay kế tướng công mà dắt dẫn chúng ta. Nay tướng công và phu nhân đều bị giặc hãm hại, việc nghĩa giữa đường bỏ dở. Họ hàng chúng ta cũng bị giặc tàn hại, thân chúng ta bị giặc đày đọa. Ta phải cứu lấy gia đình, làng xóm, họ hàng máu mủ ta. Chúng ta quyết đi với nữ chủ chống lại giặc Hán ". Mọi người đều đồng tình, Hàm Thái hai tay trao kiếm cho Nàng Nội nói rằng : Đây là kiếm báu của tướng công. Khi tướng công bị giặc hãm hại, người của ta lấy được kiếm, truyền cho hạ nô, bấy lâu nay hạ nô vẫn cất giấu kín đáo. Xin nữ chủ nhận kiếm. Nàng Nội người nóng bừng bừng, đôi mắt long lanh, đỡ lấy kiếm tuốt ra khỏi vỏ. Trước ánh lửa, kiếm lòe sáng. Nàng Nội đưa mắt nhìn Hàm Thái, thấy Hàm Thái gương mặt như đúc bằng đồng, cặp mắt cháy rực chăm chú nhìn mình. Nhũ mẫu và mọi người cũng đều nghiêm trang nhìn Nàng Nội. Nàng Nội bồi hồi không biết phải nói gì trong lúc này, bèn giơ kiếm ngang mặt mà rằng : " Kiếm này quyết tắm máu kẻ thù ! ". Mọi người rập theo, đồng thanh : " Quyết tắm máu kẻ thù ! ".
Lửa bập bùng nhảy múa. Rừng nổi gió ào ào. Trong xa vắng mênh mông, tiếng nước đổ đâu đó ầm ầm như trống trận.
* * *
Sông nước Bạch Hạc cuộn sóng. Đất Bạch Hạc cựa mình. Dân Bạch Hạc vùng dậy. Người già bảo người trẻ, con trai con gái nói với nhau : " Cực khổ lắm rồi. Chúng ta hãy đi theo Nàng Nội đánh đuổi giặc Hán ! ".
Người đi xâu rủ nhau trốn từng đoàn, bỏ đấy những việc đắp lũy dựng dinh trại cho viên chủ trưởng Hán, bỏ đấy việc đắp đường cho giặc chuyên chở cống phẩm, bỏ đấy việc xây dựng đại đồn cho giặc. Mùa thu, những quả hồng Hạc ngọt nắng không chịu nép mình yên phận trong những chiếc sọt đan giấy đề chữ " cống " to tướng. Mùa đông cá anh vũ quẫy mình dưới nước và người dân chài nói với giặc : " Bắt mãi cá nó bỏ đi hết rồi ! ".
Gươm giáo chạm nhau xoang xoảng trước các trại quân Hán. Khiên dập vào khiên, tóe lửa. Tù và rúc, mõ và trống nổi lên, lửa đuốc bay dài trong gió. Đêm, Bạch Hạc cháy đỏ, bừng bừng sát khí.
Cho tới một đêm, đại đồn Hán ở Gò Mai ngùn ngụt lửa. Trong ánh lửa hiện ra trước những cặp mắt kinh hoàng của giặc một người con gái uy nghi lộng lẫy như một vị nữ thần bay đến trên một chiếc ngựa ô có bộ bờm tỏa rộng vần vụ như mây bão. Người con gái có gương mặt tròn hồng tươi như hoa sen, đôi mắt long lanh, ngực mang yếm thắm ngoài bọc hộ tâm kính bằng đồng, tay vung một lưỡi kiếm sáng quắc như tia chớp. Đó, " nữ thần Bạch Hạc " theo như lính Hán đóng ở châu thường gọi. Đó, nổi khủng khiếp của giặc, tai họa trời giáng xuống đầu bọn giặc ở châu Bạch Hạc.
Tin nữ tướng họ Đặng mà dân chúng và chính quân lính Hán ở Bạch Hạc đều gọi tôn là " nữ thần " đã làm rung động cả châu và dám đánh phá đại đồn, chém chết viên châu úy trấn đồn, tin đó đưa về tới Phủ thái thú làm Tô Định đùng đùng nổi giận. Y đưa giấy khiển trách trưởng châu và cử ngay viên đề đốc Hoàng Sùng Chính võ quan Phủ thái thú về Bạch Hạc đánh dẹp. Hoàng Sùng Chính là một mãnh tướng trước đã từng theo Hán Quang Vũ đi bình quân Ngỗi Ngao. Hoàng có sức khỏe múa được thanh đại đao nặng bốn mươi hai cân. Tô Định thường nói : " Hoàng đề đốc là thần tướng của ta ". Nay y phải cử Hoàng đi bình châu Bạch Hạc, đủ biết y cũng không dám coi thường người con gái họ Đặng.
Hoàng Sùng Chính được lệnh, nói rằng : " Con tướng đàn bà ấy có gì đáng cho quan thái thú phải lo ngại ! Hoàng này về tới châu, chúng nghe tiếng ắt phải tự trói mình đến cửa quân chịu tội ", bèn điều ngay quân đi. Về châu mười ngày, cả châu yên tĩnh. Đề đốc Hoàng lại càng muôn phần tự đắc, cho rằng " giặc cỏ " sợ uy mình đã lẩn trốn hết, mới nói với trưởng châu để cho quân rút. Trưởng châu tiễn Hoàng ở bến sông, rót rượu mừng. Chợt vừa lúc đó, tên bắn tới như mưa, tiếng hò reo vang dậy, các tráng sĩ phóng ngựa ập tới. Một nàng con gái mặt tròn trĩnh cưỡi con ngựa đen vút tới như gió, một nhát gươm chém cụt ngay đao của Hoàng, nhát thứ hai chém xả Hoàng làm hai mảnh đổ gục xuống chân ngựa. Quân Hoàng tan vỡ. Viên trưởng châu cởi áo bỏ mũ chạy theo dọc sông, trốn thoát được về với Tô Định.
Từ khi Nàng Nội chém Hoàng Sùng Chính, tự giữ ngôi chủ trưởng châu Bạch Hạc, uy danh rung động cả các châu huyện đất Giao Chỉ, hào kiệt các nơi cũng nhân đó theo gương mà nổi dậy. Tô Định lúng túng bị động đối phó, còn các đồn trại Hán thì run sợ, cố thủ, từ quan tới lính mỗi khi phải điều đi đánh dẹp đều nhớn nhác như gà con thấy bóng diều hâu.
* * *
Trưng Trắc nổi lên dựng cờ đại nghĩa, cả nước đều theo về. Huyện Mê Linh hào kiệt tuốt gươm xua giặc sạch quang. Trưng Nhị về Bạch Hạch cùng với Nàng Nội xây dựng đồn trại, luyện tập nghĩa quân. Mồng sáu tháng Giêng năm Canh Tý, Trưng chúa đem quân về tế tổ tiên ở núi Thứu Lĩnh, mồng bẩy điểm quân ở bãi Trường Sa, mồng tám, lấy Nàng Nội làm Nội các văn thư trưởng quan, đặc trách việc tiếp nhận báo cáo thư từ, thảo soạn giấy tờ, được dự bàn việc quân cơ, công việc ở châu giao lại cho Hàm Thái.
Trưng nữ chúa hội quân ở Hát Môn phát động nhân dân cả nước khởi nghĩa đuổi giặc Hán, lật đổ ách thống trị gần hai trăm năm của ngoại tộc. Bình xong giặc, lên ngôi vua, Trưng vương phong cho các tướng, Nàng Nội được phong Nhập nội Bạch Hạc Thủy công chúa.
Mã Viện sang đánh chiếm nước ta, Vua Trưng cử Nàng Nội về cự giặc ở ngã ba Bạch Hạc (1).
Chú thích:1. Nàng Nội và cha mẹ đều được thờ ở xã Minh Nông và xã Minh Phương, huyện Hạc Trí nay là thành phố Việt Trì. Ở đây còn có một cánh đồng có tên làø Đồng Cô, nhân dân nói rằng đó là ruộng của Nàng Nội giao cho dân làng để thu hoa lợi thờ cúng cha mẹ nàng.