Chòi tranh của ông Hai Cường cất lên với vườn rẫy của ông gây ra, tuy ở giữa chốn núi rừng hẻo lánh., song mười mấy năm trường nhờ có hai thiếu phụ ngồi trong, rồi còn có thêm một cặp thanh niên vui vẻ chơi ngoài, bởi vậy quang cảnh trông ra dẫy đầy thân yêu nhàn lạc.
Bây giờ hai đứa nhỏ đã mất hết, mà một thiếu phụ phải tách ra đi nữa, thì cảnh thân yêu nhàn lạc đó hóa ra buồn bực quạnh hiu.
Tuy không dám nói ra, song cô Lê đi rồi, qua ngày sau, ông hai Cường với cô Thiên Hương đều buồn, bởi vậy ăn cơm sớm mơi rồi Ông Hai cường ra vườn lụi cụi nhổ cỏ, tưới rau mà giải khuây, còn Thiên Hương thì xẩn bẩn chung quanh mồ của hai con, lượm lá khô cho sạch sẽ.
Diệp ngồi chẻ củi mà phơi bên hè.
Tình cờ sư cụ An Viên ghé thăm, sư thấy trong nhà vắng teo, sư mới kêu hỏi người trong nhà đi đâu mất hết. Diệp chạy vô nhắc ghế mời sư cụ ngồi rồi ra mé suối cho ông Hai hay có khách.
Cô Thiên Hương nghe có tiếng nói chuyện trong nhà, cô lật đật vô trước mà chào mừng rồi kế ông Hai vô nữa.
Sư cụ hỏi sao nhà vắng teo, còn hai đứa nhỏ đi đâu mà cụ khôngthấy.
Cô Thiên Hương nghe nói tới hai con thì cô tủi nên chảy nước mắt.
Ông Hai mới ngồi kể rõ các việc buồn thảm xảy ra cho sư cụ nghe, rồi than tại ông muốn hai trẻ hưởng hạnh phúc giàu sang, năm ngoái ông nghe lời sư cụ, ông đưa Xuân Sơn đi tìm hạnh phúc đó nên mới gây họa làm cho hai đứa chết hết.
Cô Thiên Hương lại tiếp mà nói tại hai chị em cô muốn phân ly hai trẻ một vài năm cho chúng nó lớn khôn rồi sẽ cho phối hiệp, mà cũng có ý muốn cho Xuân Sơn có cơm tiền đặng sau hai đứa sung sướng tấm thân, nên chị em cô xúi giục mới sanh họa.
Sư cụ nghe nói đầu đuôi dủ hết rồi, sư cụ mới nói: „Bần đạo đã có nói tiền bạc không phải là vật liệu để xây dựng hạnh phúc cho người đời được. Tại người đời hiểu lầm, cứ tưởng phải có tiền bạc nhều mới có hạnh phúc, bởi vậy đaa nhau chạy theo tiền bạc mới vấp té rồi buồn rầu. Mấy bà con chưa thoát tục nên sa ngã, điều đó chẳng lạ gì. Mà con người nhứt cử, nhứt động đều do nơi ý của Tạo hóa, chớ nào phải tư ý mình muốn hay không muốn, nên việc hư hỏng rồi mà nói tại người nầy hoặc tại người nọ. Con người hễ sanh thì phải tử đó là lẽ tự nhiên, tránh làm sao cho khỏi chết được. Người ta có thể nói chết là có phước vì chết thì hết tật bịnh, hết đau khổ, hết buồn rầu, hết lo sợ nữa. Hai trẻ đã được hưởng hạnh phúc thiên nhiên ở đây tới mười mấy năm, chúng nó sung sướng hơn thiên hạ, nay chúng nó chết với nhau thì đã phỉ tình, phỉ chí rồi, khỏi lập gia đình mà phải chịu đau khổ, tật bịnh buồn rầu, lo sợ. Vậy thì còn thiếu gì mữa, còn mong gì đâu, mà ham sống thêm. Hồi nãy hai người dều nói lỗi tại mình nên mới sanh họa. Tại mạng Trời chớ không lỗi của ai hết. Lại ở đời biết sao là họa, còn biết sao là phước. Có khi mìnnh tưởng họa té ra phước, có khi mình phước mà thiệt là họa. Phước hay họa dều là lẽ thiên nhiên. Tại người dời quan niệm họa phước mỗi người riêng một cách, mới phân ra làm hai từ như vậy, chớ lắm khi họa cho người nầy mà phước cho kẻ khác, ví như con mèo mình nuôi, nó chết thì mình buồn mà mấy con chuột trong nhà nó vui, thì nói họa hay phước cũng được hết.
Sư cụ ngưng mà trầm ngâm một hồi rồi mới nói tiếp: „Ông Hai với cháu nên nhớ lúc ban đầu võ trụ còn là một không gian hư vô, trong ấy Đạo chớ không có hình trạng của một vật gì hết. Đạo mới sanh ra muôn loài. Đó là Đức. Muôn loài hành động với nhau, sanh hóa với nhau, rồi lại phải trở về cái cảnh không vật không hình kia, nghĩa là trở lại với Đạo, trở về gốc cũ mà sanh ra lại nữa, rồi lại cũng trở về nữa, cứ tuần hoàn sanh tử như vậy hoài. Ấy là công luật của võ trụ mà cũng là đinh mạng của vạn vật. Vì vậy nên sanh với tử đều là luật thiên nhiên, sanh không đáng mừng, mà tử cũng không đáng buồn. Cuộc đời là cảnh tạm mà cũng là cảnh giả. Con người đối với võ trụ cũng như hạt cát đối với bãi sa mạc. Sanh không ai dè, chết không ai kể, bởi vậy nhà triết học họ mới luận: „Vi luận vi Đạn dữ thế vãng lai, trùng thí thử can tùy Thiên phó dự“ nghĩa là:
Cánh trùng gan chuột do Trời,
Bánh xe, viên đạn theo đời tại qua.
Con người như bánh xe hay viên đạn cứ cùng đời mà lăn. Trời khiến làm cảnh côn trùng hay làm gan con chuột cũng tự trời liệu định, muốn không được, mà không muốn cũng không đượac. Hai trẻ chết rồi thì thôi, đã có nếm hạnh phúc an nhàn rồi, lại được sống thác với tình nữa thì đủ. Cô Lê còn thiếu nợ tình, nợ nghĩa thì cô phải trả đã đành. Còn cô thiên Hương đãy dứt nợ đời, ông Hai cũng vậy, hai người đừng thèm buồn việc chi hết, cứ ở đây hẩâm hút mà hưởng hạnh phúc thiên nhiên, để bồi dưỡng tinh, khí, thần mà sống lâu đặng vui riêng cảnh thú của tạo hoá sắp sẵn cho thiên hạ, song ít người biết tìm mà hưởng. Hai người thủng thẳng suy nghiêm mấy lời bần đạo nói ấy thì sẽ thấy bần đạo nói phải”.
Sư cụ nói rồi liền từ mà đi.
Nhờ cách an ủi cao xa của sư cụ An Viên nên ông hai Cường với cô Thiên Hương bớt buồn, tiếp tục sống thêm một chuỗi ngày an vui thơ thới.
Còn cô Lê về Sài Gòn, cô được chồng yêu, cha chồng trọng, mẹ già với anh em mừng, nên cô vui với thú gia đình dầm ấm. Năm sau cô sanh được một đứa con trai mạnh mẽ tốt tươi mà thế cho Xuân Sơn. Chồng với cha chồng vui mừng hết sức, khỏi lo tuyệt hậu nên càng yêu quí cô. Năm sau cô tiếp sanh thêm một đứa con gái nữa. Chồng cô cho hạnh phúc gia đình của mình đã viên mãn, cảm thấy tình nghĩa không phai thì được đền dáp vuông tròn. Ông già chồng của cô mãn nguyện nên ông nhắm mắt chẳng chút nào ân hận.
Còn ở ngoài Phú Quốc, ông hai Cường với Thiên hương nhờ vợ chồng Khải Quang mỗi năm tới mùa gió xuôi thì cậy người đem quần áo, bạc tiền ra tiếp giúp, nên đời sống hẻo lánh mà thảnh thơi, vui với hạnh phúc thiên nhiên, xẩn bẩn săn sóc mồ mả cho Thu thủy với Xuân Sơn, không ham lợi danh phú quí nữa.
Cô Thiên hương vui thú nhàn lạc thêm được mươi năm rồi cô mới chết. Ông hai Cường chôn cô trên đồi đặng cô nằm mà ngó chừng hai con nằm gần dưới chưn.
Diệp ở luôn đó mà hủ hỉ với ông Hai, không nỡ bỏ ông mà đi. Ông hai Cường sống tới 80 tuổi rồi ông mới mất. Vâng theo lời ông trối, Diệp chôn ông giữa rẫy thơm, cho ông ngày đêm nghe tiếng nước dưới suối chảy ro re với tiếng chim trên nhành kêu chéo chét.
Bây giờ cô Diệp còn sống cô đơn, cô mới buồn. Có một người chủ lều nước mắm ngoài chợ góa vợ muốn chắp nối tóc tớ với cô. Cô nghĩ đã lớn tuổi rồi còn tính cuộc vợ chồng làm chi. Cô mới gởi mồ mả của bốn người thân yêu cho núi rừng đặng vô Sài Gòn tìm thăm cô Lê.
Vợ chồng cô Lê cảm nghĩa trung thành của cô Diệp nên nài nỉ xin cô ở luôn với mình đặng chung hưởng thú gia đình, đêm rảnh nhắc chuyện cũ, người xưa với nhau mà duy trì lòng thương nhớ.
Phú Nhuận, ngày 16-3-57 Hết