Thiên Hương sanh trong nhà có cơm tiền. Từ khi mới lọt lòng, cô luôn luôn sống trong cảnh đời trưởng giả, ăn ngon, ngủ ấm, chưn giày, chưn dép, áo lụa, quần hàng. Lớn lên thì cô đi học, hoặc đi chơi, y phục có thợ vá may, cơm nước có bếp nấu nướng. Hễ ra khỏi cửa thì có sẵn xe cho cô đi, muốn ăn xài thì có sẵn bạc tiền của cha mẹ, bởi vậy cô chẳng hề phải lo lắng về việc chi tiết.
Từ năm ngoái, Thiên Hương nghe tiếng gọi của trái tim, cô bỏ mẹ cha, quên sung sướng, theo người yêu đến xứ lạ rồi tự do lập gia đình để chung sống với nhau trong hạnh phúc ái tình, không màng lợi danh, không kể gia giáo, có khi cô phải cực xác chút đỉnh, có lúc cô phải bận lòng về bạc tiền nhưng vẫn có người chồng yêu trong nhà hăng hái đởm đương với khó khăn, nhỏ to an ủi không muốn để cho cô phải hồi tâm mà hối hận, bởi vậy cô chưa từng thấy nỗi khổ của đời cho lắm.
Hôm nay lượn sóng trần ai xô đẩy cô Thiên Hương đến đây, dầu muốn dầu không cô cũng phải ép lòng ma sống với cảnh đời bần hàn, bẩn thỉu, cũng như chú cháu cô Lê. Cô nghĩ trên đường đời có khúc khó. Gặp khó thì phải chịu khó, chớ không lẽ ngồi đó mà khóc. Huống chi cô Lê cũng lỡ bước, nên gặp khó như cô mà cô Lê vẫn vui vẻ mà nuôi con, không buồn, không than, thế thì cô nên bắt chước làm như cô Lê, chẳng cần phải buồn rầu than khóc. Giữa cơn sóng gió chơi vơi, may chiếc thuyền của cô nhờ Trời được vào ụ êm ấm, lại gặp đồng bịnh nên thương yêu. Vậy không được sống với tình yêu vợ chồng, thì sống với tình yêu chị em có lẽ không khổ lắm.
Nghĩ như vậy rồi Thiên Hương dẹp giày, bỏ guốc đi chưn không như Lê. Ngặt áo quần cô không có đồ vải, nên cô phải mặc đồ mát bằng hàng lụa, song cô đã tính bữa nào con Diệp có đi chợ, cô sẽ dặn nó mua vải rồi cậy Lê cắt may giùm cho cô bận.
Lê biết Thiên Hương là con nhà giàu, lại có học thức, thuở nay chưa từng cực khổ như hạng bình dân, nên Lê lo hết mọi việc trong nhà, không để cho Thiên Hương chịu cực. Nhưng Thiên Hương quyết chia sớt đắng cay với bạn, nên cô không chịu ngồi không. Lê bận việc thì cô bồng em giùm, đến bữa ăn, nếu em ngủ thì cô cũng vô bếp phụ với Diệp mà chụm lửa.
Chú Hai Cường quen tánh cần kiệm, nên sáng bữa sau ăn cơm rồi chú vác búa vô rừng đốn cây đặng cất nhà thêm. Thiên Hương cứ nài nỉ chú kiếm mướn vài người phụ mà làm cho mau rồi. Cô nói cô đủ tiền mà chịu tốn, không hết đâu mà sợ. Lại mùa mưa đã tới rồi, nên cần phải có chỗ rộng rãi gấp đặng ăn ngủ cho khỏi bị giọt mưa ướt át. Thiên Hương cứ thôi thúc mướn người làm, cô Lê cũng đồng ý, nên Hai Cường mới chịu kiếm mướn một người phụ với chú mà làm. Thiên Hương rảnh rang lại muốn ra vô cho xốc xáo, cứ đeo theo công cuộc cất chòi, tỏ ý muốn cất tiếp phía nầy, muốn trổ cửa mé nọ, muốn cất riêng bếp để nấu ăn. Cô yêu cầu chớ không phải ép buộc, nhưng cô nói với giọng thanh nhã, cô tỏ ý nào cũng hợp lý, bởi vậy Hai Cường không cãi, chăm nom làm cho cô vui lòng.
Cây lớn, cây nhỏ trong rừng chung quanh không thiếu gì, rẫy tranh ở cách đó không xa lắm, lại có tới hai người làm, mà người nào cũng sốt sắng bởi vậy trong nửa tháng thì cái nhà đã lợp hoàn thành, phía sau có mái nấu ăn riêng theo như ý Thiên Hương muốn.
Hai Cường cho người làm phụ hổm nay đó lãnh tiền công rồi nghỉ, để vách một mình chú dừng được. Chú phá tấm vách giáp chòi mới mà dừng qua phía bên kia, làm vách phía sau chừa cửa ra bếp, rồi dừng vách và làm cửa phía trước nữa. Chưa tới một tháng thì công việc đã xong xuôi hết. Hai cái chòi tiếp nhau bây giờ biến thành một cái nhà chung cho bốn người ở rộng rãi khoảng khoát. Hai cô đứng ngoài mà nhắm, thảy đều vui lòng, mà Hai Cường thấy Hai cháu được vui, chú cũng đắc chí.
Thiên Hương đưa tiền bạc cho Hai Cường cậy ra chợ kiếm mua ba bộ ván nho nhỏ để lót ban ngày ăn cơm và ngồi chơi, ban đêm nằm ngủ, dầu có mưa dầm cũng khỏi lo ướt.
Hai Cường cản:
- Con xài lớn quá như vậy không được. Có tiền phải để dành phòng hờ chớ. Phong vân mạc trắc, lại ở đây tứ cố vô thân, chú mạnh giỏi chẳng nói làm chi, rủi chú ương yếu, hoặc chú chết rồi, còn ai mà cậy nhờ. Hai con phải đi xin ăn hoặc phải chịu chết đói hay sao?
- Con chắc chú không chết đâu. Chú cũng như cây của Trời trồng sẵn để che tàn cho hai con núp bong mát mà sống. Hai con đồng bị họan nạn, trời thương nên em Lê trước, rồi con sau, Trời mới khiến gặp chú đặng nhờ chú che chở. Trời có ghét Hai con đâu mà xô cây đa trốc gốc cho hai con phải chịu nắng chịu mưa, chú cứ đi kiếm mua ba bộ ván đi, một bộ cho mẹ con em Lê ngủ, một bộ con ngủ với con Diệp, còn một bộ chú ngủ. Con còn tiền mà, xin chú đừng lo. Bề nào cũng để dành một số đặng hộ thân, con không dám làm tiêu hết đâu. Tổ chức một cuộc ăn ở mãn đời, phải sắm đồ đạc cần thếit đặng có tiện nghi chút đỉnh.
Cô Lê tiếp đốc vô nữa, Hai Cường mới chịu lấy tiền đó mà đi mua ván.
May lúc đó có tàu Hải Nam của khách trú chở ván thông dưới Hạ Châu đem qua bán. Ván thông dài gần Hai thước, nhưng bề ngang có một gang mà thôi. Một bộ tám tấm có cặp chưn chắc chắn mà hồi đó họ bán giá có 8 đồng. Cây thông tuy dày mà nhẹ. Nhà nghèo thường mua dùng cho đỡ tốn. Họ lại có bán chiếu gọi là chiếu tàu, dày dặn chắc chắn, mỗi chiếc giá gần cắc bạc. Hai Cường gặp dịp như vậy mà vì chú sợ hao tiền nên chú mua có Hai bộ ván thông với Hai chiếc chiếu mà thôi. Chú đem ván để dựng dựa gốc cây trên mé biển rồi vác từ mớ đem về.
Lê và Thiên Hương nói ván với chiếu ngộ quá mà giá lại rẻ, nên ép buộc chú phải mua thêm một bộ nữa, và sai con Diệp đi theo phụ vác. Chú nói Hai bộ đủ cho Hai cô ngủ mà thôi, phận chú thì chú chặt cây đóng nống làm vạt mà ngủ cũng được, không cần phải có ván.
Thiên Hương đưa tiền biểu con Diệp cứ đi mua với chú thêm một bộ ván nữa mà vác về. Bây giờ nhà rộng rãi, sạch sẽ, lại có được ba bộ ván thông nên coi được quá.
Cách vài bữa sau, sư huynh trên am An Viên có dịp đi xuống phía chợ. Năm ngoái, sư chỉ giùm chỗ nầy cho Hai Cường biết và khuyên chú vô đó ở đặng sống với thú rừng núi thiên nhiên mà dưỡng tinh, khí, thần khỏi bị trần tục làm trái tai chướng mắt. Cách ít tháng, sư ghé thấy chú cháu Hai Cường cất chòi ở rồi, coi bộ lạc thiên an mạng thì sư lấy làm hài lòng. Hôm nay sư ghé nữa, gặp lại Hai Cường đương lui cui ban đất cho bằng thẳng dưới gốc một cây lớn, nhánh lá sum sê, sư hỏi muốn làm việc gì đây. Cường nói dọn chỗ để đêm trăng nằm đón gió chào mây, vui với thú an nhàn thanh tịnh, sư gặc đầu nói: “Trúng điệu”, rồi sư ngó quanh thấy chòi đã nở ra lớn hơn, lại trước chòi có cả chục giồng khoai bò mạnh mẽ và gần mé suối có đám bắp tươi tốt lên cao khỏi đầu gối rồi.
Hai Cường mời sư vô nhà. Lê đương cho em nhỏ bú, còn Thiên Hương nằm chơi một bên, Hai cô đồng đứng dậy chào khách. Sư chỉ cô Lê mà hỏi phải cô nầy sư đã thấy hồi năm ngoái và đứa nhỏ cô mới sanh đó hay không. Cường nói phải và mời sư ngồi trên bộ ván thông mới. Sư nhìn em một chút rồi nói: „Tốt lắm, nếu lớn lên em biết ham hạnh phúc thiên nhiên thì hạnh phúc sẽ lan rộng cho mọi người đều được vui hưởng”.
Sư chỉ Thiên Hương mà hỏi còn cô nầy sao lần trước sư ghé sao không thấy, mà bây giờ lại có cô ở đây. Hai Cường nói: cô Thiên Hương đây gốc cũng ở trong đất liền. Vì chồng chết cô không có nơi nương dựa, nên cô tìm nơi hẻo lánh, thanh tịnh mà ẩn dật để thủ tiết dưỡng tánh. Đến đây cô thích cảnh nên xin kết nghĩa chị em với cháu tôi và chung sống cùng nhau cho có bạn. Tôi vui long mà cho cô ở đây đã hơn một tháng rồi. Tôi xem cô cũng như con cháu của tôi vậy”.
Sư huynh nói: „Tốt lắm. Ở đời có hạng người ham lợi danh đặng lòe loẹt nên bay nhảy tranh đua, có hạng người lo cho đời tương lai không kể đời hiện tại, nên chăm chú tu nhơn, tích đức, mà cũng có hạng người thể theo tri ý của Tạo Hóa tìm sống với cảnh đời thiên nhiên như cây trong rừng, như đá trên núi, không ham tranh giành, không cần phước đức, cứ vui thuận thiên an mạng cho nhẹ lòng khỏe trí mà sống dai. Cả ba quan niệm đó đều có tín đồ đông đảo cho cả ba. Sở dĩ có ba đường lối khác nhau là tại con người không đồng ý mà quan niệm về hạnh phúc. Và hạnh phúc có Hai thứ: một thứ hạnh phúc thiên nhiên của Trời sắp đặt sẵn cho mình hưởng và một thứ hạnh phúc nhơn tạo của con người tự gây lấy mà hưởng. Hạnh phúc thiên nhiên khỏi bị giành giựt mà lại được bền vững đời đời, còn hạnh phúc nhơn tạo thì phải cạnh tranh chen lấn, có khi phải nát thân xủ tiết mà gây ra cũng không được, mà dầu có được, cũng không hưởng được mấy ngày rồi tan rã. Vậy mấy chú cháu biết chọn hạnh phúc thiên nhiên mà hưởng, thiệt đáng khen”.
Sư huynh nói mấy lời rồi cáo từ đứng dậy chống gậy mà về núi.
Cô Thiên Hương có học thức, cô hiểu ý của sư huynh ít nhiều nên cô chúm chím cười. Nhưng cô là người đi ra ngoài vòng luân lý gia đình nên cô bị tai họa rồi cô phải kiếm chỗ hẻo lánh mà ẩn thân cho an ổn mà nuôi con cô sắp sanh; chớ cô không ham danh lợi, không mong phước đức, mà cũng không dám nghĩ tới hạnh phúc nữa, bởi vậy cô không quan tâm đến lời giảng dạy của sư huynh An Viên cho lắm.
Nhưng sư đi rồi, Thiên Hương bèn than với chú rằng khách tử tế đến thăm, mà nhà mình không có chỗ tử tế mời khách ngồi cho xứng đáng. Vậy ý cô muốn chú kiếm mua một cái bàn với bốn cái ghế bằng cây dầu để giữa nhà cho bà con mình ăn cơm, rồi có khách mình mời người ta ngồi đó coi mới được. Nếu họ có bán tủ xấu xấu cũng nên mua về cất quần áo với vài vật cho kín đáo.
Hai Cường nói mình sống cho mình không phải mình sống cho thiên hạ. Mình cất nhà mình ở cho khỏi nắng mưa, chớ không phải cất nhà cho thiên hạ xem. Mình đã quyết sống với tình nghĩa thân yêu ở trong, không thèm kể hình thức bề ngoài. Nếu có khách nào ghé mình tiếp dưới tàn cây hoặc trên mé suối cũng được, cần gì phải có nhà cửa đàng hoàng, có đồ đạc tử tế.
Hai Cường không chịu mua thứ gì hết. Cách ít bữa chú đi chợ mua cá mà ăn, chú vác về một cái lu bể. Cô Lê hỏi chú mua làm chi. Chú nói chú thấy họ bỏ cái lu bể ngoài sân chú hỏi mua. Họ bỏ chớ không bán. Họ nói chú có dùng được thì họ cho. Tại vậy nên chú vác về đặng để trong suối, chỗ dưới dốc, đầu dưới thọc vô lu cho nước chảy vô đó mà chứa. Làm như vậy qua mùa nắng dầu suối cạn mình cũng có nước mà tắm rửa và tưới đồ luôn luôn.
Hai cô lắc đầu nhìn nhau mà cười, không dám nhắc chuyện mua bàn, mua tủ nữa.
Từ đó trong nhà bốn người sống với nhau trong bầu không khí thân yêu, tận tụy, vui vẻ, thảnh thơi. Hai Cường đi kiếm chuối con xin về mà trồng, kiếm dừa mà ương, kiếm hột đu đủ mà gieo, kiếm đầu thơm mà giâm. Bữa nào không có đồ mà trồng thì chú đào trùn rồi vác cần câu đặng kiếm cá ăn trở bữa. Con Diệp trưa rảnh nó cũng theo chú mà tập câu. Thấy cá nhiều nó ham quá, nên bữa nào chú Cường mắc trồng không đi được thì nó đi một mình, thành thử khỏi mua cá nữa, lâu lâu mua gạo, muối, mỡ, dầu lửa, nước mắm mà thôi.
Hai cô thấy Diệp tận tâm thì thương như em ruột, còn Hai Cường đãi nó như con cháu, bởi vậy đến bữa cơm dọn rồi nó cũng ngồi ăn chung một lượt. Cường nói hễ sống chung đã chia cực thì phải chung sướng không nên phân giai cấp.
Qua nửa tháng năm, Thiên Hương âm ỷ chuyển bụng, chắc tới ngày sanh. Hai Cường tuốt lên chùa rước bà vãi thạo việc đẻ chửa xuống giúp giùm. Thiên Hương sanh được một đứa con gái, cô mừng, nhưng nhìn con rồi cô nhớ chồng, tủi cho phận con ra đời không thấy mặt cha nên cô khóc.
Cô Lê chăm nom em nhỏ và cô xẩn bẩn theo an ủi bạn, cô nói rằng Xuân Sơn của cô cũng không có cha, nhưng Hai đứa nhỏ có hai mẹ, thế thì về sự thương yêu hai đứa nó sẽ được bù trừ chớ không thiếu. Hai cô bàn tính với nhau rồi định đặt cho em nhỏ tên Thu Thủy, mặc dầu em sanh còn mùa hè chớ chưa qua mùa thu.
Cô Lê tận tâm săn sóc ít ngày, mẹ con Thiên Hương cứng cát, mẹ hết buồn, con đủ sữa, nên đầy một tháng rồi Thiên Hương khỏe mạnh ra vô như thường, còn Thu Thủy hễ bú no thì nằm ngủ phê phê, một lát mụ bà dạy nên nhếch miệng cười, rất có duyên, làm cho hai cô vui hết sức.
Hai cô chuyền nhau mà bồng em, vạch tai, vạch mặt, nắm tay, nắm chưn mà xem, đồng mừng em tay chưn dịu dàng, gương mặt tươi tốt, chắc chừng lớn em sẽ có sắc đẹp diễm kiều không thua gái nào hết.
Cô Lê nói: „Em sanh con trai, mà em có Thu Thủy thì cũng như có đủ con gái, con trai”. Thiên Hương nói: „Chị không sanh được con trai mà chị có Xuân Sơn thì sau chị cũng được nhờ vậy”.
Với trí ý như vậy, tự nhiên hai cô yêu hai trẻ đồng nhau, xem Hai trẻ là con chung, tuy hai mẹ song cũng như một, không phân biệt con chị hay con em gì hết.
Có khi Thiên Hương ngủ quên mà Thu Thủy khát sữa đòi bú thì cô Lê bồng cho bú thế, để chị ngủ luôn.
Có khi cô Lê mắc nấu cơm hay đi ra ngoài Xuân Sơn đòi bú thì Thiên Hương bồng mà cho bú như con của mình. Hai trẻ ngủ hết thì thường để nằm khít một bên nhau. Xuân Sơn lớn hơn Thu Thủy tới bốn năm tháng, nó biết giỡn, biết cười, chịu bồng ngồi. Hễ nó thấy Thu Thủy thì nó vui cười, chờn vờn muốn níu, và lăng líu như muốn nói chuyện.
Xuân Sơn với Thu Thủy giúp gây cảnh vui thêm trong nhà bởi vậy Hai Cường với con Diệp càng thêm sốt sắng, tận tụy, để tạo hạnh phúc thiên nhiên mà chung hưởng với nhau. Thiên Hương với cô Lê cũng hết buồn tình, tủi phận, vì thấy đời sống của mình đã có mục đích, sống đặng nuôi dạy con, và thấy tương lai đã có nhiều hứa hẹn, chắc ngày già có con gái săn sóc, có con trai đi làm mà nuôi, không đến nỗi quạnh hiu, cực khổ.