An vui trở lại được ít ngày, thì một buổi sớm mơi cả nhà đang ngồi ăn cơm với nhau, bỗng có một người đàn ông, tay chống cây gậy, đứng ngoài sân mà ngó vô.
Thuở nay, duy có sư huynh trên am An Viên với mấy bà vãi ở trên chùa Phật lâu lâu có ghé đây một lần, chớ người thường ít ai tới, mặc dầu mấy năm đầu ông Hai Cường hay ra mấy nhà ở dựa mé biển mà nài dừa giống, hoặc mua dây lang, dây tiêu, hoặc xin hột bầu, hột mướp về trồng. Cô Lê ngó thấy người lạ cô tưởng người có quen với ông Hai nên đến kiếm ông, cô mới kêu ông mà chỉ.
Ông Hai Cường buông đũa bước ra hỏi khách lạ muốn kiếm ai hay là vô đây có việc chi. người ấy bợ ngợ, ngó ông và nói:
- Tôi muốn kiếm người tên Hai Cường, hồi trước ở trong Sài Gòn cách 15, 16 năm nay ra ở ngoài nầy, mà không biết ở xóm nào, làng nào. Tôi lên chùa hỏi thăm thì mấy bà vãi nói lâu rồi có người ở đâu không biết, cất nhà ở trong trảng nầy. Vì vậy nên tôi vô kiếm hỏi có ai biết tên Hai Cường ở đâu hay không?
- Chú kiếm tên Hai Cường chi vậy. Chú có biết người đó hay không?
- Không. Tôi chưa biết. Vì có lịnh quan Quận dạy làng kiếm tên Hai Cường, làng mới sai tôi đi kiếm, chớ tôi không quen biết với người đó.
- Kiếm chi vậy?
- Làng nói như kiếm được thì đòi ra hầu quan Quận.
- Hai Cường là tôi đây. Mời chú vô chờ tôi ăn cơm một chút rồi nói chuyện.
- Té ra ông đây sao… may quá! Vậy thì tôi khỏi đi đâu xa nữa… ông ăn cơm cho rồi đi. Tôi ngồi chơi tôi chờ.
Người đó mừng rỡ, dựng cây gậy dựa vách, bước vô cửa rồi ngồi chồm hổm tại đó ngó ra vườn.
Mấy người trong nhà nãy giờ tuy lóng tai nghe nói chuyện ngoài sân, song ăn cơm riết cho rồi đặng coi người ta kiếm ông Hai có chuyện chi. Chừng ông Hai trở vô thì mấy người đều ăn rồi hết. Cô Lê dời mấy dĩa đồ ăn lại chỗ ông Hai ngồi đặng ông ăn tiếp, còn Diệp với Thu Thủy thì gộp bưng chén đũa dơ đem vô bếp đặng rửa.
Người khách ngồi ngó ra vườn mà nói:
- Ông ở đây lâu rồi ông lập ra cuộc vuờn có cây trái đủ thứ, dừa với xoài đã cao nghệu, vậy mà tôi không hay chớ.
- Tôi ở đây được 16 năm rồi lận mà.
- Ở trong nầy tréo quá, không nhằm đường đi nên không ai biết.
- Ngoài chợ với mấy nhà ở theo mé biển có nhiều người biết tôi chớ.
- Vậy mà Hai bữa rồi tôi đi tới mỗi nhà tôi hỏi tên Hai Cường thì ai cũng lắc đầu, nói không biết.
- Chắc tại họ biết mặt tôi, mà họ không biết tên. Tôi ở đây mười mấy năm, tôi có làm việc gì quấy, tôi trốn đâu nên họ sợ bị tội, họ giấu giùm cho tôi. Chú nói quan Quận dạy làng kiếm đòi tôi tới hầu quan, vậy mà hầu về việc chi! Chú hiểu hôn?
- Cái đó thiệt tôi không hiểu. Mà tôi sợ làng cũng không biết. Nhưng có việc gì gắt lắm hay sao nên quan Quận dạy làng rán kiếm cho được. Làng dặn tôi phải đi từ nhà mà hỏi. Vậy ăn cơm rồi ông đi với tôi ra hầu quan, tự nhiên sẽ biết.
Ông Hai Cường ăn cơm rồi, ông rửa miệng, uống nước, thay quần áo sạch sẽ, sửa soạn đi. Cô Lê với cô Thiên Hương nghe lịnh quan đòi, hai cô lo nên hỏi phải đi liền bây giờ sao. Ông Hai nói sẵn có chú đây thì đi theo chú, ra coi có việc chi cho biết. Xuân Sơn đòi đi theo ông ngoại. Ông Hai cuời mà nói: „Con ở nhà với hai má, chớ đi theo ông ngoại làm chi. Có gì đâu mà sợ.”
Ông Hai Cường sửa soạn xong rồi liền đi theo người của làng sai đi kiếm. Xuân Sơn với Thu Thủy thủng thẳng đi theo sau, ra tới mé rừng đứng ngó theo, hai trẻ đều có sắc buồn.
Chừng trở vô nhà hai trẻ thấy mẹ đương ngồi bàn với nhau về sự quan đòi ông chú, không hiểu có việc lành hay dữ.
Cô Thiên Hương lo ngại, nhưng cô bình tĩnh mà nói: „Theo ý chị thì không có việc gì dữ mà phải sợ. Chú mình ở đây lâu rồi, không gây gổ với ai, không trộm cắp của ai, cũng không có làm điều chi sái phép nên có tội. Đất của Tạo Hóa không ai thèm bước chân tới, chú ra công rán sức gieo trồng mà ăn, có hại ai đâu mà họ thưa kiện. Nước trong suối mình múc mà uống, cá ngoài biển mình câu mà ăn, nước với cá không phải của ai mà họ tranh cản”.
cô Lê nói:
- Ở đời, thiên hạ không phải như mình hết đâu chị. Có nhiều người xấu lắm, họ ganh ghét rồi kiếm chuyện nói xấu cho người tử tế, hoặc làm hại người thẳng ngay.
- Chú mình nghèo khổ, cặm cụi lo làm ăn, kiếm chỗ hẻo lánh mà sống, có hơn ai đâu mà họ ganh. Chú cũng chẳng hề nói động tới ai, không bao giờ mích lòng ai, có cớ gì đâu mà họ ghét.
- Nhiều khi mình thủ phận cho an thân, để ai làm gì mặc ai, không thèm nói tới, mà họ cũng ghét, ghét tại không làm quấy như họ.
- Ối! Mình cứ làm phải, có Trời chứng chiếu, ai thương không vui, ai ghét không buồn, vậy thì đủ. Còn việc quan đòi chú hầu đây, hồi nãy chị nghe chú đi kiếm đó chú có nói ra một điều làm chị phải suy nghĩ.
- Chú nói điều chi?
- Chú nói quan dạy đi kiếm tên Hai Cường hồi trước ở trong Sài Gòn, ra ngoài nầy đã 15-16 năm rồi. Tại sao mà biết rõ gốc tích dữ vậy!
- Hay là hồi trước ở trong Sài Gòn chú có làm quấy việc chi đó, bây giờ mới bể ra, nên họ kiếm mà bắt!
- Không có lý vậy được. Chị nhớ hồi trước cha con Thu Thuỷ có nói người phạm tội tiểu hình thì ngoài năm năm, còn tội đại hình thì ngoài mười năm, tội đó tiêu, luật pháp không còn trừng phạt nữa. Chú đi khỏi Sài Gòn 16 năm, dầu hồi đó có phạm tội gì, bây giờ cũng khỏi bị truy tố.
- Để em nói co chị nghe. Năm đó em có thai, cha mẹ em đánh đuổi em. Em qua kiếm chú, em xin cho em ở. Chú hỏi tại sao cha mẹ em đuổi. Em kể hết mọi việc cho chú nghe. Chú giận chú trách ba em sao không trừng trị đứa bội nghĩa bạc tình lại đánh đuổi con mình. Chú đầm đầm luôn mấy bữa, bộ hầm hừ lắm. Chú hỏi tên họ, chỗ ở, sở làm của người hại em rồi chú bỏ sở mỗi ngày mỗi đi, không nói đi đâu. Đi luôn ba bữa, rồi về đưa cho em một ngàn đồng bạc và lật đật bán nhà cửa, đồ đạc, dắt em vô Rạch Giá quá giang ghe nước mắm mà ra đây. Bây giờ em nghe quan sai đi kiếm, em sợ năm đó chú nóng giận, chú giết chết người ta, bây giờ vụ đó mới phát giác nên quan cho tìm bắt chú đó chớ.
- Lâu quá rồi. nếu có án mạng thì hồi đó không phát liền, chớ sao đợi tới bây giờ. Mà hồi ra đi, chú không có nói với em tại sao phải ra tới Phú Quốc hay sao?
- Chú nói ra đây làm ăn vậy thôi. Em than đi xa quá mà không có tiền bạc đi làm sao cho được. Chú mới đưa số bạc đó cho em biểu em giữ. Chú không có nói tới chuyện người đó. Mà em phiền nên em cũng không thèm hỏi.
Hai cô không yên trong lòng nên cứ bàn qua luận lại hoài, làm cho hai trẻ ngồi nghe chúng nó càng thêm lo nữa.
Đến trưa, mặt trời đứng bóng rồi mà ông Hai Cường chưa về. Cả nhà bắt đầu trông. Trông không thấy về càng lo hơn nữa. Xuân Sơn với Thu Thủy nóng nảy trong lòng nên thay phiên đi ra sân ngó chừng hoài. Đến nửa chiều, Xuân Sơn chịu không được nữa, nên thưa cho hai mẹ hay đặng ra chợ hỏi thăm Quận rồi đến đó kiếm rước ông ngoại về. Thu Thủy đòi đi theo.
Hai trẻ đi chừng tàn điếu thuốc thì Xuân Sơn hào hển chạy riết về trước báo tin ông ngoại về, nói đi chưa được nửa đường thì gặp ông nên trở lại, ông đi sau với Thu Thủy. Cả nhà đều mừng nên túa ra sân mà đón.
Ông Hai Cường vô tới với Thu Thủy. Ông thấy Hai cô thì ông hỏi: „Nghe sắp nhỏ nó nói ở nhà hai con lo sợ lắm phải hôn? Sợ cái gì? Chú có cướp giựt hay là chém giết ai đâu mà sợ?”
Thiên Hương nói: „Khi không mà quan, làng tìm kiếm bắt đi liền, chị em con mới lo chớ, không biết có chuyện gì quan hệ lắm hay sao?”
Ông Hai nói: „Có chuyện cũng quan hệ thiệt, mà nhứt là khó tính cho xuôi”
Cô Lê nóng nghe nên hỏi: „Chuyện chi vậy chú. Chú nói sơ nghe thử coi”.
Ông Hai nói: „Khoan đã mà. Chuyện của con. Nhưng không gấp gì. để ăn cơm rồi chú nói có đầu có đuôi đủ hết cho mà nghe rồi bà con mình sẽ bàn tính”.
Ông vừa đi vô nhà vừa cởi áo, cô Thiên Hương kéo Diệp biểu lo nấu cơm ăn”.
Ông Hai thay đồ rồi, ông đi múc nước uống cho đã khát. Ông kéo một cái ghế mà ngồi. Cô Thiên Hương, cô Lệ với Hai con đều chờ nghe ông thuật đi hầu quan Quận nên ngồi bao chung quanh.
Ông mới nói: „Chờ cơm cũng còn lâu. vậy để chú thuật chuyện đi hầu cho hai con nghe trước mà suy nghĩ rồi sẽ bàn tính mà liệu định. Việc nầy khó liệu chớ không phải chơi đâu. Chú ra tới nhà làng, ông xã liền bận áo dài dắt chú vô hầu quan Quận. Ông xã biểu chú ngồi ngoài mà chờ, để ông vô bẩm trước. Quan Quận vui vẻ biểu cho chú vô liền. Ông kéo học tủ lấy ra một bức thơ mà xem, xem thiệt kỹ, rồi hỏi chú tên gì. Chú nói Nguyễn Văn Cường, thường kêu là Hai Cường, 63 tuổi.
Quan hỏi gốc gác ở đâu, ra ở ngoài hòn nầy đuợc bao lâu rồi. Chú nói hồi trước chú ở trong Sài Gòn, chú ra ở đây đã 16 năm rồi. Quan hỏi phải chú có một người cháu gái tên là Lệ hay không. Chú nói phải, quan gặc đầu. Kế trống đánh tan hầu quan Quận mới nói rằng chuyện quan muốn nói với chú dài lắm. Bây giờ hết làm việc rồi, quan biểu chú đi lại đằng nhà làng hay ra chợ chơi tùy ý chú, rồi nghe trống hầu chiều thì trở lại cho quan hỏi nữa. Quan lại cho ông xã biết quan cần dùng gặp chú đặng hỏi thăm việc xưa giùm cho kẻ bề trên chớ chú không có tội gì. vậy phải để cho chú thong thả đi chơi, đúng 2 giờ rưỡi chú trở lại, ông xã khỏi giữ chú, chiều cũng khỏi đi theo chú nữa. Ông xã thấy quan tử tế với chú coi bộ ổng kiêng nên xá quan mà ra rồi ông mời chú trở lại nhà làng mua bánh đãi chú và hỏi thăm công việc trong Sài Gòn, vì thuở nay ổng chưa có đi tới đó lần nào, ổng chỉ biết có Hà Tiên, Rạch Giá mà thôi”.
Cô Lê chận hỏi:
- Tại sao quan Quận biết chú có một người cháu gái tên Lê nên quan hỏi?
- Khoan! để thủng thẳng rồi chú sẽ nói tới chớ. Có kẻ bề trên viết thơ biểu quan hỏi, chớ quan có biết chú cháu mình đâu.
- Kẻ bề trên là ai?
- Chú cũng không biết. Chừng buổi hầu chiều chú trở lại quan Quận nói chú mới ngả ngửa.
- Nói sao mà chú ngả ngửa?
- Đừng có nóng, con. Chú nói lại cho con nghe đây con cũng sẽ ngả ngửa như chú nữa cho mà coi, bởi vậy đừng có chộn rộn. Nghe trống hầu chiều đánh, ông Xã hối chú đi. Chú đi một mình lại tới tới đó. Quan Quận kêu chú vô liền, chỉ cái ghế biểu chú ngồi. Quan lấy bức thơ hồi sớm đem lại nữa, lấy một miếng giấy trắng để dựa bên, rồi nói rằng hồi nhỏ đi học quan có một người bạn thân, con nhà giàu ở Cầu Kho, tên Lê Khải Quang…
Cô Lê mới nghe có mấy tiếng, cô vụt la lớn: „Trời đất ơi! Té ra người đó hay sao?”
Ông Hai gặc đầu, chúm chím cười và đáp:
- Người đó đa. Con nghe con cũng ngả ngửa thấy chưa?
- Thôi, chú nói tiếp đi coi họ muốn cái gì.
- Quan Quận nói Lê Khải Quang bây giờ là đầu thầy của ổng. Khải Quang biết ổng ngồi quận Phú Quốc mới viết thơ cậy ổng tìm giùm một cựu tình nhơn, vì hoàn cảnh ép buộc nên phải rời rã, xa nhau mười mấy năm nay, không có tin tức chi hết. Khải Quang nói khi mới ra trường đi làm việc người kết tình với cô Lê, thợ may ở Sài Gòn. Hai người yêu nhau tha thiết, gần gũi nhau hơn nửa năm, kế cha mẹ người hay người có tư tình mới rầy rà, cấm không cho người đi coi hát đêm nữa, rồi ép buộc người phải cưới con gái của một phú thương trong Chợ Lớn. Nngười có nghe cô Lê nói cô đã có nghén được ít tháng, người đương kiếm thế sắp đặt bề ăn ở cho cô an thân mà nuôi con. Ngặt bị cha mẹ kềm chế gắt quá, có một chú ngoài 40 tuổi, bộ tướng hầm hừ, đón người tại cửa sở mà xưng tên là Hai Cường, chú ruột của cô Lê, và hỏi người dùng tiền, dùng thế, dụ dỗ con nhà người ta, lấy người ta có thai nghén rồi đạp đít mà bỏ hay sao? Nếu Khải Quang không tính cho xuôi, thì chú quyết lấy máu mà rửa nhục cho con cháu của chú.
- Quan Quận hỏi chú, thơ nói như vậy trúng hay không. Chú nói Khải Quang kết tình với cháu của chú có thai rồi bỏ, chú giận chú đón mà buộc phải tính sổ cho xong, mấy việc ấy thì trúng hết. Còn người có tính bề trên ăn ở cho cháu của chú thì người khóc mà thuật cho chú nghe, chú mới hay, lại chú không hiểu cha mẹ người tính cưới vợ cho người ở đâu. Quan Quận coi lại khúc thơ đó rồi ông nói tiếp rằng Khải Quang tình cờ bị chú đón vấn nạn và hăm he, phần thì sợ chú dùng miếng võ phu mà tẩy hận, phần thì sợ rầy rà giữa đường xấu hổ, phần thì xúc động về sự hay tin chắc tình nhơn đã có thai nghén, nên người phải hạ mình mà năn nỉ với chú, thề thốt không bao giờ người có tính bội ước bạc tình. Ngặt vì một bên là hiếu, một bên là tình, phận làm trai người không được phép trọng tình mà khinh hiếu, tại vậy nên người phải mang tiếng bội bạc. Người tha thiết cậy chú làm nghĩa giấu giếm mà nuôi giùm luôn. Người sẽ châu cấp tiền bạc cho, đừng lo đói rách. Vì việc tình cờ người không có sẵn tiền trong mình. Người biểu chú ngày mai trở lại người sẽ giao cho chú một số tiền để đem cháu đi kiếm nơi xa xuôi hẻo lánh ở mà làm ăn. Chú nghe lời thành thật chú động lòng nên đi về, không nỡ làm dữ. Bữa sau chú đón nữa thì Khải Quang trao cho chú 1000 đồng bạc, khuyên chú đem cháu ra Phú Quốc ở lập vườn mà làm ăn, hễ có thiếu hụt thì gởi thơ cho người hay và cho biết ở chỗ nào đặng người gởi tiền châu cấp luôn luôn để nuôi cháu và nuôi đứa nhỏ cháu đương mang trong bụng.
Cô Lê xúc động chận mà hỏi:
- Té ra một ngàn đồng bạc chú giao cho con giữ năm đó là tiền của Khải Quang! Lại cũng tại Khải Quang nên chú mới bỏ xứ đem con ra ở ngoài hòn đây hay sao!
- Chớ sao.
- Sao hồi đó chú giấu, chú không nói thiệt cho con biết.
- Nói làm chi! Nói ra thì con buồn thêm chớ có ích gì.
- Nếu hồi đó chú nói cho con biết thì con xin chú trả tiền lại cho người ta. Người không phải thì thôi, thọ tiền bạc của người làm chi.
- Bây giờ con ăn năn hay sao?
- Không, không. Con nhờ chú mà sống an vui mười mấy năm nay, khỏi đói, khỏi tủi nhục. Xuân Sơn cũng nhờ chú nên vai nên vóc. Con có ăn năn là ăn năn sự dại khờ, lầm lỗi làm xấu hổ cha mẹ, mất cả tiết trinh, chớ đâu phải ăn năn về sự theo chú ra đây.
Xuân Sơn tiếp hỏi: „té ra cha của con còn sống, tên là Lê Khải Quang hay sao?”
Ông Hai Cường nói: „Phải. Cha con còn sống, giàu có sang trọng lắm, ở trong Sài Gòn. bữa nay nhân dịp ngoại nói hết cho mấy con, mấy cháu nghe, không nên giấu giếm nữa. Hồi nãy con Lê trách chú sao năm trước chú thọ tiền của người ta mà không nói thiệt cho con biết. Cha chả, con tức giận hơn chú hay sao? Con nên nhớ từ hồi nhỏ chú sống chung với đám bần hàn lao động, vui thì ít, còn buồn thì nhiều, bởi vậy chú quen tánh oán thù hờn giận, gây gổ, không kiêng nể, hay bợ đỡ ai hết. Mà chú lại có tật thiên nhiên ưa ngay thẳng, lại hay xúc cảm, thấy ai gian dối ngang tàn chú bất bình dầu phải chết chú cũng chống cự. Mà gặp ai đau khổ than van thì chú động lòng thương, dầu phải chịu cực khổ hay hiểm nguy chú cũng tận tâm cứu giúp. Tại như vậy, nên thấy Khải Quang thành thiệt yêu con, chớ không phải gian dối bội bạc, lại thấy cậu ta bị chữ hiếu mà không nỡ nói nặng nề nữa mà lại hứa lãnh nuôi con trọn đời để cho cậu ta an ổn mà giữ tròn hiếu đạo với cha mẹ.
Tuy người ta có dặn hễ ra đây có việc chi khó khăn trắc trở, hay là làm ăn không khá, có thiếu hụt cơ hàn thì viết thơ cho cậu hay, cậu ta sẽ tìm cách mà giúp đỡ cho, nhứt là châu cấp cho chú với mẹ con của con luôn luôn no ấm. Ra đến đây chú không thấy có đều chi khó khăn trắc trở, chú lại nghĩ, người ta thành thiệt lấy lòng quân tử mà đãi mình, không lẽ chú dùng thân con làm miếng mồi để câu tiền bạc của người ta, cứ viết thơ than khó làm ăn, nên thiếu tiền bạc, đặng rút rỉa người ta; tuy chú thuộc hạng lao động song chú cũng biết liêm sĩ, chú không thể làm theo lối tiểu nhơn như vậy được. Đã vậy mà mười mấy năm nay cả nhà mình không đói khát bữa nào, không cực khổ chi hết, trái lại chú với con Diệp cũng như mấy mẹ con các con từ lớn chí nhỏ thảy đều an vui, ai cũng say mê cảnh thú thiên nhiên, ai cũng cho hạnh phúc của sư huynh An Viên bày cho bà con mình chung hưởng đây, quí báu hơn tất cả hạnh phúc nào khác, thế thì chú nhắc chuyện Khải Quang làm chi và gởi thơ cho người mà yêu cầu vật gì, để cho người yên lòng mà hưởng hạnh phúc giàu sang của đời, mình hưởng hạnh phúc thiên nhiên của trời cho thoả thích, cần gì phải bươi móc đống tro tàn cho nó bay bụi dơ dáy. Hai con, hai cháu hiểu hay chưa! Thuyền được đậu êm trong ụ rồi thì lột chèo nằm nghỉ ngơi, trương buồm đi đâu làm chi mà bị dông gió!”.
Diệp dọn cơm rồi ra mời đi ăn. Ông Hai Cường nói đi từ sớm mơi tới giờ ông đói bụng nên để ăn cơm rồi ông sẽ nói tiếp.
Mấy bà con ráp lại ăn.
Ông Hai Cường đương đói bụng hay là được nghe quan Quận nói chuyện Khải Quang mà ông vui, hai lẽ đó không biết vì lẽ nào, cô Thiên Hương chỉ thấy ông ăn ngon lại hớn hở hơn ngày thường.
Mẹ con Xuân Sơn nghe nhắc chuyện xưa nên lơ lửng ăn không được sốt sắng. Còn mẹ con Thu Thủy thì có sắc lo ngại vì không hiểu ý cô Lê được tin cựu tình nhơn và Xuân Sơn còn cha, mà cha lại giàu sang, không biết cảnh tình êm ấm hạnh phúc thiên nhiên mình được thưởng thức thuở nay nó có biến đổi hay không, biến đổi cách nào, vẫn còn được sum vầy mà an vui hoài hay là phải rã rời mà sầu não.
Ăn cơm xong, mặt trời gần chen lặn. Thiên Hương biểu Thu Thủy ôm chiếu ra trải dưới gốc cây đặng bà con ra ngoài ngồi nghe ông Hai nói chuyện tiếp.
Thiên Hương thấy ông chú bỏ đi ra ngoài suối dường như muốn tránh, không chịu nói tiếp câu chuyện hồi nãy, cô mới kêu mà nói hồi chiều Diệp đã tưới đám ớt ông gieo đó rồi. Ông làm thinh đi luôn. Cô Lê mới rủ Thiên Hương ra gốc cây mà chờ. Thu Thủy với Xuân Sơn cũng đi theo.
Thiên Hương thấy ông chú ngồi chồm hổm trên mé suối mà ngó mông chớ không có làm việc chi hết, cô mới biểu Xuân Sơn ra mời ông ngoại vô nói chuyện đi hầu quan Quận nghe chơi.
Ông Hai Cường đứng dậy, dụ dự, ngó quanh quất tứ phía một hồi rồi chậm rãi theo Xuân Sơn trở vô, đi mà ngập ngừng như cực chẳng đã phải rán mà bước. Vô gần tới chiếc chiếu trải. Cô Thu Thủy với hai mẹ đã ngồi sẵn rồi, ông đứng ngó từng người. Cô Lê nói: „Chú ngồi đây, ngồi tiếp nói hết chuyện đi hầu quan Quận nghe chơi”.
Thiên Hương nói: „Con nóng nghe coi ông Khải Quang cậy quang Quận kiếm chú có ý gì, chớ không lẽ kiếm mà nhắc cho chú nhớ chuyện ổng giao chú một ngàn đồng bạc hồi trước đó rồi hỏi coi còn được bao nhiêu đặng ổng biên vô sổ”.
Ông Hai thở một hơi dài, day ngó Xuân Sơn đứng một bên ông rồi ông nắm cánh tay chàng kéo ngồi xuống, ngồi khít mình ông mà nói: „Trời trong gió lặng, cảnh vui vẻ vô cùng. Thình lình cụm mây ở đâu bay tới vần vũ tối đen. Chú sợ rồi đây trận dông mưa sẽ ào tới làm cho sập nhà ngã cây tan hoang vườn rẫy, uổng công lao của chú mười mấy năm nay quá. Mà hạn của Trời gây ra, còn hay mất cũng do ý Trời định. Dầu muốn dầu không, mình cũng không cãi được. Vậy phải nói phứt cho mấy con, mấy cháu nghe rồi bàn tính với nhau chớ giấu làm chi. Khải Quang vì có tình anh em bạn học với quan Quận nên mới viết thơ thuật rõ tâm sự của người cho quan Quận biết đặng cậy kiếm chú cho dễ. Người nói mưới mấy năm nay chú đắt Lê đi rồi biệt tích luôn. Người có căn dặn chú viết thơ mà người không được tin tức gì hết. Người có cậy hai quan Quận trước kiếm giùm hai lần rồi, mà chắc là họ hỏi sơ sài mấy người ở tại chợ bởi vậy lần nào họ cũng trả lời nói không có. Lần nầy người cậy quan Quận dạy các làng chịu khó đi hỏi từng nhà đi vô mấy chỗ hẻo lánh xa xuôi, tận trong rừng trong núi mà kiếm đừng bỏ sót một nhà nào hết.
Như tìm được chú thì hỏi coi: Lê còn mạnh khỏe hay không, khi ra đi Lê có chửa rồi sinh con trai hay con gái. Khải Quang dặn hỏi rồi rán khuyên chú dắt giùm mẹ con con Lê trở về Sài Gòn liền, về ngay nhà của Khải Quang ở Cầu Kho, nhà cũ đó Lê biết. Nếu chú cần dùng bao nhiêu tiền bạc đặng đi đường thì quan Quận cứ đưa đủ cho chú đi rồi Khải Quang sẽ tới trả lại cho. Dầu chú chịu về hay là có việc chi trắc trở về không được thì quan Quận cũng làm ơn viết thơ liền cho người hay. Quan Quận nói đủ hết rồi ông mới biểu chú trả lời về mấy khoảng của Khải Quang muốn biết đó cho ông biết đặng ông viết thơ liền cho bạn ông hay. Chú mới nói cho ông biết rằng khi ra tới đây chú cất chòi ở trong cái trảng nhỏ ngang Giếng Tiên, gần chùa Phật mà nuôi Lê.
Ở ít tháng Lê sanh được một đứa con trai đặt tên là Xuân Sơn, năm nay nó đã được 16 tuổi. Cách vài tháng, Thiên Hương chồng chết đương có thai nghén đi kiếm chổ nương dựa. Chú nuôi luôn Thiên Hương làm con đặng ở với Lê cho vui. Thiên Hương sanh con gái đặt tên Thu Thủy. Từ ấy đến nay, chú sống giữa rừng với hai con gái và hai cháu ngoại, tuy hẩm hút song cũng đủ cơm ăn qua ngày. Chú không muốn làm rộn cho Khải Quang nên không viết thơ cho người hay làm chi. Quan Quận hỏi chú mấy năm nay Lê có lấy chồng khác hay không. Chú cười mà nói: ở trong rừng trong núi có ai đâu. Mà Lê cũng như Thiên Hương, cả hai đều thất chí vì tình, nên quyết sống mà nuôi con, chớ không màng điều chi khác. Quan Quận hỏi chú liệu coi chừng nào chú đưa mẹ con về Sài Gòn theo như ý Khải Quang muốn. Chú nói về hay không thì tại Lê với con của Lê nhứt định, bởi vậy chú không thể trả lời được. Quan Quận mới dạy chú về bàn tính với con và cháu. Định chừng nào đi và cần dùng tiền bạc bao nhiêu thì ra cho ông biết, ông sẽ kiếm ghe và giúp tiền cho. Bây giờ ông viết thơ cho Khải Quang hay trước ông đã tìm được rồi. Tính chừng nào đi hay là có việc chi không đi được thì cũng phải ra cho ông biết đặng ông viết thơ nữa. Theo ý ông nên đi cho gấp bởi vì Khải Quang ân cần lắm chớ không phải lơ là. Huống chi Khải Quang giàu có mà lại sang trọng, mười mấy năm nay ở ngoài hòn cực khổ, nên về Sài Gòn nhờ Khải Quang bảo bọc đặng hưởng sung sướng với người ta. Chú nghe khuyên như vậy thì chú cười. Chú xin phép về hỏi con cháu ít bữa rồi chú sẽ trở ra trả lời với quan Quận. Đó, quan Quận kiếm chú là tại có chuyện như vậy đó, chớ chú có tội gì đâu nên kiếm mà bắt. Bây giờ chịu về Sài Gòn hay không là tự ý mẹ con con Lê liệu định. Chú không cản mà cũng không ép. Muốn thảnh thơi khỏe khoắn thì ở đây, còn muốn rộn ràng rực rỡ thì về Sài Gòn. Muốn sống với cảnh đời nào thì lựa lấy”.
Cô Lê vội vã nói liền: „Phận con thì con muốn ở luôn tại đây chớ không đi đâu hết. Xin chú ra trả lời với quan Quận”.
Xuân Sơn nói: „Con cũng muốn ở đây với má. Con đi rồi con bỏ ngoại, bỏ hai má, bỏ Thu Thủy, bỏ dì Diệp hay sao? Như đi hết thì con chịu đi”.
Thiên Hương cười mà nói: „Cha con muốn tìm con vơi má con đặng rước về mà nuôi, thì con đi với má con và ông ngoại, chớ má đây với con Thu Thuỷ có dính líu vào đâu mà đi”.
Xuân Sơn nói: „Nếu Thu Thủy không đi thì thôi. Con cũng ở luôn đây chớ đi làm chi”.
Thiên Hương nói: „Chuyện nầy đối với người ta thì dễ, mà đối với mình coi bộ rắc rối lắm chớ không phải dễ đâu. Vậy xin chú trả lời với quan Quận để chậm chậm đặng mình suy nghĩ cho kỹ rồi sẽ trả lời”.
Ông Hai Cường nói: „Hồi xế chiều chú nghe quan Quận nói rồi thì chú biết chuyện không phải dễ, bởi vậy chú xin hưỡn ít bữa đặng bà con mình bàn tính. Vậy việc không gấp gì. Mười mấy năm nay Khải Quang bặt tin mình rồi dầu người phải chờ một hai tháng nữa mới biết ý mình chịu cho người gặp hay không nghĩ không hại gì. Thôi, đi nghỉ cho khỏe đặng sáng mai chú lo đám ớt của chú. Mấy con mấy cháu suy nghĩ rồi bữa khác sẽ nói chuyện lại”.