Đời Cha Ăn Mặn
Nguyên Đỗ
Ông Khoa cuối năm 1999 quyết định về quê hương một chuyến trước khi thế kỷ 20 chấm dứt. Ông tuổi đời đã cao, chỉ năm năm và vài tuần nữa là đã đạt tới tuổi "nhân sinh thất thập cổ lai hy". Bà Khoa, thua ông 10 tuổi, người bạn đời bao nhiêu năm của ông đã mất năm rồi trong một tai nạn giao thông. Bà ấy thực sự là người vợ thứ hai của ông, chứ bà cả người mà ông đang trên đường về nước thăm vẫn còn sống trên đất Bắc. Năm 1954, khi đất nước chia đôi, lúc ông đang hai mươi, ông từ Hải Phòng vội vã lên tàu vào Nam bỏ lại bà cả và đứa con trai nhỏ dại ở lại Nam Định.
Không ai hiểu ông hơn bà Hai. Tính ông lăng nhăng thuở xưa, lúc ông còn bơ vơ độc thân tại chỗ, bao lần bà đã biết nên bà tuyệt đối cấm ông dây dưa với người này người nọ từ khi bà nhận lấy ông làm chồng năm 1960 lúc bà vừa đôi mươi. Mười lăm năm chung sống với bà Hai ở quê hương, ông bị kềm tỏa ghê gớm lắm nên chẳng sơ múi được gì trừ những lần đi công tác ở những tỉnh lỵ xa. Bà Hai khôn ngoan và đanh đá lắm, ông có giận cũng không làm gì được, vì bà Hai khéo ăn khéo nói, giao thiệp rộng và chơi trội hơn cả ông.
Có lần nào đó năm 70 hay năm 71 gì đó, một cô thư ký trẻ đẹp làm tại văn phòng ông chừng đâu một tuần, ông chưa kịp trở mòi dê dẫm gì hết thì bà Hai đã gặp. Bà chào hỏi cô thư ký ân cần và mời mọc về nhà ăn uống chuyện vãn chị chị em em như ruột thịt trong nhà thì của có treo trước miệng mèo ông cũng đố dám leo meo. Bà lại đề bạt cô thư ký trẻ lên làm cho ông tổng giám đốc, thế là vừa được lòng giám đốc lại vừa có công với cô thư ký, thế có phải bà hơn cả cái ghen của Hoạn Thư không chứ!
Từ lúc rời trại tỵ nạn Pendleton, tiểu bang California, ở Mỹ cuối năm 1975, phần thì tuổi đã ngoài tứ tuần, con cái với bà Hai còn nhỏ, ông đầu tắt mặt tối đi làm không kịp thở thì lấy đâu mà bay với bướm. Cái tính nguyệt hoa của ông, không biết sao lại được trổ mòi qua hai cậu con trai qúi của ông khi chúng tới tuổi 17, 18 gì đó! Bà Khoa buồn lòng lắm, cứ nhắc nhở răn bảo chúng:
"Các con phải đàng hoàng, còn làm gương, để phúc lại cho ba đứa em gái và con cái sau này chứ! Chúng mày chẳng nghe đời cha ăn mặn đời con khát nước sao?"
Ông Khoa thì cười xuề xoà khi có ai nói chi:
"Hơi gì mà lo, tuổi trẻ chúng ăn chơi thì kệ chúng! Miễn đừng phá gia hại sản là được rồi! Bọn nó giống tôi hồi xưa! Đấy coi đi, tôi bây giờ cũng chăm lo cho gia đình, chứ có bỏ bê gì đâu!"
Bà Hai trách ông:
"Ông không lo dạy con thì thôi! Lại cứ nói lăng nhăng đổ dầu cho chúng làm bậy! Thử tưởng tượng ba đứa con gái của mình kia kià, mai mốt 15, 16 tuổi lỡ có gì thì sao?"
"Thằng nào láng cáng tôi đập gẫy cẳng chứ mà dám đụng đến con gái tôi!"
"Đấy ông xem, con trai ông lung tung, thì ông bao che! Con trai người ta đụng đến con gái ông thì ông đòi đả thương thiên hạ! Rõ thật là thiên vị, chẳng có lề luật gì nhất định!"
Ông Khoa nghe vợ lý luận cứ trớ ra mà nhìn! Ông biết bà khôn ngoan đáo để lắm, chẳng gì bà cũng cầm chân trói tay ông bao nhiêu năm trời. Cửa khoá giờ đã mở từ khi bà mất! Chỉ vài tuần nữa ông đã 65! Ôi hơn 64 năm qua, ông làm lụng vất vả chỉ được ăn chơi bồ bịch đâu chừng sáu năm từ lúc vào Nam năm 54 tới ngày ông chui vào rọ của bà Hai, thỉnh thoảng mới thoát rọ những lần đi xa, thế mới có tiếc không! Mỗi người con gái, mỗi người đàn bà là một kho tàng vô giá mà ông là người thích sưu tầm, thích làm giàu tìm kiếm những kho tàng sống động đó.
Khi bà Khoa mất, ông để tang bà chỉ đúng 49 ngày thay vì ba năm hay ít ra cũng phải chờ qua ngày giỗ 100 ngày. Sau buổi giỗ 49 ngày, đám bạn già ngà ngà say rủ rê ông ra quán Ô Lớn giải trí. Ôi chao, sao mà bắt ý ông quá! Bao năm qua, ông tò mò muốn tìm hiểu mà phần bận rộn phần bà Hai kềm kẹp ông chẳng dám to te. Đám con gái vóc dáng như người mẫu từ từ theo kích động nhạc thả rơi những mảnh áo quần, trở thành những bức tượng khoả thân linh hoạt nhún nha nhún nhẩy trông đã con mắt. Ông nghe lời xúi dục của đám bạn già, ngậm những tờ giấy 1 Mỹ kim ngồi gần sàn nhảy đợi chờ. Từng cô Á có, Âu có, đen có, trắng có, nâu vàng đầy đủ cả, hơ hễnh khoe của thấp của cao sát mặt ông! Những bông hoa lạ nhún nhảy từ từ hạ thấp xuống đưa tay ôm lấy đầu ông rồi ghì mặt ông sát vào da thịt, hai má ông chạm hai mặt trong của đôi trái cam, trái bưởi có khi là của thật, có khi là của giả si-lic, nhưng của nào cũng làm ông đê mê muốn chết. Rồi từ đó cuối tuần nào ông cũng đi thăm các em, riết rồi quen mặt quen tên. Nhưng xem thì xem vậy thôi, chứ ông chẳng vớ vẩn được gì, chỉ làm ông thêm bức rức. Con lợn lòng gặp cám treo heo nhịn cứ nhao nhao lên. Những lần cao hứng, ông chọn người ông ưng ý nhất nhảy riêng cho ông ở một góc mờ mờ càng làm ông bức xúc thêm. Những cú rà sát thân mật của các cô càng tạo thêm lòng dục, mà chẳng giải toả được lòng háo hức xuân xanh của ông.
Ở tuổi ngoài sáu mươi của ông, phải tiết chế tu nhân tích đức thì hơn, giá mà ăn chay trọn đời tưởng niệm người vợ chung thuỷ xấu số đã ra đi vĩnh viễn thì đẹp biết chừng nào. Ngọn lửa âm ỉ cháy. Ông tiếc cái thời oanh liệt đã bị bà Hai kềm toả, cơm canh trong nhà đầy đủ, nhưng chẳng phở phiếc bên ngoài gì được. Đến lúc đại thọ sáu mươi của ông, bà Hai treo chén ông luôn, bảo ông tu tại gia, phải tịnh dưỡng kẻo đau tim bởi vì ngày làm tám tiếng, lao tâm lao lực, tập thể dục đều chi, mà ấm ức thay chỉ số áp huyết ông cao gần 140 gì đó, chứ thể lực ông còn khoẻ mạnh. Bà sợ ông chết, vậy mà bà đi trước. Bà chẳng có gì sai trái cả, chỉ có một cái là khó khăn ràng buộc ông tí thôi. Phải bà như người khác, không chừng ông chẳng sợ mà phải khép mình sống thuận hoà tới già.
Hai cậu con trai và ba cô con gái của ông nhờ bà Hai khéo léo đã yên bề gia thất, đứa nào đứa nấy cũng có nghề nghiệp và nhà cửa đâu vào đó rồi. Tiền bảo hiểm nhân thọ của bà Hai, ông cũng dành một nửa để chia cho chúng đồng đều. Còn một nửa, ông giữ lại cho ông, cho người vợ cả và đám con cháu vừa liên lạc lại được năm rồi, nhờ ông đăng báo cáo phó ở quê ông bên nhà cũng như ở thành phố ông sống ở Hoa Kỳ lúc bà Hai từ trần. Ông thầm cám ơn bà Hai đã biết tính toán lo xa, dạy dỗ con cái nên người, chứ cứ như ông, đời cha ăn mặn, đời con ăn mặn hơn! Không chừng không có nước mà uống!
Ông về thăm quê hương chuyến này, một là thăm gia đình bà Cả, hai là định giải quyết vấn đề "khí tồn tại não" chi chi đó! Đám bạn già kháo láo với nhau những màn xào khô, xào ướt nghe mà phát thèm. Kỳ này ông về với số tiền hưu non hàng tháng của ông cũng tha hồ cho ông ngụp lặn, tung hoành chứ đừng nói tới nửa số tiền bảo hiểm của bà Hai. Con dê già thả giữa đồng cỏ non xanh tha hồ gặm cỏ. Ông lim dim cười! Cái mã ông, tóc bạc cả đầu hôm kia đây đã được cô thợ hớt tóc nhuộm đen, trông có khác nào các ông bốn mươi đâu! Cái miệng môi hồng dễ thương nói câu đó làm ông muốn thưởng cô một nụ hôn nồng nàn, và cái mông trông mát mắt khiến bàn tay ông muốn vỗ một cái cho đã lỗ tai và sướng bàn tay. Ông đã hí hửng đưa cô nguyên cả tờ 50 Mỹ kim, gấp đôi giá tiền nhuộm tóc, khi cô áp má cô vào má ông nói cám ơn, để hơ hớ đôi gò bồng đảo trông mà tiêu tán đường. Ngôi sao đào hoa của ông lại sáng rồi, chuyến này áo gấm về làng không vinh quy cũng hưởng lạc, ông nhủ thầm trong bụng.
Vừa ra khỏi phi trường, đám thanh niên thanh nữ đổ xô vào mời mọc đi xe họ. Ông chủ ý không cho người thân biết ông về chuyến này để có dịp tìm hoa thơm cỏ lạ nên hơi luống cuống trước sự vồn vã của các tài xế, nhân viên du lịch. Đi với đám thanh niên thì sợ chúng cướp giật, dù dễ dàng nói với chúng những gì ông muốn. Đám thanh niên thì chắc rành rẽ khu xóm ăn chơi, cò mồi, nhưng ông sợ chúng giở trò thì chẳng còn áo mà về, không chừng còn toi mạng già nữa. Đi với đám thanh nữ thì khó nói! Cuối cùng ông nhận lời mời của một cô gái chừng 20, 21 gì đó, trông dáng dễ thương và không đến nỗi đáng sợ.
-- Anh đi xe em nhé! Khách Việt kiều bao giờ cũng hài lòng với dịch vụ của hãng xe em!
-- Được cô cho tôi về khách sạn nào vừa sang vừa thoải mái nhé!
-- Dạ được anh! Anh về thăm gia đình hay thăm bạn bè, quê hương thôi?
Gớm các cô gái choai choai thiệt là khéo mồm khéo miệng, đứa con gái út của ông với bà Hai giờ cũng 32 và có 2 đứa con rồi. Cô này tuổi nhỏ hơn cả đứa con gái út mà cứ anh anh em em ngọt xớt nghe lọt tai quá! Mà trông tướng cũng mơn mởn mát con mắt nữa! Ông ỡm ờ nửa thật nửa đùa:
-- Cả hai! Vợ tôi mất năm ngoái, tôi về Việt Nam kiếm vợ!
Cô gái nhìn ông chọc:
-- Anh về tìm mẹ kế cho các con anh đấy hở?
-- Không, con cái tôi lớn cả rồi cô! Chúng có gia đình riêng hết rồi! Tôi kiếm vợ cho tôi đó!
Cô gái cởi mở:
-- Anh cần kiếm người như thế nàỏ Trẻ, đẹp, có học thức hay...
Cô gái chưa kịp dứt lời thì ông Khoa, mặc dù nhìn còn điệu lắm nhưng tuổi đã gần đất xa trời, may nhờ ăn uống đầy đủ nơi quê người, bác sĩ, nha sĩ khám thường xuyên nên răng riếc hãy còn và bộ dạng cũng chưa đến nỗi, đã thả dê:
-- Người như cô đó!
-- Vậy anh phải gọi em là em chứ, chứ cứ cô cô gì nghe mà phát ghét!
Người ta bảo người già hoá trẻ. Ông Khoa không biết có phải hoa mắt, hoa tai hồi nhi hay là bị cô gái trẻ có cái nhìn mời mọc, nhõng nhẽo quên cả tuổi tác của mình nói:
-- Ừ thì anh em nhé!
Ông thả hồn mình về đường đê đất Bắc, thả hồn mình về đồng lúa vàng thuở ông còn đam mê bên bà Cả gần nửa thế kỷ trước. Chẳng biết bà ấy có nhận ra mình không? Bà vẫn ở căn nhà của thầy mẹ ông, thôi thì cũng là nghĩa vợ chồng! Bà thay ông nuôi dưỡng thầy mẹ ông lúc ông hơ hãi vội vàng bỏ vào Nam một mình sau ngày đất nước phân chia.
-- Đồ đạc anh còn nhiều không hay chỉ có xách tay này?
-- Chỉ vậy thôi em! Anh đi gọn gàng có bấy nhiêu thôi, nghe nói bên này cái gì cũng có!
-- Vâng cái gì cũng có!
Cô gái lườm nhìn ông với cái liếc đầy ý nghĩa gây trăm ngàn ngọn sóng! Ông Khoa tuổi đã cao rồi, có còn sống bao lâu nữa mà không ngại gì mà không vớt con nai vàng! Không ông thì cũng người khác vớt thôi! Trông nó mời mọc thế kia bố mà chịu được! Ông Khoa lý luận trong đầu.
-- Đây là xe của em hay của hãng?
-- Xe của hãng, anh ạ! Em vừa làm tài xế vừa làm hướng dẫn viên du lịch!
-- Anh muốn bao xe này! Giá cả ra sao? Nếu một tuần thì bao nhiêu, hai tuần thì bao nhiêu, và ba tuần luôn thì có giảm giá không?
-- Một ngày thì 1 triệu rưỡi, một tuần thì trả sáu ngày, một ngày miễn phí, hai tuần thì mỗi tuần chỉ trả 5 ngày, còn ba tuần thì hưởng qui chế đặc biệt.
-- Qui chế đặc biệt là gì?
-- Thì anh trả tiền cho 15 ngày, miễn phí 6 ngày. Anh cần gì thì có em tận tình săn sóc cho anh!
Ông Khoa tính toán. Bao ba tuần thì cũng được, nhưng ông muốn biết tận tình săn sóc cho ông là thế nào mới được mà ông không dám hỏi. Ông lưỡng lự. Như đoán biết được ý nghĩ của ông, cô gái nói:
-- Anh về đây một mình thì đi với em, em sẽ săn sóc chu đáo cho anh như người yêu của anh. Nhưng tiền ăn uống, khách sạn, anh phải bao hết!
-- Để anh thử một tuần xem nhé! Được thì anh bao luôn ba tuần!
-- Bảo đảm là anh sẽ hài lòng cách phục vụ của em một trăm phần trăm mà!
Qua ngày đầu đi xem các nơi và một đêm thoải mái hưởng thú tắm chung, mát-xa và thân già thấy lại xuân tình phơi phới, ông Khoa chẳng những ký trọn ba tuần bao xe mà trong lòng còn muốn bao người trọn cuộc đời còn lại của ông nữa. Ông như chạm phải tiếng sét ái tình với cô gái trẻ hao hao giống bà cả của ông ngày xưa. Ông thấy ông diễm phúc lắm, đời ông đã có ít nhất ba lần bị sét ái tình, lần đầu với bà Cả, lần thứ hai với bà Hai, và lần này là lần thứ ba, chưa kể những lần chớp bể mưa nguồn thoáng chốc lúc còn xuân trẻ. Ông thấy nếu năm 2000, một thiên niên mới, dù có tận thế đi nữa, ông cũng không ân hận.
Ông và cô gái hướng dẫn du lịch hưởng mùa trăng mật và mừng thiên niên mới trên giòng sông Hương, ở Huế, kinh đô của vua chúa thời xưa. Ông tưởng mình như hoàng đế bên cạnh nàng sủng phi. Hai người bên ngoài nhìn hạnh phúc lắm, tựa như câu , "Chồng già vợ trẻ là tiên!" Nhưng cái duyên muộn có khi là nợ đời khó mà gánh nổi. Những thủ tục giấy tờ, những cản ngăn của bạn bè, gia đình trước mối duyên kẻ già người trẻ, hay những bất ngờ không biết được!
Điều bất ngờ xảy đến cho họ vào tuần thứ ba khi cô gái chở ông về làng Diên Thọ, Nam Định, nơi bà cả sống. Cảnh vật đã đổi thay! Về đến làng, ông đưa địa chỉ nhà bà Cả cho cô gái nói cô chở về đấy! Cô sửng sốt cầm tờ giấy, địa chỉ này cô quen thuộc lắm mà! Bà cụ thân sinh của bố cô ở vậy nuôi cha mẹ chồng và đứa con trai duy nhất tên Quyết! Ngôi nhà cổ xưa vẫn chưa thay đổi gì, nhưng bố mẹ cô thì ra Hà Nội để buôn bán từ khi kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường theo chính sách Đổi Mới. Cô ấp úng hỏi:
-- Anh quen gì với gia đình này?
-- Đó là nhà của bố mẹ anh hồi xưa.
-- Thế anh là gì với bà cụ Quyết, người đang ở đó?
-- Chẳng dấu gì em, đó là vợ anh hồi xưa! Anh vào năm lúc con anh là thằng Quyết còn một tuổi! Bây giờ thăm vậy thôi, chứ cả gần 50 năm rồi, người còn không nhận ra nữa chứ có còn chút tình nào đâu!
Cô gái hoảng hốt, nước mắt lưng tròng, rấm rức nói dứt đoạn từng quãng:
-- Ông.... Ông là... ông nội.... của... cháu!
-- Sao? Tại sao vậy? Tại sao lại có chuyện đó?
-- Cháu.... cháu.... là con của ông Quyết, con trai ông, đây mà! Khổ cho... cháu quá đi, ông nội ơi! Cháu xin lỗi ông! Cháu không biết!
Ông Khoa choáng váng! Ăn bánh trả tiền đối với ông là chuyện thường, thậm chí cả những mối tình ngắn ngủi vụng trộm đối với ông cũng là chuyện tự nhiên, nhưng chuyện ái ân với con của con mình là chuyện ra ngoài sức tưởng tượng của ông. Ông thấy tức ngực, khó thở, có lẽ áp huyết lại tăng rồi! Ông nghẹn ngào:
-- Ông... ông... mới là người có lỗi với cháu!
Cô gái lau nước mắt lái xe chở ông về tới nhà bà nội của mình, đậu trước cổng! Ông Khoa mới hôm trước đây còn cảm thấy trai trẻ, bây giờ nặng nề bước xuống xe, đi theo cháu gái trước cặp mắt tò mò của đám người rải rác bên đường đã quen thuộc cảnh Việt kiều về thăm quê hương. Có con chó đen gầm gừ giữ cổng. Cô gái vừa vòng tay vào cổng vừa nói với con chó:
-- Mực mực, mày không nhận ra tao à?
Con chó cuống quít nhảy chồm lên liếm mặt liếm tay cô gái nhưng vẫn gầm gừ nhìn người khách lạ khi cô gái gọi:
-- Bà nội ơi, bà ra xem cháu đưa ai về cho bà nội nè!
Một bà lão mở cửa nhà bước ra khi ông Khoa lảo đảo chúi người ngã xuống sân. Cô gái đang ôm bà nội mình mừng mừng tủi tủi không để ý tới ông Khoa giật mình khi bà lão buông cô ra nói:
-- Ông ấy bị sao kìa!
Cô và bà lão chạy tới luống cuống cúi xuống xem ông bị việc gì. Ông Khoa đã nằm bất tỉnh nhân sự như một cái xác không hồn. Con Mực tru lên một tiếng dài nghe rất não nùng. Cô gái vội vã kêu người khiêng ông đặt lên ghế đằng sau của xe cô. Bà cô ngồi đằng trước với cô. Bà rơm rớm:
-- Chạy vào nhà thương nhanh lên con. Ông ấy có việc gì thì thật khổ. Bao nhiêu năm trời nay, không ngờ ngày gặp lại ông ấy lại thế này.
Bác sĩ bệnh viện đưa ông vào phòng cứu cấp, nhưng ông đã tắt thở thực sự. Những cố gắng phục hồi tim cho ông cũng hoài công. Ông áp huyết cao, bị chấn tim mạnh, đã chết từ nửa tiếng rồi. Bác sĩ tuyên bố. Thân thể đã lạnh. Sau gần nửa thế kỷ xa nhau, ông về thăm bà Cả mà chưa kịp nói với bà điều gì. Cô gái tức tưởi khóc tiếc thương cái chết đột ngột của ông. Phải chi ông sống thêm một hai ngày nữa, hay ít ra là hoàn thành di chúc cuối cùng của ông cho bà nội, cho cha mẹ cô, cho các anh chị cô và cho cô là kẻ vô tình gần gũi với ông trong suốt hai tuần qua.
Xác ông phải để lại bệnh viện, chờ báo tin cho các con ông ở Hoa Kỳ. Bà cháu về tới nhà thấy con Mực đứng tru trước cổng, nói mãi không ngừng. Bà lão nói:
-- Mày không ngưng tru trếu thì mai tao thịt mày làm đám táng hay tao gọi ông Từ tới thiến mày bây giờ!
Con Mực không biết hiểu tiếng người không lại càng tru to hơn nữa. Có người nói con chó tinh khôn biết thương tiếc ông chủ dù nó mới gặp ông lần đầu, có người mê tín nói hồn ông già nhập vào con Mực.
Tôi nghe kể chuyện này lấy làm băn khoăn. Không biết là ông trời có mắt, thưởng phạt nhãn tiền hay cái chết đột ngột của ông Khoa là do sự quá xúc động, sự dày vò, sự hối hận của một lương tâm vừa tỉnh thức.
Nguyên Đỗ