Chuỗi đèn dù vừa úa màu một chút, chú Dé đã phóng gấp qua trảng cát. Dù ngụy trang bay xõa đằng sau như buồm.
Tôi hừ một tiếng lo lắng. Ban đêm máy bay khó thấy người, đành vậy, nhưng cái bóng đen hằn rất dài trên nền trắng kia, phình to gấp ba do tấm choàng phồng gió, vung vẩy lướt tới, thằng mù nhìn xuống cũng nhận ra: Đánh trên vùng cát, quên bóng mình là khốn ngay. Những đốm xanh đỏ vàng kết hình chữ thập lừ lừ xoay. Chiếc C.47 quay lại. Chú tiểu đội trưởng trinh sát thoắt biến mất. Tôi nép sau gốc dương, dòm mãi mới thấy một cái mu rùa nhỏ xíu úp sấp giữa mảng cỏ chông chông. Cậu Thắng cười phì, tôi cười theo. Đừng nói tụi Mỹ lớn xác, ngay chúng tôi cũng khó tin rằng cả người lẫn súng có thể khoanh tròn lại chỉ bằng cái thúng năm ang.
Máy bay qua khỏi đầu, Dé chồm dậy chạy tiếp dưới ánh sáng vàng bủng, ập vào chỗ chúng tôi, vừa lúc một chuỗi đèn mới lộp bộp xòe lửa trắng. Chú ngồi phịch trong bóng cây, thở như thụt bễ. Đại đội trưởng Thắng hỏi dồn. Chú lắc đầu, thả từng tiếng chật vật:
- Không… được đi…
Dé trông thấy tôi, mừng quá, nói luôn tiếng Co cho đỡ nghĩ:
-
Lé ik hoi truốc né… Truốc hớ kơ xây. Gô gioi xê mình. - Hú ơn Mỹ? - Lé e(1). Tôi dịch cho Thắng. Dé xốc súng, hơi lảo đảo, dẫn bộ đội rẽ sang phải rừng dương thấp gần sát chẫn sóng. Chú đưa trinh sát đi trước dò đường, vừa chạy một mạch bốn cây số về đón anh em. Sau một ngày chống đổ bộ, trung đoàn đã rút hết. C.125 được cử ở lại phá thật nát những xác máy bay và xe sắt, lượm súng địch bỏ vung vãi. Tôi kèm cậu Thắng, rất khoái đi với xê mình.
Quá nửa đêm. Chiếc tàu chở máy bay phơi lưng phẳng giống cái hộp ngoài xa kia không thấy ánh sáng đèn, chắc đã cuốn gói. Ba tàu chiến to còn đậu lại, điện lấm tấm năm bảy tầng, rọi pha quanh mình như nhện duỗi chân nhún nhún. Các cây pháo trên dưới hai trăm ly ngừng nổ, hôm nay chúng bắn đến chảy nòng. Còn lại hai chiếc gì như khu trục hạm mới đến mới đến thêm lúc chiều, đậu mé trong, vẫn giã cầm canh vào làng Vạn Tường. Một luồng lửa màu cam vọt chếch lên trời, một luồng khác đối xứng, lợt mà dài hơn, cũng loé trên mặt gương đục của biển. Trái đạn xẹt sợi đỏ dài, biến mất, rồi chớp trắng bật sau những bóng cây dương gẫy ngọn. Hầm tránh pháo của bà con trong làng vững lắm, cỡ đạn ấy chỉ đủ gãi bên ngoài.
Một cặp tàu đoan chạy rù rù lên phía bắc. Cặp nữa dừng cách chân sóng năm chục thước, xả đại liên vào mấy cái xác xe rải rác mà chúng tôi vừa đốt lại, cháy lửa ít khói nhiều. Hai M.113, một M.118, một tăng. Thứ tăng gì to gớm ghiếc, như chiếc tàu há miệng chạy lạc lên bờ, súng trên súng dưới quét ào ào, một mình nó đi làm nên cơn bão. Chúng tôi thúc dồn đạn lõm vào, nó liệt máy, câm dần. Đến khi chồng người leo lên vẫn trượt toanh toách. Một cậu vừa tới tháp pháo, bị nó xoay nòng gạt ngã xuống đất. Tôi với Thắng hè nhau xách bổng chú Dé ném lên đằng đuôi. Chú bám được, cạy nắp chơi luôn hai thủ pháo nửa cân vào ruột nó, đã hằm hằm rút trái thứ ba, tôi phải hét để dành. Soát lại, thấy tụi Mỹ trong xe bị hơi nổ lột sạch áo quần, xác xém từng chỗ, mềm nhũn. Bây giờ đạn Mỹ đang trượt trên vỏ thép của nó. Những viên đạn lửa lắp cách quãng đi thành tràng chấm dời như mũi kim máy may, thuốn vào đám cháy, vọt toé ra chung quanh, khá xa mới tắt.
Đại đội rút về phía nam. Tôi ngoái cổ lại xem hai chiếc tàu tuần rất là ăn quẩn cối xay kia, thấy thèm quá. Mò theo rặng dương đến gần, đặt cây 12 ly 7 mới lấy, chúng chưa kịp quay đuôi đã ăn ngay một trăm đạn vào bụng… Thôi đành, cứ nuôi đấy đợi dịp khác.
Trời sẫm, vắng sao. Mặt biển và trảng cát vẫn sáng gắt dưới đèn dù. Xê mình rải hàng dọc đi lẫn trong cây. Những bóng lạ không rõ hình người, gặp chỗ sáng bỗng hiện thành anh bộ đội vác bó súng hay thùng đạn to, loà xoà lá ngụy trang vẫn giữ dày. Dáng đi mỏi mệt và chắc chắn của người vừa thắng. Truyền khẽ những lệnh miệng bằng giọng khản và sẵn sàng cười. Vài tiếng gắt của một trung đội trưởng nóng tính, nhưng rõ ra gắt yêu, vì cậu chiến sĩ hút thuốc lá vào bi đông vừa đi vừa hút kia đã hạ mười hai Mỹ trong ngày. Tôi thuộc nết xê mình, ngó sơ một vòng đã thấy ngay cái khí thế hăm hở mà kín đáo ấy. Nếu gặp một tiểu đoàn Mỹ chặn đường, những người đang bước uể oải trên cát lún, vừa đi vừa ngủ gật kia sẽ nảy lên như bị gí điện, bật lê nhào tới…
- Dừng lại, tản ra đợi. Thắng.
- Dừng lại…
Sáu chiếc UH.1B từ tàu mẹ ngoài khơi bay vào, một rọi đèn pha kèm một bắn. Còn gì nữa mà vớt vát cho mệt!
Tôi đứng trên trận địa của C.255. Anh Ba Tơ vẫn thường nhắc tới “xê thằng Long” bằng giọng kiêng nể: thua xê mình về khoa hạ máy bay, nhưng đánh xe thì vượt nhiều. Hôm nay, anh em 255 bẻ gãy hẳn một mũi đổ bộ của Mỹ. Chiếc tàu há mồm bị cháy đã được kéo về Chu Lai, chỉ cách mười lăm mười sáu cây số thôi. Còn lại hai cái xe M.118 chết ngập nửa thân không trục nổi, chiếc tàu đoan chìm ngoài xa hơn, nhô khúc cột nghiêng. Tôi đến bên Thắng, định nhắc cậu xem xê bạn mình đánh ngon, nhưng cậu đã tròn mắt khen trước:
- Anh coi, các chả ném pháo thủ như đánh đáo lỗ! Còn tay Nhự nữa, ăn chiếc tàu mất đâu có hai ba trái cối, nó ưa bắn không lắp chân. Xác Mỹ còn kia, anh Thiêm!
Ba cặp trực thăng dăng hàng ngang kéo tới rầm rộ, chưa tìm được gì. Ba luồng đèn pha xanh lè, rọi tới đâu đất lồi cao lên tới đó, bóng cây đổ dài và xoáy như kim giây đồng hồ. Một cái xác Mỹ vùi ngửa dưới cát chỉ cách tôi hơn một chục thước, hiện lên rõ như ban ngày với nửa đầu hơi ngoẹo, bàn tay, hai khúc chân từ gối trở xuống, một co một duỗi.
“
Các G.i(2)! Ra khỏi căn cứ phải luôn luôn mở mắt dòm chừng, dù có con gái Việt Nam xinh đẹp đi gần.”. Trại lính Mỹ dán đầy những áp phích nhắc vậy. Thằng Mỹ này mở to mắt nhìn lên. Bấy nhiêu thứ ánh sáng giả chỉ đủ làm cho nó hoa mắt, còn bầu trời trên cao kia vẫn đen và khép kín. Bọt trắng mỗi lần lên xuống đều nấn ná xoáy tròn chung quanh mặt nó, nước biển Đông chưa quen đón nhiều mồi cá loại này, còn tò mò. Sẽ quen thôi. Sóng loang loáng ánh dầu mazut màu thép có nhiều vân, đẩy bập bều những hộp khẩu phần C, một trái táo, mấy lá thư, gói thuốc lá, nhiều mảnh ván từ tàu dạt vào. Thêm mấy con sứa nữa.
Chẳng phải vạ đi moi cát tìm súng dưới đèn dù đèn pha. Cũng không chôn xác được. Kệ nó.
Tôi đứng đợi, vẫn ngó tên Mỹ. Khi còn là nô lệ đào mỏ vàng bên kia biển lớn, nó chỉ là nạn nhân. Bước sang đây, có lẽ nó vẫn tưởng nó là nạn nhân, chưa biết tội mình lớn đến đâu. Nó đã làm tất cả những gì có thể làm để được sống sót. Nó cầu chúa, mua con heo gỗ và câu thần chú giữ mạng của một người lính thế chiến thứ hai bán lại bằng giá rất đắt, xem bói năm bảy lần và cố giết tất cả những người da vàng nào mà nó nghi có thể hại nó, cả trẻ em và bà già.
Bây giờ nó bị giết, Sư đoàn lính cổ da của nó đã rút, con thú bị thương chui vào hang Chu Lai liếm vít rồi. Trong đêm nay, con nước lên sẽ làm một trong ba việc: vùi nó sâu dưới cát, đưa nó ra cho cá ăn hoặc buông nó vào một dòng hải lưu nào đó, cho trôi mãi đến tận đâu không rõ, Úc hay Nhật, đày nó vào cảnh cô đơn khủng khiếp mà chỉ một xác chết mới chịu nổi. Bạn đường của nó hoạ chăng chỉ có mấy con sứa kia, mang trên lưng cái hình vẽ bốn nhánh mầu xanh lá- hình con bài tép chuyên báo điều may mắn cho người phương Tây- như một lời mỉa mai bám mãi lấy nó. Một đợt sóng lật ngửa ra, lại một dịp nó mở to cặp mắt hỏi trời cái câu vì sao đã lộn tròn trong đầu khi nó ngã nhào, giày đế sắt vừa đạp vài bước trên đất của ta. Nó không kịp hiểu lời đáp bằng chì bọc đồng đã vào giữa ngực.
Tôi bàn với Thắng:
- Chôn quách thằng kia hè!
Thắng liếc xéo tôi, gãi tai:
- Tụi nó không để mình chôn…
- Ta đào sẵn cái hố chỗ này, ngớt đèn ra lôi tuột nó vô, lấp luôn. Mau thôi mà.
Anh em mệt, đói, buồn ngủ, nhất là buồn ngủ. Hai đồng chí được giao đào hố lẳng lặng rút xẻng làm ngay. Hố khá sâu. Bầy trực thăng vừa đổ sang rọi làng phía tây Vạn Tường, thêm hai cậu nữa tự ý ra giúp nhấc cái xác Mỹ vào, không kéo lê. Xách luôn được cây M.16 nằm lọt dưới hông nó. Mươi phút sau, từ cuối hàng quân có bốn cậu chạy lên theo. Bê Một đi đầu cười rúc rích:
- Mỹ to con, bắn dễ trúng mà chôn thiệt ớn.
- May nó có thứ trực thăng hốt xác…
- Xì, cái Chóp Chài năm ngoái nó hốt đâu, ném bom giết sạch tụi bị thương. Mất công mình băng từng đứa mệt đừ.
- Đồn ngụy, nó kể số gì.
- Để coi, đó rồi Mỹ hủy diệt Mỹ, biết đâu. Kẹo cao su đây này!
- Kẹo gì lại lạt nhách, bã là bã…
Lũ trực thăng bắt đầu xổ đạn. Ba cái chổi trắng, giờ thêm ba cái lược đỏ chải rất kỹ khoảng đồng từ Vạn Tường đến chân núi Phổ Tinh, nơi sáng nay trực thăng rụng nhiều nhất. Pháo lớn vẫn nã đều vào làng, tàu đoan bắn dọc bờ biển, tất cả đều tàn bạo và ngớ ngẩn, đều thiếu lòng tin đến cái độ tuyệt vọng.
*
Diệt đồn xong, chúng tôi có thể thấy hết chiến thắng phơi ngồn ngộn ra đấy trong vòng kẽm gai. Dứt một trận lớn như Vạn Tường lại khác, nỗi mừng đến chậm, kéo dài, to lên mãi, khám phá thêm mãi. Cả tháng sau, khi trung đoàn đã lên đường vào Bình Định, “tiếng người thương” rủ rỉ trong tai tôi vẫn còn đưa tin thêm về cái ngày chống càn không mấy ghê gớm kia. Té ra tụi Mỹ coi cú đổ bộ ấy là trận tấn công phối hợp hải lục không quân lớn nhất của Hoa Kỳ từ trân Ôkinaoa tới nay, và chịu nhận nó là thất bại nặng nhất của quân chủng lính thủy đánh bộ Mỹ từ xưa đến giờ. Một lần nữa, trung đoàn tôi tô đậm câu trả lời
thắng được.
Quân ta chỉ việc toét miệng cười với nhau. Cứ như khi bắn rớt trực thăng, tưởng nó chở muối mè, lại lôi ra được một thằng tướng đeo đầy những sao! Thêm một Quân công giải phóng hạng nhất anh em càng nhẹ chân leo núi giữa mùa mưa. Mỗi đồng chí thường ít nói mình được bao lần khen thưởng, nhưng rất thích khoe lá cờ danh dự mà xê mình được tặng sau trận núi Sàm, hay những huân chương cỡ lớn gắn trên ngực con-người-trung-đoàn-thép.
- Mưa chơi chơi, các nơi mưa nữa!
- Ba lô nhúng nước không kịp phơi…
- Thôi mày, ướt còn cháy mất.
- Nhìn áng mây che mịt mù rợp trời(3), bài hát đó, coi như mưa là cái chắc!
- Dầm bấy nhiêu chưa đã ngán sao ông?
- Trời mưa có đất chịu, mình đi giữa hề gì!
Bước đi của mưa miền Trung dễ thấy.
Vào hè, khi khói đốt rẫy toả nâu xám trên các sườn núi, mưa còn ẩn đâu đó sau đỉnh cao, chỉ hé một vẩn mây đen và buông đôi tiếng sấm xa thúc giục. Mỗi xế chiều mây lan thêm một ít về đằng đông, đưa sấm đến gần. Những giọt đầu tiên rơi xuống to bằng hột bắp nhảy trên mặt đất nung khô như cơn mưa đá, xốc bụi mù, gọi lúa rẫy ngoi lên. Rồi những cơn mưa giông chiều vừa nhích về đồng bằng từng bước một, vừa lấn vào ngày và đêm: mưa bắt đầu sớm hơn, dứt chậm hơn. Cứ vậy từ tháng này qua tháng khác cho đến khi giáp vòng hai mươi bốn giờ mưa tròn trĩnh. Cái vòng mưa thành hình trong một ngày, biến đi, lại hiện ra suốt hai ngày, ba ngày. Bây giờ, cả miền Trung ngập trong mưa trắng mênh mông.
- Mưa gắt cho tàu bay rã cánh đi ông ơi!
- Mùa khô Mỹ chết khô, mùa ướt Mỹ chết… chết tươi, cũng được. Có bài báo tường mà thiếu cái tường, ôi chiến sĩ Vạn Tường!
- Cô giao liên thân mến ơi, nuôi vắt chẳng chịu nhốt, thả chạy cùng rừng vậy á?
- Ông trời vừa nắng vừa mưa, bầu trời…
- Giôn-xơn thắc mắc kiện thưa ông trời. Hay, ta hè?
Trong các căn cứ ven biển, quân Mỹ nhìn mùa mưa từ núi đi xuống bằng con mắt kinh khiếp. Thoát cái nắng giết người, rơi ngay vào chiến dịch nước. Thêm nước nữa trên cái xứ đã quá thừa thãi nước này, lạy chúa tôi… Đó là mùa của những hầm hào sục bùn lỏng tới gối, những cặp chân loét chảy máu trong giày ống, những chiếc cầu lặn xuống đáy sông sâu, những máy bay tiếp tế không tìm ra kẽ hở trên nền mây để thả dù, những phản lực cụp đuôi và xe tăng phủ vải bạt, những bom thả lầm và pháo đấm lưng, những đạn cối bay và đồn rất kín giữa sấm chớp và gió hú, những lính cảm tử của Vixi đút ngòi thuốc nổ vào tận chỗ nằm, chao ôi! Quân Mỹ nằm chập chờn trong lô cốt ngập, chiêm bao thấy dãy núi trên kia lừ lừ bước xuống trong mưa, dễ sợ hơn cả những điều khải thị của thánh Giôn. Chúng tỉnh dậy, bốt gân dựng tóc, muốn gào lên một tiếng đứt hơi trong sự chờ đợi quá căng, chờ bị đánh. Khi bị đánh thật thì dễ chịu hơn nhiều, bộc phá hay lưỡi lê ném thẳng chúng từ giấc ngủ vào cõi chết, nhẹ bỗng.
Chúng tôi ra trận dưới mưa, thi gan chịu cực với Mỹ.
Tất cả đều giống tháng này năm ngoái, nhưng lụt nhẹ hơn. Chỉ một năm thôi ư? Một năm…
- Plâyme có gì mới không, Thiêm?
- Thơ mụ xã ở Mộ Đức đây, đứa nào coi bỏ ra điếu thuốc thẳng.
Ôkê Xalem!
- Ghì khiếp lắm, Mỹ la trời.
- Chẳng thà cắt tóc đi tu, lấy vợ Mộ Đức…
- Êm cũ rích, đèn đỏ, cờ xanh, đuôi thằn lằn, lạc hậu một cây.
- Nó phải ném bom sát bờ kẽm gai, dữ dằn.
Đời người có năm dài và năm ngắn, có ngày sườn dốc và ngày chóp đỉnh. Tôi đã thêm một tuổi thật to, tuổi bản lề giữa hai cuộc chiến tranh liền nhau, ba trăm sáu mươi lăm ngày đầy ắp cái mới, mỗi tờ lịch của riêng tôi đều muốn được in chữ đỏ. Biết Mẫn cũng tròn một năm rồi. Để nhớ lần nổi cáu đầu tiên ấy, tôi đã gửi thư biếu Mẫn tám thằng Mỹ mà tôi tự tay bắn gục ở Vạn Tường.
Bầy cháu nội ngoại sẽ nghe tôi kể: “Ông gặp bà giữa hồi núi sụp rầm rầm, nước dâng như chưa hề ghi trong sử sách…”. Chúng cười khì, tưởng tôi mượn chuyện thời vua Hùng. Nếu nói ông thắng trận Vạn Tường, bà ở làng Cá mới được mấy ngày rảnh tay chống càn mà làm cỏ ruộng, lại có vẻ xếp đặt cho trẻ con dễ hiểu. Sự thật lắm khi khó tin hơn lời bịa. Đành vậy, lớn lên chúng sẽ biết, sẽ nhớ. Tôi phải giúp chúng nhớ. Đừng để những bông hoa mai sau tự rứt mình ra khỏi cây vì không muốn dính dáng với bầy rễ cắm vào bùn.
Mẫn hứa viết cho tôi ít nhất nửa tháng một lần, không sợ tôi chê dốt chữ nữa. Lá đầu tiên đã đến, chậm hai tháng. Nó đuổi vòng vèo theo tôi ra Quế Sơn, vào Vạn Tường, lên núi một quãng, lại rẽ hướng Bình Định. Một chuỗi thư trắng. Một đàn bồ câu nhỏ đang nối nhau bay tìm tôi theo con đường bùn xuyên rừng, có mồ hôi và máu vắt cắn chảy trên những dấu chân bấm sâu năm ngón, thêm những lỗ tròn chi chít của gậy chống nặng tay viền hai bên mép. Sẽ thoảng mùi mít chín trên tờ giấy từ vở rút ra, mang nét chữ tròn vo giống cô Cang sắn luộc, có đủ tin bà con chòm xóm, phần riêng Mẫn chỉ được riêng một câu thương nhớ cuối cùng. Chuyện xưa của ta vẫn đặt câu hay nhất ở cuối.
- Yoong Thiêm ơi!
- Gì đó?
-
Lan nơi nau xang cau xúc pí, yoong Thiêm? Rơngót pơnay chắc!(4) Trung đội trưởng Bôn hay khích tôi học tiếng Gia rai của cậu, lấy cớ rằng Bình Định với Gia Lai như môi với răng, tôi lại chỉ nói được một ít tiếng Co với tiếng Cà Tu, vậy là bạc bẽo. Tôi hiểu câu hỏi dò nửa đùa nửa thật ấy, vẫn giơ hai tay xin hàng.
-
Cau pí xúc piai Gia Rai!(5) Đường này thẳng về quê cậu Bôn, nhưng chúng tôi sẽ dừng tại An Khê. Chưa được phép nói, Tôi cũng chưa biết chiến dịch sẽ mở rộng hướng núi hay biển, Bôn sẽ được gặp vợ hay tôi sẽ về gần Quy Nhơn, đón má tôi với Út Hiền ra thăm một chút.
Quân ngụy Nam Triều Tiên đóng chật cứng trong phố cảng, giá gạo củi tăng gấp ba bốn lần, thở sao nổi, còn chưa nói tới tụi ác ôn rồng xanh cọp trắng ấy phá phách đến chừng nào. Má tôi không bao giờ chịu làm những nghề vặt có dính líu tới địch, như giặt ủi, bán quà hay may vá vặt, má sẽ sống bằng gì và lấy gì nuôi Út Hiền hoạt đông? Hồi đầu năm, chị chủ tịch xã quê má đã rỉ tai rằng em gái tôi “còn nhỏ chút mà được tin cậy lắm”, bởi một anh tỉnh ủy đã dặn sẵn sàng đón Út Hiền nếu bị lộ, không ở Quy Nhơn được nữa. Tới đó gia đình tôi sáu người sẽ ở đúng sáu nơi. Ba tôi sửa ô tô trên tuyến lửa khu Tư, gửi thư nói anh Hai đi học tên lửa bên Liên Xô chứ không sang hải quân, chị Ba lấy chồng trong sông Cầu…
- Bê năm hai!
- Bê năm hai!
- Bê…
Lệnh báo động truyền gọn, vọt rất nhanh, mỗi tiểu đội chỉ nhắc một lần và lập tức tản rộng tìm chỗ núp. Hèn gì nãy giờ trời tạnh mà không thấy máy bay lảng vảng. Tôi đi gấp lên chỗ tiểu đoàn bộ. Anh Sáu Ngân tiểu đoàn trưởng, Năm Cẩn chính trị viên phó đang đứng bên bực đất hõm ven suối, chuyền tay nhau cái ống dòm chiến lợi phẩm:
- Thiêm ơi, cây sáng kiến nghĩ ra cách hạ tàu sừng trâu chưa?
Tôi cười, đón ống dòm:
- Đưa đặc công qua đảo Guam. Chiếm tàu bay Mỹ bay lên đánh. Không thì đợi anh Hai tôi khiêng tên lửa Liên Xô về!
Tít tắp trên chân trời nhô lên một sợi khói trắng, duỗi ra rất chậm, bốn năm phút sau mới tới gần. Đuôi to, đầu nhỏ, trên cùng có một chấm đen: một con sán xơ mít căng dài trên trời, các thức giun sán khác phải tránh hết. Nó vẫn nhoi lên. Đã thấy rõ sợi khói gồm bốn tao song song, phụt từ cánh một chiếc máy bay rất to, xương xẩu, duỗi cặp cánh gầy ra sau như con trâu sừng chéo. Gió thổi rất mạnh mà sợi khói đứng im, chỉ nở đuôi dần dần, kẻ một vĩ tuyến đâu hơn chục cây số trên cao. Tiếng máy rì rì rất nhỏ. Tôi xoay ống dòm, tìm. Sau chiếc dẫn đường, từng tốp ba chiếc một lừ đừ bò theo, cách quãng khá xa.
- Lệch sang trái rồi Mỹ ơi. Tụi tao ở đây kia mà!
- Cho đi nghen?
- Đợi chút, gần tới chỗ nghỉ…
Bà con quen gọi là tàu bảy đầu, bởi thấy một đầu giã, bốn cặp động cơ, hai thùng dầu phụ. Đúng ra là chín đầu. Năm Cẩn ưa truyện cổ, thường nhắc tới thứ “cửu đầu trùng” thời Tây Du sót lại sau trận đòn của Bát Tý Na Tra, vừa bay vừa nhểu máu trên biển Đông, truyện viết rõ rằng tới nay còn gặp. Một thứ bửu bối ném thêm vào đất này chỉ đủ làm nảy một thần thoại mới. Đấy, hãy xem Vạn Tường hay làng Cá. Đàn chim dữ ỉa ra sấm sét bằng mười lần, mười cơn bão, cua sắt và chuồn chuồn sắt bay trên bò dưới, nhả ra đông như kiến những con quỷ đầu xanh trơn bóng, mình có vây cá, chân đen gót sắt, vừa đi vừa khạc tiếng nổ, thổi lửa, phun khói độc. Người Việt đánh tan hết. Trong những chuyện Thạch Sanh hay trường ca Đam San của thời hạt nhân này, có thể lấy tên cô Mẫn mau nước mắt, chú Dé chưa kịp lớn và vô vàn người khác.
Thảm bom bắt đầu rải ầm ầm mé bên trái, cách chúng tôi chừng sáu cây số núi. Tiểu đoàn đi tiếp.
*
Một quãng rừng vừa bị “tàu cánh dơi” B.57 chặt cây đổ lổng chổng hôm qua. Đến hai cây số rừng non trúng chất độc hoá học và napan nhiều lượt, nay đang đâm chồi mới, những búp lá nhỏ xíu mở rụt rè như mắt trẻ em trên thân cây xém. Rồi tiếp rừng đại ngàn, cây lớn cây con chen nhau ngoi lên trời, dây leo trườn đan võng, rất nhiều bụi đang rủ lá xù xì đuôi sóc hay buông cái ngọn khô giống một chuỗi cẳng cò chắp lại. Trung đoàn bộ đây rồi.
Ba chúng tôi chưa rẽ vào vội, đứng bên đường ngắm anh em đi cho sướng mắt, anh Cẩn với tôi còn phải cố nhớ mặt nhớ tên từng người. Tôi rất ngượng khi gọi lầm tên, mà các chiến sĩ mới lại giống nhau như đúc. Tuy đã chính thức làm tiểu đoàn phó nhưng tôi chưa thật nhập vai. Chà, cứ chơi vơi thế nào, “ngó không trùm kêu không khắp”, anh Ba Tơ nói đúng. Và cái cảm giác gắn chặt với xê mình suốt mấy năm qua vẫn còn y, tôi chưa kịp quen với hai tiếng
dê mình. Phải cố tập cho nhanh.
Năm Cẩn huých tôi, rỉ tai:
- Xê mình coi bặm trợn chưa kìa?
Tôi chỉ cười, gật, nhưng tim đập vội. Giữa chúng tôi có cái bí mật nho nhỏ ấy: thương xê mình hơn một chút, chút xíu thôi, không nói ra nhưng anh em đều cảm thấy, cũng như cảm thấy anh Ba Tơ còn đi chung đánh chung với cái đại đội mà anh khai sinh và gièn giũa. Cậu Thắng mới hăm bốn tuổi, khi nghe trên điều về C.125 đã hoảng tam tinh, nay cũng như tôi, quen dần. Hay nhỉ, quân ta cứ như đi ngược thời gian, mỗi năm lại trẻ thêm một ít, lứa tuổi của tôi bây giờ trong hàng cán bộ được coi như cỡ trung bình. Những khuôn mặt thân diễu qua, cười, ném vội một câu làm quà:
- Gặp tiền trạm chưa, anh Thiêm?
- Anh Cẩn, thằng Hớn đòi đi, không cho khiêng đây nè…
- Còn thuốc cho điếu, Thiêm?
Đúng là xê mình bặm trợn. Vác nặng, mặc quần đùi áo lót chống gậy lội bùn mà vẫn rõ khí thế Vạn Tường. Tôi trả lời vội, giúi điếu thuốc, ném trả một câu vào lưng cậu vừa ghẹo. Cái bận rộn tíu tít này, vắng nó tôi nhớ kỳ cục lắm, như đứa trẻ nhớ nhà mẹ đông vui hay bà mẹ nhớ bầy con lộn quấy.
Ban chỉ huy trung đoàn ở một lán to lợp hai pông sô và hai tấm tăng. Mươi người ngồi xổm ăn cơm. Anh chính ủy ngoảnh ra, mép dính nhọ nồi;
- Hai trăm mười hả? Đợi chút, tụi mình đói mờ mắt. À, nè Thiêm, cái bụng thiệt tốt chưa?
- Số một Đông Dương!
- Ờ, lát có chuyện.
Tôi đã bỏ nhỏ trước, xin nắm một đại đội đánh mũi chính. Được xê mình càng hay. Chớ nên mừng vội, lỡ có lệnh biệt phái keo nữa thì sao.
Chúng tôi xuống suối rửa. Anh Ngân lập tức cởi áo quần, ném đá ùm ùm, hụp xuống mò cá trong hang. Năm Cẩn rửa những cành chè ngụy trang, đun nước bằng những viên cồn Xtécnô mà anh em vẫn quen gọi là xăng đặc. Cái nạn lầm phó mát với mìn dẻo, coi sôcôla là chất độc đã qua nhanh, lính mình biết bắn M.79, xoay mìn định hướng, cũng quen xơi các món lạ miệng của Mỹ, tất nhiên là phải thử kỹ. Tôi nhét ống nghe vào tai, lần tay đẩy núm vặn cái máy bán dẫn trong túi ngực, xong mới cởi quần dài để khâu vội đường chỉ đứt. Nhạc hùng một phút.
Mời các bạn nghe tiếp bài bút ký “Thăm vành đai diệt Mỹ Chu Lai” của Thu Duy, do thông tấn xã Giải phóng phát. À, tin quê mới. Tên người tên đất viết tắt cả, biết ai là ai. Đâu như chuyện vùng Đông Bình Sơn. Ủa, mà… chị M. có đôi mắt đậm nét, cây cácbin liên thanh… ôi chao, Mẫn đây rồi! Tôi cuống quít xoay núm cho tiếng to thêm:
…
Chiều đã ngả. Chị M. dẫn chúng tôi đi xem ngôi đình lớn đã bị giặc Mỹ dã man đặt mìn phá sập, cả cây đa cổ thụ cũng bị đánh mìn trốc gốc. Giữa quang cảnh tàn phá ấy, hình ảnh người nữ du kích vành đai nổi lên hết sức kiên cường. Cô gái hai mươi mốt tuổi này đã trưởng thành trong khói lửa, nay là người chỉ huy du kích đầy dũng cảm và mưu trí. Cây cácbin báng cong của chị đã diệt trên bảy chục tên giặc, cả Mỹ lần ngụy… Mặt tôi nóng rực. Mẫn đến với tôi bằng con đường ít chờ đợi nhất. Thu Duy là cậu Duy Hảo với cô Thu Yến, chém chết không sai! Mẹ S. giựt lại cặp heo, có lẽ mẹ Sáu. Cô Út L. đưa truyền đơn cho lính Mỹ, em Liềm rồi. Bác N. là ai? Anh S nữa… Con nít thật, tôi nghe đài mà cứ đòi toàn chuyện người quen sao được. Đồng chí Ba T. ném thủ pháo diệt xe rất trúng đích, có đôi mắt giống chị, nay là tiểu độ trưởng du kích rồi, thằng Tâm khá lắm. Hảo ơi, kể nữa đi, lạy mày, mày nói chữ in ít chớ!
Trước khi sang xã khác, chúng tôi thóc mách hỏi chị M. về đời tư. Người yêu của chị là một anh bộ đội giải phóng nhiều tài đức, đã cùng chị chiến đấu và đổ máu để giành lại quê hương. Chị ngượng ngùng đáp: “vậy đó, ảnh với em như bông bạc giữa dòng…” Thêm mấy câu chung chung nữa rồi nhạc nổi, “
Các bạn vừa nghe xong…”Tôi ngẩn ra, cái quần đứt chỉ cầm tay, đợi đài chuyển qua buổi khác. Tôi hụt mất phần đầu của bài bút ký, gọi là nhắn tin cũng được, chỉ còn bần thần gỡ mấy con vắt no tròn trên chân.
- Mời các vị lên. Úi mẹ, thằng Ngân được ba cá niên!
- Dốt, hai niên, một vọp, một sốc đây nữa. Cho mày con sốc. Tối nay mặc sức húp canh chua nè Thiêm!
Chúng tôi kéo vào lán, bẻ lá lót đất nhão, đặt ba lô trên lá, cưỡi ba lô, lật sổ tay. Trung đoàn trưởng cao chạm mái nhà, vừa lau miệng vừa nói hối hảL
- Ta làm hè. Tham mưu cho biết quân số… Hoan hô. Bà con kịp nghe bản tin trưa nay chưa? Ta đánh hai trận khủng khiếp ở Chu Lai, Đà Nẵng tối qua. Đài mình mới nhắc tin phương tây sơ sơ. Điện của quân khu hồi chiều bảnh lắm, mộ trăm tàu bay trở lên, đang đợi thẩm tra. To nhứt cái anh Chu Lai, chà chà, cả đặc công cả cối, diệt phi công như sắp củi. Còn cánh Plâyme lập kỷ lục diệt tăng với xe thép toàn miền Nam rồi, ghì dữ dội, sư không vận Mỹ rún xương. Mình nghe, mình cứ đánh gậy trong bụng. Coi thử trung đoàn Vạn Tường làm ăn sao cho biết…
Anh ngây mặt nhìn chúng tôi như cố nhớ một cái gì, quờ tay tìm cái ba lô treo trên mấu cây, rút một chiếc đũa ngà voi, đập đập vào không khí, quay vào tấm bản đồ vẽ tay treo đứng.
- Tới lượt tội mình rồi… Hốt mảng này!
Anh gõ bộp đầu đũa.
Một cụm cứ điểm nằm trong nét khoanh đỏ đậm nhảy vọt vào mắt tôi, choán hết luồng nhìn. Có đến sáu bảy cái tam giác đen to nhỏ. Một quả bóng nào đó vỡ nhẹ trong ngực tôi, toả hơi ấm đến chân tay. Đánh to. Đánh rất to!
Đất Tây Sơn mà. Về chỗ có “cây đa khởi cổ, cây cầy xuất binh” của Nguyễn Huệ, chơi vậy mới đã. Từng tảng đá rêu phong sẽ ngửng đầu xem con cháu Bác Hồ đánh Mỹ, gật đầu khen giỏi. Trinh sát của ta đã sờ nắn mãi mớ ung nhọt kia, đánh dấu vết rạch bằng hai gạch chéo trên bản đồ. Các lưỡi dao đã gí tận nơi. Nhiều bàn tay muốn cầm dao.
Bắt gặp mắt tôi khẩn khoản, anh chính ủy cười, gật gật, xỉa một ngón tay. Tôi nổi rôm cả người. Được nắm mũi nhọn rồi! Hết biệt phái tới nằm viện, nay mới gọi là có chút đền bù chứ!
- Đà Nẵng, Chu Lai chưa gượng dậy ngay. Plâyme đang hút địch mạnh. Ta làm keo này được lợi nhiều bề, vậy chớ phải coi chừng nó rút lính thủy đánh bộ Mỹ ném lên chữa cháy, sư Ba nó còn đông…
Càng hay anh ơi. Cho tôi ích kỷ chút xíu, tôi đang muốn giết đỡ cho Mẫn một ít lính cổ da đây… Mà công bằng thôi. Đánh Chu Lai, chắc Mẫn lại kẹp cácbin đưa các anh đặc công lội trắng đêm trên cát và đời nào em tôi chịu vắng bóng trong đợt pháo hoa cuối cùng. Tôi chia lửa cho Mẫn là phải, riêng tây gì đâu. Phải không em, Mẫn, dù anh đi khắp chân trời góc biển, mỗi lần ra trận chúng mình lại gặp nhau; có phải lúc này em đang quấn quít bên anh, em gần đến nỗi anh chỉ đẩy ngón tay đặt nên tim là nghe ngay tiếng người thương rủ rỉ trong tai, kể rằng quê ta thắng Mỹ rất ngon và hai đứa mình là bông bạc vẫy hai ngón giữa dòng?
10-1971
Chú thích: (1) Đi đường này không được… Đường kia tốt. Tôi dẫn xê mình -
Nhiều Mỹ không? -
Không có (2) Tiếng dùng để gọi lính Mỹ. (3) Bài hát của Lưu Hữu Phước (4) Đường này đi đến nhà tôi được không, anh Thiêm? Nhớ vợ quá (Tiếng Gia Rai). (5) Tôi không nói được tiếng Gia Rai! ****
LỜI NGƯỜI ViẾT
Cuối sách, tôi xin đề gửi lòng biết ơn không bờ bến tới đồng bào đồng chí ở Tam Kỳ và Bình Sơn – hai huyện bao quanh khu căn cứ Chu Lai – đã nuôi dạy và che chở cho tôi suốt những năm tôi công tác tại đấy.
Tôi cũng xin nhắc rằng tất cả những tên người, tên đất, tên sự kiện lịch sử trong tiểu thuyết này đều là mượn tạm hoặc do tôi đặt ra.
Phan Tứ