Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mẫn và tôi

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15143 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mẫn và tôi
Phan Tứ

Chương 4
 Tôi nhè nhẹ co hai bàn tay lên xoa mặt và cổ, phủi mấy con kiến đen chân ngắn mình đẫy. Giống này cũng lạ, đốt không đau nhưng nếu tôi giết một con thì cả bầy từ đâu ùa tới bò kín người, sẽ trị tôi bằng cái ngứa ngáy.
Bọn lính gác đứng nép im xo dưới bóng cây. Tôi rình khá lâu không thấy chúng hút thuốc, đập muỗi, bấm pin xem giờ. Chỉ một trung đội mà chúng gác tới bốn vọng ở bốn góc vườn, thêm nửa giờ một cặp đi tuần không rọi đèn. Lính rằn ri con cưng của Mỹ có khác. Tôi thu thú khi nghĩ đến cái phút thằng chỉ huy hứng đạn vào ngực, giãy lên tức tối: "Gác vậy mà Việt cộng cứ đánh được!". Tiếc rằng trận này chỉ là tí hon.
Trước mặt tôi, khối đen của ngôi đình làng Cá hằn trên nền trời rậm sao. Thằng Chinh con với ba chục tên biệt động ngủ trong ấy. Hồi chiều chúng tôi đụng cái trắc trở mới này: "thêm một đại lính đầu cọp nữa kéo tới gò Mù U, sau đó hai trung tách ra đóng trong hai ấp chiến lược Nhơn Ái và Nhơn Phước, giữ sườn cho cụm quân trên gò. Cái nhóm mười bốn anh em cứu lụt chúng tôi lại được giao đánh vào làng Cá, tất nhiên. Còn những hai mươi phút nữa mới đến giờ G, tôi cứ cho tất cả bò vào nằm dọc hàng rào, theo dõi địch luôn thể. Lính cũ đã qua nhiều trận, anh em đủ sức bám lâu bên hông giặc mà không mất bình tĩnh.
Hồi mới thử lửa, cái khoảng thời gian nằm đợi nổ súng là một cực hình đối với tôi. Mệt và căng lắm. Tôi dán mắt vào lớp kẽm gai hình cũi heo ở ngoài cùng, cố nhớ lại cái đồn đã xem trên bàn cát với các lô-cốt mẹ, con, hầm chìm hào lộ, rào và mương đầy những chông mìn. Tôi nhẩm mãi những lời dặn từ các anh từ tiểu đoàn đến tiểu đội, những mánh lới nhỏ của các đồng chí cũ mách cho, thấp thỏm lo không thuộc. Người tôi hết nóng lại lạnh, một sợi gân nào đó giật từng hồi dọc xương sống, bụng thót lại rất mót đái, kiến bò mãi trong các bắp thịt chân tay, tệ nhất là cái họng cứ trở chứng đòi ho rất dữ. Y hệt một cậu học trò sắp vào buồng thi, cuống quýt lo trượt, cố học "gạo" thêm đến mụ cả óc. Nếu ai nghi tôi sợ chết thì oan lắm. Tôi rất ham giết giặc nhưng còn thiếu bình tĩnh, vậy thôi.
Qua vài trận, tôi mới lập được cái ung dung đầy tự chủ của người lính cũ. Những ý nghĩ rối tinh biến dần. Cái lối ngọ nguậy lăng xăng và cứng như gỗ của người mới tập đi xe đạp nhường chỗ cho những động tác gọn, dẻo, nhanh, mạnh nhưng không phí sức. Nhích lên một ít nữa, tôi được anh em khen: "Thằng Thiêm đánh nghề đấy". Một tiếng tôi chưa gặp trên báo trên đài, có lẽ vì ngại lẫn với lính nhà nghề của địch, nhưng hay nghe trên cửa miệng bộ đội. Thành ra người thợ hay người dân cày cần phải thạo nghề, còn anh chiến sĩ thì phải "tinh thông chiến thuật kỹ thuật", nghe khá dài... Kể từ lúc tôi tàm tạm thạo nghề trở đi, thời gian nằm im sát địch không còn hành hạ tôi nữa mà biến thành những phút nghỉ dễ chịu, để cho sợi gân thớ thịt giãn ra, mọi thứ lo toan khi chuẩn bị và đi đường lùi về phía sau, những cảm xúc dồn dập kịp lắng xuống và kết tinh. Dứt quãng nghỉ bắt buộc ấy, tôi nhào lên đánh rất khỏe.
Năm ngoái ở xê mình xảy ra chuyện buồn cười. Một anh nhà báo đến gặp Mười Cảnh, chiến sĩ thi đua trung đoàn, hỏi và ghi suốt hai ngày. Chúng tôi khoái lắm, lo cháo sớm chè khuya để anh lấy sức làm việc. Hơn tháng sau chúng tôi nhận được số báo có một bài dài về cậu Cảnh. Đại đội họp lại nghe đọc chung, trịnh trọng như làm lễ mừng công. Bài báo viết đủ các mặt nổi nhất của Cảnh. Khen hơi quá một chút, nhưng không sao, sức cậu Cảnh có thể bù vào chỗ chưa kịp làm mà đã được nêu. Ác một nỗi anh em càng nghe càng xì xào, cười, đến cuối cứ ngớ ra quên vỗ tay. Lặng đi một lát rồi quân ta mới góp ý, ban đầu còn ngập ngừng lựa lời, sau mới túi bụi. Mười Cảnh được tả đang đánh giặc say sưa với đôi mắt nảy lửa, máu sôi trong đầu, miệng thét những câu khích lệ đồng đội. Anh em bàn rằng chớ nên toé lửa con mắt, khó bắn trúng địch mà lại dễ đạp mìn ba râu của nó. Rằng bốc máu lên đầu không có lợi, phải tỉnh để đoán mẹo thằng địch và nghĩ cách giết nó. Rằng khi đâm lê cần thét dữ, lúc khác phải để dành tai nghe lệnh chỉ huy và nghe cả giặc nữa. Đến cái đoạn gay cấn nhất, tả cậu bạn bị thương: Cảnh chạy đến, thổn thức lay gọi người đồng chí thân yêu, rồi ghé vai cõng bạn quay về phía sau băng bó. Anh em kêu ầm: ra trận mà khóc lóc, bỏ chiến đấu, mượn cớ bạn bị thương để rút dù! Chính cậu bạn được cứu phải phân trần giùm. Thì ra Cảnh chạy lại rút băng quấn cầm máu rất nhanh, miệng gọi cáng thương, rồi xốc tiểu liên chồm tới đánh tiếp, diệt xong hai chiếc M.113 mới quay lại. Cậu kia nhường cáng cho đồng chí khác, chống súng đi tập tễnh, Cảnh cõng bạn và đeo hai súng hai bao suốt đường rút quân.
Mười Cảnh vốn là tay làm nhiều ít nói, cứ nhìn cắm xuống đất như tìm hầm ngầm mà trốn. May phước không ai hiểu lầm cậu ta, một con người chánh hiệu vàng ròng. Năm Cẩn gãi đầu khi nghe đọc chỗ Mười Cảnh gặp trọng liên địch bắn rát quá, đã nhớ lại một câu động viên của bí thư chi bộ, nhờ đó thêm quyết tâm giết giặc. Anh rỉ tai tôi: "Công tác chính trị vậy là chưa ngấm". Cuối buổi, Ba Tơ nghĩ ra một lời giải thích rất hay:
- Thì phải viết vậy mới ra văn chương chớ, cứ tả cái kiểu tụi mình đánh tỉnh khô như phát rẫy, hấp dẫn sao được.
Anh em đều thấy đại đội trưởng nói có lý, thôi cho qua.
Quả thật những ngày đêm trước khi ra trận là căng hết mức. Mỗi chúng tôi đều phải làm nhiều, nghĩ nhiều, cảm nhiều. Thằng giặc chẳng phải hùm beo, ma quỉ gì, nhưng không thể coi nó là cục thịt thừa nằm ỳ chịu đấm. Phải lường cho hết các ngón tam khoanh tứ đốm, tìm cách phá hết các bửu bối của nó. Chúng tôi còn thành kính lật lại cuốn sổ căm thù của đời mình. Các khoản nợ máu còn dễ đếm, nợ bóc lột tính mãi cũng ra, còn những mối nhục khía vào tim như cật nứa thì chúng tôi nói ít mà cảm nhiều - một cái tát có khi để giấu trong tim sâu hơn trái bom tấn. Chúng tôi sửa soạn một cuộc thanh toán, và biết rằng nỗi đau ngàn đời của con người không được sống ra người còn đòi rất nhiều cuộc thanh toán nữa. Chen vào mọi chỗ hở của hăm bốn giờ là trăm thứ việc không tên, từ viên đạn long đầu phải thay đến cái bao gạo chuột khoét chưa vá.
Đến cái phút sắp giao chiến.
Lúc ấy tất cả đã ngấm, đã tiêu hoá hết, biến thành sức mạnh mới trong mỗi tế bào của người lính rồi. Anh chiến sĩ hẹn với mình: "Phải xoá sổ cái đơn vị ác ôn này", và ngạc nhiên nếu có ai nhắc đấy là câu nói của chính trị viên. Giết giặc đã là đòi hỏi riêng tư của anh, cái đòi hỏi gấp rút nhất, cứng và nhọn như mũi lê phóng về phía trước. Anh biết rõ những gì sắp làm để giết được giặc. Anh nhẹ nhõm đến mức kỳ lạ. Phải có kỷ luật chiến trường mới kìm anh được, không cho tếu. Kẻ thù không hiểu nổi anh đã đành, cả một số bạn bè đứng bên lề nhìn vào cũng khó đoán vì sao anh thanh thản đến vậy trước cái chết. Họ tưởng anh phải say máu như gà chọi mới đánh được, trong khi anh cứ bông lơn pha trò dưới bom rải thảm, xung phong hét dữ nhưng vẫn nhớ băng đạn còn bao nhiêu lượt bóp cò, và kìm được đà tay đâm khi thằng địch thả súng...
Trung đội rằn ri trong đình cho lính ra thay gác, vẫn không đèn lửa. Ranh lắm. Tôi xem đồng hồ: còn tám phút. Tôi bóp tay chú Dé, rỉ nhỏ:
- Mệt không?
- Không. Bằng nhau mới ngủ dậy.
Dé cười. Hàm răng loé trắng và biến.
Bên phải tôi, cô Hai Mẫn nằm sấp, chống một tay lên cằm, từng lúc nhìn tôi bằng cặp mắt lóng lánh đọng sao. Mẫn nắm một tiểu đội du kích đánh chung với bộ đội, nhưng chia nhiều nhóm chặn các ngả, phòng thằng Chinh sẩy chạy lẫn trong dân.
Sau khởi nghĩa Mẫn sẽ làm xã đội trưởng. Anh Bảy quai nón nói vậy và cười: "Đàn ông xưng anh với vợ miết rồi cứ bắt đàn bà làm phó!". Tôi không kể với Mẫn câu chuyện trong quán chị Liệp, chỉ hỏi về bộ ba đã gặp, về anh đội trưởng mới thấy đảo về xã có một buổi lại trở lên Tam Trân. Mẫn nói lảng, giữ miệng như có thư ký ghi biên bản bên cạnh. Rõ ràng Mẫn xem tôi là người ngõ ngoài đến giúp, chỉ cho biết những sụ bụp xẹt đùng choàng, không thích tôi xen vào việc riêng của Tam Sa. Cũng được thôi. Tuy trong khi phối hợp tôi vẫn có quyền chất vấn về anh đội trưởng, và Mẫn phải trả lời, nhưng tôi không muốn vặn lý Mẫn làm gì.
Cây kim phút nhích dần đên cái đốm xanh của số 6. Tôi bấm vào tay Mẫn ba lần, báo hiệu tiến tới sát địch, nhân đấy nắm cổ tay Mẫn thêm mươi giây, ấn đầu ngón tay chỗ mạch máu. Mẫn không run, tim đập vừa phải: vững đấy. Mẫn và chú Dé bấm nối dây chuyền ra mé sau. Chúng tôi trườn rất chậm đến cách chân tường năm bước, lại dừng đợi. Một bắp thịt trên gò má tôi rút mạnh, đau. Tôi đặt bàn tay trái lên, day day mấy cái, nó nằm im. Đằng sau đã lên đủ, báo cáo bằng hai lần bấm vào chân tôi. Êm cả. Chắc ăn rồi.
Phía gò Mù U bỗng loé chớp trắng. Không đợi tiếng nổ đến tai, tôi vọt lên, giật nụ xoè, tống trái thủ pháo một cân qua cửa đình, lùi lại nép bên tường, đơm cây súng ngắn P38. Nổ này, nổ đi, phải nổ chứ... Chú Dé thả hai lựu đạn Mỹ qua cửa sổ. Mẫn kịp xả một loạt, hất nhào một cái bóng vừa nhảy ra hiên, chắc là thằng đốc gác. Sân đình bật sáng chói mắt, đất xóc dưới chân tôi. Ngon rồi. Chung quanh vườn, nhiều bụi cây phun lửa đỏ. Một bóng lính gác chạy mấy bước, ngã. Tôi hét xung phong. Trong đình có tiếng gào, rên, ằng ặc, chen tiếng ngói rơi vỡ. Hai tổ đánh lê lao qua cửa. Tôi vòng đón mé sau đình.Các cậu đánh rất cừ, không mở miệng, chỉ hự trong mũi khi xóc lê. Một thân thể to nặng húc vào tôi, hai đốm mắt trắng dã, miệng ú ớ. Tôi gạt chân hắn ngã sấp, vuốt nhanh cánh tay trái hắn một lượt cho chắc. Không có khăn trắng, tôi gí súng vào cái đầu cố ngóc, bóp cò hai lượt. Thằng thứ hai trèo qua cửa sổ, gục luôn, chắc đã bị đâm. Một thằng nữa nhảy ra, quạt một tràng tom-xơn hú hoạ, chạy. Tôi kịp vẩy theo ba phát vào lưng, nó lăn ra giãy. Chú Dé giữ cửa sổ đầu kia quật ngang súng vào một cặp chân vừa chạm đất, chắc lưỡi lê gãy, lê trường Mát tồi lắm. Tôi vòng ra sân. Mấy đống thịt nằm lù lù trên mặt bùn khô trắng mờ. Anh em trong đình đã hét gọi hàng.
Mẫn kêu lanh lảnh ngoài ngõ:
- Bà con thắp đuốc bắt lính sẩy! Trói tù binh, cô bác ơi! Mẫn đây, Hai Mẫn đây, nổi lửa mau lên.
Nhiều giọng phụ nữ kêu tiếp, lan ra khắp xóm. Phía gò Mù U đã hết tiếng nổ lớn, chỉ còn súng nhỏ từng lúc rộ lên, lặng đi, lại rộ. Mẫn khôn lắm, xưng tên ngay cho bà con khỏi ngợ, giữa đêm nghe súng rầm rầm thì khó biết cái gì xảy ra. Một bùng lửa bốc lên ngoài rào, nở lem lém: mấy bó rạ đang cháy to dần. Một ông già giơ cao tấm tranh cháy phừng phừng, cầm dao phay chạy tới. Mấy đốm sáng nữa. Nhiều ngọn đuốc bốc khắp xóm. Bà con giật tung những mái tranh rạ mới che tạm sau lụt, xóc lên đầu một cây nạng hay khúc ngọn tre, đốt sáng rực đi soi các bụi bờ.
Anh em đã ập vào đình, rọi pin, thắp cái đèn bão vỡ bóng, bắt đầu trói mấy tên sống sót, máu phòi qua lỗ mũi nổi bong bóng. Tôi cho một tổ sục quanh vườn, tóm thêm được hai thằng gác chui trong hàng rào nằm im, không dám chạy qua vòng vây lửa của đồng bào ngoài kia. Tất cả chỉ có hai mươi lăm đứa cả chết lẫn sống. Mẫn vào nhận mặt, kêu thiếu thằng Chinh mặt ngựa, con thịt đáng tiền nhất của cuộc săn. Hồi chiều du kích bí mật đếm được ba mươi bảy tên tất cả.
Tôi rọi loáng qua xem cấp hiệu, chĩa đèn pin vào mặt một tên hạ sĩ lùn tè, gằn giọng:
- Ai chỉ huy trung đội, nói!
- Dạ, dạ... thượng sĩ Uẩn... dạ, em mới thấy nằm kia.
- Còn một tiểu nữa đi đâu?
- Dạ, ông cảnh sát dẫn đi ngủ nhà ổng, nghe nói vậy...
Tôi để một tổ trói tù, kéo anh em chạy ào qua nhà ngói xã Chinh, chia ba hướng ập vào. Chúng nó trốn sạch... Không phải, chúng chưa hề ngủ tại đây. Chỉ có những dấu chân lẻ tẻ đạp trên lớp bùn non đã bong từng mảng cong cong như nồi đất vỡ. Ngoài sân cũng vắng dấu. Mẫn đoán chúng ngủ trong vườn mít để chạy về phía đường Một cho nhanh. Chúng tôi xé rào luồn qua vườn: địch ngủ đấy và đã chuồn. Chúng đào mỗi đứa một hố bắn, trải pông-sô nằm sát bên, còn khuân gỗ làm công sự trung liên hẳn hoi. Dấu giày răng chó in dày trên lối mòn ra đồng. Tôi níu tay Mẫn đang kẹp các-bin đuổi theo hấp tấp, rọi đèn pin bọc vải xanh sát đất, dò theo một quãng, tìm ra trái mìn nhảy chỉ nhô ba cái mấu đen nhỏ xíu. Một trái nữa lấp vội hơn. Một trái nữa vùi trong lá khô qua loa... Địch đã chạy xa, để lại những vết giày sải dài, mũi bấm sâu, những dấu ướt sau chỗ lội đều sắp khô.
Quay lại vườn mít, tôi dặn anh em trở về đình thu dọn chỗ đánh, và giữ Mẫn ở lại đây một lát. Có lẽ Mẫn chờ tôi trách, vì Mẫn nắm du kích bí mật theo dõi địch mà không biết có một cụm ra nằm tận đây.
- Thiệt đó anh, chị em núp ngó chừng miết, thấy gì đâu... mười một rưỡi báo tin chót... còn đủ hết... vậy mà hụt thằng Chinh....
Tôi không muốn trách Mẫn chút nào. Chẳng mấy khi trận đánh diễn ra thật đúng như ta muốn. Thắng lợi có khi tăng gấp đôi, có khi sụt còn một nửa, nhưng vẫn thắng là được. Tôi nghe Mẫn nói ấp úng, ngượng và buồn, bỗng thấy một niềm thương lớn lắm cứ dâng mãi, dâng mãi, khiến tôi nghẹn lời. Tôi thương Mẫn, thương các đồng chí và bà con làng Cá, thương mảnh đất đẫm bùn và máu đang đỡ chân tôi. Tôi đằng hắng hai lần mới nói được:
- Không... tôi tính để đồng chí coi kỹ lại cách bố trí của địch. Đây là kiểu con nhím, độc lắm.
Bộ đội đánh vài ngày nữa sẽ đi. Cô xã đội măng tơ với đội du kích còn vụng dại của mình sẽ phải vật lộn dài ngày với bọn thù ác và quỉ quyệt thế này đây. Ngủ trong ấp chiến lược, chưa hề đoán được quân ta sắp đánh, vậy mà chúng gác rất kỹ, đang đêm nín hơi đổi chỗ, trước khi ngả lưng còn đào công sự, rút chạy vẫn nhớ đặt mìn... thằng Chinh con mặt ngựa này không dễ diệt đâu. Tôi soi đèn cho Mẫn xem từng chỗ một, nói thật cặn kẽ, rất muốn đưa tay vuốt tóc đứa em gái vừa môi côi mẹ và dặn thầm thì: "Em nhớ kỹ nghe em, anh sắp đi rồi...". Út Hiền em gái tôi lớn hơn Mẫn đến ba tuổi.
- Đồng chí chú ý hướng đặt trung liên, đây, ta chạy thẳng vô bị bắn xâu táo ngay, thấy chưa?
Đến một lúc nào đó, chúng tôi đứng lặng nhìn nhau trong tối. Hình như Mẫn thở dài. Mẫn nói trước:
- Ta ra chỗ mit-tinh, anh hè.
Đi được mươi bước, Mẫn chợt nói nghèn nghẹn:
- Các anh tốt quá. Phải chi các anh ở được ít lâu nữa... em... em có mấy chuyện... thôi để sau...
Bấy nhiêu thôi. Mẫn rẽ vội qua một ngõ khác khi chúng tôi sắp ra đường làng, nơi bà con làng Cá đang cầm đèn gió kéo tới sân đình từng nhóm đông. Tôi chép miệng, bước thẳng. Tôi chỉ muốn là bạn thân của Mẫn, cũng thân như anh Ba Tơ, chú Dé và nhiều người khác, bởi tình bạn chiếm một chỗ lớn lắm trong tôi. Rất tiếc, Mẫn từ chối. Tôi thoáng thấy một mối dây nào đó nối liền những lời cay nghiệt trong quán chị Liệp với cái dáng cố làm ra gò bó lạnh lùng của Mẫn... Thôi, phớt, đánh nhau với giặc đủ mệt, hơi đâu để ý tới những chuyện rắc rối tơ tằm cho nó vướng!
Lát sau, tôi đã quên hết.
Sân đình đông nghịt. Mấy đồng chí trong đội công tác đang bơm đèn măng-sông, sửa lại cái biểu ngữ. Bà con vẫn đến kìn kìn. Mấy chị cầm dao chuối, mài chưa hết gỉ nhưng rất bén, giải tới một thằng lính rằn ri chạy lạc, quấn bó giò trên thân nó không biết bao nhiêu thứ dây to nhỏ, cả lạt tre và dây bẹ chuối. Số "thanh niên chiến đấu" mang nộp hơn chục súng săn, một đống lựu đạn. Thằng ấp trưởng rúc vào đống rạ đã bị moi ra trói ké, ngồi co ro ở góc sân, rác phủ đầy tóc. Đàn ông chen chúc trong đình xem chỗ đánh, cười rộ từng hồi. Các mẹ gớm máu chỉ đứng ngoài, túm áo bộ đội mà kể thút thít. Đây không phải là đêm đồng khởi của ba bốn năm trước - hăng, ồn ào, bỡ ngỡ, thừa nhiều mà thiếu cũng lắm - nhưng cái không khí ngây ngất vẫn là một. Tôi cười to, nói vội giữa đám đông. Tôi cố trả lời không bỏ sót hàng chục câu hỏi bay vào tới tấp. Tôi lật mũ đưa cho em nhỏ cứ đòi đội thử, an ủi một chị rằng bộ đội ta đông quá nên tôi không quen anh Hồng Sơn hồi ở nhà tên là Vện, rút trả xếp giấy bạc mà một bà mẹ nhét bừa vào túi, quay mặt ra ánh đèn để ông cụ xem mặt vì giọng nói giống y thằng Ba của cụ.
Bộ đội lẳng lặng rút khi mít-tinh bắt đầu. Hai giờ sáng rồi, phải dồn quân lại sửa soạn chống càn ngay. Mẫn và đội du kích đang rối rít chia súng đạn trong nhà xã Chinh, ghép số anh chị em mới vào các tiểu đội, các tổ, vài tiếng nữa là đánh.
Ra khỏi xóm, tôi quay lại và thấy một cảnh lạ: giữa những bóng cây xơ xác in trên trời sao, đột ngột nổi lên một cái gì rất to, sáng rực, cành quẫy nhẹ làm rung lao xao cái tán lá tuyền một màu xanh non mát rượi. Tôi sửng sốt một loáng, rồi nhận ra cây đa già bên mái đình, thân chằng chịt những vết rạch, còn nhiều mảnh pháo cắm sâu vào gỗ, lay không ra. Thật nó đấy không? Hình như loạt nổ vừa rồi đã đánh thức nó dậy, và nó lập tức chuyển mình, trút vỏ, thay lá, đi ngay vào cuộc sống mới. Mùa xuân vọt lên giữa đêm. Đi khá xa, tôi còn thấy cây đa kỳ diệu ấy hiện trẻ măng trong quầng lửa của cuộc nổi dậy. Tôi chưa gặp một cây nào đẹp như thế.
 
*
 
Tiểu đoàn đi tiếp về phía Nam.
Con đường giao liên quen đã đổi khác nhiều. Chúng tôi tự dọn cây đổ, phát rừng vòng tránh chỗ khó, bắc cầu, và đặt một loạt tên mới: dốc Cát-chài, đèo Đá-nẻ, cầu Mương-xói. Còn phải tránh những cái tên trùng lặp nhiều, như Núi-lở chẳng hạn: mỗi ngày chúng tôi đi qua cả chục hòn núi sụt, phơi ruột đỏ như trái dưa hấu bị con heo cạp ăn mất một góc hay một nửa. Có lắm tên lạ tai. Một cây chò rất cao bên đường tự dưng thụt hẳn vào lòng đất như đũa cắm nồi cháo, chỉ ló lên vài thước ngọn: quả đồi được gọi là gò Cây-lút. Hòn núi Tròn-quít rất dễ nhận từ xa, đỉnh nó vốn nhọn nay lõm sâu xuống như miệng núi lửa. Giao liên dẫn khách đi vài chuyến, các tên mới sẽ được truyền miệng, được nhớ, dần dà bước vào bản đồ và sử sách, nếu mình không có những lần đảo lộn lớn hơn trên đất mình.
Chúng tôi dừng ăn trưa trên dãy núi ngang chạy xuống gần biển, giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đã quen nếp, hễ nghỉ trên núi là anh em tìm chỗ quang nhất ngồi ngắm đồng bằng hiện trước mặt như bàn cát, với đất mở rộng và biển nhích lại gần. Chúng tôi xem cảnh, háo hức khi sắp tiến vào vùng chưa quen, nhưng thường là se se thương một mảnh quê mới đã ngấm ít nhiều mồ hôi và máu của mình. Dù chỉ có mồ hôi đi đường hay mấy giọt máu vãi của đỉa hút thừa, đó vẫn là những thứ của thân người gửi vào lòng đất, nối liền người với đất.
Trông từ xa, những vết tàn phá của trận lụt mờ nét đi, bớt dữ, dồn ở phía vùng địch tạm chiếm. Sáu thôn của Tam Sa nổi khá rõ, tên cũng dễ thương và dễ nhớ. Bốn thôn mé trên đường Một là vùng đất thịt hay Tứ Nhơn: Nhơn Ái, Nhơn Phước, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ. Hai thôn dưới là vùng cát tức Nhị lộc, gồm Lộc Chánh và Lộc Thứ. To nhất là Nhơn Ái tức Một Sa, mang cái tên làng Cá rất xưa mà khéo vẽ: một hòn đảo xanh hình con cá thon dài quẫy trên biển lúa. Các cụ nói nó là con cá kình, tôi muốn nó là con cá ngạnh. Con suối ở quê mẹ tôi nhiều cá ngạnh, nó nhỏ và hiền, chẳng hại ai, nhưng dám chém những giống to chực nuốt. Ừ nhỉ, trông làng Cá y hệt nước bạn Cu-ba thu nhỏ lại. Đã có anh cán bộ nào đặt tên mật cho nó là Cu-ba chưa?
Làng Cá sống.
Đi mãi tận đây nhìn lại, tôi vẫn thấy làng Cá đang sống tràn trề. Nhiều sợi khói bốc lên song song dưới nắng trưa đứng gió, khói mảnh và đặc hơn xưa vì không còn ngấm qua những mái tranh dày. Ruộng quanh làng bắt đầu nhám mặt dưới lưỡi cuốc dọn sỏi cát, còn quãng gò lở phơi đất sù sì kia đã có chân người giẫm thành một đường mòn nhẵn mặt, vết nhám trên ruộng và vết phẳng trên đồi đều báo tin người đang giành lại đất.
Anh Ba Tơ cầm nắm cơm sắn - một cơm ba sắn, chúng tôi đã trút gạo ra cứu đói - đến bên tôi, nhấc cái ba-lô Mỹ của tôi đặt sang bên cạnh, chép miệng một cái, ngồi xuống. Tôi biết anh sắp cự nự một lần nữa vì cái tội đem nửa cái võng ka-ki, hai cặp bà-ba và tấm choàng đi mưa cho bà con bị nạn. Nuốt vội miếng cơm, tôi phủ đầu ngay:
- Giống đất Lào không, anh Ba?
- À...
Cặp lông mày cau cau giãn ra, mắt anh dịu lại. Anh lắc đầu.
- Khó tính dữ hè. Coi bộ ông đi hết đất nước mình, chẳng nơi nào ông thấy vừa mắt cho bằng quê vợ.
- Tầm bậy cái thằng...
- Cảnh Chăm-pa-sắc đẹp vậy mà, chắc cô Nguyệt Nga phải xinh lắm, như trăng rằm. Hèn gì...
Chú Dé nhô đầu tới, tròn mắt:
- Chị Nga ở núi nào, anh? Dân tộc nào?
Thấy câu chuyện bắt đầu lan ra xung quanh, anh đại đội trưởng hừ hừ trong mũi, nhỏm dậy, chuồn mất. Coi bộ gồ ghề và hay cộc vậy đó, mà anh có một mối tình rất chi là lãng mạn: hồi còn ở bộ đội tình nguyện đánh Tây tít bên kia sông Mê-công, anh yêu lắm lắm một cô gái Lào, cô ấy cũng yêu lại. Cứ vậy trong bốn năm cho đến khi anh tập kết về nước, cô Chăn-tha đi bộ ra Sầm-nứa... Mãi tới năm ngoái, một anh bạn cũ ghé vào đơn vị tìm thăm Ba Tơ mới kể toang toang câu chuyện giấu kỹ ấy ra, trầm trồ khen Chăn-tha xinh, ngoan, giỏi và tiếc mãi cho Ba Tơ. Chăn-tha có nghĩa là mặt trăng, như ta gọi cô Nguyệt ấy, tôi cao hứng đặt tên là Nguyệt Nga, và Ba Tơ tất nhiên hoá ra Lục Vân Tơ. Từ đó anh em xê mình thương anh hơn một chút nữa, cũng nắm được chỗ yếu của anh: hễ nhắc đến cô Chăn-tha thì Ba Tơ đang cáu đâm hiền, thật tội. Bên trong con người những lửa là lửa ấy có một góc kín của hồn dành cho ánh trăng mát rượi của người yêu đi xa, dù anh đã có vợ con, và nghe đâu Chăn-tha cũng tay bồng tay dắt. Đám con trai còn "mồ côi vợ" như tôi chỉ ưa quấy, đem chuyện tình cảm ra bông phèn rất dai, nên Ba Tơ cứ phải ấp úng một câu nói lảng và chuồn cho gọn.
Bây giờ, máy bay đã vo ve lọt vào tầm nhìn. Con mắt tôi quen gạt tàu bay ra khỏi cảnh trời đất, nhưng lúc này tôi xem rất kỹ một tốp bốn chiếc máy bay phản lực đang vừa quần vừa nhích lại gần, bắt chước kiểu đi của các cơn bão. Thứ phản lực này toàn Mỹ lái, lâu nay chỉ bay cao và thẳng qua vùng ta, biến mất. Chúng ùa ra cắn trộm miền Bắc một keo cách đây ba tháng, rớt cả mớ, và tôi đã đưa hai khẩu cối 60 của xê mình đi nện một cú trị tội vào sân bay Hiệp Đức, lúc ấy đang ở gần. Chúng định làm gì mà hôm nay kéo nhau đi rà dai dẳng trên đất Tam Kỳ?
Chúng đã vòng đến gần núi. Bốn con cá đuối bơi kiểu lạ, đuôi trước đầu sau. Chú Dé kêu nhỏ: "Ô, tàu bay ngược!". Đúng, chúng có cái gì đó lố bịch, ngớ ngẩn, ngược đời. Chúng giống một chùm máy bay nặn bằng đất sét rất vụng, nung sém đen; một em bé khờ buộc dây vào đuôi chúng mà kéo lê sồn sột trên nền xi-măng nhám, làm ồn đến phát ngấy. Chúng xấu và thâm hiểm. Chúng đang tính giở trò ma quỉ nào đó trong cái điệu bay lừ đừ, xì khói đen dài, không chồm chúi, như chỉ biết làm một việc là dùng đuôi khói vẽ bừa trên trời, những chữ O chữ S hay số 8 ghép theo kiểu phù thủy. Dải đất phủ bùn chưa kịp khô trước mặt tôi còn phải chống với những gì mới nữa?
Cái ý chống chọi cứ dẫn tôi nghĩ đến cô Hai Mẫn. Có lẽ vì lần đầu tôi gặp một cô gái xanh và gầy phải đánh vật với nhiều khó khăn đến thế đổ xô tới cùng một lúc. Tôi chấm nắm cơm vào muối mè, cắn một miếng nữa, ngửng lên, chợt thấy đồng bằng Quảng Nam đã đổi hình. Biển sáng xanh như con mắt lung linh, vùng đất phẳng hình trăng mồng mười là mí mắt... à, rất giống, những rặng phi lao ven bãi cát kia là hàng mi nhé, vành núi cong cong phủ cây rậm chạy vòng từ Hoà vang đến Tam Kỳ là nét gồ của một chân mày rất đen. rất dày. Mắt của Mẫn, hệt rồi... Tôi cười, tự giễu mình bông lông.
Mẫn không thuộc kiểu người tôi thích. Dọc đường đánh giặc qua năm sáu tỉnh, tôi quen hàng trăm cô du kích trẻ tươi - nhiều cô thật xinh, xinh càng hay chứ sao - vui phơi phới; đánh giặc gan liền tướng quân chẳng kém ai, chỉ khóc khi băng cho các anh thương binh, vá áo cho bộ đội trắng đêm mà đòi trả công một bài hát mới. Mẫn khác họ nhiều quá. Hôm chia tay, Mẫn đến chào xê mình, vẫn trịnh trọng "cảm ơn các đồng chí hết lòng giúp đỡ chúng tôi". Tôi đoán Mẫn đóng vai bà chị Hai với các em mãi thành tật, lúc nào cũng quen giọng đàn chị tuy mới chẵn hai mươi. Cũng có một lúc cặp mắt đậm như tô mực nhìn tôi khá lâu, muốn kể một chuyện gì đấy khó nói bằng lời, nhưng đành quay đi.
Tôi hỏi Năm Cẩn:
- Hồi ở Quảng Nam, anh quen nhà Hai Mẫn không?
- Mình đi phía Tiên Phước, Thăng Bình, nhiều hơn. Chà, cái tỉnh gần hai triệu dân chớ ít đâu. Ông biết Tam Kỳ bao nhiêu không? Một trăm năm chục ngàn, bằng một tỉnh nhỏ nhỏ rồi, mình quen sao cho khắp.
Tôi biết. Đi tỉnh nào tôi cũng gặp những người nói mô tê răng rứa chừ giống quãng Trung-bộ từ Huế trở ra, bằng những thanh đã ngả sang giọng miền Nam mộc mạc. Cũng lạ, chỉ bước qua dãy núi này, đến đất Bình Sơn đã nghe bà con nói đâu kia sao vậy giờ, tiếng Việt bước thêm một bậc thang nữa trên đường vào Nam...
Mỗi lần rời một vùng vừa ở, tôi lại tự hứa rất thành thật rằng thế nào cũng tìm cách quay lại thăm; tôi ghi một lô tên bạn mới, hòm thư, và tin chắc mình sẽ viết về ít nhất mấy câu thăm hỏi; tôi mang theo một tấm khăn hay vật gì đó làm kỷ niệm để buộc mình không được quên. Bây giờ cũng vậy. Trong sổ tay của tôi có một bông bạc ép khô và địa chỉ của anh Luân, cô Mẫn, nhiều đồng chí nữa, có những con số tội ác và mấy câu nhắc mình trả thù. Nhưng tôi đoán trước rằng cuốn sổ tay cùng với bông bạc và các dòng chữ sẽ trôi theo suối lũ hay bị na-pan đốt; nếu có dịp qua Tam Kỳ tôi sẽ hối hả đi nhanh cho kịp ngày hẹn gọi đằng trước - bao giờ cũng có một công tác gì đó cần gấp hơn những thương nhớ riêng - và tôi sẽ gác cả thư lẫn thăm lại, đợi một dịp rảnh còn lâu mới tới.
- Chuẩn bị!
Tôi xốc ba-lô. Biết làm sao được, chưa phải lúc trà dư tửu hậu để ôn chuyện đã qua, khi mỗi giờ đánh Mỹ còn chứa đầy những điều không ngờ buộc tôi phải động óc động tay không ngớt. Rừng sắp buông rèm che đất Quảng Nam. Những ngày cứu lụt lùi ra sau lưng, về nơi tôi chỉ còn quay nhìn bằng trí nhớ, bởi cặp mắt lắp đằng trước luôn luôn bận đón vô vàn cái mới đang chờ trên đường chiến dịch.

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 552

Return to top