Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mẫn và tôi

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15131 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mẫn và tôi
Phan Tứ

Chương 11

Cùng lứa tuổi ấy, nếu sinh làm con gái rốt trong một nhà đủ cha mẹ, anh chị và không quá túng thiếu, Mẫn có thể là một trong những cô Út tôi quen, nhí nhảnh líu lo, ưa làm nũng nhưng cũng thích vâng lời, nhảy chân sáo theo cách mạng như đi chơi hội. Mẫn khác họ. Mẫn là chị Hai trong một gia đình cán bộ rất nghèo, bị giặc phá nát, bước vào trường đời ở một xã bị chà xát nặng. Cho đến nay, Mẫn cứ thèm được chơi đánh ô đánh thẻ, được tập thêu đan bằng hai bàn tay nhiều chai, nhất là thèm học chữ.
Cây cột nhà Mẫn có một vết rựa chặt rất sâu, đất nhét kín mà mép còn rõ. Cha Mẫn giữ trâu bầy cho xã Chinh hơn mười năm, trầy trật mãi mới quăng roi vất nón được, căm lắm. Khi nghe con đầu khóc lọt lòng, ông chém cái rựa vào cột, chắc định thề câu gì rất độc, sau chỉ nói: "Nín con, sợ cái gì, tao chết đói còn hơn cho mày đi ở". Hồi đánh Pháp, huyện này nằm trong vùng tự do, nhưng cha Mẫn ham tiếng súng hay đi xa, hết dự chiến Điện Bàn Hoà Vang lại đưa dân công lên Tây Nguyên. Ông làm thôn đội, mù chữ mà say việc, tánh nết như đá lửa, rình sâu con mắt mới tóm được tài liệu Quần dài đen(1) trong rương xã Chinh. Sau Giơne hắn bắt ông lập tức, đánh chán tay mới lập hồ sơ đưa đi Côn Đảo.
Năm ấy Mẫn mười tuổi. Mẹ kêu Mẫn lại, nói nhỏ:
- Cha bị tù rồi, con ráng giúp mẹ chút.
Việc đồng việc nhà Mẫn đã làm được gần hết. Mẫn giúp mẹ việc mới: đem cơm và đưa tin cho bác cán bộ nằm hầm sau vườn. Bác này đổi vùng hay đi đêm bị phục, bác khác tới. Khi đứt khi nối, hai mẹ con giữ mãi mối dây còn lại của cách mạng. Địch nghi, soát nhà xăm đất, bắt nhiều lần, giam đánh chán nó lại thả về để cho đứa rình tới mòn gốc lựu đầu hè. Kệ nó. Ba Tâm với Út Hoà không được dính vào: Tâm là con trai một, Hoà nhát gan.
Tới năm 1961, Mẫn bị bắt ở chợ An Tân với hai ngàn viên thuốc sốt rét clô-rô-kin trong người. Đòn gần chết. Mẫn được một chị chung buồng giam cởi trói, lội ruộng băng gò bốn đêm tới Tam Sơn, vùng giải phóng đầu tiên ở ven núi. Mẹ Mẫn ở tù thay con, chế độ địch nó vậy. Mẫn được đưa vào đội võ trang công tác Tam Sa mới lập, chú Tám Liệp làm đội trưởng. Các chú xân xiu(2) với điều lệ, kết nạp Mẫn vào Đảng khi mới mười bảy tuổi, lấy bảy năm công tác bù chỗ thiếu tháng. Các chú còn tống liền liền cho hội đồng xã mấy lá thư cảnh cáo, lá cuối cùng không đúng chính sách nhưng dễ lọt tai hơn cả: "Bây giết gia đình có người theo cách mạng, tụi tao giết gia đình bây, liệu hồn!". Mẹ Mẫn và mấy người bị bắt nữa được thả rất nhanh.
Đó là quãng đời vui nhất của Mẫn.
Mẫn được đánh giặc. Ta đây, địch kia, không còn gượng chào "ông cảnh sát" khi nó sắp treo mình lên xà nhà. Những thằng cấu xé chà đạp nhà Mẫn, hút máu cả làng, nối nhau giãy đành đạch đòi ăn cơm cúng, hoặc "em lạy chị Hai" suốt dọc đường về trại cải tạo. Bấy nhiêu đủ là hạnh phúc lớn rồi, huống chi bà con gặp đâu ôm đó, huống chi Mẫn còn được học đủ thứ, được anh em coi ngang hàng, được sống gần chú Liệp để chú bày vẽ cho từng chút.
Mẫn thương và phục chú hơn hết.
Chú Tám được cảnh nhà đủ ăn, chữ nghĩa hồi xưa tới cái rime(3) là cao lắm. Dạo đánh Tây chú làm văn phòng huyện, sau về làm chánh văn phòng xã cho gần nhà, kình nhau với ông chủ tịch sao đó chú bỏ việc, nể lời bạn chú vào ban thông tin xã, dựng được đội văn nghệ cũng khá. Bà con coi chú là người có tài, ăn ở cũng mềm mỏng. Các bạn ưa tính chú rộng rãi, cởi mở, dám chơi hết mình, chỉ tiếc chú hơi "tài tử" trong công tác. Chú buồn vì bị ép lấy bà vợ già, không con, hay đến chơi nhà Mẫn, nửa đùa nửa thật nhận ba chị em Mẫn làm con nuôi. Gần tới đình chiến chú được kết nạp Đảng, nghe đâu chi bộ hồi đó bàn cũng lâu mới ừ.
Địch tới, bắt giam chú chừng nửa năm rồi thả về. Chú không khai báo, có lẽ cũng không biết gì bí mật mà khai. Nhiều người nói nhà chú bán trâu đút tiền cho hội đồng nên được ra tù sớm, khỏi bị xếp loại tình nghi can cứu và treo bảng cô lập, đi lại làm ăn cũng dễ. Giữa hồi điên đảo, chẳng mấy ai để ý cái vặt ấy, giữ mình được như chú là khá rồi.
Vợ trước chết bệnh, chú lấy thím Liệp bây giờ, sắc sảo mà biết điều, buôn giỏi có hạng. Chú biết nhà Mẫn nghèo xác, bị cô lập mà cứ nuôi cán bộ, thỉnh thoảng lén giúp gạo tiền. Mẹ Mẫn đưa chú một thư móc mấu của bác Bảy quai nón, chú nhắn trả lời: "Cơm chưa ăn thì gạo còn đó, xin cho tôi lắng xuống ít lâu, tụi nó bớt rình đã...". Mỗi lần mẹ Mẫn đi tố cộng hay bị giam, chú đón cả ba đứa nhỏ về nhà, tụi dân vệ nể chú cứng lý và sợ thím đòi nợ nên ít dám gây sự. Chú đặt tên chữ, Mực, Tôm, Hến đổi thành Mẫn, Tâm, Hoà. Thím Liệp đẻ mắn, chú mừng có con mà vẫn chăm nom chị em Mẫn.
Đứa trẻ yêu cha đến mấy cũng có lúc phảng phất thấy cha thương con là sự thường, đẻ ra ắt phải thương. Chú Liệp là người dưng mà ăn ở vậy, Mẫn càng biết nghĩ càng thấm ơn chú. Mẹ Mẫn cũng dặn các con coi chú như cha nuôi, lớn lên trả nghĩa sao cho phải, chỉ tiếc một nỗi chú có bề thủ phận.
Sau cú đảo chính hụt năm 60, một đám tề mới nhảy lên, chống cộng dữ tợn, trị cả bọn "tề mềm" vừa đổ. Chú Liệp bị bắt lên căn vặn về khoản đảng viên cũ, xem chừng chúng muốn khảo của là phần nhiều, nhưng chú biết muốn yên cũng khó yên được nữa. Ta đánh gắt, địch càng thua càng giận cá chém thớt, mạng chú e khó giữ. Chú dựa mấy tay quen, xin được cái giấy đi Sài Gòn làm ăn, khó biết chú muốn che mắt địch hay tính chạy trong(4) như một số khác. Nấn ná ít lâu nữa, tới khi tụi ác ôn đem hai "đảng viên cũ ngóc đầu" ra cắt cổ giữa chợ, chú mới chào bà con đi buôn xa, và "nhảy núi" theo mối dây của mẹ Mẫn.
Bác Bảy quai nón cử chú lập đội võ trang công tác Tam Sa, chú xin hoãn vì sức yếu, tạm giúp việc ở văn phòng huyện. Thật ra chú chưa muốn lộ mặt vì sợ địch biết chú không đi Sài Gòn, trả thù vợ con. Khi biết mười mươi là thím Liệp với các cháu đã bị quy khu(5) gần chợ An Tân, chú mới nhận làm đội trưởng, chọn được sáu bảy anh em vào đội, theo đà vùng giải phóng mở rộng mà dời lần lần về gần Tam Sa. Anh em thương chú, nhân một đợt vêtêba(6) vào chợ An Tân đã đưa hết gia đình chú lên vùng ta, cõng cả máy may, gánh bốn gánh hàng buôn của thím Liệp. Cả nhà gặp nhau, mừng khóc ròng.
Mẫn thoát tù lên, gặp lúc đội chuyển về Tam Trân mới giải phóng, được ở với chú thím và các em, vui hết chỗ vui. Mẫn giúp thím Liệp dựng quán ở phố chợ Ngọc Lợi, ríu rít với mấy đứa nhỏ cả ngày, chú thím thương xuống và Mẫn thương lên, rất tội. Thím Liệp sẵn vốn, sẵn bạn buôn cũ ở An Tân và Tam Kỳ, đặt hàng gì có ngay hàng ấy, chở bằng ô-tô hay xe thồ đến tận cửa. Thím coi cả đội như con em trong nhà, thiếu áo thím may cho, bị thương bị bệnh thím nuôi cả tháng, chưa lành thím chưa cho đi. Bạn chú Liệp ở huyện và các xã khá đông, qua Tam Trân hay ghé thăm, thím bận mấy cũng đón niềm nở. Địch càn lên vài tháng một lần, chú đi lánh, thím ở lại đấu lý với chúng không cho cướp quán, gang thép lắm. Chú Liệp lãnh đạo anh em rất sâu sát, có tình, lại giỏi sắp xếp nên việc gì cũng chạy ro ro. Làm ruộng tự túc vượt mức, học quân sự chính trị đều, học được cả văn hoá nữa là chuyện ít có, giúp dân cừ, văn nghệ nổi... có rất nhiều tiếng khen về đội Tam Sa.
Chỉ có một mặt đội không được khen mà còn bị chê: bám dân đánh địch kém. Ác cái nó lại là mặt chính. Thiếu nó, đội chỉ còn là một nhóm bà con lánh nạn, đùm bọc nhau mà sống qua ngày.
Huyện thấy chỗ yếu đó, nhắc, giục. Dần dà Mẫn cũng thấy, anh em trong đội thấy. Các xã khác giành chính quyền rầm rầm, Tam Sa vẫn bị kẹp ức lắm. Đội đã mạnh, gồm năm cán bộ, mười một du kích, chi bộ được sáu đảng viên trong đó Mẫn là em út. Bấy nhiêu người mà vẫn giữ mức mỗi tháng vài chuyến thậm thụt về xã, vào những đêm không trăng. Mẫn với mấy người nữa bàn với chú về bám xã, đào hầm nằm trong ấp mà phát động bà con nổi dậy, không cũng ở loanh quanh vùng gò đánh vào. Bác Bảy về thăm đội vũng nói vậy. Bác đi rồi, chú Liệp mới khuyên nhỏ nhẹ:
- Bác nắm cái chung, phải nhắc chung vậy thôi. Xã mình khác. Nằm ngay chỗ cuống họng địch, đường cái đen cắt đôi, động đậy một chút là quân nó kéo tới đen đất chật trời, gay lắm. Bây sốt ruột một, tao sốt ruột mười kia chớ. Có điều, làm cách mạng mà không nắm cái anh thời cơ, không tính tương quan lực lượng thì coi như thí mạng. Thời cơ nào à? Giả như chủ lực mình đánh vô Tam Kỳ, An Tân, địch đổ về giữ hậu cứ, nó vãi đất vãi dân ra mình hốt không kịp. Giả dụ nó đảo chánh, nó ly khai nhau, thiếu gì lúc ăn ngon... Nói cho cùng, nồi đồng sôi nồi đất cũng sôi, các nơi giải phóng hết thì Tam Sa cũng giải phóng, lo gì!
Rồi chú nói bùi ngùi:
- Tao thương là thương tụi bây tốn xương máu vô lối... Mà tụi bây còn dễ, chớ đồng bào mình như cá trên thớt, mỗi lần đổ bể lại bị bắt bị giết cả mớ, nổi oán cán bộ làm ẩu, đâm chờn đâm nhụt. Thì bây coi Tam Thắng đó, hồi bí mật phong trào cứng biết mấy, khởi non một keo, bây giờ cán bộ tới đâu dân đánh mõ la làng tới đó, đuổi như đuổi tà... Dục tốc bất đạt. Cứ xây dựng đội cho vững đi đã. Nuôi quân ba năm, dùng quân một ngày, tới hồi đánh bây phải đánh long trời lở đất kia!
Lần khác, chú kể những gương kiên nhẫn chờ thời hồi trước cách mạng tháng Tám, hồi đánh Pháp ở vùng tạm chiếm, gần đây nhất là hồi chưa đồng khởi, kèm theo đó là những vụ nóng mũi làm ẩu, chết mình mà còn hại dân, rã phong trào. Lý luận chú có thừa, mẩu chuyện sống cũng rất giàu. Mẫn và số anh em đòi đánh chỉ còn trách mình cạn nghĩ.
Rồi cái băn khoăn ấy lại trỗi dậy khi Mẫn được học một lớp đảng viên trẻ mười hai ngày ở huyện. Lần đầu tiên trong đời, từ khi biết đem cơm cho cán bộ nằm hầm, Mẫn tập suy nghĩ bằng bộ óc của mình. Qua rồi cái thời làm công tác chỉ vì thương mẹ, vâng lời chú, bắt chước các bậc đàn anh: thời ấy rất đẹp, nhẹ nhõm nhưng không chút gợn, hết sức dễ thương, nhưng vẫn là tuổi thơ ấu của mỗi cuộc đời cách mạng. Từ nay đồng chí Mẫn phải rèn mình theo điều lệ, làm việc theo nghị quyết, phải tự tìm thấy cái đúng cái sai ở mình và ở mọi người, gay nhất là phải góp sức làm cho cái đúng thắng cái sai. Mẫn rất hoảng khi càng học càng thấy chú Liệp sai. Những cái khôn một xu không đủ bù chỗ dại một đồng được gọi là co thủ. Vì sao chú làm vậy, Mẫn không biết, chỉ đoán là chú ở xa cấp trên, chú bận luôn không được học, chú thương đồng chí đồng bào chưa phải cách, vậy thôi.
Về tới đội, Mẫn gặp riêng chú Liệp, kể rối rít một lô cái mới vừa được nghe. Chú gật gù uống trà, tủm tỉm, sau cốc trán Mẫn một cái:
- Chánh trị đầy mình rồi! Ngang lưng thì thắt phương châm, đầu đội chánh sách, tay cầm chủ trương... Hồi trẻ chú cũng bốc máu như cháu, hơn cháu nữa, con trai mà. Chừng vô việc mới thấy khó cay khó đắng, vấp nhiều cú trẹo vai sái hàm, té ra cuộc đời nó hóc hiểm lắm cháu à. Ngay bây giờ chú mở lớp cho anh em cũng phải nói ào ào như bác Bảy chớ, phải thúc đẩy hết mức, tới hồi họ làm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, tùy sức họ thôi.
Thùng nước giội êm đấy, vẫn là thùng nước lạnh.
Mẫn cãi không nổi, vẫn ấm ức. Gặp lúc họp chi bộ, Mẫn đưa chuyện bám dân đánh địch ra, được Năm Tuất vun vào, bị một đồng chí bác và giễu, một nửa "lừng khừng, coi chừng đổ bể", tới chú Liệp kéo ngay qua việc khác, coi như ý trẻ con chẳng cần bàn mất thời giờ. Sau đó chú gặp Mẫn, lắc đầu "Thiệt là nai tơ chưa nếm mùi bẫy kẹp!" Coi như Mẫn đạp vỏ chuối keo thứ hai.
Tới hôm chi đoàn và du kích họp chung, Mẫn lại gợi, gần hết rất ưng, cử Mẫn với hai người nữa "vận động chú đội trưởng". Chú cười, khen anh em hăng, hứa sẽ xét, cho Chín Cang và Năm Ri về trước, giữ Mẫn lại mắng cho một trận tơi bời. Hỗn, con sứa đòi nhảy khỏi đăng, lau mũi chưa sạch mà chực dạy người đã đội hai tấn thép trên đầu. Chưa bao giờ Mẫn thấy chú giận đến vậy. Mẫn khóc hu hu, chú dỗ, chú cháu tạm làm lành.
Nhưng vết nứt không hàn được nữa.
Phải nói rằng chú Liệp và những người không muốn bám xã cũng có cái lý của họ. Hồi đó ta đang đụng kế hoạch Xta-lây Tay-lơ, khá mệt. Ngay Tam Trân cũng bị càn dồn dập, trực thăng chụp, xe xích rạch ngang xé dọc, địch líp lại mất hai thôn dưới. Bác Bảy nói địch bỏ hở sau lưng, vùng sâu khởi được, nhiều người cứ nửa tin nửa ngờ. Đội cử mấy đồng chí về đào hầm bí mật, đi vài lần thì trúng phục kích, hy sinh một. Đi đường khác, lại phục, Mẫn bị thương nhẹ. Một đồng chí huyện ủy kéo cả đội xuống Tam Sa phá ấp rầm rộ mấy đêm, mìn nổ chết hai người, ngay đồng chí kia cũng bị gãy cánh tay. Mỗi lần đội gặp nạn, chú Liệp lại lo nuôi anh em bị thương và chép miệng: "Đã nói mà...". Bà con Tam Sa lên thăm đội, đòi đánh nhiều mà khuyên đừng đánh cũng không ít: "Để vắng lâu lâu đã, bây gặm kiểu đó uổng mạng mà đồng bào chết lây”. Bởi vậy Mẫn ít oán riêng chú Liệp chỉ tức chung luồng gió trái cản con thuyền.
Vào hè, có những đêm trời hầm, người bứt rứt khó chịu lắm, ấy là khi "cái bấc cái nồm chống nhau". Mẫn trải qua nhiều đêm bấc nồm như vậy, với những dấu hỏi bò như vắt đói trong đầu. Tại sao mình lại nghĩ khác bao nhiêu đồng chí trải đời hơn? Hay là mình kiêu, chơi trội, yên hùng lẻ? Điếc không sợ súng? Cho dù mình đúng mười phần đi nữa, có nên đưa đầu chịu báng mãi vì nói cái đúng không? Nếu sau này truy ra đội sai, chi bộ sai, thiếu gì người lớn chịu trách nhiệm, ai trách tới con nhỏ này mà lo? Mà muốn trách cũng chẳng trách được, mình đã trình bày khắp nơi rồi, bị gạt đi rồi, lỗi đâu tại mình? Mấy nơi muốn rút mình, nên bỏ đi quách, ở đây làm được cái gì? Về phụ nữ huyện, đi học y tá, chuyển qua mậu dịch, thiếu gì việc vừa sức hơn, chị em đông vui, xa bom đạn, lại tránh được những va chạm mệt mề? Chờ được vạ thì má đã sưng....
Tới đó, một câu trả lời rất ngắn từ đáy sâu trong hồn cô gái hiện lên bằng chữ lửa: "Mình là đảng viên". Mình vào Đảng để làm cách mạng và rủ người khác cùng làm cách mạng. Mình vào Đảng không để kiếm chác một chút gì hết, chỉ để hy sinh nhiều hơn. Mình không hề sợ địch, sao lại sợ những lời mắng hay giễu của người thân hiểu lầm? Mình đã dám lãnh thêm cái khổ cái chết khi đòi về bám xã, bây giờ phải bám giữ cái đúng, chống cái sai, tới đâu thì tới! Mình trách những người bỏ chiến đấu chạy dài, nếu mình tìm nơi yên ổn mà trốn thì khác gì họ!
Qua mỗi giờ dằn vặt như vậy, Mẫn mệt và thấy mình khỏe thêm. Chú Liệp lạnh mặt, thím Liệp nói cạnh khoé, mấy anh em khác châm chọc "muốn làm lãnh tụ mà không ai bầu". Mẫn đau ít thôi. Chai da lì đòn mà. Số đồng chí thấy Mẫn đúng cứ tăng dần. Các cuộc họp chi bộ và đội ngày một găng. Chú Liệp báo cáo lên trên là Mẫn phá đoàn kết nội bộ. Chị Bỉnh ở Tam Trân quí Mẫn cũng hỏi: "sao họ kêu mày đá lung tung?". Mẫn chỉ cười trừ. Hột đậu có nứt, cái mầm mới lên thành cây được.
Hồi ấy cơ quan huyện dời ra cách Bắc đang mở(7) mạnh, ít có cán bộ về Tam Trân, Tam Sa. Nhưng, thật khó ngờ, cái sức ép bắt chú Liệp chuyển lại đến từ vùng bị kèm kẹp.
Không bị quấy rối, tụi ác ôn Tam Sa thả sức làm mưa làm gió, hạng chót như một thằng liên gia trưởng cũng dám đánh người nã của. Dân vệ xã lên tới một đại, chưa ăn đạn nên rất hăng đi phục kích kiếm tai cán bộ lấy thưởng. Dân la trời nhất là cái ấp chiến lược hai sông ba núi. Nhà giàu mất ruộng, nhà nghèo mất cả ruộng, nhà, vườn, công làm ăn. Bà già sáu mươi còn bị bắt đeo mõ cầm đèn đi gác. Nhiều người phải dỡ nhà lấy tre nộp cho đủ số cây rào. Đi kẻng về kẻng, gánh phân vòng rào mỗi buổi chỉ được hai gánh đổ ruộng, đất phải bỏ hoang một nửa trong khi con nít khóc đói... Bà con Tam Sa lén lên tìm đội, thúc phải đánh...
Chị Biền chỉ mặt Năm Ri, em họ: "Đưa súng đây, tao đổi cho cái quần lụa, tao về mộ quân đờn bà đánh khá hơn mày!". Mẹ Sáu tỉ tê với Mẫn và Chín Cang: "Mẹ mày Mẫn à, bả biểu tao hỏi thử bây mắc lo chồng con hay sao mà chẳng thấy ho he...". Còn ông thầy Mười, trước khuyên "khoan đã", bây giờ bước vào quán bà Liệp, cười khà: "Cha, ông Tám chạy giặc lên đây, coi bộ phát tài hơn hồi ở dưới ta nữa hé!". Mấy bà có con bị bắt quân dịch nói sa sả với chú Liệp: "Các anh đêm về nổ một phát súng, đốt ít cây rào, trai làng kéo theo sạch ráo, tụi tôi mới khai Giải phóng về bắt con được chớ! Nhờ các anh bấy nhiêu mà cũng làm lơ cho đành! “
Chú Liệp và số chờ thời đã lâm nước bí.
Chú bắt đầu nói "phải tự tạo ra thời cơ". Chú khen Mẫn và số anh em bênh Mẫn: "Có ăn có chọi mới gọi là trâu chớ", chỉ trách họ đôi khi "phạm nguyên tắc tổ chức". Rồi chú chia đội ra hai bộ phận, tiền phương và hậu phương. Mẫn được cử nắm tiểu đội du kích xuống Tam Sa đánh giặc phá ấp, tối đi sáng về hay muốn ở tùy lòng. Ở hậu phương là "nhóm lãnh đạo", gồm những cán bộ lâu năm, coi như bộ óc của phong trào. Anh em đều thấy đúng. Mất ngón tay ngón chân không sao, mất đầu thì tiêu.
Những ngày đầu trở về bám xã sao mà quá gay go. Địch như con vi trùng đã ăn vào máu mà lờn thuốc, tiểu đội Mẫn đánh nó được ít mà bị nó đánh nhiều hơn, phục chỗ này, úp đằng kia, rượt chạy cùng gò. Bà con thấy du kích làm ăn cà trật cà vuột, thương lắm nhưng không tin, một số tránh dây dính vì "chẳng nước non gì mà chết lây uổng mạng". Liên tiếp ba đồng chí trúng đạn, một chết, hai nữa bị thương cũng rút lựu đạn chia đôi với giặc. Có người nản bỏ về Tam Trân, cày ruộng trồng khoai tự túc cho đội. Được cái số đông càng bị địch đuổi càng sôi máu, thề "có chết cũng chết trên đất Tam Sa". Anh Năm Tuất lầm lì, rất chậm, nhưng đã làm gì thì cưa đứt đục suốt. Đoàn viên như Răm Ri, Chín Cang xông xáo mạnh, chưa được kết nạp vì chú Liệp thấy còn non. Sau chừng một tháng quần lộn ẩu kiểu ấy, đội du kích mới móc được một số cơ sở, tìm ra những kẽ hở trên bộ mặt lởm chởm của địch, đứng vững được trên vùng gò, vài đồng chí vào nằm hầm trong ấp. Dễ thở rồi.
Hiểu địch, Mẫn cũng hiểu thêm ta. Sức ta lớn lắm nhờ có bốn ngàn dân căm giận. Những ai do dự cũng sẽ dám ra tay, không trước thì sau, cả xã nổi dậy thì trong người họ sẽ có cuộc nổi dậy của lòng yêu nước và những mối thù chưa trả. Bà con biết rõ lắm: một ngày chưa giải phóng là một ngày họ chết mòn, và khổ hơn nữa là họ bị địch dùng để giết cách mạng. Một cây rào cắm xuống, họ mất một cây đòn tay nhà, cũng có thể mất một đứa con khi nó về nhổ rào. Thằng em bị bắt quân dịch, biết đâu khi thả đạn vô nòng cối lại không bắn trúng anh nó bên giải phóng? Cái tủi nhục ấy lắm khi đau hơn roi, cực hơn xâu thuế. Bà con sùng sục đòi khởi.
Nhưng... khởi cách nào đây?
"Bộ óc" vẫn nằm trên kia. Đội du kích ở luôn dưới này, bỏ hẳn những chuyến đi đi về về rất nguy hiểm, bởi địch hay rải quân phục dọc sông Rù Rì, rắc pháo trên đồng lớn Tam Trân. Mẫn với Năm Tuất thay nhau lên báo cáo,chết hụt mấy lần, chú Liệp càng đủ cớ "bảo vệ cán bộ" để không về xã.Chú chỉ đạo từ xa bằng những câu "coi chừng đổ bể", "Chuyện xương máu đừng làm ẩu", và nhất là "phải giữ nguyên tắc tổ chức", nguyên tắc ra sao thì tùy chú giảng. Tất cả các báo cáo gửi lên huyện đều do chú viết. Chỉ thị gửi xuống,chú đọc và giữ luôn. Cán bộ về kiểm tra, chú đón, chú kể sự tình theo khẩu vị của khách, muốn mặn có mặn, muốn ngọt có ngọt. Cần lắm chú mới cho người dẫn xuống khỏi sông Rù Rì gặp du kích một lát, lên ngay trong đêm, vì "du kích yếu quá chưa bảo vệ nổi". Mẫn và anh em phải mò mẫm từng chút, phải chạy lên Tam Trân để hỏi từ cách nắm cơ sở đơn tuyến tới điều lệ Hội phụ nữ giải phóng, làm gì cũng nơm nớp sợ sai.
Phong trào Tam Sa lớn lên vẫn phải mặc mãi cái áo quá chật,cựa đâu đứt chỉ đó.
Đến đây Mẫn mới thật hiểu chú Liệp,mới dám bóc lớp sơn son thếp vàng của tượng thần để thấy đất sét bên trong.
Ngay từ đầu chú đã theo cách mạng với những tính toán "đôi bên cùng có lợi", và chú muốn phần lợi của mình nhỉnh hơn chút đỉnh mà không hại tới việc chung. Chú vẫn phục vụ đấy, mà cũng khéo lấy lòng người này một tí, dìm người kia một tí, nhẹ nhàng lách qua người thứ ba. Đừng nghĩ oan rằng chú hoàn toàn ích kỷ, "cá nhân cả cục", không phải. Chú biết cái đúng cái sai, nhưng bắc cân lên thì cái khôn cái dại cho riêng chú hơi nặng đầu đòn hơn. Chú tin cách mạng sẽ thắng, tin lắm. Lý lịch của chú có khoảng trống của mấy năm nằm im, không có vết đen của sự phản bội. Chú muốn tiến thân trong công tác, cái đó cũng thường tình thôi. Trong khung cảnh của vùng tự do dạo xưa,mấy năm mới một lần Tây đổ bộ tít dưới biển, chú có lựa việc phần nào nhưng vẫn là một cán bộ khá.Và chú cứ là một cán bộ khá, chắc vậy nếu miền Nam không bước vào cuộc thử lửa ác liệt hơn trước nhiều.
Với nếp tính toán đã quen, chú tránh lộ mặt, rồi chú chịu ra mặt lập đội, rồi chú kìm đội không cho đánh, rồi chú cho du kích đi đánh trong khi chú đứng sau xa cầm cương. Mẫn sợ hãi khi tìm thấy sợi chỉ xám - không trắng hẳn, không đen hẳn-xỏ xuyên qua các lời nói việc làm của chú. Chú muốn giữ chức cao nhất mà tốn ít mồ hôi nhất, và dứt khoát không tốn máu. Ngày thắng lợi đang đến gần, chú mong tới ngày đó chú sẽ là người có công lớn, ít nhất là công đầu trong xã mình, lại không phải mất đi một cái gì hết - vợ con, của cải, tất nhiên là không mất tay chân hay mất mạng. Đội Tam Sa về bám xã, đội trưởng không về thì mặt mũi nào: chú giữ anh em lại. Thế chẳng được đừng, chú phải tách bộ phận của Mẫn ra, còn sợ"tụi cứng đầu" thoát quyền kiểm soát của chú. Chú không dám đưa số trẻ vào đảng vì ngại pha loãng ảnh hưởng của chú. Khó tin rằng một người khôn như chú lại không thấy mình đang tự biến thành ông vua con. Muốn lam vua phải xây triều đình,có triều đình ắt có kẻ nịnh ngoi lên và người trung bị đày, tuồng tích thiếu gì. Rủi cho chú, chuyện đời xưa không thể lại xảy ra ở Tam Sa thời đánh Mỹ!
Năm Tuất cũng thấy như Mẫn, nhưng đơn giản hơn. Anh nghĩ chậm, nói càng chậm, động cãi với ai thì nổi lên cà lăm, đúng mấy cũng bị cười giễu. Mẫn thuộc hạng con nít mới lớn, đoàn viên và du kích rất tin nhưng đảng viên lớn tuổi coi thường, tại mắc cái tật mau nước mắt. Anh chị em khác chỉ khỏe đánh, không biết xây dựng phong trào.
Chưa khởi được, ta cứ đùng đoàng riết đi, dùng miệng súng nói thay miệng người. Đội du kích cứ ngày bắn tỉa, đêm phá ấp, khoái nhất là diệt ác ôn. Hồi đó ác số một là thằng Hiêm cảnh sát trưởng, Năm Ri dẫn một tổ xuống nằm vùng cát, rình đến trắng vờ con mắt mới hạ được nó giữa trưa. Thằng Tráng cầm đầu dân vệ được xếp số hai. Nó dẫn quân đi úp du kích ngoài gò, anh em bắn bậy mươi phát rồi chạy bay tóc, hôm sau đồng bào cho biết thằng Tráng trúng đạn toác đầu gối. Bọn tề khác rúng xương hết. Bọn quận đưa hai tên công an loại nghiện gan người về hà hơi.Mẫn mặc giả gái buôn, đạp xe trên đường nhựa theo chúng-tụi này không biết mặt du kích và chưa thạo trốn tránh-cho lựu đạn vào lưng,lấy hai súng ngon. Mỗi thằng ác ôn chết là lu bù gà vịt chết theo: bà con thắp hương cho người thân bị chúng giết, ăn mừng, khao du kích, cũng là một kiểu "cúng đất, chất rơm, quải cơm luôn thể". Chưa được tổ chức hẳn hoi, bà con cứ tự nghĩ ra mà làm.Thấy lửa đốt rào nổi dưới Nhị Lộc, dân Tứ Nhơn cũng ra nhổ rào trước ngõ, kiếm củi chụm, trổ luôn một lối đánh trâu ra đồng cho gần. Ngày làm xâu hay thu thuế, y như rằng có súng bắn vào làng, cả ngàn người đều kêu đạn xẹt nóng hực mang tai, về nhà nằm ráo. Cô bác khen du kích, lại dặn: "Đã về phải ở cho bén rễ xanh cây, đừng huậy huậy rồi đi, nó trị chết dân đó". Người biết hơn thì hỏi: "Các nơi nổi dậy lập chánh quyền hết, ta bấy nhiêu thôi à?".
Mẫn biết không thể bấy nhiêu.Giẫm chân tại chỗ sẽ bị địch hất ra ngoài lần nữa. Phải tấn tới, nổi dậy. Năm Tuất nói: "Chắc cũng như cách mạng tháng Tám vậy đó!". Mẫn ngớ ra: "Hồi đó tôi một tuổi, thêm tuổi bà mụ cho nữa là hai...". Về hỏi chú Liệp, chú nói một buổi ròng, Mẫn nghe như lạc vào rừng tre gai, cựa đâu rách da đó, sai lầm với lệch lạc vây kín quanh người. Câu cuối của chú là "chưa chắc thì đừng nôn". Chú không cản, chỉ khéo đặt Mẫn vào cái thế "làm được ăn chung, bể vung mình chịu". Cứ làm,Mẫn hỏi các đồng chí Tam Trân, chị Tám Giàu, huyện đội, góp nhóp mỗi nơi một ít, học kinh nghiệm phát động quần chúng mà như học thuốc nam. Cấp trên lại báo liên tiếp rằng trước sau Mỹ cũng lật Diệm, nó bắn nhau mình nổi dậy, nghe càng ham.
Chú Tư Luân vừa vượt ngục ra, đầu còn trọc, hai gối thấp khớp đi nhúc nhắc, được cử ngay làm phó bí thư và đội phó Tam Sa. Trước chú làm nông hội, bị tù từ đợt hiệp thương, không một lần chịu chào cờ ba que, án ba năm mà chúng giam mãi không thả. Chú cười: "Bỏ mẹ, bây giờ mình quen cái trại giam hơn quen làng". Chú cười suốt ngày. Làm việc với nhóm chú Liệp hai buổi, rồi chú chống gậy đi xuống vùng gò gặp du kích.
-  Bây đào cho tao ít cái hầm bem, trong ấp ngoài ấp, tao bám luôn đây với...Con ông nào đó?… Chân tao sưng, mà không sưng tao cũng chẳng muốn chạy, ăn chung ở lộn với địch miết rồi, giờ hễ xa tụi nó tao cứ ngứa ngứa...Cha, Hai Mẫn gái đầu bà Mẫn lớn kinh vậy à? Chồng con gì chưa,cháu?...! Tào lao, bây đừng sợ sai. Tao thua tụi bây chẵn tám năm hoạt động, lạc hậu một cây, vậy chớ có một cái nguyên tắc tao nắm chắc khứ là bám dân đánh địch, giải phóng Tam Sa. Trật cái đó coi như trật hết!
Đội du kích mừng thôi là mừng. Mừng nhất là Mẫn. Cái thấp thỏm lo làm bậy biến mất, từ nay công việc tha hồ mà chạy hết trớn. Chú Luân rút thanh niên lên, du kích tăng vọt tới hơn ba chục. Thiếu súng,chú tập tễnh dắt một tiểu đội tay không đi tìm anh huyện đội trưởng, bạn tù ở Đà Nẵng một dạo: "Mày hẹn trả ơn tao cứu sống,trả đi!". Làm ngang vậy mà được hai tuyn cải tiến với tám trường Mỹ. Lần khác, chú cầm xấp lý lịch của năm đoàn viên về gặp chú Liệp: "Mình đưa ông vô Đảng, tới lượt ông lo phát triển Đảng đi! Non hả? Cứ đem lý lịch hai đứa mình hồi kết nạp, so với tụi này, coi thử có được một phần mười không?". Kỳ họp chi bộ sau đó, Năm Ri, Chín Cang và hai cậu nữa được chọn, cả chi đoàn sướng muốn nhảy tưng tưng.
Rồi Mẫn lại ngờ ngợ khi thấy mặt yếu của chú Luân. Đạo đức của chú, Mẫn học một đời chưa hết, nhưng chú nghĩ và làm như hồi đánh Pháp. Chuyện lúa khoai với tô tức thì chú giỏi đầu sổ, việc chính quyền chú biết một ít, còn đấu tranh chính trị hay binh vận chú mịt mù. Mẫn trách mình mắc cái tật lo đời, ưa vạch lá tìm sâu. Đến khi nghe chú nói mấy lần sai phương châm với anh em, Mẫn giật mình, vừa nhắc riêng chú vừa thấp thỏm sợ bị nạt. Chú nghĩ rồi cười xoà:
-  Thấy tụi bây rờ đâu run đó, tao nói cứng, chớ trong bụng cũng một đống tơ vò...Ông Bảy biểu tao đi chữa bệnh, học hành ít tháng, tao nghe bây ở xã nhiều lúng túng, tao nói: Để tôi về gánh một khoá cho biết mùi phong trào, rán vực cày mấy con nghé thử coi, không rồi trâu già phế canh hết phải bỏ ruộng hoang đó! Xáp vô việc mới thấy cái gì cũng lạ, cũng khác, té ra đánh Mỹ mệt hơn đánh Tây nhiều. Chú được cái trung thành, mà chú dốt lắm cháu à, hỏi dốt chỗ nào chú cũng chẳng rõ, phải đợi khi nói bậy làm sai nó mới lòi cái dốt ra, như nhai cơm đụng sạn vậy đó. Chịu khó nhắc chú thiệt nhiều nghe cháu, tụi mình học nhau chớ học đâu cho kịp làm...
Chú cầm đuôi tóc của Mẫn trong tay, xoắn nhè nhẹ,nghĩ. Giọng chú lắng sâu xuống như dội từ xa về:
-  Tụi nó tra chú mấy lần ngắc ngoải, ném nhà xác, chú muốn chết cho khỏe, sau lại nổi xung, phải đập đầu năm bảy thằng ác ôn rồi mới chịu nhắm mắt chớ. Chú không còn...à, không xông xáo được bao lâu nữa đâu. Bệnh tê thấp nó nhập tim rồi, cũng lợi là chú chẳng chạy xa được, cứ nằm lì trong ấp với bà con. Chú nói thiệt với cháu cái này, đừng cãi chú buồn. Bữa trước chú gặp bác Bảy, bạn cũ mà, chú bàn huyện nên chỉ định cháu làm bí thơ chi bộ, chủ tịch xã luôn...Đừng có hoảng! Cháu chịu lãnh cái đó, phong trào mới lên được, bà con đỡ cực cháu à. Tánh chú ưa ba lơn cười chơi, mà chú hay để ý coi người. Chú ký tên giới thiệu cả thảy chín anh chị em vô Đảng, điểm lại bây giờ ai cũng trụ bộ được hết, yếu nhứt là Tám Liệp thì cũng không đến nỗi quay lưng. Bác Bảy gật gật,vặn một cái làm chú giựt mình: "Con nhỏ tốt lắm, gan, sắc sảo, có điều... nhóm Tám Liệp chịu để cho nó làm việc không? Đồng bào đã thấy nó nhận ít lâu rồi chạy lên huyện trối vái xin trả cái bí thơ, đòi đi học y tá?". Bác lo vậy là phải. Bác còn nhắc vầy: "Thôi, giao ông đó, ông làm một hai khoá, đào tạo một lứa trâu tơ biết cày biết báng, mới cạy răng dịch mà dân lấy đất được. Riêng Hai Mẫn, ông làm sao chi bộ bầu nó vô chi ủy với số phiếu cao, đồng bào bầu nó vô ủy ban tự quản cũng vậy, nó mới dám mạnh tay cầm lái chớ!". Ờ, ờ, thằng bạn... bác Bảy nắm sát đó. Cháu là đảng viên, cán bộ, chẳng phải trẻ nít gì mà lạy dài kêu khó, chú nói để cháu liệu trước. Còn hễ khuyên dỗ được Tám Liệp với anh em kia chuyển tốt, càng nhẹ gánh cho tụi mình chớ sao. Tay Liệp sẵn chữ, thạo việc hành chánh, xã mình cần loại cán bộ đó lắm, nhưng mà vô cấp ủy thì không nên đâu cháu, qua bấy nhiêu năm đủ thấy rồi!
Mẫn nín thít ngồi nghe, không dám cãi, cũng chẳng dám bán góp. Ban đầu Mẫn chảy nước mắt, quay đi lau lén, tới khúc sau lại ngẩn mặt nhìn chú, lo chú già hoá lẫn, ai lại đi bàn những chuyện dựng tóc như vậy với con nhỏ mới mười chín tuổi, làm bụp xẹp đôi chút nhưng mọi mặt khác thì như vịt nghe sấm!
Diệm bị lật. Đội du kích đánh nát một trung đội dân vệ, thu hơn chục súng, phá banh bốn ấp chiến lược Tứ Nhơn, đẩy lùi bọn biệt kích quận từ Nhị Lộc càn lên. Chú Luân trúng đạn vào vai, phải đi bệnh xá. Mẫn, Tuất và anh em khác lo đánh hùng hục, chưa biết tổ chức bà con cách sao. Nhóm chú Liệp xuống thăm, thấy cái thế đứng chông chênh quá, chỉ dặn anh em coi chừng mặt này điểm nọ rồi đi biến. Đồng bào mừng quá đỗi, nhưng chỉ biết đi phá rào ấp,mổ heo gà cho du kích ăn, núp coi đánh và hoan hô rầm trời, bấy nhiêu thôi, muốn làm gì nữa cũng chẳng hiểu làm sao cho phải. Vùng tự do cũ mà, dân lo đóng thuế nuôi quân, du kích quanh năm chỉ soát bắt tụi buôn lậu dọc đường xe lửa An Tân đi Bồng Sơn, giặc không tới cho mà đánh.
Lóng ngóng vậy, Tứ Nhơn vẫn đứng được hơn tháng. Mới hay thằng địch nó rệu đi nhiều, ta khó một nó khó mười. Sau một trận càn lớn, địch líp lại Tam Sa, du kích lại bật ra ngoài, tức muốn hộc máu miệng, còn phải nghe chú Liệp xuýt xoa: "Đã nói mà...". Hiền như Năm Tuất mà phải nóng mũi, gắt: "Cần người đánh giặc chớ chẳng cần thầy bói!".
Bác Bảy từ cánh Bắc vào, ở hẳn với đội Tam Sa mươi ngày. Bác hỏi kỹ từng người,buộc chú Liêp phải mở đại hội chi bộ,hai năm nay chưa họp lần nào. Chú Luân chưa lành cũng cố về dự. Ý kiến qua lại nảy lửa. Nhóm chú Liệp bị phê mạnh, cũng dập lại chẳng vừa, ghép cho chú Luân, Mẫn, Tuất và mấy đồng chí nữa, những là phiêu lưu, mù quáng, anh hùng cá nhân, giành uy tín gây chia rẽ, đủ thứ. Bác Bảy gợi nhiều hơn nói, nhưng mỗi câu gợi của bác đều dồn chú Liệp vào chỗ bí. Cuối hai ngày cãi găng, đại hội ra một nghị quyết tiến công địch rất ngon, mười ba phiếu thuận, bốn phiếu chống. Chú Luân trúng chi ủy với số phiếu cao nhất, rồi đến Mẫn. Chú Liệp được bầu ở vòng phiêu thứ hai. Nhiều đồng chí đã lên tiếng phê chú vẫn thấy cần có chú trong chi ủy để lo đời sống anh em và nắm việc hành chính.
Sau đại hội, chi bộ khỏe lên như uống sâm, chi đoàn và du kích cũng bừng bừng sức mới. Chú Luân bạo tay lắm,giữa lúc búi việc mà dám đưa Mẫn đi học lớp chi ủy viên hai tháng, Năm Ri với Chín Cang học lớp cán bộ xã đội. Mẫn ngần ngại, bị chú quát lần đầu:
-  Bộ thiếu mày thì Tam Sa hết người hả? Hay mày giỏi quá chẳng thèm học? Cứ để thằng cà nhắc này gánh miết, tới khi nó xuôi cẳng sáo thì mày đùn cho ai? Hễ còn cái lối sống chết mặc bây đó, mày đừng ngó mặt tao nữa!
Mẫn xách gói đi một nước, không dám ho he.
Cứ như vậy, cuộc giành dân giành đất diễn ra suốt năm 1964. Ta dằng đi, địch co lại. Ta phá ấp, địch sửa ấp.Ta diệt ác ôn, thằng khác ngoi lên. Bà con Tứ Nhơn nổi dậy một lần, quân nó kéo về đông đen, kẹp lại. Suốt tám tháng đầu năm, thế ta như nước dẫy, từng con sóng chạy tới chạy lui nhưng thủy triều cứ dâng đều đặn. Địch húc lại một keo rất dữ, lập luôn bốn ấp chiến lược điển hình, vừa xong thì nạn lụt đổ tới, bộ đội về...
 
*
 
Tôi ngửng lên, bàng hoàng khi thấy mặt Mẫn sáng trưng.
Đêm đen ướt sũng tan bao giờ không rõ. Tấm tăng nhựa trong là đèn lồng phủ giấy xanh dưới trăng mồng mười. Lá rụng dính vào mái in những hình thoi sẫm nằm im, còn bóng lá từ trên soi xuống nhạt màu hơn, rung rinh, vẽ những bán đảo đang sống dậy. Thì ra từ nãy tôi vẫn nghe lời kể của một cô gái mới hai mươi tuổi lẻ vài tháng thôi, không phải của chị Bỉnh ba con hay chị Tám Giàu đợi chồng tập kết. Một quãng đời ngắn lại chứa nổi bấy nhiêu chất sống ư? Nếu không ở bên Mẫn hàng ngày, hẳn tôi nghĩ rằng ánh trăng đã xoá giùm Mẫn những vết khía của lo toan trên trán và chung quanh mắt...
Mẫn đứng đậy tháo võng, cười:
-  Hoan hô ông trời ngó lại!
Tôi bần thần bẻ cành lá, quét nhà lối dã chiến, nghĩa là quét mái chứ không quét nền. Sau đó để gió quạt khô tấm nhựa, gần sáng xếp bỏ bao cho nhẹ. Mẫn buộc võng vào hai khúc cây chèn sẵn trong kẽ đá, cách tôi mươi bước, bó gối ngồi nhìn trăng. Từ bao giờ nhỉ loài người đã ghép người con gái với trăng, từ khuôn mặt, tuổi, tình yêu, đến đặt luôn một cô gái trong cung trăng?
Câu chuyện của Mẫn...khó gọi được là chuyện đời riêng hay viêc chung. Mẫn nhờ tôi giúp, hay Mẫn là đồng chí chi ủy giúp cho tôi thông cái thắc mắc hôm kia? Tất cả đều có trong ấy, cũng như trong con người Mẫn có những cung bậc nghĩ và cảm cách xa nhau lạ lùng nhưng vẫn quyện làm một. Anh Luân và các đồng chí đã kể cho tôi từng mẩu của cuộc đấu tranh chống kẻ thù bằng xương thịt và kẻ thù tư tưởng. Mẫn đưa tôi đi thăm một vùng mà tôi đã xem trước trong bộ ảnh, giờ thấy đúng hệt nhưng thực hơn, sống hơn, đầy những vui buồn đan vào nhau...Tôi không góp được gì với Mẫn. Tôi trải đời trải đạn nhiều hơn Mẫn mà chưa biết tới một lần thử thách nhức đầu giữa ta với ta. Lác đác tôi cũng gặp những đồng chí sa sút hay "ba rọi"-  thịt và mỡ xen kẽ- nhưng cái tập thể bộ đội của tôi là cái máy mài quay tít, những gì nhám nhúa cọ vào nó nếu không trơn bóng ra thì cũng văng đi nơi khác, không kìm nó được. Ở đây, Mẫn phải mài bẳng tay...
Từ khi biết nghĩ, tôi có ngay trước mắt những bậc đàn anh rất tin yêu. Hẫng đi vài năm đứt liên lạc ở Qui Nhơn, Đà Nẵng, tôi vẫn giữ kỷ niệm của họ làm khuôn mẫu để rèn mình. Đầu anh Trung cắm cọc mở to đôi mắt nhìn theo tôi suốt dạo ấy. Tới nay, tính cả tin ngây thơ của tuổi nhỏ đã từng bước được thay bằng những hiểu biết và tình cảm cách mạng, tôi đã quen xét mình do người bằng cái thước chung của lý tưởng mà không bắt chước nguyên cả khối một đồng chí lớn hơn. Sự thay da đổi thịt giữa hai lứa tuổi ấy diễn ra trong tôi rất êm thấm. Tôi chỉ nhận ra mình chín hơn khi đón những cậu lính trẻ tới đơn vị, mặt lang ben và giọng chưa vỡ hẳn, còn khóc khi bị cán bộ gắt, có thể được huân chương ngay sau trận đầu nhưng phải cân nhắc kỹ trước khi đề bạt. Một số anh em lớn lên vèo vèo trong chiến đấu, qua vài năm có thể nắm một trung đội hay đại đội, được phong anh hùng, vào cấp ủy Đảng rất thoải mái. Họ lớn nhanh đến nỗi có người tưởng họ không cần gắng gỏi chút nào, đẻ ra đã là anh hùng, là cốt cán, cũng như tưởng cái cánh quạt quay chín trăm vòng phút là cái mâm nhôm đứng im.
Mẫn cũng thuộc lớp người trưởng thành không kịp thấy, nhưng còn phải trải thêm nhiều nỗi đau riêng, trong đó có một ông cha nuôi kiêm ông thầy đã phụ lòng mến phục của Mẫn, biến thành cái xe bò nhích từng bước nặng trịch, cản một đoàn xe đạp dồn ứ sau lưng. Xe bò vẫn cần dùng lắm, chỉ tiếc nó không chịu đi sau...Nên chăng nói rằng tôi gặp may hơn Mẫn vì chưa đụng một ai như anh Tám Liệp trước mặt? Anh Năm Cẩn hay trách tôi không sợ bể đầu mà ngại nhức đầu, đúng quá còn gì. Tay tôi thích cầm súng hơn cầm kim vá chỗ rách, quen vung rìu đốn cây mà chưa biết gỡ những nùi chỉ rối, đâu phải là điều may!
Mẫn ngồi đó dưới trăng, hai tay bó một gối, chân trái đẩy võng nhè nhẹ. Tôi bước tới gần, chẳng hiểu sao hơi mất tự nhiên. Mẫn quay lại, cười:
-  Anh em mình trúng tủ!
Tôi chưa nghĩ ra Mẫn với tôi "trúng tủ" thế nào, đã nghe tiếp:
-  Tụi đồn Dốc Dài đặt hai đèn pha chiếu xuống ấp Lộc Chánh, xỏ kim được anh à. Sáng trăng này phá rào tốt lắm, đèn pha đèn dù chịu thua, mình nổi lửa lên nó mới hay.
Ra anh em mình là vậy, tôi cứ vơ vào...Tôi vội chữa bằng một câu chăm lo:
-  Trời mới mưa e khó cháy...
-  Dầu lửa thiếu gì. Dưới đó dầu rái cũng sẵn, mưa dầm tháng mười mà tụi em tưới dầu rái đốt rụi hết. Lộc Chánh gần sạch thứ rào tre rào cây rồi, cắt kẽm gai thôi, chỉ coi chừng số mìn...
Dưới kia, con chim te te hoách bỗng réo liên hồi. Tôi đoán có đồng chí nào về trước, mới mười giờ làm gì đã phá xong. Mẫn lắc đầu:
-  Heo rừng đó. Heo chạy sạt qua, chim đánh chút xíu rồi thôi, người đi đâu có mau vậy.
-  Sao Mẫn biết phá ấp Lộc Chánh?
-  Dép bỏ đống đăng kia, chỗ võng anh...
Chết nỗi,sao tôi giẫm vỏ chuối hoài vậy? Vụng chèo khéo chống, chống cũng trượt luôn. Tôi chợt nhớ ra những lần đoán lầm về Mẫn từ ngày mới gặp. Đôi lúc muốn tỏ ra thạo đời rành việc trước mặt Mẫn, lại hớ từng chuỗi một. Xấu hổ ghê. Nhưng việc gì phải xấu hổ? Mới quen Mẫn tôi chưa bắt dược dòng suy nghĩ bên trong qua những nét bề ngoài, vậy thôi. Không, Mẫn không chỉ là một đồng chí quen và sẽ xa...Lộn xộn rồi.Bắt đầu bông lông đó chú em! Tôi ngồi xuống một tảng đá, hỏi cóc nhảy về thằng Thấn, nãy giờ quên phứt nó.
Mẫn buông hai bàn chân rất trắng xuống đá-trắng như chân Mỹ, bà con hay nói vậy, bởi lâu lâu thấy một "ông cố vấn" bị giải qua làng với đôi giày ống ngoắc trên cổ-hơi cau mày ngó tôi:
-  Anh mới sốt dậy, còn muốn đau đầu thêm à?
-  Lại bí mật nội bộ...
-  Không mà. Bữa trước Chín Cang kể sạch trơn rồi, chắc anh phải rửa tai, chuyện mất vệ sinh thấy bà.
-  Tôi mới nghe sơ sơ. Chẳng hiểu tiền nong đâu có mà nó ăn cắp tới mấy trăm ngàn? Xã mới giải phóng vài tháng, chưa thu đảm phụ, lúa nuôi quân còn ở ngoài đồng...
-  Đó, mấy ông bộ đội thiệt thà nhứt cái chỗ đó! Anh nào cũng hỏi em y một câu vậy. Tội nghiệp, tổ anh Thìn đặc công còn trút áo len đưa cho đội công tác, nói các đồng chí cực quá mà trên không phát gì hết, tụi tôi giúp. Em trả lại, các ảnh còn trách...
Tam Sa rất nổi về đóng góp nuôi quân hồi "chín năm". Cái truyền thống ấy mạnh đến nỗi khi ta chưa nổ súng, đồng bào cứ băn khoăn "địch nó thu hết thuế của chánh phủ mình". Từ ngày lập đội công tác, tiền, gạo, vải, thuốc men cứ ùn ùn từ các ấp chiến lược tuôn ra vùng giải phóng, có năm vượt cả Tam Trân mới kỳ. Ban đầu anh Lãng làm kinh tế, ghi tên từng người ủng hộ cách mạng. Địch bắn chết anh, lấy trụm sổ sách, bắt một loạt hơn hai trăm người, sau chỉ đánh nặng và bỏ tù mười sáu người. Bà con hoảng, ngừng một dạo, sau lại đóng góp tiếp, chỉ dặn đi dặn lại không được ghi sổ. Năm Tuất thay, hai bàn tay rất sạch nhưng cái đầu hay rối, quên trước quên sau hoài. Trao được công việc cho Ba Thấn, anh thở phào một hơi, ăn được ngủ được ngay.
Ba Thấn là bạn buôn của thím Liệp đã lâu. Thím mở quán ở Sáu Trân, hắn vẫn chở hàng đều từ Tam Kỳ lên khám cho thím. Kinh tế huyện giao hắn mua mấy thứ hàng khô, chuyến đầu tốt, chuyến nhì hắn ăn lời cắt cổ, chuyến ba hắn kêu bị địch soát lấy sạch, số tiền huyện ứng trước tất nhiên cũng bay. Vậy là tởn luôn. Cách đây hơn năm, hắn bị địch lùng bắt vì mua tới sáu cái máy thu thanh một lần, phải nhảy sang ta, ở nhà thím Liệp. Ngồi đâu hắn cũng xưng là cơ sở cách mạng bị lộ. Hay nhét Bát-tô cả gói vào túi anh em, ai đeo súng lục còn được mời bia cam, mấy ông có người bảo vệ đi theo thì ít nhất phải cháo gà mới tỏ hết tình cảm. Chú Tám Liệp thấy hắn lanh lợi, rất vâng lời chú, muốn xếp hắn làm cán bộ kinh tế. Chú Luân và Mẫn không thích mấy, nhưng chẳng có cớ gì để bác, chỉ giao chú Liệp giáo dục hắn thật kỹ, cấm ngặt cái lối vừa công tác vừa buôn riêng.
Ba Thấn làm đúng như vậy. Đêm đêm hắn theo đội vào các ấp để thu các thứ đồng bào ủng hộ, ban ngày hắn mở bao ra kiểm kê, nhờ ban chỉ huy đội chứng nhận trước khi chuyển vào kho. Hắn gan và xốc vác, ngủ đâu cũng được, mặc gì cũng xong, chỉ mắc cái tật kén ăn. Hắn thường phân trần rằng hàng tháng vợ hắn phải đem tiền lên cho hắn tẩm bổ, ăn kém là gục liền, không đủ sức phục vụ. Quà của vợ, hắn hay chia cho anh em mỗi người một chút thơm thảo, ve thuốc bổ hay cây bút bi, cái khăn. Nhiều anh em mến hắn, một số ngài ngại, nhưng không ai ghét hắn.
Tình cờ Mẫn lên huyện họp, nghe Ban kinh tế phàn nàn dạo này Tam Sa đóng góp sút nhiều. Mẫn mượn sổ, ghi con số nộp lên từng tháng, thấy chỉ còn non một nửa so với hồi Năm Tuất làm. Mới đem ra bàn với chi ủy, Mẫn đã bị chú Liệp cự thẳng thừng là qua mặt chú, thấy ai khá thì bới lông tìm vết, có giỏi cứ đi hết sáu ấp, hỏi từng nhà mà kiểm tra. Mẫn biết chú Liệp không xơ múi gì trong vụ này, chú phá ngang chỉ vì Mẫn dám tỏ ra khôn hơn chú. Chú Luân cũng nghi Ba Thấn bớt xén, nhưng giữa lúc vật lộn với địch này phải dồn sức vào việc chính. Chú khuyên Mẫn tạm gác ít lâu, và gọi riêng Ba Thấn răn đe hắn một hồi.
Vài hôm sau, Ba Thấn đưa Mẫn cái đồng hồ nữ mạ vàng, nói rằng vợ hắn quí chị Hai, muốn biếu chị làm lưu niệm. Mẫn không nhận. Lần khác hắn cười cười nói lửng rằng hại nhơn thì nhơn hại. Mẫn khoe ngay cây các-pin còn nhiều đạn lắm. Trong ấp chiến lược bỗng có người nhắn ra: "Nghe nói hai Mẫn lén viết thơ năn nỉ xã Chinh đừng bắt mẹ với em thiệt không?". Cả đội cười mũi.
Tổ trinh sát của anh Diêu về với đội,dọn chỗ diệt xe trên đường Một. Mẫn hay đưa các anh đi suốt đêm. Bộ đội đánh thắng rất ngon. Tổ anh Diêu rút đi, Mẫn cũng kiệt sức, ốm nặng, không nằm lại vùng gò với đội được. Thím Liệp động gặp Mẫn là đá thúng đụng nia, Mẫn không dám ở nhờ, phải nằm nhà bà dì trên Tam Lý, xin tiền dì uống thuốc bắc vì bệnh xá huyện đang thiếu thuốc chữa bệnh đàn bà, lên tỉnh quá xa. Hơn tháng sau Mẫn về đội với bộ mặt xanh hóp, nghe Chín Cang nói luôn rằng ở nhà người ta đồn Mẫn chửa hoang với anh Diêu, phải lánh chỗ thật vắng mà phá thai. Cang đăm đăm nhìn nước da của bạn, thì thào: "Tao nghe đâu chặn đó,mà... thiệt không Mẫn?" Mẫn lặng người một lát mới nói được, đã tái càng tái thêm: "Mày cũng hỏi tao vậy à?".
Thằng Thấn đã đánh trúng chỗ yếu nhất của Mẫn và mọi người chung quanh. Như con rắn lục theo người trong cỏ, hắn luồn sau lưng Mẫn, gieo tiếng dữ rất chăm chỉ, khéo lựa lời để thổi nọc độc cho lọt vào từng lỗ tai, luôn luôn mở đầu bằng: "Nghe bà con họ nói...". Tin đồn lan rộng và lẩn khuất đâu đó như nước đái rắn bay mùi mà không hiện vết, người ta ngại thối không muốn tìm tận nơi nhưng thỉnh thoảng lại hít phải nó.
Anh em bà con cứ nửa tin nửa ngờ. Hỏi thẳng Mẫn thì không tiện mà một cô gái thường dễ nhận sai lầm về chính trị hơn là một vấp váp như vậy. Cả chú Luân ban đầu còn có lúc nhẹ dạ huống chi gái tơ, không dưng ai dễ đặt đồ cho ai... Người thân đã vậy, kẻ sơ càng dễ gật đầu. Có đứa xấu bày trẻ con hát điệu đèn tây sau lưng Mẫn: Ba-lô sáu tháng ba-lô phình, ba-lô chín tháng ba-lô ra. Mấy tay thậm thụt với địch đã bị Mẫn trấn áp, nay dám nhổ nước bọt, nói bâng quơ trước mặt những là cá đôi ba buổi chợ, bụng lỡ bợ lỡ bưng.
Đồng chí Mẫn chi ủy viên còn là con gái hai mươi dễ cười dễ khóc, bị trêu chuyện lấy chồng là đỏ mặt lảng xa. Mẫn mở miệng phân bua đã thấy đắng họng, chung quanh chỉ hỏi dò khuyên bóng nên Mẫn càng khó nói, đành giơ lưng chịu đòn âm uất đến gầy rạc đi. Chín Cang tức không kém Mẫn, rủ hai cô nữa đạp xe lên Tam Kỳ hỏi kỹ, về nói với ban chỉ huy đội: "Tụi tôi dò ra Ba Thấn rồi. Một là các chú trị nó, hai là đám con gái kéo hết ra khỏi đội!". Chú Liệp cười khẩy: "Không nằm dưới đất sao cỏ may dính mình?". Chú Luân truy Ba Thấn, hắn chối bay. Chú khuyên Mẫn đừng bận tâm chuyện vặt, lo đánh giặc đã. Các cô hậm hực: "Cái gì chú cũng tạm xếp,tạm gác... Tụi tôi đánh Mỹ, thằng Thấn đánh vô lưng tụi tôi:rán mà chịu. Tụi tôi cuốc gò trồng khoai, thằng Thấn hốt bạc làm giàu: ấy, đừng nói địch nó lợi dụng...". Chính Mẫn lại phải can chị em. Mẫn mất tiếng cười, nói giọng bà cụ non nghe lạ hẳn đi, đó là cô Mẫn "khô như ngói" mà tôi đã gặp khi về cứu lụt năm ngoái.
Vùng Tứ Nhơn được giải phóng sau lụt. Gạo tiền từ vùng giải phỏng trút về Tam Sa giúp đồng bào bị nạn. Thằng Thấn vừa ăn cắp, vừa ca ngợi ông chủ tịch mới cử, vừa bôi xấu Mẫn. Hắn tính kỹ lắm: hoặc Mẫn sợ không dám vạch mặt hắn, hoặc Mẫn chán bỏ đi xa, hoặc Mẫn nói không ai tin nữa, đằng nào hắn cũng lợi. Nhưng con mắt nhân dân rất tinh, cán bộ và du kích vào ở làng biết rõ chuyện hơn. Chi bộ họp, các đồng chí nối nhau vặn chi ủy đến mướt mồ hôi, cả chú Luân cũng bị nghi chia của ăn cắp, chú điếng người. Năm Tuất được giao soát hết công việc thằng Thấn. Anh loay hoay khá lâu không moi được gì, anh thật quá mà nó ranh quá. Được cái anh quyết làm tận bờ sát góc,hỏi đồng bào,lên trên xin cán bộ giúp, nên một tháng sau huyện đã đủ bằng chứng để bắt thằng Thấn. Ở xã hắn nhận ăn cắp một trăm ngàn, tiêu hết rồi. Về trại cải tạo hắn chịu hai trăm ngàn "xin trả một nửa. Các đồng chỉ bảo vệ dẫn hắn đi thu số hàng, thóc, vàng gửi rải rác, tính ra được hơn hai trăm ngàn, không kể cái số hắn đưa vợ mang về thị xã.
Riêng chú Liệp bị một đòn phản thùng choáng váng: thằng Thấn khai đã đưa chú năm chục ngàn làm vốn buôn. Huyện gọi chú lên hỏi hai lần, gặp Ba Thấn, hắn nói vanh vách đã đưa ngày nào,ở đâu. Cả đội công tác đều biết chú mắc cái thế phù thủy bị âm binh hại. Chú đổ của nhà ra nuôi anh em nhiều năm, chú ham địa vị chứ không ham làm giàu.Thằng Thấn muốn xích tay chú vào hắn, may ra cấp trên sợ đổ bể ồn ào, sẽ cho qua êm vụ này. Lừa lúc sơ hở,hắn nhảy theo địch để lại cho chú Liệp mỗi nỗi oan chưa gỡ được, cho Mẫn một tiếng xấu chưa phai hết, cho chi bộ Tam Sa một kinh nghiệm dùng người...
Mẫn buông một câu đột ngột:
-  Chuyện cũ nói anh biết,bây giờ đỡ hung rồi anh ơi.
-  Rào đón kỹ ghê ta!
-  Tại em bị mấy keo, cứ chờn chờn...Hồi xưa em điếc đạn súng, cực mấy cũng giỡn cả ngày, mẹ em cứ rầy vô duyên chưa nói đã cười.
Mẫn đu đưa hai chân,cười nhẹ,vẫn nụ cười làm sáng bộ mặt có đôi mày quá nghiêm. Tôi muốn đùa: "Cười vậy mà vô duyên à?". Tôi không dám. Hình như tôi sợ Mẫn mà lại không muốn rời Mẫn,lạ chưa. Trong đêm vắng, tôi ngồi bên một cô gái có ánh trăng xoa phấn trên da nghe cô thủ thỉ gọi anh xưng em, cười rất xinh, kể hết tâm tình, nên thơ nhất rồi còn gì. Nhưng câu chuyện say sưa của đôi trai gái này từ đầu đến cuối vẫn là chuyện học làm cách mạng, học làm người.
Mẫn nhìn trăng, nói chậm rãi:
-  Như bác Bảy, chú Luân mới thiệt tài. Mỗi ngày đụng cả trăm việc rắc rối, vậy mà tánh vui hơn thanh niên mình nữa. Để em tập riết phải quen. Cũng như nậu đi cấy thôi, ai sợ đỉa cứ dòm xuống hoài, đỉa bu thì giãy la làng, còn người dạn thì cứ tay cấy miệng hát cả ngày.Phải không thầy Thiêm?
 
 
Chú thích
(1) Quốc dân đảng
(2) Co giãn, linh động
(3) Bằng tốt nghiệp tiểu học.
(4): Chạy tránh khủng bố ngay trong vùng địch kiểm soát.
(5): Bị địch dồn vào một khu riêng, dành cho gia đình các "phần tử nguy hiểm".
(6): Võ trang tuyên truyền.
 

<< Chương 10 | Chương 12 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 624

Return to top