Dẫu sao đây cũng mới chỉ là khu hỏi cung, nơi sinh hoạt và làm việc của cán bộ nhà tù, được ngăn cách khỏi khu giam người bằng một cái cổng không kém bề thế cái cổng ngoài đường. Tầng ngoài địa ngục. Cho nên nó chưa có vẻ gì ghê gớm. Có hai dãy nhà hai bên, có bồn cỏ, có hoa.
Người ta dẫn tôi vào một buồng rộng, trống trơn, chỉ kê độc một cái bàn gỗ. Một viên thượng úy trỏ cho tôi đứng vào một bên tường, và nói bằng giọng khu bốn pha bắc:
- Để balô xuống, cởi quần áo ra.
Tôi đặt balô xuống đất, rồi cởi quần áo ra: áo bông quân phục, áo len dài tay, áo len ngắn tay, sơ mi, quần. Đến đây tôi dừng lại và không thấy viên thượng úy bảo gì. Vậy là không phải cởi truồng. Một người mặc thường phục tiến đến bảo tôi há mồm, lật lưỡi, vãnh má hai bên. Khám mồm. Khám tai. Rồi sờ nắn tất cả những nơi trên thân thể tôi mà cái quần đùi bộ đội và cái áo may ô cộc tay của tôi còn che khuất. Không thấy bảo tôi chổng mông vành đít khám hậu môn.
Tôi chẳng sợ. Chưa bị bắt nghĩ đến bị bắt thì sợ lắm, bây giờ bị bắt rồi, và chấp nhận (vì cũng chẳng có cách nào khác) thì hết cái để sợ. (Rút kinh nghiệm, muốn duy trì ai trong sự sợ hãi thì không nên bắt, chỉ nên dọa bắt thôi). Tôi chỉ buồn. Buồn ngao ngán. Cái tình đồng chí người ta vẫn bảo là thiêng liêng cao cả mà lại đi đến nông nỗi này thì làm sao mà không ngao ngán?
Xong việc khám xét thân thể là việc khám xét đồ lề. Cái balô của tôi mà vợ tôi đã xếp cẩn thận, thứ nào ra thứ ấy cho dễ tìm, bị rũ tung ra đất cùng với đống quần áo tôi vừa cởi ra. Lần sờ từng túi, từng gấu quần gấu áo, từng đường chỉ may. Kiểm kê. Nhét đại tất cả trở lại vào balô. Và giải thích:
- Đồ lề của anh khi nào anh được về chúng tôi sẽ trả lại. Cả hai cái ổ bánh mì chúng tôi cũng sẽ tính tiền trả cho anh. Chúng tôi giữ bánh lại là để bảo vệ anh.
Bảo vệ tôi? Bảo vệ tôi khỏi bị vợ đầu độc thủ tiêu để đi lấy chồng khác, hoặc là đồng bọn của tôi hay tình báo Liên xô đầu độc để bịt đầu mối, hoặc là tôi tự đầu độc để trốn tránh đấu tranh. Không còn cách giải thích nào khác. Chẳng hiểu cái anh chàng thượng úy kia nói thật hay nói đùa?
Và nửa giờ sau, cánh cửa xà lim Hỏa Lò đã đóng sập vào sau lưng tôi, khép lại một quãng đời... Một quãng đời làm sao? Tôi nghĩ mãi một cụm từ để đánh giá quãng đời ấy: lương thiện, lãng mạn, ngây thơ, nhố nhăng, đáng tự hào, không có gì phải xấu hổ v.v...
Cuối cùng tôi chịu và đành đánh dấu ba cái chấm. Vì tất cả đều có, mỗi thứ một tí.
Tôi ở cái xà lim Hỏa Lò này sáu tháng, qua một mùa đông, một mùa xuân và nửa mùa hè, được hưởng mọi sắc thái thời tiết của nó. Mùa đông năm ấy đặc biệt giá rét và mùa hè đặc biệt nóng nực. Có lẽ không phải thời tiết năm ấy đặc biệt, mà là cái xà lim này nó đặc biệt. Không biết cơ chế của nó thế nào mà mùa hè thì nó hầm hập, mùa đông lạnh buốt, còn mùa xuân thì nó ướt dầm dề. Mọi diễn biến thời tiết bên ngoài thấm qua được bức tường dày và kín của nó đã được nhân lên.
Tôi không biết cái nhà tù Hỏa Lò này được xây dựng năm nào. Tôi nghĩ là vào quãng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 gì đó. Và từ khi ta tiếp quản, nó có lẽ được coi là di tích cần được bảo tồn cho nên vẫn nguyên vẹn đó, man rợ, già nua, mốc meo mùi văn minh thực dân cuối thế kỷ 19. Và nếu nó không nằm lù lù giữa thủ đô, nơi bây giờ giá mỗi mét đất lên tới hàng cây vàng, đem bán cho công ty nước ngoài ra khối của, thì có lẽ nó còn cứ nằm lì đó, trơ gan cùng tuế nguyệt, làm người lính lê dương già của nền chuyên chính vô sản. Cơ chế thị trường lợi hại thật! Bày được cả cái nhà xăng tan sừng sững này ra ngoại ô cứ nhẹ như không, chẳng khác gì Ngu Công dời núi. Nhất lại là một cái nhà xăng tan gắn liền với những tên tuổi như Hoàng Văn Thụ.
Nghe nói ngày xưa Tây dùng những xà lim này để giam tù án chém, tù trọng tội. Nó cũng được dùng làm xà lim kỷ luật. Người tù nào phạm kỷ luật của trại cần phải trừng trị thì bị tống vào ca sô. Ca sô chính là những xà lim này.
Bây giờ hình như cũng như vậy: tôi là phản cách mạng, còn anh bạn cùng xà lim là một anh thượng úy can tội bắn chết thủ trưởng.
Tôi không rõ Hỏa Lò có bao nhiêu xà lim, riêng ở khu tôi bị giam thì có tám cái, xếp hàng ngang như tám cái cũi kín mít, mỗi cũi giam hai người. Xà lim ngang dọc mỗi chiều khoảng hai mét, trần bê tông, cao khoảng năm mét để người tù không thể trèo lên được. Giường nằm là hai tấm bê tông xây gắn vào tường chạy hết chiều dọc của xà lim và giữa hai tấm để chừa ra một lối đi rộng khoảng sáu mươi phân. Chiều dài của mỗi tấm như vậy là dài hơn cái giường cá nhân một chút, vì ở cuối mỗi tấm còn có một cái cùm bằng gỗ lim nẹp sắt ăn hết chiều ngang của phản. Cùm có hai thớt khoét hai lỗ để đút hai chân vào. Thớt dưới gắn chặt vào phản, thớt trên có bản lề để đóng mở. Chốt là một thanh sắt tròn, to, xuyên qua tường để khóa từ bên ngoài.
Cửa ra vào rộng bằng đúng cái lối đi còn để lại giữa hai tấm phản bê tông, có cánh gỗ dày, và ở chỗ ngang tầm mắt có khoét một lỗ cửa con vuông mỗi chiều khoảng 15 phân. Cửa đóng ban ngày để người bị giam không nhìn được ra ngoài và ban đêm mở để quản giáo đi tuần tra bên ngoài có thể nhòm vào kiểm soát động tĩnh. Lỗ thông hơi duy nhất là một cửa sổ có chấn song sắt và lưới mắt cáo, kích thước khoảng 40 x 60 phân ở bức tường cuối xà lim, nằm ngang sát trần. Đứng ở dưới đất ngửa cổ nhìn lên thì thấy cái mái ngói chìa ra. Thêm cảnh trời mây thì trèo lên giường sẽ nhìn thấy được một cành bàng, và qua kẽ lá bàng, lốm đốm một màu trời. Cửa sổ ấy hướng bắc cho nên mùa hè thì không có gió, còn mùa đông thì nó như cái phễu hứng gió bấc. Kiến trúc của xà lim thì như vậy, còn trang bị nội thất của nó thì ngoài hai cái cùm tôi nói ở trên, chỉ còn hai cái bô vệ sinh đặt ở dưới gầm phản xi măng để ỉa đái ngay trong phòng giam.
Đã bước chân qua cái cửa xà lim này thì chỉ bước ra mỗi sáng một lần để đổ bô và rửa mặt trong vòng vài ba phút, mỗi tuần một lần để tắm rửa trong mươi lăm phút và những lần gọi đi hỏi cung. Còn lại thì cứ loanh quanh hai người trong bốn cái mét vuông ấy. Trong cuốn Viết Dưới Giá Treo Cổ Juliut Phuxic tả cuộc sống của mình trong xà lim nhà tù phát xít bằng câu chuyện đi bách bộ của ông: bước đi mười hai bước, bước về cũng mười hai bước. Tôi không nhớ con số của Phuxic là mười mấy, chỉ nhớ là trên mười, tôi tạm lấy con số mười hai cho nhỏ. Tôi cũng vậy, bước đi năm bước, bước về cũng năm bước. Cứ thế loay hoay như con chó trong cũi. Chó trong cũi còn nghênh ngáo nhìn được cảnh vật bên ngoài, còn tôi thì có bốn bức tường bưng lấy mắt.
Người bị giam trong các xà lim không được phép tiếp xúc trò chuyện với nhau, thậm chí không được trông thấy nhau, cho nên ra tắm rửa, đổ bô đều ra sân lần lượt từng xà lim một. Mảnh sân nhỏ vài mét vuông cũng có tường và hàng rào sắt vây kín, có cửa sắt để người đứng tắm rửa ngoài sân cũng bị khóa trái. Kiểu tù này hình như xưa kia Pháp gọi là tù cấm cố, bây giờ ta dùng chữ lịch sự hơn: giam biệt lập.
Sở dĩ tôi phải kể lể dài dòng như vậy là vì có ông bạn đại tá đến bây giờ, tức là sau một phần tư thế kỷ, còn hỏi tôi:
- Ông cứ nói là ông bị tù cho nó nặng nề ra, chứ chắc là người ta đưa ông đến một nơi nào đó ngồi đọc sách thoải mái chứ gì.
Phải, tôi được đưa đến một chỗ thoải mái như vậy đấy.
Cai quản dãy xà lim chúng tôi là một ông quản giáo già tên là gì tôi không biết chỉ biết anh em tù báo vụng cho nhau gọi ông ta là lão Giave. Thực ra cũng không thể nói được là lão ác. Trong sáu tháng nằm Hỏa Lò tôi chưa nghe thấy - nghe thôi chứ không thể nhìn thấy cái gì - chưa nghe thấy lão đánh ai bao giờ. Lão chỉ thi hành công vụ của lão một cách thẳng băng, không khoan nhượng mà thôi. Tính cách Giave (Javert) của lão chính là ở chỗ ấy. Lại thêm cái bộ mặt khó đăm đăm và giọng nói không bao giờ ôn tồn làm cho lão thành một con người rất mất cảm tình. Anh em tù khác có sợ lão không tôi không biết, còn tôi thì tôi sợ lão. Bởi mỗi lần cắt tóc cho tôi, đến tiết mục cạo râu, lão không bao giờ dùng dao kéo mà cứ cái tông đơ cùn lão rúc vào mũi tôi. Và vì lão vội, lúc nào cũng thấy lão vội, cho nên lão làm cứ phăng phăng. Tôi giật mình thon thót mỗi lần bị cái tông đơ đứt phựt một sợi ria cứa không đứt.
Lão lại càu nhàu:
- Làm cái gì thế, có muốn đứt mũi không?
Làm cái mả mẹ lão, thế thì bố ai giữ được không giật mình!
Chỉ đến khi lão ưỡn lưng đứng thẳng dậy tôi mới hoàn hồn, yên chí ít ra là đến lúc này cái mũi mình vẫn còn nguyên vẹn.
Nếu còn sống đến bây giờ thì lão phải ngót nghét chín chục. Chắc lão đã về chầu tổ rồi. Cầu trời cho lão an giấc ngàn thu.
Phụ trách hỏi cung tôi là ông Nhuận, họ và cấp bậc là gì tôi không rõ. Ông ta sẽ là người bừa đi bừa lại cho nhão nhuyễn, còn cày vỡ ban đầu chính là cái ông thượng úy xứ Nghệ đã có lòng tốt muốn bảo vệ tôi khi tịch thu bánh mì của tôi. Bây giờ ông ta lại tuyên bố một câu xanh rờn:
- Chúng tôi bắt anh vào đây là để bảo vệ anh.
Tôi xin cám ơn. Nhưng giá ông đừng bảo vệ tôi thì có lẽ tôi thích hơn.
Ông ta tên là Nhiên, nom dáng nông dân hơi đậm đậm, nhưng mặt mũi trắng trẻo, cái trắng trẻo của một người ngồi nhiều ở bàn giấy, và có lẽ kém tôi vài ba tuổi. Một hôm đang hỏi cung tôi, bỗng có tiếng tên lửa rơi nổ gần đâu đó, ông ta đã giật bắn mình, nhảy vội nép vào góc tường. Rồi thấy tôi vẫn ngồi im như thóc, ông ta hơi ngượng, quay trở lại bàn. Chẳng chê cười gì ông ta. Chẳng qua là ông làm một công việc nó không cho ông có dịp được nghe đạn rít mang tai, bom nổ quanh mình, nên không quen mà thôi. Vả lại, ông đang yêu đời, đang được đặt trước một cơ hội thăng tiến hiếm có, ngàn năm có một, còn tôi thì đang muốn chết. Lúc ấy tôi chỉ mong không phải là một mà là mười quả tên lửa rơi cả xuống giữa cái gian phòng này.
Thực ra cái gì cũng là quen cả. Như tôi quen ngồi vắt chân chữ ngũ, một thói quen bị vợ tôi phê bình nhiều lần mà không sửa được. Rồi đến cái tối ngày 24 tháng 12 ấy, ngay cái tối hôm tôi bị bắt, người ta đã điệu tôi đi lấy cung. Tôi được đưa đến một căn phòng rộng, cuối phòng kê một bộ bàn ghế làm việc có ông Nhiên đang ngồi cắm cúi xuống đống giấy tờ. Và trơ vơ giữa phòng là một cái ghế đẩu đặt cách xa bàn vài ba mét, để phân rõ ranh giới giữa hai người ngồi ở hai vị trí ấy. Bởi vì phân rõ ranh giới giữa bạn, thù và ta luôn luôn là tiêu điểm để đánh giá lập trường người cộng sản có kiên định hay không. Tôi đang như chim chích lạc vào rừng, chẳng kịp suy nghĩ gì, nên khi người ta chỉ cho ngồi vào ghế đẩu đó, tôi đã ngồi xuống và như một cái máy, vắt chân chữ ngũ, im lặng chờ. Tôi hiểu là ông Nhiên cố tình cho tôi đợi.
Lát sau, ông ta ngẩng đầu lên, thấy tôi ngồi kiểu ấy, xẵng giọng quát:
- Bỏ chân xuống!
Tôi hơi bị bất ngờ. Tôi chưa quen nghe ai ăn nói với mình kiểu xách mé như vậy. Chắc ông ta muốn bảo tôi: mày hãy quên cái lon thiếu tá của mày đi, bây giờ mày chỉ là một tên phản cách mạng, và ngồi trước mặt mày không phải là một thượng úy mà là người đại diện của chuyên chính vô sản, đừng có láo! Khốn nạn, tôi có định lếu láo gì đâu. Tôi đâu có nghĩ lôi thôi gì. Tôi chỉ quen ngồi vắt chân chữ ngũ mà thôi. Cũng như ông ta không quen nghe đạn nổ vậy. Nhưng cũng từ đó tôi bỏ được cái thói quen thô thiển ấy và học được một thói quen mới văn minh hơn: ngồi ngay ngắn, hai bàn tay xòe ra úp lên hai đầu gối, như các cụ ta ngồi chụp ảnh thờ.
Ông ta muốn trấn áp phủ đầu tôi.
Nhưng tôi nghĩ việc ấy là thừa. Bởi vì khi bước chân lên xe vào Hỏa Lò, tôi đã xác định sẽ trình bày hết sự thật, nói theo ngôn ngữ nhà tù mà lúc ấy tôi chưa thạo là thành khẩn khai báo hết. Tội gì không khai nhỉ! Tôi bị buộc tội là phản cách mạng, mà nếu tôi khai hết thì sẽ rõ ràng không phải như thế. Khai hết tức là chứng minh tôi là thế này chứ không phải thế kia. Khai hết chính là tôi tự bảo vệ vậy. Tôi có thể là bất cứ cái gì, xét lại, giao động, sợ Mỹ, vô tổ chức, vô kỷ luật, hợm hĩnh, hỗn, ngu... cái gì cũng được, nhưng phản cách mạng thì dứt khoát không. Đảng nhầm rồi. Thậm chí tôi còn nghĩ: khi tôi đã làm rõ được vấn đề thì Đảng phải xin lỗi tôi. Ôi anh bạn cả Cò ơi, tôi biết trời sinh ra anh ngớ ngẩn, nhưng không ngờ anh lại ngớ ngẩn đến thế! Nếu muốn, anh có thể đợi. Dẫu sao chờ đợi một điều gì tốt lành cũng là một niềm vui không mất tiền. Đợi cả đời càng được vui lâu.
Vậy là tôi quyết định khai hết, không sót điều gì. Tất nhiên là khai hết về mình. Còn về các anh em khác? Đến đây thì tôi phải tạ ơn trời đã sinh ra tôi không có tính tò mò, thóc mách, không hay thò mũi vào chuyện người khác, nếu không thì lúc này tôi sẽ phải đứng trước một sự lựa chọn khó khăn. Tất nhiên tôi biết rõ quan điểm của họ, vì khi gặp nhau chúng tôi thường chuyện trò về thế sự, hệt như các cụ lão thành bây giờ ngồi với nhau phê phán đủ chuyện vậy. Vả lại những anh em đó đã công khai bảo lưu quan điểm của mình trong thời Nghị Quyết 9, có gì mà phải dấu? Còn như họ có hành động gì không thì, nhờ ơn trời, tôi không biết. Trừ chuyện anh bạn đã quan hệ với thông tấn xã Novôxti (Novosti) như tôi đã kể ở phần trên cuốn sách này. Tôi xin anh bạn thông cảm, tôi không thể không khai ra, có thế tôi mới tự biện minh cho mình được. Vả lại, nếu bạn thấy việc mình làm là đúng và có gan làm thì tôi nghĩ nên có gan nhận.
Chính ý nghĩ rõ ràng và dứt khoát ấy đã làm cho tôi đi vào Hỏa Lò với một thái độ bình tĩnh, tự tin. Trên dọc đường xe đi, tôi ngồi kẹp giữa hai viên thiếu úy đeo sắc-cốt.
Đề nghị anh cho tôi xem tờ lệnh bắt.
Anh ta rút ra đưa và tôi cầm lấy với một vẻ thản nhiên, lướt mắt qua rồi thờ ơ trả lại. Đến lúc này cái tờ giấy ấy chẳng là gì đối với tôi cả.
Và tối hôm ấy, hỏi cung tôi xong, ông Nhiên bảo tôi trở về phòng giam. Tôi bước ra sân thì chẳng thấy ai dẫn mình đi cả. Quay lại thì phòng hỏi cung đã đóng. Trời đã khuya. Sân vắng tanh vắng ngắt. Chờ một lúc vẫn chẳng thấy ai, tôi lững thững qua cái cổng để mở, bước vào sân trong... Cũng vắng tanh. Tù nhân trong mấy san giam tập thể đã ngủ cả. Tôi hơi lạ, đứng giữa sân réo ầm lên:
- Có ai đấy không? Cho tôi về xà lim chứ!
Từ trong bóng tối lão Giave hiện ra. Thì ra là người ta thử tôi, thả lỏng để xem tôi hành động như thế nào, có tìm cách trốn không? Buồn cười thật, tội tình gì mà phải trốn? Và trốn đằng trời!
Thậm chí tôi còn lạc quan. Tôi cho rằng vấn đề của tôi chẳng có gì rắc rối, phức tạp, chỉ cần vài ngày trình bày là sẽ rõ hết, kể thêm thời gian xem xét xác minh nữa thì chỉ vài tuần lễ, cùng lắm vài tháng là xong. Vài tháng nằm Hỏa Lò thì sá gì.
Cho nên khi bước chân vào cái xà lim này, tôi thấy nó cũng chẳng có gì ghê gớm lắm, sống được. Và nhìn cái cùm ở cuối giường thấy lạ lạ, vui vui. Đảng bắt tôi vì tưởng tôi là phản cách mạng, vậy khi đã rõ tôi không phải là phản cách mạng thì tất nhiên Đảng sẽ cho tôi về, đó là ABC của phép lôgích (logic). Chính ông Nhiên đã giải thích cho tôi ngay trong buổi hỏi cung đầu tiên:
Đảng không muốn bắt các anh, nhưng để các anh ở ngoài thì các anh không chịu khai, phải đưa các anh vào đây để các anh khai.
Nghĩa là không phải nắm được chứng cứ rồi mới bắt, mà bắt để tìm chứng cứ trong lời khai.
ít lâu sau, ông Nhuận cũng nói:
- Anh khai xong thì sẽ được về.
Không lời hứa hẹn nào có thể rõ ràng, dễ hiểu và dứt khoát hơn. Làm sao tôi có thể không tin? Đây là Đảng chứ có phải ai đâu mà bảo sợ nói xong rồi nuốt lời? Không những thế, cả hai ông còn nói:
- Đảng không chủ trương giải quyết việc các anh bằng pháp luật mà bằng xử lý nội bộ.
Xưa nay ai cũng hiểu xử lý nội bộ là kiểm điểm, phê bình, cảnh cáo, thi hành kỷ luật các mức, mà mức cao nhất ghi trong điều lệ Đảng là khai trừ. Tôi cũng đã hiểu như vậy.
Xin đừng cho đó là những lời nói vô trách nhiệm của những cán bộ thừa hành. Anh Kiến Giang có kể với tôi rằng ngồi tù hết năm thứ ba, anh đã viết thư cho ông Lê Đức Thọ đề nghị được đưa ra tòa xét xử đàng hoàng để có án và biết mình còn phải ngồi tù bao lâu nữa cho yên tâm. Ông Thọ đã cử ông Thành, vụ trưởng Vụ Bảo Vệ của Ban Tổ Chức Trung ương xuống trại giam Ba Sao gặp Kiến Giang để trả lời:
- Anh Thọ rất quan tâm đến các anh và cứ giục tôi đi trả lời anh. Đấy anh xem, hôm nay mới là mồng bốn Tết mà tôi đã đi gặp anh rồi. Anh Thọ bảo tôi truyền đạt cho anh hai ý kiến. Thứ nhất, đây không phải là vấn đề pháp luật, đây là xử lý nội bộ. Anh có bị tù đâu, anh ở đây học tập, đọc sách. Thứ hai anh ngồi đây cũng là tham gia chống Mỹ cứu nước...
Kiến Giang bị bất ngờ quá, phì cười. Ông Thọ quả là một người thích đùa. Và đùa đến là dai.
ở một nhà nước pháp quyền khi chưa có kết luận của tòa án ghi thành văn bản án là một người có tội thì người đó được coi là vô tội. Luật pháp của ta bây giờ cũng đã thừa nhận điều đó. Nhưng hồi ấy Đảng là luật pháp, hay nói cho đúng hơn, ông Duẩn, ông Thọ là luật pháp. Thêm nữa, ông Thọ lại tuyên bố xử lý nội bộ thì tòa án nào, cơ quan tư pháp nào dám xía vào công việc nội bộ của Đảng? Thực ra có lập tòa án để xử thì kết quả cũng vẫn như vậy. Vì tòa án đâu có xử theo pháp luật, mà xử theo chỉ thị của Đảng. Và cho dù tòa án có xử theo đúng pháp luật đi nữa thì pháp luật ấy cũng lại do Đảng vạch ra theo ý mình, coi như ý trời. Đó là một cái vòng Kim Cô không cho bất cứ ai thoát được nếu đã bị đeo nó vào. Tên gọi hiện đại của cái vòng Kim Cô ấy là chuyên chính vô sản.
Gần đây trong bản thông báo ra ngày 20/3/1994 của Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung ương có giải thích rằng sở dĩ không đưa chúng tôi ra tòa mà chỉ xử lý hành chính bằng biện pháp tập trung cải tạo là do tình hình trong nước và quan hệ quốc tế lúc ấy. Đúng là lúc ấy trong nước đang có chiến tranh và ta đang cần được Liên xô giúp đỡ nên không thể dằn mặt Liên xô đưa ra tòa xử một vụ án chống xét lại được. Nghe thì như có lý. Nhưng không phải. Chỉ là vin vào cớ ấy thôi. Vì nếu không có tình hình ấy thì cách giải quyết cũng vẫn như vậy. Tôi chẳng nói được điều gì mới mẻ khi khẳng định rằng ở Việt nam nói chung tù chính trị không bao giờ được xét xử, toàn là xử lý hành chính bằng biện pháp tập trung giáo dục cải tạo. Thế cho gọn nhẹ, đỡ phiền phức. Trừ trường hợp việc đưa ra xử là nhu cầu của tuyên truyền như trường hợp xử vắng mặt ông Hoàng Văn Hoan, hoặc cực chẳng đã, không thể trốn tránh, không thể đi đêm được. Nếu có thể đi đêm được thì bao giờ cũng đi đêm.
Đầu những năm 1960, nhà văn kiêm biên kịch Hoàng Công Khanh, nhà thơ Phùng Cung, anh Tuân Nguyễn, một cán bộ của Việt nam thông tấn xã đã bị bắt, người thì đi tù sáu năm vì bị coi là có tư tưởng chống Đảng, người thì chín năm vì là tác giả của truyện ngắn Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh, người thì tám năm vì mấy bài thơ khóc Dương Bạch Mai mà anh đã làm và ghi vào sổ tay chứ không đăng ở đâu cả. Cả anh Hoàng Công Khanh và anh Tuân Nguyễn đều kể với tôi rằng các anh bị bắt, bị tống giam, rồi mấy năm sau, được thả ra, thế thôi. Không bị thẩm vấn tra hỏi gì cả, và tất nhiên không có luận tội và kết tội. Năm 1979, thượng tướng Chu Văn Tấn, đặc đẳng công thần, người hùng của Cứu Quốc Quân Bắc Sơn, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Khu Uỷ kiêm chủ tịch khu tự trị Việt Bắc, bị bắt giam vì bị coi là thân Trung quốc và có âm mưu làm phản. Tất cả đều không xét xử. Khi ông Tấn bị bắt, đất nước đã hòa bình. Còn giữa ta và Trung quốc thì đã công khai vạch mặt chỉ trán nhau là kẻ thù nguy hiểm, thậm chí đã kéo ra biên giới bắn giết nhau một trận thoải mái, còn có gì phải giữ ý nữa đâu, vân vân và vân vân...