Ngay tối hôm ấy, tôi đến nhà anh Kiến Giang, Hà Nội phòng thủ không thắp đèn đường. Phố xá tối đen như mực. Rất dễ đánh lạc người theo dõi mình. Nhưng nhà Kiến Giang thì chắc chắn bị giám sát nghiêm ngặt. Vẫn phải đến thôi. Kiến Giang trả lời:
- Cũng chỉ nghe nói có bốn anh em bị bắt như thế, không biết gì hơn.
Tất nhiên là anh tỏ ra lo lắng. Tôi không dám ngồi lâu, chỉ vài phút sau đã ra về. Bước xuống cầu thang tối om nhà Kiến Giang tôi cảm thấy tương lai mình cũng đen ngòm như vậy.
Vậy là chính các ông ấy chủ trương khủng bố nội bộ chứ không phải đám mao-ít cấp dưới làm bậy. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn hy vọng chỉ bắt bớ thế thôi không bắt tràn lan, bài học Hát xăng vanh đơ còn đó. Vậy là cho đến lúc này tôi vẫn chưa mở mắt. Tôi sẽ còn ngu lâu, và sẽ còn nhiều lần nữa tôi phải buồn rầu thừa nhận mình đúng là anh cả Cò.
Không cần phải nói rằng từ hôm ấy tôi không dám bén mảng đến nhà ai nữa. Tôi mong anh em đến cho tôi biết tin tức nhưng thản hoặc có anh nào xé rào đến nhà tôi, như tôi đã xé rào đến nhà Kiến Giang hôm ấy, thì thấy anh bạn đến tôi cũng nửa mừng nửa e ngại. Và cũng không cần phải nói rằng từ hôm ấy tôi bị giám sát rất chặt chẽ. Về quê thăm mộ ông bà, tôi đứng giữa cánh đồng nhìn lên đường số 5 thì thấy một anh chàng ngả xe ngồi bên vệ đường xe lửa cách một quãng xa. Hoặc tôi và chú em đạp xe đi thăm mẹ ở nơi sơ tán, cũng được một anh bạn hộ tống đến tận nơi. Suốt ngày hôm đó, anh ta ở đâu tôi cũng không rõ, nhưng đến chiều chúng tôi ra về thì đã thấy anh ta lẽo đẽo theo sau. Ngày giỗ ông nội tôi, tôi lên nhà thờ tổ thắp hương, ngồi chưa ấm chỗ đã thấy hai người lực lưỡng bước vào, đề nghị chủ nhà cho kiểm tra loa phát thanh. Mặc dù nhà không mắc loa. Và có việc phải đi qua đường Trần Phú tôi cũng tránh, đi vòng đường khác, sợ bị nghi là thăm dò tìm cách nhảy vào đại sứ quán Liên xô.
Đến lúc này tôi mới thấy một hành động của tôi trước đây là lố bịch. Tức là một buổi tối, hai vợ chồng chúng tôi đi xem kịch ở Nhà Hát Lớn và như thường lệ bị theo dõi lẵng nhẵng. Đến cửa Nhà Hát Lớn, tôi quay lại, đi thẳng tới chỗ anh chàng kia và nói:
- Anh cứ đi theo tôi làm gì cho mất công. Tôi đi xem kịch thôi mà.
Anh ta bị bất ngờ, lúng búng câu gì rồi lủi mất. Nhưng vào trong nhà hát tôi liếc mắt và đã thấy anh ta đứng tựa cột ở cuối nhà hát. Cái trò ấy tôi đã làm vài ba lần. Tôi muốn làm cho người ta hiểu rằng tôi không có tật nên không giật mình. Đại loại cũng như cây ngay không sợ chết đứng vậy. Lạ một điều là cái trò ấy không phải chỉ có riêng mình tôi làm. Không ai bảo ai mà tự nhiên cũng có vài ba anh em khác hành động như thế. Toàn những nhà chính trị cứ đinh ninh rằng có Đảng lãnh đạo thì người ngay thẳng không phải sợ cái gì cả.
Sau này ra tù, thỉnh thoảng ngồi gẫu ôn lại chuyện cũ, chúng tôi cứ thấy nực cười cho sự ngây thơ của chúng tôi. Vì hồi ấy chính là lúc chúng tôi đang vui mừng thấy Đảng điều chỉnh thái độ của mình với Liên xô, nói đúng cái câu chúng tôi vẫn dùng hồi ấy là ông Duẩn đang chuyển. Nghĩa là từ sau khi ông Kôxưghin sang thăm và tuyên bố ủng hộ Việt nam thì hầu như không thấy ông Duẩn nhắc đến chủ nghĩa xét lại nữa. Trên báo chí cũng vậy. Những luận điểm có gì đánh nấy, súng trường bắn máy bay v.v... tức là tự lực tự cường, không cần viện trợ kỹ thuật của Liên xô, cũng biến mất trên báo chí. Rồi ông Lê Duẩn đi Liên xô thề thốt tổ quốc thứ nhất, tổ quốc thứ hai. Trong khi đó, ông Tố Hữu, ông Trần Quỳnh, cái loa của ông Duẩn, lại có những bài nói chuyện phê phán đường lối của Trung quốc khá chua cay. Ngược lại, phía Liên xô cũng ngày càng giúp đỡ Việt nam tích cực hơn, và tặng huân chương cho Lê Duẩn. Vậy là tốt quá. Chúng tôi đang mừng, và có anh em đã đặt câu hỏi: ông Duẩn chuyển như thế là về chiến lược hay sách lược? Thậm chí còn cho là xong rồi. Thì đùng một cái, ông Duẩn chuyển luôn bốn vị vào tù. Còn các vị khác thì nơm nớp như cá nằm chốc thớt. Thật là khôi hài!
Cũng có thể nói thêm rằng chính cái vị nhận định là chuyển biến chiến lược và xong rồi ấy lại là một trong bốn vị đã bị bắt đầu tiên.