Và thời điểm ấy đứa con gái nhỏ của tôi mới qua tuổi lên mười. Khi còn học mẫu giáo nó thích múa hát như mọi đứa trẻ khác. Nhà tôi có một máy quay đĩa Liên xô và một ít đĩa nhạc cổ điển. Những lần tôi quay đĩa nó cũng thích ngồi nghe. Rồi một hôm, nghe xong bài Danuýp xanh, nó nói một câu làm tôi chú ý.
- Bố ơi, cái bài hát này nó cứ làm sao ấy. Nghe tức cả ngực!
Lúc ấy nó lên sáu, còn chưa biết phân biệt bản nhạc với bài hát.
Xin kể thêm là các cụ nhà tôi cũng thích nhạc. Tôi từng thấy cụ ông ngồi đàn nguyệt cho cụ bà gảy đàn thập lục. Thằng em ruột tôi tốt nghiệp phổ thông đã thi đỗ vào đại học âm nhạc, khoa sáng tác. Chỉ tiếc rằng vừa ra trường, bắt đầu có tác phẩm thì bị bom B52 chết. Còn tôi thì hồi mới lớn đam mê đủ mọi thứ nghệ thuật. Một kỳ nghỉ hè tôi ngốn phải ngót nghét trăm cuốn tiểu thuyết, đa số là tiếng Pháp, vì tiểu thuyết tiếng Việt không đủ cho tôi đọc. Và mỗi lần Nhà Hát Lớn có ban kịch Thế Lữ trình diễn thì trên chuồng gà không bao giờ vắng đôi dép cao su con hổ và chiếc áo dài thâm của tôi. Từng ôm đàn theo học ông Dương Thiệu Tước, từng vác giấy bút ra ga Hàng Cỏ ngồi hàng buổi làm ký họa và đang học dở dang năm dự bị của trường Mỹ Thuật Hà Nội. Rốt cục đi theo cách mạng lại hóa ra là anh lính chiến. Và suốt cuộc đời lính chiến thỉnh thoảng vẫn cứ ngẩn ngơ. Đến mãi tận bây giờ, tròn bảy mươi tuổi đời, trong bụng ôm một khối ung thư có thể vỡ ra lúc nào không biết, mới hối hả ngồi tỉa tót câu văn giối già, trả cái nợ thời trẻ, kể chuyện về những sự đời vô lý. Cứ viết, chẳng biết có kịp không, và có nên cơm cháo gì không.
Thế cho nên khi cảm thấy con bé nhà tôi có máu âm nhạc, tôi nộp đơn luôn cho nó thi năng khiếu vào trường Âm Nhạc Việt nam khi nó vừa hết mẫu giáo. Thi không có chuẩn bị, một nốt nhạc bẻ đôi không biết. Cứ thi đại.
ở trường thi ra, tôi hỏi thi như thế nào thì nó kể.
- Có nhiều cô chú lắm, một chú bấm bấm vào cái đàn gì to bằng cái tủ và bảo con la la.
-Có phải la la nhiều không?
- Nhiều. Lúc đầu chú ấy bấm một tiếng thôi, xong rồi thì là hai ba tiếng, xong rồi thì là bấm dài ơi là dài.
- Thế con làm như thế nào?
- Con cứ nghe, xong rồi con la la.
- Rồi sao nữa?
- Chú ấy bảo xong rồi, đi ra.
Tôi cười, nghĩ bụng: Khó nhằn lắm. Trẻ thì rất đông mà lấy thì rất ít. Trong số trẻ có mặt, tôi thấy một thằng bé đi thi mang theo một cây sáo trúc. Bố nó là một nghệ nhân thổi sáo, đã dầy công tu luyện cho nó từ lúc nó còn bé tí. Khi từ trong phòng thi bỗng bay ra tiếng sáo của nó, mọi người đang đứng chờ ở sân, đều chạy xô đến bên cửa sổ ngó vào. Các thầy đang chấm thi ở các phòng bên cũng chạy bổ sang, sửng sốt. Con cái nhà người ta đi thi như thế chứ! Con nhà mình thì la la như đứa dở hơi!
Hôm trường công bố kết quả, tôi đi xem cho phải phép, không hy vọng. Không ngờ nó trúng.
Nó được phân học ác-coóc. Con gái học ác-coóc thì hơi mệt nhưng mình không phải là con nhà nòi, cũng không phải con ông cháu cha, len chân được vào cái trường quý tộc ấy đã là khá lắm rồi. Tôi sẽ cho nó theo học đến cùng, đến đại học sẽ thi vào khoa sáng tác như chú nó.
Rồi từ đó, tuần hai buổi bố con đèo nhau đi học, bố đạp xe, tự hào vì sau lưng mình có đứa con gái bé tí tẹo đeo chiếc ác-coóc nặng trĩu vai. Hết buổi học lại đón con về thả ở sân tòa soạn cho chơi. Về nhà, tôi huy động tất cả vốn hiểu biết của tôi về nhạc kèm cho nó tập, và tự tôi cũng tập. ít lâu sau nó đã có vài bài tủ.
Năm ấy, nhân dịp ngày kỷ niệm thành lập quân đội, trường Trưng Vương mời tôi đến kể chuyện chiến đấu cho các em. Tôi đã lôi cả con bé đi theo để bố kể chuyện xong thì con đàn một bài cho vui. Khoe mà! Nó kéo bài Làng Tôi của Văn Cao và một bài dân ca Ba Lan, hai bài của chương trình lớp 1. Hoan hô nhiệt liệt. Cô hiệu trưởng chạy lên ôm hôn nó và tặng nó bó hoa tướng. May mắn sao không ai yêu cầu biểu diễn thêm: hết tủ rồi! Người ta hoan hô không phải vì nó đàn hay mà vì hồi ấy trẻ con chơi nhạc là của lạ, cũng như người đi xe máy ở Hà Nội lúc bấy giờ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Bố con đèo nhau ra về hỉ hả lắm. Lần lên sân khấu đầu tiên trong đời nó thế là đã thành công mĩ mãn.
Rồi trường đi sơ tán tránh máy bay. Bắc Giang, Vân Đình... Đi thăm, tiếp tế. Rồi lần thì nó bị chó cắn phải tiêm mười một mũi vào bụng. Lần thì nó bị cảm cúm, chú y tá nhà trường cho uống aspirin vào lúc đói, bị chảy máu ruột phải đưa xe về Hà Nội cấp cứu. Bệnh viện ở Hà Nội lúc ấy chưa có chế độ cho người nhà vào chăm sóc bệnh nhân, kể cả bệnh viện nhi. Đến giờ nó cứ tự động vác bát đi ăn và tự đến phòng thuốc đưa tay cho cô y tá tiêm. Một lần tôi đến Bắc Giang thăm nó, được nghe nó kể bị ghẻ lở đầy người, mấy đứa rủ nhau đi tìm lá về đun nước tắm rồi lấy kim chọc mụn ghẻ cho nhau. Như bộ đội chúng tôi ngày xưa vậy. Mình nghe nó kể thì xót, còn nó thì kể như chuyện vui. Tôi chỉ còn biết bảo nó:
- Chịu khó một tí con ạ, cố mà học.
Rồi một hôm, vào lúc nó đang học năm thứ năm, tôi nhận được giấy báo đến gặp bà hiệu phó nhà trường tại nhà riêng của bà tại Hà Nội. Tôi đến và được bà báo cho biết trường cho con bé nhà tôi thôi học. Lý do: nó hay đọc chuyện, và đọc xong lại kể cho các bạn nghe, và nó kể rất hay nên các bạn nó sao nhãng cả học tập. Rồi dường như thấy lý do đó không vững, bà ta nói thêm: vả lại cháu nó cũng yếu, sợ không học được. Không nó khỏe, và tôi đã gặp thầy dạy nó, ông ta bảo nó học được. Khiếu nại với bà không xong, tôi nhờ một anh bạn giới thiệu đến gặp ông vụ phó Vụ Đào tạo của Bộ Văn Hóa. Nghe tôi trình bày, ông lấy làm ngạc nhiên:
- Sao đã mất công đào tạo cháu bốn năm rồi lại cho về như thế?
Ông sốt sắng hứa sẽ can thiệp và hẹn ngày tôi đến lại. Tới hẹn tôi đến thì bao nhiêu nhiệt tình của ông đã biến đâu mất sạch. Ông bảo: nhà trường đã quyết định như vậy rồi thì chẳng còn làm thế nào được.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao nó lại bị đuổi học. Nếu nó có lỗi gì nặng đáng bị đuổi thì bà hiệu phó kia sợ gì mà không nói độp vào mặt tôi để chứng minh chủ trương đuổi nó là đúng. Vậy là có lý do gì khác. Đuổi nó để lấy chỗ cho một người được gửi gắm hay một con ông cháu cha nào chăng? Không rõ. Hay vì bố nó là phần tử nghi vấn? Chẳng có lẽ. Chỉ biết rằng như vậy là một giấc mộng đẹp như bong bóng xà phòng đã tan vỡ như một bong bóng xà phòng.
Nó bị đuổi học ở trường nhạc ít lâu thì tôi bị bắt. Vợ tôi vào thăm kể truyện nó đi học văn hóa bị bạn nào chơi ác dán trộm vào lưng nó tờ giấy có mấy chữ con việt gian đeo một lúc lâu thấy ai nhìn mình cũng cười mới biết. Về nhà nó kể, khóc sưng cả mắt. Suốt mấy năm phổ thông còn lại, biết thân biết phận, nó phấn đấu để được vào đoàn, ra sức học và lăn lộn mọi công tác xã hội của trường. Bạn bè thông cảm muốn kết nạp nó lắm, nhưng ai cho kết nạp. Tốt nghiệp phổ thông xong, nó nộp đơn thi vào đại học tổng hợp văn, không được học nhạc thì học văn vậy. Vì nó cũng rất thích văn, đã thử viết truyện ngắn, làm thơ, và mỗi lần trường diễn kịch đều nhảy lên sân khấu thủ một vai. Và như bạn đọc đã thấy, từ bé nó đã tài kể chuyện đến nỗi bị đuổi học.
Khổ thân nó, ai để cho vào học mà thi! Nếu tôi ở nhà thì tôi sẽ thuyết phục được nó, còn mẹ nó thì không can nổi: nó cứ nhất định tin rằng một khi nó mong muốn mãnh liệt như thế thì không có chú nào nỡ gạn bỏ nó, nhất là nếu nó đỗ điểm cao. Nó đã đỗ điểm cao thật, được ban tuyển sinh xếp vào danh sách cho đi học Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Danh sách đưa lên trên thì nó bị gạt: lý lịch xấu. Không những không được đi Cộng Hòa Dân Chủ Đức, mà còn không được nhận vào học ở Đại học tổng hợp. Nó đã lộn cổ rơi từ trên trời rơi xuống. Rơi tự do.
Hồi ấy trong giới học sinh có câu vè:
Nhất Y. Nhì Dược. Tạm được Bách khoa. Sư phạm bỏ xó.
Đối với con cái bọn xét lại thì cả cái thứ nhất, thứ nhì, đến cái tạm được lẫn cái vứt đi đều là những chỗ chúng bị cấm cửa. Chúng bị cấm cửa toàn bộ những trường dạy khoa học xã hội và các trường trọng điểm của khoa học tự nhiên.
Học văn chúng có thể làm văn thơ phản động. Học sư phạm chúng có thể lợi dụng bục giảng nhà trường làm hư hỏng học sinh. Học ngoại ngữ chúng có thể làm gián điệp. Học dược chúng có thể bổ thuốc độc vào thuốc men. Học địa chất chúng có thể nắm được tiềm lực quốc gia, và đi lang thang khắp đất nước, chúng có thể gây cơ sở lập chiến khu. Học kiến trúc chúng có thể phá hoại các công trình xây dựng Học lý hóa chúng có thể sản xuất bom. v.v... và v.v...
Dành cho chúng còn mấy trường: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thể dục thể thao, học thì học chẳng học thì đừng.
Thế là đỗ hẳn hoi mà nó phải ở nhà đan len. Năm sau người ta cứu vớt nó, xếp cho nó vào trường Đại Học Xây Dựng vừa học vừa làm, mới mở thí điểm khóa đầu. Một năm học lý thuyết vài tháng, còn lại là ra công trường gánh gạch, đẩy xe bò, đánh vôi, đánh vữa. Nhà trường tuyên bố thẳng thừng: học trường này chỉ có hai loại người, một loại là lý lịch tốt mà học dốt loại thứ hai học giỏi mà lý lịch xấu, các anh các chị biết thân thì liệu mà phấn đấu.
Công trường làm thông tầm, đến trưa mấy đứa con gái lại rủ nhau vác cà mèn cơm nguội rúc vào giữa mấy đống gạch ngồi ăn và nghỉ trưa một tí: mùa hè là để tránh nắng, mùa đông để tránh gió, mùa nào thì cũng để tránh sự trêu chọc cợt nhả của đám thanh niên công trường. Nó kể: mùa hè nắng chang chang, đứng trên cầu vôi, hoa mắt chóng mặt tưởng như muốn nhào xuống hố. Người ta đã coi nó là không đủ sức để học nhạc nhưng đủ sức để làm công việc phu hồ.
Học đến năm thứ ba thì bị khái huyết, nó đành phải bỏ. Thế là mất toi ba năm nữa, thành bốn. Bốn năm của cái tuổi ước mơ và hy vọng. Nhưng nó còn đủ nhiệt tình, nói cho đúng hơn là đủ sự bướng bỉnh để thua keo này bày keo khác, cho tròn quá tam ba bận. Năm sau nó lại thi vào một lớp đào tạo nữ hộ sinh. Lại đỗ. Đời học trò của nó thi đâu đỗ đấy, và đỗ điểm cao.
Nhưng người ta cũng lại không nhận nó vào học. Người ta nói con cái phản động đỡ đẻ cho nhân dân thì sẽ bóp chết con cái của nhân dân. May mắn là lúc ấy tôi đã ra tù. Chạy chọt, khiếu nại, kiện cáo lung tung, lên bộ Công An, lên Ban Tổ Chức Trung ương. Rốt cuộc người ta cũng thương tình để cho nó vào học. Cuộc đời nó quãy mai cuối cùng cũng thành được một cô y tá đỡ đẻ.
Nhưng đến đây thì nó không còn hoài bão gì nữa, chỉ cốt sao ngày hai buổi đến làm việc không để ai chê trách là được. Và đến đây hậu quả của mấy năm công trường càng rõ. Mấy đợt nằm bệnh viện lao. Vài ngày lại một lần nó ngồi gục đầu xuống cống hộc ra hàng bát máu. Đó cũng còn là hậu quả của một thời kỳ, khi tôi còn ở trong tù, mấy mẹ con phải lần lượt thay phiên đi bán máu nuôi nhau. Bán máu đến nỗi con gái đang thi mà người xanh rớt. Người ta xì xào: chắc là nó phá thai! Nhưng dẫu sao như thế vẫn còn là mừng lắm: bao nhiêu khát vọng tan tành, vậy mà nó không phát rồ phát dại, không buông thả, phá phách. Nếu nó rồ dại hoặc phá phách thì còn khổ chưa biết đến chừng nào.
Bây giờ nó đã có đứa con gái lên tám, học lớp ba, giống mẹ hồi bé như đúc. Trong một buổi sinh hoạt lớp, cô giáo bảo bạn nào có tiết mục thì lên bục trình bày cho cả lớp nghe. Con bé giơ tay xin lên... đọc Kiều. Đọc khoảng trăm câu, ý chừng mỏi mồm, vì phải đọc có diễn cảm, nó báo cáo cô:
- Thưa cô, con còn thuộc nữa, nhưng sợ dài quá, con xin phép cô đến đây con thôi.
Cô sợ quá, vội đồng ý ngay:
- Chị tra tấn cả lớp thế là quá đủ rồi!
- Học Kiều là nó thích chứ không ai bảo.
Tôi xem tờ lý lịch nó khai, thấy ở mục năng khiếu nó ghi: năng khiếu văn. Và, ở mục nguyện vọng: trở thành nhà văn.
Khiêm tốn thế thôi, trở thành nhà văn. Một lần tan giờ học, tôi đến đón nó muộn thì thấy nó ngồi một mình dưới đất, lưng tựa vào tường rào nhà trường, cuốn vở nháp kê lên đầu gối, đang mải mê viết truyện ngắn mini. Tôi kể chuyện lại cho mẹ nó nghe thì mẹ nó chỉ mỉm cười buồn rầu.