Ông Lâm cười, trìu mến ôm đứa con gái nhỏ vào lòng. Ông hi vọng rằng với đứa con này, ông sẽ dạy nó theo ý của ông. Uốn măng từ lúc còn non. Dạy con từ thuở còn thơ... Mấy đứa con lớn, ông coi như sắp vuột ra khỏi tầm tay rồi.
Con Meo Snowball gợi nhớ về một quãng đời cũ, có con Miêu Nữ, con nuôi của Biên Khuỳnh. Trong trại có hai Biên. Để phân biệt, Biên thuộc đội đi rừng kéo gỗ, anh em đặt là Biên Xe Bẹ Còn Biên tay cán vá của đội Xây Dựng là Biên Khuỳnh.
Miêu Nữ được Biên Khuỳnh đem về nuôi từ ngày còn tấm bé. Trưa, anh nằm nghỉ ngơi trên chiếc võng, Miêu Nữ nằm trên mình anh. Cũng có lúc, anh đặt Miêu Nữ một mình trên võng, ngồi một bên đưa qua đưa lại như người mẹ dỗ giấc con thợ Tôm khô, lạp xưởng là loại thực phẩm cao cấp của tù, anh nhịn ăn, dành cho Miêu Nữ. Phải nhìn những lúc Biên Khuỳnh nằm nghiêng trên lán sạp, cầm từng con tôm khô đút cho Miêu Nữ ăn, mới thấy hết cái tình của Biên Khuỳnh đối với Miêu Nữ. Cũng có khi anh vuốt ve Miêu Nữ, mà đôi mắt buồn xa vắng như đang nhìn về một cõi đâu đâu. Anh em trong đội rất cảm thông giờ phút "sầu đứt ruột" ấy của Biên Khuỳnh.
Những năm tù cải tạo ngoài miền Bắc, Biên Khuỳnh không ai thăm nuôi. Lâu lâu, nhận được thư mẹ già, cũng chỉ những lời hỏi thăm và căn dặn yên tâm học tập tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình. Nếu không viết như thế, khi qua tay kiểm duyệt, bức thư sẽ đi thẳng vào sọt rác. Đó là những câu phải viết theo "thủ tục hiện hành". Nhưng bà còn phải đáp ứng cho Biên Khuỳnh biết gia đình vợ con ra sao chứ? Không, bức thư không cho anh biết thêm điều gì, ngoài hai câu trích dẫn trong truyện Kiều:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Xã hội nào mà không có những điều đau đớn lòng. Nhưng điều đau đớn lòng, mẹ anh trông thấy là điều gì? Biên Khuỳnh mù tịt!
Năm 1983, Biên Khuỳnh được chuyển về Long Khánh, ở trại Xuân Lộc. Theo lời cán bộ, đưa đợt tù này về Nam, tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục cải tạo tốt. Nghe tin, mẹ anh từ Nha Trang, đáp tàu đi Long Khánh, lên xe đò đi Xuân Lộc, ngồi xe Lam vào Gia Rai, lội bộ thêm một khoảng đường giữa hai hàng cây so đủa, dẫn tới nhà khách thăm nuôi. Lần đầu tiên sau bao năm đi tù, Biên Khuỳnh được thăm nuôi. Gặp nhau, hai mẹ con đều rớt nước mắt, vì thấy tình trạng sa sút đến thảm hại của người thân. Không biết mẹ già đã nói những gì, Biên Khuỳnh buồn hiu, tịnh khẩu mấy ngày. Dần dần rồi anh em đội Xây Dựng cũng hiểu ra nỗi niềm của anh. Người đàn bà hết dạ yêu anh một thưở, tưởng "sông có cạn, núi có mòn, tình vẫn không thay đổi", đã đành đoạn cuốn gói đi theo người khác. Mà người khác lại đang thời hãnh tiến, thuộc phía đối nghịch cùng anh. Hai đứa con anh như cụm lục bình trôi theo mẹ, bềnh bồng vất vưởng, bữa đói bữa nọ "Trải qua một cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng", mẹ Biên Khùynh viết trong thư là thế.
Trong trại, không chỉ Biên Khuỳnh bị vợ bỏ. Nhiều người cũng ở vào trường hợp tương tự như anh, nhưng mỗi người hành sử mỗi khác. Ở tù là một bất hạnh. Gia đình vợ con tan nát là thêm một bất hạnh nữa. Nỗi đau khổ chồng chất quá lớn đã xô con người vào đường cùng. Có người cắt động mạch, hoặc thắt cổ tự vận. Có người lao đầu vào lò lửa đang cháy rực, tự nướng mình. Có người nhảy vô chảo nước sôi, tự luộc mình. Anh em bằng hữu sợ một lúc quẩn trí nào đó, Biên Khuỳnh liều mạng. Nhưng anh không làm thế.
Anh nói: "Đàn bà trắc nết mê trai, bạc tình là chuyện thường. Chỉ tội cho con cái khổ lụy vì người mẹ tội lỗi."
Để khuây khoa? nỗi buồn, Biên Khuỳnh xin một con mèo nhỏ đem về nuôi. Ngoài những giờ đi lao động, anh và mèo quấn quít bên nhau. Tình thương hai đứa con trôi giạt, anh phả hết vào con mèo. Anh em đội Xây Dựng đặt tên cho mèo là Miêu Nữ, con nuôi của Biên Khuỳnh.
Miêu Nữ dễ thương hết sức. Hai tròng mắt xanh lục màu ve chai. Bộ lông trắng mịn, vá thêm mảng lông màu vàng nhạt, như một thiếu nữ quàng tấm khăn san trên cổ. Nó bước đi nhẹ nhàng, ăn uống nhỏ nhẻ. Lật ngửa nó ra, lấy ngón tay cù vào nách. Nó uốn éo thân hình, quơ bốn chân bấu lấy bàn tay, kề miệng ngoạm nhẹ ngón tay rồi nhả ra ngaỵ Khi đùa, Miêu Nữ không bao giờ cắn mạnh, và cũng không vươn móng vuốt. Biên Khuỳnh bày trò chơi, cột miếng vải vào một đầu sợi dây, nhữ cho Miêu Nữ nhào tới chụp. Anh liền kéo miếng vải đi nơi khác, và Miêu Nữ chụp hụt. Anh nói, để tập cho nó lanh lẹ khi bắt chuột. Anh lại cầm sợi dây, thòng miếng vải xuống giật giật như câu ếch, Miêu Nữ phóng lên chụp. Đôi lúc phóng quá đà, Miêu Nữ té ngửa. Anh nói, để tập cho nó nhảy cao.
Thời gian rồi cũng làm cho nỗi đau buồn của Biên Khuỳnh nguôi ngoai dần, vết thương thành sẹo. Miêu nữ lớn lên trong tình thương của anh. Đến kỳ Miêu Nữ "biết yêu", anh em đội Xây Dựng có rất nhiều đề tài để nói.