Ngọc Lâm Quốc Sư tuy còn ít tuổi, song tài, đức vẹn toàn, ngài lại có chí chấn hưng Phật giáo, cứu độ chúng sinh, nên bất luận lúc nào ngài cũng cố dùng năng lực để ảnh hưởng đến Thuận Trị, muốn nhà vua phải xét đến nỗi khổ cực của nhân dân, và thành tâm hộ trì Phật giáo.
Thuận Trị Hoàng Đế cũng là một vị vua sáng suốt, nhân từ, trên được Ngọc Lâm Quốc Sư chỉ dẫn, dưới có các hiền thần giúp đỡ, cho nên chính trị đầu đời nhà Thanh thịnh vượng, nước giầu, dân mạnh và đâu đâu cũng ca khúc thanh bình.Đức tướng trang nghiêm của Ngọc Lâm Quốc Sư tràn đầy nhân tính rực rỡ, trong cung mặc dầu ngài ít nói cười, song không ai là không tôn kính và cảm mến cái phong độ giản dị và hiền từ của ngài.Bốn năm năm sống cuộc đời nay đây, mai đó đã quen rồi, nay bỗng trở về hoàng cung, dĩ nhiên Ngọc Lâm Quốc Sư cũng có cảm giác không được tự nhiên, ngài ngồi trong phòng trầm tư, nhưng phía ngoài có rất nhiều ngự lâm quân bao vây hộ vệ; lúc ngài ra vườn hoa để tản bộ, những vệ binh ấy cũng theo xa xa sau ngài. Đã mấy lần Ngọc Lâm Quốc Sư bảo họ về nghĩ ngơi, nhưng họ đều nói là họ phụng mệnh Hoàng Thượng bảo vệ an ninh của quốc sư, nên không giờ phút nào họ dám xa Quốc SựNgọc Lâm Quốc Sư đi đâu cũng phải tiền hô hậu ủng, người khác thì cho thế là oai hùng, vĩ đại lắm, song đối với ngài đó chỉ là điều ràng buộc, con người vốn phải tự do, thế mà lại bị danh lợi, quyền thế trói buộc. Nhưng chủ ý của Ngọc Lâm Quốc Sư là muốn hoằng dương Phật pháp, nên phải nhẫn nại, đối với khổ nạn cũng phải nhẫn nại, mà đối với vinh hoa, danh vọng cũng phải nhẫn nại, thân tuy sống trong cảnh nhung lụa, song tâm đừng tham luyến, thế cũng là tự tại rồi.Anh chàng thanh niên họ Mã đã đánh cuộc với Ngọc Lâm Quốc Sư dưới thuyền, lúc này thấy trên từ Thiên Tử dưới đến thần dân trong hoàng cung đều tôn kính ngài, chàng ta cũng bị quyền thế bắt phải tôn kính. Hiện giờ anh ta hầu hạ Quốc Sư, thôi thì dâng trà, lấy nước, cái gì cũng phải làm đúng nghi lễ hoàng cung, tuy bề ngoài phải kính cẩn, song anh ta cũng ức trong lòng. Chàng tự thấy bao nhiêu ước vọng khi ra đi đã tan thành mây khói; chàng về Kinh ứng thí mục đích để lập công danh, mở đường tiến thủ, cũng mong đứng vào hàng mũ cao, áo rộng, nào ngờ giữa đường chỉ vì mấy câu nói mà bỗng chốc trở thành anh thị giả của một người xuất gia, hàng ngày buông màn, trải nệm, hầu hạ trước sau, thật không khác những kẻ tôi đòi. Dĩ nhiên là Tiểu Mã cảm thấy áo não và oán hận vô cùng.
Vì muốn khắc phục lòng kiêu mạn, tự cao của Tiểu Mã mà Ngọc Lâm Quốc Sư phải để anh ta hầu hạ ngài. Nhưng thật tình ngài rất thương Tiểu Mã, ngài cho người đưa đến cấp dưỡng cho gia đình chàng tám mươi lạng bạc, song Tiểu Mã không hề vì thế mà cảm động, chàng không dám phản đối ngài, song chàng tức với Phật giáo, tức với tất cả mọi người xuất gia, chàng chỉ chờ cơ hội để trả thù cho nỗi nhục nhã của chàng.
Thấm thoát ba năm trôi qua, Ngọc Lâm không thấy nỗi lòng uất hận của Tiểu Mã, ngài lấy đức từ bi đối với tất cả mọi người, ngài tưởng Tiểu Mã đã hết kiêu mạn, nên ngài thấy cũng thương.Một hôm Ngọc Lâm Quốc Sư gọi Tiểu Mã đến hỏi:
- Tiểu Mã! Con muốn làm quan không?
Tiểu Mã cố nén uất hận và trả lời một cách thảm thương:
- Bẩm Quốc Sư, kẻ tiểu nhân này lúc đầu định về Kinh, mục đích chỉ để cầu công danh.
- Đã thế để ta nói với Hoàng Thượng cho con một chức quan nhỏ.
- Cảm tạ Quốc Sư!
Tiểu Mã cúi đầu trước Ngọc Lâm Quốc Sư, ngài nghĩ ngợi một lát, rồi nhìn Tiểu Mã bằng cặp mắt hiền từ, ngài hỏi tiếp:
- Tiểu Mã! Con có biết việc trọng yếu nhất của người làm quan là gì không?
- Bẩm Quốc Sư, việc trọng yếu nhất của người làm quan là phải phục vụ và yêu dân như con!
- Còn việc thứ hai? Ngọc Lâm Quốc Sư hỏi thêm.
- Xin Quốc Sư chỉ dạy! Tiểu nhân sẽ tuân theo lời giáo huấn của Quốc Sư!
Với giọng uy nghiêm và tha thiết, Ngọc Lâm Quốc Sư nói:
- Làm quan điều cần nhất dĩ nhiên là phải trung quân, ái quốc, chăm chỉ phục vụ và thương yêu dân, và thứ hai nữa là phải sửa mình, trau dồi đức tính, thành khẩn hộ trì Phật pháp để phát huy đạo đức, văn hóa, tạo thành một xã hội tốt đẹp, lành mạnh.
- Bẩm Quốc Sư, những việc ấy tiểu nhân có thể làm được!
Tuy Ngọc Lâm Quốc Sư cũng cảm thấy khó tin được lời hứa của Tiểu Mã, song ngài lại cho rằng con người dầu sao cũng có nhất điểm lương tâm, không nên hoàn toàn thất vọng, bởi thế ngài mới nói với Thuận Trị Hoàng Đế cho Tiểu Mã làm quan. Vì tôn kính Quốc Sư nên Hoàng Đế tuân lời ngay, và mấy hôm sau thì có thánh chỉ truyền xuống phong cho Tiểu Mã làm Tuần phủ kiêm Tổng Đốc Hồ Bắc.
Khi được biết tin ấy, Ngọc Lâm Quốc Sư cho rằng Tiểu Mã không xứng đáng với chức vụ đó, song thánh chỉ đã phê chuẩn, nói ra không tiện.
Vào đời nhà Thanh, làm quan ở Kinh Đô chẳng có uy quyền gì cả, không hống hách với ai được, còn nếu bổ đi các tỉnh nhỏ thì tha hồ mà cỡi đầu, cỡi cổ dân, tác uy tác phúc, cho nên ai làm quan cũng mong được bổ đi các tỉnh, lúc đó trời thì cao, vua thì xa, muốn làm gì thì làm. Bởi thế, khi biết mình được bổ nhiệm Tuần phủ Hồ Bắc, Tiểu Mã vui sướng gần như phát điên.Tiểu Mã lên đường nhậm chức. Khi tới Hồ Bắc, lúc đầu Tiểu Mã vẫn chưa dám có hành động ngang ngược, nhưng dần dần hiểu rõ tình thế trong quan trường, Tiểu Mã ra mặt phản đối Phật giáo, nhất là hôm đến chùa Quy Nguyên, một cảnh chùa danh tiếng ở Hồ Bắc, hòa thượng trụ trì không đặc biệt tiếp đãi Tiểu Mã, nên anh chàng lại càng ghét những người xuất gia. Tiểu Mã liền ra các mệnh lệnh rất hà khắc đối với những chùa chiền, các sư xưa nay vốn theo hạnh từ bi, trong lòng tuy bất mãn với quan tân Tuần Phủ, song họ không hề tỏ hành động phản khán bên ngoài, bởi thế Tiểu Mã người đã từng ba năm hầu hạ Ngọc Lâm Quốc Sư càng làm tới, chàng dựa vào danh nghĩa xây Khổng Miếu để hạ lệnh phá hủy chùa Quy Nguyên, tất cả các sư trong chùa đều bị trục xuất.Lúc này Tiểu Mã đã nắm được quyền hành trong tay, chàng không còn nhớ gì đến Ngọc Lâm Quốc Sư, và cũng đã quên hết những lời ngài dạy bảo về đạo làm quan. Chàng tưởng như nếu không gây được khó khăn cho Phật giáo, thì chàng sẽ không thể tỏ ra con người vĩ đại!
Lệnh phá chùa, đuổi sư của Tiểu Mã là một tin động trời, chàng ta cho rằng Thuận Trị Hoàng Đế và Ngọc Lâm Quốc Sư không thể biết được, thậm chí còn nghĩ rằng dù nhà vua và Quốc Sư có biết cũng không sao, vì chàng là một ông quan to trấn thủ một phương, hơn nữa chàng phá chùa để xây dựng Khổng Miếu, tôn thờ vị Vạn Thế Sư biểu là hợp cách.Các vị trụ trì các chùa ở Hồ Bắc bàn tán xôn xao, họ không thể tưởng tượng được rằng, một người đã từng hầu cận Quốc Sư mà lại có hành vi phản bội như vậy.
Một hôm, Ngọc Lâm Quốc Sư đang ngồi tham thiền trong tịnh thất tại cung Tây Uyển, bỗng ngài thấy lòng nao nao động loạn, ngài không thể nào trấn tĩnh được, có lẽ việc gì rủi ro đã xẩy ra? Ngài đứng dậy đi ra cửa cung, mà đi là đi, chứ ngài cũng không biết là mình đi đâu. Một lúc sau ngài đến bờ sông, bên bờ sông có chiếc thuyền nhỏ, trên thuyền một ông già đầu tóc bạc phơ đang giơ tay với ngài, lòng thúc dục, ngài cứ xăm xăm bước tới, cũng chẳng tưởng về cáo biệt Hoàng Đế, và cũng như hơn mười năm trước, ngài chẳng mang gì theo, chỉ cầm có chiếc quạt ngà trên có mấy chữ "Như Trẫm Thân Lâm" mà nhà vua đã dâng cúng ngài, ngài lại yên lặng ra đi.
Lên thuyền rồi, ngài đang định hỏi chuyện ông già, bỗng trời nổi gió, mây đen từ bốn phía kéo tới ùn ùn, phong ba bão táp, một con thuyền nan quay cuồng giữa dòng nước bạc, ông già chú hết tâm lực vào việc chèo lái, không còn thì giờ để nói chuyện với Ngọc Lâm Quốc Sư. Trong tình trạng nguy nan ấy, Ngọc Lâm Quốc Sư chỉ còn cách cầu nguyện Bồ Tát Quan Âm che chở cho được thoát nạn, điều đó không có nghĩa là ngại sợ nguy hiểm hoặc chết chóc, thực ra ngài không nỡ thấy ông già tuổi tác chết một cách oan uổng!Quái lạ! Ông già cứ yên lặng, Ngọc Lâm Quốc Sư bất giác cũng hoài nghi, ông già vừa chèo thuyền, vừa đưa tay chỉ vào mồm, rồi lại xua xua tay, tỏ ý muốn nói với Quốc Sư ông là người câm, lúc đó Ngọc Lâm Quốc Sư mới biết tại sao ông già cứ yên lặng.Ngọc Lâm Quốc Sư xuống thuyền vào lúc hoàng hôn, và hiện giờ thì màn đêm đã bao trùm cả vạn vật. Ngài ra đi vốn không có mục đích là đi đâu, mà chiếc thuyền lênh đênh trên sông, trôi theo chiều gió tựa hồ cũng không có bến bờ. Gió táp đã đưa con thuyền đi như một vì lưu tinh, trong khoảng một đêm đã băng qua mấy nghìn dặm và đến một nơi xa lạ nào.
Ngọc Lâm Quốc Sư trả công ông già mấy lạng bạc, nhưng ông lắc đầu, và lại trao cho Quốc Sư một bao giấy, đưa ngài lên bờ, chắp tay vái chào rồi chèo thuyền ra địNgọc Lâm Quốc Sư quay lại để cảm tạ ông già, thì lúc ấy con thuyền đã lướt theo dòng nước êm đềm, không bao lâu, hình bóng ông già đã mờ dần trong khói sóng.
Chờ cho bóng ông già khuất hẳn, lúc đó Ngọc Lâm Quốc Sư mới bóc bao giấy ra xem, trong bao ngài chỉ thấy có một mẩu giấy nhỏ, trên viêt mấy hàng chữ nguệch ngoạc như sau: "Ngọc Lam nhờ tôi đến chùa Quy Nguyên ở Hồ Bắc có việc, về Thiên Hoa Am một lần, Hộ Pháp Vi Đà đang đợi ngài".
Xem xong, Ngọc Lâm biết ngay là sư huynh Ngọc Lam sai người đến, nhưng ngài không hiểu hết ý nghĩa trong mấy hàng chữ nói trên, câu thứ nhất, ngài cho rằng ông già đó phải là bạn thân của sư huynh, nên sư huynh mới nhờ đưa thuyền đến đón ngài; câu thứ hai "Chùa Quy Nguyên" ở Hồ Bắc có việc là việc gì? Còn câu thứ ba thì rõ ràng rồi, nghĩa là sư huynh muốn ngài thăm Giác Chúng ở Thiên Hoa Am một lần.Song lúc ấy Ngọc Lâm Quốc Sư không muốn băn khoăn về ý nghĩa khúc mắc trong câu nói, ngài chỉ muốn tìm một người để hỏi đường xem đây thuộc về địa phương nào.
Sau khi hỏi thăm thì ngài được biết nơi ấy thuộc địa phận Hồ Bắc, không cần suy nghĩ, ngài tìm ngay đến chùa Quy Nguyên xem việc gì đã xẩy ra, nếu không ngài không thể yên tâm, vả lại, trong khoảng một đêm ông già đã đi mấy nghìn dặm và lại áp thuyền cho ngài lên đúng nơi đây, thật là một việc ly kỳ!Khi gần đến chùa Quy Nguyên, Ngọc Lâm Quốc Sư nhìn thì đó là một ngôi chùa đồ sộ, nguy nga và coi rất quy mô, thảo nào cứ nghe người đồn Quy Nguyên là một tòa chùa danh tiếng. Nhưng khi vào hẳn cửa Tam Quan, ngài thấy cảnh tượng thật hoang tàn. Trước hết ngài vào Chính Điện lễ Phật, rồi ngài định tìm một vị sư để hỏi chuyện, nhưng tìm khắp nơi trong chùa không thấy một vị sư nào cả. Đang lúc hoang mang thì ngài thấy một vị sư già yếu đang ngồi than van trong góc một bức tường đổ, ngài liền đến vái chào rồi hỏi thăm:
- Bạch Trưởng lão, tại sao trong chùa này không có tăng chúng?
Vị sư già nhìn Ngọc Lâm Quốc Sư một chặp, buông một tiếng thở dài não nuột, rồi nói qua một giọng rất đau thương:
- Đại Đức chắc từ xa mới đến nên không biết nổi khổ của chúng tôi. Đạo cao một thước, ma cao mười trượng, đây là cái nạn của Phật giáo; ai bảo là chùa Quy Nguyên không có tăng chúng? Tăng chúng chùa Quy Nguyên đã bị ma lực đuổi đi rồi.
- Xin hỏi Trưởng lão việc gì đã xẩy ra ở đây?
- Chao ôi! - Vị sư già lại thở dài - Bạch Đại Đức, ngài vẫn chưa biết ngày mai này Mã Tuần phủ Hồ Bắc sẽ đến phá hủy chùa Quy Nguyên để xây lại thành ngôi Khổng Miếu à? Tăng chúng trong chùa đều đi hết rồi, còn có mình tôi già yếu, ở lại đợi ngày mai, khi Mã đại nhân đến phá chùa sẽ đem cái thân già này liều chết với ông ta!Nghe xong, Ngọc Lâm Quốc Sư kinh hoàng, vị sư già nói đến Mã tuần phủ Hồ Bắc có phải Tiểu Mã chăng? Ngọc Lâm Quốc Sư đã giúp đỡ cho bao nhiêu người công thành, danh toại, nhưng ngài không nhớ những việc đó nữa, hiện giờ nghe vị trưởng lão nói đến Mã Tuần Phủ Hồ Bắc, ngài mới sực nhớ đến Tiểu Mã.Nhưng Ngọc Lâm Quốc Sư muốn hỏi lại cho chắc chắn:
- Bạch Trưởng lão, Mã đại nhân là người thế nào?
- Ái cha! Nghe đâu cái ông muốn xuống địa ngục ấy đã từng là thị giả của Ngọc Lâm Quốc Sư, mà Ngọc Lâm Quốc Sư cũng muốn xuống địa ngục nốt, nếu không, tại sao ngài lại đi giúp đỡ tên đại ma vương ấy, tâu Hoàng Thượng cho nó làm Tuần phủ đại nhân. Tôi già rồi, rất tiếc không còn được gặp Ngọc Lâm Quốc Sư, chứ nếu được gặp, tôi cũng sẽ liều sống chết với ngài một phen, ngài có quyền thế, tôi đây chẳng có chi hết, nhưng tôi có thể lên trước Phật đài tố cáo ngài!Giọng vị trưởng lão chìm trong tiếng nấc, khiến người nghe phải cảm động.Ngọc Lâm Quốc Sư thấy xấu hổ, ngài rất xúc động trước tấm lòng nhiệt thành vì đạo của vị trưởng lão những lời trách ngài không sai, lẽ ra ngài không nên giúp cho một kẻ vô ân bạc nghĩa làm quan, nhất là chức quan to như thế!Ngọc Lâm Quốc Sư chỉ biết đem tâm tình ăn năn nói với vị trưởng lão:
- Bạch Trưởng lão! Người nói thật đúng, Ngọc Lâm và Mã Tuần phủ đều là những người không tốt nên mới khiến Phật giáo ở nơi này gặp nạn, nhưng xin người đừng lo, tôi sẽ có cách làm cho Mã Tuần phủ không dám đến phá chùa Quy Nguyên.
- Đại Đức có cách? Đừng nói chơi! Hòa thượng trụ trì và các thân sĩ địa phương đã dùng hết cách rồi, nhưng cũng vô hiệu, nghe đâu ngày mai Mã Tuần Phủ đích thân đem quân sĩ đến phá chùa!
- Không sao, tôi không những cấm Mã tuần phủ không được phá, mà còn bắt phải sửa sang lại chùa khác. Nhưng phải nhờ Trưởng lão giúp tôi một việc mới xong.
- Sao Đại Đức nói cứng thế? Ngài muốn tôi làm việc gì? Nếu bảo tồn được ngôi Tam Bảo này thì dù có phải làm trâu, làm ngựa tôi cũng vui lòng!
- Giờ xin Trưởng lão đi tìm ngay mấy người làm đến đây, cất một cái chòi cao giữa sân chùa để tôi ngồi trên ấy, rồi bên ngoài viết mấy chữ "Quốc Sư ở đây" thật to, thì dù Mã Tuần Phủ có cả gan đến mấy chăng nữa cũng không dám đụng đến một viên gạch ở chùa Quy Nguyên này.
- Ngài, ngài.... là Ngọc Lâm Quốc Sư?
Vị Trưởng lão rất đổi ngạc nhiên và cũng rất hối hận những lời người vừa nói lúc nãy.
- Bạch Trưởng lão, đó chỉ là hư danh thôi, không đáng quan tâm, vì bảo vệ Phật pháp nên tôi không thể đừng được, mới phải nêu cái hư danh ấy lên!Phong độ đạo mạo và khiêm tốn của Ngọc Lâm Quốc Sư đã làm cho vị Trưởng lão kính phục, vị sư già vui mừng và lập tức đi mượn người đến cất chòi, người sung sướng như đã được trông thấy Phật vậy.Hôm sau, khi chòi được cất xong, Ngọc Lâm Quốc Sư lên ngồi để chờ Mã Tuần Phủ đến, không lâu, quả nhiên ngài thấy một đoàn chừng hơn một nghìn quân sĩ đang từ xa tiến đến, Mã Tuần Phủ ngồi trong một cái xe có tám người kéo.Gần đến chùa Quy Nguyên, Mã Tuần Phủ đã thấy chiếc chòi cao lừng lững trước chùa, lòng ông ta tự nghĩ hôm nay sẽ phá cho bằng hết, ai còn cất chòi lên làm gì thế kia? Đến nơi, ông ta bảo dừng xe lại, bước xuống và đưa mắt nhìn lên chòi, ông ta thấy dựng tóc gáy và mồ hôi toát ra đầy mình. Ngọc Lâm Quốc Sư đang ngồi trên chòi, phía ngoài có mấy chữ "Quốc Sư ở đây", Mã Tuần Phủ vội nằm phục xuống đất, hơn một nghìn quân sĩ đứng há hốc miệng, vị Trưởng lão thấy thế, nói lớn:
- Quốc Sư ở đây sao các người không quỳ xuống để bái kiến?
Nghe xong, quân sĩ vội vàng quỳ cả xuống, cảnh tượng lúc ấy trông như một triều đình có văn, võ bá quan triều phục!
Ngọc Lâm Quốc Sư bảo Mã Tuần Phủ:
- Tiểu Mã! Ngẩng đầu lên!
- Quốc Sư ở trên, tiểu nhân không dám ngẩng đầu?
- Ngươi là kẻ vô ân bạc nghĩa, không trọng chữ tín, ta nói với ngươi những gì, ngươi còn nhớ không?
- Xin Quốc Sư rủ lòng thương, tiểu nhân vẫn còn nhớ!
- Vẫn còn nhó? Thế hôm nay ngươi đem quân sĩ đến đây làm gì?
- Đó là..... tội đáng chết của tiểu nhân xin cúi đầu, mong Quốc Sư mở lượng từ bi, tiểu nhân không dám có ý nghĩ phá chùa nữa, và từ nay trở đi xin nhiệt thành ủng hộ Phật pháp, nếu không xin chịu tội hết!Mã Tuần Phủ dập đầu xuống sân gạch, Ngọc Lâm Quốc Sư thấy con người đáng ghét mà cũng đáng thương, đối với kẻ phản phúc không thể không dạy răn, bởi vậy, ngài nói với Tiểu Mã:
- Tiểu Mã, ta hẹn cho ngươi trong vòng nửa tháng, ngươi phải sửa sang lại ngôi chùa này, trang hoàng các tượng Phật, mà phí tổn người phải chịu hoàn toàn, không được trích của công, ngươi có chịu không?
- Dạ, Tiểu nhân xin chịu trách nhiệm hoàn toàn, tạ ơn Quốc Sư!
- Tha cho ngươi lần đầu, lần sau mà còn hành động phá hoại Phật pháp, nhất định ta sẽ trị tội, thôi, cho dậy!
Tiểu Mã đứng dậy, rồi như mèo mất tai, cắm đầu kéo quân rút lui.
Buổi chiều hôm ấy Mã Tuần Phủ đưa thợ nề, thợ sơn đến chùa Quy Nguyên, lúc này ông ta không còn dám hống hách. Vị Trưởng lão thấy thế, rất sung sướng và cảm động, tuy tuổi hạc của người hơn Ngọc Lâm Quốc Sư nhiều, song người mặc cà sa ra làm lễ cảm tạ Quốc Sư, Quốc Sư từ chối, và ngài cũng luôn tay vái vị Trưởng lão.
Sau khi từ giả vị Trưởng lão ở chùa Quy Nguyên, Ngọc Lâm Quốc Sư, như hạc nội mây ngàn, lại đặt chân lên đường muôn dặm. Hai năm trước, lúc hòa thượng Thiên Ẩn viên tịch, ngài trở về chùa Sùng Ân một lần, núi Chính Giác ngài vẫn nhớ, Thiên Hoa Am cũng không thể hoàn toàn lãng quên. Hình ảnh sư huynh Ngọc Lam và ni cô Giác Chúng thường lởn vởn trong đầu óc ngài. Nhưng ngài chỉ nghĩ thế thôi, chứ không có ý định đến gặp họ, người đã được độ rồi thì cần gì ngài phải đến? Cõi đời còn biết bao nhiêu người đau khổ, cô đơn, không người giúp đỡ, không ai an ủi, cho nên, ông cụ già chèo thuyền bảo ngài đến thăm Thiên Hoa Am, ngài thấy không cần thiết.
Rời chùa Quy Nguyên, Ngọc Lâm Quốc Sư đi đến chùa Giang Thiên ở Kim Sơn, ngài dấu tên tuổi và ở lại đây tham thiền ít lâu, và cũng chính ở đây, ngài đã liễu ngộ thiền cơ. Năm ấy Ngọc Lâm Quốc Sư đã 63 tuổi, sau khi liễu ngộ, ngài thấy trên bước đường tu hành không còn gì có thể trở ngại, ngài liền chu du các nơi tùy duyên hóa độ chúng sinh.Ngài cứu giúp không biết bao nhiêu người thoát khỏi khổ nạn, ngài khuyến khích tăng đồ đi vân du tham học để hỏi Đạo; mỗi khi gặp thiên tai, ngài tổ chức các cuộc cứu tế, ngài qua cả Nam Dương để cổ động phong trào truyền bá Phật giáo có tính cách quốc tế, khi ở Nam Dương về, ngài đem theo một cây Bồ Đề nhỏ và hiện giờ vẫn còn um tùm xanh tốt tại chùa Sùng Ân.
Trong những năm Ngọc Lâm Quốc Sư đi chu du hành hóa, ngài nghe nói, ở Thiên Hoa Am, Giác Chúng và các sư ni cũng thường mở hội giảng kinh, thuyết pháp, nhất là hàng năm, cứ đến mùa đông giá rét, Giác Chúng lại mua gạo và quần áo phát cho những người nghèo khổ, điều đó làm cho Ngọc Lâm Quốc Sư hoan hỉ vô cùng. Núi Chính Giác đã trở thành một Đại Tùng Lâm, có hàng trăm tăng chúng.
Thế sự vô thường, đời người như mộng, cái thân hình đẹp đẽ tuấn tú của Ngọc Lâm Quốc Sư rốt cuộc cũng suy tàn, già yếu, mấy năm sau này, trông ngài như một vị lại đầu đà, một chiếc gậy, một gói cà sa, lang thang đây đó, không còn ai nhận ra ngài là Ngọc Lâm Quốc Sư.
Một hôm ngài đến Giang Tô thì thấy trong mình mỏi mệt, cây già chắc phải cỗi, ngài đã biết trong mình. Do đó ngài lưu lại ở chùa Pháp Vương. Pháp Vương là một cảnh chùa đã suy đồi, ngài thấy rất thương tâm, ngài bèn quyết định đem tấm thân tàn để trùng tu lại chùa Pháp Vương mong gây chút Pháp duyên cuối cùng.Ngọc Lâm Quốc Sư liền nói với thầy tri khách trong chùa:
- Bạch thầy tri khách: lão tăng xin tá túc mấy ngày.
Thầy tri khách hỏi:
- Lão tăng ở đâu đến và sẽ định đi đâu?
- Từ chỗ không đến mà đến, và sẽ đi đến chỗ không đi!
- Không cần dùng thiền ngữ. Thầy tri khách nói.
- Chùa chúng tôi nhỏ, không có thiền thất để tiếp lão tăng.
Ngọc Lâm Quốc Sư đổi giọng nói:
- Tôi đau, xin cho nghỉ ở đây ít bữa!
- Lão tăng tuổi tác quá thế này, ngộ có mệnh hệ nào, bản tự lo liệu làm sao?
- Xin đừng lo, tôi có một chiếc quạt và hai phong thư, không những không phiền lụy đến quý tự, mà nơi Đạo Tràng này chắc chắn cũng nhờ đó mà được chấn hưng.
Thầy tri khách bán tín bán nghi, nhưng là người đồng đạo, không thể từ chối, cho nên thầy phải nhận lời của Ngọc Lâm Quốc SựChưa được mấy hôm thì Ngọc Lâm Quốc Sư viên tịch! Ngài ngồi xếp bằng trên giường, tuy đã viên tịch, nhưng trông như người đang tham thiền.Vì thấy Ngọc Lâm Quốc Sư viên tịch một cách bất ngờ, chúng tăng trong chùa đều hoảng sợ, thầy tri khách vội tìm chiếc quạt và hai phong thư di chúc của ngài. Hai phong thư đó, một gửi cho sư huynh Ngọc Lam trên núi Chính Giác, một gửi cho Giác Chúng ở Thiên Hoa Am. Giác Chúng và Ngọc Lam là những người thế nào? Trong chùa Pháp Vương không ai biết cả, khi dở chiếc quạt ra coi thì thấy bốn chữ "Như Trẫm Thân Lâm" và dưới mấy chữ có đóng con dấu bằng ngọc mang tên Thuận Trị Hoàng Đế.
- Ái chà! Đây là ai? Thuận Trị Hoàng Đế đã băng hà rồi, có lẽ vị khách tăng này là Ngọc Lâm Quốc Sư? Thầy tri khách kinh ngạc hỏi vị trụ trì và giám viện.Vị trụ trì cầm lấy chiếc quạt xem, rồi nói:
- Nếu ngài là Quốc Sư thì chúng ta không thể mở được hai phong thư di chúc này, chúng ta đâu được phép động đến vật của Quốc SựVị trụ trì quyết định:
- Trên chiếc quạt của ngài đã có mấy chữ "Như Trẫm Thân Lâm", chúng ta không thể để ở đây được, phải đưa trình quan huyện địa phương, một mặt cho người cầm hai phong thư này tìm đến núi Chính Giác và Thiên Hoa Am để trao tận tay cho người nhận.
- Bạch hòa thượng - Thầy tri khách nói với trụ trì - Ngài thường nói hai phong thư và chiếc quạt này có thể giúp chúng ta trùng tu lại ngôi Đạo Tràng này!
- Ngài nói thế hả? Nếu thật là một vị Quốc Sư mà viên tịch ở cảnh chùa nhỏ bé này, điều đó là một vinh dự lớn cho chúng ta, ngài viên tịch mà còn làm ích lợi cho đạo, thật là một vị Quốc Sư đáng kính!Vị trụ trì vừa nói vừa đưa đôi mắt cung kính nhìn di hài của Ngọc Lâm Quốc Sư. Nhưng vị giám viện thì cảm thấy xấu hổ và trong lòng ân hận vô cùng:
- Xấu hổ! Trong khi ngài đau yếu, chúng ta đã không săn sóc đến nơi đến chốn!
Thầy tri khách nói về bệnh trạng của ngài:
- Tôi thấy như ngài đã biết trước ngày giờ viên tịch. Ngài chẳng đau ốm gì cả, vì quá già yếu nên trông chỉ có vẻ mỏi mệt mà thôi.
Khi quan huyện Hoài An thuộc Giang Tô biết tin Ngọc Lâm Quốc Sư đã viên tịch ở huyện mình tức khắc đưa hương án đến để tiếp rước chiếc quạt "Như Trẫm Thân Lâm", rồi báo về triều đình. Không bao lâu thì tiếp được thánh chỉ của Hoàng Đế Khang Hy, ra lệnh làm lễ Quốc Táng, lại phái đại thần trong triều về chủ tọa lễ Quốc Táng, và trùng tu chùa Pháp Vương, xây tháp kỷ niệm Ngọc Lâm Quốc SựNgọc Lâm Quốc Sư để lại hai phong thư cho Ngọc Lam và Giác Chúng, trong thư nói gì, điều đó không ai biết, người ta chỉ biết hôm làm lễ hỏa táng, Ngọc Lam, Giác Chúng, Giác Đạo, và Đạo Hoằng (Pháp danh của Thúy Hồng sau khi đã xuất gia) đều có mặt trong số năm vạn người đến cử hành lễ hỏa táng. Hình hài của Ngọc Lâm Quốc Sư tan theo ngọn lửa trà tỳ bốc lên, nhưng tấm lòng vì Đạo và thương người của ngài vẫn còn trong hai phong thư di chúc tồn tại với núi sông.
Hết