Tin Ngọc Lâm bị bắt đến tai Giác Chúng như một tiếng sét long trời, mắt nàng trợn lên, miệng nàng há hốc, không thốt được lời nào.Điều đó dù ngay trong chiêm bao cũng không thể có, chứ đừng nói chi một sự thật trước mắt nữa; "Ngọc Lâm giết người đoạt của", không. Giác Chúng không thể tin được việc ấy.Nhưng tại sao chuỗi tràng của Ngọc Lâm lại nằm trong tay nạn nhân? Và tại sao tiền bạc và các đồ nữ trang của nạn nhân lại ở trong gói cà sa của Ngọc Lâm? Điều đó không những làm cho Giác Chúng suy nghĩ nát óc, mà tất cả mọi người trong chùa đều cho là một vụ án mạng hết sức ly kỳ!Nói là Ngọc Lâm giết người để lấy của thì phi lý, vì tiền của và cả sắc đẹp nữa ở trong tướng phủ thầy còn chẳng thèm, thế rồi hôm qua biếu thầy một gói phẩm vật, thầy cũng thờ ơ như không, một chút tiền bạc nữ trang của một con hầu gái đáng kể vào đâu mà bảo thầy giết người để lấy của?
Suy đi nghĩ lại, Giác Chúng cho đó là một án mạng rất bí ẩn, nhất định Ngọc Lâm bị oan uổng, dựa vào quyền thế của tướng phủ tuy có thể cứu được thầy, nhưng làm thế nào để rửa sạch tiếng oan? Nghĩ đến đây nàng cảm thấy thương Ngọc Lâm vô cùng.Lập tức Giác Chúng sai Thúy Hồng đến nói với Ngô Sư Gia, lấy danh nghĩa của tướng phủ viết một bức thư bảo chứng cho quan huyện, nói là dù thế nào chăng nữa cũng không được đối xử với Ngọc Lâm như những phạm nhân khác.Một lát sau, Thúy Hồng trở về nói, Ngô Sư Gia cho rằng đó là một vụ án giết người, không nên dựa vào uy quyền của tướng phủ làm cho linh hồn người chết không được thân oan, mong tiểu thư đừng quá vì cảm tình cá nhân.Nghe xong, Giác Chúng hằm hằm nổi nóng nàng tự nghĩ Ngô Sư Gia là kẻ lòng lang, dạ thú, chỉ vì bất mãn với Ngọc Lâm hôm kiếm chuyện mà giờ nỡ khoanh tay ngồi nhìn như thế.Ngay lúc đó Giác Chúng đích thân viết một phong thư, rồi sai Thúy Hồng đưa vào cho quan huyện họ Lưu. Trong thư nàng kể rõ nhân cách và lòng từ bi của Ngọc Lâm, xưa nay chỉ mong cứu người còn chưa đủ, huống chi lại có hành động sát nhân? Trong vụ này còn có nhiều uẩn khúc, mong quan huyện minh xét, đừng để cho người hiền lương phải oan uổng.
Trong khi viết thư, bao nhiêu việc đã qua lại lần lượt diễn ra trong óc Giác Chúng như một cuốn phim, từ khi mới gặp Ngọc Lâm trên Đại Hùng Bảo Điện ở chùa Sùng Ân, cho đến đêm động phòng hoa chúc bị Ngọc Lâm thuyết phục, làm nàng cảm động; rồi từ khi Ngọc Lâm bỏ tướng phủ trở về chùa Sùng Ân cho đến hôm thầy tới Thiên Hoa Am mới được trùng phùng, nàng thấy lúc nào Ngọc Lâm cũng tỏ ra một ý chí sắt đá, thiết tha vì đạo, lúc nào cũng biểu dương một tinh thần cứu người giúp đời ai ngờ đâu một người đáng tôn kính như thế chỉ vì mình muốn giữ lại mấy hôm, đến phải gặp sự rủi ro thế này, thật là một việc ngoài sức tưởng tượng!
Giác Chúng viết xong, trao bức thư cho Thúy Hồng, nói:
- Thúy Hồng, con đưa phong thư này lên quan huyện, nói là cô mong người phải điều tra thêm để tìm hung thủ, và trả tự do cho Ngọc Lâm vì người là thầy của cô, hơn nữa thầy không phải là kẻ giết người!
- Nhưng chuỗi tràng của thầy và tiền bạc trong khăn gói, thật cũng khiến người ta khả nghi? Thúy Hồng đỡ lấy phong thư từ tay tiểu thư, nàng có cảm tưởng là một tội trạng khó bào chữa.
- Con cũng có thể tin thầy Ngọc Lâm tham của giết người, hả Thúy Hồng?
Hình ảnh cao cả và tinh khiết của Ngọc Lâm lại hiện ra trong óc Giác Chúng không hề vì câu nói của Thúy Hồng mà lòng nàng lay chuyển.
- Ý con không phải nghi ngờ cho thầy - Thúy Hồng đáp - Cô muốn cứu thầy, nhưng làm thế nào để phủ nhận những chứng cứ ấy? Mà dù thầy có được tha chăng nữa, danh dự cũng tổn thương rất nhiều, làm thế nào để rửa sạch được vết nhơ ấy!
- Thúy Hồng, con nói rất đúng! Nhưng tại sao chuỗi tràng của thầy lại ở trong tay nạn nhân? Và tiền bạc, tư trang của nạn nhân lại nằm trong khăn gói của thầy?
- Điều đó phải hỏi thầy mới biết được.
- Thầy Ngọc Lâm giết người thật sao? Giác Chúng la lên thất thanh, hai hàng nước mắt ứa ra, và lảo đảo đi vào giường.
- Không! Không! Điều đó phải hỏi chính kẻ đã giết Thúy Ngọc mới được!
Thúy Hồng vội cải chính lời mình vừa nói.
- Ai nỡ giết nó? Nó mới đến chưa ở được bao lâu, chẳng ai thù hằn gì nó, vậy người nào đang tâm hại nó?
- Vấn đề khó ở chỗ đó!
- Thôi, việc ấy sẽ nói sau, giờ con hãy đưa ngay bức thư này đi, cô ở nhà đợi tin con!
Thúy Hồng cầm phong thư đi ra, dọc đường nàng nghĩ cũng thương tâm và gần như muốn khóc! Nàng nghĩ Ngọc Lâm là một người không những tiểu thư quí mến, kính phục, mà chính nàng cũng đã được thầy cảm hóa rất nhiều.Khi nàng đến cửa huyện Nghi Hưng, lính gác cửa thấy nàng còn trẻ tuổi mà dám đến huyện, nhìn nàng một lượt từ đầu đến chân, rồi hỏi nàng đến có việc gì?Thúy Hồng kiêu hãnh đưa phong thư của Vương tiểu thư ra, ngoài bao thư, một con dấu trong văn phòng tướng phủ đỏ chói, thấy thế, chú lính gác cửa vội đưa nàng vào gặp quan huyện Nghi Hưng.Quan huyện họ Lưu tiếp được thư của Giác Chúng tỏ vẻ tươi cười, nhưng sau khi xem xong thư, mặt ông lại sa xuống.
- Rất tiếc chúng tôi không thể làm theo như lời chỉ thị trong thư.
Giọng nói của quan huyện vừa nghiêm nghị, vừa sợ sệt.
- Ngài nghĩ thế nào? Thúy Hồng vội hỏi.
- Chúng tôi không thể phóng thích sư Ngọc Lâm mới bị bắt sáng ngày!
- Tại sao? Thúy Hồng mở to đôi mắt và tim nàng đập mạnh.
- Chúng tôi vừa mới lấy khẩu cung, sư Ngọc Lâm đã thú nhận là ông có giết người!
- Người đã thú nhận?
Thật là một việc không thể tưởng tượng, nghe xong, Thúy Hồng thấy hoa cả mắt, trời đất như muốn sụp đổ.
- Vâng. Đây là bản khẩu cung - Quan huyện trao bản ghi lời thú nhận của Ngọc Lâm cho Thúy Hồng - Luật pháp nhà Thanh đã quyết định không được phóng thích một người đã thú nhận tội lỗi!Thúy Hồng nhìn qua loa rồi cố nén xúc động:
- Thưa lão gia, đây là điều oan uổng!
- Phép nước rất công bình, dù cho con vua, cháu chúa cũng không được miễn. Chúng tôi không ức hiếp, đánh đập, bắt người phải thú nhận, mà trước công đường, tự người đã khai như thế!Thúy Hồng biết rằng lúc này nói nhiều cũng vô ích, nàng muốn gặp hẳn Ngọc Lâm để hỏi ra nhẽ tại sao thầy lại làm một việc dại dột như vậy. Bởi thế nàng nói:
- Thưa, tôi có được phép gặp thầy Ngọc Lâm một chút không?
- Ngọc Lâm phạm tội giết người, đáng lý không ai được gặp, song tôi cũng biết tể tướng và Thiên Kim Tiểu Thư rất kính trọng người
này, nên tôi để cô vào thăm.
Thúy Hồng nắm được cơ hội ấy, nhìn quan huyện họ Lưu một cách rất dịu dàng:
- Ngài đã biết tể tướng và tiểu thư rất kính trọng người ấy, thế sao ngài không tìm cách cứu người?!
Viên quan huyện công minh, chính trực đúng như thừa tướng họ Bao đời Tống:
- Song cảm tình cá nhân không thể đưa ra nói trước pháp luật được.
Thúy Hồng thất vọng:
- Xin ngài đưa tôi đến gặp thầy vậy!
Trước mặt người hầu cận trong tướng phủ, viên quan huyện tỏ ra rất lễ độ, dẫn Thúy Hồng đến chỗ Ngọc Lâm.
Sau khi bị bắt, Ngọc Lâm cũng được biệt đãi, không bị giam chung với các phạm nhân khác trong ngục thất, thầy được giam riêng trong một căn phòng nhỏ tối tăm. Khi vào phòng thầy ngồi xếp bằng, nhắm mắt tư duỵThoạt thấy Ngọc Lâm, Thúy Hồng rớt nước mắt, nàng đứng bên cạnh thầy, nghẹn ngào nói không thành tiếng.Thân hình Ngọc Lâm như một cây khô chơ vơ giữa mùa đông giá lạnh, khiến người ta trông thấy liền phải mủi lòng, Ngọc Lâm khẻ
mở đôi mắt nhìn Thúy Hồng.Sau một lúc lâu, Thúy Hồng lau nước mắt, nói:
- Tiểu thư cho tôi đến thăm thầy.
- Đa tạ!
- Chúng tôi không tin là thầy giết người!
- Bằng chứng tỏ rõ như thế.
- Thế tại sao thầy giết nó?
- Cô không phải quan tòa, tôi không muốn nói với cô.
- Thầy thật dại, dù thầy có giết chăng nữa, cũng không nên thú nhận vội như thế, tôi cứ tưởng thầy là người thông minh.
- Việc này cô không thể hiểu được, đời nhiều cái rối ren lắm, tôi làm thế để cắt bớt sự rối ren đi. Tôi rất hài lòng được cơ hội này để tiến bước trên đường tu hành và làm một việc có ý nghĩa!
- Song trước kia thầy là người rất trọng danh dự và thể diện, sao bây giờ thầy lại không tiếc gì đến nhân cách thanh khiết của thầy?
Nghe Thúy Hồng nói đến đây, Ngọc Lâm kinh ngạc, thầy không ngờ một tỳ nữ mà hiểu sự lý đến thế, nhưng dĩ nhiên Ngọc Lâm còn thấy xa hơn nàng nhiều, nên mặc dầu Thúy Hồng nhắc nhở, thầy vẫn không thay đổi sắc diện.Có bao giờ Ngọc Lâm không nhớ đến điều mà Thúy Hồng vừa nói? Thầy cũng biết người ta sống trên đời cần nhất phải có nhân cách thanh khiết; lúc thầy vào làm rể trong tướng phủ mà không đam mê tài sắc, đó cũng là do nhân cách thanh khiết! Người có nhân cách thanh khiết mới xứng đáng là người và cuộc sống mới có giá trị! Nhưng khoảng vài tháng nay, Ngọc Lâm lại nẩy ra một nhân sinh quan khác. Gần đây thầy ngồi tham thiền, tư duy, trong cảnh giới vắng lặng, thầy đã nhận rõ thêm được trò đời. Cái gọi là nhân cách thanh khiết ở đời, cũng không có tiêu chuẩn nhất định, đó chẳng qua chỉ ăn thua ở chỗ khéo léo che dấu hoặc không khéo che dấu mà thôi. Một viên quan tham ô, hủ hóa, nhưng khéo che mắt dân chúng, thì ai cũng tôn trọng, quí mến; còn những bậc chí sĩ, hiền tài, can đảm nói lên ý nguyện của mình, và những điều bất công trong xã hội, thì thường bị coi là phản động và có khi phải chịu cực hình. Cõi đời này là một cõi vĩnh viễn không bao giờ có được công bằng; những kẻ có quyền thế và nhiều mưu mô quỉ quyệt, họ có thể bảo trái là phải, còn những người thật thà, yếu thế thì dù có phải cũng bị người ta cho là trái. Người đời hình như chỉ thích hào nhoáng, giả dối chứ không ưa tìm lẽ chân thật trong cái giản dị. Nhân cách của sư huynh Ngọc Lam có gì khuyết điểm, nhưng chỉ vì sư huynh không thích phô trương ra ngoài, cho nên ai cũng cho sư huynh là người điên khùng; chính mình không giết người, nhưng lúc này bao nhiêu người đều cho mình là kẻ sát nhân. Biết thanh minh nổi oan uổng đó với ai bây giờ? Mà dù có thanh minh cũng là một điều phiền phức! Hơn nữa, người tu hạnh Bồ Tát, chỉ cốt làm lợi cho chúng sinh, chứ không được hại người. Nhịn những điều mà người khác không nhịn được, làm những việc mà người khác không thể làm được, đó mới là việc của người học đạo!Ngọc Lâm lại tự nghĩ đời này đã có người mưu toan hảm hại thầy, chẳng qua đó là nghiệp báo kiếp trước của thầy, để trả cho xong món nợ tiền kiếp, tốt hơn là thầy yên lặng chịu sự oan uổng đó! Vả lại, sự thú nhận của thầy có thể làm cho kẻ sát nhân phải cảm động để lần sau họ đừng nhúng tay vào máu. Lấy đức báo oán, Ngọc Lâm chủ trương như vậy. Đồng thời, thầy lại nghĩ đến chân lý "nhất thể" giữa thầy và chúng sinh, và nguyên lý oán, thân đều bình đẳng. Nếu thầy không tự nhận, tất nhiên phải có người khác
chịu tội, mình được thoát thân mà khiến cho người khác phải khổ, thì nhất định thầy không làm. Đem tấm thân này hy sinh cho kẻ khác không phải là luống phí một kiếp người!
Trước mắt, tuy có nhiều người hiểu lầm, cho thầy là thủ phạm, song cái mà người đời thấy và biết đều là sai lầm, vỗn dĩ đã như thế rồi, thầy không phàn nàn, thầy chỉ cần chân lý đừng phụ thầy là đủ.
Vì có tư tưởng cao cả và bao dung như thế, nên Ngọc Lâm không bị một cảm giác áo não dày vò. Vinh hoa, phú quí, sinh tử luân hồi, tất cả chỉ là hoa giữa hư không và trăng dưới đáy giếng. Ngọc Lâm thấy tâm hồn thanh thoát vô cùng!
- Thúy Hồng - Ngọc Lâm khẽ gọi - đó là nghiệp báo của tôi, việc riêng của tôi, không can gì đến các cô, cô hãy về đi! Tôi không mong cô đến thăm tôi trong ngày cuối cùng của tôi trên cõi đời này!Câu nói của Ngọc Lâm như một mũi dao xuyên thẳng vào tim Thúy Hồng, bất giác nàng oà lên khóc, và nói trong giọng nức nở:
- Xin thầy đừng nhắc lại những lời vô tình ấy nữa, thầy cứ yên tâm ở đây, tai nạn của người ta cũng có ngày hết, nhất định tiểu thư sẽ minh oan cho thầy, ngày mai tôi lại đến....
Ngọc Lâm gàn và dọa Thúy Hồng:
- Thế cô không sợ tôi giết cô để đoạt của à!
- Giả sử tôi được chết trong tay thầy thì đó là duyên phúc và cũng là sự quang vinh của tôi!
Ngọc Lâm nói thế cốt để Thúy Hồng đừng vào thăm thầy nữa. Nhưng Thúy Hồng đã hiểu và quí mến thầy, nên không hề sợ lời dọa ná của thầy.
Quan huyện họ Lưu lễ phép và trang trọng đứng ngoài cửa hỏi:
- Cô còn nói gì nữa không?
- Về đi, Thúy Hồng! Nói xong, Ngọc Lâm nhắm mắt lại.
Những giọt lệ lại từ từ lăn xuống hai gò má Thúy Hồng, bất đắc dĩ nàng phải kéo lê những bước nặng nề rời khỏi phòng của Ngọc Lâm.
Thúy Hồng theo sau quan huyện, nàng nói:
- Thầy Ngọc Lâm không phải là thủ phạm đã giết người, ngài đừng cho những lời thú nhận của người là thật. Ngài nên đối đãi với người tử tế, nếu vô lễ với người tức là các ngài coi thường Vương tiểu thư và thể diện của tướng phủ. Vì ngoài Vương tể tướng và Vương phu nhân ra, thầy là một vị sư mà mọi người trong tướng phủ đều kính trọng!
Mặc dầu làm việc theo nguyên tắc và luật pháp, quan huyện họ Lưu cũng không dám khinh thường quyền uy của tướng phủ, nên ông chỉ gật đầu lia lịa.
Trên đường về Thiên Hoa Am, Thúy Hồng tự nghĩ nếu tiểu thư biết Ngọc Lâm đã thú nhận tội lỗi, chắc phải khóc đến đứt ruột!.