Thời gian như một giòng nước lặng lẽ trôi qua. Ngọc Lâm Quốc Sư sống với hơn 70 đồ đệ trên núi Chính Giác, họ hết lòng kính mến ngài, họ vâng theo những điều ngài chỉ dạy; từ sau ngày thế phát quy y, họ đã thay đổi hoàn toàn, họ cố gắng tu học để gột rửa thân tâm. Tiếng mõ sớm chuông chiều từ chùa Chính Giác vọng lên giữa một khoảng rừng núi âm u, hùng vĩ, như để thức tỉnh những kẻ lầm đường, lạc lối, trở về với đạo Chính Giác. Ngọc Lâm Quốc Sư thường ngày thuyết pháp cho họ nghe để mọi người được tắm gội trong ánh Từ Quang của Tam Bảo, giờ đây, họ không còn cảm thấy sợ hãi, chỉ thấy yên vui, không còn tham giận, chỉ thấy hòa bình; Ngọc Lâm Quốc Sư sống với họ thấm thoát đã được hai năm.
Một hôm Giác Đạo đi chợ về, lên nói với Ngọc Lâm Quốc Sư:
- Bạch sư phụ, hôm nay con thấy trên cửa thành An Khánh dán một tờ thánh chỉ của Thuận Trị Hoàng Đế, nói rằng Thuận Trị Hoàng Đế tưởng nhớ Quốc Sư, nên truyền chỉ cho toàn quốc để kính thỉnh Quốc Sư về Kinh, lại ra lệnh cho các quan lại khắp nơi, hễ thấy Quốc Sư ở đâu, phải sắp đặt kiệu, võng rước Quốc Sư về.Ngọc Lâm Quốc Sư chú ý nghe nhưng không nói gì cả. Giác Đạo lại tiếp:
- Bạch sư phụ, trong hai năm qua, trừ việc cần phải đi mua dầu, muối ra, chúng con rất ít xuống đồng bằng, nhưng mỗi lần xuống, chúng con thỉnh thoảng lại nghe thấy người ta kháo nhau rằng, núi Chính Giác vốn là sào huyệt của những tay tổ giặc cướp, từ sau khi có một vị du tăng đến hóa độ, bọn cướp đã cải tà quy chính; họ rất khen ngợi sự tu hành của chúng con, và ca tụng đức hạnh của sư phụ. Tin ấy càng truyền rộng, và các tín đồ ở An Khánh đều biết hết; nghe đâu họ cũng sắp kéo nhau lên đây lễ bái sư phụ.Nghe xong, Ngọc Lâm Quốc Sư chỉ gật đầu rồi mỉm cười, chứ không nói chi cả. Dĩ nhiên trong tâm ngài đã có chủ ý riêng.
Một hôm, Ngọc Lâm Quốc Sư cho triệu tập tất cả đồ đệ ở giảng đường, rồi với nét mặt hiền từ, giọng nói trìu mến, ngài nói với mọi người:
- Thầy có duyên ở đây với các con đã được hai năm rồi, các con đều ngoan ngoãn, biết an phận nghèo, vui việc Đạo, thầy rất vui mừng khi thấy các con đã tiến bộ nhiều trên bước đường tu học. Nhưng bổn phận người xuất gia là phải Hoằng Pháp, Lợi Sinh, thầy không thể ở yên một chỗ với các con mãi mãi, thầy vẫn còn có nhiều việc phải làm; hiện giờ Hoàng Thượng muốn gặp thầy, lúc đầu ngài có hứa với thầy là "Trị nước mười năm, chấn hưng Phật Giáo mười năm", ngày mai thầy sẽ hạ sơn để về Kinh trước, nếu không các quan địa phương biết lại đón với rước thì phiền phức lắm. Sau khi thầy đi, các con phải cố gắng tu học như thường, tất cả các việc các con phải theo Giác Đạo. Thầy từng nói với các con là sư phụ của thầy đã già rồi, ngài rất ít đi đâu, nhưng thầy còn có sư huynh Ngọc Lam, đạo hạnh của người cao xa hơn thầy nhiều, nếu thầy gặp được người, thầy sẽ mời người đến đây dìu dắt các con.
Các con không được đi cầu danh lợi, không được nói với ai thầy là sư phụ của các con, các con là đồ đệ của Quốc Sư, người xuất gia tu hành phải bỏ hết ý niệm quyền uy, thế lực.Ngọc Lâm Quốc Sư nói làm cho mọi người cảm động, họ biết sư phụ về Kinh để Hoằng Pháp độ sinh, họ vừa mừng rỡ vừa buồn rầu!
Lại vẫn như xưa, một manh áo nâu, một đôi dép cỏ, một gói cà sa, một chiếc bình bát, Ngọc Lâm Quốc Sư từ từ xuống núi. Khi ngài được suy tôn làm Quốc Sư trong hoàng cung, ngài không có thêm một vật gì, mà lúc đi chu du hành hóa, ngài cũng không bớt đi vật gì. Sau khi từ giã các đồ đệ trên núi Chính Giác, ngài không vội vàng về Kinh ngay, dọc đường hễ gặp duyên, ngài không quên giáo hóa chúng sinh, nhưng ngài vẫn không muốn cho ai biết ngài là Quốc SựTừ núi Chính Giác đến thành An Khánh chỉ có hai ngày đường, thế mà Ngọc Lâm Quốc Sư đi mất hơn mười hôm, mỗi khi thấy ngôi chùa nào là ngài lại ghé vào vãng cảnh.
Khi đến thành An Khánh, ngài vào nghỉ trong một ngôi chùa, ở đây, ngài được biết một tin rất mừng: cách đấy vài ba hôm, các tín đồ ở An Khánh lên lễ trên núi Chính Giác về nói rằng, vị tân trụ trì chùa Chính Giác hiện nay là Ngọc Lam Đại Sư, sư huynh của Ngọc Lâm Quốc Sư, rằng họ đã quy y Đại Sư rồi; và dân chúng ở An Khánh đang náo nức sửa soạn lên chiêm bái sư huynh của Quốc Sư.
Nghe tin ấy, Ngọc Lâm Quốc Sư vô cùng hoan hỉ, tự biết sư huynh cố ý lánh ngài, song tất cả công việc của ngài đã được sư huynh giúp đỡ rất nhiều. Chẳng hạn lần này, sư huynh không đến sớm hẳn, mà cũng không đến muộn hẳn, nhằm đúng lúc ngài rời khỏi núi Chính Giác, sư huynh mới đến. Ngài tự nghĩ núi Chính Giác cũng cần phải có một người đạo cao, đức trọng như sư huynh ở để lãnh đạo đám đồ đệ của ngài. Nhìn qua tình hình thì một ngày gần đây sẽ có rất nhiều các vị khách tăng đến chiêm bái trên núi Chính Giác, mà vấn đề lương thực trên núi thì Ngọc Lâm Quốc Sư đã biết rõ, ngài cảm thấy rất băn khoăn cho sư huynh Ngọc Lam.Ngọc Lâm Quốc Sư lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình về Kinh. Hôm ấy, đang đi ngài gặp một đoàn xe bò hơn mười chiếc, chở đầy hàng hóa, đều viết mấy chữ: "Núi Chính Giác", Ngọc Lâm Quốc Sư hoài nghi, liền hỏi một người phu đánh xe:
- Các anh chở các thứ gì trên xe và chở đi đâu vậy?
Anh phu xe đưa tay gạt mấy giọt mồ hôi trên trán, đáp:
- Bạch sư cụ, chúng tôi chở lương thực và các thứ cần dùng hàng ngày, chả là có một vị Đại sư tên là Ngọc Lam đến Thiên Hoa Am khuyến hóa ni cô Giác Chúng, bởi thế ni cô cho chúng tôi chở các thứ này đến núi Chính Giác. Bạch sư cụ, có phải sư cụ từ núi Chính Giác về không ạ? Từ đây đến núi Chính Giác còn bao xa ạ?Nghe xong, bao nhiêu tình cảm phức tạp lại thay nhau nổi lên trong đầu óc Ngọc Lâm Quốc Sư; ngài vừa vui mừng, vừa cảm kích, lòng nhớ tưởng Ngọc Lam và Giác Chúng càng tăng thêm. Nhưng ngài thản nhiên nói với người phu xe:
- Từ đây đến núi Chính Giác còn chừng hai ba ngày đường nữa thôi, nhờ anh nói hộ Ngọc Lam đại sư là sư đệ người gửi lời kính thăm!Anh phu xe chẳng biết là mô tê gì, song cũng cứdạ dạ, vâng vâng, Ngọc Lâm Quốc Sư bảo họ đi và ngài cũng cất bước.Ngọc Lâm Quốc Sư muốn đến Thiên Hoa Am thăm Giác chúng để khuyến khích nàng tinh tiến trên đường học đạo, trong lòng ngài cũng cảm thấy mình có trách nhiệm lớn lao đối với việc xuất gia của Giác Chúng. Từ khi xa cách Giác Chúng đã năm sáu năm nay, ngài chưa gặp lại nàng lần nào, không biết đời sống của Giác Chúng trong mấy năm nay ra làm sao? Ngọc Lâm Quốc Sư dĩ nhiên cũng có lúc nghĩ đến vấn đề đó. Hiện giờ vì thấy Giác Chúng cho chở các thức ăn đến cúng sư huynh Ngọc Lam, ngài mới nảy ra ý nghĩ về thăm nàng một lần, nhưng liền sau đó, ngài lại buông một tiếng thở dài, rồi bỏ ý định ấy.
Vì không đến thăm Giác Chúng, nên Ngọc Lâm Quốc Sư nhắm thẳng đường đi Bắc Kinh. Ngày qua ngày, đi rồi nghỉ, nghỉ rồi lại tiếp tục lên đường, một hôm ngài ngồi trên một chiếc thuyền ngược giòng sông. Trên thuyền có ít hành khách, gió yên, sóng lặng, bầu trời xanh ngắt, Ngọc Lâm Quốc Sư tay cầm chuỗi tràng, miệng lẩm nhẩm niệm Phật.Thỉnh thoảng ngài ngừng niệm Phật, nhìn xuống mặt nước, ngài hồi tưởng năm sáu năm về trước, cũng vì đáp thuyền qua sông mà may mắn gặp Thuận Trị Hoàng Đế, rồi được tôn làm Quốc Sư, hết thảy việc đời hình như đều do nhân duyên xếp đặt, ngài không tránh khỏi những cảm xúc mang mang.
Lúc đó có một chàng thanh niên đến ngồi bên cạnh ngài, Ngọc Lâm Quốc Sư nhanh nhẩu hỏi:
- Đạo hữu, xin đạo hữu cho biết quý danh, và đạo hữu đi đâu đây?
- Tôi có theo Phật giáo đâu mà là đạo hữu của sư thầy, tôi là môn sinh của Khổng Phu Tử, họ Mã, đi Bắc Kinh!
Chàng thanh niên trả lời cộc lốc, bất lịch sự, nhưng Ngọc Lâm Quốc Sư không hề thay đổi nét mặt, trái lại, ngài mỉm cười một cách dịu hiền, rồi đổi câu nói:
- A, may quá thưa bạn! Tôi cũng đi Bắc Kinh, cùng đường được nấp bóng bạn! Thưa bạn đi Bắc Kinh có việc gì ạ?
Chàng thanh niên họ Mã dương đôi lông mày đen rậm lên rồi cười một cách khinh khỉnh, đáp:
- Đi thi!
- Chúc bạn thành công!
Chàng thanh niên cũng tò mò hỏi:
- Thế sư thầy về Bắc Kinh có việc gì?
- Hoàng thượng mời tôi về!
- Nói khuếch nói khoác! Hoàng thượng mời sư thầy về làm gì?
- Tôi là Quốc Sư của hoàng thượng, đã xa cách năm sáu năm nay, giờ muốn về thăm.
- Nhà thầy lại càng nói láo, đương triều Thiên Tử tôn thầy làm Quốc Sư?
- Sao bạn lại mắng người như vậy? Bạn hỏi tôi, tôi cứ thật thà trả lời, người tu hành không nói dối, ai dối bạn làm gì?
Ngọc Lâm Quốc Sư thấy anh chàng thanh niên không có lễ độ, khinh thường người tu hành, ngài cũng hơi thấy khó chịu.
- Người tu hành không nói dối, nhà thầy mà lại là Quốc Sư, ai có thể tin được, tôi xem nhà thầy chỉ có vẻ là một vị sư gàn dở!
Anh chàng họ Mã tuy cũng thấy Ngọc Lâm Quốc Sư rất đạo mạo, không phải là người tầm thường, song nhìn manh áo lam lũ của ngài mà bảo là Quốc Sư thì dù sao cũng khó tin. Trong cái xã hội xưa, cũng như nay, người ta chỉ phán đoán người khác qua phục sức bên ngoài. Ngọc Lâm Quốc Sư thấy chàng thanh niên có vẻ vô lễ, ngài nghĩ nên cho anh ta một bài học để làm gương cho những bọn thanh niên có tâm kiêu mạn, khinh người sau này.Sau khi có ý định ấy, Ngọc Lâm Quốc Sư tươi cười nói với anh chàng họ Mã:
- Này bạn, tin hay không là tùy bạn! Trong đám mắt cá có hạt châu mà không nhận ra, một người về Kinh ứng thí để cầu công danh mà không biết đương triều Quốc Sư là ai, một người đã không biết gì về quốc gia đại sự như thế thì làm sao mong chiếm được bảng
vàng?Nghe xong, chàng thanh niên hết sức phẫn nộ, anh ta dương đôi mắt, nét mặt hằm hằm, thốt ra những lời sĩ vả:
- Ông sư điên! Đừng nói bậy! Trông ông là một kẻ cùng khố thế này mà mơ ước làm Quốc Sư? Nếu ông mà là Quốc Sư thì thằng họ Mã này không đi thi nữa, tự nguyện theo hầu hạ ông ba năm!
- Sau đừng hối? Ngọc Lâm Quốc Sư hỏi.
- Không bao giờ hối, đại trượng phu nói một lời như đinh đóng cột! Giả sử ông không là Quốc Sư thì sao?
- Nếu không là quốc sư, tôi cũng tình nguyện đi xách tráp cho bạn ba năm!
- Sau ông không hối?
- Tôi cũng quyết không hối, người tu hành miệng, lưỡi như hoa sen, nói một lời là một lời.
Con thuyền trên giòng sông thuận gió, xuôi buồm, một người tu hành và một người thế tục đã quyết định xong. Ngọc Lâm Quốc Sư càng nghĩ càng tức cười, thật ra anh chàng thanh niên có nhận chân được ngài là Quốc Sư hay không, điều đó không có ý nghĩa gì cả. Song nếu không làm thế thì làm sao dạy được bọn thanh niên, khiến họ đừng nhìn người bằng nửa con mắt. Tăng đoàn Phật giáo vì không chú ý đến sự trang diện bề ngoài nên thường bị xã hội coi khinh, gặp cơ hội không thể không cải chính quan niệm lệch lạc ấy.Mấy hôm sau họ lên bờ và cũng nhắm về hướng Bắc Kinh, lúc đó vào mùa thu, năm Thuận Trị Hoàng Đế thứ mười một; gió thu hây hẩy, bụi vàng cuốn lên từ thành Bắc Kinh, Ngọc Lâm Quốc Sư và chàng thanh niên họ Mã đã tới cửa thành. Ngọc Lâm Quốc Sư ung dung và đĩnh đạc tiến về hoàng cung, thỉnh thoảng một trận gió lại lùa vào vạt áo của ngài, làm cho tung lên; chàng họ Mã theo sau ngài, càng đi lòng chàng càng thấy bồn chồn, hồi hộp, vừa sợ vừa ngờ, đằng trước, Ngọc Lâm Quốc Sư lúc này đúng là một vị đại sư, cái phong độ uy nghi ấy không còn giống với lúc ngài ngồi dưới thuyền nữa, thật chàng đã hiểu lầm!
Khi đến cửa cung, các quan thị vệ lập tức vào tâu Thuận Trị, nghe tin báo Thuận Trị Hoàng Đế Trị vừa kinh ngạc, vừa vui mừng, ra lệnh cử chuông, trống, rồi thân ra tận cửa đón rước Quốc Sư. Lúc thị vệ vào tâu, Ngọc Lâm Quốc Sư nói với chàng họ Mã:
- Hãy bạo dạn! Khi thấy Hoàng Thượng đừng có sợ, ở trong cung mà nhút nhát không được đâu!
Anh chàng không thốt lên được một lời nào, bây giờ anh ta đã biết lai lịch của Ngọc Lâm Quốc SựKhi thấy Ngọc Lâm Quốc Sư, Thuận Trị Hoàng Đế quỳ xuống:
- Quả nhân đảnh lễ Quốc Sư!
- Miễn lễ! Chào là đủ rồi!
Thuận Trị rước ngài vào cung, tỏ bày những nỗi nhớ tưởng trong mấy năm qua, và mong rằng từ nay Quốc Sư sẽ không đi đâu, chỉ ở trong cung Tây Uyển để tiện đến hỏi đạo, Thuận Trị Hoàng Đế rất có tâm với Phật giáo, người đã phát nguyện tiến hành song song hai việc trị nước và chấn hưng Phật giáo. Lúc đó Thuận Trị thấy chàng thanh niên đứng bên Quốc Sư và run lẩy bẩy, liền hỏi Quốc Sư:
- Bạch Quốc Sư, người này là ai ạ?
- À, đây là Tiểu Mã, nó tình nguyện theo hầu hạ tôi ba năm, hiện giờ là thị giả của tôi. Vì chưa được thấy Hoàng Thượng bao giờ, nên run sợ thế kia! Tiểu Mã, ra lạy Hoàng Thượng đi!
Tiểu Mã lại càng hoảng hồn, bắt buộc phải ra trước:
- Vạn Tuế! Tiểu Mã xin khấu đầu bái kiến Vạn Tuế, Vạn Vạn Tuế!
Thuận Trị Hoàng Đế rất hài lòng khi biết Tiểu Mã là người hầu của Ngọc Lâm Quốc Sư, bèn mỉm cười nói với Tiểu Mã:
- Tiểu Mã, ngươi phải chăm chỉ hầu hạ Quốc Sư, nếu ngoan ngoãn ta sẽ thưởng, bằng không, ta sẽ xin Quốc Sư cho ngươi nghỉ!
Tiểu Mã lại dập đầu và luôn mồm vâng vâng, dạ dạ.Ngọc Lâm Quốc Sư cười thầm, ngài cho rằng con người không thích phục tòng trước đạo lý, nhưng cứ nhất định phải trước quyền thế mới chịu cúi đầu. Cái khí khái kiêu mạn của Tiểu Mã mấy hôm trước không biết bây giờ biến đâu mất? Thậm chí lúc này anh ta còn đưa con mắt van xin nhìn Ngọc Lâm Quốc Sư như để khẩn cầu ngài cứu mệnh cho!Ngọc Lâm Quốc Sư không nghĩ đến việc Tiểu Mã nữa, ngài bắt đầu thảo luận với Thuận Trị về các vấn đề: Phật giáo có thể bổ khuyết những chỗ thiếu sót của chính trị, Phật giáo có thể an định xã hội và nhân tâm, Phật giáo có thể cải thiện đời sống của dân chúng, vân vân. Nghe xong, Thuận Trị Hoàng Đế rất vui mừng ông phát nguyện trở thành một người ngoại hộ Phật pháp chân thành, Ngọc Lâm Quốc Sư tán thán thành ý của nhà vua rồi trở về tịnh thất của ngài trong cung Tây Uyển.