Nắng tắt sớm vì những đụn mây đen kéo về phủ kín bầu trời. Gió lặng không khí bỗng trở nên oi bức lạ thường. Một trận mưa có thể thình rinh ập xuống.
Trên những cành cây sao trụi lá, hàng chục con chim kền kền đứng củ rũ nhìn xuống khu nhà xác, cây khô héo vì đã chết lâu ngày. Bao nhiêu năm nay dân ở quanh khu nhà xác không thấy cây mọc lá. Có người nói hồi bốn lăm, khu này bị bom, cây cháy và chết khô luôn từ đó. Cây quá cao, nặng, đất lại mềm, người ta khám phá ra nhiều đường nứt phát xuất từ gốc cây. Một dạo dân quanh nhà xác la hoảng vì sợ cây đổ đè xập nhà. Người có trách nhiệm viết bài nhờ đăng báo kêu gọi bộ Công Chánh tới triệt hạ cây. Nhưng bài báo đó không gây nổi tiếng vang, mất tâm như viên sỏi ném xuống ao. Riết roi không ai để ý đến việc đó nữa. Cây chết vẫn đứng trơ, cành khô vươn ra bốn phía như những cánh tay xương. Và những con chim kền kền, có lẽ là chim cùng loại, không biết từ đâu bay tới đậu đầy trên những nhánh cao. Mỗi con đứng riêng rẽ một cành, chúng bất động, chỉ khi nào cửa nhà xác mở, xác chết mang vào hoặc khiêng ra mới làm chúng kêu lên quang quác, cánh vỗ phạch phạch, tung mình bay lượn vòng tròn trên khu nhà xác. Chúng xà thấp, lướt trên xác chết. Đôi cánh chúng quạt mạnh làm mát mặt người. Gã lao công coi nhà xác lại ngẩng lên chửi:
- Đ M chúng bay, bộ thèm lắm sao, tao mà có quyền tao cho tụi bay tuốt luốc, đỡ chật đất chôn.
Chiều hôm nay những con chim đậu bất động, chi riêng cái cổ ngó ngoáy nhìn bốn phía. Mùi hôi khăm khẳm từ khu nhà xác xông ra, tỏa khắp một vùng. Chiều hôm qua hai chuyến xe nhà binh vừa đổ xuống ngót sáu chục xác chết đã thối, những xác chết đó được bao kín trong bọc ni lông, vậy mà mùi hôi vẫn xì ra.
Ban đêm xóm nhà xác vang động tiếng búa, tiếng đục, tiếng cưa. Họ phải hoàn thành gấp hàng áo quan. Công nhân đào huyệt làm việc luôn tay, rảnh tay kéo nhau ra quán cóc ngồi nhậu đế lai rai. Nửa đêm lão già coi nhà xác cầm xị rượu ngất ngưởng đi ra. Lão say mèm, lão hát líu lo, lão nhẩy nhót băng qua những nấm mồ mới nhấp nhô, như bóng quỉ. Những con chim to xác đậu trên cành cây cao thấy động vỗ cánh phành phạch và kêu quang quác. Tiếng kêu lạnh lẽo khô khan. Chúng tung mình bay lượn trên nền trời tối đen, xà thấp, có lúc như muốn bổ nhào xuống đầu lão già. Lão vung tít chiếc chai không, chửi bới om xòm: Mẹ cha tụi bay, còn lâu các con mới được đớp, xéo đi nơi khác kiếm ăn, ở đây có mà hít hơi thối thôi các con ạ. Để xác chết cho tụi bay thanh toán thì dân vùng này chết đói ráo trọi sao?
Những cánh chim dang rộng, đen, lao bổ xuống đầu lão già, chúng không mổ vào đầu lão, không tấn công mà chỉ làm lão mát mặt. Lão già cười xằng xác:
- A ha, mát quá! Mát quá! Quạt nữa đi các con để bố già ngủ.
Lão lăn ình ra sàn gạch bông hàng hiên nhà xác, tu đế ừng ực Một lát sau lão ngáy pho pho. Đàn chim vẫn bay lượn, chúng đậu trên nóc nhà xác hít hơi, vỗ cánh phành phạch.
Nửa đêm lão già bỗng kêu rú lên, ôm lấy mặt.
Đôi cánh đen trùm nửa người lão, chiếc mỏ khoằm của con chim vừa xả vào mặt lão, trúng ngay con mắt. Lão hét lên, chống trả kịch hệt. Con chim bay lên. Lão ôm mặt, lao mình vào bóng tối, chạy xuyên qua nghĩa địa vào xóm. Lão kêu la rầm rĩ làm cả xóm thức giấc. Họ bật đèn sáng, mở toang cửa nhìn ra. Lão già điên cuồng:
- Chết tôi rồi, bà con ơi!
Một người đàn ông tung cửa chạy ra, ôm lấy lão rối rít:
- Gì đó, bác Sáu?
Gã giằng tay bịt mắt lão ra:
- Trời ơi, máu? Sao vậy?
Lão già giẫy đành đạch:
Chết tao rồi, chim, những con chim mổ lòi tròng tao. Khốn nạn, bất nhơn, tụi chúng tưởng tao là xác chết.
Thêm ba người đàn ông từ xưởng hòm chạy ra ôm lấy lão. Khi đó máu ở mặt lão chảy chan hòa. Lỗ mắt mất tròng sâu hoắm.
Họ dìu lão vào nhà, đặt nằm trên đi văng:
- Phải cấp cứu ngay!
- Mẹ, mất trọn tròng mắt, may mới bị một bên. Một người đàn bà cầm khăn vừa lau máu cho lão vừa đắp lên mắt. Lão rên rỉ. Sáu cánh tay trần, cứng như thép dần lão xuống mới giữ nổi. Lão quằn quại, giẫy đạp kêu la, đập chân thình thình trên đi văng, làm náo động cả xóm.
Y tá Chín trong xóm xách thùng thuốc cấp cứu chạy đến, rẽ đám đông bu cửa, vào nhà:
- Các người dang ra để tôi coi.
Gã mở thùng thuốc lấy bông gòn tẩm an côn, lau rửa, đắp lên mắt. Lão già xót, giẫy lên đành đạch. Y tá Chín hét ra lệnh:
- Nằm yên để người ta băng cho, phải sát trùng chớ. Anh em giữ chặt cho tôi, còn phải chích thuốc cầm máu, thuốc giảm đau.
Lão thầy cúng kiêm thầy pháp trong xóm cũng có mặt. Lão ngó qua cửa, lắc đầu:
- Thánh thần ơi! Bọn chim này lộng quá rồi, mới hôm qua chúng nó xơi tái con chó nhà Hai Thợ. Riết rồi chúng làm luôn cả người sống, nhà nào có con nít phải coi chừng...
Y tá Chín băng mắt và chùi máu cho nạn nhân xong, nói với bà con lối xóm đang bu quanh:
- Phải mang bác Sáu đi nhà thương gấp.
Một người cãi:
- Mang sao được giờ này, khoan chờ một giờ nữa, hết giới nghiêm.
- ừ thôi cũng được, vô nhà thương họ cũng chỉ làm như tôi vậy thôi. Để chả nằm nghỉ ít phút không hại gì.
Thầy giáo Lượn nhìn ra ngoài cửa, hướng lên phía ngọn cây sao chìm trong bóng tối chặc lưỡi:
- Chà, phải tìm cách diệt bọn này, chúng lộng quá rồi.
Y tá Chín ngồi xuống đi văng an ủi nạn nhân. Nạn nhân vẫn quằn quại rên rỉ, chửi lảm nhảm. Anh Bẩy Xê ra cửa nạt đám người hiếu kỳ:
- Các người về chớ, đứng xem gì đây, liệu mà giữ lấy thân.
Đám đông từ từ rút lui, họ sát vào nhau, nhìn lên cây cao bàn tán về những con chim quái ác và tai nạn vừa xẩy ra cho bác Sáu coi nhà xác.
Đêm vẫn còn tối đen.
ậ
Buổi tối, các đạo tì, âm công, thợ đóng áo quan rảnh rang kéo nhau ra quấn nhậu lai rai ba sợi. Quán ở đầu hẻm, chuyên bán đế và rượu rum Vĩnh Sanh Hòa. Món bia ở đây coi như đồ bỏ, vì không ai thèm uống. Dân nhậu toàn là những tay có thể tu nguyên xị đế một hơi mà vẫn ngồi tỉnh. Qua hết nguyên lít người say mặt tím ngắt lại rồi từ từ đổ xuống, không một tiếng la lối hay phá phách. Đồ nhậu phổ thông nhất vẫn là món canh chua lươn, trộn rau chuối và phi hành thơm ngậy, món canh có thể ăn với bún no bụng.
Anh Bẩy Lươn Um chủ quán là một người đàn ông đứng tuổi, tóc hoa râm, tối ngày ở trần, cái quần đùi đen rộng thùng thình ngắn ngang đầu gối, khăn rằn ri vắt vai, mặt và người đỏ như mặt gà chọi. Miệng luôn luôn phì phà cái ống đót tiện bằng xương beo lên nước vàng. Tay anh cầm cái ly cối đầy rượu Vĩnh Sanh Hòa đi từ bàn này sang bàn khác. Bọn khách nhậu là người trong xóm, như có bổn phận, mỗi tối đều đến, mỗi lúc một đông. Họ bận quần áo đen, có xọc trắng, những chiếc kết đội đầu cũng màu đen, huy hiệu kim tuyến thêu hoa lá cành. Họ lột mũ ra liệng chúng ở một cái bàn trống. Hai Thợ, một gã trong bọn lên tiếng:
- Anh Bẩy à, sửa soạn đồ nhậu cho nhiều nghẹn. Hôm nay anh trúng mối đa.
Bẩy Lươn Um khật khưỡng đi ra:
- Nhấp nháy mà các cha, có chuyện gì đó?
- à vụ cha Sáu nhà xác và mấy con chim.
- ứa, mấy con chim, mấy con ác điểu.
Nói xong Bẩy Lươn Um ngửa cổ nốc một hơi cạn gần nửa ly cối Vĩnh Sanh Hòa. Đám âm công, đạo tì nhao nhao mời:
- Anh Bẩy ngồi luôn đây nhậu với bọn này cho vui.
Bẩy Lươn Um khà một cái:
- ấy cái đó hổng được, tôi mà không để mắt vào mấy món nhậu ở nhà bếp là hư hết ráo.
Từ bao nhiêu năm nay, chưa có một khách hàng nào mời được Bẩy Lươn Um ngồi chung bàn. Anh luôn luôn tìm cách này hay cách khác từ chối. Khách hàng thì không nghĩ thế, họ cho rằng anh coi thường lượng nhậu của họ. Bẩy Lươn Um cầm ly cối, luôn luôn châm đầy, trong khi khách hàng ngã như chuối thì anh vẫn tỉnh khô, vẫn cười khà khà ngồi ở một góc bàn trống, lâu lâu góp một lời vô hại. Anh chưa từng chê bai tửu lượng khách nhậu. Anh im lặng, nhũn nhặn, chính điều đó làm các bợm nhậu trong xóm tức ói mật. Có người ngầm so tài với anh bằng cách ngầm uống đua cùng lúc Bẩy Lươn Um cầm ly cối đầu tiên trong ngày. Họ ngồi từ sáng đến tối, khi Bẩy Lươn Um buông ly vào dọn dẹp, khách ra về vừa bước chân ra cửa là khụy xuống hôn mê bất tỉnh. Bẩy Lươn Um mỉm cười ra đỡ địch thủ dìu về nhà. Trong cơn say, địch thủ bèn phun ra hết ý nghĩ của mình và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Bẩy Lươn Um nghe nói vậy vẫn chẳng có một lời nào, anh chỉ mỉm cười. Nụ cười đó như ngầm bảo với địch thủ: "Còn khuya con mới theo kịp bố già, bận sau đừng có dại dột thế nghe con".
Mười mấy năm qua vẫn chưa có kẻ nào đánh gục được Bẩy Lươn Um bằng rượu. Bẩy Lươn Um có cái đức của kẻ uống rượu. Không còn một ai dám thách thức nữa. Bẩy Lươn Um vẫn ngồi riêng rẽ một ghế. Khách hàng muốn giữ tiếng của mình là tay chơi, tửu lượng cao, chỉ còn một cạch tán nhảm, tào lao cho hết giờ. Không nói bậy và khi say chịu hết nổi chỉ ngã âm thầm. Họ ngán nụ cười kiêu ngạo của Bẩy Lươn Um.
ánh sáng từ chiếc đèn măng sông treo giữa quán bỗng tối lại. Bẩy Lươn Um đặt ly rượu xuống bàn, anh bê chiếc ghế đẩu ra giữa nhà rồi leo lên, một tay giữ đèn, một tay bơm. Tiếng ga bị ép xịt ra tim đèn kêu khè khè quán sáng trưng trở lại. Vừa lúc đó có thêm mấy người nữa vào quán. Lão thầy pháp, mặt xùi như đá ong cao lỏng khỏng. Y tá Chín miệng lúc nào cũng cười toe toét. Đi sau rốt là thầy giáo Lượn, giáo viên độc nhất kiêm hiệu trưởng trường học tư của thầy trong xóm. Hầu hết con nít trong xóm đều là học trò của thầy. Thầy giáo Lượn người như cái que, nhưng lúc nào trông cũng có vẻ chải chuốt, tóc phết "bi ăng tin" bóng lưỡng, cầm mặt nhăn nhụi, mắt mang kính trắng gọng vàng. Thầy giáo là người được quí trọng nhất trong xóm rồi mới tới thầy chích, rốt là thầy pháp Ba Gà Mổ. Thầy pháp Ba Gà Mổ không lấy làm hài lòng về địa vị của mình, nhất là cái tên chó đẻ do Hai Thợ, chủ nhân xưởng đóng hòm ôn dịch đặt cho, bởi tại cái mặt lão lỗ chỗ như bị gà mổ. Tên đó dân trong xóm tránh kêu trước mặt thầy. Còn y tá Chín lúc nào cũng toe toét với tất cả mọi người, lúc nào cũng nồng nhiệt với nghề nghiệp "cấp cứu" của mình. Hắn cười nhiều quá nên trở thành vô duyên. Trong ba người, chi riêng thầy giáo Lượn trẻ nhất và còn độc thân. Do độc thân và dáng trí thức diêm dúa đó mà thầy giáo Lượn hưởng được nhiều điều tốt lành ở bà con lối xóm. Nhà nào có con gái lớn, tuổi cập kê cũng chỉ mong được thầy giáo để mắt tới. Nhưng dân trong xóm nhận xét hình như thầy chưa để mắt đến đám nào. Họ kính phục thầy hơn vì thầy là người đứng đắn đàng hoàng.
Tất cả mọi người trong bàn đều đứng dậy mời ba vị vào bàn. Hai Thợ dành chỗ cho thầy giáo ngồi cạnh mình. Anh ta lấy cớ phải bàn với thầy giáo nhiều điều quan trọng, vả lại anh ta là liên gia trưởng.
Bốn tô canh lươn và những đĩa bún từ dưới bếp mang lên bầy ra bàn. Rượu Vĩnh Sanh Hòa pha soda đá lạnh đã được mang ra. Liên gia trưởng Hai Thợ nói:
- Hôm nay thầy giáo lai rai với tụi tui chớ?
Thầy giáo Lượn gật đầu:
- Nhậu thì nhậu tôi đâu ngán, hôm nay tôi thả dàn...
Mọi người trong bữa nhậu cười phụ họa. Những chiếc ly cối nâng lên cụng nhau lanh canh. Sau đợi rượu đầu, Hai Thợ đặt ly xuống bàn, lên tiếng:
- Sở dĩ hôm nay có bữa nhậu này do tui muôn bày tỏ với anh em một vấn đề quan trọng về an ninh cho bà con trong xóm.
Hai Thợ nhìn đảo một vòng:
- Nhiều anh em ở đây đã biết lý do, nhưng tôi muốn nói rõ hơn. Tôi muốn nói đến những con chim, giống ác điểu, không hẳn là quạ, không hẳn là kền kền, chính những con chim đậu trên ngọn cây sao kia, loài chuyên ngửi hơi thối và ăn xác chết.
Hai Thợ ngoái cổ chỉ ra ngoài trời, nhiều người như máy nhìn theo. Hai Thợ tiếp, giọng gay gắt:
- Chúng đang phá chúng ta, như trường hợp tai nạn xây ra cho bác Sáu nhà xấc.
Một người trong đám nâng ly uống:
- Biết rồi, vòng vo hoài, muốn gì thì nói phứt cho rồi.
Đang ngon trớn bị kê ngược, Hai Thợ đổ quạu:
- Đ M. dân gì đâu không hà, bộ mày muốn chửi cha tao sao đấy, hả Cộc? Trình bầy chuyện gì cũng phải có đầu có đuôi chớ, đây là chuyện quan trọng đến đời sống bà con, mày biết rồi kệ xác mày, nhiều người không biết thì sao? Mày muốn chơi cha tao. Kê tủ đứng vào họng tao...
Vẻ mặt Cộc lạnh như tiền, như khi đào huyệt cho người ta. Hắn uống thêm một hớp rượu nữa, nói: ở đây không ai chơi cha ai hết, tôi khoái cái gì cũng vắn tắt nên lên tiếng đó.
Đôi mắt Hai Thợ nẩy lửa. Bàn nhậu xôn xao, mỗi người can một câu. Hai Thợ bắt buộc phải nhịn, nhưng vẫn thấy ấm ách trong lòng. Hắn tiếp tục trình bày:
- Chúng ta phải tìm cách triệt hạ những con chim kia.
Cộc vừa uống rượu vừa cười khinh khỉnh:
- Rồi, gọn bàn vậy có tốt hơn không.
Như lúc khác thì Hai Thợ không ngần ngại cho thằng chả một búa, nhưng lúc này, Hai Thợ thấy mình quan trọng hẳn lên, chẳng gì thì gã cũng là liên gia trưởng, một người chức sắc trong xóm. Anh ta đành làm lơ để bàn đại sự:
- Đó, bà con nghĩ sao?
- Đồng ý.
Cả bàn tiệc đồng ý, kể cả Cộc, thằng cha đào huyệt lý lắc nhất xóm. Hai Thợ nhìn khắp lượt:
- Ai có ý kiến gì nên trình bày ra dể thảo luận.
Thầy giáo Lượn ngồi trầm ngâm trước ly Vĩnh Sanh Hòa đã vơi được một phần tư ly. Thầy y tá mủm mỉm cười, những người khác thì ngồi gật gù ra điều suy nghĩ lung lắm. Thầy pháp Ba Gà Mổ sau khi nhằn hết một khúc lươn, bỏ xương ra bàn, lên tiếng:
- Há... bà con, tui có ý kiến!
Những con mắt đổ dồn nhìn thầy pháp:
- Sao thầy Ba Gà... có ý kiến gì?
Thầy pháp Ba Gà Mổ nhìn gã vừa buột miệng ra câu Ba Gà. Nhưng thầy bỏ qua, thầy sắp sửa bàn đại sự. Giọng thầy trầm xuống:
- Chim kền kền ở đây là một giống quái điểu, không thể sống chung lộn với người được.
Một người nóng ruột hỏi:
- Hẳn thầy đã có phương pháp trừ khử.
Thầy pháp Ba Gà Mổ hơi ngưng lại, đoạn tiếp:
- Ngày xưa, khi tôi còn theo thầy học đạo trên núi Tà Lơn, thầy tôi có luyện được một đạo bùa...
Có tiếng cười xì ra, thầy pháp Ba Gà Mổ làm lơ, kể tiếp:
- Một ngày kia hai thầy trò xuống núi, tới một vùng kia có một cây đa vĩ đại, nghe đồn cây đa đó có ma nên thầy tôi liền ra tay. Sư phụ tôi ếm một đạo bùa vào gốc cây, niệm chú. Sáng hôm sau dân làng ra xem, thấy một con chim mỏ khoằm có mào đỏ nằm chết dang cánh dưới gốc cây, từ đó cây hết còn ma.
- Hay quá há, nhưng xin thầy Ba vắn tắt cho vì ở đây, chúng ta đang bàn chuyện trừ khử mấy con chim quái ác chớ không bàn chuyện ma quỉ thánh thần.
Thầy pháp Ba Gà Mổ cau có:
- Các người đừng có nóng, từ chuyện nọ mới sang chuyện kia được, tui có học được đạo bùa đó.
- Bộ thầy tính ếm vào gốc cây?
- Uà tôi ếm, nếu chúng không chết thì cũng bay đi hết ráo.
Giọng thầy trầm xuống:
- Chỉ cần một cái lễ nhỏ cho thánh thần, một con gà đĩa xôi và nải chuối.
Đám nhậu phát cười ồ:
- Bỏ đi thầy Ba, thời đại xe tăng máy bay mà bàn chuyện bùa ngải nghe lỗi thời làm sao.
Thằng Cộc, vô địch đào huyệt, nhai luôn cả xương lươn rau ráu nuốt chửng bằng một hớp rượu :
- Đ. M. xôi gà no thầy, no vợ bé của thầy, chớ thánh thần ma quỉ ăn cái giải gì.
Thầy Ba Gà Mổ tức ói máu, gây gổ lại:
- Này Cộc, mày moi móc tao đó hả, cứ ra lời rồi coi, tao thờ thiên linh cái, không ngán thằng nào đâu.
Thằng Cộc không vừa:
- Thằng này từng đào huyệt chôn cả chục thằng như anh, ngon mà, quân buôn thần bán thánh thì thằng này chửi liền vào mặt chớ chẳng thèm nói moi nói móc. Về mà dậy con vợ bé của anh, anh là cái đồ mù...
Thầy pháp Ba Gà Mổ xấn xổ như con gà chọi sắp lâm trận đấu. Thầy cầm cái ly cối lên toan xàng vào mặt thằng Cộc. Hai Thợ nắm được cổ tay thầy can:
- Thôi chớ các người, nếu ai có ý kiến cứ trình bày, đâu có phải ý kiến nào cũng được chấp thuận. Còn các người muốn đánh lộn, tui mời các người ra ngoài.
Thầy pháp Ba Gà Mổ còn cố với vát:
- Cộc mày có ngon thì ra ý kiến đi, ngồi đó mà chọc quê người ta thì chó làm cũng được.
Cộc chỉ cười nhạt:
- Chẳng ngu gì, nghề tôi là nghề chôn xác chết mà.
Không khí lặng dần, thầy y tá Chín chậm rãi lên tiếng:
- Theo tôi thì mình thuốc chết hết mấy con chim.
- Thuốc bằng cách nào?
Chích một mũi thuốc độc vào một con chó chết liệng dưới gốc cây. Mấy con chim ăn phải lăn ra chết ráo.
Thấy ý kiến có vẻ hợp lý, vài tiếng vỗ tay lốp bốp trong bàn nhậu. Cử tọa im lặng, nhiều người gật gù:
- ý kiến hay đó, nhưng xin anh Chín cho biết công việc đó ai làm?
- Tui làm, cấp thuốc cho tui, tui làm liền.
Thằng Cộc nóng nẩy:
- Dẹp, dẹp! Các người bàn toàn chuyện tào lao không đâu hà.
Hai Thợ cố vãn hồi trật tự:
- Thôi, giờ ai có ý kiến trình bày hết đi, đêm khuya rồi đó.
Chờ cho mọi người chịu trận hết, Cộc mới ra lời:
- Phương pháp của tôi giản dị lắm, chúng ta cần có súng bắn rầm rầm là chim chết cả chùm. Bắn chừng năm ngày liền là chúng hết còn dám đến nữa.
Thầy pháp Ba Gà Mổ được dịp trả thù:
- Súng ở đâu nhiều quá vậy hả Cộc?
Cộc vênh váo trả lời:
- Súng trên đồn dân vệ.
- Bộ lên đó cướp giựt sao?
Cộc phanh nút áo cho đỡ nóng, ngửa cổ uống ực hết nửa ly Vĩnh Sanh Hòa, gắp một khúc lươn cho vào miệng, nhét theo một nắm rau chuối. Hắn khề khà, nhai nhồm nhoàm:
- Có hạng người chuyên lừa gạt mới tính đến chuyện ăn cướp, cướp giựt thôi. Thằng này ngon lành, từng đi lính, hào khí ngất trời có đâu làm chuyện đó được Thằng này không có loại thầy, loại sư phụ nào dậy nghề lừa gạt ăn cướp hết.
Mặt thầy pháp đã đỏ săn bây giờ thành tím ngăn ngắt. Hai mắt đỏ ké trông càng thêm dữ dằn. Cộc vẫn thủng thẳng nói:
- Tôi muốn khuyên bà con lối xóm làm cái đơn đệ lên ông đồn trưởng mượn ba người lính mang súng xuống, thứ súng bắn đạn chài đó. Mình cũng trình bày lý do chính đáng thì ổng có tiếc gì vài ba viên đạn. Nè, cô bác nên nhớ rằng đạn chài chỉ cần nổ một phát là chết cả chục mạng như chơi, nó văng miệng tùm lum. Đằng này những ba khẩu kê bắn một lượt lận. Rầm, rầm...
Thằng Cộc đứng thẳng dậy, cung tay như người bắn súng, miệng phát ra những tiếng rầm rầm tưởng tượng. Dân xỉn vỗ tay lốp đốp:
- ý kiến nghe được đó.
Cộc cao hứng càng ba hoa dữ. Nói huyên thuyên vế thời hắn còn ở lính, ngày hắn xử dụng khẩu súng đạn chài, chống lại súng ngựa trời của Vixi và chống lại những đợt tấn công biển người.
Sau câu nói, Cộc nhịp nhịp bàn tay như đang hình dung ra phía trước mặt xác người ngổn ngang. Hai Thợ bèn giơ tay vin Cộc ấn ngồi xuống ghế.
- Thôi xin cha nội, bộ mới uống nhiêu đó đã lên vậy sao?
Tóc tai Cộc dựng đứng, hắn líu ríu nói:
- Các người có công nhận súng đạn chài ăn trùm không?
Hai Thợ xuống nước:
- ăn trùm là cái chắc, rồi mình phải bàn đến chuyện làm đơn chớ.
Cộc phát vỗ tay bạch bạch:
- ý kiến của tôi được bà con chấp nhận chớ, nào chúng ta cụng ly.
Tất cả mọi người đều nâng ly cụng vào nhau lanh canh. Họ ngửa cổ uống ừng ực, nhiều người đã cởi áo vắt vai, rượu tràn ra khỏi miệng chảy dài theo cần cổ xuống ngực. Những đôi mắt đỏ ngầu mất hết vẻ tinh anh, họ cười vu vơ, nói năng lộn xộn. Chiếc đèn măng-sông bị gió từ ngoài thổi vào lao chao làm ánh sáng trong quán trở nên nhấp nhá. Cuối cùng cuộc bàn cãi về việc trừ khử chim cũng xong. Thầy giáo Lượn được chỉ định việc làm đơn đệ lên đồn trưởng xin lính bắn súng. Thầy giáo Lượn không mấy quan tâm về việc đó. Thầy thấy người mền mệt nên cứ nhấp nhổm muốn về. Khuya cơn hen xuyễn của thầy thường nổi lên bất tử.
Thầy giáo Lượn đưa mắt nhìn thầy pháp Ba Gà Mổ, thằng cha coi bộ đã đời. Câu chuyện nói trong bàn nhậu trở nên bát nháo không còn ra đầu ra đuôi gì nữa.
Bẩy Lươn Um thấy trời khuya nên nhắc khéo:
- Khuya rồi đó cô bác, liệu về sớm mai còn đi làm.
Cuộc ăn nhậu tàn, mọi người tản mát ra về. Cộc vừa đi vừa nhìn lên trời. Những cành cây sao khô vươn lêu nghêu lên bầu trời như những cánh tay xương. Những con chim vẫn đậu củ rũ trên đó. Có lẽ chúng đói lắm, thỉnh thoảng có một con vỗ cánh phạch phạch kêu lạc lõng. Trời nóng nực đến ngột ngạt. Có thể đêm nay sẽ đổ xuống một trận mưa. Cộc chỉ tay lên trời hăm:
- Tụi bay sẽ chết mẹ hết nghe, đồ ăn cướp, đồ phá hoại. Hãy kêu đến cho thiệt nhiều rồi chết một lượt cho vui.
ậ
Căn nhà của thầy giáo Lượn ở tuốt tận cuối xóm. Cách gốc cây sao chừng hai chục thước. Một cành khô to vươn ngang nóc nhà, căn nhà làm bằng cây, lợp lá gồi, tầng dưới dùng làm lớp học, căn trên có cầu thang gỗ bắc từ ngoài lên bao lơn làm lối đi riêng. Hàng đêm, một vài con chim cao hứng tung cánh bay vù vù, xà thấp Đôi khi chúng đánh nhau chí choé. Giáo Lượn về tới nhà vào khoảng mười hai giờ đêm. Hắn bật quẹt châm vào ngọn đèn Hoa Kỳ trên bàn làm việc. Hắn mở cửa sổ đứng nhìn mung lung ra ngoài trời. Phía xa là nghĩa địa, căn nhà xác ở phía trái, một con đường nhỏ lượn vòng đủ lọt chiếc xe nhà binh từ ngoài lộ dẫn vào nhà xác.
Giáo Lượn nhìn lên cao, những cành cây khô trụi những con chim đậu trên cành thành những chấm đen bất động. Một cơn gió bỗng dấy lên làm ngọn đèn trong phòng lao chao như muốn tắt. Giáo Lượn nhìn bầu trời không một vì sao. Có lẽ trời mưa mất, hắn nghĩ thầm. Hắn khép hai cánh cửa sổ, gài then cẩn thận, trơ vào cởi quần áo. Gió bên ngoài mỗi lúc mỗi thổi mạnh hơn. Mái lá mỏng manh chuyển động, các cột kèo kêu răng rắc, bức tường ghép bằng cạc tông cũng rung rinh. Giáo Lượn lay lay chiếc cột gỗ như thử lại sức chịu đựng của căn nhà với gió mưa. Hắn chẳng quan tâm đến điều đó. Hắn trở vào lấy bình thuốc xịt có chiếc bơm cao su dài lòng thòng kê vào miệng bơm xịt xịt. Hắn ngáp ngáp mấy cái. Dễ chịu. Giáo Lượn tắt đèn lớn, thắp lên chiếc đèn dầu hột vịt, ánh sáng mờ mờ, hắn vào giường nằm. Tiếng gió vẫn rít lên không ngừng, hình như mỗi lúc một mạnh hơn làm căn nhà chuyển mình rắc rắc dễ sợ. Những con chim đậu trên cành cây nháo nhác. Giáo Lượn thây kệ, nằm xái tay lơ mơ ngủ. Mùi rượu nồng nặc vẫn chưa hả, giáo Lượn cảm thấy mệt mỏi một cách lạ lùng...
Đang chập chờn, bỗng tiếng gõ cửa nổi lên dồn dập, giáo Lượn ngồi nhỏm dậy nghe ngóng. Khi nhận rõ tiếng gõ cửa có ám hiệu quen thuộc, giáo Lượn vén mùng chui ra. ánh sáng đèn lung linh chiếu hắt bóng giáo Lượn lên vách. Tiếng gõ cửa đều đều, mỗi lúc một mạnh hơn. Giáo Lượn gắt:
- Biết rồi, làm chó gì mà rộn lên vậy?
Giáo Lượn cầm đèn đi ra cửa. Hắn nâng then.
Tiếng đàn bà vọng vào:
- Em đây mà cưng, bộ mệt sao mà gắt dữ vậy?
Cánh cửa hé mở đủ để một người vào lọt, giáo Lượn đưa đèn vào phía trong cho khuất gió. Một khuôn mặt đàn bà ló vào, vợ bé của thầy pháp Ba Gà Mổ. Giáo Lượn hỏi nhỏ:
- Hắn đi đâu rồi?
Chị đàn bà lọt hẳn người vào phòng, tự động đóng cửa cài then:
- Say mèm còn biết trời đất gì nữa đâu!
Giáo Lượn trở lại giường chui vào mùng, hắn nói vọng ra:
- Coi chừng có lần mất mạng cả đôi, thằng thầy pháp Ba Gà Mổ không vừa đâu nhá.
Chị đàn bà chui theo vào mùng:
- Nhằm nhỏ gì, thằng chả ngu như bò.
Giáo Lượn nằm ngửa, thở. Chị đàn bà cúi xuống trên mặt hắn. Giáo Lượn cằn nhằn:
- Thôi để nguyên cho người ta ngủ. Chị đàn bà có vẻ bất mãn, mụ nhìn sững vào mặt người anh, gằn giọng:
- Nè, nói thiệt cho mà nghe, đừng có tính đến chuyện phụ rẫy con này.
Tiếng nói của giáo Lượn trở nên yếu ớt:
- Không phải vậy, nhưng hôm nay anh mệt quá, hồi tối nhậu hơi nhiều, không quen...
Chị không còn gay gắt nữa sau câu nói của giáo Lượn. Chị hỏi:
- Có phải các anh bàn về vụ mấy con chim không?
- ứa!
- Rồi sao?
- Giết chúng, anh được chỉ định làm đơn gửi lên đồn mượn súng và lính về bắn.
Gió ngoài trời mỗi lúc một mạnh hơn. Một tiếng động trên mái nhà. Chị đàn bà ôm lấy người tình:
- Cái gì đó?
Giáo Lượn nghe ngóng rồi trả lời:
- Có lẽ một cành cây gẫy.
Bàn tay mát rượi của chị ta lần vào trong áo giáo Lượn, mắt nhìn lên mái:
- Phía trên mái nhà anh có một cành cây lớn lắm, nó mà rớt xuống là bỏ mạng cả đôi.
Giáo Lượn tỉnh khô:
- Còn khuya em ơi, vả lại mình đâu có ở đây lâu nữa. Được chết bên em là hạnh phúc nhất cho đời anh.
Đôi mắt chị đàn bà hấp háy trong ánh sáng nhá nhem, đôi mắt chị trở nên long lanh tình tứ:
- Thiệt há mình, em chán thằng cha Ba Gà Mổ quá rồi, nó lường gạt tía em để lấy em, hại cả một đời son trẻ.
- Biết rồi, ráng chịu ít lâu nữa đi nghe, anh còn phải thu xếp...
Giọng chị đàn bà trở nên hờn dỗi:
- Ráng chịu, ráng chịu hoài à! Tình trạng phập phồng này mỗi lần đến với mình em lo lắm.
Giáo Lượn vuốt ve người yêu:
- Nhà mình ở tách biệt hẳn với lối xóm ai biết được. Vả lại, em chỉ đến vào đêm hôm khuya khoắt, mưa gió thế này.
Chị đàn bà dúi mặt mình vào khuôn mặt lép kẹp của người tình. Những chiếc hôn thật dài điểm trên da thịt giáo Lượn làm hắn thấy xốn xang. Chị như con cọp cái trước miếng mối xương xẩu. Giáo Lượn năn nỉ:
- Tội nghiệp anh mà, đêm nay anh mệt quá sức rồi. Ngọn đèn dầu quên tắt trên bàn lao chao. Gió rít mạnh ngoài trời và mưa xối xả trên mái lá. Quá nửa đêm, chị đàn bà tỉnh dậy khi nghe thấy âm thanh gù gù cạnh mình. Đèn tắt, giáo Lượn đang ngồi bó gối trên giường thở gấp, hơi thở hắn hình như bị tắc nghẹn ở cổ họng. Hắn ráng thở nên âm thanh trở nên gù gù. Chi đàn bà mò thấy giáo Lượn, chị phát cười như nắc nẻ:
- Coi kìa, coi kìa, anh gù như con chim bồ câu gọi mái.
Giáo Lượn ráng nhịn thở khều tay ra hiệu cho người tình :
- Cái bơm, cái bơm ở bàn...
Lời nói của giáo Lượn trở nên tội nghiệp. Chị biết mình đùa hơi quá trớn và không phải lúc. Chị lại cảm thấy yêu thương người anh hơn. Chị đỡ giáo Lượn nằm xuống. Nhưng hắn gạt tay ra, hắn không thể nằm được khi cơn hen đang hành hạ.
Chị đàn bà tung màn ra bàn lấy cái bơm, trở lại kê vào họng giáo Lượn. Giáo Lượn ngửa mặt, quờ lấy cái bơm cao su bóp lấy bóp để, như đứa trẻ đói sữa mò được vú mẹ. Một lát cơn xuyễn dịu xuống, giáo Lượn dễ thở hơn. Bấy giờ chị mới đỡ người tình nằm xuống. Gió mưa bên ngoài ào ạt, tiếng chị nói nhỏ bên tai người tình đầy xót xa:
- Tội nghiệp mình quá, tội quá!
Giáo Lượn lim dim trong sự vuốt ve trìu mến của người yêu, sự sảng khoái dâng lên ngập hồn. Gần sáng, mưa gió bão bùng mỗi lúc một dữ dội hơn, căn nhà chuyển mình răng rắc làm hai người thức giấc hốt hoảng.
Giáo Lượn tốc màn ngồi dậy, hét lên:
- Nguy rồi em ơi!
Nguyên tấm mái lá bị trốc, gió cuốn bung đi, mưa ào ạt tạt vào nhà. Gió thổi bung mất vách, Giáo Lượn và tình nhân chạy cuồng lên trong căn nhà tan hoang. Tiếng thân cây chuyển mình. Cả hai cùng thét lên.
Liên gia trưởng Hai Thợ ngồi bật dậy khi nghe tiếng đổ xầm ở cuối xóm, tiếng đổ nặng nề làm rung rinh cả nhà cửa. Hắn lay vợ:
- Nguy rồi, cây đổ!.
Mưa gió vẫn ào ạt. Chị vợ cũng ngồi dậy ngơ ngác:
- Cây đổ vào nhà ai rồi?
Hai Thợ lo lắng:
- Mạn cuối xóm, không chừng chỗ nhà thầy giáo.
- ứa, em cũng nghĩ vậy.
- Để anh chạy ra coi.
Chị vợ níu tay chồng:
- Đừng anh, nguy hiểm lắm, chờ mưa ngớt đã.
Mãi tảng sáng mưa mới tạnh, cơn bão đã đi qua.
Người lối xóm chạy ra chỗ cây đổ hối hôm. Cây vẫn đứng trơ trơ, chỉ riêng một cành lớn gầy, cành cây to bằng một thân cây đè lên sườn nhà còn lại của thầy giáo Lượn. Thầy pháp Ba Gà Mổ từ trong xóm chạy ra kêu um lên:
- Bà con cô bác thấy vợ tôi đâu chỉ giùm làm phước, đêm qua khi tôi về nhà còn thấy nó ngủ kia mà.
Những người khác nhớn nhác gắt gỏng:
- Ai biết, nhà thầy giáo bị cây đè xập rồi, thấy không?
Y tá Chín lon ton xách thùng thuốc chạy ra:
- Có người bị thương không?
Người đầu tiên chạy tới nơi xảy ra tai nạn là liên gia trưởng Hai Thợ. Anh nhìn vào căn nhà nát bấy rồi đứng cúi mặt. Những người chạy chưa tới lên tiếng hỏi:
Có ai làm sao không, anh Hai? Hai Thợ không trả lời, anh quay lưng lại. Rồi đám đông cũng tới nơi. Họ đứng lại, có người ôm mặt kêu lên thảng thốt:
- Trời ơi?
Y tá Chín bỏ rơi thùng thuốc xuống chân:
- Vầy còn cứu sao nổi! ở quanh đó, nóc vách nhà bay tứ tung, bàn ghế cũng vậy, như có một bàn tay khổng lồ bốc từng nắm tung hê ra bốn phía.
Thầy pháp Ba Gà Mổ chạy tới. Hắn đứng khứng:
- Trời ơi, vợ tôi đây mà!
Dưới chàng ba cây, xác giáo Lượn và xác vợ thầy pháp Ba Gà Mổ chết bẹp bên nhau. Cả hai cùng lõa lồ. Ba Gà Mổ điên tiết, lão dẫm chân bành bạch, mắt quắc muốn tét mí, tay xỉa xói:
- Trời phạt tụi bay, tổ cha quân gian phu dâm phụ, đồ quạ mổ ó đâm. Trời ơi, tôi đâu có ngờ...
Hai người đàn ông níu chặt hai cánh tay Ba Gà Mổ không cho lão nhào tới xác chết. Xác chết nằm bật ngửa, khắp người đầm đìa máu, máu loang ra cả sàn nhà ướt rác rưởi. Khắp người nạn nhân hình như sau khi chết còn bị những mỏ nhọn rỉa rói, có chỗ trơ xương, bụng bị xé rách toang, ruột gan lòng thòng. Bốn lỗ mắt sâu hoắm.
Hai Thợ thở dài buồn bã:
- Tôi đâu có dè sự thể như vầy!
Thầy pháp Ba Gà Mổ vẫn gào thét chửi bới. Mọi người ngửa mặt nhìn lên những cành cây sao còn lại. Những con chim vẫn đậu ở đó, chúng rỉa lông rỉa cánh, có con nghển cổ kêu khét khét. Một đứa trẻ chỉ lên cành cây cao:
- Coi kìa, có khúc ruột thòng lòng.
Mọi người định thần nhìn theo hướng tay trỏ của đứa bé. Họ nghi ngờ:
- Hình như không phải khúc ruột.
Mãi sau y tá Chín mới nhận ra:
- A đúng rồi, cái bình bơm thuốc xuyễn của giáo Lượn. Trời, mấy con chim thiệt là...
Y tá Chín bỏ lửng câu nói.
Bầu trời xám ngoét như thấp hẳn xuống. Chín Méo từ đâu tới xăm xăm đi vào, cái thằng làm nghề tảo mộ bất lương, chuyên môn ăn cắp đồ người chết chôn theo:
- Cô bác yên chí, để tôi bao thầu dọn dẹp luôn đám này cho.
Không chờ ai đồng ý, Chín Méo tự ý dọn dẹp bươi móc những đồ vặt vãnh, hình như hắn vừa đút cái gì vào túi. Có người trông thấy la lên:
- E, Chín Méo hôi của!
Chín Méo nhe răng cười:
- Sức mấy không hôi!
Trẻ nhỏ và người lớn nhảy ùa vào. Chỉn Méo vùa la vừa nạt nộ:
- Ê, hổng được nghe, tôi tới trước.
- Bỏ đi Tám!
Đám người như giặc cướp xông vào bới tung lên.
Một đứa nhỏ ôm được chiếc la dô chạy pin, một đứa khác có chiếc đồng hồ để bàn, đứa lượm được cái bóp tiền của giáo Lượn. Đứa không có gì liền nhảy đến chụp. Thế là một cuộc xô xát xảy ra, tiếng chửi thế vang rân át cả tiếng quát tháo nạt nộ của ông liên gia trưởng Hai Thợ.
Không ai nghe, nói đúng hơn chẳng ai eần nghe. Đám xô xát mỗi lúc một dữ dội, có kẻ đã đổ máu, lần này thêm cả người lớn nhập cuộc binh con. Hai xác chết thê thảm vẫn nằm trơ trơ. Thầy pháp Ba Gà Mổ lên cơn, nhẩy múa như lên đồng, hô hoán gọi âm binh. Những con chim đậu trên cành cây ngó ngoái cổ nhìn xuống. Chúng kêu khét khét như âm thầm hỏi nhau chuyện gì xảy ra ở dưới kia thế
Chiếc ống bơm bằng cao su đu đưa trong gió sớm mai.
Bầu trời nặng màu chì.
1960