Buổi sáng tôi thức giấc cùng tiếng chim hót. Nhưng không phải là những buổi sớm mai êm đềm trước kia, khoảng năm tháng trước.
Thú thật hồi nửa năm về trước, tôi cũng chẳng có thì giờ nghe chim hót. Tôi ra đi lúc còn tối trời, ngồi tòa soạn nghe tin tức đài phát thanh, làm những bản tin thế giới xảy ra trong đêm. Công việc tòa báo tất bật đến chín giờ sáng tôi mới có thì giờ ăn điểm tâm, rồi lại viết vài trang tiểu thuyết cho nhật báo. Công việc bận rộn suốt ngày, về đến nhà cũng phải bẩy tám giờ tối. Coi truyền hình, chơi đùa với vợ con một lúc rồi đi ngủ. Thời gian để nghe chim hót hoàn toàn không có, cũng bởi tại nhà tôi ở trong thành phố. Ngay bên kia sông Cầu Bông. Nay tôi về ở với mẹ, bên này sông, một vùng nửa thành thị, nửa thôn quê. Nhà cửa tôi đã mất, gia đình tôi thành ra ly tán từ sau ngày thành phố giải phóng. Tôi bị đuổi ra khỏi nhà, chỉ mình tôi, vì tôi thuộc thành phần ngụy phản động. Những tác phẩm của tôi bị đốt ngay trước cửa nhà, vì bị kết tội là tác phẩm đồi trụy, phản động, bản thân tôi cũng chẳng còn chút an ninh nào. Tôi về với mẹ, nơi căn nhà xưa. Căn nhà trống huếch trống hoác chỉ còn hai mẹ con. Em trai tôi đã lên đường trình diện đi học tập cải tạo bởi nó là sĩ quan quân đội chế độ cũ. Gia đình tôi đương nhiên phải có tên trong sổ đen. Hàng xóm nói, ban đêm, công an và những tay "cách mạng ba mươi" thường rình nghe ngóng trước cửa nhà. Giấc ngủ của tôi, của mẹ tôi thường không yên, khi nghe tiếng chó sủa, khi nghe tiếng bước chân đi rộn rịp ngoài hẻm. Tôi nằm cứng cả hai bàn chân như bị tê dại khi nghe có tiếng xe gắn máy ngừng lại một nhà nào đó trong xóm. Tiếng đập cửa, kiểm tra hộ khẩu. Mẹ tôi ngồi dưới nhà tụng kinh cầu Phật Bà Quan âm cứu khổ cứu nạn. Một đêm qua, tôi biết mình an toàn thêm được một ngày. Sáng ra, nghe chim hót ở khu vườn chùa sau nhà, mẹ tôi và tôi tạm thời an tâm.
Đồ đạc trong nhà bán dần dần để ăn. Cái đồng hồ treo tường, radio, bộ sa lông, chổi cùn rễ rách gì cũng bán được ráo. Tôi chẳng có gì bán ngoài bộ quần áo mặc trên người khi ra khỏi nhà. Tôi là một tên văn sĩ ngụy, vợ tôi là con nhà liệt sĩ, gia đình cách mạng đương nhiên không thể thích hợp với nhau. Hai đứa con tôi, theo "luật" phải theo mẹ. Cuộc chia tay thảm hại. Tôi ra khỏi nhà tay trắng, vật vờ trên đường phố như cô hồn các đảng với niềm đau mãi khôn nguôi.
Tôi nằm nướng trên sàn gác, ngoài tiếng chim hót bên vườn chùa, tôi còn nghe đủ thứ ầm thanh của những thành phần mua bán. Có người rao mua tôn, gạch bông, thế có nghĩa là rỡ nhà ra mà bán đồ lạc son và cả vỏ bút nguyên tử hết mực, bút máy hư hỏng. Tại ngôi nhà này tôi còn để lại cả ngăn kéo vỏ bút bi, lưu cữu từ bao nhiêu năm nay. Từ khi tôi mới vào đời làm nghề cầm bút. Cho đến ngày người ta gọi tôi là nhà văn. Bây giờ thì là nhà văn chế độ cũ hết thời. Tôi có thể bán số tàn dư đó cũng được vài ba bữa cơm, điếu thuốc, ly cà phê đỡ vã. Nhưng khoan nào, tôi có thể sửa chữa lại những cây bút. Tôi đã học được nghề sửa chữa và bơm mực bút bi của một anh bạn như tôi sớm ra nghề. Đồ nghề để thực hiện ý đồ kiếm ăn đó thật đơn giản. Một cây căm xe đạp mài nhọn để thọc viên bi ra khỏi ngòi, lau chùi hết xét rỉ. Một chút acétone rửa ruột bút, cái ống tiêm bơm mực hoặc không thì mấy cái lọ kín, lọ péniciline, đựng mực làm theo nguyên tắc bình thông nhau cũng được. Mực tự chế bằng mực in pha với dầu nhớt loãng là xong. Nếu không làm được, bạn bè tôi sẽ giúp đỡ lúc ban đầu. Tôi chỉ cần tìm địa điểm ngồi hành nghề. Tôi miên man với suy nghĩ đó. Mẹ tôi lên lầu:
- Con chưa dậy sao?
- Con dậy lâu rồi.
- Mẹ muốn hỏi ý kiến con, mình có nên rỡ mái tôn bán không, nhà mình cũng được vài chục tấm.
Tôi lắc đầu:
- Không mẹ à, mình rỡ mái tôn bán rồi sẽ cậy gạch bông bán nết. Đừng mẹ...
Không lẽ mình chịu chết đói sao, mẹ muốn có chút vốn liếng bán bún riêu. Mẹ nấu, bán, con rửa chén bưng tô...
Tôi vẫn lắc đầu:
- Không cần đâu mẹ à, có cách sống rồi. Hôm nay con ở nhà sửa soạn đồ nghề, mai con ra đường kiếm ăn được. Chiều mai con có thể mang gạo về nhà, chút mắm muối.
Mẹ tôi xuống nhà, còn nói với lại:
- Ôi dào, cậu chỉ nói cái mồm, đi rong chợ trời mãi có đến đâu.
Từ xưa tới nay tôi vẫn nổi tiếng là thằng con ba hoa, chẳng thực tế chút nào. Nói một tấc tới trời. Thằng láo khoét, phét lác, ưa tưởng tượng rồi cứ tưởng thật và phát ngôn bừa bãi. Có lần thì chết vì cái mồm! Mẹ tôi gọi là vạ miệng.
ậ
Kiếm để có ăn chẳng mấy khó. Tôi ngồi bên hông tường một trường học nữ nay đã đổi tên. Học trò mặc áo bà ba đủ thứ màu chứ không còn mặc áo dài tha thướt như hồi trước. Trường học không thuần nữ mà lan lộn cả nam sinh. Thời trang hiện tại là áo bỏ ngoài quần, có cậu còn diện cả dép râu. Học trò bỏ học nhiều, trường lớp xơ xác. Nhưng điều đó chẳng liên quan gì đến tôi và những bạn đồng nghiệp ngồi dọc theo tường bơm bút bi kiếm tiền lẻ. Tôi đã sửa được vài ba cây bút hoàn chỉnh, mực chảy tốt. Tôi có thể bán được hoặc cho khách hàng mượn vào lớp viết bài trong khi chờ đợi tôi sửa bút. Mới ra nghề vài ngày, tôi đã thành thợ sửa bút có tay nghề cao, sửa được đủ loại bút viết. Thời gian này toàn miền Nam chưa sản xuất được bút bi và cũng chẳng có bút nhập cảng. Những cây bút Bi được coi là hàng quí giá, đất tiền. Cái khó ló cái khôn, tôi tạm thời sống được.
Tôi thú vị với cái nghề mới của mình. Tôi bơm mực, thử bút qua những đường gạch xem mực chảy đều chưa, rồi tôi viết nguyên chữ, mực chảy nhuần nhuyễn tôi mới trao cho khách hàng, lấy tiền. Cuốn tập cũ dùng để thử bút lem nhem mực và những chữ ký tên của tôi do quen tay. Thói quen sẵn có từ xưa khi đang viết, bút bi trở ngại, tôi thử lại bút bằng cách ký tên mình.
Tôi gặp nhỏ khách hàng vào một buổi sáng sớm trước giờ vào học. Cô bé kháu khỉnh đôi mắt tròn to, luôn có vẻ ngạc nhiên khi nhìn, thêm chiếc răng khểnh coi thật duyên. Cô bé chừng mười sáu mười bảy tuổi. Nhìn dáng dấp và quan sát cách xử sự, tôi đoán cô bé là con em của người thuộc chế độ cũ. Cô bé còn học hành được là điều may. Tôi biết nhiều con em phải bỏ học gia nhập nghề buôn bán chợ trời. Nếu có thần thế do liên quan với người làm cách mạng, xin được chân công nhân viên, quét, hết rác cho sở vệ sinh là nhất rồi. Chính mắt tôi đã được đọc những tờ giấy chứng nhận có công lao, giúp đỡ cách mạng của một vài người quen. Viết lem nhem trên một tờ vở học trò. Có người mang bọc lát tích cẩn thận. Tôi cũng đã thấy tại nhà một anh bạn viết báo trước kia, có treo một tấm bằng, chứng nhận "Gia Đình Vẻ Vang ". Tấm bằng có đóng mộc ký tên, lộng kiễng treo ngay tường giữa nhà, ai vào cũng nhìn thấy. Như người xưa treo hoành phi câu đối. Anh khoe hai đứa con trai của anh sắp sửa đi làm công nhân viên, chân bảo vệ gì đó. Riêng tôi ngạc nhiên về anh, vì tôi biết anh là người đóng bè vượt biển vào Nam sau đợi di cư 1954. Sau đó anh là người viết nhiều bài báo chống Cộng kịch liệt. Tôi không biết gia đình anh vẻ vang nỗi gì, ở cái khổ nào. Thây kệ họ?
Cô bé ngồi xem tôi bơm mực, thử bút, chăm chú nhìn chữ ký của tôi. Mắt hơi nhíu lại, bất ngờ hỏi tôi:
- Thưa chú, nếu cháu không lầm, cháu đã thấy chữ ký này trên một cuốn tiểu thuyết ký tặng ba cháu.
Tôi ngẩng nhìn cô bé:
- Ba cháu là ai, tên gì?
- Ba cháu là thiếu tá Phùng Đại Hải, bây giờ đã đi học tập cải tạo rồi.
Tôi nhìn sững cô bé:
- A, thiếu tá Hải, chú có quen.
- Chính chú ký tên tặng sách ba cháu?
Tôi gật đầu thú nhận:
- Chính chú !
- Trời ơi, chú là nhà văn... bạn của ba cháu.
- Đúng thế, đừng nhắc lại nữa, thời gian đổi thay rồi. Cám ơn cháu còn nhắc đến chú.
Cháu cũng từng là độc giả của chú, bây giờ gặp được chú, ai dè chú lại làm nghề này...
Tôi không muốn cô bé thương thân phận tôi. Vì chính thân phận cô bé cũng đáng thương. Bố bé đi học tập cải tạo mẹ bé bán hàng rong, anh chị của bé chạy chợ trời. Bé sửa soạn bỏ học, thành phần gia đình
Ngụy rất khó sống. Người ta truy tìm lý lịch đến ba đời! Bé cười nói thế. Tôi an ủi cô bé, muốn bé vui, đừng quá sớm chán đời:
- Tất cả đều vậy thôi, chú phải làm công việc này vì "sứ mạng ".
- Chú nói gì?
Máu bố láo hình như lúc nào cũng có sẵn trong người tôi, ít khi tôi nghiêm chỉnh được. Tôi bịa ngay ra được một câu chuyện để chống chế cho cái nghề mình đang làm:
- Chú làm nghề này vì phải đền mạng cho hàng bao nhiêu ngàn cây bút do chú đã tàn sát chúng cả chục năm trời nay. Đây là lệnh của Diêm Vương.
Cô bé cười giòn:
- Chú xạo ?
- ừ thì xạo giấc mơ hoặc cơn ác mộng nào chẳng xạo. Một đêm chú ngủ gặp một cơn ác mộng rồi sau đó chú quyết định phải làm nghề này.
- Chú kể cho cháu nghe với.
- Xong ngay.
ậ
Tủ sách của tôi bị xô đổ, cơ man là sách vở. Trong số đó có những tác phẩm của tôi viết hai chục năm qua, những cuốn sách quí hiếm của các bậc tiền bối, bậc thầy, đàn anh cổ kim mà tôi đã mất công sưu tầm cả đời. Những chồng sách quí giá ấy bị đám thanh niên nam nữ đeo băng đỏ, độ tuổi choai choai khiêng từ nhà tôi ra, chất đống tưới xăng thiêu hủy. Khói lên cuồn cuộn ngút từng mây, vướng mắc cả vào cây thánh giá mỏng manh trên nóc tháp chuông nhà thờ Tân Định. Trong khu phố có nhiều đám cháy thiêu hủy sách vở báo chí bị kết tội là đồi trụy phản động. Tôi nhìn sách vở của mình bị thiêu đốt mà nhợt nhạt cả người. Tôi nhai theo những tàn tro bốc lên cao, những mảnh giấy cháy thành than như vẫn còn linh hồn, còn vương vấn trong lưỡi lửa bạo tàn. Tôi thấy những trang sách cháy đen bay nhập nhoạng như những bóng dơi trong hoàng hôn. Tôi nhìn lũ trẻ tay đeo băng đỏ hang trưng cho quyền lực vừa vỗ tay vừa ca hát những bài ca mới học thuộc. Chúng nhẩy múa quanh lửa hồng, vô tư và vô tội, vì chúng không biết mình đang làm gì. Chúng biết gì đâu mà cãi cọ với chúng, chúng giống như một đoàn âm binh bị phù thủy ếm bùa, phù phép sai khiến.
Tôi bước đi trong thống khổ, trong bóng dơi ma tro tàn khói bay và từ đó ném tôi vào cơn ác mộng. Tôi bị xô ngã xuống vực sâu. Hình như có đám khói đen nào đó đỡ lấy tôi, êm như đệm bông, đưa tôi xuống tận đáy vực, không đau, không xây xát. Nhưng ở nơi đó tối đen, lạnh lẽo. Tôi đang ở đâu? Tôi ngơ ngác trong bóng tối mung lung. Mất tôi còn tốt mà như mù tịt. Hay là tôi bị chôn sống? Không, tôi vẫn còn thở được mà, và còn có thể kêu được, nếu tôi dám kêu.
Nhưng sao tôi hãi sợ nơi thâm u này quá.
Tiếng rì rào xa rồi gần, tới sát bên tôi. Hai mắt không nhìn thấy, nhưng tai lại nghe rõ hơn. Các hồn ma rên rỉ, khóc lóc than thân trách phận cùng oán hờn ai đó. Sao lại là tôi? Có lời than nhắc tên tôi, lời lẽ xúc phạm, nhục mạ hạ cấp. Chỉ ma quỉ mới nhìn rõ được trong bóng tối, tôi còn là người nên tôi không thấy gì. Lửa bùng sáng làm tôi giật mình, lóa cả mắt. Tôi định thần, đúng ỉa cảnh âm ti địa ngục. Tấm màn đỏ kéo lên, như sân khấu tuồng hát bội nơi đình miếu. Trên một án thư rộng, một vị coi dáng đường bệ hách dịch, mặt đen như nhọ chảo, mắt trắng dã, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, râu dài thậm thượt bạc trắng như cước coi quái gở làm sao, đầu đội mão hoàng đế, mình bận áo bào thêu đỏ tía, thay vì thêu rồng phượng lại thêu toàn hình xương đầu lâu có hai gióng bắt chéo như cờ cướp biển. Hai bên án thư hai tên quỉ dữ cầm đinh ba, bồ cào. Đứa đầu trâu, đứa mặt ngựa. Sau lưng ngài, một thị tì xõa tóc, mặt dơi tai chuột, cầm quạt lông lợn lòi đứng hầu. Xung quanh tôi, đứng chật cả hang động không biết cơ man nào là các dạng bút hư hỏng. Cả những máy chữ bể càng gầy gọng. Quỉ sứ mặt thú cầm vũ khí ngăn đám đông, tôi đứng giữa hang, trước mặt là một vạc dầu nấu sôi sùng sục cùng đủ thứ cưa xẻ, kìm kẹp, kéo xiên, móc ngoéo. Tất cả dụng cụ đều được nung đỏ, bốc khói. Chỉ có loài quỉ mới xử dụng được. Tôi sợ hãi, hoang mang.
Vị tai to mặt lớn yên vị, vỗ án thư đến rầm một cái ra uy. Tiếng vỗ làm rung chuyển cả hang động, kinh hồn bạt vía thằng tôi nhỏ bé. Tiếng ngài vang như tiếng sấm rền:
- Tên Nguyễn Văn Tèo kia, trước đây trên dương gian ngươi làm nghề văn sĩ phải không?
Tôi run sợ, lắp bắp thưa:
- Dạ thưa, chính phải.
Tôi bị quỉ sứ mặt chim bồ nông có cái bìu cổ thật to đạp một cái vào nhượng chân, ngã thành thế quì gục.
- Hỗn, quì xuống tâu bày!
Vị tai to mặt lớn đưa bàn tay ngón chuối mắn lên vuốt râu, cười ha hả:
- Cho ngươi biết ta chính là Diêm Vương tầng địa ngục thứ mười tám, hôm nay được lệnh Ngọc Hoàng thượng đế xét xử tội ác ngươi đã gây ra trên dương gian. Nguyên cáo là hằng vạn cây bút để viết lách kiện ngươi phải được đem ra xét xử, vì trong đời ngươi đã tàn sát chúng quá nhiều, một tội ác thô bạo không thể tha thứ, làm ngơ được... Bị cáo chính là ngươi.
Tôi vỡ nhẽ hoảng hồn. Nguyên cáo quá đông mà bị cáo chỉ có mình tôi. Bản cáo trạng ngắn gọn buộc tội tôi nặng nề.
Diêm Vương hỏi tôi:
- Trên dương gian, nhà ngươi hành nghề viết văn làm báo được bao nhiêu năm?
- Thưa ngài Diêm Vương, con không nhớ chính xác được ngày tháng hành nghề. Nhưng tính tới nay cũng cỡ hai chục năm trời.
- Ngươi dùng gì để hành nghề ấy?
- Thưa ngài, tôi dùng đầu óc tôi và bút, mực, giấy, máy chữ.
- Đầu óc ngươi không cần nói đến, vì đó là rác rưởi Ta muốn nói đến những cây bút kia.
- Thưa vâng, phải có giấy bút mới diễn đạt được đầu óc tư tưởng mình.
Nhà ngươi coi những cây bút là thứ gì?
- Thưa là những dụng cụ để diễn đạt tư tưởng.
Diêm Vương nổi giận, tóc tai dựng đứng, mặt đỏ như cục than hồng, hai mắt như hai đèn pha:
- Láo, loài người nhà ngươi ngu dốt lại còn giở giọng khinh thị. Ngươi dám nói bút mực không có linh hồn sao? Chúng không phải dụng cụ vô tri. Nhờ có chúng, mi mới diễn tả được tư tưởng của mi, dù rằng thứ tư tưởng cỏ rác thấp hèn, chuyện đó loài người các ngươi xử lý với nhau, và ngươi đã được xử lý rồi. Ngày hôm nay ngươi là bị cáo, ngươi bị đòi từ dương gian xuống tòa án Diêm Vương mười tám tầng địa ngục để trả lời tội ác ngươi đã gây ra trên trần thế. Nếu đúng ngươi có tội, pháp luật Diêm Vương sẽ xử phạt ngươi. Ngươi được phép bào chữa, được phép ăn năn tội lỗi để hưởng lượng khoan hồng của địa ngục do ta là Diêm Vương đang thống trị. Luật pháp là ta và ta là luật pháp hiểu không. Ngươi có biện hộ viên, không lo luật pháp chốn địa ngục này không công bằng, không quang minh chính đại. Biện hộ viên, tức thầy kiện, luật sư bào chữa cho ngươi là quỉ chim Chèo Bẻo. Chốn âm ti địa ngục ngày nay đã tiến bộ lắm roi. Quyền quỉ quyền người đều được bảo vệ, tôn trọng. Nghe ta hỏi này, trong đời xử dụng bút của ngươi, ngươi đã tàn sát bao nhiêu cây bút, máy chữ?
Tôi run lập cập:
- Thưa ngài chánh án Diêm Vương, tôi làm hư hỏng bút cũng nhiều, nếu chúng không gây trở ngại khi nguồn văn tôi đang lênh láng, bút Bic, hàng ngoại nhập mực chảy tốt, tôi xài đến hết mực mới liệng đi.
- Khá, ngươi đã thành thật khai báo và nhận tội, vừa tàn sát bút vừa khai thác bóc lột sức lao động của bút đến cạn kiệt rồi liệng đi.
- Thưa đúng vậy, con thưa với Diêm Vương, con không nhớ là bao nhiêu cây bút đã hư hỏng hết mực trong tay con, vì thời gian hành nghề của con quá dài... Tòa Diêm Vương nhắc lại cho bị cáo rõ, tàn sát chứ không phải hư hỏng. Những cây bút cô linh hồn của nó, không còn là vật vô tri, chúng đã kéo nhau đến đây kiện ngươi, hàng hàng lớp lớp. Coi kìa, xung quanh ngươi, tất cả đều là nạn nhân của ngươi. Phen này chắc chết, sao mà chúng đông đến vậy Bút Bic, bút máy Parker, máy chữ Remington, cả bút lông, bút chấm mực. Tất cả họ hàng nội ngoại loài bút đều khập khiễng, thân tàn ma dại, sứt càng gây gọng. Chúng nhao nhao đòi mạng, đòi tôi phải trả nợ máu. Diêm vương và quỉ sứ phải vãn hồi trật tự rồi mới cho những tên đại diện ra tâu bầy buộc tội.
Chàng máy chữ Remington khập khiễng ra trước tòa:
- Thưa ngài chánh án Diêm Vương, chính tên này một lần đã liệng con từ trên lầu ba ở tòa soạn báo xuống đường vì hắn bực tức. Hắn vô cùng tàn nhẫn, thế là con du địa phủ. Linh hồn con đến nay vẫn chưa siêu thoát
Mụ nạ dòng bút Bic bước ra:
- Thưa ngài chánh án Diêm Vương, bậc đàn anh khả ái máy chữ Remington nói rất đúng, tên văn sĩ này rất độc ác, cộc cằn, nó xử dụng chúng con vô cùng tàn nhẫn. Nó viết nhiều và viết rất lâu, bất kể giờ hành chánh theo qui định, bất kể đêm ngày. Con, chị em con mệt hụt hơi. Chưa kịp chảy mực là nó đâm ngay ngòi xuống bàn, hết mực nó đập bút luôn. Giận dữ nó cũng bẻ đôi thân thể con ra ngay. Ngài thấy con mảnh dẻ, liễu yếu đào tơ chịu gì nổi tên cầm bút thô bạo vũ phu như vậy.
Người đẹp Parker ỏn ẻn bước ra:
- Chính nó, có kẻ đến nói với nó chịu uốn cong ngòi bút một chút nó sẽ sung sướng cái thân, lại có tiền bạc. Nó không chịu nghe lời người ta còn dùng ngay con đâm vào mặt người ta đến đổ máu. Thân con bị tiêu diệt ngay tức thì.
ả hức lên khóc thảm thiết, đòi tôi phải đền mạng, trả nợ máu. Tôi nghe buộc tội mà muốn tự sát chết luôn, toát mồ hôi hột, mặc dầu ở chốn âm ti vô cùng lạnh lẽo. Tôi không ngờ mình gây tội ác với tộc họ nhà bút kinh khủng đến vậy. Bây giờ chúng đòi mạng tôi, hối không kịp, tôi chỉ chết một lần, làm cách nào tôi đền mạng nổi cả chục ngàn cây bút. Phần buộc tội đã xong. Biện hộ viên mặt quỉ Chèo Bẻo nhẩy ra bào chữa cho tôi ác liệt không kém:
- Thưa ngài chánh án Diêm Vương, thưa quí tòa. Tôi là biện hộ viên của tên nhà văn thối tha bị lôi cổ ra tòa do đơn tố cáo của nhân dân loài bút. Qua lời buộc tội gắt gao của nhân dân thì tên nhà văn này đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác, nước giải của Thiên Hà ngoài vũ trụ cũng không thể rửa sạch. Một triệu lần chết hắn cũng không đền nổi tội ác của một đời lầm lỡ. Người biện hộ viên chân chính như tôi phải bênh vực bào chữa cho hắn cũng lấy làm xấu hổ và nhục nhã Nhưng vì lòng quỉ đạo, tôi cũng tình nguyện đứng ra bênh vực và bào chữa cho hắn. Tội ác đã rõ ràng, không thể chối cãi được. Nay thân chủ tôi đã cúi đầu chân tội. Vậy xin Diêm Vương mà chính Người là luật pháp mở lượng đèn trời soi xét tìm giúp cho thân chủ tôi một hình phạt xứng hợp với tội ác mà hắn đã phạm phải để chứng tỏ tính ưu việt của luật pháp tại tầng địa ngục thứ mười tám này trong cõi âm ti.
Tòa ngưng để nghị án. Tôi khát khô cổ nên được phép giải khát bằng một lít nước đái ngựa. Tôi không thể tả nổi mùi vị ra đây được. Quỉ mặt thú hỏi:
- Có đói không ta cho bị can ăn?
Tôi thất kinh trả lời không còn đói khát gì nữa.
Sau mấy khắc nghị án, Diêm vương tuyên án, giọng ngài oai nghi vang như sấm:
- Xét rằng bị cáo, tên văn sĩ Nguyễn Văn Tèo là người ở dương gian đã gây nhiều tội ác nghiêm trọng. Xét rằng bên nguyên là những hồn bút kiện đòi mạng và có lời buộc tội chính đáng. Xét rằng qua lời bào chữa của biện hộ viên xin xỏ cho bị cáo là cao thượng, có tình có lý, có tính quỉ đạo Toà án tối cao chốn âm ti, tầng địa ngục thứ mười tám ra quyết định số I/ĐN 18:
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Tèo, mọi hình phạt nơi chốn âm ti này như cắt cổ, mổ họng, lóc thịt, lột da, nấu trong vạc dầu đều không xứng với tội ác mà hắn đã phạm phải. Nên sau khi nghiêm túc luận tội, tòa nhất trí xử phạt lưu đầy ngay hắn lên trần thế cho lao động cải tạo để đền tội ác. Hắn sẽ phải hành nghề bơm sửa bút bi. Các hồn bút sẽ được tái sinh trong những cây bút hư hỏng do tên Tèo sửa chữa.
Bản án được thi hành ngay.
ậ
Tôi choàng tỉnh cơn ác mộng và thấy mình là gã sửa bút bi ngồi dựa tường. Bấy giờ quanh tôi là các em học sinh há miệng ngồi nghe. Rồi đưa bút hỏng cho tôi bơm mực, sửa chữa, trả tiền sòng phẳng hậu hĩnh. Tôi vơi dần tội ác.
Nhưng sau đó tôi lại hoảng sợ ngay, tôi thú thật với các em:
- Ta nói láo đấy, ta có máu láu cá, đừng tin lời ta nói, hãy xem việc ta làm.
Một hôm không xa ngày tôi phía chuyện nói cho vui với các em nhỏ, những người mang băng đỏ tới tuyên phán:
- Riêng anh, chỉ có anh thôi, lên đường đi nơi khác. Anh không được phép ngồi đây để bôi bác chế độ. Anh nhớ tai mắt nhân dân ở đâu cũng có.
Lời nói nghiêm trọng của người cách mạng choai choai khiến tôi phải tuân thủ liền.
Tôi khiêng đồ đi nơi khác.
Hồn bút ám quẻ tôi mãi tới ngày hôm nay. Tôi giống như một kẻ bị quỉ ám, cứ lẩn thẩn mãi với mấy cây bút, tôi vẫn chưa trả hết nợ máu với chúng. Mà tôi thì không thể quịt nợ chúng. Tôi cặm cụi với cây bút trên tay và nâng mu nó.