Tôi không thể không có quyết định dứt khoát khi chấp nhận thuê cái chuồng heo bốn thước vuông làm nhà ở, che mưa đụt nắng cho hai vợ chồng và cái bào thai vợ đang mang. Dầu gì tôi cũng không thể lôi nàng lếch thếch, lang thang đi khắp đầu đường xó chợ, gầm cầu, công viên. Tuy trời đất mênh mông tha hồ màn trời chiếu đất, đâu cũng có thể là nhà. Nhưng căn bản vẫn là một mái nhà, an cư mới lạc nghiệp. Nói chuyện ấy mà buồn cười. Tôi còn nghiệp đâu mâ lập. Tôi vốn là nhà văn nhà báo hành nghề thời chế độ cũ, nay đã hết thời, chẳng còn ai dùng đến nữa. Tôi tạm thời gác bút, không nghĩ đến chuyện viết lách làm văn nghệ nữa. Tôi tìm một nghề khác, đang trên đường tìm kiếm.
Tôi trả tiền cò (hoa hồng) cho mụ dắt mối nhà. Đúng ra bây giờ là một cái phòng, nguyên là một cái chuồng heo đủ chỗ cho một con nái xề với một bầy con. Cái chuồng heo trong một dấy chuồng heo, nay đã được ngăn phòng ra cho thuê. Tiền thuê tính theo gạo, 15 kí gạo một tháng. Thôi cũng được. Nhà không có điện, tất cả phải thắp đèn dầu, nước thì có giếng chung, ỉa đái có ao cá tra gần đó, thoải mái đổ chất thải nuôi bầy cá đói. Vợ chồng tôi tự giấu thân phận mình, tôi khai tên tuổi, trình độ văn hóa với chủ nhà, tôi chỉ biết đọc biết viết, vợ tôi thì mù chữ. Có vậy mới mong hoà nhập được với đám cư dân ở đây, nếu muốn kiếm miếng ăn. Chốn này là vương quốc Ve Chai, buôn bán đồ phế liệu. Tân Phú, nơi mà trước đây linh mục Đinh Xuân Hải trị vì như một lãnh chúa, chính quyền hồi đó cũng phải nể vì. Tôi nhìn thấy tại nơi đây có hướng làm ăn tốt cho mình.
Căn nhà tôi thuê, nay gọi là nhà, không gọi là chuồng nữa. ở hương lộ 14, nhà ở sâu trong ruộng. Trên cánh đồng hoang, trên nghĩa địa phơi đầy bao ni lông phế liệu, được giặt phơi.
Hầu hết cư dân nơi đây là bọn khố rách áo ôm sống bằng nghề nhặt bao ni lông, sắt thép, vỏ đạn phế thải. Thu gom, phân loại ra bán lại cho vựa ve chai. Vì cơm gạo, tôi gia nhập làng ve chai học nghề. Tôi đường cùng rồi, không làm thì lấy gì mà ăn, trả tiền nhà linh tinh đủ thứ, còn phải lo cho cái bào thai của vợ tôi đang mang, mỗi ngày một lớn. Đến khi nào đó vợ chồng tôi có một hài nhi chào đời. Thương con như con chó con mèo biết thương con. Dù đời sống nghiệt ngã thế nào, tôi cũng phải giữ lấy huyết thống của mình. Tôi nghĩ thế. Như một thách thức. Tôi trở nên hung dữ và dễ nổi giận, đã có lần nổi giận vì có người nhân danh đạo đức loài người dám ra lời bắt vợ tôi phải phá cái bào thai đi vì họ cho rằng đứa bé này ra đời là nghiệp chướng.
Tôi thây kệ cuộc đời này lâu rồi, nhưng không thây kệ giọt máu của tôi. Người ta cho tôi là kẻ nghèo khổ hết thời, vô tích sự, lại ngang chướng. Thây kệ họ, bố mẹ vẫn mong mỏi ngày con ra đời, dù trong bão táp mưa sa, trong nghèo đói khốn khổ. Tôi thầm hứa vậy.
Bà chủ nhà đưa vợ chồng tôi vào phòng xem nhà. Bà đứng tuổi, vợ của một ông đại tá đã về hưu. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, rồi vượt Trường Sơn trở về Nam chiến đấu "chống Mỹ cứu nước". Bà vẫn ở lại miền Nam bí mật hỗ trợ cuộc chiến đấu của chồng.
Nay thì ông đã trở về, ông ở căn nhà ngoài chợ với bà nhỏ. Bà lớn được quyền thừa hưởng trọn vẹn căn nhà xưa, vườn và ao cá. Quyền lực ông to rộng nhưng đối với vợ lớn rất có tình có nghĩa. Bà chủ nhà tôi lấy làm hài lòng về chồng. Chúng tôi xem căn phòng bé tẻo teo, đại tá phu nhân nói:
- Hai vợ chồng bay ở đây là vừa gọn vừa xinh. Này tao nói nhé, vợ mày bầu bì đi thuê nhà rất khó, mày biết chủ nhà nào cũng kiêng kị người thuê nhà có bầu. Nhưng nhà tao có truyền thống cách mạng nên không kiêng kị gì hết, tiền nhà rẻ mạt, chỉ mười lăm kí gạo một tháng, tính bằng tiền như thuế má của nhà nước vẫn tính, chẳng ai thiệt thòi. Đúng đó, trước kia nhà này là dãy chuồng heo, nhưng tao thấy nuôi heo không có lợi, tao bèn thôi nuôi để cho thuê lấy phước. Này đừng cười tao, tao cho chúng mày thuê là làm phước, tao còn lạ gì tụi bay, toàn là thứ trôi sông lạc chợ, lính ngụy, lưu manh, không một mảnh giấy tùy thân, không hộ khẩu, mất quyền công dân, đâu phải người chân chính lương thiện. Vậy mà tao dám chứa chấp, công an phường mó đến tụi bay là không được với tao rồi. Ông ấy nhắc "máy" lên một cái, lính công an "teo bu ri", xin được thả ngay tụi bay về "nguyên quán". Ông là người có uy ở vùng này. Nói đến chú Bẩy ưng ai mà không biết, trưởng công an phường, trưởng phường đội, ủy ban đều là hàng con cháu ông hết. Bay cứ nói ở nhà Bảy ưng chẳng ai dám đụng đến bay. Tụi bay do tao quản lý.
Bà đại tá Bảy ưng nói một hơi. Trong hoàn cảnh này tôi thấy bà nói có lý và đúng quá. Quả thật vợ chồng tôi đang kẹt trong hoàn cảnh đúng như vậy. Bà là một bà tiên, ông Bảy ưng là một ông Bụt ban cho thế nhân những điều ước. Điều ước nào cũng được đáp ứng, hài lòng. Căn phòng tuy hơi nhỏ một chút, nhưng cũng đủ chỗ cho vợ chồng tôi, ở góc nhà có kê một cái giường hai người nằm. Bà chủ nhà mau mắn:
- ấy cái giường này của con mẹ thục nhà trước, nó trốn đi không trả tao một tháng tiền nhà nên bỏ lại đấy. Nếu vợ chồng bay có tiền trả tao được hai ngàn rưởi thì lấy xài luôn. Còn không mẹ kia nó chuộc lại tao chịu thôi. Hoặc tụi bay có giường thì cứ khiêng tới mà xài.
Tôi lắc đầu:
- Dạ không, tất cả đồ đạc chúng tôi chỉ có trong hai cái giỏ xách với mấy cái nồi niêu xoong chảo chở trên chiếc xe đạp kia.
Bà chủ nhà chặc lưỡi:
- Vợ chồng bay quả là nghèo, đến cái giường cũng không có, vợ mày bụng mang dạ chửa, bộ nằm đất sao?
- Dạ, cũng có manh chiếu rách lót miếng ni lông bên dưới nằm đỡ, dạ cũng có cái mùng...
- à thôi vậy cũng được, mà thôi tạm thời tao cho vợ chồng bay mượn đỡ cái giường này, vay mượn được ai tiền thì trả tao sau. Tao kỳ hạn cho bay một tuần. Chớ hôm nay tao biết bay cũng không có đủ tiền trả tao cái giường. Thấy người nghèo khổ tao cứ rớt nước mắt, tao không đành lòng đặng, tao có đạo đức cách mạng.
Vợ chồng tôi cảm ơn bà Bảy, thiệt tình tôi cũng không biết làm sao...
- Được được đừng nói nhiều, chuyện làm phước mà, này, mà tao cũng nói trước, mày trả tiền được sớm là cái giường của mày, còn mẹ kia đến chuộc sớm thì ráng mà chịu nghe.
- Dạ, bà Bảy cứ yên tâm.
Bà chủ nhà trở ra, vợ chồng tôi chuyển đồ từ xe đạp vào nhà giải chiếc chiếu rách lên giường. Việc đầu tiên, vợ tôi ngả lưng lên cái giường mượn tạm ấy:
- Gớm ê cả người, anh chở em trên xe đạp ấy đường xóc ơi là xóc.
Tôi nhìn vợ hài lòng:
- Thấy sao, cái giường được không?
Sao không được, mình nằm đất bao lâu rồi, bây giờ nằm giường mà không được nữa sao.
Tôi mỉm cười tự tin:
- Mình sẽ có cái giường này, anh có thể mượn được tiền để mua. Cái giường gỗ chắc chắn như thế này chỉ có hai ngàn rưởi thì cũng không mắc mỏ gì.
- Anh chỉ được cái lúc nào cũng lạc quan.
- Không lạc quan sống sao được, em nhớ mình sẽ còn có con.
Suốt một buổi chiều tôi sắp đặt nhà cửa, một cái bếp nho nhỏ, chén đũa nồi niêu xoong chảo tôi nhặt ván vụn ở quanh nhà kê gạch lên cũng xếp được gọn ghẽ. Nhà cũng có chỗ lui ra lui vào. Tôi càng trở nên lạc quan về căn nhà mới của mình, như thuở nào cách đây hai mươi năm, tôi có một căn nhà do tôi làm chủ. Buổi chiều đầu tiên tôi nằm lăn lộn trên sàn gạch bông mát mẻ. Nỗi vui mừng ấy không chỉ có trong đầu mà còn thấm cả vào da thịt. Căn nhà đó nay vẫn còn, nhưng tôi không được ở nữa, vì nếu tôi ở là phạm pháp, tôi cư ngụ bất hợp pháp trên căn nhà tôi làm chủ. Đơn giản là tôi không được cấp hộ khẩu trên căn nhà ấy. Tôi vẫn chưa có quyền công dân, mà chẳng biết bao giờ mới có. Tôi kéo theo người vợ trẻ sống bơ vơ giữa chợ đời. Hai vợ chồng tôi sống như con sâu cái kiến. Phần thua thiệt nhiều nhất vẫn nghiêng về phía vợ tôi. Nếu nàng không theo tôi, một kẻ hết thời, trở nên bần cùng khố rách áo ôm thì đâu đến nỗi này.Với độ tuổi trung niên mà sức lực đang trên đà tàn tạ sau những năm dài học tập cải tạo, lao động kiếm ăn, liệu tôi có bảo vệ được nàng không. Nàng mang trong bụng cái bào thai, huyết thống của tôi. Tôi sẽ phải làm việc, lao động cật lực, bỏ ngoài tai ngoài mắt mọi lời đàm tiếu, tiếng thị phi. Tôi có thêm sức mạnh. Ngày mai tôi gia nhập nghề ve chai, lượm lặt bao ni lông, tôi lang thang trên những bãi rác, để đố phế thải được tái sinh, dù chất lượng có kém đi nhưng vẫn còn xài được.
Tôi loanh quanh trong căn nhà nhỏ và nghĩ đến đứa con sẽ chào đời, nơi ăn nằm của nó, giấc ngủ yên trong tiếng ru hời của mẹ. Tôi phải lo cho bầu sữa được căng, con tôi không bị khát sữa mẹ nó. Tôi lãng mạn rồi, lãng mạn này đưa đến lãng mạn khác. Tôi nhìn lên trần nhà chuồng heo có cái xà ngang khá vững chãi. Tôi nói với vợ:
- Anh sẽ treo lên cái xà ngang này một cái thúng, lót vải rách và che miếng vải mùng để làm cái võng cho con, vừa tầm tay em đưa, ru con ngủ.
Vợ tôi cười lộ chiếc răng khểnh:
- Ông này chỉ lãng mạn, sao không tính đến một cái nôi hay cái võng mà lại là cái thúng.
- Đây không phải sáng kiến của anh, anh vay mượn của đồng bào thổ mán ở miền thượng du Bắc Việt hồi anh còn nhỏ tản cư lên đó. Em công nhận không, sáng kiến ấy hay đáo để, đứa bé nằm trong cái thúng, đi đâu, làm gì cũng mang theo được, cứ treo lên cây vừa làm việc vừa trông chừng nó, lớn hơn nữa thì thả nó lê la, chạy chơi quanh quanh. Anh đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
Vợ tôi cười rũ:
- Thôi ông ơi, ông đừng mơ mộng nữa, tôi nghe thảm quá rồi.
Tôi cho vợ tôi trẻ người non dạ nên không nghĩ xa chứ tôi có mơ mộng bao giờ, tôi hơn nàng ở chỗ biết nhìn xa hơn lỗ mũi mình. Tôi trở nên kiêu ngạo một mình, cho mình là người chồng vững tay chèo, biết lèo lái con thuyền gia đình con con. Việc người ta liệu cơm gắp mắm. Tôi sẽ có tất cả, sẽ...
Vợ tôi đưa tôi về thực tế.
- Này anh, nhà mình sắp hết gạo rồi đó, chỉ ăn được bữa chiều nay, sáng mai nữa thôi, còn tiền mua mắm muối....
Tôi đang hưng phấn, nói với vợ:
- Thôi chiều nay mình không ăn cơm nhà, mình ra chợ ăn hủ tíu, em gầy lắm, nên bồi dưỡng tí nước xương thịt để lấy chất bổ nuôi con. Mọi chuyện để mai tính.
Chúng tôi ra khỏi nhà, không cần khóa cửa, thời buổi thanh bình chẳng còn sợ trộm cắp. Vả lại, tôi còn cái đếch gì mà mất nữa.
Ra khỏi cửa, tôi gặp vợ chồng con cái người hàng xóm, cũng thuê chuồng heo ở như vợ chồng tôi. Anh chồng, chị vợ đang thui một con gì đó nho nhỏ trên bếp lưa. Anh chồng cười mời tôi:
- ở lại nhậu với tôi, thịt con linh miêu này ngon đáo để. Mình trước lạ sau quen, lại là hàng xóm...
Tôi đành xin lỗi vì phải đi có công chuyện. Anh chồng vui vẻ:
- Thôi vậy sáng mai đi quán bà "Ba Đít Láng" uống cà phê với tôi. ở đây thiếu gì công chuyện mần ăn. Nơi đất lành chim đậu mà.
Tôi đạp xe chở vợ tôi ra chợ Tân Phú, vợ tôi nói:
- Buổi trưa ra ngoài giếng, em thấy anh này mới đập chết một con mèo của nhà ai đó. Có lẽ anh ta nói linh miêu là con đang bị nướng đó.
Sau này thì tôi biết từ chó, mèo, chuột chù, chuột cống, gà vịt, cá tra dưới ao thấy bóng anh ta đều lặn sâu lánh xa. Một tay săn lùng miếng ăn nguy hiểm. Cả vợ lẫn chồng đều là loại lưu manh chuyên nghiệp. Cái gì cũng có thể làm được, miễn là có tiền có ăn. Anh ta nói đó là bản năng sinh tồn. Buồn cười thật, tôi chót giấu thân phận mình là một kẻ dốt nát nên chẳng có lời nào phản bác.
Tôi chán cho đời, nhắp chén rượu khan, mặc kệ mẹ đời. Tôi hùng hục đi làm như con trâu. Đời sống lưu manh của những kẻ phạm pháp đường cùng vây chặt lấy đời sống nhỏ bé của tôi. Tôi có bị ảnh hưởng hay không thì hạ hồi phân giải. Tôi đang sững trong vũng bùn, nơi gió tanh mưa máu. Đồng tiền kiếm lương thiện quả có khó khăn. Cái bao tử đương nhiên thiếu thứ để bóp nặn, xay nghiền. Cái bụng vợ tôi không to được, có lẽ bào thai cũng èo một lắm. Có được chất bổ béo nào đâu để nuôi lớn. Những cái đạp nghịch ngợm của bé cũng yếu ớt, không như con người ta. Tôi lo lắng không biết là chính đáng hay vẩn vơ do đời sống thường xuyên thiếu thốn xúc tác vào đầu.
Những tiếng chửi thề, văng tục nổ giòn rôm rộp về miếng ăn miếng uống của vợ chồng hàng xóm và những người quanh vùng, quả tôi khó mà hoà đồng hòa nhập được với họ. Nhưng vẫn cứ phải sống chung, và cố giữ hòa khí. Tôi vẫn coi đời sống này là tạm mà.
ậ
Ngày hôm sau tôi lên Sài Gòn, tìm đến người bạn xưa. Anh Nhã. Tôi với anh là bạn từ lứa tuổi choai choai kéo dài cả mấy chục năm trời. Tôi tin anh là người thân duy nhất, vì tôi không đối xử xấu với bạn bao giờ. Chẳng những chúng tôi thân nhau mà hai bên gia đình cũng thân nhau. Sau này khi tôi khổ, tôi không mặc cảm vẫn lui tới anh và gia đình anh bên ấy. Ngược lại, anh cũng lui tới với tôi. Đời sống gia đình anh Nhã khá hơn tôi nhiều. Không có những ngày đói rã họng như tôi. Đời sống anh bình bình, không sóng gió khi có cuộc đổi đời. Tuy không làm gì, nhưng anh có "ngoại viện", những thùng đồ từ ngoại quốc của người thân gửi về anh tương đối đều đặn. Vợ anh cũng buôn bán nhì nhằng. Nhưng chị ở bên nhà mẹ đẻ nên anh rảnh rang chỉ phải lo săn sóc đứa con gái, để cháu tiện đi học. Khi buồn anh tới bạn bè, trong đó có tôi, uống chén trà, ly rượu cho đỡ sầu đời. Thường thì anh là người chủ chi.
Tôi đến anh Nhã khi anh vừa ngủ dậy. Tôi nói vợ chồng tôi mới dọn nhà. Anh nói "thế à" rồi tiếp: "Tôi đi với bạn, xem vợ chồng bạn sống ra sao.
Anh Nhã chắt ra từ trong hũ một chai rượu thuốc ngâm mang theo. Anh mua thêm ít đồ mồi. Anh vẫn giữ phong độ của một tay chơi thuở nào. Anh có vẻ ngậm ngùi khi thấy đời sống quá cực khổ của vợ chồng tôi. Cụng ly với tôi, anh nói một câu chữ:
- Gặp thời thế thế thời phải thế... Ráng chịu đựng đi.
Tôi vào thực tế, nói đến cái giường:
- Vợ chồng tôi cần một cái giường, nhà tôi còn sinh nở, có cháu bé...
- Thì cái giường này cũng được rồi, cần gì mới me.
- Giường này của người ta cho mượn, có hạn định chỉ trong bảy ngày, nếu không mua kể như không có, lại nằm đất. Nằm đất thì tội vợ tôi quá. Tôi mượn bạn hai ngàn rưởi thôi để mua lại cái giường này.
Anh Nhã cười:
- ồ được thôi nhưng hiện giờ tôi không mang theo tiền, để lúc khác vậy. Thôi ăn nhậu đi.
Tôi cố với vát:
- Bạn giúp tôi, cố có trước hạn định.
- Chuyện nhỏ.
Tôi tin tưởng bạn. Tôi có một buổi chiều thoải mái. Anh bạn hàng xóm cũng sang góp vui, anh ta ăn nhậu một cách tục tằn, ba hoa và chửi thề luôn miệng. Anh ta nói đến thời vàng son đã qua của anh. Những ngày học tập cải tạo. Những tên trại anh đã đi qua, anh thuộc hàng "sĩ quan chế độ cũ, về những tên trại cải tạo anh ta nói sai bét, toàn là trại giam cưỡng bức lao động cho loại tội phạm hình sự, lưu manh. Rồi đây anh và gia đình anh phải được hưởng qui chế đặc biệt, vì anh là "lính đánh thuê cho Mỹ". Tôi muốn nổi nóng, nhưng dằn lại được và cả anh bạn tôi cũng dằn nóng. Vì tôi đã dặn bạn giấu thân phận mình ở chốn này. Một thằng lưu manh láo khoét, hoàn toàn láo lếu lại đa ngôn. Một loại người càng nói càng sai, nhưng cứ nói, vì với hắn "mục hạ vô nhân".
Đến sẩm tối, anh bạn tôi đậy nút chai rượu lại, coi như ngưng bữa nhậu. Anh hàng xóm vẫn chưa đã:
- Này, đi đâu thế, mình chưa hết chuyện mà, thời của mình.
- Xin lỗi, thời của anh chứ không phải thời của chúng tôi.
- Vậy thì để lại rượu đi
- Không được, giọt rượu là giọt máu, đương nhiên là tôi phải mang đi, tôi và bạn tôi có chuyện riêng cần nói.
Anh hàng xóm nát rượu trơ trẽn:
- Tôi bị gạt ra ngoài?
Đúng thế, tôi nói là chúng tôi có chuyện riêng mà.
Ra khỏi nhà, anh Nhã nói với tôi:
- Tôi muốn nổi nóng rồi, vì bạn mà tôi nhịn.
- Đúng vậy tôi đã phải và đang sống chung chạ với những loại người ấy, đó là điều khổ tâm cho tôi. Tôi thông cảm bạn.
Hàng ngày tôi đi làm. Công việc tôi không phải nhặt bao ni lông mà xé bao thuê, đem giặt sạch rồi phơi khô, phân loại. Mùi hôi thối đựng trong bao ni lông khiến người xé bọc muốn nôn oẹ tại chỗ nhưng vẫn phải chịu đựng. Vợ tôi, không giúp gì được trong cái thứ nghề quái gở này. Nàng có thể ói ra mật xanh, mật vàng, nàng đang có thai. Không thể để nàng kéo dài tình trạng ốm nghén bất đắc dí.
Bà chủ vựa ve chai của tôi còn rất trẻ, son phấn loè loẹt vàng đeo đỏ người. Bà mới giàu và cũng mới cưới chồng, một tay chơi nửa đời nửa đoạn nào đó nói giọng Bắc kỳ cố sửa giọng nhưng vẫn ngọng, khi nổi giận đến mất khôn. Anh ta đủ cái hách dịch để điều khiển bọn người làm thuê như tôi, mà anh gọi là "công nhân viên". Vợ anh là "giám đốc", anh là "phó giám đốc điều hành". Cái xe Honda đời cũ của anh mua lại tân trang sáng loáng một cách hợm hĩnh chạy vòng vòng trên bãi phơi bao, sân ngồi xé bao và nhà giặt bao, mùi át xít trong xà bông bột của các hãng xà bông tổ hợp xông lên chóng mặt. Chị vợ ngồi thu gom mua phế liệu rành rọt đến độ không một bạn hàng nào qua mặt được. Tiếng chị ta choe choé suốt ngày:
- Này, mang đi vựa khác mà bán nghe, vựa này không mua đâu.
- Sao vậy, bao ni lông mà, cân lên rồi trả tiền như mọi khi...
- Mọi khi thì mua được, nhưng lần này thì không mua. Tôi mua của người khác chớ không mua của chú. Tại sao?
- Muốn biết hả, thông Tư đâu, mày xổ tung bao ni lông đó ra, nếu không có độn đá thì tao cùi...
Quả nhiên trong bao ni lông ấy có tới bốn hòn đá xanh, cân nặng đến hơn ba kí lô. Miệng bà giám đốc vựa ve chai Thành Công quang quác:
- Rõ chưa nào, thôi mang đi vựa khác, nhớ nhặt lại mấy hòn đá bỏ vào bao, nhà anh đừng hòng qua mặt con này. Con này có thừa kinh nghiệm.
Anh bán bao ni lông đành năn nỉ bán giá hạ để lấy tiền mua gạo sống qua ngày. Một bạn đồng nghiệp xé bao ni lông cạnh tôi nói:
- Đừng hòng qua mặt con Ngọc Tũn này, nó chuyên nghề nhặt bao ai lông từ hồi sáu tuổi. Bây giờ thì nó giầu lên làm chủ. Sang rồi nó đổi tên từ Ngọc Tũn thành Ngọc Tuyết..
- Tôi muốn hỏi về cái tên trong hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân kia.
- Đúng, tên trong hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân bây giờ là Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết. Có tiền là xong hết.
- à, thì ra chị muốn bỏ luôn chữ Thị quê mùa, thay vào đó chữ Thanh cho sang, xứng đáng với cuộc đổi đời, với địa vị sang cả của chị.
Tôi vẫn còn thắc mắc tại sao từ một con bé nghèo đói bẩn thỉu lại trở thành bà chủ giàu có như vậy. Sự thắc mắc ấy được giải tỏa ngay. Cô bé gập may, một lần ngồi xé bọc ni lông thuê cho người ta, chị thấy một bao ni lông đầy những khoeo vàng. Chị thủ chị giấu và trở nên giàu có, nhất nghệ tinh nhất thân vinh, chị theo nghề truyền thống. A ra vậy, hèn chi khâu xé bọc ni lông, người ta xé rất kỹ. Ai cũng mang một hoài vọng, hy vọng mà người ta không chê là hão huyền. Biết đâu lại không có một bà già lẩm cẩm nào đó gói vàng vào bọc ni lông giấu con chấu rồi quên, liệng đi. Mùi hôi thối từ những bao phế liệu xông lên nồng nặc, những con chó đứng vây quanh đang muốn chôm vồ một cái bao nào đó tha chạy.
Một con cún đã vồ được một bao, cong đuôi té chạy. Tiếng người la lối:
- Bắt nó, bao ni lông lụa...
Lụa là tên gọi thứ bao ni lông có màu trắng tinh mềm nhuyễn, loại Một. Anh phó giám đốc điều hành gầm lên:
- Bắt ló đập chết ngôn, à thằng lào đập được tao cho nuôn xác ló, nhớ để cho tao miếng chả chìa...ờ thằng Lam hả, tao cho mày nàm nính bảo vệ, chiến đấu với mấy con chó.
Tiếng con chó kêu đến "đắng" một cái, nhả cái bao ni lông đựng phân, dấy lên tê tê... Kẻ đập được con chó chính là thằng Nam, người lùng săn trộm, hàng xóm nhà tôi. Phân vãi tung toé, thối hoăng, còn cái bao ni lông được lấy lại.
Anh phó giám đốc điều hành cố vẻ hài lòng:
- Nàm thế nà đúng, không để thất thoát nguyên vật niệu của cơ sở. Phải giết chết, phải ăn thịt những con chó tham nhũng.
Những cục phân té đổ vung vãi được đám chó ăn cướp dọn đến loáng là xong. Một anh ngứa miệng nói không ngãi trước nghĩ sau với đám chó đang tranh ăn:
- ồ lẹ lên tụi bay, ông phó giám đốc biết lại mệt bây giờ.
Anh phó giám đốc ngồi ghếch chân lên chiếc xe Honda tân trang. Nhậy cảm, ra họng liền:
- Ê thằng kia, nói gì vậy? Tao mà đi ăn tranh cứt với chó à?
- Tôi có nói gì đâu, tại anh nghĩ như thế.
- Tao cho mày nghỉ việc.
- Làm thì làm, mà nghỉ thì nghỉ, trả tiền thuê cho tôi đi
- Mày muốn vậy hả, dễ thôi. Mày đừng tưởng mày nà công nhân viên, mày nà cu ni, tất cả đều nà cu ni, thứ không có biên chế. Đừng lói chuyện nuật pháp với tao, tao nà luật mà luật nà tao. Truyền đời cho chúng bay biết, ông đi từ bắc chí lam đã từng nàm ông nớn. Thằng lào, con lào không muốn nàm lữa thì nghỉ. Không có luật nao động bồi thường cho bất cứ đứa lào. Có nàm thì có ăn. Không kỷ luật thép với chúng mày thì không xong.
Tôi biết tôi đang sống ở đâu, đang làm gì, tôi câm họng suốt một con giáp, mười hai năm trời. Tôi vầy vò những chiếc bọc ni lông thuộc loại hàng "hắc quẩy. Tôi thuộc tên hàng như cháo, như những tay chuyên nghiệp. Những bao ni lông phế liệu được tái sinh và tôi cũng được xào nấu tái sinh nhiều lần.
Tôi về đến nhà người mệt nhoài, buổi chợ chiều muộn mằn, đồ ăn mua được đều là thứ ế ẩm, mà cũng chẳng có gì giá trị vì số tiền tôi kiếm được trong suốt một ngày làm việc cật lực chẳng đáng là bao, gạo cho hai người ăn, đồ ăn thì khiêm nhượng miễn là mặn miệng để nuốt trôi cơm. Tôi muốn làm thêm "ca" đêm, là đi giặt bao ni lông thuê, nhưng vợ tôi cản:
- Thôi anh, hồi này anh yếu lắm rồi, anh lại húng hắng ho, coi chừng anh nhiễm ho lao, đám phế liệu bẩn thỉu như thế anh hít ngửi cả ngày... Có được hai bữa cơm là quí rồi, buổi sáng anh cũng có được ly cà phê, nắm xôi, điếu thuốc. Mình sống qua ngày chớ có làm giàu làm có gì đâu.
- Mình còn phải lo cái giường, em cũng cần tí thịt cá bồi dưỡng cho cái thai.
- Biết rồi, không can gì đâu, hồi này em ăn được, đồ ăn chẳng có gì mà em ăn tới gần ba chén cơm đấy. Còn tiền mua cái giường anh Nhã đã hứa cho mượn.
- Mượn thì cũng phải trả, dù là bạn bè...
Đang nói đến bạn thì anh Nhã đến. Tôi cười nói:
- Bạn linh thế, tôi biết bạn đến đúng hẹn mà.
Anh Nhã cười, ngồi ghé xuống một góc đầu giường, đặt xị rượu xuống, rượu trắng và một cái ly con con, chúng tôi thường uống "xây tua ", nghĩa là người này uống cạn giao ly cho người kia xoay vòng.
Cuộc uống "xây tua" đều đặn thì phần mỗi người là tám ly con đủ sừng sừng, không hẳn say mà cũng không đủ tỉnh táo. Nhưng cũng dễ quên buồn. Nhã róc rượu anh mời tôi uống trước:
- Rượu đế nếp Bà Bóng Gò Đen đấy, nước nhất nhé. Uống say êm lắm, không nhức đầu, tôi đặt nó từ Gò Đen Long An đó, hôm nay nó mới mang lên. Một can hai mươi lít, quí lắm nên tôi phải lấy luôn để dành uống. Xị này tôi mang tới cho bạn uống, tôi chỉ nhâm nhi chút chút với bạn cho vui thôi, ồ quên mất rồi, tôi không mang theo tí đồ mồi nào.
- Có đấy, tôi còn mấy miếng thịt Tam Tạng.
- Thịt Tam Tạng?
Tôi mang ra món tàu hủ kho tương, hai đôi đũa, giải thích:
- Tôi gọi món tàu hủ kho này là thịt Tam Tạng cho sang. Vì thịt cá dị ứng với khẩu vị vợ chồng tôi từ lâu rồi. Hai vợ chồng tôi lại có bệnh viêm màng túi, nên phải kiêng kỵ kỹ lưỡng, nhiều hôm chúng tôi hạt muối cắn đôi, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thầy thuốc dặn thế.
Tôi uống rượu và lòng cảm thấy hưng phấn, vợ chồng tôi sẽ có một cái giường. Có thể sau xị rượu này tôi sẽ hùng dũng lên đập cửa má Bảy đang ở nhà trên trả tiền. Cái giường thuộc về tôi, tôi thuộc về cái giường, cái giường sẽ là thành viên thân thiết của gia đình tôi. Nó sẽ là một đồ vật yêu quí như con chó, con mèo trong một gia đình. Ngược lại, tôi phải săn sóc nó, khi nó long đinh tôi đóng lại, nước véc ni tróc nham nhở tôi sẽ mua hộp sơn sơn lại cho sáng sủa. Lúc tôi đang hứng khởi như vậy, đang mơ mộng như bản chất tôi thì anh bạn bèn "pạc xơ cờ..." Lý do anh chưa cho tôi mượn được số tiền tôi yêu cầu để mua lại cái giường. Một thoáng sững sờ, nhưng rồi tôi giữ được bình tĩnh ngay nghe anh nói:
- Đến hẹn rồi mà đồ ngoại quốc của tôi chưa về tới. Thế có kẹt không chứ, hôm nay còn mấy ngàn, cái thằng bán rượu Gò Đen lại mang lên, tôi trả hết cho nó rồi. Đúng cái rượu bạn vừa uống đó, ngon như thế mà mình không mua thì uổng. Tôi hứa với bạn tôi nhớ chứ, hay là bạn xoay tạm ở đâu, rồi tôi sẽ đưa bạn sau vậy Tôi hỏi bà già thì không tiện, vì mẹ con tôi mới có chuyện xích mích, mà hỏi bà xã tôi lại không tiện nữa vì vốn buôn bán của bả. Bạn biết bản thân tôi có làm gì ra tiền đâu. Này, bạn có thể nói với bà chủ nhà thư thả được không?
Tôi đặt ly rượu xuống:
- Chắc chắn là không rồi, tôi cũng chẳng xoay được ở đâu hết. Tôi chỉ biết xoay đằng trước ra đằng sau thôi. Nhưng thôi, bạn đừng quan tâm đến chuyện đó nữa. Đối với tôi là chuyện lớn nhưng đã là chuyện nhỏ rồi. Trước đây chúng tôi từng nằm đất, đừng vì chuyện ấy mà sứt mẻ tình bạn.
Tôi vốn là kẻ nông nổi, không ngờ tôi lại ăn nói bình tĩnh như thế. Nhìn vợ, tôi thấy nàng cũng rất bình tĩnh. Nàng đã rửa xong mớ bát đĩa, đang xếp vào rổ trên cái kệ dã chiến do tôi đóng. Xị rượu ngon tôi không uống hết, đậy nút lại đưa bạn tôi mang về. Tôi tự đo lường được thân phận mình.
Tôi tiễn bạn ra về, hình như trời đang về khuya. Chốn ngoại thành này vắng vẻ. Hương lộ 14 ai đóng lên ở ngã ba đường cái tên mới đường âu Cơ, tổ tiên dân tộc tôi, tôi nhìn mờ mờ thấy dưới ánh điện vàng. Tôi trở về ngôi nhà chuồng heo. Vợ tôi đã lên giường nằm, mùng đã buông, cái mùng vá chằng vá đụp màu cháo lòng. Tôi cài cửa tắt đèn, chui vào mùng. Bóng tối âm u, ngoài mùng muỗi reo vo vo, ngoài trời gió nổi. Có một con cá tra nào đó quậy trong ao. Mái tôn hở, tôi nhìn thấy một ngôi sao đơn độc trong trời đêm. Thốt nhiên thở dài.
Vợ tôi nắm tay tôi:
- Đừng buồn anh, em chịu đựng được mà. Người ta nắm kẻ có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu.
- Đừng nói thế thêm mích lòng.
Tôi đặt tay lên cái bụng lúp xúp của vợ. Bé đang cựa quậy, nhưng sao yếu quá. Tôi im lặng trong đêm. Ngôi sao ở khe hở mái tôn hồi nãy đã di chuyển theo vòng quay trái đất. Tôi không nhìn thấy nữa. Con dế mèn ngoài đầu hè cất tiếng gáy hoà nhập với nhiều âm thanh côn trùng khác. Cái giường ngày mai hết hạn cho mượn.
Lồng ngực tôi nặng nề, tôi bật lên tiếng ho.
ậ
Sáng sớm tinh mơ tôi đã mò ra quán cà phê bà Ba Đít Láng ở chợ Tân Phú. Quán cà phê bình dân không trưng bảng hiệu mà lại mang cái tên tục tĩu như thế Nhất định là cái tên của bọn giang hồ, quân khố rách áo ôm đặt cho, nhưng nguyên do tôi vẫn chẳng rõ vì sao. Quán đông khách như được quỉ thần phù hộ trong khi cà phê bắp rang, pha túi dở òm. Tôi mua một cái dầu cháo quẩy vừa uống cà phê vừa nhai. Đúng ra chẳng ngon lành no nê gì mà chỉ đỡ buồn miệng, có cảm tưởng mình có lương thực, đang nhai nuốt nó. Như kẻ sắp chết đói nhai cỏ, rễ cây, đánh lừa cái dạ dày khốn khổ của mình.
Tôi thắc mắc về tên quán cà phê, nhưng rồi cũng biết. Chẳng phải hỏi ai, cứ nghe khách giang hồ nói chuyện với nhau rồi khắc biết thôi.
Bà chủ quán góa chồng, sống với hai cô con gái đã đỡ đần được mẹ. Bà tuy hơi đứng tuổi nhưng vẫn còn nét mặn mà, là niềm mơ ước của nhiều tay chơi tỉnh lẻ, những mong làm nên chuyện "rổ rá cạp lại". Nhưng lâu rồi, niềm mơ ước ấy vẫn chưa được đáp ứng dù lời ong bướm dập dình quanh người thiếu phụ tuổi đời đang ở độ "ngon lành". Thể hình tròn trịa, nụ cười tươi hết cỡ như đóa hoa mãn khai lấn lướt cả hai đóa hoa hàm tiếu của hai đứa con gái. Bà Ba không xe xua trưng diện, tứ thời cái áo bà ba cổ tròn màu xanh, màu tím, màu mỡ gà hoặc màu trắng thắt eo hông ôm lấy cái quần đen vải Mỹ A láng bóng, tròn vo, mượt mà khiến nhiều tay hảo ngọt vùng Tân Phú phải hít hà thèm muốn. Một tay chơi hết thời, nửa đời lỡ, giờ làm nghề nhặt bọc ni lông thấy chịu không đặng, nhân buổi uống cà phê sáng, do bạn bè thách thức và cũng muốn bày tỏ tình cảm bằng thái độ bạo dạn, anh ta xoạng bậy "cái chảo" láng mướt của bà. Bà chửi, suýt đánh. Công an bèn túm lên phường bắt làm kiểm điểm rồi đưa đi giáo dục qua lao động hết ba tháng trời. Tên quán cà phê bà Ba Đít Láng có từ đó.
Quán ngày một phát triển, đông khách, bà Ba Đít Láng không có tình thì cũng có nghĩa. Bà có một dịp lên thăm người khách hàng bị đi học tập vì bà, đồ tiếp tế hậu hĩnh, không quên một bình cà phê biếu bạn. Như một lời hứa hẹn, nhờ anh ấy mới có tên quán mà ai cũng biết, đông khách. Cuộc tình, nếu có thể gọi như thế, dừng lại ở đó hay đi đến đâu tôi không biết. Nhưng người khách hàng "tội lỗi" xưa cũng có trở lại và được uống cà phê miễn phí. Lại được bà Ba Đít Láng sai vặt, còn hai cô con gái thì lườm nguýt, dầu mỏ ra chửi:
- Chú tưởng đã làm được dượng tôi mà lên mặt. Uống cà phê thí mà còn đòi cà phê sữa, coi có được không?
Bà Ba Đít Láng khóa cửa động đào hay mở có Trời biết. Tất cả đều bù trật trong cái ồn ào của buổi sáng quán cà phê bình dân đông khách.
Tôi cặm cụi lao động xé bọc ni lông cho tổ hợp phế liệu Thành Công của Thị Ngọc Tũn hy vọng vay mượn được tiền, trừ lương mỗi ngày có tính lời để mua lại cái giường. âu đó cũng là niềm vui, tặng phẩm sinh nhật cho vợ. Tôi chưa vô tích sự. Hai ngày nữa thôi, tôi sẽ cầm được số tiền "lớn " ấy, khi bà chủ đã đủ tin cậy ở tôi. Cái giường sẽ thuộc về gia đình tôi. Tôi hưng phấn, tay nghề mỗi lúc một cao, xé đến loáng đã được cả kí bọc ni lông, bất kể dơ bẩn. Thây kệ những cơn ho rũ rượi làm mềm cả thân xác.
Phiên chợ chiều muộn màng, chợ chẳng còn gì, không lẽ bắt vợ ăn hoài cái món thịt Tam Tạng, nàng sẽ lả người đi mất, và cái bào thai, con tôi sẽ yếu không giẫy đạp nữa thì khốn, nó bị suy dinh dưỡng khi còn nằm trong bụng mẹ.
Tôi vào quán cơm bình dân mua ít thịt kho, cái trứng vịt kho và chén canh khổ qua nhồi thịt. Tất cả được đựng vào bao ni lông mà nhà hàng cho là bao sạch. Tôi chấp nhận, lom khom xách đồ ăn về cho vợ trong niềm hạnh phúc tràn trề. Canh khổ qua mát, miếng thịt, rừng kho nước dừa khiến gia đình tôi ngon miệng, con tôi tha hồ giẫy đạp trong bụng mẹ nó.
Không biết phải gọi là hồi sinh hay tái sinh cho đúng. Thây kệ sao cũng được ăn mừng cái giường, cũ người mà mới ta.
Tôi bước chân vào nhà trong niềm hưng phấn, nhưng buồn ngay khi thấy nàng, vợ tôi ngồi bệt dưới đất. Nàng ngồi trên tấm chiếu rách. Tôi kêu lên:
- Sao lại thế này?
- Người thuê nhà cũ đã đến chuộc lại cái giường mất rồi.
- Kỳ vậy, anh đã khất với bà Bảy...
Vợ tôi thở dài đến thượt một cái:
- Ai biết được, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.
- Để anh lên nói chuyện với bà Bảy.
- Kệ anh, nhưng em biết chẳng ăn thua gì đâu.
Anh nói gì thì cứ nói, coi chừng bị bứng ra khỏi nhà, mình sẽ mất an toàn. Có người đến đòi thuê căn nhà này giá cao hơn đấy. Lại có đặt cọc, mình ganh nổi với họ không? Anh liệu lời mà nói.
Mẹ kiếp, lại còn thế nữa. Nhưng tôi vẫn nói để vợ an lòng:
- Anh biết, anh tin ở cách ăn nói của mình. Đại tá Bảy ưng chẳng từng khen anh là người ăn nói có văn hóa đó sao. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Vợ tôi đang buồn cũng phải bật phì cười, cái răng khểnh mới duyên làm sao, hớp hồn tôi:
- Anh chỉ được cái vậy, ai bơm vào cho cứ tưởng thật. Thôi em sửa soạn cơm, a hôm nay cơm có thịt, có canh, có trứng. Sao mà sang quá vậy? Lẹ lên rồi về ăn nghe.
Tôi lên gặp bà Bảy. Bà đang ngồi xỉa trầu thuốc dưới ánh đèn điện từ cái bóng máng trên bình "ắc quy. Thấy tôi, bà hỏi ngay:
- Mày lên tao về vụ cái giường, phải không?
- Dạ đúng vậy, má Bảy đã hứa...
Bà Bảy nhổ một miếng cất trầu vào cái lon sữa bò:
- Tao đã gia hạn cho mày, người ta đến chuộc, tao làm sao được.
- Hai ngày nữa tôi đủ tiền mà.
Bà Bảy nhìn nhanh tôi:
- Tao biết, nhưng không làm sao được, người thuê nhà cũ cũng nghèo như mày vậy. Tao không đành, giúp đứa này bỏ đứa kia. Cứ công bình mà làm. Tao là người có đạo đức cách mạng.
Bà Bảy nhìn lên bức chân dung vẽ truyền thần của chồng là đại tá Bảy ưng, đủ cả cân đai mũ mãng.
Bà vững lòng tin truyền sang cả tôi phải nghĩ là nền đạo đức của bà đúng, rất đúng.
- Tao nói vậy, phải không mày?
Tôi mềm lòng gật đầu:
- Dạ phải, chỉ mong má Bảy giúp cho vợ chồng tôi một việc khác.
- Khất tiền nhà phải không?
- Dạ không, một chuyện khác.
- Cứ "trình bày" hợp lý tao chấp nhận.
- Vợ tôi có thai, nằm đất thì hại sức khỏe quá...
- ờ ờ, cũng đúng, vậy thì mày mang một cái giường khác vế mà nằm.
- Cái giường tre cũng mắc, tôi không đủ tiền mua, đồ cũ họ cũng nói trời thần lắm.
- Vậy hả, mày tính sao?
Thấy tôi liếc nhìn cái giường nhỏ ở góc nhà, bà Bảy giẫy lên:
- Không được đâu, cái giường ấy tao không bỏ không, của con tao đấy. Nó đi bộ đội chiến đấu ở phía Tây Nam tổ quốc, chống Khờ Me đỏ, lâu lâu nó về nó phải có giường nằm nghỉ ngơi. Mày biết nó cũng là sĩ quan ở binh đoàn Cửu Long, con dòng cháu giống.
Tôi cười:
- Dạ không phải, tôi không mượn giường, mà cũng không mua lại nữa.
Đến lượt má Bảy ngạc nhiên:
- Vậy là cái gì? Nói rõ ra nào!
- Muốn xin má Bảy cho đóng xuống sàn bốn cái cọc, tôi đi tìm ván cốt pha về làm mặt, kê làm giường cách mặt đất cho đỡ ẩm thấp.
Bà Bảy rơ miếng thuốc xỉa trên hàm răng có dính quết trầu màu đỏ, móc miếng thuốc lên môi thành một cục to bằng trái tắc. Suy nghĩ một lát rồi lắc:
- Cũng không ổn, mày biết sàn chuồng heo tao đổ bê tông, mày đào bới tầy quầy ra, hư nền nhà tao. Mai mốt tao nuôi heo, heo phải nằm sàn, ỉa đái tùm lum. Chớ heo có nằm giường bao giờ. Cái giường của mày cố định ở đó coi sao được. Tao bác ý kiến "ngông cuồng" của mày. Tao thiệt hại quá, ông chồng đại tá nhà tao rầy la tao. Thấy cũng thương, mà tao biết làm sao được.
Tôi thua, năn nỉ vô ích với một người có đạo đức cách mạng như bà Bảy, được huấn luyện cứng như thép
Tôi lui về chốn chuồng heo. Tôi nghĩ đến câu chuyện đại tá Bảy ưng nói với tôi, ngày ông và đồng đội "xẻ dọc Trường Sơn", nằm bờ nằm bụi để có ngày hôm nay. Giải phóng cho nửa phần đất nước, thống nhất đất nước. Các vị ấy gian khổ biết bao nhiêu. Sự đau khổ của vợ chồng tôi có nhằm nhỏ gì. Ba cái lẻ tẻ. Cần phải lấy đó mà làm gương.
Đêm hôm ấy ngủ đất, nằm lạnh lưng nên tôi ho hơi nhiều, vợ tôi cũng ho và trăn trở không ngủ được, cái cống thoát nước trên đầu nằm chảy róc rách, muỗi bay vo vo góp sức phá thêm giấc ngủ chập chờn... Tôi biết rằng miếng ni lông mỏng rách trải dưới cái chiếu rách không ngăn nổi khí lạnh dưới nền sàn, nếu có miếng dầy hơn? Nhưng làm sao được. Tôi nằm tính toán thâu đêm. Tôi không kêu trời mà chỉ hiểu thấu thêm câu nằm gai nếm mật, hiểu giá trị anh hùng của những người xẻ dọc Trường Sơn. Đẹp đẽ biết bao, hào hùng biết bao! Con ngựa chướng trong người tôi muốn lồng lên phi nước đại. Buổi sáng hôm sau tôi đi làm sớm, uống vội ly cà phê đen nhỏ ở quán cà phê bà Ba Đít Láng. Tôi đến cơ sở gặp bà chủ:
- Tôi xin rút lại lời xin mượn tiền bà.
- Vậy hả? Có món khác rồi chăng?
- Không, thứ tôi định mượn tiền bà để mua, người ta bán mất rồi.
- Chú mua món gì vậy?
Tôi không thể giấu được bà chủ, tình thật kể lể câu chuyện cái giường cũng là câu chuyện giải tỏa ẩn ức. Bà chủ vựa ve chai của tôi tỏ ra thông cảm và nhân hậu. Luôn miệng nói "thế à" và câu "tội nhỉ".
Cuối cùng bà nói:
- Tiếc rằng nhà tôi không có dư cái giường nào, chớ không, tôi cho chú mượn. Mình cùng cảnh nghèo với nhau dễ thông cảm. Được thôi, nếu thấy, tôi sẽ mua giùm chú, một cái cũ cũ cũng được chớ gì. Hồi trước thiếu gì, tôi phải chẻ làm củi, nay lại không thấy nữa.
Tôi nghĩ bụng tôi cần ngay hôm nay, chứ chuyện mai sau thì nói làm gì. Tôi hùng hục làm việc, đến chiều trời bới nắng, tôi được cắt ra thu gom bao ni lông phơi ngoài ruộng mang về cất trong kho. Bao ni lông khô ran vì hôm nay trời nắng và nóng đến 39 độ, tôi loáng thoáng nghe đài phát thanh nói thế khi đang ngồi xé bọc ni lông, mồ hôi chảy ròng ròng. Thế mà vẫn có cả trăm người lui cui trên bãi rác đổ nắng lửa, phơi lưng với trời, gục mặt trên đất, bãi rác lúc nào cũng như chực bốc cháy. Những con người như đám thiêu thân. Những đôi mắt trẻ thơ nguyên xanh trong, dưới cái nắng gay gắt đó biến màu đỏ, màu vàng như mắt khỉ, mớ tóc rối chuyển sang màu rơm rạ. Bao nhiêu con người lang thang kiếm ăn như bầy chó hoang. Tôi thương cho họ, chính là thương tôi, tôi cũng đang ở hoàn cảnh đó. Tôi mơ ước một ngày nào đó được nói lên cảnh này, nhưng không vì vậy mà hận thù ai cả. Một tinh thần rất Việt Nam, thụ động mà không thụ động: Ngồi buồn mà trách ông xanh, khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười.
Trời tắt nắng, tôi thu gom được hết bao ni lông phơi đóng bao, thồ lên xe đạp chở về kho. Có thể ngay tối nay có người sẽ phân loại, một bộ phận khác phân loại rồi chở đi nhà máy tái sinh qui tụ ở quận 5 tức vùng Chợ Lớn. Những đồng bào người Hoa cần cù chịu khó làm ông chủ lớn, đón gió. Có tổ chức nhịp nhàng như trong cỗ máy hay một tổ kiến. Tôi nhìn thấy cái vĩ đại trong hoạt cảnh xã hội, tôi ghi nhận như người quay phim ghi nhận những thước phim tư liệu. Tôi xổ tung mớ ni lông, đặt lên bàn cân tạ có trừ bì. Tôi khám phá ra những bao ni lông thật to rộng, mỗi cái phải to bằng cái chiếu con, dài cỡ hai thước, ngang cũng tám mươi phân, ni lông khá dày. Có thể người ta dùng để bọc một cỗ máy gì chăng, nay là dạng phế liệu, đã được giặt sạch, phơi khô. Tôi nở nụ cười.
Thực tế tôi đang nghĩ đến một cái giường vừa hẫng hụt khỏi niềm mơ ước. Bây giờ tôi phải lót ổ để nằm, tấm ni lông mỏng rách lót dưới một cái chiếu rách không thể ngăn khỏi chướng khí ẩm thấp chốn chuồng heo. Tôi cần một cái ổ lành lặn, dầu cho là tạm thời thay cho cái giường. Sáng kiến loé trong đầu tôi nhưng tôi phải thực thà, tôi tới chị chủ vựa:
- Tôi cần hai miếng ni lông lớn kia, bà có thể để lại cho tôi giá đặc biệt được không?
Chị chủ vựa ve chai nhíu mắt nhìn hai tấm ni lông tôi đã nhặt ra. Sau một phút suy nghĩ cắn môi thoa son đỏ loét hình trái tim, chị gật gật:
- Cần dùng có công chuyện hả, được thôi.
- Bà chủ cho biết bao nhiêu tiền, tôi cân cả hai tấm được hai kí tư, dạng ni lông lụa dầy.
Tất cả đều có giá của nó và đã phân loại, tôi nói theo đúng kinh nghiệm của kẻ trong nghề.
Bà chủ lại nhíu mắt, ghếch một chân lên ghế. Tôi nhìn thấy những móng chân sơn màu tím xẩm. Nhưng gót chân thì vẫn nứt nẻ dài, đen xì, chứng tỏ bà có một thời cực nhọc từng lang thang trên những bãi rác. Sự lao động của bà được đền đáp mang đến vinh quang. Bà cắn môi rồi nở nụ cười, kiểu nụ cười của một ngôi sao, trong làng cải lương hay tài tử nữ phim ảnh Hồng Lông:
- Được thôi, nhưng chú thì tôi không bán mà tôi biếu chú đấy. Chú đàng hoàng, lương thiện, lại biết chữ, chồng tôi nói thế. Vì hoàn cảnh chú phải làm nghề này.
Tôi ngạc nhiên, nhưng cũng phải cảm ơn một người có lòng tốt, có con mắt tinh đời. Họ biết gì về mình, khi tôi đã ngụy trang, đã ẩn mình, giấu tung tích như một kẻ tội phạm đang bị truy nã. Khi tôi không có một tội gì, tôi chỉ muốn không ai biết đến tôi, không ai nhớ ra tôi thôi.
- Tôi chỉ biết đọc biết viết!
Không đâu, chồng tôi biết rõ chú mà, thôi được ngày mai chú làm lại sổ sách giùm tôi thật rõ ràng. Cái thằng thư ký của tôi nó mới học đến lớp ba, sổ sách làm teng beng, nhầm lẫn thất thoát bao nhiêu tiền bạc.
- Còn công việc xé bọc?
- Sẽ có người khác làm thay chú. Cháu nâng đỡ chú lên địa vị cao hơn, người tài mà, chồng cháu nói quyết không bỏ sót nhân tài.
Tôi để ý thấy cô chủ xưng cháu với tôi. Tôi có được bơm lên không. Cô ta như một nữ hoàng tự hạ mình xuống đám tiện dân, hết một tên nâng lên hàng kẻ sĩ. Cuộc đời có lắm chuyện bất ngờ. Như trước đây ba mươi năm, tôi đang làm cu li bên kho 5 Khánh Hội được chủ thầu bốc lên làm cai cu li rồi lên địa vị cao hơn nữa. Rồi tôi trở thành nhà văn nhà báo trong những sự bất ngờ. Lại là chuyện hạ hồi phân giải.
Tôi cám ơn cô chủ, ôm hai tấm ni lông về nhà, không quên hứa sáng mai sẽ trở lại cùng anh thư ký coi việc sổ sách cũ. Tôi chỉ muốn giúp anh ta thôi chứ không có ý tranh việc.
Tôi về nhà, vứt đi tấm ni lông rách ở dưới, trải lên hai tấm ni lông mới, lành lặn, cái bao có hai lớp. Tôi giải tấm chiếu rách lên là có một cái ổ khá xinh xắn. Tôi nói với vợ:
- Thôi cũng được, anh sẽ mua một cái chiếu mới lành lặn, trước khi mua cái giường.
Từ nãy vợ tôi không nói gì, nàng quan sát tôi như con chim mái quan sát con chim trống làm tổ. Lòng tôi thấy vui vui. Vợ tôi nói:
- Sao hôm nay anh vui thế?
- Anh sẽ kể cho em nghe tối nay, khi ngủ giường mới.
- Cái ổ mới mới đúng.
- Cái tổ chim bồ câu được không?
- Khỉ ơi là khỉ!
Căn nhà nhỏ của tôi vang tiếng cười. Có phải hạnh phúc đó không? Chỉ vợ chồng tôi biết với nhau.
Ngoài sân tôi nghe tiếng bà Bảy ưng xoe xoè chửi vợ chồng thằng Nam ở chuồng heo cùng dấy:
- Mày thiệt tệ, ăn cắp ăn trộm quanh hàng xôm láng giềng, giờ có con gà mái đẻ nhà tao mày cũng câu luôn, lông gà còn đây mày chối cãi cái gì. Bao nhiêu lần mày ăn cắp trứng, lưới trộm cá tra của tao, tao thương hại không nói đến, chớ tao không đui. Nhà tao không chứa quân ăn trộm ăn cắp. Tao muốn bay ra khỏi nhà tao, càng sớm càng tốt, tao thí luôn cho số tiền nhà vợ chồng bay còn thiếu tao...
Tiếng con vợ thằng Nam năn nỉ:
- Má tội nghiệp cho vợ chồng con, vì hoàn cảnh mà phải vậy thôi, chớ trước đây chúng con cũng sống trong nhà cao cửa rộng vậy. Anh ấy đi học tập cải tạo về...
- Câm ngay, chúng mày nói láo, chẳng phải ông nọ bà kia gì ở chế độ cũ được đi học tập cải tạo mà là đôi vợ chồng lưu manh chuyên nghiệp trộm cắp vặt bị tù nên mới có tư cách ấy. Tao không đui, vợ chồng mày đâu phải như vợ chồng nhà người ta.
Con vợ thằng Nam oé lên, tôi nghe giọng điệu nó chĩa sang vợ chồng tôi nói xiên nói xỏ. Tiếng thằng Nam ồm ồm:
- Thôi bà ơi, bà đừng nói đụng chạm đến danh dự tôi. Bà khen đứa này chê đứa kia. Tôi lưu manh nhưng cũng không lưu manh bằng kẻ khác sống ở đây. Tôi chỉ bần cùng sinh đạo tặc. Có sao đâu, đời mà... Cái nhà bà cho thuê là cái chuồng heo chớ là gì mà báu giá thế.
Bà Bảy ưng tức cành hông, giọng bà gay gắt:
- Ngay sáng mai tụi bay đi khỏi đây, nếu không tao cho công an xúc bay đi đổ ngoài bãi phế liệu.
- Xong ngay, bà đuổi hết chứ? Hay chỉ một gia đình tôi?
- Vợ chồng con cái mày thôi, người khác có tội tình gì.
Thằng Nam cười lên khăng khắc, có lẽ nó đang tu xị rượu để "nung chí anh hùng".
- Tôi đi, nhưng kẻ khác đừng hòng ở đây để bà làm giàu. Tôi kiếm chuyện đó.
Tôi liếc nhìn vợ tôi như thầm hỏi. Vợ tôi nói:
- Kệ họ, mình chẳng dính gì đến họ.
- Dzăng miếng!
- Mình có làm gì đâu, ăn cắp ăn trộm của ai cái gì đâu.
- ấy vậy mới dzăng miếng, bởi mình không là đồng bọn.
Tôi muốn nói đến cái ngược ngạo của cuộc đời. Nhưng thây kệ, tôi mệt mỏi quá rồi. Tôi thèm một giấc ngủ hơn tất cả. Làm việc ban ngày ở nơi hôi thối không được nghỉ ngơi, đêm thường xuyên bị mất ngủ thì chết mất.
Tấm ni lông giải dưới chiếu quả nhiên đỡ ẩm thấp. Tiếng gió thổi qua vách liếp nghe êm như lời ru.
Tôi thiếp đi không biết bao lâu.
ậ
- Thằng giặc kia, bước khỏi nhà tao ngay, mày hiểu rằng đàn ông đàn bà không quen biết nhau không thể ở chung một nhà, đừng nói chi nằm chung một giường. Cút xéo, biết điều thì cút xéo ngay...
Đúng là một người đàn bà trọng tuổi mà lạ hoắc đối với tôi. Mụ có son phấn mà mặt xanh nhợt nhạt như ma, đôi mắt quắc lên đổ lửa, lạnh lùng. ừ, tôi đang ở trong một căn nhà lạ, nằm trên giường với người đàn bà lạ. Kỳ vậy, không biết tại sao nữa. Tôi chưa kịp giải thích thì mụ đàn bà hung dữ giương những móng tay nhọn hoắt lên cào mặt tôi. Tôi né tránh, mụ vồ hụt nhưng mười móng nhọn cứ múa vèo vèo trước mặt tôi. Tôi hét lên...
- Anh! Anh! Tỉnh dậy, anh!
Tôi thở hào hển, đêm tối mò mò, một cơn ác mộng, chỉ là một cơn ác mộng. Vợ tôi đang ngồi bên cạnh lay gọi.
- Anh tỉnh rồi, thắp đèn lên.
Vợ tôi chui ra khỏi mùng thắp ngọn đèn dầu. Tôi hoang mang về cơn ác mộng, mồ hôi vã như tắm. Tôi hổn hển nói:
- Ghê quá, một cơn ác mộng ghê quá.
Vợ tôi sờ trán tôi:
- Anh bịnh rồi, tại anh làm việc nhiều quá đấy mà, anh cần được nghỉ ngơi. Đừng nghĩ ngợi lung tung. Anh la hét mà em bắt sợ.
Vợ tôi róc cho một hớp nước lạnh, thoa dầu rồi ép tôi ngủ. Nhưng không ngủ được, tôi cứ hoảng sợ. Cái đèn dầu để ngoài mùng rọi ánh sáng vàng vọt, mờ mờ. Tôi thao thức nghĩ hoài đến cơn ác mộng vừa rồi. Bây giờ đến lượt vợ tôi, có lẽ đã quá mệt nên ngủ say. Tôi nghe tiếng ngáy của nàng, rồi tiếng ú ớ. Nàng lại nói mê chăng? Tôi cầm tay nàng bỏ xuống khỏi ngực, nàng xoay người nằm nghiêng. Rồi nàng giẫy đạp, nàng hét. Tôi ôm lấy nàng, nàng đánh vào mặt tôi bôm bốp. Rồi nàng hồi tỉnh, nhin tôi kinh hãi:
- Ma, ma, anh ơi!
- Em ngủ mê, làm gì có ma.
- Thật đấy thật đấy, đúng là một con ma. Em không ngủ nữa đâu, cứ nhắm mắt lại là thấy nó.
Nàng kể cho tôi nghe cơn ác mộng. Một gã đàn ông lạ hoắc, kéo nàng, ép nàng nằm chung giường với hắn. Hắn than hắn cô đơn, đang cô đơn thì có người đến chung sống. Nàng phản kháng mãnh liệt. Khi nhìn kỹ thì thấy hắn là một con ma. Đúng là một con ma kinh khủng, hắn cứ nhất định đòi bắt nàng, nàng chống trả đánh đấm hắn túi bụi...
Tôi phi cười:
- Có thể con ma đó là anh!
- Nỡm, thế mà cũng đùa được, nhà này có ma.
Tôi suy nghĩ một lát:
- Nếu có ma thật thì đâu cũng có ma chứ riêng gì nhà này. Chúng ta đang sống trên mảnh đất lắm người mà cũng nhiều ma, mà thôi, không nói nữa, em lại sợ không ngủ được.
- Em không ngủ đâu, nằm canh cho anh ngủ.
- Anh cũng không ngủ được.
- Vậy thì mình nằm chờ sáng, anh chở em đi uống cà phê.
- Mình sẽ uống cà phê sữa, đã lâu lắm mình không uống cà phê sữa. Anh phải hút một điếu thuốc thơm. Em ăn tô hủ tíu, chịu không?
- ừ nhưng anh ăn gì?
- Gói xôi hay cái dầu cháo quẩy như mọi khi.
- Không chịu đâu, anh có ăn hủ tíu thì em mới ăn, anh làm việc cực nhọc...
Tôi đặt tay lên bụng vợ:
- Tất cả dành cho con, nghĩ đến nó bất kỳ là trai hay gái, anh đều thương, đều muốn hy sinh cho nó. Em nhớ chỉ chúng ta là bố mẹ mới thương yêu nó thôi. Ngoài ra, xin lỗi anh không còn dám tin tưởng ai.
Không ai thương chúng ta cả, nói chi thương nó, hài nhi vô tội này bị coi là nghiệt chướng.
Anh thù hằn đời sống đến thế sao?
- Không thù hằn mà chỉ cảnh giác, chính đời sống này đã dậy anh như thế...
Chúng tôi chung sống với nhau, nhưng vì chuyện cơm áo ít có dịp tâm tình. Đêm nay nhân chuyện sợ ma, chúng tôi nói chuyện thâu đêm. Sáng sớm tinh mơ, vợ chồng tôi trở dậy đã thấy bà Bảy ưng quét sân quèn quẹt. Bà nhìn vợ chồng tôi, hỏi:
- Sao chúng bay dậy sớm vậy?
Vợ tôi mau mắn:
- Chúng cháu ra chợ uống cà phê.
- Đêm qua tụi bay làm chi mà um xùm vậy, đánh lộn hả?
- Không có đâu...
Tao tối qua cũng không nói gì vợ chồng bay, chỉ vợ chồng thằng lưu manh kia phải bước khỏi nhà tao ngay ngày hôm nay. Vợ chồng bay đừng hiểu lầm, tao thương vợ chồng bay ít học mà hiền lành, không xạo sự. Giúp đỡ được tụi bay tao giúp liền, vợ chồng có điều gì không phải thì bảo nhau, đừng đánh lộn, nghe không...
- Dạ, tụi cháu không đánh lộn, tại đêm qua thấy ma nên cháu mới la.
- Ma hả, ứa tao sẽ cúng kiềng, oan hồn uổng tử ở đây thiếu gì. Xưa kia nơi đây là bãi chiến trường mà. Ông Bảy nhà tao có đánh trận này, tao là giao liên.
Buổi chiều tôi trở về, vợ chồng thằng Nam hàng xóm đã dọn nhà đi.Vợ thằng Nam trút giận ngoặt sang gây lộn với vợ tôi. Nhưng chuyện cũng đã qua. Cái giống ti tiện hạ cấp ấy vẫn thế, chấp nhất làm chi. Tôi thấy thuộc lối vào nhà có treo một nhánh xương rồng, cửa lại dán một lá bùa nào đó viết vẽ lăng quăng. Vợ tôi hiểu thắc mắc của tôi, nàng giải thích:
- Má Bảy "ếm xì bùa" con ma đó. Bùa má lấy của thầy nào đó em không biết, anh đừng có bóc đi mà bả giận.
Tôi ừ ào cho qua chuyện. Cuộc sống yên ổn hơn khi bên cạnh tôi không còn gia đình hàng xóm ồn ào toàn những chuyện trộm cắp lừa đảo. Nhưng bùa chú cũng vô ích, những con ma vẫn lộng hành. Tôi mất ngủ, người gầy dốc, tuy rằng công việc không đến nỗi nặng nhọc như lúc đầu. Tôi đi làm không cần phải mặc những quần áo xấu, rách. Tôi được cầm lại cây bút, không phải để viết văn, làm thơ mà để viết những con số trong sổ hàng. Nhưng cũng là cầm bút vậy. Địa vị tôi được nể vì, có người ve chai còn gọi bằng thầy.
Tôi huấn luyện cho cậu thư ký trình độ học vấn lớp ba đỡ nhầm lẫn hơn trong sổ sách. Thuở đó người có học vấn làm việc trong một cơ sở hiếm hoi như lá mùa thu.
Chuyện tôi được trọng dụng không có chi lạ. Giám đốc của tôi ký tên bằng cái gạch chéo chữ thập. Tôi làm giùm cho họ những đơn từ gởi nơi này nơi kia, lại "có tài điều khiển nổi cái máy chữ cũ rích hiệu Remington, những đơn từ trở nên trang trọng hơn, có mộc xanh mộc đỏ mang tên cơ sở, tên giám đốc Ngọc Tũn. Như vậy làm gì mà tôi không được trọng dụng, ở xứ mù thằng chột làm vua. Đúng là trường hợp của tôi.
Những con ma vẫn quấy phá gia đình nhỏ bé của tôi. Tôi không tin chuyện ma quỉ mà buộc phải tin, thây kệ bà Bảy ưng cúng kiềng cho vợ tôi, vì nàng ngã bệnh mà bà già trầu Bảy ưng nói là bị ma làm. Nhưng tôi vẫn phải cho nàng uống thuốc hàng ngày. Tiền bạc kiếm được đổ vào thuốc và những bữa ăn có thêm chất lượng, nên vẫn chưa mua được cái giường cho ra hồn. Cái giường bây giờ là những tấm ván kê lên mấy viên gạch cách mặt sàn xi măng mươi phân, hai tấm ni lông dầy ngăn cách hơi ẩm thấp, cái chiếu mới. Như vậy cũng tạm ổn rồi.
Ông bà chủ tỏ ra biết điều và trọng dụng tôi, giao tôi điều hành hầu hết công việc trong cơ sở, trừ công việc mua bán và xử dụng người. Tôi không thể hiểu được cái lắt léo mánh mung trong công việc, kể cả việc đi mua bán đồ phế liệu có tôi được đi theo. ông bà chủ dự tính thành lập hẳn một nhà máy tái sinh đồ phế liệu. Cho đến một ngày, vợ chồng ông bà chủ đề nghị tôi mở một lớp bổ túc văn hóa cho riêng hai vợ chồng... Tôi cũng đành chấp nhận, vì tôi có thêm thu nhập. Nhưng sao tôi vẫn chán công việc ấy, chán những tiếp xúc hàng ngày đầy những mánh mung. Đôi khi những quyết định của tôi làm mếch lòng chủ.
Mướn thêm một người, hoặc sa thải một người... ông phó giám đốc điều hành gay gắt:
- Chú nên hiểu rằng đây là cơ sở làm ăn, không phải viện tế bần, mình không nên giúp ai hết vì lòng nhân đạo.
Thực tế là thế tôi phải nhận sự sai trái.
Vợ tôi bị ma làm nên ốm đau quặt quẹo hoài, ốm đau như giả vờ... Tôi buộc phải tin rằng trên đời có ma hiện hình hay ở trong những cơn ác mộng để dọa người. Nạn nhân của ma toàn là những con người hiền lành, yếu đuối hay hết thời như... tôi chẳng hạn. Những con ma đều có tư cách hèn hạ như nhau, nhưng nguy hiểm vô cùng. Nguy hiểm ở điểm đó.
ậ
Sửa soạn cho một đời sống văn minh, một cuộc đổi mới nào đó sau ngày chiến thắng. Thành phố được giải phóng phải giàu đẹp gấp mười ngày xưa. Con người ở đó phải sống văn minh hơn để theo kịp đà tiến bộ của thế giới, của nhân loại. Tôi đứng lại tức là tôi tụt lùi. Con người tiến bộ là con người biết bỏ thuốc lào hút sang thuốc lá, thuốc có cán (đầu lọc) mang mác ngoại quốc càng tốt. Biết bỏ dép râu, mũ cối để đi dép sa bô da, tiến tới đi giầy, đội mũ giô kề hoặc mũ phớt. Phụ nữ phải biết bỏ áo bà ba để mặc đầm, bỏ khăn rằn đội đầu để làm tóc kiểu cọ, biết trang điểm son phấn. Tất cả những thứ cũ kỹ xưa kia đều nên chui vào tủ kính ở viện bảo tàng lịch sử, nhà truyền thống.
Một ngày nào đó ai muốn biết phải giở tư liệu lịch sừ ra tham khảo hoặc nghe hướng dẫn viên thuyết minh. Tôi vẫn tin như thế và có những suy nghĩ lẩm cẩm. Vì nhìn đà tiến bộ quay đến chóng mặt. Đối với thế giới chẳng nhằm nhỏ gì, nhưng với đất nước này thì đã ghê gớm lắm. Dập dình chuyện đổi mới, có thể đổi mới luôn tư duy. Nhưng tôi thấy vẫn còn nhiều khó khăn lắm, vì ở các cơ quan, các công sở vẫn còn những người dân thấp cổ bé miệng khi muốn xin xỏ một điều gì trên mặt giấy tờ, tay vẫn lo le điếu thuốc có cán hiến dâng lên vị cán bộ để cán bộ thông cảm. Kẻ tự coi là nhỏ bé làm việc nhỏ, các ông lớn thì làm việc lớn, muốn làm ăn phải biết chi đẹp, nơi bàn chuyện là cửa hàng bia có ôm để nói chuyện phải quấy. Tôi nghe ông bà chủ tôi nói vậy.
Tôi an phận thủ thường, tuyệt chẳng nghĩ đến chuyện bon chen. Hiền như chưa bao giờ hiến thế, như một lão bộc ở nhà quê có cơ may được vào nhà chủ giàu có.
Dân số thành phố bùng nổ, vì những lý do gì đó, người ta dồn vào thành phố để làm ăn, để kiếm sống. Nhà nước phải nới rộng vùng ven đô để trở thành đô thị. Các nghĩa địa chôn người chết nên đi chỗ khác chơi, di dời đi nơi xa hơn nữa, nhẩy cứ như cóc nhẩy. Xương cốt người chết cũng điêu linh. Người còn thân nhân thì đỡ, người không còn thân nhân cũng được nhà nước liệu bề lo toan hợp tình hợp lý. Tôi được biết chừng đó thôi.
Buổi trưa, vợ chồng cô Ngọc Tũn rộn lên về việc đi thâu mua bao ni lông. Dĩ nhiên tôi là người được đi theo để lo chuyện sổ sách. Anh thư ký lo chuyện cân đo Hẳn phải là một đám bán đồ phế liệu to nên Ngọc Tũn lo một số tiền lớn mà nàng vẫn chưa an tâm, nói với chồng:
- Anh đi theo tôi, nếu thiều tiền bạc anh chạy về lấy liền. Mình tiền trao cháo múc nó không ép giá được. Có phải sang tay ngay mình cũng có lời.
Anh chồng mà số tử vi có sao thân cư thê chiếu mệnh, hỉ hả:
- Cần gì phải sang tay ai, mình dư sức xử lý nó, làm thành phẩm khi đó bán còn lời gấp mấy...
Anh ta còn tỏ ra nắm bắt được nền kinh tế thị trường trên đà phát triển mà vợ chồng anh đang gặp thời cơ:
- Ta có thể không cần bán, chờ cho nhà máy tái sinh của mình hoạt động, ta sẵn vật liệu, có giải tỏa cả mười nghĩa địa ta cũng chẳng lo.
Thế là sao? Thế nào? Tại sao lại liên quan đến việc giải tỏa nghĩa địa? Tôi không hỏi ai cả, lặng lẽ đi theo họ. Anh chồng, phó giám đốc điều hành, hôm nay không nói ngọng vì anh đang hồ hởi chứ không tức giận. Anh chỉ tức giận mới nói ngọng. Điều đó ai cũng biết.
Nghĩa địa bị đào bới đông nghịt người. Người công tác lao động có, thân nhân những bộ xương khô vừa gào khóc vừa la lối:
- Khi chôn má tôi, ngoài những vòng vàng bà mang theo, tôi nhớ còn bỏ vào miệng bà một chỉ vàng mà, bây giờ sao không có...
Bà ta gào khóc, trong khi mấy người làm công việc đào mồ mồm năm miệng mười:
- Có thì lẫn đâu đó chớ ai ăn cắp của người chết, mang tội...
Chị đàn bà đốt nhang khấn vái lia lịa:
- Má ơi, má có khôn thiêng thì phù hộ cho con tìm lại được chỉ vàng, tưởng má được mồ yên mả đẹp, ai dè. Má có khôn thiêng thì vặn cổ chúng nó. Mùi hôi hám của những xác chết được đào bới lên thật khó ngửi, hòa lẫn không khí nóng hầm hập càng dậy hơi. Bây giờ thì như một khu chợ trời, người ta ngã giá đủ thứ được xử dụng lại, từ cái nắp ván thiên gỗ còn tốt, đến một cái vòng ngọc thạch, chẳng may bị vỡ. Tất cả đều là đồ ve chai được đánh giá. Quần áo của xác chết nếu không mục nát cũng được đánh giá. Những mộ bia, những phiến đá, những chồng gạch được đập ra từ các ngôi mồ, có thể dùng lại để xây cất. Tiền, tất cả đều là tiền, ngoại trừ những bộ xương, mảnh xương dược rửa sạch trước khi bỏ vào cái tiểu sành do thân nhân mang tới. Nhiều bộ xương chưa tiêu còn dính thịt da bầy hầy dậy mùi hôi đến phát khiếp. Những xác chết khó tiêu được khâm liệm trong bao ni lông dầy buộc chặt ngăn không khí. Nhưng khi bao được mở hơi xì ra, xác chết đột nhiên phồng lên rồi xẹp xuống, chảy nước màu gì đó coi kinh khủng, không hẳn màu bùn xám, màu máu mủ, xương thịt thối rữa. Những xương thịt đó bị dốc ra khỏi túi ni lông, được rửa sơ trong một vũng nước lớn, ném sang một bên. Ruồi nhặng bay như trấu, va đập vô tội vạ người đứng xung quanh. Những chiếc khăn bịt mũi trở nên vô ích. Những khăn tẩm dầu gió, dầu cù là càng trở nên vô ích hơn nữa, dậy mùi hơn. Có những người nôn oẹ. Nhưng họ vẫn lăn xả vào tranh nhau thu mua.
Bà chủ Ngọc Tũn là người có tiền và dầy dạn kinh nghiệm trong những việc mua bán như thế này. Chờ cho các bạn hàng nhỏ tranh cướp, thâu mua hết. Bà ra một giá cao nhất, mua mão toàn thể những bao ni lông vĩ đại của những bạn hàng nhỏ. Tôi nhìn những bao ni lông và nhận thấy quen quen. Rồi tá hỏa, thì ra thế, toàn là bao ni lông khâm liệm người chết, như những chiếc áo quan tráng chì kẽm mà tôi từng thấy thuở còn chiến tranh. Thuở tôi còn làm phóng viên chiến tranh chạy rong trên những mặt trận. Quá giang những chuyến máy bay C.130 chở xác tử sĩ từ Quảng Trị về Sài Gòn, sao bây giờ tôi mới nhận ra những bao ni lông ấy. Những kẻ khác vẫn làm việc vô tư nhiều bao còn nhầy nhụa thịt da. Có cả đội người đứng xua đuổi, đánh đập bầy chó đói chỉ toan đánh cắp xương. Tiếng bà chủ bên tai tôi:
- Chú vô sổ giùm tôi, tôi thâu mua được sáu trăm bảy mươi ba bọc ni lông. Cho nó chuyển lên xe lam của cơ sở mình. Tối nay chú cho điều động người giặt sạch, đừng tiếc xà bông, sáng mai cho phơi khô rồi nhập kho.
Tôi xây xẩm mặt mày, những tia nắng chiếu trên nghĩa địa loé lên thành hằng vạn ngôi sao. Tôi muốn ói. Bà chủ nhìn tôi:
- Mặt chú xanh quá, sao vậy?
Tôi dốc bi đông nước, uống ừng ực, nhưng tôi vẫn thấy chóng mặt, bây giờ hình như nhức đầu.
Tôi nói với bà chủ:
- Tôi bị trúng gió rồi.
Bà chủ đưa tôi chai dầu gió:
- Chú thoa đi, ờ thôi, chú cứ về, giao lại công việc cho thằng nhỏ.
Tôi loạng choạng leo lên xe đạp ra khỏi nghĩa địa đang bị đào bới trong cảnh hỗn loạn của phiên chợ trời về chiều. Cái oi bức, nồng nực của nắng tháng hai vùng nhiệt đới làm tôi muốn ngất xỉu. Trời ơi, cái giường của tôi, tấm ni lông khâm liệm người chết. Tôi đã nằm chung với ma quỉ bấy lâu nay. Vợ tôi đau ốm, cái bào thai cũng đau ốm lây. Bố đã lầm lẫn! Cả nhà tôi bị ma làm bấy lâu nay. Tôi phải đốt nó không phải trả thù mà trả lại những gì của người cõi âm, tôi khấn khứa. Tôi cuồng lên đạp xe, mà sao hai chân tôi cứ ríu lại Tôi ngã lăn trên đường.
1990