Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Vòng cung lửa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9674 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vòng cung lửa
Nikolai Axanop

Chương 1

Ngày 16-1, sau cuộc tấn công quyết liệt chuyển sang những trận đánh dữ dội trên đường phố, quân ta đã chiếm được thành phố Khắc-cốp…”
Tổng cục thông tin Liên Xô
16-1-1943
Vào giữa tháng hai, thiếu tá Tô-lu-be-ép bất ngờ được gọi lên hội đồng quân y…
Trong những ngày này, các thương binh đang sống một cuộc sống đầy xúc động và náo nức. Các bác sỹ kinh ngạc nhận thấy nhiều bệnh nhân tưởng như hết hy vọng, bỗng bắt đầu khỏe lên, quan tâm đến mọi sự kiện trên chiến trường và thế giới. Những bệnh nhân nằm liệt giường đòi nạng và lại tập đi. Còn những anh hôm qua được coi là khó tính, hôm nay đã xin ra viện.
Nhưng các thầy thuốc biết rõ rằng những điều kỳ diệu ấy không bắt nguồn từ y học và cũng không phải do thuốc men. Đó là sự kỳ diệu của một cao trào chung đang bao trùm cả đất nước.
Mới cách đây hai tuần, bản thông báo nổi tiếng của Tổng cục thông tin Liên Xô phát vào mục “Tin cuối ngày”, bắt đầu bằng những hàng chữ: “QUÂN TA ĐÃ HOÀN THÀNH VIỆC TIÊU DIỆT QUÂN ĐỘI PHÁT XÍT ĐỨC BỊ BAO VÂY Ở KHU VỰC XTA-LIN-GRÁT”, đã trở thành di sản lịch sử.
Tuy Tổng cục thông tin Liên Xô đã cho ra chương trình mới “Tin cuối cùng” và luôn thông báo những tin vui chiến thắng trên các mặt trận khác nhau, nhưng phải là người lính mới thấu hiểu được tất cả tầm vóc của trận chiến thắng ở Stalingrad. Và từ ngày mồng hai tháng hai, những ca khỏi bệnh “thần kỳ” ngày càng nhiều lên, ở dưới các loa phòng thanh, người ta không ngừng bàn cãi: hôm nay, mặt trận nào sẽ được nêu tên? Các nhà chiến lược cây nhà lá vườn xác định người nơi nào sẽ bắt đầu cuộc tấn công mới và tự nhiên, điều đó thúc đẩy việc nâng cao tinh thần, mà đến các thầy thuốc hay hoài nghi nhất cũng phải để ý đến trong khi đề ra cách chữa bệnh cho các thương binh.
Không có thương binh mới vào viện: ở đây chỉ chữa tiếp những người bị thương nặng trong năm 1942, trong những ngày chiến đấu nặng nề để bảo vệ Lê-nin-grát trước cuộc chiến tranh của quân Đức, và sau đó là cuộc phá vây không thành công ở Xi-nhia-vin trong các trận chiến đấu dai dẳng ở De-men-skơ, chung quanh Vôn-khốp.
Những chiến sĩ này, mà những cuộc chiến đấu của họ không mang lại thắng lợi rõ rệt, cần được thấy rõ hơn bất kỳ ai khác là những chiến công, thậm chí những đau khổ của họ, đã giúp cho các chiến sĩ khác giành được thắng lợi thực sự.
Cả thiếu tá Tô-lu-be-ép cũng hiểu rằng, mặc cho bọn Đức cuối cùng đã phá hủy cả đại đội xe tăng hạng nhẹ do anh chỉ huy ở gần Vôn-khốp, những trận chiến đấu ấy, thậm chỉ cả sự thất bại của đội quân nhỏ bé của anh, sự hy sinh anh dũng của người và xe, bằng cách này hay cách khác, đã góp phần vào việc làm nghiêng lệnh rõ ràng cán cân của tất cả đội quân phát xít Đức hùng mạnh. Nhưng anh còn yếu lắm, khó mà mong trở về sớm với các chiến sĩ của mình.
Chính điều đó làm cho anh cảm thấy việc mình được gọi ra hội đồng quân y là bất ngờ.
Vết đạn bắn vào bụng mới đây còn được coi là tử vong, và giờ đây Tô-lu-be-ép cảm thấy mình hết sức may mắn. Anh được chăm sóc, chữa chạy đến gần bình phục, tuy ba lần mổ liên tiếp đã làm anh kiệt sức. Ra hội đồng quân y, anh hoàn toàn tin chắc rằng các bác sỹ sẽ chẳng nói được điều gì vui mừng với anh…
Tại hội đồng quân y có mặt đông đủ các đại diện làm cho Tô-lu-be-ép phải ngạc nhiên: mấy bác sĩ quân y, hai thủ trưởng cấp cao ngành y và một đại tá ít nói, mắt sắc, luôn chăm chăm nhìn Tô-lu-be-ép.
Lúc đầu Tô-lu-be-ép không chú ý đến người này. Anh ngạc nhiên vì quân hàm mới nguyên của các sĩ quan: những lon vai mạ bạc của ngành y, mạ vàng của đại diện quân đội và viên đại tá mắt sắc nọ. Bấy nay Tô-lu-be-ép và các bệnh nhân đi lại được mới chỉ thấy các sĩ quan và binh lính đeo quân hàm mới diễu trên đường phố. Và đôi khi ngắm nhìn những phù hiệu phân biệt cấp bậc khác nhau trên vai những người đó, họ lại thầm ướm thử trên vai mình. Quân hàm vừa mới được ban bố và nó đã làm thay đổi cả bộ mặt của quân đội…
Viên đại tá mắt sắc chỉ làm Tô-lu-be-ép thích thú vì phù hiệu quân hàm đẹp có những ngôi sao vàng to. Nhưng thiếu tá chợt bắt gặp cái nhìn dò xét thận trọng của đại tá, và anh bỗng cảm thấy mình đã nhìn thấy ở đâu khuôn mặt gầy gò có vầng trán cao này, với đôi mắt nheo nheo anh ta như đang nghiên cứu con người anh, hay ít ra, như người họa sĩ chân dung, cố ghi nhớ lấy những đường nét của nguyên mẫu.
Và bất ngờ Tô-lu-be-ép nhớ ra: một tháng trước đây, trong lần phẫu thuật cuối cùng, khi đã bắt đầu thiếp đi vì thuốc mê, gắng gượng chống lại sự yếu nhược và buồn nôn, anh bỗng nghe thấy những tiếng chân bước nhanh-nó vang lên trong bộ óc mệt mỏi của anh như những tiếng trống-ai đó đang lại gần bàn mổ và đứng ở chỗ chân Tô-lu-be-ép, vừa chăm chăm nhìn, vừa thì thầm hỏi nhanh:
-Thế nào?
-Chúng tôi hy vọng,-bác sỹ ngoại khoa quân y khô khan trả lời. Tô-lu-be-ép còn kịp nhận ra giọng nói của ông, rồi bắt đầu mê đi.
-Xin nhớ cho là chúng tôi rất cần đồng chí ấy!-Người lạ mặt nói cương quyết và dường như tan biến mất. Thuốc mê đã đưa anh vào cơn mê sâu.
“A, giá ta được nghe giọng nói của anh chàng này!-Tô-lu-be-ép không thích thú nghĩ:-Nếu đúng là anh ta đã đến lúc mình kề bên cái chết, thì mình cũng muốn được hỏi một điều: “Anh có quyền gì mà không cho tôi chết?”.
Lúc này thiếu tá không ở trong vòng tay thần chết mà đang đứng trước một tiểu ban có thẩm quyền, và anh cảm thấy khó chịu. Anh đã cởi quần áo, chỉ còn mặc chiếc quần đùi, đứng trước cái bàn mà sau đó mấy người kia đang ngồi, còn người có đôi mắt sắc vẫn chăm chú nhìn, như một nhà thôi miên, không hỏi han, không nắn người anh-việc đó do viên bác sỹ quân y làm, những người khác chỉ đứng ngoài nhìn. Mà, Tô-lu-be-ép nghĩ, có cái gì để nhìn lắm. Cả mặt, cả cái bụng như hóp vào trong đầy những vết sẹo: và Tô-lu-be-ép tưởng chừng như khí nắn bụng anh, người bác sỹ quân y sờ thấy cả những đốt xương sống dưới làn da xanh mướt-cái bụng lép kẹp và anh gầy đến thế. Ngay lúc đó anh nghe thấy tiếng nói của nhà thôi miên mắt sắc.
-Thế nào?
“Chính anh ta! Đúng là anh ta!”-Tô-lu-be-ép kinh ngạc.
Viên bác sỹ quân y ngoại khoa sờ nắn xong, thốt ra vẻ không hài lòng.
-Chả có gì tốt cả. Cần phải nghỉ ngơi lâu dài mới hồi phục được.
Người hỏi im lặng, đăm đăm nhìn lên mặt bàn. Và lúc đó Tô-lu-be-ép nhận ra bản hồ sơ lý lịch của anh ở trước mặt anh ta. Anh cảm thấy bứt rứt. Hóa ra đây không phải là người thường! Người ta chỉ quan tâm đến lý lịch trong hai trường hợp: một là anh phạm sai lầm-dù là anh không biết sai lầm gì, tự họ sẽ biết hết!-hai là thuyên chuyển cán bộ. Mà cả hai điều đó Tô-lu-be-ép đều không muốn: trong đời, có lần anh đã mắc sai lầm nặng mà từ đó anh cố gắng không tái phạm. Còn thuyên chuyển đi đâu anh cũng chẳng thích. Anh biết rằng đại đội anh đã nhận được xe tăng mới thay cho những chiếc bị bọn Đức bắn hỏng, anh biết những con người đã chiến đấu cùng anh ngày 21-6-1941 đang đợi anh-không phải ai cũng bị bọn Đức giết chết trong trận chiến đấu cuối cùng! Và anh muốn được tiếp tục chiến đấu với họ, với những con người mà lòng dũng cảm và ý chí quyết thắng anh đã được thấy rõ.
Vào phút đó trong óc anh nảy ra một mối ngờ vực, có phải khi con người có đôi mắt sắc này đang ngồi ở bên mép bàn, thì một vị cấp cao nào đó cũng đang xem xét cái “lỗi lầm” cũ của Tô-lu-be-ép, dọa sẽ trừng phạt anh đủ điều vì sai lầm ấy và hứa hẹn sẽ làm hỏng, nếu không phải là cả cuộc đời, thì cũng là toàn bộ bước đường “công danh” của anh? Nhưng sao có thể có điều đó được?
Câu chuyện đó bắt đầu từ lần trước chiến tranh. Và Tô-lu-be-ép bực bội nghĩ rằng chính cái bóng ma ấy nay lại hiện ra. Rõ ràng là anh không ưa thích con người gầy gầy, mặt nhọn, mắt sắc này: anh ta, vì lý do nào đó không rõ đang quan tâm đến lý lịch của anh, một sĩ quan xe tăng bình thường đang điều trị sau vết thương nặng nề tại một quân y viện bình thường dành cho sĩ quan ở Mát-xcơ-va.
-Thiếu tá mặc quần áo vào!-Viên bác sỹ ngoại khoa khô khan nói, và yêu cầu cô y tá mời các sĩ quan khác vào phòng khám tiếp.
Sang sáng ngày hôm sau, cũng viên bác sỹ ngoại khoa ấy, vẻ rụt rè và như có lỗi, nói với Tô-lu-be-ép trong khi đi thăm bệnh nhân:
-Vla-đi-mia A-lếc-xan-đrô-vích, chúng tôi để đồng chí ra viện. Giấy tờ đã làm xong rồi, và có sẵn cả quân phục mùa đông nữa. Tôi khuyên đồng chí hẵng đi ăn trưa cái đã…
“Thế đó. Nhứ thế có nghĩa là thế nào? Đầu tiên cứ thấy một điều hắt hủi đã: cho một thương binh chưa khỏi ra viện-có nghĩa là buộc anh ta lại phải vào chữa sớm ở một bệnh viện khác, nhưng chắc là tồi hơn, gần mặt trận hơn. Thế rồi lại bộ quân phục mùa đông và bữa ăn trưa theo chế độ nữa. Tất nhiên anh đến đây vào mùa thu, quân phục mùa đông bây giờ là cần thiết rồi. Thế còn bữa ăn trưa?… Ai mà chẳng biết trong các nhà ăn dự bị bây giờ ăn uống ra sao… Hay có thể người ta đưa mình ra ga ngay?”.
Tất cả thật lạ lùng. Tất cả đều không đúng lệ bình thường.
Anh không đợi đến giờ ăn trưa. Thôi thì đã định đón nhận lấy số mệnh thì cứ để mọi điều tự nó đến cho nhanh.
Không phải chỉ có quân hàm, mà cả áo măng tô, mũ lông, ủng da-tất cả đều mới tinh vừa may xong. Mặc quần áo xong, Tô-lu-be-ép ngắm nghía mình trong gương, sờ nắn cầu vai quân hàm cưng cứng trên vai với hai gạch vàng và ngôi sao ở giữa-nom cũng có dáng nhưng không oai nghiêm như viên đại tá hôm qua. Nhưng nghĩ đến đại tá, anh lại thấy chán ngán, bỏ đi lấy giấy tờ. Một hạ sỹ trong số những người đã bình phục, kính cấn chào anh và báo cáo:
-Thưa đồng chí thiếu tá, đồng chí có thư hẹn riêng đây ạ.-Tô-lu-be-ép cầm tấm phong bì dày có dấu đóng ở góc.
Anh lập tức xé phong bì. Trong đó có một tờ giấy nhỏ cũng có đóng con dấu như ở ngoài bì và hàng số dài.
“Vla-đi-mia A-lếc-xan-đrô-vích kính mến!
Đồng chí hãy gọi điện thoại cho tôi vào mỗi đầu giờ, từ máy nào cũng được. Có thể tới tối, tôi mới làm xong việc. Đồng chí đã được giành sẵn một phòng riêng ở khách sạn “Mát-xcơ-va”. Phiếu ăn đồng chí sẽ nhận được cùng với chìa khóa phòng. Điện thoại của tôi: K…
Thân ái Koc-sma-rep”
Và chỉ có thế. Trừ có một điều, là thiếu tá Tô-lu-be-ép chưa bao giờ quen biết một ông Koc-sma-rep nào cả.
Hạ sỹ mới lành bệnh tìm chiếc chìa khóa trong chùm chìa khóa mở cửa nhà kho, nơi giữ những hành lý của các bệnh nhân đang điều trị. Anh ta mất hút trong đó chừng một phút, rồi tor ra, đặt dưới chân Tô-lu-be-ép chiếc va-ly da láng có chìa khóa buộc sẵn ở tay cầm.
-Thế này là thế nào?-Tô-lu-be-ép hoang mang hỏi.
-Của hồi môn của đồng chí đấy. Tôi được lệnh giao cho đồng chí khi ra viện,-Hạ sỹ báo cáo và nhìn Tô-lu-be-ép với vẻ cung kinh mà các đồ vật và các sự kiện khó hiểu thường gây ra. Chắc Tô-lu-be-ép cũng nhìn cung kính người khác như vậy, nếu với anh cũng xảy ra một chuyện tương tự.
Đột nhiên nghĩ đến phong thư hẹn vẫn đang nằm trong tay, anh bước lại gần máy điện thoại. Chiếc máy phát ra những tiếng “tút, tút” dài, nhưng không có ai cầm ống nghe.
Tô-lu-be-ép nhắc thử chiếc valy. Quỷ quái, nặng quá. Nhưng hạ sỹ tinh ý, đã bảo anh:
-Thiếu tá đừng ngại-xe riêng của giám đốc bệnh viện thuộc quyền đồng chí sử dụng tới mười hai giờ-Rồi anh ta gọi ra cửa:-Uc-chin-nốp, ra phục vụ đồng chí thiếu tá!
Tức khắc người lái xe dánh nhanh nhẹn, xuất hiện, cầm lấy chiếc va ly, xách ra cửa. Tô-lu-be-ép không còn biết làm gì hơn là cúi chào anh hạ sỹ đang giương mắt kính cẩn nhìn anh, và đi ra cửa.
Cánh cửa bệnh viện đóng sập lại như cắt đứt anh với tất cả những gì đã có từ trước tới nay. Nhưng còn chuyện gì sẽ tới? Tô-lu-be-ép nhìn Mát-xcơ-va mùa đông, cố không nghĩ đến điều đó, nhưng bả vai anh thấy râm ran như có kiến đốt.
Tin giờ chót
“Ngày 17-2, tại U-crai-na, sau những trận đánh kiên cường, quân ta đã chiếm thành phố và múi đường sắt Xla-ven-xcơ, đồng thời chiếm các thành phố Cô-den-xki, Xvéc-lốp-xcơ, Bô-gô-đu-khốp, Đmi-ép.
Ở khu vực Cuốc-xcơ, quân ta tiếp tục tấn công và đã chiếm thành phố Grai-vô-rôn”
Tổng cục thông tin Liên Xô
17-2-1943

Cái ông Koc-sma-rep mà Tô-lu-be-ép không quen biết ấy mãi lúc 20 giờ ba phút mới lên tiếng.
Suốt thời gian đó, Tô-lu-be-ép ở trong khách sạn, không dám rời máy điện thoại-sợ có điện thoại bất ngờ. Những chiếc máy điện thoại được sinh ra để gọi vào những lúc bất ngờ nhất.
Quả thực, anh có xuống quán để ăn trưa và anh ngạc nhiên một cách thú vị rằng đây là một quán ăn, thực sự với những người phục vụ khéo léo, tuy tuổi đã cao. Ngồi quanh các bàn đa số là các quân nhân, nhưng xét theo những bộ quân phục hết sức sạch sẽ, thì đây là những người ở hậu phương.
Nghe thấy tiếng trò chuyện bằng nhiều giọng nói, Tô-lu-be-ép hiểu rằng những người ăn ở đây là các phóng viên, nhà văn, các sĩ quan tham mưu từ tiền tuyến về và từ hậu phương xa xôi ra đây công tác, nhưng trong số họ, theo suy xét của Tô-lu-be-ép, có người chỉ ở Mát-xcơ-va đôi ba ngày hay vài giờ, và anh hiểu sự khao khát của họ được tới cái góc nhỏ của “cuộc sống hòa bình đã bị lãng quên” này. Có nhiều phụ nữ, đi cùng đàn ông hoặc đi một mình-những vợ góa của các quân nhân đã thấy buồn bã vì cuộc sống cô đơn,-hay đơn thuần là những bà đi tìm chuyện lạ, mà cũng có thể có cả những người chuyên đi nghe ngóng các quân nhân chuyện trò để “sưu tầm” tin tức. Anh nghe thấy cả tiếng ngoại quốc. Tô-lu-be-ép hiểu rằng ở đây còn có cả các nhà báo nước ngoài. Họ luôn nhắc đến từ Nga “Bản tin” và “Tổng cục thông tin Liên Xô”. Cảm thấy rõ là đã qua rồi cái thời mà các nhà báo phán đoán liệu người Nga chịu đựng được cuộc tấn công của bọn phát xít mấy tuần hay mấy tháng nữa. Đang là năm 1943, thống chế Pao-lu-xơ vừa đầu hàng và ngọn cờ đỏ lại phấp phơi trên thành phố Xta-lin-grát; Cuốc-xcơ và Vô-rô-nhe-dơ đã được giải phóng, vòng vây Lê-nin-grát đã bị chọc thủng, và mặc dầu tình hình trên các mặt trận đã có vẻ ổn định, bản tin của Tổng cục thông tin Liên Xô vẫn nở rộ tên những thành phố và địa điểm dân cư mới được giải phóng. Chính vì thế mà các phóng viên, các nhà báo, xét theo những mẩu chuyện của họ, bên tách cà phê đậm đặc, đang đoán thử tương lai của bọn phát xít liệu Hitler còn giữ được bao lâu trước các đòn tấn công toàn diện trên khắp các mặt trận của người Nga? Không phải ngẫu nhiên họ còn hay nhắc đến cái chữ Nga “vạc dầu”. Nhưng Tô-lu-be-ép để mặc những câu chuyện tán gẫu này cho lương tâm của các nhà báo, anh quan tâm nhiều hơn đến bữa ăn.
Hóa ra Koc-sma-rep không quen biết đã lo trước mọi chuyện: chế độ ăn kiêng, thậm chí lại có cả một chai rượu vang. Và muộn hơn, lúc hai mươi giờ, khi Tô-lu-be-ép xuống ăn tối, lại có một chai khác đợi sẵn. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì cũng chẳng cần vội vã làm gì. Nhưng Koc-sma-rep đa vớ phải một người nóng nẩy. Cứ mỗi đầu giờ, anh lại đều đặn gọi số điện thoại bí ẩn.
Mái tới hai mươi giờ năm phút, chiếc máy điện thoại mới phát ra tiếng người:
-Tôi nghe đây!-Giọng nói có vẻ mệt mỏi và không niềm nở.
-Tôi cần gặp đồng chí Koc-sma-rep!-Cố sức nén xúc động. Tô-lu-be-ép nói.
-Xin chờ một phút.-Im lặng-Ai cần gặp đấy ạ?
-Thiếu tá yol.
Mấy mời không rõ nói ở bên cạnh máy điện thoại. Sau đó một giọng nói to vang, hồ hởi:
-Vla-đi-mia A-lếc-xan-đrô-vích! Rất vui sướng nghe đồng chí. Tôi, Koc-sma-rep đây. Đồng chí thế nào, khỏe không?
-Tôi muốn được báo cáo lúc gặp mặt.
-Tôi hiểu, tôi hiểu. Xin đợi cho một phút!-Tô-lu-be-ép nghĩ thầm: quỷ tha ma bắt cái một phút ấy đi. Anh nôn nóng đợi nghe từng lời.-Đồng chí cứ đợi bên ống nghe nhé-Sau một lúc trao đổi với một người nào đó ở trong phòng, giọng nói lại vang lên với Tô-lu-be-ép:-Thế này nhé, nửa giờ nữa sẽ có xe đến chỗ đồng chí. Lái xe sẽ gọi điện lên phòng riêng, nên nếu chưa có chuông, đồng chí chớ xuống nhà vội. Hôm nay trời khá lạnh, và lái xe cũng chưa biết mặt đồng chí. Hơn nữa lại đang giờ quân luật…
-Cảm ơn…-Tô-lu-be-ép, cảm thấy nhẹ nhõm hẳn. Thôi thì mọi bí mật rút cục sẽ rõ ra, và càng sớm càng tốt.
Anh xem lại các đồ đạc trong chiếc va ly. Ban ngày, anh đã xem bộ com-lê thường phục, mấy chiếc sơ-mi rất tốt, cra-vát, khuy bấm, kim băng, hộp dao cạo chạy điện “Phi-lip” và dao cạo thường. Tất cả những cái dó gợi ra nhiều suy nghĩ. Nhưng đoán mà tạm thời là nguy hiểm. Vì thế anh lấy hộp dao cạo “Phi-lip” ra cạo râu lần nữa, lấy nước hoa trong một cái lọ nào đó ra xoa mặt và cảm thấy có vẻ dễ chịu hơn. Chuông điện thoại reo lên. Tất nhiên là người lái xe. Anh ta nói số xe.
Tô-lu-be-ép xuống phòng khách.
Dưới phòng khách có mấy người, cả đàn ông, đàn bà, có lẽ đã vi phạm giờ quân luật. Họ đang bị kiểm tra giấy tờ. Tuy nhiên, Tô-lu-be-ép được đi ra mà không bị hỏi han gì. Anh dường như có thoáng thấy một người nào đó đang ra hiệu cho những người kiểm soát, nhưng anh vội quá nên không nhìn kỹ. Và mãi đến lúc tới chiếc xe có biển số được báo trước, anh mới nhận ra người lái xe đi sau. Có lẽ người này đã biết mặt anh và giúp anh ra đi không bị cản trở.
Quả nhiên, người lái xe mở cửa, mời anh ngồi xuống bên cạnh và chiếc xe phóng đi trên các đường phố vắng vẻ.
Họ cùng vào một phòng thường trực nào đó. Tô-lu-be-ép chìa bức thư hẹn ra, người trực ban xoay xoay tờ giấy và nói:
-Người lái xe sẽ đưa đồng chí lên.
Chiếc thang máy đưa họ lên tầng bảy-“Hành lang nối hành lang. Các cánh cửa dọc hai bên!”-Tô-lu-be-ép bỗng nhớ lại. Người lái xe lễ phép gõ vào một cánh cửa, dẫn Tô-lu-be-ép vào, còn mình thì đứng ngoài cửa.
Đằng sau hai chiếc bàn đặt đối diện nhau có hai người đang ngồi. Tô-lu-be-ép nhận ra ngay một người: mặt dài, gầy, đôi mắt sáng quả quyết nhìn như thôi miên. Người thứ hai, Tô-lu-be-ép thấy giản dị và dễ mến hơn. Người hơi béo, tóc ngả bạc, vầng trán đã cao sẵn lại hói thêm. Cả hai người đều mặc thường phục, mặc dầu khung cảnh chung quanh nghiêm ngặt như nơi làm việc của quân đội, và cả chính tòa nhà cũng có vẻ như một cơ quan tham mưu.
-Thiếu tá Tô-lu-be-ép đã đến theo thư hẹn của đồng chí Koc-sma-rep!-anh nói chính xác và nghiêm nghị, đôi mắt nhìn từ người này sang người nọ.
Người hơi béo tóc ngả bạc đứng lên, tiến về phía anh, chìa tay ra.
-Chào Vla-đi-mia A-lếc-xan-đrô-vích!-Rồi ông chỉ người kia, giới thiệu:
-Đại tá Krit-xchi-an.
Krit-xchi-an cũng chìa bàn tay cứng rắn ra.
Tô-lu-be-ép nghĩ: chắc là nhà thể thao. Phải là tay đua thuyền hay chơi quần vợt. Có vẻ là người E-xtô-ni.
-Chúng tôi mời đồng chí tới…-Koc-sma-rep bắt đầu, nhưng nhìn Krit-xchi-an và kết thúc bằng một giọng khác:-dự một cuộc họp nhỏ.
Cả hai cùng tiến lại phía cửa, và Tô-lu-be-ép như đi giữa hai người áp tải: đằng trước là Koc-sma-rep thấp béo, khép lại ở đằng sau là Krit-xchi-an chân dài. Họ đi như vậy theo dọc hành lang dài, hai bên là những cánh cửa im lặng và yên tĩnh.
Chiếc hành lang nối vào một hành lang nữa, và ở đó cả một cánh cửa mở sẵn vào một phòng khách lớn. Một đại úy có vẻ thuộc quân cận vệ, đứng bật dậy, đế giày đánh vào nhau. Phòng khách có cửa mở sang hai bên, cánh cửa bọc da. Koc-sma-rep bước vào cửa phía bên phải, ở trong đấy chừng một phút, từ đó không nghe một âm thanh nào lọt ra, rồi ông mở cửa và nói bằng một giọng có vẻ trịnh trọng:
-Vla-đi-mia A-lếc-xan-đrô-vích, mời đồng chí vào.
Krit-xchi-an khép kín cuộc diễu hành, đóng cả cửa ra vào ra và cửa vào phòng.
Trong gian phòng làm việc mờ mờ tối: một chiếc đèn nhỏ: đặt trên mặt bàn trống trải, một chiếc bàn nữa mặt ngang kề sát chiếc thứ nhất, chiếc đèn đế cao đặt trong một góc sát với chiếc bàn tròn, chung quanh kê sẵn mấy ghế dựa. Sau chiếc bàn chính có một người đứng tuổi, mặc thường phục đang ngồi, còn ba người nữa đứng quây quanh chiếc đèn đế, uống cà phê, dường như không có một chút liên quan nào với người đang ngồi ở sau bàn và ba người vừa bước vào. Người ngồi sau bàn đứng dậy, Tô-lu-be-ép nhận thấy dáng điệu ông rất mệt mỏi. Ông chìa tay, khẽ nói tên mình và chỉ chiếc ghế dựa trước mặt. Koc-sma-rep bước sang phía bàn tròn, trao đổi vài lời khe khẽ với mấy người đứng đó, rồi trở về chiếc bàn dài, đặt trước mặt Tô-lu-be-ép tách cà phê. Krit-xchi-an ngồi ở cuối bàn, nơi hoàn toàn tối.
Trước mặt người đứng tuổi mệt mỏi đặt một chiếc kẹp tài liệu: đó là bản hồ sơ lý lịch của Tô-lu-be-ép.
Ba người đứng trong góc ngừng chuyện, ngồi vào sau bàn, nhưng chiếc đèn đế không chỉ không soi sáng mà lại tỏa bóng tối lên người họ.
-Đồng chí thiếu tá uống cà phê đi!-Người chủ căn phòng bỗng nói bằng một giọng lanh lảnh-Có lẽ đồng chí mệt đấy nhỉ? Và ông khuấy lanh canh chiếc thìa con trong tách của mình.
Chức vị khiêm tốn của Tô-lu-be-ép mặc dầu được nhắc đến lần đầu trong căn phòng này đã gợi ra những ý nghĩ khắc khổ về chiến tranh, và ngoài điều đó ra, nó nhấn mạnh rằng những người khác có mặt ở đây, tất nhiên, có chức vị cao hơn, nhưng người sĩ quan trẻ thấy yên tâm. Có thể vì một lẽ là trong chiến tranh, mọi chuyện đều do mệnh lệnh quyết định, còn ở mọi việc đều tùy thuộc ở thiếu tá: nếu anh àm được, xin anh hãy làm! Tô-lu-be-ép thậm chí khoan khoái uống một ngụm cà phê trong cái tách mà anh thấy là quá khổ.
-Đồng chí là chuyên gia luyện kim phải không, Vla-đi-mia A-lếc-xan-đrô-vích?-Chủ căn phòng đặt tách xuống, hỏi-Tại sao đồng chí không sử dụng quyền miễn trừ của Bộ Quốc phòng ưu tiên cho đồng chí?
-Về thực chất, ngành tôi có tính chuyên môn hẹp,-Tô-lu-be-ép trả lời, hơi ngỡ ngàng với câu hỏi không hợp với khung cảnh.-Tôi nghiên cứu, chế tạo các kim loại hiếm. Còn khi đã có chiến tranh… Nói tóm lại, cấp trên đã coi trọng lời yêu cầu của tôi…
-Thé đồng chí cho rằng trong chiến tranh, không cần đến các kim loại hiếm hay sao?
-Chiến tranh là do gang, sắt, thép quyết định!-Tô-lu-be-ép trả lời bằng một câu trích trong bản báo cáo đã lâu của mình.
-Thế còn va-na-đi, vôn-phram, man-gan,-tóm lại những hỗn hợp phụ gia?-một người ngồi trong góc hỏi.
-Năm bốn mươi mốt đòi hỏi mỗi người phải có mặt ở nơi gay go nhất.
-Phải, về tình cảm, có lẽ đồng chí đã nghĩ đúng đấy.-Người chủ căn phòng tư lự nói và Tô-lu-be-ép cảm kích nhìn ông.
-Thế tại sao trong bản tự khai của quân nhân tự nguyện, đồng chí không nói đến sự tinh thông tiếng nước ngoài?
-Đâu có được gọi là tinh thông!-Tô-lu-be-ép cười khẩy.-Tiếnh Anh, tiếng Đức: tạm được; tiếng Na Uy thì xoàng. Mà người ta không hỏi quân nhân tình nguyện về khả năng sinh ngữ mà.
-Đồng chí ở Na Uy có lâu không?
-Từ tháng chín năm một nghìn chín trăm ba chín đến tháng bảy năm bốn mươi. Ngay sau khi Hitler tấn công vào Na Uy, đại sứ quán ta đã yêu cầu chúng tôi chấm dứt mọi công việc thương mại và mau chóng về nước. Trong bản tự khai, tôi có kể đoạn sống ở nước ngoài,-anh thận trọng nói thêm.
-Chính vì cái chi tiết ấy mà chúng tôi đã tìm kiếm đồng chí!-Người chủ căn phòng nói thậm chí lại có vẻ mỉm cười nữa.
-Mà tìm kiếm mất bao thời gian cơ chứ!-Krit-xchi-an bực dọc về điều gì đó, nhận xét!
-Tuy nhiên, đã tìm được,-Chủ căn phòng hòa hoãn, ngắt lời Krit-xchi-an.
-Đồng chí còn để lại ở Na Uy nhiều bạn bè phải không?-Koc-sma-rep đã chạm đúng chỗ đau của Tô-lu-be-ép. Anh bất giác nhìn xuống và nói khẽ:
-Vâng.
Từ trong góc, giọng ai đó cất lên, trầm trầm:
-Tôi vẫn nhớ bản báo cáo trước đây của đồng chí về tình trạng nền công nghiệp luyện kim của Na Uy và Thụy Điển, về việc người Đức chiếm lĩnh những thị trường này. Không có những người giúp việc thông minh và năng nổ thì không thể soạn thảo được một bản báo cáo như vậy. Theo anh nghĩ, các bạn anh liệu hiện nay có bị truy nã không?
-Những người Na Uy đã giúp tôi không hề để lộ một điều bí mật nào. Tôi nghĩ rằng bọn Ghê-xta-pô Đức để yên họ. Còn các bạn của tôi ở Thụy Điển thì hoàn toàn vô sự. Bọn Đức chưa chiếm Thụy Điển.
-Thé đồng chí có nối lại được những mối liên hệ ấy không?-Lại Koc-sma-rep nói. Có lẽ ông hay thích đẩy nhanh các sự kiện.
Nhưng trước hết, Tô-lu-be-ép phải được biết họ muốn điều gì ở anh đã chứ! Người Pháp vẫn nói: ngay cả cô gái đẹp nhất cũng không thể cho hơn cái cô ta có.
-Đồng chí muốn nói là nối lại từ đây?-Anh thận trọng hỏi.
Người ngồi trong góc bỗng đứng dậy, bước ra chỗ sáng. Ông kéo ghế và ngồi cạnh chủ nhân căn phòng. Mãi lúc đó Tô-lu-be-ép mới nhận ra, thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng. Ngày xưa, chính ông này đã làm giấy tờ cho anh ra công tác nước ngoài. Vị thứ trưởng nói rắn chắc như đang tranh cãi với ai:
-Tôi nghĩ rằng chúng ta phải nói thẳng, nói hết mọi việc.-Rồi ông mỉm cười như muốn làm dịu bớt sự gay gắt đột ngột của mình, và nói thêm:-Người Tuyếc-mê-ni thường nói: “Dù có ngồi nghiêng, ta cũng cứ nói thẳng”.
Chủ nhân căn phòng lễ phép nói:
-Xin đồng chí cứ nói. Chúng tôi nghe.
Thứ trưởng nói khe khẽ, chậm chạp, như muốn từng chữ in vào óc của Tô-lu-be-ép.
-Vla-đi-mia A-lếc-xan-đrô-vích, tôi thấy rõ ràng đồng chí đã hiểu là mọi người đang trông chờ ở đồng chí một điều gì hết sức quan trọng. Tôi thì đồng chí biết rồi. Còn đây là các đồng chí phụ trách các phòng tình báo của Bộ Tổng tham mưu. Chủ nhân của chúng ta dây-thiếu trướng Kô-rô-bốp chuyên trách về các dự trữ nguyên liệu chiến lược đang nằm dưới quyền kiểm soát của đối phương. Chính đồng chí ấy đã cho chúng tôi biết bọn Đức đang sắp xếp lại việc đặt đơn sản xuất nguyên liệu. Và cũng vì sau thất bại ở Xta-lin-grát, các nhà tuyên truyền Đức không còn tìm được cách nào tốt hơn là huênh hoang về một loại vũ khí “siêu đẳng” nào đó, và chúng ta cũng phải chú ý tới sự khoe khoang này của chúng. Trong thủ đoạn tuyên truyền của bọn Hitler, đôi khi cũng có chút xíu sự thật… Còn bây giờ, đồng chí Krit-xchi-an kính mến, đồng chí hãy trình bày những ý kiến phân tích của đồng chí!
Trong tay Krit-xchi-an bỗng xuất hiện từ đâu ra chiếc cặp da. Ông đứng ở cuối cái bàn hẹp dài và mọi người kéo ghế lại gần ông.
-Những số liệu đầu tiên về sự bố trí lại các đơn vị yêu cầu nhập nguyên liệu của bọn Đức chúng tôi nhận được từ tháng giêng, từ những nguồn tin rất đáng tin cậy. Các nhà công nghiệp Na uy, Thụy Điển thậm chí đã bắt đầu xây dựng những khu mỏ không có lãi và những nhà máy làm giàu quặng, chở sang Đức theo giá rất cao khối lượng lớn man-gan, vôn-fram và va-na-đi. Cũng vào thời điểm đó, có tin từ Đức cho biết là một số nhà máy của Crúp (Nhà công nghiệp quân sự lớn của nước Đức, kẻ ủng hộ Hitler lên cầm quyền) đã thực hiện một quy chế bảo mật đặc biệt. Đầu tiên, đó chỉ là những nhà máy đúc thép thôi sau đó lan sang cả những nhà máy chế biến kim loại và các xưởng lắp ráp nữa. Nhưng điều đáng tò mò nhất là vinh dự này chỉ giành cho các nhà máy chế tạo xe tăng và pháo tự hành thôi…
-Tóm lại, chúng tôi cho rằng chúng đang chế tạo một loại thép rắn có phẩm chất đặc biệt nào đó,-thứ trưởng tóm tắt lại.
-Vậy tôi phải làm gì?-Tô-lu-be-ép khẽ hỏi.
-Đồng chí chắc còn nhớ Men-đê-lê-ép đã làm ra công thức của thuốc súng không khói nhờ vào các biên lai nhập nguyên liệu chứ?-Thứ trưởng liếc nhanh nhìn Tô-lu-be-ép. Đồng chí phải trở lại Na Uy và làm một việc đại loại như vậy…
-Nhưng tôi đâu phải là Men-đê-lê-ép?-Thiếu tá kêu lên.
-Nhưng đồng chí là một nhà luyện kim nổi tiếng!-Thứ trưởng trả lời gay gắt.
-Nói trở lại Na Uy thì dễ thôi. Nhưng nước này đang bị bọn Đức chiếm đóng!-Tô-lu-be-ép nói và hiểu rằng sự chống chế này đã chứng minh là anh sẽ chịu thua. Nhưng anh cần thời gian suy ngẫm và cần biết nhiều điều khác: anh sẽ sang bên đó như thế nào, anh phải làm gì, anh phải dựa vào ai ở đó, trong cái vai người tình báo mới mẻ và bất ngờ này.
-Chính đồng chí đã nói rằng không có lý do gì để cảnh sát Na Uy chú ý một cách không có lợi cho anh và các bạn anh trong thời gian ngắn ngủi anh ở nước họ. Có nghĩa là đồng chí có thể tìm ra một vài người nào đó. Còn đồng chí sang bên đó bằng cách nào thì ác đồng chí lãnh đạo mới của anh sẽ quyết định.
Một sự yên lặng kéo dài bắt đầu.
Tô-lu-be-ép nao nao nghĩ rằng cuộc đời anh thăng giáng mới kỳ lạ làm sao. Anh đã tiến nhanh trong nghiệp vụ của mình. Nghề luyện kim phức tạp và những hợp kim nhiều thành phần mới đã tìm thấy chỗ đứng trong kỹ thuật, và người khởi xướng không tên tuổi của những hợp kim ấy bất ngờ lại tỏ ra cần thiết cho cả công việc và cả cấp trên. Chuyến đi công tác sang Na Uy lẽ ra phải trở thành một bước ngoặt trong tiểu sử của anh. Anh nhìn thấy nền khoa học tiên tiến đang chuyển dịch dần dần từ Tây sang Đông. Sau Na Uy, người ta dự định cử anh sang Anh và sau đó, sang Mỹ. Đó không phải là những chuyên công cán ngoại giao. Tô-lu-be-ép vẫn là một chuyên gia luyện kim. Nhưng anh có thể tìm ra nhiều bí mật của các hãng nước ngoài và đem ứng dụng ở nước mình, có thể cải tiến quy trình sản xuất vài hợp kim. Nhưng một “lỗi lầm” đã làm đổ vỡ tất cả. Cái “lỗi lầm” ấy được cấp thương vụ quán chỉ rõ cho Tô-lu-be-ép từ đầu tháng tư và đề nghị người thanh niên này về nước ngay. Anh đã sửa soạn đi Bec-gen, để từ đó đáp tàu thủy Liên Xô về nước, thì rạng sáng ngày chín tháng tư, ở vinh Ỗ-lô bỗng vang lên tiếng súng, những khẩu đội pháo binh bờ biển Na Uy đã giáng trả hạm đội Đức.
Bọn Hitler tấn công các nước nhỏ, mưu toan kết thúc chớp nhoáng như cuộc chiến tranh “lạ lùng” với nước Pháp. Cựu bộ trưởng quốc phòng Na Uy, thiếu tá hồi hưu Kvi-slin-gơ đã tung đội quân thứ năm (bọn nội phản nằm ngầm) ra và phản bội quân đội hoàng gia. Tuy nhiên, quân Đức cũng phải chậm trễ ở đất nước nhỏ bé có ba triệu dân này tới gần ba tháng, trong khi đó đã đánh tan nước Pháp hùng mạnh trong ba tuần lễ.
Rời khỏi đất nước đang có đánh nhau là việc khó khăn và Tô-lu-be-ép mãi tháng bảy mới ra khỏi được nước này.
Nhưng cấp trên ở trong nước vẫn nhớ đến “sai lầm” của anh. Anh phải viết mãi những bản tường trình và không được giao công tác nào đáng kể.
Khi quân Đức tấn công Liên Xô, anh đã xin ra mặt trận, vì anh nghĩ rằng chỉ có trực tiếp tham gia chiến đấu, tinh thần anh mới lấy lại được sự yên tĩnh. Anh quên khuấy rằng với kẻ thù, có thể chiến đấu bằng trí thức chứ không chỉ bằng gươm dao. Nói chung, thời gian đó thật là gay go, nên chẳng có một ai khuyên can hay ra lệnh cho anh đứng vào một vị trí khác trong cuộc chiến đấu vĩ đại. Và anh trở thành sĩ quan.
Không thể nói được rằng anh đã làm nên nhiều chuyện ở ngoài mặt trận. Gần một năm anh ở tuyến phòng thủ. Mãi đến mùa thua năm bốn hai, anh mới gặp may: mặt trận của anh tiến lên phá vây Lê-nin-grát… Nhưng ở đây, anh chỉ chiến đấu có mấy ngày, và tỉnh dậy đã kề bên cái chết, vì anh hiểu rằng mình bị thương rất nặng. Những vết thương loại này bao giờ cũng chết người. Việc anh sống sót chỉ là nhờ phép lạ nào đó.
Mà trong thời gian ấy, người ta đã đi tìm anh trên khắp các mặt trận! Không phải ngẫu nhiên trước cuộc phẫu thuật thứ ba ở trong bệnh viện anh đã thấy bộ mặt gày, nhọn, này, bộ mặt với đôi mắt thôi miên, bộ mặt của đại tá Krit-xchi-an! Mà đại tá đã nghĩ gì lúc đó, khi nhìn thấy con người này trong vòng tay thần chết?
Và bây giờ, anh nhớ lại đầy tin chắc rằng chính con người có tên gọi là đại tá Krit-xchi-an này đã tham dự vào cuộc nói chuyện nặng nề ở cấp cao, nơi anh đã được mời tới để tường trình về “lỗi lầm” của anh, ngày anh vừa về nước. Quả thực lúc đó, Krit-xchi-an đã giữ mình trong bóng tôi, cũng như bây giờ. Nhưng lúc này, Tô-lu-be-ép đã nhớ ra ông ta…
Tô-lu-be-ép vươn thẳng người trong ghế, anh sợ đứng lên, cảm thấy đôi chân yếu một đi cách khó chịu, và nói, giọng cứng rắn:
-Tôi e rằng đại tá Krit-xchi-an sẽ phản đối việc đề cử tôi… vì rằng…-mọi người im lặng ngạc nhiên nhìn anh. Anh nói thêm đa có phần bình tĩnh hơn. Khi tôi ở Na Uy trở về đại tá Krit-xchi-an đã khẳng định rằng lỗi lầm chủ yếu của tôi trong thời gian công tác ở Na Uy, theo đồng chí ấy, là ở chỗ có quan hệ thân thiết với các công dân của nước này. Đại tá đã quyết định rằng không bao giờ, không vì bất cứ lý do nào, tôi còn được trở lại Na Uy nữa. Quả thực nước Na Uy giờ bị Đức chiếm đóng, và tôi không biết gì về bạn bè của mình.
-Nhưng bây giờ đồng chí ấy cũng khẩn thiết đòi hỏi đồng chí trở lại đất nước ấy-tiếng Kô-rô-bốp khẽ nói-Và chính đồng chí ấy đã đi tìm đồng chí để có được cuộc trò chuyện hôm nay đây.
-Từ hồi xa xôi ấy đã có gì thay đổi?-Tô-lu-be-ép như hỏi chính mình. Và thiếu trướng điềm đạm trả lời:
-Tất cả. Đại tá Krit-xchi-an đã thừa nhận rằng không có những quan hệ thân thiết với những người dân nước này, người tình báo nào cũng nắm chắc thất bại. Và chính vì đồng chí có những quan hệ như vậy nên đại tá đã đề nghị tìm anh và tự mình tham gia cuộc tìm kiếm.
Krit-xchi-an im lặng, dường như ngại làm người sĩ quan bất bình chỉ vì một giọng nói thôi. Và lúc đó, Tô-lu-be-ép đứng dậy, khẽ nói:
-Tôi xin sẵn sàng…
Và vì rằng anh không nói điều đó theo đúng điều lệ mà có vẻ tư lự, như nhìn về tương lai, làm mọi người trong phòng nhìn anh với một sự chăm chú đặc biệt. Và họ thấy rõ rằng tinh thần anh bình tĩnh, vững vàng. Mọi người trở nên hoạt bát hẳn lên. Krit-xchi-an đứng dậy mang đến cho Tô-lu-be-ép một tách cà phê nữa, thiếu trướng kéo ngăn bàn dưới lấy ra chai cô nhắc, rót vào chiếc ly nhỏ, để trước mặt Tô-lu-be-ép, ân cần:
-Đồng chí mới ra viện, uống đi cho lại sức!
-Đã thế tôi còn yêu cầu cho thiếu tá ra viện sớm hơn. Chính tôi cần anh như thế này: gày, ốm, suy nhược. Nhưng các bác sỹ bảo đảm rằng chỉ một tuần hay tuần rưỡi nữa, anh sẽ khỏe hẳn.
-Nhưng tại sao lại cần tôi bị ốm? Tô-lu-be-ép như cố mỉm cười, nhưng thấy thiếu trướng nghiêm nghị nhìn Krit-xchi-an, anh lại uống cà phê. Krit-xchi-an dường như không nghe thấy câu hỏi của anh.
Vị thứ trưởng bắt đầu chào mọi người, hai người bạn đường im lặng cùng ra đi với ông.
Trong phòng còn lại tướng Kô-rô-bốp, đại tá Krit-xchi-an, Koc-sma-rep và Tô-lu-be-ép. Thiếu trướng quay về phía Krit-xchi-an:
-Bây giờ thì anh có thể trình bày kế hoạch của anh.
-Thiếu tá phải xuất hiện ở Na Uy như một người trốn chay khỏi trại tù binh của bọn phát xít ở miền bắc nước này. Kế hoạch này và huyền thoại kèm theo, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn. Nếu anh dựa theo huyền thoại này thì sẽ có thể nương náu ở một người bạn cũ nào đó, và đặc biệt còn có thể tìm được việc làm nữa. Đó là điều tốt nhất. Liên lạc với trung tâm chúng ta, thiếu tá sẽ gửi tin qua một người trung gian, địa chỉ và mật khẩu liên lạc anh sẽ nhận được ở đây.
-Na Uy! Nhưng tôi làm sao mà sang bên đó được?
-Chúng tôi sẽ tìm một con đường thuận lợi và yên tính nhất. Nhưng cái hình dáng ốm yếu của anh sẽ biện bạch tốt nhất cho anh. Số tù của người sĩ quan chạy trốn, anh sẽ nhận được khi lên đường.
Tin giờ chót
“Ngày 23 tháng 2, tại U-crai-na, tiếp tục tấn công, quân ta đã chiếm được Xu-ma, Ac-tư-ra, Lê-bê-đin”
Ở khu vực Cuốc-xcơ, sau những cuộc chiến đấu kiên cường, quân ta đã chiếm thành phố và đầu mối đường sắt Ma-lo-ác-Khan-gen-xcơ…”
Tổng cục thông tin Liên Xô
23-2-1943
Chiếc tàu ngầm phải xuất phát từ một căn cứ của hạm đội Biển Bắc vào ban đêm…
Suốt cả ngày cuối cùng đó, Tô-lu-be-ép và Krit-xchi-an ngồi lỳ trong phòng nghỉ khép kín cửa tư lệnh hạm đội.
Bữa trưa, và sau đó, bữa tối, do người đầu bếp ít nói của tư lệnh mang đến. Anh ta không ở lâu trong phòng, không nhòm ngó khách. Có thể anh ta đã quen với những vị khách bất ngờ.
Krit-xchi-an và Tô-lu-be-ép chuyện trờ. Đúng hơn là Krit-xchi-an nói, còn Tô-lu-be-ép ra nhiều câu hỏi.
-Người tình báo, cũng như người công binh gỡ mìn, chỉ sai lầm có một lần thôi!-Krit-xchi-an nói điềm đạm.-Nhưng anh có những điều kiện bổ sung mà chúng tôi hy vọng là sẽ giúp đỡ được anh nhiều hơn. Anh biết rõ đất nước, con người và thành phố, nơi anh sẽ hoạt động. Dù bọn Đức cảm thấy mình là chủ nhân hoàn toàn ở đất nước này, phong trào kháng chiến ở đó mỗi năm một mạnh lên. Và không phải chỉ có nông dân, công nhân tham gia, mà cả trí thức các giới tôn giáo, thậm chí cả các nhà kinh doanh nữa. Ngay trong hang ổ của bọn Kvi-slin-gơ cũng không yên ổn. Cái hy vọng thiết lập nhanh chóng “trật tự mới” trên toàn Âu châu đã tan biến, và nảy sinh ra mối lo là chúng sẽ còn bị đem ra xét xử, vì tôi phản bội Tổ quốc. Và nhiều tên trong bọn chúng muốn tìm lối thoát an toàn, chẳng hạn bằng cách nói là chúng không tàn ác với người này trong chuyện nọ… Hơn nữa, bọn Đức không thể đặt trạm gác trên mỗi cây số suốt hai nghìn cây số biên giới đường biển Na Uy. Lính tráng còn phải đánh nhau với quân đội Liên Xô ở vùng miền bắc, nơi suốt từ đầu chiến tranh, chúng không sao tiến lên được một bước. Và cả Na Uy, chúng cũng cần, cả những hầm mở, xưởng sản xuất, đồ quân sự nữa. Nên đôi chỗ, đôi khi, chúng buộc phải có những nhượng bộ với giới kinh doanh. Thí dụ như ngày hai tháng tám năm bốn mốt, chúng tuyên bố tình trạng đặc biệt trên toàn Na Uy, chẳng hạn… Dân Na Uy trả lời bằng cách phá hoại thầm lặng. Ngày 10-9, bọn Đức đặt tình trạng đặc biệt ở Ô-xlô và xử tử một nhóm người yêu nước. Đáp lại, các giám mục nhà thờ giáo phái Lu-te tuyên bố từ bỏ nghĩa vụ của mình, để phản đối các cuộc xử bắn và sự đối xử tàn bạo của quân chiếm đóng với dân chúng địa phương… Năm ngoái, có bạo động ở A-ren-dan-li, Blen-ke-phio, bọn Đức phải đựa quân tới giúp bọn Kvi-slin-gơ; tháng giêng năm nay trong các nhà thờ tuyên đọc bản phản kháng các hành động thú vật của bọn Kvi-slin-gơ và bọn Đức phải bãi bỏ tình trạng đặc biệt mới ban hành trước đó không lâu…
-Không hiểu bạn bè của chúng ta có kiếm được cho tôi các giấy tờ cần thiết không, hay tôi phải sống lén lút?-Tô-lu-be-ép hỏi.
-Giấy tờ cho anh sẽ được chuẩn bị. Nhưng còn việc anh tự do đi lại trong nước ra sao là tùy thuộc ở chỗ anh tìm được những người che chở cho anh như thế nào. Ít ra thì những người bạn cũ của anh vẫn có thế lực mạnh.
-Cũng còn phải đi tìm họ đã…-Tô-lu-be-ép thốt ra tư lự.
Nhưng những câu chuyện của Krit-xchi-an như đưa đất nước ấy lại gần anh. Anh còn chưa nhận ra rõ nước Na Uy của mình, quê hương của những người đánh cá, những người thợ mỏ, những người đi biển, các bác tiều phu. Mà cũng không sao xóa đi được làn khói chiến tranh để nhìn rõ hơn bộ mặt của nó, và bộ mặt ấy có thể đã bị biến đổi vì những đau khổ đến nỗi không nhận ra được nữa.
-Thế còn người đón tôi sẽ ra biển bằng cách nào?-anh hỏi.
-Bọn Đức buộc phải cho ngư dân làm nghề, không lấy gì nuôi sống ba triệu dân, vả lại chính chúng cũng cần cá. Nhưng chúng bắt dân chúng phải liên đới chịu trách nhiệm, và coi tất cả dân làng là con tin nếu có một con tầu nào rời khỏi đất nước. Chính bọn cảnh sát của Kvi-slin-gơ theo dõi những người đánh cá. Tuy nhiên, vẫn còn có đôi chút tự do đi lại trong vùng ven biển. Sẽ có người chủ một chiếc tàu đánh cá nhỏ, tên là Ap-gu-xtơ Ran-sơn đón anh. Ông ta có giấy phép đánh cá ven bờ biển.
Buổi tối, Krit-xchi-an tiễn người sĩ quan trẻ tuổi ra cảng. Anh báo trước là tàu ngầm sẽ chỉ di chuyển về ban đêm, và đường đi về sẽ mất ba ngày ba đêm. Tô-lu-be-ép phải học tiếng và nghiềm ngẫm cái “huyền thoại” về việc ở trong trại tù binh của bọn Đức và tấm bản có vẽ con đường của anh đi từ trại tù binh tới làng chài An-gen trên bờ vịn Bô-khu-xơ. Krit-xchi-an một mực nhấn mạnh phải thuộc kỹ tên những người đánh cá, sinh hoạt của họ. Theo huyền thoại, tù binh thiếu tá Tô-lu-be-ép đã sống ở nhà người đánh cá I-véc-xen mấy ngày…
Trong những giấy tờ đại tá Krit-xchi-an trao cho Tô-lu-be-ép, có mô tả chi tiết làng chài, địa hình I-véc-xen, chiếc thuyền người ngư dân chở Tô-lu-be-ép, và thiếu tá thầm nghĩ rằng người đánh cá này phải làmột con người thật dũng cảm. Vì “huyền thoại” phải dựa vào người thực, việc thực. Thế nếu bọn Ghê-xta-pô bắt được người tù trốn và “moi” được hết những sự thật này ra thì sao? Mà bọn Kvi-slin-gơ đã hợp tác với bọn Đức từ lâu. Chỉ cần bọn Đức biết tên, người đánh cá lập tức sẽ bị xử bắn. Krit-xchi-an nói rằng người Na Uy thường giúp đỡ các tù binh Liên Xô vượt ngục, điều đó như con dao cứa vào họng bọn Đức. Chúng giết những người tham gia kháng chiến bị bắt, cũng đơn giản như giết những người tù trốn.
Và Tô-lu-be-ép tự nhủ sẽ chỉ sử dụng huyền thoại trong quan hệ với bạn bè. Nếu cảnh sát ngụy hay bọn Đức quan tâm đến anh, thì anh chỉ đưa ra nửa trên của huyền thoại-đoạn ở trại tù binh, và không bao giờ nói ra tên của những người kháng chiến mà anh sẽ gặp ở đây.
Dù sao, sau những cuộc trò chuyện này, anh đã cảm thấy được không khí của đất nước, lại cảm thấy mình là một người bạn của dân tộc nhỏ bé này, bao gồm những người đi biển, những người khai phá, mà tổ tiên của họ, trước Cô-lông-bô tới năm trăm, đã tìm ra châu Mỹ và gọi đó là “xứ sở trồng nho”…
Ban ngày, chiếc tàu ngầm nằm im dưới đáy biển. Dù phải thở bằng không khí bị đốt nóng rất khó chịu, Tô-lu-be-ép vẫn chăm chú học tiếng Na Uy, và nhắm mắt nằm trên giường người thợ máy, ôn lại “huyền thoại”. Một điều thuận lợi là người ta không đổi tên và các sự kiện trong tiểu sử của anh. Anh phải tiếp xúc với các bạn bè cũ, vẫn nguyên là kỹ sư Tô-lu-be-ép đã từng sống, từng làm việc với họ và bị chiến tranh ly gián.
Lúc trời đổ tối, con tàu nổi lên. Trợ lý chỉ huy tàu tới mời anh lên trên. Chắc là Krit-xchi-an đã báo trước là người hành khách mới ở bệnh viện ra, các việc di chuyển đối với anh ta là khó khăn. Tô-lu-be-ép khoác chiếc áo măng tô da nặng, áo ca-pốt, mũ che tai, lập cập trèo lên cầu thang hẹp ở khoang đầu tầu lên boong. Biển yên tĩnh đến lạ lùng và có thể đứng hàng giờ để thở không khí tươi mát. Có lúc anh ngạc nhiên nghe người trợ lý chỉ huy nói:
-Đại tá chọn thời tiết giỏi thật. Quả là khéo lo trước.
Tô-lu-be-ép ngạc nhiên, hỏi:
-Chọn thời tiết là thế nào?
-Suốt cả tuần, đồng chí ấy cứ hỏi các nhà dự báo, bao giờ sẽ có thời thiết khả dĩ? và đã đợi đến nơi, đến chốn. Ngày mai, chúng ta sẽ đi qua vùng Xô-ga-vác để vào vịnh Bô-khu-sơ tới nơi hẹn. Nếu có gió thì nguy hiểm lắm!
Đêm cuối cùng, con tàu chạy dưới kính tiềm vọng. Tô-lu-be-ép vì tò mò, xin vào buồng chỉ huy và ngạc nhiên nhìn những ngọn lửa xa xăm trên bờ. Một con người như anh trong những năm chiến tranh, không quen nhìn thấy ánh sáng ban đêm, đã phải kinh ngạc khi nhìn thấy cảnh này. Nhưng lúc đó trợ lý chỉ huy tàu, là người coi sóc anh, yêu cầu anh chuẩn bị đổ bộ. Tô-lu-be-ép trở lại phòng mình.
Anh thay quần áo theo đúng chỉ dẫn: hai chiếc sơ-mi vải len, quần vải bạt, áo len thô, áo blu-dông chống mưa bão, mũ nồi len đan. Trong chiếc sắc bằng vải bạt anh mang theo còn có bộ quần áo Mát-xcơ-va, quần áo lót và sơ-mi, những thứ đó đều may ở Na Uy và có dấu của thợ may Na Uy. Anh cũng bỏ luôn vào đó hai hộp dao cạo. Những giấy tờ và sách học, anh cho vào một cái túi cao su đã chuẩn bị trước và giao cho người trợ lý chỉ huy tàu giữ. Người này nhìn anh thật kỹ, đưa anh lại gần chiếc gương.
-Cái nước da tái xanh này được đấy. Cả thân hình tiều tụy nữa. Thấy ngay là anh mới ở trại tù binh ra…
Nghe thấy tiếng bơm khí vào các thùng chứa, con tàu ngoi lên. Người trợ lý chỉ huy ôm chặt Tô-lu-be-ép, hôn anh, và không hiểu vì sao, nói thầm thì:
-Anhd di đến nơi, về đến chốn nhé…
-Đến quỷ cũng phải chừa tôi ra…-Tô-lu-be-ép cảm động làu bàu.
Một cái gì xô mạnh vào tàu, sau đó nghe rõ tiếng xột xoạt nhè nhẹ. Người trợ lý chỉ huy nói:
-Đã đến giờ rồi!
Tô-lu-be-ép trèo ra khỏi tàu. Trong bóng tối nguy hiểm, chỉ có những ánh sao nhỏ lấp lánh, rõ nhất là sao Bắc đẩu và chòm Đại hùng tinh. Vẫn nghe tiếng xột xoạt của gỗ cọ vào sàn thép. Người ta đón Tô-lu-be-ép và dẫn đến chiếc thang treo bện bằng thừng. Ngay bên dưới mình, anh nhìn thấy, thậm chí cảm thấy, mặt boong của chiếc tàu đánh cá nhỏ đang cọ những thớt đệm bằng ô-tô vào mạn tàu kim loại.
Từ phía dưới, những bàn tay khác chìa ra đón anh, anh phó thác mình cho họ.
Người ta thận trọng đặt anh lên mặt boong bồng bềnh. Nghẽ thấy tiếng va chạm của đầu chiếc gậy sắt và chiếc tàu đánh cá nhỏ từ từ tách khỏi mạn tàu bằng thép. Và lập tức tiếng máy nổ của con tàu rộ lên. Thế là tất cả xuống biển, bóng của chiếc tàu ngầm với các bộ phận của nó,-bắt đầu xa dần và nhanh chóng tan biến hết. Trong lúc đó, người ta thận trọng đẩy anh về phía trước, cánh cửa phòng tàu bật ra, một luồng ánh sáng chói rực chiếu vào mặc, và anh đã ở trong một buồng nhỏ với những chiếc gường treo và chiếc bàn. Người đứng trước mặt anh chìa bàn tay ra và lần đầu tiên sau ba năm, anh nghe thấy Na Uy.
-Tôi là Rôn I-véc-xen, thuyền trưởng tàu đánh cá “Mác-griđ”.
Tô-lu-be-ép loạng choạng, không phải chỉ vì con tàu lắc lư, mà vì bất ngờ nhiều hơn. “Huyền thoại” anh đã thuộc làu, nhưng không bao giờ tưởng tượng được là có lúc huyền thoại lại trở thành sự thực hiển nhiên như vậy.
-Tôi vui sướng được gặp anh,-anh đáp bằng tiếng Na Uy.
Rôn I-vec-xen nghi hoặc nhìn anh:
-Anh đợi một người khác ra đón phải không?
Bộ mặt tối xầm, dạn dày xương gió và muối mặn trở nên căng thẳng, bàn tay khỏe khắn nắm lấy thành giường treo, như muốn dựt đứt nó.
Tô-lu-be-ép thận trọng nói:
-Người ta có nói với tôi tên anh, nhưng nói rằng sẽ gặp anh ở trên nước Na Uy, vùng An-gen-cơ.
-À!-Người đánh cá hít vào lồng ngực, im lặng-Lẽ ra Ap-gu-xtơ Ran-sơ phải đón anh, nhưng ba ngày trước, tàu của bác ấy bị tàu tuần tra của Đức bắn. Hiện giờ Ran-sơn nằm ở bệnh viện. Điện báo viên của chúng tôi đã nhận được tin không may ấy. Nhưng con đường bí mật phải tồn tại, dù những người dẫn đường đôi khi bị giết chết, nếu không, bọn Đức sẽ làm chủ nước Na Uy!
-Con đường bí mật ư?
-Trong phong trào kháng chiến của chúng tôi, người ta gọi con đường đưa các chiến sĩ bị tình nghi và các tù binh người Anh, người Liên Xô sang các nước trung lập như vậy. Vì thế mà tôi ở đây.
Ông nhìn người hành khách đang vịn tay vào tường và nói bằng giọng khác:
-Mời anh ngồi xuống. Tôi thấy anh mệt lắm.
Tô-lu-be-ép lần theo bức tường rung rinh, bước lên chiếc hòm, thở mạnh và nhìn chung quanh. Trong gian phòng thấp này khá ấm áp. Trên chiếc bàn xếp, có chai rượu đã mở sẵn và hai cốc để trong giá đựng bằng gỗ. Mấy chiếc đĩa cá xê dịch và kêu lanh canh: một miếng bơ to và chiếc bánh mỳ trắng, mịn màng mà ngoài Na Uy, Tô-lu-be-ép chưa được ăn ở đâu cả.
Rôn I-vec-xen giúp anh cởi chiếc áo khoác vải bạt, vô tình chạm vào vai anh, áy náy nói:
-Anh đúng là vừa ở trại tù ra. Tôi đã từng gặp nhiều người như anh chạy trốn. Con đường bí mật ở trạm chúng tôi không bao giờ bị gián đoạn. Chúng tôi dã chuyển nhiều người sang Thụy Điển và Ai Len. Quả thực ở Thụy Điển người ta cầm giữ họ, nhưng hầu như không trao cho bọn Đức. Còn giờ đây, sau trận Xta-lin-grát người Thụy Điển nói chung buộc phải xem xét lại chính sách của họ. Họ hơi kính cẩn quá với bọn Đức đấy!
-Có nghĩa là sau trận Xta-lin-grát?-Tô-lu-be-ép không kìm được. Muốn nói thế nào thì nói, chứ ánh sáng của chiến thắng này cũng đã rọi lên người anh.
-Đúng thế!-Ran-sơn nói chắc nịch-Thế anh cũng đã ở Xta-lin-grát ư?
-Đáng tiếc rằng không. Tôi bị thương ở Lê-nin-grát.
-Ồ, đấy cũng là một thành phố sắt thép đấy-I-vec-xen thán phục nói.-Nếu không có bọn Kvi-slin-gơ thì tháng tư năm bốn mươi chúng tôi đã có thể chứng minh rằng người Na Uy chúng tôi không phải là hèn nhát.
-Các bạn đã chứng thực điều đó rồi!-Tô-lu-be-ép nói chắc nịch. Anh hiểu rõ thế nào là tham gia phong trào kháng chiến ở một nước bị chiếm đóng.
-Cám ơn!-Ran-sơn I-vec-xen cảm động đáp. Anh suy nhược thế này mà lại hay đấy!-Ông mỉm cười. Giờ đây, thậm chí các cô gái cũng khao khát chiến công. Họ sẽ vỗ béo anh ngay thôi mà!
Mặc dù câu đùa này hơi thô, Tô-lu-be-ép cũng vui vẻ chấp nhận. Nó hữa hẹn sự thành công. Mà anh lại đang cần phải thành công.
Ở đuôi tàu, máy vẫn nổ ròn. Tàu đã bớt chòng chành. I-vec-xen lắng nghe tiếng sóng đập ở mạn sườn bên trái và hài lòng nói:
-Tàu đang vào vịnh. Mời anh vào bàn ăn.
Tô-lu-be-ép uống cạn nửa cốc rượu mạnh, giống như rượu tự cất lấy, nhắm đĩa cá đầy ắp và ăn bữa tối có vẻ bữa điểm tâm nhiều hơn. Trên chiếc đồng hồ của anh lấy theo thời gian Âu châu từ hôm qua, kim chỉ ba giờ.
I-vec-xen cũng uống một ngụm rượu lớn, rồi đi ra. Ông đứng lại bên cửa, bảo:
-Tôi thay người giúp việc, để nó cùng ăn với anh. Nó mới đi chuyến này là chuyến đầu tiên. Cần phải để nó nhìn thấy anh. Đừng sợ, con giai tôi đấy mà. Tên nó là Ô-le
Ngay lúc đó, người giúp việc tụt xuống phòng khách. Cậu bé giỏi lắm mới lên mười sáu. Tô-lu-be-ép ngạc nhiên vì sự trả trung của cậu, nhưng liền nhớ lại ngay là trong các đội du kích Liên Xô, hiện có hàng nghìn thiếu niên như vậy đang chiến đấu, và trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm ngay.
O-le rụt rè chào. Tô-lu-be-ép trả lời bằng tiếng Na Uy. Cậu bé bỗng hớn hở. Hai người cùng vui vẻ, thân thiện nhìn nhau. Ô-le không động đến rượu, nhưng ăn ngon lành. Cậu giải thích:
-Không biết bao giờ mới về đến nhà, bao giờ mới đưa anh vào được bờ. Bố em bảo phải ăn cho no đến sáng mai.
-Cho ngay hôm nay chứ?-Tô-lu-be-ép chữa lại, chỉ vào đồng hồ.
-Ăn cho cả hôm nay, cho cả ngày mai,-cậu bé điềm đạm trả lời.-Bọn Đức ban ngày vẫn đi bắt những người đánh cá. Chúng ta phải ẩn ở những đảo ngầm. Không một ngọn lửa, không một tiếng động, giống như một chiếc thuyền chết. Có thể bị là bị trôi dạt đến.
-Tàu trôi dạt ư? Thế còn hai bố con?
-Ấy là đại khái như vậy.-Chú bé mỉm cười-Hơi chìm một chút. Bố con em nấp vào đá. Ở đó có hang. Còn chiếc tàu cứ để đấy, như chiếc thuyền chết trôi ấy mà.
-Thế còn anh cũng chết trôi hả?-Tô-lu-be-ép đùa vui.
-Không, sao lại thế. Anh đã có người chờ sẵn ở trên bờ rồi. Bố con em ẩn nấp tránh bọn Đức, đêm mai sẽ trở về.
Tô-lu-be-ép nhìn bộ mặt hồng hào gần như còn trẻ con của cậu bé, đôi vai rộng, và nghĩ thầm rằng anh không có quyền không làm tròn điều người ta mong đợi ở anh. Các đồng chí ở xa bên nước nhà và ở đây trên con tàu này đang đợi anh, và chắc chắn cả những người sắp đón anh cũng mong chờ anh như vậy.

<< Chương 8 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 672

Return to top