Cô nhi viện nằm trên một khu đất thật buồn, mặc dù gần trung tâm thành phố, nhưng khoảng đường nầy ít xe qua lại nên những tiếng động ồn ào gần như chìm ỉm suốt ngày. Nó được lập ra bởi một số nhà hảo tâm, và sự nâng đỡ của những hội phụ nữ. Phần đông những đứa trẻ bất hạnh ở đây đều là nạn nhân của chiến tranh, và một số ít là con lai da màu. Chu vi nó được bao bọc bởi một hàng rào kẽm gai cao độ chừng một thước, nó gần như che khuất phía bên trong bởi những chiếc lá nhỏ nhắn xanh tươi, lẫn những bông giấy đỏ thắm quấn quýt trên sợi gai. Tạo thành bức tường kết bằng hoa lá trông dễ thương.
Trong chu vi hạn hẹp nầy, con Rớt không có ai làm bạn hết! Hình như tất cả đều xem nó như một người bị hủi, hay một con vật thật ghê tởm. Rớt biết phận mình lắm, nên thường thui thủi mỗi một mình không tụ lại chơi chung với nhau như những đứa trẻ khác. Dù là nó mong muốn nhưng cũng không được, vì không một đứa trẻ nào muốn sự có mặt của nó. Có chăng chỉ để làm trò cười cho chúng mà thôi! Rớt thường tìm một chỗ thật vắng lặng không có bóng người tìm đến. Chỗ mà Rớt thường tìm đến là khu vườn rau lang nằm sau sân chơi: ngồi một mình nhìn ra vườn rau có những chiếc lá xanh mượt bò lềnh khềnh dưới đất.
Cuối vườn rau một cây điệp già có tàn lá trải rộng cho bóng mát ngập đầy. Vào những ngày mưa đổ về Rớt lặng buồn dõi theo những bông hoa đỏ rơi xuống và những chiếc là nhỏ lao đao chao xuống làm cho Rớt muốn bật khóc; chỉ có tiếng khóc mới làm cho Rớt buồn mà thôi. Nhưng tiếng khóc của Rớt sẽ làm cho những đứa trẻ chung quanh càng ghét thêm; cho nên tiếng khóc lịm theo tiếng mưa, và những giọt thầm vẫn lặng lẽ xuống má, xuống môi.
Rớt sợ tất cả những bộ mặt trong cô nhi viện nầy! Những ông lớn, những bà lớn đến thăm thường niềm nở, vỗ về những đứa không có màu da đen, tóc quắn quíu như Rớt. Một lần họ đi ngang Rớt chờ đợi một câu nói mà họ thường hỏi những đứa trẻ ở đây.
_ “ Cháu có vui không? ”
_ “ Cháu học có giỏi không? ”
Nhưng họ nhìn Rớt lạnh nhạt bỏ đi. Sao họ không hỏi han, vỗ về Rớt như bao đứa trẻ ở đây ? Mấy cô giáo coi sóc ở đây cũng gần giống như họ. Còn những đứa trẻ cùng lứa tuổi Rớt còn sợ hơn nữa! Giờ cơm chung, đói. Rớt quơ lua vài miếng rồi bỏ đi. Giờ ra chơi, Rớt ngồi một mình trong lớp không dám bước ra bên ngoài để tránh những câu châm chọc.
_ Ê con lọ nồi, mầy lạc từ vùng rừng rậm Phi-Châu sang đây hả?
_ Má mầy đẻ mầy ra, rồi quăng vào lò than phải hôn?
Bọn trẻ ở đây khoái cái màn chọc Rớt nhất. Chúng cười ồ lên sau mỗi câu nói. Rớt đâu có chọc gì tụi nó đâu, mà hễ thấy Rớt đứa nào cũng bu lại chọc phá. Phần đông tụi nó hoàn cảnh cũng không khác gì Rớt: Không cha, không mẹ. Đáng lý ra chúng không chọc Rớt đến muốn khóc như thế! Rớt lạc lõng, Rớt không có ai hết. Với trí ngây thơ Rớt cũng hiểu được trên cõi đời nầy ai cũng có cha mẹ hết, không ai tự dưng dưới đất mà chui lên được! Rớt cũng có nhưng vì hoàn cảnh nào những đấng sinh thành không nuôi Rớt, lại bỏ vào viện cô nhi nầy?
Buổi tối sau khi học bài và đọc kinh chung, tất cả đều được trở về phòng chơi một chút, hay nằm đọc sách trước khi lên giường ngủ. Rớt không có sách đọc, không có gì để chơi. Nó leo lên chỗ nằm của mình, cái giường sắt được chia làm bốn từng. Rớt nằm từng cao nhất. Bà giám thị ở đây chỉ định như thế để lũ trẻ bớt chọc phá trước khi nhắm mắt.
Phía trên mặt Rớt, ngọn đèn nê-ông phủ sáng loá, làm cho đôi mắt nó không khi nào nhắm được trước khi đèn tắt. Nhìn sang bên cạnh một con nhỏ đang nằm đọc mấy quyển truyện hình mỏng. Rớt thèm một quyển nhhư vậy đọc để mau nhắm mắt hơn! Thấy con nhỏ còn dư một vài quyển để trên đầu nằm, Rớt đưa tay khều nhẹ:
_ Cho tao mượn một quyển đi .
Đang xem, con nhỏ quay lại thấy Rớt, nó bực mình:
_ Hỏng có đâu mà cho mượn.
Rớt không dám nói gì hết lẳng lặng nằm xuống. Một chút, Rớt nghe bên cạnh một vài tiếng xì xào gì đó, rồi một vài tiếng cười rúc rích nổi lên. Không thèm nghe những tiếng động đó, Rớt quay mặt vào vách cố dỗ giấc ngủ cho sớm.
Bỗng một vật nhỏ từ sau lưng chọi trúng ngay đầu Rớt. Một tiếng ối nhỏ. Một chút sau, một chiếc dép lại thảy tới trúng lưng, lần nầy Rớt quay lại nhìn thấy chung quanh đứa nào cũng nằm im thin thít, làm như không có chuyện gì xảy ra. Đã quá quen với cảnh chọc phá như vậy, Rớt không dám hó hé gì hết, nếu nói gì tụi nó sẽ dựa theo đó mà chọc nữa. Rớt trở mình nằm lại, nhưng chỉ vài phút sau một vài vật lại được chọi tới. Như một chiếc dép, một cây bút chì cụt, một cục gôm. Rớt ngồi dậy nhìn quanh quất, nhưng đứa nào cũng nằm tỉnh bơ. Rớt nói đại:
_ Tao hỏng giỡn với tụi bây à nha!
Một tiếng cười nhỏ từ chiếc giường phía bên dưới:
_ Hí hí! Con nhỏ đen nói gì kìa tụi bây!
Rớt cố nói rõ hơn:
_ Tao nói tụi bây đừng giỡn nữa.
Con nhỏ Rớt mượn quyển truyện khi nãy chỏ mỏ qua:
_ Xịt lãng hôn! Ai thèm chơi giỡn với Ma rốc mà bảo giỡn với không giỡn.
Nghe hai con nhỏ đanh đá như vậy, Rớt tức lắm. Nhưng không biết nói gì hơn nữa, nó ngã lưng xuống. Cả đám ngủ chung một phòng thấy vậy cười khúc khích với nhau ; một vài đứa thấy Rớt không nói gì, nên không có cách gì để tiếp tục chọc nữa. Nhưng chỉ được một lúc. Tất cả các gian phòng đều được tắt đèn tối thui, đã đến giờ ngủ không ai được nói chuyện hết, dù rất khẽ. Bỗng một giọng nói con gái muốn kéo dài cuộc nghịch phá nói lớn:
_ Đen thui, chả thấy con đen đâu hết !
Đang vắng lặng bỗng có tiếng người la như vậy, cả phòng cười rộ lên. Tiếng cười vang đến tai bà giám thị đang đi bên ngoài. Bà giám thị nầy được tiếng dữ như bà chằn, cũng được gọi là bà giáo già khó chịu. Hầu hết những người già tánh tình họ hay thay đổi luôn, vui đó, khó chịu đó. Đang đi kiểm soát bên ngoài bà lật đật bước vào phòng bật đèn sáng trưng, trên tay bà cầm cây roi mây dài gần cả thước, đôi mắt bà thả dài khắp phòng ngủ. Gian phòng im thin thít, một vài tiếng muỗi vo ve vẫn còn nghe. Một vài đứa chọc Rớt khi nãy nằm im lìm không dám trở mình làm như đang ngủ say.
Nhìn một lúc giọng bà sang sảng :
_ Đứa nào khi nãy làm cười trong nầy ?
Không một tiếng trả lời,căn phòng vẫn hoàn toàn im lặng. Chỉ cần vô phước đứa nào gây một tiếng động nhỏ thôi ! Cây roi mây trên tay bà sẽ bay vun vút vào người. Đám trẻ mồ côi ở đây tuy phá không ai bằng ; nhưng chúng phải sợ như rét khi đôi mắt bà nhìn phải. Nhiều lúc giờ ra chơi, chúng đang chạy phá hễ thấy bà đứa nào cũng giả vờ hiền lành, không thời nhận hình phạt của bà cho. Những hình phạt của bà làm đứa nào cũng khiếp đảm : Hình phạt nhẹ nhất là nắm lỗ tai xách lên; hoặc lấy bàn tay chụm lại để lên bàn hưởng những cây thước kẻ vuông góc nơi tay bà giáng xuống lia lịa. Quà thưởng đó đến năm sáu ngày vẫn còn vết bầm tím. Như hôm nay nếu bà bắt được đương nhiên bị ăn đòn nhưng mai trong giờ ngủ trưa sẽ được canh thức duới cột cờ. Hai đầu gối sẽ đặt xuống nền đá ong lởm chởm mà mưa đã làm cát trôi đi.
Nhìn bọn ngoan ngoãn ngủ yên bà tắt đèn định bước ra. Bỗng cuối phòng lợi dụng ngọn đèn vừa tắt một đứa nói lớn:
_ Con đen.
Lần nầy tiếng cười rộn lên như vỡ bờ, bỗng im bặt khi ngọn đèn chớp sáng. Bà giám thị tức tối như dẫm phải ổ kiến lửa. Bà chạy tới chạy lui giữa khoảng trống của mấy giường sắt. Nghi đứa nào, bà quất đứa đó. Có đứa đang ngủ ngon giấc bỗng bị ngọn roi của bà quất phải đau điếng giật mình dậy khóc mếu máo. Thấy bộ điệu chúng, bà biết mình lầm, lại càng tức tối hơn.
Nguyên nhân cũng tại con nhỏ đen hết. Bà xồng xộc đi lại chỗ Rớt nằm. Trên giường Rớt nín khe không dám trở mình. Nó hình dung gương mặt bà giáo già như mụ phù thuỷ trong truyện cổ tích thấy mà phát khiếp. Rớt nghe tiếng cây roi nhịp chỗ giường sắt của nó, giọng bà giáo rít qua khẽ răng:
_ Con nhỏ nầy, mầy xuống đây?
Chưa chi mà Rớt đã điếng cả người nó ngồi dậy lắp bắp:
_ Dạ ! Con đâu có làm gì !
_ Xuống đây ! Xuống đây!
_ Nãy giờ con nằm im không hè, hổng làm gì hết !
Bà nhìn Rớt trừng trừng:
_ Xuống không ? Tao lên mầy chết!
Rớt hoảng hồn líu ríu leo xuống. Vừa đứng xuống đất, Rớt đã bị ngọn roi của bà giám thị quất tới tấp. Cơn tức bực của bà được đổ vào đầu ngọn roi, những ngọn roi không chùng tay xuống mình con mọi đen. Rớt đau lắm! Hai hàm răng của Rớt cắn vào nhau khít rịt. Tiếng khóc không dám bật ra khỏi cuống họng nghẹn cứng. Vừa đánh Rớt bà vừa nói:
_ Mầy không đen thì làm gì tụi nó phá?
Thấy Rớt không khóc ra tiếng bà dừng tay lại. Trên khuôn mặt đen đúa đó, hai hàng nước mắt đổ xuống sóng sánh, những giọt nước mắt mặn như muối. Bà kêu Rớt trở về chỗ nằm; đứng lại một lúc bà bước ra cửa phòng tắt đèn. Tiếng chân của bà khuất ngoài hành lang xa.
Trong phòng lúc nầy mới hoàn toàn im lặng. Không một đứa nào chọc phá nữa có lẽ tụi nó tụi nó đang hối hận, vì làm cho Rớt bị một trận đòn oan đau đớn.
Rớt nhìn vào bức vách đen sừng sững, đen như màu da trên người nó. Tiếng nói
của bà giám thị như lởn vởn đâu đó:
_ “Mầy không đen thì làm gì tụi nó phá ?”
Mình có cái tội đó sao? Mai mốt Rớt có thể trắng được không? Nếu không chắc suốt đời nầy Rớt phải mang cái tội nầy sao? Ở đây Rớt thấy cũng có nhiều đứa tóc vàng mắt xanh. Sao chúng không ai ghét bỏ hết vậy? Mà tất cả mọi sự ghét bỏ đều đổ dồn vào mình Rớt!
Một lần Rớt đứng nhìn mấy cô giáo đùa giỡn với chúng, Rớt thèm thuồng. Nếu như mình được những lời dịu ngọt như chúng, chắc Rớt vui sướng lắm!!! Nhưng không bao giờ, đó chỉ là tưởng tượng nho nhỏ để an ủi số phận hẩm hiu của nó.
Trong giấc ngủ, Rớt thường mơ ước một bà tiên, bà tiên có đôi cánh trong suốt, bà tiên cầm cầm đôi đũa thần gắn ngọc lóng lánh trong những chuyện cổ tích “Nàng công chúa da lừa ”. Bà tiên sao mà hiền ghê thường hay giúp đỡ những kẻ khốn cùng. Nếu như bà giúp được Rớt bớt khổ, nếu như bà đưa Rớt đến một nơi nào đó không có ganh tị chọc phá như ở đây, Rớt sẽ sung sướng biết là ngân nào. Những ý nghĩ vẩn vơ làm đôi mắt Rớt mau nhắm, và nó ngủ quên tự bao giờ.