Cầm tờ giấy của Phòng Cảnh sát trong tay, Bình cứ mải miết suy nghĩ, thẫn thờ bước. Bình oán giận bố mẹ mình. Bố mẹ Bình chỉ biết thoả mãn những mong ước của mình mà quên đi những ước muốn của người khác, của chính những đứa con mình. Bố mẹ Bình chỉ biết hãnh diện với mọi người vì một cái danh hão, để rồi yên trí đẩy Bình vào nghịch cảnh. Bố mẹ Bình chỉ biết đạt được mục đích bằng chính những đồng tiền nhơ bẩn để rồi đẩy con mình vào vực thẳm mà họ nào có biết và đâu cần biết.
Ý thức về chuyện học hành từ đâu bỗng trỗi dậy trong Bình. Bình cảm nhận hệ thống đào tạo ở một nước tư bản như Pháp rõ hơn bao giờ hết. Những kỷ niệm thời học sinh lười biếng, láo lếu, ham chơi của Bình cứ đan xen hiển hiện, trở về. Một câu hỏi năm nào nay lại nhảy vào đầu óc Bình. Tại sao? Tại sao sau những hành động tày trời của Bình như vậy mà Bình vẫn không bị đuổi học, vẫn được lên lớp? Tại sao thầy Khôi, một người thầy giáo chân thành, nghiêm túc, giỏi chuyên môn như vậy lại bức bách đến mức phải xin chuyển trường?
Lúc thầy Khôi quyết định đuổi Bình ra khỏi lớp và nói rằng Bình chỉ được trở lại giờ thầy nếu có sự đồng ý của thầy hiệu trưởng, cũng là lúc tiếng trống vang lên báo hiệu hết giờ. Cả lớp vội vàng nộp bài kiểm tra cho thầy rồi đi nhanh ra. Nhóm nữ tỏ vẻ bực bội, tụm vào nhau thì thầm to nhỏ, nhóm nam học hàh tử tế rủ nhau chơi cờ ca rô. Nhóm của Bình lại tập trung nhau ở hành lang, đứng sát lan can ngoài cửa lớp. Từ tầng năm, chúng nhìn thấy thầy Khôi tay xách cặp, chân đi tập tễnh dưới sân trường, tiến thẳng về phía phòng Ban giám Hiệu trường. Cả bọn cười rộ lên, rồi Bình bắt đầu:
- Để xem cái lão què ấy còn định tính toán gì nữa đây?
- Đàn ông nhiều tuổi rồi mà không có vợ thì chẳng hâm thì cũng hấp – thằng Lợi đứng cạnh Bình, bảo – tớ thường nghe bà bô tớ nói với ông bô tớ, May mà ông lấy được tôi chứ để thêm dăm năm nữa, khi tuổi tới đầu con bốn đít thì thể nào cũng hâm.
Cả bọn lại vỗ tay cười khoái chí.
*
Thầy Khôi là người huyện bên. Sau khi tốt nghiệp cấp III, thầy đỗ kết quả cao cộng với quá trình ba năm cấp III học giỏi, thầy được cử đi học đại học tại nước Cộng hoà Tiệp Khắc. nhưng năm đó, do có sự cố Cách mạng văn hoá ở Trung Quốc, giao thông bị gián đoạn. Hơn hai nghìn tân sinh viên tập trung ở Hà Nội chỉ non một nửa đi được. thầy Khôi nằm trong số những người không may phải ở lại. Sau đó thầy ghi danh vào học tại trường Đại học sư phạm ở Hà Nôi, khoa Vật lý.
Năm thứ nhất vừa kết thúc, cũng như nhiều giáo viên khác thời đó, thầy Khôi phải xếp sách vở lên đường đi chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Những năm tháng trên chiến trường miền Nam nóng bỏng, ngoài những giờ rèn luyện, chiến đấu, thầy không ngừng học và đọc. cuối năm 1976, hơn một năm rưỡi sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thầy được trở về quê nhà nhưng mãi mãi mang trên mình vết thương nặng ở chân trái. Thầy từng bị một mảnh đạt xuyên vào chân và một mảnh găm ở đầu.
Lúc vào quân ngũ, sau mấy tháng huấn luyện, thầy được biên chế vào lực lượng đặc công. Đơn vị của thầy ngày càng tiến sâu vào Nam. Trong một trận đánh ác liệt ở phía Tây Nam, thầy bị trúng đạn và lăn xuống một mép vực, xung quanh cây cối phủ rậm rạp. Đồng đội bỏ thầy sau mấy giờ đồng hồ cất công tìm kiếm không kết quả, đành phải rút quân để bảo đảm an toàn, bí mật. Thầy chỉ được phát hiện khi một nhóm dân địa phương đi săn nhìn thật và họ khiêng thầy về. Già bản đã nhờ trạm y tế cách mạng chữa chân cho thầy. Vì vết thương đã lâu, dẫn đến hoại tử, nên người ta đã phải tháo khớp chân của thầy. nhưng từ khi thầy được phát hiện và được đưa về, chẳng hiểu sao tay bị hoàn toàn mất trí nhớ. Già bản làm cơm cúng ma cho thầy nhiều lần nhưng vô hiệu.
Mãi đến sau ngày giải phóng miền Nam, già bản tìm cách đưa thầy về xuôi, vào bệnh viện 175. Các bác sĩ đã chụp phim và mổ, lấy được mảnh đạn trong đầu thầy ra. Trí nhớ dần hồi phục. Thầy nhớ ra tên mình, tên bố mẹ mình, tên quê quán, đơn vị…Rồi khi sức khoẻ khá lên, trí nhớ gần như được khôi phục hoàn toàn. Thầy được phép ra Bắc.
Hơn năm mươi tuổi, thầy vẫn chẳng yêu ai. Nói đúng hơn là thầy đã yêu nhưng tình yêu của thầy mãi mãi chôn chặt trong lòng để rồi trái tim thầy không còn có thể rung lên được nữa. Những người có bản lĩnh và tính cách như thầy Khôi là thế.
*
Khi bước vào trường đại học, bao mơ ước của tuổi trẻ như chắp cánh cho Khôi, cho bạn bè cùng trang lứa. Khôi không những là một sinh viên xuất sắc mà còn là một cán bộ đoàn gương mẫu. cuộc sống đời sinh viên vô tư đã mang đến cho Khôi niềm hạnh phúc tưởng như Khôi chỉ có thể sống chết vì nó. Thuỷ, cô sinh viên khoa Toán, người nhỏ nhắn xinh xinh. Khuôn mặt hơi tròn, nước da bánh mật. Nổi trên gương mặt đó là nụ cười tươi tắn. Mỗi lần ai đó gặp Thuỷ, ấn tượng sâu sắc để lại là nụ cười để lộ hàm răng trắng đều, xen vào đó là chiếc răng khểnh, trông đến là duyên. Thuỷ cũng là một cô gái xốc vác, năng nổ trong công tác. Khôi và Thuỷ thường gặp nhau trong những buổi họp chi đoàn hay thỉnh thoảng ở thư viện trường, nhà ăn sinh viên, v..v..Thế rồi tình yêu đến với họ tự bao giờ không biết nữa. Chỉ biết họ đắm say trong mối tình đầu. Càng yêu nhau, họ càng động viên nhau học tập, công tác. Tình yêu như thôi thúc họ, như mang đến cho cả hai nguồn nghị lực vô tận. Nhưng cũng như những sinh viên thời đó, tình yêu chính đáng của họ không được công khai. Họ biết vậy, trước mắt mọi người cố tỏ ra bình thường nhưng trong lòng nổi sóng.
Vì rồi tình yêu đắm say đó cũng như những ước mơ cháy bỏng khác của chàng trai trẻ phải gác lại vì lời kêu gọi của tổ quốc yêu thương. Ngày Khôi ra đi chiến đấu cuối cùng cũng đã đến. Dưới ánh trăng thanh, Khôi và Thuỷ trao nhau nụ hôn đầu tiên mà trước đó đã bao lần họ cố kìm nén. Nói sao hết nỗi nhớ thương đau đáu mà hàng ngày, hàng giờ họ dành trọn cho nhau.
Cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt. Cùng với khí thế của thanh niên cả nước vì miền Nam thân yêu, chỉ sau mấy tháng huấn luyện, Khôi được điều vào tuyến trong. Hai năm đầu, Khôi và Thuỷ thư đi từ lai rất đều đặn. mặc bom rơi đạn nổ, mặc những cuộc hành quân không biết trước, cứ có thời gian rỗi là Khôi viết thư cho người yêu. Trường Đại học sư phạm phải chuỷên về nơi sơ tán. Cuộc sống của sinh viên khó khăn bội phần nhưng Thuỷ vần luôn hướng về tiền tuyến, nơi có biết bao bạn bè, người thân đang ngày đêm vất vả, gian khổ, hy sinh, nơi có Khôi, người mà Thuỷ nguyện trọn đời yêu thương, chờ đợi.
Nhưng rồi ai có thể biết trước được điêu gì có thể xảy ra trong chiến tranh. Trường hợp của Khôi và Thuỷ cũng vậy. Đơn vị của Khôi ngày càng tiến sâu về phía Tây Nam. Rồi bẵng đi từ tháng 5 năm 1972 cho đến ngày miền Nam được giải phóng, vì bí mật của đơn vị, Khôi không thể viết tiếp thư và cũng không thể nhắn gửi, nói trước với Thuỷ một lời gì được.
Ba năm Thuỷ đằng đẵng đợi chờ, không một tin tức, không một lời nhắn gửi. Mặc những lời giục của gia đình, mặc lời khuyên của bạn bè, của bố mẹ Khôi, Thuỷ vẫn một lòng chờ đợi. một lần mẹ Khôi bảo Thuỷ:
- Con gái có thì con ạ. Gần ba năm rồi không có tin tức gì của nó thì chắc có còn đâu nữa mà con chờ với đợi. Thầy u già rồi. Con cũng phải lo cái phận mình cho thầy u khỏi áy náy. Chẳng nhẽ con ở vậy đến già sao?
- Chiến trường miền Nam vẫn còn nóng bỏng lắm thầy u ạ. Nhưng con tin nhất định ta sẽ thắng, nhất định anh Khôi con sẽ về.
Thuỷ nói vậy, cô biết cô nói vậy nhưng chẳng dám nghĩ là vậy mà vẫn phải nói cho yên lòng bố mẹ Khôi. Còn cô, cô bắt đầu thấy hoang mang. Ngày 30 tháng Tư năm 1975. Người ta mừng chiến thắng, người ta reo hò. Thuỷ cũng thấy vui chứ sao! Nhưng là vui trong cái vui chung còn cô không yên trong nỗi niềm riêng…
Rồi các bạn cùng đơn vị anh ấy trở về, tìm đến thăm gia đình và báo cho cô một cái tin đau đớn. Tháng 3 năm 1975, trong một trận đánh ác liệt, anh đã không trở về nữa. Đồng đội không tìm thấy thi hài anh. Và cũng sau chiến thắng tháng 4 năm 1975, người ta mới gửi giấy báo tử anh về.
Thuỷ đau đớn…Rồi dù không con tình yêu với ai nữa, cô vẫn phải nghe lời bố mẹ, phải thực hiện cái nghĩa vụ của người con gái. Cô đồng ý lấy một đồng nghiệp đã để ý và yêu cô từ lâu. Cuối năm 1975, họ tổ chức lễ cưới. Hai người có một căn hộ tập thể tại trường cấp III.
Cuối năm 1976, Khôi đột ngột trở về. gia đình, bạn bè và xóm làng tổ chức ăn mừng đón người chết sống lại. Kể sao cho hết niềm hạnh phúc vô biên của bố mẹ Khôi. Nhưng niềm vui sướng, chốc lát lẫn trong nỗi đau khi Thuỷ không còn là con dâu của họ nữa. Bố mẹ Khôi không thể giấu Khôi. Họ kể anh nghe tất cả những gì đã xảy ra, về người con gái thuỷ chung một lòng chờ đợi anh cho đến ngày giải phóng. Cô đã yêu anh vô cùng và rất đau khổ khi biết anh không còn nữa. Khôi lặng người. Anh đã trải qua bao khổ đau, vất vả của cuộc đời lính nhưng có lẽ không nỗi đau nào sánh được nỗi đau mất Thuỷ. Chiến tranh để lại trong anh một vết thương lòng còn ngàn vạn lần đau đớn hơn vết thương thể xác mà anh phải gánh chịu. Thuỷ của anh không có lỗi, anh cũng không có lỗi. vậy mà sao họ phải gánh chịu đau thương nhiều đến như vậy? Anh thấy thương Thuỷ hơn bao giờ hết và rồi anh quyết định không đi tìm cô nữa. Anh không được hưởng hạnh phúc nhưng anh không có quyền làm cho Thuỷ bất hạnh một lần nữa.
Khôi quyết định quay lại trường Sư phạm hoc tiếp. Sau khi có bằng tốt nghiệp, mặc dù rất muốn, anh không dám xin về dạy ở huyện nhà, sợ bất chợt Thuỷ về thăm bố mẹ anh sẽ phát hiện ra anh. Anh sẽ làm Thuỷ khó xử. vậy là anh xin về dạy ở trường cấp III huyện bên.
Những năm tháng sống trong quân đội đã rèn cho Khôi sống có bản lĩnh, trung thực và thẳng thắn. Trở về, dù thương tật, anh vẫn học giỏi. Vì vậy, anh là một trong những giáo viên có chuyên môn vững vàng ở trường. Trong giảng dạy, anh hết lòng vì học sinh. Anh yêu quý và giúp đỡ những học sinh nghèo, ngoan và học giỏi. Anh trân trọng sự trung thực của các em học sinh. Anh không thể tha thứ cho những em học sinh lười biếng, gian dối và nghịch ngợm.
Thầy Khôi đã không thể chấp nhận được thái độ láo xược, coi thường giáo viên của Bình. Thầy đề nghị thầy hiệu trưởng kỷ luật Bình làm gương cho những học sinh khác. Nhưng đề nghị của thầy không được chấp nhận. Từ chiến trường về, bao ước mong vẫn được ấp ủ trong lòng thầy Khôi. Những năm tháng sống và làm việc trong thời bình, thầy biết xã hội đã biến đổi nhiều. Cuộc sống thời mở cửa năng động hơn, nhộn nhịp hơn, giàu có hơn. Ở nhiều vùng nông thôn và đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, cuộc sống của người nông dân vẫn còn vất vả. Tuy nhiên, ở thành thị, người dân không cô òn cảnh đói ăn thiếu mặc nữa, họ đã nghĩ nhiều đến ăn ngon, mặc đẹp, cuối tuần lo giải trí và dịp hè hay dịp Tết thì lo đi nghỉ mát, du lịch…cuộc sống kinh tế khá giả hơn, nhưng cái hư, cái xấu, cái tiêu cực cũng nhiều hơn. Một số thanh niên, thế hệ của Bình, được sinh ra trong hoàn cảnh nhọc nhằn, khốn khó của bố mẹ, lại lớn lên trong bối cảnh xã hội thay đổi từng ngày từng giờ nên tiếp xúc với đủ kiểu người, tốt có mà xấu cũng có, với đủ loại trang thiết bị hiện đại, ảnh hưởng các trào lưu văn hoá, sinh hoạt, đời sống từ các nước phương Tây, từ Mỹ, từ các nước châu Á giàu có…Thầy Khôi không thể ngờ rằng có những điều nhơ bẩn đã và đang làm cho tình trạng giáo dục học sinh, sinh viên phần nào bị xuống cấp, nề nếp gia đình, đạo đức con người bị xói mòn. Đó là chủ nghĩa hình thức, bỏ công bỏ sức làm việc thì ít, mà thành tích báo cáo lại muốn nhiều. Đó là chủ nghĩa thực dụng, giờ dạy chính thì lơ tơ mơ, giờ dạy thêm thì tận tâm tận lực. Đó là việc đồng tiền và quyền lực thâm nhập vào mọi mối quan hệ.
Từ chỗ ngạc nhiên, thầy Khôi giật mình đau đớn khi nghe thầy hiệu trưởng nói:
- Này đồng chí Khôi ạ, xét về mặt lý, đúng là em Bình sai, nhưng xét về tình thì đồng chí nên hiểu, Bình là con đồng chí trưởng phòng Xây dựng huyện. Vuốt mặt còn nể mũi chứ. Bà vợ của ông ấy đã có lời. Hơn nữa nhờ sự giúp đỡ của huyện nhà nói chung và của ông bà trưởng phòng Xây dựng huyện nói riêng mà trường ta được xây dựng khấm khá như thế này. Thiết nghĩ, thôi chúng ta cũng đừng từ bé xé ra to nữa! nếu không, sẽ ảnh hưởng đến việc xét thi đua chung của trường.
Thầy Khôi còn biết nói gì nữa, một chuyện tày đình, vi phạm nghiêm trọng đến đạo đức của người học sinh như vậy mà cho là nhỏ. Những câu nói chí tình chí nghĩa "Tầm sư học đạo", "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" giờ đây không thể chỉ còn là câu, chữ trong chuyện cổ tích!
Cuối năm học đó, thầy Khôi xin chuyển trường.