Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Ảo vọng du học

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8477 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ảo vọng du học
Trần Thị Hảo

Chương 6

Suốt cả tháng trời, Bình cứ mong ngóng cho chóng đến cái ngày ấy. Bình vẫn đi học tiếng Pháp ở trường. Bình có ý thức hơn hẳn và bắt đầu cảm thấy sợ. Vừa thi xong, bài làm có khá hơn những lần trước nhưng vẫn chưa có kết quả. Tuy nhiên, Bình vẫn không hy vọng lắm, bởi phần ngữ pháp Bình chỉ làm được một nửa số câu hỏi. Mà trong số bài làm được, chắc gì đã đúng hết. Càng học Bình càng thấy rối. Bình không ngờ ngữ pháp tiếng Pháp lại khó đến thế, bao nhiêu là thì, bao nhiêu là thức. một động từ được dùng với nhiều giới từ khác nhau và nghĩa cũng hoàn toàn khác. Vả lại học ngoại ngữ là một quá trình mưa dầm ngấm lâu chứ đâu có phải ngày một ngày hai mà được. Trước đây, Bình cứ để thời gian trôi…


Thời gian này Bình thấy mình cũng cố gắng hơn. Không hiểu kết quả sẽ ra sao?


Suốt đêm Bình trằn trọc khó ngủ. Bình để chuông reo vào 6 giờ sáng. Bình nghĩ sáng mai phải đi sớm hơn những lần trước vì Bình biết ở sở Cảnh sát bao giờ người cũng đông.


Lần này, khi được gọi vào trình hồ sơ, Bình nhìn đồng hồ. Mới có 10 giờ 30 phút. Có lẽ hôm nay may mắn hơn những hôm trước chăng? Bình hồi hộp! không phải đi thi, không phải ngồi trước ban giám khảo toàn người Pháp, chỉ có một cô nhân viên người Pháp, trông nhỏ nhắn, hiền lành, nói chậm rãi khi thấy Bình cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc trong lúc trả lời, mà trống ngực Bình vẫn cứ đánh thùm thụp. Bình cố gắng giải thích rằng lần này Bình sẽ kiểm tra đạt môn tiếng Pháp, sẽ ghi danh vào một trường đại học và sẽ học hết mình.


Một phần vì đã có các điều luật để thực hiện, phần nữa có lẽ lời giải thích của Bình lúc được, lúc không, cộng với cái phát âm khó nghe của Bình, đã làm cho Bình rơi vào tình huống thật thảm hại. Cô nhân viên cũng cố gắng nói cho Bình hiểu rằng mọi chuyện đã quá muộn. Bình không còn được kéo dài thẻ lưu trú nữa.


Cô nhân viên trao cho Bình một tờ giấy. Bình loáng thoáng thấy ở trên cùng  bên trái hình hai chữ P đối nhau (đó là chữ viết tắt của Préfecture de Police – sở Cảnh Sát), bên phải là  tiêu ngữ của nước Pháp: Cộng hoà Pháp – Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Dưới cùng là con dấu to tướng và chữ ký của ông cảnh sát trưởng. Nội dung áp dụng về điều luật, v..v.. Bình không đọc được hết nhưng dòng chữ "Chúng tôi đề nghị ông ra khỏi nước Pháp chậm nhất là ngày 15-6-2005" thì Bình nghĩ mình đã hiểu đúng.


Bình ù hết cả tai, đầu óc chẳng nghĩ được gì nữa. Lảo đảo bước ra khỏi phòng Cảnh sát như một kẻ mất hồn.


Ra khỏi phòng cảnh sát, Bình cứ bước mà chẳng còn biết, chẳng còn nghĩ được là mình sẽ đi đâu, làm gì nữa. Bỗng nhiên Bình nghe tiếng gọi, Bình quay lại. Lại là Mai à? Bình lẩm bẩm. đến khi nghe Mai hỏi, Bình gạt đi bằng cách chống chế, chẳng có gì đâu. Bình bỏ mặc Mai đấy, định đi tiếp nhưng chợt nhớ đến cái câu Mai hỏi về áo khoác, Bình mới ngớ người ra. Hoá ra khi vào phòng Cảnh sát, trong phòng ấm nên cũng như mọi người, Bình cởi áo khóac ra. Đến khi sự việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng của mình thì Bình chẳng còn nhớ gì nữa. May mà Mai xuất hiện thật đúng lúc.
-         À, có lẽ mình để quên trên ghế lúc ngồi xếp hàng chờ đến lượt – Bình trả lời Mai.
-         Cậu để mình vào tìm cho, ngồi tạm đây cho đỡ mệt – Mai nói.
-         Không cần đâu, tớ vào cùng với cậu.
-         Thế công việc của cậu xong chưa?
-         Xong rồi! – Bình trả lời, giọng nhát gừng.


Biết Bình mặc cảm với mình, Mai không dám hỏi thêm gì nữa. lấy được áo khoác và đưa cho bạn chiếc bánh mì kẹp nhân Mai vừa mua. Mai chia tay Bình và nói rằng Mai phải đi ngay cho kịp giờ lên lớp buổi chiều.


Một người như Mai mà cũng dám bỏ tiền ra mua bánh mì kẹp nhân à? Sao bọn nó nói với mình, Mai và Hạnh chỉ biết ăn loại bánh mì dài hình chiếc đũa kẹp một quả trứng rán ở trong mà thôi? Mai có ý định đến để giúp mình nếu có khó khăn hay Mai vô tình đi qua? Mai thực sự là con người thế nào? Tại sao cái bọn bạn hay chơi với anh Thái và mình ở thành phố này lại gọi Mai và Hạnh là những "con mọt sách"?


Cuộc gặp gỡ cảm động, lạ lùng lần này làm cho những suy nghĩ của Bình về Mai thay đổi hoàn toàn.


 
*


Mai là một cô gái được sinh ra và lớn lên trên thành phố Đỏ. Mọi người vẫn quen gọi tên thành phố Vinh như vậy. Sinh ra và lớn lên khi đất nước từ những năm sau hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đang từ từ bước vào thời kỳ đổi mới. Hồi Mai còn bé, mẹ hay kẻ6 cho Mai và Minh (em trai của Mai) nghe về cái thời kỳ mẹ phải cùng gia đình và bà con láng giềng thân yêu đi sơ tán. Nghệ An là một trong những tỉnh bị giặc Mỹ tàn phá ghê gớm. Không ngày nào không có tiếng máy bay, tiếng bom rơi, không đêm nào được trọn giấc ngủ… Mẹ vẫn nói bây giờ chiến tranh đã qua đi, hai chị em Mai vô cùng sung sướng  được sống trong hoà bình, không còn phải chịu cảnh ngủ trong hầm, ăn dưới giao thông hào…Mai hiểu mẹ muốn nhắn nhủ rằng giờ đây nếu còn phải vất vả thì hai chị em Mai cũng ráng chịu. Mai ý thức được điều đó nhưng em Minh thì không vì em còn bé. Thỉnh thoảng Mai thấy Minh cự lại:
-         Mẹ cứ kể mãi chuyện ngày xưa! Ngày xưa khác, bây giờ khác mẹ ơi, con thấy mấy đứa bạn con chúng nó sướng lắm, nhà chúng nó những bốn, năm tầng, có "ô sin" nên chúng nó chẳng phải động tay vào việc gì cả. Còn con thì nào là phải quét nhà, rửa bát buổi trưa, nào là xếp quần áo, đổ nước giải cho bà nội… Khổ thế mà mẹ còn nói là không.
Mỗi lần em Minh bê nồi cơm ra bàn ăn và chê cơm mẹ nấu không có mùi thơm, Mai nghe mẹ nói chậm rãi:
-         Các con biết không? Trong chiến tranh có bao giờ được ăn một nồi cơm không độn như thế này đâu. Nếu không độn khoai khô thì cũng độn ngô hay bo bo. Cơm không độn một thứ gì được gọi là cơm ăn ở bữa tiệc đó. ngày đó còn không có đủ gạo mà ăn no nữa. Mỗi lần cả nhà ông bà ngoại ngồi vào mâm cơm, bác Nga nhận trách nhiệm phụ trách nồi cơm. Mẹ thấy rõ ràng khi xới cho mẹ và các dì các cậu, bác Nga lấy hai cái đũa cả xới cơm, khi cho cơm vào bát, bác cố nâng đôi đũa lên cho cơm lùm lùm trên mặt bát nhưng thực ra ở phía dưới bát, cơm chả có là bao.
-         Con thấy bác Nga làm như vậy là có nghệ thuật đấy chứ mẹ! – Mai nói chêm vào.


Còn Minh lặng lẽ không ca thán gì nữa.


Một lần Mai còn nhớ, vào một buổi tối, cả nhà Mai, sau khi ăn cơm xong, cùng ngồi xem phim trên tivi. Hôm đó đài truyền hình Việt Nam bắt đầu chiếu tập I bộ phim khá hay của Hàn Quốc: Giầy thuỷ tinh. Minh có vẻ sốt ruột lắm. Mới ăn cơm xong, sau khi dọn dẹp bát đũa, lau bàn ăn, hai chị em đã có mặt trước chiếc tivi màu 14 inch, vỏ đỏ. Đang háo hức bỗng Minh khựng lại. Màn hình lâu nay màu không được đẹp như trước, đã có xu hướng chuỷên sang màu nâu đỏ, hôm nay bỗng trở nên đỏ quạch. Hình ảnh hiện lên lúc rõ lúc mờ nhưng mờ là nhiều và xem lâu có cảm giác rất tức mắt, khó chịu. Thực ra cái tivi chịu đựng được đến lúc đó cũng là quá rồi. Đừng nên trách nó. Năm 1987, bố Mai, sau chuyến đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài về, xách được cái tivi đó về là cả một tài sản đáng quý, đáng trân trọng. Cả thành phố Vinh lúc đó may ra chỉ có vài ba chiếc tivi màu thôi. Khi lớn lên, Minh thích lắm. Tuy nhiên là con nhà lành, được giáo dục tử tế nên hai chị em không hề lạm dụng, chỉ dám bật tivi khi được phép mà thôi. Mười ba năm trôi qua, chiếc tivi vẫn trung thành với chủ. Sự cố không may xảy ra hôm đó cũng là một chuyện đương nhiên. Người lớn thì dễ chấp nhận nhưng đối với trẻ con thì đó là một trục trặc không tha thứ được. Mai đã 16 tuổi, chững chạc hơn, lặng lẽ chấp nhận điều đó như một sự cố bình thường vốn dĩ hay xảy ra trong gia đình Mai, như cái tủ lạnh cũng đã quá cũ trục trặc, cái máy vi tính phải chờ cả tiếng đồng hồ mới mở được hòm thư, cái radio giọng đã rè rè, cái đồng hồ chạy lúc nhanh lúc chậm, cái máy khâu cọc cạch…Mai hiểu nỗi cơ cực và những cố gắng của bố mẹ như hiểu chính hoàn cảnh mình phải chấp nhận để không bao giờ than vãn. Bố mẹ Mai là những công chức nhà nước thuần tuý.
Mẹ Mai là kế toán xí nghiệp may gia công thành phố. Ngoài tám giờ làm việc ở xí nghiệp, mẹ nhận hàng về nhà may thêm. Ngoài giờ học, Mai giúp mẹ may quầnáo đã cắt sẵn để có thêm thu nhập. Có những buổi tối, học xong bài, đã khuya lắm rồi nhưng thấy mẹ mệt, Mai lại đến bên máy khâu, cố gắng hoàn thành nốt số quần áo mẹ đã nhận để kịp ngày hôm sau trả cho xí nghiệp.


Còn bố Mai là cán bộ sở Nông nghiệp của tỉnh. Sau bốn năm dùi mài kinh sử ở trường Đại học Nông nghiệp I Trâu Quỳ Hà Nội, tốt nghiệp, bố xin về tỉnh công tác để có điều kiện gần gũi chăm sóc ông bà nội. Ông bà nội Mai sinh được năm người con trai nhưng nay chỉ còn mỗi bố Mai. Ba người anh trai của bố đã hy sinh dũng cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Còn người em trai út, tốt nghiệp trường cấp III năm 1973 và đã tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự. năm 1979, chú tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ đất nước, bảo vệ biên giới phía Bắc và rồi chú đã vĩnh viễn ra đi.


Thương ông bà nội, Mai luôn nhắc mình phải cố gắng học tập, làm việc để ông bà phần nào được an ủi.


Thỉnh thoảng bố cũng được cử đi công tác nước ngoài vì vốn tiếng Nga của bố sau bốn năm học đại học, được rèn giũa liên tục nên cũng khá. Năm 1982, bố Mai được cử sang Liên xô làm nghiên cứu sinh. Thương ông bà nội, thấy phải có người giúp đỡ, cơm cháo lúc ông bà ốm đau, cuối năm 1983, bố xin về phép, cưới mẹ Mai, một cô kế toán bình thường, không đẹp nhưng có duyên, người mà bố đã quen và yêu từ lâu và cô cũng một mực chờ đợi bố. Mẹ không có gì nổi trội nhưng có sức khoẻ và là một phụ nữ rất đảm đang. Cưới xong, bố lại tiếp tục ra đi. Một mình mẹ xoay xoả, lo cuộc sống chu tất cho bố mẹ chồng ,đồng thời lại nuôi cái thai trong bụng. Đầu thu năm 1984, Mai ra đời.


Mẹ kể rằng lúc đẻ Mai, mẹ đau quá và khá vất vả mới có được Mai. Mẹ cứ đinh ninh Mai sẽ là đứa bé ngang bướng lắm vì chỉ còn hai tháng nữa là ra đời mà cái thai vẫn cứ nằm ngang, không chịu chúc đầu xuống. Cô bác sĩ trẻ an ủi mẹ Mai:
-         Cô cứ yên tâm, có những bào thai khi gần đến ngày khai nhụy nở hoa mới chịu xoay cơ.


Gần đến ngày sinh, mẹ Mai đến nhà hộ sinh để khám. Thấy mẹ bảo hồi ấy chưa có siêu âm, vẫn cô bác sĩ trẻ, nhỏ nhắn đó khám cho mẹ Mai. Cô lấy cái ống bằng gỗ nghe tim thai, lấy hai bàn tay chồng lên nhau, đập đập lên bụng mẹ Mai, rồi sờ nắn thai. Cô chẩn đoán Mai sẽ ra đời một tuần sau hôm đó, vậy mà cái đầu của Mai vẫn chềnh ềnh bên trái bụng mẹ. Suốt gần hai tháng trời, mẹ cố gắng tập theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng nào có ăn thua. Mai vẫn ngang ngạnh hết chỗ nói. Chẳng thể thay đổi được vị trí của thai. Đến ngày Mai ra đời, các bác sĩ phải họp bàn và chỉ định mổ. Mỗi lần vui, nghe mẹ kể lại ngày hôm đó, Mai không khỏi không ôm bụng mà cười. Khi mẹ đang bị những cơn đau thúc khó chịu, bỗng mẹ giật mình nghe tiếng quát từ phía phòng đẻ:
-         Cái nhà chị này, xuống ngay cho người khác lên đã. Đã đẻ đâu mà cứ cuống cả lên!


Một bà nhân viên nhà hộ sinh gầy nhom, mặt quắt, đi đứng thoăn thoắt, hai tay vung vẩy. Nghe nói trông mặt dữ vậy mà bà ta giúp được khối sản phụ vượt cạn trong cảnh cô đơn, đồng thời cũng nhờ khuôn mặt và cái giọng đanh đá đó mà khối sản phụ nhiễu sự phải chờn. Bà ta đang đuổi quầy quậy ra khỏi phòng đẻ một thai phụ suốt từ sáng vẫn ngồi cạnh mẹ Mai. Tuy đau nhưng mẹ vẫn cố mắm môi mắm lợi lại, không dám kêu ca gì cả vì xấu hổ, đôi lúc đau quá chỉ rên rỉ. Mẹ chỉ có một mình, không nói cho ai biết, kể cả ông bà nội. Mẹ Mai gan và tự lập lắm. Còn thai phụ kia thì nào chồng, nào mẹ đẻ lại mẹ chồng mà miệng vẫn không ngớt kêu. Lúc đau quá, bà ta la to lên:
-         Đã bảo mà, cứ sướng cho lắm vào, giờ mới khổ cái thân tôi thế này đây!
-         Khe khẽ cái mồm thôi nào, người ta nghe hết rồi kìa! Đau đâu cứ bảo anh! – chồng bà ta vội bảo.
Chẳng ngượng nghịu gì cả, bà ta chỉ luôn vào cái của quý của mình:
-         Sao mà ngu thế! Đau đây chứ còn đau cái chỗ nào nữa! Ôi, ôi! Làng nước ôi! Sao đau thế này! Ôi, Nó ra đây rồi, đây rồi!
Bà ta vừa hét lên, vừa chạy vào phòng đẻ "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn", hôm nay bà ta lại gặp phải cái bà nhân viên nhà hộ sinh mặt quắt ấy.
-         Đã bảo là  nó ra đến đây rồi này, lại còn không à? – Thai phụ nọ lại hét toáng lên.
-         Tôi bảo chưa là chưa, mời chị xuống ngay cho!
Đúng là bà ta chưa đẻ thật. Nghe bà ta kêu dữ quá, cô bác sĩ trẻ buộc phải vào khám, cổ tử cung của bà ta mới mở có hai phân. Chắc là quá lo và cho mình là quá quan trọng nên bà ta đã đánh thức cả chồng và cả nhà dậy đưa bà ta đi từ lúc còn đêm.
Bà ta buộc phải từ từ xuống khỏi bàn đẻ, chẳng xấu hổ gì, còn nguýt bà nhân viên một cái rõ dài. Thay vào đó là mẹ Mai.
-         Trường hợp của chị là phải mổ rồi đấy. Chị cố gắng chịu đựng nhé. Không có người nhà đi cùng, chị làm ơn ký vào biên bản mổ này hộ chúng tôi. chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Mời chị nằm lên cáng đẩy này.
Vừa nói, bà nhân viên mặt quắt ấy vừa cùng đồng nghiệp của mình nhẹ nhàng bế mẹ Mai sang cáng, giọng đầy vẻ thông  cảm:
-         Cứ như chị này ai ai cũng thương và chỉ muốn giải quyết ngay cho. Đau đẻ thì ai chẳng biết là đau, vả lại ai chả đau giống ai, chỉ có thời gian đau của mỗi người là khác nhau mà thôi. Vậy mà cái nhà kia cứ làm như chỉ có một mình mình đẻ, một mình mình đau thôi ấy. Ở nhà ra sao thì mặc kệ nhưng vào đến bệnh viện thì cũng phải lịch sự một tí chứ. suốt từ sáng sớm hết kêu la, nhăn nhó lại cấu xé chồng đến đứt cả cúc áo, rồi chửi chồng. Thật nhục ơi là nhục! may sao được bà mẹ chồng và chồng đều hiền chứ cứ như tôi, tôi vả cho méo mồm rồi muốn ra sao thì ra.


Cũng may là mẹ Mai được mổ kịp thời Mai mới ra đời một cách trọn vẹn vì không những ngôi thai không thuận mà còn tràng rau quấn cổ ba vòng nữa. Hôm ấy ai cũng bảo con bé trông khôi ngô nhưng về sau chắc đáo để phải biết.


Sáu năm sau, mẹ lại tặc lưỡi chịu mổ một lần nữa để có thêm em Minh. Có em, gia đình Mai đã hạnh phúc lại càng hạnh phúc. Đặc biệt sự có mặt của em Minh như làm dịu đi nhiều cơn đau nhức nhối trong lòng ông bà nội. Được cái mẹ Mai khoẻ nên chỉ sau vài tháng, mẹ đã trở lại gần như người bình thường. Mẹ chẳng quản ngại việc gì. Mọi việc mẹ cứ làm nhoay nhoáy. Ở xí nghiệp may, mẹ là nhân viên mẫu mực, chấp hành giờ giấc, sổ sách rõ ràng, đàng hoàng. Chữ mẹ đẹp và chân phương. Mai nghe nói, ông giám đốc xí nghiệp, trong một lần liên hoan cơ quan, tổ chức ngày mồng 1 tháng 6 cho các em thiếu nhi con cán bộ công nhân viên, nói rằng, Nét chữ là nét người, điều đó thật đúng với trường hợp của cô Trâm (tên mẹ Mai).


Thường hết giờ làm việc, mẹ đạp xe về nhà. Sau khi chào ông bà nội, mẹ chạy ngay xuống bếp cắm nồi cơm điện. Sau đó, mẹ mới thay quần áo mặc ở nhà. rồi tiếp đến, mẹ làm thức ăn. Các thực phẩm mẹ mua sẵn từ sáng sớm ở chợ rồi cho vào tủ lạnh. Những hôm tan học sớm vào buổi  chiều,  Mai giúp mẹ cơm nước.


Năm Mai lên lớp 7, em Minh vào lớp 1, bà nội của Mai bị một trận xuất huyết não nặng và từ đấy nằm một chỗ. Một mình mẹ quán xuyến hầu hết tất cả việc nhà, ngoài công việc của xí nghiệp. Việc xí nghiệp và việc nhà bận như thế mà chưa bao giờ Mai thấy mẹ than ngắn thở dài. Mẹ cứ cần mẫn, nhẹ nhàng, chăm chỉ mọi công việc cứ như nó phải vậy. Nói với ông bà nội, mẹ vẫn một thưa hai dạ. Nhiều lần đi cùng mẹ đến cơ quan hay nhà bạn bè của mẹ, chưa bao giờ Mai thấy mẹ than phiền điều gì hay nói điều gì không hay về ông bà nội. Mẹ lại cũng chẳng có nhiều thời gian để mà nay nhà này mai nhà khác nói chuyện phiếm như thói quen của một số phụ nữ khác. Nhưng mỗi lần biết được bà con, họ hàng hay hàng xóm láng giềng có chuyện vui hay buồn, mẹ đều tận tình chia sẻ. Lòng nhân ái, dịu dàng, sự quan tâm giúp đỡ những người khác, trái tim bao dung của mẹ đã dần dần đi vào lòng Mai tự bao giờ không biết nữa.


Còn bố của Mai bận bịu công việc của cơ quan lắm. Sau khi có bằng phó tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ), bố Mai trở về cơ quan và được đề bạt làm trưởng phòng giống cây trồng, Sở Nông nghiệp của tỉnh. Công việc của một cán bộ, vừa làm chuyên môn vừa tham gia công tác quản lý chiếm hầu hết thời gian của bố. hơn nữa, bố Mai cũng là người rất có trách nhiệm trong công việc và mong muốn đạt được hiệu quả cao nên cũng đầu tư nhiều thời gian vào đó. Những ngày nghỉ cuối tuần, nếu không phải đi công tác xa, bố đỡ đần mẹ việc nhà. Đặc biệt bố giúp đỡ hai chị em Mai trong học tập. Khi có thời gian rỗi, bố quan tâm chỉ bảo đến nơi đến chốn việc học hành. Trí tuệ và những hiểu biết của bố đã làm cho Mai từ ngạc nhiên đến khâm phục. Bố dạy Mai phải biết cảm nhận sự kỳ cụg ở điều  gì đó được cho là gian dối. Mai không nghi ngờ gì về trí tuệ và những tình cảm của bố mà còn tìm thấy trong mỗi lời nói khi bố muốn gửi gắm tới đứa con gái của mình, một sự tự giác, một tính cách kiên định.


Trong học tập, trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày, và trong những cuộc đấu tranh ở cơ quan, bố luôn tỏ ra là người vững vàng, bản lĩnh. Có lẽ một phần lớn nhờ ở sự thông mình và tài năng thật sự trong chuyên môn mà bố có được trải qua những năm tháng học hành nghiêm túc ở trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, cũng như những năm miệt mài nghiên cứu ở thành phố Kharkop xa xôi của Liên xô, một phần nữa là sự tận tuỵ, hết lòng vì  công việc của Phòng, của Sở trong quãng thời gian dài công tác và sự hiểu biết lòng người – hiểu và biết thông cảm. Tính minh mẫn, lòng can đảm và sự nhạy cảm trong mọi tình huống là những phẩm chất mà bố Mai muốn truyền lại cho các con của mình. Cũng như bố thường nói với Mai: biết và cảm nhận, đó là điều cơ bản trong giáo dục.


Có lẽ cuộc sống thường chật hẹp về mặt vật chất bên người bố sống có bản lĩnh với những việc làm trong sáng, bên người mẹ suốt một đời hiền lành, tần tảo vì chồng, con, gia đình, không bon chen, tranh chấp trong cuộc sống đời thường, bên cuộc sống thiệt thòi, đau thương của ông bà nội được bù đắp bằng tình cảm yêu thương chân thành, đầm ấm của gia đình trong cùng một mái nhà, đã giúp Mai có sự chuẩn bị đối đầu với mọi hoàn cảnh có thể xảy ra trong cuộc đời.


Bố vẫn thường nói với chị em Mai:
-         Cuộc sống của ta đòi hỏi phải có lòng tự trọng, sự trung thực, thẳng thắn ngoài sự tận tuỵ hy sinh và cố gắng làm việc tốt.
-         Bố ơi, con thấy mấy chú ở cơ quan bố, hôm nọ đến chơi nhà ta, nói rằng với khả năng và bằng cấp của mình, bố thừa sức đạt được cái chức Phó giám đốc sở thay cho bác Tầng sắp sửa nghỉ hưu. Điều đó có đúng không hả bố? – Mai chợt hỏi bố khi thấy bố vừa xem xong chương trình thời sự ở tivi.
-         Con ơi, đấy là chuyện của người lớn, các con còn nhỏ tuổi, bố chưa muốn tuổi thơ của các con phải vương vấn với những chuyện đó. Chỉ có một điều bố muốn nói, rất muốn nói với các con, đó là dù cái đích còn xa hay gần, dù mình đạt được hay không, con người ta bao giờ cũng phải đi đến đó bằng chính đôi chân vững chãi của mình. Điều tối kỵ là tìm mọi cách đi đến đích bằng hai đầu gối.


Bố Mai tìm cách lái câu chuyện của Mai sang hướng khác. Ông không muốn con mình biết những chuyện tiêu cực của người lớn mà có nói ra chắc gì nó đã hiểu. Thực ra tôn chỉ mà ông vừa nói với con cũng như ông định hướng cho mình ngay từ khi bước vào tuổi trưởng thành, đâu có dễ dàng thực hiện được trong xã hội ngày nay. Một xã hội đang còn nhiều tiêu cực, chỗ này chỗ kia lúc này lúc khác một số người tốt, kẻ xấu còn bị đánh giá lẫn lộn. đã có lúc ông bi quan và nghĩ rằng đôi chân ông sẽ đến thời kỳ rệu rã, các dây chằng sẽ chùng xuống. Lúc đó liệu ông có còn vững bước được nữa hay không? Ông thừa thông minh để phán đoán rằng những cuộc đấu tranh liên tiếp của ông vì quyền lợi của anh em đồng nghiệp với ông giám đốc, các vụ ông phanh phui tham nhũng của người đứng đầu cơ quan này sẽ là cái rào chắn, cản những bước chân của ông từ phòng ông đến phòng giám đốc. Trong khi đó, từ lão trưởng phòng đối ngoại cho đến mụ trưởng phòng kế hoạch, lúc nào cũng xun xoe bảo vệ giám đốc, bốc đồng những việc làm sai trái của ông ta. Rồi nữa, nghe nói cái ô của ông giám đốc to lắm, chắc chắn lắm. Những cuộc họp lớn trên tỉnh có bao giờ vắng bóng ông ta.
Một hôm, một người đồng nghiệp thân cận, rỉ tai bố Mai:
-         Những vụ phanh phui tham nhũng đã bị ém hết rồi. Dứt dây, động rừng mà! Thôi cậu ạ, cứ tiếp tục, khéo lại rước vạ vào thân. Châu chấu đấu với voi thế nào được!
-         Tớ sẽ kiên quyết không chịu bỏ cuộc – bố Mai đáp lại.
Có người cho bố Mai là dại, là hâm, là dở hơi. Không khéo thì, khi tránh được vạ thì má đã sưng. Nhưng bố của Mai là vậy. Mai biết tính bố kiên quyết lắm, bố chẳng sợ gì hết, đã nói là làm và đã làm là làm đến cùng. Bố đúng là một chiến sĩ chân chính, không biết đầu hàng bao giờ! Mai tự nhủ.


 
*


Càng lớn Mai càng thương bố mẹ. thỉnh thoảng những lúc vui, Mai lại cười hỏi mẹ:
-         Mẹ ơi, người ta nói con ra đời như vậy sẽ là một cô gái bướng bỉnh, đáo để, mẹ thấy có đúng không?
-         Đáo để thì tôi chưa thấy, nhưng bướng bỉnh thì có đấy, con gái yêu ạ. Đúng là bố nào con nấy!


Tình cảm của chị em Mai đối với ông bà nội cũng thật chân thành và trìu mến. sống ở trên đất Pháp đã ba năm rồi nhưng lòng Mai vẫn luôn hướng về thành phố ấy, nơi có người mẹ suốt ngày tần tảo yêu thương, nơi có người bố cả một đời vì công việc mà phải chịu bao thiệt thòi vì không biết nịnh hót cấp trên, không biết bảo vệ cái sai, cái tiêu cực, nơi có ông bà nội đã già, ốm yếu, nơi có đứa em trai vẫn còn dại hơn so với tuổi. Những lúc được mời món ăn ngon hay được đi dạo chơi trong những công viên rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, lòng Mai lại dấy lên nỗi niềm thương nhớ. Nhìn các ông bà già khoác tay nhau hạnh phúc đi trong công viên, Mai thấy nhớ ông bà nội quá. Đã gần chục năm rồi bà nội không được nhìn thấy cuộc sống thực bên ngoài xã hội, đôi chân không còn bước được trên những con đường quen thuộc. Bà không còn sang được phòng Mai và em Minh mỗi tối để kể cho chị em mai nghe những chuyện cổ tích. Lúc Mai còn nhỏ tí, bà hát ru Mai ngủ bằng những câu Kiều hay những bài hát ru con mà đến nay Mai vẫn còn nhớ. Thương bà bao nhiêu, Mai lại thấy nhói lòng thương mẹ bấy nhiêu. Từ ngày có chị em Mai, mẹ chưa một ngày được nhàn nhã, thảnh thơi. Mai còn học ngày nào bên này là bấy nhiêu ngày tấm thân mẹ còn phải còng xuống bên chiếc máy khâu.


Hồi mới sang Pháp, Mai phải học chín tháng ngoại ngữ. Học tiếng Pháp bên này đắt lắm, học tiếng Anh ở bên này lại còn đắt hơn. Vì cần phải học cho có chất lượng để sau chín tháng học có thể thi đạt điểm tiếng Pháp mới được ghi danh vào trường đại học, cũng như các bạn, Mai ghi danh vào trung tâm ngoại ngữ của trường đại học và tuy không đắt bằng chi phí học một khoá như vậy ở Paris, nhưng Mai cũng phải đóng khoang 1200 euro cho chín tháng học. Đóng tiền rồi mà Mai cứ ngơ ngẩn cả người. Nước mắt cứ tự chảy xuống hai má. Chừng ấy tiền là bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của bố mẹ. Tuy nhiên chất lượng của kỳ học thì thật đáng kể. Mỗi tuần học năm ngày, mỗi ngày học cả hai buổi sáng và chiều. thầy cô giáo dạy rất nghiêm túc.


 
*


Hồi còn học ở trường phổ thông trung học Phan Bội Châu, ngoại ngữ Mai được học là tiếng Pháp. Chăm chỉ, chịu khó và cũng yêu thích tiếng Pháp nên đến năm học lớp 12, Mai được nằm trong danh sách đội tuyển thi đi tiếng Pháp toàn quốc. Nhận được giải khuyến khích, Mai và cả nhà rất vui. Tuy nhiên, Mai vẫn cố gắng học những môn khác để thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học. Cả ba năm học ở trường, Mai đều là học sinh giỏi. Mai thi đỗ tốt nghiệp phổ thông loại giỏi và thi đỗ vào trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.


Mai yên tâm có thể từ nay sẽ tập trung vào học. Mai có học bổng nên bố mẹ Mai cũng đỡ lo. Sau bốn năm học, Mai sẽ đi làm, Mai sẽ làm cho gánh nặng trên vai bố mẹ nhẹ đi được phần nào. Nghĩ vậy nên ngay sau khi làm thủ tục nhập trường, nhập khoa, Mai bắt tay vào học một cách nghiêm túc. Mai không thuê nhà ở ngoài như một số bạn. Mai xin phép Phòng hành chính quản trị trường cho Mai được ở ký túc xá.


Phòng Mai ở gồm mười bạn nữ, hầu như ở các lớp khác nhau. Có những bạn là sinh viên khoa Anh, khoa Trung. Khoa Pháp của Mai chỉ có hai người. Trong phòng kê năm chiếc giường tầng, xếp thành hai dãy, trừ lối đi ở giữa. Còn một góc trống bên dãy hai giường là nơi để xô, chậu, nồi niêu, bát đũa…Mỗi người là một khoảng riêng biệt, gồm một chiếc giường phủ kín ri đô, một chiếc va li hay hòm gỗ hoặc hòm sắt vừa đựng quần áo, đồ dùng cá nhân, vừa để làm bàn học.


Những ngày đầu cuộc sống tập thể, Mai vẫn chưa thể nào quen được. Khách khứa ra vào tự nhiên liên tục. tiếng cười, nói, hát, đùa gần như không ngưng nghỉ. Cứ như một cái chợ vỡ. Đó là chưa kể việc các bạn mời bạn trai của mình vào phòng rồi tự nhiên như không, đóng ri đô lại rồi cùng nhau cười khúc khích, lại có khi có cả tiếng khóc sụt sùi nữa…tóm lại là đủ hơi đủ kiểu.


Sau khi vào trường đại học được một tháng, Mai được Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội gọi cho làm thủ tục đi du học tại Cộng hoà Pháp và được hưởng loại học bổng gọi là "Bảo trợ xã hội", nghĩa là chỉ được cấp tiền vé máy bay cả đi và về một lần cho cả quá trình học kèm theo chi phí tiền học ở một trường đại học nhà nước và tiền bảo hiểm xã hội. Họ chỉ chịu chi phí tiền học của một trường đại học nhà nước, bởi ở Pháp, tiền học phí chênh nhau quá nhiều giữa một trường đại học nhà nước với một trường đại học tư nhân hoặc với một trường đại học lớn (Grandes Ecolant) gấp khoảng hai mươi lần. Là người Việt Nam nếu qua được những kỳ thi tuyển vào những trường đại học lớn mà không có học bổng của chính phủ Pháp, cũng gặp nhiều khó khăn. Có nhiều người đành phải bỏ vì gia đình không có khả năng chu cấp tiền học.


Nhận được một giấy triệu tập cho đi du học như vậy đối với nhiều bạn là niềm vui sướng tột cùng. Riêng Mai, niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Vui là được đi du học, điều kiện học tập sẽ tốt hơn, nhưng buồn vì không biết bố mẹ sẽ lấy tiền đâu trang trải cho Mai việc ăn ở, học hành. Mai gọi điện về cho bố mẹ mà lòng thắc thỏm.


Trước khi quyết định cho Mai đi, bố mẹ Mai cũng đắn đo, suy nghĩ lắm. Bố mẹ Mai đều là công chức nhà nước, làm ăn lương thiện, làm  gì có nhiều tiền, hơn nữa Mai lại còn một em nhỏ nữa. Không phải đóng tiền học khi Mai vào trường đại học, nhưng phải lo tiền ăn ở, tiền tiêu vặt. một khoản tiền không nhỏ đối với những gia đình như gia đình Mai vì tiền thuê nhà ở Pháp rất đắt. Sau những băn khoăn, trăn trở, cuối cùng bố mẹ Mai quyết định để cho con đi bởi vì Mai, ngoài khả năng của mình còn là một cô gái rất chăm học và quyết tâm đến cùng.


Hồi mới sang Pháp, mặc dù đã được học tiếng Pháp ba năm ở trường phổ thông trung học, nhưng Mai thấy vốn tiếng Pháp của mình chẳng ăn thua gì cả. Ở Việt Nam, đó là môn ngoại ngữ mà học sinh hầu như chỉ được học ngữ pháp, đọc hiểu, nghe hiểu và phân tích các bài khoá chú có đâu được nghe, nói nhiều. Mai mất chín thang đầu học tiếng và sau đó là tự học cho đến khi vào học năm thứ nhất, vậy mà khi vào lớp, nghe thầy cô giáo giảng bài cứ như vịt nghe sấm.


Mấy tháng đầu, Mai hoang mang lắm. Trên lớp, dỏng hết cả hai tai lên nghe mà Mai vẫn không thể nào hiểu hết lời thầy cô giáo muốn truyền đạt. Những giờ thực hành, vì lớp ít người, Mai có thể tiếp cận thầy cô để hỏi những gì mình chưa hiểu vì thế điểm của Mai khá tốt. Tuy nhiên, những giờ trên giảng đường học ghép lớp, đông người , Mai cố gắng nghe và ghi chép bài nhưng thật khó. Mai mượn vở của một người bạn Pháp học giỏi để xem mà vẫn còn thấy khó. Thế là cứ về đến nhà, Mai vật lộn với cuốn từ điển Pháp – Việt để tăng thêm vốn từ. Mai có một cuốn sổ nho nhỏ, ghi các cụm từ và thành ngữ. Đi đâu, Mai cũng mang theo, hễ có thời gian là Mai mở ra xem rồi học thuộc. Dần dần, vốn từ của Mai phong phú thêm mà không bị quên những từ đã học vì một mặt, Mai không bao giờ học từ rời rạc, Mai học từ trong nhiều cụm từ, mặt khác, Mai chịu khó giao tiếp không ngại bạn cười. Qua giao tiếp, phần phát âm cũng được chuẩn hơn nhiều. Rồi Mai tự tin hơn. Tuy vậy Mai vẫn còn lo lắm bởi ở Pháp thi cử khó lắm. Có những bạn, khi thi, có môn đạt 9.9/20 điểm, phải thi lại.


Năm đầu mới sang, Mai cũng may mắn được ở ký túc xá của trường. Ở ký túc xá, ngoài điều kiện ăn học tốt hơn, sinh viên có điều kiện tiếp xúc với người Pháp, người nước ngoài, bắt buộc phải nói tiếng Pháp. Tuy nhiên ở đó có người gác cổng kiểm soát ngày đêm nên không thể cho người khác vào ở ghép cùng mình để giảm bớt tiền thuê nhà được.
Mai được thuê một căn phòng ở tầng năm, rộng khoảng chín hay mười mét vuông gì đó, kê được một chiếc giường, một chiếc bàn học. Bên trái là một chiếc tivi nho nhỏ. Trong góc phòng bên phải lối ra vào là một bồn xí nhỏ xinh và một bồn rửa mặt. Mọi việc như nấu nướng, tắm giặt, phải ra phía ngoài dùng chung. Mỗi tầng có một khu tắm, khoảng ba, bốn phòng, có trang bị vòi sen. Gần đó à một gian bếp rộng, có một bàn ăn bốn ngăn và một tủ lạnh to cùng ít xoong chảo và một số thứ khác nữa. Trong phòng ngủ, sách vở được xếp gọn gàng, khoa học.


Phòng của Mai nằm trong toà nhà mười tầng, bên cạnh toà nhà này còn có mấy toà nhà cao lớn nữa. Giữa các toà nhà là những lối đi được quét dọn sạch sẽ. Xa hơn một chút là vườn hoa nhỏ xinh xắn nhưng cũng đủ để làm nơi thư giãn cho các cô cậu tú vào những giờ nghỉ hay giải lao. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, hầu như lúc nào người ta cũng thấy những luống hoa, những hàng cây cảnh được chăm sóc cẩn thận. Mùa nào hoa ấy. Những lúc có chút thời gian, đi xuống dạo chơi ở vườn cùng Hạnh, Mai thích tiếng chim ríu rít trong chòm cây, tiếng ong vo ve quanh những bông hoa. Mai âu yếm nhìn những bông hoa mà đàn ong mơn trớn, rồi điểm từng bông hoa một vì Mai đã biết hết tên chúng, có bông tròn xoe thành chùm run rẩy, có bông xoè như cái cốc hay rủ xuống tựa cái chuông. Những bông hoa đó đua sắc trên vạt cỏ, chẳng khác nào những vì sao nhỏ từ trên trời rơi xuống vậy. Giữa mùa đông băng giá, các loại hoa ở đây vẫn đua nhau khoe sắc, trông thật là đẹp. những ngày trời giá lạnh, tuyết phủ trắng xoá trên những cành cây, những bông hoa và kẽ lá.


Đa số các sinh viên sang Pháp học tự túc, không ở ký túc xá vì số phòng ở đây cũng hạn chế. Họ thường thuê nhà rồi ở cùng với nhau. Giá nhà đắt, ăn uống đắt rồi các khoản chi tiêu khác nữa cần cho cuộc sống, ở chung như vậy họ tiết kiệm được ít tiền. Chính vì vậy mà ngôn ngữ tiếng Pháp của những sinh viên đó tiến chậm lắm. Ở trường thì ngại tiếp xúc, khi về đến nhà chỉ có dùng tiếng Việt với người Việt Nam nên dẫu thời gian trôi, họ vẫn cứ ì ạch. Cá biệt có những sinh viên ở Pháp đã hai, ba năm nhưng không nói nổi mấy câu tiếng Pháp có nhiều mệnh đề.


Một điều đáng nói nữa là trong việc sống chung đụng, có khi là hai, ba sinh viên nam hay vài ba sinh viên nữ ở với nhau, nhưng cũng có khi là họ ở chung một nam, một nữ. Những sinh viên o chung một nam một nữ này quan niệm là sống ở Tây nên mọi sinh hoạt cũng phải giống Tây.


Ở các nước châu Âu hiện nay nói chung và ở nước Pháp nói riêng, tỷ lệ số người kết hôn thấp hơn nhiều so với trước. số nam nữ ở cùng nhau theo kiểu già nhân ngãi, non vợ chồng thì nhiều vô kể. Có nhiều cặp sống chung với nhau cho đến khi có một, hai hoặc thậm chí là ba đứa con mới thấy hợp nhau, mới cưới. Cũng có những cặp chấp nhận sống với nhau như thế suốt đời. Lối sống chung của họ như vậy, không có gì ràng buộc nên số người ly hôn cũng nhiều. Nhưng vì họ là người Pháp, kinh tế, nhà cửa và việc làm ổn định, mỗi người lại độc lập về tài chánh nên việc chia tay nhau không mấy rắc rối. Gần đây, toà Thị chính của một tỉnh phía nam nước Pháp còn cho phép hai người đồng giới làm lễ kết hôn với nhau.


Một số sinh viên Việt Nam sang Pháp đã đi vào những tình trạng như vậy. Có ai quản lý họ đâu, bố mẹ, gia đình thì ở xa. Nhà trường và thầy cô không biết điều đó. Còn bạn bè thì cũng chẳng mấy ai quan tâm đến những chuyện đó. Mà dù có biết mười mươi cũng đâu dám nói gì. Thế là được dịp, số sinh viên ấy tự do, một kiểu tự do quá trớn. Rồi họ cũng rủ nhau đi làm thêm kiếm tiền hoặc là làm chân rửa bát, hoặc làm việc cho các quán ăn Việt Nam. Một số rất ít trong số những sinh viên sống theo kiểu này về sau thành vợ chồng. Số còn lại, sau mấy năm chung sống, tranh thủ dành cho nhau, rồi dành thời gian đi làm thêm quá nhiều để có tiền tiêu, không đủ sức, không đủ thời gian để học, vậy là thất bại, phải về nước, rồi lại ai đi đường nấy.


Cũng có những sinh viên Việt Nam vừa đi học vừa tranh thủ làm thêm cuối tuần như một số sinh viên Pháp hoặc sinh viên nước ngoài học tại đây. Nếu đi làm "chui" thì không cần giấy phép lao động nhưng khi bị cảnh sát tóm được thi chủ doanh nghiệp thuê người lao động phải bị phạt nặng còn người lao động thì bị cắt việc. Nếu đi làm thêm tại các cửa hàng bán quần áo hay hàng ăn, hàng bánh mì…mà chủ doanh nghiệp khai đàng hoàng thì người lao động phải có giấy phép làm việc tạm thời của Sở Lao động thành phố. Đối với những sinh viên học tốt, việc đi làm thêm mỗi tuần mấy giờ càng tạo cho họ có điều kiện tiếp xúc, thực hành, có tiền tiêu vặt và đặc biệt là  giúp họ có tính tự lập cao.


Bên cạnh những sinh viên kém nghị lực không thành đạt, cũng có những sinh viên, lúc mới sang, vốn tiếng Pháp còn ít ỏi nhưng do xác định được mục đích từ đầu, đam mê học hành, biết cách học và có kiến thức cơ bản ở nhà, nên sau một năm học ngoại ngữ, kiểm tra được điểm tốt, được nhận vào trường đại học và học rất tốt. Những sinh viên đó làm việc thật cật lực và rồi công sức của họ bỏ ra đã được đền bù xứng đáng. Có những sinh viên sau khi lấy được bằng cử nhân, đã tiếp tục ghi danh học tiếp để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ.


Ở Pháp, công việc xét chọn học sinh hay sinh viên thường là công bằng. Khi nhận thí sinh ghi danh vào trường, phòng Đào tạo quan tâm rất nhiều đến quá trình học của họ ở những năm trước. Nếu thí sinh là tân tú tài, họ lật giở trong hồ sơ các phiếu điểm tronghai năm học cuối ở trường phổ thông trung học, lớp 11 và 12, đồng thời xem kết quả thi tốt nghiệp. nếu là sinh viên đã qua hệ trung cấp hoặc cao đẳng chuyển sang hệ đại học, họ căn cứ vào kết quả những năm học đã qua.


Có một số sinh viên Pháp, sau khi có bằng tú tài, hoặc không có khả năng học lên đại học, hoặc không muốn vì các môn học ở hệ đại học thường nhiều lý thuyết, đã ghi danh vào hệ trung cấp hoặc cao đẳng bởi các trường tnày chú trọng phần thực hành. Sau hai năm học ở các trường này, nếu học tốt, họ sẽ dễ dàng có việc làm hơn những người có tấm bằng đại học nhưng kết quả chỉ làng nhàng.


Cũng vì vậy, có một số sinh viên Việt Nam khi mới sang Pháp, sau thời gian học tiếng, ghi danh vào hệ trung cấp hoặc cao đẳng. Nhưng sau hai năm học, lại nghĩ rằng về Việt Nam cái bằng đó của mình sẽ không có giá trị, họ ghi danh vào học tiếp trường đại học. Có những sinh viên được trường đại học đánh giá tốt và coi như đã xong phần đại học đại cương, được ghi danh luôn vào năm thứ hai hoặc năm thứ ba. Sở dĩ được chấp nhận như vậy vì những sinh viên đó có một bộ hồ sơ thật đẹp trong quá trình hai năm học trước. Trong khi đó, có những sinh viên thật khó khăn vất vả mới được một vài trường nhận, cho ghi danh vào năm thứ nhất, nghĩa là phải học từ đầu. Có những sinh viên bị từ chối hẳn vì những điểm số thật bình thường với những lời phê không mấy tốt đẹp của những giáo viên dạy trước.

<< Chương 5 | Chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 284

Return to top