Không để cho Du kịp nói . Tôi dành nói trước với ba:
- Anh Du không được nghỉ phép, ba ạ, con đi Đà Lạt một mình.
Ba nhíu mày nhìn tôi:
- Có nên không?
- Anh Du bảo thế đó ạ.
Du chen vào:
- Châu gầy và xanh quá. Con muốn Châu lên Đà Lạt thăm cô, tiện thể nghỉ ngơi ít ngày cho khoẻ. Ba gật gù:
- Thế Du không nghỉ được ngày nào hết à?
- Thưa không, năm nay họ cúp phép thường niên.
- Phiền nhỉ?
Ba nói, và ông gọi Vân. Vân chạy ùa vào. Ba hỏi: - Vân có muốn đi Đà Lạt với chị Châu không?
Vân reo lên thích thú lẫn ngạc nhiên:
- Dạ, muốn lắm ba ạ.
Rồi nó nhìn Du dò hỏi:
- Có Du đi không chị Châu?
Tôi lắc đầu. Vân hét lên, nó ôm cứng cổ tôi:
- Như thế lại còn tuyệt hơn nữa. Anh Du ở nhà chăm con là phải lắm. Thả cho chị Châu làm con gái một thời gian.
Ba nghiêm mặt, mắng Vân:
- Mày, nhảm nhí vừa chứ. Hai đứa lên đó ở nhà cô, nghe lời cô tuyệt đối nhé. Không được dắt díu nhau đi chơi tối ngày, tao sẽ viết thơ lên dặn cô trông chừng hai đứa cẩn thận. Vân rủ chị đi chơi nhiều về ba đập đó.
Vân chùn vai, le lưỡi, nó nhìn Du nháy mắt:
- Anh Du nghe mát lòng mát dạ nhỉ?
Du cố làm ra vẻ nghiêm trang trước mặt ba, nhưng tôi đoán Du ấm ức lắm. Có con Vân đi chung Du lại lo tôi đàn đúm với nó, quen tùm lum. Tôi cười, nắm nhẹ bàn tay Du vỗ về:
- Yên trí, em ở nhà cô chỉ ăn và ngủ, ngủ rồi ăn thôi. Một tuần em về sẽ mập tròn cho anh thích.
Vân nhí nhảnh:
- Ba nói anh Du đến trường xin phép cho con nghỉ học một tuần ba nghe.
Ba gật gù:
- Tôi đã nghĩ đến chuyện đó, khỏi cần cô thắc mắc. Rồi ba dặn tôi với Vân đủ điều, đủ thứ. Du ngồi nghe chắc cũng hài lòng và yên tâm. Ba còn kèm theo một bức thư cho cô Trâm, giữ tôi với Vân như giữ mốt đứa trẻ. Trên đường về, tôi bảo Du:
- Đi Đà Lạt nghỉ mát theo chương trình của ba thà em ở nhà còn thích hơn.
Du nhăn:
- Đừng có trẻ con, em mà có cô Vân đi theo đố khỏi không đi chơi suốt ngày.
Tôi cười nhỏ:
- Anh nói cho em đi nghỉ mát, đi dưỡng sức, vậy mà lo cho em đi chơi là sao. Nghỉ mát dưỡng sức gì kỳ cục vậy.
Du nói:
- Em lên đó mục đích chính là thâm cô Trâm.
- Em có quên điều đó đâu.
Du im lặng. Khó mà hiểu nổi Du đang nghĩ gì trong đầu.
Vân sửa soạn cho chuyến đi Đà Lạt thất ồn ào. Nào quần, nào áo, nào giấy phép, ví xách, khăn quàng, cứ loạn cả lên. Tôi điên đầu vì nó. Cứ thỉnh thoảng Vân lại cằn nhằn tôi.
- Trời ơi! Lên Đà Lạt mà chị đem bộ đồ nhà quê này đó hả? Măng tô đâu? Không có măng tô làm sao đi dạo?
Tôi bảo Vân:
- Tao hết thời rồi. Có chồng, có con còn diện với ai nữa mà theo mốt.
Vân nhăn nhó:
- Chị nói vậy đâu có được. Ngàn năm một thuở ông Du mới lãnh nhiệm vụ Ở nhà trông con cho chị đi bay bướm mà lè phè thế phí cả lòng tốt của anh Du đi. Tôi đành chiều Vân. Buổi tối bắt Du đưa đến nhà Hương mượn cái áo choàng lạnh. Hương đi Đà Lạt liên miên nên áo choàng của nó cứ thay đổi liền liền, đủ màu, đủ kiểu. Khi tôi nói ý định của tôi cho Hương nghe, nó lôi xệch tôi vào tủ áo:
- Tha hồ cho mày chọn. Áo tao hợp thời trang nhất Sàigòn.
Tôi cười. Mượn Hương cái măng tô màu vàng úa. Tôi hỏi Hương:
- Qùa Đà Lạt mày thích gì tao mua cho.
- Hoa hồng nhung thật đỏ.
- Về Sàigòn liệu có héo không?
- Khéo giữ thì không héo.
Tôi nhăn mặt.
- Sợ tao giữ không nổi phí công. Thôi, để về đến Sàigòn tao ra Nguyễn Huệ mua tặng mày một chục cho chắc ăn.
Hương bĩu môi:
- Tao thèm vào mua ở Nguyễn Huệ. Mày chịu khó đem được từ Đà Lạt về cho tao mới quí chứ. Hồng Nguyễn Huệ tuần nào anh chàng Huấn chả vác tới. Cắm được một ngày là héo quăn.
Tôi cười, nheo mắt:
- Ê! Huấn nào vậy.
Hương nhí nhảnh:
- Bồ tao.
- Chừng nào đám cưới?
- Còn lâu. Đã hỏi đâu mà cưới.
- Hắn làm “nghề ngỗng” gì?
- Dược sĩ, sắp ra trường.
Tôi nhún vai:
- Nghề chết đói.
- Nghề… lính như ông Du có chết đói không?
- Sức mấy. Ông Du lính văn nghệ, lính… văn chương, còn lâu mới chết đói.
Hương cười, nó ôm vai tôi xuống cầu thang:
- Dạo này ông bà hạnh phúc quá, quên hết cả bạn bè.
Tôi vỗ lên vai Hương:
- Tao bận rộn con cái nên chả đến đứa nào được, nhưng bạn bè vẫn nhớ chứ quên sao được mà quên.
Hương ghé sát vai tôi, nói nho nhỏ, tinh quái:
- Lên Đà Lạt có gặp “ông bạn già” nói tao gởi lời thăm nhé!
Tôi ngẩn người! Tôi đã quên kỷ niêm rồi! Tôi đã quên Đà Lạt rồi—sao Hương còn nhắc làm gì thế. Tôi ngẩn người! Lòng tôi thất hoang mang.Kỷ niệm thức tỉnh. Sau một giấc ngủ dài. Kỷ niệm lại thức tỉnh, lại thôi thúc. Tôi nhắm mắt.Kỷ niệm vẫn thức tỉnh. Hương đẩy tôi ngồi xuống ghế, bên cạnh Dụ Du buông tờ báo, hỏi tôi:
- Xong chưa em?
Tôi gật đầu. Hương cười lớn với Du:
- Anh coi chừng Châu. Nó ghê lắm đó.
Du cười:
- Sao ghê, Hương?
- Anh dám để nó đi Đà Lạt một mình, không sợ con trai Đà Lạt “bắt cóc” sao? Gái một con trông mòn con mắt thế kia.Nguy hiểm lắm.
Tôi lườm Hương.
- Tính phá hoại gia cang nhà tôi hay sao thế bạn?
Hương tỉnh bơ:
- Mày nổi tiếng đa tình lãng mà, tao phải nói ông Du đề phòng chứ sao.
- Ông Du đề nghị cho tao đi Đà Lạt một mình chứ bộ.
- Vì thế tao mới “cảnh giác” ông ấy.
Du cười, hỏi Hương:
- Hương thấy Châu sao? Gái một con nhìn… đui con mắt thì có. Gầy nhom thấy phát sợ.
Hương nhìn tôi:
- Ờ! Châu gầy thật. Nhưng, mốt bây giờ gầy càng đẹp.
Tôi nheo mắt trêu Du:
- Đó, anh thấy chưa em nói mốt bây giờ gầy đẹp. Vậy mà anh cứ ray rà em.
Du nhún vai:
- Tôi hết chịu nổi mốt của các cô.
Hương nói:
- Nhưng Châu nó gầy quá. Lại xanh mét. Anh bắt nó uống thuốc bổ xem.
Du kêu:
- Mốt bây giờ người ta lén chồng vứt thuốc bổ xuống gầm giường cơ.
Hương cười ròn. Tôi nhăn Du:
- Anh nói hàm hồ ghê!
- Chứ không sao? Anh lượm được thuốc bổ của em vứt dưới gầm giường hoài.
- Em làm rớt chứ bộ.
- Thôi cô đừng xạo.
Tôi ngồi im. Du nói:
- Về chưa?
- Về.
Tôi đáp. Du kéo tôi đứng lên. Hương đưa chúng tôi ra cửa chờ khi Du loay hoay mở khóa xe, tôi cằn nhằn Hương:
- Mày hay nói bậy bạ Ông Du nghi ngờ là chết tao.
Hương cười:
- Gì bậy bạ. Mày lên Đà Lạt không gặp “ông bạn già” cho tao chết đi.
- Tao có biết chỗ ở của ông ta đâu mà gặp?
- Đà Lạt như lỗ mũi, trước sau gì cũng gặp. Mày tin đi.
Tôi nhìn bang quơ qua đường.kỷ niệm vẫn quay cuồng trong đầu tôi. Tôi lắc đầu.Quên đi! Quên đi! Đốt đi.Mình có con.Có Du.Có bạn bè ở thành phố này.Mình mất Đạt ở thành phố khác.
- Mục đích của tao đâu phải như thế?
Tôi nói. Hương cười cười:
- Dĩ nhiên, nhưng từ trong thâm tâm của mày, có một động lực đang hối thúc và nôn nóng.
- Mày hiểu lầm tao rồi.
- Cứ cho là như thế đi.
Tôi lặng thinh. Du dục tôi:
- Mấy bà này thì thầm mấy tiếng nữa mới xong đây. Con khóc ở nhà đó.
Tôi nói Hương.
- Thôi tao về.
- Chúc mày vui.
- Cám ơn nhiều.
Tôi ngồi đằng sau xe Du, choàng tay ôm eo chàng. Buổi tối gió thổi lạnh cóng hai chân trần của tôi, tôi xuýt xoa. Áp má lên lưng Du, mùi đàn ông nồng nàn quen thuộc đem theo cho tôi một cảm giác ngất ngây êm ấm. Tôi nghiện mùi Du, tôi nghiện hơi thuốc lá Du hút. Tôi nghiện đi chơi về khuya nghe gió thổi se da, tê hai ống chân mặc đầm, ôm Du thật chặt, áp má lên lưng Du tìm mùi mồ hôi nồng ấm. Tôi nghiện hơi Du như đàn ông nghiện cà phê thuốc lá, như đàn bà nghiện đánh bài, như trẻ con nghiện hơi mẹ. Cu Tí vắng tôi, ban đêm thường trằn trọc cáu kỉnh. Tôi thiếu Du ban đêm thường thức giấc sợ ma Nghe tiếng động lúc nửa khuya đôi mắt võ vàng. Sáng ra mặt tôi xanh mét, đã gầy lại gầy hơn. Tôi sợ thuốc bổ, sợ ăn no chả phải vì theo “mốt” gầy như Vân nói—Như Du thường la tôi. Thế nhưng thuốc bổ cứ như mốt ám ảnh khổ sở. Cơm nhìn không muốn ăn, tôi muốn ăn quà vặt như con Vân sợ ăn cơm nhiều mập ù, bữa ăn nhịn, xế chiều mua trái xoài, trái ổi về nhai, hay gọi hàng bún riêu vào ăn ngấu nghiến. Tôi vẫn thèm là con gái để tự do bỏ bữa cơm trưa ngủ vùi đến bữa cơm chiều rồi thức chong đèn tán dóc với chị em đến gần sáng. Tôi vẫn thèm là con gái nên tôi chưa thấy bữa cơm đúng giờ là ngon. Giấc ngủ đúng giờ là khoẻ. Chai thuốc bổ uống đều, uống hết là mập. Du nhăn nhó la tôi trẻ con, bạn bè kêu than tôi con nít bày đặt lấy chồng giờ lại bày đặt có con. Con nít nuôi con vất vả trăm chiều—Người càng ngày càng tàn tạ vì lo lắng. Sau hai trận ốm của cu Tí, tôi bây giờ như con chim bị tên, lúc nào cũng sợ hãi con đau lại. Lúc nào cũng phập phồng—Cu Tí hơi sổ mũi, lòng tôi đã xốn xang, tim tôi đã nhảy nhót như muốn vuột khỏi lồng ngực. Như thế thì mập sao nổi mà mập chứ. Thỉnh thoảng soi gương tôi cũng phải giật mình vì thấy mình quá ốm.
Du rủ tôi vào tiệm nước. Tôi cười bảo Du:
- Làm cứ như mình là tình nhân không bằng.
Du nói:
- Thôi đi ăn phở. Anh đói bụng cồn cào.
Tôi hỏi:
- Không cho em vào quán nước nữa à?
- Không.
- Sao vậy?
- Ăn xong mới đi uống.
- Em không ăn, em uống.
- Anh không uống, anh ăn.
Tôi giận dỗi:
- Anh chẳng chiều em gì cả.
Du cũng giận dỗi:
- Em có chiều anh không?
- Anh phải galăng chứ.
Du nhún vai:
- Anh già rồi. Với lại khi đã là vợ chồng thì em phải galăng với anh mới đúng.
Tôi trợn mắt:
- Sao kỳ vậy?
- Tại em là vợ—vợ luôn luôn phải chiều theo những ý thích của chồng. Chồng muốn là… trời muốn.
Tôi kêu lên:
- Anh chỉ giỏi lý luận để bắt nạt em không thôi. Em chiều anh đó. Mai đi hôm nay chiều anh một lần.
Khi hai đứa đã ngồi trong tiệm phở. Tự động, Du gọi hai tô không hỏi ý tôi. Tôi hỏi Du:
- Em có ăn đâu mà anh gọi?
- Có ăn.
Du nói. Tôi nhăn mặt.
- Sao anh biết?
- Tại em muốn chiều anh em phải ăn.
Tôi lặng thinh. Tưởng tôi giận, Du nói vuốt.
- Ăn phở xong anh cho em đi ăn kem. Anh chiều lại em nhé.
Tôi cười:
- Thôi, ăn phở no em hết muốn uống nước, chỉ muốn về thật nhanh với con.
- Mới đi mốt tí anh đã nhớ thằng cu Tí điên người. Tôi nhìn Du, và Du cũng nhìn tôi—tôi cười thật hiền hòa.
Ba đã đánh điện tín trước cho cô Trâm biết ngày giờ đến Đà Lạt của chúng tôi nên khi vừa bước xuống phi trường Liên Khương tôi đã nhìn thấy bóng dáng lù khù của chị Lãng—Chị là người làm lâu năm của cô Trâm nên cô xem như người nhà vậy. Nghe cô Trâm kể thì hồi con gái chị đã có một đời chồng, cưới nhau được vài năm chị sinh được một đứa con gái, chẳng may gặp năm đó bệnh dịch lan tràn con chị chết, chồng chị đi lính cũng biệt tích luôn—Người thì đồn anh ta chết mất xác, người thì to nhỏ rằng anh Lãnh đã bỏ chị đi lấy vợ khác. Từ đó chị thành người ngẩn ngẩn ngơ. Cô Trâm thương tình mới gọi chị đến trông coi nhà cửa và chăm sóc vườn hoa của cô, cô không có con, mà chú thì ở xa cô luôn luôn, nên có chị Lãng, cô đỡ buồn phiền.
Từ ở một nơi nhiệt độ nóng bức khó chịu, vừa bước chân xuống thành phố lạnh lùng này Vân xuýt xoa cho tay vào túi áo măng tô kêu lên luôn mồm:
- Lạnh tê người chị Châu ạ—Ở đây một tuần chắc em mập ù quá.
Tôi cười:
- Vốn dĩ mày đã mập rồi, giờ mập thêm thành cái lu, con trai Sàigòn chết ngất hết.
Vân cười khúc khích. Tôi lôi Vân ra cửa. Vân nhìn bâng quơ ra thành phố, tôi chỉ Vân chị Lãnh kìa. Vân lắc đầu:
- Em không nhớ nổi chị ấy.
Chị Lãng vẫn chưa nhìn ra chúng tôi. Chị nhìn ngơ ngác từng người. Vân chạy nhanh đến bên chị gọi:
- Chị Lãng.
Chị Lãnh giật nẩy người nhìn Vân vừa khi tôi cũng vừa lướt tới. Chị reo lên vui mừng:
- A! Cô Châu, mợ Hoàng sai tôi đi đón hai cô từ sớm.
Tôi cười. Hoàng là tên chồng cô Trâm, chị Lãng vẫn gọi cô là mợ Hoàng vì chị làm cho gia đình chú Hoàng từ trước khi hai người lấy nhau. Chị xách giùm tôi cái xách nhỏ trong tay.
Tôi hỏi thăm chị:
- Cô khoẻ không? Còn nằm nhà thương không?
Chị Lãng nói:
- Mợ Hoàng về nhà được một tuần rồi. Mợ mạnh nhưng vẫn xanh lắm.
- Thế chú Hoàng có về không?
- Cậu mới ra đơn vị chiều hôm qua.
Vân nói:
- Giá mình đi sớm hơn một ngày thì gặp chú Hoàng rồi lâu quá em quên mặt chú.
Tôi nắm tay Vân theo chị Lãng r axe. Chúng tôi đi Tắc xi về nhà. Trên đường về, chị Lãng khen Vân chóng lớn. Chị bảo:
- Giá không thấy cô Châu chắc tôi chả nhận ra cô Vân.
Hồi còn ở Sàigòn cô Vân còn tí xíu, giờ đã thành thiếu nữ. Vân cười ròn:
- Em cũng không nhận ra chị nữa.
- Hồi nhỏ tôi bế cô hoài. Mợ Hoàng yêu cô lắm, lúc nhỏ cô tròn như hột mít. Dễ thương như búp bê vậy. Vân chớp nhẹ mí mắt làm điệu. Tôi ngồi trong xe nhìn ra hai bên đường. Đà Lạt giao mùa đẹp như một bài thơ trữ tình đằm thắm. Các cô gái Đà Lạt má au hồng, môi tươi thắm, nụ cười tình tứ, đôi mắt ướt át. Tôi “mê” Đà Lạt mất rồi! Tôi về Sàigòn xúi Du… dọn nhà lên Đà Lạt ở cho con gái tương lai của tôi mai sau má cũng au hồng, môi cũng ướt màu hoa đào như thế. Tôi xúi Du bỏ thành phố bụi bặm ồn ào, quanh năm một mùa nóng điên người, thành phố khó tính như một bà cô già đã khiến con trai tôi vừa mới sinh ra đã sổ mũi, hắt hơi, đã nóng đến ba mươi chín độ tám. Tôi ghét thành phố cằn cỗi ấy quá. Cu Tí mà được sống ở đây chắc cu tí sẽ mập tròn, hồng hào rắn chắc—Đêm cu Tí ngủ giấc thật ngon mà không cần phải có gió quạt máy độc địa.
Tôi hít một hơi dài thở mạnh, khoan khoái. Và dễ chịu kỳ lạ. Vân nhìn tôi nheo mắt, tôi cười với nó, hồn nhiên.
Cô Trâm đi lai được quanh phòng. Chúng tôi bước vào, cô đang ngồi đọc sách ở sa lon. Tôi chào to:
- Cô ạ.
Vân cũng chào to:
- Cô ạ.
Cô buông quyển sách nhìn chúng tôi, ánh mắt rạng rỡ:
- Các chấu đến rồi đấy à?
- Thưa cô vâng.
- Đi đường có mệt không các cháu?
Vân lí lắc:
- Ngồi trên máy bay thì mệt lắm cô ạ. Nhưng về đến thành phố con hết mệt liền.
Cô Trâm cười, cô gọi chị Lãnh cất hành lý cho chúng tôi và dọn phòng cho tôi nghĩ. Tôi ngồi xuống bên cạnh cô hỏi nhỏ:
- Cô khoẻ chưa hở cô?
- Khoẻ rồi cháu ạ.
- Cô xanh quá.
- Tại cô mổ mất máu nhiều nên xanh. Cô đang dưỡng bệnh đây.
Tôi hỏi:
- Con nghe chị Lãng nói chú mới đi chiều hôm quạ Con với Vân than tiếc quá. Đi sớm một ngày chắc chúng con gặp chú.
Cô cười. Hai nếp nhăn ghi đậm trên đuôi mắt. Cô Trâm đã già đi nhiều so với trí tưởng tượng của tôi—Cô già đi cô có nhiều nét giống ba hơn hồi cô còn trẻ. Bỗng dưng tôi thương cô lạ! Nhìn cô giống ba tôi yêu cô quá sức.
Cô hỏi thăm ba mẹ tôi, tôi nói:
- Mẹ đau hoài à cô Ba chẳng đi đâu được.
Cô gật gù:
- Cô đã nhận được thư của ba viết cách đây mấy hôm.
Thế nào, Châu lấy chồng rồi mà sao gầy thế cháu. Con mấy tháng rồi hả?
- Thưa cô, cháu gần mười tháng ạ.
Tôi trả lời cô Trâm, cô nói:
- Sao không cho con theo. Khí hậu Đà Lạt mùa này tốt lắm, trẻ con lên đây đứa nào cũng khoẻ mạnh, hồng hào tôi cười nhẹ:
- Anh Du không cho đi, cô ạ. Anh ấy bảo cháu còn bé quá.
Vân nói với cô Trâm, “tố” Du:
- Ông Du giữ con còn hơn là mẹ chồng giữ nàng dâu nữa ấy cô Mỗi lần chị Châu cho cu Tí về nhà chơi là ông ấy đi kè kè theo tụi cháu. Sợ tụi cháu làm đau con ông ấy.
Cô Trâm cười vui. Cô bảo:
- Mới một đứa thì cưng, yêu thế đó. Mai mốt hàng đàn, hàng đống mới bực mình cơ thế, Châu đả có bầu nữa chưa cháu.
Tôi đỏ mặt, lắc đầu. Vân nhí nhảnh đùa tôi:
- Trời ơi! Chị Châu mà có bầu nữa chắc thành bộ xương khô.
Rồi nó hỏi cô Trâm:
- Cô thấy chị Châu gái một con nhìn… đui con mắt không hả cô?
Người xanh mét thấy phát sợ.
Cô Trâm gật đầu. Cô nhìn tôi:
- Phải đấy, Châu xanh quá. Mới có một đứa con mà đã gầy ốm như thế rồi, khổ lắm cháu. Chịu khó giữ gìn sức khoẻ để lo cho những đứa về sau nữa, cháu phung phí sức khoẻ thế mai mốt về già cực lắm. Bệnh hoạn hoài.
Tôi dạ ngoan. Vân che tay ngáp. Cô Trâm bảo:
- Hai chị em đi nghỉ một chút cho khoẻ. Tắm rửa, chiều cô bảo chị Lãng đưa xuống phố chơi.
Tôi bảo cô:
- Chiều con đánh điện tín cho Du biết con đã đến Đà Lạt. Vân cũng nói:
- Con thì đánh điện tín cho ba Cô Trâm gật đầu hiền hòa. Cô đứng dậy, một cách mệt mỏi. Tôi dìu cô vào rồi cùng Vân lên phòng.
Chị Lãng thật chu đáo—Chị làm giường, thay khăn bàn, và cắm cho chúng tôi một lọ mimosa thật đẹp. Vân như mê đi vì hoa. Nó bảo:
- Ước gì em có phép biến vườn hoa nào đẹp nhất ở thành phố này đem về nhà mình ở Sàigòn. Tha hồ mà ngắm Châu hở?
Tôi vén nhẹ tấm màn cửa sang một bên. Buổi trưa có nắng, lên rung rinh nhảy nhót trên hàng cây buồn bên kia đường. Căn phòng chúng tôi ở nhìn xuống vườn hoa bát ngát. Mùi thơm phả lên mũi tôi ngọt ngào thích thú kỳ lạ. Phía dưới là một con dốc nhỏ dẫn xuống phố. Vân rủ tôi đi lang thang từ nhà cô mình đi xuống con dốc này. Qua hàng cây kia, mình sẽ đón xe lam đi lên phố thật dễ dàng. Vân nói y như nó đã quen thuộc với Đà Lạt không bằng. Tôi hỏi Vân:
- Sao mày rành đường quá vậy?
Vân nói:
- Từ phi trường về nhà cô, em đã để ý từng tí một. Có ghi nhận đường sá như thế mới không có lạc đường chứ.
Tôi cười:
- Chưa gì đã tính chuyện đi chơi. Mày không nghe ba cảnh cáo à.
Vân nheo mắt:
- Cô Trâm hiền ghê Châu há! Nhìn cô em thương ghê vậy! Lúc cười cô giống ba quá.
Tôi gật đầu “ừ” tôi cũng đã nghĩ như thế. Cô hiền lành thế tại sao cô không có con nhỉ? Cô sống thui thủi ở ngôi biệt thự này một mình với chị Lãng, chắc hẳn cô buồn lắm.
Đời cô bình lặng quá. Và, tôi thương cô quá. Tình thương này tôi đã cảm thấy được lúc vừa bước chân vào nhà cô và gặp cô ngồi đọc sách một mình lạnh lẽo trong phòng. Hình ảnh này thật là cô đơn và tội nghiệp. Hình ảnh này khiến tôi chạnh nhớ đến những ngày tôi chưa có con và Du lang thang bạn bè bỏ tôi cô đơn như thế. Tôi ứa nước mắt thương cộ Tôi hứa thầm với lòng tôi một tuần ở đây tôi sẽ săn sóc cô thật nhiều và gần gũi cô cho cô vui. Tôi không đi đâu cả. Tôi ở mãi bên cô thế.
Ngủ một giấc dậy đã gần sau giờ chiều. Vân rủ tôi đi phố. Hai chị em mặc quần áo xong tôi xuống nhà gặp cộ Cô ngồi yên lặng ở salon. Thấy chúng tôi quần áo chỉnh tề, cô cười:
- Các cháu xuống phố đấy hả?
Tôi nói:
- Thưa cô, vâng.
Rồi khép đùi ngồi xuống cạnh cộ Cô bảo tôi.
- Con bé này càng ngày càng nhỏ xíu. Ra đường đâu ai biết Châu đã có con.
Tôi ngượng ngập xoa tay lên thành ghế Vân lý lắc:
- Con cũng nói thế đó cô Anh Du cho chị Châu đi một mình ông ây cũng lo ngày ngày.
- Có vợ đẹp không lo không được.
Cô nói. Vân cười ròn.
- Cô bảo chị Lãng đưa hai đứa xuống phố nhé?
Vân nheo mắt nháy tôi.
- Thôi cô. Con với chị Châu đi một mình cũng được.
- Không biết đường đi lạc đấy.
- Con biết đường mà. Lúc ngồi trên xe từ phi trường về đây con đã để ý.
Cô mắng đùa Vân.
- Ghê nhỉ? Nè, ba viết thư dặn cô trông chừng hai chị em đấy nhé. Đi chơi nhiều ba biết được thì chết.
Vân chun mũi.
- Con đi với chị Châu chứ có đi với ai đâu mà cô lo. Ở đây con chưa có bạn.
- Thôi, đi thì đi nhanh lên kẻo tối.
- Vâng ạ.
Vân nắm tay tôi đứng lên. Chúng tôi chào cô chen nhau ra cửa cô dặn với.
- Nhớ lạc đường thì thuê xe chở về nhé.
- Thưa cô, vâng.
Ra khỏi cổng. Vân thở phào, nó đi tung tăng như trẻ con xuống dốc. Tôi đi theo Vân chậm rải, nghĩ đến Du và cu Tí—vẫn chưa “cảm” được nổi nỗi nhớ, nhưng tôi thoáng buồn. Khung cảnh nảy khiến tôi thoáng buồn. Hai bên đường thật vắng người. Xuống khỏi con dốc nhỏ Vân chờ tôi đi tới. Nó bảo:
- Cô Trâm giống ba ghê, Châu nhỉ?
- Ừ!
- Cô cẩn thận như ba và dễ dãi cũng như ba.
- Ừ!
Vân nhìn tôi:
- Cái gì mà đờ đẫn thế. Nhớ ông Du hở?
Tôi lắc đầu:
- Chưa nhớ.
- Sao chị ngẫn ngơ vậy.
Tôi chỉ lên một ngọn đồi nhỏ, cách đường một khoảng xa.
Ở đó có một ngôi biệt thự thật đẹp—Tôi ngửi mùi hoa hồng bay theo gió thoảng vào mũi tôi –Mùi hồng tỉ muội—Loại hồng này nhỏ mà thơm nồng nàn—Vân rủ tôi.
- Lên đó chơi đi.
Tôi nói:
- Nhà người ta mà lên đó làm gì?
- Kệ chứ? Mình lên ngắm cảnh chứ có vào nhà đâu mà sợ.
Tôi ngần ngừ. Vân kéo bừa tôi theo nó. Tôi đi chậm chạp. Vân chạy thoăn thoắt. Càng đến gần mùi hoa hồng càng thôi thúc tôi. Càng đến gần, gió càng thổi lộng. Lưng chừng ngọn đồi là cổng ra vào của ngôi biệt thự. Hai bên hàng rào trồng cúc, thược dược, đại đóa. Cổng vào lót toàn sỏi trắng. Giữa sân có hai cây anh đào tươi lá. Tôi không nhìn sâu được vào bên trong. Chúng tôi đi men theo hàng rào. Ngôi biệt thự thu mình ở tận cùng cây cối và hoa lá. Lạnh lùng nhưng đầy vẻ quyến rũ. Âm thầm nhưng kiêu ngạo. Vân thò tay qua hàng rào bẻ hoa. Tôi mắng Vân. Nó tỉnh bơ bảo tôi:
- Em có bẻ hết vườn hoa này chưa chắc chủ nhân đã thấy. Ngôi vườn rộng quá che hết cả biệt thự. Chủ nhân nhà này chắc phải là một lão già cô độc cáu kỉnh.
Tôi cười bảo Vân:
- Mày nhận xét gì lạ vậy? Nhỡ chủ nhân lại là một chàng thanh niên anh tuấn thì sao.
Vân nhún vai. Nó nói:
- Em với chị đứng đây gọi bẩy ngày chắc cũng chẳng có ma nào nghe thấy để ra mở cửa tiếp mình.
Tôi cười:
- Chỉ có cách leo rào vô là nhanh nhất.
Vân rủ:
- Leo không? Em khoái lọt được vào tận bên trong vườn, chắc còn nhiều thứ hấp dẫn hơn.
Tôi lắc đầu:
- Thôi đi khỉ, tao sợ chủ nhân cáu kỉnh của ngôi biệt thự bí mật này xua chó ra cắn mình lắm.
Vân nhăn mặt:
- Chị nhát như thỏ đế.
Tôi đi lần lên cao hơn. Hai bên là rừng thông bát ngát kỳ ảo. Tôi ngồi bệt xuống một gốc cây thông thấp, nhìn xuống lưng chừng ngọn đồi. Ngôi biệt thự vẫn thu mình trong vườn cây rậm ngạo nghễ. Bỗng dưng tôi nao nao thương nhớ một hình bóng nào đó, thật xa vời mong manh trong ký ức tôi.
Tôi ngồi như thế, không lâu lắm mà tựa hồ như tôi đã buồn ngủ—Như tôi đang ngái ngủ vậy—Gió thông kêu vi vu như một lời ca gợi tình—Như một mời mọc âu yếm. Tôi quên cả thời gian—Tôi quên luôn hiện tại. Tôi chỉ còn là quá khứ bé bỏng thơ ngây—Tôi trở về quá khứ làm con gái đa tình lãng main mơ được ngủ ngon giữa rừng thông để rồi hoàng tử hiện ngang hiện đến—Hôn tôi trong giấc ngủ chập chờn, tôi sẽ yêu hoàng tử đắm saỵ Tôi sẽ vít đầu Hoàng Tử xuống để tìm lại nụ hôn chưa kịp thấm. Để môi mềm đi trong tình đấu có gió thông chứng kiến—Tôi trở về làm con gái lén lút hẹn hò với người yêu mỗi sáng gọi nhau trên đồi thông, ban đêm nằm gối đầu lên cỏ ướt nghe tình yêu thêm mặn nồng, hay tình tự bên nhau cho cỏ cây hoa lá chung vui.
- Chị Châu:
Vân gọi tôi, tiếng gọi vang rừng thông vắng. Tôi tỉnh choàng cơn mơ làm con gái.
- Trời ơi! Chị ngồi đây mà người ta gọi hoài không lên tiếng.
Vân trách tôi. Khuôn mặt nó đỏ hồng—Hơi Đà Lạt đấy—Gió Đà Lạt đấy—Mới chưa nửa ngày Vân đã thấm, làn da mơn mởn hồng đào của con gái Đà Lạt rồi.
- Gì mà ngồi ngẩn ngơ như vừa gặp được người trong mộng vậy?
Vân giậm chân la tôi. Tôi cười cười:
- Ngồi đây chơi. Tao vừa gặp người trong mộng thật đấy.
- Ai thế?
Vân nhìn quanh. Tôi nói:
- Làm sao biết được ai. Người trong giấc mộng mà.
- Chị vừa ngủ sao?
- Ừ!
- Ngồi thế này mà ngủ.
- Ừ!
- Chị có điên không?
- Tao mê chứ không điên.
Vân đứng dậy, phủi quần:
- Thôi, tỉnh đi, tỉnh đi còn xuống phố nữa chứ.
Tôi nắm tay Vân lấy đà đu người dậy. Hai chị em lửng thửng trở xuống đồi. Ngang ngôi biệt thự tôi dừng lại, và bắt chước Vân tôi nhón tay hái trộm một bông hoa hồng nhung đỏ thấm. Vân nói với tôi.
- Hồi nãy em nhìn thấy có người mở cổng vườn.
Tôi cười:
- Một hoàng tử hay một lão già cau có?
Vân nhún vai:
- Một chiếc xe trắng toát từ ngôi nhà âm u kia “bay” ra. Em không nhìn kịp xem người hay ma nữa.
Tôi le lưỡi?
- Cái gì bay ra như một chiếc xe ma.
- Trong biệt thự này hả.
- Ừ!
- Thật không?
- Thật chứ, em gọi chị vì thế.
Tôi cười cười:
- Chủ nhân nhà này chắc phải là một chàng tuổi trẻ mê tốc độ. Thôi, tao chán cảnh đó lắm. Để dành cho mày, tao già rồi.
Vân chun mũi. Nó la tôi:
- Chị này vớ vẩn ghê Có chồng rồi mà toàn nghĩ chuyện… nham nhở không à.
Tôi kéo tay Vân đi như chạy xuống dốc. Trên tay tôi, đôi giầy gót cao vô dụng. Thừa thãi làm sao. Tôi muốn quăng xuống núi và đi chân trần lên phố.Cho mọi người nhìn tôi ngơ ngác và cho tôi ngớ ngẩn giữa thành phố lạ lùng này.