Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> VIỆC LÀNG

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 57385 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

VIỆC LÀNG
Ngô Tất Tố

ĐÔI GIÀY MẤT DẠY
Tôi phải hết sức ngạc nhiên khi bắt đầu thấy anh Hai Thuyết. Người đâu mà lạ làm vậy! Cổ tay lớn bằng bắp chuối,  ngón tay như hai chiếc dùi đục; những lúc anh vấn vành khố một - nhai, bao nhiêu bắp thịt chần chẫn trong lớp da đồng tụ đều lộ ra  hết, thì trông chẳng khác gì cái tượng lực sĩ ở Đền Đô. Tuy rằng  lúc đó ảnh đã gần năm chục tuổi, nhưng còn gánh nổi hàng tạ và  vẫn đủ sức để cất cái búa bổ củi một cách nhẹ nhàng. Ông chủ nhà  tôi rất mến ảnh, quanh năm, suốt tháng, không dám rời ảnh mấy  khi, sợ rằng người khác mướn mất.
Vì thế, từ ngày đến trọ ở làng Đ.S tôi không ngày nào mà  không gặp ảnh. Giọng nói ngây ngô, mộc mạc của ảnh vẫn là những thuốc giải muộn cho tôi trong lúc vô liêu. Vậy mà sáu, bảy  hôm nay, chẳng thấy bóng ảnh đâu hết. Một người như ảnh cố  nhiên không ai dám đoán là có tật bệnh.
Lúc đầu tôi tưởng rằng ảnh đi vắng. Nhưng mấy bữa sau thỉnh thoảng lại thấy tiếng ảnh ở nhà, tôi ngờ rằng ảnh có chuyện  xích mích với ông chủ nhà tôi, nên không sang nữa.
- Không! Nó còn khổ về hai chiếc giày! Từ hôm rước được đôi  giày về nhà đến giờ, nó phải bỏ cả làm ăn, không lúc nào đi ra khỏi  cổng. Nếu còn giữ hai chiếc giày ấy không khéo có ngày vợ con nó  sẽ chết đói.
Câu nói của ông chủ nhà khiến tôi càng lấy làm lạ, không  sao hiểu nổi. Tôi phải phiền ông giảng lại một lượt. Thì ra năm  nay làng ấy vào đám dẫy chà, ảnh được cắt làm thủ hiệu trống.  Tuy chỉ là người cầm dùi đánh trống, nhưng ở đình đám, chức thủ  hiệu vẫn sang hơn chức cầm cờ, cầm quạt, bất kỳ là thủ hiệu gì.  Những ngày rước thần, thủ hiệu vẫn được đóng đai, đi ủng, đội mũ  võ và mặc áo thụng, có người che lọng, có người cắp tráp đi hầu;  nếu là mùa bức, họ còn thuê mướn đầy tớ vác chiếc quạt lông, thỉnh thoảng phẩy cho một cái là khác. Trong một chà đám, thủ  hiệu được có sở riêng tại đình, góp tiền góp gạo, ăn uống ở đó, khi  nào đoạn đám mới về. Sở của thủ hiệu, bao giờ cũng oai, có cờ, có  trống, có tay thước, mã tấu... trang hoàng như dinh quận của ông  đại tướng. Cho được xứng đáng với bấy nhiêu sự sang trọng, ngoài  những quần lành, áo mới, các vị thủ hiệu lúc nào cũng phải xỏ  chân vào giày, không được phép đi dép, đi guốc, nhất là không được đi đất. Thủ hiệu đi đất, ấy là để cho hàng tổng, hàng xứ chê  cười làng mình, người ta vẫn tin như thế. Bởi thế, từ khi có tin  được bổ thủ hiệu, anh Thuyết lập tức cậy người đi ra Hà Nội mua  cho đôi giày da lộn, để góp với bạn đồng sự. Cái người ảnh cậy  cũng đã sáng ý, thấy đôi bàn chân của ảnh đều là "xuất chúng" nó  phàn phạt như chiếc bàn cuốc và lớn bằng rưỡi bàn chân người  thường, hắn phải tìm khắp các cửa hàng giày, để chọn cho ảnh thứ  giày "quá đại".
Vậy mà chân ảnh xâu vào, vẫn còn thừa một ngón út và nửa  cái gót. Đời ảnh sắm giày lần này là hai. Cả hai lần đều bất như ý.  Lần trước, khi sắp cưới vợ, ảnh đã có mua một đôi. Vì đi không lọt,  ảnh phải gác lên gác bếp, đến khi dây đàn ải đứt thì đem vứt đi.  Lần này lại đi không vừa, ảnh phải bán lại cho một người làng rồi  tự đem hai bàn chân lên tỉnh để thửa lấy một đôi khác. Bằng cái  giá tiền gấp ba giày thường, người thợ giày mới chịu đo hai chân  ảnh, để hắn đệm cốt, lựa da, đóng cho ảnh đôi giày hợp thức.  Chuyến này thì ảnh xâu lọt cả năm ngón chân, có điều nó cũng khí  chật. Ông chủ nhà tôi kể đến chỗ đó, rồi thêm:
- Không hiểu chân nó ra sao mà khi lồng vào chiếc giày, coi  bộ cực kỳ ngượng nghịu, chẳng khác đứa trẻ tập đi. Bởi vậy, nó  phải nghỉ việc để học đi giày, ông sang mà xem, buồn cười hết sức.
Té ra thế gian lại có hạng người gần năm chục tuổi mới học  xỏ chân vào giày, có lẽ cũng là một sự kỳ dị. Nhân lúc vô sự, tôi  liền đi đến nhà ảnh để coi. Hình như ảnh sợ có người vào xem, nên đã đóng cổng kín mít. Tôi gọi hồi lâu, mới thấy ảnh ra mở cổng với  cái bộ mặt bẽn lẽn. Bước vào trong nhà, chẳng thấy đôi giày đâu  cả, hẳn là ảnh vì xấu hổ, nên đã cất vào buồng trong. Tôi đoán như  vậy, rồi thử hỏi ướm:
- Nghe nói bác tập đi giày, nên tôi sang xem. Có việc gì mà  phải giấu giếm. Chúng tôi lúc mới đi giày cũng phải học đến hàng  tháng ấy chứ! Bác tưởng tự nhiên mà biết đi chăng? Cứ đem ra mà  tập đi, hễ sai chỗ nào tôi sẽ bảo giúp.
Ảnh nhìn tôi bằng một bộ mặt ngơ ngác, đầy vẻ sung sướng:
- Thì ra các ông cũng phải tập ư? Tôi ngỡ là có mình tôi. Rồi ảnh đẩy cánh cửa buồng lấy đôi giày ra. Thảm hại! Đôi  giày chẳng khác gì lũ tướng cướp bị bắt, mỗi chiếc có một sợi chuỗi  buộc ở phía gót, đầu chuỗi còn dài lê thê. Thoáng trông tôi đã biết  ngay những cái chuỗi ấy dùng để làm gì, liền cười và nói:
- Bác cũng tinh đấy, có chằng gót giày vào chân mình thì khi  nhắc giày, nó mới khỏi rơi. Nào thử đi đi tôi xem.
Ra bộ đắc ý, ảnh bèn xâu chân vào giày và mỗi bên chân ảnh  lại chằng đi, chằng lại hai ba vòng dây, giống như người ta trói con  lợn vậy. Rồi ảnh đứng dậy, dõng dạc chống tay vào sườn, bắt đầu  cất bàn chân đi. Nhìn ảnh, tôi thấy giống hệt những bà nạ dòng  tiếc cái xuân xanh sắp hết, cố học đi giày cao gót để thi với bọn tân  thời. Bởi vì, đôi giày của ảnh tuy đã chằng trói kiên cố, nhưng bộ  giò ảnh vẫn phải rón rén rụt rè, không dám bước mạnh. Diễn quanh lòng nhà độ vài chục lần, ảnh thấy nó đã hơi quen, liền khoe:
- Thế nào, ông coi tôi đi đã được hay chưa?
Tôi cố nín cười và đáp: - Được rồi đấy! Bây giờ bác thử cởi dây mà đi xem sao! Vẫn cái nét mặt hớn hở, ảnh lại ngồi xuống, tháo hết những  nút chằng buộc của giày vào chân. Rồi ảnh thử đi giày không.  Quái lạ làm sao! Chân ảnh xỏ vào chiếc giày, vừa mới giơ lên, thì  nó đã bắn đi xa độ hai ba thước, y như người ta đá giày đi vậy.  Mấy lần ảnh nhặt giày lại, cầm tay xâu vào bàn chân và ảnh mắm  môi, nghiến răng, cố quịp cả năm ngón chân để giữ nó lại, nhưng  cái đôi giày mất dạy như có thù với bàn chân ảnh, mỗi khi ảnh nhấc chân lên, nó lại bắn đi đánh phót một cái. Buồn rầu, ảnh nói  bằng giọng năn nỉ:
- Ông hãy làm ơn mỗi ngày sang đây dạy tôi một lúc. Nếu  mười ngày nữa mà tôi không đi được giày thì lúc vào đám, tôi đành cáo ốm nằm nhà. Ông thủ hiệu không biết đi giày, thật là  nhục cho cả làng.

<< NGHỆ THUẬT BĂM THỊT GÀ | GÓC CHIẾU GIỮA ĐÌNH >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 831

Return to top