Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> VIỆC LÀNG

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 57384 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

VIỆC LÀNG
Ngô Tất Tố

MỘT ĐÁM VÀO NGÔI

Nhà bác Cả Mão mọi ngày thường im phăng phắc, hôm nay  bỗng nhiên linh đình như đám giỗ nhỏ. Dưới cầu ao, hai người đàn  ông lực lưỡng đang châu đầu trên chiếc rổ thưa, tỉ mỉ nhổ từng sợi  lông tơ cho một con gà trong rổ. Trên bờ ao, một con chó xồm bị  trói bốn chân, nhe răng nằm trên vũng máu lênh láng. Cạnh nó,  một nồi nước sôi khói bốc nghi ngút và bốn năm người, cũng hạng  đàn ông lực lưỡng, kẻ cầm gáo múc nước, người cầm dao sắp sửa  cạo lông. Từ cổng đến thềm, tấp nập những người đi lại. Tôi mới  nhô vào đến sân, bác Cả lật đật chạy ra đón lên nhà trên với một  bộ điệu vui vẻ. Ở gian bên kia, độ bảy tám ông ngổn ngang nằm  vây một chiếc khay đèn thuốc phiện. Với những cặp môi thâm xịt  và dài vều, và những chiếc quần cháo lòng, áo ba-đờ-xuá rách lòi  khố tải, các ông ấy như muốn bảo cho tôi biết đây toàn là hạng kỳ  dịch kiêm tín đồ của đức chúa Phù dung. Dãy phản bên này, hai  bàn tổ tôm kế nhau. Bàn trong vang những tiếng ăn, tiếng phỗng,  bàn ngoài đương ỏm tỏi cãi nhau về sự đánh thấp đánh cao. Chủ  nhân lễ phép mời tôi vào ngồi trong chiếc tràng kỷ kê ở gian giữa,  đối mặt với tòa bàn thờ hương khói vắng tanh. Mấy ông trong bàn  tổ tôm thi nhau nhìn tôi bằng nửa con mắt trông nghiêng, giữa khi  vài ông ở bàn thuốc phiện lần lượt ngóc cổ như đàn rắn lửa. Rồi thì  ai nấy lại cùng theo đuổi công việc của họ, người hút cứ hút, người  đánh bài cứ đánh bài.
- Ông có lòng đến đây mừng cho nhà cháu, thật là quý hóa!  Xin mời ông xơi tạm chén nước.
Bác Cả Mão đương một tay gãi tai, một tay bưng chén chè nụ  đặt trước mặt tôi, bên bàn tổ tôm bỗng có tiếng gọi:
- Anh Cả đâu! Cho mượn hai đồng đánh thêm hội nữa. Đen  quá, cả hội chẳng ù ván nào!
Bằng một tiếng vâng đầy giọng thành tâm, bác Cả Mão nhanh nhẩu chạy xuống nhà dưới, để tôi ngồi đó với bác Hai Thìn,  một người em ruột bác ấy. Thơ thẩn chưa biết nên nói chuyện gì,  tôi có dịp nghĩ đến cái câu của bác Cả Mão mới nói. Với bác, tôi chỉ  là người trọ học ở nhà láng giềng. Vì năng gặp bác, thành ra quen  biết. Hôm nay là ngày "vào ngôi" cho thằng con bác mới đẻ được ba  tháng nay, bác vẫn mến tôi nên cố mời tôi sang chơi. Ở làng khác,  vào ngôi chỉ là một lệ rất thường, người ta phí tổn độ vài ba chục,  hay vài ba trăm quả cau là xong. Sao trong đám này lại có cỗ bàn  linh đình, và sao ở trước mặt khách, ông chủ lại nói đến câu "mừng cho nhà cháu"? Hay là riêng với làng này, vào ngôi là một  việc hỷ? Nếu vậy, có lẽ mình phải mất một món tiền mừng. óc tôi  còn đương vẩn vơ, bác Cả Mão đã ở nhà dưới chạy lên. Cung kính  trao hai đồng bạc cho một ông trong bàn tổ tôm, bác ấy tung tăng  ra sân, khiến tôi không kịp nói chuyện. Dưới bếp, có tiếng dao thớt  ký cốc, mùi xôi ngào ngạt đưa lên nhà trên. Một ông trong đám  thuốc phiện dõng dạc cất cái giọng khàn khàn:
- Anh Cả đâu! Lên đây tôi bảo!
Một tiếng dạ lớn, bác Cả Mão từ sân vào thềm, rồi khoanh  tay đứng tựa vào cột:
- Bẩm cụ dạy gì con ạ? - Trưa lắm rồi đấy! Liệu mà giục bảo chúng nó sắp đồ lễ mau  lên! Rồi anh phải thân hành đến mời cụ Điền lại chơi, kẻo cụ lại  ăn cơm nhà.
Lại một tiếng dạ rất lễ phép, bác Cả rón rén lui ra. Tiện dịp,  tôi bảo bác ngồi xuống chỗ tôi ngồi và móc ví lấy một đồng bạc  mừng bác. Nhưng bác khăng khăng từ chối, nói rằng việc này  không có lệ mừng. Ngoài thềm có tiếng lẻng kẻng. Một người xách  chiếc mâm đồng sáng choang đặt lên cái bàn ở trước mặt tôi. Rồi  một người khác để luôn thúng xôi vào đó. Bác Cả Mão núc hai bàn  tay như thầy phù thủy bắt quyết và nói với tôi:
- Bên này chật quá, mời ông sang nhà chú cháu. Ông nhạc  tôi cũng ở bên ấy. May quá, tôi đang muốn tránh cái bầu không khí khó chịu. Nghe lời chủ nhân, tôi liền theo bác Hai Thìn đi luôn. Nhà này cũng thấy lố nhố những người, nhưng toàn là người  tôi quen. Qua một tuần trà, bác Hai Thìn nhìn tôi và nói bằng giọng sung sướng:
- Anh tôi lo công việc này cho cháu tất cả cũng hết đến trăm  rưỡi bạc. Ấy là chúng tôi khôn khéo, xoay xở thì việc mới xong,  người khác ở vào địa vị chúng tôi, dù có mấy trăm, vị tất đã lo nổi!  Câu nói của bác khiến tôi hết sức ngạc nhiên:
- Sao nhà các ông hoang quá như vậy? Tôi thấy người ta "vào  ngôi" cho con chỉ tốn độ vài đồng bạc là cùng!
Bác Hai xua tay và nói bằng giọng thì thầm:
- Nào có phải hoang! Ông tính ở đời ai muốn mất tiền! Đó là  sự bất đắc dĩ. Nói giấu gì ông, nhà tôi không phải gốc gác ở làng  này. Ông thân chúng tôi ở vùng Nam lên đây sinh cơ lập nghiệp,  rồi mới đẻ ra anh tôi và tôi. Thế là tới ở làng này, nhà tôi mới ở có  hai đời. Theo lệ nhà quê, những người ngụ cư ba đời mới được  "thành tổ". Nghĩa là được ngang hàng với mọi người khác. "Làng  này lại ngặt hơn nữa, từ xưa đến giờ họ không cho một người  ngoài nào nhập bạ. Vì thế, anh tôi và tôi cũng như ông thân chúng  tôi, đều không có ngôi ở đình. "Chắc ông cũng biết ở làng mà không có ngôi, thật là một sự nhục nhã. Những lúc tứ quý kỳ phúc,  người ta thì phần ăn, phần gói, mình thì chẳng có miếng gì. Những lúc hội hè, đình đám, người ta rước cờ, rước quạt, mình chỉ  đóng vai khiêng chiêng. Như thế cũng đã khổ rồi. Hơn nữa, lỡ có  cha già mẹ héo, làng giáp có chôn cho đâu! Chính lúc ông thân bà  thân chúng tôi qua đời, anh em tôi đều phải nhờ cậy hàng xóm  khiêng giúp. Rồi khi xong việc, chúng tôi muốn theo mọi người nộp  lệ cho làng con trâu, họ cũng không thèm nhận cho. Cái đó mới cực  cho chứ!
- Người ta không nhận thì càng khỏi mất. Việc gì mà cực! Tôi mỉm cười và đáp một câu khôi hài như vậy. Bác Hai vẫn  nói một cách thật thà:
- Thế được còn nói gì nữa! Anh em chúng tôi, trời cho trong  nhà cũng đủ bát ăn, mỗi người cũng có được con trâu cày và dăm  mẫu ruộng. Thế mà không thể nộp được lệ làng cho cha và mẹ, tức  là tiếng xấu để đời... Mỗi khi nghĩ lại những nông nỗi ấy, anh tôi  và tôi tức chết người đi được. Trước đây, chúng tôi đã cố luồn lọt mấy ông đàn anh, để xin nhập bạ, nhưng mà bấy giờ hãy còn cụ  Bá, cụ ấy nghiệt lắm, nhất định bảo nhà tôi đến ở làng này chưa  được ba đời, không thể nhận lời. Chúng tôi đành phải cắn răng mà  chịu. Bởi vậy lần này anh tôi sinh được mụn cháu, lại may gặp lúc  cụ Bá đã mất, chúng tôi phải cố vào ngôi cho nó.
- Nhưng mà các ông tiêu những món gì mà hết đến hơn trăm bạc?
Bác Hai càng hạ giọng xuống, sau khi liếc mắt ngó qua những người chung quanh:
- Ông bảo những công việc ấy, nói bằng miệng không được ư?  Phải mất tiền cả đấy! Cụ chưởng lễ ba chục, ông chánh hội hai  chục, cụ lý trưởng mười lăm đồng, ông phó lý và ông phó hội mỗi  người mười hai đồng, thư ký, trưởng bạ, mỗi người mười đồng, hương trưởng, lý cựu, tộc biểu, trương tuần mỗi người năm đồng.  Những số tiền ấy hết ngoài trăm đồng rồi. Lại còn ăn uống từ  chiều hôm qua đến giờ...
- Nếu đã mất tiền cho họ thì thôi cái bữa ăn uống có được  không? Bày vẽ làm gì cho tốn?
Bác Hai lắc đầu: - Không được ông ạ! Ở chốn thôn quê, ăn uống là sự đầu tiên.  Muốn gì thì gì, hễ không có ăn thì việc không thành. Lúc trước,  anh tôi cũng nghĩ như ông, đã định chước sự ăn uống vì đã rắc tiền  khắp mặt chức dịch. Nhưng ông chánh hội không nghe. Ông ấy nói  rằng thế nào cũng phải đấm miệng cho các bô lão, và bọn trai đinh  bò bướu một bữa. Nếu không họ sẽ phá ngang, tất nhiên sẽ có cản  trở.
Trước mặt có người đi qua, bác Hai ngừng lại một lát chờ cho  người ấy đi khỏi, rồi tiếp:
- Một bữa ăn này, ít ra anh tôi cũng phải tiêu đến năm, sáu  chục đồng. Vì kiêng tiếng làm thịt lợn, sợ rằng làng nước cho là  hứng mỡ, nên mới đi chợ mua thịt. Sự thực, mua thịt lại quá giết  lợn. Sáng ngày đi lấy vừa lòng lợn vừa thịt lợn tất cả mười một  đồng bạc, đáng lẽ cũng đủ chàn chát, nhưng cụ chưởng lễ thích ăn  thịt cầy, nên ông lý trưởng bắt phải giết thêm con cầy. Chẳng nhẽ  mời dân mời làng ăn uống trong nhà, ngoài đình lại không có gì.  Bởi thế chúng tôi phải sửa cỗ xôi, con gà để ra lễ thờ. Bấy nhiêu  món hết ngót hai chục rồi. Còn tiền rượu, tiền thuốc phiện, còn tiền cung đốn họ đánh tổ tôm. Ông đã biết rõ, mọi khi làng tôi có  ai dám đánh "góp một"? Lớn lắm chỉ "góp năm hào". Hôm nay vì  tiền nhà chủ bỏ ra, được thì ăn, thua không phải trả, nên họ hò  nhau đánh góp hai đồng. Rồi đấy ông xem, đến lúc đứng dậy, ai  cũng thu hết, anh tôi đưa ra bao nhiêu mất hút bấy nhiêu, chẳng  lấy lại được đồng nào hết... Lúc nãy tôi nói trăm rưỡi, còn là hà  tiện, xong việc có lẽ hết hơn, chứ bấy nhiêu tiền không thể nào đủ.
Bác Hai còn muốn nói nữa. Bên nhà bác Cả chợt nghe có  tiếng ầm ầm, bác ấy lật đật xin lỗi đứng dậy:
- Mời ông ngồi chơi với các cụ tôi. Tôi phải chạy sang bên kia.  Làng đã vào rồi!
Tiếng ầm ầm bên nhà bác Cả mỗi lúc một to, trước còn cười  nói, sau đến quát tháo, cuối cùng thì đến những tiếng mách tục  mách qué. Lâu lâu cuộc xô xát lại dữ dội thêm, bác Hai Thìn hốt  hoảng chạy về, vừa thở vừa nói:
- Khổ quá, mấy ông bô lão lại còn bẻ vành bẻ vẻ, nhất định  nói rằng: hương ước không có chỗ nào nói cho người ngoài vào ngôi. Cụ Điền hết sức giàn xếp không được. Ông chánh hội và ông  lý trưởng bảo anh tôi phải chồng hai chục đồng bạc -tiền ngay cốc  cộc - để cúng vào nóc các lão, thì việc mới yên. Thôi thế cũng còn là  may.
Cuộc ăn uống kéo dài mãi đến gần tối, nhưng không xảy ra  sự gì nữa. Cách ba bữa sau, bác Cả Mão sang nhà tôi trọ, dạm bán  cho ông chủ nhà một mẫu hai ruộng, lấy trăm đồng bạc để trang  công nợ. Vui vẻ bác khoe với tôi:
- Tất cả, tôi lo hết gần hai trăm. Của nhà có non một trăm,  còn thì đều phải đi vay. Nhưng tôi cũng lấy làm hả. Từ nay trở đi,  cháu đã có ngôi đình, chúng tôi sẽ được ăn miếng thịt phần việc  làng của nó!...

<< LỚP NGƯỜI BỊ BỎ SÓT | CÁI ÁN ÔNG CỤ >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 816

Return to top