Chi lan hớn hở nhìn cửa hàng mãi không thấy chán. Tủ kính, bàn cắt, những pho tượng mẫu được đặt đứng sừng sững khoát lên những xấp vải, những bộ đồ đẹp nhất để mọi người đi qua có thể thấy rõ ràng. Rồi phòng thử áo, đèn chùm treo giữa phòng may ánh sáng toa? khắp chỗ. Còn bảng hiệu nữa chứ, ngay hôm đầu tiên Lê Quang đề nghị lấy tên nàng, Chi Lan từ chối mãi. Lê Quang nhất định ép nàng theo ý :
- Chi Lan thử nghĩ lại xem một tiệm may đồ nữ mà lại lấy tên Lê Quang này thì thấy thật là kỳ cục.
Chi Lan nói :
- Nhưng mà còn rất nhiều cái tên khác hay hơn sao anh không chọn ? Vả lại tôi nghĩ cũng có mấy tiệm may mang tên đàn ông như : Hùng, Tuấn, cũng được vậy.
- Chi Lan à ! Mấy tiệm đó may âu phục, đồ nam, chemise, quần tây của đàn ông, còn đây...Thôi Chi Lan muốn nói thêm gì cũng được nhưng tôi đã kêu người ta làm tấm bnảg hiệu có tên "Chi Lan" rồi. À, về phần học thêm các kiểu áo khó, Chi Lan học được chưa ?
Trong lúc chờ sữa sang lại cửa tiệm, Chi Lan học thêm phần thiết kế mẫu áo, nàng rất có khiếu cho nên thu thập kiến thức nhanh chóng. Nghe Lê Quang hỏi, nàng trả lời là đang học sắp xong một khoá.
Ngày đầu tiên tiệm có hai người phụ nữ đến may hai bộ đầm dài qua đầu gối, rồi một bà đứng tuổi may một lúc mấy chiếc áo kiểu. Bà ta bảo hễ Chi Lan may khéo thì sẽ đặt may nhiều vì gửi cho bạn bè và họ hàng ở nước ngoài. Ở ngoại quốc người ta rất quí những gì làm thủ công vì thời gian bên đó rất eo hẹp cho nên chủ yếu là đi vào cửa hàng để mua, ít ai may. Có được những chiếc áo từ quê nhà gửi qua họ rất thích.
Lúc đầu Chi Lan nói chồng đến làm chung giúp cho mình những việc tại bàn ghi chép. Nhưng Phong nhất định không chịu, chàng nói :
- Em điên rồi sao ! Tại một khu trung tâm mà anh lại đến để làm giảm giá trị của em nói riêng và giá trị của cửa tiệm. Anh đã có việc làm của anh rồi.
Chi Lan ngạc nhiên :
- Việc làm gì vậy ?
- Bán sách, báo ! Anh đã đăng ký ngay tại ngã tư gần nhà một chỗ để lấy báo, sách thiếu nhi, dụng cụ học sinh. Em nghĩ thử coi anh làm công việc đó là đúng đó chứ. Vợ chồng mình phải cùng nhau cố gắng để dành tiền mà trả cho Lê Quang và Thùy Dung. Anh tuy làm việc ít hơn vợ nhưng góp ít còn hơn là không góp.
Chi Lan cảm động.
Người phụ coi cửa tiệm với nàng lại là Lê Quang. Ban đầu Lê Quang nhất định từ chối vì còn công việc của mình. Nhưng Vĩnh Sơn và Thùy Dung cũng năn nỉ thuyết phục Lê Quang, Vĩnh Sơn nói :
- Anh Quang, anh đã có lòng giúp tôi thì giúp cho đến cùng. Cửa tiệm có một mình Chi Lan tôi không yên tâm, anh nên suy nghĩ lại.
Còn Thùy Dung thì :
- Anh đã nói toàn bộ vốn liếng của anh mà không có mặt ở đó thì làm sao Chi Lan tin được ? Anh đừng sợ rằng bỏ công việc của anh, mọi người sẽ chê cười. Đây chính là lòng tốt của người đối với người trong xã hội, anh không nên từ chối. Anh làm ở đó lúc nào rảnh em sẽ ghé thăm, vừa gặp người yêu vừa giúp bạn còn gì cho bằng.
Lê Quang ngần ngại :
- Nhưng còn...
Thùy Dung nhìn người yêu, chợt hiểu ra nàng cười và nói :
- À , anh sợ Phong thấy anh làm chung một chỗ với Chi Lan, Phong để ý và lại ghen nữa chứ gì ! Anh đừng ngại, thứ nhất vì anh là chồng chưa cưới của em, thứ hai ở trong suy nghĩ của Phong, anh là một ân nhân, thứ ba... nói cái này nhỏ thôi nha : Vĩnh Sơn là người như thế nào mà Chi Lan còn không chịu sa ngã chỉ một lòng với Phong, anh hiểu rồi thì ráng làm việc cho nghiêm chỉnh. Dù sao thì tại một chỗ như vậy không có đàn ông thì không được đâu.
Lê Quang hỏi :
- Sao em rành vậy ?
- Quán cà phê của em xảy ra ba cái vụ đánh nhau hoài chứ gì, rồi còn mấy ông mấy bà giả làm kẻ có tật, bị thương vô quấy rầy. Thêm mấy anh chàng mát mát vào xin tiền ăn sáng không cho sẽ đập phá đồ đạc. Tóm lại, bất cứ giá nào cũng phải có anh tại tiệm may.
Thế là tạm ổn trong việc nhân sự. Chi Lan hỏi chồng trong vấn đề ăn mặc đi làm. Nàng cần gọn gàng tuy không diêm dúa, chỉ sợ chồng lại nghi ngờ nhưng Phong nói :
- Em làm việc ngay tại chỗ trung tâm, phải gọn gàng thì mới có người đến may. Bề ngoài tuy không nhất thiết sang trọng nhưng người ta nhìn vào thấy đẹp mắt sẽ nghĩ rằng mình mặc cũng đẹp như vậy. Còn anh thì sao cũng được. Ngồi một chỗ bán hàng không ai thấy anh tàn tật và họ cần mua đồ chứ dòm ngó anh làm gì.
Có công việc làm ổn định, bắt đầu lấy lại được sư quân bình tiền bạc trong nhà tuy không dư nhưng gia đình Chi Lan tạm đủ sống qua ngày. Bà Tuyền ở nhà lo chơi với cháu nội, Phong thì sáng sớm lăn xe ra quầy hàng để kịp nhận báo để bán. Chi Lan đi chợ cho mẹ chồng xong xuôi nàng mới đi lên tiệm may. Hàng xóm thấy thương tình mua báo dùm cho Phong, ngày nào chàng cũng bán hết.
Vĩnh Sơn nhiều lần ngồi trong xe chạy ngang qua tiệm may, chàng thấy bảng hiệu đúng tên Chi Lan, mỉm cười nghĩ thầm : Mình cần giúp nàng mau "trả nợ " cho Lê Quang mới được.
Một tháng sau khi khai trương tiệm may, Chi Lan đang loay hoay cắt vải thì có hai cô gái trẻ đến tìm nàng.
Chi Lan mời ngồi và hỏi có chuyện gì không. Người lớn tuổi hơn nói :
- Em tên Loan bạn em tên Thuỷ, tụi em muốn học may, chị có thể dạy cho tụi em được không ? Và giá cả từ bắt đầu cho đến khi tụi em biết may thì chị định lấy bao nhiêu ?
Chi Lan đưa mắt nhìn Lê Quang. Thấy anh ta gật đầu, nàng bèn trả lời những thắc mắc mà hai cô gái ấy nếu ra trong nội dung nghề nghiệp. Sau đó hẹn ngày mai có thể bắt đầu, Chi Lan nói hai người có thể ra về và bắt đầu mỗi sáng sẽ đến học.
Về nhà, Chi Lan ôm con vào lòng và khoe với chồng, Phong cười :
- Nếu vậy anh nghĩ rằng chừng nửa năm chúng ta có thể trả tiền cho Lê Quang, sau khi trừ mọi chi phí trong nhà ra. Tiếc rằng anh làm hơi ít việc.
Chi Lan mở to mắt nhìn chồng :
- Như vậy mà anh còn nói là ít nữa sao ! Sáng nào anh cũng dậy từ tờ mờ khi đồng hồ reng năm giờ, anh bán hàng một mình cho đến chiều, em thấy anh có vẻ mệt mỏi lắm đó.
Phong gạt đi :
- Nhưng anh cảm thấy vui em biết không, hàng xóm xung quanh đây rất tốt, họ phải đi xa hơn một chút để mua giùm cho anh những tờ báo trong khi có người đề nghị bỏ báo tận nhà họ cũng không chịu. Có việc xảy ra anh mới biết chung quanh mình, ngoài kẻ xấu ra còn thật nhiều người tốt bụng. Ngoài ra anh đọc hết báo trong lúc rảnh thấy có nhiều người còn bị tật hơn anh rất nhiều mà vẫn làm kiếm tiền lo cho gia đình, giúp ích cho xã hội bớt đi những gánh nặng, anh cảm thấy lúc trước anh thật tệ.
Sợ chồng lại nhắc đến chuyện cũ không được vui vẻ cho lắm, Chi Lan lảng qua chuyện khác :
- Anh nói giống như một nhà văn, một kịch sĩ đang thuyết trình vậy. Anh à ! Con nó biết đi vững rồi đó, khỏi cần bỏ vào xe tập đi.
Hoàng Lan bi bô :
- Bạ.. bạ..
Phong nắm tay con, dẫn đi từ từ lại phía mình :
- Em thấy chưa, Hoàng Lan nó chỉ gọi ba chứ không gọi mẹ, nó thương anh hơn đó nha.
Chi Lan nghiêng đầu nhìn con gái. Bé đã lấy lại sức khoẻ sau cơn bệnh vừa rồi, hai má trắng hồng mắt đen láy. Nàng mỉm cười nghĩ thầm: Con gái mình thật xinh, giống cả ba lẫn mẹ. Sau cơn mưa trời lại sáng. Chi Lan tin rằng gia đình nàng đã qua được những đau buồn, giờ đây đang bước đến một tương lai mới mẻ và khả quan hơn.
Thùy Dung một hôm ghé thăm tiệm may đúng như lời hứa. Lê Quang thấy người yêu thì mừng rỡ chạy ra đón và hỏi :
- Sao đến giờ này mới ghé ? Em đó nha, cứ bắt anh ngày nào cũng phải trông chờ mỏi mắt.
Thùy Dung liếc yêu một cái :
- Phải không đó ! Cha, lúc này ở đây có nhiều bóng hồng quá, anh ngắm chưa mỏi sao ?
- Suỵt , đừng nói lớn, hai cô gái đó đến học may.
Thùy Dung ngạc nhiên :
- Học may ? Tại sao cửa tiệm mới mở mà đã có người đến học rồi ?
Lê Quang nói :
- Thì người ta thích học ở đâu thì người ta học, làm sao anh biết được. Điều đó chứng tỏ anh không quan tâm đến đời tư của hai cô gái đó, em phải mừng mới đúng.
Thùy Dung nhéo Lê Quang thật đau xong đi vào trong. Chi Lannắm tay bạn thật chặt :
- Tao bận quá chừng chưa ghé mày kể chuyện làm ăn ở đây cho mày nghe được, đừng giận. Với lại Lê Quang chắc thuật lại cho mày nghe hết rồi chứ gì ?
Thùy Dung gật đầu. Trong lúc trò truyện cùng bạn Thùy Dung để ý hai cô học may, có linh tính là hai người này quen Vĩnh Sơn, họ nghe Vĩnh Sơn giới thiệu đến hoặc anh ấy nhờ họ đến ! Khi Loan vàThuỷ - tên của hai người học may - xin về sớm, Thùy Dung làm bộ ra mua đồ, nàng kêu lớn :
- Chị Ơi ! cho hỏi cái này một chút được không ?
Loan và Thuỷ quay lại :
- Chị hỏi gì ?
- Hai chị có quen ai tên là Vĩnh Sơn không ?
Thùy Dung thấy hai cô gái giật mình, nhìn nhau. Họ hỏi lại :
- Chị cần biết để làm gì ? Tụi em đến học may chị Chi Lan thấy chị ấy may khéo, cho nên...
- Sao chưa học mà biết Chi Lan may khéo ? Nè, nói thiệt đi tôi cũng là bạn giúp cho Chi Lan giống như hai chị vậy, tôi hứa sẽ không nói lại đâu !
Loan và Thuỷ thấy Thùy Dung sắc sảo không hiền hậu như Chi Lan bèn nói thật là Vĩnh Sơn giới thiệu họ đến tiệm học may, đóng cho Chi Lan số tiền để mau giúp Chi lan thoải mái kinh tế trong cuộc sống.
Thùy Dung cám ơn hai người đoạn quay vào tiệm. Lê Quang hỏi :
- Em đi mua gì vậy Thùy Dung ?
- Em mua mấy viên ô mai.
Ngồi trò chuyện một hồi Thùy Dung hỏi Phong lúc này làm gì, Chi Lan trả lời :
- Anh ấy bán báo tại một quầy hàng ngay ngã tư.
- Chi Lan nè, tao nói thử xem mày nghe có được không nhé! Nghề nghiệp khi trước của Phong là sổ sách văn phòng tai nạn xảy ra cho Phong tuy nặng nhưng không ảnh hưởng đến bàn tay và khối óc. Tại sao mày không khuyên Phong xin làm nghề cũ tại nhà ?
Chi Lan ngừng tay cắt vải :
- Ai mà người ta bằng lòng nhận một người như anh Phong, chỗ làm nào cũng phải cần có hình thức lẫn ngoại giao! Còn đem về nhà lại càng không được. Tao nghĩ khó có công ty nào chấp nhận.
Thùy Dung nói :
- Tao biết có một chỗ...
Chi Lan lắc đầu :
- Mày định nói đến công ty của Vĩnh Sơn phải không ? Tao có nghe nói khi Phong mới giải phẫu xong, Vĩnh Sơn có đề nghị y như lời mày vừa nói là sẽ để Phong làm ở khâu văn phòng như xưa nhưng vì hiểu lầm nên Phong không làm nữa. Bây giờ tuy anh ấy đã bình tâm lại nhưng theo tao đừng nhắc đến tên Vĩnh Sơn trước mặt anh ấy.
Thùy Dung hỏi :
- Còn mày, mày nghĩ về Vĩnh Sơn với ý tốt hay ý xấu ?
- Tao bao giờ cũng nghĩ Vĩnh Sơn là một người anh, một người cấp trên của chồng mình thật tốt và không hách dịch, không ra vẻ ta đây.
Thùy Dung buột miệng :
- Ừ ! Vĩnh Sơn rất tốt và cao thượng.
- Sao mày biết ?
Thấy mình nói hớ, Thùy Dung vội chống chế :
- Thì tao nghe mày kể, với kỳ mày đi sinh bé Lan đó, tao cũng biết con người của Vĩnh Sơn vậy.
Lê Quang vội rũ người yêu đi uống nước và đưa về tận nhà, tránh cho người yêu khỏi bị lộ bí mật. Chi Lan ngồi trong tiệm một mình, đang rảnh rỗi lật mấy cuốn catologue về may thì có người bước vào cửa tiệm. Đặt cuốn sách mẫu may áo xuống, Chi Lan đứng lên định mời khách và hỏi xem cần may gì thì chợt khựng lại một giây. Vì đó chính là Tuyết Nga.
Phải, Tuyết Nga vẫn đỏm dáng trong chiếc áo dài gần đến gót, còn quần da màu đen bó sát lấy đôi chân. Cô thư ký cười vang :
- A, té ra có Chi Lan bằng xương bằng thịt trong đây thật sao ?
Chi Lan bình tĩnh :
- Chị cần gì ?
- Kìa , đây chẳng phải là tiệm may hay sao chứ ! Đi ngang qua đây thấy bảng hiệu tên loài hoa lan, tôi tò mò muốn biết xem ngoài cái tên ra còn có gì bên trong này. Và tôi đến đây để may một ít quần áo, có được không vậy ?
Chi Lan lấy cuốn sách mà nàng mới xem lúc nãy đưa cho Tuyết Nga :
- Mời chị.
Tuyết Nga đủng đỉnh ngồi xuống ghế nệm, mùi nước hoa bay khắp cả phòng. Cô thư ký mỉm cười cầm lấy cuốn sách nhưng hờ hững đặt nó vào lòng, lật nhanh qua một cách vô nghĩa, cô ta hỏi :
- Dạo này chị vẫn hạnh phúc đấy chứ ! Nếu tôi không lầm thì Phong đã tha thứ, cho dù vợ mình chẳng hề lỗi lầm gì.
Chi Lan thầm nghĩ : Một con người hiểm ác như Tuyết Nga thì mình không cần phải nói đi nói lại những chuyện cũ. Nàng thong thả :
- Trong sách có rất nhiều mẫu áo mới nhất, mời chị cứ xem và ưng ý kiểu nào thì cho cửa tiệm chúng tôi biết.
Tuyết Nga nhắc lại :
- Chúng tôi ! Ý của chị muốn nói Vĩnh Sơn và chị hay của Phong với chị ?
Chi Lan tức giận :
- Không ! Chị lầm rồi, tôi và một người khác hợp tác làm ăn với nhau. Chị cũng đừng nhắc đến câu chuyện tàn nhẫn do chị gây ra vào năm trước. Chị vào đây thì tôi xem chị như là một khách hàng, cũng giống chính miệng của chị xác nhận là đến đây để may đồ.
Tuyết Nga gật đầu :
- Chị nói phải, dạo này ông giám đốc của tôi trúng lớn trong việc làm ăn, ông ta cần tôi ăn mặc thật quyến rũ và sang trọng để cùng nhau đi dự tiệc tùng, nghỉ mát. Do đó chị hãy may cho tôi năm cái áo đầm và thêm vài chiếc xường xám. Áo đầm thì tùy chị lực vải còn xường xám kỳ sau tôi sẽ mang vải đến.
Khi Chi Lan đo xong, Tuyết Nga nhìn nàng mỉm cười :
- Có cần đưa tiền trước không ?
- Tùy chị.
Tuyết Nga mở bốp cố tình để ló ra một xấp tờ đô la loại một trăm và năm chục, lấy ra một tờ đưa cho Chi Lan :
- Thôi được, gửi cho chị một số trước, chừng nào thì tôi đến thử áo ?
Chi Lan nói thời gian, Tuyết Nga đồng ý sau đó ra về. Chi Lan thở phào như trút gánh nặng, đúng là nàng không có gì phải sợ cả nhưng vào lúc này nàng đang khôi phục lại cả hai mặt : Tình yêu của chồng và kinh tế cho gia đình, mà Tuyết Nga lại mò đến. Cô ta đến may đồ để đi chơi với nhân tình thật sự hay cố ý đến để quấy rối hạnh phúc của nàng lần nữa ? Phong liệu có nghe lời cô ta thêm lần thứ hai hay không ?
Buổi tối ăn cơm xong, Phong đang tính toán ngày mai sẽ lấy bao nhiêu báo, Chi Lan lại cạnh chồng :
- Anh à...
- Gì đó em ?
- Hôm nay Tuyết Nga đến may đồ tại cửa tiệm của em.
Phong khựng lại :
- Cô ta muốn gì ? May đồ hay là chỉ chọc phá em ?
Chi Lan cắn môi :
- Em không biết là cô ta có ý gì nhưng em xin anh, nếu anh có gặp cô ta nói gì
thì đừng nghe, chuyện vợ chồng mình hiểu nhau từ hồi nào đến giờ, xin anh...
Phong lẳng lặng không nói gì. Chàng cố tâm quên đi để lo cho gia đình, lo cho bé Hoàng Lan. Giờ thì Tuyết Nga còn có thể làm gì được nữa !
Sáng hôm sau Phong đang bận rộn với công việc của mình thì có tiếng gọi, chàng ngẩng đầu lên thấy Tuyết Nga, Cô ta tươi tỉnh :
- Em ghé nhà, bác bảo anh ra đây, anh bán lâu chưa ?
Phong cộc lốc :
- Cũng khá lâu.
Tuyết Nga hôm qua ra về trong lòng tức tối vì thấy Chi Lan chẳng những khác với hôm gặp ở bệnh viện mà còn duyên dáng xinh xắn hẳn lên. Rõ là gái một con có khác ! Tại sao Chi Lan lại có thể thay đổi một cách mau lẹ vậy! Tưởng rằng sau sự việc Vĩnh Sơn, gia đình rạn nứt thì Chi Lan phải héo tàn nhưng bây giờ nhìn cô ấy như một đoá hoa lan đang hé nở vậy ! Thảo nào Vĩnh Sơn cũng mê ! ông ta thật tinh mắt. Chi Lan có thai, thân hình thay đổi, giờ đây khác xa lúc trước. Tuyết Nga nghĩ thầm : Phong đã làm lành lại được sao ?và cô ta tìm Phong với mục đích dò la có đúng sự thật như vậy hay không.
Tuyết Nga nói ngọt lịm :
- Anh Phong à, trời nắng như vậy mà anh lại ngồi trong một chỗ chật hẹp tù túng, anh không cảm thấy mệt sao ?
Phong đáp cho có lệ :
- Tôi cũng quen rồi, vả lại tôi cũng cần giúp đỡ gia đình.
Tuyết Nga đứng tựa vào quầy :
- Chi Lan lúc này xinh đẹp hẳn ra chắc nhờ vào tình yêu của anh cho nên mới được như vậy. Anh vẫn yêu vợ như trước sau những sự việc xảy đến cho anh ư ?
Phong quắc mắt :
- Cô muốn gì ? Chả lẽ lần đó chưa đủ hay sao, bây giờ lại đến phá tôi ?
Tuyết Nga làm bộ ngạc nhiên :
- Ơ, sao anh lại có thể nói như vậy được nhỉ ! Lúc nào em cũng muốn tốt cho anh thôi mà. Anh không nghĩ đến ngày xưa chỉ vì bênh anh mà em phải hứng trọn cái tát của Vĩnh Sơn hay sao ? Rồi em còn bị đuổi việc nữa chỉ vì anh mà em chịu thất nghiệp một thời gian dài ! Sau đó may mắn xin được chỗ làm này hưởng lương bằng tiền "đô " không hà. Phải chi anh vẫn còn đi làm em kéo anh qua đó, đâu phải cứ ở công ty Vĩnh Sơn mới sống được ! Tại em thấy Chi Lan cả ngày ngồi trong phòng mát mẻ, còn anh... cho nên em hỏi thăm vậy mà nói em đến phá anh ?
Phong đang nghĩ đến ngày mà chàng vừa bị cắt bỏ một chân. Tuyết Nga đến méc với chàng về vụ Vĩnh Sơn yêu Chi Lan, những quan hệ tình cảm những ơn nghĩa...làm Phong như muốn điên lên ngay lúc đó. Và chàng đã làm những gì ? Thản nhiên với vợ sau khi cãi nhau, trách móc nàng không còn gì để nói, lạnh nhạt vô tình với cuộc sống khó khăn, bỏ mặc Chi Lan một mình quay quắt, vật lộn với những công việc những khoản tiền mà chỉ có chi ra chứ không có thu vào. Mẹ bệnh, vợ đau, con ốm...Phong chẳng làm được một chút gì. Và chàng đã hứa với vợ là bỏ qua hết chuyện cũ, xây dựng lại hạnh phúc tuy muộn màng còn hơn không.
Phong ngẩng lên nhìn Tuyết Nga :
- Tuyết Nga này, cảm ơn cô đã quan tâm đến tôi và gia đình. Con người ta có lúc này lúc khác nhưng về tình yêu của tôi dành cho Chi Lan thì vẫn trong trái tim tôi. Trãi qua bao đau buồn tai ương xảy đến với chúng tôi, gia đình của tôi may mắn đã không đổ vỡ. Tôi không thể kể ra đây được hết những gì Chi Lan đã làm trong thời gian qua nhưng tôi nghĩ rằng bao nhiêu đó cũng đủ để tha thứ cho nàng.
Tuyết Nga trố mắt :
- Anh thật là... bộ anh không tự ái sao ! Anh không ghen sao ?
Phong cay đắng :
- Chính cái tự ái đàn ông của tôi mà suýt tí nữa thì bé Hoàng Lan đã không có cha trong cuộc sống đời thường. Còn tính ghen thì ai cũng có, tuy nhiên nếu chỉ ghen mà đánh mất đi tất cả những gì xung quanh mình thì theo tôi nghĩ... quá đủ rồi, không nên.
Tuyết Nga ráng hỏi thêm :
- Vậy là hoàn toàn anh coi như không có gì xảy ra ? Anh bỏ qua hết cho vơ.
anh ?
Phong gật đầu :
- Cô có thể nghĩ như vậy cũng được. Bây giờ tôi phải bán hàng, xin lỗi Tuyết Nga nhé !
Biết Phong muốn đuổi khéo, Tuyết Nga cũng nói :
- Chào anh, mong rằng anh sẽ vui vẻ trong cuộc sống mới.
Tuyết Nga vừa đi khỏi, Phong thở ra một hơi, cô ta cũng vì ý tốt mà hăng hái cho mình biết vậy thôi. Chợt có tiếng hỏi:
- Anh à, anh có muốn bán sách truyện hoặc sách học thêm hay không ?
Người thanh niên dáng vẻ sinh viên đang chào hàng, Phong thấy đằng sau xe đạp của anh ta là một bao sách căng phồng. Người thanh niên nói tiếp :
- Em giao sách cho nhiều chỗ lắm, anh có cần em đem đến đây cho.
Phong suy nghĩ bán cái gì cũng có cái lời của nó nhưng lấy một lúc nhiều thế kia thì... Phong nói :
- Tôi cũng muốn lấy sách thật nhiều để quày hàng đỡ trơ trọi nhưng tôi chỉ có ít tiền...
Người thanh niên dựng xe, gỡ bao sách ra, khoát tay :
- Đây anh xem toàn sách hay truyện hay. Em có thể cho anh gối đầu ! "Gối đầu" có nghĩa là anh bán hết xong trả tiền cho em, em lại giao một lô khác hiểu không ? Tức là giao đợt hai lấy tiền đợt nhất, giao lần thứ ba lấy tiền lần thứ hai, cứ thế...
Phong bằng lòng, người thanh niên ghi sổ giao bao nhiêu xong đạp xe đi. Đến khúc quẹo có một người đang chờ đó là Vĩnh Sơn. Vĩnh Sơn hỏi :
- Xong chưa ?
- Dạ , xong rồi.
- Cám ơn cậu, đến kỳ lương tôi sẽ thưởng thêm.
- Cám ơn giám đốc.
Người thanh niên là công nhân mới vào làm nen Phong không biết mặt. Tuần trước Vĩnh Sơn nghe nói Phong bán sách báo, đi ngang qua thấy Phong ốm hẳn, Vĩnh Sơn xúc động.
- Phong, tôi thật có lỗi với em và Chi Lan !
Sau đó Vĩnh Sơn nghĩ cách giúp Phong, tuy không lớn lao nhưng chỉ có cách đó Phong mới không nghi ngờ. Người thanh niên một tháng sẽ quay lại một lần, anh ta có thêm thu nhập nhờ công việc này.
Phong thì hoàn toàn tin mình đã biết trở lại thương yêu vợ con nên được việc làm tìm đến. Chàng đâu có ngờ rằng người mà chàng ghét năm nào, chửi mắng năm nào lại là Vĩnh Sơn, kẻ đang giúp đỡ cho cả nhà chàng.
Vĩnh Sơn từ ngày không gặp Chi Lan đến nay là hơn một năm. Những tháng đầu không thế nào có một lần dù chỉ nhìn thoáng qua, còn sau này nhờ những người bạn tốt giúp cho như Thùy Dung, Lê Quang, chàng đã biết được tin tức của Phong và Chi Lan. Con người có mối ràng buộc lẫn nhau trong quan hệ vợ chồng, cha con, anh em họ hàng, bè bạn...còn tình cảm Vĩnh Sơn thuộc dạng nào chàng cũng khó nói : bạn, người quen hoặc anh lớn trong nhà ? Không là cái nào hoặc là tất cả ! Luôn luôn che giấu nỗi lòng, Vĩnh Sơn cố gắng giúp đỡ vợ chồng Chi Lan khi có dịp.
Màu hoa tím ngoài sân khiến chàng liên tưởng đến tà áo của nàng, tên của nàng. Bà vú nhà này vào năm xưa cũng ngẩn người vì thấy Chi Lan có nhiều nét giống bà chủ cũ. Càng ngày Vĩnh Sơn càng mến phục Chi Lan hơn vì thấy Chi Lan không bỏ rơi Phong trong cơn hoạn nạn, giá như nàng giận chồng bỏ chồng thì Vĩnh Sơn nghĩ rằng mình đã yêu lầm người phụ nữ không có lòng nhân hậu lần thứ hai trong cuộc đời của mình. Nhưng trái lại và một điểm nữa, Chi Lan dù nghèo túng vẫn không đến nhờ vả cầu cạnh chàng dù có lời mời từ trước. Ở Chi Lan chàng thấy đức tính của nàng ít ai có.
Trong công ty các nhân viên đều làm việc bình thường. Thỉnh thoảng họ nhắc lại chuyện của Phong, một vài người gạt đi. Thế là thời gian cứ trôi qua, ai cũng phải lo làm để mưu sinh thì giờ đâu cứ bàn bạc chuyện cũ hoài !