Qua bữa sau…
Vì nhà người anh ở dưới chợ Tham Nhiên có đám kỵ cơm, nên sớm mai bà chủ Hảo ngồi xe ngựa xuống đó mà ăn giỗ.
Cô Vân phải ở nhà coi nhà. Cô chưa kịp phân trần việc cô Hoà cho mẹ rõ. Ở nhà một mình cô buồn, nên vô phòng riêng ngồi đọc lại bức thơ của Thuần một lần nữa.
Các một hồi, cô nghe dường như có tiếng xe hơi ngừng ngoài ngõ, nhưng vì trí cô mắc chăm chỉ về những câu của Thuần viết trong thơ, nên cô làm biếng bước ra coi.
Con nhỏ ở bước vào phòng mà nói:
- Thưa cô, có cô ba xuống.
Cô Vân chưng hửng, hỏi gọn gàng:
- Cô ba nào?
- Cô ba ở trên Sài Gòn, năm ngoái có đưa xe hơi cô về dưới này đó.
Cô Vân biến sắc, lật đật đứng dậy đi ra ngoài.
Cô Hoà đương bước lên thềm, cặp mắt đỏ hoe, sắc mặt buồn nghiến, mình mặc đồ đen, không son phấn chút nào hết, sau lưng lại có con xẩm dắt bé Hậu và con vú bồng bé Hảo đi theo.
Cô Vân vừa ngó thấy thì la lớn:
- Chị Hoà!…
Cô Hoà vô ngó cô Vân trân trân và nói:
- Tôi tưởng không có chị ở nhà.
- Tôi ở nhà luôn, ít đi đâu lắm.
Cô Vân bước lại hôn bé Hậu vài cái, rồi đưa tay mà bồng bé Hảo và nói:
- Con tôi đã trộng cái rồi.
Cô Hoà ngồi trên một cái ghế, lấy khăn lau nước mắt và hỏi:
- Bác đi đâu vắng?
- Má tôi đi ăn giỗ dưới chợ Tham Nhiên. Mới đi hồi nẫy đây.
- Bác mạnh hả?
- Mạnh, cám ơn chị.
Cô Vân muốn dọ ý cô Hoà, nên làm tuồng như không hay biết việc Thuần., cô bồng bé Hảo ngồi một bên cô Hoà và hỏi:
- Có chi mà coi bộ chị buồn dữ vậy?
Cô Hoà đáp:
- Nhà tôi bỏ mẹ con tôi mà đi mất rồi.
- Dạ!… anh đi đâu?
- Tôi có biết đi đâu mà nói.
- Tại sao anh bỏ vợ con mà đi? chị biết không?
- Nói với tôi buồn bực chịu không nổi, nên phải đi. Ðiên lắm! Hôm qua tôi có được thư gởi về đây. Ðể tôi đưa cho chị xem.
Cô Hoà mở bóp lấy ra một phong thư mà đưa cho cô Vân.
Cô Vân trao bé Hảo lại cho vú. Rồi đứng dậy mời cô Hoà đi vô phòng riêng của mình mà nói chuyện cho tiện. Vô phòng rồi, cô Vân kéo ghế mời cô Hoà ngồi trước bàn viết. Cô mở bét cửa sổ cho sáng sửa, rồi mới ngồi ngay cô Hoà, mở phong thơ ra đọc.
Mình ơi!
Tôi viết bức thơ này mà từ biệt mình và từ biệt hai đứa nhỏ.
Tôi phải đoạn tình vợ chồng, đoạn tình cha con. Tôi phải bỏ cảnh gia đình, bỏ cuộc thương mại, mà đặt chốn phiêu lưu trong thế giới, ấy là vì tôi thống khổ về tâm hồn nhiều quá không thể chịu được nữa, nên tôi mới quyết định phân ly như vậy.
Tôi thống khổ là tại vợ chồng giáo dục bất đồng, tâm tánh bất hiệp, nó làm cho gia đình đã không được vui sướng như cảnh thiên đàng, mà lại còn hoá buồn bực như miền địa ngục.
Có lẽ mình cũng thấy mấy năm nay trong gia đình, tôi muốn vui hết sức mà không bao giờ vui được, tôi cũng hết sức lo làm cho mình vui, mà mình cũng không thể vui. Niềm vợ chồng như vậy thì kéo dài ra nữa không ích gì, thà dứt phứt bây giờ là hay hơn.
Tôi viết thơ nầy trí tôi bình tĩnh, không phiền trách mình chút nào hết. Tôi xin mình cũng đừng phiền trách tôi. Ngày nay vợ chồng ta phải rời rã, lỗi ấy không phải tại mình, mà cũng không phải tại tôi. Tôi thấy rõ rồi, lỗi tại phong hoá của xã hội cứ chăm lo làm con người vui sướng về hình thức, không chịu lo bồi đắp nền luân lý, để cho luân lý suy sụp, rồi lôi kéo luôn gia đình phải ngã theo. Con người nếu không biết tôn trọng gia đình thì có thể nào mà làm cho gia đình vững chắc được.
Trước khi tôi phế gia đình của tôi, để lo đem luân lý tại cho xã hội, thì tôi đã sắp đặt việc nhà rành rẽ rồi hết.
Tôi đã sắm sẵn nhà cửa đẹp đẽ chắc chắn cho mình ở với con.
Tôi đã khai khấn xong sở ruộng dưới Cái Bè để cho mình thâu huê lợi tuy không nhiều lắm, song cũng đủ cho mình nuôi con ăn học.
Còn hãng “Thuần Hoá” thì cuộc thương mại vẫn tấn phát như thường, mỗi năm dầu thế nào cũng có lợi từ năm tới mười ngàn đồng. Tôi có lập tờ tại Nô Te mà giao quyền cho mình làm chủ hãng. Tôi cũng có lập tờ phú quyền Tổng Lý trong hãng cho thầy hai Tịnh, thầy lãnh lương mỗi tháng, mà cuối năm thầy còn được hưỏong huê hồng tính 15 phần trăm trong số lời làm như vậy đặng thầy tận tâm lo cho hãng. Thầy hai Tịnh đã thông thạo mà lại trung tín nữa. Người đó đáng tin cậy. Mình tự do muốn sang hãng cho người khác hay là muốn để làm luôn, có thầy hai Tịnh quản xuất cho cũng được, sự ấy tôi để mình thong thả mà liệu định.
Ra đi tôi lấy đem theo có 20 ngàn đồng bạc mà thôi, còn tôi để hết sự sản lại cho mình, để có trên 100 ngàn. Tôi xin mình ráng giữ gìn sự nghiệp ấy mà nuôi con.
Tôi giao hết hai đứa con cho mình dạy dỗ. Bé Hậu là trai, chừng nó lớn khôn, xin mình ráng ép nó học đặng mở mang trí thức, mà cũng phải học đặng tôn trọng luân lý nữa mới được. Còn bé Hảo là gái, dầu giáo dục trí thức thiếu sót đi nữa cũng chẳng hại gì, chớ giáo dục luân lý cần phải hoàn toàn nhứt là trước khi gả nó lấy chồng, mình phải xem xét lại cho kỹ nếu nó biết đạo làm vợ biết đạo làm mẹ rành rẽ rồi mình sẽ gả.
Tôi còn xin mình hãy nhớ hai điều chót này nữa:
1) Ðừng nghi ngại tình của tôi với cô Vân vì tình ấy là tình tri kỷ cao thượng, chớ không phải tình theo sắc dục đê tiện như tình của thiên hạ.
2) Ðừng tập rèn hai đứa con tôi chừng lớn khôn chúng nó oán hận tôi, vì con oán cha là điều đại ác.
Thôi tôi khuyên mình hãy quên tôi đi đừng thèm kể tới thằng chồng vô tình bất nghĩa là tôi nữa.
Thuần Kính thư.
Cô Vân đọc thơ, thấy Thuần tuy không oán hận cô Hoà, song cũng không có tỏ một chút tình nào với cô Hoà hết, thì cô lấy làm tội nghiệp cho duyên phận của bạn, bởi vậy khi đọc dứt rồi, cô ngước lên thấy sắc cô Hoà ảo não, thì cô động lòng, nên cô ứa nước mắt. Cô bước lại nắm cánh tay cô Hoà mà nói:
- Tôi biết được tâm hồn của anh Thuần thì tôi lo sợ cho cuộc trăm năm của chị hết sức, mà lo sợ rồi cũng không cứu chữa được! Tai hoạ đã tới rồi, bây giờ chị tính lẽ nào?
Cô Hoà đứng dậy choàn tay ôm ngang mình cô Vân mà khóc và nói:
- Tôi bây giờ chẳng khác nào như chiếc thuyền lênh đênh ngoài khơi, mà lại bị sóng gió dần dập. Tôi bối rối, không còn trí mà tính việc gì được, lại cũng không biết ai mà cậy tính giùm, bởi vậy tôi xuống đây nhờ chị liệu giùm cho tôi.
Cô Vân thấy bạn còn yêu mến tin tưởng mình, chớ không ló mòi nghi gnờ, thì cô càng thêm cảm xúc, nên cô hỏi:
- Chị không nghi tôi có tư tình với anh Thuần hay sao?
- Trong một năm nay thiệt tôi có lòng nghi chút đỉnh. Hôm qua tôi tiếp được thư của nhà tôi, ban đầu tôi nghi nhà tôi vì thương chị nên bỏ tôi; tôi chắc đã dắt chị đi rồi, đi ra khỏi xứ đặng lập cảnh đời khác với chị. Tôi xuống đây thiệt có ý muốn dọ coi sự tôi nghi đó có nhằm hay không. Chẳng dè tôi gặp chị ở nhà, tôi rất hổ thầm về sự tôi nghĩ quấy. Xin chị tha lỗi cho tôi.
Cô Vân dang ra, rồi kéo ghế ngồi một bên cô Hoà. Cô ngó ngang qua cửa sổ, thấy ngoài vườn nắng dọi ngọn cây sáng trưng, gió thổi tàu chuối lúc lắc. Cô suy nghĩ một chút, rồi chậm rãi nói với cô Hoà:
- Anh Thuần là người chán đời. Anh có nói với tôi mấy lần, anh lập gia thất là cố ý muốn tìm sự vui với vợ con để giải bớt nỗi buồn vì xã hội. Anh lập cuộc thương mại là cố ý muốn đem hết trí não mà chăm lo về sự ấy, đặng khỏi nhớ tới cách cư xử đê tiện của thiên hạ. anh như người có bệnh, nếu chị biết cách điều trị, thì tự nhiên bịnh của anh sẽ dứt. Tôi đã cố khuyên chị phải lập thế làm cho anh vui lòng luôn luôn: hễ anh vui lòng thì gia đạo vững bền, chị khỏi lo điều chi khác. Có lẽ tại chị quên lời tôi dặn chị đã không làm cho anh vui, mà chị còn ghen tuông hoài, nên anh não nề cuồng trí rồi anh bỏ hết mà đi chớ gì.
- Chị nói phải. Tại tôi không nghe lời chị nên gia đạo tôi mới xào xáo như vầy. Chứng bệnh ghen thiệt là khốn nạn. Tôi biết tôi ghen, tôi làm cho nhà tôi buồn bực lung lắm. Tôi muốn bỏ cái thói ấy hết sức, mà không hiểu tại sao tôi bỏ không được, trong trí cứ ghen ngấm ngầm hoài, cứ lo sợ nhà tôi thương người khác mà bỏ mẹ con tôi. Chị nói phải lắm. Tại tôi ghen tôi làm cho nhà tôi bực lòng cuồng trí, nên mới phủi hết mà đi. Tôi khốn nạn lắm. đã biết vì thương chồng nên mới ghen. Mà thưong chồng lại làm cho chồng buồn rầu, cách thương như vậy thiệt là dại quá. Chị Vân ôi, bây giờ tôi mới biết tôi có lỗi vớinhà tôi nhiều, tôi ăn năn lung lắm. Năm, sáu năm nay nhà tôi làm cực khổ hết sức mới sắm được nhà cửa tử tế, mới có cái hãng phát đạt. Tại tôi mà bây giờ nhà tôi phải bỏ hết, không thèm hưởng, đem thân lưu lạc xứ người, đau ốm không ai nuôi, nghèo nàn không ai giúp. Tôi nhớ tới nỗi ấy, thì tôi muốn chết phứt cho rồi, chớ sống đặng sung sướng tấm thân, còn nhà tôi thì bơ vơ nơi hải ngoại thì sống làm sao được.
- Hoạ chưa đến thì phải lo ngăn ngừa trước. Mà hễ ngăn ngừa không được, để hoạ đến rồi, thì phải tĩnh trí vững lòng mà đảm đương, chẳng nên não nề thất chí. Thôi, bây giờ chẳng nên buồn rầu làm chi, chị phải ráng bình tâm định trí mà lo quản xuất việc nhà, lo nuôi dưỡng sấp nhỏ. Trong thơ anh Thuần không có nói rõ đi đâu và đi làm việc gì. Vậy mà chị có nghe anh tính đi đâu hay không?
- Trưa hôm tôi tiếp được thơ rồi, tôi bủn rủn tay chơn. Tôi chạy ra ngoài hãngmà hỏi thầy hai Tịnh với mấy thầy, thì ai nấy đều chưng hửng không dè chuyện gì hết. Họ nói cách ba ngày trước nhà tôi than mệt, dặn thầy ahi Tịnh coi hãng đặng nhà tôi ra Long Hải nghỉ ít bữa. Tùu bữa đó nhà tôi không có ra ngoài hãng nữa. Mà trong ba bữa trước nhà tôi cứ ở trong nhà với tôi, chóo không có đi Long Hải. Sớm mai hôm qua mới đi, nói đi ra hãng. Ðến trưa thì tôi được thơ. Tôi không được đi đâu.
- Chị có hỏi thăm coi buổi sớm mai hôm qua có tầu chạy đi Tây hay không?
- Có. Tôi nghe nói hồi 8 giờ sáng hôm qua có hai chiếc tàu đò đi qua Pháp. Tôi qua Xóm Chiếu coi sổ hành khách đi hai tầu đó, thì không có tên nhà tôi, mà tôi hỏi Sở Mật Thám, thì nhà tôi cũng không có xin giấy thông hành.
- Nếu vậy thì anh đi đường bộ, chắc anh ra Hà Nội.
- Hôm qua tôi có cậy một thầy ký trong hãng lấy xe chạy ra Long Hải, Nước Ngọt, Vũng Tàu mà kiếm. Hồi khuya thầy về thầy nói kiếm không có. Tôi cũng có cậy hai thầy khác một thầy đi Ðà Lạt, một thầy đi Hồi Nội mà kiếm nữa. Tối nay họ sẽ đi.
- Tôi tưỡng kiếm không ích gì. Anh Thuần đã quyết đi, nên anh sắp đặt công việc nhà rành rẽ hết. Dầu mấy người đi kiếm có gặp anh đi nữa, chắc họ không tài gì mà nói cho anh trở về được.
- Cũng phải kiếm cho biết đi đâu chớ.
Cô Vân suy nghĩ một chút rồi cô chậm rãi nói:
- Dầu không kiếm; rồi đây anh Thuần cũng sẽ về.
- Thơ đã nói quả quyết, lại sự nghiệp đã giao hết cho tôi, bởi vậy tôi sợ không về đâu.
- Sẽ về. Tôi chắc anh về, là vì anh thưong con và yêu gia đình. Lúc cuồng trí, không ai an ủi, nên anh làm liều. Rồi đây anh nhớ con, anh sẽ ăn năn hối hận mà trở về.
- Tôi vái cho lời chị nói đó sẽ có y như vậy. Mà từ hôm qua tôi được thơ rồi thì tròng lòng tôi buồn rầu lo sợ quá.
- Anh Thuần là một người có tài nghề, có trí thức, lại có giáo dục hoàn toàn. Tôi chắc dầu đến xứ nào anh cũng khỏi vất vả cực khổ, mà dầu làm công việc gì anh cũng không chịu để nhục nhã thanh danh. Vậy chị chẳng cần phải lo cho phận anh. Mà dầu chị muốn lo, chị cũng có phương thế lo được. Tôi xin chị phải để trí mà lo sắp đặt việc nhà. Những việc anh phú thác cho chị đó, chị tính làm thế nào mà tán thành theo ý anh muốn? Chị dạy dỗ hai cháu cách nào? Chị để hãng mà cai quản hay là chị phải bán.
- Tôi bây giờ như người không có hồn, tôi không tính việc chi được hết. Tôi xin chị thương tôi chị tính giúp giùm cho tôi. Việc của tôi cũng như việc của chị. Chị liệu coi phải làm thế nào thì tôi sẽ theo ý chị định.
Cô Vân nắm tay cô Hoà và ngó ngay mặt mà hỏi:
- Chị tin bụng tôi lắm sao?
- Nếu tôi không tin chị, thì còn biết tin ai.
- Chị có biết anh Thuần có tình với tôi, mà tình ấy nặng lắm hay không?
- Tôi đã nói tôi nghi.
- Chị phải tin chắc chớ đừng có nghi nữa. Thiệt anh Thuần có tình với tôi nặng lắm. Có tình mà vì anh trọng gia đình của anh, anh trọng danh dự của tôi nên anh không gần tôi được. Sự ghen tuông của chị đã làm cho anh buồn, mà sự tôi gieo tình còn làm anh buồn thêm nữa, nên anh chịu không nổi anh mới đi đi. Vì chị tin tôi, nên tôi phải tỏ thiệt với chị. Gia đình của chị rời rã, tôi nghĩ lại tôi cũng có tội một phần trong đó.
Cô Hoà chưng hửng, ngồi ngó cô Vân sửng sốt rồi nói:
- Có lẽ nào mà có chuyện kỳ cục như vậy. Chị muốn chọc cho tôi phát điên hay sao chứ.
Cô Vân bước lại kéo hộc tủ bàn viết mà lấy ra bức thơ với tập nhựt ký của Thuần, rồi đưa hết cho cô Hoà và nói.
- Chiều hôm qua tôi cũng có tiếp được thơ của anh từ biệt. Chị coi thì chị sẽ biết tôi nói thiệt hay là phỉnh phờ.
Cô Hoà mở thơ ra ngồi đọc.
Vân lên giường nằm rồi kéo mền đậy mặt mà khóc.
Bé Hậu biểu con xẩm dắt nó ra ngoài vườn hái ổi cho nó ăn, nói cười nói om sòm, không dè cha nó đã cách xa dặm ngàn, mẹ nó đương ưu sầu nát ruột.
Cô Hoà ngồi chăm chỉ đọc rất kỹ lưỡng, đọc bức thơ rồi đọc luôn tập nhựt ký. Chừng đọc dứt rồi cô thấy cô Vân nằm trên giường, cô dở cái mền ra vừa khóc vừa nói:
- Chị Vân, theo thơ với lời nhựt ký của nhà tôi gởi cho chị đó, thì chị có lỗi gì đâu. Chị cao thượng lắm, chị hết lòng chống vững giùm gia đình cho tôi. Tại tôi khờ khạo nên phá hoại; ấy lỗi tại nơi tôi mà thôi, chóo nào phải tại chị. Tôi cám ơn nết tốt của chị, tôi kính phục thái độ của chị lắm. Ðọc tập nhựt ký của nhà tôi rồi, tôi càng thấy lỗi của tôi rõ hơn nữa, tôi càng ăn năn nhiều hơn nữa. Trước kia chị đã thương tôi, thì bây giờ chị còn phải thương tôi nhiều hơn nữa. Ngày nay tôi như người té dưới giếng, lạc trong rừng, xin chị kéo giùm tôi lên, xin chị chỉ đường cho tôi ra. Nếu chị bỏ tôi thì chắc tôi phải chết.
Hai cô nắm tay nhau mà khóc.
Cô Vân nói:
- Nhìn mặt chị tôi hổ thẹn quá…!
- Tại sao vậy?
- Tôi được biết anh Thuần có tình với tôi rồi, thì tôi cũng có tình với anh nữa. Tuy tôi đoạn tình được, song tôi cũng có lỗi với chị.
- Có tình mà rồi chị đoạn tình được, thì có lỗi gì đâu mà hổ thẹn. Ðoạn tình tức nhiên đau đớn lắm, mà chị có đủ can đảm làm như vậy, thì chị cao thượng lắm, ít ai sánh kịp.
- Thiệt chị không trách tôi hay sao?
- Chị có lỗi chỗ nào mà tôi trách được. Tôi kính phục chị lắm chớ. Xin chị đừng ái ngại nữa. Chị ngồi đây mà tính giùm coi tôi phải làm sao bây giờ.
Cô Vân ngồi dậy. Hai cô lau nước mắt.
Cô Hoà nói:
- Trong bọn chị em thuở nay, tôi tin bụng chị hơn hết, tin hơn chị hai tôi nữa. Thiệt tôi tin không lầm. Chớ chi tôi được ở gần chị, nhờ chị chỉ bảo hàng ngày thì chắc ngày nay vợ chồng tôi khỏi rời rã như vầy.
- Cái đó không chắc….!
Cô Hoà đương buồn rầu, mà nghe mấy lời này thì cô chúm chím cười.
Cô Vân lơ lửng nói tiếp:
- Ở gần nhàu hiểm nghèo lắm, bởi vậy tôi sợ, nên hơn một năm nay tôi lánh mặt, không dám lên thăm chị nữa, đến ngày ăn thôi nôi cho bé Hảo chị gởi thơ mời, mà tôi cũng không dám lên.
- Cám ơn chị… Cha chả, nếu chị không thương tôi, chị đánh up5 với nhà tôi, thì chắc tôi tự vận chết liền.
- Chị thấy hay không…?
- Bịnh ghen dữ tợn lắm, chị à.
- Bây giờ chị bớt ghen hay chưa?
- Còn gì nữa mà ghen!…
- Chắc không?
- Chắc. Chị làm ơn tính giùm việc nhà cho tôi.
- Tính lẽ nào…? Anh Thuần bỏ vợ con nhà cửa mà đi, dầu anh không nói rõ, mà anh giao hết sự nghiệp cho chị trọn quyền làm chủ, thì cho mình thấy ý anh không muốn trở về. Tuy vậy mà tôi tưởng, bây giờ anh đương buồn trí nên nanh đoạn tình nghĩa vợ chồng, đoạn nghĩa cha con mà đi, chớ một ngày kia hoặc anh trộng tuổi rồi đổi tánh, hoặc anh gặp hoàn cảnh làm cho anh nhớ lại vợ con, thì có lẽ anh sẽ trở về. Huống chi anh có nói anh đi đặng anh làm cho các gia đình khác được thuận hoà đầm ấm, lo làm cho luân lý của xã hội được thuần mỹ rõ ràng. Nếu anh không trở về, thì anh làm sao mà đạt được cái mục đích ấy của anh. Vậy xin chị dằn lòng an phận. Tôi tin chắc chẳng sớm thì muộn, thế nào anh cũng về.
- Tôi vái van cho lời chị nói đó sẽ có y như vậy.
- Sẽ có. Vậy tôi khuyên chị phải gắng chí mà giữ gìn cho bền vững các sự nghiệp của anh sáng tạo, đặng ngày anh trở về chị khỏi hổ với anh.
- Nhà cửa ruộng đất thì tôi chắc giữ vững, duy có cái hãng khó quá, tôi sợ lo không kham.
- Sao mà chị sợ? Nếu vậy đàn bà không làm nổi những việc lớn lao hay sao?
- Phải có chị giúp sức với tôi, thì cai quản hãng mới được. Thôi, chị hùn vốn vô, rồi chị đứng cai quản thế cho tôi.
- Ý tôi muốn lo làm việc khác.
- Việc gì?
- Trong thơ anh Thuần gởi cho tôi anh có khuyên tôi lập nhà trường để chuyên dạy nhi nữa về khoa gia đình giáo dục. Ðời này người ta ham trí thức giáo dục thái quá, ham đến nỗi bỏ dẹp gia đình giáo dục, bởi vậy gia đình không có luân lý để làm gốc, nên không vững bền, không vui vẽ. Gia đình của chị mà bị rời rã đây, ấy cũng tại thiếu giáo dục nên mới ra như vầy. Sự lập nhà trường đó tôi đã có ý muốn làm từ hồi năm ngoái. Má tôi cũng đã cho phép tôi rồi. Tôi chưa làm là tại tôi sợ gần anh Thuần, nên tôi phải đình sự ấy lại. Bây giờ không còn cái sợ đó nữa, có lẽ tôi sẽ lên Sài Gòn mà lập trường dạy trẻ em gái hiểu đạo làm vợ, hiểu đạo làm mẹ, đặng xây nền hạnh phúc gia đình, cho xã hội hưởng ngày sau. Làm như vậy có ba điều tiện lợi: một là đạt được cái mục đích của tôi ham muốn thuở nay, hai là vâng theo lời khuyên của anh Thuần, ba là ở gần chị đặng giúp sức cho chị cai quản hãng “Thuần Hoà” được thạnh lợi luôn luôn, và giúp sức cho chị dạy dỗ hai đứa nhỏ cho chúng nó ngày sau trở nên người đứng đắn, trai có tánh nghĩa dõng gái co tiết trung trinh, trai và gái đều biết tôn trọng gia đình, biết giữ gìn danh dự.
- Chị tính hay quá! Tôi mừng lắm. Ðể bác về chị thưa cho bác hay rồi chị đi liền với tôi lên Sài Gòn mà tác thành việc ấy.
- Mời chị ở chơi, đợi xế mát má tôi về, tôi thưa lại với má tôi rồi tôi sẽ đi với chị.
- Cám ơn. Tôi cám ơn chị lung lắm.
- Chị khỏi cám ơn. Vì tình tri kỷ nên tôi phải ráng mà lo.
- Tôi không cần biết chị vì cái gì, tôi chỉ biết trước kia chị có lòng lo nâng đỡ gia đình tôi, bây giờ chị lại lo cứu vớt tôi lúc tôi đương nguy ngập, nên tôi cám ơn chị.
- Chị đừng ghen nữa nghe hôn.
- Chị vì tôi mà đoạn tình, lẽ nào tôi không vì chị mà bỏ ghen.
Hai người nhìn nhau mà cười, rồi đi ra ngoài chơi với hai đứa nhỏ.
Ðến xế bà chủ Hào về thấy mẹ con cô Hoà thì bà rất vui mừng. Vì ít con cháu nên gặp bé Hậu với bé Hảo thì bà nậng nịu hoài. Cô Hoà dạy con, biểu kêu bằng bà ngoại, thì bà càng vui lòng thêm nữa.
Cô Vân thuật chuyện cô Hoà bị chồng bỏ lại cho mẹ nghe và xin phép đi lên Sài Gòn ở ít ngày đặng trước an ủi cô Hoà, sau kiếm nhà lập trường học luôn thể. Bà chủ bằng lòng cho phép liền.
Cô Hoà với cô Vân từ giã bà chủ bồng hai đứa nhỏ lên xe, tình thân ái tràn trề, trí tiến thủ hăng hái.
Xe hơi phát chạy, chở theo hai khối tình, tuy tánh chất khác nhau, mà cũng nồng nàn như một.