Qua ngày sau…
Gần 3 giờ chiều, Thuần sửa soạn lên xe đi ra hãng. Cô Hoà kêu chồng mà dặn hễ ra tới hãng rồi thì biểu sớp – phơ đem xe về liền đặn cô với cô Vân đi Sài Gòn mua đồ, đúng 5 giờ cô sẽ lại hãng rước thuần đi Thủ Ðức ăn nem chơi một bữa. thuần làm y theo lời vợ dặn.
Coi đồng hồ đã 5 giờ, Thuần rữa mặt cchải đầu rồi bận áo ra ngoài đứng nói chuyện với thầy hai Tịnh mắt cứ ngó chừngn goài đường, có ý trông xe lại, đặng đi chơi một vòng. Ðợi đến 5 giờ rưỡi cũng chưa thấy xe lại, Thuần lấy làm lạ, bèn bước ra ngoài cửa đi lên đi xuống mà chờ. Chờ hoài không thấy, bây giờ Thuần bắt đầu lo, vì không biết có sự rủi ro chi hay không. Ðến 6 giờ, Thuần nóng nâỷ quá, không thể chờ nữa được bèn trở vô hãng dặn thầy hai Tịnh, nếu co xe cô Hoà lại thì nói thuần chờ không được, nên đã về trong nhà rồi. Dặn xong thuần mới vô trong xưởng lấy một cái xe cũ mà về Cây Quéo, thầm tính nếu về nhà mà không gặp vợ thì sẽ chạy ra mà kiếm.
Xe vô tới sân, Thuần liền thấy cô Vân đương nắm tay dắt bé Hậu đi dài theo mấy liếp bông mà chơi. Thuần hết lo nữa, song không hiểu tại duyên cớ nào mà vợ thất ước, nên vừa bước xuống xe vừa hỏi cô Vân:
- Hẹn 5 giờ lại hãng rước tôi mà, tôi chờ hoài không thấy, tôi lo quá, không biết có gặp việc rủi ro gì hay không. Nhà tôi không có đi Sài Gòn với cô hay sao?
Cô Vân cười rất hữu duyên mà đáp:
- Xin anh tha lỗi cho chị Hoà. Thiệt cũng vì có một sự rủi nên chị Hoà mới thất ước với anh như vậy đó.
- A! Rủi sao đó?
- Hồi xế xe trở về, hai chị em tôi sửa soạn đi Sài Gòn mua đồ chơi. Chị em tôi chưa kịp đi, thì có một người đem thơ của chị hai ở trong Rạch Cát nói chị hai bịnh và mời chị Hoà vô nói chuyện. Chị Hoà dục dặc muốn để sáng mai sẽ đi. Em nói chuyện mình đi chơi không quan hệ gì, bữa nay đi không được thì mai sẽ đi, chớ còn chị hai có bịnh đã sai người ra kêu, nếu không đi liền thì lỗi lắm vậy. Em ép chị Hoà phải đi Rạch Cát nên mới lỗi hẹn với anh đó.
- À, mà có đi Rạch Cát thì ghé hãnh nói cho tôi hay một chút rồi sẽ đi; không thèm nói trước; làm cho tôi lo quá.
- Chắc chị Hoà gấp đi nên không kịp nói, xin anh chớ phiền… Em quen với chị Hoà thuở nay mà em chưa cho dịp gặp chị hai lần nào. Không biết chị hai bịnh sao đó?
- Chị hai của nhà tôi trái tim yếu lắm, nên hay mệt. Thuở nay có chứng bịnh đó mà uống thuốc hoài không dứt được.
- Bịnh đó hiểm nghèo lắm.
- Phải. Ðau tim thì không được giận, không nên lo.
Bé Hậu thấy con xẩm ở trong nhà đi ra, liền kêu mà biểu dắt đi ra đường chơi.
Thuần biểu bồi nhắc một cái bàn nhỏ với hai cái ghế để giữa hao viên rồi đem nước đá, nước cam ra uống chơi cho mát. Thuần mời cô Vân ngồi, rót nước cam mời cô Vân uống.
Cô Vân vui vẻ hỏi Thuần:
- Chị hai gốc ở Chợ Lớn. thế chồng chị gốc ở Rạch Cát hay sao nên chị phải về Rạch Cát mà ở?
- Không. Anh gốc ở Cần Ðước. anh đặt nhà máy xay gạo trong Rạch Cát, nên vợ chồng phải về trong mà ở. Anh tên Năm Quyền. Chồng tên Quyền, vợ tên Quý, rồi lập nhà máy đặt hiệu là “Quyền Quý”. – Cũng như anh đặt hiệu “Thuần Hoà” cho hãng của anh đó chớ gì.
- Phải. Hồi tôi lập hãng, ở nhà tôi bắt chước theo cách của anh hai chị hai tôi, nên biểu tôi đặt hiệu như vậy đó.
- Nếu vậy thì chị Hoà với chị Quý chắc tình ý giống nhau lắm, phải không?
- Cái đó tôi không hiểu được, bởi vì tôi ít gần gũi với chị hai tôi, nên tôi không biết tánh ý chị.
- Tuy em chưa biết chị hai, mà chắc chị ghen lung lắm.
- Tại sao cô dám nói chắc như vậy? Tôi cũng không biết có bịnh ghen hay không. Mà anh làm chủ nhà máy lớn, anh lo bạc đầu, có chơi bời chi được đâu mà chị ghen.
- Ghen là một chứng bịnh, hễ ai mang chứng bịnh ấy thì ghen tự nhiên, chớ không phải đợi chồng chơi bời mới ghen.
Thuần ngẫm nghĩ một chút rồi cười mà hỏi:
- Tại sao cô đoán tình ý nhà tôi giống tình ý chị hai, rồi cô lại nghi chị hai Quý có bịnh ghen? Tuy cô nói vòng ở ngoài, song cũng đủ làm cho tôi hiểu rằng, cô tỏ ý chê nhà tôi có bịnh ghen, phải như vậy hay không.
Cô Vân lắc đầu, đáp:
- Không. Lời anh nói đó trúng có phân nửa thôi. Anh nói em biết chị Hoà ghen thì không trúng, còn anh nói em chê chị Hoà ghen thì không trúng. Bịnh ghen là bịnh chung của các đàn bà có chồng, trừ ra ai có chồng mà không thương chồng thì mới khỏi chứng bịnh ấy. Ấy vậy dầu em biết chị Hoà ghen em cũng không phép chê chị. Chị thương anh, nên chị mới ghen, thế thì làm sao mà em chê chị được.
- Phải. Ðàn bà vì thương nên mới ghen, bởi vậy thgói quen có thể dung chế được. Nhưng mà, không hiểu đàn bà ghen họ có biết rằng nhiều khi họ làm cho chồng buồn bực chán ngán lắm hay không?
- Nếu vợ ghen mà chồng buồn, thì chồng không biết phương pháp nào làm cho vợ khỏi ghen hay sao?
- Phương pháp nào?
- Mình đừng làm những việc gì có cớ cho vợ ghen được.
- Vợ chồng phải tin bụng nhau thì gia đình mới được đầm ấm. Nếu mỗi giây phút đều phải chú tâm về sự vợ ghen, đặng cứ lo mà tránh, thì đi đứng mất tự do, làm ăn hết phấn chấn, rồi gia đình cũng hết vui vẻ.
- Em hỏi thiệt anh, vậy chớ anh có biết chị Hoà ghen hay không?
- Có lẽ nào tôi không biết.
- Nếu anh biết thì anh phải làm sao, chớ không lẽ để chị ghen, chị phiền não, anh bực bội trọn đời hay sao?
- Biết làm sao bây giờ…?
thuần than mấy tiếng rồi chau mày ngồi buồn hiu.
Cô Vân đã hứa kiếm phương thế gỡ mối sầu dùm cho bạn, nay gặp cơ hội này cô muốn tỏ tâm hồn của cô Hoà cho Thuần hiểu, rồi khuyên Thuần phải sửa đổi cách đối xử đặng cho gia đạo bình an, mà cô tư lự không biết phải mở đầu nói thế nào cho khỏi mang tiếng thày lay.
Thuần ngước mặt ngó mông ngoài đường rồi thở dài mà nói:
- Tôi thuộc về hạng tân học. Nếu tôi cưới vợ, ấy là tại tôi không có tính ham chơi bời như chúng bạn, tôi quyết lập gia đình đặng có sẵn cái cơ sở vững chắc, an ổn ở trong, rồi phấn chí tranh đấu về cuộc làm ăn ở ngoài. Tôi tưởng từ ngày tôi cưới vợ cho tới bây giờ tôi chẳng hề có một chút lỗi gì trong đạo làm chồng. Thế mà vợ tôi nó không hiểu bụng tôi, nó cứ ngấm ngầm ghen tuông hoài, nhiều khi nó làm cho tôi chán ngán hết muốn làm ăn, hết vui với sự sống nữa. Bây giờ tôi mới hiểu cái hạnh phúc gia đình thiệt khó tạo, dầu mình có chí muốn tràn trề, dầu mình có bạc tiền đầy dẫy, mình cũng không dễ mua cái hạnh phúc ấy được. Tôi đã thấy cái đời cũa tôi hỏng rồi. Nếu tôi sốbng, ấy là vì lẽ trời nên phải sống, sống đặng làm tôi mọi cho đời như triệu ức người khác, chớ không có vui vẻ gì mà mong.
- Anh chẳng nên thối chí; bây giờ anh tiếc sự anh cưới vợ hay sao?
- Ngó ra đường trước mặt buồn hiu, làm sao mà không thối chí cho được! Nhớ tới sự mơ ước thì nó như giấc mộng, làm sao mà khỏi ăn năn chút đỉnh.
- Cha chả! Em không dè chị Hoà ghen đến nỗi làm cho anh chán ngán quá như vậy. Em xin tỏ thiệt với anh, em lên ở chơi hai bữa rày, em nói chuyện với cô Hoà, em dòm thấy chị vì bịnh ghen nên trong lòng không được vui. Em dọ ý chị thì em hiểu chị phiền là tại anh ham lo làm ăn hơn là ưa vui với vợ con, chớ chẳng có cớ chi khác. Phiền như vậy cũng dễ dãi, chóo không phải khó. Em xin anh hãy vì gia đình mà sửa đổi bề cư xử lại một chút, đặng anh hưởng hạnh phúc cho hoàn toàn.
- Tôi phải đóng cửa hãng, đừng làm ăn nữa, đặng ở nhà với vợ con hay sao?
- Không cần phải thôi làm ăn. Em tưởng anh mướn một người làm tổng lý coi hãng thế cho anh, rồi mỗi bữa anh ra hãng chừng một vài giờ đặng xem xét cũng được, chẳng cần phải ở tối ngày ngoài hãng.
- Ai cho bằng mình được mà mình dám phó thác.
- Ðã biết như vậy, song xin anh hãy nghĩ lại, dầu hãng có thất lợi bao nhiêu đi nữa nhẩm cũng ít hại hơn là gia đình xào xáo.
- Tự nhiên. Nhưng mà sự làm việc là cái thú vui của tôi, nếu tôi ở không chắc là tôi hết vui.
- Anh cũng làm việc chớ, song làm ở nhà.
- Làm người mà câu thúc như vậy thì sự sống có thú vui gì đâu.
- Xin anh nhớ, ở đời phải có cực mới có vui. Phải tìm mà mua cái vui, chớ có bao giờ người ta đem cái vui dưng cho mình đâu.
- Cô luận đứng lắm, mà tôi ra làm chủ hãng, tôi chịu cực thân nhọc trí hết sức, đặng cho vợ con được sung sướng, công của tôi đó không đủ mua vui được hay sao?
- Tại người bán cái vui cho anh họ không chịu giá đó, họ đời giá khác, nếu anh muốn mua thì anh theo ý người bán mời mua được chớ.
- Người ta nói chốn dương trần là khổ ải, nghĩ thiệt trúng lắm, phải không cô?
- Phải. Mà mình kiếm thế qua cho khỏi biển khổ mới giỏi chứ. Em còn muốn tỏ với anh một chuyện nữa, song em sợ nói ra anh phiền.
- Cô cứ nói, đừng ngại chi hết.
- Em coi ý chị Hoà không vừa lòng về sự anh mướn đàn bàn con gái giúp việc trong hãng.
- Ồ! Vợ tôi ghen đến người bộ hạ của tôi nữa à?
- Em đã nói ghen là một chứng bịnh mà. Như mụn ghẻ, dầu chỗ nào nó mọc cũng được, chớ không phải nó lựa trên mặt hoặc trên vai nó mới mọc.
- Cô Như đánh máy chữ trong hãng là em gái của một người bạn thiết của tôi. Bạn tôi suy sụp nên hôm tháng trước đem em lại hãng xin với tôi để em phụ sự trong hãng đặng mỗi tháng có ít chục đồng lương mà nuôi sự sống. Vì vậy nên tôi phải cho vào làm, chớ nào phải tôi có ý xấu nên mướn con gái đâu. Không được, không được, ghen đến thế thì nhục cho tôi quá.
- Thấy không hồi nãy em có nói trước, em sợ là hễ nói ra thì anh phiền, té ra nói trước mà cũng không khỏi.
Bây giờ trời đã tối rồi, tuy mặt trăng đã mọc lên ở hướng đông, nhưng còn bị cây áng nên hoa viên vẫn lờ mờ chưa được sáng.
Thuần đứng dậy đi qua đi lại, không nói chuyện nữa. Cô Vân tháy Thuần buồn thì ái ngại, tưởng Thuần đã muốn dứt câu chuyện, nên cô cũng đứng dậy tính đi vô nhà. Ý thuần muốn lưu cô lại, nên nói:
- Cô là bạn thân thiết với nhà tôi. Nhà tôi tin bụng cô lắm nên mới tỏ tâm sự cho cô biết đó. Tôi chắc trong lúc nói chuyện, nhà tôi phiền trách tôi nhiều lắm phải không ?
- Cô Vân đứng ngó trân Thuần mà đáp:
- Có. Chị Hoà có trách anh. Mà chị trách là trách anh ham lo bề làm ăn, còn ít ưa vui thú vợ chồng chớ không có trách anh điều chi khác. Ấy vậy nếu anh sửa tánh ý một chút, thì vợ chồng sẽ thuận hoà vui vẻ, không có chi khó.
- Người có học ai cũng có chủ trương riêng. Mỗi người đều đeo đuổi theo chí hướng của mình, phấn chấn làm cho đạt được mục đích, đặng vừa lòng phỉ dạ. Mình đương hăm hở đi trong một cái đường mình vui thích đó, bây giờ người ta buộc mình phải ngừng lại, rồi bắt mình phải qua con đường khác là con đường mình không ham không mộ: mình gặp cái hoàn cảnh như vậy tự nhiên phải lơ lửng chán ngán. Tiếc đường cũ, chê đường mới, thế thì làm sao mà vui được. Chớ chi người vợ hiểu tính ý của mình, rồi sửa đổi tâm hồn mà theo một chí hướng với mình, thì vui biết chừngnào… Cô Vân, cô thương nhà tôi không?
- Trong bọn chị em bạn học, có một mình chị Hoà em thương nhiều hơn hết.
- Nếu cô có thương nhà tôi, thì xin cô làm ơn khuyên dùm nhà tôi sửa đổi tánh nết lại, phải tin cái tình của tôi, đừng nghi ngờ nữa, phải biết vui việc tôi vui, phải biết buồn chỗ tôi buồn. Cô làm thành được việc tôi cậy đó thì tôi mang ơn cô lắm.
- Vâng. Em hứa chắc sẽ hết lòng khuyên giải chị Hoà đặng chị làm cho anh vui. Mà em xin anh cũng nhượng bộ một chút, kiếm thế làm cho cô Hoà hết nghi ngờ, đặng hết buồn bực. Anh chịu nhận lời xin hay không?
Thuần cúi mặt ngó xuống đất mà suy nghĩ một chút rồi nói với giọng quả quyết.
- Tôi sẽ ráng làm cho vừa lòng vợ tôi.
- Em cám ơn anh. Nếu được vậy thì em vui lắm.
- Ðể tôi kiếm người tôi cậy làm Tổng lý trong hãng đặng tôi rảnh mà vui với vợ con. Tôi nghĩ lại từ ngày tôi có vợ thì tôi mắc ham làm ăn rồi tôi phế các sự lại. Bắt đầu từ sáng mai đây tôi sẽ cho tiền rồi biểu cô Như đi kiếm sở khác làm. Tôi sẽ tận tâm làm đủ cách cho nhà tôi hết có cớ mà ghen, rồi coi còn phiền trách chi tôi hay không.
- Nghe lời anh nói em nghĩ anh giận lẩy. Nếu như anh giận lẩy nên anh đổi cách cư xử, thì sự sửa đổi ấy kết quả không hay ho gì hết.
- Không. Không phải tôi giận lẩy. Vì tôi có cái óc trọng gia đình, vì tôi nặng lòng thường vợ con tôi lắm, nên tôi mới nhất định như vậy chớ. Cô có biết tại cớ nào mà tôi trọng gia đình, vì ý gì mà tôi thương vợ hay không?
- Chắc là tại anh cảm nhiễm gia đình giáo dục; tuy theo học thức mới song vẫn trọng luân lý xưa, nên anh mới yêu gia đình như vậy.
- Có lẽ cũng tại như vậy. Mà cái duyên cớ lớn nhứt là thế này: Ngày tôi học thành công rồi tôi trở về xứ, tôi thấy xã hội mình tôi chánngán, hết muốn lo việc khai hoá. Cô nghĩ lại coi, ở đời này có nhiều người nghị lực yếu ớt, tinh thần vắng hoe, bậc thượng lưu trí thức thì chăm lo cầu quyền, nhúut là chăm lo kiếm tiền đặng ăn chơi cho thân sung sương; bậc trung lưu thì hí ha hí hửng như kẻ không hồn, còn bậc hạ lưu thì vất vả lờ đờ, ai biểu đâu đi đó, không biết nhục vinh, không hiểu lợi hại chi hết. Ở giữa một xã hội như vậy, thì vui sướng chỗ nào đâu? Vì vậy nên tôi chán ngán, tôi quyết lập gia đình đặng tôi vui thú gia đình, tôi quyết lập cuộc làm ăn đặng tôi chú tâm vào đó, cho tôi khỏi buồn khỏi tức vì xã hội. Tôi trọng gia đình, tôi ham làm ăn là tại như vậy đó. Hai cảnh ấy là chỗ đễ cho tôi tránh mà kéo dài sự sống, cô hiểu chưa?
- Em hiểu rồi, em hiểu rồi. Em không dè anh bị cái tâm hồn bất mãn nó làm cho anh phải khốn khổ về phần trí đến thế. Anh có tỏ niềm riêng ấy cho cô Hoà hiểu hay không?
- Tôi có tỏ nhiều lần, mà dòm thấy nhà tôi không hiểu… hoặc không muốn hiểu.
Cô Vân chau mày thở dài. Liền khi ấy thấy ánh đèn xe hơi rọi sáng ngoài đường rồi vội vô sân. Cô Vân nói:
- Xe cô Hoà về.
Thiệt quả xe ngừng, cô Hoà bước xuống.
Thuần hỏi vợ:
- Chị Hai đau sao đó?
- Cũng bị cũ, trái tim yếu nên mệt. Ðốc tơ biểu chị phải đi Long Hải mà tịnh dưỡng ít tuần lễ. Chị cho kêu tôi về đặng rũ đi với chị.
- Chừng nào chị đi?
- Sáng mai.
- Mình có hứa đi với chị hay không?
- Không. Tôi nói tôi có khách. Tôi khuyên chị đi trưóoc rồi ít bữa tôi sẽ ra thăm. Bữa nào có rảnh mình đưa tôi với chị Vân đi Long Hải được không?
- Ðược. Mình nhứt định bữa nào đi thì mình nói trước đặng tôi sắp đặt công việc trong hãng rồi tôi đi với.
Ba người dắt nhau vô nhà.