Chưa đến phòng, Hạ Vi đã cởi bỏ đôi giày như cởi bỏ gông cùm. Ôi! mới thoải mái làm sao!
Vào đến phòng rồi, còn đến lượt thay chiếc kỳ bào bó sát trong người. Nàng phải nhờ Tố Tố giúp một tay mới cởi xong chiếc áo, nhưng hết sức khó khăn. Cả hai phải mệt nhoài chỉ vì chiếc áo quá vừa vặn đó!
Hà Ỷ Hoa cũng vừa về tới và cũng có người đưa tiễn. Tuy không nhìn rõ được kẻ đã theo chân chị mình, Hạ Vi và Tố Tố cũng thừa biết đó là một người to béo. Tiếng chân nặng nề và hơi thở mệt nhọc của y đã chứng tỏ điều đó, không sai.
- Đã nói đừng theo mà cũng rán lên, rồi còn trở xuống nữa, thang lầu mà không sập thì cái bụng của anh cũng bể.
Giọng Ỷ Hoa tuy đùa cợt nhưng thân mật.
Người đàn ông nói đứt quãng qua hơi thở:
- Thì tại em nói... là có... hai cô em gái... tới...
Ỷ Hoa gắt:
- Thì em gái chớ sao? bộ nói gạt anh à?
- Con chim én yêu quí ơi! ai nói em gạt anh hồi nào! nếu đúng là em gái thì càng phải cho anh gặp mặt chớ...
Nghe người đàn ông nói vậy, Hạ Vi và Tố Tố đều giật mình, lo sợ chẳng một người đàn ông nào lại nói năng trơ trẽn với một thiếu nữ như thế.
Bỗng có tiếng Ỷ Hoa gắt khẽ:
- Đàng hoàng một chút đi!
- Đánh hả hà... hà... Em cắn còn chưa sao mà! thôi mình vô phòng đi cưng!
Giọng gã càng trơ trẽn hơn.
Ỷ Hoa lo ngại thật sự, dịu giọng:
- Thôi, đừng giỡn nữa. Khuya rồi, anh về nghỉ đi, Mai chúng ta gặp lại!
- Về chi gấp cho anh gặp mặt hai cô em đó, một chút... có sao đâu!
- Tụi nó ngủ hết rồi, anh vô sao tiện!
- Sao lại không? anh dư thừa đứng đắn để giữ đúng tư cách một thằng anh rể mà! Em không cho anh vô là anh nhất định không về!
Không còn cách nào hơn, Ỷ Hoa hậm hực mở khóa:
- Được rồi, nhưng xin ông Toàn của tôi nhớ là nếu nói năng bậy bạ thì đừng trách đó nghe!
Hạ Vi và Tố Tố càng lo ngại. Ngay lúc đó, cửa bật mở, cả hai chỉ còn biết trố mắt nhìn. Một người đàn ông dềnh dàng bước cạnh Ỷ Hoa, tựa hồ che khuất cả người nàng. Y phục sang trọng không làm cho ông ta bớt thô kệch được chút nào, trông cứ như một tay đô vật nặng ký hơn là một thương gia.
Thấy thái độ cuống quít của hai em, Ỷ Hoa không khỏi ngượng nàng hiểu là Hạ Vi và Tố Tố đã nghe rõ cuộc đối thoại vừa vừa rồi, nàng cố tự nhiên, thân mật hỏi:
- Hai em chưa ngủ sao?
Không đợi trả lời, nàng nói khéo với ông khách:
- Ông Toàn cám ơn ông đã đưa tôi về. Ông có nhã ý muốn gặp hai cô em tôi, bây giờ đã gặp ông có thể ra về được rồi.
Người đàn ông mập phệ giương đôi mắt ti hí nhìn dán vào Hạ Vi, nói với Ỷ Hoa:
- ít ra, cũng phải giới thiệu vài lời chớ!
- Thì ông biết rồi, đây là hai em gái của tôi.
- Rất hân hạnh được quen biết hai cô, tôi là Vũ Vạn Toàn. Vốn là...
Hà Ỷ Hoa vội xen vào:
- Để tôi nói xong cái đã, đây là Hạ Vi còn đây là Tố Tố. Có sợ quên thì tối nay về nói thư ký ghi sổ cho!
Người đàn ông vỗ trán như vừa ra hiểu ra điều gì:
- à ba cô là chị em nuôi mà! thật là một hình ảnh đẹp! xin hoan hô và cảm phục!
Y dứt câu bằng chuỗi cười hềnh hệch như đã tự tán thưởng tài ăn nói của mình.
Ỷ Hoa không mời y ngồi, cũng chẳng nói gì thêm, Hạ Vi và Tố Tố cũng im tiếng.
Chợt nhận ra sự lạc lỏng trơ trẽn của mình người đàn ông lại tự giới thiệu thêm lần nữa:
- Tôi họ Vũ tên Toàn. Vũ Vạn Toàn...
Vừa nói y vừa lấy danh thiếp trao cho Hạ Vi và Tố Tố cười khan:
- Tôi và Ỷ Hoa là bạn thân nhau cho nên đầu mới gặp hai cô cũng xin được coi nhau như người nhà...
Ỷ Hoa trừng mắt:
- Khuya quá rồi, ông nên về nghỉ...
Y nói với Hà Ỷ Hoa nhưng không rời mắt khỏi Hạ Vi:
- Ngày mai, xin mời hai cô tới dùng cơm trưa tại Tân Đào viên...
Cám ơn ông giám đốc, nhưng chẳng nên bày vẽ làm gì.
- Xin chớ phụ lòng thành của tôi...
Tố Tố lắc đầu, Hạ Vi không trả lời. Hà Ỷ Hoa đang sốt ruột, liền gượng gạo:
- Mai rồi sẽ tính. Bây giờ ông về được chưa!
- Được! được! tôi về đây.
Y lễ độ chào Hạ Vi và Tố Tố, thân mật vẫy chào Ỷ Hoa, bước ra. Đột nhiên y dừng lại, quay nhìn Ỷ Hoa:
- Em không tiễn chân anh sao?
Mấy phút sau, Ỷ Hoa mới trở lại. Hạ Vi và Tố Tố đứng đợi ở cửa phòng, gọi khẽ:
- Chị Hai.
Tiếng gọi chan chứa thâm tình, nhưng không khỏi có một chút gì buồn bã.
Hà Ỷ Hoa nghe lòng đau nhói, hơi thở như nghẹn lại, nàng cố nén để khỏi khóc, cố gượng nhoẻn môi dí ngón tay vào mũi hai cô em, giọng vui giả tạo.
- Gì vậy? coi mặt hai đứa làm như chị đang mắc cạn không bằng...
Tố Tố vành mắt đỏ hoe, run giọng:
- Chị Hai ông giám đốc đó là ai vậy?
Ỷ Hoa vừa thay áo vừa ngáp dài:
- Có đưa danh thiếp cho hai em mà?
Hai cô gái bấy giờ nhìn vào danh thiếp một loạt chức vụ được kê khai trên đó, những chức vụ để người nhìn thấy phải ước ao.
Hạ Vi hiểu ra:
- Ổng là người mời chị đóng phin đó hả sao coi bộ suồng sã quá...
- Sao? người ta chẳng bặt thiệp lễ độ đó sao? Mới gặp hai em mà ông ta chẳng ngại tốn kém gì...
- Em cũng biết vậy, nhưng các lối nói năng của ổng sao khó nghe quá!
Ỷ Hoa thản nhiên:
- Bản tính tự nhiên của ông ta là vậy chớ đâu có phải là mất tư cách. Bộ ai cũng phải giữ bộ điệu mô phạm hoài sao?
Hạ Vi bất bình:
- Nhưng cũng phải có chừng mực một chút chớ! không biết nhờ đâu mà ổng làm được tới chức giám đốc.
Vừa nói Hạ Vi vừa nhìn Tố Tố như muốn cô bé góp ý vào, quả nhiên Tố Tố lên tiếng ngay:
- Đúng rồi! sao mà ổng lỗ mãng ghê vậy đó! Nếu là em chắc chẳng đời nào em dám quen với ông ta đâu. Thiệt Chị Hai can đảm ghê!
Hạ Vi chưa chịu thôi:
- Nghề nghiệp của ổng lẽ ra phải có một dáng vẻ thanh nhã, lịch sự mới phải... đằng này, nghe ổng nói chuyện với chị mà phát ghét, đàn ông gì mà ăn nói nham nhở với đàn bà con gái không chấp nhận được đâu.
Tố Tố tán đồng:
- Dạ, đúng vậy! không ai đòi hỏi phải giữ giọng thánh hiền nhưng ít ra cũng đừng thô lỗ quá. Dù đàn ông, con trai nói chuyện với nhau không ai bất nhã như vậy!
Ỷ Hoa cắm cúi xếp lại mùng mền, làm như không nghe lời chỉ trích của hai em.
Hạ Vi tức tối:
- Chị Hai sao chị lại...
Ỷ Hoa nổi giận:
- Cái gì cũng cứ “sao vậy" “tại sao” không à?
Nhưng khi nhìn vẻ bối rối của Hạ Vi và Tố Tố, tự nhiên nàng đâm ra thương hại, không nói nữa. Tuy thế, nàng vẫn còn ấm ức vì cuộc sống quá nhiều rắc rối của mình:
- Nhà trường chỉ biết dạy cho các cô hỏi “tại sao" thôi, mà chẳng bao giờ biết hướng dẫn cho các cô phải “làm thế nào? ” cho thích ứng với đời sống...
Nàng ngừng lại, thở dài, rồi dịu giọng:
- Hai em đừng để ý tới sinh hoạt hằng ngày của chị, ít nhìn, ít hỏi một chút đi cho chị nhờ...
Ba chị em cùng nằm ngủ bên nhau trên một giường.
Sau câu chuyện vừa qua, không khí chung không khỏi kém đôi phần hồn nhiên. Cả ba đều ít nói, ít cười hằn đi. Cũng may là đêm đã quá khuya ai nấy đều buồn ngủ, nên sự ngột ngạt không đến nỗi kéo dài.
Ba chị em đi dần vào giấc ngủ. Nhất là Hạ Vi vốn vô tư lự, Ỷ Hoa dường như đã thấm mệt nhiều, nên ngủ khá mau, ngủ thật say sưa.
Riêng Tố Tố mới chợp mắt được vài mươi phút đã tỉnh giấc, vì nằm mơ thấy Vũ Vạn Toàn xuất hiện trên giường, trơ trẽn và khả ố.
Tỉnh giấc rồi, Tố Tố không tài nào ngủ lại được nữa.
Mãi đến ba giờ sáng, nàng vẫn còn thao thức.
Ỷ Hoa trở giấc, thấy hai mắt Tố Tố mở to nhìn lên trần nhà, ngạc nhiên:
- Tố Tố, sao em chưa ngủ sao?
Tố Tố giật mình quay sang:
- Chị Hai, về vụ Ông giám đốc Toàn mời đi ăn cơm vào trưa mai, tụi em phải đi mới được sao?
- Chuyện ngày mai, hãy để ngày mai sẽ tính, bây giờ Tố Tố ngủ đi thôi!
Nói xong, Ỷ Hoa ghì chặt chiếc gối ôm, lại tiếp tục ngủ một giấc dễ dàng.
Tố Tố cố nằm yên rồi thiếp đi lúc nào không hay biết, và trong giấc ngủ lại có gã đàn ông to lớn mập phị trông dễ sợ xuất hiện, rồi nàng lại choàng tỉnh, và lại thiếp đi, và lại thấy cái bộ mặt đầy thịt nhe răng cười gian ác...
Cho đến lần tỉnh sau cùng, nàng nhận ra chỉ còn có một mình nằm trên giường và một tai lại nghe có tiếng nói cười của người đàn ông mập ú kia. Nàng hoảng hốt ngồi bật dậy. Chẳng có người đàn ông nào cả, mà chỉ có Hạ Vi đang ngồi trang điểm trước gương, gian phòng hoàn toàn yên tĩnh, cửa phòng đóng chặt...
- Chị Bảy, mấy giờ rồi? Chị Hai đâu?
- Mau đi Tố Tố, ông Toàn đến đón bây giờ. Hơn 11 giờ rồi.
Hạ Vi vừa đáp vừa bước mau tới vắt mùng lên, hối thúc thêm.
- Dậy mau, đi rửa mặt đi, đặng tiếp tôi một tay thay đổi y phục coi! ông giám đốc đang chờ đó!
Quả nhiên ngoài hành lang vọng vào tiếng chuyện trò của ông Vũ Vạn Toàn và Ỷ Hoa, khiến Tố Tố nơm nớp sợ:
- Chị Bảy bộ cái ông giám đốc Toàn gì đó cố mời mình đi ăn cơm thật sao? bộ chị tính đi thật à?
Hạ Vi cười:
- Có người mời, dại gì không đi ăn? Nếu ngại thì cứ coi như mình đi ăn với Chị Hai...
- Không! em không đi!
- Không đi là ngu! Tân Đào Viên là nhà hàng sang trọng nổi tiếng. Đâu phải bất cứ lúc nào cũng đặt chân tới được? ông ta đã dám chịu tốn kém, khẩn khoản mời tại sao mình không đi?
- Em... Em sợ lắm!
- Mốc xì! sợ lão mập ú đó à? cứ coi hắn như một con heo, tội gì phải sợ? chừng tới nhà hàng, mình cứ việc lo ăn, còn hắn nói gì, đùa cợt gì mặc hắn, cứ cầm bằng như không có hắn là xong.
Tố Tố vẫn lắc đầu, Hạ Vi còn đang cố khuyên thì cửa phòng bỗng mở, Ỷ Hoa từ ngoài bước vào:
- Ủa! Tố Tố đã dậy rồi đó à? Chị định vô đánh thức em đây! nào mau chân nhanh tay một chút, có xe đợi sẵn dưới đường, giờ này cũng đúng giờ cơm trưa, đi là vừa.
Tố Tố năn nỉ.
- Chị Hai cho em ở nhà được không?
- Sao lại ở nhà, dù sao chúng ta cũng phải đi ăn cơm, đây chẳng qua là ông Toàn có nhã ý đãi một bữa, mình không nỡ từ chối quyết liệt... Đừng ngại, các em cứ coi như chị mời...
Hạ Vi nói thêm vào:
- Tố Tố, Chị Hai đã nói vậy còn ngại gi nữa. Đi với Chị Hai có gì phải lỏ bộ em sợ “ông mập” đó ăn thịt hả?
Ỷ Hoa khích lệ:
- Dạn dĩ lên chớ! đừng nhút nhát quá như vậy, Đường đường là một cô Tú rồi, đâu còn nhỏ nhít gì. Mai mốt lên đại học thế nào cũng gặp những dịp giao tiếp, thù tạc rộng rãi hơn. Ngay bây giờ em nên đi với chị tập cho quen lần đi, kẻo chừng đó, em đi dự tiệc với ban bè đến nhà hàng lớn đến tên món ăn cũng không biết gọi thì coi kỳ lắm.
Tố Tố đỏ bừng mặt ngồi yên, không dám từ chối, cũng chẳng dám nhận lời.
Ỷ Hoa vui vẻ hỏi:
- Tố Tố, em có thích mặc kỳ bào không?
Tố Tố lắc đầu sợ hãi:
- Không! Mặc áo đó vào em không làm sao đi đứng được đâu.
Hạ Vi bĩu môi:
- Người ta là nữ sinh gương mẫu mà. Sắp rời mái trường Trung học nay mai mà vẫn nghiêm chỉnh giữ gìn nội qui như thường! Ai mà bảo Tố Tố trút bỏ bộ đồng phục nữ sinh là lột da cũng không bằng.
Ỷ Hoa cười thân thiết:
- Thôi được, tóc Tố Tố không uốn ngắn, mặc kỳ bào cũng không hay mấy.
Lâu nay, với bộ đồng phục nữ sinh, Tố Tố không bao giờ thoáng chút mặc cảm nào, bâ y giờ nghe hai chị nói thế, bỗng dưng nàng cúi xuống nhìn lại mình, cảm thấy quả nhiên lối ăn mặc của mình nghèo nàn thật. Nàng định nói “Bởi vậy em mới không muốn đi" Nhưng lại không dám, sợ Ỷ Hoa giận và Hạ Vi lại châm chọc nữa.
Tránh né, chốt từ mãi chẳng được cuối cùng Tố Tố đành lẽo đẽo theo sau hai chị xuống lầu.
Thật là bất ngờ “ông mập” hôm nay tỏ ra rất lễ độ và đứng đắn từ cử chỉ đến lời nói “văn minh” hơn hẳn đêm qua, chắc là Ỷ Hoa đã dặn riêng. Tuy nhiên, vì phải cố làm ra vẻ văn nhã, lịch sự, thành thử ông ta mất hết tự nhiên gần như bị trói hai tay, khóa đầu lưỡi, khiến cách đi đứng nói năng lúng ta lúng túng đến buồn cười.
Tới nhà hàng "ông mập” gọi đủ thứ thức ăn đầy cả một bàn lớn. Ỷ Hoa biết ông ta thèm uống rượu nhưng ái ngại vô lễ nên gọi bia ra.
Bia rót đầy ly lớn, ông ta uống ừng ực trông còn dễ dàng hơn người ta uống nước mía, chỉ trong chốc lát đã cạn hết bốn ly liền, và sắc mặt bắt đầu hồng hào, sảng khoái, có rượu vào máu rồi “ông mập” bỗng để rơi mặt nạ nguyên hình. Hai con mắt đầy tà ý, lại cứ như hai con ruồi xanh, lòn quá gọng kiếng vàng, nhìn xoáy vào Hạ Vi đang ngồi đối diện, thỉnh thoảng nhìn sang Tố Tố khiến cô bé không dám ngước mặt lên. Trái lại Hạ Vi coi chẳng có gì, cứ ăn uống tự nhiên, lâu lâu lại chuyện trò vui vẻ với Ỷ Hoa.
"ông mập” lấy một cái ly mới rót đầy rượu nâng lên:
- Nghe Ỷ Hoa cho biết, thì hai cô sắp lên đại học, hay lắm, cả hai cô thật là hoàn toàn, trẻ đẹp học giỏi... Nghĩa là chẳng thiếu một ưu điểm nào, và như vậy là muốn gì cũng nhất định thành công, toại ý kể ra sao trên đời, cũng có người sẵn sàng hái dâng chọ Hì hì... tôi nói vậy mà có đúng không nào? Mời xin mời... thành thật chúc mừng hai cô một ly.
Dứt lời, ông ta đặt ly rượu trước mặt Hạ Vi và Tố Tố.
Bằng một dáng điệu vô cùng uyển chuyển đẹp mắt, Hạ Vi bưng ly lên, nhắp một chút, đoạn dịu dàng:
- Đa tạ xin đa tạ Ông Giám đốc.
Tố Tố đành phải làm theo Hạ Vi, nhưng đầu nàng cứ cúi thấp và lưỡi líu lại đến nỗi chính mình nói gì cũng chẳng nghe ra.
"ông mập” the thé:
- Như vậy là không được! không được đâu! Uống rượu gì mà chẳng ướt môi! bây giờ xin đề nghị đổi ly khác, hai cô dùng nước ngọt tôi uống rượu, cứ cụng ly hai cô uống mấy ly thì tôi mấy ly!...
Giữa lúc đang oang oang cao hứng đột nhiên ông ta “úi da" dường như bị một bàn tay nào dưới gầm bàn véo mạnh khiến ông ta vội ngậm câm ngay.
Ỷ Hoa khẽ gắt:
- Bớt nói nhảm giùm cái!
"ông mập” nhăn nhó:
- Ỷ Hoa, em làm vậy không ổn rồi! Em đứng về phe hai cô em, thành ra tôi lâm vào tình thế một chống ba kẹt quá! May đây là ăn cơm uống rượu chớ nếu đánh trận thì... hì hì... hì hì... thì thành ra “Tam anh chiến Lữ Bố”! Tôi chỉ còn có nước đại bại cuốn cờ lui binh...
Ỷ Hoa giận đến tái mặt nghiêm giọng:
- Ông Toàn mập, nếu còn mồm mép ba hoa nữa tôi sẽ đi lập tức.
Vừa nói, bàn tay dưới bàn của nàng lại véo mạnh vào đùi ông ta, khiến ông ta cắn răng mím môi, nhìn Hạ Vi phân trần:
- Đó cô thấy chưa? chị của cô đáng sợ không! Ăn hiếp tôi quá chừng! Nhờ hai cô nữ sinh viên lấy công tâm phê phán dùm một câu, tự nãy giờ tôi có nói cái gì bậy bạ không?
Ỷ Hoa trừng mắt:
- Đừng lẻo mép! hai em của tôi còn là học sinh không thể như tôi được, nên chẳng hiểu cái lối nói trớt nhã úp mở đó, nhưng tôi thì còn lạ gì cái giọng điệu nhảm nhí của ông. Hãy vừa phải thôi, nếu không hai em tôi sẽ khinh luôn.
- Ồ! vậy là em cho rằng tôi không xứng đáng nói chuyện với các cô nữ sinh viên phải không? được rồi, được rồi.. không nói thì không nói...
ông ta như muốn nổi quạu, nhưng tự dằn bằng cách cầm lấy dao, nĩa cắt một mẩu đùi gà bỏ vô miệng nhai, nhưng vẫn nói:
- Không cho nói thì mình ăn, như vậy là hợp pháp chứ?
Ỷ Hoa chẳng để ý gì tới ông ta nữa hướng sang hai em:
- Chị mừng cho hai em sắp vào đại học! cả đời chị đã lỡ dịp đó rồi, từ nay chỉ còn tự an ủi là chính mắt nhìn theo bước tiến ngày càng cao của các em.. à, quên, hai em đã quyết định chọn ban nào chưa?
Hạ Vi đáp:
- Vấn đề đó thì phải do Tố Tố trả lời, chớ em thì không đủ tư cách.
Ỷ Hoa hỏi gằn:
- Hả? Sao? em không tính học tiếp nữa à?
- Thật tình thì em không muốn, nên đã không chuẩn bị thi cử gì hết, nhưng tất cả mọi người từ chị Cả đến Tiểu Bình đều mắng em lười, thiếu ý chí cầu tiến và bắt em phải ôn bài vở để thi... Ai nấy làm như không lên đại học là phạm trọng tội hoặc sẽ trở thành một người vô dụng vậy đó, trong xã hội này biết bao nhiêu người không vào đại học, chẳng lẽ đều là đồ bỏ hết?...
Hạ Vi nói thật thẳng băng, yên trí là Ỷ Hoa sẽ vừa lòng lắm, không ngờ nghe chưa hết Ỷ Hoa đã cau mày.
Trong khi ấy vừa lọt vào tai mấy câu lý luận đó, ông Mập vỗ tay đánh “bốp” một cái tán thành ngay, lại thao thao bất tuyệt tuôn một tràng dài:
- Chí lý đúng 100 phần 100, lời lẽ như thế mới là thực tế, hoàn toàn phù hợp với tôi, cứ lấy trường hợp tôi mà nói, chẳng sợ hai cô cười, tôi thú thật, tôi có học đại học hồi nào đâu? đừng nói đại học mà cả cánh cửa Trung học rộng hẹp ra sao tôi cũng chẳng biết. Hai cô có tin không? tôi hả! tôi chỉ học đến tiểu học, rồi ra học đánh máy, học làm sổ sách rồi vào tiệm buôn học mua bán. Vừa học vừa làm, lần lần tôi trở nên phó thủ quĩ. Sau đó gặp thời vận, tôi nghiễm nhiên thành ông chủ, rồi cứ phát đạt thêm hoài cho tới bây giờ, là “đại xì thẩu" có tiền trong tay, muốn làm gì cũng dễ. Không dùng đến tiền đừng hòng qua lọt các cửa ải cuộc đời, cũng đừng mong nói miệng tài hay đem bằng cấp cao ra mà sai khiến ai được. Nói vậy có đúng không? Tôi chỉ học tới tiểu học thôi, nhưng hiện tại dưới tay tôi có hằng mấy chục, mấy trăm người gồm đủ hạng đại học cao học phải tuân hành. Ngay như ông Lưu, từng làm bí thư sáu năm nay cho tôi, là một tay trí thức hẳn hoi, từng học... mòn ghế đại học đó cả bằng cao học kinh tế chính trị gì nữa đó, thời Nhật còn quyền, ông ta từng ngồi ghế quận trưởng rất ngon lành. Nhưng hiện nay thì cái chính trị kinh tế của ông ta gặp phải cái “bất chánh kinh” của tôi, hễ tôi bảo làm gì là phải làm theo! 6 năm nay rồi... tôi vẫn cứ là ông chủ lớn, và cái ông cao học vẫn... như vậy. Mỗi tháng tôi trả cho ông ta 45 000, và dù có bị la bị mắng, ông ta cũng chẳng buông tôi. Đó sự đời là vậy, sao cho khôn ngoan, lanh lợi, tay chân tháo vát, còn đàn bà con gái thì mặt mày xinh đẹp duyên dáng, thân hình mỹ miều hấp dẫn là... ăn chắc, là nhất định phát tài, có địa vị xã hội cao, có đủ thứ sung sướng.
Trong lúc cao đàm hùng biện ông ta dương dương tự đắc, khoa tay múa chân phùng mang trợn mắt trông rất hách.
Tố Tố đang thực sự đói, nên lợi dụng lúc ai nấy mãi lo nói, thì ăn ít miếng. Nhưng khi gắp một miếng thịt thỏ nấu rượu chát định đưa lên miệng thì một giọt nước mặn từ đầu mũi bỗng rớt xuống môi. Tự dưng lòng nàng se thắt lại, chỉ muốn nôn mửa những gì đã ăn vào.
Ỷ Hoa bình tĩnh đợi cho “Ngài giám đốc" dứt lời, mới lạnh lùng:
- "Xổ" hết chưa?
- Xổ? - Cái gì mà Xổ?
- Nếu xổ hết rồi thì xin mời ông lại ăn vào uống vào cho đầy người nữa đi, kẻo biến thành cái bao bố xẹp bây giờ.
Ngừng một lúc, Ỷ Hoa lại nghiêm trang tiếp:
- Chị em chúng tôi đang nói chuyện đứng đắn. Ông đừng xen vào có được không?
- Được! được! xin tuân lệnh!
ông ta ngoan ngoãn lo... ăn uống thật, ăn uống một cách rất ư là “dũng mãnh”.
Hạ Vi ngó Ỷ Hoa bằng ánh mắt đầy tín nhiệm.
- Chị Hai, em không muốn thi lên đại học, chị thấy...
- Không lên đại học, vậy em tính làm gì?
Hạ Vi nhún vai:
- Kiếm việc làm.
- Theo em, thì có thể kiếm được việc gì?
- Vụ đó tất nhiên là phải nhờ chị lo chọ Em nghĩ kỹ rồi sẽ ở chung với chị Hai, học hỏi theo chị, hễ chị Hai làm gì thì em làm cái đó...
Ỷ Hoa lắc đầu:
- Không được! chị không tán thành.
"ông mập" bỗng nhiên quên lệnh cấm, chỏ miệng vào:
- Tôi tán thành. Em theo chị, chị chăm sóc cho đó là chuyện đương nhiên...
Ỷ Hoa chẳng lý gì tới ông ta, cứ nói tiếp với Hạ Vi:
- Không được, như vậy không được đâu em ạ. Em phải dự thi vào Đại học. Đó là một quyền lợi cao quí tuyệt đối đừng hời hợt nông nổi.
Hạ Vi hết sức ngạc nhiên trong nhất thời, nàng không hiểu rõ Ỷ Hoa nói thật hay nói đùa.
- Chị Hai chị nói vậy nghĩa là sao?
- Nghĩa là chị cũng giống như chị Cả, thấy rằng con đường đúng nhất của các em, là thi vào đại học chớ không nên làm theo chị, sẽ chẳng ra gì hết. Đừng nói là được người khác tôn trọng, mà ngay cả bản thân mình cũng chẳng trọng được mình.
Giọng Ỷ Hoa thương tâm vô hạn.
Hạ Vi lại cho là người chị muốn nói ngược ý nghĩ cho vui chơi, nên bật cười:
- Trời đất! Chị Hai đừng đùa dai mà! Ai không biết chị đang là một ca sĩ gạo cội và sắp là một đại minh tinh điện ảnh, em không lo gì hết, nhất định cứ ỷ lại vào chị và chị nhất định phải kiếm việc cho em.
- Sợ rằng chị sẽ không kiếm được và em sẽ ân hận nhiều.
- Sao không được? tôi bảo đảm chắc chắn với em là sẽ được!
”ông mập” lại ngứa miệng xen lời. Ông ta ưỡn ngực ra, vỗ bình bịch tiếp:
- Người khác thì quả thật không dễ gì kiếm ra, nhưng với Ỷ Hoa chỉ cần một tiếng nhỏ thôi, lập tức việc gì cũng có chuyện gì cũng xong. Hợp tác xã phân phối phim ảnh của tôi đang cần một cô thư ký kế toán, nếu muốn thì ngay sáng mai có thể bắt đầu làm việc liền, lương tháng 14 000 được không?
Hạ Vi nhìn ông ta bằng ánh mắt biết ơn, reo mừng:
- Thấy chưa! Chị Hai, chị cho ý kiến coi!
- ý kiến của chị là em phải thi vào đại họcái đã, còn bất cứ vẫn đề nào khác, trong lúc này đều tạm gác lại sẽ bàn sau.
- Nếu em thi không đậu, mà chắc không đậu nổi đâu, thì sao? Chừng đó em cứ việc tới ở với chị nghe?
- Đợi chừng đó sẽ biết! sẽ tính...
Dùng bữa xong, ra khỏi nhà hàng. Hạ Vi đi trước với Tố Tố “ông mập” đi sau kéo áo Ỷ Hoa hỏi:
- Hai cô em đó, cô nào Tố Tố, cô nào là Hạ Vi?
- Mới có một bữa cơm, không cần phải khai tên họ. Ông hỏi làm gì?
- Để dễ bề xưng hô vậy mà.
- Khỏi lo!
Ỷ Hoa nhìn phía hai em, tiếp:
- Chúng nó sắp về ngay, chớ chẳng còn ăn thêm bữa ăn thứ hai của ông đâu!
Ngày thứ ba, Ỷ Hoa chuẩn bị đưa hai cô em trở vào trường. Luôn mấy hôm Hạ Vi tha hồ rong chơi, chưng diện cho bằng thích. Vương hết đưa nàng đi xi nê, lại mời nàng đến các quán kem, phòng trà ca nhạc. Rồi Ỷ Hoa dẫn nàng đi chụp ảnh, ăn cơm tây, đi xem các gian hàng bách hóa loại sang.
Tố Tố dầu có muốn xem sách, học bài, cũng chẳng yên. Ỷ Hoa đối với các cô em quá tốt vô cùng chu đáo, tiêu tiền chẳng tiếc tay, dành nhiều thì giờ để kề cận hai em, mua tặng khá nhiều quà, lại tặng những món quà cần thiết khi lên đại học, với dụng tâm khích lệ. Nàng quàng vai hai em âu yếm:
- Thế là coi như tạm được rồi, phải không? Đi chơi rồi, mua sắm rồi, chị em tâm sự cũng khá đủ rồi... Bây giờ thì trở về trường, cố gắng học để tháng sau nhất định thi cho đậu, nhất định lên đại học nghe chưa! Chừng đó hai em có thể lại ra đây chơi với chị lâu hơn và chúng mình sẽ càng vui hơn, chớ bây giờ thì nên vừa phải thôi, dành thì giờ và tâm trí vào việc học sửa soạn thị Để chị đưa hai em trở về trường.
Hạ Vi ban đầu không chịu, nhưng Ỷ Hoa khuyên mãi, vừa thân thiết, vừa nghiêm khắc, cuối cùng Hạ Vi dùng kế hoãn binh.
- Được rồi! được rồi! em hiểu mà! chị cũng giống hệt như chị Cả, đều là bà cụ non hết, nhưng... đợi mai tụi em sẽ về, nghe chị!
Hạ Vi tính thầm, cứ hẹn lần khất lựa, ngày mai, rồi lại ngày mai nữa, chẳng lẽ chị Hai kêu cảnh sát tới... bắt giải về trường sao mà sợ?
Ỷ Hoa cũng đoán hiểu như vậy, nhưng vẫn nhân nhượng đôi chút:
- Được! nhưng sáng mai phải đi sớm nghe không!
Hạ Vi thích chí, tự cho mình là thành công được bước đầu.
Tuy nhiên, ngay xế trưa hôm đó, giữa nàng với họ Vương bỗng xảy ra một vụ cãi vã. Từ một duyên cớ rất nhỏ, họ đã gấu ó nhau nghiêng trời lở đất. Bởi thế, không cần Ỷ Hoa thôi thúc, Hạ Vi cũng vội vàng kéo Tố Tố ra xe, nhất định trở về trường lập tức.
Tố Tố chẳng hiểu gì, cứ ngỡ là Hạ Vi giận lẫy chị Hai nên nhỏ to khuyên giải, nhưng Hạ Vi cứ nghiêng đầu nhìn ra cửa xe, chẳng buồn nghe.