Rốt cuộc rồi Giang Vũ Văn cũng đến được xóm lưới bên ven biển, dừng lại trước cửa một căn nhà gỗ ọp ẹp.
Bấy giờ là vào khoảng xế trưa, mặt trời không lưu tình rọi nắng gay gắt trên mặt đất, khắp xóm nhỏ, ngoài bãi cát. Gió biển khô nóng lướt qua, mang theo ít nhiều cát nhỏ và chất nước biển mặn. Sóng biển đập vào nham thạch độc điệu, mệt mỏi, buồn buồn...
Toàn xóm nhỏ mệt mỏi rồi, ngủ say dưới ánh nắng hạ thiêu đốt.
Lưới cá được móc phơi ở cây ven đường, thoảng đưa mùi tanh thum thủm. Lưới cá bằng nylon, có chỗ còn dính vảy cá phát sáng dưới ánh mặt trời.
Xóm nhỏ có khoảng ba bốn chục gia đình, kiến thiết nhà bằng gỗ giống như nhau. Họa hoằn mới có một vài gia đình xây tường bằng đất. Trên tường cũng máng đầy lưới cá.
Gần như nhà nào cũng nửa mở nửa đóng, có thể giúp nhìn thấu vào trong nhà, thấy nào tượng thờ, ghế, ván ngựa... Trên ván ngựa có thể có trẻ ngủ say hoặc bà lão ngồi vá lưới, mắt lim dim chừng như ngủ gục.
Sự xuất hiện của Văn không làm động giấc xóm nhỏ. Chỉ có vài em bé đang chơi trước cửa gởi cho Văn đôi ba cái liếc hiếu kỳ.
Thôn trang ngủ rất saỵ Con trai trong xóm ban đêm ra khơi bắt cá, sáng sớm quay thuyền về, cho nên giờ nầy là giờ nghỉ của họ. Văn cầm bọc đồ đạc, lưng đeo một sắc sách vở, đi lướt qua từng nhà tìm số. Sau cùng, Văn dừng lại trước căn nhà gỗ ọp ẹp nầy.
Không sai với dự liệu của Văn là mấy, nhà nhỏ yên tịnh và đơn giản, có tường thấp, nhưng không có cổng. Tường chừa một kkhoảng trống rộng đủ cho một người ra vào. Trong tường có một cây đa vừa già vừa to, râu tủa dài chấm đất. Thân cây sần sùi, có đến ba người ôm không hết. Nhánh cây buông thõng không biết bao nhiêu là rễ đong đưa theo gió như râu dài lướt thướt của ông lão trang nghiêm.
Dưới gốc đa còn có băng đá. Trên băng bây giờ có một con gà trống lớn ngang nhiên, vênh váo, ngẩng đầu hùng vĩ liếc người lạ mặt ngoài tường. Trông gà có vẻ kiêu ngạo, tự phụ, ra vẻ ta đây nhứt thế. Dưới băng, mấy gà mái và một bầy con đang đùa giỡn.
Văn thở hắt hơi ra, ánh nắng gay gắt rọi chiếu Văn muốn xỉu, mồ hôi vã ra ướt áo. Khoa chân bước vào cửa, Văn đi xuyên một sân trống nhỏ, đưa mắt nhìn qua cánh cửa khép hờ. Trong nhà không ai, trên bàn vuông trước tượng thần hãy còn nửa mâm cơm lỡ dở.
Văn dừng lại mấy giây mới cất cao tiếng gọi:
- Có ai ở nhà không?
Không thấy ai ra, cũng không có ai trả lời. Đẩy hai cánh cửa khép hờ, Văn bước vào trong. Nhà không lớn, nền đất, tường gạch, tương dối sạch sẽ. Không hiểu sao trước thần tượng hãy còn lửa khói, một làn khói xanh lặng lẽ tỏa lan.
Văn để ý quan sát căn nhà, để sách và bọc đồ đạc trên bàn trước mặt, mơ hồ nghĩ rằng nơi nầy có thể là nơi đọc sách và nghỉ dưỡng tốt. Tai Văn chừng nghe văng vẳng lời Hùng:
-Văn đừng đòi hỏi nơi căn nhà nhỏ ấy quá nhiều, nó không như sự tưởng tượng quen thuộc của anh trong cuộc sống ở chợ đâu! Anh đã một lòng một dạ muốn đến đó sống một thời gian thì anh cứ đi! Nhà mình bây giờ chỉ có một bà cô, các phòng đều trống, mình thà ở chết dí trong thành chớ không thích về. Bà cô không cầu mà được có người đến ở sẽ mừng lắm. Anh cứ tới, nhưng xin đừng mang cái đầu óc chữ nghĩa mà vẽ vời ra một thứ biệt thự gì ở bãi biển. Ở đó chỉ là một xóm lưới, nhà cây thô lậu, bảo đảm anh đến không đầy tuần lễ sẽ phát chán...
Sẽ chán chăng? Văn nhìn làn khói xanh nghi nhút trước tượng thờ, nhìn ánh nắng chói chang, nghe được không xa lắm tiếng sóng biển rì rào...
Sẽ chán chăng? Văn không biết. Nhưng trước tiên là ở nơi nầy sẽ không có sự quấy rầy tình cảm như đô thị phức tạp, sẽ không có chuyện dũa mòn lòng người. Ở đây có thể giúp Văn khôi phục lại tự tin, tìm lại những gì đã mất.
Văn tin là có thể lợi dụng được thời gian ở đây để học lại, bù trừ cho hai năm rồi Văn bỏ phế học hành và dưỡng lành cõi lòng đầy ngấn tích thương đau. Sau đó, Văn sẽ vỗ đôi cánh bị thương mà bay cao, bay cao, bay càng cao, càng xa, bay cho số người khinh Văn thấy, bay cho "nàng" thấy.
Nàng! Văn cắn môi, cắn mạnh, cắn đau đến Văn nhảy nhổm. Bây giờ Văn mới nhớ là mình đang đứng trong nhà, xuất thần.
Văn bước một bước dài, thò đầu nhìn hướng ra nhà sau. Rồi lại cất tiếng gọi:
- Có ai ở nhà không? Thưa, có ai ở nhà không?
Lần này, tiếng gọi của Văn được đáp. Một bà cũ khệnh khạng từ phía sau bước ra, mặt đầy vết nhăn, giương mắt nhìn Văn, lắp bắp nói một thôi dài mà Văn không hiểu hết. Không cần hỏi, Văn cũng biết đây là bà cô của Hùng. Văn mỉn cười, tự giới thiệu:
- Thưa, cháu là Giang Vũ Văn. Anh Lý Chánh Hùng có nói với cháu là ảnh đã viết thơ nói cho cô biết, cháu muốn đến ở nhờ đây hai tháng.
- Ha ha... Bà cụ chợt hiểu ra, bật cười, toàn mặt nhăn nheo rực cười. Nếu bà có biết quốc ngữ ắt là do Hùng dạy (Nước Tàu rộng lớn, có đến trăm ngôn ngữ. Quốc ngữ mẹ đẻ là tiếng Phổ Thông, tức quan thoại, bạch thoại)
Bà vừa cười vừa hỏi:
- Ha ha... bạn của thằng Hùng hả? Sao nó không về?
-Thưa, công việc của ảnh không rời ra được.
Văn đáp, mơ hồ nghĩ tới Hùng là con của một người đánh cá mà đã học xong đại học ra kỹ sư, thiệt ghê gớm!
- Thưa, ảnh có nhờ cháu mang dùm ít tiền về. (Văn rút trao tay bà cụ, cười tiếp) Trong thơ có hai ngàn, cô đếm lại đi. Dạ, nhưng còn nữa... (Văn móc hai ngàn để trên bàn) Cái nầy là của cháu gởi cho cộ Cháu ở đây mỗi ngày tốn ba bữa ăn, phải chi tiền, cho nên...
- Hà Hà Bà cụ kêu lên, bàng hoàng. Cùng lúc được tiền nhiều quá khiến tay chân bà luống cuống.
- Thôi khỏi! Khỏi! Già hổng lấy tiền đâu, cậu Văn! Thằng Hùng nó đã giao trước cho già rồi. Cậu ở trong phòng của nó, hổng phiền gì hết. Miễn... Khỏi!...
- Thưa, cô cứ cầm đi mà.
Văn vừa nói vừa nhét tiền trong tay bà cụ gầy gò. Bàn tay thô kệch, chai nám run run.
- Dạ, nếu cô không nhận thì cháu đi.
Rốt cuộc, bà cụ phải nhận tiền và bắt đầu bận rộn ngaỵ Mang niềm sung sướng và kính trọng, bà đem nước rửa mặt, dâng khăn và xà bông, rồi vội vội vàng vàng đưa Văn vào phòng riêng. Đó là phòng của Hùng mỗi khi về ở. Căn phòng tốt nhứt trong căn nhà nầy, rộng rãi, sạch sẽ, có cả màn cửa sổ thật không ngờ. Bên ngoài cửa sổ có tấm rèm bằng vải bố. Trong phòng, ngoài chiếc giường, có bàn viết, tủ sách, tủ đựng quần áo và hai ghế mây dài nằm được.
Bà cụ giàu nhiệt tâm lăng xăng thay bao gối, lau bàn, khiến Văn cảm thấy ái ngại. Qua một lúc khách sáo giành đi giành lại, bà cụ mời chịu bước ra khỏi phòng, chạy đi lo cơm chiều.
Bấy giờ Văn mới mở bọc hành lý, móc treo áo quần vào tủ, đặt sách bên tủ sách trống, để viết mực lên bàn. Nhìn khắp bốn bên, Văn bất giác thở dài. Có ai ngờ, hôm qua Văn còn bay bướm dưới ánh đèn màu của tiệm rượu trong đô thị mà bây giờ Văn lủi trốn vào xóm lưới cổ lỗ này!
Văn đến trước cửa sổ, kéo vet màn. Gió biển bay phả vào mặt Văn nặng mùi biển cả. Giờ Văn mới biết cửa sổ này trông ra biển, đứng ở đây có thể nhìn thấy biển cả không bờ, mặt trời rọi chiếu, giát bạc mặt biển hết sức đẹp mắt.
Văn hít một hơi dài, dang tay, nhắm mắt, cao giọng nói:
- Biển ơi! Hãy rửa sạch ta đi! Rửa sạch tận lòng ta nhửng cát bụi đô thành!