Tôi nghỉ lại một nhà khách dành cho những người đến Cửa Lớn tắm biển. Tôi đến đây không phải để tắm biển. Mục đích chuyến đi của tôi coi như đã hoàn tất. Tôi lãnh đạm nhìn những kẻ mặc đồ tắm ôm phao chạy ra chạy vô. Nhẩy nhót hí hửng giỡn sóng như một đám bọt bèo biển mới xô dạt vào bờ. Rồi tôi sẽ quăng mình vào những chuyến tàu xuyên đại dương cơ. Đám người kia có trong mơ cũng chẳng dám mơ những chuyến đi xa như vậy, mạo hiểm như vậy.
Thế mà tôi chưa muốn về ngay. Có một cái gì đó níu chân tôi lại. Sáng hôm sau, tôi lại leo lên núi, đến chùa Bảo Sơn. Mai Trừng đưa tôi đến gặp sư cụ, giới thiệu có anh Đông là bạn mới ở ngoài Hà Nội vào chơi. Sư cụ mắt đã kém, chỉ Nam Mô A Di Đà Phật, quý hoá quá, rồi cho phép Mai Trừng dẫn tôi đi vãn cảnh chùa.
Chúng tôi lại ra ngồi chỗ bàn cờ tiên. - Đêm qua, em lại mơ đúng giấc mơ ấy. Mai Trừng nói.
Giấc mơ ấy cô đã kể với tôi. Những ngày ở đây, thỉnh thoảng Mai Trừng lại mơ thấy có một bóng người đến dẫn cô đi. Đi qua một con đường lớn và dài. Rồi rẽ ngoặt vào một lối đi nhỏ trong rừng. Lướt qua những bụi cây cành cây gai góc bùng nhùng. Bay trên một cánh rừng đã dày rậm xanh lá, dù thảng hoặc vẫn chen lẫn những thân cây bị cháy thiêu trơ trụi. Đến bên một con suối cạn thì bóng người dẫn đường biến mất. Mai Trừng cũng tỉnh dậy. Phấp phỏng và hoang mang. Cảm thấy một điều linh báo mà không hiểu thực sự có chuyện gì.
- Đêm qua, em lại đến bên con suối cạn. Như vậy là lần thứ tư em mơ thấy nó. Lần này em đã leo lên những tảng đá to bị bào trơn tròn trĩnh như những trái cây khổng lồ. Em ngồi trên một hòn đá ấy. Người dẫn đường ra hiệu vẫy em đi tiếp. Em chưa kịp đứng dậy thì cái bóng biến mất...
Mai Trừng hơi gục đầu xuống. Hai bàn tay đỡ lấy gương mặt đang chìm đắm vào cõi rất xa nào. Tôi ngồi yên, chẳng biết giúp gì được cho cô.
Bất chợt có tiếng chân thình thịch đi tới. Mai Trừng giật mình, trở về với thực tại. Giềng mang đến một rổ khoai lang luộc còn nóng. Ăn đi em, ăn đi cháu. Chị đưa rổ khoai cho chúng tôi. Vùng này chỉ có thứ khoai này là đặc sản. Ruột vàng nghệ và chắc, ngọt và bùi. Uống với nước chè xanh vàng sánh chỉ một lần cũng khó quên.
Tôi đã gặp Giềng từ chiều hôm qua. Người đàn bà tầm thước, đôi bàn chân to lạ lùng. Chị cứ đi chân trần, một ngày gánh mấy gánh nước từ dưới chân núi lên chùa. Đang lúc khô hạn. Trời không cho một hạt mưa. Nhà chùa lâu nay chỉ cần dùng nước mưa chứa trong một cái bể lớn. Nước mưa giờ đã hết, phải nhờ vào người đàn bà lực điền sốt sắng làm công quả. Tôi ái ngại đưa cho Giềng đôi giầy bata cỡ 42 của mình. Chị cố thọc đôi bàn chân to dầy vào mà không được. Chân chị phải lớn hơn thế chừng hai số. Đôi bàn chân không cân đối với người. Đôi bàn chân nặng nề phiền muộn, sứt sẹo thương tích và chai sạn nỗi đau.
Giềng định đi luôn, nhưng Mai Trừng vội giữ tay chị lại: - Cô Giềng, bác Miên kể rằng ngày trước ở gần trạm có một con suối. Cô có nhớ không?
- Đúng rồi, có một con suối. Thỉnh thoảng ba chị em vẫn ra đó tắm giặt. Thì cha cháu cũng hy sinh ở đó.
- Cô có nhớ đường đi tới nơi ấy không? - Lâu quá rồi. Hết chiến tranh, ai quay lại mần chi. Nhớ đường sao nổi.
Người đàn bà lắc đầu. Chị định quay về chùa với chiếc đòn gánh và đôi thùng gánh nước. Mai Trừng vẫn nắm chặt tay chị. Cô nói như đang dò theo một con đường trong trí nhớ.
- Cháu đã tới bên con suối. Nhưng suối biến thành suối cạn rồi. Lòng suối có những tảng đá to. Có ba hòn đá lớn, như ba trái xoài chụm vào nhau...
- Rứa thì đúng rồi.
Giềng thảng thốt kêu lên. Chị kể cả bọn ngày ấy vẫn bảo ba hòn đá đó là chỗ dành riêng cho ba chị em ngồi tắm. Cởi hết quần áo ra, mỗi đứa leo lên ngồi trên một hòn đá, có khác gì ba nàng tiên cá. Nhưng có bao giờ được tắm cả ba người cùng một lúc đâu. Một người tắm thì hai người phải cầm súng canh chừng ở hai đầu khúc suối.
- Con suối ấy cạn rồi sao?
Giềng như tự hỏi, như luyến tiếc. - Vậy thì cháu mơ nữa đi. Coi xem đường đi ra sao. Linh ứng lắm đó. O chỉ nhớ tên vùng đó là A Si. Đường sá thì quên mất rồi.
Giềng ân cần dặn thêm.
Tôi cũng thực lòng mong như vậy. Mai Trừng sẽ tìm ra lối cũ để thu lượm được dấu tích của mẹ của cha. Nhưng tôi cảm thấy mỗi giấc mơ là một hành trình thực sự khổ ải đối với cô. Người ta bay trong mơ cũng hao tâm tổn lực như trèo đèo lội suối vậy thôi.
Sáng hôm sau, Mai Trừng nói đêm qua cô đã trèo lên ba hòn đá như ba trái xoài. Sau đó, cô đi men theo bên tả của con suối cạn, ngược lên phía thượng nguồn. Đến bên một gốc cây rêu phủ xanh rì thì rẽ trái đi về phía vách đá. Tới đây thì gặp dấu tích của một lán tranh đổ nát. Văng vẳng tiếng nói của người dẫn lối, một giọng nam trầm ấm. Con đã tìm ra đường rồi đó, lên đường đi con.
Vậy là đã rõ. Mai Trừng phải lên đường. Cô sẽ tìm được hài cốt của cha mẹ. Tôi giở sổ tay, ghi lại tên vùng A Si, đến cây số bao nhiêu thì rẽ trái khỏi đường quốc lộ, xuyên qua những mốc nào để tới con suối cạn, quãng đường từ con suối cạn đi lên ra sao... Quãng đường từ con suối cạn ngược lên được chị Giềng xác nhận. Trong trí nhớ ít ỏi của chị, chỉ còn lại rõ ràng khoảng cách ấy.
Tôi nói sẽ đi cùng Mai Trừng. Cô nắm tay tôi. Im lặng. Tôi đi sắm một bộ cuốc xẻng, xà beng. Hai con dao đi rừng. Hai chiếc áo mưa và mấy tấm vải nilông. Giày vải và ủng cao su cho hai người. Đèn pin và một tá bật lửa ga dắt khắp người. Thực phẩm khô và nước uống. Kem bôi chống muỗi và chống vắt. Tất cả được bỏ gọn vào hai chiếc ba lô du lịch. Địa bàn đã có sẵn bên chiếc đồng hồ đeo tay.
Giờ đã đến lúc lên đường. Một chiếc xe, hai chúng tôi cùng với con Ki. Chúng tôi đi trở lại con đường vào chiến trường năm xưa. Dáng vẻ như cán bộ cấp tỉnh đi công tác. Càng đi sâu vào, con đường càng trở nên heo hút. Thảng hoặc gặp những tốp người dân tộc lẻ tẻ trên đường. Da dẻ đen sạm, héo hắt. Con đường bị lãng quên. Con người bị lãng quên. Một vùng rừng núi bị lãng quên.
Sau hai ngày, chúng tôi đến gần vùng A Si. Không nên đi tiếp bằng ô tô. Tôi cho xe rẽ vào một thị trấn vùng cao. Thực ra chỉ là hai dãy nhà xây hai bên một con đường. Trẻ con, người lớn kéo ra xem một chiếc xe với họ là quá sang trọng. Mấy nhà trọ không nhận trông xe. Ở thị trấn này chiếc xe là cái đĩa bay từ hành tinh khác đến. Người ta sẽ kéo tới, trèo lên tường, lên cây, lên mái nhà để nhìn ngắm. Cả ngày. Cả đêm.
Rốt cuộc, tôi phải đánh xe đến đồn công an thị trấn. Tôi xuất trình chứng minh thư, bằng lái xe, giấy chứng nhận sở hữu xe. Tôi giới thiệu Mai Trừng là người đi tìm hài cốt cha mẹ hy sinh ở vùng A Si trong chiến tranh. Trưởng đồn công an đồng ý cho gửi chiếc xe. Anh bảo nếu chúng tôi cần sẽ cử một chiến sĩ tên là A Dai quê ở vùng đó dẫn đường đi tiếp.
Còn gì hơn thế nữa?
Chúng tôi (tính cả con Ki) mang ba lô xẻng cuốc xà beng, đi bằng bốn chiếc xe ôm, loại xe Minsk, lên vùng A Si. Xe phóng qua một cái cột mốc thì Mai Trừng kêu xe dừng lại. Cô bảo đã nhận ra lối rẽ giống như lối rẽ cô đã thấy nhiều lần trong mơ.
Chúng tôi thả cho bốn người xe ôm quay về. A Dai giành mang giúp ba lô và xẻng cuốc cho Mai Trừng. Anh ta và tôi đi trước, dùng dao phát quang các bụi cây và dây leo. Đi được một lát thì Mai Trừng trở nên bối rối.
- Không được. Các anh phải để em đi trước. A Dai nói có nhớ mang máng một con suối cạn đâu đây. Hãy để anh đi trước dẫn đường. Anh xăm xăm định đi theo một lối mòn mờ mờ phía bên phải. Nhưng Mai Trừng bỗng reo lên:
- Em đã nhận ra đường rồi.
Cô chỉ tay về phía bên trái. Phía ấy không có lối mòn. Dây leo chằng chịt. Phải mất một thời gian khá lâu, chúng tôi mới chém chặt được các bụi cây, mở ra một lối đi.
Loay hoay mãi cho tới trưa. Mai Trừng tiến lên, lùi lại, tạt sang phải thì gặp vực sâu, tạt sang trái thì phát hiện ra một con đường mòn bỏ quên đã lâu. Cỏ mọc cao và dây leo bò ngổn ngang. Cô như người đã bị nhập đồng, cứ lao đầu về phía trước. Đi như người mộng du. Đi như có người cầm tay dẫn đi thì đúng hơn. Chúng tôi bước gằn theo cô mà nhiều lúc không theo kịp.
Khoảng hai giờ chiều thì gặp con suối cạn. Đúng như trong giấc mơ của Mai Trừng. Đúng như trong ký ức giản đơn của chị Giềng. Giữa lòng suối có rất nhiều tảng đá bị bào cho trơn nhẵn. Nổi lên giữa chúng là một cụm ba hòn đá lớn như ba trái xoài chụm đầu vào nhau. Tôi bất chợt tưởng thấy có ba nàng tiên cá nõn nà ngồi trên đó. Họ mỉm cười bí ẩn đằng sau một màn khói mờ ảo.
Dòng suối nay chỉ còn là một dòng đá cuội màu trắng, có những viên sáng lấp lánh. Những hòn đá bằng nắm tay, bằng trái bưởi, bằng quả bí ngô. Những tảng đá to bằng cái chum nước rải rác đây đó. To nhất là ba trái xoài chụm đầu thành chùm. Cả một dòng suối đá khô khốc uốn mình len lỏi trong rừng.
Mai Trừng lật đật chạy qua con suối đá. Sang đến bờ bên tả, cô chạy men theo bờ. Đang chạy, bất đồ cô vấp một cái, tung mình lên rồi ngã vật xuống cùng một tiếng thét vỡ toang lồng ngực. Cô nằm ngửa trên mặt đất, thân người quằn quại, thở hồng hộc như một người đang bị rạch bụng, bị moi sạch tim gan. Chân tay cô bất động như bị giữ rất chặt.
A Dai và con Ki định lao tới, nhưng tôi ra hiệu cho tất cả đứng yên và giữ im lặng. Mai Trừng oằn người lên từng đợt. Oằn lên từng đợt. Cuối cùng, cô xuội hẳn chân tay ra. Nằm bất động.
Thình lình Mai Trừng đứng vụt dậy. Không còn là cô gái ấy nữa. Đó là một linh hồn đang lao vút về phía thượng nguồn. Chúng tôi tức tốc đuổi theo. Cô băng qua những bụi cây, đâm đầu vào một gốc cây rêu phủ xanh rì. Cô ngã xuống, rồi đứng dậy ngay. Rồi rẽ trái, lao về phía một bức tường thành bằng đá.. Chạy qua dấu tích một cái lán tranh đổ sập đã lâu, chỉ còn ngổn ngang những cành tre nứa bầm dập, Mai Trừng cũng không dừng lại. Cô chạy thêm một quãng nữa. Cuối cùng cô hổn hển dừng lại bên một khoảng đất trống, cỏ mọc lút dầy.
Hai tay sờ soạng về phía trước như một người mù. Mai Trừng lẩm bẩm điều gì đó. Người cô run lên. Run nhè nhẹ. Cơn rung lắc mạnh dần lên. Rồi cả thân người rung bần bật. Cô đổ vật xuống, nằm sấp trên mặt đất. Hai tay dang ra như ôm ngang một vật nào đó.
Một lát, cô động đậy tay chân. Ngồi dậy. Rồi cô bò sang khoảng đất bên cạnh. Lại nằm sấp xuống. Lại dang hai tay như ôm một ngôi mộ.
Con Ki hơi khịt khịt mũi. Mắt nó nhoèm nước. Tức là nó đã phát hiện ra nơi có hài cốt. Nó vốn thính nhạy với di hài của những người quá cố.
Lâu sau. Mai Trừng bò dậy. Cô không còn biết đến chúng tôi đang đứng cách một quãng ở đằng sau. Cô quỳ gối, chắp tay khấn vái những gì nghe không rõ. Sau một lúc, giọng cô bỗng cao dần lên:
- Con lạy cha, con lạy mẹ, cha mẹ hãy giải thoát cho con khỏi sứ mệnh đi trừng phạt cái ác. Hai mươi sáu năm con phải đi trừng phạt như vậy là dài quá rồi.
Gió thổi xao xác. Từng lớp cỏ bị đè rạp như có người đang bước qua bước lại trên đó và suy nghĩ lung lắm. Có tiếng rì rào như bàn bạc, như khuyên nhủ.
- Nhưng mẹ ơi, chừng nào còn cõi người thì còn cái ác, cũng như cái thiện vậy thôi. Diệt trừ cái ác là việc của mọi người, sao lại bắt một đứa con gái đơn độc như con phải làm việc ấy?
Gió lại giận dữ thổi qua. Toàn thân Mai Trừng run lẩy bẩy. - Xin cha mẹ cho con trở về làm một đứa con gái bình thường. Con cũng muốn yêu và được yêu. Người ta yêu con thì đâu có gì là ác độc, cớ sao người ấy cũng bị xuống tay trừng phạt?
Một tiếng gió âm trầm tràn qua. Một tiếng gió thanh thanh yếu ớt phản bác. Những lớp cỏ vừa ngóc lên lại bị đè rạp xuống.
- Lần này con xin phép đưa cha mẹ về chùa Bảo Sơn. Cha mẹ hãy yên nghỉ vĩnh viễn ở đó. Cô Giềng cũng đang ở đó. Cô ấy sẽ chăm sóc khói hương cho cha mẹ thường xuyên.
Mai Trừng cúi gục đầu rất lâu. Cô đang lắng nghe lời căn dặn của bậc phụ mẫu ở cõi vĩnh hằng. Hai luồng gió trầm ấm và thanh thanh cứ nối tiếp nhau tràn qua.
- Con xin nghe theo lời cha mẹ... Hạnh phúc chỉ thực sự có chừng nào cha mẹ cho con thoát khỏi sứ mệnh ấy... Ôi, con biết là cha mẹ sẽ bằng lòng mà. Cô bỗng đổ vật xuống. Lại giãy giụa trong cơn run quằn quại. Một cái gì đó đang bị xé rách trong người cô, bị giật ra từng mảng, bị rút dần ra như một sợi dây mảnh và bất tận.
Rồi vút một cái, tất cả bay thoát lên khỏi người cô. Mai Trừng quẫy đạp mấy cái nữa rồi lật nghiêng người. Cặp mắt lờ đờ hết hồn của cô dần dần trở lại tỉnh táo và tinh nhạy. Cô từ từ ngồi dậy.
- Đây là cha em. Đây là mẹ em.
Cô chỉ hai khoảng đất bằng, cách nhau chừng vài mét, chẳng có vẻ gì là hai nấm mộ.
Con Ki lập tức xông đến. Nó hít nó ngửi cả hai nơi. Đuôi nó vẫy rối rít. Như vậy là nó đã xác nhận điều Mai Trừng nói.
Ba chúng tôi dùng dụng cụ mang theo để khai quật hai nấm mộ. Những tấm vải ni lông quấn quanh tử thi vẫn chưa mục nát. Chúng tôi dùng những tấm ni lông mới bọc gọn hai bộ hài cốt lại. Xong xuôi thì đã xế chiều, nhưng tất cả đều quyết tâm quay trở ra. Chúng tôi có đèn pin và A Dai đã dự phòng mang theo mấy khúc nứa khô làm đuốc.
* * *
Mai Trừng dường như đã trở thành một cô gái khác. Tôi đánh xe đưa cô trở về vùng Cửa Lớn. Ngang qua một quãng rừng vắng, cô bất chợt bảo tôi dừng xe. Cô chạy sang bên đường nở đầy hoa dại sặc sỡ. Cô lom khom cúi tìm trong những lùm hoa, bụi hoa, vồng hoa. Tất cả đều phô phang mời gọi.
Sau rốt, cô ôm một bó hoa trên ngực, nhảy chân sáo quay trở về, đó là bước chân của một bé gái vừa mới trở thành thiếu nữ. Mái tóc tung bay tinh nghịch trong nắng sớm. Gương mặt rạng rỡ, vô tội và hồn nhiên. Cả thân hình thiếu nữ mới lớn tràn ngập mùi hoa rừng. Lắc lư uyển chuyển theo những nhịp chân sáo.
- Đây là hoa cho anh.
Cô nói đơn giản như biết chắc là tôi sẽ nhận. Giữa cả triền hoa rực rỡ và chói gắt, cô chỉ chọn những cành hoa li ti bông nhỏ. Phơn phớt tím. Phơn phớt vàng. Phơn phớt hồng. Nhiều nhất là những bông hoa trắng thơ dại. Tất cả đều là hoa dại, thứ hoa đánh động lòng trắc ẩn vì không có tên.
Về đến vùng Cửa Lớn, tôi cho xe chạy men theo hàng dương ngăn cách con đường với bãi tắm. Mai Trừng nhớ ra hôm nay là ngày mười bốn, ngày mai rằm tháng bảy xá tội vong nhân. Rằm tháng bảy, cô sẽ phải giúp sư cụ làm lễ cúng những vong hồn vô gia cư không nơi nương tựa. Cô sẽ phải đổ cháo vào những chiếc phễu quấn bằng lá đa, rồi đặt phễu cháo lá đa khắp trong vườn chùa. Những cô hồn mỗi năm sẽ được một bữa no vào rằm tháng bảy. Thế còn những cô hồn đang sống đây kia trong cõi người này, mỗi năm họ không được riêng một ngày bố thí. Ngày nào là để tưởng nhớ họ? Liệu có mấy ai nhớ rằng họ đang còn sống, sống vật vờ?
Chưa đi hết hàng dương. Tôi bỗng giật mình, phanh xe đột ngột. Một bóng người quen quen lẫn trong đám người trên bãi tắm. Tôi lao ra khỏi xe, nhưng chạy chậm dần lại, rồi giả vờ tha thẩn tản bộ qua chỗ đám người kia. Tôi vừa nhìn thấy một người đàn bà trông giống Yên Thanh. Hay chính là cô ta? Phát hiện ra tôi, cô ta vội vàng lẩn đi mất?
Tôi không gặp cô ta để trả thù. Hận thù sẽ gây ra liên tiếp một chuỗi hận thù theo vòng tròn. Hận thù sẽ thiêu đốt tim gan chính kẻ đang ôm hận. Tôi muốn gặp cô ta, đối thoại và đối chất. Cô ta đã được gì, đã mất gì? Cô ta có thấy bình yên và hạnh phúc hay không?
Nhưng Yên Thanh đã lẩn tránh. Đấy có thể cũng là một câu trả lời?
Chúng tôi đến nhà chị Giềng trước.
Chuyện gì xảy ra thế này? Không khí tang tóc trùm lên căn nhà nhỏ. Mấy người láng giềng chạy qua chạy lại. Một bà xé tấm vải xô, quấn lên đầu ba đứa trẻ ba vòng khăn tang trắng. Giữa nhà đặt một chiếc quan tài gỗ loại xấu. Những đường bào sứt sẹo, cong vênh.
Người ta đang chuẩn bị đưa ma cho chị Giềng. Cái chết đến không ai có thể ngờ. Như một thứ tai bay vạ gió. Như một mảnh thiên thạch vớ vẩn trong vũ trụ bỗng rơi độp xuống đầu ta. Giềng kêu đau bụng. Sau rồi đau quá, chị mới chịu để xe ôm đưa đến bệnh viện. Người ta khám qua loa, chẩn đoán là viêm túi mật, phải mổ. Gia đình hẵng cáng bệnh nhân ra ngoài, tự đi mua máu và đóng đủ viện phí mới làm thủ tục nhập viện được.
Gia đình có ai đâu? Chỉ có thằng con lớn mười hai tuổi và bà hàng xóm theo giúp.
Số tiền chạy chữa ngang bằng vài ba tạ thóc. Ở thành thị thì chỉ bằng một bữa ăn nhậu đặc sản tàm tạm cho vài ba người. Nhưng người nông thôn như gia đình chị Giềng có bao giờ nhìn thấy khoản tiền to như thế. Bà hàng xóm và đứa con trai đặt chị nằm dưới một gốc cây khuất lối gần cổng sau bệnh viện. Chỉ còn có cách mong cho chị đỡ đau dần, rồi đi về. Người tuyệt vọng chỉ biết chờ phép lạ. Nhưng càng lúc Giềng càng đau hơn. Có phải viêm túi mật gì đâu. Một cái bệnh đơn giản cần một ca mổ đơn giản và kịp thời: Đau ruột thừa. Người không có tiền trong thời buổi kinh tế thị trường tiền trao cháo múc dễ được chọn một cái quyền là quyền chết. Giềng quằn quại kêu la. Bàn tay bóp chặt tay thằng con như truyền bớt cái đau sang nó. Bàn tay chị cứ nới lỏng. Lỏng dần. Rồi tuột ra. Xuội xuống.
Mai Trừng cũng tự đội cho mình một vành khăn tang. Chỉ có dân xóm giềng đi đưa tang. Những hình hài gầy guộc, xiêu vẹo, như chính họ mới là những hồn ma. Con đường cát đôi chỗ ló ra những khoảng đất thịt trơn lép nhép sau trận mưa hôm trước. Bao nhiêu lâu khô hạn, hôm qua bỗng được một trận mưa. Cái huyệt đào từ trước, giờ đã lõng bõng nước. Quan tài thả xuống cứ nổi lềnh bềnh. Lại phải kéo quan tài lên. Phải tát cho hết nước. Khi ấy mới hạ huyệt được.
Đám ma không kèn trống. Bà sư cụ già yếu, không xuống núi được. Bà ngồi trên chùa gõ mõ tụng kinh cầu siêu. Rồi bà cho đánh chuông lớn chuông bé khắp chùa. âm thanh như một núi mảnh thuỷ tinh sắc vụn trút xuống. Núi âm thanh lấp đầy, xây thành mộ cho một linh hồn đột tử oan uổng. Người nghèo ở đâu chả vậy. Họ sống ngơ ngác giữa đời, không một nguồn bảo hiểm, số mạng có thể kết liễu bất cứ lúc nào bằng thiên tai, bằng một mảnh chai cứa vào chân gây nhiễm trùng, bằng đủ mọi thứ tai bay vạ gió mà những người sung túc hơn có thể chữa chạy được.
Sau đám tang, mọi người về hết. Thằng bé ngồi lại một mình. Tôi ngồi lại cùng nó. Mười hai tuổi, nó đã bị buộc trở thành chủ gia đình. Nó còn hai đứa em thiếu ăn, thiếu học. Nó không được quyền ngồi im tự hỏi, phải làm gì đây? Nó chỉ được phép đứng lên ngay lập tức, hùng hục lao vào dòng đời để kiếm ăn từng bữa cho cả nhà. Người cha nó ở nơi đâu? Anh ta có bị động lòng, có bị giật mình, có bị máy mắt, có bị vấp ngã vào ngày hôm nay không? Ngay cả tôi, tôi có bị giật mình, bị máy mắt bao giờ không nhỉ? Bạn bè tôi vẫn nói con cái tôi rải rác khắp nơi. Những người đàn ông bôn ba nhiều, khắp các đại dương, khắp cái gầm trời này, ai mà chả có những lần đánh rơi thản nhiên như thế.
- Mạ cháu chỉ bị ruột thừa. Có tiền thì mạ cháu không chết. Thằng bé bất chợt nói. Giọng nó khô sắc.
- Người ta bảo khi đó bệnh viện bận cấp cứu cho một người tắm biển bị đau tim. Bọn tắm biển có tiền.
Lại sinh thêm một mối hận. Lại nuôi thêm một mối hận. Dân làm nông nghiệp ở vùng Cửa Lớn kéo ra chặn đường, không cho khách du lịch đi qua để tới bãi tắm. Xe ô tô phải đi vòng thêm mấy cây số. Người ta cũng kéo tới bãi tắm này để ngăn cản du khách. Giận cá chém thớt. Mối hận với người này lại trút lên đầu người khác. Hận thù thành một cái vòng luẩn quẩn.
- Người ta chỉ cứu bọn tắm biển. Bọn tắm biển có tiền. Thằng bé lẩm bẩm nhắc lại.
Không thể an ủi gì được vào lúc này. Những cái chết thảm khốc nhất mà tôi đã từng chứng kiến, những nỗi đau tôi từng phải chịu, những lần bị phản bội, bị lừa đảo... thảy đều vô nghĩa, đều bé nhỏ so với nỗi đau khổ hiện hữu quá sức chịu đựng trên đầu, trên vai thằng bé này.
* * *
Ngày hôm sau, chúng tôi giúp sư cụ cúng rằm tháng bảy. Ba đứa bé đội khăn tang cũng lên chùa làm công quả. Khách đi tắm biển kéo lên chùa rất đông. Có những bộ mặt hiếu kỳ, xem cho biết. Có những bộ mặt thành tâm, thành tâm trong chốc lát. Có những bộ mặt ám tối tín điều, mê muội khổ sở. Họ vào chùa thắp hương, nghe kinh nghe kệ, cúng dường cho chùa rồi xin lại chút lộc thánh. Họ tha thẩn khắp vườn chùa, chỗ nào giắt được que hương vào là giắt để mà khấn vái, chỉ mong cầu được ước thấy, ăn nên làm ra. Có một nhà thì xây được ba nhà. Một vốn bốn trăm lời.
Tôi thoang thoáng nghe được một lời cầu khấn như thế. Định đi cướp giật hay sao mà đòi một vốn bốn trăm lời? Sự thật là có những tên kẻ cướp, trước mỗi vụ làm ăn đều rất thành tâm đến nơi nhà thờ chùa chiền xin được phù hộ. Hành sự xong rồi thì tới lễ tạ và xưng tội sám hối.
Mai Trừng và tôi cùng mấy đứa trẻ và con Ki đi khắp cái vườn chùa rộng um tùm cây lá. Chúng tôi giắt những chiếc phễu cháo lá đa vào khắp các gốc cây, các chẽ cây, các bụi song mây và dứa dại, vào các kẽ đá. Đám cô hồn được ngày no đủ. Có mấy người ăn mày tới nhặt cháo lá đa húp ngay. Đám khách du lịch có kẻ vô ý đá phải làm đổ cả phễu cháo.
Thình lình, có một kẻ nhẩy bổ vào tôi từ phía sau. Dù từ phía sau thì tôi vẫn cảm thấy. Tôi tức thì tạt sang bên, khéo léo tung lại cái chân trái để gạt cẳng đối phương. Cùng lúc Mai Trừng nhìn thấy kẻ nọ cầm dao xông vào tôi, nên vội lao lên để che chắn và đẩy tôi ra. Kẻ cầm dao bị tôi gạt ngã, nhưng đang đà lao tới, đâm sầm vào Mai Trừng. Cả hai ngã vật xuống đất.
Con Ki lao tới cắn vào tay kẻ nọ và tước được con dao. Tôi vặn tay kẻ xoã tóc kia, lôi dậy. Một mụ đàn bà. Một cặp mắt căm thù đến mức cuồng dại. Mụ ta hất mớ tóc lấp đầy trên bộ mặt nhớp nháp mồ hôi ra. Yên Thanh.
- Tao căm thù mày.
Cô ta rít lên. Thách thức. Sẵn sàng chịu sự trừng phạt tồi tệ nhất.
Thì sự trừng phạt đã hiện ngay trên gương mặt Yên Thanh. Nét đẹp hoa khôi vẫn thoang thoáng còn, nhưng tàn tạ héo úa. Chẳng rõ vì ngọn lửa hận thù trong lòng đốt cháy dần những gì tươi tắn? Hay là vì sự trác táng đàng điếm thâm quầng trên mắt, khô héo trên da mặt? Hay là vì cả hai.
Tôi đẩy cô ta về phía mấy người bảo vệ cùng một đám đông đang xúm lại.
Mai Trừng bị một vết chém vào cánh tay. Vết chém khá sâu, nhưng không chạm xương. Máu ra nhiều, chúng tôi đưa cô vào chùa, dùng bông băng để cầm máu. Sư cụ chỉ nhìn thấy mờ mờ. Cụ luôn miệng kêu Nam Mô A Di Đà Phật, sao lại ngay ở nơi cửa Phật thế này? Sao lại vào ngày xá tội vong nhân thế này?
Không trầm trọng. Băng bó một chút là ổn. Tôi và Mai Trừng đi ra sau chùa. Tránh những lời xót thương của sư cụ. Tránh ba đứa trẻ vừa mới chịu tang lại suýt phải chứng kiến một cái chết nữa. Tránh xa đám người ồn ào hiếu kỳ.
- Rốt cuộc nữ thần đồng trinh đã bị chảy máu. Tôi nói đùa. Tôi nhớ chuyện ở một nước Nam á, người ta có tục tôn những bé gái lên làm nữ thần sống, làm nữ thần đồng trinh. Thần thánh không bao giờ chảy máu như người phàm trần. Nữ thần cũng sẽ bị phế truất khi nào đến tuổi dậy thì, hoặc bị tai nạn xước da chảy máu.
Nữ thần đang ngồi bên tôi cũng vậy. Chỉ trước đây mấy ngày thôi thì đừng hòng lưỡi dao kia chạm được vào người cô. Con mụ Yên Thanh sẽ phải lăn quay ra với cánh tay đau đớn bất động.
- Em có tiếc vì không trừng phạt được nữa hay không? - Em sung sướng vì được làm người bình thường.
Mai Trừng lại trả lời đơn giản. Cô ngả đầu lên vai tôi. Hình như cô thiu thiu ngủ. Gió xào xạc trên này. Biển rì rào dưới kia. Tất cả đều như đang hát ru.