Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Cõi người rung chuông tận thế

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6066 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cõi người rung chuông tận thế
Hồ Anh Thái

Chương 7

Phải nhanh lên đi gặp Mai Trừng. Khoảng thời gian sống  của tôi đang dần dần bị thu hẹp. Nếu không nhanh chân, chưa  biết chừng tôi không thể đến kịp để xin được sám hối. Biết đâu cô  vẫn nghĩ là tôi đang săn đuổi cô. Không đâu, nếu Mai Trừng có  khả năng linh cảm siêu nhiên, xin cô hãy chứng giám và ghi nhận  tấm lòng thành và lương thiện của tôi. Ở đó không còn hận thù và  độc dược nữa.
Tôi thấy mình đang cạn kiệt sức lực. Tôi đang yếu dần đi.  Nhưng tôi sẽ cố gắng tới nơi bằng chiếc xe Toyota Corona thằng  Phũ để lại.
Tôi bỏ lên ghế sau hai hộp nước khoáng và hai hộp giấy đựng  thực phẩm. Bánh mì, thịt hộp và rau quả hộp... Nước nôi và thực  phẩm đủ dùng cho hai tuần mà không phải mua bất cứ một thứ gì  bên đường. Biết đâu những thứ bên đường ấy lại có độc dược dành  để hoá kiếp cho tôi?
Tôi mang theo con Ki. Người bạn duy nhất và đáng tin cậy  nhất còn lại. Tôi muốn viết cho anh Thế một bức thư. Thư sẽ được  đặt vào một chỗ nào đấy để sau mấy ngày anh mới tìm thấy.
Nếu có chuyện gì không hay xẩy ra cho em thì anh cũng  đừng ngạc nhiên. Nhân nào quả ấy, em gieo gió thì phải gặt bão.  Thằng Phũ và hai đứa bạn nó cũng vậy thôi (Viết như vậy bí hiểm  quá. Nói chuyện nhân quả với những người theo khoa học duy vật  thì khác nào đánh quả tù mù). Không ai phải chịu trách nhiệm  trong những tai họa này hết. Cái ác phải chịu trách nhiệm về  những hành vi tàn ác của chính nó (Lại càng thêm mù mờ. Bằng  ấy mạng người mà lại không có ai phải chịu trách nhiệm, mà lại đổ  hết cho cái ác. Người đọc thư sẽ không hiểu anh em họ, con cháu  họ ác ở chỗ nào). Cũng có thể em sẽ trở về, nếu như em được tha  thứ (Ai là người có quyền tha thứ trong chuyện này?) Xin anh  đừng có tìm kiếm ồn ào lên (Dặn anh Thế điều này là thừa).
Tôi đã viết. Rồi tôi xé đi. Lý trí mang tính vật chất không  hiểu nổi bức thư nửa như thông báo nửa như tuyệt mệnh kiểu ấy.
Giấy tờ tuỳ thân tôi mang theo đủ. Tôi có mệnh hệ nào, người ta sẽ  gọi điện báo về ngay cho anh Thế.
Tôi chỉ nói với anh rất đơn giản. Em có việc phải đi ít ngày.  Không nói nhiều. Không giải thích. Bao nhiêu lần tôi đã đi như  vậy. Anh Thế không hỏi gì. Nhưng tôi thấy một ánh thảng thốt  trong mắt anh. Anh vốn có gương mặt chính khách. Không một  chút xao động. Không một chút biểu cảm. Càng không bao giờ lộ  vẻ vui mừng, giận giữ, lo âu. Thảng thốt lại càng không.
Tôi phóng xe dọc theo Quốc lộ Một, xuôi về hướng nam. Con  đường này xưa kia bà giáo Miên từng đi, cha mẹ Mai Trừng từng  đi. Cô cũng vừa đi qua. Chẳng biết tôi có theo được dấu Mai Trừng  mà tìm ra cô hay không. Phải tìm cho bằng được để sám hối, bằng  không số phận tôi sẽ bị kết liễu chỉ trong vòng ít ngày nữa.
Buổi trưa, tôi dừng lại ở Thanh Hoá để ăn trưa. Buổi tối, tôi  dừng ở Vinh để ăn tối. Rồi nghỉ lại một nhà trọ đơn giản và sạch  sẽ. Bữa nào tôi cũng cho con Ki ăn trước, uống trước. Nó xong bữa  thì tôi mới ăn. Như vậy là an toàn. Thức ăn của tôi không hề bị  đầu độc. Ai nhìn vào cũng thấy một ông chủ yêu chó. Ông ta âu  yếm ngồi nhìn người bạn đường của mình ăn cho bằng hết. Nhưng  người bạn đường thuỷ chung bây giờ có khác gì thân phận một kẻ  hầu, một gã đầu bếp của một tên bạo chúa đa nghi. Hoá ra tôi thực  lòng tha thiết sống. Tôi còn quý cái mạng sống của mình lắm lắm.
Nhưng ngày thứ hai đi trên đường, tôi đã bắt đầu thấy uể  oải. Phản ứng trên đường đã kém tinh nhậy. Cơ thể cũng dần dần  tê mỏi, rã rời, sa sút hẳn. Hình như càng tiến đến gần nơi Mai  Trừng ở thì tôi càng đến gần cái chết. Sao vội vàng thế? Cô hãy để  cho tôi được gặp, cho tôi được nói hết, cho tôi được cầu xin. Rồi sau  đó cô hẵng cân nhắc mà phán xử.
Chiều tà, tôi đến vùng Cửa Lớn. Một vùng nửa nông nghiệp  nửa ngư nghiệp. Ở phía bờ biển, người ta làm nghề chài lưới, thu  nhập thấp mà thân phận bọt bèo đem gửi chung thân cho biển,  biển thương cho ngày nào được ngày ấy. Vài năm gần đây, đám  dân chúng thành thị và khách du lịch đột ngột phát hiện ra rằng  Cửa Lớn có một bãi cát phẳng và rộng thoai thoải, đẹp vào bậc  nhất, sạch sẽ vào bậc nhất. Thế là Cửa Lớn trở thành một bãi tắm  nức tiếng. Người khắp nơi ùn ùn kéo về. Hợp tác xã ngư nghiệp cắt  cử các đội thay nhau ra làm dịch vụ cho bãi tắm, thu nhập cao hơn  nghề chài lưới đầy bất trắc. Đàn ông ra cho thuê phao, canh bãi tắm và cứu người. Đàn bà đi bán cá, bán quần áo tắm và những đồ  thiết yếu. Du khách đổ tới thì gái làng chơi cũng đổ tới. Một khi  cầu lớn hơn cung thì sử dụng lực lượng phụ nữ ngay tại địa  phương.
Nửa vùng nông nghiệp phía trong đất liền vẫn ghen với sự  phất lên đột ngột của nửa vùng ngư nghiệp. Ở phía trong, đất đai  canh tác được, người dân vẫn trồng rau cấy lúa, cam chịu số kiếp  bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Thời chiến tranh tất cả đều  nghèo. Bây giờ thành thị khá lên, bãi biển khá lên, chỉ có người  nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo.
Tôi đang phóng xe đi trên vùng đất nông nghiệp. Những  gương mặt tối sầm sầu muộn. Những đôi vai gầy oằn dưới đòn  gánh kẽo kẹt. Những chiếc nón lá tả tơi. áo quần tả tơi.
Thốt nhiên có mấy tiếng súng nổ đoàng đoàng ở đằng trước.  Cánh đồng lúa đang làm đòng tràn ngập dân thường cầm cuốc  xẻng, đòn gánh. Bóng áo vàng công an đang dàn ra. Một dòng  người từ dưới ruộng chạy rầm rập lên trên đường. Một vụ án  mạng? Một vụ cướp bóc? Tôi vội dừng xe, rồi cho xe quay đầu, định  chạy cho xa cái nơi rắc rối chẳng phải đầu cũng phải tai.
Những người nông dân ào ào chạy tới. Người ta quây lấy xe  tôi. Người ta tranh nhau nói, thứ ngôn ngữ mà họ nói chậm chưa  chắc tôi nghe ra. Nhưng nhìn hai người đàn ông nhuễ nhoã máu,  người ôm đầu, kẻ ôm tay, tôi đã hơi hiểu. Chú ơi chú làm ơn làm  phúc đưa giúp bầy tui hai người ni tới bệnh viện, nỏ xa mô.
Con Ki ngồi ở ghế trước. Tôi mở cửa sau cho hai người đàn  ông dìu hai người bị thương vào ghế sau. Họ dẹp mấy hộp nước  khoáng và thực phẩm của tôi xuống dưới chỗ để chân và ngồi được.  Tôi cho xe phóng vút đi.
Bốn người đàn ông, người nọ chêm lời cắt lời người kia. Đoạn  đường hơn mười cây số tới bệnh viện đủ cho tôi hiểu chuyện gì  đang xảy ra. Nông dân Cửa Lớn bình quân mỗi người chỉ còn một  sào đất canh tác, không đủ lúa gạo để sống, đã phải kéo nhau đi  tìm nghề phụ. Phải lên núi, phá núi lấy đá đem bán. Phải phá hết  cả núi Bút, non Nghiên, hòn Bảng, là biểu tượng một thời học  hành khoa cử của quê hương, để đến nỗi con cháu bây giờ, cả  huyện mỗi năm chỉ còn vài ba đứa được vào đại học. Cùng đường  rồi vẫn không được yên thân, mới đây ông tỉnh lại quyết định cắt  của Cửa Lớn máy héc ta đất để thực hiện một công trình kinh tế - thương mại - du lịch. Kinh tế gì đâu, thương mại gì đâu, du lịch gì  đâu. Mấy héc ta nguồn sống của người nông dân Cửa Lớn sẽ biến  thành khu vực đệm cho bãi tắm. Từ đây tới bãi tắm chỉ có mấy cây  số. Khách ăn chơi sau một ngày ngụp lặn dưới biển sẽ kéo về đây  nghỉ ngơi giải trí. Người nông dân bỗng nhiên bị mất đất gieo  trồng.
Hôm nay, người ta huy động lực lượng công an và chính  quyền tới. Chính quyền đứng trên đường, công an đứng dưới bờ  ruộng. Lúa đang đâm bông, dân làng kéo ra chăm lúa thì bị chặn  lại. Cả làng bèn mang gậy gộc cuốc xẻng đổ ra. Công an dưới bờ  ruộng dùng dùi cui. Dùi cui chán, họ bắn chỉ thiên. Như ong vỡ tổ.  Lúa con gái bị dày xéo quằn quại. Người bị ngất. Kẻ bị thương.
Cái lão chủ tịch đứng trên bờ đó, một người bảo, hồi chiến  tranh hắn hoạt động ở bờ bên kia, được bà dì tôi nuôi giấu dưới  hầm bí mật. Vậy mà sau này khoán nông nghiệp, hắn cho người  tới bắt gà bắt lợn nhà tôi để thế chấp, vì nhà tôi không đủ thóc để  nộp khoán.
Cái lão công an đứng dưới ruộng đó, người khác tiếp lời, hắn  tới nhà tôi bảo cần mấy cây gỗ để lót đường cho xe tải đi qua  quãng đường lầy lội. Tháo cột gỗ thì phải dỡ cả cái nhà. Cả gia  đình tôi sẽ phải xuống hầm để ở. Nhưng mà, nhà tan cửa nát cũng  ừ, quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau. Rồi mới trắng mắt ra đó,  chừ đã cực mà sau vẫn cực. Hắn còn cho người đánh tôi toang máu  đầu ra ri.
Tôi đưa họ đến bệnh viện. Họ được băng bó qua loa. Cũng  chẳng có tiền đâu trả viện phí mà ở lại bệnh viện. Tôi biết họ sẽ  phải đi bộ trở về, nên nán lại chờ. Đưa họ về gần đến nơi xảy ra vụ  đụng độ, tôi cho họ xuống. Tôi vòng sang đường khác, đi về phía  bãi tắm Cửa Lớn.
Tôi dừng xe trên một quãng đường vắng, bên một hàng  dương. Phải ăn tối đã, rồi mới đi tìm chỗ nghỉ. Tôi lấy nước, lấy  bánh, lấy đồ hộp ra cho con Ki ăn trước. Xin người bạn đường hãy  thứ lỗi. Ta biết rằng biến bạn bè thành vật thử nghiệm, thành vật  hy sinh như thế là không phải lẽ một chút nào. Nhưng thử hỏi ở  đời này đã mấy ai dám hy sinh mạng sống vì bạn bè. Thời nay thật  khó tìm ra một tình bạn dám xả thân cho nhau.
Tôi lại đang thèm sống hơn bao giờ hết.
Lòng đầy cắn rứt, tôi lặng lẽ ăn bữa tối trong đêm.  Bất chợt, con Ki chồm dậy, hướng về phía đuôi xe mà sủa.  Tiếng đàn bà lao xao đến gần. Họ dừng lại ở một quãng cách an  toàn để không khiêu khích con chó. Rồi một người gọi. Anh ơi một  phát tàu nhanh, năm đồng thôi mà.
Tôi thu dọn đồ ăn thức uống. Tôi mở cửa bên phải cho con Ki  lên ghế trước và phóng xe đi. Đến một chỗ vắng hơn. Một bên là  ngọn núi tím thẫm in hình trên trời sao chi chít. Một bên là hàng  dương chạy dần xuống bãi cát. Những con sóng biển lấp lánh lân  tinh ngoài xa.
Tôi càng cảm thấy Mai Trừng đang ở gần đâu đây. Có cái gì  như lời mách bảo từ phía ngọn núi, từ phía hàng dương, từ phía  bãi cát và từ phía những con sóng lân tinh. Tôi gục đầu xuống vô  lăng, ngủ quên mất một lát.
Tiếng sủa của con Ki đánh thức tôi dậy. Lại có mấy bóng đen  cười rúc rích bên một cây dương. Lại những tiếng mời chào không  một chút màu mè. Tôi thoáng chốc thấy thèm muốn. Biết đâu đây  là lần cuối cùng của đời tôi. Với người đàn ông chừng nào còn có  thể thì hãy tận dụng ngay cơ hội, vì anh ta lúc nào cũng muốn  nhưng không phải lúc nào cũng có thể.
Nhưng cũng trong thoáng chốc tôi nhớ ra hoàn cảnh của  mình lúc này. Có thể ngày mai tôi sẽ gặp được Mai Trừng. Có thể  ngày mai tôi sẽ phải xưng tội. Trước một cuộc xưng tội, người ta  phải thụ trai, phải dọn mình cho thật sạch sẽ thanh khiết.
Tôi lại phóng xe đi, vòng theo chân quả núi nhỏ.  Đến dưới một lùm cây thực sự hoang vắng. Chỉ có tiếng tắc  kè vang lên từng chặp và tiếng dế ri ri. Bây giờ tôi mới thực sự  cảm thấy được yên tĩnh. Tôi nằm co người trên chiếc ghế sau. Con  Ki nằm ở ghế trước. Hầu như đã kiệt sức, tôi rơi ngay vào một giấc  ngủ mê mệt.
Tôi choàng tỉnh dậy lúc gần sáng. Tiếng chuông chùa rung.  Một tiếng chuông lớn và những tiếng chuông con. Một bản hoà âm  những tiếng chuông xôn xao, phấp phỏng, vang động những lời  cảnh báo. Tiếng chuông đổ tràn từ trên đỉnh núi xuống, vung vãi  khắp bờ cát xung quanh, rơi vỡ vụn khắp trên mặt đất như những  mảnh thuỷ tinh. Không gian đầy chật những mảnh vỡ lanh canh,  loang choang, loảng xoảng.
Chuông báo ngày tận thế rồi chăng?
Tôi hầu như không cất mình dậy nổi. Không mở mắt ra nổi.  Có lẽ tôi đã thực sự kiệt sức. Tôi sẽ không đến kịp giờ sám hối. Tôi  đã rơi vào cõi huỷ diệt. Chuông vẫn khua dồn dập xung quanh.  Một núi mảnh thuỷ tinh vỡ vẫn đổ ập xuống xung quanh. Tôi cứ  lịm dần, lịm dần đi.
*  * *
- Chú ơi, chú đã dậy chưa? Sao chú không vô nhà khách mà  lại ngủ ở đây?
Tiếng một đứa bé con gọi. Gọi năm lần bảy lượt tôi mới hơi  tỉnh lại. Thoạt đầu tôi vẫn ngỡ là mình nằm mơ. Bên một chân núi  nhỏ. Trong cái thế nằm ngửa nhìn lên, tôi thấy sườn núi là cả một  rừng thông xanh óng ả. Trên đỉnh núi có một ngôi chùa. Lác đác  mấy người khách ra bãi biển sớm đã bắt đầu len lỏi theo lối mòn  leo lên vãng cảnh chùa. Phía ngoài biển, mặt trời bắt đầu nhô lên.  Một mặt trời bầm tím như lời cảnh báo về thảm họa sắp tới.
Giờ tôi mới ngồi dậy. Bên cửa xe là một thằng bé đội mũ lá.  Khắp người nó đeo đầy những chuỗi hạt vỏ ốc, những dây chìa  khoá, những vòng, những hoa tai lưu niệm làm bằng vỏ ốc, vỏ sò.  Tay nó cầm những túi mực khô cá khô. Đi bán hàng, gương mặt  đen nhẻm của thằng bé lại có vẻ chất phác lạ lùng. Cặp mắt mầu  nâu trong veo. Trời ơi, lại một cặp mắt nâu như mắt tôi. Lạ lùng  nữa là thằng bé có thể tiến đến sát cửa xe mà con Ki không sủa,  cũng không đuổi. Dường như cảm thấy nó là người quen. Dường  như cảm thấy nó vô hại.
- Này cháu, đây vẫn là Cửa Lớn phải không?  Tôi dụi mắt hỏi.
- Chứ không phải Cửa Lớn thì là nơi mô?
- Chùa trên núi là chùa gì?
- Núi ni là núi Bảo Sơn. Chùa trên núi gọi là chùa Bảo Sơn.  Thằng bé cười. Như cười một đứa bé đang học bài vỡ lòng.
Tôi bước ra khỏi xe. Ngửa mặt nhìn núi. Ngưỡng vọng và có  chút run rẩy trong lòng. Tôi nhìn ra biển. Bãi cát phẳng và trắng  tinh. Sóng phập phồng thấp thỏm rút ra ngoài xa.
- Cháu có biết nhà cô Giềng không?
Tôi hỏi.
Thằng bé như đang loay hoay bỏ bớt mấy túi cá khô vào  trong cái bị đeo trên vai.
- Chú đi theo cháu.
Không nhìn tôi, nó bảo.  - Có chỗ để xe không?
- Chú đánh xe ra gần bãi tắm. Chỗ nớ có nơi gửi xe.  Thằng bé ngồi ở ghế sau. Tôi đưa xe ra gửi trước một nhà  nghỉ gần bãi tắm. Xong xuôi, hai chú cháu đi bộ cắt qua hàng  dương. Thằng bé đi sau tôi vài bước chân. Tôi có ý đi chậm để chờ.  Nhưng nó vẫn đi lùi lại một chút. Có cảm giác như nó đang ngắm  nghía tôi từ sau lưng.
- Chú là ai mà lại biết o Giềng?
Thằng bé bất chợt hỏi.
Tôi quay lại. Cặp mắt trong veo của thằng bé thoáng rung  lên.
- Hay chú là cha cháu?
Giọng nó như lên cơn sốt.
Tới đó thì lòng tôi cũng run lên. Lại thêm một điều ngang  trái gì nữa đây? Tôi từng là kẻ gieo nhiều ngang trái. Nhưng ở đây  thì không. Tôi xót xa vì thấy mình bất lực, không làm gì được cho  thằng bé.
- Chú đi tìm chị Trừng. Nghe nói chị Trừng đang ở với cô  Giềng.
Thằng bé sập mắt xuống, khô lạnh, đầy thất vọng.  - O Giềng là mạ cháu. Chị Trừng thì đang ở trên chùa.  Mỗi bước leo lên núi là một bước nặng nề. Thằng bé thú thật  là đã mừng hụt, tưởng tôi là cha nó về đây tìm lại mẹ con nó. Cha nó trở về trong dáng vẻ ấy thì thật đúng như nó từng mơ thấy. Đi  bằng ô tô riêng. Có một con chó béc giê bảo vệ.
Lần cuối cùng gặp cha, nó mới lên bốn. Bây giờ nó không nhớ  nổi gương mặt ông ta nữa. Mẹ nó gặp ông ta khi đi làm công nhân  đập đá ở công trường núi Bút. Sau chiến tranh, mẹ nó được giải  ngũ. Không công ăn việc làm. Trình độ văn hoá mới lớp bảy. Mẹ nó  phải đi làm công trường. Ông ta làm thầu khoán ở đó. Hai người  đưa nhau về chung sống ở căn nhà tranh của Giềng. Trong năm  năm, Giềng sinh được ba đứa con, hai con trai đầu, nay một đứa  con trai mười hai tuổi là nó, một đứa lên mười, và một đứa em gái  lên tám. Trong năm năm ấy, anh ta đi đi về về, nhưng họ chỉ sống  chung mà không cheo cưới. Anh ta vẫn thú thật rằng đã có vợ con  ở làng quê ngoài đất Bắc. Giềng chấp nhận cảnh sống ấy. Chấp  nhận cái cảnh đầu tắt mặt tối mà nuôi con. Sung sướng vì ít ra  mình cũng còn có ba mặt con. Nhiều chị em cùng đơn vị với cô năm  xưa chồng chẳng có mà con cũng không. Đứa con gái thứ ba được  chừng sáu tháng thì công trường hoàn thành việc phá sập núi Bút.  Người đàn ông cũng biệt tích luôn từ đấy.
- Mới rồi, cháu trốn mạ, đi tàu ra Bắc, tìm về làng Keo...  - Cháu mà đi được sao?
Tôi sửng sốt nhìn lại thằng bé. Mười hai tuổi, bé nhỏ nhom  nhem.
- Cháu vào làng, hỏi khắp mọi người, hỏi cả ông chủ tịch.  Chẳng ai biết ở làng có một người đàn ông tên là Quế, cũng chẳng  có ai từng đi làm thầu khoán ở công trường núi Bút... Cháu đi lang  thang trong làng hai ngày. Bà con cho cháu ăn. Mỗi người cho  cháu năm trăm một ngàn để mua vé tàu trở về quê...
Giọng thằng bé nghèn nghẹn. Nhưng cặp mắt nó khô khốc.  Những đứa trẻ như thế thuộc loại không có nước mắt.
Chúng tôi đã tới trước cửa chùa. Một ngôi chùa không lớn  nhưng có đủ ba dãy chùa thượng, chùa trung, chùa hạ. Chùa được  ưu đãi một vị thế đẹp. Biển trải dài dưới kia, thổn thức và hồi hộp.
Tôi đứng khuất sau những cây đại và những khóm mẫu đơn.  Tôi dặn thằng bé hãy vào gọi Mai Trừng ra, chớ nói là để gặp ai,  chỉ đơn giản là gọi cô ra đây có chút việc.
Mai Trừng từ đâu đó sau chùa đi tới. Cô đứng sững lại khi  nhận ra tôi. Có một ánh vui mừng trong mắt. Tôi bắt kịp ánh mắt ấy và bất chợt thấy tự tin hơn. Nhưng ánh mắt cô chuyển ngay  sang lo ngại. Rõ ràng không phải lo ngại cho cô, mà lo cho tôi. ánh  mắt ấy, giống như mọi lần và với những người đàn ông khác, như  muốn nói: Anh đừng lại gần, nguy hiểm lắm.
Tôi sợ cô bỏ đi ngay. Tôi vội sụp xuống trên hai đầu gối.  - Tôi đến để ăn năn. Tôi không còn dám nghĩ điều ác về Mai  Trừng nữa.
Một người thuyền trưởng không bao giờ quỳ gối. Ngay cả  trước thuỷ quái và bão tố đại dương. Nhưng sám hối và cầu xin  tha tội thì phải quỳ.
Mai Trừng cuống quít bước tới đỡ tôi dậy.  - Trong lòng anh không còn điều ác nữa thì anh không còn gì  phải sợ. Tôi cũng không còn phải sợ.
Thằng bé nãy giờ đứng ngây người xem cái cảnh lạ lùng.  Thấy tôi đã đứng lên, nó liền lảng đi.
- Tôi cũng sợ anh bị chết - Mai Trừng nói thêm. Cô như vừa  trút được một gánh nặng.
Sinh lực như bỗng chốc rót đầy vào cái thân hình trống rỗng  và cạn kiệt của tôi. Tôi bừng tỉnh thấy ánh dương bắt đầu dát ánh  vàng lên khắp chùa và cây lá. Mặt trời sáng rạng chứ không đỏ  bầm máu như lúc nãy. Cái tai ù của tôi bất chợt nghe thấy tiếng  chim ríu ran xung quanh.
- Tôi cũng cần phải ăn năn. Vì tôi mà bao nhiêu người phải  chết.
Mai Trừng nói. Cô dẫn tôi theo một lối đi khuất ra xa chùa.  - Nhưng đó là những kẻ ác, những kẻ định làm điều ác cho cô  cơ mà.
Tôi ngỡ ngàng nói lại. Chúng tôi cùng ngồi xuống một tảng  đá phẳng như cái bàn cờ tiên.
- Đã đành là thế. Nhưng tôi không chịu nổi khi luôn phải  nhìn thấy kẻ ác bị trừng phạt tàn khốc, ngay trước mặt mình. Dù  có thế nào, tôi vẫn thấy thương xót cho họ. Tôi bỏ đến đây là để  tránh gây thêm những cái chết khác.
- Cô định đi tu ư?
- Tôi thì tu sao được. Tôi đến ở với cô Giềng. Cô Giềng hàng  ngày vẫn đi gánh nước từ dưới giếng lên núi cho chùa. Tôi xin lên  đây làm công quả cho chùa. Bà sư cụ trụ trì vui lòng nhận. Vậy là  tôi có chỗ tạm lánh mắt người đời.
Tôi kể cho cô nghe chuyện thằng Cốc ở bãi tắm Bình Sơn.  Mai Trừng bảo cô vẫn còn nhớ mặt anh chàng ấy. Cô còn nhớ rằng  giữa đám bốn người đàn ông quây lại, chỉ có tôi định can ngăn trò  chơi nguy hiểm mà không ngăn được. Sau cái chết của thằng Cốc,  cô hoảng sợ bỏ chạy ngay về Hà Nội. Ngày trước hôm đó, cô cũng  đã làm cho một gã trai khác phải chết như vậy. Mai Trừng không  dám về nhà. Cô phải trốn vào khách sạn The Apocalypse, phải  trang điểm bôi bác cho xấu đi, phải thỉnh thoảng đội tóc giả. Cô sợ  bị chúng tôi săn đuổi. Đâu ngờ cô lại gặp chính tôi tại khách sạn,  ngay trong xưởng vẽ của Thuyền trưởng. Cô phải bỏ khách sạn để  về nhà. Cô thầm cầu nguyện cho tác giả của những bức tranh biển  không vì cô mà phải chết. Nhưng Mai Trừng hoàn toàn không biết  những cái chết xảy ra sau đó của thằng Bóp và thằng Phũ. Hình  như ở Sài Gòn, cô cũng mang máng biết có một tai nạn xe máy ở  phía sau lưng. Lúc ấy cô đang hoảng loạn về một việc khác, nên  không dám quay đầu lại nhìn, vội bỏ đi cho nhanh.
Giờ đây mới biết thêm rằng có những người chết khuất mắt  cô, chết vì điều ác vừa mới manh nha trong ý thức, chưa cần phải  trực tiếp và trực diện hành động.
Ngày hôm ấy, tôi kể cho Mai Trừng nghe chuyện cuộc đời đi  biển chìm nổi lênh đênh. Mai Trừng thì kể chuyện của mình.  Chúng tôi như hai linh hồn vật vờ trên biển. Tàu đắm. Thuyền  nát. Cùng bám được vào một cái phao. Cùng dạt vào một hoang  đảo. Chẳng còn cách nào khác hơn là phải nương tựa vào nhau.  Tin cậy lẫn nhau.
*  * *
Mười lăm tháng tuổi, Mai Trừng được bác Miên bế về Hà  Nội. Người con gái hai mươi bẩy tuổi bị cụt chân trái, phải chống  nạng, lưng đeo một cái ba lô tay bế một đứa con gái. Không ai  không cảm thấy xót thương khi nhìn cảnh ấy. Mãi mấy năm sau, Miên mới được lắp cho một cái chân giả. Đi đứng dễ dàng hơn. Đỡ  vướng víu hơn. Bạn bè kẻ ít người nhiều chi viện cho chút tem  phiếu đường sữa thực phẩm để nuôi con bé.
Con bé xinh đẹp lạ lùng. Một thứ tiên nữ bị oan trái sao đó  mà bị giáng xuống làm người trần. Nó đi học, được thầy yêu bạn  mến. Ai cũng nhìn nó không chán mắt. Nhưng hễ có người yêu cái  đẹp, thì cùng lúc phải có người lồng lộn lên vì cái đẹp. Có những  người bẩm sinh là kẻ khát máu, ngứa ngáy chân tay muốn đâm  chém người khác. Có những kẻ thấy giấy trắng thì thích vẩy mực  vào. Trong lớp vỡ lòng của Mai Trừng có một con bé như vậy. Nó  gầy quắt như một quả mướp sâu. Cặp mắt lồi to đầy lòng trắng,  nhìn đâu cũng ngờ vực và đầy ánh nham hiểm. Nó không hề có  một chút thiện cảm nào với Mai Trừng. Một hôm, vừa mới bắt đầu  giờ giải lao, Mai Trừng thấy nó ở bàn sau chen lên để ra trước, bèn  đứng nép lại để nhường. Con bé nọ đi qua, còn quay lại hạch sách  vì sao Mai Trừng không đi mà lại nhường đường. Mai Trừng đứng  im, nhẫn chịu. Con bé kia lập tức tuyên bố mày phải làm lính cho  tao, từ hôm nay tan học, phải vác cặp sách về tận nhà tao, sau đó  mới được về nhà. Hết giờ học, Mai Trừng phải khệ nệ ôm cặp sách  cho con bé kia. Vừa mới ra tới cổng, con bé lại hoạnh hoẹ sao lại  ôm cặp sách khó nhọc như thế. Rồi nó xông vào túm tóc Mai Trừng  định đánh.
Chưa kịp đánh thì con bé ngã vật ra. Mắt trợn trừng. Mép  sùi bọt.
Đám bạn cùng lớp chứng kiến cả. Nếu không, Mai Trừng  khéo mà mắc tội hành hung bạn.
Mai Trừng về kể chuyện với bác Miên. Nó muốn đi thăm đứa  bạn ốm nằm nhà. Bác Miên khuyên nó nên rủ bạn bè cùng lớp đi  luôn một thể. Cả lớp bước vào nhà thì không sao. Chỉ đến khi Mai  Trừng bước vào thì con bé kia chồm dậy. Nó vồ lấy con dao và quả  cam đặt bên cạnh giường, định ném vào mặt Mai Trừng. Nhưng  con bé đổ ngay xuống giường. Con dao và quả cam văng ra. Nó co  quắp, ằng ặc giãy giụa. Không ai nghĩ Mai Trừng có liên quan tới  căn bệnh của con bé. Có người lại nghĩ con bé mắc chứng loạn thần  kinh.
Sau này con bé phải chuyển đi trường khác. Chắc là tâm tính  của nó từ ấy trở lại bình thường. Chỉ có Mai Trừng là không quên  được cái ấn tượng rùng rợn khi con bé nọ lăn ra, giãy đành đạch.
Mai Trừng không hiểu ở mình có điều gì không phải mà làm cho  đứa bạn căm ghét đến thế. Kỷ niệm thời học trò vỡ lòng in một  khoảng tối trong ký ức Mai Trừng mãi cho tới bây giờ.
Cùng phố có một ông cán bộ tổ chức ngành điện góa vợ. Ông  hay bày tỏ quan tâm tới bác Miên bằng cách biếu một cái tem gạo  2 kg đúng lúc nhà hết gạo, một cái phiếu đường hay cái phiếu  dầu... Những thứ tình cảm mang tính thực phẩm vào thời buổi khó  khăn phần nhiều có tác dụng tốt. Tuy vậy, không phải lúc nào  Miên cũng dám nhận. Chị sợ mang nợ, lại nợ một người đàn ông.  Chị đã băm ba tuổi. Đấy là một nhược điểm. Chưa chồng là nhược  điểm thứ hai. Mang một cái chân giả là nhược điểm thứ ba. Nuôi  một đứa bé gái, chẳng biết cháu hay con, là nhược điểm thứ tư.  Biết chị có những bốn nhược điểm như vậy mà ông cán bộ điện vẫn  năng lui tới. Miên không dám tin là ông thích chị. Cũng chẳng  dám nghĩ ông có ý đồ u tối. U tối thì những khi cả dãy phố bị cúp  điện, ông đã chẳng để riêng cho khu nhà Miên sáng đèn. Mấy căn  hộ cùng số nhà được ăn theo nguồn ánh sáng đặc ân. Bao cấp là  thời những người cửa quyền được tự do ban phát đặc ân và sử  dụng cảm tình cá nhân nhằm trục lợi.
Một buổi tối, cả dãy phố đột ngột mất điện. Khu nhà Miên  cũng mất điện nốt. Chị vừa thắp ngọn đèn dầu lên thì ông cán bộ  điện tới. Ông chắp tay sau đít, gật gù kẻ cả:
- Để tôi bảo mấy cậu nhân viên đem ánh sáng tới cho cô.  Mấy cậu nhân viên chưa kịp đem ánh sáng tới thì chính ông  đã lăm le thổi tắt ngọn đèn dầu. Ông thổi trượt. Ông điện không  phải là xạ thủ để mà thực hiện trăm phát trăm trúng. Miên bê vội  ngọn đèn dầu, đặt ra chỗ khác. Ông điện từ bỏ việc lấy đường  ngắm vào ngọn đèn dầu. Mặc thây cái ngọn đèn dầu tù mù. Ông  lấy xạ kích vào mục tiêu chính. Ông sấn lại, xốc Miên lên một cách  dễ dàng, hùng hục lao tới và ngã chúi lên giường. Miên hoảng hồn.  Thực ra nếu ông điện từ tốn hơn thì chưa chừng chị đã chịu xuôi.  Lúc bình thường, chị thấy ông chẳng đến nỗi nào. Nhưng bây giờ  ông ta cứ sùng sục như trâu húc mả. Cái mồm đầy dớt dãi lại phát  xạ hành tỏi. Chị ghê tởm lăn lộn vòng tránh.
Đúng lúc con bé Trừng lao vào phòng. Chúng nó đang chuẩn  bị sinh hoạt nhi đồng khu phố thì mất điện. Đành giải tán. Nó  xông vào túm tóc ông điện giật ra. Cùng lúc đèn điện sáng bừng lên. Đám nhân viên canh bốt điện xem ra không tính đủ khoảng  thời gian dư dật cho thủ trưởng hành sự.
Ông điện xốc lại quần áo, đi ra hành lang. Mấy người ở tầng  dưới xôn xao kéo lên. Ông run run cười với họ rằng cái thứ gái già  khi đã lên cơn thì đàn ông phải chống chọi quyết liệt lắm mới bảo  toàn được nhân phẩm. Thị đã đè nghiến ông ra. Thị đã tụt ra, chỉ  một lần mà tụt được cả hai, vừa tụt được quần, vừa tụt được chân  giả...
- Ông cút đi.
Con bé Trừng hét lên. Nó xông từ trong nhà ra, mắt quắc  lên. Cặp mắt ấy là của một thiếu phụ bị xúc phạm, không phải là mắt một con bé lên bảy. Người biết điều chỉ nhìn ánh mắt ấy đã  rút lui có trật tự.
Ông điện thuộc loại đàn ông khác, không thỏa mãn dục vọng  thì trở nên đểu cáng lèm nhèm theo kiểu đàn bà hàng tôm hàng  cá. Ông quay lại cười với cái con bé đang xù lên dữ tợn. A, con bé  này hả, nó gọi bằng bác Miên xưng bằng cháu hả, bác cháu gì đâu,  nó là đứa con hoang.
- Ông im đi.
Con bé gào lên. Câu trước ông điện nhằm vào Miên. Câu này  mới đánh thẳng vào con bé.
Chẳng cần con bé Trừng phải quát cho ông điện im. Đang nói  dở câu thoá mạ, miệng ông bỗng cứng đờ, răng lợi như hoá đá. Ông  đã hoàn toàn cấm khẩu. Ông ôm cái mồm đau buốt loạng choạng  đi xuống cầu thang. Ông nằm liệt ở nhà mấy ngày. Không nói  năng gì được. Phải sau mấy ngày, đủ thời gian cho một chút ân  hận, ông mới khỏi.
Mấy năm sau lại xảy ra một chuyện khác. Lần này sự va  chạm lại do mấy người láng giềng sát vách gây ra. Gia đình ấy từ  lâu đã bỏ tất cả những gì có thể bỏ được ra hành lang để chiếm  thêm diện tích. Hành lang sàn gỗ trở thành cái bếp của họ, là nơi  rửa rau vo gạo, thậm chí còn tiếp khách trên cả ghế băng kê sát  tường. Ngày tết, hành lang biến thành nơi đun bánh chưng, suýt  nữa làm cháy cái sàn gỗ đen bóng có từ thời Pháp.
Đến thế, người láng giềng vẫn chưa cho là đủ. Một hôm họ  tuyên bố trống không với vợ chồng Miên rằng từ ngày mai họ sẽ  mở rộng diện tích ra tận hành lang. Lên khỏi cầu thang là bước ngay vào nhà của họ. Nhưng gia đình cô chú cứ tự nhiên, chúng tôi  cho phép cô chú đi qua căn phòng mới xây để về phòng mình.
Vợ chồng Miên đều là giáo viên. Đều hiền lành, ngại va chạm  ầm ĩ. Vô lý như vậy, bất tiện như vậy, mà họ chẳng biết tính sao.  Sáng hôm sau, bốn thằng con trai nhà ấy khuân về một đống tre  nứa và mấy cuộn giấy dầu, cót ép, quyết biến cái hành lang chung  thành căn phòng riêng. Con bé Trừng thấy thế không chịu được.  Khi bốn gã con trai cộng thêm bố chúng là năm, bắt đầu dựng cọc  làm khung cho căn phòng, thì con bé chạy ra. Nó đứng ngay giữa  nơi bọn người đang hì hục xây dựng phòng tuyến. Nó bảo sẽ đứng  mãi cho tới khi mọi người không làm nữa.
Một thằng kéo tay con bé ra. Nó dịch trở lại chỗ cũ. Một  thằng thúc vào lưng con bé, đẩy về nhà. Nó quay lại. Một thằng  văng tục, túm tay áo lôi xềnh xệch con bé đi. Trừng giằng ra,  bướng bỉnh đứng vào chỗ nó đã đứng.
Cả bốn gã trai phát khùng. Chả lẽ chúng chịu thua một đứa  con gái mười lăm tuổi? Chúng vồ lấy những khúc tre khúc nứa,  nhất loạt quật cho con bé một trận tơi bời.
Vũ khí tức khắc tuột khỏi tay chúng. Một cái gậy tre văng  lên cao, rơi xuống, đập đánh bốp vào đầu một thằng. Một cây nứa  vót nhọn tự quay đầu, xiên vào bắp đùi một thằng khác. Hai thằng  kia ngã vật ra giãy đành đạch như đồng loạt trúng gió. Bốn thằng  con trai to con rên rỉ gào thét động nhà. Hàng xóm phải đổ lên  chạy chữa. Thằng bị thương thì băng bó. Thằng phải gió thì đánh  gió giải cảm. Chắc là chúng bị ông trời trừng phạt vì một việc làm  quá đỗi ngang ngược.
Gia đình ấy phải lẳng lặng từ bỏ ý đồ độc chiếm cái hành  lang.
Vụ tai nạn tập thể lần này khiến Mai Trừng suy nghĩ. Vì sao  từ tuổi thơ, hễ có ai định tấn công con bé thì ngay lập tức gặp điều  bất trắc? Một lần còn là sự lạ. Hai lần còn là ngẫu nhiên. Nhưng  bỗng nhiên cả bốn gã trai cùng lăn đùng ra như thế thì thật khó  hiểu. Mai Trừng cảm thấy ở nó có một điều gì đó thật bí ẩn, thật  khác người.
Bác Miên lại không nhận ra điều đó. Bác tin người. Bác  không nghĩ xấu về con người. Bác thậm chí đã đi thăm ông điện cấm khẩu. Bác thậm chí còn mang dầu cao và cam chuối sang cho  bốn gã nhà bên.
Càng lớn, Mai Trừng càng hiểu ra rằng ở mình có một nguồn  nhân điện chết người đối với kẻ muốn đến gây điều ác. Một lần cô  đọc sách nói về con cá đuối điện. Cô đột ngột rùng mình. Tự phát  hiện là mình giống như một con cá đuối điện.
Đám sinh viên, đám trí thức và thương nhân không hay biết  điều đó. Họ cứ như thiêu thân lao vào lửa và bị trừng phạt. Rồi bác  Miên cũng cho Mai Trừng biết về cái chết thảm của cha mẹ cô. Bác  cũng nhắc lại lời người mẹ đòi đặt tên cho con gái là Mai Trừng -  ngày mai lớn lên, nó sẽ đi trừng phạt, diệt trừ kẻ ác để báo thù cho  cha mẹ. Không có những con người mà sứ mệnh duy nhất là tiêu  diệt kẻ ác, thì cái ác trùm lấp và tràn ngập cả thế gian này. Cái ác  sẽ đè nghiến lên thống trị cả một dân tộc. Cái ác sẽ diệt chủng cả  một giống nòi, sẽ tàn sát những gia đình, sẽ hãm hiếp những cô  gái.
Phải có người lĩnh sứ mệnh trừng phạt kẻ ác.  Dù sao Mai Trừng cũng thấy số phận nghiệt ngã khi chọn cô  làm việc ấy. Cô không dám cho bác Miên biết lời nguyền của mẹ, ý  nguyện của mẹ đã thành hiện thực. Bác Miên còn sợ sự trừng phạt  ấy hơn cả Mai Trừng. Con người chưa đến nỗi phải bị trừng phạt  đau đớn như thế. Con người dù sao vẫn có thể cảm hoá và cải biến  được bằng con đường giáo dục.
Khoảng nửa năm trước, Mai Trừng suýt trúng kế của một  tên kình địch với công ty Hồng Hoang. Tên này căm Quốc Đài đã  phỗng tay trên một số hợp đồng béo bở. Căm hơn nữa vì Quốc Đài  ngày trước là nhân viên của hắn. Khi từ bỏ công ty của hắn để lập  công ty riêng, Quốc Đài mang theo cả một danh sách bạn hàng đầy  tiềm năng và những tài liệu, những thông số kỹ thuật mới nhất  mà chỉ công ty của hắn mới có được. Hắn ngấm ngầm tiếp xúc với  Mai Trừng. Không thể dùng mỹ nhân kế trong việc này. Bản thân  con người hào hoa hấp dẫn của hắn là một cái kế. Hắn lấy một cái  tên khác, đội tên một công ty trung lập và hứa hẹn một hợp đồng  lớn với Mai Trừng. Hợp đồng ấy đủ sức thổi công ty Hồng Hoang  lên hàng đầu. Hợp đồng mặt khác sẽ quật ngã Hồng Hoang chết  hẳn trong cơn vỡ nợ. Quốc Đài và Mai Trừng sẽ phải ra tòa vì  khoản nợ kếch xù không thể trả được cho nhà băng.
tra cẩn thận mọi số  liệu về cái công ty đứng trung lập mà vẫn cho phép đội tên kia.  Rốt cuộc cái hợp đồng Mai Trừng đem về cho hắn xem ra hoàn  toàn đáng tin cậy. Mai Trừng đến trao đổi với gã nọ về cái biên  bản ghi nhớ, tức là hợp đồng chính thức chỉ sau vài ngày nữa sẽ  nằm chắc trong tay hắn. Đúng cái khoảnh khắc ăn chắc, trong đầu  hắn lóe lên ý nghĩ rằng con bé này đã vào tròng, thì chính cái tia  chớp sáng lóe đó đánh thẳng vào não bộ của hắn. Đang ngồi bên  bàn ăn, hắn giật nẩy người rồi đổ vật xuống, vục mặt vào bát mắm  tôm. Đám đàn em nhốn nháo xô ghế chạy tới đưa hắn đi bệnh  viện.
Hắn bị xuất huyết não. Cái sào huyệt của một mưu mô hiểm  ác bị tan rã. Liệt nửa người, lần đầu tiên tỉnh lại, câu duy nhất  hắn phều phào là hãy chấm dứt việc ký hợp đồng.
Sau sự cố ở bãi tắm Bình Sơn, về đến Hà Nội, Mai Trừng  được quyết định vào Sài Gòn nửa tháng để làm việc với một đối tác  mới. Cô đi luôn. Như vậy còn trốn được sự săn lùng của đám bạn  bè thằng Cốc. Ở Sài Gòn cô gặp Duy, một chàng trai gốc Sài Gòn  đã quen từ trước. Mai Trừng thích nghe cái giọng Sài Gòn dễ  thương của Duy. Cũng như các cô gái Nam bộ thích nghe cái giọng  dễ thương của một chàng trai Hà Nội. Mai Trừng còn thích Duy ở  chỗ không lần nào anh rủ cô đến vũ trường, đến quán karaoke,  đến những tụ điểm ồn ào toàn những gương mặt như được đúc  hàng loạt từ một khuôn. Duy đưa cô đến khu Đầm Sen, mua vé  ngồi câu cá cả buổi. Vừa giải trí, lại coi như được ngồi thiền cả buổi  giữa cái thời không thể ngồi thiền được. Thiền xong, họ quyết định  xả hết cỡ. Hai người đổ cái bình cá câu được xuống hồ, rồi leo lên  một chiếc đu quay. Như chỉ có hai người với nhau trong chiếc ghế  kiểu lồng sắt. Hét vang lên, cười vô tư, cười sảng khoái. Mai Trừng  ôm chặt lấy Duy mỗi khi bị nhấc lên điểm cao nhất, thoáng thấy  cả một khoảng thành phố phía xa, rồi bị ném xuống vun vút như  sắp chui vào lòng đất.
Có một trò hễ mỗi lần Mai Trừng vào Sài Gòn là Duy đưa cô  đi xem lại. Anh thích múa rối nước. Nhưng xem múa rối nước thì  anh chỉ thích đi với em. Vì sao vậy? Không biết, chắc có sự đồng  cảm. Duy trả lời đơn giản và thẳng thắn. Thế thì anh cứ tiếp tục đi  xem đi. Tất nhiên rồi, chờ đến lần sau em vào, hoặc anh ra Hà  Nội.
Cái trò nghệ thuật dân dã có một không hai trên thế gian  này, cái trò độc đáo sản phẩm của văn minh lúa nước đồng bằng  Bắc bộ này cuối cùng cũng đến được sông nước Nam bộ. Nó cũng  được Nam bộ hoá đi một cách ngộ nghĩnh và hồn nhiên. Trò bơi  thuyền câu cá với phần nhạc chèo nhộn nhịp sóng nước được thay  bằng điệu lý kéo chài đến là dễ thương. Dễ thương như chàng trai  Nam bộ đang cười rộ lên trước những con rối hiếu động nghịch  nước. Dễ thương như lúc Duy dắt tay cô, đi vòng ra sau sân khấu,  xem các nghệ sĩ thu dọn con rối và đạo cụ, gạn hỏi xem vì sao con  rối có thể bất chợt chui từ dưới nước lên, vì sao chúng có thể nổi  bập bềnh trên mặt nước và di chuyển sinh động như thế.
Tối muộn, Duy đưa Mai Trừng về phòng cô ở khách sạn. Họ  nằm ôm nhau, chuyện trò giản dị. Chẳng nói chuyện tương lai,  cũng chẳng nói đến một dự định cụ thể nào. Mặc dù trong thâm  tâm Duy rất muốn nói. Cả hai cùng hiểu rằng họ rất cần nhau.  Hiểu rằng họ phải cùng cởi bỏ mọi ngăn trở gián cách giữa hai  người để đến với nhau, hoang sơ và nguyên vẹn. Đến với nhau mãi  mãi.
Thì tất cả những gì ngăn cách đã được gỡ bỏ. Em cần cho đời  anh. Duy nói đơn giản. Anh không nói anh yêu. Từ yêu thời buổi  này hiếm hoi quá thành ra xa xỉ, được nói ra dễ dãi quá đến mức  trơ trẽn. Trơ trẽn quá đến mức khó đánh động được những trái tim  tế nhị dễ bị tổn thương.
Em cũng cần anh. Mai Trừng nói đơn giản. Họ nhẹ nhàng và  âu yếm trườn sát vào nhau. Môi tìm được môi. Da thịt tìm được da  thịt. Hơi ấm tìm được hơi ấm. Hoà làm một cùng chung một nhiệt  độ, chung một nhịp thở, chung một thể xác.
Nhưng.
Cái bước cuối cùng để hai người thực sự xâm nhập, thực sự  tan hoà trong nhau chưa kịp tới. Duy bỗng bật ngửa như bị xé ra  rất mạnh. Toàn thân anh ưỡn lên, vặn vẹo như sắp bị bẻ gãy. Rồi  anh co quắp lại tư thế một con tôm. Mai Trừng hoảng hốt bật ngọn  đèn ở đầu giường. Thân thể vạm vỡ của một chàng trai phơi lộ,  trần trụi và ê chề.
Duy không kêu lên. Không rên rỉ. Anh cắn răng chịu đau  đớn. Đau ứa nước mắt. Nước mắt vì đau thì không ghìm nổi.
- Em có lỗi. Đấy là tại em. Không phải tại anh đâu.
Mai Trừng cũng không ghìm được nước mắt. Cô hầu như  chưa bao giờ khóc. Có khóc cũng không ra nước mắt. Bây giờ cô  chảy nước mắt lần đầu tiên. Người yêu cô cũng không được phép  yêu. Không được yêu mà vẫn phải nghĩ rằng mình có lỗi. Và nếu  anh cứ kiên trì theo đuổi mãi cái tình yêu này nghĩa là anh sẽ còn  tiếp tục đau đớn và thất bại.
Không thể nào giải thích cho anh hiểu được.  Không thể chịu nổi cái ý nghĩ phải từ bỏ anh.  Mai Trừng rời Sài Gòn trong tâm trạng ấy. Cô không thể  sống tiếp trong những đô thị để ngày ngày chứng kiến những con  người vật vã đau đớn ngay trước mắt mình. Mai Trừng phải đi cho  khuất cái cõi người chỉ muốn gây tai hoạ cho cô, và đến lượt mình,  cô lại gieo tai hoạ trở lại cho chính họ.
Và còn những người như Duy? Lẽ nào những chàng trai như  thế, hành động như thế mà cũng bị xếp vào loại phải chịu trừng  phạt?

<< Chương 6 | Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 609

Return to top