Trắng trước đỏ sau
Hồ Anh Thái
Hình dung màu sắc của cô mấy ngày ấy chỉ có trắng và đỏ. Trắng. Đỏ. Theo đúng thứ tự, trắng và đỏ. Trắng trước. Đỏ sau.
Cô đi lễ. Vào đền thờ, ngồi chắp tay cầu nguyện trước Thần Bảo Vệ Vishnu. Pho tượng Vishnu trong hiện thân Krishna, trang phục sặc sỡ, nhưng nhiều nhất vẫn là màu đỏ. Đĩa lễ vật dâng cúng có mấy loại hoa quả, một tràng hoa nhài, một tràng cúc vạn thọ. Hoa thiêng. Hoa nhài trắng. Hoa cúc vạn thọ vàng. Cúc vạn thọ vàng thẫm ngả sang màu đỏ, thì cứ coi là màu đỏ. Cô muốn quy nó về màu đỏ. Hoa trắng và hoa đỏ.
Rồi cô hướng sang tượng Sarasvati, nữ thần Trí Tuệ. Trang phục trắng, ngồi trên một bông sen trắng. Cô cầu nguyện.
Trắng. Xứ này coi màu trắng là tổng hòa của bảy màu khác nhau. Màu trắng vì vậy tiếp nhận tính thiêng liêng của cả bảy màu. Các vị thần nổi bật đều có màu trắng trên trang phục. Người đàn bà theo đạo Hindu thì mặc đồ trắng trong đám tang chồng.
Cô mang đĩa lộc cúng tế, đi bộ về nhà. Ở ngã tư, đèn vàng bật sáng mấy giây rồi chuyển đèn đỏ. Xe dừng hết cả lại, nhường đường cho xe cộ theo hướng đi ngang trước mặt. Cô cũng đứng lại, nghĩ, vàng trước đỏ sau. Đèn giao thông không ai sử dụng màu trắng. Bây giờ thì cô thầm quy ước vàng là trắng. Trắng trước, đỏ sau.
Cô treo tràng hoa nhài và cúc vạn thọ lên hai cái đinh phía sau cánh cửa, rồi mang đĩa hoa quả sang cho con bé ở phòng bên cạnh. Đến thuê nhà mấy tháng trời, mỗi lần đi lễ về, cô đều mang lộc cho con gái bà chủ nhà. Con bé đang ngồi giữa cả đống bi đổ tung tóe ra nền nhà. Hàng trăm viên bi thủy tinh đủ màu sắc. Một nữ thần tí hon nổi bồng bềnh trên mặt biển, giữa những trái bóng muôn màu.
Con bé rủ cô ngồi xệp xuống nền nhà cùng chơi.
- Cho chị chọn trước. Chị lấy màu nào?
Cô im lặng nhặt những hòn bi, để riêng ra một bên.
- Em cũng thích màu đỏ và màu trắng. Nhưng em còn thích màu xanh dương nữa.
Con bé reo lên. Nó lau chau nhặt thêm những viên màu xanh nước biển bỏ vào bên cạnh.
- Không, chị chỉ chọn hai màu thôi, trắng và đỏ.
Cô dứt khoát gạt những hòn bi của con bé ra.
Hai người chơi trò nhặt thóc, như trong một cổ tích. Đàn chim xuống giúp người nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo. Đây thì nhặt riêng ra những viên bi màu đỏ và màu trắng. Những màu khác thì dồn hết lại, bỏ vào một cái hộp đồ chơi to tướng.
Trên tivi đang phát bản tin của đài truyền hình toàn Ấn Độ về ngày bầu cử đầu tiên. Hôm nay. Còn ngày mai, chủ tịch đảng Quốc Đại Rajiv Gandhi sẽ về Madras diễn thuyết trước quần chúng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử ở đây.
- Chị nhận trước đi, chị bên đỏ hay bên trắng?
Con bé nhắc. Cô đang mải nhìn cái màn hình tivi. Hơi giật mình, dân chúng không mấy quan tâm những chuyện như vậy, xem làm gì.
- Chị nhận bên đỏ.
Hai người bắt đầu chọn màu cho bên mình. Đỏ ra đỏ. Trắng ra trắng. Con bé vun những viên màu trắng về phía nó, chăm chú nhìn đống bi theo kiểu một vị tướng nhìn những chiến binh mũ trắng trước khi xung trận.
- Em đi trước đi.
Cô bảo.
- Sao chị lại nhường em? Sao chị không đi trước? Anh trai em thì bao giờ cũng tranh phần đi trước.
- Vì chị là chị, chị không phải là anh của em.
- Chị có anh trai không? Anh ấy có tranh phần của chị không?
Cô hơi thừ người ra. Có không nhỉ? Có chứ, những hai người anh trai. Họ có bao giờ bắt nạt hoặc tranh chấp với cô hay không? Ngay lập tức thì không thể nhớ ra. Mọi thứ đều mờ nhòa, kể cả gương mặt họ.
Truyền hình đang nói về xung đột ở vùng đông bắc xứ Sri Lanka. Du kích người Tamil bên ấy đòi thành lập một nhà nước riêng rẽ, đòi ly khai và gây xung đột với quân chính phủ. Lực lượng gìn giữ hòa bình Ấn Độ được gửi sang bảo vệ quyền lợi cộng đồng người Tamil, nhưng lại bị chính du kích người Tamil quay lại tấn công. Hận thù lại chĩa mũi nhọn vào Ấn Độ. Những người Tamil chủ trương ly khai bên ấy thề sẽ trả thù “nước mẹ” Ấn Độ. Mấy năm qua, trai tráng Tamil bị cuốn vào cuộc chiến, có nhà cả mấy anh em đi chiến đấu, cả mấy anh em đều chết. Tang tóc khắp nơi...
- Chị đừng xem tivi nữa.
Con bé xoay người, bấm nút điều khiển từ xa, tắt cái tivi.
- Chị gái em cũng hay tranh phần của em. Ngày mai trường cho nghỉ, đi chào mừng ông Rajiv Gandhi đến diễn thuyết, chị ấy cũng tranh phần đi, bắt em ở nhà.
- Em đừng có đến đấy.
Cô nhăn mặt ghê sợ. Trẻ con, chúng nó biết gì. Chỉ là đi xem mặt ông cựu thủ tướng trẻ và đẹp trai. Nếu không thì cũng là một ngày được nghỉ học, được đi chơi, được phát nước ngọt và bánh mì.
- Nhớ nhé, trẻ con đừng có đi mít tinh.
Cô nhắc lại.
Cô vẫn nhớ một giai thoại về chính ông thủ tướng này. Khi Rajiv Gandhi lên chín tuổi, bị ngã gãy tay, người mẹ là Indira Gandhi đã bảo con: đời con, rồi sẽ còn nhiều lần vấp ngã, nhiều lần đau đớn hơn là gãy tay nữa. Người dạy con câu ấy sau này hai lần làm thủ tướng, rồi bị ám sát. Người con ngày ấy bây giờ rất có thể sắp làm thủ tướng lần thứ hai.
Cô bảo con bé:
- Bây giờ thì em đi trước đi.
- Không, em nhường chị đi trước - Con bé vẫn tỏ vẻ rộng rãi.
- Không được. Màu trắng phải đi trước.
Con bé không nhận. Nó vẫn muốn nhường.
Cô phải nói dối:
- Các thần đã quy ước như vậy. Trắng trước, đỏ sau.
Rồi phải nói thêm:
- Nếu em muốn đi sau thì phải đổi bên. Em phải chuyển sang màu đỏ.
Con bé chấp nhận đổi bên. Hôm nay nó trở nên hào phóng đột xuất, và muốn bày tỏ thiện cảm đặc biệt với cô. Nó chỉ thích nhường cô. Nó nhấc tấm sari đứng dậy, đúng kiểu nữ hoàng maharani của một vị tiểu vương thời trước. Nó khoan thai bước, ba bước chân là cả một một chặng tam cấp của nữ hoàng bước lên ngai. Nó đi sang phía cô, trong khi cô phải nhổm dậy, chuyển sang ngồi bên phía nó.
Bây giờ thì cô trắng, nó đỏ. Trắng được đi trước, theo đúng quy ước của cô.
Một cuộc bắn phá từ trắng sang đỏ. Một cuộc phản công từ đỏ ngược trở về trắng. Trắng bắn đỏ. Đỏ bắn trắng. Chiến trường toàn màu trắng tang tóc. Chiến trường toàn màu đỏ của máu. Đấy là cô nghĩ. Con bé kia chỉ thấy trắng đỏ hòa hợp, những màu đẹp và thiêng. Thiêng vì trên y phục các thần bao giờ cũng có hai màu này, rồi mới đến các màu khác phối hợp.
Rốt cuộc thì màu trắng đã thắng. Cô bị hao hụt khá nhiều đám quân lính mũ đỏ của mình. Trong khi kiểm quân, số lượng mũ trắng của con bé áp đảo. Nó hể hả vui mừng. Nó đã hào phóng xử sự cho ra mặt một nữ hoàng, nhưng đối phương vẫn thua cuộc.
- Ngày mai có thể chị sẽ gỡ lại được. Mai chị lại sang chơi nữa nhé.
Con bé tỏ vẻ cảm thông.
- Mai chị không thể sang được.
Cô lắc đầu, rồi lại lấy làm tiếc là mình đã nói ra như vậy.
Ngày hôm sau, chính là ngày 21-5-1991. Chủ tịch đảng Quốc Đại Rajiv Gandhi đến bang Tamil Nadu vào ngày bầu cử thứ hai trên toàn quốc. Ông có cuộc gặp gỡ quần chúng ở huyện Sriperumbudur, cách thủ phủ Madras khoảng 40 cây số. Vị cựu thủ tướng 47 tuổi tin tưởng rằng lần này mình sẽ trở lại ghế thủ tướng, một lần nữa. Khi ông đến gần lễ đài thì một đám đông quần chúng hân hoan vây lấy ông, bày tỏ tình cảm. Một cô gái còn cúi xuống chạm tay vào bàn chân của ông, tỏ lòng kính trọng theo kiểu Hindu. Một tiếng nổ dữ dội. Rajiv Gandhi gục xuống không toàn thây.
Con bé ngồi trước màn hình, nước mắt lã chã chảy xuống gò má từ bao giờ. Nó khóc vì sự ghê rợn. Nó khóc vì thương ông cựu thủ tướng mà nó thấy là rất đẹp trai. Nó chạy sang gõ cửa phòng cô gái thuê nhà, có thể cô chưa biết tin.
Người ta sớm xác định được danh tính của kẻ đánh bom liều chết. Đó là một cô gái người Tamil ở Sri Lanka, vượt biển xâm nhập vào Ấn Độ để đánh bom trả thù. Cô ta có hai người anh trai bị chết trong lúc giao tranh với lực lượng gìn giữ hòa bình Ấn Độ. Thuốc nổ được quấn quanh người, bên ngoài phủ tấm sari màu đỏ rực che khuất tất cả. Kẻ đánh bom liều chết hai tay nâng một tràng hoa đến dâng cho Rajiv Gandhi, choàng lên cổ ông. Khi ấy, một tay cô ta lần bên sườn, bấm nút khởi động pin, nút màu trắng. Cô ta cúi xuống kính cẩn chạm tay vào bàn chân ông, đồng thời bấm nút thứ hai, màu đỏ. Nút trắng trước. Nút đỏ sau.
Con bé đẩy cửa bước vào phòng của cô gái. Không có cô trong phòng. Phía trong cánh cửa, nó thấy hai tràng hoa hôm qua cô đi lễ mang về. Móc trên hai chiếc đinh. Từ trái sang phải, tràng hoa nhài rồi đến tràng hoa cúc vạn thọ. Hoa nhài trắng. Hoa cúc vạn thọ thẫm đỏ. Trắng trước. Đỏ sau.
Đỏ. Màu đỏ là màu thiêng nhất, hay được dùng nhất trong những dịp cầu phúc lành như hội hè, cưới xin, ngày sinh... Trong lễ cúng, người ta tung bột màu đỏ lên những pho tượng thần. Phụ nữ thường quệt lên đường ngôi mái tóc một vệt son đỏ, dấu hiệu đã có chồng. Có hai lần người đàn bà vận y phục đỏ: một lần trong đám cưới, và lần cuối, khi đã chết và được đưa ra bãi hỏa táng.
Con bé nhớ hôm qua, lúc cô ra về, nó hẹn:
- Ngày mai chị lại sang chơi nữa nhé.
Cô lắc đầu:
- Mai chị không thể sang được.
Ngừng rất ngắn, nó lại cố hẹn:
- Rồi chị em mình sẽ gặp nhau nữa chứ?
Cô bảo:
- Chắc chắn. Rồi tất cả chúng ta sẽ gặp lại nhau.
Chú thích:
* Minh họa của Vũ Xuân Hoàn