Long ơi,
Chiều mai Ngọc mời long đi xi nê Ðại Nam, Long phải đi đấy nhé! Nếu Long không đi, Ngọc giận không giặt quần áo giùm Long nữa đâu. Chờ Ngọc ở cửa rạp đấy nhé! Nhớ đấy, đúng bốn giờ.
Yêu Long
Ngọc."
Cả gác trọ biết tin người yêu của tôi mời tôi đi xi nê. Chúng nó bàn tán kinh khủng. "Giáo sư" Thịnh buồn hiu. Luyến đã trở thành cụ Khổng Tử với triết lý "mèo mù vớ cá rán" của nó.
Bây giờ, đến lượt công tử Phát Diệm "giáo dục" tôi cách chiều chuộng người yêu. Về khoản này, Thông "cừ" hơn Thịnh. Vì nó đã có đào, đã quất ngựa truy phong để nàng Kiều rỗ huê của nó tháng đợi năm chờ mòn mỏi.
Thông hỏi tôi:
- Mày biết mày sẽ phải làm gì khi ngồi bên em trong rạp xi nê chưa?
Mông xừ La Bơ "kê" luôn một viên gạch Bát Tràng vào miệng Công tử Phát Diệm:
- Con nhà Thông có đi xi nên đâu mà đòi dạy nó. Mày chỉ biết "làm gì" khi ngồi bên con sen trong rạp cải lương.
Lý Thông gân cổ:
- Ðã có thời ông đưa em vào xi nê.
Khải cười xỏ:
- Ðưa nàng tiên rỗ huê của mày hả?
Công tử Phát Diệm gật gù, thách thức:
- Mày muốn không?
Mông Xừ La Bơ nhún vai:
- Muốn gì?
- Muốn tao tố cáo chuyện mày "đào mỏ" con sen của bà chủ trọ!
"Giáo sư" Thịnh vốn cay cú cái nghệ thuật kéo vi-ô-lông bản "Chiều ơi..." của mông xừ La Bơ, đang buồn hiu bỗng tươi tỉnh:
- Sao, đứa nào "đào mỏ" con sen nhà bà chủ trọ?
Công tử Phát Diệm đáp cộc lốc:
- Thằng Khải!
Khải tức Mông xừ La Bơ bĩu môi khinh bỉ:
- Tao đâu có nghề "đào mỏ". Nghề ấy của thằng Thông, tao không có tiền lẻ, đưa giấy trăm cho con Lời, nó trả lại tao. Nghề vay tiền đi coi cải lương vẫn là nghề của thằng Thông. Ðứa nào không tin cứ gọi con Lời lên mà hỏi.
Lập tức con sen nhà bà chủ trọ được "giáo sư" Thịnh gọi lên. Nó khai rằng "đổng lý" Nguyễn Ðệ vay nó hai chục hứa trả thành bốn chục nhưng đã quỵt luôn. "Ðổng lý" rời nhà trọ không thèm trả nợ con sen. Công tử Phát Diệm hai lần vay nó, trả vốn lãi đàng hoàng. Mông xừ La Bơ vênh vang hỏi con sen:
- Còn tao, tao cho mày tiền mấy lần?
- Cậu cho cháu mỗi lần, cậu lại bắt cháu giặt một lô quần áo!
"Giáo sư" Thịnh ôm bụng cười. Nó đắc chí:
- Người nghệ sĩ luôn hào hoa.
Nó đuổi con sen xuống nhà. Ðó, cái xã hội học trò đi trọ học nhỏ nhoi của chúng tôi đó. Có xã hội nào dễ thương hơn không? Công tử Phát Diệm bị một vố nặng nề, mông xừ La Bơ cũng không kém bi đát. Riêng Thịnh hãnh diện nhất vì hiên ngang rút cái giấy hai mươi đồng bà đầm xòe trả nợ cho "đổng lý" Nguyễn Ðệ. Tôi bảo Thịnh:
- Thằng "đổng lý" có tâm hồn nghệ sĩ.
Chỉ Thịnh và tôi hiểu ý nghĩa bốn tiếng "tâm hồn nghệ sĩ". Không khí...bới móc nhau trôi đi rất nhanh. Cái xã hội học trò đi trọ học lại gần gũi nhau.
Công tử Phát Diệm trở về vấn đề "làm gì khi ngồi bên em trong rạp xi nê." Tôi nóng lòng muốn biết vấn đề này. Bèn nói:
- Chúng mày đừng "kê" nhau nữa.
Và nhớ lời khen của Thịnh, tôi say diễn tả:
- Tao "lơn" được gái Hà Nội là niềm hãnh diện chung cho gác trọ này. Vậy chúng mày hãy giúp tao ý kiến.
Thông giơ tay trước:
- Tao có ý kiến.
Khải quay mặt đi:
- Nhớ đừng xui con nhà Long "vay" tiền em đấy nhé!
Thông cười xòa:
- Yên chí. Này nhé, mày cần mua kẹo chewing-gum. Mày bóc kẹo, đưa lên miệng nàng. Kẹo Chewing-gum là miếng trầu của câu chuyện tình ái trong rạp xi nê.
Tôi hỏi:
- Rồi sau đó?
Thông làm điệu bộ:
- Mày giả vờ đặt tay lên vai em thế này này... (Nó đặt tay lên vai tôi). Em không hất ra thì mày trườn tay dài ra, ôm cả hai bờ vai em (nó ôm tôi). Ðấy là tay phải. Còn tay trái mày thò sang nắm bàn tay em.
Trong chúng tôi, dễ chừng, chưa có đứa nào "ngồi bên em" cả. Luyến đã có vợ. Mà vợ thì không phải là người yêu. Nó có yêu vợ nó trước khi lấy đâu. Ông cụ nó cưới vợ cho nó đấy chứ. Nên tất cả đã lắng tai nghe công tử Phát Diệm "luận đề về..." ngồi bên em trong rạp xi nê.
- Rồi sao nữa?
- Uống hương tình trên môi em.
Ðến đây, Thịnh xua tay:
- Không nên đi xa hơn, cầm tay em là đủ đẹp rồi.
Công tử Phát Diệm lắc đầu:
- Mày lầm, Thịnh ạ! Nguyễn Bính bảo "Một trăm con gái thời nay ấy, Ðừng nói ân tình với thủy chung." Em nào yêu mình, cần phải đưa em đi thật xa.
Tôi hỏi:
- Ðến đâu?
Thông thản nhiên đáp:
- Khách sạn Ha-Le!
Khải bỗng nổi hứng, đồng ý kiến với Thông. Ít khi Mông xừ La Bơ "chịu" Công tử Phát Diệm, dù hai đứa cùng là chìa khóa mở kho cười vô tận. Nó khuỳnh tay, ôm một người tưởng tượng:
- Ðúng, đưa em đến đó tiện nhất, gần Âm Nhạc Học Xá của tao.
Thịnh chêm vào một câu tàn nhẫn:
- Ðể nghe mày cò cử bài "Chiều ơi..." hả?
Khải "chơi" lại liền:
- Không, tao sẽ hát cho em nghe bài "Ươm mơ" theo điệu sầm sà sầm sịt!
Cuộc "kê" nhau, "móc" nhau lại tái diễn. Và không đứa nào nghĩ tới chuyện giúp ý kiến tôi. Công tử Phát Diệm bị dồn vào chỗ bí, cuối cùng, đành thú nhận chưa hề đi coi xi nê, chưa hề ngồi bên một em nào đẹp đẽ, thơm tho trừ nàng tiên rỗ huê của nó. Tuy nhiên, Công tử Phát Diệm ngỏ ý thèm được đi với Bảo Ngọc. Nghĩa là, những anh học trò tỉnh nhỏ lên Hà Nội trọ học đều mang cái "mặc cảm nhà quê". Mỗi anh tự tạo ra một câu chuyện "phi thường" để nói phét, để "trộ", để chứng tỏ nước máy Hà Nội đã làm các anh hết chất nhà quê. Biết đâu, chuyện quất ngựa truy phong của Công tử Phát Diệm chả là chuyện phịa. Nếu là chuyện phịa, Công tử Phát Diệm hơi ngu. Tại sao nó không phịa thêm nàng tiên của nó đẹp lẫy lừng? Không, nàng tiên của nó phải rỗ huê anh em mới tin, chứ đẹp, anh em bỏ ngay. Nó sành tâm lý. Ở đời mình với tay không tới mà người khác với tay tới, mình bắt buộc phải ghen. Tôi đâm ra thương Công tử Phát Diệm, nhủ thầm sẽ gắp cho nó con "cá rán". Vì nó cũng là mèo mù, cũng khù khờ, cần được thánh nhân đãi ngộ.
Ðấu khẩu một lúc mỏi mồm, Luyến đi viết thư gởi cho vợ, Mông xừ La Bơ tới Âm Nhạc Học Xá. Công tử Phát Diệm phóng vê lô xô lếch lên cầu Gỗ uống cà phê. Thịnh rủ tôi đến phố Duy Tân ăn kem Cẩm Bình. "Trời càng lạnh, ăn kem càng ngon." Nó bảo thế. Nhưng tôi muốn ngâm nga tách cà phê phin, phì phà mấy điếu Cotab cho nó có vẻ...nghệ sĩ. Thịnh chiều tôi. Bây giờ, nó bám sát tôi vì nó hy vọng "em thứ hai" sẽ về tay nó. Thịnh gạ tôi:
- Hay chiều mai mày "cho" tao đi xi nên với em nhé?
- Lỡ em giận thì sao?
- Em đâu biết. Tụi mình tình cờ gặp nhau trong rạp.
- Ngồi gần nhau à?
- Ừ.
- Em mời tao, chắc em sẽ mua vé.
Thịnh móc túi, cử chỉ rất mã thượng:
- Ðừng để em mua vé. Tao mua sẵn ba cái. Mày giữ hai. Khi em đến mày đưa em vào. Tao chờ hết phim thời sự tao mới vào.
- Trong rạp tối, làm sao mà giới thiệu mày với người yêu của tao?
- Tao giả vờ mượn mày cái "pô gam".
- Lỡ em thấy có mày, em giận tao, em bỏ về thì sao?
- Em không giận mày đâu. Tao biết em yêu mày lắm mà.
Thịnh nói câu này bằng giọng hết sức đau khổ. Tôi đành chiều nó mà nhận lời đề nghị của nó. Thịnh dặn tôi:
- Ðừng vui miệng kể chuyện ở gác trọ nghe.
"Giáo sư" ái tình, nhà nghệ sĩ tài ba của tôi sợ trở thành chìa khóa cười thừ tư. Chiều hôm sau, Thịnh và tôi tới rạp hát Ðại Nam sớm nhất. Nó anh dũng mua ba cái vé hạng nhất. Tôi nhớ, bữa ấy, rạp Ðại Nam chiếu phim "Les aveniures de Tom Sawyer". Chúng tôi đi uống cà phê, mắt dán vào đồng hồ đeo tay. Thời gian như bị què chân. Nó bước châm đến sốt ruột. Ngồi mỏi đít, tê chân, hút gần hết bao Cotab, tâm hồn lử đử mà mới quá ba giờ rưỡi một chút.
Hai nhà nghệ sĩ lang thang bên đây hè phố Duy Tân, lòng hướng về bên kia trông chờ một màu áo. "Trông chờ một màu áo về đây ấp ủ trái tim côi giữa mùa đời lạnh lẽo." Ái chà, tôi có triển vọng viết văn chương mõ nữa.
- Liệu em có đến không hả, Thịnh?
- Không ai dại dột đùa với ái tình đâu.
- Có gì, tụi mình cứ vào coi phim nghe chưa? Rồi về, tụi mình "trộ" chúng nó. Nói thật là em chơi xỏ, tụi nó cười chết.
Thịnh triết lý còm:
- Rốt cuộc ở đời, thằng nào cũng có một lần làm chìa khóa mở kho cười vô tận.
Nó đoan chắc:
- Yên chí, tao sẽ kín miệng.
Tôi ngó đồng hồ. Còn thiếu năm phút mới đầy bốn giờ. Tại sao Bảo Ngọc tới muộn vậy? Tôi nhìn bên kia rạp Ðại Nam. Ngẩn ngơ. Nàng đến tự bao giờ, đang ngó trước nhìn sau kiếm tôi. Nàng đi với em nàng.
Chắc thế. Con cá rán mà Công tử Phát Diệm nhận phần đấy. Người con gái mà "giáo sư" Thịnh đang nhờ vả tôi làm quen giùm đấy. Tôi vỗ vai Thịnh:
- Em đã tới.
Thịnh vui niềm vui của tôi:
- Ðâu?
- Kia kìa, em đi với em của nàng.
Thịnh biến sắc mặt:
- Hỏng rồi!
Tôi hỏi:
- Sao, hỏng cái gì?
"Giáo sư" Thịnh, nhà tâm lý ái tình, gã thanh niên tự hào ăn nước máy Hà Nội hai năm, có bằng tú tài phần thứ nhất, đàn nhạc giỏi, "ca ve" mê như điếu đổ, gạt đi không hết gái đẹp, cũng có phút ngơ ngác như một dân "cả quỷnh" chính hiệu. Sấm sét ái tình mạnh thật. Nó làm Thịnh quên cả sự nói phét và hiện nguyên hình là một cậu học trò tỉnh nhỏ lên Hà Nội trọ học.
- Tao quên đề phòng.
- Ðề phòng ai?
- Ðề phòng em của tao. Có ba vé, giờ tính sao. Số vé mình mua chắc nó bán xa rồi. Tao hết hy vọng ngồi cạnh em.
Nó nuốt nước bọt ực một cái tiếc rẻ:
- "Ngàn năm một thuở", mày là mèo mù luôn luôn vớ cá rán. Ông đang muốn làm mèo mù giống mày đây.
Thịnh móc túi, cử chỉ rất mã thượng:
- Thôi, mày đi coi với các em đi. Nhớ lựa lời giùm tao nhé! Hỏi tên em của tao là gì rồi về cho riêng tao biết.
Tôi cầm ba vé hạng nhất, ngần ngại chưa dám băng sang đường. Thịnh khuyến khích tôi. Tôi thu hết can đảm, chạy nhanh, suýt bị xe đạp cán. Nàng đã thấy tôi, mỉm cười chào đón.
Nụ cười của Bảo Ngọc không làm cho tôi sung sướng như tôi đã tưởng. Mà chỉ làm tôi ngượng ngập, run sợ. Giá có Thịnh bên cạnh tôi? Nàng trách nhẹ:
- Long đến muộn quá!
Tôi thộn mặt ngó nàng rồi ngó xuống đôi giày. Và, chả hiểu phải làm gì, tôi cúi xuống thắt dây giày. "Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá" mà. Tôi không biết chào hỏi em nàng. Em nàng, đúng rồi. Vì nàng này bé nhỏ hơn nàng của tôi.
- Ăn kẹo đi!
Bảo Ngọc đưa cho tôi thanh kẹo Chewing-gum. Tôi quên cả lời dạy dỗ của công tử Phát Diệm. Ðáng lẽ tôi phải mua Chewing-gum mời nàng. Thì tôi lại chìa tay nhận kẹo của nàng. Tôi trở thành kẻ thụ động, một thứ mèo mù chính hiệu thuốc ho bà lang Trọc. Tôi trông thấy rõ ràng em gái Bảo Ngọc tới "ghi sê" mua vé. Mà tay tôi cứ thọc vào túi quần mân mê ba cái vé hạng nhất của "giáo sư" Thịnh. Thế rồi, Ngọc ngoắc tay. Tôi ngoan ngoãn theo sau nàng như một cậu em họ ở nhà quê mới lên Hà Nội, được bà chị dắt đi xi nê.
Trong bóng tối và "ngồi bên em", tôi không biết làm gì. Nhớ mang máng lời công tử Phát Diệm. Nhưng tôi sợ. Tôi sợ thật. Ðành thủ hai tay kín trong túi quần và đôi mắt nhìn thẳng lên màn ảnh. Bảo Ngọc hỏi câu nào tôi trả lời câu ấy. Nàng cứ hay nhỏ to chuyện trò với em nàng khiến tôi ngỡ nàng đang "chê" tôi "cả quỷnh". Thỉnh thoảng, Bảo Ngọc vỗ nhẹ vai tôi. Tôi nhát quá, thành thử, không cảm được cái mê man của sự vuốt ve của người yêu. Tôi biết tên em gái nàng là Thu rồi. Ngọc nhắc "Thu" luôn miệng, Tom Sawyer "lơn" gái còn giỏi hơn tôi, nó biết trổ tài mọn đi trên hàng rào y hệt người làm xiếc cho nàng của nó phục tài. Còn tôi, tôi ngồi câm nín. Và ngu ơi, ngốc ơi, mèo mù ơi, tôi say mê theo dõi những hành động của thằng Tom Sawyer hơn là chú ý đến Bảo Ngọc.
- Long buồn gì, hả?
- Không.
- Tại sao không nói?
- Nói gì?
- Nói chuyện với Ngọc.
Nàng khích tôi. Khốn nỗi, tôi quên hết cả những vần thơ tán gái, những vần thơ bồng bế của Xuân Diệu, Nguyễn Bính rồi. Nàng bóc kẹo, đưa tận miệng tôi. Thú thật, tôi xấu hổ hơn là cảm động, rung động. Tai tôi nóng bừng. Trống ngực đánh thình thịch:
- Long học trường nào nhỉ?
- Minh Tân.
- Lớp mấy?
- Ðệ tam.
- Quê Long ở đâu?
- Thái Bình?
Thái Bình! Nhiều thằng bạn Hà Nội của tôi nghe tôi bảo ở Thái Bình, chúng nó đã tròn mắt bỉ thử. Tôi khai quê hương mình với Bảo Ngọc, đâm ra lo. Ngại nàng chê dân Thái Lọ "con tâu tắng buộc bờ te tụi", nàng bỏ rơi tôi thì đời sẽ ê chê, cay đắng. Nhưng nàng lại đặt bàn tay (chắc thon mềm) lên vai tôi:
- Tại sao Long không chịu cúp tóc?
Tôi xuất thần nói một câu nặng tính chất lãng tử tài hoa:
- Vì Long là nghệ sĩ!
Nàng hơi to tiếng (bởi ngạc nhiên):
- Nghệ sĩ!
- Vâng.
- Ðừng vâng nữa, Long ạ! Long đánh đàn à?
- Không, Long làm thơ. Thơ Long hay như thơ Xuân Diệu.
- Tuyệt quá, tưởng Long chơi violon.
Thu góp lời:
- Gác "nhà" Long có ông nào kéo bài "Chiều ơi..." cứ như sẩm ở bến xe.
Tôi buột miệng:
- Mông xừ La Bơ đó.
Ngọc hỏi:
- Tây lai à?
Tôi giải thích cái "điển cố" La Bơ. Hai nàng châu đầu vào đầu tôi nghe. Chuyện gác trọ được kể thầm trong bóng tối. Bây giờ, tôi mới biết tôi ngồi giữa hai nàng tiên, hai nàng tiên không rỗ huê.
Tôi không nhìn rõ được sự cảm phục trên khuôn mặt hai người con gái Hà Nội, vì... tôi không dám nhìn hai nàng, khi bỗng dưng, cao hứng khoe mình làm thơ hay như Xuân Diệu, Nguyễn Bính. "Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá." Làm thơ là được rồi, cần gì phải làm thơ hay như Xuân Diệu, Nguyễn Bính. Bảo Ngọc vẫn đặt bàn tay mềm mại (tôi biết mềm mại rồi, bởi tay nàng không làm đau vai tôi) lên vai tôi. Qua chiếc pullover dầy, chiếc sơ mi, hơi ấm tự bàn tay nàng lan tỏa "bờ vai" của tôi. Lửa tình đó. Nàng nhỏ nhẹ:
- Làm thơ có khó không hả Long?
- Dễ mà.
Thu chộp lấy cánh tay tôi:
- Long dạy Thu làm thơ nhé?
Tôi hãnh diện đáp:
- Long sẽ đưa Thu vào... văn học sử!
Con mèo mù đã quên nỗi nhút nhát, quên nỗi xấu hổ. Nó không còn biết chung quanh nó có những cái gì. Nó khởi sự rung động như dẫy núi xa "khởi sự nhạt sương mờ" khi mùa thu tới.
Một em truyền lửa tình từ vai, một em truyền lửa tình từ tay. Tôi thấy tôi giống ông Táo ghê. Trời ơi, em Thu chắc cũng "mê" tôi rồi. Kẻ hát bài "ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu" sẽ là "giáo sư" Thịnh. Thu kéo cánh tay tôi xích lại gần nàng.
Cứ y hệt thơ Xuân Diệu ấy, "có nhiều bận em ngồi xa anh quá, Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn".
- Làm thơ có cần chi không?
- Cần sống phi thường.
- Sống phi thường là sống thế nào?
- Là...
Tôi "phanh" dòng tư tưởng...nghệ sĩ rất vội vàng. Chao ôi, nói thật cho Thu biết cuộc sống phi thường, có lẽ, nàng bóp nát tay tôi. Cuộc sống phi thường của một nghệ sĩ gồm các mục ở dơ, ăn bẩn, đầu bù tóc rối, mặt mũi nhem nhuốc và chuyên môn ăn quỵt, uống rượu, hút thuốc phiện, chỉ nên thảo luận với "giáo sư" Thịnh bên tách cà phê đen vào gói thuốc Cotab.
- Là gì?
- Là... là... mơ mộng ngày đêm. Riêng con trai muốn làm thơ hay, phải để tóc vài tháng không cúp. Những anh tóc ngắn, làm thơ cả đời, may ra mới được một bài đăng vào mục "Thi ca học sinh." Còn rặt thơ con cóc.
- Long đã đăng thơ ở báo nào?
- Thơ hay không thể đăng trên các nhật báo. Long sẽ xuất bản một tập thơ "giấy phép kiểm duyệt số... do Nhà Thông Tin Bắc Việt cấp ngày... tháng... năm... in tại nhà in.... Ngoài những bản thường còn in riêng thêm trăm bản trên giấy quý để riêng tặng các thân hữu."
Thu ngẩn ngơ chẳng biết tôi nói gì. Nàng bèn phục tôi quá. Ðến lượt Bảo Ngọc bắt tôi dạy làm thơ. Anh sẽ dạy cả hai em làm thơ. Anh sẽ thưởng thức luôn hai khúc cá rán. Vì anh được là mèo mù. Ðến đây, không em nào "gãi" đúng cái "chỗ ngứa" nghệ sĩ của tôi nữa. Tôi đành ngồi thộn ra, đành ngó lên màn ảnh coi thằng Tom Sawyer nghịch ngợm với thằng Huckleberry Finn. Tôi đã trở thành kẻ nô lệ của ánh tình. Em xích...vai, em xích tay. Nhưng tôi thì câm nín, thì cứ làm tượng gỗ, làm phỗng đá, chẳng biết "làm ăn" gì hơn.
- Long họ gì nhỉ?
- Vũ.
- Vũ Văn Long, Ồ, tên hay ghê đi ấy.
- Còn Ngọc?
- Vương Bảo Ngọc.
- Thế Vương gì... Thu?
- Vương Phượng Thu.
- Tên hay quá!
Bảo Ngọc nhấc bàn tay lên, vỗ mạnh vai tôi:
- Thế tên Ngọc có hay không?
Tôi gật đầu:
- Hay chứ.
Như vậy, những mẩu chuyện tầm phì, không ăn nhằm gì với nhau đã thầm thì trong bóng tối, cho đến lúc bóng tối biến đi. Chúng tôi ra về. Hai nàng hẹn tôi dịp khác.
Tôi chia tay nàng ở cửa rạp Ðại Nam, chia tay ở giữa đám đông khán giả. Rồi tôi vù nhanh sang bên kia đường, đứng ngó hai nàng. Tôi mua một gói kẹo. Tôi biết tối nay tôi sẽ có vô số chuyện kể cho Thịnh nghe. Và chuyện hay nhất sẽ là chuyện Phượng Thu.