Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Ngày Xưa Còn Bé

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13057 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ngày Xưa Còn Bé
Duyên Anh

chương bốn
Nàng ngước mắt lên "Ðôi mắt huyền trong sa mạc" của công tử Phát Diệm đăm đăm trông lên. Không, nàng là khóm dừa ở sa mạc và tôi là kẻ đang khát nước, đang thèm. Nàng cười. Rồi dừng chân, hỏi tôi:
- Không đi học à?
Sao nàng chẳng trông lên mãi, đừng hỏi han, để tôi nhìn xuống cho linh hồn "hai đứa" nhìn nhau. Mà lại hỏi tôi?
- Không đi học à?
Tôi lắc đầu. Tim tôi đập mạnh. Máu đỏ lìa tim đã trở về.
- Trốn học à?
Tôi lí nhí đáp:
- Không..."chị" ạ!
Nàng chưa nghe rõ, hỏi lại:
- Trốn học à?
- Không.
Lần này tôi bỏ tiếng "chị." May quá, suýt nữa "hố" to. Nàng hỏi trống không, tôi cũng trả lời trống không. Cụ Nguyễn Ðình Chiều, ngày xưa, còn can đảm hơn tôi ngàn lần. Cụ dám cho Lục Vân Tiên sảng quát:
- Quê đâu tên họ là chi
Khuê môn phận gái việc gì tới đây?
Gặp nhau chớ giấu nhau này
Hai người ai tớ ai thầy nói ra...
Và nàng của Lục Vân Tiên bèn "khai lý lịch":
- ... Tôi Kiều Nguyệt Nga
Còn nàng tì tất tên là Kim Liên
Quê nhà ở huyện Tây Xuyên
Cha làm tri phủ nhậm miền Hạ Khê
Cho quân đem bức thư về
Ðón tôi ở đó định bề nghi gia
Làm con đâu dám cưỡng cha
Nước non ngàn dặm xông pha cũng đành
Bỗng đâu gặp sự bất bình
Biết vầy tôi dám đăng trình làm chi
Lâm nguy nay gặp giải nguy
Nếu chàng không cứu còn gì là tôi.
Cuộc tỏ tình không có gì "xuất sắc" nhưng nhanh chóng. Nàng tấn công trước:
- Trước xe quân tử tạm ngồi
Ðể cho tiện thiếp lạy rồi sẽ phân
Hà Khê qua đó cũng gần
Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng
Nói thôi, trao chiếc trâm vàng
Gọi là chút vật mọn thường làm tin.
Chỉ cần:
- Vân Tiên ngoảnh mặt chẳng nhìn.
Và:
- Nguyệt Nga lúc ấy càng thìn nết na.
Là đôi người trai gái của cụ Nguyễn Ðình Chiểu đã yêu nhau, đã trao tượng kỷ iệm và "hẹn ngày tái ngộ." Còn tôi, chả biết tỏ tình thế nào.
- Ðứng đấy làm gì?
- Chơi.
- Không đi học ở nhà ngủ à?
- Không.
- Thế làm gì?
- Giặt quần áo!
- Ðưa đây giặt cho.
Nàng đòi giặt quần áo cho tôi? Triết lý "mèo mù vớ cá rán" đã sáng tỏ rồi chăng? Tôi thộn mặt, ngó xuống.
- Ðưa đây giặt cho.
- Thật hả?
- Thật.
- Nói dối thì sao?
- Chết.
Tôi bị khói tình vướng mắt. Cay sè. Nhưng vẫn tỉnh. Học trò đi trọ học chỉ có vài bộ quần áo. Ném xuống tức là đưa quần áo vào cuộc viễn du không hứa hẹn ngày về. Nhưng lại thèm nhờ nàng giặt quần áo giùm. Không nhờ nàng, nàng chê thì hối hận suốt đời. Tôi mới chọn bộ quần áo "tã" nhất, gói vào tờ báo, ném xuống. Bộ quần áo ấy, nếu nàng "chơi xỏ" đem về làm giẻ lau nhà, tôi cũng chả tiếc. Vì nó đã sờn cổ, mòn đầu gối rồi. Bộ quần áo thân mến của tôi là con bướm trắng của Nguyễn Bính. Con bướm trắng đã đậu trên tay nàng.
- Mai đưa.
- Sáng hay chiều?
- Sáng. Mà đưa lên cách nào?
- Ðể nghĩ kế.
- Nghĩ nhanh nhanh đấy.
Nàng trở bước rồi khuất dạng khi cửa say nhà nàng cài then. Tôi ngẩn ngơ một lát như người say thuốc lào. Mở va ly lấy gương ra soi mặt mình. Lẩm bẩm "mình đẹp trai lắm." Và tôi với gương nói chuyện hàng giờ. Buổi trưa, Luyến, Côn, Thịnh, Khải, Thông, Ðệ về học, tiếp tục "kê" nhau chuyện "lơn" gái. Tôi nằm yên tưởng tượng nàng đang "đánh hơi" tôi, nàng đang hôn hít bộ quần áo đã mặc suýt soát tuần lễ của tôi.
Không còn gì thích thú hơn nằm tưởng tượng một người con gái vừa quen nghĩ ngợi về mình. Tôi thấy hương yêu tràn lan ngập căn gác trọ, hương yêu đã "tẩy uế" những mùi hôi hám từ những bộ quần áo, những thân thể lười tắm gội của bọn học trò trọ học. Bữa cơm trưa hôm ấy, tôi ăn không được. Tự nhiên, dạ dày căng ra. "Giáo sư" Thịnh tưởng tôi...đau tương tư. Nó kêu tôi xuống nhà, an ủi tôi:
- Tao sẽ tìm một em cho mày...tập yêu.
Tôi lắc đầu. Thịnh nói:
- Hai em "nhà bên kia" già "giơ" lắm. Mày chưa đủ "thớ" đâu. Ngay thằng sở khanh Lý Thông mà còn sẽ "tho" nữa là mày, mày nên nghe tao, đừng buồn.
- Tao buồn à? Việc chó gì tao phải buồn.
- Mày giận tao, hả?
- Việc chó gì tao phải giận mày.
- Tao hứa sẽ dẫn mày tới nhà thằng bạn tao. Nó có con em đang học đệ ngũ, dốt toán lắm. Tao giới thiệu mày với bạn tao, nó sẽ nhờ mày kèm toán em gái nó. Rồi mày vừa dạy toán vừa..tán. Lửa gần rơm mới bén chứ.
- Tao cóc cần mày.
- Mày muốn "làm lấy mà ăn?"
- Không biết.
Tôi giấu ỉm chuyện nàng hỏi han tôi, xin làm thợ giặt cho tôi. Kể cho Thịnh nghe, lỡ nàng không trả bộ quần áo tã của tôi, nó sẽ chế nhạo tôi hoặc nàng trả, nó sẽ phá đám. Tôi biết tính Thịnh rồi. Tôi lại trót cười Thông, Khải, Ðệ. Tôi không muốn trở thành cái chìa khóa mở kho cười thứ tư. Chẳng phải khôn ngoan đâu, vì nhút nhát, khờ khạo như Xuân Diệu đã phán "Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá, Chỉ biết yêu thôi chả hiểu gì."
- Thì kệ mày.
Nó kháy tôi:
- Chiều mai tao rủ hai em lên Voi Phục.
Và trộ:
- Hai em viết thư trả lời "đắc co" rồi.
Nó huýt sáo bài "La vie en rose." Tôi bỏ nó với nỗi vui của nó, lên gác nằm tưởng tượng nữa. Tôi không tin mà cứ tin hai em đã yêu "giáo sư" Thịnh. Thịnh nó xúi em chơi xỏ tôi chăng? Nó đã âm mưu những trận cười để Thông, Khải, Ðệ làm hề thì cũng có thể đưa tôi lên sân khấu cười. Con nhà Thịnh ghê thật. Tôi tự trách tôi, trong vài phút thiếu suy nghĩ, đã gói bộ quần áo, ném xuống. Tôi lại tưởng tượng bộ quần áo tôi sẽ mất như tình thứ nhất của tôi sẽ mất.
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Anh cho em kèm với một tờ thư
Em không nhận tức là tình anh mất
Tình mất đi ai lấy lại bao giờ.
Tôi bốc đồng, nhại mấy câu thơ trên:
Tôi chỉ có một tình yêu thứ nhất
Dâng cho em với bộ áo quần hôi
Em không trả tức là tình tôi mất
Tình mất đi còn bị chúng nó cười.
Bài thơ phóng tác đầu tiên trong đời tôi đấy. Có những kỷ niệm mà khi nhớ lại, người ta tiếc thương não nề. Kỷ niệm làm thơ của tôi, bây giờ, hồi tưởng, tôi muốn độn thổ. Long ơi, mày đã làm bài thơ thối nhất, "Thái Lọ" nhất. Tôi hồi hộp, lo sợ ngày mai. Tôi nghĩ được cách đem quần từ dưới lên gác rồi. Nhưng cách đó sẽ vất đi, nếu người yêu dấu nhất định dùng bộ quần áo của tôi làm giẻ lau nhà.
Ngày mai, ngày dài nhất, ngày có "Bình minh nạm vàng" hay "hoàng hôn chết chóc" đều phụ thuộc vào sự "hồi chủ" của bộ quần áo tã. Tôi đi chơi trắng buổi chiều. Về ăn cơm. Lại đi qua cửa trước nhà nàng. "Chàng qua chiều ấy qua chiều khác." Người ta qua kỹ quá. Tôi chỉ dám qua mỗi một lần. Tự nhiên tôi muốn nàng chết đi, nàng chết như người trinh nữ của thi sĩ Nguyễn Bính. Ðể tôi mang tâm sự của một "anh chàng":
Nàng đã qua đời để tối nay
Có chàng đi hứng gió heo may
Bên hồ để mặc mưa rơi ướt
Ðếm mãi bâng quơ những dấu giày.
Ðêm về, tôi cố nhắm mắt mà không sao ngủ được. Chỉ sợ mình biến thành chìa khóa mở kho cười vô tận thôi. Sáng dậy, tôi run sợ, đắp chăn kín mặt. Chờ chúng nó đi học, đi "bát" hết, tôi mới chổi dậy, xuống nhà rửa mặt đánh răng. Và không thèm ăn sáng, tôi thập thò ở cửa sổ, chờ đợi nàng. Huy Cận nói thật đúng: "Thuở chờ đợi ôi thời gian rét lắm." Rét quá. Rét muốn run. Sao chưa thấy nàng đi chợ? Sao chưa thấy nàng về? Không có lá rơi nữa vì lá rơi hết rồi. Nhưng tôi tưởng lá đang rơi trong thơ Nguyễn Bính: "Tìm nàng chẳng thấy nàng đâu. Lá rơi lả tả bên lầu như mưa." Bên khung cửa của gác trọ, tôi đã tập mơ mộng. Sự học của tôi, sau này, lỡ dở chính là vì tôi đã mơ mộng quá sớm. Tôi ngó đồng hồ. Chín giờ. Chợt nhớ bài dạy yêu của "giáo sư" ái tình Thịnh, rồi rút điều Catab, bật diêm, châm thuốc, hút. Lớp khỏi đầu tỏa ra. Hơi lạnh kìm chân nó, không cho nó bay nhanh, tan chóng. Trong khói thuốc Catab, lẫn cả hơi khói thở của tôi (mùa lạnh, khỏi cần hút thuốc thở ra hơi như khói thuốc mà,) tôi nhìn rõ ràng. Nàng mặc áo len màu xanh lam. Giáng Kiều của Tú Uyên đấy, Giáng Kiều đi chợ Hôm còn Tú Uyên đứng trên gác trọ phân vân chẳng hiểu Giáng Kiều có định trả bộ quần áo tã hay đã dùng bộ quần áo tã của Tú Uyên làm giẻ lau nhà. Tôi nhìn điếu thuốc "Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần." Lại nhìn ngõ hẻm. Giáng Kiều đã về.
Mỗi bước chân nàng là mỗi tiếng đập của trái tim tôi. Nàng càng tới gần, tim càng muốn long ra. Lo sợ quá nó hóa thành liều. Và liều thì dễ biến thành...anh hùng. Nàng dừng lại. Ngước mắt nhìn lên. Tôi nhìn xuống. Bốn con mắt gặp nhau. Không, bốn cửa sổ linh hồn đã mở rộng. Nàng hỏi:
- Không đi học à?
Vẫn hỏi trống không như hôm qua. Tôi đáp:
- Không.
- Trốn học, hả?
- Không, có giờ "péc ma năng."
- Lấy quần áo nhé?
- Vâng.
Nàng cau mày. Tôi vội nói tiếp:
- Ừ, lấy quần áo.
Nàng lại cau mày. "Giáo sư" Thịnh chưa dạy tôi cách xưng hô với "đào." Vâng hay ừ? Ngôn ngữ của tình yêu còn chữ gì khác vâng và ừ. Tôi bèn gật đầu. Nàng mỉm cười. Nụ cười của nàng như cơn nắng ấm mùa xuân. Lòng tôi được nhóm lửa. Nàng vẫy nhẹ cánh tay:
- Chờ nhé!
Rồi nàng đẩy cửa sau, khuất bóng. Tôi đã sửa soạn xong cái cách đem bộ quần áo từ dưới lên gác rồi. Và tôi làm ngay. Tôi thông những sợi giây giăng màn được nối dài qua cửa sổ. Y hệt một ngư phủ buông cá. Tôi chờ nàng, chờ cái phao động đậy. Lát sau nàng mở cửa, mang theo bộ quần áo là của tôi, gói cẩn thận bằng tờ báo Tia Sáng (tôi nhớ kỹ lắm). Tôi xấu hổ, không dám ló đầu ra, sợ người khác trông thấy họ cười chết. Nàng lên tiếng.
- Này, này...
Tôi nhú nửa cái đầu, nhích thêm qua cái cằm, vọng xuống:
- Gì?
- Quần áo đây.
- Buộc vào đầu sợi dây giùm đi.
- Dây gì nhỏ thế?
- Dây gai.
Nàng không hỏi thêm. Tôi cũng không dám đứng thẳng. Ðến khi tôi thấy sợi dây gai trùng xuống, và nghe tiếng then cửa gài, mới hay nàng đã buộc gói quần áo vào dây và về nhà. Tôi kéo sợi dây lên, kéo lên. Chả biết phải tả niềm sung sướng lúc ấy như thế nào, dù hôm nay, trời đầy đọa tôi, bắt tôi làm nghề viết tiểu thuyết, tưởng tượng vượt ngục mà vẫn chẳng tưởng tượng nỗi ngôn ngữ để viết cho mối tình còm của mình. Chỉ biết so sánh nỗi sung sướng kéo dây như nỗi sung sướng của cậu học trò nghe rõ tên mình đọc oang oang trong buổi chiều tuyên bố kết quả thi tú tài.
Tôi mừng quýnh, kéo mạnh. Sợi dây gai nhỏ bị tôi "hành hạ," tức quá, bèn đứt. Tôi giật mình đánh thót một cái. Rồi đứng lên, cố chui đầu qua hai chấn song sắt cửa sổ. Tôi lách, lách hoài. Cái đầu tôi đáng ghét ghê. Nó to một cách lố bịch, nó nhỏ đi chừng một nửa, tôi đã thò được cổ xuống ngó. Nhưng tại cái đầu to, nên tôi không biết số phận của bộ quần áo tã của tôi, hiện giờ, ra sao. Tôi không tiếc nó, tôi muốn hít hà nó, vì nó đã được nàng nâng niu, được nàng ôm ấp và phả hương tình vào đó. Cứ đứng thẫn thờ ở khung cửa sổ sau cơn phẫn nộ y hệt người lính thủy đứng trên boong tàu cặp bến, ngó người yêu sau mấy tháng lênh đênh ngoài khơi mà không được nhảy xuống, không dám nhảy bổ xuống vì vừa bị xếp phạt. Người yêu về nhà, cơn phẫn nộ tan như bọt biển còn lại sự thẫn thờ. Tôi đã thẫn thờ giống người lính thủy.
Nàng đứng giữa sân nhà nàng nhìn tôi mà tôi không hay. Dường như, nàng đã giả vờ ho, giơ tay làm hiệu. Tôi vẫn không biết. Tới lúc nàng lên tiếng quát:
- Con Lu Lu hư quá!
Tôi mới hồi tỉnh, ngẩng mặt nhìn sang nhà nàng.
- Ðược chưa?
- Chưa.
- Sao thế?
- Ðứt dây.
Cuộc đối thoại tình yêu lý tưởng là cuộc đối thoại vắng tiếng "em, anh."
- Xuống nhặt lên.
- Sợ.
- Sợ gì?
- Sợ người.
Giữa cái giây phút thiêng liêng đó, bà mẹ của nàng xuất hiện. Nàng giả vờ:
- Con Lu Lu hư quá, mắng nó, nó cứ trơ ra.
Tôi có cảm giác mình là con Lu Lu. Con Lu Lu hư quá nó làm đứt sợi dây. Tôi ngoan ngoãn xuống nhà mở cổng trước đi tới chỗ bộ quần áo của tôi. Tôi muốn khóc. Bộ quần áo của tôi nằm giữa rãnh nước dơ bẩn. Dưới cửa sổ còn có cái rãnh, nay tôi mới biết. Lặng lẽ, tôi nhặt gói quần áo, ngó trước trông sau và đi nhanh về cửa trước. Tôi day cổng, biến vội lên lầu. Bóc tờ báo Tia Sáng ra, tôi cầm chiếc áo sơ mi, định ngửi mà còn ngại ngùng. Cuối cùng, tôi đóng chặt các cửa, bật điện, cởi bộ quần áo tôi đang mặc, thay bằng bộ quần áo tã nàng vừa giặt, là cho tôi. Tôi tìm những chỗ chưa bị thấm nước cống, hít hà say sưa. Có mùi vị lạ lùng thật. Tôi không ngửi thấy mùi nước cống tuy, vô tình, tôi đã để mũi tôi chạm phải chỗ áo thấm nước cống.
Nàng đã ướp hương tình vào quần áo tôi. Và tôi đang truyền hương tình vào mạch máu tôi qua da thịt. Tôi nằm dài trên giường, lấy chăn của Thịnh đắp kín. Tôi lăn đi lộn lại. Rồi cũng phải thay quần áo. Ðem xuống nhà "tắm" cho cả quần áo lẫn người. Sáng đó lạnh lắm. tôi xối nước lạnh ầm ầm, chẳng biết lạnh gì cả. Lên gác, tôi mở tung cửa, ngâm thơ ong ỏng. Và lại đứng bên cửa sổ, nhìn sang kiếm nàng. Nàng mở cửa sau:
- Nhặt lên rồi à?
- Rồi.
- Có sao không?
- Rơi xuống rãnh.
- Vất đây giặt lại giùm.
- Thôi.
- Sao lại thôi?
- Giặt rồi.
- Lần sau nhé? Ðừng sợ nghe chưa.
- Không sợ đâu.
- Thích ăn gì không, mai đi chợ mua cho.
- Ăn gì cũng được.
- Vất cuộn dây dưới này, lát xuống lấy nhé!
Nàng "nghĩ" đến tôi chu đáo quá. "Giáo sư" ái tình Thịnh đã giảng cho tôi nghe một câu: "Khi người con gái nghĩ đến người con trai là nàng yêu chàng, là cá đã cắn câu." Nàng đã yêu tôi rồi chăng? Tôi phấn khởi quá, quên cả chuyện đáp xe Con Voi của ông Lê Văn Ðịnh về Thái Bình, gục đầu vào lòng mẹ tỉ tê: "Con muốn lấy vợ."
Nàng đã khép cửa. Tôi đang định phóng xuống lấy cuộn dây thừng, bọn chúng nó kéo về cả lũ. Bữa cơm trưa vui vẻ lạ lùng. Tôi ăn thật nhanh, len lén xuống nhà, chạy ra con ngõ "nhà nàng," nhặt cuộc dây, giấu kỹ vào cạp quần. Rồi cao hứng, tôi rủ cả bọn đi xi nê. Không đứa nào hiểu tại sao trưa nay tôi bốc đồng, học đòi lối chơi hào hoa của công tử nhà giàu. Học trò đi trọ vốn là những thằng học trò kiết. Vớ món bở, chúng nó ào ra gặm, nuốt. Bỏ giấc ngủ trưa, chúng nó theo tôi, kéo nhau lên tận hàng Cót, rúc vô rạp Ðại Ðồng. Tan xi nê, cả bọn kéo nhau tới Cổ Ngư ăn bánh tôm, hút thuốc Cotab và nhìn gió Ðông lướt vẻ thê lương trên mặt hồ Tây, hồ Trúc Bạch.
Tôi bốc đồng liên miên. Và như vậy, mỗi tháng tôi đều "phịa" ra một căn bệnh để "nã" tiền gia đình. "Thưa bố, từ tháng này con học thêm các lớp chuyên dạy Toán, Lý, Hóa, Anh văn, Pháp văn. Thức đêm nhiều quá con bị đau mắt phải đến y sĩ Lê Toàn chữa nên tiền tháng này tiêu hụt, bố gởi thêm cho con một ngàn nữa." Thư gởi chừng tuần lễ, tôi nhận được thư bảo đảm của bố tôi có "măng đa" cùng ít dòng thương mến "Con học từ từ thôi, học chăm quá rất hại cho sức khỏe. Bố gởi thuốc tễ lên cho con tẩm bổ." Xoay tiền bố mẹ mãi đâm ra ngượng, tôi xoay tiền các cô tôi: "Thưa cô, cháu đã đi học đàn violon. Hiềm vì chưa có tiền mua đàn. Cô cho cháu tiền mua đàn cô nhé! Tết về cháu kéo đàn violon cho cô nghe..." Lại có tiền để "thả" bọn Thịnh, Luyến, Thông.
Nhà đạo đức Ðặng Xuân Côn thấy tiêu điêu đứng như "nước" đã khuyên nhủ vài điều. Tôi không nghe. Nó tức mình, viết thư mách bố tôi thì nó không nỡ nên cương quyết bỏ nhà trọ vác va ly tới hàng Bông Thợ Nhuộm ở với bà thím, ăn học cùng anh em Vũ Thượng Văn. Nó đâu biết ái tình đã hành hạ tôi, ái tình đã thay đổi một thằng "Thái Lọ" chân chỉ hạt bột, bỏ trường, tập ăn diện và suốt ngày lang thang ở Bách Thú, Voi Phục, Láng cùng "giáo sư" Thịnh bàn chuyện yêu đương và mang trong tim một ý nghĩa phi thường là... sẽ làm thơ đăng báo. "Giáo sư" ái tình của tôi chưa hề biết "em của nó" đã giặt quần áo cho tôi, đã tặng tôi một cuộc dây - không, một sợi dây tơ hồng - đã nói chuyện với tôi. Tôi muốn giấu kỹ chuyện này... Một tuần liền, sau ngày bộ quần áo tã của tôi được ướp hương thơm của nàng, tôi không dám nhìn nàng. Vì chúng nó nghỉ lễ cả tuần. Nghèo xác, nằm ì trên gác trọ, không tiền du hí.
Với lại, tôi cũng thích áp dụng nghệ thuật câu cá của "giáo sư" Thịnh. Cho cá chờ mồi chụp hụt đi, rồi quăng câu là cá sẽ mắc lưỡi. Một tuần sao mà dài thế! Một tuần trong mùa đông càng dài. Và càng dài một tuần trong mùa đông, người học trò tỉnh nhỏ lên Hà Nội trọ học, tấp tểnh yêu một người con gái Hà Nội. Tôi đã chờ đợi tuần lễ dài nhất trong đời tôi. Nhì nàng, không dám gọi, không dám "đối thoại" vu vơ "chỉ e" chúng nó cười và giáo sư Thịnh "hại" độ đệ để "phỗng tay trên." Nhưng một tuần lễ dài nhất cũng phải qua đi. Chúng nó lại đi học. Và tôi có nhiều dịp, một mình đứng bên cửa sổ, nói với người yêu, ném quần áo dơ xuống cho người yêu đem về giặt, là, ướp hương tình và nước hoa. Bây giờ, không sợ quần áo rớt xuống rãnh nữa. Yêu nhau lợi thật, đỡ được khoản giặt quần áo.
Chúng tôi âm thầm "yêu đương." Loài người câm nín, loài người điếc tai. Không ai biết chúng tôi tỏ tình bằng dây từ dưới con ngõ nhỏ lên căn gác trọ.

<< chương ba | chương năm >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 884

Return to top