Bảo Ngọc vẫn chưa về. Nàng đi được một tuần rồi. Nhờ sự trông ngóng hộp thư "Thi ca học sinh" của báo Giang Sơn mà tôi bớt nhớ nàng. Nghệ thuật quan hệ tình yêu, "giáo sư" Thịnh đã nói: "Nghệ thuật thiếu chất mái thì khó thành nghệ thuật." Tôi tin ngay. Chất mái trong nghệ thuật của tôi là nàng Bảo Ngọc. Nhớ em anh làm thơ đấy, em ạ! Không có anh em đã tự giam mình vào bốn bức tường của "ngục tù" học đường. Có em anh trốn học để yêu em, nhớ em và làm thơ gởi đăng ở mục "Thi ca học sinh."
Bốn hôm, sau khi thằng bé bán kem bỏ thư của tôi vào thùng thư của tòa soạn nhật báo Giang Sơn, tôi đau khổ nhận được tin trả lời của phụ trách mục "Thi ca học sinh" như vầy:
"Ngọc Long - Anh đã nhận được thư và bài của em. Em khen anh nhiều quá. Cám ơn em nhé! Bài "Tình em, Duyên anh" của em không thể đăng được. Em bị "ảnh hưởng" Xuân Diệu, Huy Cận và Hồ Dzếnh nặng nề quá. Dường như em chép thơ của các thi sĩ này và sửa đổi vài chữ. Cố gắng đừng "thuổng" thơ của người khác, em nhé! Mà sao lại làm thơ ái tình? Em nên tả cảnh, tả vật đi. Anh sẽ nâng đỡ em. Thư luôn cho anh nhé, mầm non văn nghệ của anh."
Ðọc xong mẩu "nhắn tin," mắt tôi hoa lên. Trái bóng xà phòng nghệ thuật của tôi đã vỡ. Tôi thề sẽ không làm mầm non văn nghệ. Không thèm làm văn nghệ. Hú vía, "nó" không lôi tên cúng cơm Vũ Văn Long của mình ra "nhắn tin." Chưa ai biết tôi làm văn nghệ cả.
Mấy hôm liền, tôi buồn bã vì nàng thơ không đãi ngộ tôi. Tôi đã chửi thầm "cái thằng" phụ trách mục "Thi ca học sinh" của nhật báo Giang Sơn thậm tệ. Và, mặc dù, truyện dài lịch sử tranh đấu "Ðợi ngày về chiến thắng" của Anh Hợp đang tới hồi hấp dẫn tôi vẫn bỏ Giang Sơn, mua Tia Sáng đọc. Ðó là cách trả thù, tôi nghĩ thế. "Giáo sư" Thịnh vẫn tưởng tôi ốm tương tư. Nó giục tôi làm thơ, làm nhanh lên kẻo hết cơ hội làm thơ. Tôi đã làm thơ. Và Thịnh đâu biết "cái thằng" khốn kiếp "ấy" nó đem tác phẩm đầu tay của tôi làm công việc...vệ sinh trên mục nó phụ trách.
Giữa những ngày bị người yêu bỏ đi xa, bị nàng thơ hắt hủi, danh ca Quách Ðàm lại hát bài thứ hai của Nguyễn Thịnh. Ðó là nhạc phẩm "Ươm mơ." Xuất xứ của nguồn cảm hứng "Ươm mơ" rất ly kỳ. Công tư Phát Diệm Trần Văn Thông tức Lý Thông có người bà còn ở phố Huyền Trân Công Chúa, gần gánh phở đầu đường nổi tiếng Hà Nội; phở gà Huyền Trân Công Chúa (Tiệm phở đường này đã theo tùy bút "Phở" của Nguyễn Tuân đi vào văn học sử.) Nhà người bà con của Thông có một nàng đẹp lắm. Thịnh nghe Thông khoe, hết chế giễu Thông, thân thiết với Thông như chưa bao giờ thân thiết ngần đó. Thịnh gạ Thông dẫn Thịnh lại nhà nàng. Thông nhận lời ngay. Mỗi tối, khi đèn phố Hà Nội vừa bật. Thông chở Thịnh tới nhà nàng để Thịnh đứng chờ ngoài cổng và một mình Thông vào.
Nhà nàng là cái vi la nhỏ có cây cỏ, chim muông. Thịnh đứng ngoài nhìn rõ Thông nói chuyện với nàng. Nó tin Thông, chiều chuộng Thông kỹ lưỡng hơn. Thịnh chỉ loáng thoáng thấy khuôn mặt nghiêng của nàng. Và suối tóc. Chỉ cần suối tóc, con nhà Thịnh đã "ươm mơ" được rồi. Thông nói rằng tên nàng là Bích, nàng mê âm nhạc và chết lịm nghe chim họa mi Quách Ðàm hót bản "Duyên Anh." Nàng biết Thông quen nhạc sĩ Nguyễn Thịnh, cứ đòi làm quen. Thịnh sướng rên. Nó hí hoáy sáng tác bản nhạc "Ươm mơ" em Bích.
Thịnh học một khóa "nhạc điệu" với cụ Duyệt nên lý thuyết âm nhạc của nó tàm tạm đủ dùng. Thịnh đặt lời bản "Ươm mơ." Nó chép nhạc tuyệt đẹp. Nhờ Thông đem tặng em Bích. Thông đem đi liền. Một mặt nó nhờ vả Quách Ðàm trình bày. Cái buổi tối Quách Ðàm hát "Ươm mơ," Thịnh nhờ Thông báo cho Bích biết để nàng đắm chìm linh hồn vào tiếng nhạc "Ươm mơ." Thông ngoan ngoãn "tuân lệnh." Nó rời nhà trọ và biến mất cả đêm. "Giáo sư" Thịnh xách xe đạp léng phéng trước cửa nhà Bích. Cái xe của nó hôm ấy, dở chứng, tuột xích hoài. "Giáo sư" Thịnh phải lắp xích, tay đen như đít chảo. Lau rách cả cái mùi xoa mà vẫn không sạch. Nó đứng ngoài nhìn vào nhà Bích, nhờ nàng nghe "Ươm mơ." Bản nhạc vừa khởi xướng, Thịnh mở cửa tim. Nó ngỡ Bích đang xao xuyến. Bất chợt, tới câu "Khi trở về anh ươm mơ...", cổng nhà nàng tung ra. Bà mẹ ơi ới giọng Phát Diệm giục con cái nhanh lên kẻo muộn. Một cô gái lớn phóng từ nhà tới cổng. Bà mẹ mắng yêu: "Cái Bích hậu đà hậu đậu." Giáo sư Thịnh ngắm nàng. Ðiện đường, lúc đó, sao mà tỏ thế. Nó thấy đủ một nắm nốt rỗ trên khuôn mặt của nàng. Em Bích rỗ huê. Trăm hoa đua nở ở mặt em. "Kim Chung tối nay hay lắm." Ôi, nàng mê cải lương như công tử Phát Diệm! Người đẹp mê vọng cổ thì vẻ đẹp giảm đi chín mươi bảy phần trăm.
Thịnh ảo não trở về. Tối đó, nó cũng bó việc ở dancing. Con nhà Thông đã chơi khăm nó cú này. Thịnh "ươm mơ" trên đất...rỗ huê. Nó mở tung va li của Thông ra. Bản nhạc nó chép tặng nàng Bích trăm hoa đua nở, "min tờ ru ba xu một lỗ" nằm dưới đáy va li của Thông. Thịnh xé nát. Sáng sau, chờ Thông về, nó "lạy van" Thông đừng kể cho đứa nào nghe. Con nhà Thông "cay" Thịnh xỏ nó nhiều lần, đem đạo của nó ra hài hước nữa nên nó kể hết. Chìa khóa mở kho cười vô tận thứ tư là Nguyễn Thịnh, lý thuyết gia ái tình, kẻ tự phụ tán gái đẹp ngon như ăn phở. Chúng tôi cười nghiêng ngửa. Nhờ đó, tôi đỡ "đau khổ" những lời xỏ xiên mà con nhà phụ trách mục "Thi ca học sinh" đã "ghen tài" thơ của tôi, "dìm" tôi.
Nhưng Thịnh láu cá lắm. Ăn nước máy Hà Nội mấy năm nay, tất nhiên nó phải mòn dần sự chất phác, thành thật của dân đồng chua nước mặn. Nó bảo nó biết thừa chuyện Thông lừa nó, nó "tương kế tựu kế" xỏ Thông. Công Phát Diệm cãi bằng chết: "Mày xỏ ông thế nào nhỉ, kể xem?" Thịnh cười nhạt, thông vén màn bí mật bằng cách khoái chí kể rằng nó nấp ở một chỗ, nhìn nhạc sĩ Thịnh lắp xích. Nó còn thêm chi tiết: Chính nó đã vặn chùng xích xe của Thịnh. "Giáo sư" của tôi lắc đầu tỏ vẻ khinh bỉ đứa dựng chuyện. Thịnh kéo tôi đi ăn phở Hàm Long. Nó phân trần:
- Mày có thể tưởng tượng tao là dân "cả quỷnh" không?
- Mày "ăn chơi" ra gì?
- Với tài sáng tác nhạc và đánh đàn như tao, thiếu gì gái đẹp lăn sả tới đòi yêu tao mà tao phải thèm "lơn" con mặt rỗ như tổ ong bầu đó.
- Tao cũng nghĩ vậy.
- Cho mày rõ các em "ca ve" mê tao, ghen loạn xà ngầu. Tao "đá" các em sõng soài trên "pít" và "tăng gô."
Tôi nhận tôi thua kém Thịnh nhiều, thật nhiều. Riêng cái vụ nó đã trở thành nhạc sĩ, mà tôi chưa thành thi sĩ đã là điều khiến tôi đau khổ, ray rứt. Thịnh "hoa lá cành" về cuộc đời nghệ sĩ. Tôi thèm nhỏ rãi. Tôi tưởng tượng các ông Tam Lang, Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng phải có những cuộc sống phi thường mà những người khác không có. Lòng tôi nao nao chuyện..."trở thành nghệ sĩ."
- Long ạ, mày đã làm thơ chưa?
Tôi chối biến:
- Chưa.
"Giáo sư" Thịnh khẩy mẩu thịt bò giắt răng bằng cái đầu tăm cho mẩu thịt bò nhỏ xíu bắn đi xa.
- Thất tình suông vẫn chưa thể làm thơ hay được.
Tôi hỏi nó, lòng rạo rực vô kể:
- Muốn làm thơ hay cần những cái gì?
Thịnh chậm rãi:
- Mày biết tại sao nhạc của tao Quách Ðàm "phải" hát không?
- Tại sao?
- Vì trước khi sáng tạc nhạc, tao bỏ lối sống thông thường của mọi người. Nghệ sĩ là những kẻ sống riêng thế giới của họ. Vũ Hoàng Chương hút thuốc phiện bằng dọc tẩu ngà voi bọc vàng và nạm kim cương. Người ta bảo ông ấy không viết thơ bằng bút. Mà dùng kim tiêm, chấm vào thuốc phiện nguyên chất rồi viết trên giấy lụa tẩm nước hoa. Nên thơ ông ấy hay tuyệt cú mèo.
Thịnh gật gù:
- Ðặng Thế Phong sáng tác bản "Giọt mưa thu" bất hủ trên giường bệnh nhà thương bố thí. Người ta bảo Ðặng Thế Phong ho ra máu, bèn lấy bút chấm vào máu từ tim anh phọt ra, viết bản "Giọt mưa thu."
Chẳng biết Thịnh nghe được đâu những "giai thoại"hi hữu về các nghệ sĩ. Tôi say sưa...học thuộc lòng. Ðể lỡ mai mốt có trở thành nghệ sĩ, tôi còn trộ được những thằng muốn trở thành nghệ sĩ chứ.
- Dạo này tao sống khác xưa, mày nhận thấy không?
Tôi nhận thấy. Tóc nhạc sĩ Thịnh để dài không thèm húi. Luyến đã mỉa mai Thịnh: "Thợ húi tóc sẽ đưa thằng Thịnh ra tòa. Vì nó đưa ngành húi tóc đến chỗ thất nghiệp." Thịnh lại không thèm gội đầu. Và "triết lý" lau cổ, rửa hai cánh tay đã bị "triết lý" xuân thu nhị kỳ tắm rửa thay thế. Nhìn Thịnh ngồi trên giường gãi đầu, mái tóc nhẫy "bờ ri ăng tin" dựng đứng cả lên, tôi chả thấy nghệ sĩ ở cái "khổ" nào. Nhưng Thịnh lại bảo đó là lối sống phi thường của nghệ sĩ. Thịnh không thay bí tất. Nó mang bí tất tối ngày ròng rã. Ðêm không thèm rửa chân và khi mục nó thay bí tất khác. Ðó là lối sống phi thường của nghệ sĩ. Nó xuống nhà múc một thau nước đem lên gác. Lấy cái cốc múc đầy nước để riêng. Thịnh rửa mặt, rửa tay chân chán chê rồi mới đánh răng, nhổ nước vào thau. Nếu quên chưa vuốt tí nước lên mái tóc "đít vịt," nó thản nhiên vốc nước bẩn vuốt tóc. Và nói: "Nước còn sạch hơn cả mặt mình." Ðó là lối sống phi thường của nghệ sĩ. Lối sống phi thường vượt bực là ăn chịu, ăn quỵt quà bánh. Thịnh la cà những quán phở, quán cà phê ăn uống rồi làm quen ghi sổ. Sổ ghi chừng ngàn bạc, nó quỵt luôn, tìm sổ mới ở quán mới ghi. "Nghệ sĩ nghèo nàn, đói khổ, cần ăn quỵt. Kẻ giàu sang không thuộc nòi nghệ sĩ, không có quyền ăn quỵt, ăn chịu."
Nghe "giáo sư" Thịnh "luận" về nếp sống riêng tư của nghệ sĩ, tôi lấy làm thích thú lắm. Nguyễn Tuân không hút thuốc phiện thì làm sao có "Tàn đêm dầu lạc?" Nguyễn Tuân là gã lãng tử khinh bạc nhất thiên hạ, khinh bạc hơn cả Cao Bá Quát. Ông ta nằm hàng tháng ở nhà cô đầu, đàn phách biên bông và sau mỗi ly rượu, ông ta đều ném vỡ ly tan tành, dù ông ta nghèo kiết xác. Tam Lang không chơi bời trác táng ở Huế thì làm sao có ký sự đĩ điếm "Ðêm Sông Hương?" "Giáo sư" Thịnh còn nói đến Rimbaud, Verlaine, Beaudelaire... Tôi chỉ thích làm thơ hay thôi. Và làm thơ tức là...nghệ sĩ. Mà nghệ sĩ phải có đời sống phi thường. Theo "giáo sư" Thịnh, đời sống phi thường đó là ăn bẩn, ở dơ, ăn chịu, ăn quỵt và tập coi đời như củ khoai lang.
Trước hết, tôi tập lười biếng. Tôi không năng tắm gội, giặt giũ nữa. Mỗi buổi sáng Thịnh bưng thau nước lên, tôi múc riêng một cốc nước. Và hai đứa rửa mặt "tập thể" rồi đánh răng nhổ vào thau nước. Luyến không chửi Thịnh mà xỉ vả tôi hết lời. Mặc kệ nó, người nghệ sĩ phải biết ngồi xổm trên dư luận và coi đời như củ khoai lang. Ðêm khuya, mót tiểu tiện, tôi ngại xuống nhà. Bèn lôi chai nước lục, đổ qua cửa sổ rồi mở "rô bi nê" cho nó chảy vào chai. Một sáng sớm, "đổng lý" Nguyễn Ðệ khát nước khô cổ, mắt nhắm mắt mở, vớ chai nước tu ừng ực. Tu đã đời rồi nó mới thấy mùi khai. Nó nôn ói mà không thể ói được. Nó kêu ầm lên: "Ðứa nào đái vào chai nước?" Tôi tỉnh bơ, Thịnh cười khoái trá. "Ðổng lý" Nguyễn Ðệ nghi Thịnh xỏ mình, vội vàng thu xếp hành lý, kiếm nhà trọ khác. Căn gác chỉ còn Luyến, Thông, Khải, Thịnh và tôi. Nhà đạo đức Ðặng Xuân Côn, thỉnh thoảng tới chơi, giảng giải vài câu "Luân lý giáo khoa thư" hay biên vài dòng dọa nạt: "Long, mày trác táng vừa vừa chứ, mày không ghi tên học hành tử tế, tao sẽ mách bố mẹ mày đó."
Nhà văn nghệ coi...bố mẹ như củ khoai lang luôn. Mày cứ mách đi. Côn ạ! Ông sẽ nổi tiếng, sẽ đi vào văn học sử. Ông sẽ tặng văn học sử một giai thoại "đái vào chai nước lọc" như Nguyễn Tuân uống rượu đập tan ly, như Vũ Hoàng Chương viết thơ bằng thuốc phiện, như Ðặng Thế Phong ghi nhạc bằng máu trào tự tim phổi mình ra. Tôi đinh ninh sẽ trở thành một thi sĩ trứ danh nên lười biếng hơn. Thay quần áo, vất vào một xó, rồi lại lượm những bộ sách ít cáu bẩn mặc diện, rồi lại thay, rồi lại mặc. Tôi cần phá kỷ lục ăn bẩn, ở dơ của "giáo sư" Thịnh. Tôi tiến bộ không ngờ.
Ðầu rậm bù, cằm mép râu ria mọc chông tua tủa. Người yêu đi xa mất tích. Nàng bảo nửa tháng về mà chả thấy nàng về. Tôi buồn hơn, càng muốn trả thù "nàng" bằng cách sống thật phi thường như những nghệ sĩ tài ba trên trái đất. Cái thằng phụ trách mục "Thi ca học sinh" ở nhật báo Giang Sơn nó dìm tôi. Nó sợ đăng thơ của tôi, tên tuổi nó không còn. Tôi sẽ tiêu diệt nó. Nó phải về vườn quét rác hay đi bán lạc rang nên nó không dám đăng thơ tôi. Ngày xưa Hàn Mặc Tử đã bị đã kích nặng nề. Thế mà Hàn Mặc Tử vẫn trở thành bất diệt. Tôi thù những thằng "khốn nạn" phụ trách các mục văn thơ trên khắp các báo. Chính vì chúng mà bao nhiên văn tài, thi tài mãi mãi vô danh. Cuối cùng, đi làm các nghề bần tiện như thu thuế chợ, soát vé xe điện, làm "ét" xe hàng và bán thuốc ở các chợ ngoại ô...
Tôi "nghiên cứu" tiểu sử các thi sĩ mến yêu của tôi trong cuốn "Thi Nhân Việt Nam" của Hoài Thanh và Hoài Chân. Thấy nữ thi sĩ Anh Thơ chỉ học tới lớp ba ở Thái Bình và chữ Tây "đói kém" lắm. Hoài Thanh tiết lộ rằng Anh Thơ đã viết ngoài phong bì bức thư gởi cho ông "A monsiear l institution Hoài Thanh" thế mà nữ sĩ làm thơ hay, được xếp thơ chung tuổi với Xuân Diệu, Huy Cận. Còn "thần tượng" Nguyễn Bính của tôi không hề học ở trường nào. Nguyễn Bính học ở nhà với chú. Tôi nghĩ, muốn đi vào văn học sử phải vất vả lắm, phải chiến đấu với bọn "khốn nạn", bọn "ngự sử", bọn "đao phủ thủ" nằm giữ các mục "văn nghệ bạn trẻ" và "thi ca học sinh." Ôi cái thằng phụ trách mục "Thi ca học sinh" ở nhật báo Giang Sơn, cái thằng ghen tài bần tiện đã toan giết một hồn thơ rực rỡ. Nó sợ bị thất nghiệp nên mới dìm bài thơ của tôi, trả lời ba que xỏ lá và lên mặt dạy dỗ tôi làm thơ. Ðúng rồi, nó dìm bài thơ của tôi. Nó không xé đi đâu. Nó để dành, vài năm sau, nó sẽ đăng báo ký tên nó. Và bài thơ của tôi sẽ đưa nó vào văn học sử.
Nghĩ vậy, tôi hết buồn. Tôi sẽ không bao giờ làm mầm non văn nghệ. Chế Lan Viên xuất bản tập thơ "Ðiêu Tàn" năm mười sáu tuổi. Thi sĩ ghét mùa xuân của tôi đã tỉ tê khóc với cha, xin tiền cha đi in thơ. Cha của Chế Lan Viên nhạo "chàng." ấ y thế mà tập "Ðiêu Tàn" vẫn được xuất bản khổ nhỏ và được ví như những cơn gió hạ thổi từ vương quốc Chiêm Thành đến làng thơ Việt Nam. Chế Lan Viên đã giấu kỹ tiểu sử "chàng," không cho Hoài Thanh in ảnh vào "Thi Nhân Việt Nam." Người thi sĩ xót thương nỗi điêu tàn của Chiêm Thành xa xưa hay Việt Nam hôm nay đã là tấm ván trôi giữa dòng sông văn nghệ. Mà tôi là kẻ vừa tập bơi đã bị thằng "khốn nạn" quăng xuống nước. Tôi vớ tấm ván Chế Lan Viên, bơi vào bờ hy vọng. Tôi sẽ làm thật nhiều thơ, "phiệu" đủ thứ bệnh, học đủ thứ đàn để nã tiền cha mẹ tôi, các cô bác tôi để xuất bản thơ. Nhất định tôi sẽ xuất bản thơ. Và nhất định tôi sẽ nổi tiếng bằng Nguyễn Bính vì tôi học đến lớp...đệ tam, hơn nữ sinh Anh Thơ những tám lớp. Vừa sống phi thường vừa sáng tác thơ. Kết quả nửa tháng "đầu bù tóc rối, mặt mũi nhem nhuốc, chân tay dơ bẩn," lông mũi mọc dài ra giao duyên với râu lún phún, cặp mắt lúc nào cũng có dỉ, ba ngón tay cái, trỏ và giữa vàng khè chất "nê cô tin" của thuốc Catab, người tóp đi vì "tương thư thảo" miền Virginia và cà phê Martin, cà phê Giảng, cà phê Tùng, cà phê đá Mụ Béo, tôi đã sáng tác được bài thơ như vầy:
Từ dạo em lên Hà Nội học
Trọ trên căn gác số mười ba
Con đường tên gọi Ngô Thời Nhiệm
Hàng xóm nhà em lắm bước hoa
Một nàng con gái đã yêu em
Tình ái làm em nhức buốt tim
Nàng giặt giùm em quần áo bẩn
Bằng đôi tay đẹp rất thon mềm
Mỗi sáng em thòng dây xuống ngõ
Nàng cho quà bánh với thư xanh
Em quên trường học em quên hết
Chỉ nhớ ngàn năm chuyện ái tình
Và em bỏ lớp làm thi sĩ
Ðầu tóc rối bù thuốc lá say
Gác trọ đêm đêm em sáng tác
Ðèn khuya thay ánh sáng ban ngày
Khói thuốc vàng tay đời võ vàng
Ðông tàn và sắp sửa xuân sang
Tết này em sẽ không về Thái
Kể chị yêu nghe chuyện của nàng
Xa cách nhớ nhiều thương lắm lắm
Ðời em kể đã trót lang thang
Mẹ già em dại thôi từ biệt
Thi sĩ phiêu du mọi nẻo đàng
Mai mốt em vào văn học sử
Vinh quang phủ kín cả đời em
Chị ơi em chị là thi sĩ
Khối kẻ nhìn em sẽ phát thèm.
Tôi đã thưởng thức bài thơ của tôi một cách say sưa. Lần này thơ tôi không "ảnh hưởng nặng nề" Huy Cận, Xuân Diệu và Hồ Dzếnh nữa. Tôi trịnh trọng đưa bài "Ðời thi sĩ" cho "giáo sư" Thịnh coi. Khi nó thầm thì đọc, tâm trạng tôi giống hệt tâm trạng nhà văn Lê Văn Tầm trong truyện ngắn "Nguội Ðiện" của Nguyễn Công Hoan. Tôi chỉ sợ "giáo sư" Thịnh sẽ bắt chước phê bình gia Việt Sĩ, xé bài thơ của tôi như xé tiểu thuyết "Tù mù" của Lê Văn Tầm trước mặt Lê Văn Tầm và nổi giận: "Xin lỗi các bạn, truyện của Lê Văn Tầm đọc làm quái gì cho bẩn mắt. Ðể tiền cho ăn mày còn ích lợi hơn bỏ ra mua sách của thứ Lê Văn Tầm." Tôi sợ Thịnh sẽ tàn nhẫn với thi tài của tôi. Chả là, Nguyễn Công Hoan mỉa mai một số những anh văn thi sĩ cỏ, thấy người ta viết tiểu thuyết cũng đòi viết tiểu thuyết. Lại còn làm xôm trò nữa chứ. Như anh chàng Lê Văn Tầm, trước ngày bỏ tiền túi xuất bản cuốn tiểu thuyết "Tù mù" mỏng teo thì đã viết hai, ba truyện ngắn ẩm ương đăng trên báo và ký bằng bút hiệu do anh ta chế ra. Ðợi viết nổi cuốn "Tù mù," anh ta mới lôi tên cúng cơm Lê Văn Tầm in trên bìa sách và tổ chức một bữa cơm thịnh soạn mời Nguyễn Công Hoan và nhờ Nguyễn Công Hoan kéo thêm phê bình gia Việt Sĩ tới ăn uống để Lê Văn Tầm tặng bản quý "Tù mù," nhân thể, nhờ Việt Sĩ khen giùm một bài, hy vọng sẽ nổi tiếng. Bữa cơm thật ngon miệng. Việt Sĩ bảo đã đọc "bút hiệu" của Lê Văn Tầm và khen lấy khen để.
Mãi mãi, Lê Văn Tầm mới dám đưa "Tù mù" cho Việt Sĩ và chưa kịp mở miệng nói mình là tác giả "Tù mù," thì Việt Sĩ đã giáng một búa như đã viết ở đoạn trên, dù Nguyễn Công Hoan hích chân Việt Sĩ ra hiệu, Việt Sĩ vẫn tỉnh bơ, phê bình Lê Văn Tầm bằng mồm. Lê Văn Tầm tái mét mặt, miệng méo xệch. Nguyễn Công Hoan ví khuôn mặt và tâm trạng Lê Văn Tầm lúc ấy giống một sự "Nguội điện." Tôi đang chờ đợi một sự nguội điện, chờ đợi Việt Sĩ Nguyễn Thịnh chửi bới Lê Văn Tầm Vũ Văn Long. "Ðồ khốn nạn, nó viết văn làm thơ thế này à? Hạng Lê Văn Tầm không thiếu gì trong xã hội An Nam ta. Thật đáng để cẩm phạt vì nó vừa bẩn lại vừa bẩn!"
Nhưng "giáo sư" Thịnh gật gù:
- Khá lắm, khá lắm!
Tôi bèn "run như thần tử thấy long nhan:"
- Khá sao?
- Thơ mày có hồn, mày sẽ làm thơ hay không thua gì Nguyễn Bính.
- Thật hả?
- Thật chứ đùa à? Ðã thi sĩ nào làm bài thơ đầu tay chứa chan tình cảm như mày đâu. Cái lối viết thư gởi chị là lối của Nguyễn Bính. Họ Nguyễn có bà chị thân yêu là "chị Trúc." Còn mày có chị quái đâu mà cũng chị chị, em em rối tinh thế?
- Tao có bà chị họ.
- Ðẹp không?
- Ðẹp lắm.
- Sao tao không biết?
- Bà ấy ở Hải Phòng cơ.
- Giới thiệu tao nhé, nhớ đấy nhé! Thơ mày hay lắm. Mày sẽ làm lu mờ những thằng thi sĩ bé con đang đăng thơ trên báo chí Hà Nội. Bài này dài quá không phổ nhạc được. Mày sáng tác một bài lục bát đi, tao sẽ phổ nhạc và nhờ Quách Ðàm hát.
Tôi sướng rên, sướng rên mé đìu hiu. Ðời tôi lên hương rồi. Một nhà nghệ sĩ lỗi lạc có nhạc hát ở đài phát thanh Hà Nội đã công nhân tôi là thi sĩ. Tôi tình nguyện sống chết cho nàng thơ, cho nghệ thuật.