Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Kiếm Hiệp >> Q8- Nam Quốc Sơn Hà

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 45674 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Q8- Nam Quốc Sơn Hà
Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Chương 44

Tín-Nghĩa vương hướng Minh-Không, Đạo-Hạnh:
– Xin nhị vị sư phụ ban pháp dụ.
Đạo-Hạnh chắp tay vái cử tọa một lượt, rồi nói:
– Vương gia đưa ra năm phương lược cứu nước. Vậy bần tăng cũng đưa ra hai phương lược nữa là bẩy. Ta tạm gọi là Thất lược trấn quốc.
Cao nhất là Linh-Nhân hoàng thái hậu, thấp nhất là thị vệ đứng hầu đều im lặng, hồi hộp nghe hai phương lược của hai thánh tăng Đại-Việt. Vì từ lâu, khắp Hoa-Việt đều tôn hai ngài là đấng trí tuệ cao thâm vô cùng tận.
– Trong Thiên-hạ này, nơi nào tụ được nhiều linh khí, thì sẽ có chúa thánh, tôi hiền ra đời; mưa hòa, gió thuận, dân chúng ấm no. Ngược lại, nơi nào có nhiều ác khí nảy sinh, thì sẽ có quỷ vương, ma quái đội lốt quan; gió bão, hạn hán nảy sinh, dân chúng đói khổ. Xưa, khi vua Minh tế cáo trời đất, chia Thiên-hạ làm hai, Bắc thành Trung-nguyên, Nam thành Đại-Việt. Trong khi linh khí miền Bắc tản ra khắp nơi, thì Linh khí Lĩnh-Nam tụ về vùng Giao-chỉ, Cửu-chân. Thế nhưng cuối đời Tây-Hán, linh khí miền Bắc phân tán ra khắp nơi, bởi vậy mới có nạn Vương Mãng cướp ngôi. Linh khí Lĩnh-Nam cực thịnh, nên mới có việc vua Trưng cùng 162 tướng khởi nghiệp, suýt làm đổ triều Hán.
Ngài ngừng lại một lát rồi tiếp:
– Thời Bắc thuộc, vua Đường thấy linh khí Đại-Việt ta quá thịnh, mới sai Cao Biền sang làm thứ sử Giao-châu để yểm tất cả các thế đất linh. Biền thành công hầu hết, duy hai nơi thất bại là núi Tản và Cổ-pháp. Thế đất Tiêu-sơn ở Cổ-pháp tụ khí thiêng Nam-nhạc, nên mới sinh đức Thái-tổ nhà ta, lập ra bản triều trên hai trăm năm. Trong khi Biền yểm đất thiêng Lĩnh-Nam, thì y quy hướng tất cả hồn, phách linh khí vào bụng ba mươi sáu con trâu vàng, rồi đem về chôn ở trong lòng núi Thái-sơn.
Minh-uy đại tướng quân Quách Y hỏi:
– Bạch sư thúc, thủa nhỏ con có nghe thầy đồ kể truyện này. Thầy nói rằng Biền thu ba mươi sáu ngôi sao ở Thiên-hà chiếu xuống Lĩnh-Nam, rồi đem về giam ở núi Thái-sơn. Nay sư thúc lại kể rằng hồn và phách. Vậy có gì khác nhau giữa sao với hồn, phách?
– Con hỏi thực phải! Này con hãy nghe cho kỹ, sư thúc vì con mà nói.
Tiếng ngài Đạo-Hạnh thật đầm ấm, thật trong nhẹ, hợp với tư thái, nét mặt từ ái của ngài; khiến cử tọa đều có cảm tưởng đang nghe đức Phật A-di-đà thuyết pháp:
– Sao là tinh thể, kết hợp khí của vũ trụ mà thành. Sao chiếu xuống Thiên-hạ thành linh khí. Linh khí bàng bạc trong trời đất, gặp cây nuôi cây, gặp hoa nuôi hoa, gặp người tạo cơ thể con người thành hùng tráng, thần minh sáng suốt. Cái thần minh đó gọi là hồn và phách. Này con hãy nghe: Lột quần áo ra, thì con với đứa trẻ chăn trâu cũng giống nhau. Nhưng sao con lại làm đại tướng, trí dũng có thừa mà đứa trẻ lại là mục đồng chất phác? Cái mà con với trẻ mục đồng khác nhau đó là do phách, và hồn tạo ra.
Quách Y reo lên:
– Con hiểu rồi! Con hiểu rồi.
– Con thử nói cho sư thúc nghe xem nào?
– Khi sao ở Thiên-hà chiếu xuống thế gian, con người thấu, cảm ánh sáng đó, hợp với mưa, nắng, núi, sông cho nên thể thì giống nhau, mà phách và hồn thì khác nhau. Thế thì từ con sâu, cái kiến, con chó, con mèo cho đến con người đều có hồn và phách. Nhưng mỗi cơ thể thấu cảm linh khí của tinh hoa sơn xuyên, nhật nguyệt mà khác nhau. Nay Cao Biền yểm hết thế đất thiêng, đào lấy những kết tinh của thế đất đem đi. Thế nhưng...
– Thế nhưng sao?
– Thế sao y lại bỏ vào ba mươi sáu con trâu vàng? Mà không bỏ vào con rồng, con phượng? Thưa sư thúc?
– Giản dị thôi! Tộc Việt chúng ta là con cháu vua Thần-Nông. Tộc Hoa cũng là con cháu vua Thần-Nông. Nhưng sau triều đình Thần-Nông phương Bắc bị vua Hoàng-Đế đánh bại. Vua Hoàng-Đế là dân du mục, săn bắn. Người Hoa sau tôn vua Hoàng-Đế là Quốc-tổ. Bởi vậy Biền mới bắt tinh hoa 36 ngôi sao, bỏ vào bụng trâu, đem về chôn ở núi Thái-sơn, để diệt linh khí Nam phương, cái linh khí dùng sức trâu để canh tác.
Nói đến đây, ngài đưa mắt nhìn Linh-Nhân hoàng thái hậu. Hậu tiếp lời ngài:
– Đến đời vua Thái-tông nhà Tống, sau khi bị bại ở Chi-lăng, Bạch-đằng; nhà vua sai bẩy đạo sĩ của phái Hoa-sơn lên núi Thái-sơn đào trâu vàng đem về, rồi lấy đồng đen đúc thành hộp. Mỗi hộp để chín lá bùa, giam một trâu, sau đó cất vào một nơi cực mật trong kinh thành Biện-kinh. Hồi Khai-Quốc vương đi sứ, người đã sai Kinh-Nam vương đột nhập ngự thư phòng vua Tống Nhân-tông tìm di chúc của vua Thái-tông nói về việc này, nhưng không ra manh mối. Hơn bốn chục năm qua, Kinh-Nam vương có tai mắt khắp nơi trong triều Tống, mà cũng chỉ biết rằng ba mươi sáu hộp đồng đó để ở trong kho tại Hoàng-cung. Đích thân vương âm thầm đột nhập tìm kiến nhiều lần mà không thấy.
Ngài nhìn Trần Trung-Đạo:
– Vừa rồi, trong dịp người của ta làm rối loạn phủ đệ Vương An-Thạch, cùng hoàng cung Tống, vô tình đã tìm ra nơi để hộp giam trâu vàng.
Nghe hậu cùng đại sư Đạo-Hạnh thuật, trên cao nhất là các công chúa, phò mã, cho tới văn võ các quan đều ngẩn người ra. Thực vạn vạn lần họ cũng không ngờ các vua triều Lý lại giữ một bí ẩn ghê gớm về đất nước như thế.
Đạo-Hạnh tiếp:
– Bần tăng với sư huynh phải tìm trăm phương ngàn kế mới xin Hy-Ninh đế thưởng công trị tà, bằng cách ban cho ít đồng đen, chính mình chọn. Nhà vua truyền quan giữ kho dẫn sư huynh sư đệ bần tăng vào kho tả, trong khi ba mươi sáu hộp đồng để ở kho hữu. Bần tăng giả chọn đi chọn lại hết kho tả, mà cũng không được đồng như ý muốn. Viên thái giám đưa bần tăng với sư huynh sang kho hữu, thì hỡi ơi! Vừa vào kho, bần tăng đã thấy ngay.
Ngài lắc đầu:
– Ba mươi sáu cái hộp được đặt trên một bệ theo hình Tiên-thiên bát quái. Xung quanh đầy những tượng hổ, báo, rắn, cùng mô hình núi sông Đại-Việt. Anh em bần tăng vờ như không biết gì, sau khi lựa đồng, lẳng lặng cáo từ ra về, đến đêm báo cho Côi-sơn tam anh biết.
Đến đây, ngài đưa mắt cho Côi-sơn tam anh. Trần Phụ-Quốc tiếp:
– Khi được sư phụ báo tin, anh em thần tức tốc dùng chim ưng báo cho sư đệ Tự-Mai biết, vì chỉ người của Tự-Mai mới có khả năng đột nhập kho đồng hữu lấy ba mươi sáu cái hộp ra. Cái khó khăn là phải báo cách nào để qua được mắt công chúa Huệ-Nhu; vì công chúa với sư đệ luôn ở cạnh nhau như bóng với hình. Cuối cùng thần báo cho sư phụ (ghi chú: Đó là Trần Tự-An) biết. Lập tức người triệu sư đệ tới để dạy dỗ võ công, rồi nói cho y biết. Y giả rủ công chúa Huệ-Nhu lên đường sang Tống, rồi chính y điều động chân tay đột nhập kho đồng hữu, lấy ba mươi sáu cái hộp trao cho ba anh em thần mang về nước.
Nghe Phụ-Quốc thuật, mọi người như đang đi trong đêm, được đốt lên cây đuốc, nhìn rõ mọi vật. Bởi trước đây họ chỉ nghe nói hai vị được vua Tống ban đồng, rồi làm phép lấy hết kho đồng, rồi Hy-Ninh đế sai Tổng-lĩnh thị vệ Lý Hiến đem quân đuổi theo. Họ thắc mắc rằng dù võ công cao, làm sao hai vị có thể mang được hết kho đồng đi? Xá gì chút đồng mà nhà vua phải sai thị vệ đuổi theo?
Từ đầu đến cuối, ngài Minh-Không ngồi trầm tư, để ngài Đạo-Hạnh trình bầy. Bây giờ ngài mới nói:
– Ta đã tìm lại được tinh hoa linh khí mấy nghìn năm tộc Việt. Bần tăng đem đặt vào chỗ cũ của nó được mấy tháng nay. Còn ba mươi sáu cái hộp với bùa, bần tăng tìm ba mươi sái cái xương sọ của tướng sĩ Tống tử trận bỏ vào, rồi đem chôn ở khắp các cửa sông, cửa biển Đại-Việt làm quỷ trấn áp quân Trung-nguyên. Còn ba mươi sáu con trâu thì sẽ ném xuống đáy hồ Tây với tất cả tinh hoa võ công Đại-Việt, để làm thần trấn Thăng-long.
Thấy mọi người ngơ ngác không hiểu, ngài tiếp:
– Nguyên cách đây hơn năm, bần tăng có duyên hội ngộ với quốc sư Huệ-Sinh, lão tiên sinh Trần Tự-An, tiên nương Bảo-Hòa, Quan-âm Bình-Dương, Thái-sư Dương-Bình, phò mã Thân Thiệu-Thái, U-bon vương Lê Văn. Các vị đưa ra ý kiến rằng: Thời vua Hùng, phò mã Sơn Tinh đã chép tất cả võ công lại thành bộ Văn-lang vũ kinh; nhờ vậy mà sau này Bắc-bình vương Đào Kỳ tìm được, rồi đem quảng bá, mà không đến nỗi tuyệt tích. Thời Lĩnh-Nam, võ học tộc Việt cực thịnh, vua Trưng sợ sau này mai một đi, mới ủy cho Bắc-bình vương Đào Kỳ, tể tướng Phương Dung, công chúa Phùng Vĩnh-Hoa chép tất cả tinh hoa lại, thành bộ Lĩnh-Nam vũ kinh. Đến thời Thuận-Thiên, vua bà Bình-Dương, tiên nương Bảo-Hòa tìm lại được, rồi luyện thành.
Ngài dừng lại, móc trong túi ra một cái hộp, rồi mở ra. Trong hộp có một trăm cái thẻ đồng. Ngài chỉ vào thẻ đồng:
– Các vị đưa ý kiến: Hiện nay võ học Đại-Việt ta tối thịnh, cũng nên chép thành sách để lại cho đời sau. Các vị ủy cho Kinh-Nam vương, U-bon vương, Quan-âm Bình-Dương với bần tăng chép lại. Sau khi chép, mỗi vị giữ một bản. Bần tăng dùng nội lực khắc vào trăm cái thẻ đồng này một bản nữa. Bây giờ bần tăng dùng trăm thẻ, ba mươi sáu con trâu vàng, chôn ở đáy hồ Tây, làm vật trấn Thăng-long. Như vậy, vĩnh viễn từ nay cho đến muôn ngàn năm sau, Trung-nguyên không bao giờ có thể cai trị Đại-Việt ta quá hai kỷ.
Tây-hồ thất kiệt đều là đệ tử của Minh-Không bồ tát, Quy-Đức đại tướng quân Trần Di hỏi:
– Bạch sư phụ! Sư phụ, sư thúc đã đem linh khí từ phương Bắc về Thăng-long, con nghĩ mình nên yểm khiến Trung-nguyên vình viễn không chiếm được Đại-Việt lấy một ngày thì hơn là để Trung-nguyên cái trị mình hai kỷ.
Đại sư Minh-Không chiếu con mắt từ ái nhìn đệ tử:
– Thông minh! Sư phụ biết con có lòng son với nước, mà đặt câu hỏi đó. Nhưng con ơi! Trong những ngày sư phụ, sư thúc cùng với Côi-sơn tam anh thiết kế giả làm ma, làm quỷ khiến toàn thể người trong phủ Vương An-Thạch, trong nội cung Tống hóa điên, hóa khùng; lỡ tay làm quá khiến Thanh-Hư đạo trưởng với đại pháp sư Nguyên-Đăng chết oan. Nghiệp quả từ đó sinh ra, nên sau này Đại-Việt ta thế nào cũng bị Trung-nguyên cai trị nữa, trong khoảng hai kỷ.
Ghi chú,
Thuật Phong-thủy (Địa-lý) xuất phát từ Trung-quốc vào thời Chiến-quốc (thế kỷ thứ ba trước Tây-lịch). Cho đến đời Hán (thế kỷ thứ tư) đời Đường (thế kỷ thứ bẩy) thì cực thịnh. Hiện nay tại Hương-cảng, Đài-loan, Trung-quốc đã đưa vào đại học, vì có thể thử nghiệm được bằng khoa học.
Tương truyền Cao Biền sang cai trị nước ta, y đã yểm tất cả các thế đất phát đế vương, yểm tất cả các linh thần để diệt anh khí. Đến đời Lý, hai đại sư Minh-Không, Đạo-Hạnh sang vân du Trung-quốc, tìm ra nơi đặt bùa yểm, mới phá đi. Hai ngài nhân đó, phối hợp thuật Phong-thủy với Mật-giáo của nhà Phật thành một thuật mới, để giữ linh khí Đại-Việt trong việc bảo quốc. Về sau ngài Đạo-Hạnh đã dùng một phần của thuật này để thoát xác, đầu thai làm con của Sùng-hiền hầu, rồi lên làm vua, đó là vua Lý Thần-tông.
Sang đời Trần, thuật này càng thịnh, Thủy-Tiên công chúa (Dưỡng nữ đức thánh Trần, phu nhân Phạm Ngũ-Lão), đã dùng bắt sống tên Nguyễn Linh-Nhan.
Sau khi hết giặc Mông-cổ, Chiêu-Văn vương Trần Nhật-Duật, Hưng-Võ vương Trần Quốc-Hiến, Hưng-Nhượng Trần Quốc-Tảng chép lại thành sách, mang tên Vạn pháp quy nguyên. Bộ này được xử dụng như một thứ vũ khí quốc phòng, suốt đời Trần, đời Lê.
Đến triều Nguyễn, Vạn-pháp quy nguyên vẫn được coi như quốc sách giữ nước.
Khi vua Gia-long chiếm được nước, đã dùng thuật chép trong Vạn pháp quy nguyên để trấn áp linh khí triều Tây-sơn, ý định diệt tận gốc, không cho con cháu Tây-sơn trung hưng. Việc yểm này sử chép: Đem xương sọ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang-Toản bỏ vào trong ba cái vò (chum, lu), cùng với nhiều bùa. Lại lấy máu một con vượn đen, ba con chó mực, bẩy con chồn hôi đổ vào vò, rồi dùng nhựa sắn thuyền bịt kín miệng. Trên nắp vò, dùng một thanh kiếm đâm sâu xuống xuyên qua xương sọ. Ngoài vò dán bùa, dùng xiềng; xiềng ba cái vò, đem giam trong ngục tối lẫn với các tử tội. Mỗi ngày một nhất đẳng thị vệ thân vào ngục kiểm soát. Hàng tháng, một vị đại thần thuộc Cơ-mật viện tới kiểm một lần. Các tử tội bị giam, đều cho biết ba ông vò rất thiêng. Cho đến cuộc chính biến năm 1885, vua Hàm-Nghi rời kinh thành ra đi, ba ông vò được di thần thời Tây-sơn ăn cắp đem đi gỡ bùa, rồi chôn cất cẩn thận.
Khi phụ thân giảng dạy cho tôi về thuật Phong-thủy, người chỉ có quyển thứ năm của bộ Vạn-pháp quy nguyên chép thuật Dương-trạch (để hướng nhà), cùng thuật trị bệnh tà. Nhưng người lại không phải là y sĩ, nên không hiểu nội dung thuật trị bệnh tà nói gì, dĩ nhiên không giảng cái thuật này cho tôi. Sau này học y khoa, tôi mới đem ra nghiên cứu lại.
Năm 1976, trong khi trị bệnh cho góa phụ một cựu công sứ từng cai trị Bắc-Kỳ, bà tặng tôi một số sách cũ của ông. Trong số sách đó có bộ Vạn-pháp quy nguyên. Bộ này ông cựu công sứ ghi chú ở đầu là Nhảm nhí, dị đoan. Tôi biết ông không hiểu nổi. Bởi sách viết với trình độ khoa học Đông-phương rất cao. Người đọc phải hiểu rất cặn kẽ bằng này vấn đề:
1. Về triết học, gồm bộ kinh Dịch, nhất là các thuyết âm dương, học thuyết ngũ hành, tiên thiên bát quái.
2. Về y học phải hiểu thấu bộ Hoàng-Đế nội kinh tố vấn, bộ Nạn-kinh, bộ Mạch-kinh.
3. Phải có kiến thức rất sâu về sử, về địa lý Hoa-Việt.
4. Phải có cái học rất rộng về thiên văn, lịch số, phong thủy.
5. Đủ kiến thức về kinh điển Phật-giáo.
Sách lại viết bằng văn đời Trần, một loại cổ văn trúc trắc, đầy điển cố. Xin cử một thí dụ để độc giả hiểu rõ hơn: Như muốn học toán trình độ lớp 12, mà không biết gì về hình học, đại số, lượng giác thì sao học cho nổi.
Khi mới tìm được, tôi đem công bố vài chi tiết trên tờ Văn-nghệ tiền phong ở Hoa-kỳ, thì có rất nhiều độc giả viết thư đòi cho nghiên cứu. Chín phần mười những thư đó tôi không trả lời, vì bấy giờ tôi đã ba mươi bẩy tuổi rồi, mà những gì ông cha ủy cho làm, chưa được lấy một phần năm; tôi không thể ăn rồi ngồi viết hàng nghìn lá thư trả lời những thắc mắc về vấn đề ấu trĩ về học thuật Đông-phương. Tuy nhiên, có những người lịch sự, viết thư xin « trao đổi kinh nghiệm ». Tôi đồng ý tiếp. Khi đối diện, tôi mới bật ngửa ra rằng những vị đó nhìn cái cây đổ nằm ngang, cũng không biết rằng nó tượng trưng cho chữ nhất! Cũng có người rất giỏi về phong thủy đến tìm tôi, khi tôi đưa sách ra để cùng nghiên cứu, thì vị đó lại mù tịt về y học. Tuy nhiên, tôi cũng gặp được mươi vị ở Trung-quốc, vài vị ở Đài-loan, Hương-cảng, mươi vị người Việt kiến thức rất rộng để thảo luận về bộ này. Dĩ nhiên cuộc thảo luận đem lại cho tôi nhiều bài học quý giá. Trong các vị người Việt đó, có giáo sư Lương Kim-Định, sư phụ tôi là cố hòa thượng Chân-Thường, văn hữu Nguyễn Đức-Sách (Úc).
Sau khi nghiên cứu tường tận, tôi cảm thấy rùng mình. Vì những thuật đó ngoài chương dùng để trị bệnh tà ra, còn lại quá bá đạo, quá ác độc. Bản sư Chân-Thường khuyên tôi đừng đem ra thử. Bốn thân hữu tình nguyện làm vật thí nghiệm để xem nó ra sao. Sau khi tôi thử, cả bốn đều gặp những truyện thảm khốc. Từ đó tôi ngừng.
Thời gian 1980-1982, do tính bồng bột, tôi có đem vài thuật ra trừng trị một đại ma đầu trong làng báo ở Hoa-kỳ. Kết quả, y sống dở chết dở cho đến chết. Năm 1990 tôi lại trị một nữ ma đầu ở Ivry sur Seine thuộc Pháp; thị bị táng gia bại sản, thân bại danh liệt, trong khi tinh thần trở thành ngớ ngớ, ngẩn ngẩn, khật khật, khùng khùng. Mà ác một điều, tôi đã gỡ ra, mà thị vẫn không khỏi. Sau vụ này, quá hối hận, tôi tìm bản sư sám hối. Từ đấy tôi bỏ không đem ra thử nữa.
Tuy nhiên, tôi đã có chủ ý, tự hứa, đợi đến tuổi cổ lai hy, sẽ đem ra thử lại một lượt, rồi dịch, chú giải để lại cho hậu thế. Bấy giờ lỡ sự gì không hay xẩy đến, thì có chết cũng chẳng sao.

Trở lại với lời ngài Đạo-Hạnh, quả nhiên cuối đời Trần, sau khi đánh tan giặc Hồ Quý-Ly, người Minh cai trị Đại-Việt trong hai kỷ, từ 1407-1428. Rồi từ đấy về sau, không bao giờ họ có thể cai trị ta nữa.
Công chúa Thiên-Ninh hỏi đại sư Đạo-Hạnh:
– Hồi nãy đại sư phụ có dạy rằng đại sư phụ có thêm hai phương lược giữ nước nữa. Phương lược đem linh khí trở về là một. Vậy còn phương lược thứ nhì?
Minh-Không đáp ngay:
– Phương lược thứ bẩy, là vào thời vua Tống Nhân-tông, phía Bắc Trung-nguyên bị Liêu xâm chiếm, bắt cắt đất, nộp vàng lụa, lương thực rất nhiều. Nhà vua nhân đó sai văn thần soạn ra bộ sách đặt tên là Thiên-thư nghị chế (Xin xem NQSH hồi 41).Khi Vương An-Thạch còn tại chức, bấy giờ ta đang vây Ung-châu; y có sai bộ Lễ in ra mấy vạn quyển, truyền giảng cho quân sĩ, để họ tin rằng vua họ là con trời, ta là man di. Thạch quên mất một điều là trong phần nói về cương vực có đoạn minh thị rằng kẻ nào phá bỏ biên giới trời định thì sẽ bị thiên binh, thiên tướng giết chết. Hiện khắp quân, tướng Tống đều đọc qua bộ sách này. Vậy ta cũng nhân đó, cho người mang loa, đêm đêm hướng vào chỗ Tống đóng quân mà đọc để họ nghĩ rằng họ sang đánh Đại-Việt là phạm Thiên-thư. Điều này hợp với những gì anh em bần tăng đã làm, sẽ khiến quân Tống kinh sợ.
Rồi ngài dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai Linh-Nhân hoàng thái hậu, Đại-tư-mã Thường-Kiệt với công chúa Thiên-Ninh. Ba vị nghe xong đều cung tay:
– Diệu pháp. Trí tuệ đại sư phụ thực vô song.
Minh-Không bảo Thường-Kiệt:
– Thôi, Đại-tư-mã tiếp tục điều quân đi thôi.
Ghi chú,
Đại-Việt có hàng ngàn cao tăng đắc pháp thành bồ tát, nhưng hai thiền sư Minh-Không, Đạo-Hạnh được thiền sử tôn là thánh tăng. Hai ngài được thờ ở khắp nơi, được coi là hai vị tăng có tư tưởng nhập thế bậc nhất. Xét chung về hành trạng của hai ngài, tôi thấy hai ngài thoát ra ngoài khuôn khổ Phật-giáo Đại-thừa, Tiểu-thừa từ Ấn-độ truyền vào. Hai ngài đã hoà lẫn tinh hoa của Phật-giáo Ấn-độ vào với tinh hoa chủ đạo tộc Việt thành Phật-giáo Đại-Việt, với tinh thần nhập thế, đem đức từ bi hỷ xả của đức Thế-tôn bảo vệ đất nước.
Vua Lý Thánh-tông làm chùa Thiên-phúc niên hiệu Long-thụy Thái-bình thứ 4 (1058) ngài Đạo-Hạnh tu ở đây. Vua Lý Nhân-tông không có con trai, xuống chiếu chọn con trai trong hàng tôn thất để lập làm thái tử. Em vua là Sùng-hiền hầu cũng chưa có con trai. Bấy giờ thánh tăng Đạo-Hạnh đến chơi nhà hầu. Hầu tỏ ý muốn có con trai. Ngài dặn : « Bao giờ phu nhân sắp lâm bồn thì báo cho bần tăng biết ». Ba năm sau phu nhân của Sùng-hiền hầu họ Đỗ có thai. Lúc lâm bồn trở dạ mãi không đẻ được. Hầu nhớ lời ngài Đạo-Hạnh dặn trước, vội sai người báo với ngài. Lập tức ngài tắm rửa, rồi vào hang xuất hồn đầu thai làm con Sùng-hiền hầu. Phu nhân sinh ra con trai ngay sau đó, đặt tên là Lý Dương Hoán. Niên hiệu Hội-tường Đại-khánh thứ 8 (1117) Dương-Hoán được vua Lý Nhân-tông lập làm thái tử. Khi vua Lý nhân-tông băng, thái tử Dương-Hoán lên nối ngôi vua, tức vua Lý Thần-tông.
Thời còn là thái tử, vua Lý Thần-tông bị bệnh Zonna, đau đớn gầm thét như cọp, da sần sùi trông giống da cọp, nên người đương thời đồn rằng ngài hóa hổ. Bấy giờ trong dân gian trẻ con truyền nhau hát rằng:
Tập tầm vông,
Có sư Nguyễn Minh-Không,
Chữa được bệnh thái tử.
Triều đình sai sứ về Thần-quang tự mời ngài Minh-Không tới Thăng-long trị bệnh cho thái tử. Bệnh khỏi. Khi thái tử lên ngôi vua, phong ngài Minh-Không làm Quốc-sư, truyền lập đền thờ sống. Đền đó nay là chùa Quán-sứ, ở số 73 phố Quán-sứ Hà-nội.
Đó là truyện sau.

Hầu như các chùa miền Bắc đều thờ hai ngài, cho đến nay (1995) tôi còn ghi lại được những chùa, đền chính thờ hai ngài.
1. Chùa Chúc-thánh.
Hay còn gọi là chùa Phả-lại ở trên núi xã Phả-lại, huyện Quế-dương, tỉnh Bắc-ninh.
Tài liệu
Xin xem phần nói về chùa Chúc-thánh trong hồi này.
2. Chùa Quán-sứ.
Trước kia thuộc thôn Yên-tập, huyện Thọ-xương, Hà-nội. Nay tọa lạc tại số 73 phố Quán-sứ, Hà-nội. Khởi đầu là ngôi đền, được kiến tạo do sắc chỉ của vua Lý Thần-tông để thờ sống Minh-Không thiền sư. Đời vua Trần Dụ-tông (1341-1369), công quán để đón tiếp sứ giả Chiêm-thành, Vạn-tượng, Nam-chưởng v.v. gần đền, nên vua ban sắc xây ngôi chùa ngay trước đền để các sứ giả lễ Phật, vì vậy chùa mang tên là Quán-sứ.
Tài liệu
– Thăng-long cổ tích khảo,
– Hoàng Việt địa dư chí,
– Đại-Việt địa dư chí,
– Bắc-thành địa dư chí lục,
– Hà-nội sơn xuyên phong vực,
– Bắc-kỳ giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo,
– La-thành cổ tích vịnh.

Chùa Quán-sứ
3. Nguyễn Minh-Không từ
Đền thờ quốc sư triều Lý Nguyễn Minh-Không, tại xã Điềm-xá, huyện Gia-viễn, tỉnh Ninh-bình. Đền được kiến tạo niên hiệu Đại-định thứ 2 (1141) đời Lý Anh-tông.
Tài liệu
– Đại-Việt sử ký toàn thư (Lý kỷ, Thần-tông bản kỷ),
– Ninh-bình sử tích,
– Ninh-bình toàn tỉnh địa chí khảo biên,
– Bắc-kỳ giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo,
– Đồng-khánh địa dư chí lược.
4. Quốc-thanh tự
Toạ lạc ở thị xã Ninh-bình. Chùa được kiến tạo trước năm 1077.
Tài liệu
– Thiền-uyển tập anh,
– Nam ông mộng lục,
– Việt điện u linh,
– Lĩnh-Nam chích quái,
– Thiên-Nam văn lục liệt truyện.
5. Hào-khê tự
Ở xã Hào-khê, huyên Ninh-giang, nay là Ninh-thanh, tỉnh Hải-hưng. Chùa từng là nơi trụ trì của ngài Minh-Không. Như vậy chùa phải được xây ít nhất vào khoảng 1077 là năm xẩy ra chiến cuộc Tống-Việt.
Tài liệu
– Hải dương tỉnh thần tích.
6. Lạc-lâm tự
Ở núi Không-lộ, huyện Thạch-thất, tỉnh Sơn-tây, nay thuộc Hà-nội. Theo ĐNNTC thì ngài Từ Đạo-Hạnh xuất hồn tại đây để đầu thai làm con Sùng-hiền hầu (Thuyết này không đúng). Như vậy chùa phải được kiến tạo trước năm 1077 là năm đang xẩy ra chiến cuộc Tống-Việt.
Tài liệu
– Thiền-uyển tập anh,
– An-Nam chí nguyên,
– Lê triều ngự chế quốc âm thi,
– Ngự đề Lạc-lâm thi,
– Đồng-Khánh địa dư chí lược.
7. Thần-quang tự
Còn gọi là chùa Keo. Có hai chùa Keo. Cả hai chùa đều thờ ngài hai. Nhưng chùa Keo dưới to lớn hơn, liên hệ tới lịch sử nhiều hơn. Hai chùa cách nhau bởi con sông Thái-bình. Nếu đi bằng đường bộ thì xa nhau diệu vợi. Còn đi bằng đường thủy, thì chỉ cách nhau một quãng nửa giờ.
Chùa Keo dưới hay chùa Keo Giao-thủy, ở xã Vũ-ghĩa, huyện Vũ-thư, tỉnhThái-bình. Chùa do ngài Minh-Không xây dựng năm Chương-thánh Gia-khánh thứ ba (1061) đời vua Lý Thánh-tông. Lúc đầu chùa mang tên Nghiêm-quang. Niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ năm (1167) vua Lý Nhân-tông nhớ ơn ngài Minh-Không chữa trị cho vua Thánh-tông với Linh-Nhân hoàng thái hậu, nên mới có ngài. Ngài đến lễ chùa, tu sửa, đổi tên là Thần-quang. Độc giả NQSH là Phật-tử, hay theo bất cứ tôn giáo nào, nếu có dịp cũng nên tới hành hương tại đây để được thấy một kiến trúc cổ, mang đầy di tích lịch sử.
Tài liệu
– Thái-bình địa dư,
– Nam-định tỉnh địa dư chí,
– Hành-thiện xã chí.

Chùa Keo hay Thần-quang tự
8. Diên-phúc tự
Còn gọi là chùa Keo trên, chùa Keo Giao-thủy, ở ấp Giao-thủy, hương Hải-thanh thời Lý, nay là thôn Hành-thiện, xã Xuân-hồng, huyện Xuân-thủy, tỉnh Nam-Hà. Khởi đầu chùa do vua Lý Nhân-tông ban sắc kiến tạo niên hiệu Thiên-phù Duệ-vũ thứ 2 (1121) gọi là chùa Diên-phúc. Niên hiệu Thiệu-Minh thứ nhất (1138) vua Lý Anh-tông ban sắc chỉ tu bổ. Niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ 5 (1167) lại xuống chiếu trùng tu, đổi tên là chùa Viên-quang, đổi tên ấp Giao-thủy là Hộ-xá. Đến năm Tự-Đức thứ 5 (1865) bờ sông bị lở, dân Hộ-xá dời chùa đến địa điểm hiện nay. Xã Hộ-xá sau đổi là Nghĩa-xá, đến triều Nguyễn đổi là xã Hành-thiện, huyện Xuân-trường, tỉnh Nam-định.
Tài liệu
– Thiền-uyển tập anh,
– Thánh-tổ hành thực diễn âm ca,
– Lĩnh-Nam chích quái.
9. Không-lộ tự
Tọa lạc ở cuối núi Hân, xã Chính-đại, huyện Tống-sơn, tỉnh Thanh-hóa. Tôi không tìm được năm kiến tạo.
Tài liệu
– Thanh-hóa tỉnh chí,
– ĐNNTC,
– Đồng-Khánh địa dư chí lược.
10. Dương-nham tự
Tọa lạc ở động núi xã Dương-nham, huyện Hiệp-sơn, nay là xã Kính-chủ, huyện Kim-môm, tỉnh Hải-hưng. Tôi không tìm được năm kiến tạo. Đây là một danh thắng rất đẹp.
Tài liệu
– Bắc-kỳ giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo,
– Kim-văn loại tụ,
– Toàn Việt thi lục,
– Dương-nham khắc thạch.
11. Bản-tịch tự
Ở thôn Bình-lương, xã Đình-loan, huyện Văn-lâm, tỉnh Hải-dương, nay là tỉnh Hải-hưng. Chùa được kiến tạo do sắc chỉ của vua Lý Thần-tông (1128-1138).
Tài liệu
– Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư chí.
12. Bối-am tự
Ở núi Sài-sơn, xã Thiên-phúc, huyện Yên-sơn, phủ Quốc-oai, nay là huyện Quốc-oai, tỉnh Hà-sơn-bình. Hồi sinh tiền, ngài Từ Đạo-Hạnh có đến ngụ tu một thời gian, nên người sau huyền thoại rằng đây là nơi ngài hoá thân (Không đúng).
13. Chiêu-thiền tự
Còn gọi là chùa Láng, ở xã Yên-lãng, huyện Từ-liêm, nay thuộc quận Đống-đa, Hà-nội. Nguyên hồi chưa đi tu, sư Đại-Điên (tức Đinh Kiếm-Thương) đã giết phụ thân ngài Từ Đạo-Hạnh là Từ Vinh. Sau này ngài gặp y ở địa điểm này, và giết chết y để báo thù. Vua Lý Thần-tông (1128-1138) ban sắc chỉ kiến tạo chùa để ghi nhớ sự tích và công ơn ngài Từ Đạo-Hạnh, cũng là tiền thân của vua. Hiện chùa còn mấy cây muỗn trồng từ đời Trần. Đây là nơi mà thời thơ ấu thuật giả thường ra nô đùa với các bạn cùng lứa tuổi.
Tài liệu
– Thiền-uyển tập anh,
– Hoàn-long huyện chí,
– An-lãng Chiêu-thiền tự,
– Hà-nội địa dư,
– Ngoại truyền kỳ lục,
– Bắc-thành địa dư chí lục,
– Thăng-long cổ tích khảo,
– Đại-Nam nhất thống chí,
– Hoàng-Việt địa dư chí,
– La-thành cổ tích vịnh,
– Bắc-kỳ giang sơn cổ tích.

Chiêu-thiền tự hay chùa Láng
14. Minh-Không thiền sư từ
Ở xã Cổ-đam, huyện Ý-yên, tỉnh Nam-hà. Đền được xây vào đời vua Lý Thần-tông (1128-1138), để tưởng nhớ công ơn ngài trị bệnh cho vua.
Tài liệu
– ĐVSKTT, Lý kỷ
– Đại-Việt địa dư chí,
– Bắc-thành địa dư chí lục,
– Đồng-khánh địa dư chí lược.
15. Đền thờ Minh-Không thiền sư
Ở xã Hán-triền (Hay Hán-lý), huyện Vĩnh-lại, tỉnh Hải-dương, nay thuộc huyện Vĩnh-bảo, Hải-phòng. Tương truyền Minh-Không thiền sư hóa thân ở núi Tam-viên thuộc xã này, nên dân chúng lập đền thờ.
Tài liệu
– ĐVSKTT, Lý kỷ.
– Đại-Việt địa chí,
– Bắc-thành địa dư chí lục,
– Bắc-kỳ giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo,
– Đồng-Khánh địa dư chí lược,
– Đại-Nam nhất thống chí.
16. Thiên-phúc tự
Còn có tên là chùa Thầy. Chùa ở núi Sài-sơn (hay Thạch-thất, hay Phật-tích) thuộc địa phận hai xã Thiên-phúc, Thụy-Khuê, huyện Yên-sơn, phủ Quốc-oai. Nay là xã Sài-sơn, huyện Quốc-oai, tỉnh Hà-sơn-bình.
Đây là nơi ngài Từ Đạo-Hạnh xuất hồn đầu thai làm vua Lý Thần-tông. Trong các đền, chùa thờ hai ngài, thì đây là chùa chính. Sau khi ngài hóa, xác vẫn còn. Năm 1407, bọn Trương Phụ, Mộc-Thạch chiếm Đại-Việt mới đem xác này đốt đi. Tương truyền chúng phải đốt ba ngày mới cháy hết.
Tài liệu
– ĐVSKTT, Lý kỷ,
– Sơn-tây tỉnh chí,
– Hoàng-Việt địa dư chí,
– Bắc-thành địa dư chí lục,
– Đại-Nam nhất thống chí,
– Đồng-khánh địa dư chí lược,

Thiên-phúc tự hay chùa Thầy.

Đại tư mã Lý Thường-Kiệt hỏi chư tướng:
– Trước đây tôi chỉ định trấn tại phòng tuyến Như-nguyệt là Trấn Bắc thượng tướng quân Nguyễn Căn với phu nhân Vũ Thanh-Thảo. Lực lượng gồm hai hiệu Bổng-thánh của Mai Cầm, Phương-Đơn; hiệu Bảo-thắng của Quách Y, Phương-Tiên. Trấn Như-nguyệt kỳ này coi như lành ít, dữ nhiều. Nay tôi muốn chọn lấy hai tướng tình nguyện. Vậy ai có thể nhận trọng trách một đi không về này?
Lập tức chư tướng đều dơ tay tình nguyện. Thường-Kiệt không biết giải quyết ra sao, ông đưa mắt hỏi ý kiến Linh-Nhân hoàng thái hậu. Thái-hậu lại đưa mắt hỏi công chúa Thiên-Ninh. Công chúa cảm động:
– Thế mới biết anh linh thần vũ của tộc Việt ta mạnh vô cùng. Trấn ở Như-nguyệt không cần tài trí, mà cần quyết tâm, can đảm. Xét trong chư tướng đây, ai cũng có đầy đủ hai đức tính đó. Thần xin Thái-hậu cho chư tướng rút thăm. Ai trúng thì được lĩnh cái vinh dự này.
Mai Cầm, Quách Y đỏ mặt lên cãi:
– Trước đây Đại-tư-mã đã chỉ định hai chúng thần rồi, tại sao bây giờ lại cho rút thăm? Như vậy là bất công. Chúng thần không chịu.
Mặc hai tướng cãi, cử tọa nhất định đòi rút thăm. Cuối cùng hai đại sư Minh-Không, Đạo-Hạnh được cử ra chủ trì cuộc tuyển chọn này. Tất cả có mười một tướng thống lĩnh mười một hiệu Thiên-tử binh, một tướng thống lĩnh kị binh, mười tướng thống lĩnh các hiệu binh của châu-lộ, bốn đô đốc. Tổng cộng 26 tướng.
Đạo-Hạnh để 26 thăm vào trong cái hộp, rồi ngài nâng hộp lên ngang mày khấn:
– Xin liệt tổ 88 đời vua Hùng, vua An-Dương cùng chư đại thần, vua Trưng cùng 162 anh hùng... xin anh linh liệt tổ chọn cho hai tướng xứng đáng để trấn ở phòng tuyến Như-nguyệt.
Khấn xong ngài bảo ưng binh:
– Gọi cho thầy một chim ưng.
Ưng binh rút tù và ra thổi lên tu tu, lập tức có một chim ưng từ ngoài bay vào đậu trên tay ngài. Ngài nói:
– Trong hộp này có 26 thăm, thì 24 thăm trắng, còn hai thăm bần tăng vẽ con rồng. Ai được chim ưng rút cho thăm có con rồng, thì sẽ lĩnh vinh hạnh trấn Như-nguyệt.
Thế rồi ngài chỉ tay vào cái hộp, chim ưng nhặt thăm đưa đến tận tay các tướng. Sau khi 26 tướng nhận thăm rồi, ngài hô:
– Mở thăm ra.
Chư tướng mở thăm cùng một lúc. Đúng là có người mà cũng tại trời, hai tướng Mai Cầm, Quách Y trúng thăm có con rồng. Hai tướng chắp tay hướng lên trời:
– Đa tạ Quốc-tổ, Quốc-mẫu đã chọn chúng con.
Chư tướng đều đưa lời chúc tụng hai tướng.
Linh-Nhân hoàng thái hậu tới bên hai tướng, ngài nắm lấy vai hai tướng, trong khi nước mắt chảy xuống đôi gò má:
– Chị biết chính khí chư tướng hào hùng vô tận. Chị cũng biết hai em do liệt tổ chọn. Nay hai em được tận trung báo quốc, chị mừng cho hai em. Nhưng này, hai em đã nghĩ kỹ chưa?
Hai tướng quỳ gối rập đầu xuống đất:
– Chúng em là những trẻ mồ côi, lang thang vô sở bất chí, được hậu thương yêu như con. Hậu nuôi dạy bọn em, gây dựng hạnh phúc sự nghiệp cho bọn em. Nay hậu thấy bọn em sắp chết, mà lòng không nỡ. Nhưng hậu ơi! Con người ta ai cũng phải chết, không chết bằng cách này, thì cũng chết bằng cách kia. Nay chúng em được chọn cái chết vinh dự nhất, thì thực là trời cho bọn em. Hậu cứ để cho các em ra đi.
Linh-Nhân hoàng thái hậu bảo Mai Cầm, Quách Y:
– Hai em xòe bàn tay ra nào!
Hai tướng xòe bàn tay ra trước mặt hậu. Ngài nắm lấy bàn tay hai tướng, đưa lên miệng cắn sẽ một cái:
– Hồi gặp các em ở hồ Tây, chị đã cắn bàn tay các em, để sau này đi đâu, các em cũng không quên chị. Bây giờ chị lại cắn nữa, để không bao giờ chị em ta quên nhau.
Thường-Kiệt đứng lê tóm tắt:
– Tôi xin nhắc lại năm điều.
Trong phòng im phăng phắc.
– Một là, chưa biết ngày mười chín tháng giêng, giờ Thìn, quân Tống sẽ vượt biên đánh xống Thăng-long hay không ? Nhưng tôi biết chắc rằng chúng phải tiến quân cho nhanh, vì sang tháng ba, trời bắt đầu nóng, mà chưa chiếm được Đại-Việt, thì chúng phải lui quân, nếu không thì bộ, kị binh sẽ bệnh mà chết hết. Bằng lui quân thì bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết sẽ bị xử trảm. Chủ tâm của chúng là phá vỡ Như-nguyệt, rồi dùng kị binh tiến khẩn cấp về Thăng-long, bộ binh tiến sau. Quân tân-đằng-hải sẽ đánh chiếm các xã ấp để kiếm lương, dân phu.
Ông chỉ vào tướng Nguyễn Căn:
– Tổng trấn tại Như-nguyệt là Trấn-Bắc thượng tướng quân Tản-viên hầu Nguyễn Căn. Lực lượng thống thuộc gồm có hai hiệu Thiên-tử binh Bổng-thánh, Bảo-thắng, mười dàn Thần-nỏ, một hiệu thú binh gồm sáu sư Phong, Tượng, Ưng, Hổ, Báo, Ngao. Về cao thủ gồm bốn đại sư Viên Căn, Viên Mộc, Viên Chi, Viên Diệp chùa Báo-ân; Hùng Nhân, Hùng Nghĩa, Hùng Lễ, Âu Hoàng, Âu Thanh, Âu Huyền. Đặc biệt còn nghìn đệ tử của trường Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, do phu nhân Vũ Thanh-Thảo chỉ huy.
Ông chỉ vào công chúa Thiên-Ninh:
– Kế tiếp Như-nguyệt là vòng đai bảo vệ Thăng-long, do công chúa Thiên-Ninh chỉ huy. Lực lượng trực thuộc có hiệu Thiên-tử binh Ngự-long, kị-binh, hiệu binh địa phương Hồng-châu trấn ở Cổ-pháp; hiệu Thiên-tử binh Quảng-thánh, hiệu binh địa phương Sơn-Nam phân tán vào các xã cùng hoàng nam đánh vào hông địch. Yểm trợ cho Cổ-pháp còn có mười dàn Thần-nỏ, sáu sư thú, một nghìn đệ tử phái Tản-viên.
Các tướng im lặng, dù không phải lệnh của mình cũng phải nghe cho rõ, để còn biết mà phối hợp.
– Hai là, mặt Phú-lương, Nham-biền. Ở đây Tống chỉ hư trương thanh thế. Ta nhân đó dùng toàn lực đánh chúng. Mặt Phú-lương do phò mã Hoàng Kiện, công chúa Động-Thiên trấn giữ. Lực lượng trực thuộc có hai hiệu Thiên-tử binh Vũ-thắng, Bổng-nhật; 10 dàn Thần-nỏ, sáu sư thú binh; tăng viện thêm bốn cao thủ Hùng Trí, Hùng Tín, Âu Lam, Âu Hồng; một ngàn cao thủ phái Tiêu-sơn. Bằng mọi giá phải giữ vững mặt này, nếu như vì lý do gì để Tống phá vỡ phòng tuyến Phú-lương, thì Thăng-long lâm nguy, bởi phía sau không còn lực lượng nào nữa.
Công chúa Động Thiên chỉ vào phò mã Hoàng Kiện; Lý Đoan, Trần Ngọc-Liên; Lý Tứ, Mai Tứ; Trần Di, Phương Lý:
– Đại huynh đừng lo. Tống chỉ có thể vượt Phú-lương, khi tất cả chúng em bị tan thây mà thôi.
Chư tướng vỗ tay.
– Ba là mặt Nham-biền. Mặt này của Tống là hư. Còn ta, thì ta đánh như sét nổ, diệt các đạo binh Tống ở Nham-biền, rồi tiến về Như-nguyệt. Mặt này do Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương tổng chỉ huy. Lực lượng thống thuộc gồm năm hiệu Thiên-tử binh Đằng-hải, Long-dực, Hùng-lược, Vạn-tiệp, Thần-điện; đội Thần-tiễn Long-biên, đội Giao-long Tây-hồ; một nghìn võ sĩ phái Đông-a; hạm đội Thần-phù.
Trung-Thành, Tín-Nghĩa cùng chư tướng đứng dậy nhận lệnh.
– Bốn là, Khu-mật viện sẽ dùng chim ưng đem lệnh cho phò mã Thân Cảnh-Long, công chúa Thiêm-Thành đem quân vượt biên đánh sang Vĩnh-bình, Tây-bình, Lộc-châu để dọa Tống. Công chúa Côi-sơn, phò mã Tôn Mạnh đánh chiếm Quyết-lý; Quán-quân thượng tướng quân Đinh Hoàng-Nghi sẽ đánh Chi-lăng, cắt đường lui quân tiếp tế lương thảo của Tống.
– Năm là đội công tác đặc biệt, do quan Thái-phó Quách Sĩ-An chỉ huy với đội cao thủ trường Thái-hà dàn ra từ Phú-lương tới Như-nguyệt, Nham-biền, ngày đêm dùng loa đọc bộ Thiên-thư nghị chế thời Tống Nhân-tông cho binh tướng giặc nghe. Không biết quan Thái-phó có điều gì thắc mắc không?
Quách Sĩ-An là quan văn, bây giờ được lệnh ra trận, ông vui mừng chi siết kể:
– Đại-tư-mã có nhã ý cho tôi ra trận, thực thâm cảm vô cùng. Tôi có đề nghị này: Nhiều người trong chúng ta biết nói tiếng Hoa, nhưng nói tiếng Hoa Biện-kinh thì ít ai nói trôi chảy văn chương. Tôi từng đi sứ, đã học nói tiếng Biện-kinh, nhưng nội lực không làm bao để có thể phát thanh vượt sông đến trại Tống. Ở đây, ta có ba vị, không những võ công cao cường, nội lực xung mãn, mà văn chương quán thế, nói tiếng Biện-kinh như người Tống. Xin Đại-tư-mã mời ba vị ấy cùng làm với tôi thì hay biết bao.
Mọi người cùng đổ dồn mắt nhìn Côi-sơn tam anh. Linh-Nhân hoàng thái hậu biết Thường-Kiệt là sư điệt, nên không dám sai ba đại sư bá. Hậu định lên tiếng, thì Phụ-Quốc đã nói:
– Quan Thái-phó đã có ý kiến ấy, thì chúng tôi đâu dám từ. Được! Vậy thế này, chúng tôi dẫn đệ tử, trường Thái-hà đi phát thanh. Còn quan Thái-phó thì nghiên cứu, rồi viết ra bản văn, để chúng tôi phát thanh cho thống nhất.
Buổi hội chấm dứt.
Tết Đinh-Tỵ năm nay trên khắp đất nước Đại-Việt, gần như dân chúng không còn tâm trí nghĩ đến ăn uống, vui mừng, vì cái tin 40 vạn quân Tống, 60 vạn bảo binh, dân phu đã tràn đến Bắc sông Như-nguyệt. Chúng như đàn hổ đói, đang rình rập, chờ dịp thuận tiện là nhảy xuống ăn thịt dân Thăng-long.
Nhưng trưa mùng một, mõ khắp nơi cùng rao rằng: Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương đã đột kích quân Tống giữa đêm giao thừa. Giặc chết đến hơn sáu vạn. Sau đó, khắp các trấn, các huyện, các làng... các thầy đồ kể truyện cho dân chúng nghe về chi tiết trận đánh. Trong quân, thì các vị sư trưởng, đạo trưởng tập họp quân sĩ lại kể cho họ nghe.
Dân chúng bớt lo sợ, người người hăm hở lo phòng bị giữ làng khi giặc tới.
Ngay đêm mùng một, sang ngày mùng hai, mõ lại rao một tin lạ lùng vô cùng:
« Hai đại bồ tát Minh-Không, Đạo-Hạnh trong khi vân Trung-thổ đã trị bệnh, trừ tà trong thành Biện-kinh. Vua Tống cúng dàng một kho đồng. Đây không phải đồng bình thường, mà là tinh hoa linh khí Trung-thổ kết tinh mà thành. Hai ngài đã dùng đồng đó để đúc: Nam thiên tứ khí. Tứ khí gồm một tượng Phật cao hai trượng, một cái vạc nặng ba vạn cân, một cái chuông ngân thiên, và đỉnh tháp Báo-thiên. Với Nam thiên tứ đại thần khí, thì chư thiên, chư bồ tát, chư thần sẽ giáng hạ đánh tan giặc Tống. Dân chúng muốn biết rõ chi tiết hãy đến các quán trà, các trường học mà nghe thầy đồ kể rõ ngọn nguồn ».
Dân chúng lại ào ào đến các trường, các quán trà nghe thấy đồ kể truyện. Trong quân, thì các cấp chỉ huy họp tướng sĩ để giảng giải. Thế là khắp Đại-Việt, chỗ nào cũng nghe nói về Nam thiên tứ đại thần khí.
Tại rừng Bắc-biên, nơi ém quân của hiệu binh Quảng-vũ ở trong rừng Bắc-biên.
Từ hôm được chỉ dụ của Linh-Nhân hoàng thái hậu truyền rút quân vào ẩn trong rừng, chờ khi có lệnh, sẽ đánh vào hậu quân địch đến giờ; Phò mã Thân Cảnh-Long, công chúa Thiên-Thành; phò mã Tôn Mạnh, công chúa Côi-sơn; Quán-quân thượng tướng quân Đinh Hoàng-Nghi, quận chúa Phương-Quỳnh; đô thống Lý Tam và phu nhân... phân tán quân ra thành từng tốt (100 người), rồi cho ẩn vào các trang động Bắc-biên chờ lệnh.
Lúc được lệnh rút quân vào rừng, Đinh Hoàng-Nghi bàn với Phương-Quỳnh, Chang-Lan rằng: Vi Thủ-An hàng Tống thực, nhưng nay y chết rồi, mà mấy chục trang động thống thuộc y thì bất mãn vì Tống bắt dân phu, thu lương, nên vẫn anh hùng một cõi. Chúng ta cử sứ giả tới liên lạc với họ, giúp đỡ, bảo vệ họ; như vậy ta vừa được dân, vừa có lương thực nuôi quân.
Thế là hầu thì lưu động nay đây, mai đó, trong khi Phương-Quỳnh hoạt động ở phía Đông, Chang-Lan hoạt động ở phía Tây-Bắc, vợ chồng Lý Tam hoạt động ở vùng Chi-lăng.
Tuy ẩn ở các trang động trong rừng, nhưng tết Đinh-Tỵ, Hoàng-Nghi cũng cho binh, tướng ăn tết rất đầy đủ. Sáng mùng hai, quân báo rằng có cố nhân từ Thăng-long lên thăm. Hầu vội ra đón, thì ra sư Viên-Căn ở chùa Báo-ân. Cố nhân gặp nhau, hầu quên cả lễ nghi, chạy ra ôm lấy sư:
– Sư huynh! Sư phụ vẫn thường an lạc chứ? Sư bá Mộc-tồn vẫn mạnh khoẻ chứ? Làng Siêu-loại ta vẫn an ninh chứ?
– Tất cả đều được Phật-tổ hộ trì vô sự. Sư bá sai sư huynh lên gặp hầu có truyện khẩn.
Đối với bọn mãi quốc cầu vinh, bọn tham quan ác bá, thì Mộc-tồn hòa thượng cực kỳ nghiêm khắc. Nhưng đối với đệ tử, thì ngài lại cực kỳ ôn nhu, yêu thương. Trong Long-biên ngũ hùng, ngài thương Hoàng-Nghi nhất. Nên nay nghe thấy sứ giả của ngài lên truyền lệnh, hầu vội ngồi ngay ngắn lại:
– Sư bá truyền cho đệ phải làm gì đây?
Viên Căn ghé miệng vào tai Hoàng-Nghi thuật một lúc. Hoàng-Nghi gật đầu tỏ ý hiểu. Ngay chiều hôm đó, hầu tập trung binh tướng lại cho Viên-Căn tường thuật tình hình miền xuôi.
Sau khi tường thuật hai đề tài lớn:
– Một là trận đột kích đêm Giao-thừa của Trung-Thành, Tín-Nghĩa nhị vương.
– Hai là vua Đường sai Cao Biền sang Đại-Việt yểm hết các thế đất linh, lấy tất cả tinh hoa linh khí bỏ vào bụng ba mươi sáu con trâu vàng đem về giam núi Thái-sơn. Đến đời vua Tống Thái-tông, vì thất trận nên sai đào trâu mang về yểm ở trong Hoàng-cung, hy vọng tuyệt hết linh khí Đại-Việt. Trong dịp hai thánh tăng Minh-Không, Đạo-Hạnh vân du Trung-thổ, trừ tà tại Hoàng-cung Tống, được nhà vua cúng dàng đồng đen. Hai ngài làm phép lấy hết một kho đồng đem về Đại-Việt. Nhân đó hai ngài đoạt ba mươi sáu con trâu chứa tinh hoa anh linh tộc Việt, rồi đem về đặt vào chỗ cũ. Hiện linh khí Đại-Việt đang sáng rực trời Nam.
Hôm sau sư Viên-Căn thuật việc hai thánh tăng đem đồng đen về đúc bốn bảo khí của Đại-Việt:
Thần khí thứ nhất
« Thần khí thứ nhất mà ngài đúc là đỉnh tháp Đại-thắng Báo-thiên. Tháp nằm trong khuôn viên chùa Sùng-khánh Báo-thiên. Chùa Sùng-khánh Báo-thiên dựng vào tháng tư, năm Bính-Thân, nhằm niên hiệu Long-thụy Thái-bình thứ ba đời đức Thánh-tông (1056). Sở dĩ chùa có tên Báo-thiên, vì ngày lễ Thượng-nguyên, tức rằm tháng giêng năm ấy, vua xa giá ra hồ Tây xem cá. Khi đến bờ đê, thì gặp một người trang phục như thằng điên, mắng vua rằng: Nhà vua làm chúa trời Nam, sao không tu đức, sửa sang chính sự, mà lại rong chơi? Như vậy là làm gương xấu khiến cho bọn quan lại tham ô, hà hiếp dân chúng. Ta là thần, được thượng đế sai xuống giữ việc mưa nắng vùng này. Nay thấy dân khổ, nên hiện ra báo cho vua hay. Lập tức đức Thánh-tông bỏ cuộc đi chơi, trở về giảm yến tiệc, giảm chi tiêu nội cung, cách chức bọn tham quan, sai làm chùa để tạ ơn trời. Chùa mang tên Sùng-khánh Báo-thiên là tích đó. Nơi tọa lạc chùa, được mang tên phường Báo-thiên, thuộc thôn Tiên-thị, huyện Thọ-xương, Thăng-long.
Năm sau, Đinh-Dậu, niên hiệu Long-thụy Thái-bình thứ tư (1057) đức Thánh-tông lại cho dựng tháp ở trong sân chùa. Tháp cao hai mươi trượng (40 mét), gồm 12 tầng. Nay hai thánh tăng lấy đồng đen, là tinh hoa linh khí núi Thái-sơn bên Trung-nguyên đúc cái đỉnh tháp. Từ khi đỉnh tháp được an vị, linh khí Trung-nguyến, tinh đẩu phương Bắc đều chiếu về trời Nam. Hiện, đêm đêm hào quang chiếu sáng rực đất Thăng-long.
Ghi chú

Chùa Sùng-khánh Báo-thiên, tháp Báo-thiên cho đến đời Trần vẫn còn. Nhà thơ Phạm Sư-Mạnh, cuối đời Trần có làm bài thơ Đề Báo-thiên tháp như sau:
Trấn áp Đông, Tây củng đế kỳ
Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy.
Sơn hà bất động kình thiên trụ,
Kim cổ nan ma lập địa chùy.
Phong bãi chung linh thời ứng đáp,
Tinh di đăng chúc, dạ quang huy.
Ngã lai dục thử đề danh bút,
Quản lĩnh xuân giang tác nghiễn trì.
Đào Thái-Tôn dịch như sau:
Trấn áp Đông, Tây giữ đế đô,
Hiên ngang ngọn tháp đứng trơ trơ.
Non sông vững chãi tay trời chống,
Kim cổ khôn mòn đỉnh tháp nhô.
Thỉnh thoảng gió lay, chuông ứng đáp,
Đêm đêm sao xế đuốc khôn mờ.
Tới đây những muốn dầm ngòi bút,
Chiếm cả giòng sông mài mực thơ.
Năm 1406, vì giặc Hồ Quý-Ly cướp ngôi nhà Trần, linh khí trời Nam mất hết, đỉnh tháp bị gẫy rơi xuống. An-phủ-sứ Đông-đô là Lê Khải thấy đềm gở, không dám báo cho giặc Hồ biết, vì vậy bị biếm một tư. Sau đó đỉnh tháp được hàn, đem lên như cũ.
Năm 1427, quân Minh bị Bình-Định vương Lê Lợi vây ở Đông-đô (Thăng-long) chúng cho rằng tháp Báo-thiên là nơi hút linh khí thiên hà, vì vậy vương thành công, chúng phá tháp với hy vọng tuyệt linh khí trời Nam; nhưng thác rằng lấy đồng làm súng. Chỗ nền tháp được đổ đất thành gò cao để dựng đàn tràng.
Đến cuối thời Lê, chùa bị bỏ hoang phế. Khu đất gần nền tháp cũ biến thành chợ, gọi là chợ Tiên. Đến thời Tây-sơn, năm Giáp-Dần, 1792, dân chúng đào gò lấy gạch, đá; tu bổ thành Thăng-long, nhặt được tượng đá chạm hình tiên, chim muông, chén bát sứ không biết bao nhiêu mà kể. Trên gạch đào được có chữ « Lý gia đệ tam đế Long-thụy Thái-bình tứ niên tạo » (Làm năm Long-thụy Thái-bình thứ tư đời vua thứ ba nhà Lý).
Định-vương Trịnh Căn có bài thơ Đề Báo-thiên tự như sau:
Tứ bề chăn ngắt gấm chương sinh,
Cảnh lạ mười phân, chín khác thường.
Thăm thẳm liên đài, nhuần diệu sắc,
Thênh thênh phúc chỉ nức thanh hương.
Vậy nên cõi phép trừng tha tính,
Tốt được lòng người lạc thiên phương.
Gió đạo thổi đưa hòa hây hẩy,
Trong khi ngoạn thưởng rất thư lương.
Bình phong tám bức mọi đồ thâu,
Đầm ấm trời xuân ngọc một bầu.
Mây thụy soi soi truyền bảo các,
Non nhân rắp rắp đối chung lâu.
Mở đường tế độ là ơn rộng,
Song cửa từ thông tỏ đạo mầu.
Thắng lãm luận đây làm phẩm nhất,
So trong tỉnh giới há nhường đâu.
Đến thời Nguyễn, đời vua Tự-Đức, tổng đốc Hà-nội là Tôn-thất Bật theo nền chùa cũ, xây lại, giữ được một số đá xanh chạm hình hoa sen là đá ở tháp Báo-thiên, đá chạm hình bát giác là đá ở bệ tháp từ thời Lý.
Hồi người Pháp sang cai trị, họ phá chùa này, lấy đất xây nhà thờ lớn Hà-nội. Vị trí chùa cũ nằm từ phía bên phải đền Lý Quốc-Sư đến đầu phố Nhà-chung, quận Hoàn-kiếm, Hà-nội.
Độc giả muốn thâm cứu thêm về chùa Sùng-khánh Báo-thiên, tháp Báo-thiên có thể tìm đọc các sách:
Trung-quốc:

– Quách thị Nam-chinh,
– Triệu-thị-Chinh tiễu Giao-chỉ ký.
Việt-Nam:
– Việt sử lược (Lý kỷ),
– Đại Việt sử ký toàn thư (Lý kỷ, Thánh-tông kỷ),
– Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
– Đại Nam nhất thống chí,
– Hoàng Việt địa dư chí,
– Bắc thành địa dư chí lục,
– Thăng-long cổ tích khảo,
– Hà-nội địa dư,
– Hà-nội sơn xuyên phong vực,
– Đại-Việt địa chí,
– Hoàng Việt thi tuyển,
– Khâm định thăng bình bách vịnh,
– Ngự đề Thiên-hòa doanh bách vịnh,
– Toàn Việt thi lục,
– Tang thương ngẫu lục,
– Long-biên bách nhi vịnh.

Thần khí thứ nhì
Sư Viên-Căn tiếp tục:
« Bảo khí thứ nhì là một tượng phật Thích-ca Mâu-ni cao hai trượng. Trên thân tượng ngài cho yểm 18 viên Xá-lợi của 18 vị bồ tát Đại-Việt, 360 hạt đá linh khí lấy từ 360 đền thờ chư thánh Đại-Việt ».
Chang-Lan hỏi:
– Sư huynh ơi! Em nghe nói, khi đúc tượng, các vị tăng thường để một lỗ trống phía sau lưng tượng thông vào bụng, chỗ huyệt thần đạo. Sau đó hoặc yểm ngọc Xá-lợi vào, hoặc yểm ngọc, hay vàng vào. Em chưa từng nghe yểm nhiều như vậy bao giờ.
Chang-Lan nói tiếng Việt bằng giọng Chàm, nhẹ như giò thoảng, nghe rất êm tai. Viên-Căn đáp:
– Sư muội hỏi vậy thực phải. Này sư muội! Phàm các bậc đại giác như phật, bồ tát, la hán, thường phân thân đi khắp nơi, làm đủ mọi loài để cứu độ, để thuyết pháp. Sư huynh có thể là bồ tát phân thân, cũng có thể là quỷ A-tu-la. Muội có thể là Quan-âm phân thân.
– Dạ, em nhớ ra rồi! Cảm ơn sư huynh khải ngộ cho. Thế danh hiệu 18 bồ tát, 360 thánh là những vị nào?
– Sư huynh nhớ không hết. Về bồ tát thì có các ngài Tỳ-ni Đa-lưu-chi, Pháp-Hiền, La Quý-An, Sùng-Phạm, Bố-Đại, Vạn-Hạnh... Về chư thánh thì Phù-Đổng thiên vương, thánh Tản, Chử đạo tổ, công chúa Tiên-Dung, Vạn-Tín hầu Lý Thân, Cao-Cảnh hầu Cao Nỗ, Trung-Tín hầu Vũ Bảo-Trung, Phương-Chính hầu Trần Tự-Minh, vua Trưng cùng 162 anh hùng thời Lĩnh-Nam... mới nhất là Vũ-dực đại tướng quân Dư Phi, Phiêu-kị đại tướng quân Bùi Hoàng-Quan và Nhu-mẫn Đoan-duệ Anh-văn công chúa Trần Ngọc-Huệ.
Hoàng-Nghi là người cực thông minh, hầu hiểu liền:
– Phải như vậy. Pho tượng là tượng đức Thích-ca Mâu-ni, nhưng yểm tâm toàn là chư bồ tát, chư thần linh Đại-Việt. Như thế thì anh linh của các ngài tập trung lại, mạnh vô cùng. Em chắc hai ngài Minh-Không, Đạo-Hạnh sẽ đặt pho tượng đó vào một vị trí quan trọng để trấn áp quân Trung-nguyên.
– Đúng vậy, ngài cho đặt ở chùa trong núi Quỳnh-lâm, thuộc trấn Đông-triều, mặt hướng về phương Bắc. Như vậy linh khí chư bồ tát, chư thần vừa trấn Bắc, vừa trấn biển Đông. Từ nay, và mãi mãi, khi pho tượng còn, thì Trung-nguyên không thể đánh chiếm Đại-Việt ta được nữa.
Núi Quỳnh-lâm cách khu vực kiểm soát của Phương-Quỳnh không xa. Bà nói:
– Chùa Quỳnh-lâm được kiến tạo vào thời đức Thái-tổ (1010-1028), tường xây bằng đá, mái lợp ngói, rất hẹp, là nơi cho dân làng tới niệm Phật, chứ không có tăng ni trụ trì. Năm trước đây đại sư Từ Đạo-Hạnh quyên giáo được rất nhiều tiền. Ngài cho xây dựng qui mô như hiện nay, rồi đúc tượng. Từ ngày an vị tượng, đêm đêm hào quang chiếu sáng rực một vùng, dân chúng đến lễ bái rất đông. Chùa hiện do một đệ tử của quốc sư Huệ-Sinh trụ trì.
Ghi chú,
Chùa Quỳnh-lâm tọa lạc tại núi Quỳnh-lâm, xã Hà-lôi, huyện Đông-triều , tỉnh Hải-dương. Nay thuộc tỉnh Quảng-ninh. Từ khi ngài Minh-Không, Đạo-Hạnh an vị tượng quốc bảo, chùa trở thành danh tiếng. Sang đời Trần, thiền sư Pháp-Loa trụ trì tại đây. Chùa có viện Quỳnh-lâm rất lớn, làm nơi giảng kinh. Tương truyền viện có thể thu nhận tới ba nghìn người một lúc. Lại có am Bích-động để tọa thiền. Một phò mã họ Vũ đời Trần cúng 20 mẫu ruộng. Quan tư đồ Văn-Huệ vương Trần Quang-Triều và công chúa Thượng-Trân cúng 900 lượng vàng để đúc tượng Di-Lặc. Chùa sở hữu tới hơn nghìn mẫu ruộng, tá điền nghìn người. Đương thời chùa được tôn làm Thiên Nam đệ nhất danh lãm. Trong thời gian 1285 đến 1315 chùa nổi danh cùng với chùa Vân-yên ở núi Yên-tử, chùa Báo-ân (Từ-quang) ở làng Siêu-loại.
Khi giặc Minh xâm lược Đại-Việt (1407) chùa bị phá hủy, tượng phật Quỳnh-lâm bị cướp mang về Kimh-lăng. Đầu đời Lê, chùa được dựng lại.
Vào thời Vĩnh-khánh (1729-1732) Uy-Nam vương Trịnh Giang cấp tiền, rồi lấy dân ba huyện Đông-triều, Thủy-đường, Chí-linh, tu tạo qui mô, bài trí lộng lẫy. Đến đầu đời Vĩnh-hựu (1735-1746), lại lấy dân các huyện Hiệp-sơn, Thủy-đường, Đông-triều, Kim-thành và Thanh-hà sửa sang lần nữa, rộng lớn hơn.
Đến thời Nguyễn, niên hiệu Thiệu-Trị thứ sáu (1845) chùa bị bọn Thổ-phỉ người Tầu đốt cháy mất chính điện và tiền đường. Tất cả các tượng gỗ đều cháy, duy tượng vua Trần Nhân-tông là còn nguyên.
Độc giả muốn thâm cứu thêm về chùa, tượng phật Quỳnh-lâm, có thể tìm đọc thêm các sách:
Trung-quốc:
– Quách-thị Nam chinh,
– Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký,
– Nam-hải chư thần cảo lục.
Việt-Nam:
– Lục Nam địa chí,
– Kiến văn tiểu lục,
– Lịch triều hiến chương loại chí,
– Hoàng Việt địa dư chí,
– Thoái thức ký văn,
– Đại Nam nhất thống chí,
– Đồng-Khánh địa dư chí lược,
– Bắc-kỳ giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo,
– Việt-Nam địa dư chí,
– Đại-Việt địa chí.

Chang-Lan hỏi:
– Sư huynh nói hai vị thánh tăng đúc Nam-thiên tứ khí. Một là đỉnh tháp Báo-thiên, hai là tượng phật Quỳnh-lâm. Vậy thần khí thứ ba, thứ tư là gì?
Thần khí thứ ba
– Thần-khí thứ ba là cái vạc lớn an vị tại chùa Phổ-minh thuộc trấn Thiên-trường. Nguyên niên hiệu Thuận-Thiên thứ mười chín (1028), trong lúc chư vương nổi loạn, Ngô-quốc quận vương Trần Tự-Mai cùng công chúa Huệ-Nhu đem anh hùng võ lâm Trung-nguyên về giúp Khai-Quốc vương đánh dẹp. Nhân đó vương xây chùa Phổ-minh tại trang Thiên-trường để cầu phúc cho thân mẫu. Nay hai thánh tăng cho đúc vạc, xây bệ đặt tại chùa. Vạc nặng ba vạn cân (13 tấn ngày nay), phía ngoài có hình rồng quấn xung quanh, và hình chim âu đang bay. Đầu rồng, đầu âu nghểnh lên trên vành vạc để quy linh khí của Quốc-tổ Lạc-long quân, Quốc-mẫu Âu-Cơ. Thành vạc khuyết 100 lỗ hình như quả trứng, trong mỗi lỗ khuyết đặt một tượng rồng vàng, để quy liễm linh khí trăm con của Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Bệ vạc khắc tên tất cả các vị vua tộc Việt. Cao nhất là vua Kinh-Dương, gần nhất là vua Thánh-tông; để anh linh các tiên đế tụ lại, phù hộ cho dân giầu, mưa thuận gió hòa. Sau khi an trí vạc xong, thì ngay đêm đó, trên không có tiếng nhã nhạc vang lừng, rồi hàng vạn con hạc từ đâu về bay lượn, hào quang từ trong chùa chiếu ra sáng rực. Ngài Minh-Không thấy vậy, mới nói rằng: « Không ngờ linh khí tụ nhanh như vậy. Sau đây hơn trăm năm, sẽ có giặc phương Bắc, thiên hạ không ai đương nổi. Đất này sẽ có một vị đại thánh giáng trần phá giặc đó ».
Ghi chú,
Chùa Phổ-minh ở xã Tức-mặc, nay là Lộc-vương, ngoại ô thành phố Nam-định. Từ khi bồ tát Minh-Không đúc vạc, an vị, thì chùa trở thành đanh tiếng. Đây là nơi phát tích ra giòng dõi các vua Trần sau này. Sau khi họ Trần lên làm vua, các thân vương được cắt đất phong khắp nơi, nhưng mỗi thân vương đều được cầp một mãnh đất nhỏ ở Tức-mặc, gọi là cố trạch, có nghĩa là đất cũ.

Đúng như lời tiên đoán của Minh-Không bồ tát, sau khi an vị vạc Phổ-minh, vùng Tức-mặc quy liễm được nhiều khí thiêng của trời Nam, nên đức thánh Trần mới giáng sinh, đánh bại Mông-cổ ba lần.
Đức thánh là con của An-sinh vương Liễu, sau khi thắng giặc, vua Nhân-tông cắt nhiều ấp giầu có phong cho ngài, ngài không nhận, và vẫn ở Yên-banglà ấp của An-sinh vương. Tại Tức-mặc, cố trạch của ngài nằm ngay cạnh chùa Phổ-minh.
Niên hiệu Thiệu-long thứ nhì (1262) đời vua Trần Thánh-tông, dựng cung Trùng-quang ở gần và cho tu sửa chùa, làm chỗ nghỉ ngơi của Thái-thượng hoàng.
Niên hiệu Hưng-long thứ 13 (1305) đời vua Trần Anh-tông, cho xây tháp 14 tầng trên 12 bậc gạch, caohơn 20 mét bằng đá quý, gạch nung trang trí hình rồng lượn, với chữ « Hưng-long thập tam niên ».
Sau khi vua Trần Nhân-tông băng hà, nhục thể đem thiêu, triều đình đem bẩy viên xá lợi đặt trong tháp để thờ phụng. Chính vua Trần Minh-tông có thơ đề:
Đề Phổ-minh tự thủy tạ.
Huân tận hương đầu mãn tọa hương,
Thủy lưu sơ khởi bất đa lương.
Lão dung ảnh lý tăng khai bế,
Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường.
Đào Thái-Tôn dịch như sau:

Đề ở nhà thủy tạ chùa Phổ-minh.
Hương cháy ngàn tăm khắp chốn thơm,
Nhẹ trôi dòng nước khói lan nồng.
Đa già rợp bóng, sư cài cửa,
Một tiếng ve kêu, thu rộn buông.
Năm 1426, Vương Thông bị Bình-Định vương Lê Lợi đánh bại, có người mách với y rằng: Sở dĩ người Việt nổi lên bại được quân Minh là do Nam-thiên tứ khí. Vương Thông sai quân hủy vạc Phổ-minh cùng với đỉnh tháp Báo-thiên, tượng phật Quỳnh-lâm, nói thác rằng để đúc súng đạn.
Tiến-sĩ Bùi Huy-Bích (1744-1818) có bài thơ Du Phổ-minh tự dưới đây:
Loạn hậu trùng tầm đáo Phổ-minh,
Nhàn hoa dã thảo mãn nham quynh.
Bi văn tước lạc hòa yên bích,
Phật nhãn thê lương chiếu dạ thanh.
Pháp giới dữ đồng thiên quảng đại,
Thổ nhân do thuyết địa anh linh.
Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại?
Thức đắc vô hình thắng hữu hình.
Ngô Đức-Thọ dịch như sau:
Sau loạn tìm về đến Phổ-minh,
Hoa đồng cỏ nội ngút trời xanh.
Văn bia sứt mẻ nhòe mây khói,
Mắt Phật âu sầu chiếu ngũ canh.
Cõi phép cùng trời bao rộng lớn,
Người đây vẫn nói đất linh thiêng.
Não lòng đỉnh cổ rầy đâu tá?
Mới biết vô hình thắng hữu hình.
Hiện nay vạc không còn nữa, nhưng tháp, chùa Phổ-minh vẫn còn đó. Chùa, tháp cùng vời đền thờ các vua Trần, đền thờ Hưng-Đạo vương ở cạnh nhau. Du khách muốn hành hương, có thể dùng xe, đi về hướng Bắc thành phố Nam-định, qua khu Lò-trâu, tới những đoạn sông Vỵ-hoàng chỗ còn, chỗ bị lấp, rồi quẹo trái là đến khu di tích lịch sử này. Đầu tiên là cái sân ngoài, có cây đa cổ. Qua lần cổng thứ nhất tới cái hồ. Đi vòng qua bờ phải hồ tới đền thờ đức thánh Trần. Vòng qua trái hồ là đền thờ các vua Trần. Bên trái đền thờ vua Trần là tháp và chùa Phổ-minh. Trong đền thờ đức thánh Trần cũng như các vua Trần. Hai đền, chùa, tháp còn giữ được khá đầy đủ tượng, câu đối, hoành phi cổ.
Tháp Phổ-minh hiện được các nhà sản xuất tranh sơn mài, các họa sĩ dùng làm cảnh tiêu biểu cho di tích lịch sử, văn hóa Việt-Nam. Nếu đi sâu vào Tức-mạc còn có lăng đức thánh Trần và vương phi, nhưng lăng này là lăng vọng, chứ không phải lăng thực.
Độc giả muốn thâm cứu về chùa, tháp Phổ-minh, có thể đọc thêm các sách:
Trung-quốc:

– Quách-thị Nam-chinh,
– Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký,
– Giao-chỉ linh thần kỷ sự.
Việt-Nam:

– Đại-Việt sử ký toàn thư (đệ ngũ kỷ),
– Hoàng-Việt nhất thống địa dư chí,
– Đại-Việt địa chí,
Tháp Phổ Minh
– Nam-định tỉnh địa dư chí,
– Phương-đình mạn hứng tập,
– Tồn thi cảo,
– Đại-Nam nhất thống chí,
– Đồng-Khánh địa dư chí lược,
– Toàn Việt thi lục.
Chùa Phổ-minh

Thần khí thứ tư
Chang-Lan nghe Viên Căn nói về linh khí Đại-Việt, mà lòng nàng nảy ra cảm giác khó tả. Bảo rằng vui, thì cũng vui, bảo rằng lo âu thì cũng lo âu. Bởi nếu Đại-Việt tụ nhiều linh khí, thì đất Chiêm của nàng e khó đứng nổi. Nàng hỏi:
– Em nghe nói tinh hoa của Hoa-hạ là một con trâu bằng vàng nằm ở trong lòng núi Thái-sơn. Biết bao đời, các anh hùng Trung-nguyên thi nhau bắt giữ nó mà không được. Vụ này do đâu mà ra?
Sư Viên-Căn khen:
– Sư muội bác học thực. Nguyên thời vua Thần-Nông mới định thiên hạ, ngài quy liễm linh khí sơn xuyên, giang hà, cương vực, nhật nguyệt, tinh đẩu xuống núi Thái-sơn. Cho nên đá trong lòng núi kết tinh thành con trâu vàng. Khi thiên hạ thanh bình, hoặc có chúa thánh ra đời, thì những đêm trăng sáng con trâu vàng thường chui ra khỏi núi, bay lửng lơ trên các ngọn cây, ánh sáng chiếu rực một vùng. Tại núi Thái-sơn có mỏ đồng đen, các nhà phong thủy Hoa-hạ mói rằng đồng đen là mẹ vàng. Chính đồng đen đã kết tinh thành trâu vàng. Cho nên vua các đời đều thu nhặt đồng đen ở núi Thái-sơn cất trong kho, rồi làm phép trấn yểm, để giữ cho con trâu vàng không rời núi. Bởi trước đây, đã có lần Ngũ-hồ ở phương Bắc làm cách nào không biết, họ gọi được con trâu vàng rời Thái-sơn về với họ. Từ đấy Ngũ-hồ thay nhau chiếm Trung-nguyên làm vua, sử gọi là Ngũ-hồ loạn hoa.
Chang-Lan lại hỏi:
– Sư huynh à! Trước khi rời Thăng-long lên Chi-lăng, em nghe nói hai thánh tăng đem đồng từ Tống về đúc quả chuông, đánh lên, tiếng vang rền không gian. Không biết các ngài đánh thế nào, mà con trâu vàng nằm trong núi Thái-sơn tưởng tiếng mẹ gọi, vùng chạy về Đại-Việt. Khi về đến nơi, không thấy mẹ đâu, nó nhảy lung tung, thành ra đất lún, khiến hồ Tây trở thành rộng hơn đến mấy mẫu. Sự thực việc này ra sao?
Viên Căn xua tay:
– Sư muội nghe lầm rồi. Sự thực như thế này. Ngài mang đồng từ Tống về, đầu tiên đúc tượng phật Quỳnh-lâm. Khi linh khí tượng tỏa hào quang trấn quốc rồi, ngài mới đúc vạc Phổ-minh. Vạc Phổ-minh an vị, linh khí chư bồ tát, chư thần chiếu xuồng sáng vở trời Thiên-trường. Bấy giờ các ngài mới đúc đỉnh tháp Báo-thiên cùng một lúc với quả chuông lớn gọi là chuông Ngân-thiên. Chuông mang tên Ngân-thiên, vì vì tiếng vang tới trời. Sau khi đỉnh đưa lên tháp, thần linh tụ về, ngài mới làm phép, đánh chuông, tiếng chuông vang rền, khiến con trâu vàng nằm ở trong núi Thái-sơn chạy bổ về Đại-Việt. Khi về đến nơi, ngài làm phép, khiến nó bị sa lầy ở hồ Tây. Ngài bèn bỏ 100 thẻ đồng, khắc tinh hoa võ thuật các phái của Đại-Việt vào một quả chuông nhỏ, rồi lấy dây buộc chân trâu với quả chuông. Sau đó ngài làm phép, ném quả chuông xuống đáy hồ, rồi nguyền rằng: « Nhà nào một vợ một chồng, đẻ mười con trai, thì ra kéo được cái chuông với con trâu vàng ». Từ đấy, đêm đêm, dân Thăng-long thường thấy con trâu vàng đi lập lờ trên mặt hồ Tây.
Phương-Quỳnh hỏi:
– Như vậy là tinh hoa hồn nước của Hoa-hạ đã bị ngài chuyển về Đại-Việt ta rồi phải không?
– Đúng thế.
Ghi chú,
Thăng-long cổ tích khảo lại chép rằng: Đền Kim-ngưu ở thôn Tây-hồ, phường Võng-thị, Thăng-long; nay thuộc quận Ba-đình, Hà-nội. Tương truyền hồi Cao Biền làm An-Nam đô hộ phủ, thường đi khắp các danh lam, địa linh nước ta đặt bùa yểm long mạch. Khi Biền đào sông yểm núi Long-đọi (huyện Duy-tiên, tỉnh Nam-Ninh), sơn thần núi ấy thấy nguy, hóa hình thành con trâu vàng, bơi qua sông Đường-giang lên phía Bắc, rồi dừng lại ẩn náu ở vùng hồ Tây gần thành Đại-la (Thăng-long). Những đêm trời đẹp, dân chúng thấy trâu vàng hiện lên ở bãi sông. Nhân đó lập đền thờ.
Thuyết này không hợp với các sư kiện lịch sử, tôi bỏ qua
.
Phương-Quỳnh hỏi tiếp:
– Vậy quả chuông Ngân-thiên, ngài để đâu? Phép mầu của chuông là gì, có giống tượng phật Quỳnh-lâm, vạc Phổ-minh, đỉnh tháp Báo-thiên không?
– Khác nhiều lắm. Sau khi đánh chuông gọi trâu vàng về Thăng-long. Hai ngài sai chở chuông đem về chùa Chúc-thánh trên núi Phả-lại, thuộc lộ Đông-triều.
Thấy Hoàng-Nghi tỏ vẻ đăm chiêu, Viên Căn hỏi:
– Sư đệ có gì không hiểu chăng?
– Có! Điều đệ thắc mắc là ngài Minh-Không tu ở chùa Chúc-thánh. Tại sao ngài không đúc chuông tại đây, mà đúc ở Thăng-long rồi chở về chi cho tốn sức Phật-tử?
– Ngyên do như thế này. Chùa Chúc-thánh là nơi xuất thân của Minh-Không bồ tát. Sau khi dùng chuông Ngân-thiên gọi con kim ngưu từ núi Thái-sơn về hồ Tây, ngài Minh-Không, Đạo-Hạnh thấy rằng thần linh Đại-Việt tuy nhiều, nhưng ác qủy, ác ma không thiếu. Lại nữa sau những lần chiến tranh Hoa, Việt, binh tướng Trung-quốc bỏ mình tại Đại-Việt không biết bao nhiêu mà kể. Một số đã trở về quê quán, một số đã đi đầu thai. Một số vì quá uất ức không siêu thoát được, vẫn chập chờn đi lại trên đất nước ta. Hai ngài bèn chiêu hồn họ về chùa Sùng-khánh Báo-thiên để làm chay giải oan cho họ. Khốn thay, có một số không tuân, cứ vơ vẩn chờ quân Tống đến Thăng-long là trợ giúp. Các ngài đành thu tất cả hồn phách họ vào chuông Ngân-thiên rồi dùng thuyền chở về chùa Chùa-thánh. Trong khi đi đường, có không biết bao nhiêu oan hồn tử sĩ Trung-quốc trầm dưới đáy sông, không sao lên được. Chúng làm sóng làm gió giúp quân Tống. Vì vậy, hai ngài đành tùng quyền thu hết hồn chúng vào trong chuông, rồi ném xuống sông Lục-đầu.
Chang-Lan ngơ ngác:
– Họ là oan hồn tử sĩ trận nào vậy?
– Họ chết trong trận đánh biển Đông giữa công chúa Gia-Hưng Trần Quốc với Nam-an hầu Đoàn Chí, trận Lãng-bạc, hai trận Bạch-đằng, mới đây trận đánh Khâm, Liêm.
Phương-Quỳnh à lên:
– Mấy hôm trước, muội nghe đồn hai ngài đem chuông về treo trên gác chuông. Sau gác chuông sụt lở, làm chuông chìm xuống sông Lục-đầu. Muội lấy làm lạ, là từ chùa, tới bờ sông Lục-đầu khá xa, đâu có truyện gác chuông sụt lở. Thì ra thế.
Ghi chú,
Nhiều thuyết nói rằng Nam-thiên tứ khí là :
– Tượng phật Quỳnh-lâm,
– Đỉnh tháp Báo-thiên,
– Vạc Phổ-minh,
– Chuông Quy-điền, thực lầm lớn.
Vì chuông Quy-điền không do ngài Minh-Không, Đạo-Hạnh đúc.
Chùa Chúc-thánh còn gọi là chùa Phả-lại. Đây là một trong những ngôi chùa danh tiếng trong Thiền-sử Việt-Nam. Chùa ở trên núi xã Phả-lại, huyện Quế-dương, tỉnh Bắc-ninh. Nay là huyện Quế-võ, tỉnh Hà-Bắc. Chùa được xây vào niên hiệu Thuận-Thiên thứ mười tám (1027) đời vua Lý Thái-tổ. Chính sư Minh-Không, Chân-Không đã tu ở đây. Sau này, vua Trần Nhân-tông đi tu cũng có lần đến đây giảng kinh.
Vị đại thần cuối đời Trần là Nguyễn Sưởng qua đây cảm tác một bài thơ nhan đề:
Đề Phả-lại sơn tự

Thế áp ngao đầu, thống bách man,
Chử ba cô điểu tịch dương gian.
Giang bàn lão tướng luận binh địa,
Vân ủng tiên hoàng trách tích san.
Tuế nguyệt xâm xâm phong bán lạc,
Thủy thiên mạc mạc điểu song hoàn.
Thắng du phủ ngưỡng thành trần tích,
Liêu vị bằng cao phá lữ nhan.
Huệ-chi Phạm Tú-Châu dịch như sau:

Thế đè cá dữ cắn trăm nơi,
Sóng bãi, chiều buông cánh nhạn côi.
Vua dựng gậy thiền, non khói phủ,
Tướng bàn chiến sự, bãi sông bồi.
Lá phong rụng nửa, năm theo tháng,
Chim chóc về đôi, nước lẫn trời.
Chớp mắt cuộc chơi thành dấu cũ,
Lên cao, lữ khách hãy tươi cười.
Còn rất nhiều danh sĩ làm thơ ca tụng cảnh chùa Chúc-thánh, chép hết vào đây, e dài giòng quá.
Độc giả muốn thâm cứu thêm về chùa Chúc-thánh, xin đọc thêm các sách:
Trung-quốc:
– Quách-thị Nam chinh,
– Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký,
– Giao-chỉ linh thần kỷ sự.
Việt-Nam:
– Toàn Việt thi lục,
– Lã-Đường di cảo,
– Hoàng Việt thi tuyển,
– Nam Việt địa dư chí,
– Hoàng Việt địa dư chí,
– Thiền-uyển tập anh,
– Đại-Nam nhất thống chí,
– Bắc thành địa dư chí,
– Bắc-ninh tự miếu bi văn,
– Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư,
– Đồng-Khánh địa dư chí lược,
– Nam sử lược biên.

<< Chương 43 | Chương 45 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 274

Return to top