Không biết ở đâu tung ra cái tin: Tất cả 207 trang động Bắc-biên đã đầu hàng, mở cửa biên giới cho Tống đánh vào Thăng-long. Lại có người thì thầm: Không những đầu hàng Tống, mà các trang động còn đi tiên phong cho Tống để đánh Đại-Việt nữa.
Từ hồi tháng ba, quân Việt Bắc-phạt trở về, thì khắp lãnh thổ , dân chúng sống trong tình trạng cực kỳ căng thẳng, vì cái tin Tống kéo bốn mươi vạn quân triều, một trăm vạn dân binh sang; quyết chí giết cho tuyệt giống Việt đã đành, mà đến con chó, con mèo cũng không tha. Tin nói rõ: Quân Tống sang phen này để trả thù quân Việt đã đánh Khâm, Liêm, Ung, Dung, Nghi, Bạch châu hồi cuối năm trước sang đầu năm nay. Trong một ngày, dân chúng Thăng-long náo loạn đến mấy lần. Một số nhà giầu vội đem gia thuộc, chở của cải rời Thăng-long về quê tránh chiến tranh.
Để đối phó với tình thế ấy, ngày Ất-Mão tháng bẩy, mùa Thu niên hiệu Thái-Ninh thứ năm (1-7 Bính-Thìn, DL 3-8-1076), Linh-Nhân hoàng thái hậu ban chỉ cho thiết Tinh-triều khẩn cấp.
Lần thiết triều này được tổ chức ở điện Uy-viễn, nơi đặt Khu-mật viện. Mọi lễ nghi, âm nhạc đều giản tiện hoăc bãi bỏ. Các đại thần được ngồi để nghị sự chứ không phải đứng như thường lệ.
Mở đầu, Linh-Nhân hoàng thái hậu tuyên chỉ:
– Trước khi đình nghị, xin Khu-mật viện hãy trình bầy tình hình tiến quân của Tống đã.
Quản Khu-mật viện, Trung-Thành vương tâu:
– Trước hết thần xin trình bầy về tình trạng tướng Tống đã. Ngày 25 tháng Chạp năm trước (Ất-Mão, 1075), khi ta đang vây Ung-châu, thì Hy-Ninh đế đã chọn Triệu Tiết, đang thay Kinh-Nam vương cầm đại binh Tống ở vùng Hy-hà; phong làm An-Nam đạo hành doanh mã bộ đô tổng quản, kinh-lược chiêu thảo sứ, kiêm chức Quảng-Nam Tây-lộ An-phủ sứ. Lại phong cho hoạn quan Lý Hiến làm phó An-phủ sứ, Yên Đạt làm Phó Đô-tổng quản, Ôn Cảo làm Quản-câu. Vương An-Thạch đích thân thảo một tờ chiếu, gọi là Thảo Giao-chỉ chiếu.
Vương trao tờ chiếu cho quan thái-phó Quách Sĩ-An. Quách cầm lấy đọc lớn:
« Chúa nước Nam các người, đời đời được phong tước vương, nên chi con cháu được ta thừa nhận, vỗ về. Tiên-đế từng tha cho các ngươi cái tội cướp ngôi nhà Lê. Nay các người lại đem quân phạm vào nội địa, giết hại quan dân. Các người phạm tội với nước Thiên-tử như thế, thì ta không thể tha thứ được.
Trẫm truyền quân trời tới đánh, thật đúng danh nghĩa.
Nay trẫm sai Triệu Tiết làm An-Nam đạo hành doanh mã bộ đô tống quản, Kinh lược chiêu-thảo sứ. Lý Hiến làm phó An-phủ sứ, và Yên Đạt làm Phó Đô tổng quản.
Này Tiết, Đạt, Hiến, các người hãy đem quân thủy, lục tiến đánh cho mau. Trời đã có lòng giúp, nên khiến sao chổi xuất hiện điềm lành, còn người đã rõ lòng gian của bọn Nam-man nên đều căm hận bọn giặc ác.
Nay chiếu cho quân Giao-chỉ biết rằng, khi thấy quan quân tới, thì đừng có chạy, dân chúng đã chịu khổ lâu ngày. Vậy nếu chúng bay dỗ được chúa vào nội phụ, trẫm sẽ ban tước lộc cho. Này Càn-Đức, ngươi còntrẻ, việc làm không tự chủ được, tội không phải ở người. Ngày nào người tới chầu, trẫm sẽ tha thứ cho... »
Quan Thái-phó Quách Sĩ-An hỏi:
– Xin các đồng liêu cho biết ý kiến về bản văn này.
– Đầu Ngô mình Sở.
Công-chúa Côi-sơn cười nhạt: An-Thạch là một văn gia lỗi lạc, một tư tưởng gia quán thế, mà y soạn bài chiếu lủng củng như nồi cơm độn ngô, độn khoai là tại sao? Y đặt hết tất cả hy vọng vào việc xâm lăng Đại-Việt để lấy đó làm cớ bịt miệng đồng liêu chống đối y. Nay việc đó bị ta phá từ trong trứng nước, nên y mất bình tĩnh, mà rặn ra bản văn trên. Phàm chiếu, thì chỉ nói rõ việc phong chức tước cho bọn Tiết, Hiến, Đạt rồi định nhiệm vụ chúng. Còn đối với người Việt, thì y phải làm một tờ hịch mới phải. Đây tờ chiếu chẳng ra chiếu, hịch chẳng ra hịch. Dù bọn Tiết, Hiến, Đạt, dù ta có đọc cũng chẳng rõ y nói gì.
Trần Trung-Đạo gật đầu khen ngợi:
– Sư muội luận đúng. Lúc toà Khâm-thiên giám báo có sao chổi xuất hiện, Thạch tỏ ra lo sợ, dấu đến bốn ngày mới tâu vua. Khi ta vây Ung-châu, Thạch quả quyết: Thành Ung chắc lắm, quân Giao không thể phá được; mà quân thủ thành tới mười vạn cộng bốn vạn quân của Trương Thủ-Tiết xuống cứu thành mười bốn vạn, trong khi chúng chỉ có mười vạn. Quân ta trong đánh ra, ngoài đánh vào, quân Giao ắt bị bại. Nhà vua cũng đồng ý. Khi được tin toàn quân của Tiết bị diệt, thành Ung mất, vua muốn triệu hai ty Trung-thư và Khu-mật viện họp ở các Thiên-chương. Thạch run run nói: Họp ở đó thì việc thất lợi này hóa ra to mất. Chi bằng hội ở Đông-phủ. Vương Thiều thấy Thạch run, phải trấn tĩnh: « Ông ở đây mà còn lo như thế, huống chi kẻ ở ngoài biên cương. Xin ông bình tĩnh lại ».
Trung-Thành vương trình bầy tiếp:
– Lý Hiến quả có tài, nhưng vì ỷ là hoạn quan được gần vua, nên coi thường các đại thần. Việc gì y cũng muốn tâu thẳng lên vua, trong khi Triệu Tiết hiểu rằng cuộc chiến này không phải mình vua mà quyết được, y muốn tâu qua hai tòa Trung-thư lệnh và Khu-mật viện. Vì vậy hai người thường cãi nhau. Vương An-Thạch bênh Triệu Tiết xin bãi Hiến, vua không nghe. Nhưng trước đấy, U-bon vương với vua bà Bình-Dương, phò-mã Thân Thiệu-Thái đem Thần-vũ thập anh đại náo điện Sùng-chính; người tung thuốc vào Hiến, khiến y ngứa phát điên phát khùng, lâu ngày hóa điên thực. Vua buộc lòng phải bãi Hiến. Nhân dịp đó vua hỏi Tiết: Ai có thể thay Hiến? Tiết tiến cử Quách Quỳ. Trong triều, thì Thạch làm Tả Tể-tướng chủ đánh ta. Người chống Thạch là Ngô Sung làm Hữu Tể-tướng chủ hòa với ta. Thạch muốn tiến cử Triệu Tiết làm chánh tướng, trong khi Ngô Sung lại muốn Quách Quỳ làm chánh tướng. Sau vua hỏi Triệu Tiết: Khanh làm chánh, Quỳ làm phó sao? Tiết đáp nhún: Vì nước mà làm việc, sao lại ai chánh, ai phó. Tôi chỉ xin làm phó thôi. Vua cho là Tiết nhát, tránh trách nhiệm, vì vậy ngày Mậu-Tý tháng hai (2-2 Bính-Thìn, DL. 9-3-1076) ban chiếu phong Quỳ làm Tuyên-huy Nam viện sứ, An-Nam đạo hành doanh mã bộ đô tổng quản, Chiêu thảo sứ kiêm Tuyên-phủ lộ Kinh-Hồ, Quảng-Nam. Tiết thay Hiến làm phó, Yên-Đạt vẫn giữ chức phó đô tổng quản.
Công-chúa Thiên-Ninh cười nhạt:
– Qua bài chiếu, ta thấy rõ tâm thần An-Thạch quá mệt mỏi vì bị đồng liêu chống đối, vì mưu Nam xâm bị ta khám phá ra tay trước. Bây giờ vua lại phong Quỳ là người của phe chủ hoà làm chánh; phong Tiết là người của Thạch làm phó. Như vậy ta biết rõ lòng vua bắt đầu bớt tin Thạch.
Thái-Ninh đế hỏi Trần Bảo-Dân:
– Sư-phụ! Sư-phụ từng ở Biện-kinh lâu ngày, sư-phụ có cách nào trừ khử tên Vương An-Thạch đi không?
Bảo-Dân lắc đầu:
– Tâu bệ hạ không có cách nào cả. Nguyên từ hôm vua bà Bình-Dương, Thân phò-mã, U-bon vương đại náo Sùng-chính điện đến giờ, thị-vệ canh phòng Hoàng-thành cũng như dinh An-Thạch cực kỳ chu đáo. Trong thế gian này chỉ có một người giết được Thạch, đó là sư đệ Tự-Mai, vì y có chân tay khắp nơi. Nhưng y là Kinh-Nam vương, là phò-mã của Tống triều; trong khi Vương An-Thạch là đại công-thần nhà Tống, công-lao thực không nhỏ.
Thái-hậu hỏi Hoài-hóa thượng tướng quân Lý Đoan:
– Đoan đệ! Đệ là thầy thuốc giỏi. Chị Nghe nói trong trận công thành Ung, đệ đã hiến phương thức làm cho tướng sĩ Tống bị kinh hoảng, mệt mỏi. Nay trường hợp An-Thạch, y cũng đang mề mệt, đệ có cách nào làm cho tâm thần y rối loạn hơn, để y mất hết minh mẫn, rồi sinh cáu giận. Như vậy y càng có thêm đồng liêu chống đối, để cuối cùng y phải mất chức không?
Lý Đoan tâu:
– Con người ta có ba mối liên hệ. Một là liên-hệ chúa tôi, hai là mối liên-hệ đồng-liêu, ba là mối liên hệ gia-thuộc. Từ ngày thi hành Tân-pháp, gần như Thạch không có liên hệ đồng liêu; những người dưới quyền y, chỉ là chân tay y, để y sai khiến, hở ra là phản y, như trường hợp Lã Huệ-Khanh. Y không có bạn, y cô đơn. Nay y sống bằng hai liên hệ chúa tôi, gia thuộc, mà bây giờ liên hệ chúa tôi nhạt dần. Vậy nếu ta có cách nào làm cho gia đạo y bất an nữa, thì mới khiến cho y bị rối loạn.
Thái-hậu tuyên chỉ:
– Việc này phi Côi-sơn tam anh, không ai làm nổi. Ba vị sư bá! Cô-phụ biết việc làm cho gia đạo An-Thạch rối loạn không phải là dễ, nhưng tam vị sư bá cứ thử xem, ta tùy nghi dùng thực nhiều vàng ngọc. Biết đâu?
Phụ-Quốc cung tay:
– Tuân chỉ Thái-hậu. Muốn thực hiện được điều này có lẽ phải nhờ đến hai vị đại-sư Minh-Không, Đạo-Hạnh giúp một tay. Thần xin cố gắng.
Quán-quân thượng tướng quân, Chính-Tâm hầu Đinh Hoàng-Nghi hỏi Trung-Thành vương:
– Thưa vương gia, bọn đệ là những người trực tiếp đối đầu với các tướng cầm quân Tống. Bọn đệ cần biết, ngoài Quỳ, Tiết, Đạt, Cảo ra, những tên nào được sai sang đánh ta?
– Quỳ xin vua cho mang tất cả binh tướng từng chiến đấu ở Tây-thùy theo. Bởi đây là những đạo binh, những tướng do Kinh-Nam vương huấn luyện, từng tham chiến bao năm qua, rất tinh nhuệ, thiện chiến. Tổng số có 12 tướng đó là:
– Diêu Tự lĩnh chức hàm-hạt ở Kinh-nguyên.
– Lý Hạo lĩnh chức hàm-hạt ở Hy-hà.
– Trương Chi-Giám coi đạo quân Tần-phượng.
– Dương Vạn lĩnh chức đô-giám ở Hoàn-khánh.
– Lôi Tự-Văn chỉ huy đạo binh Hoàn-khánh.
– Lữ Chân lĩnh chức đô-giám ở Diên-Phu.
– Trương Thế-Cự lĩnh chức Vũ-kị thượng tướng quân.
– Lý Hiếu-Tôn chỉ huy đạo binh Hy-hà.
– Địch Tường chỉ huy đạo binh Hà-Bắc.
– Khúc Chẩn chỉ huy đạo binh Diên-Phu.
– Quản Vi chỉ huy đạo binh Kinh-Tây.
– Vương Mẫn chỉ huy đạo binh Hà-Đông.
Đây là những tướng ở vào tuổi trung niên, kinh nghiệm chiến đấu, có tài dùng binh.
Tín-Nghĩa vương hỏi Trung-Đạo:
– Thưa sư-bá, võ công bọn này ra sao?
– Nếu so với những cao thủ bậc nhất của ta như vua bà Bình-Dương, phò-mã Thân Thiệu-Thái, U-bon vương, Tôn Đản, Cẩm-Thi thì chúng không bằng. Nhưng so với các tướng trẻ của ta trong Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất-kiệt thì bản lĩnh chúng bỏ xa. Bản lĩnh của chúng suýt soát với Thần-vũ thập anh!
Cả triều đình đều tỏ vẻ lo lắng.
Trung-Thành vương tiếp:
– Về quân số thì trước khi An-Nam đạo hành doanh giao cho Triệu-Tiết ngày Giáp-Dần, tháng Chạp năm Ất-Mão (27-12. DL. 25-02-76) là mười vạn quân bộ, đó là các đạo đóng từ Biện-kinh tới Ung-châu; hai vạn binh từ Biện-kinh đến Quảng-châu. Cộng mười hai vạn quân triều. Quảng-châu ra lệnh cho các châu lấy bảo-binh huấn luyện thành các chỉ-huy xạ-binh và dũng-lực. Các vùng Mân, Triết, Kinh, Hồ, Lưỡng Quảng đều mộ binh lập ra các chỉ-huy tân-đằng-hải, sồ này khoảng mười vạn nữa. Cộng chung hai mươi hai vạn (TS-TTTTGTB, Hy-Ninh 8, tháng 12).
Vương đưa mắt nhìn đình thần một lượt rồi tiếp:
– Khi Quách-Quỳ được làm nguyên-súy, y xin cho các tướng đem quân theo. Mười hai tướng này, đang chỉ huy mười hai đạo binh, mỗi đạo khoảng một vạn người, và hơn vạn kị binh. Đây là binh triều. Theo quan chế nhà Tống, thì mỗi tướng chỉ huy đạo quân ở đâu, phải lấy bảo-binh huấn luyện sẵn, để khi lâm chiến bị tổn thất thì lấy binh đó bổ xung. Vì vậy mỗi tướng còn có một vạn quân trừ bị, chia năm trăm người làm một chỉ-huy, thành ra mỗi tướng có hai mươi chỉ-huy nữa. Số quân này khoảng mười hai vạn nữa. Tổng cộng có hai mươi bốn vạn binh mang từ Tây-thùy về. Như thế tính chung là bốn mươi sáu vạn binh, chia ra ba mươi vạn binh triều, mười sáu vạn binh các lộ, các châu (QTNC, TTCTGCK), năm vạn kị binh, năm vạn thủy binh.
Công-chúa Thiên-Ninh hỏi:
– Thưa hoàng thúc, theo binh chế Tống, cứ một người lính chiến thì có một bảo-binh hay phụ lực binh theo để mang vật dụng, quần áo, nấu ăn, tắm ngựa. Đám này còn dùng để giữ trại, trấn giữ những nơi chiếm được, khi cần cũng có thể đem ra xung trận. Ngoài ra lại còn đám bảo-binh để chuyển vận lương thảo. Vậy thúc phụ có biết rõ quân số này là bao nhiêu không?
– Thưa điện hạ, tế-tác của ta không biết rõ được. Chỉ biết viên chuyển-vận sứ Quảng-Tây là Lý Bình-Nhất tâu: Bao nhiêu lương thảo tích trữ ở Nam-thùy bị ta lấy phát cho dân hết, thành ra Tống phải chuyển vận từ Kinh, Hồ, Mân, Triết và cả vùng Biện-kinh xuống. Việc chuyển vận này hoàn toàn bắt dân chúng đem đến các trấn bên bờ sông Tương, rồi dùng thuyền đưa xuống Quảng-Tây. Dân Quảng-Tây phải chuyển tới biên giới, sau đó phụ lực binh sẽ chuyên chở ra mặt trận. Y xin bắt 40 vạn bảo binh làm phụ-lực binh.
Vương kết luận:
– Tính chung, ta phải đối đầu với bốn mươi sáu vạn quân triều, năm vạn kị, năm vạn thủy và bốn mươi vạn bảo binh là chín mươi sáu vạn. Tôi xin nhắc lại, chỉ dụ mới nhất của Khu-mật viện Tống như sau: Binh triều là binh được tổ chức thành từng đạo, mỗi đạo năm nghìn người, rất thiện chiến, được luyện tập võ nghệ, giỏi xung phong hãm trận, võ trang đầy đủ để tấn công. Để giữ sức, mỗi quân triều được cấp một bảo binh, dân phu dùng để nấu ăn, giặt quần áo, mang hành trang. Còn quân tân-đằng-hải cũng là quân triều, tổ chức thành từng chỉ huy; mỗi chỉ huy năm trăm người, dùng trong những trận nhỏ, hoặc dùng để trấn đóng, bảo vệ lương thảo. Còn bảo binh, là những trai tráng, được huấn luyện quân sự để giữ làng ấp, bố xung tổn thất cho binh triều, tân-đằng-hải. Tân-đằng-hải, bảo binh phải tự túc nấu ăn, mang trang phục lấy.
Đại đô đốc Lý Kế-Nguyên hỏi:
– Về thủy quân, hiện tình Tống ra sao?
– Trước, xưởng đóng chiến thuyền Tống ở Khâm-châu đã đóng được ba trăm chiến thuyền lớn, sáu trăm chiến thuyền nhỏ. Khi ta đánh Khâm-châu thì các chiến thuyền này được kéo về Đồn-sơn, thợ bị giết sạch, kho gỗ để đóng thuyền bị đốt. Vì vậy, Tống cho chuyển toàn bộ thủy-quân vùng Mân, Triết, Quảng-châu xuống, lực lượng có bốn hạm đội. Đô đốc chỉ huy là Dương Tùng-Tiên, phó là Tô Tử-Nguyên, con Tô Giàm.
Phò-mã Hoàng Kiện cung tay:
– Trước tình hình như vậy, xin Thái-hậu ban chỉ dụ.
Linh-Nhân hoàng thái hậu đứng dậy đưa mắt nhìn quần thần một lượt rồi nói:
– Trước khi đem quân Bắc phạt, các vị với cô phụ này đã nghị việc Tống đem quân nghiêng nước phục thù rồi. Giả như ta không đem quân Bắc phạt, thì Tống cũng đem quân đánh ta kia mà! Nếu ta không ra quân trước, thì với lương thảo, vũ khí, thủy bộ mã quân ở Nam thùy chuẩn bị từ lâu, nay Tống đánh ta, thì quả ta không đương nổi. Vì ta ra quân trước, thành ra tinh lực Tống bị giảm một nửa, trong khi ta lại có thêm lương thảo, vũ khí, chiến thuyền. Bây giờ Tống đem quân sáng, ta chỉ phải đối đầu với một nửa tinh lực mà thôi.
Chư đại thần đều đồng ý lý giải của thái hậu. Hậu hỏi:
– Bây giờ sắp tới Ngọ rồi. Có thực mới vực được đạo. Chúng ta sang cung Long-hoa, ta ăn cơm đã. Trước khi ăn, cô phụ xin đặt một câu hỏi: Với tình thế này, các vị hãy suy nghĩ kỹ rồi trình bầy xem: Ta phải làm gì? Chịu nội thuộc để nước khỏi bị phá, dân khỏi bị giết, hay đánh đến cùng? Nào, ta ăn trưa.
Thái-sư Lý Đạo-Thành đại diện các quan tạ ơn Thái-hậu với nhà vua ban yến. Không tấu nhạc trước khi ăn yến như thường lệ. Trong yến, các quan thì thầm bàn tán. Kẻ bàn nên đánh, người bàn nên chịu nhún để toàn vẹn. Tiệc được nửa chừng, thì hoàng môn quan vào tâu:
– Có tiên nương Bảo-Hòa, Thiếu-Mai; công chúa Bình-Dương, Kim-Thành, Trường-Ninh xin cầu kiến.
Lập tức trong điện đông đến hơn trăm người, mà im bặt, không một tiếng động. Linh-Nhân hoàng thái hậu tuyên chỉ:
– Phúc đức thay! Giữa lúc chúng ta đang phân vân không biết tiến thoái lẽ nào, thì Quan-âm với hai vị tiên nương, nhị vị công chúa giá lâm! Tất cả chúng ta phải ra đón các vị.
Tới cổng thành, Linh-Nhân hoàng thai hậu hô lớn:
– Cô phụ Yến-Loan, hài nhi Càn-Đức cùng trăm quan xin bái kiến Quan-Âm bồ tát, nhị vị tiên nương, nhị vị trưởng công chúa.
Tiếng tiên nương Bảo-Hòa êm, nhẹ, nhưng vang đi rất xa:
– Nhọc kim thể Thái-hậu, Hoàng-thượng đã ra đón.
Nhắc để độc giả nhớ: Tiên nương Bảo-Hòa là chị con cô, vua Thánh-tông là em con cậu. Ngài lại là sư phụ của vua Thánh-tông với Thường-Kiệt. Vua bà Bình-Dương là sư phụ của Linh-Nhân hoàng thái hậu; công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh đều là chị ruột vua Thánh-tông từng lĩnh nhiệm vụ biên cương trọng thần gần bốn chục năm qua. Vua Thánh-Tông mồ côi mẹ từ thủa còn thơ, được ba bà chị Bình-Dương, Kim-Thành, Trường-Ninh chăm sóc nhà vua như con. Tiên nương Thiếu-Mai là vương phi của Yên-vương, quốc phụ Tống triều. Cả bốn vị đều lập không biết bao nhiêu huân công với xã tắc, cho nên ân đức, uy tín cực kỳ lớn lao.
Phía sau các vị còn có chín nam, chín nữ, tuổi khoảng hai mươi hăm một. Nam thì hùng vĩ khôi ngô, nữ thì yểu điệu sắc nước hương trời. Linh-Nhân hoàng thái hậu đưa mắt hỏi tiên nương Bảo-Hòa. Tiên nương cười:
– Đây là mười tám thiếu niên Việt kiều ở Xiêm, chỉ vì có chút lòng son hướng về đất nước, mà bị bọn Hồng-thiết giáo dụ dỗ theo chúng, rồi mắc vào vòng Chu-sa Huyền-âm độc tố không thoát ra được. U-bon vương đã trị dứt Chu-sa Huyền-âm độc tố, rồi dạy binh pháp, võ công cho. Công chúa Nong-Nụt lại kết họ thành phu phụ. Nhân khi hai vị Mộc-tồn, Viên-Chiếu vân du Xiêm quốc, vương xin hai vị thu họ làm đệ tử. Hiện bản lĩnh họ không thua Thần-vũ thập anh làm bao. Về hành binh, xung phong hãm trận họ lại có tài không thua Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt. Nay nghe giặc Tống phạm cảnh, họ trở về chùa Báo-ân xin sư phụ cho theo quân giữ nước, nên chị dẫn họ đến yết kiến thái hậu.
Tiên nương Thiếu-Mai tiếp:
– Mộc-tồn hòa thượng đặt cho họ cái tên Thập-bát Kim-cương. Cặp lớn nhất là Kim-cương đệ nhất, cập thứ nhì là Kim-cương đệ nhị...
Thập-bát Kim-cương hành lễ với mọi người.
Linh-Nhân hoàng thái hậu truyền đặt thêm tiệc cho bốn vị, với Thập-bát Kim-cương. Tiệc tàn, mọi người trở lại điện Uy-viễn.
Thường-Kiệt là đệ tử của tiên nương Bảo-Hòa, ông tóm lược những điều triều đình đã nghị sự trình với ngài.
Nghe xong, tiên nương hỏi công chúa Kim-Thành:
– Em nghĩ sao?
Công chúa đưa mắt nhìn bách quan một lượt, rồi tiếp:
– Tâu Thái-hậu! Không cần phải hỏi nên đánh hay nên hòa, mà chỉ có một đường là đánh đến cùng. Hòa là chết, chết hết. Chỉ có đánh họa chăng mới có con đường sống mà thôi. Vì sao???
Công chúa ngửa mặt nhìn lên nóc điện, cúi xuống, nói thực chậm:
– Tại sao ta phải đánh? Xét kỹ ra có ba điều. Một là, rõ ràng Tống xuất quân để chiếm sáu nước tộc Việt đặt làm quận huyện. Nhưng chiếm Đại-Việt trước; thế mà trong biểu xuất quân, Tống nói lơ mơ rằng nếu ta phụ thuộc sẽ để cho tồn tại. Kìa cái gương Nam Đường, Bắc Hán, Đông Việt còn đó. Chúa các nước đầu hàng, tưởng được yên thân trong nước của mình; đâu ngờ sau khi đầu hàng, Tống đem hết gia thuộc về Biện-kinh, phong tước vương, phải chịu cảnh ra luồn vào cúi, ngơ ngáo hàng thần. Còn nước thì mất. Nay nếu ta chịu nhục, nội thuộc Tống, thì e rằng số phận còn tàn tệ hơn các nước kia nữa.
Triều đình cùng gật đầu công nhận lời công chúa thực chân xác.
– Hai là, nói rằng ta nội thuộc Tống để bớt đổ máu ư? Nói như thế là nói theo kiểu ngu phu ngu phụ để che dấu cái hèn nhát. Này, cho rằng ta kháng Tống có chết vài chục vạn người đi, thì cũng là những cái chết oanh liệt. Còn như nội thuộc Tống, việc đầu tiên chúng giết người trả thù trận Khâm, Liêm, Ung, số người chết không phải là vài chục vạn mà là hàng trăm vạn. Rồi sau đó, chúng lấy tất cả Thiên-tử binh, binh các trấn, các lộ, hoàng nam đem đi đánh Chiêm, Chân, Xiêm, Lào, Lý. Số người chết không đáng chết này có khi tới trăm vạn. Lại nữa, các gia, các phái, các bang sẽ hô hào người người nổi lên chống ngoại xâm, chiến tranh còn khủng khiếp hơn nữa, số người chết còn cao gấp bội. Đó là hai điều ta không thể nội thuộc Tống.
Nhà vua tuyên chỉ:
– Còn điều thứ ba, xin cô mẫu dạy cho.
– Ba là, các quan tưởng nội phụ, sẽ bảo toàn được cái mạng mình với gia thuộc, rồi sẽ được Tống phong chức tước ư? Thử tưởng tượng xem, đến bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ mà giờ này cũng chỉ có chức mà không có tước gì! Nếu như mai sau chúng thắng Đại-Việt, may ra được thí cho tước hầu là cao lắm. Bọn chúng còn vậy, huống hồ các quan đầu hàng? Vậy thì con đường trước mắt ta hãy nhìn cho rõ: Sau khi nội thuộc, bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ sẽ được bổ làm quan cai trị, các vị không bị giết, thì cũng sẽ phải ra luồn vào cúi với chúng. Thảng hoặc chúng thí cho chức thư lại ở một vùng hẻo lánh nào đó, rồi tìm cớ giết sau mà thôi.
Thế là triều thần đều nhất trí phải đem hết lực ra đánh Tống để tồn tại.
Tiên nương Bảo-Hòa hỏi Thường-Kiệt:
– Này Kiệt nhi! Trong trận này, con định dùng phương thức gì để giữ nước?
– Khải tấu sư phụ! Tống đánh ta phen này, ắt đem quân nghiêng nước để quyết thắng. Như vậy hầu hết quân họ đem sang đánh ta là quân từ Bắc-thùy, Tây-thùy, với kị-binh. Quân hai nơi này có ưu điểm là giỏi dàn trận, dùng kị binh xung sát. Họ muốn thắng thực mau vì sợ Liêu, Hạ thừa cơ đem quân đánh vào phía Bắc, phía Tây. Đệ tử biết thế, họp chư tướng, rồi quyết định: Tống giỏi dùng trường binh, thì ta dùng đoản binh. Tống giỏi dàn trận, thì ta không dàn trận, đóng thực nhiều đồn kiên cố, gần chỗ đồng lầy; như vậy kị binh, trường binh vô dụng. Họ muốn đánh cho mau, thì ta lại cố kéo dài cuộc chiến.
– Được. Con tiếp đi.
– Vân-ma thượng tướng quân Nhu-Tâm hầu Trần Ninh, Trung-vũ đại tướng quân Kính-Tâm hầu Dương Minh là hai tướng giỏi về y học, đưa ý kiến rằng: Hiện quân Tống sắp vượt biên, nếu ta kéo dài cuộc chiến được tới mùa hè sang năm, thì dù ta không giết, trời cũng giết hết quân Tống.
Tiên nương vẫy tay gọi Trần Ninh, Dương Minh khen ngợi:
– Được! Ý kiến này thực phi phàm. Bằng vào nguyên do nào, hai tướng quân có thể quyết đoán rằng nếu kéo dài tới mùa hè, thì trời giết quân Tống dùm?
Dương Minh kính cẩn thưa:
– Tấu tiên nương, quân Tống từ miền Bắc, miền Tây đến, thì người ngựa quen với khí hậu lạnh, không muỗi, mòng, vắt. Nay họ xuống Lĩnh-Nam, khí hậu nắng nực thấp nhiệt sức người suy yếu, sức ngựa ngựa kiệt quệ. Họ uống nước lạ, sẽ sinh bệnh. Dù họ không chết vì nước, vì khí hậu, thì cũng chết vì sốt rét ngã nước do muỗi đốt. Chính vua Anh-tông bên Tống, là người có võ công cao, đang tuổi tráng niên, mà cũng chết về bệnh này.
– Được. Ý kiến siêu việt. Này Kiệt, từ khi đánh Tống trở về, con đã chuẩn bị cuộc phòng thủ như thế nào. Sư phụ muốn biết qua để còn liệu.
Thường-Kiệt chắp tay vái ba vái, rồi cung cung kính kính trình:
– Tấu sư phụ. Từ hồi đức Thánh-tông còn tại thế, vào niên hiệu Thiên-huống Báu-tượng nguyên niên (1068) khi được tin Tống chuẩn bị Nam xâm, Quốc-phụ đã thiết kế phòng vệ rất chi tiết. Trước hết thấp nhất, tại các xã, trang, động thì triều đình cử võ quan về giúp trương tuần huấn luyện hoàng nam về võ nghệ, về tiến thoái, về bầy trận, về bắn cung, cùng tùy theo vị trí làng, củng cố lại lũy tre bao bọc, phương thức phòng thủ. Hóa cho nên mỗi xã, mỗi trang, mỗi động hiện là một đồn binh rất kiên cố. Lương thực bên trong có thể tự túc trong sáu tháng. Chỉ nguyên hệ thống làng xã, ta cũng kéo dài cuộc chiến được cả năm, không cho Tống tiến về Thăng-long.
Ông đưa mắt nhìn Linh-Nhân hoàng thái hậu:
– Trong thời gian đức Thánh-tông bình Chiêm, ở nhà Thái-hậu nhiếp chính, người ban chỉ: Gái trai đều phải được cho đi học như nhau, khi họp việc làng, gái cũng được dự họp như trai. Trái lại, gái cũng được luyện tập võ nghệ, huấn luyện quân sự; để khi giặc tới nhà đàn bà phải đánh. Chính vì vậy, mà lực lượng phòng thủ làng xã, trang động tăng lên gấp bội.
Vua bà Bình-Dương nắm tay Thái-hậu:
– Hồi xưa, ta với chị Bảo-Hòa, có sự đi qua Vạn-thảo thảo thôn trang, đã cải lệ xã cho con gái được dự họp việc làng. Sau, Kim-Thành lên trấn Bắc-cương, cũng đưa ra lệnh cấm đa thê, nam nữ đều được học như nhau, trách nhiệm giữ nước gái trai chung. Nhưng chỉ tại Bắc-cương mà thôi, còn miền xuôi thì phụ nữ vẫn chui đầu vào chổng đít ra ở bếp; cho nên cái tinh lực Trưng, Triệu mất mát rất nhiều. Nay Thái-hậu hơn hẳn ta với chị Bảo-Hòa đã đành, mà còn hơn cả Kim-Thành nữa. Thái-hậu đã cho gái cả nước đều được cái hãnh diện gánh vác sơn hà. Giả như vua Trưng có sống dậy cũng phải khen ngợi.
Nghe sư phụ khen, dù đã tới tuổi ba mươi, dù đã là Thái-hậu, uy quyền mênh mông, Linh-Nhân cũng cảm thấy sung sướng cực điểm. Hậu cung tay:
– Đa tạ sư phụ ban khen.
Thường-Kiệt trình tiếp:
– Còn quân các trấn, các lộ, các phủ, huyện, thì luôn luyện tập, di động. Cho nên những hiệu quân này đều có khả năng không thua Thiên-tử bnh làm bao. Như khi giặc thình lình tới thì hoàng nam, hoàng nữ ở trang động, làng xã đủ khả năng tự vệ ít nhất là ba ngày. Sau đó quân trấn, lộ, phủ, huyện sẽ can thiệp. Trong cuộc Bắc-phạt vừa rồi, kế hoạch này tỏ ra rất hữu hiệu. Khi Thiên-tử binh đánh sang Tây-bình, Lộc-châu, quân Tống thừa hư vượt biên đánh vào Lạng-châu. Lập tức chúng gặp sức kháng cự của hoàng nam, hoàng nữ trong các làng xã trải qua ba ngày, mà không một làng nào thất thủ; chúng chết rất nhiều, số còn sống thì mệt mỏi. Khi quân lộ Kinh-Bắc, Hồng-châu can thiệp, thì chúng bị tan rã.
Công chúa Kim-Thành hỏi:
– Được rồi! Bây giờ con hãy trình bầy về binh triều tức thủy quân, Thiên-tử binh.
Tuổi Lý Thường-Kiệt đã đi vào năm mươi, chức tới Đại-tư-mã, tước tới công, mà được công chúa Kim-Thành gọi là con, khiến ông cảm động vô bờ bến. Vì ông bị mồ côi song thân từ nhỏ, lớn lên lại bị Dương Hồng-Hạc tĩnh thân; nên ông được được các công chúa Bình-Dương, Kim-Thành, Trường-Ninh coi như cháu ruột, thường xưng cô, gọi ông là con. Cho đến nay ba vị vẫn dùng ngôn từ này với ông. Riêng công chúa Bảo-Hòa còn thu ông làm đệ tử, yêu thương ông cùng cực. Ông cung cung, kính kính hướng công-chúa:
– Khải cô mẫu, người chỉ huy trực tiếp Thiên-tử binh là Tín-Nghĩa vương. Con xin để vương tấu với cô.
Tuổi của Tín-Nghĩa vương nhỏ hơn con của công chúa Kim-Thành, nhưng vương là vai em của công chúa. Chỉ dụ của phụ vương là Quốc-phụ ban ra rằng: Khi đối thoại với các công chúa, thì vương không dùng nghi thức triều hội, mà dùng nghi thức gia đình. Vì vậy vương đứng dậy cung tay:
– Thưa chị, ta hiện có mười hai hiệu Thiên-tử binh, do Long-biên thất hùng, Tây-hồ thất kiệt chỉ huy. Mười hai tướng có mười hai phu nhân đều xuất thân danh gia để tử. Bốn phu nhân Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương đều được vương mẫu nhận làm nghĩa nữ, rồi dạy binh pháp, võ công cho. Còn lại tám phu nhân, đều xuất thân ở trường của đại tư mã Thường-Kiệt, văn võ song toàn; được Thái-hậu chuẩn tấu, mười hai phu nhân tuyển chọn những thanh-nữ ở làng xã huấn luyện, đem gả cho các Thiên-tử binh. Cho nên hiện mỗi hiệu Thiên-tử binh còn có thêm ba nghìn nữ binh.
Rồi vương trình bầy tổ chức, phồi hợp, phương thức hấn luyện, cùng kỷt luật của Thiên-tử binh ra sao; cuối cùng vương kết luận:
– Trong trận Bắc-phạt vừa rồi, thì các trận Ung, Khâm, Liêm, Dung, Nghi, Bạch ta dùng lối xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị hay công thành thì không kể. Duy trận Đại-giáp, Hỏa-giáp, Ngọc-tuyền; Thiên-tử binh trực tiếp đối trận với ba đạo đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đạo kị binh 47 của Tống, đó là những đạo kinh nghiệm, thiện chiến trong chiến tranh Tống-Hạ. Thế mà số tổn thất của ta quá ít, so với toàn quân của họ bị diệt. Cho nên trận này, ta có thể yên tâm rằng quân ta ít, nhưng một người có thể thắng trăm người.
Vương ngừng lại, chỉ vào đại đô đốc Lý Kế-Nguyên với bốn đô đốc chỉ huy bốn hạm đội:
– Thưa chị, về thủy quân của ta, hiện có bốn hạm đội mang tên Âu-Cơ, Động-đình, Bạch-đằng, Thần-phù. Đại đô đốc là quan Thái-bảo Lý Kế-Nguyên, cố vấn là sư bá Trần Phụ-Quốc. Mỗi hạm đội do một đô đốc chỉ huy. Ngoài ra, mỗi lộ, trấn huyện, phủ lại có những đội giang thuyền để bắt giặc cướp, để vận chuyển. Về lực lượng, về tổ chức, về kinh nghiệm chiến đấu từ trước đến giờ ta mạnh hơn Tống nhiều.
Vua bà Bình-Dương hỏi Côi-sơn tam anh:
– Ba vị sư huynh từng ở Trung-nguyên lâu, nhị sư huynh từng lĩnh chức đô đốc Tương-giang Động-đình. Xin sư huynh cho biết ý kiến?
Trung-Đạo đứng lên:
– Tấu vua bà, từ cổ, vì thủy thổ của ta nhiều sông, biển, nên người Việt giỏi thủy tính hơn người Hoa. Thời Lĩnh-Nam ta thắng Hán năm trận, thì ba trận là Động-đình, Đông-hải, Lãng-bạc, đều là thủy chiến. Đến thời Ngô, thời Lê, ta lại thắng Trung-quốc ở Bạch-đằng. Vừa rồi, trận Khâm-châu, ta phá thủy quân Tống như bắt con cua trong chậu. Tính chung về quân số, tổ chức, chiến hạm, kinh nghiệm, thì thủy quân của ta ví như con cá kình, còn thủy quân Tống ví như con tôm.
Ông chỉ vào Đại Đô-đốc Lý Kế-Nguyên, với bốn đô đốc Trần Phúc, Trần An, Trần Lâm, Trần Hải:
– Trong năm đô đốc, thì bốn đô đốc họ Trần đều ở trong thủy quân từ năm hai mươi tuổi, kinh nghiệm có thừa, võ công cao thâm. Trẻ nhất là đại đô đốc Lý Kế-Nguyên, tuổi mới bốn mươi; đô đốc xuất thân là văn quan, một chiêu võ không biết, nhưng mưu trí trùm hoàn vũ. Về tài dùng binh trên biển; dù Hoa, dù Việt, không ai địch nổi người. Vậy, trong cuộc chiến này, ta yên tâm mặt biển đã đành, mà còn dùng thủy quân như lực lượng đe dọa đánh úp Tống như công chúa Gia-Hưng thời Lĩnh-Nam hay trận Khâm, Liêm vừa rồi.
Tiên nương Bảo-Hòa hỏi Đại-tư-mã Thường-Kiệt:
– Cho đến giờ này, quân Tống đã tới biên giới, con hãy trình bầy thế thủ của ta ra sao?
– Tấu sư phụ! Hồi tháng ba, khi rút quân khỏi đất Tống, con ước tính rằng: Tống đánh ta, ắt chỉ dùng có hai con đường. Một là dùng đường thủy. Hai là, dùng đường bộ. Về đường thủy, họ đổ quân vào Bạch-đằng, Thiên-trường, rồi tiến về Thăng-long; như Đông-Hán dùng trong thời Lĩnh-Nam, như Nam-Hán dùng trong thời Ngô, như Tống dùng trong thời Lê. Nay thủy quân của họ ở Nam-thùy quá yếu, họ đem các hạm đội từ Kinh-châu, Mân-Việt, Triết-giang xuống. Số chiến hạm, quân số ngang với ta. Đại đô-đốc Lý Kế-Nguyên phối trí hạm đội Âu-Cơ ở Tiên-yên, hạm đội Động-đình ở Đồn-sơn, hạm đội Bạch-đằng ở Thăng-long, còn hạm đội Thần-phù thì lưu động làm trừ bị.
Tiên nương đưa mắt nhìn Lý Kế-Nguyên:
– Lý tiên sinh là nhà nho, mà kinh luân gồm tài. Mặt biển như vậy là yên. Nếu ta không thắng họ thì cũng hòa.
Thường-Kiệt tiếp:
– Về mặt bộ họ có độc đạo từ Ung-châu, tới Tây-bình, Lộc-châu rồi vượt biên đánh vào Quảng-nguyên, Môn-châu, Lạng-châu, Tô-mậu. Đệ tử lập một phòng tuyến thứ nhất, chỉ dùng binh trang động, hoàng nam trấn thủ, mục đích làm cho địch mệt mỏi, tổn thất, mất thời gian. Phòng tuyến này gồm 207 trang động Bắc-biên.
– Được. Chi tiết ra sao?
– Trấn cánh tả ở Quảng-nguyên là Tiết-độ-sứ Lưu Kỷ, thống lĩnh binh mã hơn năm mươi trang động. Kế tiếp trấn cánh tả là tiết độ sứ Môn-châu Hoàng Kim-Mãn, thống lĩnh hơn bốn mươi trang động. Trấn cánh hữu là Tiết-độ-sứ Tô-mậu Vi Thủ-An thống lĩnh hơn hai mươi trang động. Nhưng cuối cùng, muốn tiến vào đồng bằng, đánh Thăng-long, họ chỉ có một con đường duy nhất là qua Lạng-châu. Tại Lạng-châu họ sẽ gặp đạo quân tiền phong của vua bà Thiên-Thành, với phò mã Thân Cảnh-Long, thống lĩnh một trăm mười bẩy trang động. Như vậy thế bắt buộc Quách Quỳ phải trải quân ra làm bốn khu vực, đánh từng trang, từng động một, rất vất vả, lại hao tốn nhân mạng. Sau khi Quỳ giải quyết xong 207 trang động, thì y mới tiến vào trung châu.
– Rồi sao?
– Nếu Quách Quỳ giải quyết được phòng tuyến thứ nhất, thì y lại đụng phải phòng tuyến thứ nhì. Phòng tuyến thứ nhì gồm vùng núi Tam-đảo, Chi-lăng, Đông-triều. Tại Chi-lăng, đệ tử lập hai ải cực kỳ kiên cố, phía sau Lạng-châu. Một là Quyết-lý, dựa lưng vào hai ngọn núi, có suối chảy qua, đề phòng bị vây, không sợ thiếu nước. Nếu như Quyết-lý thất thủ, thì phía sau là ải Giáp-khẩu tức Chi-lăng, nơi hai ngọn núi hiểm trở khép lại. Với hai ải này, có thể làm cho quân Tống ùn lại ít nhất cả mấy tháng.
– Được. Nhưng tướng nào trấn thủ ở đây?
– Tâu, trấn thủ ải Quyết-lý là công-chúa Côi-sơn Trần Thanh-Nguyên cùng Trấn Bắc đại tướng quân, Tiên-yên tiết độ sứ, Tản-viên quốc công Tôn Mạnh với hiệu binh Kinh-Bắc. Trấn thủ ải Giáp-khẩu là Quán-quân thượng tướng quân Chính-Tâm hầu Đinh Hoàng-Nghi cùng phu nhân là quận chúa Trần Phương-Quỳnh với hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ.
Tiên nương nói với Linh-Nhân hoàng thái hậu:
– Về đồn trú, quân, tướng như vậy là ổn rồi. Nhưng vùng Lạng-châu là cổ họng vào Thăng-long, liên lạc khó khăn, trong khi đó chỉ huy phải thống nhất. Thái hậu phải cắt cử một người chỉ huy thống nhất giữa tiền quân của Cảnh-Long với hai ải Quyết-lý, Giáp-khẩu.
Linh-Nhân hoàng thái hậu quyết định ngay:
– Vâng chỉ của tiên nương, đệ tử xin cử phò mã Thân Cảnh-Long tống chỉ huy ba đạo quân này.
Phò mã Thân Cảnh-Long đứng dậy cung tay nhận lệnh.
Thường-Kiệt tiếp:
– Tuy vậy, đệ tử thấy hai con đường nhỏ, nếu Quách Qùy đánh không nổi Quyết-lý, Giáp-khẩu, y có thể bỏ con đường chính, mạo hiểm cho quân vươt qua hai con đường nhỏ. Con đường thứ nhất là con đường từ Quảng-nguyên, Môn-châu, vòng qua đường núi Tam-đảo xuống Vạn-nhai tức là phía Bắc sông Phú-lương. Cho nên đệ tử đã cho Vũ-dực đại tướng quân, Nam-sơn hầu Dư Phi đem hiệu binh Đại-hoàng trấn ở ải Đâu-đỉnh. Con đường thứ nhì mà quân Tống có thể mạo hiểm đánh xuống là con đường nhỏ men theo bờ biển tiến về Đông-triều rồi tới Thăng-long, nên đệ tử đã cho Thái-tử thiếu-phó Trấn-viễn thượng tướng quân Gia-viễn hầu Bùi Hoàng-Quan, cùng phu nhân là Trần Ngọc-Huệ đem hiệu binh Đông-triều, đóng ở trại Ngọc-sơn.
Công-chúa Kim-Thành lắc đầu:
– Phối trí như vậy, cánh tả, cánh trung ương rất vững, vì có tới hai phòng tuyến. Duy cánh hữu, thì đồn Ngọc-sơn trấn ở Vĩnh-an, trực diện với Tống, vừa là phòng tuyến một, vừa là phòng tuyến hai, thì rất nguy hiểm.
– Khải cô-mẫu, thần-nhi cũng biết vậy, nhưng nếu như Tống đánh Ngọc-sơn xong, thì cũng không thể tiến về Thăng-long ngay, mà phải vòng sang phía Tây, vì họ sẽ bị thủy quân rất hùng hậu của ta chạn đánh ở các cửa sông .
Tiên-nương Bảo-Hòa hỏi:
– Xưa nay việc cố thủ trong các đồn, các ải quan trọng nhất là lương thảo. Nay mục đìch ta kéo dài cuộc chiến thì việc tiếp tế lương thảo tối cần thiết. Nếu cất lương trong ải nhiều, thì sợ Tống dùng hỏa công bắn vào đốt cháy; hoặc giả ải thất thủ thì lương đó lọt vào tay giặc, giặc dùng lương đó nuôi quân đánh ta, hóa ra ta nối giáo cho giặc sao? Còn như để ở ngoài, thì ải bị vây lâu ngày, sao có thể tiếp tế được?
Thường-Kiệt chỉ công chúa Thiên-Ninh:
– Tấu sư-phụ, về lương-thảo, thì Bà-chúa-kho sẽ trình sư -phụ.
Tiên-nương Bảo-Hòa là sư-phụ vua Thánh-tông với Thường-Kiệt, sau ngài lại thu công chúa Thiên-Ninh làm đệ tử út. Vì tuổi của công chúa với tiên nương quá cách xa, vì liên hệ sư đồ đã hai đời, nên công chúa được tiên nương yêu thương nhất trong các đệ tử. Từ lúc tiên nương nhập điện, người đã kéo công chúa cho ngồi bên cạnh như bà với cháu. Bây giờ nghe Thường-Kiệt nói việc cung ứng lương thảo do công-chúa đảm trách, tiên nương cầm tay công chúa:
– Ninh nhi! Con mà lo việc lương thảo thì sư phụ yên tâm lắm. Vậy kế hoạch ra sao?
Công chúa trình:
– Thưa sư phụ, về lương của phòng tuyến thứ nhất không do đệ tử đảm trách; vì lực lượng chiến đấu là hoàng nam, họ dùng lương của trang động tích trữ. Tại ải Đồn-sơn, thì do thủy quân tiếp tế, như vậy ải này được bảo đảm. Còn lương ải Đâu-đỉnh, Quyết-lý, Chi-lăng, con cho tích trữ đủ dùng trong ba tháng, lương đều cất dưới hầm rất kiên cố. Trong kho lương con chất thêm một ít hoàng thạch, mã não. Khi đồn thất thủ hay phải rút, thì chỉ cần một mồi lửa là kho lương bị cháy sạch, giặc không thể dùng lương của ta nuôi quân được.
Tiên nương vuốt tóc công chúa:
– Con thực xứng đáng với danh hiệu Bà-chúa-kho. Còn như nếu quân giữ ải không được, phải rút vào rừng, thì dùng lương thảo đâu để sống?
– Dạ, hồi đánh Tống, ta có thu được một số lương thảo khá lớn, con đã cho vận tải về chất ở hai kho lớn, một là ở núi Vạn-nhai, hai là ở Nam Chị-lăng. Đó là lương dùng tiếp tế cho ba ải Đâu-đỉnh, Quyết-lý, Chi-lăng dùng trong thời bình, trong lúc ải chưa bị vây. Trong rừng Vạn-nhai, Quyết-lý, Chi-lăng, con đều cất dấu lương thảo gồm cá khô, tôm khô, thịt khô, mắm, gạo, đậu, đường, dưới những hầm xây bằng đá. Vị trí hầm này rất bí mật, chỉ các chúa tướng mới biết mà thôi. Nếu quân các ải rút vào rừng, thì chúa tướng cho đào hầm lấy lương cho binh dùng. Ngoài ra con còn gửi lương ở nhà dân; khi cần thì hoàng nam, hoàng nữ, ông già bà cả bí mật vận tải, tiếp tế cho quân.
Tiên nương hài lòng hướng Thường-Kiệt:
– Được! Con tiếp đi.
Ông chỉ lên bản đồ:
– Nếu như Quách Quỳ vượt được hai phòng tuyến đầu, thì sẽ gặp phòng tuyến thứ ba. Phòng tuyến này đệ tử lập ở phía Nam ngạn sông Như-nguyệt kéo dài từ núi Tam-đảo tới Vạn-xuân. Ngay phía Nam sông Cầu, núi Tam-đảo, đệ tử cử phò mã Thái-úy Hoàng Kiện, với công chúa Động-Thiên trấn thủ. Chính giữa ở khúc sông Như-nguyệt, đích thân đệ tử trấn thủ. Phía cuối, nơi ngã ba sông Thương, sông Lục-Nam đổ vào Vạn-xuân, đệ tử để hai hàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn trấn thủ. Trên bờ sông, đệ tử cho đắp đất cao đến ba trượng (6m ngày nay), bên ngoài cắm chông, gai lởm chởm. Vì như sau khi Quỳ phá được hai phòng tuyến đầu, chúng muốn vượt sông thì phải có thủy quân chở qua. Nhưng thủy quân không có, chúng chỉ co thể đóng bè. Bè e không chở được nhiều quân. Mà có chở được nhiều, cũng khó lọt vào trong chiến lũy.
Công chúa Kim-Thành hỏi:
– Như vậy, trong mười hai hiệu Thiên-tử binh, chỉ có hiệu Quảng-vũ trấn ở Chi-lăng, còn mười một hiệu đều dàn ra từ Tam-đảo tới Vạn-xuân cả. Tại sao con không dùng Thên-tử binh trấn ở phòng tuyến thứ nhất, thứ nhì?
Thường-Kiệt cúi đầu xuống, trán ông cau lại rồi đưa mắt nhìn Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt:
– Khải cô mẫu, chiến lược phòng thủ của ta là kéo dài thời gian của Tống. Mà kéo dài thời gian, thì không gì bằng dùng hoàng nam của làng xã, tráng đinh trang động. Thiên-tử binh không dùng được trong trường hợp này. Giả dụ như dùng Thiên-tử binh trấn hai phòng tuyến đầu, thì khi hai phòng tuyến này vỡ, ta không còn quân bảo vệ Thăng-long.
Công chúa Kim-Thành lắc đầu:
– Con trình bầy như vậy, thì cô không hiểu nổi. Giả như hai phòng tuyến đầu, ta sai Thiên-tử binh giữ, lỡ có vỡ, thì cho rút lui về phòng tuyến ba, và Thăng-long cũng được chứ có sao đâu?
Thường-Kiệt trầm ngâm không nói. Tiên nương Bảo-Hòa, vua bà Bình-Dương linh cảm thấy người đệ tử, người cháu mình tài trí bậc nhất Đại-Việt, nhưng dường như có điều gì khó khăn, mà nói không được. Cả hai cùng đưa mắt nhìn nhau, rồi hỏi:
– Ta là sư phụ con, Bình-Dương là cô con. Chúng ta yêu thương con thế nào, trong bốn mươi năm qua, con biết rồi đó. Nay con lo việc nước, nếu có lỗi gì ta cũng khoan thứ. Vậy con cứ nói ra đi.
Thường-Kiệt lột mũ, phục xuống hành lễ:
– Tấu sư phụ, tấu tam vị cô mẫu. Con tuy lãnh trọng trách, nhưng vì bạc đức, nên không điều khiển nổi một số tướng.
Cả ba công chúa Bảo-Hòa, Kim-Thành, Trường-Ninh cùng Thiếu-Mai đều kinh ngạc. Công chúa Kim-Thành rút thanh Thượng-phương bảo kiếm ra, mắt phượng quắc lên:
– Ai? Ai dám chống lệnh con, con cứ đem ra chặt đầu. Con sợ ư? Ai? Con nói ra đi, ta chặt đầu nó ngay tức thời.
– Không phải chư tướng chống lệnh, mà tất cả mười hai vạn binh sĩ trong mười hai hiệu Thiên-tử binh đều quá cứng.
Linh-Nhân hoàng thái hậu lên tiếng:
– Kính chị, nguyên do thế này. Hồi Quốc-phụ còn tại thế, người soạn ra một thiên binh thư, dùng chủ đạo tộc Việt luyện quân. Binh thư này chưa truyền ra ngoài, chỉ mới dạy cho Trung-Thành, Tín-Nghĩa nhị vương. Nhị vương đem giảng cho Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt. Mười bốn tướng trẻ lại đem ra luyện binh. Trong binh thư của Quốc-phụ, thì chỉ dạy tiến, chứ không dạy thoái. Phàm khi lâm trận, khi có lệnh xung phong, thì bất cứ binh tướng nào đứng nguyên, lùi lại, quay nhìn về sau, đều bị chém tại chỗ. Vì giáo huấn lâu ngày, những điều đó nhập tâm, trở thành Kinh-Việt; chư tướng, chư vương thuộc nằm lòng ví như nho gia thuộc Luận-ngữ vậy. Nên chi, nếu như thượng cấp ra lệnh rút lui, bỏ chạy, thì họ quyết bất tuân. Họ tự coi là điều xỉ nhục nhất trên đời, họ sẽ tự tử ngay tại trận.
Hậu kể:
– Hồi ta đem quân đánh Tống, trong trận Đại-giáp, một Thiên-tử binh gác ở dưới chân núi, bị mười quân Tống tấn công. Y can đảm chống trả, khi sáu binh Tống bị giết, thì y cũng bị thương. Y bỏ chạy, phiá sau bốn địch quân đuổi theo. May đâu, y được các bạn tiếp cứu, giết hết bốn kẻ thù. Sau này luận công, y được thăng chức ngũ-trưởng. Nhưng bốn Thiên-tử binh đặt dưới quyền y không chịu y, lấy lý do rằng người chỉ huy chúng đã chạy trước quân Tống thì không xứng đáng để chúng tuân lệnh. Rồi bạn hữu chế diễu y khốn khổ. Nào « liên tử banh » (hạt sen vỡ) chứ không phải là Thiên-tử binh, nào là « Không phải là con Rồng, cháu Tiên, đệ tử thánh Gióng, mà là con thằn lằn, cháu điên, đệ tử võ phái cầy sấy». Cuối cùng y tự tử chết, bấy giờ các bạn mới làm ma linh đình cho y và khen là người biết tự trọng.
Tiên nương Bảo-Hòa hiểu ngay:
– À thì ra thế, nên Kiệt nhi không thể cho Thiên-tử binh trấn ở tuyến thứ nhất, thứ nhì; vì lỡ ra khi quân Tống đông quá, Thiên-tử binh chỉ biết tiến, không chịu thoái rồi hy sinh hết, cuối cùng không còn quân bảo vệ phòng tuyến thừ ba. Có phải thế không?
– Tấu sư phụ vâng.
Tiên-nương cau mày suy nghĩ:
– Ta hiểu! Chính vì thế, mà trong trận Ung-châu, tất cả các tướng chỉ huy mười hai hiệu Thiên-tử binh nhất quyết rằng Ung-châu chưa hạ, họ không chịu lui binh. Kết quả Ung châu hạ được, mà dân, quân Tống chết nhiều quá, khiến Tôn Đản, Cẩm-Thi bỏ đi mất tích. Bây giờ ta mới hiểu.
Tiên nương hỏi Trung-Thành vương:
– Hoằng-Chân, em không thể giáo dục lại binh sĩ được sao?
– Thưa chị, em không muốn giáo huấn quân mình đang từ những dũng sĩ can đảm thành những kẻ hèn nhát. Mà em có muốn làm, thì vợ chồng bọn Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt, cộng hai mươi tư người này họ cũng không nghe theo.
Vương cười:
– Không phải mình em với Chiêu-Văn, Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt... đâu, mà cả Hoàng Kiện Động-Thiên, Thiên-Ninh; thêm vợ chồng Bùi Hoàng-Quan, vợ chồng Nguyễn Căn, Dư Phi nữa, tới ba mươi sáu đứa kia. Tất cả đều nhất quyết giữ nguyên ý chí này. Chị thử tưởng tượng xem, chúng em là con Rồng, cháu Tiên, hậu duệ của Phù-đổng thiên vương, của vua Trưng mà phải lùi trước bọn cướp nước, thì... thì thà chết quách đi cho rồi. Lùi, chạy, thì nhục lắm, nên bọn em chỉ tuân lệnh anh Thường-Kiệt để tiến, chứ không tuân lệnh anh ấy lùi đâu.
Vua bà Bình-Dương lắc đầu than:
– Khó quá. Trọn đời ta, với chị Bảo-Hòa, Thiếu-Mai, Kim-Thành, Trường-Ninh; mỗi lời nói, đến uy quyền như đức Thái-tông, Thánh-tông bên Đại-Việt cho đến Nhân-tông, Anh-tông bên Tống; hét ra lửa, mửa ra khói như Kinh-Nam vương, Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng... nhất nhất nghe theo. Mà nay bọn trẻ ba mươi sáu đứa bay, lại bất tuân lệnh. Để ta sang thỉnh Quốc-mẫu giải quyết vụ này.
Công chúa Côi-sơn Trần Thanh-Nguyên nắm tay vua bà:
– Chị Mỹ-Linh à! Chị có biết rằng mấy thiên sách mà Quốc-phụ soạn để luyện thần cho binh tướng là ý kiến của chị Thanh-Mai không? Bây giờ chị muốn gặp bà ấy, để bà ấy đổi ý ư? Khó lắm. Chị đi tu, hiền lành quá thì cãi không lại bà chằng tinh đâu.
Thấy mặt vua bà không vui, Thanh-Nguyên cười:
– Chị giận đấy à? Chị đi tu thành Phật bà rồi, mà còn nổi cơn A-tu-la hay sao? Báo cho chị biết, không phải ba mươi sáu đứa trẻ đâu, mà em với Tôn Mạnh, không hẹn, cũng đồng ý với chúng. Thế là ba mươi tám người chứ không phải ba mươi sáu đâu.
Tiên vương Bảo-Hòa hỏi Thần-vũ thập anh, Thập-bát Kim-cương:
– Còn các con, các con có theo các tướng kia không?
Hùng Nhân cung tay:
– Kính tiên nương, sư phụ của chúng con dạy rằng: Mũi nhọn dễ gẫy. Phàm làm tướng, thì phải biết lẽ tiến lui. Khi thấy không đánh được, thì ta tạm lui. Khi thấy thắng được địch, thì ta phải đánh đến cùng.
– À, có thế chứ.
Tiên nương Thiếu-Mai hỏi Trung-Thành vương:
– Hiện quân Tống đã tiến tới đâu rồi?
– Trình sư thúc, hiện giờ thì Quách Qùy đã tới Quế-châu. Y cho Lý Thật đem đạo quân hữu đệ nhất xuống đắp lại thành Ung-châu. Hồi ta sang đánh Tống, các trang trưởng khê động Tống ở vùng Tả-giang, Hữu-giang phải theo ta. Nay họ lại theo về Tống, đó là bọn Nùng Quang-Lâm, Nùng Thịnh-Đức coi ải Hạ-lôi. Y lại sai bọn Khúc Chẩn, Đào Bật đem bằng sắc vào các trang động của ta vừa đe dọa, vừa chiêu hàng. Hiện cho đến nay chưa trang động nào hàng Tống cả.
Đến đây tiên nương Bảo-Hòa, Thiếu-Mai cùng công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh cáo từ sang dinh Quốc-phụ thăm Quốc-mẫu Thanh-Mai, để thỉnh người ban chỉ cho đám tướng trẻ cứng đầu.
Linh-Nhân hoàng thái hậu tuyên chỉ:
– Về vệc dân chúng Thăng-long náo loạn, nguyên do từ đâu?
Trung-Thành vương tâu:
– Nguyên trước đây, mấy công tử họ Dương như Đức-Huy, Đức-Nhàn, Đức-Minh thường ỷ thế cha, anh lêu lổng ăn chơi ở Thăng-long, kết thân với bọn du thủ, du thực thành đảng. Buồn thay trong đám đó, có một tên tương đối thuộc loại tài trí tên Nguyễn Dư, em của Trấn Bắc thượng tướng quân Nguyễn-Căn, theo làm quyân sư cho bọn chúng. Hồi Dương gia nổi loạn, bọn này được trọng dụng. Lúc Dương gia bị dẹp, tên Nguyễn Dư bỏ theo bọn Triệu Tiết. Nay Triệu Tiết đem bọn này về làm hướng đạo. Chính Nguyễn Dư đã thư cho bọn dư thủ, du thực ở Thăng-long phao tin bất lợi cho ta. Thần đã bắt những tên tay sai này đem ra chợ chém đầu rồi.
Linh-Nhân hoàng thái hậu hỏi phu nhân của tướng Nguyễn Căn là công chúa Vũ Thanh-Thảo:
– Chị Thảo à! Trong Hồng-hà ngũ long, chị là người có tài cảm hóa người nhất, sao chị không cảm hóa tên Dư, để đến nỗi truyện xẩy ra như vậy?
– Tâu Thái-hậu! Khi thần làm dâu họ Nguyễn, thì tên Dư đã trưởng thành. Trong nhà, y là em sinh đôi với anh Căn. Thoạt trông, ai cũng tưởng y là anh Căn. Y chuyên giả anh Căn đi làm không biết bao nhiêu truyện đốn mạt. Vô học, bất thuật, y sống nhờ vào các anh. Các anh đều là những người có kiến thức, có tài, có địa vị, nhưng y không theo các anh, mà cúi đầu làm đầy tớ, theo hầu hạ tên lưu manh họ Dương. Vì vậy, thần vô dụng với y.
Bãi triều.
Hôm ấy là ngày Tân Dậu, tháng bẩy, niên hiệu Thái-Ninh thứ năm(7-7 năm Bính-Thìn, DL. 9-8-76)
Tại đồn Ngọc-sơn thuộc châu Vĩnh-an, nằm giữa biên cương Hoa-Việt.
Trấn-viễn thượng tướng quân Gia-viễn hầu Bùi Hoàng-Quan, cùng phu nhân Trần Ngọc-Huệ dậy thực sớm; hai vị vừa ăn điểm tâm vừa bàn luận với nhau. Phu-nhân nói:
– Kể ra, từ hôm chúng ta ra trấn ở đây đã bốn tháng, ngày ngày thao luyện sĩ tốt chờ giặc, chả biết bao giờ giặc mới tới. Em chỉ mong chúng đừng đến là hơn hết.
Hầu phì cười:
– Em nói! Bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết, Khúc Chẩn, Tu Kỷ, Yên Đạt từng sang Đại-Việt mình nhiều lần, lại biết nói tiếng Việt. Nay chúng được mang quân đánh mình, thì chúng phải biết rằng: Muốn đánh vào Thăng-long, thì phải chiếm cho được cánh trái là vùng Tam-đảo, cánh phải là Ngọc-sơn. Bằng không thì sẽ bị cắt đường vận lương. Anh sợ chúng đánh mình trước là khác.
– Từ ngày em được Linh-Nhân hoàng thái hậu đem về Thăng-long gửi vào trường xin sư phụ, sư mẫu thu làm đệ tử, thấm thoát đã mười ba năm. Nghĩ lại thời gian qua mau thực. Anh thì đã có dịp xử dụng những gì học được. Còn em, thì vẫn phụ tá cho Thái– hậu những vấn đề liên quan đến bộ Lễ như phong thần, cải cách phong tục, chỉnh dốn học phong. Mãi đến nay mới được rời kinh thành ra cầm quân để xử dụng võ công. Sau trận giặc này, đất nước mình thanh bình, em nghĩ chúng mình cáo quan về điền dã, ngao du sơn thủy như Kinh-Nam vương, hay trồng hoa nuôi tằm như sư phụ, sư mẫu em. Đấy mới là hạnh phúc.
– Kể ra em học võ với ông bà Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, bản lĩnh cao thâm, mà chưa có dịp xử dụng, thì cũng đáng tiếc. Còn anh, anh làm tướng, mà bản sự lại chẳng lằm bao. Nghĩ cũng chán.
– Anh nói! Thời Lĩnh-Nam, công chúa Phùng Vĩnh-Hoa, Thánh-Thiên võ công đâu có cao, mà cũng làm đại tướng đánh những trận kinh thiên động địa? Em nghe Thái-hậu nói: Anh là một tướng có tài dùng binh, tính lại cẩn thận, nên mới chịu cho mình trấn ở đây đấy chứ.
Nghe phu nhân nói, hầu mỉm cười. Từ ngày thánh hôn đến giờ, đã mười ba năm, hầu với phu nhân luôn hợp truyện về quốc sự, có khi bàn luận suốt đêm không ngủ. Hầu chỉ tay lên trời:
– Chim ưng bay tuần phòng trong tư thái an nhàn thế kia, thì giặc chưa tới đâu. Hôm qua tin của công chúa Thiên-Thành báo Quách Quỳ sai Lý Thật mang đạo quân hữu đệ nhất xuống đóng ở Ung-châu mà thôi. Đại quân Tống hiện chưa tới biên giới. Đối diện với ta là Khâm-châu, do Nhâm Khởi trấn nhậm. Y chỉ có quân bảo-giáp, tân đằng hải mới tuyển mà thôi. Nếu như Nhâm muốn đánh ta, thì ít ra cũng phải cả tháng nữa.
Nguyên hôm dự buổi thiết Tinh-triều ở Thăng-long, Thái-tử thiếu-bảo, Trấn-viễn thượng-tướng quân, Gia-viễn hầu, Binh-bộ tham-tri, Khu-mật viện sứ Bùi Hoàng-Quan tình nguyện ra trấn ở châu Vĩnh-an. Khi trao nhiệm vụ cho hầu, Đại-tư-mã Lý Thường-Kiệt nhấn mạnh rằng: Hầu đi lần này, thì chín phần chết mới có một phần sống, cần phải suy nghĩ cho kỹ. Hầu đâu phải là người ngu mà không biết truyện đó? Nhưng hầu nghĩ khác: Ông nội của hầu làm tới tể thần thời vua Thái-tổ, phụ-thân hầu là Bùi Hựu làm tới Thái-sư đời vua Thái-tông, Thánh-tông. Hầu lại được chính vua Thánh-tông ưu ái hỏi vợ cho. Vậy hầu không nhận nhiệm vụ nguy hiểm này thì để cho ai bây giờ?
Phu-nhân của hầu là Trần Ngọc-Huệ, bạn tâm giao thời thơ ấu của Linh-Nhân hoàng thái hậu. Suốt mấy năm qua, phu-nhân làm việc bên cạnh thái-hậu, như một phụ tá về Lễ-bộ, chỉ quanh quẩn ở Thăng-long. Trong khi đó cháu gọi hầu bằng chú là Bùi Phương-Lý cùng chồng là Trần Di sát cánh bên nhau chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Vũ-thắng, dự cuộc Bắc-chinh, thực là oanh liệt; phu nhân nảy ra ý muốn cùng chồng ra trấn biên cương. Bà xin Linh-Nhân hoàng thái hậu chuẩn cho mang đội nữ binh trực thuộc theo giúp chồng.
Biết rằng cho hầu với phu nhân đi lần này, khó mà trở về an toàn, nhưng Thái-hậu lại nghĩ: Việc khó khăn, nguy hiểm này, phi người cực thân, khó ai dám hy sinh cho xã tắc. Vì vậy Thái-hậu thầm nuốt lệ rồi tiễn đi. Hậu cầm tay phu nhân dặn:
– Kể ra, trấn thủ ải địa đầu Vĩnh-an là nơi biên khích, một đi không trở lại này, cần phải có người tâm phúc, tín cẩn. Mà tâm phúc giữa Ngọc-Huệ với Yến-Loan, thì không ai có thể sánh. Mình để Ngọc-Huệ đi, mà trong lòng lại có chỗ bất nhẫn.
Hầu với phu nhân tới nơi, kiểm điểm lại nhân mã, thì biết rằng bao nhiêu hoàng nam đã được mộ vào hiệu binh Đông-triều hết. Vì vậy lực lượng trấn thủ chỉ có hiệu binh này mà thôi. Đô-thống chỉ huy hiệu binh Đông-triều là Lê Huy, viên trương tuần làng Thổ-lội, vốn quen biết với phu nhân từ hồi thơ ấu. Mấy năm trước, Lê Huy chỉ huy hiệu binh địa phương Thiên-trường, mới đổi về coi hiệu Đông-triều hơn năm nay. Vợ Lê Huy là Chu Thúy-Phượng cũng biết võ, trước đây có tuyển mộ một đạo nữ binh hơn trăm người, nay xin mang theo giúp chồng. Chỉ huy phó hiệu Đông-triều là đô-thống Trần Thanh-Nhiên.
Nguyên trước đây Bùi Hoàng-Quan với Trần Thanh-Nhiên là bạn đồng liêu với nhau, mỗi người chỉ huy một hiệu Thiên-tử binh. Cả hai cùng dự cuộc bình Chiêm, vì Hoàng-Quan lập đại công, nên khi hồi triều được phong hầu, chức tới tướng quân. Còn Thanh-Nhiên bị kết án chém đầu vì can tội không cứu đồng bạn. May đâu gặp dịp ân xá, y lại được trở lại làm việc tại Khu-mật viện. Tại đây, y cùng với Minh-Can chuyển tin tức của Thượng-Dương thái hậu cho Tống, bị Mộc-tồn hòa thượng bắt được trói lại giao cho triều đình. Triều đình chuyển cho bộ Hình điều tra. Bộ Hình xét thấy y vô tội, vì y tuân chỉ Dương hậu chuyển thư, mà không biết trong thư nói gì. Vì vậy Linh-Nhân hoàng thái hậu ân xá cho y, rồi đổi ra biên thùy, giáng xuống làm chỉ huy phó hiệu binh Đông-triều.
Lê Huy trình bầy với hầu: Hiệu binh chia làm ba sư, mỗi sư 1.500 người, và một lữ kị 500 người. Sư một đóng tại Như-hồng, trên đất Tống, sư trưởng là Nguyễn Văn-Khan. Trại này do Trần Thanh-Nhiên chỉ huy. Sư hai đóng ở Ngọc-sơn, sư trưởng là Trần Ngọc-Bá. Bộ chỉ huy trấn thủ biên giới Đông-Bắc Đại-Việt, đóng ở đây. Sư ba với lữ kị do chính Lê Huy chỉ huy đóng ở Tiên-yên.
Hầu quyết định:
– Phối trí như vậy là được rồi. Tôi sẽ đóng ở ải Ngọc-sơn.
Hầu nghĩ lại, trước đây Trần Thanh-Nhiên với mình, cùng một đẳng trật, mỗi người chỉ huy một hiệu Thiên-tử binh. Nay vì y thất thế, mà bị giáng truất, nên đối xử với y như một người bạn, hơn là một thuộc hạ. Hầu dẫn phu nhân cùng Lê Huy, Thúy-Phượng, Thanh-Nhiên đi quan sát địa thế, thăm dân tình toàn châu Vĩnh-an rồi trở về thiết kế phòng thủ.
Hầu ban lệnh cho Lê Huy, Thanh-Nhiên và các lữ trưởng:
– Lệnh của Đại-tư-mã Thường-Kiệt truyền rằng: Tống muốn đánh ta cho mau, để còn kéo quân về. Chúng sợ lỡ Hạ từ Tây đánh vào, Liêu từ Bắc đánh xuống. Vậy chúng ta phải cản trở bước tiến của Tống, kéo dài thời gian càng lâu càng tốt. Vậy chúng ta củng cố hàng rào cho cao, hào cho sâu, chông cho nhiều; rồi trấn ở trong. Tuyệt đối không được xuất trại giao chiến. Vì vậy, ta phải dự trù trường hợp quân Tống đông, bao vây lâu ngày. Xin các tướng coi lại các giếng nước trong trại, cho đào hầm chứa lương thảo, vì sợ chúng bắn tên lửa vào đốt nhà, đốt lương. Chư tướng có ý kiến gì không?
Lê Huy thưa:
– Hiện ta có đủ số lương ăn trong ba tháng. Ba đồn của ta đóng ở ven biển. Nếu như bị vây lâu ngày hết lương, ta có thể sai chim ưng cầu cứu với đô-đốc Trần Phúc, chỉ huy hạm đội Âu-Cơ đang trấn ngoài khơi.
– Được.
Đến đó ưng-binh vào trình cho Hoàng-Quan một ống tre, hầu mở ra, đó là tin tức của phò mã Thân Cảnh-Long:
« Phải tối cẩn thận, trấn thủ Khâm-châu là Nhâm Khởi mới được viện hai đạo binh từ Quảng-châu xuống. Có thể y sẽ phụ trách đánh Vĩnh-an ».
Hoàng-Quan đọc tin cho các tướng nghe. Thanh-Nhiên hiến kế:
– Nếu Khởi đem quân đánh qua, thì có thể đi bằng ba đường. Một là qua huyện Tuy-viễn. Đường này y sẽ đụng phải các trang động của Tô-mậu. Một đường qua trại Như-tích, thì đụng phải ải do tôi trấn thủ. Đường thứ ba là dùng thuyền nhỏ chở quân men theo bờ biển, đường này y sẽ đụng phải hạm đội Âu-Cơ của đô-đốc Trần Phúc. Vậy bây giờ, hàng ngày ta phải cho đội Ngao-binh, Thần-ưng tuần tiễu xâm nhập đất Tống để lấy tin tức. Như vậy, nếu như giặc mới chuẩn bị vượt biên, ta đã biết trước. Tôi xin lĩnh nhiệm vụ đó.
Hầu vui mừng:
– Đúng thế. Trần đô-thống từng làm việc ở Khu-mật viện, thì thành thạo vấn đề này. Tôi xin trao đội Thần-ngao, Thần-ưng cho Trần đô thống chỉ huy. Bắt đầu từ ngày mai ta thi hành.
Thanh-Nhiên lĩnh mệnh đi rồi, Thúy-Phượng nói nhỏ với phu nhân Ngọc-Huệ:
– Về cái ông Trần Thanh-Nhiên này, mình phải cẩn thận lắm mới được. Vì lữ của ông gồm toàn đám thị-vệ cung Thượng-Dương với con cháu họ Dương bị đầy ra đây. Nay lại giao đội tế-tác cho ông ta, lỡ ông ta phản thì e trở tay không kịp.
– Khi chị lên đường, Thái-hậu cũng dặn vậy. Nhưng Đại-tư-mã Thường-Kiệt lại nói rằng việc này không ngại, bởi vợ con Thanh-Nhiên với đám thị vệ bị đầy đều ở Thăng-long, nếu chúng phản thì không khác gì chúng giết vợ con chúng vậy.
Chiều hôm đó, Thanh-Nhiên cho một viên trưởng đội tế-tác về báo rằng: Không có dấu hiệu quân Tống xuật hiện trong vòng trăm dặm.
Nhưng vào lúc trời chập choạng tối, thì viên tốt trưởng đi tuần tiễu ở phía Tây về báo cho biết: Cách đây hơn hai ngày, quân Tống từ Cổ-vạn tràn qua đánh Tô-mậu. Vì Tô-mậu chỉ có khoảng nghìn hoàng nam, nên không đầy nửa ngày đã thất thủ. Dân chúng các động xung quanh đang bồng bế nhau đang trên đường chạy về Vĩnh-an.
Lập tức Bùi Hoàng-Quan gọi Lê Huy:
– Đô-thống hãy mang theo một lữ tuần tiễu phía Tây xem sao!
Lê Huy chưa kịp đi, thì quân báo: Vì Tô-mậu thất thủ, nên chiêu-thảo sứ Vi Thủ-An, dẫn tướng sĩ, gia thuộc, cùng hơn năm trăm hoàng nam đến xin nương nhờ.
Bùi Hoàng-Quan cho tập họp binh sĩ, truyền canh phòng doanh trại cho cẩn thận, rồi ông cùng với phu-nhân, dẫn hơn trăm võ-sĩ ra khỏi đồn đón Vi Thủ-An. Từ phía xa, Vi Thủ-An cỡi trên bành voi, đầu bù tóc rối, quần áo xốc xếch đang đi tới. Phía sau hơn trăm hoàng nam cùng với vợ con được thồ trên lừa, ngựa, trâu, bò kêu khóc thảm thiết.
Vi Thủ-An trông thấy Hoàng-Quan, thì bật lên tiếng khóc:
– Bùi huynh ơi! Thôi rồi, Tô-mậu tan nát hết rồi.
Hoàng-Quan ra lệnh cho Lê Huy tiếp cứu đám người chạy loạn. Huy đưa họ đến một bãi cỏ lớn gần bãi biển cho nghỉ ngơi. Còn hầu thì dẫn Thủ-An với vợ con vào trong đồn. Thủ-An kể:
– Hôm qua, quân Tống từ Cổ-vạn kéo sang đến hơn vạn người. Chúng ào ạt xông vào tấn kích. Chúng tôi chỉ cầm cự được nửa ngày, rồi bị tràn ngập. May đội cận vệ dùng cung bắn cản đường, nhờ thế chúng tôi mới đem gia thuộc chạy thoát vào rừng. Chúng tôi đi suốt từ qua đến giờ, người, ngựa đều mệt. Xin huynh cho nương nhờ.
– Được. Vi huynh với quý quyến tạm ở đây ít ngày, tôi sẽ nhờ thủy quân đưa về Thăng-long cho an ninh hơn.
Vừa lúc đó, Trần Thanh-Nhiên tới. Y báo cáo:
– Trình quân hầu, phía Bắc không thấy quân Tống, nhưng phía Tây có một đạo quân rất hùng tráng đang tiến tới, không biết là quân nào?
Vi Thủ-An run rẩy:
– Quân Tống đấy, chúng đuổi theo tôi đấy!
Đến đó đám hoàng nam, đàn bà, trẻ con tỵ nạn của Tô-mậu cùng kêu khóc, tỏ vẻ sợ hãi. Thanh-Nhiên đề nghị:
– Đám người này vừa đói khát, vừa mệt, xin quân hầu cho họ vào trú trong đồn, bằng không quân Tống tới, họ sẽ bị giết chết hết.
Hoàng-Quan gật đầu đồng ý. Ông ra lệnh cho binh sĩ đem đám người Tô-mậu vào trong ải. Còn Thanh-Nhiên, Lê Huy phải lên ngựa phóng như bay về ải của mình. Mọi việc vừa xong, thì quân Tống kéo đến hàng hàng, lớp lớp, reo hò tỏ ý đe dọa.
Bùi Hoàng-Quan bình tĩnh nói với Vi Thủ-An:
– Chà, quân Tống đông thực, dễ thường tới vài vạn chắc! Vi huynh với gia đình cứ tạm nghỉ ngơi, tắm rửa, ăn uống. Tuy tôi chỉ có hơn nghìn binh, nhưng ải này chắc lắm, không dễ gì quân Tống đánh được ngay đâu. Nếu chúng muốn đánh, thì phải chấp nhận một đổi mười.
Hầu đeo kiếm cùng phu nhân đi vòng quanh ải kiểm điểm lại hệ thống phòng thủ. Trong khi quân Tống kéo đến tuy đông, nhưng chúng không đánh đồn, mà cắm trại, rồi nấu cơm ăn, trong tư thế nghi ngơi.
Hầu cười, bảo viên lữ trưởng Thần-nỏ:
– Dường như chúng nghỉ ngơi, chờ thêm viện quân rồi mới công đồn. Hừ! Dễ gì ta cho chúng được yên thân như thế. Em hãy dùng Lôi-tiễn bắn vào chỗ đóng quân của chúng, bắn hết lực, cho chúng kinh hoàng, phải lùi xa ải mình.
Viên lữ trưởng tuân lệnh, sai mồi lửa, rồi bắn Lôi-tiễn. Mũi tên khổng lồ đầu tiên bay lên trời phát ra tiếng vi vu, khi rơi cách đầu người hơn năm trượng thì phát nổ. Lập tức môt trái cầu lửa xanh lè, tím ngắt, đỏ chói lòa con mắt tỏa ra trên không, chụp xuống đầu quân Tống. Chúng la hét oai oái, ôm đầu tìm chỗ nấp, thì tiếp theo hơn mười Lôi-tiễn nữa chụp xuống đầu. Nỏ thần của ải Ngọc-sơn có năm dàn, thì bốn dàn bắn liên châu, và một dàn bắn Lôi-tiễn. Vì vậy sau hơn hai khắc, mới bắn được khoảng trăm mũi. Lôi tiễn tuy không làm cho quân Tống chết nhiều, nhưng doanh trại bị cháy, binh tướng bị phỏng nhiều.
Đến đây, quân Tống rút ra xa, rồi đóng trại. Hoàng-Quan cho hai lữ làm trừ bị nghỉ ngơi, chỉ để lại một lữ ở các vị trí phòng thủ.
Trời tối dần.
Vào khoảng giờ Tuất (19-21 giờ), thì có tiếng quân reo, tiếng ngựa hí, tiếng trống thúc từ phía trại Như-hồng vọng lại. Binh canh báo:
– Trình quân hầu, dường như quân Tống đánh trại Như-hồng, tiểu nhân lên đài cao quan sát, thì thấy lửa tại đây bốc cao tới trời, lẫn vào đó là tiếng quân reo, ngựa hí, nhưng không thấy chim ưng của Trần đô thống báo tin.
Càng về khuya, tiếng reo hò tiếng trống thúc càng nhiều hơn. Hoàng-Quan leo lên đài cao quan sát, trong bóng đêm, chỉ thấy lửa trong trại Như-hồng bốc lên ngút trời. Lát sau, tiếng reo càng vọng lại gần hơn, rồi một đoàn quân Việt vừa đánh, vừa rút về phía Ngọc-sơn. Chính Thanh-Nhiên với viên sư trưởng Nguyễn Văn-Khan đi cản hậu. Phía sau quân Tống đuổi theo rất gấp.
Viên sư trưởng Trần Ngọc-Bá kêu lên:
– Có lẽ ải Như-hồng bị chiếm, quân mình rút chạy về. Xin quân hầu mở cửa đồn cho họ vào.
Từng đánh dư trăm trận, kinh nghiệm có thừa, Hoàng-Quan truyền cho đội cung thủ, hai dàn Thần-nỏ dàn ra trước cổng trại, lại cho đội đao thủ dàn phía sau đề phòng, rồi truyền mở cổng.
Đám bại binh từ Như-hồng về vào khoảng hơn hai trăm tên. Thấy cổng ải mở, chúng chạy ùa vào. Thanh-Nhiên với viên sư trưởng Nguyễn Văn-Khan nhảy theo. Trong khi phía sau, quân Tống bám sát. Đội cung thủ buông tên, rồi nỏ thần bắn loạt đầu. Đám quân Tống đi đầu ngã lổng chổng.
Đám bại binh Như-hồng vừa vào trong ải, thì nhanh nhẹn chia làm hai vung đao tấn công đội cung thủ, đội xạ thủ nỏ thần. Bị tập kích bất ngờ, đám cung thủ hét lên kinh hoàng, mạnh ai người ấy phản công. Nhờ đám cung thủ bị rối loạn, quân Tống tràn vào trại như nước vỡ bờ. Sư trưởng Trần Ngọc-Bá quả là người gan dạ, bình tĩnh. Y điều động hai lữ trừ bị ra phía trước cổng. Một lữ vây đánh đám bại binh Như-hồng, một lữ đánh đám quân Tống lọt vào trong trại.
Đội cung thủ lại được rảnh tay, bắn cản không cho quân Tống tiến đến cổng trại. Thành ra đám binh Tống trong trại bị cô lập với bên ngoài.
Thanh-Nhiên, Nguyễn Văn-Khan dùng kiếm đâm Hoàng-Quan. Hoàng-Quan kinh hãi, ông tung người lên cao, trong khi tay rút kiếm chĩa xuống gạt kiếm đối thủ. Trong ải náo loạn cả lên. Tiếng đao chém nhau phầm phập, tiếng người kêu gào thảm thiết vì đau đớn.
Đội đao thủ cuối cùng của đồn Ngọc-sơn đã được tung ra nhập cuộc, cùng vây đánh đám bại binh Như-hồng. Giữa lúc đó, trong dinh trấn thủ, lửa bốc lên cao ngụt trời, rồi có tiếng reo:
– Gian tế! Gian tế.
– Phản! Phản!
Hoàng-Quan vừa đấu với Nguyễn Văn-Khan, tên Thanh-Nhiên, vừa đưa mắt nhìn vào trong dinh tổng trấn: Phu nhân cùng đám vệ sĩ, nữ binh đang giao chiến với Vi Thủ-An và đám hoàng nam Cổ-vạn.
Nguyên Ngọc-Huệ là đệ tử của Tôn Đản, Cẩm-Thi, bản lĩnh hơn chồng nhiều. Trong khi biến cố xẩy ra ở cổng, thì bên trong dinh, Vi Thủ-An với hơn trăm hoàng nam hò hét rút vũ khí đánh từ trong ra. Tuy bị đánh úp, nhưng đội nữ binh nhanh nhẹn phản công. Họ chỉ có hơn trăm người, nhờ luyện tập nhiều, võ công cao, nên trong chốc lát, đám hoàng nam Tô-mậu bị đánh bật ra khỏi dinh. Vi Thủ-An thấy Ngọc-Huệ đứng đốc chiến, y khinh thường, cho rằng bà không biết võ, y dí kiếm vào cổ bà, bắt ra lệnh cho đám nữ binh buông vũ khí.
Bị bất ngờ, Ngọc-Huệ cười nhạt, rồi vờ ngã chúi về trước. Bà trầm người xuống cho kiếm Thủ-An qua đầu, rồi quét chân một cái, khiến y ngã úp sấp về trước. Bà rút kiếm ra chiêu Vân hoành Tản-lĩnh, đầu y bị bay khỏi cổ. Giải quyết xong đám nội phản, Ngọc-Huệ dẫn đám nữ binh ra tiếp chiến với chồng, đúng lúc quân Tống rút đi hồi chiều, bây giờ đã trở lại. Chúng reo hò, vác lá chắn bằng rơm cản tên, đang phá các lớp rào. Ngọc-Huệ đứng nhìn chồng đấu với Thanh-Nhiên, Văn-Khan, chỉ ngang sức. Muốn giải quyết chiến trường cho mau, bà lách tay phải bắt lấy kiếm Thanh-Nhiên, tay trái điểm huyệt đại-trùy của y. Y ngã lăn ra liền. Thuận tay, bà thích một mũi kiếm vào ngực tên Khan. Y vung kiếm gạt. Choang nột tiếng, kiếm của y vuột khỏi tay bay ra xa. Bà điểm vào huyệt đản trung của y. Y trầm người xuống tránh, thành ra tay bà điểm trúng mắt phải của y. Con ngươi y lòi ra ngoài. Y ngã ngửa về sau.
Trần Ngọc-Bá sai trói hai gian nhân lại, đem vào dinh thẩm vấn. Bấy giờ Ngọc-Huệ mới quay lại quan sát trận tuyến: Quân Tống đã lọt được vào hàng rào thứ ba, nhưng gặp sức kháng cự mãnh liệt, bị nỏ thần bắn chết la liệt, nên đành rút lui.
Trại Ngọc-sơn trở lại yên tĩnh.
Sau khi thẩm vấn tù binh, Trần Ngọc-Bá trình vời Hoàng-Quan:
« Khi ra trấn ở đây, Thanh-Nhiên đã liên lạc với Tống. Khu-mật viện Tống cho y biết viên sư trưởng Nguyễn Văn-Khan trước đây là thị vệ trong cung Thượng-Dương, cũng là người của Thiên-triều. Hai người được đặt dưới quyền viên trấn thủ Khâm-châu là Nhâm Khởi. Khởi dặn hai người phải tiềm ẩn, chờ ngày quân Thiên-triều đánh sang sẽ làm nội ứng. Mấy hôm trước, Khởi sai người truyền lệnh: Vi Thủ-An hàng Tống, sẽ làm khổ nhuc kế, để có thể lọt vào trại Ngọc-sơn, trong khi Nhiên với Khan cũng phải giả thua chạy về. Thế rồi nội ứng, ngoại hợp đánh úp trại Ngọc-sơn. Không ngờ Hoàng-Quan quá kinh nghiệm chiến đấu, hiệu quân Đông-triều lại can đảm, thiện chiến, nên mưu không thành ».
Hoàng-Quan kiểm điểm lại: Hơn hai trăm quân Tống giả làm bại quân Như-hồng bị giết hết, đám người của Vi Thủ-An cũng bị giết sạch. Quân Tống chết phơi thây ngoài hàng rào kể đến mấy nghìn. Điểm lại, quân thủ ải cũng chết mấy trăm.
Viên sư trưởng Trần Ngọc-Bá trình:
– Thưa quân hầu, mình có khoảng nghìn rưởi binh, nay vừa chết, vừa bị thương hết phân nửa, vậy ta có nên thủ đồn, hay rút về Tiên-yên?
Hầu chưa kịp trả lời, thì trống thúc vang dội, quân Tống đã trở lại. Dưới ánh sáng của đuốc, hầu nhìn rõ: Quân tấn công lần này có cả quân Việt thuộc sư một ở Như-hồng hàng Tống, hoàng nam Tô-mậu. Chúng dùng những tấp liếp nhồi rơm làm lá chắn chống tên lăn vào đem đoản đao chặt rào.
Ngọc-Huệ than với chồng:
– Cơ chừng này chúng thí quân để chiếm cho được đồn đây. Đánh nhau từ chiều đến giờ, chúng chết có tới mấy nghìn, mà nay chúng còn đông dường này, thì ta chỉ có cách tử chiến.
Phu nhân cầm kiếm đốc chiến phía Tây, Ngọc-Bá đốc chiến phiá Nam, hầu đốc chiến phía Bắc.
Quân Tống thúc trống, reo hò lăn xả vào tấn công. Quân Việt dùng tên lửa bắn ra, những tấm liếp nhét rơm bị bốc cháy. Hai bên giằng co đến hơn ba khắc, quân Tống chết nhiều quá lại phải rút ra ngoài, để lại không biết bao nhiêu xác chết nằm vắt vẻo trên hàng rào bên những lá chắn bốc cháy sáng rực trong đêm.
Nghỉ hơn giờ, quân Tống lại thúc trống tấn công, quân Việt lại bắn ra. Giữa lúc chiến trận nghiêng về phía quân Việt thì viên đội trưởng cung thủ báo cáo:
– Trình quân hầu, chúng ta đã hết tên rồi, xin hầu định liệu xem có nên rút lui không?
– Không! Chúng ta quyết tử chiến.
Đến đó phu nhân bị trúng một mũi tên vào bụng. Sợ binh sĩ trông thấy, bà vung kiếm cắt dứt chuôi tên, lấy dây lưng buộc bụng lại, tiếp tục đốc chiến. Quân Tống đã tràn vào trong đồn, chúng reo hò dùng đao giáp chiến với quân Việt.
Phu nhân cùng đám nữ binh vừa đánh vừa lùi về phía trước, thì gặp hầu cùng đám vệ sĩ cuối cùng cũng đang chiến đấu tuyệt vọng. Hầu với phu nhân đứng đâu lưng vào nhau, múa kiếm như mấy trôi, như sóng dạt, quân Tống xông vào người nào, bị giết người đó.
Thình lình có tiếng quát:
– Lùi ra!
Quân Tống lùi ra ngoài. Quân Việt cũng thu chiêu, đứng thành vòng tròn, tay lăm lăm vũ khí.
Có hai người cầm đao nhảy vào vòng chiến, đó là Trần Thanh-Nhiên với Nguyễn Văn-Khan. Nhiên tấn công hầu, Khan tấn công phu nhân. Biết quân Tống đã vào nhà tù thả hai tên này ra. Không nói, không rằng, phu nhân phóng một chiêu kiếm thực thần tốc vào ngực tên Khan, y gạt kiếm của bà; nhưng không kịp, kiếm đã xuyên qua ngực y. Y loạng choạng ngã xuống, máu từ ngực phun ra có vòi. Trong khi hầu với Nhiên đang chiết chiêu.
– Ngừng tay!
Thanh-Nhiên thu kiếm lùi lại.
Một tướng Tống bước tới, y chĩa mũi kiếm xuống đất, rồi bái phu nhân:
– Tại hạ Nhâm Khởi, tổng trấn Khâm-châu, xin được ra mắt quân hầu và phu nhân.
Tuy mệt mỏi, nhưng hầu cũng đáp lễ:
– Kính chào Nhâm đại nhân.
Nhâm Khởi chỉ xác quân Việt nằm la liệt khắp nơi:
– Sự đã đến như thế này thì quân hầu hàng đi thôi. Đánh nữa cũng vô ích mà thôi. Trọn đời họ Nhâm này, chỉ biết kính trọng những bậc anh hùng trung liệt như quân hầu. Nếu quân hầu đầu hàng, thì cái tước hầu, tước bà cũng không đến nỗi mất.
Hầu lắc đầu, chưa kịp trả lời thì phu-nhân quay lại hỏi hơn ba chục nữ binh, năm chục binh Việt còn sống sót:
– Nhâm đại nhân muốn chiêu hàng. Các em nghĩ sao?
– Không hàng!
– Chúng em chỉ biết chết chứ không biết hàng.
Phu nhân cung tay tạ Nhâm Khởi:
– Đa tạ nhã ý quân tử, chúng tôi là con Rồng, cháu Tiên thì chỉ biết chết chứ không biết hàng.
Vừa dứt lời bà đưa kiếm vào cổ Thanh-Nhiên. Y kinh hoàng lộn người ra sau tránh, nhưng mũi kiếm đã trúng ngực y, đúng vào miếng hộ tâm kính đến choang một tiếng.
Đám tiễn thủ Tống vội dương cung bắn vào phu nhân để cứu Nhiên. Nhưng phu nhân đã quyết chết ngày hôm này, nên thay vì dùng kiếm gạt tên, bà chuyển mũi kiếm thúc vào sườn y, người y đứt làm hai khúc.
Nhâm Khởi hô quân Tống tấn công. Đám nữ binh, vệ sĩ lại lăn xả vào chém giết. Giữa lúc cuộc chiến đang ác liệt, thì một mũi tên trúng giữa ngực Hoàng-Quan, hầu ngã xuống. Phu nhân thấy chồng ngã, bà hơi phân tâm một chút, bị trúng một mũi đao vào bụng, ruột lòi ra ngoài. Bà nghiến răng dùng tay trái nhét ruột vào bụng, tay phải vẫn múa kiếm như mây bay, như gió lốc. Bà đi đến đâu, quân Tống ngã tới đó.
Dưới ánh đuốc lờ mờ, binh tướng Tống nhìn bà chiến đấu như một con sư tử, đều nhảy lùi ra xa, đứng nhìn. Một tay ôm bụng, một tay chống kiếm, bà đứng thở dốc, nhìn bên mình: Phu quân chết nằm đó, đám nữ binh cũng không còn một người.
Nhâm Khởi là tiến sĩ xuất thân, y cực kỳ kính trọng những bậc trung quân tuẫn quốc. Y cung tay hưởng bà:
– Phu nhân! Ngừng tay đi thôi. Tôi hứa băng bó, chữa trị cho phu nhân, rồi đưa phu nhân với thi hài hầu về Thăng-long. Phu nhân chiến đấu như thế cũng đủ rồi, khí phách của phu nhân e rằng cao tới trời xanh.
Ngọc-Huệ thở hổn hển:
– Đa ta đại nhân. Vợ chồng tôi sống với Ngọc-sơn, thì chết với Ngọc-sơn. Nay Ngọc-sơn bị chiếm, tôi còn mặt mũi nào về nhìn chúa tôi nữa?
Tay vung lên, kiếm đâm suốt qua ngực, bà ngã xuống. Đám binh tướng Tống từng trải qua nhiều cuộc chiến đấu kinh hồn động phách, nhưng chưa bao giờ họ thấy một thiếu phụ sắc nước hương trời chiến đấu anh dũng đến như vậy. Bất giác, nào tướng, nào binh, đều hướng bà vái ba vái.
Bấy giờ là giờ Mão ngày Quý-Hợi, tháng bẩy, mùa Thu, niên hiệu Thái-Ninh thứ năm đời vua Nhân-tông bên Đại-Việt (9-7 năm Bính-Thìn. DL. 11-8-1076) bên Trung-nguyên là niên hiệu Hy-Ninh thứ chín đời vua Thần-tông nhà Tống.
Sau khi Bùi Hoàng-Quan với phu nhân tuẫn quốc, Nhâm Khởi sắm quan quách, mai táng bên khe suối ở đồn Ngọc-sơn, trên mộ khắc tấm bia đá có chữ :
« Lĩnh-Nam nghĩa sĩ Bùi, phu phụ chi mộ ».
Tin Ngọc-sơn thất thủ đưa về Thăng-long, Linh-Nhân hoàng thái hậu, Thái-Ninh đế truyền triều đình để tang, làm lễ tế vọng, truy phong cho hầu tước:
Trung-vũ, Anh-duệ, Tráng-tiết đại vương.
Phu nhân được phong:
Nhu-mẫn, Đoan-huệ, Anh-văn công chúa.
Truyền phối thờ vào thái-miếu, cho nên sau này ngoài dân chúng không có đến thờ của hai ngài. Riêng công chúa thì đời sau phối thờ với Linh-Nhân hoàng thái hậu. Cho đến nay (1995) trải 919 năm, nếu những con dân Việt đọc được những giòng này, mà còn tưởng nhớ huân nghiệp của công chúa, xin viếng thăm các đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu (ghi ở mục 3.2 phần tựa, quyển 1, NQSH) sẽ thấy:
– Tượng Linh-Nhân hoàng thái hậu ngồi trên chiếc ngai ở giữa trong y-phục Thái-hậu mầu vàng.
– Hai bên là tượng của sáu bà, trong y-phục công-chúa. Áo choàng, khăn tuy giống nhau, thêu hoa văn giống nhau, nẹp giống nhau, nhưng mầu khác nhau.
Đền thờ Linh-Nhân hoàng Thái-hậu ở Dương-xá, Gia-lâm, Hà-nội
Phía trước bàn thờ với chữ đại tự:
THÁNH CUNG VẠN TUẾ
Tượng Thái-hậu ngồi trên ngai, trong y phục vàng
3. Bên trái tượng Thái-hậu: Tượng mặc áo xanh khuất sau cột là bà Nguyễn-thị Trinh-Dung, vương phi Trung-thành vương. Tượng mặc áo đỏ là Công-chúa Thiên-Thành. Tượng mặc áo trắng là Nhu-mẫn đoan duệ, anh văn công chúa Trần Ngọc-Huệ