Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Kiếm Hiệp >> Q8- Nam Quốc Sơn Hà

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 48387 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Q8- Nam Quốc Sơn Hà
Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Chương 22
Trọng-Kiệt, Văn-Huy phát chiêu tấn công mấy nhà sư. Mấy nhà sư đứng im, không phản ứng, môi mỉm cười rất tươi. Trong khi Phạm Dật vội xen vào giữa, đỡ chiêu của hai người. Bình, bình. Cả ba đều bật lui lại. Trọng-Kiệt kinh ngạc hỏi:
– Dật đệ, như thế này là thế nào?
Phạm Dật không trả lời Kiệt. Nó cung tay hành lễ với bốn nhà sư:
– A-di Đà-Phật. Đệ tử tham kiến chư vị đại sư. Đã bốn năm đệ tử không được thấy bóng dáng Phật gia của chư vị. Không ngờ hôm nay lại được hạnh ngộ ở đây.
Nó chỉ bốn nhà sư giới thiệu với Kiệt, Huy:
– Bốn đại sư đây là sư huynh của Ỷ-Lan thần-phi, có pháp danh Viên-Mộc, Viên-Căn, Viên-Chi, Viên-Diệp đều là cao đồ của Đại-từ Liên-hoa bồ-tát Viên-Chiếu.
Kiệt, Huy chưa từng nghe danh bốn vị sư này, nhưng đã từng nghe tiếng Đại-từ Liên-hoa hoà thượng tức sư Viên-Chiếu với Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng. Cả hai vội cung tay:
– A-di Đà-Phật. Xin tham kiến chư vị đại hòa thượng.
Trọng-Kiệt chỉ vào Bình, Sang:
– Hai vị đây đều là người yêu nước, xin tứ vị đại sư ân xá cho hai vị.
Viên-Mộc cầm bình rượu rót ra chung, để trước mặt Trần Bình, rồi giải huyệt cho y:
– Trước khi đãi khách, bần tăng xin đạo trưởng uống chung rượu này, rồi mới để hai đô thống Lưu Trọng-Kiệt, Nguyên Văn-Huy và chú bé Phạm Dật uống sau; như thế mới đúng lễ nghi Đại-Việt gọi là tiền chủ, hậu khách.
Trần Bình run run không dám cầm chung rượu lên. Hành động của bốn nhà sư, hợp với thái độ của Trần Bình khiến Phạm Dật hiểu rõ: y và hai người bạn suýt nữa bị đánh thuốc độc. May nhờ bốn nhà sư biết trước, bắn sỏi cứu viện. Tính trẻ con nổi dậy, nó bưng chung rượu kề vào miệng vợ Bình:
– Mời bà chị xơi rượu.
Vợ Bình kinh hãi, vùng vẫy lắc đầu:
– Ta không uống.
Mụ ngoác mồm ra chửi:
– Bốn thằng trọc ăn thịt chó kia. Bọn mi hèn hạ ẩn núp trên xà nhà, rồi ra tay ám toán. Ta không phục.
Nhà sư Viên-Diệp cung tay:
– A-di Đà-Phật, xin phu nhân khoan thứ cho anh em bần tăng. Anh em bần tăng chỉ có bốn người, tự biết rằng không thể đấu lại hơn trăm giáo đồ của phu nhân, nên phải ra tay kiềm chế phu nhân, để tránh đổ máu.
Đến đó trống thúc nhịp nhàng, tiếng quân reo, lẫn với tiếng hổ, báo gầm, voi rống. Chỉ lát sau Trung-thành vương Hoằng-Chân cùng chư tướng vào. Vương thấy bốn nhà sư thì cung tay:
– Đệ xin tham kiến bốn vị sư huynh. Đa tạ các sư huynh đã giúp đỡ đệ.
Vương nói với Trọng-Kiệt:
– Đô-thống tuổi đã bốn mươi, cầm quân hai mươi năm, mà sao không biết cảnh giác, để đến nỗi suýt nữa mất mạng? Đô-thống chết không sao, nhưng quốc-sự hỏng, mới là điều nguy nan. Lần này ta tha tội cho đô-thống, nhưng lần sau thì không được.
Phạm Dật xấu hổ hỏi:
– Đại ca, sự thể ra sao?
– Trước khi khởi hành đến đây, ta đã nhờ bốn vị đại sư nhập trang dò thám. Lúc ba người nói chuyện với hai tên Sang, Bình, thì phòng bên cạnh có hàng chục đứa ghé tai nghe trộm. Các người chỉ nói mấy câu đã bị lòi đuôi ra ngay. Tại sao? Bởi các người xưng là giáo chúng Nghệ-an mà lại nói giọng Thiên-trường, thì đời nào chúng tin? Ta từng dặn phải giả tiếng Thanh-Nghệ mà các người quên mất. Lại nữa truyền thống Hồng-thiết giáo là khi người trên ra lệnh, thì cấp dưới chỉ biết nhắm mắt tuân theo, nhược bằng hơi ngần ngừ là bị xử tử liền. Như vậy làm gì có chuyện bọn ma đầu sai các người xin hỏi ý kiến? Khi thấy các người lòi duôi, những tên núp bên ngoài, đem nước mời mười binh sĩ của các người uống. Uống nước xong, chân tay chúng tê liệt. Bọn giáo đồ họ đem vào trong phòng kín khám xét, thấy trên người có tín bài Thiên-tử binh, là chúng hiểu ngay ra rồi. Bởi vậy một mặt chúng giả đưa đẩy câu chuyện với các người, một mặt chúng sai làm cơm đãi, rồi bỏ thuốc độc vào rượu, đợi các người uống xong lên cơn đau. Bấy giờ chúng bắt các người làm gian tế cho chúng. Nhưng bốn vị sư huynh của ta đã can thiệp kịp.
Vương phất tay một cái, giải huyệt cho Nguyễn Minh-Sang, rồi nói với vợ chồng Bình:
– Người có biết tại sao đang lúc dầu sôi, lửa bỏng, mà Minh-Sang lại bỏ trang, đến đây bàn chuyện với người không? Nhất là chuyện chống lại Hồng-thiết giáo; có thể nguy đến tính mệnh không?
– ???
– Vì Minh-Sang là người yêu nước. Sang tuy theo Hồng-thiết giáo từ lâu, mà chí lại hướng về chủ đạo tộc Việt. Minh-Sang tới đây để chuẩn bị đón quân Đại-Việt bình Chiêm, và tiếp quản trang Vọng-hương này.
Võ Xuân-Loan chửi đổng:
– Thì ra thế. Tiên nhân cha thằng Minh-Sang kia, mi làm gian tế cho giặc, tiềm ẩn trong bản giáo. Được, sẽ có ngày bà quẳng mày xuống hầm cho rắn ăn thịt.
Minh-Sang cười ha hả:
– Này chị Xuân-Loan, chị nói gì vậy? Trước hết tôi hỏi chị: thế nào là giặc? Giặc là bọn ác độc, dùng sức mạnh thu góp tài sản của dân, khiến dân đói khổ. Chúng ta đều là người Việt yêu nước, tha phương cầu thực, người người hướng về quê hương; chẳng may bị bọn Hồng-thiết kéo cao ngọn cờ yêu nước đánh lừa. Chúng bắt ta nộp vàng bạc, nộp lúa gạo cho một thiểu số ngồi trên hưởng. Ai phê bình, ai thắc mắc thì chúng giết. Đó mới là giặc. Còn tại quê mình, trên có nhân quân, dưới có anh tài phù tá, làm cho dân giầu, nước mạnh, thì đương nhiên chúng ta phải qui phục. Biết quân ta sắp đánh Vọng-hương, nghĩ tình cố cựu tôi từ Vọng-giang tới đây để cứu anh chị. Nay đã đến nước này, mà chị còn nỏ miệng ư?
Sang còn định biện luận gì với mụ, nhưng Trung-thành vương vẫy tay không cho y nói. Vương bảo Trọng-Kiệt:
– Bây giờ quan quân đã chiếm xong Vọng-hương, đám nội-giáo trung kiên bị kiềm chế hết rồi, đô-thống hãy đưa Minh-Sang ra ngoài để chuẩn bị chém hết bọn tín đồ Hồng-thiết ác độc, rồi tổ chức lại trang Vọng-hương.
Vương nói với Phạm Dật:
– Ta để vợ chồng Bình cho đệ với Kim-Loan giải quyết.
Phạm Đật cười hì hì nhìn vợ Bình:
– Bà chị ơi! Tôi nghe rằng các đạo trưởng đều luyện công bằng nọc rắn, nên dù rắn độc đến đâu cũng không làm gì được. Vậy tôi phiền bà chị xuống hầm rắn bắt cho tôi mấy con hổ mang, nấu cháo đậu xanh đãi Trung-thành vương. Mong bà chị đừng từ chối.
Nói rồi nó túm cổ áo mụ đem lại gần hầm rắn. Mụ bở vía, kinh hãi nói lắp bắp:
– Đừng! Tiểu tướng quân đừng làm thế. Tiểu tỳ chưa từng luyện công bằng nọc rắn. Nhược bằng tiểu tướng quân quẳng tiểu tỳ xuống hầm, thì nhất định tiểu tỳ sẽ bị rắn ăn thịt liền.
Kim-Loan vẫy tay:
– Này bà Xuân-Loan, chính tôi đã nghe bà khoe rằng, bất cứ ai phạm tội, bà quẳng xuống hầm là hơn giờ sau rắn ăn hết thịt chỉ còn xương. Còn bà, thì bà có thể ngủ ở dưới đó đến mấy tháng kia mà?
– Con khốn nạn kia.
Xuân-Loan nổi giận chửi: Bà mà thoát chết hôm nay bà sẽ băm vằm mày ra làm từng mảnh. Ai cho mày chõ mồm vào?
Kim-Loan bảo Phạm Dật:
– Anh quẳng mụ xuống đi.
– Ừ.
Dật làm bộ định quẳng mụ xuống. Mụ bở vía năn nỉ:
– Kim-Loan, cháu nói đỡ cho thím một lần, thím sẽ nhớ ơn cháu đến già. Từ nay thím sẽ không truy lùng bố cháu nữa, rồi cho cháu làm đội trưởng nội-giáo.
Phạm-Dật ngán ngẩm: đến nước này mà mụ còn nghĩ đến tác oai tác quái. Nó dọa thêm:
– Tôi không tin. Tôi biết chị luyện công, hóa ra mình đồng da sắt. Nhất định bà chị dấu nghề rồi. Thôi bà chị thử xuống cho tôi xem một lần đi.
Nói rồi nó tung mụ lên cao. Ở trên không mụ kêu thét lên hãi hùng. Đợi cho mụ rơi gần xuống tới hầm rắn, nó mới phẩy tay một cái, người mụ bay bổng sang bên kia bờ hầm. Mụ run rẩy:
– Tiểu tướng quân, tiểu tỳ xin đầu hàng. Xin tiểu tướng quân tha mạng. Tiểu tỳ nguyện đi tiên phong đánh Chàm, lập công chuộc tội.
– Vậy mụ thề độc đi.
Mụ chắp tay hướng lên trời lạy tám lạy rồi chỉ xuống hầm rắn:
– Kính lạy thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh. Kính lạy tiền vị giáo chủ Xích-trà-luyện, Nhật-Hồ lão nhân, Đông-Nhật lão nhân. Đệ tử Võ Xuân-Loan xin thề: kể từ hôm nay, đệ tử nguyện trung thành với Đại-Việt. Nếu đệ tử có lòng nào, thì xin... thì xin để cho Hồng-xà ăn thịt.
Phạm Dật chán ngán trong lòng:
– Cho đến giờ này, mà con mụ đành hanh còn lấy bọn ma đầu ra chứng giám cho lời thề của mụ, thì thực không còn cách gì cải hóa được mụ nữa.
Nó quay ra hỏi Bình:
– Còn ông anh? Ông anh tính sao đây?
– Vợ tiểu nhân tính sao, thì tiểu nhân hao làm vậy. Xin tiểu tướng quân tha mạng cho. Tiểu nhân xin đầu hàng.
– Thôi được, mời anh chị theo tôi ra ngoài gặp Trung-thành vương.
Ngoài sân, dân chúng đứng thành ba khu theo hình bán nguyệt: khu người già, khu nam, khu nữ. Ở giữa, có hơn trăm thanh niên nam nữ, cổ quàng khăn đỏ bị trói, ngồi thành mười hàng. Đó là bọn nội giáo. Phía sau dân chúng, ngoài dinh, Thiên-tử binh cùng đám tráng đinh trong trang đứng gác khắp nơi.
Tại bậc thềm, một cái bục cao, trên để năm chiếc cẩm-đôn. Trung-Thành vương ngồi trên ghế chính giữa, còn lại mỗi bên hai chiếc, dành cho bốn vị sư chữ Viên. Vũ Quang, Hoàng Nghi, Lý Đoan, Trần Ninh đứng sau, khoanh tay hầu. Các tướng đứng thành hai hàng.
Thầy-lang Võ Thương đáng cầm loa đang giảng giải:
– ... Chúng ta là con dân Đại-Việt. Trong nước hiện do một hoàng đế nhân từ ngồi trên, dưới phò tá bởi các đại thần văn mô, vũ lược. Từ trước đến giờ Chiêm luôn thần phục ta. Thế mà gần đây Chế-Củ giết chúa, cướp ngôi, rồi lại muốn cùng Tống đánh chiếm Đại-Việt. Cho nên đức vua ta mới phải đem quân chinh tiễu.
Ông chỉ vào Trung-Thành vương:
– Từ mấy chục năm nay, chúng ta bị bọn dư đảng Hồng-thiết áp chế, đến nỗi muốn sống không xong, mà chết cũng không nổi. Bây giờ quân nhân nghĩa do vương gia chỉ huy, đã bắt hết bọn ác độc. Kể từ hôm nay, ruộng vườn của ai, thì trả cho người đó. Nhà của ai, thì trao trả lại chủ cũ. Tất cả mọi thứ thuế đều đợc tha. Dân chúng chỉ phải đóng góp tiền bạc để chi phí vào những công ích trong trang, do hội đồng kỳ mục ấn định mà thôi.
Dân chúng vỗ tay hoan hô:
– Đức vua Đại-Việt vạn tuế! Vạn vạn tuế.
Lê Mưu lại cầm loa nói tiếp:
– Trai tráng trong trang từ mười sáu tới bốn mươi lăm vẫn được gọi là hoàng-nam. Trương-tuần sẽ họp các hoàng-nam để phân chia canh gác.
Sau đó Lê Mưu giảng giải về cải cách canh nông ở Đại-Việt, nay áp dụng ở trong trang. Tuy nhiên, có đôi điều khác biệt là: tất cả không ai phải nộp thuế. Cũng không có việc hoàng nam xung quân v.v.
Dân chúng sung sướng reo hò.
Hoằng-Chân đứng dậy chỉ vào đám gần trăm thanh niên Hồng-thiết bị trói. Vương nói:
– Đám thanh niên này là nội-giáo, chẳng qua vì tuổi trẻ, yêu nước, tưởng đâu gia nhập Hồng-thiết giáo để bảo vệ dân, làm lợi cho đất nước. Nào ngờ họ bị sa bẫy tụi ma đầu mà lầm lạc. Nay cô gia xin các bậc trưởng thượng, cùng toàn thể dân trong trang hãy tha thứ cho chúng, để chúng theo cô-gia đánh Chàm, lập công chuộc tội.
Dân chúng bấy lâu nay bị bọn đầu trâu mặt ngựa nội-giáo hành hạ, ức hiếp đủ điều, người người đều thề sẽ có dịp băm vằm chúng ra. Bây giờ dịp đó đến, mà vị vương gia này lại truyền ân xá cho chúng, thì thực là điều họ không thể chịu nổi. Nhưng nghĩ lại, từ nay họ được sống thanh thản, không bị hành hạ, ức hiếp nữa, họ đành chấp hành lệnh.
Vương nói với đám nội-giáo:
– Các người cũng như vợ chồng Trần Bình, tội ngập đầu, dù có ném xuống hầm rắn đến nghìn lần cũng đáng. Nay cô gia ân xá cho, để các người theo cô gia đánh Chàm. Sau khi chiến thắng rồi, ai có công sẽ được phong thưởng. Bấy giờ các người trở về trang, hương đảng không thể báo thù, mà còn phải kính trọng. Các người hiểu không?
Bọn nội giáo răm rắp dạ ran.
Sau khi khao quân, Trung-thành vương họp chư tướng truyền lệnh:
– Bây giờ chúng ta tiến binh đánh Tư-dung, Ma-linh. Lợi dụng hai nơi này chưa biết Vọng-hương, Vọng-giang thất thủ, chúng ta giả làm giáo chúng chở lương tới nạp cho hai kho này, rồi đánh úp, như vậy đỡ đổ máu.
Vương gọi Lưu Trọng-Kiệt, Nguyễn Văn-Huy, Phạm Dật, Vũ Quang:
– Từ đây tới Tư-dung, đi bộ mất một ngày. Vậy cô gia giao cho Lưu Trọng-Kiệt làm chánh tướng, Nguyễn Văn-Huy làm phó tướng. Cô gia cũng cho sư đệ Phạm Dật, Vũ Quang đem voi, hổ, báo, sói, đười ươi, mỗi thứ hai đội. Quân thì có hiệu Quảng-vũ. Tất cả trang phục như dân chúng, cổ đeo khăn đỏ, giả làm giáo chúng Hồng-thiết, đem xe, ngựa, chuyên chở lương thực của ta, giả đem lương nộp cho kho Tư-dung. Ngay sáng mai lên đường, sao cho tối thì tới khu rừng gần Tư-dung, rồi cho quân qua đêm, để sáng hôm sau thình lình đánh úp trại thủy quân, kho lương. Sau đó tổ chức canh phòng thực cẩn thận. Bằng không thủy quân Chiêm trở về chiếm lại.
Vương nói với vợ chồng Trần Bình:
– Hai người được đặt thuộc quyền đô-thống Lưu Trọng-Kiệt, đem đội nội-giáo theo làm hướng đạo. Mọi đối đáp với binh tướng dọc đường do hai người đảm trách. Hãy cố gắng lập công.
Vương nói với Lê Mưu, Võ Thương:
– Tôi thấy hai cháu Kim-Liên, Kim-Loan võ công, kiến thức không tầm thường. Vậy tôi xin hai vị cho hai cháu đi cùng với Phạm Dật, Vũ Quang để thông dịch tiếng Chàm, và hướng đạo.
Lê Mưu, Võ Thương cùng cúi đầu:
– Đa tạ vương gia ban ơn cho hai cháu.
Vương gọi đô-thống Vương Văn-Trổ, Mã Diệu-Phong:
– Vương đô-thống làm chánh tướng, Mã đô-thống làm phó tướng. Sư đệ Lý Đoan, Trần Ninh đem voi, hổ, báo, sói, đười ươi mỗi thứ hai đội theo yểm trợ. Quân thì có hiệu Bổng-nhật. Tất cả cũng trang phục như dân dã, cổ đeo khăn đỏ, giả làm giáo chúng Hồng-thiết. Khi đi qua trang Vọng-giang, sẽ có giáo chúng ở đây cùng Nguyễn-minh-Sang theo giúp. Mọi đối đáp với Chiêm dọc đường, cũng như binh lính Ma-linh, Nhật-lệ để cho Sang lo. Tại Ma-linh, Chiêm có khoảng năm nghìn binh, canh giữ lương thảo với một đội chiến thuyền tiếp tế. Sau khi chiếm được Ma-linh, phải tổ chức phòng thủ thực chu đáo, bằng không thủy-quân từ Nhật-lệ có thể trở về chiếm lại.
Vương gọi Lê Mưu, Võ Thương, Hoàng Nghi:
– Chúng ta còn voi, báo, hổ, sói, mỗi loại hai đội. Với đám ninh thú này, cùng ba trăm hoàng-nam trang Vọng-hương, chúng ta sẽ làm một nhiệm vụ đặc biệt là chuyển lương cho đạo binh đánh Tư-Dung.
Đạo binh của Lưu Trọng-Kiệt giả làm dân-phu trang Vọng-hương, do bọn nội-giáo Hồng-thiết giáo tải lương rầm rộ lên đường. Đội binh thú, thì chỉ có voi là di chuyển bình thường. Còn cọp, báo, sói, đười ươi được chở bằng xe, bên ngoài phủ sơ một lớp cỏ mỏng. Suốt dọc đường, qua hơn mười trang ấp của Chàm. Bọn hương dịch thấy đám võ-trang Hồng-thiết kéo cờ Chiêm, nói tiếng Chiêm, lại có thẻ bài chứng minh của an-vũ sứ Ma-linh, thì không thắc mắc gì. Chiều hôm đó, thì tới cánh rừng cỏ, sú. Tên hướng đạo của Vọng-hương báo cho biết, chỉ còn một giờ đường bộ nữa thì tới căn cứ Tư-dung. Lưu Trọng-Kiệt ra lệnh cho dừng quân qua đêm.
Phạm Dật, Vũ Quang mắc võng lên một cây cao, điều khiển Thần-ưng bay trên trời tuần thám. Vòng ngoài của trại quân được hai mươi con sói canh phòng.
Lê Kim-Loan, Võ Kim-Liên là những thiếu nữ sinh sống ở hải ngoại. Hai người chỉ biết quê hương, yêu quê hương qua lời kể của phụ huynh, qua sách vở. Bây giờ gặp hai thiếu niên đồng lứa tuổi là Phạm Dật, Vũ Quang đầy kinh nghiệm, từng trải tại quê nhà. Hai đứa thi nhau thuật lại những cảnh trí mà chùng đã đi qua: nào chùa một cột, nào chùa Trấn-quốc nào đền Trấn-võ, nào chùa Tiêu-sơn (Dâu), nào kinh đô Trường-yên thời Đinh... Lê Kim-Loan hỏi:
– Nghe người ta kể, hai anh là người cùng quê với Ỷ-Lan thần phi, vương phi Trung-thành vương phải không?
– Đúng thế, vì vậy chúng tôi gọi mấy bà ấy bằng chị. Hồi chúng tôi sáu bẩy tuổi, thì các bà ấy đã dậy thì. Hồi bà Ỷ-Lan ở chùa, thì chúng tôi học tại đấy. Chị em chúng tôi thân với nhau vô cùng. Chị Ỷ-Lan thường lấy lộc Phật cho chúng tôi ăn. Vì Ỷ-Lan thần phi coi chúng tôi như em ruột, mà người là vợ của nhà vua, tức chị dâu của Trung-thành vương. Cho nên khi vương dạy võ cho chúng tôi, thì chỉ cho chúng tôi gọi là sư huynh, chứ không cho gọi là sư phụ.
Kim-Liên hỏi:
– Sau trận giặc này trở về, các anh có thể dẫn tôi vào yết kiến thần phi được không?
– Được chứ. Chị tôi lúc nào cũng thích những nam nữ thiếu niên có khí tiết như chúng mình.
Sau khi cơm chiều xong, Lưu Trọng-Kiệt gọi chư tướng tới lều chỉ huy để bàn kế hoạch đánh Tư-dung. Vũ Quang nói nhỏ vào tai Trọng-Kiệt:
– Trung-thành vương đã dặn nhỏ em phải nhắc với anh một điều: cái gương thời Thuận-thiên, bọn trưởng lão được võ lâm, triều đình tha cho sau trận Lộc-hà, rồi cuối cùng chúng cũng phản. Vì vậy ta có giao nhiệm vụ cho vợ chồng Trần Bình, phải cẩn thận. Bằng không thì nguy lắm.
– Được, ta nhớ điều đó.
Chư tướng có mặt đầy đủ trong lều chỉ huy. Vũ Quang cho bốn con sói canh bốn góc lều.
Lưu Trọng-Kiệt hỏi Võ Xuân-Loan:
– Chị Loan đã từng tải lương tới Tư-dung, hẳn chị biết rõ địa thế của trại này. Vậy chị trình bầy cho chúng tôi nghe, để còn thiết kế tấn công.
Võ Xuân-Loan đứng lên, trình ra một trục lụa, trên vẽ bản đồ căn cứ Tư-dung:
– Thưa tướng quân, vì địa thế nước Chiêm nằm dọc theo bờ biển, có những dẫy núi chia cắt lãnh thổ làm nhiều khu, cho nên mọi di chuyển quân lương đều do đường biển. Do vậy những căn cứ tồn trữ lương đều nằm trên các hải cảng. Tư-dung không phải là căn cứ hải quân, mà chỉ là căn cứ tồn trữ lương thảo. Quân số ba nghìn người, thì bộ binh chỉ có năm trăm, giữ nhiệm vụ canh phòng, đóng làm ba đồn. Ban ngày thì có mặt đầy đủ. Còn ban đêm, cứ ba người, thì một người ngủ tại đồn, thay nhau canh gác. Còn hai người về nhà ngủ.
Nguyễn Văn-Huy hỏi:
– Thế gia đình của đám bộ binh này ở thành trại, hay ở rải rác trong dân?
– Họ ở rải rác trong dân.
– Còn thủy quân?
– Hai nghìn năm trăm thủy quân, thì chia làm ba hải-đội, mỗi hải đội mười thuyền để vận tải lương đi Nhật-lệ. Mồng một, đội một lên đường, mồng mười đội hai lên đường. Hai mươi, đội một về, thì đội ba lên đường. Như hôm nay là ngày mười bẩy thì đội một, đội hai vắng nhà, đội ba đang tu bổ chèo, buồm, chuyên chở lương xuống thuyền. Ban ngày thì thủy thủ làm việc, ban đêm chúng về nhà ngủ.
Lưu Trọng-Kiệt ban lệnh cho Nguyễn Văn-Huy:
– Đô-thống chỉ huy đạo Quảng-vũ hữu bao vây, tấn công khu dân chúng gần cảng, bắt hết đám quân binh đang ngủ tại nhà. Anh Trần Bình, mang năm mươi nội-giáo theo giúp Nguyễn đô thống để thông dịch, cùng nhận diện binh tướng chiêm.
– Lực lượng còn lại, ta chia làm ba đội. Đội một gồm đạo Quảng-vũ tả, bốn mươi thớt voi do đích thân tôi chỉ huy, bất thần tấn công chiếm ba đồn quân. Đội hai do sư đệ Vũ Quang, sư muội Kim-Liên mang hai đội báo, hổ, sói, cùng chị Võ Xuân-Loan, với năm chục nội-giáo ập vào chiếm các kho lương. Đội ba do sư đệ Phạm Dật, sư muội Kim-Loan đem hai chục đười ươi, một trăm nội-giáo, thình lình chiếm lĩnh các chiến thuyền.
Sáng sớm hôm sau, các đạo quân âm thầm lên đường tới tuyến xuất phát.
Đúng giờ Mão, đô-thống Lưu Trọng-Kiệt đốt cây pháo thăng thiên tung lên trời. Cây pháo nổ một tiếng lớn rồi tỏa ra hình con chim ưng mầu đỏ chói. Đạo quân Quảng-vũ hữu hô lên một tiếng, rồi ập vào tấn công ba đồn. Binh tướng nhanh chóng tràn qua cổng. Nhưng không thấy quân canh, mà cổng đồn thì lại mở rộng. Họ tìm khắp doanh trại, không một bóng người. Viên sư trưởng kinh hoảng, ra lệnh cho binh sĩ chia nhau trấn giữ các căn trại trong đồn, rồi y cỡi voi ra ngoài đồn, thì gặp ba viên sư trưởng kia cũng đang tìm mình. Cả ba đồn cùng trống trơn.
Đô-thống Lưu Trọng-Kiệt đã tới. Ông kinh hãi, ra lệnh cho các sư trưởng rút quân ra khỏi đồn, trấn phía ngoài. Ông dùng voi phóng tới khu cảng, thì gặp Phạm Dật, Kim Loan đang đứng ngây người nhìn ra khơi: một dẫy chiến thuyền dàn thành hàng dài, thả neo đang nằm im lìm, dường như không có người.
Quá kinh hãi, ông cùng Phạm Dật sang khu vực kho lương, thì thấy Vũ Quang, Võ Xuân-Loan, Kim-Liên với đám nội-giáo đang vây phủ phía ngoài mấy dẫy nhà chứa lương. Ông hỏi:
– Sư đệ. Cái gì đã xẩy ra?
– Đệ xua mười báo vào dẫy nhà chứa lương, mười hổ vào khu nhà chứa cỏ, mười sói vào khu nhà chứa vũ khí. Nhưng không thấy chúng báo hiệu. Đệ xua ba đội kế tiếp vào, cũng im lìm. Đệ thổi tù và gọi mấy lần cũng không thấy chúng ra. Vì vậy đệ còn trì nghi, chưa dám tấn công, vì chỉ có năm chục nội giáo.
Trọng-Kiệt quyết định:
– Dù có cạm bẫy gì chăng nữa, với ba sư của ta đóng ngoài ta há sợ sao? Chúng ta tiến lên.
Trọng-Kiệt, Phạm Dật, Vũ Quang, Võ Xuân-Loan cùng đám nội-giáo cùng rút vũ khí cầm tay, rồi tràn vào khu nhà lớn nhất chứa lương. Khi vừa đẩy cửa vào, một cảnh làm họ kinh ngạc: hổ, báo, sói nằm thành hàng trong tư thế rất ngoan ngoãn.
Có tiếng cười khúc khích trên sàn nhà, mọi người nhìn lên: Hoàng Nghi đang ngồi trên đó, tay cầm con gà nướng xé ra ăn. Vũ Quang hỏi:
– Chú ba. Thế này là thế nào?
– Lưu đô thống sao chậm quá vậy?
Hoàng Nghi cắn một miếng thịt gà rồi tiếp: Trung-Thành vương với đệ dùng toàn hoàng nam của Vọng-hương, đi đường tắt thình lình đánh bắt được an-vũ sứ Ma-linh, rồi kề gươm vào cổ, lệnh cho y dẫn đường tới chiếm doanh trại ngày hôm qua rồi. Binh Chiêm bị bắt trọn. Vương đã đem quân Chiêm với hoàng nam, lập thành đạo quân Tư-dung lên đường đánh Địa-lý. Vương để đệ ở lại đây chờ các vị.
Vũ Quang vừa mừng vừa bực:
– Thảo nào! Thì ra mày! Mày chơi trò ú tim, thấy thú của tao vào, mày ra lệnh cho chúng nằm nghỉ. Tao kinh hãi vô cùng, vì dù có bậc cao thủ đến mấy, cũng không thể kiềm chế một lúc sáu chục con vừa cọp, vừa sói, vừa báo của tao.
Trọng Kiệt hỏi:
– Đám chiến thuyền ngoài khơi hiện do ai điều khiển?
– Do hoàng nam Vọng-hương.
Hoàng Nghi trả lời: Bọn em quân ít, nên đêm phải ra khơi thả neo. Bây giờ có thể gọi họ vào rồi.
Hoàng Nghi tung mình nhạy xuống đất, ra sân cầm cờ phất. Lập tức trên các chiến thuyền, chiêng trống đánh vang lừng, rồi các hoàng nam xuất hiện, nhổ neo, chèo thuyền vào bờ. Thuyền cập bến, hai người xuất hiện, làm Trọng-Kiệt hơi kinh ngạc, đó là Lê Mưu và Võ Thương.
Hoàng Nghi chỉ Lê Mưu, nói với Trọng Kiệt:
– Sau khi chiếm dinh an-vũ sứ, Trung-thành vương chỉ định bác Lê làm an-vũ sứ Ma-linh. Bác Võ-Thương làm chuyển-vận sứ. Vương truyền lệnh cho đô-thống chia quân đi các huyện, trang ấp của Chiêm, của ta, giúp bác Lê Mưu, Võ Thương thiết lập lại hệ thống cai trị giống như bên Đại-Việt; về chính sách điền thổ, nhất nhất theo như bên ta. Việc nội trị, phải tuân hành bằng này điều.
Nó xé con gà nướng trong bọc đeo bên hông đưa cho Trọng Kiệt, Vũ Quang miệng cười hì hì: Một là những quan lại Chiêm cũ thuộc loại ác bá, thì đem giết ngay. Hai là những người Chiêm muốn tiếp tục làm quan với ta, thì được giữ nguyên chức tước, tài sản. Ba là tha thuế cho toàn thể lộ Ma-linh trong một năm, tha luôn cả thuế nợ từ năm trước. Bốn là quan lại cứ ba người Chiêm, thì ít nhất có một người Việt. Bốn là người Chiêm, người Việt được đối xử như nhau. Năm là khuyến khích Chiêm, Việt kết hôn với nhau.
Nó chỉ Nguyễn Văn-Huy:
– Còn đô-thống với bản bộ quân mã trấn thủ Tư-dung, lúc nào cũng phải sẵn sàng chiến đấu. Riêng bọn nhãi Dật, Quang với tôi phải đem đội binh thú lên đường tức thời.
Trọng-Kiệt hội chư tướng truyền lệnh, phân chia công tác, khao quân, cho binh sĩ nghỉ ba ngày, rồi lên đường. Viên đội trưởng tượng binh trình với Lưu Trọng-Kiệt:
– Trong quân ta không có kị binh, nhưng năm chục ngựa của chư tướng, năm chục ngựa của Vọng-hương, bốn mươi thớt voi... từ hôm rời Vọng-hương đến giờ trải đã năm ngày, quân di chuyển không ngừng, nên ngựa, voi cứ phải ăn cỏ khô với thóc, thành ra chúng không được khoẻ. Xung quanh trại này chỉ có những bãi cỏ nhỏ, cỏ lại không mấy tươi. Xin đô thống định liệu.
Trọng-Kiệt hỏi Võ Xuân-Loan:
– Trần phu nhân, gần đây có khu nào cỏ tươi tốt không?
– Trình đô-thống có đấy, nhưng hơi xa, phải đi mất nửa giờ sức ngựa. Vùng đó có khe suối, nước suối thơm ngọt, cỏ tươi quanh năm. Nơi ấy Chiêm cấm trâu bò, lừa ngựa của dân chúng lai vãng, dành để cắt cỏ phơi khô, làm lương cho voi ngựa. Nếu đô thống muốn, vợ chồng tiểu tỳ cùng hoàng nam, tượng binh đem voi, ngựa đến đó chăn một ngày, thì voi ngựa phục hồi sức khoẻ ngay.
– Vậy xin hai vị đi ngay cho.
Trọng-Kiệt ra lệnh: Hôm nay là một, ngày mai là hai. Nội trong ngày thứ ba phải đem ngựa, voi về để cho binh tướng khởi hành.
Xuân-Loan bàn với tượng binh:
– Tiểu tướng quân có bốn mươi thớt voi, mỗi thớt do ba vị điều khiển. Nhưng chăn cho chúng ăn thì đâu cần đi hết gần hai trăm người? Tốt hơn mỗi voi chỉ cần một vị đi theo mà thôi. Còn lại các vị nghỉ ngơi cho khỏe. Đi nhiều vô ích.
Lời Xuân-Loan có lý, đám tượng binh, mã phu được nghỉ ngơi, đều khoan khoái ra mặt. Trần Bình nói với đám hoàng nam, cựu nội-giáo:
– Chúng ta đều mới quy phục triều đình, thì phải gắng sức để tỏ lòng trung thành với đức vua. Vậy tất cả phải đem ngựa, voi đi chăn, tắm rửa. Thời gian có hai ngày, đâu đáng gì?
Sang ngày thứ ba, Trọng-Kiệt phân chia binh, tướng thành nhiều toán, mỗi toán sẽ đi bình định những trang, những xã chỉ định. Hẹn giờ Ngọ thì khởi hành. Nhưng cho đến giờ Tỵ, vẫn không thấy vợ chồng Trần Bình đem voi, ngựa về. Hoàng Nghi hỏi Vũ Quang:
– Sư huynh có biết vợ chồng y chăn voi ngựa ở đâu không?
– Đệ không rõ.
Hoàng Nghi cảm thấy có gì bất tường, nó nói với Phạm Dật:
– Sư huynh thử sai chim ưng đi tìm xem, hay có sự gì xẩy ra không?
Phạm Dật thổi tù và, gọi tám con chim ưng, chia làm bốn cặp, bay đi bốn phía tìm kiếm. Hơn giờ sau, vẫn không thấy chúng về. Nó nói với Trọng-Kiệt:
– Nguy quá, tốc độ của chim ưng trung bình ba trăm dặm một giờ (75 km/giờ ngày nay). Mà sao chúng đi hơn giờ rồi, cũng không thấy tin tức gì?
Lát sau ba cặp bay về phía Nam, Tây-Nam, chính Tây đều trở về không. Còn cặp bay về hướng Bắc vẫn chưa về. Phạm Dật định gọi mấy cặp sai bay về hướng Bắc, thì thấy đôi ưng do thám trở về. Chúng kêu lên những tiếng khẩn cấp, báo hiệu. Hoàng Nghi than:
– Tìm ra rồi, chúng báo rằng có nhiều người chết, còn voi, ngựa, không thấy đâu cả. Phải theo sự hướng dẫn của chúng để xem cái gì đã xẩy ra?
Trọng-Kiệt than:
– Tại đây chúng ta không còn con ngựa nào cả, làm sao bây giờ?
Hoàng Nghi gọi Phạm Dật, Vũ Quang:
– Ba chúng ta cỡi cọp, rồi xua đoàn hổ, báo, sói đi tìm xem sao?
Ba đứa cầm tù và ra lệnh, đám hổ, báo, sói được thả ra khỏi cũi. Ba đứa nhảy lên lưng cọp theo hướng chim ưng hướng dẫn phi như bay. Đi khoảng nửa giờ, chúng tìm thấy xác một tượng binh nằm bên đường đã chương lên, chứng tỏ y chết ít nhất hai ngày rồi. Phi thêm quãng nữa lại thấy năm xác tượng binh với ba xác nội-giáo. Xác tượng binh, cái thì bị chém, cái thì bị đâm, cái thì bị chưởng lực đánh. Còn xác bọn nội-giáo thì bị voi quật chết, hoặc dầy nát ngực ra.
Hoàng Nghi than:
– Như vậy là có cuộc giao chiến giữa nội-giáo với tượng binh rồi.
Đi thêm quãng nữa, thì lại thấy xác tượng binh, nội-giáo nằm la liệt. Vũ Quang ngừng lại thở dài:
– Mọi sự đã rõ ràng, vợ chồng Trần Bình đánh lừa Lưu đô thống, xin đem bọn nội-giáo chăn voi, ngựa. Khi tới đây, chúng trở mặt giết tượng binh, rồi đem ngựa, voi chạy trốn rồi.
Vũ Quang nổi cáu, văng tục:
– Tổ bà nó, mình mất bốn chục thớt voi, hơn trăm ngựa. Bây giờ lấy gì mà đuổi theo chúng? Vả chúng chạy đã ba ngày, có dùng chim ưng tìm kiếm cũng vô ích. Thôi ta về bàn với Lưu đô-thống.
Ba trẻ cỡi cọp, xua thú trở về.
Nghe tin mất bốn chục thớt voi, bốn chục tượng binh chết, Lưu-trọng-Kiệt kinh hoàng hỏi Lê-Mưu:
– Chúng ta phải làm gì bây giờ? Làm sao kiếm ra mấy con ngựa để đuổi theo chúng?
Võ Thương lắc đầu:
– Đuổi cũng vô ích. Chi bằng dùng chim ưng báo cho Trung-thành vương cùng các đạo quân khác biết. Một đằng vào các trang ấp trưng dụng ngựa của dân chúng.
Hoàng Nghi đề nghị:
– Bây giờ một mặt ta sai chim ưng đi báo cáo với vương gia. Một mặt bọn đệ đem theo đám binh hổ, báo, sói, một mặt trưng dụng ngựa của dân chúng cỡi, rồi cho chim ưng theo dấu vợ chồng Bình, đuổi theo, đoạt lại voi ngựa. Bằng không chúng dùng voi ngựa đó đánh ta thì nguy lắm.
Việc trưng dụng ngựa không khó. Ba đứa cùng Kim-Loan, Kim-Liên hô lên một tiếng phi ngựa trước, ba đoàn thú chạy theo. Chiều hôm đó, cả ba đã đi vào địa phận Địa-lý. Khi tiến vào trị sở Địa-lý, thấy cờ Đại-Việt bay trên cột cờ an-vũ sứ. Ba trẻ biết quân Việt đã làm chủ châu này rồi. Ba đứa vào dinh, thì gặp đô-thống Vương Văn-Trổ, với Nguyễn Minh-Sang. Thấy ba trẻ cùng bầy thú người đầy bụi, Trổ hỏi:
– Có gì khẩn cấp vậy?
Hoàng Nghi thuật lại chi tiết vợ chồng Trần Bình. Vương Văn-Trổ nhảy dựng lên:
– Sáng hôm qua, vợ chồng Bình cùng đám nội-giáo cỡi 40 thớt voi, trăm ngựa qua đây, chúng nói rằng được lệnh Lưu đô thống đem voi, ngựa, hoàng-nam đi tiếp viện cho đạo quân của tướng Dư Phi. Chúng xin tôi tiếp tế lương thực cho chúng; lúa, cỏ cho voi, ngựa, sau đó chúng lên đường rồi.
Vũ Quang hỏi:
– Trung-Thành vương hiện ở đâu?
Minh-Sang chỉ về hướng Bắc:
– Vương gia mang theo hai tiểu tướng Lý Đoan, Trần Ninh, với tất cả voi, hổ, báo, sói, hầu tiến về Nhật-lệ, hội với quân của tướng Dư Phi từ hai ngày rồi.
Vương Văn-Trổ chỉ vào đàn thú:
– Đám thú này chạy hơn một ngày rồi, nếu ba em cho chúng chạy nữa, thì e khi xuất trận chúng không còn sức. Đằng nào vợ chồng Bình cũng chạy tới Nhật-lệ, có đuổi theo cũng vô ích. Việc đánh úp Nhật-lệ coi như không thành nữa vì vợ chồng Bình báo cho giặc rồi. Kế hoạch phải đình lại, chờ nguyên soái Thường-Kiệt quyết định. Bây giờ ta cho thú nghỉ ngơi. Tôi đem lừa ngựa trở về Tư-dung để kéo hết đám xe chở thú cùng các tướng của chúng về đây. Các em chờ lệnh vương gia xem phải làm gì đã.
Ba trẻ thấy Trổ bàn đúng lý, chúng bình tĩnh lại, rồi viết thư sai chim ưng mang đi. Chiều hôm sau, các tướng binh hổ, báo, sói, hầu cùng xe từ Tư-dung đã tới. Đám tượng binh gồm một trăm sáu mươi người, chết bốn chục, nay chỉ còn trăm hai. Chúng không còn voi để sai khiến, mặt buồn rười rượi.
Về mặt trận trên biển.
Kể từ hôm diễn ra trận đánh Nhật-lệ đầu tiên, cho đến nay, đã tám ngày qua. Thủy-quân Việt-Chiêm vẫn cứ cầm cự nhau trên biển. Khi Chiêm khiêu chiến thì Việt án binh bất động. Khi Việt tấn công thì Chiêm rút lui. Vào một buổi chiều, ưng binh trình cho nguyên soái Thường-Kiệt một lúc ba bốn bức thư từ các mặt trận gửi về.
Thư của Trung-thành vương:
« ... Tiến chiếm Ma-linh, Tư-dung dễ dàng. Thu phục được chín trang người Việt. Đã dùng hoàng-nam Việt cùng binh Chiêm đầu hàng, tổ chức thành quân địa phương. Đang cải tổ cai trị. Đã ban bố chính sách giống như Đại-Việt. Một biến cố bất lợi của ta: bọn Hồng-thiết giáo giả đầu hàng, rồi cướp trăm ngựa, bốn mươi voi đem về Nhật-lệ. Kế hoạch của ta bị lộ hoàn toàn. Tìm ra con đường thượng đạo, có thể vượt Hải-vân vào Nam. Đợi lệnh ».
Thư của Tín-nghĩa vương Chiêu-Văn cho biết:
« ... Tin Ma-linh, Địa-lý cùng kho lương Tư-dung, Đại-tràng-sa bị chiếm đã đến với Đinh-kiếm-Thương. Y định chia quân làm hai. Một nửa giữ thành, còn một nửa rút về chặn đường tiến quân của Trung-thành vương. Vậy nên tiến đánh thành Bố-chánh, hay bỏ Bố-chánh, tiến đánh Nhật-lệ ? »
Thường-Kiệt tâu với nhà vua, rồi cho phất cờ họp tướng soái. Chư tướng tề tựu đầy đủ. Thường-Kiệt trình bầy diễn tiến mặt trận trên bộ, rồi hỏi ý kiến Tôn Đản. Ông cười:
– Tâu bệ hạ kế hoạch của ta bị lộ đúng lúc đã thi hành xong. Ta đang cần báo tin Ma-linh, Địa-lý bị chiếm, nguồn tiếp tế lương thảo, cùng đường rút lui bị tuyệt, khiến giặc vỡ mật; thì bọn Hồng-thiết giáo vô tình đã làm dùm ta. Lương thực của Chiêm ở Nhật-lệ giỏi lắm chỉ đủ nuôi quân trong mười ngày là cùng. Sự thể bắt buộc chúng phải tấn công ta, hy vọng thắng lợi, mới còn đường sống. Ta khẩn chuẩn bị giao chiến. Vậy mặt thủy để đô-đốc Hoàng Kiện chỉ huy.
Ông hỏi Thường-Kiệt:
– Nguyên soái định thế nào?
– Thưa sư thúc, cháu thấy đến nay chỉ cần đánh hai trận là đủ. Trận thứ nhất là thủy chiến ở đây. Trận thứ nhì là bộ chiến ở Thi-nại. Cho nên đánh trận Nhật-lệ cần giữ quân khí, tránh tổn thất. Tốt hơn hết mình dùng tâm chiến, làm nát lòng quân giặc.
– Nguyên soái luận thực chính xác. Bây giờ lệnh cho Dư Phi tiến quân thực gấp về Nhật-lệ. Còn Tín-nghĩa vương vây hãm không cho Đinh-kiếm-Thương chia quân cứu Nhật-lệ. Nhật-lệ bị uy hiếp, thì bộ quân ở Nhật-lệ ắt phải ở trên bờ phòng vệ. Thành qua thủy quân của họ không có bộ binh theo trợ chiến.
Ông hỏi nhà vua:
– Xin hoàng thượng ban chỉ dụ.
– Trẫm thấy cần phải nhổ cái gai thành Bố-chánh, trước khi khai diễn trận thủy chiến. Có như vậy lòng quân Chiêm mới thực sự bị loạn.
Tôn Đản truyền cho thư lại:
– Lệnh cho đạo quân của Tín-nghĩa vương tiến đánh thành Bố-chánh, phải chiếm được thành trong ba ngày. Đánh như vậy thì đổ máu nhiều, nhưng sự không đừng được. Sau khi chiếm thành Bố-chánh, vương kéo quân về hợp với Dư Phi tiến đánh Nhật-lệ.
Sau khi lệnh cho hai đạo quân Dư Phi, Tín-nghĩa gửi đi, Thường-Kiệt ghé miệng vào tai Tôn Đản nói nhỏ:
– Cháu đề nghị lệnh cho Trung-thành vương kéo quân trở về hợp với Dư Phi, chờ khi trận Nhật-lệ trên biển diễn ra, thì tiến lên đánh vào đám bộ binh.
Tôn Đản gật đầu:
– Như vậy ta bỏ trống Tư-dung, nếu thủy quân Chiêm rút về chiếm lại, thì đạo quân Trung-thành vương ắt tiền hậu thọ địch.
– Thưa sư thúc, sau khi đánh chiếm thành Bố-chánh, ta ra lệnh cho Tín-Nghĩa vương gửi đạo binh voi, hổ, báo, sói, hầu về giúp Trung-thành vương. Vương sẽ để lại mấy hiệu Thiên-tử binh trấn tại đây. Nếu như thủy quân Chiêm về đánh chiếm lại Tư-dung, thì một người giữ, trăm người đánh không lại. Trong khi đó ta dùng thủy quân đuổi sát phía sau.
– Đành vậy.
Tôn-Đản quyết định: Ta mạo hiểm một phen. Có điều đánh vào mặt bộ Nhật-lệ rất khó khăn. Bởi bộ binh Chiêm làm một chiến lũy vòng cung, bao vây căn cứ. Nếu như Trung-thành vương đánh từ trước vào, thì phải chịu tổn thất lớn. Giá như ta có cách nào đem một đạo kỳ binh đánh vào hông, rồi chiếm Thủy-trại, nhân đó đánh phía sau lưng chiến lũy bộ binh Chiêm. Chiến lũy của chúng trở thành rối loạn. Như vậy mới mong thanh công.
Nhà vua mỉm cười nói sẽ vào tai Thường-Kiệt, Tôn Đản:
– Sư-thúc với Kiệt đừng lo, ta dùng đám Long-biên ngũ hùng vào nhiệm vụ này thì ắt thành công. Tuổi trẻ Việt kinh lắm.
Tôn Đản, Thường-Kiệt gật gật đầu:
– Bọn thần cũng nghĩ như vậy.
Thường-Kiệt tâu nhỏ:
– Tâu bệ hạ! Vì sợ gian tế, nên thần tuyệt đối giữ kín: Ta còn đội Giao-long binh do Tây-hồ thất kiệt chỉ huy gồm năm trăm người. Người nào võ công cũng cao cường, lặn dưới nước như rái cá. Năm trăm người đó sẽ được dùng vào trận thủy chiến này. Trước ngày khai diển trận đánh, ta bí mật cho họ đột nhập thủy trại Chiêm, dùng dao ”đục nhớm” đáy thuyền một lỗ bằng cái mâm, giữa ”cái mâm” đó đóng một cái đinh thực lớn, đầu đinh móc sợi xích sắt thả thoòng-lòong xuống lòng biển. Sau khi đục xong, Giao-long binh trở về. Ta cho chuyển họ tới các hạm đội. Khi hai bên đang giao chiến, ta cho Giao-long binh chuồn xuống nước, cầm xích sắt giật tung miếng ván đục nhớm ra. Thế là chiến thuyền của chúng chìm hết.
– Sao khanh không cho Giao-long binh đi với đạo binh thủy, mà cho đi với Tín-nghĩa vương?
Nhà vua hỏi: À, chắc khanh cho đi như vậy, để tế tác Chiêm không biết mà đề phòng phải không?
– Tâu quả như thế.
Đô-đốc Hoàng Kiện truyền lệnh:
– Từ hôm khai diễn cuộc chiến đến giờ, Chiêm cố tình kéo dài thời gian, không chịu ra quân. Nay vì tình thế mất hai châu Ma-linh, Địa-lý, cùng các kho chứa lương, bắt buộc chúng phải khai chiến với ta. Trong trận này, ta có ba yếu tố tất thắng.
Ông nói chậm lại: Một là khi lâm chiến, trong tâm quân ta đều biết rằng hậu phương vững chắc, lương thảo đầy đủ, gia đình yên vui. Trong khi quân Chiêm lo sợ vì đường về bị cắt, đường tiếp tế lương thảo không còn. Hai là Chiêm ỷ vào độc tố Xích-trà-luyện, trong khi ta đã có thuốc giải. Chúng bị yếu tố bất ngờ, đẩy vào thế bị động. Ba là trong khi đánh nhau trên thủy, thì quân thủy chia làm hai, một nửa lo chèo, lái, điều khiển buồm, một nửa chiến đấu. Còn lại do bộ binh làm nỗ lực chính. Thì nay bộ binh của chúng phải lo chiến đấu bảo vệ căn cứ trên bộ, nên hiệu năng giảm đi còn một nửa.
Ông hướng vào nhà vua:
– Trong trận này xin chư tướng nhớ ba chỉ dụ của phụ hoàng. Một là, mặc dù phụ hoàng là đấng chí nhân, thương yêu quân sĩ như con đẻ. Nhưng trong hoàn cảnh bắt buộc chúng ta phải hy sinh. Trước, ta hy sinh ít , để khỏi phải hy sinh nhiều sau này. Cho nên bằng mọi giá, khi nhập cuộc, phải đánh như vũ bão. Hai là, lúc hàng ngũ địch rối loạn, bỏ chạy, ta đuổi đến cùng, quyết không để một chiến thuyền nào chạy thoát. Bởi chỉ cần để một chiến thuyền cho Chiêm, ta lại phải đánh trận thứ nhì. Ba là, đối với binh tướng Chiêm, ta nên cố gắng bắt sống hơn là giết chết. Chém giết chỉ là bất đắc dĩ.
Ông ngừng lại cho chư tướng theo kịp rồi tiếp:
– Trong lần giao tranh trước, Chiêm dàn quân theo hình tam giác. Phía trước hai hạm đội. Phía sau một hạm đội. Về tướng chỉ huy ta chỉ biết đô-đốc thủy quân tên Thi-đại-Năng, còn ngoài ra lý lịch, võ công y ra sao, ta hoàn toàn mù tịt. Bây giờ, nhờ Trung-thành vương đánh Ma-linh mà biết được y chính là đại ma đầu Hồng-thiết giáo Lê Phúc-Huynh.
Nghe tên Lê Phúc-Huynh, chư tướng đều đưa mắt nhìn nhau, vì võ công, độc công của y cao thâm không thua Nhật-Hồ lão nhân xưa kia làm bao, khó có người chịu đựng được của y đến mười chiêu.
Hoàng Kiện lại hướng vào Tôn Đản, Cẩm-Thi:
– Lần này ta dàn quân trái ngược với Chiêm. Một hạm đội ở trước. Hai hạm đôi ở sau. Khi xung trận, hạm đội trước chọc thủng phòng tuyến địch, rồi đánh quặt sang hai bên. Trong khi đó hai hạm đội sau tiến lên đánh trực diện. Hạm đội trước cần hai đại cao thủ có khả năng đấu ngang tay với Lê Phúc-Huynh. Ở đây ngoài sư phụ với sư mẫu ra không ai đương nổi. Vậy đô đốc Trần Hải đem hạm đội Thần-phù, chở hiệu Đằng-hải, Vũ-thắng chia làm hai cánh xung kích chính. Sư phụ thúc đi cánh trái. Sư mẫu đi cánh phải. Khi giáp chiến với Chiêm thì dùng hết khả năng chọc thủng đội hình của chúng. Khi thọc sâu rồi, thì cánh trái đánh quẹo sang trái. Cánh phải đánh quẹo sang phải.
Ông lại hướng vào Ngô Thường-Hiến, Nguyễn Căn:
– Hai vị đem theo hai hiệu Hùng-lược, Vạn-tiệp đi trên hạm đội Động-đình của đô-đốc Trần-Lâm làm cánh trái. Quan tổng-lĩnh thị-vệ Đỗ-Oanh đem theo hai hiệu Ngự-long, Quảng-thánh đi trên hạm đội Bạch-Đằng của đô-đốc Trần Như-Ý làm cánh phải. Đợi khi hạm đội Thần-phù chọc thủng đội hình Chiêm, thì hai hạm đội Động-đình, Bạch-đằng cùng tách làm hai. Một cánh vẫn tiếp tục tiến thẳng vào đội hình giặc. Một cánh theo sau hạm đội Thần-phù đánh thẳng ra sau, bịt đường rút của giặc.
Ông cung tay hướng nhà vua:
– Phụ hoàng với nguyên soái Thường-Kiệt vẫn đi trên hạm đội Bạch-đằng với thần nhi.
Lý Thường-Kiệt hỏi chư tướng:
– Ai có điều gì thắc mắc?
Đỗ Oanh hỏi:
– Thưa sư huynh, đệ thấy trên soái thuyền Kim-phượng có hoàng-thượng là đấng tối cao, lại còn sư-huynh là nguyên-soái, đô-đốc Hoàng Kiên, đô-đốc Trần-như-Ý rồi đệ nữa. Xin sư huynh biện biệt nhiệm vụ từng người một cho rõ ràng, để khi lâm chiến lệnh ban ra binh tướng không bị lẫn lộn.
Thường-Kiệt thương hại cậu sư đệ trẻ tuổi, chưa kinh nghiệm chiến trường. Ông giải thích:
– Soái thuyền Kim-phượng chỉ dành riêng cho hoàng-thượng. Người thân chinh không phải để cầm quân, mà với mục đích mang cái uy, cái đức ra cho binh tướng quyết tâm. Khi lâm chiến, tùy theo hoàn cảnh, người sẽ thúc trống cổ võ binh tướng, khiến họ hăng say chiến đấu.
– Dạ.
– Ta là nguyên soái, thì thống lĩnh thủy bộ chư quân, ban lệnh, thiết kế, ước tính... hoàn toàn chịu trách nhiệm. Khi lâm trận, ta phải phối hợp ba bốn đạo: đạo thủy, đạo Trung-thành vương, Tín-nghĩa vương, Dư Phi, và cả việc tiếp tế. Ta phải theo dõi các mặt trận, để có thể ra lệnh kịp thời, ứng phó với tình thế. Ta đi trên soái thuyền Kim-phượng cùng với bộ tham mưu là...đi nhờ, chứ ta không trực tiếp chỉ huy mặt trận thủy này.
– Dạ. Nhưng sao đệ thấy Tôn sư thúc ban lệnh, chứ không phải sư huynh.
– Còn Tôn sư thúc, người là quân-sư. Đúng ra ta là nguyên soái, thì từ ban lệnh, đến thiết kế, ta phải làm hết. Nhưng Tôn sư thúc trí dũng tuyệt vời, người là quân-sư, ta để người thiết kế, ban lệnh cho chư tướng. Tuy nhiên người còn lĩnh thêm nhiệm vụ tổng chỉ huy thủy-lục quân trên hạn đội Thần-phù. Với nhiệm vụ này người tuy là sư phụ của đô đốc Hoàng Kiện, là quân sư nhưng phải tuân theo lệnh chỉ huy của Hoàng đô đốc.
Ông nhìn đô-đốc Hoàng Kiện:
– Còn Hoàng đô-đốc, người chỉ huy toàn bộ mặt trận trên biển. Tất cả quân bộ, quân thủy, do người điều động hết. Trong khi hai bên giao chiến, chính người ra lệnh cho hạm đội này tiến lên, lui lại, rẽ sang phải, quẹo sang trái, tách làm hai làm ba v.v. Ở đây có ba hạm đội, trên hạm đội có một đô-đốc chỉ huy thủy thủ. Nhưng trên hạm đội còn có các hiệu Thiên-tử binh, mỗi hiệu lại có một tướng chỉ huy. Vì vậy trên hạm đội cần có một tướng tổng chỉ huy thủy bộ. Vị này phối hợp, truyền lệnh cho đô-đốc và tướng bộ binh.
– Khi ra đi, đệ có mang theo hai trăm thị vệ để bảo giá hoàng thượng. Nhưng bây giờ đệ phải chỉ huy hai hiệu Thiên-tử binh giao chiến với giặc. Vậy ai sẽ bảo giá hoàng thượng? Giữa đệ với đô-đốc Trần-như-Ý thì ai làm chúa tướng?
– Đệ hỏi vậy thực phải.
Thường-Kiệt nhấn mạnh: Trên hạm đội Bạch-đằng này thì đệ lĩnh hai nhiệm vụ. Một là chỉ huy ba chiến thuyền chở thị-vệ để bảo giá Hoàng-thượng. Hai là chỉ huy hai hiệu Thiên-tử binh Ngự-long, Quảng-thánh giao chiến với giặc. Đô-đốc Trần-như-Ý vừa chỉ huy hạm đội Bạch-đằng, vừa tổng chỉ huy thủy-bộ quân của cánh trái.
Nhà vua vỗ đầu Đỗ Oanh:
– Trẫm với sư huynh Thường-Kiệt, sư huynh Hoàng Kiện của người tuy là chúa tướng, nhưng khi đi trên hạm đội Bạch-đằng, phải tuân lệnh của đô-đốc Trần Như-Ý đấy.
Chư tướng đều bật cười về lời nói đùa của nhà vua. Nhưng ai cũng phải công nhận đó là sự thực.
Ghi chú, hồi 21-22

Trong cuộc bình Chiêm năm 1069, những bộ sử Việt như ĐVSKTT, VSL ghi rất vắn tắt. TS, TTTTGTB gần như không ghi chép. Để tìm tài liệu, tôi phải mò trong các sách đã dẫn ở phần tựa NQSH, Q1, mục nói về Linh-Nhân hoàng thái hậu và Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt, cùng đến tận nơi tìm hiểu.
Trong hai hồi 21-22 có nói đến mấy địa danh cũ. Nay xin dẫn để độc giả trẻ hiểu biết hơn về các địa danh này.
1. Một là Tà-lầm, nay thuộc Đông Saravanne nước Lào. Danh tự Tà-lầm tôi tìm thấy trong bộ TTCTBK trên văn bia Trần Vĩnh-Thái, tướng trấn thủ Khâm-châu của Tống, bị quân Việt giết. Sau Tống triều truy phong là Chuyển-Trí đại vương. Văn bia có đoạn:
« ... Tướng Giao-chỉ là Lý Chiêu-Văn tước phong Tín-Nghĩa vương được Lý Thường-Kiệt trao cho trấn thủ Khâm, Liêm-châu. Trước đây trong lần vào cướp ở Chiêm, Văn đã được Lý Nhật-tông giao cho đánh Nam-giới, còn anh y là Lý Hoằng-Chân tước phong Trung-thành vương vượt núi sang Lão-qua, theo đường Tân-lãm đánh Chà-bàn ».
Tân-lãm là gì? Hiện ở đâu?
Trong gia phả họ Tu chép về Tu Kỷ như sau:
« ... Tổ (Tu Kỷ) cùng Yên Đạt được vua Thần-tông sai chiêu mộ bọn vong mạng, bọn tử tù, hơn ba trăm vượt biển vào giúp Chiêm. Nhưng khi tổ tới Chiêm thì Chà-bàn thất thủ. Tướng Giao-chỉ là Lý Hoằng-Chân, đã đem quân vượt thượng đạo qua ngả Tà-lãm ở Lão-qua đang tiến xuống Phong-sa-trang ».
Để có thể tường thuật chi tiết cuộc bình Chiêm thời vua Lý Thánh-tông, năm 1990 tôi lấy máy bay đi Bang-Kok rồi từ Bang-kok đổi máy bay đi Sakhone Nakhone, sau đó vượt sông Cửu-long sang Lào, thuê xe đi Saravanne. Thực may mắn, tôi đã tìm ra danh tự này là Tà-lầm chứ không phải Tân-lãm hay Tà-lãm. Ngọn đồi Tà-lầm này nằm chắn ngang đường thượng đạo từ Saravanne xuống Nam Lào, rồi vượt núi đến Quảng-ngãi (Đồ-bàn).
2. Hai là Nam-giới. Nam là phương Nam, giới là biên giới. Đây là cửa ải biên giới Chiêm-Việt suốt thời Ngô, Đinh, Lê cho tới thời Lý Thánh-tông (938-1069). Để có thể tường thuật chi tiết trận Nam-giới, hè 1994, tôi rủ Seupasum, Bùi Phương-Lan thuê xe về thăm quê ngoại của Seupasum ở Hà-tĩnh. Không khó nhọc, tôi đã tìm ra ngay cửa bể cùng ngọn núi này ở phía Nam núi Hồng-lĩnh. Seupasum có quay vidéo Hồng-lĩnh, Nam-giới, cùng chụp hình.
3. Thứ ba là Trường-sơn. Tôi không rõ hồi ấy tổ tiên mình gọi đèo Cả là gì? Nhưng trong bản đồ Tu Kỷ vẽ đem về cho Khu-mật viện Tống ghi là Trường-sơn. Cả tiếng Bắc là lớn nhất, là trưởng. Trưởng đọc sang tiếng Hán là Trường.
4. Phong-sa-trang, ngày nay là Khánh-hòa. Hồi 1955 tôi có dịp thăm ngôi cổ thành Khánh-hòa ở ngoại ô Nha-trang, thành này quá nhỏ, không giống như tôi đọc trong cổ thư. Bấy giờ tôi có hỏi người Chàm, thì họ nói rằng thành Phong-sa-trang cũ đã bị chúa Nguyễn phá đi, và xây thành này trong khuôn khổ nhỏ hẹp hơn. Thành cũ nằm ở phía Nam vụng biển cầu Trắng, có lẽ nằm ngay giữa thành phố Nha-trang bây giờ?
5. Pandurango là cửa ải cực Nam của Chiêm bấy giờ. Theo Henri Maspéro trong Le Royaume du champa thì nay chính là Phan-rang. Còn Tu Kỷ khi sang cứu Chế-Củ y chép là Man-hải Nam-sa. Hồi hè 1994 tôi đã đến Phan-rang, tìm lại một vài gia đình người Chàm, họ vẫn gọi là Pandurango. Vậy thì không còn gì nghi ngờ nữa.

<< Chương 21 | Chương 23 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 959

Return to top