Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Những bóng ma

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11058 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những bóng ma
Paul Auster

Chương 7

Giờ đã sang giữa mùa hè năm 1948. Cuối cùng cũng thu được can đảm để hành động, Blue lấy túi đồ hoá trang của mình ra, loay hoay tìm cho mình một diện mạo mới. Sau một vài kiểu không ưng ý, cuối cùng anh quyết định hoá trang mình thành ông lão hành khất trên phố nơi anh sống khi còn là một cậu bé — một người địa phương có cái tên Jimmy Rose — và tạo cho mình bộ dạng của dân ăn xin: áo len rách tả tơi, giầy bó lại bằng dây thừng để ngăn đế long ra, một túi bạt đã ố bẩn vì mưa gió để đựng đồ dùng của mình, và sau cùng là một bộ râu trắng và một mái tóc trắng để dài. Những chi tiết cuối cùng này khiến anh trông giống như một nhà tiên tri trong kinh Cựu Ước vậy. Blue trong bộ dạng của Jimmy Rose có vẻ giống một người khờ khạo mà có trí tuệ uyên thâm, một vị thánh sống trong cảnh cơ hàn bên lề xã hội hơn là một là một kẻ thất cơ lỡ vận, tiều tuỵ, khốn khổ. Có thể hành động này hơi gàn dở một chút nhưng vô hại: giờ anh có một cảm giác lãnh đạm dễ chịu đối với thế giới xung quanh mình, bởi sau tất cả những gì xảy đến với anh chẳng có gì có thể làm anh khó chịu hơn được nữa.
Blue chọn một chỗ thích hợp phía bên kia phố để nhập vai, anh lấy một mảnh kính lúp bị vỡ từ túi áo để đọc một mẩu báo cũ nhàu nát mà anh lượm được từ một thùng rác gần đó. Hai tiếng đồng hồ sau, Black xuất hiện, bước xuống bậc thềm nhà mình và đi về phía Blue. Black không chú ý gì đến người hành khất – có thể do y mải suy nghĩ mà cũng có thể y cố tình phớt lờ — và vì thế khi y đến gần, Blue cất giọng hỏi một cách nhã nhặn:
Ngài làm ơn bố thí cho kẻ nghèo khó này ít đồng lẻ?
Black dừng chân, nhìn lại cái kẻ nhếch nhác vừa cất tiếng nói đó, và khẽ mỉm cười thoải mái khi nhận ra không phải mình đang bị nguy hiểm. Rồi y sờ túi, lấy ra một đồng tiền xu thả vào tay Blue.
Ông cầm lấy, y bảo.
Chúa ban phước cho ngài, Bue đáp lại.
Cảm ơn ông. Black nói, giọng nói dường như có vẻ xúc động.
Đừng ngại chi cả, Blue trả lời. Chúa ban phước cho tất cả mọi người.
Được lời cảm tạ như vậy, Black nhấc mũ chào Blue và lại tiếp tục đi.
Chiều hôm sau, một lần nữa lại trong bộ dạng hành khất, Blue lại đứng đợi Black vẫn ở chỗ cũ. Blue quyết định lần này phải nói chuyện lâu hơn, giờ anh đã lấy được lòng tin của Black, chuyện đó có lẽ cũng không khó khi mà chính Black cũng thích nói chuyện cà kê. Giờ cũng đã muộn rồi, trời chưa tối hẳn nhưng cũng không còn là chiều nữa, đây là thời điểm mà ánh ngày đang chầm chậm biến đổi, là khoảnh khắc giao tranh giữa màu hồng rực và bóng tối trên nền trời. Sau khi thân mật chào hỏi người hành khất và cho Blue một đồng xu nữa, Black do dự một lát, như thể cân nhắc xem có nên bắt chuyện hay không, và rồi y là người mở đầu:
Có ai nói với ông rằng trông ông rất giống Walt Whitman hay chưa ?
Walt gì cơ? Blue hỏi, đầu vẫn nhớ mình đang đóng vai gì.
Walt Whitman. Một nhà thơ nổi tiếng.
Không. Blue trả lời. Tôi không thể nói là mình biết ông ta.
Ông không thể biết ông ta được. Black nói. Bây giờ ông ta không còn sống nữa. Nhưng vẻ bề ngoài của hai người rất giống nhau.
Chắc ông cũng biết điều người ta hay nói chứ? Blue cất tiếng. Ai cũng có kẻ giống mình ở đâu đó. Tôi thấy không lý do gì mình lại không giống một người đã chết.
Điều thú vị là — Black tiếp tục - chính Walt Whitman đã từng làm việc trên con phố này. Ông ấy đã in cuốn sách đầu tay của mình tại nơi đây, cách không xa chỗ chúng ta đang đứng.
Hay thật, Blue nói và gật gù tỏ vẻ tâm đắc. Điều đó khiến ông phải dừng lại và nghĩ ngợi, đúng không?
Có những câu chuyện lạ kỳ về Whitman, Black nói, đồng thời ra hiệu cho Blue ngồi xuống bậc cửa toà nhà sau lưng họ. Blue làm theo và Black cũng ngồi xuống bên cạnh, thật bất ngờ khi chỉ có hai người bọn họ ngồi bên nhau tán gẫu linh tinh trong một chiều mùa hè như hai ông bạn cũ vậy.
Phải, Black nói — y có vẻ dễ chịu với trạng thái yên lặng của khoảnh khắc này — có một số chuyện rất lạ lùng. Chuyện về bộ não của Whitman chẳng hạn. Cả đời mình Whitman luôn tin vào khoa não tướng học, bạn biết đấy, người ta xem xét những khúc cuộn trên sọ não. Niềm tin đó thời ấy rất phổ biến.
Tôi chưa hề nghe đến điều đó, Blue đáp.
Không sao, Black nói. Vấn đề chủ yếu là Whitman hứng thú với não và sọ — nghĩ rằng chúng cho ta biết tất cả mọi điều về tính cách một con người. Nhưng thôi cứ cho qua chuyện này đi, điều cần biết là khi Whitman qua đời tại New Jersey cách đây độ năm mươi, sáu mươi năm, ông đã đồng ý để người ta mổ xác mình sau khi chết.
Làm sao ông ta có thể đồng ý được khi đã chết rồi?
A, một câu hỏi hay. Tôi nói không đúng cách. Ông ấy vẫn còn sống khi ông cho phép người ta thực hiện điều này. Ông muốn cho người ta biết ông không ngại gì chuyện người ta mổ xẻ mình sau này. Ông có thể gọi đó là ước nguyện trước lúc chết của Whitman.
Những lời trăng trối nổi tiếng.
Đúng rồi. Nhiều người cho rằng ông ta là một thiên tài, ông biết đấy, và họ muốn nhìn bộ não của ông ta để phát hiện xem nó có gì đặc biệt không. Vì thế sau ngày ông qua đời, một bác sĩ đã lấy bộ não của Whitman — cắt nó ra khỏi đầu – và gửi nó đến Hội Nhân Trắc Học Hoa-kỳ để cân đo.
Trông nó như một cái xúp lơ khổng lồ, Blue xen vào.
Chính xác là thế. Y hệt một cây rau lớn màu xám. Nhưng đây mới là phần hấp dẫn của câu chuyện. Bộ não được chuyển đến phòng thí nghiệm, và ngay khi người ta chuẩn bị tiến hành kiểm tra nó, thì một trong số các nhân viên đã đánh rơi nó xuống sàn nhà.
Nó có vỡ không?
Dĩ nhiên là nó bị vỡ. Não vốn không rắn chắc lắm, hẳn ông đã biết. Nó vỡ tung toé khắp phòng và vậy là hết chuyện. Đành phải quét dọn não của nhà thơ vĩ đại nhất nước Mỹ và đem vứt đi cùng với rác.
Blue, vẫn nhớ là phải nhập vai, bật cười khùng khục — một cách bắt chước rất hay tiếng cười của một ông già đang khoái trá. Black cũng bật cười, và đến lúc này bầu không khí giữa hai người thoải mái đến mức không ai có thể nghĩ họ không phải là những người bạn chí cốt lâu năm.
Dù vậy, thật buồn khi nghĩ đến Walt tội nghiệp phải năm dưới mồ, Black nói. Nằm một mình và không có bộ não.
Chỉ như một con bù nhìn thôi vậy, Blue nói.
Đúng thế, Black nói. Chỉ như một con bù nhìn xứ Oz.[1]
Họ lại bật cười vui vẻ, rồi Black tiếp tục kể: Còn có một câu chuyện khác về lần Thoreau đến thăm Whitman. Cũng là một câu chuyện hay.
Ông ta cũng là một nhà thơ?
Không hẳn vậy. Nhưng một nhà văn lớn thì cũng thế thôi. Ông ấy là người sống một mình trong rừng.
À, phải rồi. Blue nói, không muốn để lộ quá rõ sự thiếu hiểu biết của mình. Đã có ai đó từng nói với tôi về ông ta. Một con người vô cùng yêu thiên nhiên. Đó có phải là người mà ông muốn nói đến không?
Chính xác đấy. Black đáp. Henry David Thoreau. Ông ta từ Massachusetts xuống một thời gian và đã đến thăm Whitman ở Brooklyn. Nhưng, ngay trước hôm đó, ông ấy đã đến phố Orange này.
Vì lý do đặc biệt gì?
Ông ta đến nhà thờ Plymouth. Ông ta muốn nghe bài giảng đạo của của Henry Ward Beecher.
Đó là một nơi rất đẹp — Blue nói, đồng thời nhớ lại những giờ khắc dễ chịu của mình khi ngồi trên thảm cỏ nơi đó — Tôi cũng rất thích đến đó.
Rất nhiều những tên tuổi lớn cũng đã đến đó, Black nói. Abraham Lincoln, Charles Dickens — tất cả đều đã đi trên con phố này và đến nhà thờ.
Những bóng ma.
Phải, xung quanh chúng ta luôn có những bóng ma.
Thế còn câu chuyện thì sao?
Rất đơn giản. Thoreau và Bronson Alcott, một người bạn của ông, đến nhà của Whitman ở đại lộ Myrtle. Mẹ của Whitman đưa họ lên cái phòng ngủ trên gác xép nơi Whitman ở cùng với người em bị tâm thần của mình, Eddy. Mọi thứ đều bình thường. Họ bắt tay nhau, chào hỏi, chuyện trò. Thế nhưng, khi họ ngồi xuống nói chuyện xoay quanh quan điểm của mình về cuộc đời thì Thoreau và Walcott để ý có một cái bô đựng đầy phân ngay giữa nhà. Walt vốn dĩ là một người dễ dãi, ông không chú ý đến điều đó, nhưng hai vị khách đến từ New England thì thấy khó có thể tiếp tục chuyện trò được nữa khi có một cái bô phân ngay trước mặt mình. Cuối cùng, họ xuống cầu thang, vào phòng khách và tiếp tục câu chuyện của mình. Đó là một chi tiết nhỏ, tôi biết. Tuy nhiên, khi hai nhà văn lớn gặp nhau thì đó là một dấu ấn có tính lịch sử và vì thế cần thiết phải tái hiện chân thực các chi tiết. Cái bô phân, ông biết không, không hiểu vì sao lại làm tôi liên tưởng đến bộ não rơi xuống sàn nhà. Và khi chúng ta suy nghĩ về nó một chút, thì hẳn vẫn có một sự tương đồng nào đó về hình thức. Tôi muốn nói đến sự tương đồng giữa hình dạng cục phân và những nếp cuộn não. Có một mối liên hệ rất rõ giữa chúng. Não và ruột, cả hai bộ phận đó đều nằm bên trong con người. Chúng ta lúc nào cũng nói đến việc phải tìm cách thâm nhập vào bên trong nhà văn để có thể hiểu rõ tác phẩm của họ hơn. Nhưng, khi ta vào được đến đó rồi, ta lại chẳng tìm kiếm được gì mấy — hay cùng lắm cái mà ta tìm thấy ở đó cũng chẳng khác gì hơn với cái mà ta có thể thấy được ở bất cứ ai.
Ông có vẻ biết nhiều những chuyện như thế này nhỉ — Blue nói, anh bắt đầu cảm thấy rối rắm trước những lý lẽ của Black.
Đó là sở thích của tôi, Black nói. Tôi thích tìm hiểu các nhà văn sống như thế nào, đặc biệt là các nhà văn Mỹ. Nó giúp tôi hiểu về những điều này điều nọ.
Thì ra thế, Blue nói nhưng thật ra anh không hiểu gì những lời Black nói, mỗi lúc anh lại thấy mình càng lơ mơ hơn.
Chuyện về Hawthorne chẳng hạn, Black tiếp tục. Đó là một người bạn thân của Thoreau, và có lẽ là nhà văn đích thực đầu tiên của nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở về ngôi nhà của mẹ mình ở Salem, và tự giam mình trong phòng, không đi ra ngoài trong suốt mười hai năm trời.
Ông ta làm gì trong đó?
Ông ta viết truyện.
Chỉ vậy thôi sao? Ông ta chỉ ngồi viết?
Viết văn là một công việc đơn độc. Nó chiếm lĩnh cả cuộc đời của ta. Theo một nghĩa nào đó, một nhà văn không có cuộc đời của riêng mình. Kể cả khi anh ta ở giữa cuộc đời này, anh ta vẫn không thực sự ở đó.
Một bóng ma nữa ư?
Chính xác.
Nghe bí hiểm thật.
Đúng thế. Nhưng Hawthorne đã viết nên những truyện tuyệt vời, ông biết đấy, và đến bây giờ, sau hơn một trăm năm, chúng ta vẫn còn đọc. Một trong số đó là truyện kể về một người đàn ông tên là Wakefield một ngày bỗng quyết định đùa vợ mình một chút. Ông nói với vợ là ông phải đi công chuyện một vài ngày, nhưng thay vì rời khỏi thành phố, ông chỉ đi đến góc phố, thuê một căn phòng ở đó, và đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra. Ông không chắc vì sao mình lại làm chuyện đó, nhưng ông vẫn hành động như vậy. Ba bốn ngày đã trôi qua, ông vẫn chưa sẵn sàng tâm thế để trở về nhà, và vì vậy ông vẫn quyết định ở lại căn phòng đã thuê. Rồi ngày kéo thành tuần, tuần kéo thành tháng. Một ngày nọ, Wakefield đi trên con phố cũ và bỗng thấy ngôi nhà mình được bài trí theo kiểu một gia đình đang có tang. Đó là đám tang của chính ông, và vợ của ông giờ đã trở thành một goá phụ cô độc. Nhiều năm trôi qua. Thỉnh thoảng, ông vẫn tình cờ đi chung lối với bà vợ của mình trong thị trấn, và thật sự có một lần,giữa một đám đông lớn, ông đã chạm nhẹ vào bà. Nhưng bà không nhận ra ông. Nhiều năm tiếp tục trôi qua, hai mươi năm, theo thời gian Wakefield đã trở thành một ông già. Một đêm mùa thu mưa gió, khi đang đi trên con phố vắng tanh, tình cờ ông đi ngang qua ngôi nhà cũ và lén nhìn qua cửa sổ. Trong đó, lò sưởi đang rực hồng, và ông thầm nghĩ: khoan khoái biết bao nếu như mình có mặt trong đó ngay lúc này, được ngồi trên những chiếc ghế ấm áp bên lò sưởi thay vì đừng dưới mưa thế này. Và rồi, không nghĩ ngợi thêm nữa, ông bước lên thềm nhà và gõ cửa.
Rồi sao nữa?
Hết rồi. Đó là đoạn kết của câu chuyện. Chi tiết cuối cùng mà chúng ta thấy là cánh cửa mở ra, và Wakefield bước vào trong nhà với nụ cười lịch lãm.
Và ta không bao giờ biết được ông ta nói gì với vợ mình?
Không. Đó là kết thúc. Không có thêm lời nào nữa. Nhưng ông ta đã lại đặt chân vào nhà, chúng ta biết chừng ấy, và bà vợ đáng yêu thì vẫn còn đó.
Lúc này, trời đã tối sầm và đêm đang đến nhanh. Phía tây còn sót lại chút ánh hồng cuối cùng, nhưng ngày đã qua rồi. Black thấy trời tối như nhắc khéo mình, bèn đứng dậy chìa tay ra để bắt tay Blue.
Rất vui khi được nói chuyện với ông, y nói. Tôi không ngờ là chúng ta đã ngồi đây lâu đến thế.
Chính tôi phải cảm ơn ông về những câu chuyện thú vị, Blue nói, lòng mừng thầm vì câu chuyện đã hết và anh biết rằng chẳng mấy chốc nữa bộ râu của anh sẽ tuột xuống, và cái nóng của mùa hè cùng với sự căng thẳng làm mồ hôi của anh đang bết lại như hồ dán.
Tôi tên là Black, Black nói và bắt tay Blue.
Còn tôi là Jimmy, Jimmy Rose. Blue nói.
Tôi sẽ còn nhớ lâu cuộc trò chuyện hôm nay giữa chúng ta, Jimmy à. Black nói.
Tôi cũng vậy, Blue đáp lại. Ông đã gợi cho tôi bao nhiêu điều để suy nghĩ.
Chúa ban phước cho ông, Jimmy Rose.
Và Chúa cũng ban phước cho ông, thưa ông. Blue nói.
Và rồi, sau cái bắt tay cuối cùng, họ đi theo hai hướng ngược nhau, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
_________________________
[1]"Oz" là một xứ sở đầy những cảnh kỳ ảo, lạ lùng, do nhà văn Lyman Frank Baum (1856-1919) tạo nên trong một tiểu thuyết cho trẻ con, The Wonderful World of Oz ( Thế giới tuyệt vời của Oz , 1900). Từ năm 1900 đến 1919, ông viết thêm 13 tiểu thuyết nữa về "Oz", và tên tuổi của ông trở nên bất tử trong thể loại văn chương dành cho thiếu nhi. (ghi chú của Tiền Vệ)

<< Chương 6 | Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 265

Return to top