Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Phương nào bình yên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 3619 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phương nào bình yên
Kim Hài

Chương 2

 Một con chim cú treo giọng khắc khoải trên thân cây sầu đông trụi lá. Nhan vớ một hòn đá thẳng tay ném mạnh. Con vật chong đôi mắt láo liên, nhưng không bay đi mà cố kêu thêm mấy tiếng nữa. Tiếng chim cú rúc lên tạo thêm cảnh tịch mịch hoang vắng của khu xóm, làm Nhan rùng mình lạnh cả xương sống. Vốn dĩ Nhan đã không ưa loại chim chỉ mang lại chết chóc nầy. Nhưng mấy năm nay, tiếng chim cú rúc đều suốt đêm suốt ngày ở mấy căn nhà hoang đã trở nên quen thuộc. Vùng hoang vắng nay là xứ của chim cú, chúng sinh con đẻ cái, làm tổ trên những đụn rơm, trên mấy mái nhà, kèo cột đổ nát, trên những chòm cây thấp đâu đó ở những chuồng heo cũ. Nhan không tìm gặp được ổ của nó bao giờ, nhưng chim non với bộ mặt ma quái giống hệt mẹ thì đầy dẫy.

Con chim cú trước mặt lại rúc lên một hồi ngắn nữa. Nhan bực mình mắng lẩm bẩm trong cổ họng. Nàng cầm một viên đất định ném nữa. Nhưng con chim đã cất cánh bay và chị Nhỉ xuất hiện dưới gốc cây hồi nào. Nhan cười nhìn chị :

- Chị không đi bẫy nữa à ?

Chị Nhỉ cũng cười méo mó. Chị đi nhanh đến gần Nhan, trải cặp chân với mấy ngón nứt nẻ sần sùi đầy mụn nhọt, cái gót đen bè bè, lên nền đất cạnh Nhan, dựa lưng vào bụi ngâu, dáng mệt mỏi.

Nhan thờ ơ nhìn theo bóng con chim cú, chỉ chị Nhỉ :

- Chị coi, cứ rúc suốt ngày, em ghét vô kể. Mẹ em hồi xưa mà gặp là bả về cúng kiến van vái om sòm để xả xui.

Chị Nhỉ cười :

- Ối, đầy đìa ra chớ hiếm gì. Ở đây, ai chết thì rảnh nợ.

Rồi chị Nhỉ bật ngồi dậy, cương quyết :

- Nhan nầy, sáng mai chị đi đó.

Nhan thảnh thốt :

- Chị đi đâu ?

- Ði đâu cũng được, nhưng không ở đây nữa.

Nhan ngơ ngác nhìn chị. Chị Nhỉ bật khóc sướt mướt :

- Chị không chịu được. Chị sợ lắm. Làng xóm không có ai. Tối thì chỉ nghe cú rúc. Nghe ma quỷ kêu. Ăn uống bữa đói bữa no. Mà thiệt, chị bây giờ không biết còn nấn ná ở đây làm gì nữa. Có ai về làng lại đâu. Lâu quá rồi. Chờ không được đâu. Chẳng thà đi nơi khác có người, có nhà có cửa rồi chết cũng yên thân. Nhứt định chị đi à.

Nhan thẩn thờ nhìn chị Nhỉ không biết phải nói sao. Ra đi. Hai chữ cũng đã từng gợi cho Nhan nỗi mơ ước, nhưng kèm theo đó là sự sợ hãi. Ra đi. Nhan lắc đầu. Nhan không đủ can đảm bỏ đi một mình. Nhưng chị Nhỉ lớn rồi, chắc chị ấy biết.

- Chị đi tìm anh Nhỉ ở Bạc Liêu ?

- Bạc Liêu.

Chị Nhỉ lập lại, hai chữ mơ hồ, lờ mờ cũng như nỗi ước ao của chị. Chị lắc đầu :

- Ði đâu cũng được. Ði theo đường xe lửa. Ði theo lộ.

Nhan nhớ đến những con tàu nặng nề. Con đường sắt song song mất hút từ xa tít. Người ta đã ở một đoạn nào trên con đường dài đó. Có lần Nhan đã chạy dọc theo đường sắt để tìm xem con tàu bắt đầu từ đâu. Nhưng con đường sắt lạnh cứ xuyên mãi qua những đám cỏ tranh lau lách, qua những ngọn đồi trọc khô, qua những thung lũng vắng và khuất dạng sau dãy núi đằng kia. Thế thôi và Nhan tưởng chừng như con tàu đã đến từ một nơi nào xa xa lắm.

- Không đi được đâu chị Nhỉ à.

Chị Nhỉ la lên bất ngờ :

- Không, đi được mà. Chớ không ở đây nữa, dễ sợ quá, buồn quá. Im lặng quá đi Nhan ơi.

Chị Nhỉ lại khóc nức lên. Nhan nhìn thân hình tiều tụy của chị mà thấy mình như cũng khổ lây. Nếu chị Nhỉ đi thật. Nhan cuống quít. Nếu chị Nhỉ mà đi, làng đâu còn ai nữa, đâu còn ai sang nói chuyện với Nhan mỗi ngày. Nghĩ đến những ngày quạnh hiu tới, những ngày Nhan phải nín câm như cỏ như cây, Nhan sợ quá, nước mắt ứa trào ra.

Chị Nhỉ bình tĩnh trở lại. Chị bíu tay Nhan giục giặc :

- Nhứt định chị đi Nhan à. Nhan đừng cho bác Tư biết nghe. Bả cản lại chắc chị chết ở đây quá. Chị không chịu đựng nổi nữa. A… hay là Nhan đi với chị đi. Hai chị em mình đi. May ra gặp bà con lối xóm mình kêu họ về làng, nói là yên rồi .

- Em…, em đi…

Nhan lắp bắp :

- Không được đâu chị ơi. Còn thằng Lời, còn tía em, mà tía em ổng đâu có chịu đi. Nếu đi ổng đi hồi đó rồi.

Chị Nhỉ ngồi im một chút rồi nói :

- Mà em như vầy, thằng Lời như vầy mà bắt ở đây hoài sao. Ở không nổi đâu Nhan ơi. Hay em nói với tía em xin đi đi.

- Không được đâu chị Nhỉ à.

- Chị biết thế nào bác cũng chịu mà.

- Không được đâu. Không được đâu.

Nhan lặp đi lặp lại rồi òa lên khóc nức nở. Tiếng chim cú lại rúc lên từng hồi thê thiết. Trong hơi gió thổi Nhan nghe nỗi hoang vắng dấy lên lạ lùng từ lòng mình, từ đất, từ bụi cây, ngọn cỏ.

Buổi sáng hôm sau. Thằng Lời nghe tiếng bà Tư què kêu rối rít từ trước sân nhà. Tiếng bà kêu ứa nghẹn trong lồng ngực. Những giọt nước mắt chảy kèm theo những lời nguyền rủa lẫn tiếng than trời.

Thằng Lời hốt hoảng về gọi Tía. Ngoài sân, đang phơi mấy rổ sắn khô, Nhan bàng hoàng thầm nghĩ :

- Chắc chỉ bỏ đi rồi.

Nhan tưởng tượng đến chị Nhỉ, quần áo rách rưới thất thểu trên con đường sắt cỏ lau dài hun hút mà thấy nghèn nghẹn ở cổ họng.
- Nhan à, con chạy qua bà Tư xem có chuyện chi mà bà la trời dữ vậy. Chớ con Nhỉ, con dâu bả đâu ?

Nhan không trả lời cha. Ông già lần vách ra ngoài hiên, Nhan ứa nước mắt.
Thằng Lời vọt từ phía sau ra :

- Chị Nhan ơi. Ủa…

- Bụi quá, cứ chảy nước mắt sống.

Nhan vờ dụi dụi mắt vào tay áo. Thằng Lời kéo chị :

- Chị qua bển với tui đi.

Nhan bước từng bước nặng nề. Bóng ông già ngồi một mình đầu gục trên gối trong nắng buổi sáng làm Nhan nghe xót xa thật nhiều. Làm sao Nhan có thể đi được. Nhìn thằng Lời đen đủi bước nhanh như chạy, Nhan thấy thương cho em, thương cho mình, thương cho cha lạ lùng. Rồi Nhan sẽ ở đây, hết đời, hết ngày.

- Nhan ơi, con Nhỉ, con trời đánh nó bỏ đi rồi.

Nhan tách khỏi tay thằng Lời tới bên bà Tư. Giọng bà đã lạc đi vì giận mà cũng vì sợ. Bà bíu lấy tay Nhan :

- Nhưng Nhan mầy có biết con Nhỉ nó đi đâu không ? Hay lại đi theo thằng nào rồi. Gái có chồng…

- Dạ, ở đây đâu có ai đâu bà Tư, chắc chỉ đi tìm anh Nhỉ.

- Rồi nó bỏ già nầy lại đây chết đói chết khô hả. Trời ơi, sao mà bất nhân quá Nhan ơi. Mầy làm ơn kiếm dùm bác con Nhỉ về đi. Nói nó có đi thì giết bác rồi hãy đi. Sao mà cực quá vậy trời.

Nhan không biết phải nói sao. Tâm trí Nhan cũng đang xáo trộn ghê gớm. Nhan không ngờ chị Nhỉ dám đi thật.

- Chị Nhan, nói bác Tư qua ở nhà mình cho vui, chớ ở đây có một mình.

Nhan gật đầu nói với bà Tư :

- Hay chị Nhỉ đi thì bác qua nhà ở với tía con tui. Bác đừng có lo. Tía tui tánh khí dễ chịu lắm. Mà nhà đông người cũng vui nữa.Bác Cả Bửng bữa hổm cũng định dọn tới nhà bác Dự kế bên nhà tui để ở, nói chòm xóm có nhau. Nhưng bác ấy còn ngại bác Dự về thấy vậy lại buồn bụng.

Bà Tư mừng rỡ hết cả khóc than. Bà như kẻ chết đuối kiếm được tấm phao nổi vội bíu lấy.

- Ừa, cho bác về ở chung với. Chớ thiệt ở đây bác sợ quá. Về nhắn với tía con đi nghe Nhan. Ảnh bằng lòng thì cho bác tá túc ít lâu. Khi nào thằng Nhỉ về, bác không quên ơn đâu.

Nhan chua chát nhủ thầm. Té ra ai cũng nghĩ đến ngày trở về của những người bỏ làng bỏ xóm. Ðó là hy vọng để sống, để ôm giữ khu làng chết nầy chăng ?
Nhan nhìn mái tóc bạc của bà Tư rồi nhìn em, thằng Lời mới lớn cao giò, dài ngoằn. Mái tóc cháy nắng khét lẹt, nhưng đôi mắt thì sáng như chớp. Nhan sờ đến mái tóc dài của mình. Nhan thấy mình ít hy vọng hơn những người già của xóm nầy.

Hai chị em dìu bà Tư vào nhà, nhưng bà không chịu, nói là sợ đòi ngồi ngoài sân. Hai chị em Nhan về nhà kể chuyện với cha. Ông giá sốt sắng gật đầu. Còn ai để tương trợ lẫn nhau ngoài những người hàng xóm ít oi, tàn tật khốn khổ như nhau. Ông già chỉ sợ gánh nặng đó dồn lên hai con nhỏ của mình. Nhưng Nhan cả quyết :

- Hổng sao đâu tía, tụi con suốt ngày có làm gì đâu mà cực, làm cho vui mà. Với lại có chòm xóm có người, tía nói chuyện vui hơn. Ðể con rủ bác Cả Bửng về ở nhà bác Dự cho đông.

- Uý, rủi bà Dự bả về thình lình thì mệt lắm đó.

- Còn lâu lắm tía ơi. Mà cũng hổng sao đâu.

- Ừa, thằng Lời qua đỡ bà Tư qua đây. Kể già như bả, như tía đây cũng khổ quá, quá khổ. Phải chi còn mẹ mấy đứa thì đỡ biết mấy.

Ông già ngồi bệt xuống đất, rơm rớm nước mắt. Nhan cũng quay đi giấu cơn xúc động. Thằng Lời thì mũi đỏ gay, nước mắt ứa ra. Mỗi lần cha Nhan nhắc đến mẹ là mỗi lần cả nhà động mối thương tâm. Nhan hướng về ngôi mộ của mẹ ở phía sau vườn thầm cầu nguyện mẹ ban cho mình lòng can đảm để sống.

Mãi đến trưa trật, thằng Lời và Nhan mới di chuyển hết thức ăn, áo quần, vài món lặt vặt và bà Tư qua nhà. Bác Cả Bửng nghe tin cũng chạy tới. Vợ chồng lão Kiên, già mà nghèo nhứt làng cũng hay tin tụ tập ở nhà Nhan. Mỗi người một câu, gian nhà trở nên vui hơn, rộn ràng hơn, như chưa bao giờ vui như vậy. Nhìn gương mặt cha vui vẻ, Nhan thấy mình cũng hân hoan theo.
Thằng Lời phê bình :

- Bữa ni mới thấy tía vui một chút chị Nhan hả.

Nhan ra ngoài sân. Tiếng nói oang oang của bác Cả Bửng vọng ra :
- Hồi sáng tui đi hái rau, có thấy con Nhỉ, nhưng thấy có sau lưng thôi bởi khuất mất cái cây. Tui cũng không để ý tưởng nó lại đi bẫy chồn. Con nhỏ đó nó cũng gan lắm, qua núi luôn, ai mà dè. Kể ra nó đi cũng được, nhưng bị cái chị Tư đây già cả tàn tật, nó đi như vậy cũng là bất nhân lắm.

- Ừa, anh Cả nói phải đó, làm người phải ở cho có trước có sau…

Ai cũng trách chị Nhỉ. Nhưng Nhan thì không trách chị mặc dầu Nhan thấy chị cũng hơi nhẫn tâm. Có điều Nhan hiểu ý chị Nhỉ. Chị không còn chịu đựng được cảnh đìu hiu đến lạnh người của khu xóm, chị không chịu được cảnh hoang tàn không còn sinh khí của ngôi làng sau cơn tàn phá vì bom đạn. Chị không chịu được cảnh bấp bênh của cuộc sống phải kiếm ăn hằng ngày như loài thú trong rừng. Chị sợ cô đơn, mà những ngày dài cô đơn cứ úp chụp lên người chị. Chi đi không phải là đi mà trốn chạy thì đúng hơn.

Ðôi khi Nhan cũng có tư tưởng ra đi như chị. Nhan cũng từng quay quắt với nỗi quạnh hiu, với sự cô đơn lạ lùng của tuổi mới lớn. Những đòi hỏi tiềm tàng của một con người, cần đám đông, cần bạn bè, cần tâm sự. Ðôi khi Nhan thấy cần như hơi thở cần khí trời. Nhan quay quắt sợ hãi với chính mình. Nếu không có thằng Lời, không có tía, chắc Nhan không thể ở được nơi đây. Bao nhiêu hy vọng nhóm lên về một ngày trở lại, ngày hồi sinh của ngôi làng nhỏ càng ngày càng xa. Nhan sống chịu đựng như một thói quen và cũng bởi cùng đường, không biết phải về đâu, đi đâu khi nhìn bầu trời cao rộng và quanh mình, những dãy núi liên tiếp chập chùng bao quanh cái thung lũng hoang tàn nầy.

- Chị Nhan ơi, vô luộc rau đi, bác Cả Bửng cho em một con cá.

Nhan chợt nghe đói cồn cào. Tiếng cá từ miệng thằng Lời như tiếng reo. Nghe mừng và thèm thuồng lạ lùng. Nhan đi ra sau. Con cá to bằng bàn tay quẫy với những vẩy bạc óng ánh.

- Còn muối trong hũ đó chị Nhàn. Bên bác Tư cũng còn một hũ.

Cái lệ của dân làng vùng xa sông, xa biển là trữ muối. Nhờ đó những gia đình còn lại sống nhờ được bao năm trời. Căn nhà bán quán của chú Xương cũng có trên năm bao tải muối. Chạy loạn, chú để nguyên. May thay, súng đạn chỉ đốt cháy căn nhà mà không làm suy suyển đến mấy bao muối để ở góc chái kho ngoài vườn.

Nhan cầm lấy con cá rửa sơ. Nàng không dám động đến một cái vảy vì sợ đứt bớt thịt và con cá thấy nhỏ lại. Ðôi khi nhìn cũng là một cách để đỡ thèm. Hai chị em Nhan ngồi quanh nồi cá chờ nước sôi. Nhan quên cả chị Nhỉ, mà chỉ nghe tiếng củi nổ lép bép và con cá trắng phau ánh vẩy bạc bốc hơi thơm.

- Hồi mẹ còn sống, mẹ nấu canh cá với thơm, có hành ngon ghê há chị Nhan.

- Ừa.

Hai chị em đồng nuốt nước bọt.

- Nước canh chan cơm cháy ăn dòn ngon ghê hả chị Nhan.

- Ừa.

Thằng Lời lại chép miệng :

- Có bữa mẹ kho với dưa chua, nước dừa, chan nước ăn thiệt là ngon há chị Nhan.

Nhan nuốt nước bọt ừng ừng. Con cá réo trong soong. Nhan cho vào mớ rau muống.

- Thơm quá.

Thằng Lời cố sát mũi vào nồi canh hít lấy hít để, Nhan gõ nhẹ vào đầu em mắng khẽ:

- Lên coi nhà còn ai ở trển. Mầy tham ăn quá.

- Chị cho em cái đầu.

Thằng Lời vừa đi vừa nhìn chị van lơn. Nhan thương em quá. Nàng định bụng thế nào cũng kiếm cái nơm đi đặt cá. Nhưng nghĩ đến những buổi chiều chạng vạng, sương lờ mờ với khung cảnh đổ nát tiêu điều, bên bờ lạch, ngọn đồi trọc nhô cao mơ hồ như bóng dáng của một quái vật vô hình đen đuổi đang rình rập, Nhan lại thôi. Nội mấy gia đình ở lại chỉ có bác Bửng là chuyên nghề. Trước khi có đánh nhau, bác Cả Bửng vẫn là kẻ chuyên đi đặt nơm cá và đan nơm bằng tre núi bán cho dân làng. Bác biết rõ từng hang hốc từng khúc quanh mà cá thường ẩn. Bác biết trông chừng con trăng cao hay thấp, mọc hay lặn để đoán giờ cá đi ăn. Mỗi mùa mưa, nước chảy xiết tràn trìa hai bên bờ, những chiếc nơm đón đầu dòng của bác luôn luôn đầy những con cá vẩy bạc mập mạp tươi nguyên. Bác là độc nhất còn lại trong khu xóm nầy luôn luôn được ăn đồ tươi.

- Ði dìa hết rồi chị Nhan. Canh trào kia.

Nhan lẹ tay dùng đũa bếp bắt nồi canh cá. Nghĩ đến con cá phải chia cho bác Tư, Nhan thấy tiêng tiếc làm sao ấy. Thằng Lời chừng như cũng cùng một ý nên lấy bát nói với Nhan :

- Chị xắn đầu cho em đi, chớ không thì… Hay chị chia trước, để Tía phần nhiều nhiều…

Nhan nạt em :

- Chờ Tía với bác Tư ăn đã. Mầy tham vừa vừa thôi.

- Nhưng con cá nhỏ xíu.

Nhan thở dài nuốt vội nước bọt đầy ắp trong miệng :

- Ừ thì nhỏ. Thôi, bưng cái nồi lên nhà đi. Tao un than lại để chiều nấu khoai.

Nhan vừa quay đi, thằng Lời đã nhanh tay xắn lấy cái đầu cá cho vào bát chạy vụt đi. Nhan quay lại thì đã muộn. Con cá chỉ còn khúc thân nhỏ xíu nổi trên mặt đám rau muống xanh. Nhan vừa giận vừa thương em, dậm chân bực bội. Nàng xoắn tơi con cá ra, rồi bưng nồi lên trên.
Ông già đang nằm thiu thiu trên giường và bà Tư thì ngồi bó gối ở cửa. Mùa rau thơm lừng làm ông già tỉnh người. Ông bước xuống giường, mời khách :

- Chị Tư, kệ nó, lại ăn ba miếng cho vui.

Rồi ông quay sang Nhan đang đỡ một cánh tay dắt ông lại cái bàn ọp ẹp :

- Con ra đỡ chị Tư mời chỉ vô ăn chút đỉnh.

Không ai khách sáo trong việc ăn uống. Nhất là ở giai đoạn nầy. Thằng Lời đã ăn xong cái đầu cá thập thò ở cửa xin rau. Nhan làm ngơ. Thằng bé rón rén lại gần :

- Ðứa nào đó. Thằng Lời phải không ?

Ông già ngưng húp canh đảo đôi mắt trắng dã.

- Dạ…

Nhan mắng em :

- Mầy hư quá rồi đó nghen Lời. Vô múc ăn chớ còn đứng đó sao ?

Thằng bé tươi ngay mặt. Những sợi rau ngồm ngoàm trong miệng, ló cả ra ngoài lòng thòng như đỉa. Nhan lại mắng em :

- Ăn chầm chậm một chút, chết chóc đâu mà vội vội vàng vàng vậy không biết.

Thằng Lời không nói không rằng cứ cắm cúi ăn lấy ăn để. Nhan mỉm cười một mình, trút vào bát em phần còn lại trong nồi với cái xương cá. Lời nhìn chị rồi nhe răng cười.

Bên ngoài, trời nắng hanh. Những cụm cây xao động nhẹ nhàng. Nền đất như phớt một lớp bụi vàng. Nhan dựa lưng vào vách phên lim dim mắt. Thằng Lời nằm ngủ một đống bên cạnh, ngáy ro ro như kéo gỗ. Khung cảnh êm lặng như những buổi trưa nào xa xưa. Chỉ thiếu tiếng ru con hạ hời kéo dài như không dứt thế thôi.

Nhan lại nhớ đến chị Nhỉ. Không biết chị đã đi tới đâu rồi. Chị ăn uống ra sao ? Nhan tưởng tượng hình dáng chị chồm về phía trước, bước những bước dài, và đằng kia là con đường xa tít tắp mời mịt khuất sau mấy dãy núi thấp. Lòng Nhan bỗng rưng rưng mối xúc cảm không lời.

Có tiếng chân chạy thình thịch, kèm theo tiếng la ơi ới. Nhan đánh thức em dậy :

- Lời, Lời, có chuyện gì kìa. Lời…

Nhan đứng dậy. Thằng Lời tỉnh hẳn ngủ khi những tiếng nói líu ríu vọng lại rõ mồn một.

Cả hai chị em Nhan chạy ra sân cùng một lúc. Bác Cả Bửng đang vung tay vung chưn chỉ chỏ. Mặt bác tái mét, hơi thở dồn dập. Ðến tận sân nhà Nhan rồi mà bác vẫn chưa hoàn hồn.

- Cái gì vậy bác Cả.

Ông già cũng lần phên ra ngoài sân :

- Chuyện gì vậy anh Cả.

- Chuyện gì vậy anh Cả. Thủng thẳng, đừng có sợ.

Thằng Lời chạy đến dắt tay bác Cả Bửng. Bác không nhúc nhích lặng thinh một hồi, rồi nước mắt từ từ chảy xuống đôi gò má sạm nắng.

Nhan hốt hoảng :

- Bác Cả à, có gì mà bác thương tâm vậy, ở đây có người bác đừng lo.

Nhan đưa bác ngồi xuống cái ghế nhỏ đặt ở góc sân. Bỗng bác nấc lên :

- Có người rồi. Có người rồi, chị Tư ơi, anh Sáu ơi. Có người rồi.

Tất cả mọi người đều sửng sốt. Không ai nói với ai tiếng nào. Nhưng hình như bao nỗi vui cùng òa vỡ một lúc. Mấy cặp mắt đều ứa lệ một lần.

Nhan là người xúc động nhiều nhất. Nàng úp mặt vào tay như cố giữ lấy câu nói của bác Cả vào trong trí, đừng bay, đừng biến mất và đó là sự thật.

- Lính, lính nhiều lắm…

Bác Cả đã lấy lại bình tĩnh, bác thuật lại câu chuyện.

- Lính mới tới, đóng ở bên kia núi, nhiều nhiều lắm. Có cả xe mười hai bánh, họ đóng trại, chăng dây gai, đào hố. Tui định tới xem có thằng Nhỉ không, biết đâu con dâu bà Tư nghe tin chồng về bỏ ra thăm, nhưng thấy toàn súng ống không, sợ họ nghi bắn vãi vài tràng thì chết nên lẻn về. Trời đất, lâu lắm mới thấy có người. Tui mừng quá, coi chừng dân làng cũng sắp kéo về rồi đó.

Nước mắt bác Cả đọng thành dòng lấp lánh trên đuôi mắt. Gió đưa là đà mấy ngọn tre. Có tiếng chim chích chòe kêu trong nắng. Ai cũng lặng thinh theo đuổi ý tưởng của riêng mình. Thằng Lời lên tiếng trước tiên :

- Rủi họ tới đánh nhau nữa sao bác, mình chạy trốn hả bác.

Câu nói của thằng Lời đánh thức mối lo mà cơn vui tưởng chừng che lấp. Ờ nhỉ, nếu chiến tranh lại tàn phá một lần nữa khu xóm nầy thì ai là kẻ sống sót. Nhưng chẳng lẽ. Ở đây đâu còn gì, nhà hoang, đồng hoang, chỉ có mấy gia đình sống chui nhủi như người rừng. Cha Nhan hắng giọng :

- Ðánh gì nữa mà đánh. Chắc họ đi ngang đây. Hoặc đi lùng phía mạn núi bên kia chớ xuống chi xóm nầy.

Bác Tư thực tế hơn :

- Mình nên tới gặp họ để xin gạo, xin muối, và hỏi thăm chuyện nầy nọ. Cũng đỡ buồn. Thế nào tui cũng tới để hỏi thăm thằng Nhỉ. Lâu quá rồi nó chẳng thơ từ nữa.

Nói đoạn, bà Tư lại nghẹn ngào tủi thân, mắt đỏ hoe. Nhan hơi thất vọng, nàng tưởng đâu dân làng kéo trở về, nàng sẽ gặp lại bạn bè, sẽ lại làm ruộng, xuống chợ ăn hàng, ăn đủ thứ mình thích. Nhan sẽ có dịp kể chuyện cho bạn bè nghe những ngày ở lại ngôi làng hoang vắng, với những bữa rau khoai thay cơm, những đêm quạnh hiu, đầy bóng tối đe dọa, những chiều buồn vắng rợn người với tiếng chim kêu khắc khoải. Nhan sẽ kể cho chúng nghe nỗi nhớ bạn, nhớ thầy, nhớ ngôi trường đổ mà chưa một lần Nhan dám đến vì sợ ma. Nhan biết là tụi nó sẽ khóc, khóc thương mấy đứa bạn đã chết, thương cô giáo lớp tư hiền lành đã bỏ mình, rồi cả bọn rủ nhau đi đắp mả, nhổ cỏ, đem xôi chuối đến cúng thầy cúng bạn. Những ngày cô đơn qua đã dấy trong lòng Nhan bao cảm nghĩ, bao tưởng tượng về cái ngày họp mặt đó.

Nhưng không phải dân làng về mà là những người khác, xa lạ. Tuy vậy, một thoáng, Nhan không còn có cái cảm giác cô đơn, sợ hãi như trước nữa. Ðã có người. Và không phải một mình Nhan, mà tất cả mọi người có mặt đều chung tâm trạng. Một chút hân hoan, tin tưởng dấy lên từ những kẻ sống heo hút bao ngày qua.

- Ðể đến sáng mai, ban ngày ban mặt mình ra đó đi. Ðể tui rủ vợ chồng lão Kiên. Bác Sáu có đi không bác ? Chị Tư thì chắc ở nhà rồi. Chị đừng lo, bao giờ thằng Nhỉ nó về là nó kiếm chị liền. Nó tới tận nhà chứ bộ đợi chị tìm nó sao mà chị lo.

Ông già căn dặn Nhan :

- Con Nhan đâu. Thằng Lời nữa. Giờ tới chiều đừng có ra lạch nghe. Trời chập choạng tối mệt lắm đó. Ở nhà, chiều luộc khoai ăn đỡ.

Lão Cả Bửng không về nhà mình nữa. Cả xóm biết tin mau chóng ; năm gia đình gồm có 9 người tập trung tại nhà Nhan. Ngôi nhà đông chật, rộn rịp hẳn lên. Ai nấy đều bồn chồn nửa muốn ra khỏi nhà, nửa ngại ngùng sợ hãi.

Bà Tư Kiên ngóng mãi về phía có lính đóng. Ðôi mắt già hom hem như muốn thấu qua bóng chiều đang dần xuống. Ráng vàng tươi nhuộm đỏ mấy đám mây trôi trên nền trời loãng màu sữa. Mấy ngọn cây cũng run run hồi hộp đợi chờ. Thằng Lời đang ngồi chồm hổm ở chẽ cây ổi già bỗng la lên :

- Có khói đỏ, khói xanh, khói vàng.

Bà Tư què chép miệng :

- Chắc họ nấu cơm.

- Nấu cơm gì bằng khói đó.

Ngọn khói tỏa lây lất trông đẹp đẽ. Ít ra khói màu làm yên tâm đám người chất phác nầy hơn là những cột khói đen kịt mà họ đã chứng kiến qua lần giao tranh tàn phá làng họ.

Nhan kiễng chân nhìn cho rõ những sợi khói bị gió thổi trôi dạt qua phía bên kia. Thân khói uốn éo như mái tóc chị Nhỉ. Nghĩ tới chị Nhỉ, Nhan rùng mình. Số chị ấy đen thật. Biết đâu có anh Nhỉ trong đám lính ấy. Mà cũng biết đâu chị Nhỉ đã gặp họ rồi. Như vậy chỉ hên thiệt. Nhưng sao giờ nầy chỉ chưa trở về. Bao nhiêu câu hỏi vẩn vơ trong đầu Nhan cho tới khi nồi khoai chín. Bữa ăn tối mau lẹ. Còn dư một củ. Nhan giấu lấy để cho thằng Lời. Bề nào cũng yên rồi. Mình cho nó nhiều thêm một chút. Nghĩ được như vậy, Nhan thấy mình yên tâm quá. Những cơn ác mộng hằng đêm không còn ám ảnh Nhan nữa. Nhan cất tiếng hát ầu ơ một bài ru em buồn buồn.

Ầu ơ, đêm khuya ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai.

Mặt trời lặn sau dãy núi, thì cùng lúc đó nhiều mặt trời khác mọc lên trong đêm. Những trái hỏa châu đỏ rực lơ lửng trên nền trời trong. Những bóng cây chạy dài in lên vách nhà, trên nền đất giờ đây đang nhuộm màu vàng cháy. Bác Cả Bửng mặt mày xanh ngắt. Nhan bỏ chạy vào nhà ngồi cạnh tía. Thằng Lời run lên ở góc giường. Bà Tư què đã trụt ngồi xuống đất. Tất cả hoang mang, lo âu bởi những trái hỏa châu đỏ của ngày nào giao tranh vẫn còn in đậm trong tâm trí những kẻ ở lại.

- Chắc đánh nhau nữa. Lần trước mấy người có nhớ không, mấy trái đèn đó cũng chiếu sáng suốt đêm.

- Chắc không yên đâu phải không tía.

Ông già không trông thấy gì cả. Vì vậy, ông đỡ dao động hơn những người kia. Ông chậm rãi nói, dù sao giọng cũng đã run run :

- Chắc hổng hề gì đâu, nghe thử có tiếng súng không. Lần trước súng lớn súng nhỏ nổ dữ lắm mà.

- Hổng nghe gì hết.

Ðêm yên tĩnh hoàn toàn. Vẫn tiếng côn trùng, tiếng ễnh ương kêu vang ngoài vườn. Thỉnh thoảng tiếng chim rúc lên trong đêm. Tiếng gió xao động mái lá, chòm cây. Rồi thôi.

Mọi người ngồi vậy lâu lắm. Lão Hai Kiên đứng dậy trước hết. Giọng nói của lão xem chừng như sốt ruột, không chờ đợi được.

- Kệ nó, có ra sao thì ra, ngả lưng một chút đã.

Nhan hé cánh liếp che cửa sổ. Mấy trái hỏa châu lừ đừ hắt ánh sáng rỡ chiếu vàng những khuôn mặt ngơ ngác bàng hoàng.

Bỗng nhiên, bà Tư què bật khóc nức nở, lúc đầu bà còn rấm rức, sau không nghe ai than phiền bà càng khóc lớn. Nhan cau mày bịt hai lỗ tai lại, nhưng những người già thì không nói gì cả, ít ra tiếng khóc của bà Tư cũng phá tan được sự im lìm ghê rợn bao phủ chung quanh. Những cái lo trôi đi nhường chỗ cho lòng ái ngại theo lời than thở nhớ con, trách dâu của bà Tư. Lão Cả Bửng cất giọng :

- Thôi chị Tư bớt buồn đi, chuyện đâu còn có đó mà, lo lắng rồi cũng một kiếp người.

Ông già tía Nhan cũng phụ họa :

- Ðúng đó chị Tư à. Thế nào rồi thằng Nhỉ nó cũng tìm chị mà, tui biết tính nó từ hồi nhỏ xíu. Cái thằng nhơn hậu lắm chứ đâu phải thứ vong ơn bội nghĩa đâu mà chị lo. Ðường xa cách trở, thời buổi chinh chiến, lộn xộn đến bà con gần gũi cũng chưa qua lại nữa là…

Bà Hai Kiên lại gần bà Tư rủ rỉ :

- Mình già rồi, còn sống bao lăm nữa mà buồn. Bề gì cũng có bà con hàng xóm đây. Chị cứ huởn huởn.

Bà Tư hết khóc. Câu chuyện trở về những ngày xưa, thuở ngôi làng còn trù phú đông người, từng nhà, từng công đất, từng cái giếng, mỗi một biến động nhỏ trong khu xóm được kể lại. Dĩ vãng như che mờ cả hiện tại và gian nhà như ấm cúng lại. Thằng Lời đã ngủ quên từ lúc nào. Tiếng ngáy của nó nhẹ nhàng đều đặn. Nhan cũng ngả lưng xuống lần chiếu trải cạnh em. Ðầu óc Nhan không nhớ đến quãng thời còn nhỏ, câu chuyện của những người già không ăn nhập gì đến tâm trí Nhan bây giờ. Chỉ có sự hiện diện của họ làm Nhan thấy dễ chịu, bớt lạnh lẽo cô độc như những đêm chỉ có ba cha con nằm nghe tiếng ễnh ương kêu, tiếng gió thổi quanh nhà.

Nhưng cũng vì vậy mà Nhan lại nghĩ ngợi lan man nhiều hơn. Tâm hồn Nhan lơ lửng ở một trạng thái khác biệt lạ lùng, nửa lo âu, nửa nôn nao. Nhan nghĩ tới những người lính đóng quân ở đâu đó bên kia núi. Họ sẽ đem lại an vui cho mấy gia đình còn lại ở ngôi làng hoang nầy hay là họ báo hiệu cho những tang tóc sắp đến. Nhưng mà rồi nếu sáng mai, họ bỏ đi nơi khác và không một người dân nào trở về. Nghĩ đến đó Nhan rùng mình. Có nghĩa là cuộc sống lại như những ngày qua, hoang vắng đến khủng khiếp, cô đơn đến rã rời từng hành động, từng ý nghĩ.

Căn nhà bỗng tối sầm lại. Không còn một trái hỏa châu nào nữa ngoài trời. Mọi câu nói đều lặng chìm và âm thanh của trời đất về đêm lại kêu rêu buồn bã. Bất giác, Nhan mong mỏi làm sao một trái sáng nào khác lung linh rực rỡ cho sáng rực ngôi nhà. Dù thế nào chăng nữa, bóng tối muôn đời vẫn là cơn mộng khủng khiếp nhất. Nhan chờ đợi một đóm lửa nào lóe ở ngoài trời. Nhan nhìn về phía cửa liếp he hé. Chỉ có ánh trăng nhàn nhạt sau đám mây đen và Nhan tưởng tượng đến cảnh hiu quạnh ngoài kia. Trong nhà chỉ còn những hơi thở nặng kéo dài, kéo dài không dứt.

***


Buổi sáng ánh lên những tia hồng tươi cuối chân trời. Bụi tre kẽo kẹt trong gió và đàn chim sẻ ở đâu bỗng xuất hiện nhảy nhót trên mấy bụi cây non.

Nhan thức dậy trước hết, kéo cánh cửa rồi ngồi bệt ở hiên nhà. Thằng Lời dò dò theo sau hỏi Nhan có nấu khoai buổi sáng không. Nhan thoạt lắc đầu. Rồi lại gật đầu.

- Khoai khô nấu với muối.

Thằng Lời tươi ngay nét mặt cầm đuôi tóc chị giật giật. Ðôi mắt đầy ghèn nhấp nháy lia lịa. Nước mắt rịn ra ở hai đuôi. Nhan kêu lên :

- Ra sau rửa mặt đi. Chút nữa mới nấu.

- Trời nắng, em qua bên núi rình coi thử nghe chị Nhan.

Thằng Lời chỉ tay làm dấu về phía có lính đóng quân mà bác Cả Bửng cho biết hôm qua. Nghe em nói, Nhan như nhảy dựng lên :

- Trời, trời, liệu hồn không tao mét tía cột chưn mầy lại đó nghen, chuyện đó của người lớn, mầy lò dò ra người ta tưởng gì bắn bỏ mạng cho mầy chết.

Thằng Lời lè lưỡi thật dài. Chân đá mạnh vào hòn đá dưới đất văng đi trúng vào bức phên kêu lục bục. Trong nhà lần lượt thức dậy. Bác Cả Bửng ngáy ồn ào. Ông Hai Kiên hỏi quanh quất xem có gì lạ không. Nhan bảo em vào đưa nước súc miệng cho Tía. Bác Cả Bửng đã đi ra sân. Thân hình vạm vỡ của bác in dáng khỏe mạnh tự tin. Nhìn bác, Nhan thấy yên tâm lạ. Nhưng Nhan cũng thắc mắc là sao bác khỏe mạnh lại không có ai vướng chưn vướng cẳng mà lại không chịu tản cư đi hồi đó.

- Có thấy gì lạ không Nhan ?

- Cái gì hở bác Cả ?

- Ừa, như tiếng súng chẳng hạn.

- Hổng nghe gì hết bác Tư à.

Bác Cả Bửng bước ra tận ngõ quan sát trước sau, bác lắc đầu bước vào :

- Ðừng cho thằng Lời chạy bậy bạ đâu nghe Nhan. Chút nữa nắng lên cao một chút, bác với mấy người kia qua núi nói cho họ biết làng có người và hỏi thăm tin tức luôn.

Nhan gật đầu :

- Ðể con nấu chút khoai bác.

- Cha con nhỏ nầy sang giữ à. Coi chừng có ngày chết đói đó phải cần kiệm nghe cháu.

- Dạ, nấu một chút thôi, ăn rồi đi, chứ hổng thôi đi hổng nổi bác à.

Nhưng Nhan chưa kịp đứng dậy, một tràng súng nổ vu vơ đâu đó ở xa làm mọi người giật mình. Bên trong nhà có tiếng bà Tư :

- Cái gì đó anh Cả ? Súng nổ phải không anh Cả ?

Nhan tái xanh mặt mày. Bác Cả kéo Nhan vào nhà. Thằng Lời từ dưới bếp ùa lên mặt cắt không còn chút máu.

Bỗng dưng không dặn mà mọi người đều im lặng. Những cặp mắt thất thần mở to chờ đợi. Những nhịp tim đập nặng nề trong lồng ngực cứng như khối đá cuội.
Nhan đã nghe rõ tiếng người lao xao, tiếng bước chân nặng kêu trên mặt đất, đâu đó, bên kia nhà bà Dự, không nhà bà Nghĩa bán chè.

- Làng nầy ngó bộ là làng hoang đó chuẩn úy.

- Hoang sao được, các chú phải cẩn thận, cảnh giác, rau sắn mọc ở đầu kia chứng tỏ làng có người.

Trong nhà, Tía Nhan thì thầm với bác Cả :

- Chắc hổng phải đụng độ đâu. Lính đi hành quân đó.

- Hay mình mở cửa ra đi, không thôi mệt à nghe.

Nói thì nói nhưng vẫn không có ai chịu rời khỏi chỗ mình.

Một nỗi lo ngại vẩn vơ, một chút thăm dò làm chùn bước.

- Thôi, anh Cả nói lớn là có dân ở đây đi anh Cả.

Bà Hai Kiên giục lão Cả Bửng. Vừa lúc đó, tiếng chân đã rầm rập bên ngoài.

- Ở đây ngó bộ có người chuẩn úy à. Em thấy có dấu chân.

- Im lặng, dàn rộng ra hai bên đi. Thằng Nhân lên tiếng hỏi ai ở trỏng.

- Ai trong nhà, lên tiếng không chúng tôi nổ súng.

Tiếng súng lên đạn rắc rắc. Nhan muốn đứng tim, miệng địng kêu lên nhưng sao hai quai hàm cứng nhắc. Bà Tư la lên thất thanh :

- Mấy anh lính ui, có bà con trong ni nè. Ðừng có bắn để tụi tui mở cửa. Anh Cả mở cửa đi anh Cả.

Lão Cả Bửng nhanh nhẹn đứng dậy mở tung cánh phên liếp. Thuận tay lão kéo thằng Lời và Nhan ra phía trước, đến bà Hai Kiên rồi lần lượt từng người. Nắng buổi sáng chiếu lấp loáng lên mặt Nhan ? Nhan phải nhắm mắt lại cho đỡ chói.

- Trời đất, có chừng nầy người mà tụi tui tưởng địch chứ. May mấy bác ra chớ không thôi thì mệt. Mà sao lại trốn ở trỏng. Làng nầy còn bao nhiêu gia đình bác.

Nhan nhìn người lính trẻ trước mặt mình. Bộ quần áo màu xanh đậm, những gương mặt rám nắng, những câu nói xen lẫn. Như một đám đông. Như ngày nào ngôi làng hoang chưa bừng tiếng súng.

- Dạ, làng nầy chỉ còn bấy nhiêu người ở lại hà… Tụi nầy vì già cả, yếu đuối, lại nghèo không bà con quen thuộc nên ở lại đây lây lất cho qua ngày chờ bà con về.

Người lính hỏi bác Cả lúc nãy dường như là người chỉ huy toán lính khoát tay ra hiệu cho mấy người kia đi bọc sau nhà.Còn lại một mình, anh cười hỏi Nhan :

- Chắc cô là con của một trong mấy người ở lại phải không ?

- Dạ… Nó là con tui…

Ông già mù tuy vậy mà thính tai. Nhan tiếp lời cha :

- Dạ, bị tía tui già rồi, tàn tật nên không chạy được.

Người lính cười nhẹ, mũi súng trút xuống đất :

- Mấy người kể cũng gan thiệt. Nhưng không hề chi, quân đội về đây đóng là an toàn rồi. Cũng phải lục soát để phòng ngừa, bà con thông cảm.

Ông Hai Kiên cười cái miệng móm :

- Dạ yên chưa mấy anh. Tụi tui ở đây mong yên ổn để bà con làng nước trở về cho vui, chớ ở đây khỉ ho cò gáy rồi cũng chết dần chết mòn.

Người lính đưa mắt ái ngại nhìn ông già. Anh đã đi qua những ngôi nhà đổ nát trong xóm, qua những cánh đồng trơ trụi cằn khô. Ngôi làng chỉ là nơi trú chân bất đắc dĩ của một số người. Khi đi được, ai còn thiết trở về. Người tìm nơi, tìm đất trù phú chớ ai tìm nơi hoang tàn mà ở. Nhưng anh không muốn làm thất vọng những cặp mắt nhìn tội nghiệp đó, anh cố nói với giọng thật thản nhiên :

- Chắc rồi cũng sắp yên. Ðể vài bữa có mấy người trong đoàn….phát sách báo cho bà con. Bà con sẽ rõ.

- Liệu rồi bà con làng nầy có về đông đúc như trước không anh lính.

- Dạ, rồi thế nào họ cũng về chớ, nơi chôn nhau cắt rún mà.

Có tiếng khóc. Bà Tư nức lên :

- Thẳng Nhỉ của tui nó có về đó không anh lính. Nó cũng đi lính, nghe nói đóng ở Bạc Liêu. Từ hồi đánh nhau đến chừ, làng nầy tan nát, tui chẳng được tin tức gì hết. Không biết bữa nay nó có về không.

- Dạ, anh ấy thuộc tiểu đoàn mấy bác ?

- Tui quên rồi. Con vợ nó nhớ, nhưng hồi hôm qua nó bỏ nhà trốn đi mất tiêu rồi. Nó bỏ tui. Cái con trời đánh, nó bỏ tui què quặt mà đi.

Nhiều tiếng lao xao đằng sau nhà. Rồi toán lính lục soát đã tề tựu đủ.

- Không có gì hết chuẩn úy à. Mình đi về phía kia rồi trở lại.

Sau khi chào và hứa sẽ trở lại phát cho đồ ăn cùng khám bệnh, toán lính quay lưng rầm rập đi ra. Nhan nhìn theo hút mắt. Trong mỗi ánh nhìn theo bước chân xa dần dần kia, Nhan bỗng nghe mắt mình cay cay. Những giọt nước mắt ứa ra ràn rụa trên má. Nhan không biết được tâm trạng mình ra sao nữa.

- Thôi, vậy là yên rồi. Nhan, mầy nấu một nồi khoai ăn cho đã. Tao nghe đói bụng lắm rồi, phải không anh Sáu ?

Tía Nhan cũng cười nụ cười rực rỡ đầu tiên suốt hơn một năm qua.

- Ừa, phải đó. Nhan à.

- Chỉ đang khóc Tía à.

- Quỷ.

Nhan đuổi theo thằng Lời ra sau bếp. Có tiếng bà Hai Kiên chép miệng :

- Thiệt tui cũng muốn khóc ghê. Lâu lắm rồi mới thấy có người lạ. Tui mừng ghê. Ðể rồi coi, mai mốt thế nào bà con chòm xóm nghe tin cũng về mà. Tui phải lo dọn dẹp nhà cửa mới được. Lần nầy hổng lo nữa. Tui chết thế nào cũng có người đưa, có hòm, có liễn. Nói dại, hồi trước đây tui sợ chết dấp chết dúi không người đưa.

Ông Hai Kiên mỉm cười diễu vợ :

- Có tui đưa bà không đủ à. Bà nầy muốn làm đám ma hạng nhứt mà. Nghèo mà bà cũng ham ghê. Chết rồi có mà biết.

- Hương hồn tui cũng biết chớ. Ông liệu mà ăn ở.

Những tiếng cười dòn dã vang dội căn nhà. Nồi khoai chín mau. Nhan ghé ngồi bên tía. Chưa có bữa ăn nào ngon và vui bằng. Nhan vừa ăn vừa tưởng tượng đến những gương mặt thân quen của bạn bè sắp kéo về đông đủ. Những người bạn tưởng một đời chưa gặp lại bây giờ sắp gặp lại đây. Ðột nhiên Nhan nhớ tới chị Nhỉ và đâm bùi ngùi xót xa cho chị. Giá chị ở lại một ngày thôi. Một ngày thôi. Hẳn chị không bao giờ có ý định đi nữa. Nhưng biết đâu chị chẳng gặp may. Nhan ơ hờ cắm một miếng khoai cuối cùng. Mùi khoai hà nhẩn nhẩn cuống họng bốc mùi hăng hăng. Nhan vội nuốt vào, khoan khoái mà nuốt. Nhan sẽ không còn cô đơn nữa. Bạn bè sẽ trở về. Bà con chòm xóm sẽ trở về. Cái hy vọng bừng lên khóe mắt Nhan, khóe mắt bác Cả, bà Tư, vợ chồng lão Hai Kiên và cả trên khóe mắt trắng dã của ông già mù.

Thằng Lời vươn vai đứng dậy. Nắng xuyên qua cửa sổ nhuộm vàng mái tóc khét nắng của nó. Nhan kêu lên, giọng rỡ ràng như nói với chính mình :

- Cái thằng mau lớn ghê.


***

 

Một tuần lễ trôi qua. Những người dân của ngôi làng đìu hiu nầy vẫn chưa thấy bóng dáng trở về. Mối hy vọng của đám người còn sót lại giảm dần. Nhưng những sinh hoạt mới mẻ ồn ào của toán quân đóng đồn phía bên kia con lạch cũng làm cho họ bớt lo nghĩ, bớt buồn rầu. Những người lính trở nên thân tình với đám người trong làng nhiều hơn. Họ đổi gạo sấy, đồ hộp để nhờ hái cho ít rau, đổi ít khoai, món đồ tươi mà họ không có thường. Vả lại đất đây cằn cỗi, không phải chỗ nào cũng có rau cỏ.
Nhiều hôm thằng Lời vào tận bên trong trại lính, chơi đùa với mấy người lính trẻ, ngủ trưa trong đó, hoặc theo họ đi núi bẫy chồn, bẫy thỏ, cắm câu, bỏ cả cơm nhà. Nhan cũng thường hay ra bờ lạch nhiều hơn để đổi rau lấy đồ hộp và nhứt là gạo sấy. Nhan thèm cơm không biết bao mà kể. Và giờ đây, những bao gạo sấy như một giấc mơ thần tiên của Nhan.

Nhan quen dần với những tiếng súng bắn tẻ vu vơ. Tiếng giầy rầm rập, tiếng cười nói của đám lính đi hành quân qua các ngọn đồi tận trong xa trở về. Giọng cười giọng nói của đám đông gây cho Nhan ảo tưởng ngôi làng đã sinh hoạt lại bình thường. Rồi những đêm trăng, Nhan nằm trước hiên ngu ngơ nhìn trời quên đi những cảm giác lo âu, sợ hãi, trống rỗng ngày nào. Quanh Nhan đã có người. Nhan không còn buồn nữa. Những đám mây đen giăng ngang mặt trăng chỉ tạo trong lòng Nhan, cô gái mới lớn một mối xúc cảm thầm, không lời, nhưng rất ngây thơ, tinh khiết.

Cũng như bây giờ đây, ngồi giữa hai luống sắn vừa già vừa cũ, Nhan nghe âm thầm rung động lạ lùng khi ngắm bóng mình in nghiêng trên nền cát lỗ chỗ những lá sắn rập rờn. Nhan thừ người ra. Con dao để phát thân sắn và đào củ nằm lỏng lẻo trên tay. Phía bên kia, cách đó mấy luống, thằng Lời đang loay hoay cắt thân sắn ra thành nhiều khúc để trồng lại.

- Chị Nhan, đào lè lẹ lên chớ. Mấy ảnh dặn bữa nay để cho ảnh một rổ, ảnh đổi thịt còn cho thêm một hộp bánh như bữa hôm nữa.

Nhan giật mình, cuốn vội mái tóc đã sút tung lúc nào không hay. Nghe đến loại bánh ngọt, Nhan thèm rỏ dải.

- Ðổi cả bánh nữa hả.

- Chớ sao ?

Nhan nghi ngờ :

- Vậy rủi họ trừ bớt gạo sấy làm sao ?

- Còn lâu.

Thằng Lời bĩu môi, tay nó phát lia lịa thành những đoạn thân bằng nhau đều đặn. Nhan cắm thân dao vào mặt đất mềm cố chú ý để dứt nguyên cả cụm củ lên mà không bị cắt ngang một củ nào.

- Toán của ông Bửu già râu hả.

Thằng Lời quay lại cười.

- Ông Bửu râu kẹo lắm. Toán nầy toán khác, em mới quen chứ bộ. Bác Cả Bửng biết mà.

Nhan dừng tay thắc mắc hỏi em :

- Vậy họ dặn giao sắn ở đâu ? Tao không lội qua rạch đâu.

- Chị đừng có lo. Cứ ngồi đây, chút trưa, họ đi ngang qua đây. Họ cũng hẹn bác Cả đem cá tới đây nè.

Nhan yên tâm tiếp tục đào xới hai vồng sắn. Những củ lớn hướng thành chùm như những mũi dùi xuyên thủng đất. Mùi vỏ sắn, mùi đất nồng bốc lên hung hăng. Hai chị em làm việc đến trưa thì mấy vồng sắn đã ngã hết, và giờ đây trên những luống đất mới, mấy thân sắn ngắn cắm xiêng góc chênh chếch in bóng nhỏ ngắn lên nên đất mới.

Hai chị em Nhan khệ nệ khiêng mấy rổ sắn vào khuất chỗ những bụi dẻ gai rậm lá để tránh nắng.

Buổi trưa yên gió. Mồ hôi chảy trên má trên mặt Nhan nhễ nhại. Nhan búi tóc thành lọn lớn sau đầu. Mặt trời để lọt vài tia nắng quái bỏng rát sau lưng như có mũi kim nhỏ châm chích vào thịt.

Thằng Lời lóng ngóng ngồi không yên, hết đứng, lại ngồi dòm chừng phía đầu xa, nơi một dãy núi trọc nhô những cái đỉnh tròn trịa dưới nắng rát.

- Bác Cả lại rồi kìa.

Nhan hơi nhổm lên một tí rồi lại ngồi xuống. Cái dáng vạm vỡ của bác Cả không lẫn đâu được. Thằng Lời bỏ chạy lại có lẽ để khoe mấy thúng sắn lớn.

Từ đầu xa, Nhan đã nghe tiếng bác Cả oang oang :

- Dữ vậy hả. Vậy là ngon rồi.

- Bác cũng đặt được nhiều cá ghê.

- Mấy con đây mà nhiều, bị họ khuấy dòng nên cá không dám xuống, bác phải lên tận trên xa mới đặt nơm được. Chớ ở khúc dưới, mấy ông lính cứ tắm rửa hoài, cá nào mà ở. Bị cái khúc trên không kín, ít cây nên cá nó không lởn vởn lâu khó nơm lắm. Ðược vậy cũng là nhứt rồi đó.

Bác Cả thấy Nhan ngồi ở sau bụi dẻ gai. Bác la lên :

- Cha, con nhỏ nầy bữa nay xong sớm ngó bộ nhàn dữ, tía mầy mà thấy mấy rổ khoai nầy chắc ảnh chịu lắm. Hồi chưa gì còn yên có mấy vồng mà được chừng nầy củ thì chắc mau giàu lắm.

Nhan cười hỏi bác Cả :

- Mấy ổng hẹn mình ở đây hả bác ? Nhưng bác định bán hết khoai mì hay để lại ?

Bác Cả ngồi xuống. Hai ống chân ướt nhẹp, vằn vện những sợi gân xanh to gần bằng cọng rau muống. Bác lắc lắc mấy rổ khoai mì rồi nói :

- Nếu họ đổi hết cho mình thì mình đổi lấy gạo sấy. Còn không thì để lại một thúng xắc phơi khô. Khoai mì nầy ngó bộ bở ghê à.

Nhan cầm lấy một củ khoai vỡ phơi cái ruột trắng nuốt và lần vỏ màu tím hoa cả tuyệt đẹp, đưa lên mũi ngửi rồi gật đầu :

- Khoai mì nầy ngon à bác, nhưng cháu thích ăn cơm hơn.

Nhan ngừng nói bởi từ đâu xa một đám bụi mù bốc lên lẫn những tiếng lao xao, rầm rập của bước chân đi. Nhan kêu lên :

- Họ tới đó…

Bác Cả nhấc cái nơm đặt trên miệng giỏ cá xem lại mớ cá tươi nơm được. Thằng Lời chạy vụt đi để đón đám lính vì nó đã quen trước. Không bao lâu, đoàn người xuất hiện, quần áo đầy bụi bặm. Ai nấy đều có vẻ mệt mỏi. Họ bước nhanh đến chỗ Nhan và bác Cả ngồi đợi vì đây cũng là nơi nghỉ chân của họ sau mỗi chuyến hành quân vào núi.

Sau tiếng ra lệnh khó hiểu của người lính chỉ huy, toán quân tản mắt dưới những cụm dẻ gai, cụm yên bạch hoặc dưới bóng những cây cổ thụ lớn trơ trụi. Một số xúm xít quanh Nhan và bác Cả để xem khoai và cá tươi.

- Bác để hết cho tụi tui hả bác ?

- Bác ơi, cá nầy đổi bao nhiêu gạo sấy hả bác ?

- Cô cũng đổi khoai mì lấy gạo phải không ?

Nhan cuống quít trước những câu hỏi tới tấp và đám đông vây quanh. Những khuôn mặt trẻ có, lớn tuổi có, sạm đen chập chờn không rõ nét. Những đôi mắt chăm chú nhìn Nhan, những câu hỏi nhẹ nhàng đôi khi ra ngoài đề tài buôn bán làm Nhan bối rối. Một nỗi thẹn thùng dâng lên làm đỏ rực đôi má vốn đã rám hồng vì nắng.

Nhưng sau rốt cuộc đổi chác đã xong, người lính chỉ huy nhờ Nhan, bác Cả và thằng Lời lột vỏ dùm hai rổ khoai mì. Một người lính trẻ được chỉ định làm giúp Nhan và bác Cả, còn những người khác trở về chỗ nghỉ chân mà họ đã chọn, ngủ gà ngủ gật.

Bóng nắng trưa in rõ đường dao thoăn thoắt xoáy thành hình trôn ốc đều đặn trên tay người lính. Nhan buột miệng :

- Ngó bộ anh lột vỏ mì thạo ghê.

Người lính trẻ không ngước nhìn lên, chỉ mỉm cười đáp hồn nhiên :

- Ăn thua gì cô, bây giờ tui làm chậm đó, ngày chưa đi lính, má tui chuyên bán khoai mì nên tui lột vỏ quen rồi.

Nhan liếc mắt xem người lính có nói đùa không, nhưng khuôn mặt anh vẫn bình thản dưới chiếc nón sắt che gần hết trán.

- Nhà anh trồng khoai mì ?

- Không, má tui mua khoai mì ở chợ rồi về nấu bán lẻ. Lâu ngày hành quân xa, chưa có dịp ăn khoai mì nên thấy thèm thèm.

Anh lính vừa nói vừa săm soi củ khoai mì gọt vỏ trắng toát.

- Củ nầy bở lắm đây.

Bác Cả cười :

- Cha chú mầy cũng tinh mắt ghê.

Anh lính trẻ ngẩng đầu lên cười nụ cười đầu tiên :

- Nghề của tui mà bác.

Cả ba người cùng bật cười rộ. Người lính nằm lim dim gần đó mở mắt nhìn rồi nói trổng :

- Cha, thằng Nghi thấy khoai mì như cá gặp nước.

Người lính tên Nghi lại cúi xuống chăm chú cắt những đường viền trôn ốc trên thân củ khoai dài lẳng. Anh nói, giọng nhỏ hơn :

- Tui, thiệt tình nhớ má tui hơn là nhớ khoai mì. Không có tui chắc bả vất vả lắm.
Giọng nói của Nghi nghe bùi ngùi. Nhan dừng tay gọt vỏ bâng khuâng, một xúc cảm nhẹ nhàng dâng lên, Nhan thấy anh lính Nghi nầy đáng mến. Nhan nhớ lại mẹ, nhớ dáng gánh hàng của bà mỗi trưa bãi chợ, nước mắt Nhan dâng tròng.

- Con nhỏ nầy, hơi chút là khóc.

Anh lính nhìn Nhan dò xét. Nhan xấu hổ gầm mặt lẩm bẩm :

- Bác thiệt á. Tại cháu nhớ mẹ cháu.

- Mẹ cô mất…

- Ừa, hồi đánh nhau năm ngoái đó, bả bị lạc đạn. Tội nghiệp, tía nó thì mù lòa, nhà chỉ có hai chị em, nên nó đâu dám bỏ tía nó tản cư với người ta. Chứ ở đây thì chỉ có ông già bà lão tàn tật. Chị em nó như người lạc.

Nghi chép miệng :

- Chiến tranh thì khổ vậy đó bác à. Thôi cô cũng đừng buồn nữa. Rồi cũng yên.

Rồi cũng yên. Nhan lẩm bẩm ngậm ngùi. Rồi cũng yên. Nhan bình tĩnh trở lại.

- Con người sống chết có số hết cô à. Phải không bác, như tụi cháu xông pha lửa đạn mà có hề hấn chi đâu. Hòa bình là khỏe.

- Chắc làng nầy sẽ đông đủ lại anh há ?

Người lính gật đầu :

- Thì vậy rồi, lúc đó đố cô có còn bán khoai mì cho tụi tui với giá rẻ mạt như vầy.

- Tui bán cho anh chớ. Dù chi cũng chỗ quen biết.

Nhan đã lấy lại được sự vui tươi đầu. Tâm hồn bình dị và thơ ngây của Nhan dễ vui, dễ buồn. Chính nét đó làm Nghi thấy có cảm tình với cô gái quê mùa nầy chi lạ. Tội nghiệp cho cô ta, sống như người thượng ở vùng hoang vắng nầy. Vậy mà cô ta cũng ở được, thật là lạ. Nghi nghĩ tới đứa em gái út của chàng. Chắc cũng bây lớn vầy. Nhưng con nhỏ khôn hơn, liếng thoắng hơn, sung sướng hơn. Em Nghi được đi học, được vui đùa với bạn bè, trong khi đó, Nhan ngồi đây cắm cúi lột vỏ khoai mì đổi lấy chút gạo sấy và sống đời sống không tương lai.

Khi trời đứng bóng thì cả ba người lột xong mớ khoai lớn. Những củ khoai mì giờ đây đưa nguyên củ trắng nuốt, bắt mắt. Người lính chỉ huy đã đi thâu gạo sấy, góp trả lại cho bác cháu Nhan. Thằng Lời đổ nốt mớ cá vào một miếng giấy lớn của người lính mập mạp nhất và đón mớ đồ hộp trong tay ông ta.

Nghi quay lại tìm con dao lẩn trong đám vỏ mì và tiện thể, chàng đưa cho Nhan một hộp bánh, nói :

- Cô giữ lấy mà ăn, tui còn nhiều, đồ cá nhân ăn hổng hết.

Nhan tần ngần. Nhìn hộp bánh trái cây, Nhan đã tưởng tượng đến vị ngọt ngào ngon lành của bánh. Nước bọt trào ra đầy miệng và Nhan không thể từ chối món quà hậu hĩ đó.

Người lính sợ Nhan không nhận vội quay sang bác Cả nói chuyện khác :

- Chiều nay chắc có đoàn… tới nói chuyện với dân làng về tình hình mới. Tui phải giữ an ninh ở đó bác à.

- Vậy thì tốt quá còn gì nữa.

Ðoàn quân đã bắt đầu sửa soạn tập họp trở về nơi đóng trại bên kia bờ lạch. Nhan cúi xuống cố khênh chiếc thúng nặng chĩu những bao gạo và đồ hộp. Nhưng không được. Người lính đã tất tả chạy vào hàng. Nhan còn thấy một tia mắt êm đềm nhìn lại đậu vài giây trên Nhan rồi lẩn quất trong đám người áo xanh ồn ào.

- Thôi đi về đi Nhan à. Thằng Lời đâu rồi, phụ khiêng đỡ cái coi. Mầy cứ như con khỉ chạy rối lên. Mau về còn ăn cơm, tao đói bụng lắm rồi.

Ba bác cháu cũng rời chỗ mình cùng lúc với toán quân. Những tiếng hô nhịp đều, tiếng bước chân rập ràng động lên lá khô, nặng nề trong nắng trưa xa dần, xa dần rồi khuất hẳn sau khúc quanh um tùm của những bụi cây thấp rậm lá đằng kia.

Nhan quay lại, lòng đột nhiên ngậm ngùi như vừa đánh mất những giây phút vui đẹp tuyệt vời.


***


Ðược thông báo trước. Khoảng chừng mặt trời vừa chiếu xiên mấy ngọn tre già, Nhan đã ra ngồi trước sân nhà dưới tàn mát của mấy bụi Ngâu lấm tấm hoa vàng. Thằng Lời đang ngồi chẻ lạt ở đầu hè thấy vậy vùng lên tiếng :

- Cha, ngó bộ chị nầy nôn nóng dữ thần. Khi nào họ tới mình ra cũng được chớ. Mà chị nói cho tía biết chưa ?

- Rồi.

Thằng Lời nheo một bên mắt.

- Mà rồi chuyện gì, chị có nói cho tía biết là anh Nghi cho chị hộp bánh mà chị cất để dành ăn một mình không.

- Nhiều chuyện…

Nhan la át em nhưng mặt đã đỏ bừng. Hồi trưa, thằng Lời rủ Nhan mở hộp bánh ra ăn, mặc dù rất thèm nhưng Nhan phân vân mãi. Tưởng tượng khi ăn xong, không còn gì, chỉ còn cái vỏ hộp rỗng tuếch lẫn lộn trong bụi rậm, Nhan thấy tiêng tiếc làm sao ấy. Nói tiếc thì cũng không hẳn là tiếc. Nhưng bên trong lòng Nhan có một động lực thầm kín lạ lùng đối với chiếc hộp bánh màu xanh sẫm đó. Nhìn hộp bánh, Nhan nghe lòng vui vui, một nỗi vui êm đềm thắm thiết mà Nhan mới cảm thấy lần đầu.

- Hồi tối, tui mơ thấy xe lửa chị Nhan à. Tỉnh dậy, còn nghe tiếng còi hú dài, mà nghe thiệt đó.

Nhan lơ đễnh ầm ừ. Lạ thật, câu nói của thằng Lời mọi ngày gợi cho Nhan bao mối xúc động không thôi bây giờ như một câu nói thường tình. Ðã mấy ngày nay, Nhan đã quên đi tiếng còi xe lửa mong ước. Nhan cũng ít nhớ đến chị Nhỉ, đến con đường sắt song song xa tít tắp tận bên kia dãy núi đồi. Hằng đêm Nhan ngủ yên hơn, nhưng có một điều là trong bóng tối, Nhan thấy mình khác lạ mọi ngày.

Thằng Lời chợt bỏ dao nhỏm dậy. Nắng hắt trên người nó thành những đợt vàng tươi như mật. Mái tóc cứng lởm chởm như gốc tre vươn rậm rì nâu cháy. Ðôi mắt thằng Lời lim dim, lối lim dim của con chồn lúc rình mồi. Nó đã nghe thấy những bước chân nặng.

Nhan nhìn theo em và cũng cứng người lắng nghe. Khác hẳn Lời khi nhận được đích xác là đoàn….đã đến, Nhan nghe người nóng ran lên lạ kỳ. Tim đập mạnh trong lồng ngực. Khuôn đất sân nhà đột nhiên quá trống trải và Nhan muốn chạy vào nhà kiếm một xó xỉnh nào đó ngồi im trong bóng tối. Nhưng Nhan vẫn ngồi yên ở chỗ, mắt dán vào khúc quanh đằng kia, nơi đó đã có những bóng áo xanh di động.

Thằng Lời chạy vội vào nhà la bài hãi :

- Tới rồi, mấy ảnh tới rồi tía.

Cả bọn mấy người lớn lần lượt bước ra đứng trước hiên nhà. Chỉ vọn vẹn có năm người lính trẻ. Nhan thấy thật nhanh vóc dáng quen thuộc của Nghi. Ánh mắt của Nghi như đang tìm kiếm và trong một thoáng chốc dừng lại nơi Nhan vừa như chào hỏi vừa như cười vui.

Nhan cúi mặt xuống đất. Tay vò nát mấy chiếc lá Ngâu hăng nồng. Hai người lính giữ chức vụ chuyện trò với những người còn lại ra hiệu cho mọi người kiếm chỗ ngồi, han hỏi vài ba câu về tình hình và đời sống của những người ở lại làng rồi bắt đầu phát cho mỗi người một xấp giấy có in hình màu đẹp đẽ.

Ba người lính còn lại trong đó có Nghi chia nhau canh gác ba mặt. Nghi đi vòng ra sau nhà và khuất dạng. Tự dưng, Nhan thấy trống vắng vô cùng. Nhan cầm hờ hững xấp báo trong tay mà không thiết đọc. Mắt đăm đăm trông chừng ra sau nhà, nơi đó, người lính trẻ đang lục lọi, canh gác một mình.

- “Bà con yên tâm mà làm ăn… sắp có hòa bình đến nơi rồi. Chính phủ mình đang họp bàn chuyện hòa bình. Ðó bà con nhìn vô mấy hình chụp nầy thì thấy. Ðây là Ba Lê, nước Pháp đó… Ðây là bàn hội nghị…”.

Nhan nghe loáng thoáng câu được câu mất. Lạ thực, nàng không thể chú tâm nghe nói chuyện mặc dù Nhan thỉnh thoảng cũng cố lắng tai để xem người lính nói gì, nhưng chỉ được một chốc, Nhan lại đưa mắt nhìn ra sau nhà, lòng nôn nao nóng bỏng.

- Bên trong tờ báo nầy cũng có mấy cái hình chụp đó cô Nhan à.

Nhan giật mình thiếu điều muốn bỏ chạy. Nhưng chỉ một giây qua giọng nói quen thuộc hồi trưa đang ở sau lưng Nhan. Tim Nhan đột nhiên nhảy mạnh trong lồng ngực. Má nóng ran. Và một luồng niềm vui chạy dài trong người nàng. Nhan không trả lời, cũng không quay lại. Nàng ngồi thẳng lưng và bắt đầu theo dõi câu chuyện người lính đang nói, vẻ chăm chú lạ thường, mặc dù trong lòng Nhan như rối bời.

- “Bà con chịu khó chờ một thời gian nữa. Chúng tôi cố gắng giúp đỡ bà con được chừng nào hay chừng ấy. Còn ai muốn lên tỉnh, chúng tôi sẽ gửi theo xe lương đi. Ở đó có mấy trại tạm cư… Dạ, bà con có gì thắc mắc không ?”

Không khí bao quanh im lặng, chùng xuống nặng nề sau khi người lính dứt lời. Không ai biết phải đòi hỏi thắc mắc những gì. Tất cả đều đi quá sự hiểu biết và tiên liệu của đám người chất phác. Mãi, bác Cả Bửng mới rụt rè giơ tay lên hỏi. Bác nói :

- Dạ, hổng biết như vậy rồi dân làng ở đây có về không hở mấy anh.

Câu hỏi của bác Cả Bửng khơi mầm cho những thắc mắc đơn giản bị dồn nén bấy lâu nay. Ông Hai Kiên thực tế hơn đòi hỏi :

- Không biết anh có biết là chính phủ có cho tụi tôi gạo muối không ? Ở đây không có gạo. Ruộng chết hết rồi.

- Tui thích hũ nước mắm. Ðược cái nước mắm nhỉ thì ngon ba chê.

- Các ông ở đây lâu hay mau. Chắc hòa bình rồi mới đi chớ. Vậy là tụi tui mừng rồi, chẳng thiết gì hết.
Bà Tư què nhớ đến con mình, bà bật khóc bệu bạo hỏi :

- Mấy anh có biết thằng Nhỉ con tui nó đóng ở đâu không. Mấy anh nhắn dùm là tui không tản cư đi đâu hết á. Tui còn ở đây, nói nó về thăm tui, chớ con vợ nó bỏ đi rồi.

- Bà con đừng lo, hòa bình rồi là yên hết mà. Tụi tui cũng mong hòa bình đến lẹ lẹ để khỏi rày đây mai đó. Tụi anh em chúng tui cũng có gia đình, cha mẹ già như bà con vậy. Còn chuyện gạo nước bà con chớ lo, thế nào chúng tôi cũng tìm cách giúp đỡ bà con. Ðể chúng tôi đề nghị với cấp chỉ huy.

Bên cạnh Nhan, Nghi thì thầm :

- Chắc cô lo lắm phải không. Sao chẳng thấy tía cô hỏi gì hết.

Nhan cười lắc đầu :

- Tía tui hiền lắm. Với lại ổng mù lòa nên cũng ít thiết tha.

- Nhưng còn cô, còn cái chú gì gì đó.

- Thằng Lời hả. Ăn nhằm gì, nó còn con nít.

Nghi nhịp nhịp mũi súng chĩa lên trời cười :

- Còn nhỏ. Chắc chỉ có cô nói. Nó lớn bộn rồi đó. Ở thành phố cỡ nầy là rành lắm rồi. Ờ, mà cô Nhan không thắc mắc gì hết sao ?

Nhan lắc đầu :

- Tui chẳng biết phải hỏi gì. Hằng ngày đôi khi ngồi một mình tui chỉ mong có ai để hỏi để nói chuyện. Nhưng bây giờ tự dưng nghẹn ngang à.

- Kể ra tui cũng phục cô ghê. Ở buồn như vậy mà ở được. Tại cô có hiếu.

Nhan chớp chớp mắt :

- Ai mà không có hiếu. Ví dụ như nếu anh ở địa vị tui chắc anh cũng vậy. Ðâu có bỏ đi được, mà đi đâu cũng không bằng tình cha con đâu anh ơi.

Nghi càng lúc càng thấy mến cô gái nhơn hậu nầy. Chất phác, hiền hòa mà lại hiếu thảo, thực là viên ngọc quý. Giọng nói chân thật của Nhan làm Nghi thấy bạo dạn hơn, thân mật hơn với Nhan. Nghi đem chuyện gia đình mình kể cho Nhan nghe. Chàng nói về người mẹ tảo tần buôn bán. Ðứa em gái học trường công suốt năm áo trắng. Nghe Nghi kể, Nhan nghe xúc động dâng trào như thể hòa đồng vào nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em của người lính trẻ trước mặt. Ít ra, đây là lần đầu tiên, Nhan nghe một người nói chuyện gia đình mình với bao trìu mến thương yêu. Nhan nhớ đến mẹ mình, người mẹ bạc phước mà rơm rớm nước mắt :

- Tui mất mẹ rồi nên ít được chăm sóc. Chớ chi bây giờ còn mẹ, chị em tui chắc đỡ buồn hơn nhiều.

Nghi cười an ủi :

- Chớ bù lại tui không còn cha thì sao. Mỗi người được phần nầy mất phần khác, cô cũng không nên buồn phiền.

Thằng Lời ở đâu đó, bây giờ mon men lại gần Nghi cười :

- Anh Nghi à, chiều ni đi câu cá không ?

Nghi quay lại ôm vai thằng Lời, mắt nhìn Nhan phân bua :

- Chú Lời nầy cứ tưởng như là tui rảnh rỗi suốt ngày đi chơi như chú ấy. Tui còn phải lo canh, lo gác, lo hành quân nữa chứ.

Thằng Lời le lưỡi :

- Như vậy mệt thấy mồ. Mà em thấy mấy anh đó cứ ra lạch tắm hoài mà.

Nghi cười :

- Chiều ni anh mắc trực. Thôi để mai đi. Sáng mai đi ngược lên đầu suối chơi. Cô Nhan có đi không ?

Nhan ngần ngại :

- Mai tui phải hái rau.

- Thì mình đi rồi hái rau luôn.

Nghi gật đầu :

- Tui chỉ cô một đám rau đủ thứ, rau dền trắng có, đỏ có, rau sam, rau má. Hồi sáng đi lùng tui gặp mọc hoang rậm rì hà.

Nhan sáng mắt lên :

- Tía tui khoái rau dền lắm.

- Vậy thì mai đi.

- Mai đi.

Không còn gì để nói, thằng Lời chạy vụt lại chỗ hai người lính … đang đứng chỉ dẫn cái gì trong mấy xấp báo. Nhan và Nghi đột nhiên im lặng. Nhan muốn đứng dậy đến chỗ tía mình và mấy người hàng xóm cho đỡ ngượng nhưng không dám dời chỗ mình, chỉ đành vờ đưa mắt ngó đăm đăm đằng kia như đang cố hết sức lắng nghe câu chuyện.

- Khi nào yên tôi mời cô Nhan lên nhà tui chơi cho biết. Má tui chắc mến cô lắm.

- Dạ.

Nhan giật mình, rồi chợt hiểu hết câu nói. Nhan lúng ta lúng túng không biết trả lời làm sao. Nghi hỏi lại lần nữa :

- Cô có vui lòng đến nhà tui chơi không ?

- Dạ… mà làm sao đi ?

Nghi cười :

- Ối, yên rồi xe cộ chạy hà rằm cô lo gì mà không đi đến nơi về đến chốn. Ngại là ngại cái cô không muốn đi thăm nhà tui.

- Nghe anh kể chuyện cô em anh tui ham lắm chớ. Anh biết không, ở đây, tui đang đi học bất thình lình đánh nhau, rồi tan nát cả làng. Cô tui chết chôn tận trên kia lận.

Nghi ái ngại :

- Tui thì bỏ học lâu rồi. Nghĩ lại thấy tiếc ghê, nhưng biết làm sao được. Con người có số có phần mà cô.

Nhan cười :

- Có trí thì nên.

- Thì cũng bởi vậy, tui mong yên rồi là về đi học lại.

Nhan mở to mắt :

- Ý, lớn đầu rồi bộ đi học ngồi với con nít sao ?

Nghi lắc đầu :

- Cô sao thiệt. Người lớn học với người lớn chớ. Mấy lớp đêm đó, họ mở dành cho mấy người mắc đi làm việc ban ngày không đi học được mà muốn tiến thân. Nhiều ông già còn đi học. Mà mình đi học chứ có làm gì đâu mà mắc cỡ.

Nhan tò mò :

- Ðàn bà con gái có học được không anh ?

- Ai học mà không được. Tui nói thiệt chớ đi lên tỉnh dễ tiến thân hơn. Khi nào yên, cô đưa bác lên trển rồi học hành thêm.

Nhan rầu rĩ :

- Anh nói vậy chớ tụi tui mà đi đâu. Ði đâu cũng không khỏi nhớ cái nhà, cây tre, miếng đất, miếng vườn. Ði không được đâu. Nhứt là tía tui đó, đố mà xeo cho tía tui chịu đi.

- Còn cô ?

Nhan ngập ngừng một chút rồi nhoẻn miệng cười :

- Ði cũng nhớ nhớ ghê chớ.

Cơn nắng cuối cùng đã khuất hẳn. Bầu trời về chiều cao vút với những đợt mây mỏng mảng nhuộm màu vàng nhạt. Gió thổi hiu hiu mát rượi. Ðám côn trùng bắt đầu lên tiếng rỉ rả. Hai người lính kia đã chấm dứt câu chuyện và đang sửa soạn xếp lại mấy tập báo dư. Nghi đứng dậy tần ngần :

- Xong rồi, tụi tui về.

Nhan bàng hoàng đứng dậy. Hai chân tê tê buồn buồn vì ngồi lâu. Ðám hàng xóm vẫn còn tụm lại nói chuyện nhỏ với nhau trong lúc mấy người lính chào ra về. Nhan đứng ngay như trời trồng mãi cho đến khi bóng những chiếc áo xanh khuất hẳn trong bóng chiều hôm. Ngôi sao đêm long lanh sáng rỡ. Nhan nhìn trời và nhớ đến buổi cơm chiều. Nàng đi vội ra sau bếp mặc cho người lớn bàn ra tán vào về những hình ảnh trong xấp báo.

Bên bếp lửa hồng, Nhan mở một tập báo, nhìn những hình ảnh lộng lẫy màu sắc trong đó. Nhưng được một lát, nàng thừ người đăm đăm nhìn ánh lửa nhảy múa linh hoạt. Không có gì còn lại trong óc Nhan ngoài những tiếng nói thì thầm lạ lùng không rõ rệt. Nồi khoai mì sôi lúc nào Nhan cũng không hay. Tiếng nước trào ra khỏi nồi, hắt tắt một bên bếp bung tro mù mịt .

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 498

Return to top