Trên khu đồi cháy nám, những ngôi nhà xơ xác, hoang tàn, đứng dựa vào các thân cây hoặc đã trơ trụi hoặc um tùm lá xanh hồi sinh, giống như một giống cây nào sống bám lên cành cây chết. Ngọn đồi thoai thoải chạy dài và tận cùng bằng một thung lũng cũng xơ xác và hoang tàn không kém. Duy có điều nơi đây, cây lá xanh hơn, dầy hơn. Ðiểm sinh động duy nhất của vùng nầy là một con lạch nước đục ngầu phát nguồn từ một nguồn suối nào đó ở tận dãy núi đằng xa. Nước trong băng qua những vùng đất lở lói cuốn trôi chân cát. Vì thế dòng nước tới đây không bao giờ trong trẻo mà như có nhuộm màu.
Trong chiếc áo cánh nâu bẩn bụi, bạc màu, Nhan ngồi sát lạch thòng cái chân có vết chai đau buốt xuống dòng nước ấm áp vì nắng. Nước mơn man chỗ đau tạo nên cảm giác dễ chịu. Mặt trời đã ngả về hướng tây. Ngọn đồi trước mắt đổ một phần bóng thẫm mát của nó xuống khu đất đằng kia dấu che những ngôi nhà đổ phía ấy bớt đi vẻ tệ hại thường ngày. Cảnh im lặng làm Nhan hơi rùng mình. Nhan quay ra đằng sau và đột ngột kêu giọng hốt hoảng :
- Lời ơi, Lời, xong chưa ? Lẹ lên, Lời…
Một vài con chim hót e ngại trên cành cây bên kia lạch. Tiếng chân đi sột soạt vội vã. Rồi một thằng bé mình trần, quần đùi ca-rô vá đùm đụp, mình mẩy đầy mồ hôi vạch lá bước tới :
- Bà làm nó thất kinh nó chạy mất rồi. Kêu gì mà kêu hoài vậy ?
Nhan rút một chân lên khỏi lạch nước, quay đầu nhìn em :
- Ghê quá mầy ơi, tao xem như phía nhà dưới đồi kia có người ở.
Thằng Lời đưa mắt nhìn qua, nhổ toẹt nước bọt xuống chân rồi cất giọng khinh khỉnh :
- Người ở, bộ chị mớ hả ? Làm tôi mất con chim rồi. Con chim cu bự quá chừng mà…
Thằng Lời dáng vẫn còn tiếc con chim bẫy hụt. Nó hậm hực gieo người xuống bờ lạch rồi không biết nghĩ sao trườn mạnh người xuống nước, lột thật nhanh qua bờ lạch bên kia. Nhan hốt hoảng kêu lên :
- Lời, qua đó làm gì vậy ? Về đi. Ðừng có qua bển.
Thằng Lời đã leo lên bờ, cái quần đùi sủng nước kéo trễ quá rốn.
- Lời, về đi không tao mét tía mầy chết. Về còn đi hái rau nữa.
- Chớ chị ngồi đó nãy giờ có ai nói không ?
- Tao biểu về mà, lẹ lên.
Nhan đứng dậy, gió đong đưa mấy nhánh tóc vắt ngang dọc qua mặt. Thằng Lời đã lội xuống rạch nhưng vẫn còn chần chờ chưa chịu trở lên. Ðợi Nhan giục một lần nữa, và tỏ ý muốn đi thật, nó mới vội vàng phóng lên bờ lẽo đẽo theo sau chị.
Không xa, khuất những đám cây thấp bên bờ lạch là một khoảng đất trống với hàng trăm loại cây con sát đất. Nhan ngồi phệch xuống nói với em :
- Lựa rau lang thôi nghe mầy. Tao ghét rau dền lắm. Hổng biết sao tía khoái loại đó quá trời. Hái cái ngọn thôi. Sao mầy bứt toàn cỏ không vậy ?
Hai chị em cắm cúi hái rau. Những ngọn rau hiếm hoi lẫn lộn với hằng trăm loại cây cỏ không tên. Những ngọn rau cằn cỗi như đếm được từng lá, nắm từng bó nhỏ trong tay. Nắng chiếu bỏng rát một bên má Nhan. Mồ hôi nhỏ giọt trên trán. Nhan ngừng tay. Thằng Lời cũng lặng im. Bỗng dưng Nhan đứng bật dậy :
- Có tiếng còi xe lửa.
Thằng Lời vểnh tai nghe ngóng. Nhan bước vội mấy bước về phía trước :
- Có xe lửa.
- Em chẳng nghe gì hết. Mà làm gì có xe lửa ?
Bó rau trên tay Nhan rơi xuống :
- Tao nghe mà, xe lửa.
Thằng Lời lắng tai một lúc rồi cúi đầu thản nhiên tiếp tục hái rau :
- Cái chị nầy bữa nay ăn nhằm gì mà như người ngủ mê.
Nhan dõi mắt về phía đằng xa, sau dãy núi thấp. Nơi đó con đường xe hỏa cỏ cao mọc đầy. Con đường ngày xưa mỗi chiều rục rà rục rịch tiếng xe chạy vang động mặt đất và khói đen bốc cao hơn núi tản mác như mây trên trời. Con đường sắt mà ngày xưa mỗi lần dẫn trâu ăn cỏ, Nhan ngồi thụp lên thanh sắt lạnh chờ chuyến tàu đến từ đằng xa, chờ âm thanh hú dài man rợ lẫn tiếng trâu rống bên bờ bụi cỏ mà ngẩn ngơ nhìn những khuôn mặt xa lạ thấp thoáng bên khung cửa rộng của con tàu.
Ðã lâu lắm rồi không còn những chuyến tàu qua. Ðã lâu lắm rồi Nhan không còn dẫn trâu vượt núi ăn cỏ. Ðường sắt bỏ hoang và trâu cũng không còn. Một trận đánh đi ngang khu xóm hẻo lánh và quét hết những gì nó có. Sau cơn kinh hoàng, đất không hồi sinh, và người bỏ đi gần hết. Xóm vắng lặng không một hoạt động nào khả dĩ làm tươi đời sống, phục sinh cây cỏ. Cây cỏ chết, nhà cửa đổ nát và lòng người cũng chết theo. Xóm còn lại vỏn vẹn sáu gia đình cùng quẫn, chẳng biết đi đâu, đành bám víu mảnh đất buồn mà quen nầy.
- Chị dóc tổ, làm gì có xe lửa. Có Tết Công-gô.
Nhan ngẩn ngơ. Bóng núi đổ thẫm và nền trời mùa hạ xanh ngắt. Không có gì hết, ngoài tiếng gió lao xao. Nhưng trong tận cùng tâm hồn Nhan vẫn có nghe đâu đó tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt.
- Thôi hái lẹ lên đi bà, còn về chớ không tía đợi chết luôn.
Nhan thẩn thờ ngồi xuống nhặt bó rau rơi rớt. Những cọng rau khô trên nền đất nẻ. Tiếng thằng Lời liếng thoắng :
- Mai sớm em ra đây lấy nước tưới đám rau nầy chớ không chết hết. Ờ mà chị Nhan nè, cây chuối bữa nọ em trồng đó sắp sửa trổ buồng chuối rồi đó.
Nhan ngừng tay liếc nhìn Lời bằng một mắt trái :
- Sao mầy biết. Tía đâu có thấy gì.
- Sao em lại không biết, lá ngọn của nó bắt đầu nhỏ lần rồi nè, em để ý thấy nó nhỏ hơn lá trước.
Nhan cười :
- Ờ chắc vậy, nhưng mầy trồng gì không trồng lại trồng chuối sứ.
Thằng Lời đứng dậy vươn vai, bó rau tắm nắng vàng vọt :
- Thôi về, đủ rồi.
Nhan cũng vặn người nhè nhẹ cho đỡ mỏi. Hai chị em đem rau đi ngược dòng lạch rửa sạch lớp đất cát dính. Xong xuôi, thằng Lời trao nắm rau cho Nhan và chạy mất sau hàng cây thấp. Nhan chỉ nhìn thấy được tấm lưng đen của nó thấp thoáng khi ẩn khi hiện. Nắng chiếu xiến khoai trên con đường ngoằn ngoèo. Nhan thong thả bước. Chân đùa trên lá, trên cỏ mà óc còn mơ màng nhớ tới tiếng còi xe lửa ngày nào còn văng vẳng như một nhắc nhở thầm về thời nào sung sướng.
***
Những mái nhà đứng đìu hiu trong nắng cũng hoang tàn không kém cảnh vườn tược bao quanh nó. Hiên sụp lủng lẳng như một tấm rơm bện vụng vỗ vào vách trước vang lên từng tiếng kêu ngắn lụp bụp. Mấy ngọn nắng quái chiếu hừng hực vàng một khoảng nhà trống.
Ông già ngồi yên lặng. Bóng đổ thẫm làm Nhan có cảm giác ông đã ngồi đó lâu lắm rồi. Nhan nện bước chân mạnh hơn chút nữa để ông khỏi phải giật mình :
- Tía đói bụng chưa tía ? Ðể con luộc khoai nghe tía.
Ông già vẫn làm thinh. Chỉ có đôi mắt trắng không hồn đảo đi đảo lại như trả lời. Nhan đứng sát bên cha, kéo lại tấm áo cũ rách, cố kiếm vài chuyện để kể :
- Tía à, hồi về gần nhà, con có gặp ông già Bắc. Con hỏi bác đi đâu đó. Tía biết ổng trả lời sao không ?
Ông già đảo cái đầu bạc.
Nhan cười nhỏ một mình. Nàng ngồi phệch xuống đất, hai tay nghịch những cọng rau lang :
- Ổng nói ổng đi làm ruộng, tía ơi.
Ông già khoát một cánh tay. Ðôi môi nhép định nói gì rồi lại thôi. Chỉ có vầng trán nhăn càng nhăn nhiều hơn. Nhan quen với sự im lặng của cha, ngồi im một lát. Nhan định thuật lại với cha tiếng còi xe lửa mà Nhan đã nghe được ở đâu đó vọng lại nhưng rồi thôi. Nhan lần xuống bếp.
Thằng Lời nhai ngấu nghiến một củ khoai sống. Bột trắng trào cả ra ngoài. Thấy Nhan nó bụm miệng bỏ chạy.
- Mầy ăn vụng hả Lời ? Có mấy củ khoai để dành.
Nhan hậm hực nhìn theo em. Nàng lại chỗ cất khoai nhìn vào hủ.
Những củ khoai to nhỏ chất đầy, ngồn ngộn, vỏ màu hồng lạt, màu trắng trông vui mắt. Lứa khoai nầy, hai chị em Nhan mới rỡ tuần trước.
Nhan lựa một số cũ đã bị sứt một phần hay lóc vỏ phơi lần bột trắng bên trong để ăn chiều nay. Lương thực chính của những gia đình còn sót lại trong ngôi làng hoang tàn nầy.
Bóng chiều thẫm mầu. Những tiếng chim núi bay ngang nhà kêu lên khắc khoải. Nồi khoai sôi sùng sục bốc thơm ngát mũi. Ông già đã rời chỗ của mình vịn vai Lời bước xuống bếp. Cả ba cha con đều hít lấy mùi khoai thơm nóng. Ba người quây quần bên bếp lửa. Ngoài tiếng nước réo sôi và tiếng nắp vung tán thành tiếng leng keng trên miệng nồi nhỏ hơn nắp, kỳ dư tất cả đều yên lặng. Mà cũng không có gì để nói, họ chịu đựng cho qua hết một ngày buồn.
Khoai chín. Nhan đổ ra chiếc rá con rồi khởi sự luộc rau. Thằng Lời bốc vội một củ hít hà thảy liên tiếp bằng hai tay vì nóng. Ông già làm thinh, nhưng lồng ngực cũng phập phồng. Nhan quát lên :
- Mầy không lựa khoai cho Tía mà lo ăn trước hả Lời ?
Ông già nói tiếng nói đầu trong ngày, giọng khàn đục run rẩy :
- Kệ nó, em nó đói con cho nó ăn. Tội nghiệp.
- Tội nghiệp ! Tía cứ vậy hoài. Cho nên nó đâm ra hư.
Giọng Nhan kéo dài. Ông già cười nhẹ.
- Không sao đâu con, mà có hư cũng vậy thôi.
Cũng vậy thôi. Nhan đưa củ khoai ngon nhất cho cha. Ừ nhỉ, hư với nên để làm gì trong ngôi làng hẻo lánh nầy. Nghĩ tới phận mình, Nhan thở dài, nàng lại chợt nhớ đến tiếng còi xe lửa.
Khi củ khoai cuối cùng vào tay thằng Lời thì trời đã tối hẳn. Ông già men theo tấm vách lên chỗ của mình. Nhan bước ra ngoài sân ngồi xuống cạnh em bâng quơ nhìn. Con trăng già nằm lấp lửng lưng trời. Ánh sáng bạc phếch chiếu lấp loáng trên bụi chuối bên hè.
Thấp thoáng đằng xa, bếp lửa muộn của nhà bà Tư què lập lòe như bóng ma trơi. Nhan nhìn mãi ánh lửa đó như điểm sinh động cuối cùng ở quanh mình.
- Cha, nà bà Tư què bữa nầy ăn gì mà nấu nướng lâu quá trời.
Thằng Lời vọt miệng :
- Hồi chiều em gặp bả, bả khoe chị Nhỉ bẫy được con chồn.
Nhan gắt nhẹ :
- Chồn thành tinh thì có.
Thằng Lời chép miệng thèm thuồng :
- Thiệt mà chị. Ngó bả vui lắm. Ðể bữa nào em đi núi bẫy chồn nghe chị Nhan.
Nhan trừng mắt nhìn em :
- Tao có chết cũng không ăn cái giống quỷ đó đâu.
- Thì tía với em.
Nhan quyết liệt :
- Tao nói không là không. Mầy đi bắn chim đi. Chim nướng ngon ba chê.
Nhan nuốt nước miếng nghĩ đến miếng thịt chim thơm tho mà thỉnh thoảng nàng được thưởng thức nhờ công của thằng Lời.
- Chim thì được bao lăm, một mình em phải sực hai chục con mới đã. Chồn to nhiều thịt, mà cũng ngon lắm.
Nhan nhìn em nghi ngờ :
- Bộ mầy qua xin ăn chị Nhỉ hả ?
Thằng Lợi trợn mắt nhìn chị :
- Ðừng có nói thêm. Bây giờ bả mới nấu, mà cả chiều đi hái rau với chị chớ đi đâu.
Nhan nhìn qua bếp lửa nhà chị Nhỉ. Bếp đã tắt tự hồi nào. Chỉ còn bóng trăng giải sáng thấp thoáng mái tranh với cái đỉnh nhọn vì một quả đạn pháo kích rớt một bên mái hồi trước xa.
Tiếng dế, tiếng ểnh ương, tiếng côn trùng, tiếng gió rì rầm nghe buồn vô hạn. Bỗng dưng, Nhan thèm nghe một tiếng nói, một tiếng cười, một người bạn.
Tiếng còi xe lửa. Nhan đứng dậy. Nhưng không phải. Ðó chỉ là ám ảnh không nguôi của một tâm hồn cô độc.
Nhan nhớ man man ngày xưa êm đềm. Ngày tiếp nối, ngày tiếp nối. Ngôi làng nhỏ tuy thưa thớt nhưng cũng đủ để những đứa bé vui chơi học hành. Dân làng tuy cực nhọc, tuy suốt đời không biết đến phố xá thị thành, nhưng một vài tiện nghi đời sống cũng đã đến từ những chuyến xe đò buôn bán, những chiếc xe lam dẫn vào con đường mòn, len qua những ngọn đồi thấp, những thung lũng hoang dã, chở đủ loại hàng tạp hóa.
Nhan lại nhớ đến những chuyến tàu với những hành khách xa lạ hoặc sang trọng, hoặc lam lũ. Những chuyến tàu ngược xuôi chở đi cái ao ước đầu đời của cô gái nhỏ thôn nghèo. Nhưng khi Nhan chỉ vừa đủ lớn để bỏ chơi chuyền, chơi sỏi với lũ bạn hàng xóm, để giúp mẹ ra đồng cày cấy trồng trọt, cơm nước thì cũng lúc ấy chiến tranh tới tấp đem tang thương đến vùng nầy.
Cuộc chiến đến bất ngờ như một cơn lốc. Không ai ngờ, vùng đất cằn cỗi, hoang vu và xa xôi nầy mà cũng nằm trong sự tranh chấp. Và cũng bởi vậy nên không ai phòng bị. Sau cơn lốc chiến tranh, ngôi làng không còn là ngôi làng nữa. Tất cả bị tàn phế, kể cả cây cối ruộng nương. Những người sống sót bồng bế nhau, chồng chất nhau lên những chuyến xe lam đi tìm phương khác sinh nhai. Còn lại mấy gia đình đành lần lựa ở vùng đất chết nầy hầu tìm sự sống.
Mẹ Nhan chết ngay trong đêm đầu khi chiến trận xảy ra. Người chồng mù lòa chôn xác vợ ở một góc vườn rồi nín lặng chờ đợi phiên mình. Nhưng dứt binh lửa, ông vẫn còn sống và ông bám chặt mảnh đất quê hương, nơi đón nhận thân xác của người vợ hiền bao năm hương lửa. Ông nhất định không đi đâu hết và gửi con cho người hàng xóm. Nhưng hai chị em Nhan cũng không nỡ rời cha. Người thân yêu độc nhất còn lại trên đời. Người cha mù lòa cần sự giúp đỡ của con cái hơn bao giờ hết. Lòng hiếu thảo dìm cuộc đời hai chị em Nhan trong cảnh yên lặng hoang tàn nầy.
Hai năm qua, cánh đồng không người cày cấy đã úa khô cỏ mọc đầy. Chỉ có mấy vườn rau lang bên bờ rạch, những đám mía hoang, và vườn sắn ở tận đầu kia dãy đồi nuôi sống mấy gia đình còn sót lại. Hàng năm, ông già mù lòa rờ rẫm mái tóc dài của mỗi đứa con mà hy vọng :
- Riết rồi dân làng cũng về đây con à. Không ai bỏ làng đi luôn đâu. Tao biết rồi họ cũng về mà. Khi đó hai đứa không lo nữa. Sẽ có trâu, có ruộng, có vườn như hồi mẹ con còn sống. Lúc ấy cha chết mới yên tâm được.
Nhưng mỏi mòn. Ðến nay, tóc Nhan đã dài quá lưng mà không bóng dáng một ai trở về. Không có tiếng xe lửa mỗi chiều hú còi thê thiết. Không tiếng xe lam cà rịch cà tang mang hàng về chợ. Không có ai trở về cả.
- Chị Nhan…
Nhan giật mình. Thằng Lời bỏ đi từ lúc nào giờ chạy về, thở hồng hộc như trâu trưa.
- Gì đó mầy. Hả Lời ?
Thằng Lời đưa một miếng lá gói nhỏ. Ánh trăng chiếu vào như tươm mỡ. Có mùi thơm. Nhan la lên :
- Ðồ chết bầm, mầy qua bển xin ăn đó hả. Tao mét tía mầy chết.
- Thôi Nhan, họa hoằn mới có, tao cho nó một miếng.
Chị Nhỉ đã đi đến đầu ngõ. Thằng Lời cười sung sướng hít gói lá. Nhan tươi cười nhìn chị :
- Thằng hư quá chị ơi. Bà Tư bả la chết.
Chị Nhỉ là con dâu của bà Tư què. Chị khoảng ngoài bốn mươi, trông lam lũ với gương mặt hóp và một vết sẹo dài chạy qua dưới cằm. Mái tóc đẹp nhất của làng chị, ngày xưa dài chấm đất nay xơ xác búi lỏng lẻo lòng thòng ngang cổ. Ðáng lẽ chị bỏ đi khỏi làng, nhưng nghiệt bị bà mẹ chồng què quặt níu kéo. Bà mẹ chồng khóc lóc thảm thiết làm chị xiêu lòng. Chị ở lại với niềm tin duy nhất là người chồng đi lính sẽ trở về đây tìm chị dễ hơn là chị theo dân làng phiêu dạt nơi nào.
Chị là người hàng xóm duy nhất hay đi lại trò chuyện với Nhan. Mặc dù không có chuyện để nói, nhưng họ vẫn nói, nói để đánh tan bao cô độc, bao nỗi buồn triền miên âm thầm đến tuyệt vọng.
- Hồi chiều…
Chị Nhỉ ngồi bệt xuống đất cạnh Nhan và bắt đầu kể lể.
- Hồi chiều, tao băng rạch qua đồi…
Nhan kêu lên :
- Chị băng qua bển mà không sợ hả ? Ông Cả Bửng nói có ma ở bển đó.
Chị Nhỉ nhích môi cười nhạt :
- Ðói thì đầu gối phải bò, ma với cỏ gì. Bên đó có nhà ông Xã Nang, ổng đi còn để lại mấy hủ gạo. Lão Cả Bửng dọa mình để một mình bưng hết. Tao qua đó kiếm được mấy cái bẫy với lại một lưng lúa. Nhưng để lâu, mọt nó ăn, sâu nó ăn còn có vỏ không. Tức mình tao đem bẫy đặt ngoài hang núi, chờ đến chiều mới được một con chồn. Cái giống tanh, nhưng lâu ngày chỉ có khoai với sắn xót cả ruột.
Nhan nuốt nước bọt :
- Hồi chiều tụi em cũng ở đằng rạch. Không thấy chị ?
- Tối mịt tao mới về tới nhà. Về tới nhà tao mới run. Chèn ơi, sao mà nó dễ sợ hơn bên mình nhiều.Nhan nhìn chị. Ðôi môi còn bóng lưỡng vì chất thịt. Người chị bốc lên một mùi tanh tanh làm Nhan lợm giọng. Nhan giả vờ bị kiến cắn, xuýt xoa chồm ngồi đối diện với chị Nhỉ :
- Sao hổng biết bà Bảy bán bánh, bà Dự bán chè đi nói yên yên rồi về mà chẳng thấy gì hết. Sao họ không về đây Nhan há ?
Bà Bảy, bà Dự là hai người hàng xóm quen của Nhan.
- Ðâu có ai về .
- Sao yên mà chẳng ai chịu về ?
Nhan thở dài. Ai mà biết được tại sao. Họ chưa về hay họ không bao giờ về nữa. Nhan rùng mình khi nghĩ đến những ngày tháng tới. Chị Nhỉ nhìn Nhan, trong khóe mắt chị hai giọt lệ trào nhanh.
- Bộ mình cứ như thế nầy hoài hả Nhan ?
Nhan nghe chị than thở câu nầy cả trăm, cả ngàn lần rồi. Chị như con chim muốn bay mà mất cánh. Nhan nhìn ra xa. Ngoài tiếng chim đêm khắc khoải, tiếng ếch nhái kêu vang, không còn gì sinh động vui tươi. Cây cối thì có vươn mình, có đơm thêm nhựa sống, nhưng sao chẳng thấy ai trở về, dù là trở lại thăm. Nhan nói với chị Nhỉ mà cũng như nói với riêng mình :
- Rồi họ cũng về chớ chị.
Nhan đột ngột nín thinh. Nhà đâu nữa mà về. Tất cả đã bị tàn phá, tất cả đã nằm bẹp. Ruộng không còn, vườn cũng không, đất đai cằn cỗi. Ai mà mong về. Bỗng chị Nhỉ đột ngột nắm lấy vai Nhan. Bàn tay chai cứng của chị đè nặng trên lần vải áo :
- Hay mình cũng đi Nhan à. Tao sợ ở đây quá. Không còn ai ngoài mấy người già. Mầy dắt ông già mầy, tao cõng bả ở bên cũng được. Ði đi mầy. Ðâu còn ai ở lại đây nữa. Dễ sợ quá mầy.
Nhan rùng mình. Ði. Ði. Ði tới nơi nào đông người. Nhan mường tượng đến một ngôi làng trù phú xa lạ. Có chợ, có người, có gạo, có quà, có thịt, có cá, có xôi, có đậu. Nhan như muốn thoát bay. Nhưng chỉ một phút thôi lòng đã chùng xuống.
- Mà đi đâu. Chị có biết đâu không ? Lâu rồi, hổng thấy có ai qua lại, cả tàu lửa, cả xe đò, xe lam. Ði đâu chị ?
Chị Nhỉ nhớ tới nơi anh Nhỉ đóng quân, một cái tên lạ hoắc :
- Bạc Liêu. Ði Bạc Liêu.
- Ở đâu chị ?
Chị Nhỉ thờ người. Cái tên nghe mà xa lạ như không biết. Mà chị không biết thật, bởi những ngày yên ấm cũ, chị có bao giờ thắc mắc đến vùng đất trú đóng của chồng. Người chồng thỉnh thoảng gửi tiền, gửi thư, những cái thư hoặc đưa tay hoặc theo mấy chuyến xe lam chở đến tay chị. Những địa danh thay đổi từng thư một chị không màng biết đến. Ðối với chị ngôi làng nhỏ nầy là quê hương, là vùng đất độc nhất chị ở, chị trao thân gửi phận.
- Không biết.
Nói xong, người chị rủ xuống. Búi tóc xổ tung. Những sợi tóc dài bay bay rã rời. Nhan im lặng nghĩ đến mái tóc chị Nhỉ ngày xưa. Chắc khi tóc Nhan dài bằng chị, Nhan cũng già như chị bây giờ. Chị Nhỉ vẫn gập người. Chị không còn khóc lớn được nữa. Hằng đêm khóc cho cảnh cô độc đáng sợ trong ngôi làng hoang tàn nầy đã rút hết nước mắt của chị rồi. Nước mắt bây giờ trào ra như những giọt lệ thừa. Nhan biết rồi chị sẽ quên cơn buồn của mình ngay. Cứ để chị ngồi yên.
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lỗi nhịp gập ghềnh khó đi
Tiếng thằng Lời nhừa nhựa vang lên từ trong nhà.
Chị Nhỉ ngẩng đầu lên. Nhan cười với chị :
- Cái thằng đỏng đảnh phát ghét.
- Giá chị có một đứa con với ảnh chắc chị không có buồn như vầy.
Nhan cười :
- Chị có con chắc chị bỏ đi lâu rồi. Có đâu ở lại đây mà buồn chi cho mệt. Mình cứ chờ. Biết đâu chưa yên nên dân làng mình chưa dám về. Chớ em chắc ai chớ Dì Dự cách gì dì cũng về mà.
Chị Nhỉ im lặng một chút rồi gật đầu :
- Ờ, dì đó thì không bỏ ruộng, bỏ làng được đâu. Tội nghiệp, hồi đi, dỉ khóc quá xá. Dỉ còn gửi tao mấy cái lu nước còn nguyên, nói là để hồi cư về khỏi mua.
Nhan cũng nghe hy vọng dâng lên. Một chút vui vui hăng hái. Một ngày nào đó làng sẽ vui như cũ.
Chị Nhỉ nhìn Nhan một hồi lâu :
- Mới đó mà mầy cũng lớn bộn rồi đó Nhan. Tao nhớ hồi chạy, mầy khóc quá trời. Bị ông già mầy thương bà già mầy nên… ừa mà hồi đó mầy đâu có lớn như vầy. E làng mà còn đông đảo cỡ nầy mầy đã lấy chồng rồi.
Nhan bỗng nghe xấu hổ ngang.
Chị Nhỉ vô tình cứ nói tiếp :
- Mầy lớn trông được ra chớ. Cũng mập mạp đỏ da đỏ thịt chớ có gầy gò gì cho cam.
Rồi chị chép miệng :
- Con gái lạ thật. Cứ tới tuổi là phởn da, ăn uống kham khổ cũng cứ lớn như thổi. Hồi chị bằng tuổi nầy là anh ấy đi hỏi đó.
Nhan nhìn mải miết lên ngôi sao đêm sáng rỡ giữa trời. Tiếng chị Nhỉ nói râm ran xa vời. Nhan nghe lòng mình là lạ. Hình như có chút gì mơ hồ trong lòng không rõ rệt. Nhưng tình cảm đó chiếm mất những lo âu mà đời sống thực đưa đến. Nhan hầu như ít quan tâm hơn đến những bữa ăn ngon hay dở, ít đòi hỏi chút gạo thay khoai như thằng Lời hay đòi, như Nhan đã đòi hỏi cách đây không lâu. Tất cả như câu chuyện phụ. Nhan mơ hồ thấy mình đổi khác.
- Con nhỏ lớn bộn rồi chớ. Tội nghiệp, vậy mà cứ ở mãi đây. Bằng tuổi nầy là phải có bạn bè chớ. Ở đây còn hơn là ở chốn khỉ ho cò gáy nữa là.
Tiếng chị Nhỉ nói như một âm thanh lạ. Nhan cúi xuống cái bóng mình in trên lằn đất nện. Mớ tóc dài sau lưng quệt một cái đuôi như đuôi con trâu cái của mẹ Nhan hồi xưa. Nhưng Nhan cũng đọc thấy sự khác biệt của hai chiếc bóng. Một còm cỏi già cỗi, một no tròn nhẹ nhõm. Nhan mường tượng lại thời gian mấy tháng qua, Nhan thấy mình là lạ làm sao. Hay buồn rầu gắt gỏng, đôi lúc thích ngồi một mình, đôi lúc thèm muốn chỗ đông người. Nhan hay nhìn trời, nhìn mây rồi ao ước vẩn vơ. Những ao ước cằn khô và vu vơ như khu làng hoang vắng nơi Nhan ở.
- Chị Nhỉ à. Sao mấy hôm rày tui hay nghe thấy tiếng còi xe lửa ghê. Hồi chiều nầy nầy. Tui nghe rõ ràng có tiếng còi xe lửa.
Chị Nhỉ chồm người lại hỏi :
- Thiệt có xe lửa không ? Dám vài bữa nữa có người về làng lắm.
Câu nói của chị Nhỉ làm Nhan thấy rõ sự tuyệt vọng của chính mình. Nỗi hy vọng của chị Nhỉ làm tấm gương soi thấy sự hy vọng mà Nhan đang có. Từ đó, Nhan thấy mình chỉ nghĩ và mơ hão huyền. Nhan ngập ngừng nói :
- Hổng chắc đâu chị Nhỉ ơi. Có bữa nửa đêm tui nằm ngủ cũng mê thấy xe lửa nữa, thức dậy còn nghe tiếng máy chạy rung rinh cả đất. Nhưng hồi chiều ban ngày…
Nhưng chị Nhỉ hầu như không nghe thêm gì nữa. Cái mấu hy vọng vừa bắt được, chị không muốn bỏ rơi. Chị muốn nuôi nấng nó để sống, để chịu đựng sự vắng lặng im lìm đến dễ sợ của chốn hoang sơ.
Có tiếng gió rít qua gốc tre đằng xa. Chị Nhỉ bỗng đứng bật dậy :
- Tao nghe… đúng rồi, có tiếng còi xe lửa mà. Thế nào cũng có mà.
Nét mặt chị rạng rỡ :
- Mai mốt dân làng về rồi. Thế nào ảnh cũng về. Ra coi xe lửa đi Nhan. Ði đi…
Chị đứng dậy búi vội mái tóc sổ trong khi Nhan ngơ ngác nhìn chị cố ý lắng nghe có tiếng còi nào trong đêm không.
- Làm gì có tàu đi ngang đây ban đêm.
Chị Nhỉ không nghe Nhan nói, chị thoát đi như chạy :
- Ra đón coi xe lửa Nhan.
Bóng chị trải trong màn sương trắng. Nhan sực tỉnh kêu to :
- Chị Nhỉ, tối rồi đi đâu. Không có đâu. Ði dễ sợ lắm, qua núi không được đâu. Chị Nhỉ, không có đâu.
Chị Nhỉ như không nghe vẫn đi băng băng. Bóng chị ẩn hiện sau những khóm cây thưa.
- Cái gì vậy Nhan ?
Ông già lòa nằm trong nhà không ngủ. Tiếng Nhan chới với y hệt tiếng kêu của đêm nào binh lửa dậy ngôi làng nhỏ. Ông già hốt hoảng bật dậy lần vách ra cửa.
Thằng Lời cũng chạy theo đứng sát cạnh cha. Nhan chỉ tay theo hướng chị Nhỉ hốt hoảng nói :
- Chị Nhỉ, chỉ đòi ra ngoài đường rầy coi xe lửa đó Tía.
- Trời đất.
Ông già quay quanh chụp vai thằng Lời :
- Lời chạy theo kéo nó về.
Thằng Lời không đợi tiếng thứ hai co giò chạy miết. Ông già dựa vào cột nhà lẩm bẩm :
- Riết rồi tụi nó hóa điên hết. Trời Phật đâu không ngó xuống.
Nhan bước tới lui trước khoảng sân nhà. Gió lành lạnh đầy hơi núi lan tràn khắp thung lũng. Thằng Lời mất dạng. Nhan lại bên cha :
- Thôi tía vô ngủ, chắc thằng Lời đuổi kịp chỉ mà.
Ông già làm thinh nhưng không nhúc nhích. Nhan cũng không giục cha thêm nữa. Nàng thấy cần có người đứng cạnh.
Thế rồi trong tiếng côn trùng kêu, tiếng lá, tiếng gió rì rào, Nhan nghe tiếng cằn nhằn của thằng Lời :
- Chị điên hả, giờ nầy mà ra ngoải, không sợ ma hả. Tàu lửa với tàu bè.
- Không có xe lửa nào đâu cháu ơi. Cây cỏ mọc đầy, mấy khúc rầy có làm lại đâu mà xe lửa chạy, bị gỡ lâu quá rồi, mầy ở đây già đầu mà còn không nhớ.
Nhan lẩm bẩm :
- Bác Cả Bửng tía à.
Mặt ông già vui vui. Ðôi mắt trắng chớp chớp trong cái trủng sâu thấp dưới vầng trán nhăn.
Bóng ba người đã đến ở đầu đường quẹo. Dáng lão Cả Bửng vững chải nhất che lấp cả hai người kia. Nhan rời chỗ đứng, đi ra.
Chị Nhỉ khóc tức tưởi. Chị không nói không rằng, ngồi bệt bên gốc cây vạn thọ cằn cỗi. Thằng Lời lẹ miệng phân bua :
- Xém chút nữa chỉ nhảy qua lạch đó Tía. May mà bác Cả đang đặt nơm cá, chận chỉ lại. Thiệt đàn bà giống nhau hết chỗ nói. Hồi chiều đó Tía, đang hái rau, chị Nhan cũng đứng bật dậy nói là nghe tiếng xe lửa.
Cái đầu thằng Lời ngúc ngoắc vờ làm ra vẻ chán nản như người lớn. Bác Cả Bửng vò đầu nó cười lớn :
- Mầy giỏi quá hén.
Nhan nhìn cha. Ông già ngước đầu nhìn ra ngoài như cố dõi mắt tìm người bạn già. Bác Cả Bửng bước lại gần nắm lấy tay ông già giục giặc :
- Anh Hai há, mình già nên chẳng nghĩ gì hết. Tụi nó chắc chịu không nổi quá.
Ông già chép miệng :
- Thiệt tui cũng không biết sao, hồi đó nói nó đi, nó không chịu, bây giờ thì kẹt rồi. Tội nghiệp, mấy đứa còn nhỏ. Nhiều khi tui buồn chỉ muốn chết phứt cái thân già vô dụng. Nếu trời không bắt tội mù lòa, chắc tui cũng dẫn nó tìm đường sinh nhai.
Bác Cả Bửng thở dài :
- Ði đâu ? Ði đâu, càng đi càng nhục. Chỉ có đất quê mình mới sống được. Lên tỉnh, lô ngô lố ngố một lũ. Suốt đời tui cũng không dám. Lạ thiệt tui cũng biết thiên hạ đi được mình đi được, nhưng tui không dám rời đất nầy. Với lại tưởng họ đi năm sáu tháng rồi về, yên rồi về, nhưng sao chẳng thấy ai về hết. Bộ họ không về sao anh Hai ?
- Chắc riết rồi cũng về chớ. Nhớ cái hồi đánh Pháp không ? Tụi mình vô núi rồi nửa năm sau cũng về đó.
Hai đôi mắt già, một sáng một lòa cùng chớp lên một chút hy vọng. Nhan dẫn cha vô nhà. Bác Cả Bửng theo sau. Hai ông già cùng ngả lưng trên chiếc giường tre. Cả hai sẽ nói chuyện với nhau và ngủ ở đây suốt đêm. Thằng Lời thì hí hửng ra mặt vì tảng sáng, thể nào bác Cả Bửng cũng ra rạch lấy nơm, nó sẽ đi theo và chắc chắn cũng được vài con cá nướng trui thơm lừng.
Lời chạy theo hai ông già và ngồi dưới chân giường lắng nghe câu chuyện.
Chỉ còn Nhan và chị Nhỉ ngoài sân. Trăng càng lúc càng lên cao sáng rỡ. Nhưng sương bắt đầu dầy bịt trên mấy ngọn cây. Chị Nhỉ đã hết khóc. Chị ngồi bó gối mà nghe cái lạnh của sương đêm thấm vào người, thấm tận hồn. Chưa bao giờ chị thấy mình quay quắt với ý nghĩ trốn đi khỏi cùng đầy tiêu sơ hoang lặng nầy. Quanh chị, cảnh u tịch đến rợn người. Không còn tiếng chân người đi khuya, tiếng học bài của trẻ, tiếng ru con của bà mẹ, tiếng cười đùa của mấy cô gái tụm năm tụm ba. Không cả tiếng chó sủa đêm và tiếng lợn kêu ăn ngoài vườn sau. Ngôi làng hoang lạnh im lìm. Mỗi đêm đến, nghe tiếng kêu khắc khoải của lũ ểnh ương chị lại nằm sát vào bà mẹ chồng què quặt mà không tìm được sự yên ổn hoàn toàn cho tâm hồn mình.
Nhan cũng vậy, nhưng tuổi trẻ nhiều sức sống hơn. Nhan có mơ ước, có giao động và sợ hãi, nhưng Nhan không như chị là sợ quá khung cảnh chết quanh mình.
- Thôi, chị Nhỉ về chớ không bà Tư lại mong. Chị đừng buồn nữa nghe. Mai chị ra lạch với tui, mình câu cá. Chị nhớ đào trùn nghe chị.
Chị Nhỉ đi về rồi, Nhan ngồi bó gối nhìn trời. Mấy sợi tóc dài suông đuột vấn vít trước ngực. Nhan mân mê tóc mình nghĩ đến tiếng còi xe lửa mà chị Nhỉ tưởng tượng. Nhan nghĩ mình cũng như chị Nhỉ và sự thật, không có gì hết ngoài sự trống không, tiêu sơ nầy. Nhan nghe thất vọng. Giá bây giờ có một đứa bạn đồng lứa tuổi cùng chơi, cùng nói chuyện phải hay biết bao nhiêu. Nhan nhớ đến con Tuần, con Vũ, con Dung. Mấy đứa bạn cứ đến đêm là chơi trò ú tìm đuổi bắt. Con Vũ thì đã chết hồi đánh nhau. Mộ của nó chôn ở ngoài khu ruộng sắn. Con Dung, con Tuần theo gia đình chạy loạn. Tội nghiệp trước khi đi, con Dung còn chạy qua nhà Nhan, cổ đeo một túi áo quần, khóc như mưa như gió. Bây giờ chắc nó cũng lớn bộn như mình, nhưng chắc tóc thì không dài hơn được. Không biết bây giờ tụi nó làm gì nhỉ, ở đâu, có nhớ đến Nhan không. Nhan nghe mình thèm quá đỗi bầu không khí vui nhộn rộn ràng giữa đám bạn bè thân thiết.
Bất giác, nước mắt Nhan chảy ra. Nhan biết mình khóc không vì cái gì hết, không vì nhớ mấy đứa bạn mà lòng Nhan tự dưng cảm xúc vì nỗi khắc khoải không tên, không lời trong lòng nàng.