Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đại tá không biết đùa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7920 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đại tá không biết đùa
Lê Lựu

chương kết
Cô chưa hề gặp người láI xe và cũng không thể biết gì về lai lịch và những hành động bộc lộ nhân cách của anh ta.
Việc cô viết thư đề nghị ráo riết với tư lệnh và làm đơn kháng cáo gửi các cơ quan pháp luật đã gây nên sự bàn luận căng thẳng dẫn đến trường hợp nổi khùng của các cán bộ phòng tuyên huấn vốn không quen nói đến “mặt trái” của người lính. Người ta gọi đấy là hiện tượng không bình thường ở một người con gái. Từ xưa tới nay chưa hề ai gặp, chưa từng có một trường hợp tiền lệ nào như thế. Có thể vì thương đại tá mà tư lệnh “nuông”, để cô ta “nhờn”. Họa có trẻ con mới nghe theo một cô gái đã mất hết danh dự. Sự phẫn nộ của cô được xem như những phản ứng vụn vặt không cần đếm xỉa. Dư luận xung quanh. Bộ tư lệnh lại được chia thành hai phía rõ rệt. Một phía khen: Dũng cảm đấy. Đúng là bọn trẻ bây giờ nó mạnh dạn thẳng thắn thật. Ghê, ghê gớm thật. Cũng phải có cơ sở gì đấy nó mới dám quyết liệt như thế. Chả cần cơ sở gì, nó cứ đem luật ra mà chiếu, nhất định lái xe phải được tha bổng. Nhưng bênh vực lái xe để mình vào tù là thế nào nhỉ? Lạ. Mà chứng cớ gì để bắt cô ta vào tù? Tự nhận giết người yêu? Hoàn toàn không có căn cứ. Cao tay đấy. Tự nhận thế để gỡ tội cho lái xe, mà minh thì không ai có thể buộc tội. Giỏi đấy. Không! Chắc là phải có mối liên hệ nào đó. Không ai dại gì làm việc ấy, nếu không có một ý đồ nào, nói thẳng ra là những âm mưu còn mập mờ, khó hiểu lắm. Và vân vân…
Phía những người chê bai chì chiết nói: Cô ta đã đi quá trớn những phạm vi có thể cho phép. Chỉ có người mắc bệnh thần kinh nặng mới có những cử chỉ như thế. Cô ta tự thú tội ư? Thôi được, cứ bằng lời thú nhận ấy, tôi tống cô vào trại giam, còn lái xe là chuyện khác, đã có luật pháp người ta xử lý, không cần đến sự tham gia của cô. Mười ngày ở trong trại là biết tay nhau ngay, cần gì phải dài dòng. Nếu cần bảo viện quân y cho một kết luận mắc bệnh tâm thần, thân kinh phân liệt, thần kinh đang ở trạng thái hoảng loạn… gì gì đấy là đủ để vô hiệu hóa sự ngông nghênh dại dột của cô ta. Kể cũng là con bé trơ trẽn liều lĩnh, ông Thủy cấm không cho còn mình dính đến cũng là phải. Ông ấy tinh tướng đấy. Trách là trách đoạn này ông ấy không kiên quyết. Hỏng. Con gái như thế là rất hỏng. Phải đặt câu hỏi, tại sao một người con gái xinh đẹp như thế, không ngoan tháo vát và hiểu biết như thế, một người khỏe mạnh đang có công ăn việc làm ở giữa phố xá đông vui, có bao nhiêu thằng con trai vồ vập quấn quýt vì sắc đẹp, có bao nhiêu người mê mẩn thềm thuồng vì hát hay, cô lại dứt bỏ tất cả, tự đày ải mình đem thân đến chỗ chết. Tự tìm đến chỗ cứ cho là sống chết bất thường đi, quyết chí bằng mọi giá theo đuôi một anh chàng binh nhì, không có chút địa vị gì, không có tài hoa gì xuất chúng, cũng không đẹp trai khiến phải ngẩn ngơ, và cũng không biết sống chết thế nào, không biết tương lai tiền đồ sẽ ra sao, ví dụ thế. Như thế, có đủ để cô ta đáng đổi bao nhiêu thứ: tuổi xuân, nhan sắc, danh dự, nghề nghiệp… Tóm lại là cả cuộc đời cô ta. Liệu có thể nào đơn giản như thế không. Nhất định phải có một nguyên nhân sâu xa nào cấn truy tìm cho ra. Có nên loại trừ khả năng ở một thành phố, như thành phố Hải Phòng, có bao nhiêu gián điệp trá hình thành thủy thủ, nhà báo, nhà ngoại giao, nhà kinh tế, nhà du lịch vận động viên và nghệ sĩ… Một thành phố nhan nhản những người không biết nguồn gốc tung tích ấy, có ai tự hỏi xem cô ta có dính líu gì đến nó? Biết đâu cô ta lại trả nhận một nhiệm vụ gì đấy. Chiến lược của chúng nó bây giờ là lâu dài, nham hiểm, tinh vi lắm, chứ không phải đơn giản đâu. Không thể đơn giản trong việc này. Nguy hiểm, rất nguy hiểm về sự thiếu cảnh giác của chúng ta. Một cô bé như thế mới sang đây vài ba tháng đã đi hầu hết đất nước này, toàn những nơi trọng yếu trong nhiệm vụ chiến lược giữa ta và bạn, mà cấp đại tá như chúng ta với bao nhiêu thủ tục giấy tờ, bẩm báo chắc gì đã đến được tất cả những nơi đó dễ dàng như cô ta. Tại sao không thể kiểm tra lại tất cả những nơi cô ta đến, những sự cố đã xẩy ra trong và sau khi cô ta ở đấy. Nếu cần, liệu có thể bắt giữ cô ta được không? Chúng ta có quyền nghi vấn cô ta là một nhân viên tình báo, nếu không phá ta về mặt quân sự, thì cũng phải có những thủ đoạn nham hiểm phá rối chính trị, phá rối nội bộ. Tại sao không thể coi việc cô ta phản đối kết luận của phiên tòa là một thủ đoạn của kẻ địch làm mất uy tín quân đội ta, làm mất sức mạnh của luật pháp? Tất cả việc làm của cô ta có mục đích rõ ràng lắm.
Sự bàn luận ấy không phải chỉ ở một vài người và cũng không thể ồn ã. Thật là phúc đức cho cô gái. Cô đã được hưởng một trường hợp ngoại lệ. Tư lệnh mặt trận đã biết đến và không cho cái dư luận kia trở thành bản án ngầm theo cô ta suốt cuộc đời. Suốt cuộc đời cô sẽ bị theo dõi, nghi vấn như rất nhiều trường hợp khác, chết mòn mỏi chỉ vì dư luận mập mờ, những nghi vấn được truyền đi trong những cán bộ có trách nhiệm, ngoài ra không ai có quyền hỏi lại và không ai chịu trách nhiệm để xác minh nó.
Cũng may những tiếng xì xào, những lời luận tội của dư luận không đến tai cô. Vậy là hai bên không có thông tin gì cho nhau mà cô đã hành động như người ta phán xét, nghĩa là cô có mục đích của cô. Cô thương cảnh ngộ của người lái xe vì không muốn một người vợ và tám đứa trẻ con phải bơ vơ đau đớn chờ đợi trong vô vọng. Nhưng cái lý do khác, quan trọng hơn, buộc cô phải hành động vội vã và quyết liệt để lật lại kết quả phiên tòa, nó xuất hiện vào chiều ngày thứ bốn mươi tám, kể từ khi Tùy mất. Nó cũng là ngày thứ hai cô có thể đi lại quanh bệnh viện. Tòa án xử người lái xe cũng đã được bảy ngày. Cái cảm giác có một đứa con được báo hiệu trong cơ thể rất tinh nhạy của cô ngay từ lần gặp nhau cuối cùng càng rõ ràng hơn trong từng ngày từng ngày, đến chiều ngày thứ bốn mươi tám, cô bắt đầu một trận nôn oẹ phải bíu tay vào tường, rồi chúi mặt vào xó nhà nôn như lôi cả ruột gan ra khỏi cơ thể. Mỗi lần dốc người lên “lôi” như thế, chỉ có rớt rãi và thứ nước vàng đắng đến rùng mình. Hết cơn nôn, cô lần về giường, gục đầu vào gối thở và không làm sao kìm được nước mắt. Đến lúc này cô mới có cảm giác là anh đã chết. Anh đã chết! Mới đêm nào gặp anh, em tưởng đã được sống lại, suốt đời chúng mình không phải xa nhau, không thể lìa bỏ nhau vì những nghi ngờ oán hận. Bây giờ chỉ còn một mình em bơ vơ. Anh đã trút lên người em tất cả nỗi đắng cay của mấy năm qua và của mãi sau này. Rồi em phải làm gì? Em còn đủ sức để nuôi con của chúng ta không? Anh đã bỏ em, anh đi không dặn dò em lấy một lời, không khuyên bảo em được một câu. Em đâu có ngờ rằng chỉ mấy phút đồng hồ anh đã bỏ em nằm lại một mình? Anh đã biết chúng mình đã có con rồi không, anh? Nó đang quấy rối em. Cô gục xuống trong nỗi ghê rợn kinh hoàng. Cả ngày hôm sau không ăn uống gì. Một cô bạn nhặt về những quả xoài xanh, cô vồ lấy ăn ngấy nghiến như chưa bao giờ được ăn một thứ của ngon vật lạ như thế. Trong trằn trọc lẻ loi, có lúc cô đã nhen lên ý nghĩ phá thai như rất nhiều người con gái lỡ lầm đã từng làm như thế. Làm như thế để giũ sạch quá khứ, để lại háo hức điên dại tìm kiếm một hạnh phúc! Hạnh phúc gì? Ai đã quy định hạnh phúc cho ai? Hạnh phúc của em khi đến với anh là gì? Làm sao có những kẻ ngu xuẩn lại đi hỏi tại sao, vì đâu ta lại yêu nhau. Không bao giờ em nghĩ mình sẽ lý giải cho những kẻ suốt đời chỉ truy tìm những câu hỏi “tại sao”. Em chỉ biết em được yêu, được sống hết điều mình mong mỏi, ước vọng. Anh đã cho em tất cả. Em cũng hiến dâng tất cả cho anh. Chúng ta đã sống bên nhau và đã tìm thấy hạnh phúc, nó bao la hơn cả trời đất, nó cao thượng hơn nỗi hận thù, nó sâu xa hơn cả kinh kệ luận lý. Nhưng sao anh lại bỏ em ra đi? Trời ơi, sao hạnh phúc của con người nó mỏng manh đến thế? Bao nhiêu tháng năm khắc khoải chờ mong trong vô vọng và liều lĩnh, đê đến khi gặp nhau, tưởng đã nắm chắc trong tay, không thể còn có một sức mạnh nào cắt rời được nó, nó lại tuột hẫng không bao giờ trở lại. Nhưng sao em lại chiều anh? Sao em không biết sự ốm yếu khổ hạnh của anh? Phải biết giữ gìn anh để anh cho em cả cuộc đời trọn vẹn! Nào em có ngờ đâu sự sống lại chông chênh đến thế! Nhưng em sẽ giữ lại. Em không thể làm một việc thất đức như lời mẹ đã dạy dỗ bảo ban em. Ngày chúng minh đến với nhau mẹ biết cả. Mẹ dặn: Nó đi vắng “có gì” cứ về đây ở với mẹ. Mẹ lo cho tất mọi bề, để con đi làm việc. Mẹ thông cảm, thời buổi bây giờ không cần câu nệ gì, con ạ. Cốt là các con thương yêu nhau, lo liệu cho nhau, con ạ. Em đã thiếu tiếng mẹ gọi từ bé, nên vô cùng cảm ơn mẹ từ những ngày ấy. Em sẽ giữ gìn để được mẹ tròn con vuông. Em sẽ về với mẹ. Em và con sẽ thay anh làm cho mẹ đỡ héo hon sầu muộn. Khi con biết nói, em sẽ dậy con khi thấy bà khóc bố, con lấy vạt áo thấm nước mắt cho bà và bảo: Bà ơi, bố cháu dặn bà đừng khóc làm cháu buồn. Bà nín đi. Cháu lớn lên cháu ở nhà với bà, cháu đi làm nuôi bà, nuôi mẹ, không để bà để mẹ vò võ một mình đâu.
Có bao nhiêu cô gái là nhân viên của viện quân y thông cảm và thương hại chăm sóc cô. Nhưng biểu hiện toát ra từ cô khiến họ yêu mến kính nể và rất lo lắng về sức lực của cô. Họ làm cho cô tất cả mọi việc để cô vợi bớt nỗi đau buồn. Nhưng cô vẫn chỉ có một mình anh. Chỉ mình anh để em than thở, hỏi han, bàn bạc cả những việc phải làm trong giấc mơ, những cơn mê sảng hoảng hốt. Em sẽ nuôi con ngoan, không được nghịch bẩn. Ô kìa, sao anh lại mang con đi? Ối, ối, không được, không được đâu. Em không cho anh mang con lên cao điểm của anh đâu. Nằm xuống! Nằm xuống nó bắn đấy! Ối, ối, con tôi… Tỉnh dậy, lau mồ hôi ướt đầm, hai tay giữ chặt lấy ngực, chỗ con tim đập dồn dập hoảng loạn, cô cứ ngồi chờ trời sáng và khi kẻng báo thức vang lên lấy giấy bút viết thư cho tư lệnh và đơn khiếu nại tòa án. Em sẽ nói rằng em đã gặp anh khi anh còn sống, chúng ta đã thành vợ chồng rồi, anh mới bị cảm vì cơ thể quá ốm yếu. Em nói rằng các ông hãy tính ngày tháng khi con tôi ra đời. Cũng có thể phân tích các xét nghiệm ở bộ quân phục của anh ấy đã mặc. Đấy là lý do duy nhất gây ra cái chết của chồng tôi, có thể gọi như thế, vì chúng tôi đã cùng nhau xác nhận mối quan hệ này. Ngoài điều đó ra, còn nguyên nhân nào khác xin các ông tự tìm kiếm lấy.
Tôi chỉ thiết tha con tôi sau này phải được công khai mang họ của chồng tôi, phải được tôn trọng và bình đẳng như mọi đứa trẻ khác. Có thể mọi người sẽ xem em như một kẻ điên rồ, một kẻ đã loạn trí. Kệ họ!
Họ có nguyền rủa, phỉ nhổ em về việc làm trơ trẽn này, nhưng một năm sau không ai dám bảo con của chúng ta là đứa trẻ không cha, khiến nó phải ra đời một cách lén lút. Em “trơ trẽn” một lần, để mãi mãi không ai có thể to nhỏ thầm thì hỏi tại sao, vì điều gì mà chúng ta yêu nhau. Sẽ có người mỉa mai con chúng ta? Chuyện đó có là gì? Em sẽ dạy con phải hãnh diện vì bố mẹ nó dám chết cho một tình yêu thực sự không cần nghi thức, không cần làm đẹp lòng ai khi lòng mình thành thật. Có bao giờ em nói hết được những điều này như bây giờ nói với anh! Sao mà em nôn nao chóng mặt quá, anh ơi. Em đã viết tất cả những điều nói với anh cho tư lệnh và quân pháp mặt trận để “nhận tội”, dù có phải tù đày em cũng sẽ làm cho vong hồn anh được thanh thản và con chúng ta không phải gục mặt trước những cái nhìn khinh bỉ của người đời.
Hai ngày sau, người ta nói rằng những điều cô viết trong thư như một người “lên đồng”, khó chấp nhận ở cơ quan quân pháp và các ngành hữu quan. Riêng đại tá Thủy thì choáng váng hơn cả sét đánh. Từ khi chôn cất con xong, ông trở thành người tỉnh táo khác thường. Ông rời khỏi bệnh viện, trở về làm việc như một người bình thường. Những người bình luận tinh nhạy ở cục chính trị nhận xét rằng thái độ của ông chứng tỏ ông không muốn giáp mặt với cô gái. Ông rất căm giận cô. Mỗi lần cô xuất hiện, một lần con ông gặp tai biến. Ông tỉnh táo bình tĩnh vì hai lý do. Một, bản tính ông vẫn thế, khi gặp đau thương, mất mát, ông luôn luôn là người tỏ ra có bản lĩnh, không hề nao núng trước những sự cố mà ông cho là thử thách. “Ở đời, thử thách càng lớn, càng chứng tỏ con người bản lĩnh cao”. Những chuyện dây dưa đến gia đình, vợ con càng phải tỏ ra vững vàng. Đấy là những chuyện riêng tư, không thể nào gục ngã trước những việc nhỏ nhoi tầm thường như thế. “Cuộc sống của hàng triệu con người tươi đẹp đầy triển vọng, kẻ nào vương vấn với những mất mát riêng tư, kẻ đó không đáng là một kiếp người. Ở đời, nó công bằng lắm cơ, anh đã dám hy sinh cho một lý tưởng cao đẹp, rộng lớn, phải biết vứt bỏ sự vụn vặt dễ làm cho con người nhỏ bé trong những lo toan tầm thường”. Hai, tuy là “tay đứt ruột xót”, nhưng mà như thế còn hơn nó theo địch. Nó sống với địch con đau gấp nhiều lần so với nó chết.
Sự dị nghị về mối quan hệ giữa cô gái với cái chết của con ông được xem như là một tuyệt mật đối với ông. Bề ngoài thì ông dửng dưng, nhưng bên trong ông tìm mọi cách để bưng bít nó lại.
Không ngờ trưởng phòng quân pháp buộc phải đưa đơn của cô “con dâu” để nhờ ông “dẹp” vụ này. Ông đọc chưa hết, mắt đã nhoà đi, buông lá đơn, hai tay đấm xuống “bàn” không phát ra tiếng kêu, chỉ thấy bụi bay lên, hai hàm răng ông nghiến lại, như muốn nhai ngấu nghiến kẻ đứng trước mặt: Trời ơi, làm quân pháp như các anh thế này đây? Còn xem xét gì nữa? Giải quyết cái gì? Cái gì? Luật pháp không tính những kẻ điên là công dân, trong khi họ đang lên cơn hiểu không? Các anh có hiểu không? Ông ấp hai tay vào mặt, hai vai rung rung từng chập, không còn biết gì đến những người đã đứng đầy ngoài cửa. Ông khóc vừa như một đứa trẻ bị đòn đau, vừa như là tiếng khóc của một người cha mất con đến lúc này mới bật được ra. Buổi tối ông gặp tư lệnh và yêu cầu để cho ông xử lý việc này. Tôi cũng định gặp anh. Tiện sang đây, ta bàn luôn. Tôi không ngờ lòng tốt của tư lệnh bị lợi dụng. Sao lại ghê gớm thế? Vì thương tôi, thương cháu, tư lệnh đã làm tất cả việc gì có thể làm được để giúp cho cô bé ấy đi tìm cháu. Không ngờ cô ta lại lợi dụng sự ưu ái đó để làm những điều không ai có thể tưởng tượng nổi. Bây giờ lại quá trớn đến mức dám viết thư cho tư lệnh và làm đơn kiện để bôi nhọ danh dự gia đình tôi. Anh nói tiếp đi. Suốt cả cuộc đời tôi chả nhẽ chỉ là một trò đùa cốt để đánh đổi lấy kết cục như thế này. Không, anh là một người nghiêm chỉnh. Cả cuộc đời anh hy sinh cho mọi người, không ai có thể hiểu sai anh. Tôi đề nghị từ buổi giao ban tới, tư lệnh nhắc các cục về dẹp ngay những dư luận bàn tán xì xào, coi đấy là chuyện vớ vẩn trẻ con của một cô gái tâm thần không đáng để những cán bộ chuyên viên bạc tóc của một cơ quan Bộ tư lệnh đàm tiếu, tranh cãi om sòm, nhốn nháo một cách vô ý thức, vô trách nhiệm với đồng chí mình như thế. Mặt khác, nếu tư lệnh đồng ý, tôi sẽ trao đổ với quân lực cho cô ta xuất ngũ. Trả về nhà máy cũ? Vâng, về nhà máy cũ. Nhưng cô ta đã bỏ nhà mày rồi kia mà! Thì về địa phương. Tôi sẽ tìm cách để giải quyết nhanh chóng việc này. Thế là gọn? Vâng! Rất nên như thế mới bảo đảm sự nghiêm túc của luật pháp. Rồi sao nữa? Tôi nghĩ chỉ có thế mới không gây rắc rối cho cơ quan. Còn việc cô ta đòi tòa xử lại, tôi thấy không cần phải xem xét gì nữa. Luật pháp đâu phải trò đùa. Anh đã đọc thư cô bé gửi cho tôi và đơn gửi Viện kiểm sat? Vâng, tôi đã đọc cả. Nhưng với những lý do ấy, ta không cần phải thay đổi gì những kết luận của phiên tòa. Còn đơn kháng cáo của bị can? Cứ chuyển lên Tòa án quân sự trung ương, tôi tin là người ta sẽ y án. Ngộ họ bác thì sao? Họ phải xin ý kiến của tư lệnh. Vậy là luật pháp không có tính độc lập khách quan của nó và nếu tôi cũng đồng ý với họ để bác? Điều đó ngoài quyền hạn và ngoài cả ý nghĩ của tôi. Và… những lời tôi vừa trình bày là sự đùa giỡn? Không, tôi đã nói rồi, anh rất nghiêm chỉnh. Cả cuộc đời anh, anh chưa đùa cợt bao giờ? Hơn một phút im lặng, tư lệnh phải đứng lên tự súc ấm pha chè, rồi lặng nhìn ấm chè ngấm. Phải vài ba phút ông mới rót ra hai chén, một đẩy về phía đại tá, một ông nâng lên nhấp từng nhấp như uống rượu. Xong, ông lại đứng dậy chậm rãi đi từng vòng quanh chiếc bàn rộng như để tìm kiếm một cách nói cho thích hợp với tình cảm của hai người trong lúc này. Có lẽ chả cần nói điều gì giữa tôi và anh suốt hơn bốn chục năm nay. Mấy tháng qua tôi xử lý với cháu như thế nào anh biết cả. Ta không bàn những chuyện đó nữa. Vấn đề bây giờ là phải xử lý công việc sắp tới như thế nào cho phải. Không thể coi đây là cái chuyện trẻ con vớ vẩn, trẻ con của cô bé tâm thần như anh nói. Ở đây, tôi muốn nói rộng ra về một cách nhìn nhận, suy xét thế nào cho phải. Đừng để những việc ta làm hôm nay khiến những người thay thế chức trách của ta, những người sau nữa, có khi cả những thế hệ sau phải gánh chịu hậu quả nặng nề của nó. Chúng ta ở với nhau thì nhiều, mà nói vời nhau những lời tâm huyết ít quá. Rất nhiều lần mình nói với nhau là nói về công việc, về nghị quyết, về tiêu chuẩn chế độ, quyết tâm của chiến dịch, của những trận đánh tiêu diệt địch. Chưa có điều kiện để ta hiểu hết đời riêng của nhau, hoàn cảnh của nhau về một cái gì đó lâu nay ta vẫn cho là nhỏ nhoi, không đáng quan tâm, hoặc phải hy sinh nó đi. Con cháu nó đã dám công khai trước dư luận, trước pháp luật là nó đã buông thả quá đà để chúng ta sẵn sàng lên án nó. Điều đó cho ta thấy sai lầm của chúng nó cũng khác gì chúng ta sai lầm. Nhưng suy cho cùng, tội phạm đâu ở đứa con gái ấy. Thôi, anh lau nước mắt đi. Đừng khóc nữa. Đau xót quá, nhưng phải chịu, biết làm thế nào. Nếu anh đau xót về những mất mát này, thì anh cũng phải biết thương xót và trân trọng nỗi đau của cô gái ấy. Nó không điên dại đâu. Hình như sự thông minh của con anh đã nhập vào nó, đê nó nói ra những điều không thể coi là bình thường, lại càng không thể coi là điên dại. Nó nói đúng cả. Anh hãy cảm ơn và tôn trọng nó, nó đã giữ gìn cho một đứa cháu nội của anh sẽ ra đời. Anh phải coi nó như một đứa con. Tất nhiên, không thể đem những điều này công bố ở phiên tòa được. Nhưng mà kết luận của phiên tòa cũng cần xem xét lại. Anh nói gì? Đúng thế, chính tôi đã thông cảm. Tôi đã nghe những ý kiến luận tội. Nhưng bây giờ cũng phải lắng nghe những ý kiến của cô bé có thể được coi là con dâu của anh. Nó sẵn sàng nhận tất cả mọi tội lỗi để cho người mẹ và tám đứa trẻ không phải chia lìa nhau. Nhà báo bạn của anh đã từng là nhân chứng cung cấp nhiều chi tiết cho vụ án ấy cũng vừa viết thư cho tôi. Hơn mười trang thư anh ta đã kể tỉ mỉ về cuộc điều tra suốt ba tháng trời ở quê hương người lái xe và những gì có liên quan đến quá khứ của anh ta, hoàn toàn ngược lại những kết luận của tòa án. Anh ta tha thiết đề nghị tôi: về nguyên nhân chính gây ra bi kịch này, xét cho cùng, không phải ở người lái xe. Thế thì nguyên nhân chính ở đâu? Có mở lại phiên tòa để thỏa mãn nguyện vọng của nhà báo và con dâu anh không? Những điều ấy đều phải xem xét nghiêm túc. Trước đây tôi đã dễ dàng chấp nhận kết luận của tòa án kết án anh ta ba mươi sáu tháng tù ngồi với những tập hợp chữ nghĩa trơn tru đanh thép: Rằng kỷ luật chiến trường bị vi phạm, rằng trách nhiệm được giao dù anh chỉ là một thường dân. Răng khi kẻ địch nổ súng bất cứ người công dân nào cũng đều có nghĩa vụ trên cương vị công tác của mình. Rằng bỏ đồng đội là một tội không thể tha thứ với người chiến sĩ ở chiến trường. Rằng… Nhưng trước những khiếu nại mới này ta có dám lập lại một phiên tòa để làm cho minh bạch rõ ràng mọi điều không? Nếu chỉ cần giảm nhẹ tội cho người lái xe được một năm để tạo nên cái án thật chính xác, tạo cho người vợ và tám đứa con giảm bớt được đau khổ ta có dám làm không? Chúng ta có thói quen chỉ thích chiêm ngưỡng những kết quả tốt đẹp, chỉ nhăm nhăm tìm đến kết quả của mình làm. Nhân danh người lính, nhân danh mặt trận. Ta đã làm ra cái gì là nhất thiết phải là kết quả tốt đẹp, dù thực tế nó quá xấu thì chúng ta vẫn chỉ có thói quen là tốt đẹp. Tôi biết những điều tôi nói có thể làm đau đớn, anh hoàn toàn không thể chấp nhận nhưng không thể nào khác.
Gần như suốt ba tiếng đồng hồ chỉ một mình ông nói, chưa bao giờ ông lại nói những điều tâm huyết khắc khoải trong nỗi niềm sâu kín của ông như đêm nay. Nhưng đã đến lúc không thể nào khác được nữa. Khi ông ngồi xuống thì đại tá vẫn gục đầu ở một đầu bàn. Đứng lặng nhìn dáng điệu của đại tá, ông không thể ngờ rằng một con người đi bên mình suốt 40 năm qua, lúc nào cũng hăm hở lao vào cuộc chiến đấu hết mình, nghiêm chỉnh suốt một cuộc đời để đến cuối cùng nhận lấy một kết cục như thế này. Nhưng biết làm thế nào để cưỡng lại một hiện tại đã diễn ra. Ông thấy khắp người đau ê ẩm, mệt mỏi quá. Ông cũng gục đầu xuống đầu bàn bên kia. Căn phòng yên ắng không một động tĩnh nhỏ và cả hai không hề biết rằng trận mưa ào ạt đã dội xuống, mái lán lợp lá cây thốt nốt như muốn bung ra.
Đó là đêm cuối cùng của một mùa khô. Trận mưa đêm nay thật dữ dội. Nhưng người dân có nước cầy cấy, người ta mừng rỡ tin rằng cái dấu ấn khác nhau của mỗi mùa đã xuất hiện, dù còn vô cùng gian nan với những nắng mưa thất thường.

<< chương 5 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 369

Return to top