Cũng giống như hồi ông đã cấm con ông không được yêu một cô gái chỉ vì cô là người thành phố đã bỏ người yêu khi anh ta đi học công nhân ở nước ngoài. Sự đúc kết ở đời này nó chính xác lắm cơ.
Người ta đã bỏ được người thứ nhất cũng dễ dàng bỏ đến người thứ một trăm. Thói quen mà. Nó giống như cái bậc thềm nhà mình ấy. Hồi nhỏ khi con đã bỏ qua được một lần thì những lần sau có gì cản trở nữa đâu. Bố cô ta cũng hai đời vợ đấy biết chưa? Cái “gien” ấy là tiền lệ cho cô ta thoải mái đi lại, ăn ở với cậu kia như vợ chồng, thoải mái khoác vai nhau đi giữa đường phố rất trơ trẽn, rồi lại bỏ nhau một cách rất dễ dàng, con biết chưa? Bố từng trải hơn con, những hiểu biết và kinh nghiệm của bố phải đổi cái giá cả cuộc đời mình mới cho bố nói được những lời tâm huyết như thế với con. Có thể nào bố mẹ lại muốn đày đoạ con mình. Nhưng cái gì cũng có giá cả con ạ. Muốn sung sướng mãi mãi phải có lúc biết chịu đau buồn, có người còn dám đánh đổi cả nửa thế kỷ để lấy nửa ngày sung sướng kia mà. Tại sao con lại không dũng cảm được như thế. Đấy là điều bố không thể yên tâm mỗi khi nhớ đến con. Nếu con bỏ cô ta, con cũng có thói quen bỏ hàng chục cô khác? Đấy là sự so sánh khập khễnh. Đấy không phải là chuyện bỏ mà là không thích hợp. Nhưng con yêu cô ta và ngược lại, con cũng nhận được tình yêu chân thành từ cô ấy! Bản chất của con người ấy không phải như thế. Con gái thành phố nó ma quái lắm, con chỉ là con thỏ nhà để con hổ rừng đến vờn giỡn thôi. Con không nhận thấy thế. Cái gì cũng phải có thời gian và sự thử thách. Thì cứ đợi thời gian và cô ấy có điều kiện thử thách. Bố không muốn con phải trả giá đắt chop một sự bịp bợm. Con cũng có cách nhìn nhận và đánh giá của con! Nghĩa là con không cần đến bố? Con không dám nói thế, nhưng con cũng dám nhận lấy mọi kết quả trong việc này. Bố không thể đánh đổi cả cuộc đời chiến đấu của bố cho một sự đùa cợt. Nhưng chúng con yêu nhau nghiêm túc. THế nào là nghiêm túc? Chúng con sẽ chung thủy với nhau đến tận cùng. Không có chuyện đó. Toàn là những lời lẽ thành thạo đã được tập dượt nhiều lần ở những người khác rồi, con ạ. Ngược lại, con thấy cô ta rất thành thật, con chưa hề nghi kị điều gì. Trước đây cô ta cũng “thành thật” và rất “thiêng liêng” trong mối tình đầu đấy chứ. Con biết cả, nhưng con vẫn tin ở cô ta như cô ta đã tin con. Tóm lại là con không thể bỏ được cô ta? Vâng. Vậy thì con giết bố đi, rồi sẽ hành động theo ý mình. Và bố cũng xin nói ngay là ở đời này bố chưa hề chịu bó tay nhìn thất bại trước bất cứ việc gì.
Người vợ chỉ dám nghe trộm khi hai bố con tranh cãi mà không dám khóc lóc, can ngăn. Mai kia chuyện gì sẽ xảy ra? Không thể biết, nhưng bà dám chắc ông không đời nào để nó yêu cô kia. Nó không bỏ, ông ấy sẽ có cách để nó không thể cưỡng lại. Đã sẵn sàng hứng chịu tai họa, bà vẫn không kìm giữ nổi sự hoảng hốt khi biết tin con trúng tuyển nghĩa vụ. Nó là con một, lại là thợ giỏi của nhà máy, vẫn không được miễn, hoãn? Cả giám đốc nhà máy, cả tham mưu trưởng bộ chỉ huy quân sự thành phố đều trách bà không biết thuyết phục chồng. Các ông là bạn bè, cùng cấp chức với nhau chả can nổi huống hồ tôi quê mùa chỉ biết làm ăn, vun vén cái nhà này như một con ở. Hàng chục năm nay đưa con đi đâu, cho chơi bời với ai, tự dưng bắt cải tạo, tự xin hoãn đi đại học nước ngoài để làm công nhân, để rèn luyện đều do ông ấy nghĩ ra, bắt con phải làm theo, bà không được bàn bạc tham gia! Thằng Tùy nhập ngũ, biên chế vào đơn vị bộ binh, huấn luyện, sau ba tháng bổ sung cho chiến trường D.79 nơi ông đang ở. Cái việc rất ngẫu nhiên chỉ có vợ ông và những người bạn biết vì sao lại có sự “tình cờ” ấy. Cũng như mọi việc bố đã quyết định trước kia, Tùy không phản đối. Nói đúng ra, với tính nết và thói quen của mình nó không thể phản đối. Đã biết không thể cưỡng lại, nó ra đi để “chia cắt” tình yêu theo ý bố, nhưng thực chất là để giữ gìn mối tình của hai đứa khỏi bị phá vỡ bằng những biện pháp khác. Dẫu sao nó vẫn phấp phỏng nỗi lo sợ một nguy cơ tan vỡ. Trước mắt, chưa hề có biểu hiện gì, nhưng sự xa cách sẽ là những mối đe dọa không biết sẽ ập đến lúc nào! Hoài ơi, tại sao em lại yêu anh? Làm sao mà biết được. Em chưa nói thật với anh đấy thôi. Không được tự ái cơ. Bàn tay em vuốt vuốt những sợi tóc rối rắm của anh cho xuôi xuôi, giọng vỗ về. Phải hiểu là chúng mình như thế nào em mới nói những lời này, không được buồn đấy. Nếu cả ngày đi làm, đêm về lại ngồi đến sáng nghe em kể chuyện, buồn hay vui, anh cũng muốn ngồi suốt đêm. Thôi đi, đừng có mà nịnh. Thế em yêu anh từ bao giờ. Có phải từ hôm anh mang bưởi đến cho không? Không. Thật lòng, hôm ấy em đang nhớ đến anh Hùng. Đừng buồn, anh nhé. Anh Hùng là mối tình đầu tiên của em mà. Cũng vì yêu anh ấy quá mà em không thể tiếp tục yêu anh ấy được. Anh ấy đẹp trai, hát hay, chơi đàn ghi ta rất giỏi. Cùng một lúc có hàng chục đứa con gái xô lại muốn giật anh ấy ra khỏi tay em. Anh ấy là người dễ xúc động và sẵn sàng chiều chuộng làm cho bao đứa con gái hy vọng, còn em thì luôn luôn hoảng sợ anh ấy vuột khỏi tay mình. Nhưng em biết chưa thể có đứa nào đánh bật được em. Suốt một năm trời em như một con thiêu thân, một kẻ nô lệ. Anh biết đấy. Em không phải là đứa con gái không có những chàng trai sẵn sàng “chết”, nhưng vì em đã thực sự yêu anh ấy, tình yêu đầu tiên. Vì thế lúc nào em cũng thấy hoảng sợ bị bỏ rơi. Nhưng anh ấy vẫn ở bên em, chiều chuộng và nghiêm khắc, vừa tha thiết vừa hững hờ. Suốt một năm trời gần như ngày nào em cũng vất vả với câu hỏi: liệu có còn hay sẽ mất. Đang bay bổng lên trời xanh hay đang rơi xuống ao tù? Em tự ngờ vực lại tự trấn an mình. Tâm trạng của em bị lặp đi lặp lại nhiều quá nó thành quen. Khi anh ấy đi, chúng em chia tay nhau dễ dàng. Nói dễ dàng vì không thể cố lên được nữa. Đã nhiều lần em tìm cách trả thù anh ấy thật độc ác. Đến khi nghĩ lại thấy sợ. Nhỡ anh ấy làm sao, sợ anh ấy buồn. Đêm chia tay lần cuối, anh ấy bảo: Chúng ta không nên hứa hẹn một điều gì. Hãy giữ gìn những kỷ niệm thiêng liêng quý giá và nghĩ tốt về nhau. Không có gì ràng buộc nhau? Không! Khi anh về, nếu cả hai chúng mình vẫn tự do chúng mình sẽ về với nhau. Anh biết không, có một tình yêu nào trước lúc xa nhau lại lịch sự tỉnh táo như thế. Bao nhiêu sắt son thề thốt, bao nhiêu ràng buộc của luật pháp và danh dự, của dư luận và lương tâm, của kỷ niệm da diết và ước ao cuồng nhiệt còn có thể tuột mất, còn đổ vỡ, huống hồ... Không nên hứa hẹn, không nên ràng buộc! Lúc ấy em phải cắn răng giữ chặt lấy môi để khỏi òa khóc, khỏi kêu thét lên vì đau đớn quá. Em phải gục xuống lén lau ba lần nước mắt xong, mới nói được một câu: Thôi anh cứ đi học cho tiến bộ. Em hiểu là em đã mất cả rồi. Anh ấy giữ hai vai run rẩy của em. Sao em lại nói thế? Em im lặng rồi khóc thành tiếng. Hãy hiểu và thông cảm cho anh. Chúng mình đã từng nói với nhau đừng hứa hẹn một điều gì? Em lại phải cắn chặt hai hàm răng lại. Thôi anh cứ để kệ em. Khuya rồi, anh về đi. Mai còn dậy sớm ra sân bay. Anh, anh Tùy! Anh làm sao thế. Trời ơi, anh bị cảm! Lạnh quá, phải không anh? Không, anh không làm sao. Em xin anh tha lỗi cho em. Em đã bảo bao nhiêu lần là đừng bắt em kể, không chịu đựng nổi đâu. Những ngày qua anh muốn biết tất cả, bây giờ lại mong giá không biết gì thì hơn. Có buồn lắm không, anh? Anh không muốn trả lời em nữa ư? Nhiều khi em cũng tự hỏi: nói ra có làm anh đau khổ lắm không? Em lại nghĩ: Nếu anh không chấp nhận thì chúng mình cũng không nên có một tình yêu cứ phải lẩn tránh, đối phó với quá khứ của nhau. Em muốn khi đã yêu anh, mọi tình cảm của em đều thuộc về anh. Nếu bây giờ anh Hùng chủ động viết thư cho em? Anh muốn thế? Ví dụ như thế. Em đã kể tất cả mọi chuyện với anh, chính là để anh “quản lý” mọi diễn biến của em. Anh cũng nên hiểu tại sao lại đi kể lể, không giấu giếm điều gì, dù anh không kiểm tra. EM muốn anh giúp em dứt bỏ những gì còn vương vấn với anh Hùng. Anh biết tính em đấy? Đã yêu quý, em theo đuổi đến tận cùng, dù có phải chết ngay em cũng theo. Còn không, dù nuối tiếc đến đâu, đau đớn đến đâu cũng đừng hòng em trở lại. Thật không? Em không muốn trả lời? Trả lời dễ lắm. Em muốn anh tự chiêm nghiệm lấy lời nói của em. Giả sử nếu vì lý do gì đấy chúng mình phải thôi nhau, sau đó vì lý do gì đấy chúng mình phải thôi nhau, sau đó vì lý do gì đấy chúng mình lại gần nhau, em thấy thế nào? Câu hỏi sao vừa ngớ ngẩn vừa có vẻ chắc lép thế? Ví dụ mà lại. Không có kiểu ví dụ ấy. Nhưng em cũng nói cho anh vui lòng là nếu vì lý do nào khác, thì còn phải xem. Thực ra, chả có lý do nào ngoài chính mình. Mà như thế thì chuyện em vừa kể trả lời anh rồi đấy. Liệu có lúc nào ngoại lệ không? Lại kiểu “ăn chắc mặc bền” của bà con nông dân ta rồi. Em xin lỗi, tính em hay tếu, anh tha cho em, anh nhé. Thôi, em nói đừng tự ái: trong chuyện này em từng trải hơn anh, vì em đã yêu và chịu đau khổ của mối tình ấy. Còn anh, em biết, lần đầu tiên anh yêu là yêu em. Em trân trọng sự ngờ nghệch trong trắng ấy nên đã bỏ qua những gì phù phiếm bề ngoài để yêu sự chân thật bản chất nhất của anh. THế là em tinh tường đấy. Yêu được anh đâu có phải dễ. Anh biết hai năm trời sau khi Hùng đi đã có bảy vị “anh hùng” vào trận đều bị bật ra, vì em kiên trì tìm kiếm anh mà. Được đấy nhỉ? Được quá chứ lại. Em thấy anh có cần tấn công đâu nào. Nói lại đi. Lần ấy em cứ cười thầm không hiểu sao có anh chàng ngờ nghệch đến thế. Muốn tán người ta lại bịa ra lý do, nghe nói Hoài đang bực tôi đánh giá gì đó trên hội nghị Ban chấp hành nhà máy để ảnh hưởng không tốt đến danh dự của Hoài. Có phải có tin như thế không? Bỏ tay ra! Không được bịt mồm quần chúng nói sự thật. Em bảo là: Rất cám ơn đồng chí, dù đồng chí nói gì hay không đối với tôi cũng như thế cả, tôi không quan tâm lắm. Thật thà với đồng chí, không biết làm sao hôm ấy em hâm lên toàn gọi đồng chí. Tôi và đồng chí tuy cùng làm ở văn phòng đồng chí cũng tận tình giúp đỡ tôi, nhất là khi cùng học ngoại ngữ, nhưng không bao giờ tôi phải nghĩ ngợi gì đến lời nói việc làm của đồng chí. Thôi nhé, chúng mình chả cần gặp nhau nữa. Nói rồi, tuy bỏ đi, em vẫn thấy tội nghiệp cho anh thật thà quá. Sao mấy ngày sau lại đứng chờ người ta? Chờ anh? Chứ sao? Ối giờ ơi, anh của em cao giá nhỉ? Lý do đứng đấy thì em nói rồi đấy. Thôi, không nhắc lại nữa kẻo lại buồn, lạnh toát cả người bây giờ. Bữa đó mọi người đi xem hết, tự nhiên em thấy buồn ghê quá, không dám ngồi trong phòng chạy ra cửa đứng. Thấy người đi qua, bất kể là ai cũng thấy vui, có thể giúp mình phá tan nỗi cô đơn muốn gục xuống. Không ngờ, lại là anh chàng thật thà vẫn làm bộ khinh khỉnh với mình. Khinh khỉnh thật chứ. Sao lại làm bộ. Không được nói, để em kể đã. Thật lòng, lúc gọi xong em vẫn không hề nghĩ gì. Anh chàng được gọi như được vàng, hấp tấp đi vào: “Anh về quê mang quà cho em đây. Em lấy dao gọt bưởi đi. Bưởi này chua đấy, em vui lòng vậy. Cũng tốt anh ừ, thế thì anh vui quá. Em cứ tưởng tượng xem nếu về đến đây không gặp em, anh sẽ buồn như thế nào. Tại sao lại thế? Tại vì không có ai ăn bưởi hộ anh, để lăn lóc nó cũng héo mất. Thế thì anh mang cho ai đó người ta ăn hộ. Anh chả biết cho ai. Thế anh mang lên làm gì? Anh mang cho em, lại rất sợ em “mời đồng chí cầm về giúp”. ÔI, thế thì cám ơn anh quá. Em bổ rồi, anh em mình cùng ăn nhé. Lúc ấy mê người ta rồi còn gì nữa. Đừng hòng nhé. Ai mê ai mà múi bưởi nào cũng bẻ đôi. Chúng ta cùng ăn, ngọt cùng hưởng, chua cùng chịu. Em suýt bật cười cái lối văn hoa bóng gió. Kể ra lần ấy cũng có khôn hơn trước, làm cho em cũng thấy thương thương.
Bắt đầu một tình yêu như thế. Khi người con trai nhập ngũ rồi đi chiến trường, có một nhà báo vốn là bạn của đại tá về chơi. Mẹ Tùy coi ông như người thân thiết từ lâu. Ông tỏ ra rất thông cảm ủng hộ tình yêu của hai người.
Ông gặp Hoài an ủi và hứa sẽ gặp đại tá tác động vào ông, may ra giúp họ bớt phần khó khăn. Cô bé như muốn san, muốn cầu cứu, không hề ngần ngại giấu giếm điều gì. Cháu định thế nào? Thưa, cháu biết anh ấy rất thương yêu, kính nể cha mẹ, nên anh không đủ can đảm cưỡng lại ông già, nhưng anh ấy cũng có cách của anh ấy. Các cháu đã thống nhất với nhau chưa? Dạ... Thưa thật với chú, cha cháu từ khi ăn ở với dì cháu, cháu không biết trông cậy vào ai. Cháu cũng biết chú thương Tùy, cháu xin thưa thật, chúng cháu đã có những tình cảm sâu sắc trong tình yêu không thể lìa bỏ nhau được. Ừ, chú hiểu. Bây giờ cháu định thế nào. Cháu muốn nhờ chú tìm cách cho cháu đi dân công, cứu thương, tải đạn gì đấy ở chiến trường. Nếu được ở gần nhau càng tốt, Tùy lành và khờ khạo lắm chú ạ. Chỗ ác liệt cháu lo anh ấy không thể chịu đựng nổi. Từ khi xa Tùy, có khi nào cháu xuất hiện ý nghĩ mãi mãi Tùy không thể sống khác quan niệm của bố, khiến hai cháu phải chia tay nhau? Không ạ. Cháu biết Tùy rất thương cháu và cháu phải có trách nhiệm chủ động giữ vững tình yêu của chúng cháu. Mà cùng lắm, đợi khi bác Thủy về hưu chúng cháu xin chuyển đến một nơi thật xa như thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt gì đấy, chắc lúc đó bác cũng ít hiệu lực với mọi nơi để buộc họ làm theo ý mình. Chú xin lỗi được nói điều này: Hồi nghe tin ông Thủy phẫn nộ việc quan hệ của các cháu, nhiều người lắc đầu không thể hiểu nổi việc làm của ông ấy. Người ta cũng nhận xét là với hình thức và hoàn cảnh của cháu, cháu sẵn sàng lấy bất cứ một cậu con trai nào cháu muốn, việc gì cháu phải theo đuổi một mối tình quá nhiều rắc rối. Cháu có thể giải thích cho chú được không? Chú tha lỗi cho cháu vì khó nói quá. Vì cháu nghĩ, khi đã giải thích được ngọn ngành mọi điều thì không còn tình yêu nữa. Có lý. Chú công nhận điều đó. Xin lỗi, chú cho cháu được nói thêm những điều khiếm nhã. Tốt lắm. Không có điều gì phải e ngại, chú rất muốn hiểu những suy nghĩ của cháu. Tự nhiên đi. Có lẽ chú cũng giống bác Thủy: không muốn thất bại. Có phải là cháu cũng nghĩ tất cả mọi ý muốn trên đời này đều có thể đạt tới? Vâng ạ. Hay lắm. Nghĩa là cháu muốn thách đố với ông ấy? Cháu không dám thế. Chú thấy nghĩ như thế cũng được chứ. Có dũng cảm như cháu mới có thể làm cho ông ấy chịu cho thằng con vuột khỏi tay mình. Cám ơn chú. Cháu mong chú thông cảm cho cháu. Nhất định chú sẽ ủng hộ và tìm cách giúp cháu đạt được nguyện vọng.
***
Đã dăm bảy năm nay người thành phố thấy nhàm chán cung cách biểu diễn của các ca sĩ chuyên nghiệp. Ngay cả các tốp gồm những “át chủ bài” đi làm “kế hoạch ba” mà dân chúng thường gọi là “đánh quả” cũng không thu hút người xem là mấy. Vẫn là cũ ký, quen thuộc, nhạt nhẽo, cả tình cảm lẫn giai điệu. Ăn mặc thì lùng thùng, sặc sỡ theo kiểu nước ngoài, mà người lại đen đúa, vỡ vời, nhảy nhót, gào thét đến nỗi các đường gân như chão nổi lên chằng níu quanh cổ và đôi tay khuỳnh khoàng hát đến cái gì chỉ vào cái ấy như trẻ con mà cũng không làm ai xao xuyến, kể cả những người nhận thức thẩm mỹ rẻ rúng nhất. Còn những người đứng tuổi “ngứa mắt” và tiếc rẻ suất vé, dù có lúc nó chưa đáng một phần ba giá tiền bát phở. Giữa nhốn nháo, người ta thèm khát cái thật trong đời cũng như trong nghệ thuật. Những nghệ sĩ lại không biết điều đó, nên mỗi lần xuất hiện là một lần dân chúng bực mình, vì chẳng ai muốn bị đánh lừa ở bất cứ lĩnh vực nào. Có lẽ vì thế người ta ồn ã về buổi công diễn của Quân khu tại nhà hát Bộ chỉ huy quân sự thành phố. Nói đúng ra cái ấn tượng sâu sắc chỉ ở một bài hát của một cô gái. Ngay ngày hôm sau người ta đã rì rầm hát bài cô hát tối hôm qua ở tất cả mọi nơi và những cô gái thích bắt chước thì đứng ở xó nhà hàng giờ soi gương xem đôi mắt của mình ngước nhìn lặng lẽ có thăm thẳm xa xăm, có vời vợi nỗi buồn, có lay động nổi hàng nghìn người như cô gái hát trong đêm trước? ... Điều ấy đã xảy ra, em biết và anh biết. Một mai chiến thắng trở về. Đôi vai gầy và đôi mắt, sâu tóc anh đã điểm bạc, làn da anh sạm màu sương gió, Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh không phải trò đùa... ôi ngày ấy sẽ đến, anh sẽ về, sẽ về phải không anh...
Không hiểu vì lời của bài hát, hay vì cái giọng sâu, đầy tha thiết như réo gọi những nỗi niềm ẩn trốn sâu xa của những ai giá lạnh, mòn mỏi, mà ai người chai lì, xơ cứng, ai kẻ dửng dưng vô tình với người lính đều xô dậy khát khao một tình yêu mới, trong xum vầy, yên ả.
Cái da diết như xé lòng mọi người, rồi chính dòng nước mắt trào ra từ mọi người làm cho cô nghẹn lại ở lần hát thứ hai và đến lần cuối cùng, lần thứ tư cô phải cầm lấy khăn, vừa lau nước mắt vừa hát như một sự oan khiên chưa được bày tỏ.
... Đừng khóc nữa! Thôi đi, đừng khóc nữa
Đợi chờ ư? Còn gì nữa để đợi chờ
Em đã đi bên tôi suốt mấy mùa mưa
Đến sớm nay chỉ còn mình tôi ngơ ngác
Lặng nhìn em xao xác cuộc tình thừa
Vẫn dịu dàng hai con mắt vuốt ve
Đau đớn quá em ơi - là giả dối
Tôi muốn bắn vào lời em nói
Muốn rạch đôi dòng lệ ứa hàng mi
Một tình yêu son sắt nhường kia
Chẳng có tôi, em vẫn ôm ghì hạnh phúc
Thỏa thích đam mê quay cuồng hoảng hốt
Hết mình cho và rên xiết hưởng tận cùng
Xưa yêu em, tôi yêu sự trắng trong
Yêu cả những lỗi lầm em đã có
Chẳng ngờ đâu em thành thạo thế
Cuộc tình nào cũng biết giả vờ đau.
Vì sao? Vì sao lại có nỗi bất hạnh này? Ai đã đem đến anh nỗi ngờ vực cay đắng. Chả nhẽ chính hắn đã tìm kiếm địa chỉ của anh để làm cái việc nhục nhã hèn hạ ấy? Hắn là bác sĩ, thầy giáo dạy chuyên môn và là đội trưởng đội văn nghệ dẫn chúng em đi hội diễn. Từ buổi gặp trên tàu anh ta đã tận tình giúp em. Mời cô vào đơn vị chúng tôi chơi đã. Xin phép anh, để đến khi khác. Dù cơ hội để được nhập ngũ đã hé mở, em vẫn phải từ chối. Tôi xin phép được nói điều này... Anh trông tôi kiểu cách lắm sao mà phải khách sáo thế? Nếu có thể được, mời cô về đơn vị luyện giúp anh chị em chúng tôi ít buổi. Chỉ còn hơn nửa tháng nữa hội diễn mà chúng tôi chưa “nhặt” đủ người. Thủ trưởng chúng tôi rất hay. Chi bao nhiêu cũng không tiếc. “Ăn chơi... tốn kém “ mà. Cốt mang được lá cờ đuôi nheo có chữ giỏi là xong hết. Nếu em “hát hộ” các anh? Thì khác gì chúng tôi nằm mơ bắt được vàng. Nhưng em không có giấy tờ gì ngoài chứng minh thư. Không hề gì. Giọng hát của cô bằng cả trăm thứ giấy tờ quan trọng. Anh mất cảnh giác đấy. Biết đâu em có thể... Gián điệp là cùng chứ gì. Khỏi lo. Chỉ cần vài ngày thì có thể biết tông tích, xin lỗi biết rõ hoàn cảnh của cô bất kể cô ở chỗ nào trên đất nước Việt Nam này.
Chỉ sau một tháng, hắn đã chạy đủ thủ tục cho em nhập ngũ. Tất nhiên em đã gặp thuận lợi rất nhiều từ đêm biểu diễn thử. Anh biết, có bao giờ em hát đâu. Ngay cả nhà máy của chúng ta suốt mấy năm trời ai biết được em có cái giọng “an tô” mà bây giờ người ta bảo là quý giá, mênh mang, thiết tha sâu xa quá.
Nói đúng ra, ở nhà máy chỉ có một người biết. “Anh ta” cũng chẳng tinh tường gì lĩnh vực này. Nghe em “biểu diễn” cho một mình anh ta xong ở vườn hoa Ngân hàng, dưới chân cầu Thượng Lý ấy, anh ta đã ôm em đến ngạt thở tưởng là bài hát người ta viết riêng cho mình “Điều ấy đã xảy ra em biết và anh biết...” Những đêm biểu diễn, thi và công diễn em vẫn chỉ hát cho một “người ấy”, vẫn thấy ngạt thở trong vòng tay ghì siết lấy em. Những tướng lĩnh, những ban giám khảo, những chỉ thị của thủ trưởng, phải mang cờ đuôi nheo về trường em không hề biết. Không hề nhớ ngoài hàm răng “người ấy” như đang cắn chặt lấy môi em và em nghẹn lại ở lần thứ hai, thứ ba... “Điều ấy đã xảy ra, em biết và anh biết...”. Có đúng thế không anh, người duy nhất của nhà máy nghe tiếng hát của em. Sau đêm công diễn, giám đốc nhà máy của chúng ta chạy ra sân khấu tìm em. Chú hoàn toàn bất ngờ, bất ngờ về tất cả mọi phương diện. Thôi, về nhà máy đi. Cháu sẽ phụ trách thanh niên thay Tùy. Đại tá hiệu trưởng quân y vội vã: Báo cáo đồng chí, cháu nó nhập ngũ rồi. Em đã chộp lấy cơ hội để mặc cả. Học xong bác phải cho cháu đi chiến trường như bác đã hứa với chú nhà báo đấy! Sẵn sàng. Rất sẵn sàng. Giám đốc nhà máy đành phải ủng hộ em. Nó bỏ nhà máy của chúng tôi cũng chỉ cốt để được ra mặt trận gần người yêu. Tôi biết tình cảm chúng nó. Anh tạo điều kiện giúp cháu. Em trở thành con cưng của trường. Anh cũng bảo em tốt quá, học giỏi quá. Em có quan tâm gì đến điều đó. Tất cả mọi việc học hành tập luyện lao động, những bữa ăn thiếu thốn chỉ có rau và muối, giường ngủ là những cành cây xếp lại, nước tắm vàng đầy gỉ sắt... em có coi là gì, nếu cứ mỗi ngày bớt đi cho em một nỗi khắc khoải chờ đợi. Bằng mọi giá chỉ cốt để đến chỗ anh. Em sẽ đi với tư thế của một chiến sĩ, chứ không phải là sự trốn chạy chui lủi. Em sẽ công khai chăm sóc vỗ về anh như một nhiệm vụ được giao chứ không phải là “thứ tình cảm riêng tư mù quáng, không có lý tưởng”. Có tin như thế không? Đừng tự ái nhé. Cái đó do tình cảm chúng mình thôi thúc em một phần, phần khác, em muốn đại tá, người cha của anh (người cha của chúng ta- như anh bắt em thế) phải chấp nhận mình đã sai lầm khi quả quyết rằng em đã buông thả với một người con trai, rồi lại bỏ anh ta thì cũng có thể bỏ người thứ mười, thứ một trăm. “Hừ, lũ đàn bà bây giờ có chuẩn mực gì đâu mà bắt họ phải giữ gìn”. Với tình cảm của chúng ta, chắc chắn đại tá vẫn tự cho mình hoàn toàn đúng: Em sẽ lại bỏ anh. Vì thế em sẵn sàng đánh đổi cả một đời để ông không thể thấy em yêu một người nào khác kể từ khi yêu anh, khi chúng ta đã trao cả cuộc đời cho nhau. Không ngờ, kẻ chứng minh hùng hồn cho đại tá lại là hắn ta. Hắn ta yêu em từ bao giờ? Những cô gái được em dạy hát nói rằng từ lúc gặp trên tàu, hắn ta đã cuống quýt vì em. Em không hề biết chuyện đó. Lúc bấy giờ em chỉ nghĩ anh ta đã giúp em rất nhiều. Anh ta chạy vạy vất vả mọi giấy tờ từ nhà máy, khu đội đến quân lực Quân khu đều đi bằng con đường ngoại lệ. Nếu không phải là anh ta thì cũng phải vất vả hàng nửa năm mới xong. Cho đến khi em vào học được một tháng, nghĩa là khi đã mang ơn người hết lòng vì mình, anh ta ôm và hôn em vào lúc bảy giờ tối trên đường anh ta và em cùng đi đến chỗ tập kịch. Người em run lên, nhưng không thể tát anh ta, không thể vùng chạy và kêu la ầm ĩ. Ấn tượng về một người mình đang chịu ơn, một anh đội trưởng văn nghệ có nhiều tài lẻ, một thầy giáo dạy chuyên môn đang dẫn mình đến cái đích cần đến là những sợi dây trói buộc, là một bàn tay khổng lồ bịt lấy miệng khiến em phải câm lặng. Em chỉ cố hết sức mới đẩy được anh ta ra. Anh muốn tôi trả ơn như thế phải không. Anh xin lỗi vì anh đã quá yêu em. Đã bao nhiêu lần tôi nói về người chồng chưa cưới và những nguyện vọng của tôi! Anh biết cả, nhưng anh nghĩ những người con gái hiền hậu không bao giờ đối xử tệ bạc với lỡ lầm của người mình quý mến. Ở họ, nói chung là đều “cả nể”. Sự cả nể của đàn bà là cái chìa khóa để đàn ông tìm ra con đường vượt qua trở ngại rất khó khăn lần đầu. Trở ngại lần đầu đã qua... Những lần sau là sự quen thuộc. Anh nói gì thế? Anh muốn nói đời anh không yêu được em, có lẽ chả bao giờ đến với bất cứ người con gái nào. Đáng lẽ cười phá lên, em lại sợ anh ta nghĩ mình giễu cợt, em phải cố ghìm lại. Tôi có một người bạn gái rất đứng đắn đã bị một gã đàn ông từng trải lừa dối bằng một quan hệ rất vô tư. Sự vô tư và hy sinh của anh ta cho người bạn gái rất “trong sáng” khiến hàng chục người can ngăn, hàng trăm người khuyên bảo phải cảnh giác, phải biết không thể có bạn trai, những ông chú nuôi, những ông anh nuôi, không thể có lòng tốt vô tư của người đàn ông, nếu phía trong đó không chứa đựng những âm mưu. Họ sẽ biến mày thành con đĩ lúc nào không biết vì cái lòng tốt rất trong sáng, rất vô tư ấy. Nhưng cô ta thì vẫn cảm thấy “ông chú” của mình hoàn toàn khác với tất cả những người đàn ông. Mà mình nghiêm chỉnh, đứng đắn lo gì. Vào một đêm mùa đông, mọi người trong nhà tập thể đi xem cả, cô bé phải ở nhà vá giúp “chú nuôi” cái áo để sáng mai đi học gấp. “Em” đang cặm cụi vá còn “chú” thì ngồi nhìn em chằm chặp. Bỗng điện phụt tắt. Cô bé run lên bần bật vì lần đầu tiên va chạm với đàn ông, vì “chú nuôi” đã có một vợ bốn con. Nhưng vì cả nể, không nỡ làm chú mất uy tín, vì sợ mình mang tiếng, vì sợ nó đúng với nhận xét của mọi người, đành một mình chống đỡ trong vắng lặng và chịu thất bại. Rồi nó giống như anh nói: ông “chú” đã vượt qua trở ngại kiên cố ban đầu để những lần sau là sự quen thuộc sẵn sàng đẻ ra hai đứa con không giá thú... Em muốn ám chỉ anh cũng như anh ta? Tất nhiên, anh khôn ngoan hơn và có quyền được yêu, được lấy vợ. Nhưng có lẽ từ giờ phút này anh không thể yêu ai được nữa đâu. Hơi tiếc một chút, giá anh nói được câu này trước bảy anh chàng khác kể từ khi anh ấy của tôi ra mặt trận, thì có lẽ tôi cũng thấy cảm động thương thương đấy. Nhưng cho đến hôm nay cả bảy anh chàng ấy đều đã lang chạ với hàng chục cô gái rồi. Tôi không cho phép em được quyền xúc phạm tôi như thế. Em đã dịch ra xa, đặt một chân lên một nửa hòn gạch sẵn sàng lượm lấy nó. Tôi rất ngại nói xẵng với anh, nhưng anh hãy nghe tôi nói đây: Tôi sẽ tha thứ cho anh về hành động bỉ ổi tối hôm nay với điều kiện không bao giờ được bờm xơm, kể cả nói chuyện công việc và học hành, anh không được gặp riêng tôi. Tôi sẽ bỏ đội văn nghệ, hoặc ít ra không thể đóng vai cô người yêu của anh trong vở đang tập. Anh ta van xin hứa hẹn sẵn sàng nghe theo tất cả những yêu cầu của em, trước mắt anh ta rút khỏi vai kịch để em đóng với người khác. Những tưởng chỉ là thế và sẽ không bao giờ em kể với anh. Tự em, em phải gìn giữ, em phải đấu tranh khắc nghiệt với chính bản thân mình. Em tự răn mình quyết không thể là người con gái trong ấn tượng của cha anh, bởi vì em vẫn yêu anh, bởi vì sau khi hoảng hốt với một tình yêu cứ phải ngửa mặt lên hóng chờ sự ban phát, em đã tìm thấy một sự tin cậy bình đẳng trong anh. Anh cũng là “típ người” em mong muốn: tình cảm mãnh liệt một cách trầm lặng, đàng hoàng và đầy lòng vị tha. Anh rất lành đấy mà cũng tàn nhẫn lắm đấy. Đúng là người đàn ông mà em thật sự mong muốn. Em rất bằng lòng với ý định kiên quyết của mình để khi đến mặt trận em có quyền được “làm giá” với anh. Em cũng sẽ đến thăm đại tá và nói rằng: Thưa bác, cháu được quân y cấp trên bổ nhiệm thẳng đến đơn vị anh Tùy, bác có dặn dò gì anh ấy không ạ.
Không ngờ. Không thể nào ngờ kẻ phải trả giá lúc này lại chính là em. Trời ơi, sao cuộc đời cứ chìm ngập trong miên man những bất công như thế này. Nhưng em phải đi. Em phải tìm đến sự kết cục cuối cùng. Dù chuyện gì sẽ xảy ra em vẫn phải đến chỗ anh để người ta hiểu rằng một người con gái như em vẫn có một chuẩn mực để chung thủy, để gìn giữ. Đến bao giờ em mới lần tìm đến được nơi anh? Không hiểu đã có điềm báo trước nào để ruột gan em mấy ngày nay cồn cào hốt hoảng đến thế này???
Cậu con trai đại tá khoác ba lô về đến mặt trận thì trời sẩm tối. Cậu là con số gửi “ngang”. Nhiều cán bộ cao cấp thường xin “ngang” gửi con vào một đơn vị nào đó “trú chân” chờ ngày đi đại học, đi nước ngoài hoặc làm công sai tạp vụ gì đấy, sáu bảy tháng sau đã “hoàn thành nghĩa vụ”.
Với những lý do hết sức hợp lý, để “cậu ấm” có giấy thông hành dễ dàng đi theo mọi ý muốn mà các ông bố bà mẹ đã sắp đặt. Đằng này đại tá xin “ngang” cho con đến một mặt trận thật xa xôi đầy nguy hiểm là để rèn luyện nó nên người. Vì thế, trong số bốn trăm ba mươi hai tân binh của sư đoàn huấn luyện chỉ có một mình cậu ta được “xuất ngoại” sang chiến trường “bạn”. Sư trưởng gọi cậu ta hỏi: Tùy, cháu có cần nghỉ phép không? Tất cả anh em hay một mình cháu ạ? Anh em thì không. Cháu muốn, chú sẽ bố trí cho về thăm mẹ ít ngày. Trước lúc đi xa... mẹ chỉ có mình cháu... Cháu cám ơn chú. Mẹ cháu đã được bố cháu rèn luyện quen rồi. Vả lại, cháu có về vài ba ngày cũng chẳng giải quyết được gì. Mẹ cháu lại buồn thêm. Cháu có thể nghỉ mươi ngày đến nửa tháng. Cháu xin phép không hưởng cái tiêu chuẩn ngoại lệ ấy. Đâu phải là ngoại lệ. Cháu có quyền được hưởng phép trước khi đi chiến trường. Còn anh em khác họ về đơn vị. Cháu rất biết ơn chú, nhưng vì từ bé đến giờ cháu chưa quen và cũng không được phép có sự biệt đãi nào. Chú cũng nói để cháu biết, chú vốn là chiến sĩ của bố cháu được bố cháu kèm cặp rèn luyện. Sự trưởng thành của chú có công của bố cháu rất nhiều. Chú nói thế để sau này bất cứ lúc nào cháu cần về đây với chú, cho gần nhà hơn chú cũng sẵn sàng. Thế thì chẳng bao giờ đâu ạ. Cháu cứ ở chiến trường? Vâng! Về lâu dài? Dạ, cháu cứ theo đúng luật ba năm, rồi cháu về. Nếu theo luật cháu vào diện hoãn? Bố cháu và ngay cả cháu cũng không muốn thế. Vậy thì lúc nào cháu hết hạn, nếu quân đội đang cần, mặt trận cần? Những thanh niên khác sẽ phải thay cháu. Nghĩa là cháu không ăn bớt một ngày và cũng không ai được bắt cháu ở thêm một ngày. Đúng như thế ạ. Cháu mong những người chỉ huy phải biết điều đó. Phải đưa lính mới vào trận, rút người lính cũ đã hoàn thành nhiệm vụ ra. Làm sao mà rạch ròi thế được? Nếu không thế, người chỉ huy phải đi tù vì đã phạm luật pháp. Cháu nghĩ có nghiêm ngặt và chính xác thế người chỉ huy mới giỏi được. Cháu thấy bây giờ các chú làm chỉ huy dễ quá. Không có năng lực ở dưới, vẫn có thể làm chỉ huy ở trên cao. Bắn súng bộ binh tồi, vẫn có thể điều sang chỉ huy lính pháp. Lính đói rách, chỉ huy vẫn có thể được khen thưởng, đánh trận bại, chỉ huy vẫn vô can. Thắng một trận, nếu chỉ huy giỏi chỉ hy sinh vài ba người, chỉ huy tồi có thể để chết dăm bảy trăm, không ai biết đấy là đâu, chỉ biết thắng trận là thắng tất cả. Thôi thôi không thể bừa bãi thế. Đây là vấn đề phức tạp, vấn đề rất nghiêm túc, ở tuổi các cháu chưa thể bàn luận được. Thế thì cháu xin phép chú, cháu ra quán nước chè tán với mấy con phe cũng có nhiều chuyện nghiêm túc và hệ trọng đến đất nước đấy ạ. Cháu giễu chú đấy à? Chú tha lỗi, tính cháu nó thế. Chú thấy cháu khác bố nhiều quá đấy. Ngược lại ạ. Nếu cháu không giống bố cháu thì cháu đã “lặn”, hoặc bỏ tiền ra mà “mua phép” chứ chả đợi để chú gọi cho cháu đi. Được, được đấy. Nhưng nói năng có phần thiếu cân nhắc. Bố cháu với chú thích hoàn chỉnh, thích êm dịu như hát chèo, mà đời sống bây giờ họ ngại í ì i lắm. Dù sao thanh niên cũng phải có văn hóa. Cháu nghĩ người có văn hóa nhất là người hiểu rõ trách nhiệm công dân của mình đối với Tổ Quốc, biết trân trọng điều hay lẽ phải, nếu không chỉ là cái vỏ của văn hóa. Bọn buôn gian bán lậu trộm cắp toàn nói những lời hay ý đẹp, lên bổng xuống trầm uyển chuyển, nhịp nhàng với người có quyền, người có của nhưng phía sau những người ấy, phía nhân dân, nó toàn nói năng và hành động một cách bỉ ổi. Nếu người có văn hóa như cách nghĩ của cháu lại biết nói năng dịu dàng uyển chuyển ở tất cả mọi phía thì sao? Thì được nhiều kẻ cơ hội xu nịnh, chỗ nào họ cũng uốn lưỡi được dễ dàng, cũng làm vừa lòng người khác. Những con người ấy không có tính nết riêng hoặc gọt trụi hết tính nết riêng, để lăn tròn theo mọi người. Cháu từng làm công tác đoàn thể, nên hiểu xã hội như thế cũng là sâu đấy, nhưng chú nói đừng giận, tại sao cháu vẫn dùng những từ như “lặn”, “trúng quả” “vù”, “thổi” “sọi” không được đẹp lắm. Cháu cũng lại xin lỗi chú đừng giận, bố cháu và chú chỉ quen ra mệnh lệnh cho người khác, bất cứ năm tháng nào, ở bất cứ việc nào, hoàn cảnh nào các cụ cũng chỉ có một vẻ mặt ra lệnh, một cách nghĩ của bề trên, một cách hò hét của người phải được trân trọng kính nể, một cách nói theo thói quen, theo người trên mình đã nói. Thành ra nó đơn điệu một chiều. Nhiều tháng, nhiều năm như thế nó nghèo nàn mòn mỏi mà vẫn tưởng mình giàu có phong phú. Không nói được điều gì mới mẻ, vẫn tưởng mình là người sâu xa, không nghe được những lời dân dã khác vẫn tưởng mình hiểu, biết mọi ngọn nguồn. Quả là cháu có từng trải. Bố và chú có khuyết điểm lúc nào cũng cảm giác cháu còn trẻ con, nơm nớp lo những công sức lớn lao mình đã nhọc nhằn để giành lại, các cháu sẽ làm đổ vỡ, làm sai hỏng. Bây giờ thì chú quyết định cháu phải ở nhà với mẹ trước khi đi. Chú chỉ dặn cháu nhớ lời ngày xưa các cụ dạy: không nên mang dao mổ trâu để mổ một con gà, đừng bắt một con voi đi cày một luống ruộng. Nếu biết, dùng sức một ngón tay cũng ẩy đổ cái xe lu. Không biết, húc đầu vào cái cành cây con, cũng tan xác như chơi. Cảm ơn chú, cháu hiểu. Chú hỏi thêm cháu một câu nữa: Nếu để nói một điều thiết yếu duy nhất cháu sẽ nói với chú điều gì? Thưa chú, sự công bằng giữa các thế hệ. Rất hay, hay lắm. Thôi chú cháu mình chia tay nhau, cho chú gửi lời thăm bố mẹ.
Lẽ ra Tùy có thể đi máy bay quân sự như bố đã nhờ Cục tác chiến và viết sẵn cho cậu một lá thư giới thiệu với tất cả những nơi có liên quan đến sự ra đi của cậu, nhưng cậu lại nhập trạm giao liên. Hoài chờ sẵn ở cổng doanh trại sư đoàn huấn luyện. Hai người lên Hà Nội làm thủ tục cho chuyến đi. Trong mười bẩy ngày chờ chuyến tàu Bắc Nam, họ đưa nhau về nhà sống như một đôi vợ chồng. Đấy là việc làm ngoài sức tưởng tượng của đại tá, nhưng đấy lại là niềm hạnh phúc lớn nhất, sự sum vầy đầm ấm nhất trong cuộc đời của người vợ ông. Cả hai cô cậu đều khôn ngoan biết làm cho mẹ không chút tổn thương trong nỗi lạnh lùng đơn chiếc của bà. Hai người “bạn” có thể ôm ghì lấy nhau, hôn hít nhau ở giữa đường, ở giữa cánh đồng, nhưng về đến nhà họ không đi gần, không ngồi gần nhau. Hai người có thể như hai con nhộng khi mẹ đi chợ, nhưng bà về đến cổng, vẫn thấy các cánh cổng mở toang, đứa trên nhà, đứa dưới bếp, hoặc hai đứa ngồi đối diện qua một mặt bàn rộng bàn bạc một việc gì đó rất nghiêm chỉnh. Đêm nào họ cũng phải đưa nhau đi “thăm hỏi bạn bè”, “xem phim, xem hát”, nhưng với một tấm vải nhựa ở giữa cánh đồng ắng lặng mênh mông, có đêm mưa tầm tã, hai thân thể cường tráng ngây ngất phía trong tấm vải nhựa trùm trên đầu, họ không hề biết mưa gió sấm chớp liên hồi như xé nát cả cánh đồng chuyên canh trồng khoai sọ rộng một trăm linh bảy héc ta. Đến khi trở về đã ba giờ sáng, bà mẹ vẫn chong đèn ngồi đợi, thương xót các con lặn lội vất vả. Thôi, từ mai mang xe đạp mà đi ban ngày ban mặt cho đỡ khổ. Khốn nỗi ban ngày họ đi làm ăn cả. Kể cũng khó, hay là mai các con cứ đi sơm sớm một chút, rồi về ăn cơm. Thôi, mẹ lo làm gì cho nó mệt người ra, chúng con sức dài vai rộng. Ừ, thế nào cho được việc thì các con cứ làm. Nhưng đêm hôm mưa gió thì cũng phải trú tạm ở đâu đấy, nhỡ gió máy, lạnh giá. Bà mẹ ca cẩm với niềm sung sướng được lo toan mắng mỏ, được phục dịch chăm bẵm. Bà đã nấu đủ nước sôi pha cho hai đứa tắm qua quít khỏi ngấm nước mưa, đặt sẵn nồi cháo gà trên bếp chỉ việc cho sôi lại. Bà thực sự sung sướng khi nhìn cô gái sẽ là con cái trong nhà, biết ý tứ, không bỡn cợt lả lơi để thằng đàn ông nó khinh, dù cho thằng đó là đứa con trai duy nhất của bà. Bà cũng không muốn có người con dâu bị xem thường. Chưa bao giờ trong căn nhà này cả ba người đều được thỏa mãn niềm hạnh phúc lớn lao như những ngày này. Đôi trai trẻ ngây ngất vì đã đi đến tận cùng của những khao khát. Họ quyết định những địa điểm thời gian gặp gỡ không hề có mảy may dấu hiệu gì khiến bà phải ghen tuông giận hờn. Kinh nghiệm của những bài học tâm lý ở người con trai và sự từng trải của người con gái đã cho họ biết rằng người mẹ càng yêu con bao nhiêu, càng nhen nhóm sự giận hờn bấy nhiêu trước hạnh phúc của con mình, vì như thế nó đã vuột ra khỏi mình, đã san sẻ tình cảm cho kẻ khác. Mừng cho con, nhưng lại tủi phận, nhất là một người mẹ suốt đời lẻ loi. Đêm nào cháu cũng ngủ với tôi, một điều mẹ, hai điều con, câu nào cũng chúng con, anh ấy của con. Thời buổi bây giờ có một người con gái thành thị được như thế cũng là hiếm. Niềm kiêu hãnh của bà càng tăng lên ở những tháng sau này, khi đôi ba lần cô vẫn về nhà bà cơm nước giặt giũ như ở nhà mình. Lúc ở xa không về được, thì cũng thư từ đều đặn chu đáo. Con người nết na như thế, tình nghĩa như thế, thủy chung còn hơn cả con gái ở làng, vậy thì ông ấy phản đối cấm đoán ở nỗi gì. Trước đây thì chưa biết nếp tẻ ra sao, từ ngày con trai đi chiến trường, bà càng thấy không thể ai làm cho bà lay chuyển, kể cả ông ấy có từ bà, thì bà cũng nhất quyết cho chúng nó lấy nhau. Thực ra, cô gái không hề có ý định tranh thủ sự đồng tình của bà để vượt qua cản trở của đại tá. Mọi cử chỉ, việc làm và tình cảm của cô chỉ vì cô không thể làm khác được, nó tự nhiên như vốn nó phải thế. Thế thôi. Vì thế, cô bất chấp tất cả, vượt qua tất cả, dù rằng đại tá vẫn là người chiến thắng. Ông biết uy tín của ông với các cơ quan Nhà nước, các đơn vị trong quân đội sẽ tạo ra mọi điều kiện để giúp ông. Đã một năm không về nhà, chỉ bằng thư từ, ông biết tất cả mọi ý định thầm kín của ông vẫn được thực hiện.
Nhận được điện của trạm khách, biết tin con đã đến, ông cuống quýt bỏ cả chòm râu trắng xóa xà phòng để nghe điện, để hấp tấp chuẩn bị các thứ cho con, để ngồi thừ ra vì niềm vui sướng đột ngột. Nhưng ông không ra nhà khách vội. Cũng không cần lấy xe đi. Mọi sự sốt sắng và mừng rỡ lúc này hết sức không nên. Không nên để cậu ta biết rõ tình cảm của mình rồi đòi hỏi, yêu sách. Biết đâu để tạo “vây cánh” cho mình, nó lại chẳng giơ ra những lá thư của mẹ nó, bắt phải thế này, phải thế khác. Ông đã chần chừ, đã lững thững đi bộ bẩy ki lô mét mới ra đến nơi. Nhưng nó bỏ đi đâu, ông phải chờ mất một giờ mới thấy nó về. Một giờ ở mặt trận có biết bao sự cố xảy ra không thể lường hết. Lẽ ra ông sẽ cho nó ở lại đây bằng cách gửi xuống một đơn vị nào đó quanh bộ tư lệnh mặt trận. Bây giờ ông lại thấy không được. Không thể được. Ngay cái thói tự do hỗn độn kiểu thành phố đã bộc lộ ở đây cũng phải tỏ thái độ phản đối. Ông đang đi đi lại lại vẻ sốt ruột, cậu ta chạy đến hớn hở reo “bố”. Ông nghiêm mặt hỏi con: Gọi điện cho bố sao lại bỏ đi. Mà con đã biết tình hình ở đây thế nào chưa? Chân ướt, chân ráo mới đến ít nhất cũng phải tỏ ra là một chiến sĩ đã được học kỷ luật quân đội! Con không nghĩ là người ta đã báo cho bố nhanh thế. Nhà khách cũng chỉ bảo phải ở đây chờ, không nói rõ bao lâu. Nhưng con đã biết an ninh của khu vực này ra sao mà đi lại bừa bãi! Trước khi vào đây con thấy các hàng quán của dân, con hiểu mọi chuyện không có gì đặc biệt nên con đi cắt tóc. Tóc con đã đến nỗi không thể để đến ngày mai ngày kia? Đáng lẽ Tùy có thể kêu lên vì hơn một tháng chờ đợi, ăn uống thất thường, ngủ vạ, ngủ vật làm tóc tai râu ria bù xù, rậm rạp, như một tên thổ phỉ, anh không muốn khi quân lực ra nhận người sẽ nghĩ xấu về anh và phàn nàn với bố, nên anh phải nhanh chóng tu sửa cho nghiêm chỉnh, nhưng anh chỉ im lặng. Bố lại gặng. Anh buông mấy tiếng gọn lỏn: Con thấy ngứa ngáy khó chịu! Thôi được. Con đi bằng gì đến đây. Theo xe giao liên ạ. Bố đã viết thư để con đến Cục tác chiến? Con thấy không cần thiết phải thế. Trước khi đi con có về nhà? Có. Mẹ có gửi thư cho bố không? Mẹ sợ bố bận không đọc được thư, thành ra mẹ không viết. Sự chủng chẳng ngang ngạnh của nó khiến máu trong người ông như sôi lên. Giá lúc khác, ở chỗ khác, ông có thể đập bàn, hoặc đứng dậy giậm chân bành bạch, giọng nói rít lên qua hai hàm răng nghiến chặt để cho nó biết rằng không bao giờ ông có thể nhượng bộ, tha thứ cho con cái được phép nói năng chất chưởng như thế. Nhưng lúc này ông phải cố nén, nén những làn hơi lại để nói những lời vẫn nhỏ nhẹ dịu dàng. Bây giờ con định thế nào? Định cái gì ạ? Liệu cậu ta có giả vờ không đấy? Được, cậu cứ giả vờ đi, tôi sẽ để cho cậu biết thế nào là thử thách quyết liệt ở tất cả mọi phương diện trên chiến trường. Con đã dự định đề đạt nguyện vọng xin về đâu, làm gì chưa? Chỗ nào có giặc và làm cái việc giết nó con sẽ xin về đấy. Con nói theo sách hay đã suy nghĩ kỹ? Con không phải suy nghĩ gì. Sang đây là để đánh giặc, hết ba năm còn sống thì về. Chắc đấy cũng là một cách phản ứng. Thôi được. Ở đời, cái gì cũng phải có một quá trình cần thiết. Phản ứng mà chấp hành nghiêm chỉnh sự điều động cũng tốt. Rất tốt. Rồi con người sẽ được đền bù nếu biết sống cho đúng đắn, cho xứng đáng. Nghĩ vậy, ông vẫn phải hỏi: Nếu bố có ý kiến xin quân lực để con ở lại đây? Con hoàn toàn không muốn thế. Ông đưa bàn tay ra nắm lấy bàn tay con run run cảm động. Nếu thật sự con xác định được như thế, bố rất mừng. Con biết bố chưa thể tin con, nhưng con không muốn bố con phải tranh luận ở chỗ này. Không sao, con thấy vấn đề gì chưa thống nhất, bố con cứ tranh luận thoải mái. Chưa bao giờ con dám tranh luận với bố. Con chỉ trình bày sự hiểu biết và cách nghĩ của con, nhưng bố có vẻ không bằng lòng, thất vọng vì một đứa con đã nói năng, cư xử không vừa ý bố, thành ra con không muốn nói gì để bố phải buồn phiền nghĩ ngợi. Không sao, không sao, đời bố chịu những dằn vặt nó quen rồi. Nhưng mà con thì không hiểu hết lòng bố. Con nên người, có ông bố nào không mừng. Ngày xưa các cụ bảo nước mắt chảy xuôi, có ai nói nước mắt chảy ngược bao giờ. Thôi thì ở đời cái gì cũng phải có quá trình của nó. Phải kiên nhẫn, kiên nhẫn mà chờ đợi thôi, biết làm thế nào. Ông lẩm nhẩm cho chính mình, chứ không phải nói để cho con nghe. Bỗng như sực tỉnh, ông ngửng lên nhìn con: Ngày mai các đồng chí quân lực sẽ ra làm việc. Trường hợp phải đi ngay không gặp bố, con còn điều gì cứ nói hết với bố đi. Con chỉ mong bố giữ gìn sức khỏe và tranh thủ viết cho mẹ con vài chữ. Nhất trí, nhất trí. Nhưng mà mẹ cậu hay yêu sách tôi lắm đấy. Không sao, không sao. Bố sẽ viết. Chà, ở đời nhiều cái chuyện tầm thường đôi khi lại rất quan trọng. Ờ ờ viết thư cho mẹ cậu là rất quan trọng, quan trọng lắm chứ.