"Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu. Mưa mù lên mấy vai, gió lùa lên mấy trời. Người đi qua đời tôi hồn lưng miền rét mướt. Vàng xưa đầy dấu chân đen tối vùng lãng quên..." Băng cũ nhừa nhựa kéo lê, âm thanh kêu xồn xột như trộn lẫn cát khô át hẳn tiếng guitar đệm nhưng không vì thế lời hát bị mất đi mà ngược lại nó trỗi bật rõ mồn một như những đợt sóng đập vào thành đá, lạnh, chát, vỡ vụn cùng thôi thúc khiến niềm đau phải tràn ứa ra. Đá không có niềm đau nhưng có những u uẩn thầm kín, không biết giãy giụa gào la nhưng vết mòn nhẵn là những chứng tích chịu đựng âm ỉ gớm ghê. Như Diễm bây giờ tưởng đầu óc đặc cứng không thể nhồi nhét bất cứ âm thanh bén nhọn nào nhưng vẫn phải cố gắng đón nhận để rồi ôm tất cả chôn dấu xuống tận cùng trong sâu thẳm lòng mình. Cho nên tuy thân xác rũ liệt không còn đủ sức chống đỡ cơn sốt ái tình, Diễm vẫn cố gắng giương to mắt nhìn nó ngoạm nốt niềm đau với hy vọng phần thân thể còn lại tuy còi cụt nhưng là phần sống và phải sống vươn cao, sống mạnh, đừng như những giải sóng lãng mạn tràn nhanh vào liếm bờ cát trơn ướt để rồi khi rút ra khơi trơ lại những cặn bã dơ bẩn, thừa thãi.
Chiếc máy tuy cũ nhưng có auto reverse, vì vậy hết mặt A lại nhảy ngược trở sang mặt B và cứ tiếp tục quay đều mang âm thanh vây bủa tứ phía, kỷ niệm cũng sừng sững hiện về. Diễm đằm mình vào vũng lầy kỷ niệm và bảo lòng rằng hãy chiến đấu trận cuối cùng, dù thắng hay bại nhất định một trong hai phải có kẻ ngã gục, nàng hoặc kỷ niệm. Mưa buồn đi vào từng phím đàn, từng lời ngân, từng hơi thở bóp chắt ra và đêm buồn cũng bảo Diễm rằng lần này thôi nhé rồi hãy tự thoát ra, đừng làm mãi kiếp ve sầu uổng phí một đời người. Đừng nằm thờ thẫn ôn lại những kỷ niệm thối nát qua tiếng hát rên rỉ của kẻ xa lạ.
"Người đi qua đời tôi không nhớ gì sao người. Mưa nào lên mấy vai, gió nào lên mấy trời. Người đi qua đời tôi đường xưa đầy lá úa. Vàng xưa đầy dấu chân đen tối vùng lãng quên... Anh đi qua đời em... không nhớ gì sao anh...?
Diễm vẫn nằm co quắp mặc cho nước mắt lăn dài. Có phải nàng đã mượn lời than trách trong bản nhạc để diễn tả tâm trạng mình? Như vậy lẽ ra phải để cho Toàn nghe nhưng tại sao Diễm lại cứ gianh phần dù không còn lời nào biện hộ. Hình như trong tình yêu, Diễm đã đặt chàng ở vị trí quá cao, tưởng tượng mình đang có trong tay một bức ngọc thạch bóng bẩy xanh nước và mỏng manh dễ vỡ cần phải được nương nhẹ nhưng sau này khi biết nó chỉ là loại đá được chích màu lừa dối và hạnh phúc chỉ là mùi thơm ngọt ngào, vàng chín của trái công chúa không thể ăn được thì độc dược kỷ niệm đã lậm vào trong máu, không muốn chứa nhưng cũng không thể tận diệt được vì tình yêu là con dao với lưỡi nhọn nếu không đâm kẻ phản bội lừa dối thì phải đâm ngược trở lại mình.
Toàn đi vào đời Diễm bằng những kỷ niệm đẹp, bằng những hứa hẹn mật ngọt, bằng những ước mơ tuyệt vời nhất để rồi đem tất cả những thứ ấy đổ xuống đống bùn nhầy nhụa tanh tưởi chỉ vì chút đỉnh vật chất. Diễm có nên kết án Toàn hay không? Nên hay không? Nếu không sao lòng nàng cứ mãi đau còn nếu có tại sao không nói ra mà cứ để Toàn sa vào vũng lầy đang giăng? Người ta bảo yêu là hy sinh và chấp nhận nhưng nếu bị lạm dụng thì có nên mãi chấp nhận và hy sinh? Tại sao nàng không nói thẳng, nói thật, nói một lần cho Toàn biết? Tại sao thế hả Diễm? Phải chăng kỷ niệm đã chọc mù đôi mắt, đã khóa miệng môi và đã trói buộc trái tim nàng? Đã vậy sao bộ óc không bị hủy hoại luôn mà cứ làm việc theo bản năng, để mỗi ngày mỗi thấy Toàn tiếp tục lạm dụng, sự lạm dụng trắng trợn mà tuy có nhiều cách chối bỏ, Diễm vẫn ngoan ngoãn làm theo. Phải chăng chỉ vì đã quá yêu và càng yêu lại càng đau khi biết mình vẫn bị lợi dụng?
Giá Diễm chỉ biết yêu là chấp nhận và cho đi thì cuộc đời hạnh phúc biết bao. Như chị chim cu si tình đáp xuống chiếc bẫy định mệnh vì tiếng gọi của anh chim mồi dù để chọn cái chết nhưng vẫn hài lòng mãn nguyện vì cả hai đã bị kẻ khác lạm dụng bằng ngôn ngữ tình yêu, còn đàng này đâu ai dùng áp lực ngoài chính tim óc Toàn, bằng chủ mưu, bằng đường lối tính toán từ trước? Như vậy Diễm đâu có vài phút hạnh phúc ngất ngây thật sự như con chim si tình kia...?
- Mình không thể xa nhau được nữa rồi. Tại sao không lấy nhau sớm hơn hả Diễm?
Toàn đề nghị khi vừa mới quen và dùng tiếng sớm thật đúng nghĩa. Quá sớm vì Diễm mang tang chồng mới tròn tám tháng, gặp gỡ nhau chỉ vài ba giờ đồng hồ, có mê nhau thế nào đi chăng nữa nàng cũng phải dằn bớt lửa lòng, không phải sợ thiên hạ dị nghị, sợ con cái bất bình mà vì muốn thời gian làm cho tình cảm của cả hai đằm xuống, để nhìn nhau rõ hơn, để các con nhìn ra khoảng trống và sự cần thiết của một người cha trong căn nhà này, để Khương an lòng nghỉ yên dưới lòng đất sâu vì có người tốt lành khác thay thế và nhất là để cho Diễm nhìn rõ lòng mình, có thật sự yêu Toàn hay cái chết thê thảm của chồng vẫn làm cho nàng còn khủng hoảng?
- Ba năm lâu quá Diễm ơi!
Toàn ôm lấy Diễm ghì chặt như đứa bé vồ được con vịt trời xinh đẹp sợ vuột khỏi vòng tay. Trong đời làm vợ chưa bao giờ Khương ôm nàng cuồng bạo như thế. Cái ôm khiến Diễm bủn rủn tay chân muốn ngã qụy xuống như con trừu non trước lưỡi dao đồ tể. Toàn là người thế nào mà có mãnh lực gớm ghê hay đã từ lâu hoàn cảnh và những công việc buồn phiền bủa vây để giờ đây mọi gánh nặng chôn vùi theo Khương nên con tim Diễm mới có những rung động kỳ lạ? Cái ôm bất ngờ khiến đầu óc nàng tuy hoang mang nhưng thân xác lại thèm trói buộc bằng thứ rung động tuyệt diệu.
- Mình phải là của nhau.
- Có vội quá khi nói những lời này không Toàn? Em sợ mai kia anh sẽ rút lại. Vô tình Diễm đã để lộ tình cảm mình qua sự lo sợ hết sức hớ hênh.
- Anh còn trẻ dại dễ yêu đương lắm hay sao? Bằng này tuổi mà chưa vợ chưa con thì em phải biết anh không dễ dàng trong sự chọn lựa kết hôn.
Câu trả lời làm Diễm mãn nguyện và cắt bớt dấu hỏi rườm rà như đã từng đặt ra cho những người đàn ông khác bấy lâu nay theo đuổi hoặc muốn tiến đến chuyện xây dựng. Tuổi đời và kinh nghiệm không còn cho nàng những lãng mạn mà phải gạn lọc.
- Diễm nhé!
- Chẳng ai hỏi vợ gấp rút như vậy cả, nhìn lại cái thân anh kìa...!
Diễm gục đầu vào ngực Toàn thân mật và âu yếm như đã yêu nhau tự kiếp nào. Phải chăng khi yêu người ta đều muốn được nương dựa tình cảm vào nhau hay tại tâm hồn Diễm trống trải yếu đuối cần phải được bảo bọc?
- Thân anh thì sao? Toàn ghé sát bên tai Diễm thì thầm.
- Không có đồng xu dính túi.
Có lẽ Diễm ước đoán cuộc sống của Toàn qua bộ đồ trận vì lính tráng thời bình hay thời chiến cũng chỉ đủ ăn chứ làm sao có chuyện dư thừa. Dù không cố tình nhưng những va chạm cuộc sống bấy lâu nay bắt buộc Diễm phải nghĩ thế, như mọi người đã đánh giá trị nhau qua của cải tiền bạc.
- Đủ nuôi em và con ngày hai bữa là được rồi. Có anh thì nên quẳng gánh lo đi, bảo đảm không ai nhặt đâu.
Diễm ngước lên nhìn Toàn bằng tất cả sự khâm phục. Khuôn mặt rạng rỡ và đôi mắt đầy tự tin cho nàng ấn tượng chàng sẽ là người khôn khéo tháo vát dư sức đùm bọc cả ba mẹ con và dìu dắt chúng vào đại học sau này.
- Thu xếp cho gọn Diễm nhé! Anh phải đưa em đi khỏi nơi đây để quên hết quá khứ đau buồn. Hơn nữa còn việc học và tương lai của mấy đứa nhỏ, tiểu bang này không có trường đại học nào lớn cả,
- Dưới này em còn có công ăn việc làm...
- Bỏ hết đi em, có anh cuộc đời em phải đổi khác, phải vui vẻ hạnh phúc, chắc chắn và anh hứa như thế!
Mới ba tiếng đồng hồ mà Toàn hứa hẹn quá nhiều. Tại thời gian không gian hay tại lòng người? Tại bầu trời đen nhánh như nhung đổ tràn trụa những hạt kim cương ngời sáng khiến lòng Toàn trở thành giầu có hào phóng hay tại gió vờn da thịt khiến chàng đê mê mà nghĩ rằng tóc nàng cũng đang vương vấn mắt môi chàng?
- Em nhìn kìa! Vạt áo mà còn biết thương anh thì bảo sao chúng mình rời xa nhau được.
Cúi nhìn tà áo bị gió đùa quấn tròn lấy chân Toàn, Diễm bồi hồi xúc động. Nỗi xúc động kèm theo cảnh vật êm đềm, bình lặng gợi lại hình ảnh gần như quá quen thuộc của Bắc Cần Thơ, nơi Diễm sinh ra với đậm đặc kỷ niệm thời thơ ấu. Những buổi tối theo ba ngồi câu cá dưới chân cầu, những buổi trưa tan học nắng nhễ nhãi ngồi nhai mía xả rác xuống giòng sông. Con sông rộng mênh mông, từng đợt gió đưa sóng vào bờ lấy sạch những rác rưởi, vỏ bắp, bã mía vào giữa lòng sâu cho nẫu nhừ làm phân bón. Mười năm trời xa gia đình với nỗi thương nhớ quê hương giằng kéo, Diễm luôn tự hỏi ngày xưa khi còn chiến tranh những người lính cộng sản sinh bắc tử nam trước khi lìa đời đã mang những tiếc nuối cùng những ray rứt nào? Có nhận ra mình đã hy sinh cho một phi lý tưởng, có tiếc thương cho lớp trẻ còn lại đang bị lợi dụng làm công cụ để chạy theo một khát vọng sai lầm, có sợ chết cô đơn trong rừng sâu không người vuốt mắt hay trái lại bằng lòng ngủ yên trong nấm đất hoang vì dù nam hay bắc cũng cùng chung một giải sơn hà, chung một mảnh đất quê hương và dù nam hay bắc cũng cùng một tiếng nói màu da còn Diễm bên này tự nói tự nghe tự khóc và tự thí dỗ. Kẻ lưu vong không thể lựa chọn cho mình nấm đất thân yêu để ngơi nghỉ. Xác thân Diễm nơi này với tháng ngày quần quật lo sinh kế mà hồn cũng chẳng được yên cứ lang thang vất vưởng nhớ về quê hương của những ngày tháng đánh mất.
- Hứa cho anh yên lòng đi em.
Toàn nhắc lại làm Diễm thêm điên đảo. Màu áo chàng mặc trên người thể hiện cả một tấm lòng yêu nước và trách nhiệm nặng nề. Ai bảo kẻ lưu vong không thể chọn cho mình một lý tưởng, một hướng đi? Ai bảo kẻ lưu vong không dám chọn cho mình một ngày về? Ngày về của Toàn là ngày giải phóng quê hương, là ngày thanh bình đất nước. Diễm cảm nhận được sự màu nhiệm đó vì Toàn là hiện thân của ước mơ, của lòng nàng khao khát bấy lâu nay và cả tình yêu chỗi dậy mà đã lâu Diễm để cho nó sống trong ngấp ngoái.
- Hứa gì?
Diễm vờ cười cợt nhưng chắc chắn đôi mắt phải long lanh lắm nên Toàn cứ nhìn sững.
- Anh xem mấy ngàn ngọn đèn chạy dọc theo thành cầu bắt buộc mọi vật chung quanh phải trở thành diễm tuyệt nhưng sáng mai, dưới nắng mặt trời sẽ cho anh thấy rõ chẳng có gì tuyệt mỹ cả.
- Thông minh và khôn khéo lắm nhưng anh vẫn không thể không khen rằng em có đôi mắt đẹp và lôi cuốn thật vì bằng chứng đã cuốn hút hồn anh. Chẳng lẽ vì mê lấy vợ mà phải đào ngũ?
- Đừng...
Toàn cúi xuống làm Diễm chợt nín lặng vì bờ môi tham lam và vòng tay gắn bó đã buộc chặt. Mình yêu mau đến như thế sao? Nếu không tại sao lại chấp nhận những âu yếm quá vội vàng?
- Đừng anh, người ta nhìn thấy kìa!
Diễm đẩy Toàn ra tránh nụ hôn nhưng người mềm nhũn không còn sức kháng cự. Ba giờ đồng hồ. Mới ba giờ đồng hồ làm gì trói buộc nhanh như vậy? Tuổi ngây thơ sôi nổi qua rồi, tuổi dễ yêu, dễ mơ mộng cũng đã qua, Diễm lách khỏi vòng tay Toàn bằng chống cự yếu ớt.
- Mình yêu nhau mà!
- Chưa... còn sớm lắm em không hứa gì hết đâu.
Diễm vẫn chưa hết hoảng sợ. Đàn ông khi cố tình chinh phục có thể lùi một lúc năm bẩy bước nhưng lại tiến lên cả mười bước. Diễm chưa biết gì về Toàn ngoài trừ vài lời giới thiệu của bạn bè "độc thân, vui tính và đang tìm vợ". Vả lại đâu ai ngờ hai người dự định làm cú tình yêu nhảy vọt qua mặt họ để mà rào trước đón sau hoặc nói xa nói gần cho nàng biết Toàn là người như thế nào. Sự bàng hoàng vẫn còn dù Toàn đã buông hẳn Diễm ra nhưng lại giữ nguyên nụ cười, nụ cười khiến người đối diện không biết chàng đang nghĩ gì. Đàn ông như thế mới gớm ghê nhưng cái mặt chàng hiền khô đã đánh tan tất cả nghi ngờ.
- Diễm, em có quyền suy nghĩ và lựa chọn nhưng mình cưới sớm, có con sớm thì đỡ tội cho em sau này.
Người Diễm lại run lên vì những ước mơ đang được Toàn đan dệt. Toàn đã đánh trúng tâm lý đàn bà, khi yêu, họ đều muốn làm vợ và có con với người đó. Con cái là một thứ hạnh phúc kỳ diệu nhất mà chỉ những kẻ yêu nhau chân tình mới dám mơ ước.
- Anh chỉ xin em một đứa thôi, một đứa duy nhất vì ở tuổi em là một cố gắng phi thường. Dù sao sức khỏe vẫn phải trọng, anh không thể tham lam để em chịu thiệt thòi một mình.
Bằng đó đã đủ để cho Diễm kết luận Toàn xứng đáng là người cha, người chồng? Bằng đó đủ để Diễm gạt bỏ mọi thời gian tính và thử thách?
- Không ngờ ngày cuối của chuyến công tác lại là ngày hạnh phúc nhất đời vì anh được gặp em. Vài giờ còn lại của những kẻ yêu nhau quý báu bằng cả cuộc sống này.
Còn lại vài giờ... Toàn vô tình buột miệng hay cố tình nhắc nhở cho Diễm biết cái thời giờ sẽ trôi đi rất nhanh nếu không biết nắm lấy.
- Mình đi dạo một vòng em nhé!
Không chờ sự đáp ứng, Toàn đã nắm tay Diễm nhẹ kéo đi. Thành cầu cao gần tới ngực, Diễm lúp xúp theo sau như đứa bé mót cá chạy về cho kịp bữa cơm tối. Cái dạo của lính tráng có khác, từng bước chân dài, chậm rãi nhưng làm Diễm theo muốn hụt hơi.
- Em không thích dạo kiểu này đâu, còn hơn chạy loạn.
- Chịu khó đi cô nương, vợ lính gì mà yếu quá vậy.
Toàn tấn công tới tấp vào mạch tim Diễm. Nó rung từng hồi lảnh lót và bảo nàng rằng khó có thể khước từ tình yêu với một người đàn ông đầy sức quyến rũ như Toàn.
- Em đã chọn nơi nào để sau này mình sống chưa?
Toàn đứng lại nhưng vẫn còn tay trong tay khiến Diễm phải dựa lưng vào thành cầu ngơ ngẩn.
- Ở California thì khí hậu tốt nhất. Toàn gợi ý.
- Em không thích Cali.
- Vì sợ động đất? Toàn cười, hình như dưới mắt chàng lúc nào Diễm cũng chỉ là đứa bé con. Giá em bảo vì cuộc sống đắt đỏ, vì khó tìm việc làm, vì mọi người bon chen thì anh đành chịu, đàng này...
- Nhưng có gì khác để quyến rũ?
- Anh muốn nói đến cuộc sống an nhàn. Mình mua nhà trên lưng chừng núi, tránh xa mọi náo nhiệt xô bồ. Em ở nhà trông nom nhà cửa và coi sóc con cái còn anh sau công tác lại trở về phụ em cơm nước.
- Anh nói cứ như thật. Bộ không phải thuyên chuyển rày đây mai đó như những người lính khác hay sao?
- Cũng có thể qua Nhật, Ả Rập, Phi nhưng vợ con vẫn có quyền đi theo cơ mà.
Diễm rùng mình. Đã từ lâu ăn no ngủ kỹ trên đất nước người, nàng quên hẳn những quá khứ cực nhọc vất vả của cuộc đời lính chiến và những người đàn bà phi thường đùm đề tay xách nách mang, bồng bế con cái theo chồng ra sống ở tiền đồn. Diễm cũng quên rằng có người yêu làm lính là phải có lá gan to lớn cùng mạch tim nở phồng và một sức mạnh bền bỉ dai dẳng mới có thể chịu đựng nổi những co thắt bất ngờ. Diễm đã quên hết tiếng bom đạn nổ và ánh hỏa châu sáng rực trên quê hương vì ở đây hình ảnh người lính thật nhàn nhã và an bình.
- Sao, dám làm vợ lính không cô?
- Thử coi...
Thế là Toàn bắt đầu vin vào ngay câu đó để hứa hẹn tương lai.
- Em thích nhà kiểu nào? Ba phòng hay bốn? Chắc phải bốn rồi. Hai đứa lớn chiếm hai, thằng nhóc một, còn một của chúng mình. Quên nữa, anh phải dành cho em một căn phòng có cửa sổ trông xuống thung lũng để tìm cảm hứng viết thư tình cho anh. Làm vợ lính thì tha hồ mà viết, nội nỗi thương nhớ chồng con cũng tràn ngập giấy mực.
Diễm cười sung sướng nhưng không khỏi cảm thấy xấu hổ với chính sự liều lĩnh của mình. Tình yêu quả là một tiếng sét, đánh trúng ai kẻ ấy phải ngất ngư quên hẳn tuổi tác, hoàn cảnh và ngay cả nhân cách. Nhưng Diễm không phải xấu hổ lâu vì Toàn đã ôm ghì lấy nàng hôn như mưa bão.
- Diễm, Diễm ơi. Cám ơn em đã cho anh biết thế nào là tình yêu và hạnh phúc...
... Và cái hạnh phúc được diễn tả trọn vẹn trong suốt thời gian còn lại. Diễm đã thuộc về Toàn, cả thân xác lẫn tâm hồn, tận tình và đúng nghĩa của thứ tình cho đi. Sở dĩ Diễm gọi là tình cho đi vì nàng chưa biết gì về gốc gác Toàn ngoài những điều chàng nói. Toàn là bạn Tuấn, bạn Kha, có thế thôi. Nếu Toàn nói thật thì tình cho đi sẽ được bù đắp trở lại, còn không thì cứ kể như Diễm đã dại dột xây lâu đài trên cát. Nhưng dù tình yêu có chân đứng hay không thì thứ tình cho đi của Diễm vẫn là những ước mơ trên căn bản xây dựng.
Diễm không tiếc gì với Toàn cả vì khi trái tim đã rung, cảm xúc đã trào dâng nó không còn là sự đổi chác hoặc mua bán. Tình Diễm cho đi không dựa vào căn nhà bốn phòng ngủ trên lưng chừng đồi như Toàn đã hứa hẹn, cũng không phải theo chàng chu du tứ xứ trên toàn cõi địa cầu. Chấp nhận tình cho đi Diễm chỉ có mơ ước nhỏ nhoi là đem thương yêu và tất cả những gì mình đã có dâng hiến trọn vẹn cho Toàn để bù đắp, chia sẻ phần nào những thiệt thòi của cuộc đời lính chiến. Chấp nhận tình cho đi, Diễm chấp nhận luôn cả trái tim nhảy vọt theo những cú điện thoại bất ngờ từ khắp nơi Toàn gọi về. Nhưng đâu ai ngờ tình yêu của nàng không lệ thuộc vào những cánh thư với địa chỉ lạ lẫm, vào sự thương nhớ hoặc trách hờn mà lại lệ thuộc vào những đòi hỏi của Toàn. Chao ơi, sao lại oái oăm thế này...!
oOo
- Anh mua nhà rồi đó em! Gần bốn ngàn square feets, bốn phòng ngủ. Riêng phòng khách đã chiếm gần một ngàn square feets.
Toàn gọi lại báo tin mừng nhưng lại là nỗi lo lắng của Diễm.
- Căn nhà quá lớn. Rồi tiền đâu...
Toàn cười... Giọng cười dòn mà lúc nào Diễm cũng có thể nghe được qua đường dây điện thoại.
- Nhà lớn mới xứng để đón hoàng hậu của anh về chứ!
- Đừng đùa nữa coi, em sợ mình không đủ sức trả nợ.
- Bọn lính tráng anh xưa nay được chính phủ trả tiền mướn nhà nhưng chỉ trong giới hạn còn muốn ở nơi sang hơn phải bù tiền. Thay vì mướn thì anh mua có lợi gấp mấy lần, với lại là lính khi nào cũng được ưu tiên hơn mọi người, tiền down ít, phân lời thấp. Nhà cửa bây giờ đang rẻ, mua nhà cũng là một hình thức đầu tư.
Lời giải thích của Toàn vẫn không thể trấn an được nỗi lo xa của Diễm.
- Chính phủ có trả cũng chỉ được bảy tám trăm mỗi tháng còn bao nhiêu chắc chắn anh phải bù. Nhà mình mà!
- Dĩ nhiên, cả thuế má, bảo hiểm bù hơn bù kém anh trả thêm gần hai ngàn.
- Chúa ơi, Diễm la lên, căn nhà anh mua bao nhiêu?
- Gần bốn trăm ngàn.
Điên điên quá! Diễm muốn hét lên vì cái tính đàn ông ngốc nghếch của Toàn.
- Lương anh chỉ hơn hai ngàn, trả hết rồi ăn bằng gì?
- Anh sẽ tìm người share phòng cho đến lúc em và con về.
Em và con về rồi chúng mình sẽ nhìn nhau mà chết đói? Diễm muốn nói ra điều đó nhưng thấy mình vô lý quá! Ở tiểu bang nào mà chẳng phải làm? Mộng của Toàn vẫn là mộng vì nếu đã thương nhau làm sao Diễm có thể đành lòng ở nhà ngồi chơi xơi nước để Toàn phải kiếm tiền cực khổ cáng đáng trong ngoài? Lấy Toàn hay ai đi chăng nữa nàng vẫn phải đi làm vì kinh tế cũng đóng góp một vai trò khá quan trọng trong hạnh phúc gia đình cơ mà!
- Đừng lo Diễm nhé! Anh dư thừa khả năng nuôi em và con.
Dư thừa khả năng mà phải kiếm người share phòng? Nhưng thôi cứ tạm tin lời chàng là đúng vì tên độc thân nào cũng có những tính toán rất vụng về, nhiều khi họ bô bô chấp nhận một túp lều tranh hai quả tim vàng nhưng lúc đói khát lại là người than thở trước tiên.
Cả một ngày Diễm thẫn thờ vì tin sét đánh. Toàn không biết lo xa, không biết tính toán hay đàn ông nào cũng thế? Căn nhà bốn trăm ngàn, gần nửa triệu bạc cong lưng làm trả ba mươi năm chưa chắc đã hết. Ba mươi năm lo toát mồ hôi trán, chạy bám theo vật chất làm nô lệ cho nó trong khi khả năng không có. Ba mươi năm nợ nần ngập đầu thì còn tâm trí đâu mà an hưởng hạnh phúc gia đình, có chăng ở tuổi bẩy mươi sau khi công nợ xong mà chắc gì cả hai đã sống đến ngày đó?
Lo đó nhưng rồi Diễm lại tự an ủi rằng xưa nay nàng chỉ là người đàn bà sống an phận, không đua đòi, không mơ ước quá cao xa và cũng không nợ nần gì ai nên trước một tương lai khủng khiếp đã chấn động lòng nàng. Kẻ có gan mới giàu có được. Biết đâu một vài năm nhà cửa lên giá Toàn bán đi cầm số tiền khá lớn và kiếm căn khác nhỏ hơn thì trả hết tiền mặt mấy hồi... Thôi thì cứ theo chân Toàn, cứ phu xướng phụ tùy, quẳng mọi gánh lo đi là xong vì Toàn đâu phải là Khương. Nhớ như vậy Diễm nhé! Toàn không phải là Khương... chàng có những liều lĩnh và xông xáo riêng...
- Diễm chưa ngủ hả?
Mọi lần Toàn vẫn gọi giờ này nhưng tự dưng Diễm thấy hồi hộp lạ kỳ. Có thể tin sét đánh lúc sáng vẫn còn làm thần kinh nàng căng thẳng.
- Giấy tờ xong hết rồi, hồi chiều anh phải nhờ chị Mạnh ký tên hộ em.
- Nhà anh mà lôi tên em vào làm gì cho người ta cười.
- Giỡn nghe, không có nhà anh, nhà em mà nhà của chúng mình. Diễm, anh mừng quá!
- Còn em lo muốn chết. Em sợ nhà lớn lắm.
- Ủa! Sao lạ vậy?
Diễm chột dạ. Tại sao lại cứ gieo sự sợ hãi vào đầu óc người mình yêu? Nàng nói trớ:
- Nhà lớn chỉ khổ thân em phải quét dọn lau chùi.
Toàn cười. Giọng cười dòn dã kéo dài nhưng sao tim Diễm cứ thót lại.
- Em à! Mai anh dọn vào nhưng nói ra đừng có cười nghe. Nhà mới nên trống trơn ngay cả màn cửa cũng không có.
Tại sao Toàn lại mang điều này ra nói với mình?
- Thì mua đỡ vài thứ cần thiết...
- Thôi đi cô, có bao nhiêu tiền anh bỏ ra down hết rồi.
Diễm bàng hoàng... Như vậy có phải là Toàn khùng nặng không? Tự dưng mua căn nhà cho thật lớn rồi để đó làm sân đánh banh rộng thênh thang.
- Chịu khó sắm từ từ thôi anh.
- Thì từ từ nhưng ít nhất cũng phải có cái giường để nằm, cái tủ lạnh đựng thức ăn...
Tai Diễm lùng bùng... Người ta bảo một lần mua nhà là một lần sạt nghiệp, chẳng những Toàn sạt nghiệp mà còn lôi cả nàng vào. Nhưng dù cho không lôi, Diễm vẫn cảm thấy nàng là người có trách nhiệm gánh vác một phần nhỏ.
- Em định xung phong sắm cái gì trước?
Xung phong? Ai xung phong kiểu ngu si thế? Xung phong để phải bỏ tiền túi ra? Xung phong để... mà thôi, tại sao ta lại tính toán với chàng khi đã yêu?
- Suy nghĩ lâu thế cô? Hay lại muốn dành sắm cả?
Diễm cười gượng gạo. Yêu thì yêu lắm nhưng chưa cưới mà xài tiền của nhau sao nó kỳ kỳ. Hay là tại mình già nua cằn cỗi, mất hết vẻ thơ ngây dễ thương và vô tư của tình yêu?
- Anh thích gì thì mua đó em sẽ gởi tiền sang.
- Bao nhiêu vậy em, cho anh biết trước để liệu tính?
- Em chỉ có mỗi ba ngàn.
Diễm trả lời buồn bã. Không phải vì số tiền quá lớn mà cảm tưởng như Toàn đã yêu nàng qua một lối nhìn khác.
- Mai sáng gửi liền cho anh nhé! Trưa mai anh sẽ mua và charge vào visa.
Vậy là xong, tình và tiền đã trộn lẫn. Đồng tiền làm tình yêu biến dạng, làm cái tình cho đi của Diễm không còn mang ý nghĩa tốt đẹp mà là một sự trao đổi mua bán. Chẳng lẽ mình tầm thường, rẻ rúm đến thế sao? Một lần ái ân trả bằng nước mắt đã là đau khổ đàng này còn phải bù thêm tiền thì nhục nhã đắng cay biết ngần nào. Diễm, Diễm ơi khi tình cảm phải trả giá bằng tiền thì con người mày chẳng đáng nửa xu. Khi rung động thể xác được đo lường bằng tiền thì giá trị mày thua một con điếm. Diễm bật khóc và run rẩy gác ống điện thoại sau lời chúc ngủ ngon của Toàn. Nàng biết chắc chắn đêm nay sẽ không ngủ được vì biến cố kinh hoàng không đổ ụp xuống một lần mà như tòa lâu đài cũ, mục nát cứ xụp xuống và xụp xuống mãi. Có ai ngu dại đứng dưới chân toà nhà cho nó đổ trúng người mình? Chạy đi Diễm, vẫn còn kịp chán cơ mà!
Khốn nỗi tình cảm luôn xung khắc với lý trí. Nó bảo Diễm là người lõi đời nên tính toán hơn thua. Nó bảo vì Diễm đã quá từng trải và nghi ngờ mọi người nên nhìn ai cũng đặt cạnh bên họ một dấu hỏi to tướng. Nó bảo đã gọi là tình cho đi mà còn sợ cho ít cho nhiều... Mà thôi nói gì thì nói Diễm cũng phải làm tròn lời hứa. Dù lời hứa có biến nàng thành đứa ngu muội dại trai, thành người mẹ vô trách nhiệm đã lấy tiền dành dụm cho con mình để xài vào việc riêng tư thì cũng đành. Yêu là thế đấy! Là cho tất cả những gì mình đã có. Toàn, Toàn ơi. Anh có biết rằng càng yêu anh, em lại càng bị dằn vặt vì tư tưởng mình đã trộn lẫn những nghi ngờ...?
- Sao, khỏe không Diễm?
Ba hôm sau Toàn gọi lại nhưng Diễm tưởng như chỉ cách đó vài giờ. Sự buồn phiền làm thời gian ngưng đọng nhưng lúc này Diễm mới biết tình cảm mình bị đầy thương tích nên mất hẳn cảm giác trông đợi.
- Em hơi mệt một chút.
Diễm cố lấy giọng bình thường nhưng sao cổ họng khô đắng. Chẳng biết bệnh thật, bệnh giả, chẳng biết nàng muốn yêu sách với chính mình hay với Toàn?
- Anh nhận được tấm check em gửi hồi chiều. Đúng là đàn bà ngớ ngẩn, dặn với dò, lo với lắng cho hao tổn sức khỏe. Chỉ những thứ cần thiết anh mới mua vì phần trang hoàng nhà cửa em phải tự lo chứ anh tệ không tưởng tượng.
Diễm ngẩn người. Công nhận nàng có hơi cẩn thận thật, gửi ba ngàn mà dặn mua đủ thứ lại toàn những loại rẻ tiền, nào là bộ sa lông ở phòng khách, chiếc ti vi nhỏ đặt ở bếp để coi cho đỡ buồn khi ngồi ăn một mình, nào là bộ giường ngủ rồi nồi niêu, chén đũa, lò nướng, lò hấp loạn xạ lên, mỗi thứ một chút, mua cho có để xài đã vậy mà còn nhắc đi nhắc lại "mình ít tiền xài thứ dở thôi, để sau em về rồi hãy tính".
- Anh mua cái tủ lạnh đẹp lắm, còn dư vài trăm chỉ đủ cặp nệm single. Toàn hớn hở khoe.
Diễm không hỏi gì thêm nhưng thở dài não nuột. Tại sao Toàn biết dành dụm cả bốn chục ngàn down nhà mà số tiền nàng đưa lại không tính toán thiệt hơn trước khi xài? Tại sao Toàn biết giữ tiền mà khi sắm sửa lại quá dở? Tại Toàn hay tại mình sống bòn nhặt, bóp chắt quen rồi nên mọi thứ đều cho là xa xỉ? Tại mày rồi Diễm ơi...
- Thôi kệ, có còn hơn không. Vâng, mai mốt em về rồi tính.
Nói vậy nhưng Diễm chẳng hy vọng ngày về. Chưa cưới nhau mà đã lo lắng như thế thì sống với nhau chỉ một vài năm là Diễm cũng chết vì tinh thần bất ổn.
- Hey, nghĩ gì vậy cưng?
- Em không nghĩ gì cả. Diễm miễn cưỡng trả lời.
- Trách anh?
- Không, em chỉ hơi lo là không có bếp núc nồi niêu rồi anh ăn uống ra sao?
- Không chừng anh ăn cơm tiệm.
Thôi thì chỉ có trời mới chiều được Toàn. Còn nàng, kẻ nam người bắc xa nhau cả hơn ngàn dặm biết đâu mà lo.
- Khi nào em xuống đây xem căn nhà của chúng mình? Em có ngờ rằng nó nằm ngay trên lưng chừng đồi tuyệt không thể tưởng? Buổi sáng thức dậy nhìn ra ngoài cửa sổ thấy sương mù dầy đặc, cảm giác anh lâng lâng như đang ở chín tầng mây cao. Gần trưa sương tan, cảnh vật hiện mờ mờ với núi đồi xanh thẫm, vài cụm sương ẩn náu trên đỉnh như khói lam phủ. Xa hơn, bờ biển xanh biếc chạy dài hết cả tầm mắt trông vô cùng thơ mộng làm anh nhớ quê mình quay quắt, càng nhớ lại càng thèm một mái ấm gia đình, một người vợ hiền lành đảm đang và một đàn con xinh xắn. Diễm, Diễm ơi anh nhớ em quá!
Người Diễm run lên theo từng lời réo gọi của Toàn, vừa đau vừa ngây ngất. Ái tình là thế đó, đau khổ và sung sướng luôn đi song song như gạo sống phải có nước bỏng sôi mới nẫu nhừ, như đường và đá phải có chanh chua vắt vào uống mới thú vị. Toàn đã làm Diễm mê đi với lối sống cuồng nhiệt hưởng thụ không biết ngày mai. Xuống là vất bỏ công việc, trách nhiệm, là sống cho riêng nàng. Toàn đã làm cho Diễm có những ước mơ tuyệt vời vì khung cảnh quê hương thơ mộng và cuộc sống sung túc nếu không muốn nói khá giàu sang nhưng bên cạnh là những lo lắng vật chất và cũng là những bon chen giành giựt nhau trong xã hội xô bồ. Để có cuộc sống đầy đủ tiện nghi, ai mà không phải làm công cụ cho đồng tiền?
Giữa Toàn và nàng rõ ràng hai nếp sống khác biệt, một của an phận chấp nhận và một của xông xáo vươn lên. Ai đúng ai sai? Ai không làm mà có hưởng? Ai không cực khổ gian truân mà đạt được kết quả vinh quang? Có nợ nần mới cố sức làm trả nợ. Mày già nua rồi Diễm ơi, chính vì già nên mới nghĩ quẩn, mới chấp nhất từng lời nói của Toàn. Xuống đây tức là sau khi cưới hỏi đàng hoàng chứ nào phải cuốn gói theo trai mà chưa gì đã khựng bước. Vợ chồng ở với nhau là nương dựa chứ đâu phải share phòng như boy friend, girl friend, như nhân tình nhân ngãi, như người dưng khác họ mà sợ tiếng đời mai mỉa?
Đầu óc Diễm quay mòng mòng. Giữa tiến và lùi nàng thấy đường nào cũng dẫn vào sự dằn vặt ray rứt. Hình như từ khi quen Toàn đến giờ tâm hồn nàng không lúc nào yên ổn. Đôi ba lần Diễm bào chữa tại mình có người yêu là lính nhưng mỗi lần nói chuyện với Toàn là mỗi lần nỗi dằn vặt đậm nét. Phải chăng từ sự đối nghịch giữa hai cuộc sống?
- Tuần tới anh lấy phép thường niên xuống thăm em nhé!
Diễm lại giật mình. Mỗi câu nói của Toàn bây giờ đối với nàng đều như ngọn gió độc mà nàng là kẻ trọng bệnh không có áo ấm đủ che.
- Không gặp cũng nhớ mà gặp chắc còn nhớ thêm. Anh chẳng biết mình ra làm sao nữa.
- Thôi anh, mới mua nhà tiền bạc đâu mà cứ xài phí.
Diễm nói thật lòng mình vì nàng xót của. Sự thương nhớ đâu thể giải quyết bằng cách gặp nhau mà phải cố gắng tạo dựng cuộc sống căn bản.
- Gặp được em có phải bán nhà anh cũng không tiếc.
Giá lúc mới quen Toàn nói điều này Diễm sẽ cảm động vô cùng vì tình yêu của Toàn là thứ tình đam mê sôi bỏng, không có một chướng ngại nào có thể cản nhưng bây giờ trước vấn đề xây dựng lại chứng tỏ cuộc sống buông thả bạt mạng.
- Vậy thì anh mua nhà làm gì cho đâm lo ra.
- Em điên sao, bộ không nghĩ đến tương lai à?
Hiện tại lo không xong nói gì đến tương lai, Diễm chua chát, trong nhà đến cái giường cũng không có mà bảo tương lai với cuộc sống.
- Diễm, anh xuống nhé!
- Xuống thì dễ rồi nhưng tiền đâu mua vé máy bay? Vô tình Diễm buột miệng nhưng lại nói lên tâm trạng lo lắng của mình.
- Đó mới là vấn đề, hay để thư thả đã em nhỉ!
- Vâng.
Hình như vẫn chưa hài lòng với quyết định vừa rồi, Toàn hỏi đột ngột:
- Diễm này, hay em lên thăm anh?
- Không được đâu, công việc và con cái cột chân em không thể bỏ đi dẫu một ngày.
Nói trớ như thế chứ thực ra Diễm tiếc tiền. Đối với nàng tình yêu chỉ làm đẹp cuộc đời, không có tình yêu tâm hồn cằn cỗi khô héo chứ không thể chết nhưng không có tiền thì đời con người xuống dốc thê thảm. Diễm biết mình không còn nhỏ nữa mà vội bồng bột nông nỗi.
- Vậy thì bất cứ mọi giá anh sẽ xuống. Em phải là trên hết mọi thứ.
Tưởng Toàn nói càn ai ngờ ngay chiều hôm sau, khi Diễm đi làm về đã thấy chàng sừng sững đợi ở trước cổng nhà.
- Liều quá, anh chẳng giữ ý gì cho em cả. Một người biết họ sẽ đồn ầm cho mà coi. Sợ quá Diễm gắt lên nhưng cũng chính là để lấn áp sự mừng rỡ của mình.
- Trước sau gì mình cũng cưới...
- Chừng nào cưới hẵng hay. Dư luận ngoài đã vậy còn trong nhà, em là mẹ sống không làm gương sao có thể dạy bảo được con cái.
- Nhưng ít ra cũng nên cho anh vào nhà uống miếng nước đã chứ!
- Không. Vào với tư cách gì bây giờ? Bạn trai của em chăng?
Có lẽ Diễm dè dặt quá đáng nhưng gia đình nàng xưa nay vẫn thế. Ngay lúc Khương còn sống đã ít bạn bè hoặc có đến chơi cũng đầy đủ vợ chồng và chỉ vào những ngày cuối tuần.
- Cô nhát ơi cô nhát, nên nhớ em không còn ở tuổi mười tám hai mươi nữa nhé! Nhưng thôi em đã không muốn thì đành vậy.
Toàn nheo mắt cười với Diễm và đi nhanh ra lề đường chỗ đậu xe. Diễm nhìn theo, bảng số MS, như vậy là xuống phi trường Toàn đã mướn xe. Đúng là xài ngốc như... lính.
- Anh...
- Gì đây? Toàn đứng lại, đừng đổ thừa tại anh nhé!
- Đừng giận em.
- Không giận mà hận thôi.
Biết Toàn đùa nhưng Diễm vẫn thấy xốn xang. Hình như linh cảm buổi gặp gỡ mang đến cho nàng buồn nhiều hơn vui.
- Rồi anh về bên đó ngay bây giờ?
- Anh có khờ cũng khờ vừa thôi. Giờ anh đi ăn, một tiếng nữa sẽ chờ em ở chỗ hôm nọ.