Được cởi dây neo, chiếc tam bản thôi giật đùng đùng, quay ngược đầu nhìn kẻ đã trói buộc nó bấy lâu nay như thách thức rồi mới vươn mình theo chiều gió phăng phăng phóng ra sông lớn. Đám lục bình bị sóng đánh bầm dập tả tơi nhưng vẫn phải giạt cả hai bên tránh né như tránh một loài trâu điên gặp ai cũng húc. Trên thuyền, mái chèo cũ kỹ nằm chổng trơ bất cần định mệnh đưa đẩy trong khi đôi dép da tuy bé nhỏ nhưng lại phản ứng mãnh liệt, nó nhảy tưng tưng trên bục gỗ để rồi cuối cùng lao mình xuống lòng khoang sóng sánh những nước.
Dự ôm lấy mặt run rẩy. Cuộc đời nàng khác chi đôi dép định mệnh kia, dù chống cự trì níu, dù luyến tiếc hơi hám người đã mang nó vào chân cũng không tài nào quay ngược được mũi thuyền. Con thuyền đã ra đi, nó mang trọn vẹn sự sống của người góa phụ ngoài ngũ tuần. Mẹ Dự đó. Từ đây bà phải gánh trên lưng thêm một cái tang, cái tang cuối cùng và cũng đau đớn nhất trong đời vì không còn gì để bám víu, hy vọng và dựa dẫm. Cái chết của Dự và những mảnh thuyền vỡ nát dù trôi giạt về phương nào vẫn làm tấm thân còm cõi của bà xụm xuống và rơi vào những ác mộng cô đơn ngày đêm triền miên. Quả là ác độc, kẻ tạo ra sự khốn khổ ấy lại chính là đứa con ruột thịt trong bụng bà nứt ra.
Dự bật tiếng khóc. Suốt ba tuần nay từ lúc biết mình có thai nàng đã bỏ học chết lặng hàng giờ ngoài bờ sông. Giòng sông hiền hòa bấy lâu vẫn ưu ái đón nhận những ăn năn sám hối nhưng lại thả nổi nỗi lo lắng lên trên không sao tản mác đi được. Nó như vũng nước ao tù, như bùn lầy lắng đọng, chất chồng muộn phiền và chất chồng mãi. Nếu không có cơn bão lớn chắc chắn không bao giờ đánh bật được những cặn bã ngàn năm và nếu không có một động lực khủng khiếp thúc đẩy chắc chắn không thể bứt rời Dự ra khỏi tình thương yêu ruột thịt. Mỗi ngày nhìn dòng sông âm thầm nhẫn nại, lòng Dự lại cuồn cuộn sôi sục. Dự không thể bó tay sống lì ở đây với cái bào thai càng ngày càng lớn, không thể thản nhiên trước dư luận nguyền rủa và càng không thể mỗi ngày ra vô nhìn mẹ bị nỗi đau cắn xé, chịu chung sự nhục nhã của con mình. Nàng chờ và chờ mãi một ngọn gió thần, một tỉnh trí để đừng tìm đến cái chết tuy biết rằng chết là hết, là ngủ yên, là thoát nợ đời nhưng người ở lại làm sao chống trả với dư luận nguyền rủa khinh miệt? Dự đã hoàn toàn tuyệt vọng khi Mẫu nhất quyết khước từ trọng trách làm cha.
- Mình còn trẻ quá mà, cưới nhau chi vội rồi mai mốt cũng ly dị.
Dự kinh hãi mở tròn mắt nhìn gã thanh niên đầu tiên đi vào đời mình và để lại vết nhục. Cưới rồi ly dị? Hôn nhân đâu phải như ghi danh chọn một môn học, không thích thì bỏ.
- Thì mình sống với nhau luôn chứ tại sao lại ly dị?
Mẫu không nhìn để biết rằng Dự rất quyết liệt trong khi trả lời.
- Tớ không muốn bị ràng buộc. Tạm thời cứ coi nhau như bạn rồi sau này tính.
Ôi tên Mỹ da vàng mũi tẹt chưa gì đã học đòi tự do, phủi bỏ trách nhiệm do chính mình tạo ra. Dự mãi nuốt cay đắng nên nghẹn lời đối đáp. Sung sướng ngất ngây thì cả hai cùng hưởng mà bây giờ đau khổ để một người phải mang. Không. Không phải một mình Dự mà trong đó còn có cả bà mẹ già.
- Nhưng còn mẹ em làm sao chấp nhận được đứa con chửa hoang?
Dự tưởng rằng lòng sẽ nhẹ đi vì nói được những uẩn khúc tích trữ không ngờ lại càng hoảng sợ hơn khi hàng đêm vẫn phải một mình đối diện với nỗi lo lắng mỗi lúc mỗi lớn. Gió ơi... Gió ơi... Dự ngồi chờ gió ở bờ sông ngày qua ngày cho vơi nỗi tuyệt vọng cùng cực. Chờ gió nhưng gió tới nàng sẽ làm gì hay cũng chỉ lặng lẽ ngồi nhìn chiếc tam bản cũ kỹ cột chặt ở bến đậu đã ba năm nhào lộn vật vã? Từ khi người anh trai chèo thuyền chết đuối, chiếc tam bản là hình ảnh chết chóc nhưng lại gần gũi mật thiết nhất. Mẹ nàng giữ lại như nhìn sự hiện hữu của con mình nhưng cũng là một ngấm ngầm đe dọa nếu Dự ngu dại bước chân lên đó. Gió đến, chiếc tam bản sẽ như con trâu điên cột chặt vào gốc cây. Sợi dây tuy không dài nhưng đủ để nó có thể vùng vẫy, giãy giụa, nhào lộn và bằng mọi cách cố thoát khỏi sự trói buộc. Chính Dự không ngờ hình ảnh chiếc tam bản mộc mạc lại nuôi dưỡng ý tưởng gớm ghê và bây giờ ngọn gió Andrew sau khi san bằng Miami thành bình địa lại sắp sửa đến đây. Hurricane nào chẳng mang đến hoang tàn đổ nát nhưng mọi thứ đổ nát trong cuộc sống vật chất còn có thể kiến tạo, xây dựng, hàn gắn mà tình cảm thì trái lại rất khó khăn. Dự biết trận bão lần này sẽ mang đến cho mẹ nàng một sự mất mát khủng khiếp không có gì bù đắp. Hai đứa con cùng chết trên chiếc tam bản và giòng sông tưởng là hiền hòa nhưng vẫn từ từ nuốt xác người. Nghĩ đến mẹ, hai hàng nước mắt Dự cứ thế chảy xuống. Dự sắp mất mẹ, sắp phải rời xa tổ ấm, sắp phải mang đôi cánh giả khi con chim non còn quá yếu đuối, chưa đủ lông đủ cánh bay bổng giữa trời. Dự đã không đủ sức lo được cho mình nói gì đến đứa con trong bụng.
- Đi lẹ đi còn luyến tiếc gì nữa.
Dự để mặc gã thanh niên kéo đi như phó thác cả cuộc đời mình cho hắn. Hắn, học lớp mười hai hơn Dự một tuổi mặt còn búng ra sữa, da dẻ còn căng phồng trắng mịn nhưng đầu óc đã có những tinh ranh của người lớn, biết lừa lọc xảo trá và biết luôn cả phủi bỏ trách nhiệm. Hắn, gã thanh niên chưa thực thụ trưởng thành mà Dự sẽ phải nương tựa, nhờ vả, tin cẩn như một người cha, người chồng.
- Khóc làm gì. Đi rồi mai mốt cũng bò về chứ có chết thật đâu.
Dự bàng hoàng. Nếu chết thực có lẽ mẹ nàng khỏi phải thêm một lần sống nhục và nếu chết thật có lẽ Dự khỏi băn khoăn khi biết mình đang làm một chuyện kinh thiên động địa, vừa dại dột vừa liều lĩnh.
- Lẹ lên để hàng xóm bất chợt ra bắt gặp là hỏng cả.
Dự quay lại nhìn căn nhà thân yêu lần cuối cùng. Căn nhà nhỏ bé trơ trọi nằm giữa những ngôi biệt thự hai ba tầng. Cuộc sống đơn giản của hai mẹ con nàng xưa nay là hình ảnh tương phản rõ rệt nhưng cái hạnh phúc ấm cúng thì hòa đồng như mọi người. Chung quanh ai cũng nghĩ Dự là đứa con ngoan ngoãn và hiếu thảo, ngoài giờ học quanh quẩn ở nhà dù mẹ nàng làm ca nhì và bà chỉ có mặt sau mười hai giờ đêm. Sáng sớm khi Dự sửa soạn đón xe bus đến trường thì mẹ nàng vẫn còn say sưa ngủ. Mẹ con không thường xuyên giáp mặt nhau nhưng tình yêu thương vẫn ắp đầy được thể hiện qua công việc hàng ngày, qua những bữa cơm chu đáo và sự cố gắng học hành thế mà chỉ mới hơn ba tháng nay. Mới ba tháng từ ngày Dự quen và tìm cách đưa gã về nhà thì sự vắng mặt của bà chính là động lực giúp Dự đi đến sự hư hỏng mau chóng.
- Mau lên, mình còn phải vượt hết ngọn đồi này mới tới chỗ dấu xe.
Cả hai len lỏi đi vào ngõ tắt cắt ngang khu rừng. Ngôi nhà mái đỏ lùi lại sau lưng, chìm sâu dưới lòng thung lũng cho đến khi chỉ còn là một chấm nhỏ và khuất hẳn dưới đám cỏ dại vượt khỏi đầu người. Gió bắt đầu đổi chiều, từng luồng mạnh quất vào hàng cây cao, những cành mục thi nhau rơi rớt như cố tình trì níu sự ra đi. Dự đưa hai tay che đầu và cảm thấy chóng mặt, cơn buồn nôn chợt tới đột ngột.
- Đi đại cho rồi còn ói mửa gì nữa.
Dự gập người dựa vào gốc cây mửa thốc mửa tháo dù suốt buổi trưa không ăn miếng gì trong bụng.
- Trời ơi đúng là cái thân tội, phải đến mười lăm phút nữa mới tới nơi. Điệu này bị mưa là khốn khổ khốn nạn.
Dự nhìn gã nhân tình như nhìn kẻ xa lạ, chưa nhờ vả nhau ngày nào mà tưởng đã là gánh nặng trăm năm. Nàng úp mặt vào thân cây giọng nghẹn đặc:
- Chắc em không đi nữa đâu.
- Tùy à! Đi hay ở thế nào cũng được.
Dự cố cắn chặt môi nuốt trọn tủi nhục:
- Biết có ngày này em đã chẳng...
- Trời ơi giờ này mà còn hờn trách. Bộ lỗi một mình tớ sao? Chính đằng ấy cũng thuận lòng mà.
Đúng, chính vì thuận lòng nên chuyện ăn nằm đâu phải một hai lần, giờ bị lãnh hậu quả là lẽ đương nhiên, Dự đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn hắn:
- Em có cảm tưởng không đủ sức vượt qua.
- Sao cũng được. Lũ con gái lằng nhằng õng ẹo quá, đòi đi cho được rồi bây giờ...
Mày nghe hắn nói chưa hả Dự? Ói mửa vì thai nghén gọi là õng ẹo. Sợ hãi vì cuộc phiêu lưu quá dại dột là lằng nhằng rắc rối. Người đàn ông như thế sao có thể gọi là chồng. Kẻ yếu hèn chối bỏ trách nhiệm sao mày lại đặt kỳ vọng? Biết thế nhưng đã phóng lao có mấy ai không phải theo lao? Người lỡ cỡi lên lưng cọp đâu thể trèo xuống cho nó cắn? Miệng đời, dư luận, nó là bản án nặng nề cho những kẻ đi khuya về tắt như mày. Gái ngoan, gái hiền. Ôi danh từ hoa mỹ. Nó chỉ là bộ lông óng ả chụp lên thân thể loài chồn cáo tanh hôi. Vẻ nhu mì hiền lành của mày xưa nay chỉ là đội lớp, chỉ là trá hình trong khi nguyên thủy chính mày cũng muốn học đòi văn minh hưởng thụ. Xưa nay mày đã tự làm thì lần này cũng tự quyết định, đi hay ở, chết hay sống cũng phải do mày, không ai có thể quyết định tương lai cuộc đời của kẻ khác và chính hắn cũng có rủ mày trốn đi đâu mà phải hờn trách. Dự đứng bật dậy, cơn mệt mỏi tan biến đàng nào.
- Em không thể ở đây để cho mẹ mang nhục. Dù thế nào cũng phải theo anh.
- Tớ nói rồi, ở đó gần sa mạc khổ lắm đấy.
- Dì anh ở được thì em cũng ở được.
Dự không còn sự lựa chọn vì trước mặt chỉ duy nhất một con đường..
oOo
Mặt trời đã khuất hẳn sau dãy núi dài nhưng sức sáng vẫn bị ép dội ngược lên cao. Cụm mây gần nhất được tiếp nhận trọn vẹn sự phản chiếu rực lên từng mảng cam vàng óng ả như vảy cá nối tiếp theo nhau mang đầy hình thù kỳ dị chậm rãi vặn mình như một sinh vật sống dưới mặt đất. Cả một ngày oi ả nóng bức nên chiều đến gió vẫn đứng lặng mặc cho lũ mối với đôi cánh mỏng lượn tròn từng đàn như những đám khói đen di động xuôi ngược lạ kỳ. Cảnh hoàng hôn ở sa mạc luôn buồn thảm có thể vì con đường độc nhất vào giờ đó rất ít xe qua lại. Thỉnh thoảng mới có một chiếc vụt qua với làn khói èo ọt và tiếng động cơ ì ạch tựa tiếng kêu thê lương của con trâu già phải cố kéo cho xong thuở ruộng trước khi trời xẫm tối. Quốc lộ mười chạy ngang sa mạc Arizona ngoằn ngoèo giống con rắn khổng lồ bò sâu vào lòng đá nhưng nửa thân trên bị rặng núi vắt ngang. Núi cao, đen thẫm nằm sừng sững giữa trời hỗ trợ thêm vẻ tĩnh mịch hoang vu cho những ai lỡ bị hư xe phải dừng lại thế mà cách đó khoảng ba mươi dặm, từ đường cái đi sâu thêm hai dặm nữa, trên khu đất khá cao xuất hiện một ngôi nhà nhỏ nằm trơ trọi giữa những bụi hoa xương rồng trắng cao vút. Thoáng nhìn ai cũng phải mang cảm giác ớn lạnh vì trông y hệt ngôi nhà mồ.
Dự không ngờ một vùng đất khô cằn nắng cháy lại có người chọn để ở và đã ba năm qua bà ta vẫn sống tuy môi tắt hẳn nụ cười. Nàng nhớ hôm đầu tiên, cách đây ba tuần, thoạt bước vào nhà, dẫu sau cuộc hành trình hơn hai mươi bốn tiếng Dự vẫn không cảm thấy mệt mỏi mà trái lại đầu óc căng ra. Nàng ngồi bất động nhìn người đàn bà lạ với tiếng dì quen thuộc thốt ra từ miệng gã nhân tình.
- Bố mày giờ ra sao hả thằng kia?
- Thì vẫn vậy. Hắn trả lời miễn cưỡng và nhát gừng, miệng không buồn há.
- Rau nào sâu nấy chẳng chạy đi đâu được. Còn con này thế nào với mày? Sao không dẫn về nhà mà lại mang của nợ đến đây? Chúng mày mới bây lớn mà đã bày đặt đi hoang, có mang theo tiền bạc gì không?
Dự giật mình. Đi hoang. Lần đầu tiên nàng bị gán ghép danh từ gớm ghê nhưng lại thấm thía và chua xót làm sao. Chỉ những kẻ hư hỏng, muốn tự do phóng túng, muốn vượt khỏi khuôn khổ nề nếp gia đình mới bỏ trốn lang thang. Chỉ những kẻ sa cơ lỡ bước, bị chửa hoang, bị tình phụ mới trốn chui trốn nhủi. Kẻ đi hoang là kẻ đầu trộm đuôi cướp, không nhà không cửa sống ngoài vòng luật pháp và đi đến đâu người ta đều sợ tai vạ không dám chứa chấp. Kẻ đi hoang cũng là một hành khất gián tiếp hoặc dùng sự liều lĩnh để có tiền sống qua ngày. Cũng may Dự chưa đến nỗi mặt dạn mày dầy ăn cắp tư trang tiền bạc của mẹ dù biết rằng đã làm một cuộc giả chết thì phải đóng cho trọn vẹn vai trò. Dự nhìn sững gã nhân tình bí câu trả lời đang đưa tay lên đầu gãi xồn xột, những vảy gầu trắng đục được dịp tróc ra dính đầy trên tóc.
- Lúc nào dì cũng nghĩ đến tiền bạc.
- Thằng này nói lạ, không có tiền lấy cứt ăn à! Giòng họ nhà mình đúng là bị trời quả báo chỉ nuôi toàn thứ cô hồn dịch vật.
- Ai bắt dì nuôi trọn đời mà chưa chi đã than. Tụi cháu ở đây vài bữa chờ gia đình hai bên giảm bớt phẫn nộ rồi mới dám về thú tội.
Dự biết đó chỉ là câu mồi chài vì mục đích để nàng ở luôn đây cho đến khi sanh nở hắn đã nói từ lúc còn ở nhà. Người đàn bà nheo đôi mắt hí cho nhỏ thêm để chỉ nhìn thẳng vào khuôn mặt đểu cáng của thằng cháu ruột.
- Tử tế thế hả cháu? Nếu mày giống tí tẹo bên ngoại thì đúng là con này tu từ kiếp trước.
Chẳng cần nghe bà nói Dự cũng liệt gia đình nội ngoại của hắn vào hạng nào rồi. Dự không muốn nhìn người đàn bà khô đét nhưng câu chuyện liên quan đến mình và những giằng co mặc cả của hai bên khiến mắt nàng mãi đứng tròng chụp gọn hình ảnh người không xứng đáng để nhìn. Ngoài cái dáng còm cõi, bà còn có khuôn mặt sát xương và đôi mắt trắng dã chìm sâu làm gồ đôi lưỡng quyền đã quá cao chứng tỏ vừa bạc, vừa ác lại vừa sát phu, sát tử. Trái ngược với thân hình cao lênh khênh, giọng bà khàn, kéo cưa trong cổ họng nghe tận cùng mệt mỏi.
- Ở mấy ngày cũng chẳng có gì mà ăn. Mày xem tao chỉ nuôi vài ba con vịt lấy trứng thế mà vì không đủ ăn nên bữa đẻ bữa không.
- Thôi dì ơi, ai còn lạ cái miệng dì hay than. Xứ sở này mà nói chuyện đói chẳng ai tin...
Dựa theo lời hắn, Dự đưa mắt nhìn quanh. Giữa nhà chỏng trơ mỗi bộ sa lông đã sờn rách còn ngổn ngang mền gối chưa gấp gọn. Từ bộ bàn ăn Dự đang ngồi và xích vào tận bên trong, qua vách gỗ có cửa ra vào là phòng ngủ. Xéo qua phải một chút, gian bếp treo lủng lẳng vài cái nồi móp méo, một rổ chén chỉ trơ vài chiếc. Nghèo, nhà bà ta nghèo thật, có lẽ nghèo nhất nước Mỹ.
- Lâu nay chú có về không dì?
- Nó về vì đói ăn, vì xe chết dọc đường, vì bị cảnh sát lùng bố chứ có thèm khát gì tao.
Nhìn người đàn bà, Dự không thể đoán tuổi tác, trình độ hoặc xếp thứ hạng cho bà. Nếu nói là vợ thì khó có thể tìm được người đàn ông tương xứng cho đủ đôi, còn để làm nhân tình thì càng không thể vì thân hình gầy đét khó gây được xúc cảm hoặc tạo mảy may rung động.
- Cho chúng mày ở đây vài bữa rồi phải dẫn nhau đi. Tao chẳng hơi đâu chứa thứ đĩ có chửa, rắc rối lằng nhằng và khối chuyện trông bẩn mắt lắm.
Hình như sự im lặng chịu đựng của Dự khiến người đàn bà càng lúc càng trở nên lố bịch. Nếu bà ta không liếc xéo có lẽ Dự vẫn cố giữ vẻ bình thản, tảng lờ như không nghe thấy, đàng này cái liếc như dao sắc cắt đôi cổ con gà, mặt Dự tái theo không còn chút máu, cả thân người run lẩy bẩy và các tế bào tê liệt ngấp ngoái chỉ chừa mỗi đôi mắt bi thương pha lẫn oán hận. Đĩ có chửa. Còn lời miệt thị khinh bỉ nào nặng nề hơn vậy mà Dự vẫn cố phải cắn răng nuốt nhục nhã chỉ vì đang cần sự giúp đỡ.
- Cô ấy là con nhà đàng hoàng. Gã nhân tình bênh vực.
- Đàng hoàng mà chưa cưới đã vác một bụng. Đàng hoàng mà lang chạ với giòng họ đĩ đực. Tao bảo thật, bà quay sang Dự, phá thai đi rồi kiếm thằng khác làm lại cuộc đời chứ ở với thằng này chẳng sơ múi gì đâu. Mày cứ trông gương tao thì biết.
Có lẽ hình ảnh Dự rũ rù chẳng khác con gà mắc toi nên bà chẳng cần che dấu cái thực trạng mình đang sống. Chính ra ở tuổi này người ta đã có con cháu đầy đàn, anh chị em ra vô thăm hỏi còn bà chỉ thui thủi một mình, sống chẳng ai hay mà chết cũng không người biết. Đã vậy ông chồng hờ như bà vừa kể thỉnh thoảng về thăm chỉ biết bòn đẽo, rỉa rúc, hèn chi bà chẳng nặng lời miệt thị. Con người ta gay gắt chỉ trích đều có lý do và nguyên do nào cũng là trốn chạy sự thật. Họ không dám nhìn lại kẻ đang mang quá khứ của mình hoặc cũng có thể dùng những khe khắt kết án nặng nề cho lương tâm đỡ cắn rứt, đỡ mang mặc cảm tội lỗi đè nặng trong lòng đã quá lâu. Biết đâu ngày xưa bà cũng có những lầm lỗi, nhục nhã và biết đâu cũng chính bà đã đang tâm bóp chết những đứa con còn nằm trong bụng. Hèn gì bà cằn cỗi khác người. Hùm dữ đâu nỡ ăn thịt con thế mà bà lại xúi Dự làm chuyện độc ác.
- Ở đây chợ búa xa lắm, đi một lần ăn cả hai tuần hoặc một tháng. Nghỉ một lát cho khỏe rồi hai đứa lái xe mua cho tao tất cả mọi thứ cần xài cho cả ba.
Người đàn bà khô đét chấm dứt câu chuyện như thể tránh nghe những lằng nhằng xin xỏ bằng cách đứng lên và bước nhanh về phòng. Dự nhìn theo cái bóng cao lênh khênh khốn khổ ấy với cõi lòng tan nát. Tương lai mày và đứa con sẽ ra sao nếu sống với gã nhân tình chẳng ra hồn và người dì không có tình cảm? Con người không tình cảm nào chắc đã có lòng nhân mà ban phát? Người sống cô độc gần sa mạc khác gì loài xương rồng không cần nước, tự nó, nó vẫn sống với gai góc bao bọc nhưng Dự không phải là xương rồng, cũng không phải là người đã khô đét cằn cỗi nhất là hiện tại trong nàng đang chòi thêm một mầm sống.
- Hay là mình kiếm chỗ khác ở nhờ đi Mẫu.
- Cầu mong được ở đây là nhất rồi, sống xa xôi như vầy không ai dòm ngó thì không bao giờ bị lộ.
- Anh nhìn ra ngoài mà xem, cả một rừng xương rồng trải rộng ngàn dặm. Hoa của nó như những ngọn cờ phủ màu tang trắng. Em sợ lắm Mẫu ơi.
- Đúng là khùng, đói khát không sợ, sợ cờ tang.
- Nhưng sự sợ hãi sẽ ảnh hưởng đến đứa con trong bụng...
Dự cố nói, dù bị hắn nghĩ là năn nỉ van xin cũng chẳng sao.
- Ở đây thiếu thốn đủ mọi thứ. Khí hậu lại nóng nực ngay đến con vật còn sống không nổi...
- Vậy chứ dì của tớ không phải là người hả?
- Em muốn nói tại sao mình không chọn nơi khác khá hơn?
- Nơi khác có ai để nương nhờ? Rồi lấy gì mà sống? Tiền đâu thuê nhà, ăn uống...?
Hắn nói và nói nhiều lắm nhưng toàn những lời vô tình bạc bẽo nên đã đẩy hồn Dự đi xa, vượt qua cả dãy núi nằm chắn ngang trước mặt để tưởng như thấy mẹ mình giờ này đang cạn khô nước mắt. Suốt cuộc hành trình Dự luôn lắng tai nghe radio nói về trận bão, nó không xoáy thẳng vào Biloxi mà vòng xéo sang New Orleans, cách đó hơn một trăm dặm. Tuy nhiên những vùng lân cận bị ảnh hưởng khá nặng và nơi mẹ nàng trú ngụ mưa rền cho đến hết tuần. Mưa to gió lớn, chiếc tam bản và đôi dép da sũng nước... Dự nhìn ra khoảng trống mơ hồ như thấy mẹ mình đang thất thểu gào thét đi tìm xác con. Tình thương mẹ làm mắt Dự mờ đi và nỗi cô đơn ùa đến.
- Em sợ ở đây quá, buồn rũ người ra.
Buồn thật, buổi trưa trời nắng gắt, ánh nắng xen kẽ giữa những đám mây loang lổ rọi xuống triền núi như da của loại bò vàng đốm. Mây cao, màu núi đậm hơn nhưng ngay vùng mây thấp nhất lại đen xậm. Nhìn xa dãy núi loang lổ từng khoanh chỗ lợt chỗ đậm như đàn bò khổng lồ, không phải vài chục mà cả trăm con đang nằm gục chết.
- Mẫu ơi cả đống bò nằm chất chồng lên nhau mà chết thì con người làm sao sống nổi.
Không có tiếng trả lời. Dự quay lại. Hắn đã biến mất tự lúc nào... ngay hôm đầu tiên...
oOo
- Nó đi mà không nói gì với mày hết sao?
- Thưa không...
Suốt hai tuần lễ sống ở đây không ngày nào người đàn bà không hỏi Dự câu đó. Bà hỏi đi hỏi lại như một cái máy dù mãi phải nghe duy nhất một câu trả lời.
- Thằng khốn nạn vậy là nó bỏ mày rồi. Ai đời cháu ăn ốc bắt con dì già khốn khổ này phải đổ vỏ.
Dự cúi gầm mặt không dám hó hé đến một câu. Cả hai tuần nay bà nổi cơn điên vì của nợ phải mang.
- Mèo vào nhà thì khó, chó vào nhà thì sang. Mày không phải mèo cũng chẳng là chó. Là chó mèo tao đập chết ăn thịt còn mày... Trời ơi là Trời... Kiếp trước tao đã làm gì...
- Thưa dì con chỉ xin ở thêm một hai ngày chờ anh ấy trở lại.
- Ai dì cháu với chúng mày? Người đàn bà trừng mắt thị oai.
Dự không dám nói thêm dù trong lòng rất bực dọc. Gọi dì không được gọi bà cũng chẳng xong.
- Bà? Tao là bà đã chẳng ở xó xỉnh này. Mới tí tuổi bày đặt mánh khoé xóc óc.
- Thưa cô...
- Con đĩ, dẫu tao có động cỡn cũng không thể gọi là cô ở cái tuổi này.
Những đay nghiến chỉ trích vô lý thường xảy ra trong bữa cơm mà cơm nước ngon lành gì cho cam, ngày nào cũng có mỗi miếng bắp cải luộc và vài khoanh lạp xưởng, cũng có bữa vài con cá khô đã hết mùi vì để quá lâu. Cơm Dự nuốt không vào, không ăn thì đói vì ngoài ngày hai bữa chẳng thêm một thứ gì có thể nhét vào miệng. Bà đã nghèo nàn tình thương còn thêm keo kiệt về ăn uống.
- Này, nếu nó không đến thì mày cũng phải dọn đi chứ hả?
Dọn đi? Đi đâu khi xe cộ không có tiền bạc cũng không?
- Hay vào thành phố kiếm việc làm hoặc cùng lắm cũng phải đi mà xin tiền trợ cấp xã hội chứ rúc ở đây làm gì?
Cực chẳng đã Dự phải kể tình trạng của mình và giàn cảnh giả chết để mẹ nàng bớt nhục.
- Đứa nào xúi mày làm chuyện dại dột như thế! Nhục hay không thì mẹ mày cũng còn sờ sờ đấy có hao mòn hoặc tốn cắc bạc nào. Bây giờ báo chí loan tin, tên tuổi, địa chỉ cùng số căn cước của mày nằm chình ình trong hồ sơ mất tích thì đi đến đâu cũng bị lộ và mẹ mày sẽ biết trước tiên. Con ạ, có khôn ngoan và liều một chút thì tìm giấy tờ giả mà xài còn không phải sống ngoài lề xã hội mà thôi. Chỉ có dân trộm cắp đĩ điếm và nhà tù mới có thể dung túng mày chứ tao thì không.
Người đàn bà dằn mạnh đôi đũa xuống mặt bàn sau khi lùa hết chén cơm vào miệng rồi vội vã đứng lên. Dự cúi gầm mặt cố nuốt từng hột cơm đắng ngắt trong cổ họng. Ôi còn cái nhục nào bằng nhục chửa hoang, còn cái ê chề nào bằng cảnh ăn nhờ ở đậu khi không một đồng xu dính túi, khi tình cảm bị vứt bỏ và khi bị tên sở khanh buông rơi. Có đau có nhục mới thấy rằng để trở thành con người tốt lành toàn vẹn thật là khó. Có sống lang thang vất vưởng mới thấy rằng chỉ có gia đình mới là tổ ấm, là nơi trú ngụ, che mưa nắng. Như bây giờ ngay đến căn nhà tồi tàn tưởng không ai dám ở cũng không muốn chứa nàng. Dự có cảm tưởng mình luôn thừa thãi, vô dụng mặc dù từ khi về đây sân trước sân sau gọn gàng sạch sẽ hơn. Mảnh vườn bên hông rộng bằng hai manh chiếu trồng vài luống lang cằn cỗi, vài bụi xả xác xơ hôm nào đã bắt đầu chồi thêm lá. Những hạt giống cũng đang nảy mầm dưới lớp đất xốp. Nắng, nắng cháy da bỏng cổ nhưng buổi sáng, bên cái giếng sâu Dự vẫn ra sức làm việc. Nàng muốn hòa nhập trong cuộc sống, thay người đàn bà cáng đáng mọi chuyện. Gà vịt đã đẻ ngày một vì Dự chịu khó đào giun bắt dế. Chuồng ngựa cũng được quét dọn sạch sẽ và bốn con ngựa đua lúc nào cũng phè phỡn với thùng nước uống tràn đầy. Người ta lắm tiền mướn bà nuôi ngựa. Chủ giàu có thì con vật được sung sướng với thức ăn tươm tất. Nhiều khi nhìn đàn ngựa, Dự tủi thân nhưng không dám ghen cho số kiếp của mình. Ngựa được chăm sóc kỹ lưỡng, được thương yêu vuốt ve vì nó làm ra tiền, vì nó mang vinh quang, chiến thắng trong những trận đua về cho chủ. Còn Dự, nàng chỉ là một ký sinh trùng ăn bám, ngay đến việc ở đợ để chỉ đổi lấy hai bữa cơm cũng còn khó lòng nói chi đến được thương yêu giúp đỡ. Dự trông ngóng và cầu xin cho cuộc sống thay đổi, cho Mẫu trở lại nhưng gần hai tuần trôi qua mà hắn vẫn bặt tăm.
- Vậy là thằng khốn đánh con bài tẩu. Mày lo mà dọn đi thôi.
Người đàn bà nhắc nhở Dự như cố tình đập chiếc dùi vào màng trống dù biết rằng nó đã rách tơi tả. Âm thanh lùng bùng xoáy vào lỗ nhĩ nhói lên từng cơn nên mỗi lần thấy mặt bà là Dự tìm cách lẩn đi chỗ khác. Trong nhà có hai người mà ít khi giáp mặt nhau, kẻ trong phòng người bên ngoài, kẻ dưới bếp người ra sân sau. Dự sợ phải đối diện với bà vì câu hỏi tuy được lập đi lập lại cả trăm lần nhưng câu trả lời phải nói theo ý bà muốn. Phải làm sao bây giờ? Năn nỉ bà lái xe thả xuống phố cách đây hơn trăm dặm để lang thang ăn mày hay đứng ngoài đường ngoắc tay quá giang những chiếc xe chạy ngang rồi lại ăn nhờ ở đậu hoặc làm bất cứ công việc gì sống lây lất cho qua ngày tháng? Phiêu lưu và dại dột quá, còn dại dột hơn việc đẩy chiếc tam bản cho nó trôi ra ngoài sông lớn. Không, dù thế nào đi chăng nữa cũng phải chờ Mẫu. Chắc chắn hắn sẽ trở lại, dẫu không còn tình cũng phải còn lương tâm con người. Mẫu không thể bỏ Dự trong lúc bụng mang dạ chửa và khốn khổ như thế này. Dự luôn hy vọng vì hy vọng là mầm sống của con người nhưng ngày rồi lại ngày qua, nắng vẫn gay gắt và những lời đay nghiến của người đàn bà vẫn xoáy vào óc:
- Con đĩ, mày dấu hai chục của tao ở đâu?
Người đàn bà đã giở quẻ. Bà tạo chuyện mất tiền rồi vu khống để đuổi Dự đi.
- Mày không trả lời tao hả con ranh. Tao hỏi mày dấu tiền ở đâu?
Hôm đến Dự chỉ mang mỗi túi xách nhỏ, cả gia tài cộng lại không đáng giá trăm bạc, còn thua chiếc nhẫn đeo ở tay đã đưa cho bà ngay hôm ấy.
- Con đâu biết chỗ cất tiền mà lấy.
Dự cố bậm môi trả lời nhẫn nhục vì nàng nghĩ sẽ phải sống nhờ ít nhất cũng một hai tuần nữa.
- Nhà này có quân ăn cắp nên tao không cất mà phải dấu. Mày không trả hai chục thì ông giần cái xác thối tha của mày cho nát be nát bét.
Dự vẫn chưa có thái độ chống đối dù trong ánh mắt đã thoáng chút khinh miệt. Hình như bà chỉ sống ở nơi đồng khô cỏ cháy nên không biết pháp luật Mỹ như thế nào.
- Con đã nói là con không lấy.
- Thứ ăn cắp còn nỏ mồm. Cút xéo khỏi đây ngay, nhà tao không chứa quân ăn cắp.
Cây muốn lặng mà gió chẳng muốn ngừng, đã đến nước này thì đứa què cụt cũng phải vùng chạy, kẻ câm điếc cũng phải gào lên, Dự dằn từng tiếng một:
- Hai chục bạc đáng là bao để bị mang tiếng ăn cắp?
- Bởi vậy tao mới dùng tiếng ăn cắp chứ nhiều hơn nữa đã gọi ăn trộm, ăn cướp. Giống đĩ một đồng nó cũng nằm ngửa lên, ăn cắp thấy một đồng nó cũng vồ lấy. Một đồng danh dự mày biết to như thế nào không? Nó bằng cái trôn của mày. Thứ ăn cắp còn đòi phẩm giá, thứ đĩ còn đòi tiết hạnh. Phẩm giá tiết hạnh của mày đã cho trai từ hồi còn bé tí. Đồ thứ gái hư gái thối còn bầy đặt.
Người Dự run lên, cơn giận mỗi lúc một tăng vọt không như hôm đầu mới đến, nó biến cái nhìn quật ngược của Dự thành những lưỡi dao bổ cau, sắc và mỏng dính đâm tới tấp vào mặt người đàn bà.
- Bà không phải mẹ tôi mà nói giọng thầy đời. Muốn chỉ trích người khác hãy nhìn lại mình, nếu là người tốt lành đã chẳng chui rúc ở cái xó xỉnh này.
Người đàn bà cũng đánh trả quyết liệt, tia mắt là những vệt vôi cay nồng lạnh ngắt, nó xông xáo quệt vào ngay con đỉa Dự chuyên hút máu và ăn đồ thừa nhà bà. Con đỉa Dự lần này phải co quắp đau đớn vì không còn chỗ bám. Con người độc ác ít khi nghĩ đến quyền lợi hơn thiệt, hình như ngoài sự ích kỷ ghen tuông ngấm ngầm bà còn sợ trách nhiệm và những phí tổn nặng nề khi Dự sanh đẻ.
- Con đĩ con, cuốn gói cút khỏi nhà này ngay lập tức.
- Bà khỏi đuổi tôi cũng đi, ở gì được với con người tàn nhẫn vô lương tâm.
- Ha ha, người đàn bà cười giọng đểu cáng, vậy mà lại có đứa muốn chui rúc theo tao. Tao mà là mẹ mày thì một là bằm mày thành tương còn hai là chết lăn quay vì nhục nhã.
- Tôi cấm bà nói đụng đến mẹ tôi. Bà là người tồi. Giòng họ bà là thứ tồi... tồi... tồi... Mặt Dự tái xanh, cả thân hình đứng vụt dậy.
- Đồ nỡm con. Cút khỏi đây tao không muốn thấy cái bản mặt hôi thối của mày.
Dự không chịu nổi những lời chửi bới quá nặng nề, cũng chẳng đủ bình tĩnh gom góp quần áo dù chỉ có vài cái. Phải đi ngay bây giờ để thoát khỏi giọng cười khinh bỉ tàn nhẫn, bằng bất cứ mọi giá phải lánh xa mụ đàn bà ghê tởm xấu xa kia.
- Mấy người là quân ăn cướp. Thằng cháu ăn cướp thân xác lại còn đẩy sang cho bà dì nuốt cả chiếc nhẫn của mẹ tôi.
Chiếc nhẫn, vật vô giá đã tạo sự tiếc nuối in sâu trong óc Dự từ khi đến đây bây giờ bỗng chốc hiện ra rõ rệt đẩy cái miệng Dự nói trôi chảy. Dự không hiểu tại sao mình lại chuyển sang thế tấn công dù rất yếu ớt vì biết chắc chẳng đời nào bà vứt trả lại chiếc nhẫn.
- Mày có ngon đi thưa cảnh sát chứ đứng ở đây càng nói càng thối mồm. Tóm lại mày phải cút khỏi nơi đây lập tức. Đi đi đi... Giọng người đàn bà hùng hổ đuổi theo.
- Xí cô hồn cho bà đó nhưng trời không bao giờ tha kẻ gian ác.
Vừa nói Dự vừa cắm đầu cắm cổ chạy bay ra ngoài, chân xủi trên lớp đất xốp tung đầy bụi đỏ. Nhục còn hơn con chó ăn cứt. Con chó dẫu ăn cứt vẫn còn no bụng nhưng Dự, mày được gì ngoài những phút giây rung động ngắn ngủi? Khôn ba năm dại một giờ, Dự không dại một giờ mà có cả sáu mươi ngày để nghiền ngẫm. Phải trả giá cho việc làm của mình. Phải trả cho nó một cái giá...
Con đường đất vừa dốc vừa ngoằn ngoèo đi mãi không hết, Dự rẽ lên đồi chọn gốc xương rồng to nhất ngồi nghỉ ở đó. Nắng đã tắt hẳn nhưng từ lòng đất hơi nóng vẫn ngùn ngụt bốc lên khiến Dự luôn tay quệt mồ hôi chảy tong tong trên trán. Ngồi ở đây có thể thấy tất cả mọi hướng nhất là xéo về phía trong nơi có căn nhà như loài quỷ ám với đôi mắt người đàn bà ác độc trấn án ngay đầu ngõ. Đôi mắt trắng dã không chút tình người mà Dự, kẻ hành khất đang cơn khốn cùng cần chỗ nương tựa đã bị chủ nhà xua đuổi. Chiếc gậy từ miệng bà ta phóng ra đập tới tấp vào tâm não Dự còn thảm thê hơn thân thể bị bầm dập. Không thể nán lại dẫu một giờ, một phút nhưng đi đâu bây giờ? Câu hỏi luôn nằm trong đầu Dự từ khi Mẫu biến mất. Dự chần chừ ở lại chờ Mẫu với hy vọng trong ngàn lẻ một nỗi tuyệt vọng và dẫu biết rằng hắn chẳng ra gì, như mảnh gỗ mục nát phải bám giữa giòng, sống được một ngày là biết một ngày, nhưng biết được một ngày là hy vọng con nàng sống thêm một ngày dù sống không ra hồn sống. Mẫu là loại người tàn nhẫn, rõ ràng thế vì những ngày sống ở đây Dự đã nghiệm ra rằng nếu vứt nàng vào đống rác hoặc ném vào xó xỉnh nào đó mà không bị làm phiền có lẽ Mẫu đã chẳng từ. Chuyện chờ Mẫu chỉ là chuyện đói ăn vụng túng làm liều trong lúc cấp thời chờ ngày sanh đẻ chứ chấp nhận hắn làm chồng có lẽ không bao giờ. Mỗi ngày ra vô đối diện với người đàn bà, Dự lại học thêm bài học đời và bây giờ là bài học cuối cùng, cay đắng chua xót nhất. Nước Mỹ bao la rộng lớn và giàu có là thế nhưng hiện tại Dự không có chỗ để nương thân nếu cố tình che dấu tông tích...
Dự thẫn thờ nhìn bãi sa mạc rộng mênh mông. Trời đang chập choạng tối nhưng từ xa thỉnh thoảng vẫn có những cơn lốc mang theo bụi đỏ bốc lên cao, cao mãi và di động theo hình trôn ốc như tên phù thủy đang phù phép cho làn khói hồng bay ra khỏi chiếc lọ thần. Dự là làn khói mỏng manh nhưng may mắn không do bàn tay phù thủy điều khiển nên vẫn còn có thể tự quyết định đời mình, nhất là tương lai con nàng không thể để vùi dập ở mảnh đất khô cằn thiếu hẳn tình người. Nó khó vươn lên và sống mạnh nếu không có những khuyến khích cùng liên hệ máu mủ họ hàng thì Dự, nàng cũng không thể tự vươn nếu vứt bỏ những ràng buộc bẩm sinh. Tại sao lại cắt đứt niềm sống của mẹ nàng trong khi chính đứa bé trong bụng là nguyên do thúc đẩy để Dự vươn sống? Nếu Dự sống nhục được vì con thì tại sao mẹ nàng lại không thể sống nhục vì Dự? Trở về thôi, dù thế nào cũng phải trở về, về để xin sự thứ tha và về để gây dựng lại từ đầu.
Nóng khát, mệt mỏi và đói cùng một lúc kéo về, Dự thèm bữa cơm no và đặt mình xuống chiếc giường nệm êm ái ở nhà thuở nào ngủ một giấc thật dài, để mơ tưởng mẹ mình với thân thể còm cõi đang rón rén ngồi xuống lén đưa tay kéo những sợi tóc mai dính bệt mồ hôi trên trán. Sự xúc động làm Dự bật khóc thành tiếng. Không có gì quý báu và cao cả bằng tình mẹ thương con. Không có gì ấm êm tha thiết và tác dụng sâu đậm bằng những lời trách mắng chân thành. Con biết mẹ nhục nhã với mọi người nhưng tin rằng tình mẫu tử sẽ vượt hẳn lên trên, như con bây giờ, tinh thần lẫn thể xác dẫu bầm dập nhưng bằng hết khả năng vẫn phải giữ cho được mầm sống trong bụng. Không có một sức mạnh và quyền lực nào có thể lấy nó ra khỏi tay của con thì cũng chẳng có một áp lực nào bứt con ra khỏi tình thương yêu của mẹ.
Ý tưởng trở về lại chợt thoáng qua và những réo gọi thiêng liêng làm Dự lo buồn vật vã. Trở về. Liệu nàng đủ can đảm quỳ dưới chân mẹ thú tội và chấp nhận hình phạt không? Dẫu biết rằng nước mắt chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược; người mẹ luôn khóc vì thương nhớ, vì lo lắng và mong muốn sao cho con mình có hạnh phúc sung sướng, sẵn sàng giang rộng đôi tay đón đứa con hoang đàng trở lại nhưng liệu mẹ nàng có đủ sức sống dài lâu với sự nhục nhã? Liệu mẹ nàng có bình thản trước dư luận để đón nhận kẻ chết vừa sống lại, một đứa con từ bùn đất nhơ nhuốc bò lết về xin tình thương và sự giúp đỡ hay lòng mãi quặn đau và bệnh hoạn vì những đêm dài âu sầu mất ngủ? Dự biết và biết rất rõ con người ta không thể sống đẹp khi không có tình thương yêu. Dự yêu gia đình, yêu mẹ, yêu chốn cũ thì chuyện trở về là lẽ đương nhiên. Nhưng về với miệng đời mai mỉa rằng chẳng thà chết vinh còn hơn sống nhục thì về làm gì?
Sự sống giằng bửa, dính chùm vào Dự cùng với nhục nhã bủa vây tứ phía quanh đi quẩn lại cũng vẫn một câu hỏi có nên về không? Sự trở về của nàng sẽ cứu tỉnh được ba mẹ con trong thoáng chốc nhưng bù lại, tất cả phải trả cho cảnh đoàn tụ một cái giá bằng bia miệng cười cay độc. Về hay không? Về để nghe dư luận nhạo cười hay trốn chui trốn nhủi ở một xó xỉnh nào đó cho hết cuộc đời với đứa con rơi rớt không cha? Nghĩ đến con Dự lại thấy lòng thương mẹ tràn trề và càng quyết phải vùng lên ngoi khỏi vũng bùn. Dư luận dẫu khắc nghiệt cách mấy cũng không thể mãi lên án một khi kẻ cắp đã hoàn lương. Vượt được chặng đường khổ nhục để bảo vệ sự sống của con thì tại sao Dự không can đảm quay đầu trở lại để cho mẹ biết là con của mẹ vẫn còn sống và muốn làm lại cuộc đời. Phải quay trở về. Dù thế nào cũng phải trở về...
Dự đứng lên thất thểu tiến ra con lộ chính. Sa mạc vắng lặng như một bãi tha ma, thỉnh thoảng hai đốm vàng từ ngọn đèn xe trờ đến rồi lại vút đi và tắt ngấm để lại nỗi lo sợ cứ thế chồng chất lên nhau. Một chiếc hai chiếc rồi ba chiếc... Dự vẫn không đủ can đảm đưa tay ra vẫy xe quá giang dù lòng đã nhất quyết. Sự hổ thẹn lương tâm to lớn hơn nàng nghĩ. Lòng thương nhớ mẹ cũng bị đánh át mà thay vào đó hình ảnh vật vã quát mắng và đôi mắt nghiêm khắc của mẹ khi hay tin Dự đã làm chuyện điếm nhục tổ tiên. Làm sao bây giờ? Dự ngần ngừ nửa muốn bước nửa muốn trở lui dù biết rằng cả hai đều rất khó thực hiện.
Bóng đêm mỗi lúc một dầy đặc, vang vọng chung quanh côn trùng rả rích khóc than làm lòng Dự thêm bồi hồi thương cảm. Phải quyết định ngay bây giờ. Phải quyết định cuộc đời mình. Dự thở dài nhắm mắt liều tay vẫy khi một chiếc nữa vụt qua. May mắn, theo trớn nó chạy thêm một quãng ngắn rồi mới quay đầu lại được.
- Sao giờ này còn lang thang ở đây? Cô có cần tôi giúp đỡ gì không?
Bà Mỹ già thấy Dự có vẻ hiền lành nên quay kiếng xe thò hẳn đầu ra ngoài.
- Lên xe đi rồi hãy nói chuyện, ở đây nguy hiểm lắm cô không biết sao?
Như đứa cháu ngoan ngoãn trước lời dỗ dành của bà ngoại, Dự mở cửa lên xe rồi chợt khóc oà lên. Hình như từ lâu lắm rồi hôm nay Dự mới được nghe tiếng khóc của mình, khóc vì ăn năn và khóc vì tủi nhục dày vò. Bà Mỹ già như cảm thông với nỗi khổ của Dự nên một lúc lâu khi tiếng khóc dứt hẳn mới từ tốn hỏi:
- Cô muốn về đâu bây giờ?
- Thưa bà, cho con đến sở cảnh sát nào gần nhất.
Dự đã đi đúng đường, đến sở cảnh sát nhờ họ giúp đỡ phương tiện để trở về chốn cũ...