Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Tế Thành Hoàng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 801 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tế Thành Hoàng
Khái Hưng
Người ta đồn ông thành hoàng làng Tiền thiêng lắm. Mỗi lần rước ngài là một lần vất vả khổ sở cho dân ngài: nào ngài bay, nào ngài lùi, nào ngài quay, có khi ngài lại đứng ỳ ra nữa. Các quan viên tha hồ xuýt xoa van lạy, khấn khứa ngài đủ các câu, ngài vẫn làm ngơ như không nghe thấy gì hết. Những lúc ấy nếu không đốt một tràng pháo thật dài để mừng ngài, thì khó lòng ngài chịu đi cho.
Thế mà năm nào ra giêng vào đám, vẫn hai lượt dân làng Tiền phải rước ngài, một lượt từ miếu ra đình để ngài chứng kiến việc hội họp ăn uống, và một lượt từ đình trở về miếu để ngài an nghỉ. Khó khăn nhất, mệt nhọc nhất cho bọn khiêng kiệu là quãng đường qua đình Tràng. Ngài nô giỡn, ngài chạy cuồng, ngài nhảy cẫng như vui thích khoái trá về một điều gì. Người ta nói vì đức thánh đình Tràng là một vị nữ thần mà ngài nghịch ngợm thích trêu ghẹo chơi.
Dân làng Tiền cũng không ai phàn nàn về cái thiêng của ngài. Trái lại, người ta còn lấy làm hãnh diện được thờ một vị thần mà khắp vùng đều kinh sợ. Không phải sợ bóng sợ vía, nhưng sợ những sự tác oai hiển hiện trước mắt. Một lần, một đứa trẻ chăn trâu trèo lên cây muỗm trước miếu, đã bị ngài quật ngã chết tươi. Lại một lần một con bé bế em đi xem rước giơ tay chỉ trỏ kiệu ngài, bị ngài hành cho một trận ốm thập tử nhất sinh.
Người ta đua nhau thuật những phép thiêng của ngài. Câu chuyện mà người ta hay kể nhất, kể với một giọng rụt rè, kinh hãi, là câu chuyện ông tiên chỉ đương đứng đại bái tế ngài, bị ngài phạt ngã gục xuống bất tỉnh. Người thì bảo vì ông tiên chỉ vô ý hôm trước đã ăn mấy miếng thịt "cầy". Người thì bảo đồ lễ sắm không được tinh khiết. Có người lại quả quyết rằng vì ông tiên chỉ đã đem rượu ty lên dâng ngài, nên ngài hành phạt cho tỉnh ngộ để từ rầy phải dùng rượu ngang vào việc cúng tế.
Nhưng đó toàn là những lời phỏng đoán. Và đều không đúng sự thực. Vì sự thực tôi đã được chính ông tiên chỉ đại bái thuật cho nghe, trong một tiệc rượu. Cố nhiên ông ta say khướt. Không say dễ ai đã dám bất kính đối với một ông thần, một ông thần linh nữa. Vì đây chính là một câu chuyện bất kính. Với lại cũng tại mấy chị đầu quê: các chị ấy có duyên quá! Và bông đùa và nhí nhảnh nói tục luôn miệng khiến ông tiên chỉ cũng vui câu chuyện, không kịp nghĩ ngợi suy tính kỹ càng. Trong một bàn tiệc có gái, thì điều gì mà người ta không kể, quý hồ gợi được tiếng cười của cử tọa, nhất là của gái.
Hôm ấy đã khuya, có lẽ quá nửa đêm. Chúng tôi đánh tổ tôm ở nhà ông chánh Bá làng Cầm. Trong số năm chân có ông tiên chỉ làng Tiền.
Bỗng chủ nhân cao hứng cho gọi "nhà trò".
Gặp mùa các đình vào đám, làng Cầm có tới ngót chục cô đầu quê. Và lúc ấy hát hầu thánh đã xong, các cô rỗi, tìm hẳn thế nào cũng đến ngay.
Quả nhiên chỉ mười lăm phút sau, đã dẫn đến hai cô, y phục nửa tỉnh nửa quê, cái áo lụa trắng kiểu mới che gần kín cái quần lĩnh thâm. Một cô lại có cả mái tóc vấn trần làm nổi hẳn cái mặt tuy hơi khô nhưng rất cân đối dễ thương. Đứng bên hai cô, anh kép, mắt ngái ngủ, hai tay ôm đàn, mồm há hoác ngáp lấy ngáp để.
Chủ nhân nhờ người cầm bài để xuống nhà giục đồ nhắm và cháo gà. Nhưng một ông khách có nhã ý xin tan cuộc tổ tôm, tiền góp còn bao nhiêu sẽ chi tất cả cho cô đầu. Tôi nhìn đống hào trong khay và đếm nhẩm: có lẽ tới được ngoài ba đồng. Đối với cô đầu quê, chi như thế cũng đã hậu.
Tiếng trống, tiếng đàn chen tiếng phách. Hết bắc phản sang thét nhạc, hát nói. Rồi mâm rượu bưng lên.
Đến tỳ bà thì ai nấy đã chuếnh choáng men, tiếng nói che lấp tiếng ca. Một người chừng cấp hát cô đầu tỉnh, ép chị Tửu hãm nhà báo một câu.
Chuyện bắt đầu nồng nàn, và sỗ sàng, và tục tĩu. Quan viên nói tục, cô đầu nói tục. Họ quanh quẩn, vui thú trong những ý tưởng dâm đãng. Hết chuyện người, họ nói đến chuyện thần, chuyện dâm thần.
Tôi chợt nhớ tới ông thần thiêng làng Tiền. Và tôi hỏi ông tiên chỉ:
- Nghe nói đức thánh xã nhà thiêng lắm, phải không?
Gặp lúc tỉnh, chào ông chỉ - tiếng gọi tắt chức tiên chỉ - đã trồ trề ca tụng "đức thánh". Nhưng hiện ông ta say, say túy lúy càn khôn, nên chẳng kịp giữ gìn nữa, buột miệng đáp liền:
- Vâng, ngài thiêng lắm. Nhưng bảo ngài thiêng mà quật tôi ngã giữa lúc tôi đứng đại bái thì ...
Ông chỉ chưa nói dứt câu đã cười thét lên, vừa cười vừa đập tay đôm đốp xuống đùi chị Tửu ngồi kề bên. Tửu nhích lùi ra nói:
- Dễ thường thánh ốp vào ông hay sao mà ông hành em thế?
Ông chỉ cười càng to:
- ừ, thần nhập vào ta rồi đấy.
Tôi tò mò nhìn ông ta và thấy ông ta đổi khác hẳn. Mọi khi ông ta hiền lành, lù đù nữa, thế mà lúc này mắt ông ta long lanh sáng, miệng ông ta cười rất có duyên. Ông ta bứt cái khăn xếp vứt ra giường – vì chúng tôi phải uống rượu ở sàn gác, - để lộ cái trán cao và bóng, cái trán có vẻ thông minh lắm.
Và tôi đoán chừng có nhiều điều hay hay trong câu chuyện tế thần. Cố giữ nghiêm trang, tôi hỏi:
- Vậy ra không phải thánh ngài phạt ông?
Ông chỉ vẫn cười:
- Khô ... ông!
Tửu láu lỉnh tiếp luôn:
- Lại còn không. Hôm ấy em cũng có đấy, em trông thấy cả, em còn lạ gì. Đây này...
Ông chỉ cãi:
- Không phải... thực ra...
Nhưng một người gạt phắt:
- Thì hãy để chị Tửu nói đã nào. Chị trông thấy những gì, chị Tửu?
Tửu kể:
- Lúc ấy dẫn rượu. Em với chị Miện bắt bài. Em thấy ông chỉ đứng đại bái bỗng khom khom cong người lại, rồi đến lúc xướng "tựa vị" thì ông chỉ ngã vật ra bất tỉnh nhân sự. Thế mà còn bảo không phải ngài phạt.
Mọi người cười om. Ông chỉ ung dung đáp:
- Thế mà không phải ngài phạt, mới chết chứ. Vì tại sao ngài lại phạt tôi? ừ, tôi hãy hỏi chị, tại sao ngài lại phạt tôi? Hay trước khi vào tế tôi có nghịch ngợm chị nên... uế tạp...
Tửu cũng chẳng vừa, nhí nhảnh:
- Chính thế!
Tiếng cười càng vui. Tôi nóng nẩy muốn biết ngay câu chuyện, liền chêm:
- Nếu không phải đức thánh phạt, thì xin ông cho biết sự thực.
- Vâng, và tôi xin kể có đầu có đuôi cho câu chuyện thêm.. hứng thú...
Nói chuyện có đầu có đuôi vẫn là một đức tính của các ông kỳ lý. Tôi biết có ông kể đến đoạn hay còn ngừng lại, thong thả châm đóm hút thuốc để người nghe phải đợi một lúc lâu. Và tôi hấp tấp hỏi đón trước để chóng được biết kết cục:
- Chừng ông ngộ cảm ngất đi chứ gì?
- Không, nếu ngộ cảm ngất đi đã chẳng có chuyện. Đằng này không ngộ cảm ngộ kiếc gì cả cơ chứ!
Rồi ông chỉ kể luôn:
- Năm ấy tôi đại bái. Tôi còn nhớ ông hương Bích với ông khán Nhuệ đứng bồi tế.
Tôi sốt ruột nghĩ thầm: "Không biết những ông bồi tế ấy có liên can gì đến câu chuyện "thánh phạt", mà phải dềnh dàng liệt tên. Không khéo ông ta sẽ lôi ra một tràng quan viên cho mà xem". Quả nhiên, ông chỉ kê khai đủ cả, nào ông đọc chúc, các ông thông xướng, các ông chước tửu. Rồi tiếp:
- Tới tuần rượu thứ hai, tôi thấy... thế nào ấy ở ngang thắt lưng, như tự nhiên bụng thóp lại, dẹp lại, làm cho cạp quần rộng ra không sát liền với da bụng nữa. Tôi kinh hoảng đứng im, không nhúc nhích, vì tôi mang máng sợ...
Ông chỉ dừng lại để cười. Tửu tò mò hỏi:
- Ông mang máng sợ cái gì?
- Sợ tụt nút buộc cạp quần.
Tiếng cười lại ầm ĩ, và ai nấy nhao nhao lên hỏi:
- Thế có tụt thật không?
- Lại chả thật!
Rồi chờ cho im lặng trở lại, ông ta kể tiếp:
- Tôi vẫn hy vọng rằng tôi tưởng nhầm. Nhưng mắt tôi cũng rời cái hốt để nhìn qua xuống hia. Thì ... chết chửa! Hai ống quần đã lùng thùng cộn lại ở phía dưới. Tôi lo lắng, sợ hãi, run lên, và giời tuy rét mà mồ hôi tôi toát ra ướt cả áo lót. Tôi nghĩ ngợi tìm mưu kế. Chẳng nhẽ cho hai tay vào trong áo xốc quần lên để buộc lại cạp! Làm như thế còn gì là thể thống? Mà nếu bị làng bắt lỗi thì còn gì là thể diện ông tiên chỉ đại bái. Tôi càng luống cuống khi thấy ông Nghệ, ông Khôi dẫn rượu vào hậu cung đã trở ra, và ông Thuận sắp xướng: "tựa vị" để mình đi vòng mép chiếu về đứng chỗ cũ. Làm thế nào bây giờ? Mình chỉ biết hai đùi, hai gối khép chặt lại nhau cho cái quần khỏi tụt hẳn. Nhưng lúc đi thì còn khép làm sao? Chẳng nhẽ nhẩy hai chân mà đi...
Cử tọa lắng tai chú ý nghe, đến đây như không giữ được nữa, ai nấy vỗ tay, vỗ đùi cười ngất. Nhưng ông chỉ vẫn thản nhiên kể tiếp:
- Đầu tôi nóng bừng. Mồ hôi trán chảy từng giọt xuống chiếu. Vài giây nữa, chỉ vài giây nữa nếu không quả quyết, nếu không nghĩ ra mưu gì thì thực... mất hết danh giá. Hai tay tôi mấy lần định thò vào trong bọc, rồi lại ngập ngừng thôi, như có người giữ ghì lại không cho làm cái việc bất kính...
Tiếng cười lại nối. Một người nói:
- Ngài giữ tay ông đấy.
- Thế về sau ông làm thế nào? Đành buộc lại cạp quần chứ?
- Khô... ông. Nếu buộc lại thì đã không có chuyện... Lúc bấy giờ óc tôi rối loạn. Như có trăm nghìn tiếng xui giục bên tai... Bỗng tôi mê man tưởng thoáng nghe thấy câu thì thầm: "giả tảng ngất đi!" Thế là tôi ngồi ngay xuống rồi ngã vật ra, mồm ú ớ kêu... tôi cũng chả nhớ là đã kêu những gì...
Cái gác hẹp của ông chánh Bá vang lên những tiếng cười thét và những tiếng giậm chân vỗ tay.
Xuân 1939
Rút từ tập truyện ngắn Cái Ve.
Nxb Đời nay, 1944.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 652

Return to top