Ngoại Tình
Lê Thị Nhị
Khi chiếc xe chạy vào ngã rẽ để về nhà thì Mẫn bắt đầu cảm thấy bực bội, khó chịu. Nỗi bực bội, khó chịu ấy lên đến tột đỉnh khi chàng đẩy cửa bước vào nhà, thấy vẻ mặt lạnh như tiền của vợ và mấy đứa con phá phách.
Để dằn mặt vợ và lấp liếm cái việc về trễ của mình, Mẫn bắt đầu la hét các con:
-Thấy tao về mà chúng mày giương mắt ếch ra đấy à? Tại sao giờ này chúng mày chưa đi ngủ?
Chàng nhìn thằng Nhân:
- Tại sao cái áo của mày lại rách toạc ra thế kia? Lại chui vào cái xó xỉnh nào phải không?
Thấy con Hậu đứng ngắm nghía trước tấm gương lớn, gắn sát vào tường, phía gần nhà tắm, chàng nguýt dài:
- Hừ, mới nứt mắt ra mà đã học thói điệu của ai vậy? Đừng tưởng ở Mỹ là chúng mày muốn làm gì
thì làm đâu!
Thằng Nhân, con Hậu ngơ ngác nhìn Bố rồi len lén đi vào phòng ngủ.
Cái kiểu "vừa đánh trống vừa ăn cướp", đã đi chơi với bồ rồi về nhà lại gắt gỏng loạn xạ cả lên cho sướng miệng của Mẫn, Châu đã quá quen thuộc. Nàng thản nhiên ngồi xem Ti vi, thỉnh thoảng lại nhón một hạt dưa đỏ hồng, nhỏ xíu, đưa lên miệng cắn tí tách.
Thái độ của Châu làm Mẫn giận run lên. Chàng hỏi sẵng:
- Có cái gì ăn không?
Châu đang chăm chú nhìn lên màn ảnh nhưng nàng cũng biết câu hỏi ấy dành cho mình. Nàng đáp trống không:
- Về trễ quá, tưởng không ăn, cất hết trong tủ lạnh rồi!
Dù có ngang ngược cách mấy thì Mẫn cũng ý thức được rằng chàng đang ở Mỹ, một cái xứ mà luật pháp và xã hội không cho phép chàng đối xử với vợ theo cái kiểu chồng chúa, vợ tôi.
Ngày xưa, khi còn ở Việt Nam, những trường hợp như thế này thì chàng đã nổi cơn khùng lên, quát vợ vài câu, bắt nàng dọn cơm cho chàng ăn. Nếu vợ cằn nhằn, ghen tuông, chàng bạt tai cho vài cái. Nàng ngồi khóc thút thít. Chàng tỉnh bơ ăn uống, rồi đi ngủ. Thế là xong.
Bây giờ thì thời vàng son đó không còn nữa! Mẫn thở dài, nuốt giận, đi vào bếp, mở tủ lạnh, tìm thức ăn, vì chàng quá đói!
Chiều nay, ở sở ra trễ nên Mẫn phóng xe ngay về nhà Phương mà không ghé tiệm Tàu mua thức ăn như thường lệ.
Đã hai tuần nay, ngày nào Mẫn cũng ghé lại nhà Phương sau giờ tan sở vì Minh, chồng Phương, mang hai đứa con về Việt Nam thăm bố mẹ nên chàng và Phương tha hồ mà tình tự ngay tại nhà nàng mà không cần phải mướn khách sạn như mọi khi.
Gặp chàng, Phương nũng nịu:
- Nhà chẳng có gì ăn đâu. Em chỉ có gói bắp rang và hộp bánh ngọt mua ở Price Club thôi!
Mẫn hôn lên trán người yêu:
- Gặp nhau là mình no rồi, đâu cần ăn, em!
Tuy miệng nói thế nhưng trong lòng Mẫn hơi khó chịu vì cái tính vô duyên của Phương. Chàng cũng hơi lo bởi vì bụng chàng đang đói meo. Mà đói thế này thì làm sao chàng có thể tình tự với nàng cho nổi? Chàng thoáng nhớ tới cái tủ lạnh đầy ắp thức ăn và những bữa cơm thịnh soạn hằng ngày của vợ. Nhưng hình ảnh đó qua nhanh, nhường chỗ cho thân hình cân đối, hồng hồng như miếng nem chua, ẩn hiện trong làn áo ngủ bằng lụa trắng mỏng tanh va đôi cánh tay trần nuột nà của Phương. Mẫn nuốt nước bọt rồi bỗng mỉm cười.
Phương hỏi:
-Tại sao tự nhiên anh lại cười?
- Anh nghĩ, các cụ ông ngày xưa sướng thật!
- Tại sao?
- Tại vì các cụ được quyền có nhiều vợ.
Phương dí ngón tay trỏ vào trán Mẫn:
- Ham vừa thôi nghe! Anh mà có nhiều vợ, các bà xúm nhau vào hành hạ thì anh chỉ có từ chết đến bị thương.
Mẫn cãi:
-Không đâu! Này nhé, nếu bây giờ cả Châu và em đều là vợ anh thì hay biết mấy! Mình ở chung một nhà, đỡ hẳn khoản tiền thuê khách sạn mỗi lần gặp nhau. Một điều tuyệt vời nữa là Châu thì thích nấu ăn, em thì không.
Phương cười rúc rích:
- Anh đang đói và thèm thức ăn của chị Châu phải không?
Mẫn thành thật:
- Ừ!
Phương ghé tai người yêu, thì thầm:
-Em bỏ đói anh, tối về, anh ăn cơm chị Châu nấu, anh mới thấy ngon, thấy quí!
Mẫn không ngờ lời nói của Phương hồi chiều thế mà đúng. Sau khi hâm nóng bát canh chua và đĩa thịt bò xào su hào, Mẫn ngồi vào bàn, ăn ngấu nghiến. Những miếng thịt bò mềm mại, những miếng su hào non, tỉa hoa khéo léo, nêm nếm vừa miệng, ăn với cơm nóng hổi, ngon thật là ngon! Chàng cũng đã ăn hai bát canh chua chay với đủ giá, cà chua, đậu hũ, đậu bắp, bạc hà, nấm hương mà vẫn còn muốn ăn thêm.
Vừa ăn, Mẫn vừa công nhận tài nấu nướng của vợ. Thực ra, không phải bây giờ chàng mới nhận ra điều đó. Hồi mới quen, chàng đã từng ngưỡng mộ và ca ngợi với bạn bè, bà con là Châu có đủ những đức tính : công, dung, ngôn, hạnh.
Sau khi cưới, có lần Mẫn đã thủ thỉ bên tai vợ:
-Em tuyệt vời trong phòng ngủ, trong nhà bếp. Thành ra có lẽ cả đời anh, anh không loạng quạng với cô nào được đâu! Làm gì có người thứ hai như em trên đời này?
Châu tròn mắt nhìn chàng sau khi nghe câu nói đó:
- Đàn ông các anh, chỉ quan tâm tới hai vấn đề đó thôi ư?
Mẫn thú nhận:
- Nói ra thì kỳ, chứ sự thực là như vậy đó em. Thành ra, các bà, các cô muốn giữ chồng, cứ việc cho họ no nê về tình và ăn uống thì họ có chạy đằng trời.
Châu nhăn mặt:
- Thế thì thân phận đàn bà thảm quá, vì người ta không thèm để ý đến tâm hồn và trí tuệ của người phụ nữ!
Nhưng rồi không biết từ bao giờ, Mẫn đã thấy nhàm chán những thói quen trong phòng ngủ của vợ. Chàng cũng không còn cảm thấy những món ăn vợ nấu hợp với khẩu vị của mình nữa.
Những đứa con lần lượt ra đời và lớn lên. Nhưng Mẫn nhận ra rằng chúng cũng không mang lại niềm vui cho chàng mà cũng chẳng là chất keo để gắn chặt đời của hai vợ chồng chàng với nhau như chàng tưởng.
Ngay từ hồi còn ở trong nước, chàng thường rời xa gia đình để đi tìm sự tươi mát trong đời sống. Đến khi sang Mỹ thì tình trạng lại còn tệ hại hơn. Gia đình, vợ con, càng ngày càng trở thành một gánh nặng cho chàng. Chàng đi về như một cái bóng. Châu cũng chẳng hề ghen tuông, cằn nhằn như các bà vợ khác. Đôi khi, chàng bằng lòng thái độ ấy của Châu, vì chàng được tự do. Đôi khi, chàng lại bực bội vì nghĩ Châu không còn coi mình ra cái gì cả. Hoặc trí tưởng tượng của chàng đi xa hơn, chàng nghĩ, hay là Châu cũng đã có bồ?
Ở cái xứ Mỹ này, việc các bà ngoại tình đâu phải là chuyện hiếm hoi gì cho cam. Chàng đã từng cặp kè với mấy bà làm cùng sở. Mới đầu thì cùng nhau đi ăn trưa, tán tỉnh lăng nhăng, rồi cũng tới nơi, tới chốn, mà chẳng tốn kém thời giờ và tiền bạc là bao. Ăn ở hiệu fast food thì rẻ hơn ăn cơm Tàu, cơm Việt. Mướn phòng ở Motel thì rẻ hơn mướn phòng ở Hotel. Những mối tình tạm bợ ấy mau đến và mau đi, nó không để lại trong lòng chàng một chút vấn vương nào. Sau thời gian ngắn ngủi tình tự, họ lại thản nhiên coi nhau như bạn, như người làm cùng sở.
Nhưng việc chàng dan díu với Phương thì khác. Tình trạng của hai người đã quá đậm đà từ khi còn ở Việt Nam. Nhiều lần Phương đã khóc, đòi hai người phải cùng ly dị để chính thức lấy nhau.
Chàng thường khuyên Phương là hai người chỉ nên lén lút gặp nhau cho vui cuộc đời mà không nên làm xáo trộn cả hai gia đình. Vợ chồng chàng và Minh vốn là bạn thân từ hồi còn đi học. Minh là một người đàn ông mẫu mực, Châu là một người đàn bà đảm đang, các con của họ thì còn nhỏ nên nếu chàng và Phương sống buông thả, làm tan vỡ cả hai gia đình thì chàng thấy mình quá bất nhẫn! Mặc dù, chàng cũng biết, hiện tại, chàng nào có giúp gì được cho gia đình. Lương chàng đã ít, lại còn phải quà cáp cho Phương và chi phí những lần gặp nhau nên số tiền chàng mang về đưa cho Châu thật là ít ỏi. Có lẽ chỉ vừa đủ đóng phần tiền cơm cho chàng.
Ăn uống no nê rồi, Mẫn nhanh nhẹn rửa chén bát, một điều mà lâu nay chàng chẳng hề làm. Rồi Mẫn đến bên vợ, nói nhỏ:
- Khuya rồi, đi ngủ đi em! Hôm nay cho anh ngủ bên phòng em, nhé!
Châu ngạc nhiên, tưởng mình nghe lầm:
- Anh nói gì cơ?
Mẫn ngượng nghịu, nhắc lại lời mình vừa nói.
Châu tiếp tục xem ti vi, không trả lời.
Mẫn ngập ngừng:
- Hay là em tắt ti vi được không? Anh có chuyện cần bàn với em.
Mắt Châu vẫn không rời màn ảnh, nói sẵng:
- Vừa xem ti vi vừa nghe cũng được mà!
Mẫn vẫn kiên nhẫn:
- Không, chuyện quan trọng và hơi dài, anh cần em chú ý nghe.
- Anh cần ly dị để cưới vợ mới phải không? Bất cứ lúc nào anh muốn thì nhờ Luật sư làm giấy tờ đi!
Mẫn giật mình, nhưng chàng yên tâm ngay, vì nói như thế, có nghĩa là Châu không biết chuyện giữa chàng và Phương mà nàng nghĩ rằng chàng có một người nào khác. Chàng chối:
- Bậy nào! Cũng chơi qua đường thôi ấy mà!
Châu bực mình:
- Anh nói là anh yêu người ta còn dễ nghe hơn anh nói cái giọng sở khanh ấy! Gần người ta, anh có nói như vậy không?
Mẫn đớ lưỡi ra một lúc rồi cố lấy giọng bình tĩnh:
- Anh muốn anh và em trở lại cuộc sống vợ chồng như xưa. Anh hứa sẽ tu tỉnh làm ăn và không lăng nhăng nữa. Các con lớn rồi, chúng cần có một gia đình đàng hoàng em ạ!
- Anh mà cũng nghĩ rằng các con cần có một gia đình đàng hoàng à? Hôm nay anh ăn phải cái gì mà nói năng lạ lùng như thế ?
- Anh mới ăn su hào xào thịt bò và canh chua chay của em. Anh nhớ hồi chúng mình yêu nhau và mới lấy nhau. Anh tiếc là anh đã ham vui, bỏ đi cái hạnh phúc thật sự của mình để chạy theo những ảo ảnh của tình yêu.
- Anh mới nói hồi nãy là anh chỉ chơi qua đường thôi mà, những vụ lăng nhăng của anh đâu phải là tình yêu ?
- Thôi em ! anh mong em bỏ qua tất cả chuyện cũ, mình làm lại từ đầu em nhé ?
Châu ngao ngán :
-Trễ quá rồi! Bây giờ, chỉ còn mỗi một cách là chúng mình đưa nhau ra tòa ly dị để mỗi người sống nốt quãng ngày còn lại theo ý mình mong muốn. Anh không cần phải sống giả dối nữa !" Yêu ai cứ bảo rằng yêu, ghét ai, cứ bảo rằng ghét"
Nghe Châu nói, giọng quyết liệt, Mẫn chưng hửng. Chàng không ngờ đúng vào lúc chàng muốn làm lành thì Châu lại dứt khoát như thế. Vợ chồng chàng chiến tranh lạnh đã từ lâu, mỗi người có một cuộc sống riêng, tuy cùng ở dưới một mái nhà.
Mẫn thoáng ân hận vì bỏ bê vợ con quá lâu! Phải chi, chàng khôn ngoan hơn một chút thì nay đâu đến nỗi này? Tuy vậy, chàng vẫn tin rằng bây giờ đang giận thì Châu nói thế, nhưng nếu chàng tiếp tục năn nỉ, nàng sẽ quên đi chuyện cũ và gia đình sẽ lại bình thường như xưa.
Trong quá khứ, cái tài năn nỉ ỉ ôi của Mẫn đã có kết quả khá tốt đẹp. Chàng đã đánh bạt được những anh chàng đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu để cưới được Châu. Chàng cũng đã bay bướm với cô này, cô kia chỉ một năm sau khi lấy vợ mà gia đình chàng vẫn không hề có chuyện xào xáo nào đáng kể xảy ra.
Mỗi lần Châu giận hay ghen tuông, lúc đầu, chàng ngọt ngào, dỗ dành. Lúc sau, chàng giận dữ, quát tháo. Ấy vậy mà mọi chuyện cũng qua đi một cách nhẹ nhàng , êm thắm.
Cũng có nhiều khi, lương tâm của Mẫn bị cắn rứt, nên sau khi du dương với bồ, chàng lại mua tặng vợ nữ trang, phấn son, nước hoa hoặc năm ba xấp lụa loại đắt tiền để may áo dài. Nhưng thường thì Châu không có dịp dùng những thứ quà tặng đó. Áo dài may xong, nàng treo vào tủ. Nữ trang, phấn son, nước hoa, nàng xếp rất thứ tự trong ngăn kéo. Lý do là vì Mẫn vẫn đi miệt mài, chỉ về nhà vào lúc nửa đêm, còn Châu thì đầu tắt mặt tối với việc sở, việc nhà. Hôm nay không phải bỗng dưng Mẫn có ý định làm lành với vợ mà vì có một việc rất quan trọng chàng cần có sự đồng ý của Châu. Chàng nhớ mẩu đối thoại với Phương ban chiều, trước khi hai người chia tay, Phương dặn dò:
- Anh nhớ bàn với chị Châu về việc vợ chồng em muốn gửi thằng Tân ở lại đây với anh chị vì nó không muốn chuyển trường giữa năm học nhé! Như vậy thì em mới có cớ để thỉnh thoảng xuống đây gặp anh.
- Em có chắc là Minh bằng lòng như vậy không? Đây với New York mà anh chàng cũng dám để lại thằng con cưng à?
- Lúc đầu, Minh cũng không chịu, nhưng sau em và con năn nỉ mãi nên anh ấy cũng chiều theo vợ con. Bây giờ, em chỉ lo chị Châu không nhận lời thôi!
- Châu cũng dễ tính mà lại rất nể Minh nên nếu Minh nhờ thì cô nàng cũng không từ chối đâu!
- Em cũng hy vọng như vậy.
Bây giờ đứng trước mặt Châu, Mẫn chưa đề cập đến vấn đề chính mà tình hình đã có vẻ căng thẳng rồi. Chàng lo rằng việc thằng Tân ở lại không giản dị như chàng tưởng.
Mẫn tính toán rất nhanh trong đầu, rồi làm lơ như chưa từng có chuyện gì xảy ra, chàng nói:
- Phiền quá! Vợ chồng Minh đổi đi New York, muốn gửi lại mình thằng Tân để nó học nốt năm học, tụi nó đã nói với em chưa?
Châu thản nhiên:
- Có nghe vợ chồng Minh nói qua, tưởng bọn họ nói đùa.
- Thật đấy chứ đùa gì tụi nó. Vợ chồng nhà ấy kỳ cục, con còn nhỏ mà dám đẩy cho người khác nuôi giùm. Thằng Minh thì còn bảo là đàn ông không để ý, chứ con Phương mới vô duyên. Mẹ mà không thắc mắc khi xa con gì cả, đúng là mẹ cà chớn!
Ngừng một lúc, Mẫn lại hỏi:
- Thế em định thế nào?
- Nếu mọi người muốn như vậy thì cũng được thôi!
Mẫn há hốc mồm ra vì chàng thấy mình "Bất chiến tự nhiên thành".
Tuy trong lòng vui như mở hội, nhưng Mẫn cũng giả vờ càm ràm trước khi vào phòng ngủ:
- Mai mốt lại thêm một thằng giặc nữa ở trong nhà, đúng là tai bay vạ gió.
Châu lắc đầu, mỉm cười, nhìn cái dáng cao gầy của Mẫn khuất sau cánh cửa phòng màu vàng nhạt.
Cũng như mọi khi, tối nay Châu đã nằm dài trên giường đọc hết một quyển sách trong lúc mở một đĩa nhạc êm dịu để chờ giấc ngủ. Nhưng sau khi tắt đèn, tắt nhạc, Châu vẫn nằm trằn trọc, lăn qua lăn lại mãi, không thể ngủ được. Nàng bật đèn, trở dậy, mở computer đọc e-mail bạn bè. Nàng đọc đi đọc lại bức điện thư của Minh viết từ Việt Nam:
Châu thân mến,
Sau mấy ngày vui mừng, quấn quít với bố mẹ và những người thân trong gia đình, Minh đã đi thăm những nơi chốn xưa, những con đường cũ và gặp bạn bè trong xóm "Nhà lá" của chúng mình còn kẹt lại ở Việt Nam.
Cái cảm giác bơ vơ lạc lõng của Minh thật là khủng khiếp khi chứng kiến sự đổi thay của "Làng Mơ" năm xưa. Minh như chàng Từ Thức trở về trần từ cõi tiên. Chúng ta mất hết, chẳng còn gì! Chỉ còn lại một dấu vết duy nhất là cây phượng vỹ có anh nào khắc tên Châu trên đó, nơi gần trường học. Lúc này, đang là mùa hè nên hoa phượng nở đỏ rực cả một góc trời. Nếu mà có Châu ở đây, không biết Châu có hái thật nhiều hoa phượng để ép vào sách như ngày xưa không?
Đối với Minh, bây giờ Minh sợ cái màu đỏ ấy. Cái màu của lá cờ đã mang lại biết bao nhiêu đau thương tang tóc cho dân mình. Ngôi mộ chú Thanh hoang phế, cỏ dại phủ kín, vẫn nằm trơ vơ trên một khoảnh đất nhỏ hẹp. Cái ao nhỏ, nước trong veo mà ngày xưa có lần Châu đã trượt chân, ngã tùm xuống trong lúc rửa chén sau bữa ăn trưa của xóm "Nhà lá" khi vào làng làm công tác xã hội, nay đã bị lấp kín và cất trên đó mấy căn nhà gạch, mái ngói đỏ thẫm. Bác Bính, Bác Sơn ở gần chùa đã già lắm rồi và cuộc sống rất là khổ cực! Hai đứa con trai của bác Bính đã chết trong tù. Hai đứa con gái của bác Sơn cũng bị bắn chết trong một vụ vượt biên, thành ra hai bác ấy không có dịp làm xui gia với nhau như họ mong ước. Bác Sơn cho Minh địa chỉ của vợ chồng Hân ở Sàigòn. Minh đến gặp họ mà lòng quặn đau! Hân không còn là một bác sĩ đẹp trai, lém lỉnh, luôn luôn đội mũ, tay cầm cây gậy trúc và tự nhận mình là "Quý tộc" khi đi vào làng ngày nào. Bây giờ, Hân là một ông già đầu bạc, hom hem, lúc nào cũng toát ra hơi rượu nồng nặc. Gặp Minh, vợ Hân sụt sùi kể lể:
Sau khi mất Sàigòn, Hân vẫn được làm ở bệnh viện Từ Dũ. Nhưng họ không cho Hân đỡ đẻ mà giao cho Hân chuyên về nạo thai. Ngày nào về nhà Hân cũng uống rượu say mèm. Đêm đêm nằm ngủ, thỉnh thoảng Hân giật mình tỉnh dậy la lớn: "Tôi không muốn giết em! Tôi không muốn giết em đâu!”
Tình trạng càng ngày càng tệ nên nhà nước cho Hân nghỉ việc! Một mình tôi phải cáng đáng cái gia đình đông đúc này!
Vợ Hân đáng phục lắm Châu ơi! Một mình vừa đi dậy học vừa bán chợ trời, nuôi chồng nghiện ngập và bảy đứa con. Vậy mà theo lời kể của bạn bè, vợ Hân còn giúp đỡ tiền bạc cho các học trò nghèo nữa! Minh đang nghĩ là có lẽ bọn mình nên phụ giúp vợ Hân một tay trong việc làm đầy lòng nhân đạo này, Châu đồng ý không?
Chuyện Việt Nam phải kể cả ngày mới hết, hẹn Châu khi Minh trở lại Mỹ nhé!
Phương đã nói với Châu về việc bọn này nhờ Châu săn sóc giùm thằng Tân chưa? Được như vậy thằng Tân sẽ mừng lắm vì không phải chuyển trường và vợ chồng Minh cũng vui vì có dịp trở lại vùng Thủ đô thăm bạn tri kỷ.
Thân,
Minh
Châu tắt máy computer, tắt đèn, lên giường nằm, rồi chìm vào giác ngủ êm đềm và một giấc mơ tràn ngập hình ảnh bạn bè xóm "Nhà lá" tung tăng trên con đường làng trong những ngày đi làm công tác xã hội năm xưa.