Cuộc gặp gỡ “định mệnh” với nhỏ Oanh và nhỏ Diệp trên trường không ngờ lại trở thành “tai họa” đối với Tùng.
Với những chuyện như thế này, bọn con gái không thể nào giữ kín được. Ngay trưa hôm đó, nhỏ Diệp đã kể lại với Quý ròm, còn nhỏ Oanh kể lại với Tiểu Long.
Buổi chiều, khi đến kèm cho Tiểu Long học, nhỏ Hạnh liền biết tỏng hết những gì vừa xảy ra với thằng em mình ở trên trường.
Chiều tối, vừa về đến nhà, nhỏ Hạnh đã kêu Tùng ra.
- Giỏi nhỉ? Nhỏ Hạnh nheo mắt nhìn em, buông một câu gọn lỏn.
Tùng giật thót:
- Chị bảo giỏi gì cơ?
- Còn làm bộ làm tịch nữa hả? - Nhỏ Hạnh hừ giọng – Chả phải dạo này em giỏi đánh nhau với bạn là gì!
Câu nói của bà chị làm Tùng lạnh toát sống lưng. Thoạt đầu nó định chối biến nhưng sức nhớ chị mình vừa từ nhà nhỏ Oanh về, nó đâm xụi lơ:
- Tại bạn ấy chứ bộ! Ai bảo bạn ấy méc tội em với cô giáo!
Nhỏ Hạnh nghiêm nghị:
- Nhưng vấn đề là bạn ấy méc đúng không? Hay là bạn ấy bịa chuyện để nói xấu em?
- Tất nhiên là bạn ấy nói đúng! – Giọng Tùng xuôi xị – Nhưng...
- Em chả cần phải bào chữa! – Nhỏ Hạnh cắt ngang, rồi nó nói tiếp, giọng đe dọa – Chị sẽ kể chuyện này lại với ba mẹ!
- Chị đừng kể! – Mặt Tùng méo xệch – Ba mẹ mà biết em đánh nhau, em sẽ nhừ đòn mất!
- Em yên chí! Chị sẽ không méc ba mẹ về tội em đánh nhau đâu! Nhưng chị sẽ kể về chuyện em đã đối xử với con Tai To như thế nào!
Tùng nài nỉ:
- Chuyện này chị cũng đừng kể!
- Chị sẽ kể! – Nhỏ Hạnh nhún vai, giọng dứt khoát – Nếu chị không kể, con Tai To sẽ đến chết vì em mất!
- Chị chỉ nói! – Tùng phụng phịu – Em có làm gì đau đớn cho nó đâu!
Nhưng mặc cho Tùng van vỉ, lần này nhỏ Hạnh nhất quyết không bỏ qua. Nó kể tuốt tuột hết mọi chuyện với ba.
Tối đó, ba ngập ngừng bảo mẹ:
- Không ổn rồi em ạ!
- Gì cơ? – Mẹ không hiểu ba định nói gì.
Ba thở dài:
- Phải đem cho con Tai To đi thôi!
- Sao lại cho? – Mẹ ngạc nhiên – Nó đang sống yên ổn ở nhà ta kia mà?
Ba chép miệng:
- Ðó là em tưởng thế thôi!
- Sao lại tưởng? – Mẹ tròn mắt – Em chả hiểu gì cả!
- Như thế này này...
Ba “e hèm” một tiếng rồi chậm rãi thuật lại cho mẹ nghe những gì ba vừa biết về mối “quan hệ căng thẳng” giữa Tùng và Tai To. Kể xong, ba tặc lưỡi kết luận:
- Như vậy Tai To không thể tiếp tục ở lại đây được!
- Vấn đề nghiêm trọng đến thế ư? – Mẹ lộ vẻ băn khoăn.
- Dĩ nhiên rồi! – Ba bóp trán – Một đứa trẻ khi chưa học được cách yêu thương loài vật thì không nên sống chung với con Tai To!
Mẹ chớp mắt:
- Nhưng em nghĩ đây chỉ là trò đùa nghịch trẻ con đối với một con chó!
- Không hoàn toàn là như thế! – Ba khẽ lắc đầu – Với một con chó to lớn, một con bẹc-giê chẳng hạn, Tùng sẽ không bao giờ dám đùa nghịch với cái kiểu đã đùa nghịch với Tai To. Chuyện đó chỉ xảy ra với chú cún bé nhỏ, hiền lành nhà ta. Tất cả thoạt đầu chỉ là những trò chơi vô tâm và tự phát. Nhưng lâu dần sẽ hình thành nơi đứa trẻ khuynh hướng hiếp đáp những kẻ yếu hơn mình và thói quen thích thú khi làm những chuyện đó! Và điều đó vô cùng nguy hiểm cho việc phát triển và rèn luyện nhân cách!
Những phân tích của ba khiến mẹ giật mình, cảm thấy vấn đề đột nhiên trở nên quan trọng đến mức không thể cứu vãn. Trán mẹ nhíu lại:
- Nhưng Tai To là một con chó... ba màu!
- Chuyện đó thì em khỏi lo! – Ba chuyển qua giọng khôi hài – Anh và em cũng là những sinh vật ba màu đấy thôi! Riêng con mắt đã có hai màu đen trắng, thêm màu da vàng nữa là đạt yêu cầu “ba màu” rồi còn gì!
Câu bông đùa của ba làm mẹ bật cười. Nhưng rồi mẹ nghiêm mặt lại:
- Anh định đem con Tai To cho ai thế?
Ba gật gù:
- Anh sẽ gọi điện thoại cho chú Xuân!
- Chú Xuân chồng cô Lài ư?
Mẹ hỏi nhưng không cần ba trả lời. Chú Xuân là bạn ba, cũng làm nghề viết báo. Chú Xuân rất thích nuôi chó. Nhà chú hiện nay có đến hàng chục con là ít, trong đó gần phân nửa là những con chó hoang quen sống lang thang bờ bụi, một hôm đi lạc vào nhà được chủ nhân cho ăn uống tử tế, mến người mà ở lại.
Nhưng mặc dù đã có cả chục con chó trong nhà, mỗi lần đến chơi với ba, bao giờ chú Xuân cũng nằn nì hỏi xin Tai To. Chú bảo nhà chú lắm chó nhưng không có con nào đẹp như Tai To thật. Hễ thấy nó là chú ôm vào lòng vuốt ve nựng nịu, miệng không ngớt trầm trồ:
- Ôi, chú cún đáng yêu của ta!
Xin hoài không được nhưng chú Xuân vẫn thích gọi Tai To là “của ta”. Nhỏ Hạnh trêu chú, chú bảo gọi vậy cho “hên”. Và hôm nay thì chú Xuân hên thật. Khi nghe ba bảo sẽ gọi điện thoại nhắn chú Xuân đến đón Tai To, mẹ yên tâm ngay. Ai chứ chú Xuân thì mẹ không lo. Sống với chú, hẳn Tai To sẽ được chăm sóc chu đáo!
Trưa hôm sau, ba tuyên bố quyết định đem cho Tai To ngay trong bữa cơm.
Nhỏ Hạnh giãy nảy:
- Không được! Con không chịu đâu!
Nói xong, nó buông đũa, bưng mặt khóc thút thít. Hôm qua khi kể lại mọi chuyện với ba, nhỏ Hạnh hoàn toàn không nghĩ ba sẽ đi đến một quyết định như thế.
Không chỉ nhỏ Hạnh, mặt dì khuê cũng buồn dàu dàu. Dì không vùng vằng phản đối như nhỏ Hạnh, mà nhìn ba ngẩn ngơ:
- Sao thế hở anh?
Ba nhìn Tùng, nói bằng giọng trào phúng:
- Ðơn giản là Tùng với Tai To không thể sống chung với nhau được! Người ta bảo hai con hổ không thể sống chung một rừng mà lại!
Ba cố làm ra vẻ khôi hài nhưng chẳng ai cười. Mọi người đang rầu rĩ vì sự ra đi của Tai To. Ngay cả Tùng cũng không cười, nó mím môi lại, hiểu rằng mọi chuyện thế là vỡ lở và thất thỏm không biết ba mẹ sẽ xử trí với nó như thế nào.
Nhưng dường như ba chẳng tỏ vẻ gì muốn phạt Tùng. Sau khi giải thích với dì Khuê về lý do ra đi của Tai To, ba bưng chén lên đủng đỉnh và cơm và bắt đầu nói sang đề tài khác.
Thái độ của ba cho biết câu chuyện về Tai To coi như đã xong, không cần phải bàn cãi gì nữa.
Mọi người không bàn cãi, nhưng không vì thế mà không khí bớt nặng nề. Biết mẹ, dì Khuê và nhỏ Hạnh rất yêu quí Tai To và việc Tai To ra đi chắc chắn làm mọi người nẫu ruột, ba cố kể những mẩu chuyện vui, thỉnh thoảng chêm vài lời pha trò, nhưng mọi người đều hưởng ứng một cách uể oải, gượng gạo.
Nhỏ Hạnh cứ gằm đầu vào cái chén trên tay, vừa ăn vừa sụt sịt. Dì Khuê rệu rạo nhai cơm, mắt đỏ hoe. Riêng mẹ từ đầu đến cuối không thốt một lời nào, chốc chốc lại buông ra những tiếng thở dài não nuột.
Tùng không buồn một tẹo nào trước sự ra đi của Tai To nhưng thấy ai nấy đều xụi lơ, nó bỗng đâm ra bứt rứt. Nó có cảm giác nó chính là kẻ đem lại nỗi phiền muộn cho mọi người.
Liếc lại đằng góc phòng, thấy Tai To đang nằm hiền lành, mõm gối lên hai chân trước, ngoan ngoãn chờ tới giờ ăn của mình, Tùng chợt thấy tội tội. Ừ nhỉ, thằng quỷ con này có lúc trông cũng đáng yêu ra phết!
Tai To dường như cũng linh cảm được sự ra đi của mình. Mặt nó buồn rười rượi khiến Tùng bất giác cảm thấy nao nao. Khi cả nhà ăn xong, dì Khuê đem phần cơm dành riêng cho nó đặt ngay trước mõm, thái độ của nó cũng chẳng vồ vập như mọi bữa. Tai To chỉ khẽ ve vẫy đuôi, gí mũi vào đĩa thức ăn hít hít hai, ba cái rồi ngoảnh đầu đi chỗ khác hệt như một đứa bé hờn dỗi.
Dì Khuê ngồi xổm bên cạnh, tay không ngớt vuốt ve bộ lông mềm mại của Tai To, miệng dỗ dành:
- Ăn đi cưng! Ăn đi mà!
Rồi thấy Tai To vẫn hờ hững, dì chép miệng trấn an:
- Mày đừng lo! nói vậy chứ không ai nỡ đem cho mày đâu! Ăn đi!
Dì Khuê nói với Tai To nhưng Tùng có cảm giác như dì đang trách móc mình. Nó đang nhột nhạt, chưa biết nên ngồi lại hay bỏ đi, đã nghe nhỏ Hạnh tiếp lời:
- Ráng ăn một chút đi Tai To! Rồi chị sẽ năn nỉ ba mẹ giữ cưng lại! Ở nhà này chỉ có một người ghét bỏ cưng thôi, còn những người khác ai cũng thương cưng hết ấy!
Câu nói của bà chị làm Tùng tức anh ách. Nó sầm mặt:
- Chị ám chỉ ai vậy?
Nhỏ Hạnh nghinh mặt:
- Người nào thường bắt nạt Tai To thì người đó tự biết lấy! Hỏi làm chi!
Nhỏ Hạnh thường ngày vốn ăn nói nhỏ nhẹ. Bữa nay đang ấm ức về chuyện Tai To sắp bị đem cho, nó đâm gắt gỏng, chẳng buồn nương nhẹ với “thủ phạm”.
Thấy bà chị nổi khùng, lại có dì Khuê ngồi bên sẵn sàng... nổi khùng theo, Tùng không dám nói đi nói lại. Nó mím môi ngồi im một cách tức tối.
Lúc nãy, thấy cả nhà từ người tới vật ai nấy đều buồn thỉu buồn thiu trước cảnh “sinh ly tử biệt”, Tùng không ngăn được xao xuyến. Nó định bụng chờ đến tối sẽ thủ thỉ xin mẹ cho Tai To ở lại. Nó sẵn sàng hứa với mẹ là sẽ không bao giờ hành hạ con Tai To nữa. Nó sẽ yêu thương Tai To như mọi người yêu thương...
Nhưng đó là lúc nãy. Bây giờ những ý định đẹp đẽ đó đã nhanh chóng tan biến sau khi hết bà dì tới bà chị thi nhau xiên xỏ, chì chiết nó.
Thế đấy! – Tùng cay đắng nhủ thầm – Mọi người luôn luôn “coi trọng” con Tai To hơn mình! Hễ có chuyện gì dính dáng đến Tai To là mình bao giờ cũng bị trách mắng. Mà Tai To là gì? Nó chẳng là gì cả! Nó chỉ là một con cún thôi. Cũng như mọi con cún khác trên đời. Tai To đâu phải là một con cún bằng vàng!
Tùng càng nghĩ càng cảm thấy ghen tức. Và nó quyết định mặc kệ mọi chuyện. Tai To cứ việc cuốn gói ra khỏi nhà. Nó đến ở với chú Xuân chứ có phải đến chỗ chết đâu mà phải lo cuống lên.
Chú Xuân xuất hiện ngay chiều hôm sau. Buổi trưa vừa nhận được cú điện thoại của ba, đầu giờ chiều chú đã đứng ngay trước của lưới, đập rầm rầm:
- Nào, nào! Mở cửa đi nào!
Vừa thấy ba bước ra, chú đã reo ầm:
- Ôi, ông anh ơi! Tôi có nghe nhầm không đấy! Ông anh định tặng con Tai To cho tội thật à?
Ba mở rộng cửa, mỉm cười:
- Mời vào! Nếu không thật thì tôi chả gọi chú làm gì!
Ba nói rõ ràng như thế mà chú Xuân vẫn chưa tin. Chú nhúc nhích hai hàng ria mép, bỡ ngỡ hỏi:
- Nhưng tại sao ông anh lại nghĩ ra được một quyết định tuyệt diệu như thế? Thần linh mách bảo à?
- Chả thần linh nào mách bảo cả! – Ba tặc lưỡi – Không thích nuôi nữa thì tặng quách cho chú rồi!
Ðang nói, ba chợt nhìn thấy sợi dây chú Xuân vẫn cầm trên tay nãy giờ:
- Chú mang theo cái gì thế?
- À! – Chú Xuân giũ sợi dây dài ra – Ðây là sợi xích bằng da!
Rồi chú rút từ trong túi quần ra một cái vòng nhỏ cũng bằng da thuộc:
- Còn đây là cái vòng đeo cổ!
Và chú cười khoe chiếc răng sún:
- Tôi sẽ dắt bộ con Tai To về nhà!
- Dắt bộ? – Ba ngạc nhiên.
Ba ngạc nhiên là phải. Nhà chú Xuân thuộc một quận vùng ven, ở bên kia kinh Tàu Hủ. Thực ra nhà chú Xuân cách nhà Tùng không xa lắm, khoảng gần hai cây số, chỉ quẹo chừng bốn, năm cua đường là tới. Nhưng đấy là nói lúc chạy xe. Còn đi bộ thì lại là chuyện khác, xa lăng lắc. Ðó là chưa kể còn phải qua đò. Vì vậy, nghe chú Xuân bảo sẽ cùng với Tai To đi bộ về nhà, ba tưởng chú nói đùa.
Nhưng chú Xuân không đùa.
- Tôi nói dóc với ông anh làm chi! – Chú nói – Khi nãy tôi đi xích-lô từ bến đò Cây Me tới đây chứ đâu có cỡi xe gắn máy!
Rồi trước vẻ mặt ngơ ngác của ba, chú hào hứng giải thích:
- Có gì lạ mà ông anh phải trố mắt lên như thế! Một trong những cái thú của người nuôi chó là dắt chúng dạo chơi dung dăng dung dẻ ngoài phố! Nhất là với một con chó xinh xắn như con Tai To này! Tại ông anh ít nuôi chó nên ông anh không biết đấy thôi!
Nói xong, chú quay mặt vào nhà trong kêu lớn:
- Nào, Tai To đâu! Ra đây chúng ta đi bát phố một vòng nào!
Thường, mỗi khi chú Xuân đến chơi, Tai To bao giờ cũng mừng rỡ chạy ra đón và quấn quít hàng giờ bên chú. Nhưng hôm nay chẳng thấy tăm hơi nó đâu. Thậm chí, chú gọi đến bốn, năm tiếng, Tai To vẫn không buồn đáp lại. Cứ như thể nó đi vắng đâu cả tuần nay rồi.
Ba và chú Xuân đi xuống nhà sau.
- Con Tai To đâu rồi dì? – Ba hỏi dì Khuê.
Dì Khuê vẫn cúi mặt trên rổ rau, giọng thật như đếm:
- Em không biết! Từ trưa đến giờ em chẳng thấy nó đâu!
Ba biết thừa là dì Khuê nói dối nhưng ba không buồn gạn hỏi. Ba ngoắt chú Xuân, cả hai lui cui sục sạo trong các ngóc ngách.
Chú Xuân vừa đảo mắt dò tìm vừa cất giọng ngọt ngào:
- Tai To ới ời! Tao có miếng thịt bò cho mày đây này! Mày không ra thì tao ăn mất đấy!
Chốc chốc chú lại đổi “tông”:
- Á, à, tao biết mày nấp ở đâu rồi! Mày không ra thì tao chui vào tao... nấp chung với mày đấy!
Từ khi chú Xuân đập cửa, Tùng chui ngay vào phòng ngủ. Nó không dám lởn vở ở nhà ngoài, sợ sẽ bắt gặp ánh mắt oán trách của dì Khuê và nhỏ Hạnh.
Tùng đứng đằng sau bức vách, áp tai vào khe hở tò mò theo dõi cuộc đối đáp giữa ba và chú Xuân. Ðến khi nghe chú Xuân giở giọng bông lơn gọi Tai To, nó phải cố lắm mới khỏi phì cười.
- Tai To ơi hỡi Tai To! – Chú Xuân lại cất giọng ngâm ngợi – Nếu nghe tao gọi thì lòi đuôi ra!
Nhưng mặc cho chú giở trò, Tai To vẫn biệt dạng. Nó chẳng thò đuôi cũng chẳng thò đầu. Chỉ có Tùng là khổ sở vì phải cố nhịn cười.
- Chắc nó ở đâu trên gác! – Ba nói.
Và trước khi quay đi, không hiểu nghĩ sao ba bỗng hắng giọng nói:
- Tai To! Ra đây bảo nào!
Ba vừa dứt lời bỗng có tiếng ư ử phát ra từ trong chạn đựng chén bát.
Linh cảm được chuyện chẳng lành, từ khi được dì Khuê giúi vào trong chạn, Tai To nằm im thít giữa đống chén như một cục bông. Từ trước đến nay nó vẫn yêu mến và quyến luyến chú Xuân nhưng hôm nay tiếng gọi quen thuộc của chú không hiểu sao lại làm nó lo lắng. Khi nghe tiếng chân của chú đến gần, nó hồi hộp thu người lại, cố không động đậy, thâm chí gần như không cả thở.
Nghệ thuật bất động của Tai To phải nói là đã đạt đến mức hoàn hảo. Chỉ đến khi nghe tiếng gọi của chủ thì nó mới bồn chồn bật lên tiếng rên khẽ.
Tiếng rên của Tai To làm dì Khuê tái mặt. Còn chú Xuân thì tươi hơn hớn. Chú mở cửa chạn, cúi đầu nhìn vào:
- A ha! Thì ra chú mày chơi trò đi trốn đi tìm ở trong này!
Nhưng chú chưa kịp thò tay vào thì nhỏ Hạnh ở trên gác bất thần phóng vèo xuống.
- Ðừng, chú ơi! – Nó chạy bổ lại và kêu lên bằng giọng nức nở đến tội – Chú đừng bắt con Tai To của cháu!