Dì Khuê chỉ dọa.
Tùng thở phào khi thấy chiều hôm đó, cả mẹ lẫn chị Hạnh chẳng ai hỏi tội nó.
Cả những ngày hôm sau nữa cũng vậy.
Như vậy dì Khuê đã chẳng hề hé môi về chuyện nó và Ðạt hành hạ Tai To. Dì không tố cáo nó nhưng mỗi khi ngồi vào bàn ăn, dì nhìn nó gườm gườm khiến nó cứ thắc tha thắc thỏm.
Gặp nó trên trường, Ðạt hỏi:
- Bét đít hả mày?
Tùng cười tươi:
- Dì tao chỉ hăm he thế thôi!
Ðạt tròn mắt:
- Dì mày không nói gì cả à?
- Không! Nhưng dì ngó tao lườm lườm làm tao hãi quá! – Tùng vừa nói vừa rụt cổ.
Ðạt nhếch môi:
- Ngó thì ăn thua gì! Roi đét vào mông thì mới sợ!
Ðạt nói đúng. Roi đét vào mông thì mới sợ. Roi không đét vào mông nên chừng ba bữa sau, khi mọi chuyện đã bắt đầu nguội dần, Tùng lại nháy mắt rủ Ðạt về nhà. Và hai đứa lại thập thò lôi con Tai To ra đùa nghịch.
Nhưng như ông bà vẫn nói, đi đêm lắm thế nào cũng có ngày gặp ma. Và lần này thì hậu quả tệ hại hơn nhiều.
Hôm đó, nhân được nghỉ học sáng thứ năm, Tùng và Ðạt lại tụ tập nhau bày ra đủ trò. Lúc này, khung cảnh chung quanh thật là “lý tưởng”: ba mẹ và chị Hạnh đều đi làm đi học, dì Khuê thì xách giỏ đi chợ lâu lắc mới về, bọn trẻ tha hồ nghịch mà chẳng sợ ai dòm ngó, can thiệp.
Con Tai To hôm đó đúng là bị “sao quả tạ” chiếu mạng. Thoạt đầu nó bị Tùng và Ðạt bắt làm trò “đứng hai chân”. Hai chân sau chống xuống đất, hai chân trước yên như vậy, khi nào cho xuống mới được xuống. Nếu chưa được cho nghỉ mà bỏ chân xuống là ăn đòn.
Lúc mới bị nhấc bổng hai chân trước đặt trên mặt ghế, Tai To chẳng phàn nàn hay phản đối gì. Nó thấy trò này chẳng có gì cực nhọc, lại còn có vẻ hay hay. Ừ, lâu nay vẫn đi lại bằng bốn chân, nay chỉ “xài” hai chân thôi xem thử nó có gì đặc biệt không! Nghĩ vậy nên Tai To lẳng lặng làm theo mệnh lệnh của hai ông nhóc, thậm chí nó còn khoái chí vẫy đuôi nhè nhẹ.
Nhưng đứng theo tư thế “đặc biệt” đó một hồi, Tai To phát hiện ra cái trò này không “hay hay” như nó tưởng. Hai cẳng chân sau càng lúc càng mỏi, hệt như đang phải đỡ một cục sắt trên vai.
Tai To cụp đuôi xuống và liếc mắt sang hai bên ra ý hỏi. Nhưng Tùng và Ðạt cứ ngồi thô lố mắt ra nhìn nó, chẳng nói năng gì.
Không biết làm sao, Tai To đành cố gượng thêm một lúc. Nhưng rồi cặp giò ê ẩm quá xá, Tai To lại ngoảnh cổ nhìn cậu chủ nhỏ, lần này vừa nhìn nó vừa rên ư ử ra ý van xin.
Tùng liếc Ðạt:
- Nó xin xuống đấy!
- Ðừng cho xuống! – Ðạt nhún vai – Ðể xem nó chịu đựng được bao lâu!
Ðạt vừa bảo “để xem” thì Tai To cho nó xem liền. Tai To rón rén bả một chân ra khỏi ghế. Rồi vừa giữ cả thân mình bằng một chân nó vừa khẽ ngọ ngoạy đầu lấm lét nhìn quanh xem thử có ai phát hiện ra hành động phi pháp của nó không.
Khi chẳng thấy ai phiền trách gì, Tai To lẳng lặng và rụt rè bỏ nốt chân kia xuống. Nhưng nó chưa kịp mừng thì Ðạt đã một tay tóm lấy cổ nó, tay kia đét vào mông đít:
- Này, này, tưởng bọn tao không thấy mày giở trò hả? Ðặt hai chân lên!
Vừa nói Ðạt vừa tóm lấy hai chân trước của Tai To đặt lại trên mặt ghế.
Biết lỗi, Tai To không dám phản kháng. Nhưng chỉ một lát sau, không gắng gượng nổi, nó lại đánh liều bỏ chân xuống đất. Ðạt và Tùng lại “bộp” vào mông nó và lôi người nó lên.
Cứ thế, trò này lặp đi lặp lại cả chục lần, lên lên xuống xuống. Riết, Tùng đâm chán. Nó nhìn Ðạt:
- Còn trò gì hay hơn không?
- Còn! Có một trò hay lắm!
Ðạt nhanh nhẩu đáp, và nhìn ra cửa, hỏi:
- Dì Khuê mày sắp về chưa?
Tùng dòm đồng hồ trên tường:
- Mày yên tâm! Còn lâu lắm!
Ðạt gật gù:
- Nhà mày có lon sữa bò không?
- Có!
Tùng gật đầu, rồi hỏi ra vẻ hiểu biết:
- Mày định chơi trò cho nó uống sữa hả?
- Nếu vậy đâu gọi là trò! – Ðạt nhăn mặt – Tao hỏi là hỏi lon sữa rỗng kìa! Chạy kiếm cho tao hai lon!
Chẳng biết bạn mình định làm trò gì nhưng Tùng không hỏi. Nó chạy vù xuống bếp, sục sạp một hồi rồi cầm lên hai lon sữa rỗng.
- Kiếm một cọng kẽm và chục cọng thun nữa! – Ðạt phán tiếp.
Một lát, Tùng cầm nguyên một nắm vừa dây kẽm vừa dây thun đem lại.
- Có búa đinh không? – Ðạt lại hỏi.
- Có! Chi vậy?
- Thì mày cứ đem lại đây đi!
Tùng chạy đi lấy búa và đinh. Xong, nó đặt tất cả trước mặt Ðạt rồi chống tay lên đầu gối đứng dòm. Nhưng Ðạt không để cho nó làm “khán giả”:
- Mày giữ chặt chiếc lon giùm tao chút!
Sau khi Tùng hai tay “ốp” chặt chiếc lon, Ðạt bắt đầu kê mũi đinh vào và bặm môi đóng mạnh.
Một lát sau, mỗi chiếc lon đã bị đục thủng hai lỗ nhỏ sát mép. Ðạt lấy cọng kẽm xuyên qua từng chiếc lon rồi buộc vào cọng thun. Sau đó nó nối từng cọng thun cho sợi dây dài ra rồi quay sang Tùng ra lệnh:
- Mày ôm con Tai To lại đây!
- Mày định làm trò gì thế?
- Thì mày cứ ôm nó lại đây đi! Trò này vui lắm!
Từ khi nhác thấy Tùng và Ðạt loay hoay chuẩn bị “dụng cụ”, Tai To đã đánh hơi được sự nguy hiểm nên vội vàng lủi tuốt vào đằng sau đống gỗ trong bếp.
Khi Tùng lôi nó ra, Tai To vừa kêu ăng ẳng vừa ra sức giãy giụa nhưng chẳng làm sao đào thoát được.
Lên tới nhà trên, thấy Ðạt cầm lăm lăm hai chiếc lon sáng chóe và sợi dây thun dài ngoằng, Tai To càng hoảng hốt vùng vẫy và khi biết không thể bỏ chạy được thì nó chúi đầu rúc sâu vào người cậu chủ nhỏ một cách vô vọng như cố kiếm tìm một chỗ ẩn nấp tạm bợ nào đó.
Thấy vậy, Tùng hơi động lòng liền hỏi Ðạt:
- Trò này có làm Tai To đau lắm không?
- Chả đau tí ti ông cụ nào cả! Chỉ hãi đến són đái ra thôi!
Vừa nói Ðạt vừa buộc đầu kia của sợi thun vào đuôi Tai To.
- Xong rồi! – Ðạt bảo Tùng – Bây giờ mày thả con Tai To ra và đét mạnh vào mông nó một phát!
Tùng liền làm theo chỉ dẫn của bạn.
Bị đánh, Tai To kêu “ẳng” một tiếng và cong đuôi chạy.
Khốn khổ cho Tai To, hai lon sữa rỗng buộc liền sau đuôi nó vừa chạm xuống sàn gạch bông vừa va vào nhau kêu leng keng khiến nó hồn vía lên mây cứ cắm cổ phóng thục mạng. Nhưng nó càng chạy quýnh chạy quáng thì hai chiếc long lại càng va quệt phải đủ thứ đồ vật linh tinh và cái tiếng rổn rảng sau lưng nó không những không mất đi mà mồi lúc càng vang dội điếc tai hệt như có một con quái vật ghê rợn nào đang rượt bén gót và sắp sửa ngoạm đứt đầu nó vậy.
Tai To kinh hoàng phóng từ nhà ngoài vô nhà trong, từ nhà trong ra nhà ngoài, chồm cả lên ghế, phóc cả lên đi-văng, nước tiểu vãi thành vệt dài.
Hoạt cảnh trước mắt khiến hai ông nhóc ôm bụng cười ngặt cười nghẽo, cười chảy cả nước mắt. Ðạt khoái trá :
- Thấy chưa! Tao đã bảo nó sẽ hãi đến són đái ra mà!
Tùng chùi nước mắt, chưa kịp lên tiếng phụ họa thì từ ngoài cửa bỗng vang lên giọng nói đầy bất mãm:
- Các bạn chơi ác thế mà còn cười được hở?
Tùng và Ðạt giật mình quay ra.
Ðứng lù lù bên ngoài tấm cửa lưới là Nghị và Cúc Phương. Chả rõ tụi nó đến từ lúc nào. Ðứa vừa lên tiếng là nhỏ Cúc Phương. Nó đang bám tay vào những ô mắt cáo trên tấm lưới, hậm hực nhìn vào nhà.
Nguyên nhà Tùng có hai lượt cửa. Bên ngoài là lớp cửa lưới, bên trong là lớp cửa kính, cách nhau bởi một khoảng hiên hẹp nơi mọi người để giày dép.
Ổ khóa chính gắn trên cửa lưới. Những khi ở trong nhà, mọi người thường cẩn thận bấm ổ khóa này, còn cửa kính bên trong vẫn mở toang để nhà cửa sáng sủa và thông thoáng.
Hôm nay lẽ ra Tùng phải đóng kín cả hai lớp cửa để tránh bị ba hoặc dì Khuê về thình lình bắt gặp. Nhưng do chủ quan và mải đùa nghịch, Tùng quên béng đi mất. Nó chỉ khóa mỗi lớp cửa lưới theo thói quen.
Nhưng rốt cuộc ba và dì Khuê chẳng thấy đâu, chỉ thấy hai tên “khó chịu” này lò dò dẫn xác đến.
Nghe Cúc Phương lên giọng phê bình, Ðạt chõ mồm ra “hứ” một tiếng:
- Ác đâu mà ác? Tai To chỉ hoảng lên thôi chứ có đau đớn gì đâu!
- Như vậy còn gấp mấy lần đâu đớn! – Cúc Phương nhăn mặt – Các bạn tháo mấy chiếc lon ra đi!
Lúc này Tai To đã nhảy xuống khỏi đi-văng phóng luống cuồng quanh nhà, tiếng ăng ẳng đầy hãi hùng pha lẫn tiếng kim loại leng keng tiếp tục vang lên không dứt.
Nhưng bất chấp vẻ sốt ruột của hai đứa đứng ngoài, Ðạt nhâng nháo:
- Các bạn có ngon thì vào mà tháo!
Vừa nói nó vừa vênh mặt lên, nếu có râu thì nó đã vểnh cả râu lên rồi.
Nhỏ Cúc Phương tức tối đập tay rầm rầm vào cánh cửa:
- Vậy mở cửa ra đi!
Bị bắt quả tang đang hành hạ con Tai To, Tùng xấu hổ làm thinh nãy giờ. Nhưng thấy nhỏ Cúc Phương hết lên án lại gây áp lực, cứ như thể nó là công an đi bắt kẻ gian, Tùng thẹn quá hóa giận, cau mày sừng sộ:
- Không mở!
Nhỏ Cúc Phương tông cửa một cái ầm:
- Mở!
Thái độ hung hăng của nhỏ Cúc Phương làm Tùng thêm cáu.
- Bạn phá nhà tôi hả?
Miệng Cúc Phương mếu xệch:
- Bạn có mở cửa không?
Giọng của nó đã bắt đầu nhòe nước mắt, lần này nghe như một lời năn nỉ hơn là một mệnh lệnh. Nhưng đang nóng tiết, Tùng gạt phắt:
- Không! Nhà tôi, tôi muốn mở lúc nào tôi mở, chẳng phải nghe theo lệnh của ai hết!
Nghị nãy giờ không nói gì, nay thấy tình hình có vẻ căng thẳng liền kéo áo Cúc Phương:
- Thôi, tụi mình về đi!
Rồi nó quay lại nhìn Tùng và Ðạt, trợn mắt đe:
- Các bạn nhớ đấy nhé! Chuyện này chưa xong đâu đấy!
Ðạt chìa cùi chỏ:
- Thách mày làm gì được tụi này!
Nhưng Nghị không buồn cãi nhau với Ðạt. Nó hầm hầm bỏ đi, theo sau là nhỏ Cúc Phương vừa tấp tễnh bước vừa không ngừng đưa tay lau nước mắt.
Tưởng Nghị đe chơi cho sướng miệng, không ngờ nó làm thật. Tất nhiên nó chẳng làm chuyện gì ghê gớm. Nó chỉ “trả thù” bằng cách ngay ngày hôm sau nó đem chuyện Tùng và Ðạt lôi con Tai To ra hành hạ như thế nào kể lại cho mấy đứa bạn trong lớp nghe.
Giờ ra chơi, Tùng khều Ðạt, lo lắng thông báo:
- Tụi nó nghe lời thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương lên án tụi mình quá mày!
- Lên án sao?
Tùng liếm môi:
- Tụi nó bảo hai đứa mình là... đồ dã man!
- Ối dào! – Ðạt thở hắt ra – Tụi nó có miệng tụi nó muốn nói gì chẳng được, hơi đâu mà để ý!
Mặt Tùng vẫn bần thần:
- Sao tao cứ thấy lo lo là!
- Việc quái gì phải lo! – Ðạt trấn an – Cậu tao hành con Mi-na nhà tao đến ị vãi cả ra quần mà có ai làm gì cậu ấy đâu!
Ðạt đem cậu mình ra làm dẫn chứng mong Tùng yên tâm nhưng lại làm thằng này thô lố mắt ra:
- Chó nhà mày biết... mặc quần?
- Bậy! Nó ị ra quần của cậu tao ấy!
Tùng bật cười:
- Vậy mà tao cứ tưởng!
Ngay lúc đó, Tùng không biết đó là một trong những nụ cười hiếm hoi của nó kể từ giây phút đó.
Suốt trong giờ chơi, chẳng đứa bạn nào bén mảng lại gần Tùng và Ðạt, kể cả những đứa trước nay vẫn thường rủ Tùng và Ðạt nhập bọn chơi đá cầu hoặc đánh bi. Cho đến khi tiếng trống vào học vang lên vẫn chỉ có độc hai đứa lẩn quẩn bên nhau.
Thoạt đầu Tùng không có cảm giác gì rõ rệt lắm, nhưng khi vào lớp, thấy những đứa bạn mới hôm qua đây thôi vẫn thường quay sang nó mượn gôm, mượn thước hôm nay bỗng dưng không hỏi han gì đến nó, những đứa lắm chuyện bàn trên ưa quay xuống xầm xì tán dóc cũng tự nhiên đâm ra “đứng đắn” không thèm ngoảnh tới ngoảnh lui nháy nhó với nó như mọi bữa, Tùng đâm ra ngờ ngợ.
Liếc sang dãy bàn bên kia, Tùng nhận ngay ra Ðạt cũng đang lâm vào tình cảnh hệt như vậy. Ðạt ngồi trơ vơ giữa lớp như ngồi trên một hoang đảo. Chẳng đứa nào bắt chuyện với nó. Buồn ơi là buồn!
Thế là tụi trong lớp “tẩy chay” mình và thằng Ðạt rồi! Tùng chột dạ nghĩ. Từ lúc đó, đầu óc Tùng cứ lơ lơ lửng lửng, chẳng nghĩ ngợi được điều gì ra hồn, lời cô giảng cũng chui vào tai này ra tai kia lúc nào chẳng biết.